PDA

View Full Version : Lặn Lội Theo Chồng



Longhai
04-22-2013, 12:11 AM
Lặn Lội Theo Chồng


Lấy chồng thì phải theo chồng.
Chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo.
(Ca dao)


Chuyến nầy tôi về thăm quê rồi qua Mỹ theo chồng.

Đường về quê tôi không dễ gì. Từ Saigon đi máy bay - Có lẽ đi xe hơi cho đỡ tốn tiền -, ra Huế. Rồi tôi đi xe đò về Quảng Trị. Từ đó, tôi cuốc bộ hơn mười cây số mới tới được làng. Về làng, trước hết, tôi đi về hướng đông, tới làng Trí Bưu, qua đò Ba Bến trên sông Vĩnh Định, về Thâm Triều, qua Ngô Xá, - làng nhạc sĩ Lê Cao Phan đấy -, rồi lội về Chợ Cạn - Chỗ nầy trong cả hai cuộc chiến tranh trước đây là chiến trường dữ dội. Từ Chợ Cạn, tôi đi bộ về hướng Nam, dọc theo bờ biển, khoảng 5 cây số mới tới làng tôi, làng Linh Chiểu, phủ Hải Lăng; ấy là gọi theo trong giấy khai sinh của tôi vậy.

Làng tôi là làng biển, chỉ toàn cát trắng - “Quê em nghèo cát trắng, tóc em lúa vừa xanh”, người ta hát như vậy. Nhà tranh vách đất, sơ sài, nghèo đói. Nhưng tôi cũng về. Về làng quê nghèo, buồn lắm, nhưng tôi cũng phải về. Tôi về để xây mộ cho mẹ tôi. Bãi tha ma làng nằm trên đồi cát, không xây, gió thổi cát bay lạc mất dấu, rồi sau biết đâu mà tìm ! Chuyến nầy tôi đi Mỹ theo chồng, lâu lắm mới về, có thể không về. Lâu về hay không về, bỏ mồ mả cho ai ? Ba tôi qua đời đã không có mồ mả gì cả rồi. Đó là nỗi đau triền miên của mẹ tôi cho tới khi mẹ tôi qua đời.

Ba tôi đi lính khi tôi mới ba bốn tuổi gì đó, làm tay chân cho một ông Tỉnh trưởng. Năm có vụ Ba Lòng xảy ra, ông Tỉnh trưởng biểu ba tôi cầm thư lên liên lạc với đồng chí của ông đang kéo quân lên trên đó. Thế rồi vụ Ba Lòng bị dẹp tan. Ba tôi có đi mà không có về. Ông Tỉnh trưởng bị mất chức rồi bị tù. Mẹ tôi một tay hai đứa con dại, - Tôi và đứa em trai - lại là đàn bà nhà quê, biết tìm kiếm ai mà hỏi ba tôi chết lúc nào, ngày nào, chôn ở đâu để lo ngày kỵ giỗ.

Được ít lâu, ông Tỉnh trưởng ra khỏi tù. Ông thầy thương đệ tử, cũng có cho người đi hỏi giùm tin tức ba tôi. Nhưng rồi cũng chịu. Những người lãnh đạo vụ Ba lòng đều bị giết cả. Những ai còn lại thì cũng bị tù, hoặc trốn khỏi quê nhà, thất tán, biết có ai đâu mà hỏi.

Thương tình cảnh mẹ tôi nghèo đói, ông tỉnh trưởng nhận tôi làm con nuôi. Thế là lúc hơn mười tuổi, tôi rời quê, xa trường tiểu học Chợ Cạn, vào Huế làm con nhỏ học sinh trường Hương Giang, được ăn mặc lành lặn, được ăn no, được ngày ngày cắp sách đến trường. Đó cũng là nhờ “Tình thầy trò” của ông thầy cũ với ba tôi là trò của ông.

Ông cựu Tỉnh trưởng, nay làm Giáo sư cũng là người lạ đời. Ông bà chỉ có hai người con trai. Nhà đã không giàu mà lại nuôi thêm ba đứa cháu, người gọi bằng bác, người gọi bằng chú, chưa kể tôi là con gái con của đệ tử ông. Lương giáo sư dạy tư, lại con cháu đông, nhà không có hương hỏa ông bà để lại nên hễ gần cuối tháng là chúng tôi “ăn chay”, - như ông thường nói đùa. Thế là tôi được bà biểu đạp xe qua nhà bà tham Hàm, bạn của ông, mượn tiền về đi chợ đỡ, chờ ngày lãnh lương. Việc cứ xảy ra đều đều, tháng nào cũng như tháng đó. Vậy mà trong nhà lúc nào cũng vui. Trước hết là vì tất cả các con và cháu ông bà đều học giỏi - Sau nầy có tới ba người đậu Bác sĩ - hai là vì tính ông cởi mở, vui vẻ. Mỗi ngày lọc cọc đạp xe đến trường hai lần, ông thầy giáo cựu Tỉnh trưởng vẫn tươi tỉnh. Đi dạy về mệt, ông nằm nghỉ, rồi đọc báo, đọc sách, nghe radio, nhắc chừng con cháu học hành, v.v.. Bà thì lo nấu ăn. Đi chợ và giặt giũ thì có chị ở lo.

Một năm, đang học trung học, nghỉ hè, về quê ở với mẹ, tôi thấy thương mẹ quá ! Mẹ tôi vẫn ở làng, quê mùa, vất vả. Làng tôi là vùng đồi cát, ít ruộng, lại bị cát trắng xâm thực, lúa không đủ ăn. Nhà nào có sức thanh niên, làm nghề biển, cũng khá đôi chút. Nhưng tới mùa đông, biển động, không đi biển được thì nhà nào cũng đói như nhà nào.

Đang mùa hè mà nhà tôi đã khó khắn lắm, mẹ tôi phải ra bờ biển cào hào để bán lấy tiền mua gạo. Vậy mà mẹ tôi dấu tôi việc ấy đấy. Một buổi sáng thức dậy, trời mới sáng. Mặt trời vừa nhô lên khỏi mặt biển chưa tới con sào. Thấy vui vui trong lòng, tôi đi ra bờ biển. Bờ biển nằm bên kia dãy đồi cát. Tôi đi lên đồi, mỗi bước chân đều bị cát chuồi đẩy lùi lại. Tôi lại rán đi lên. Gió buổi sáng từ biển đông vào mát rợi, làm cho tôi thấy lòng mình phơi phới và thích thú. Lên tới đỉnh đồi, tôi nhìn ra bãi. Người làng tôi đang cào hào chỗ giáp bờ nước. Kẻ cào tới, người cào lui, thật vui. Bỗng tôi chú ý nhìn kỹ dáng dấp một người đàn bà. Ai như mẹ tôi vậy ? Tôi không tin mẹ tôi khổ đến như thế. Công việc nầy, từ rất lâu, là việc của những người nghèo tận cùng trong làng. Vậy mà bây giờ mẹ tôi làm cái công việc ấy đấy. Đúng là mẹ tôi đang cào hào. Tôi bỗng muốn khóc vì thương mẹ. Nhà tôi nghèo đến vậy hay sao?! Đã mấy năm xa nhà, tôi không ngờ tình cảnh mẹ tôi thê thảm đến như thế. Tôi muốn khóc, tôi muốn chạy ra bờ nước kéo mẹ tôi về, nhưng tôi không làm. Có lẽ nhà không còn gạo để nấu cho bữa ăn trưa nay. Rồi tôi lặng lẽ đi ngược hướng cũ về nhà, lòng nặng trĩu về một cảnh nhà đói nghèo, hơn thế nữa, lòng tôi thương mẹ. Tôi cũng muốn giúp mẹ, nhưng biết làm công việc gì bây giờ.

Được ít hôm, buồn tình, tôi lại vào Huế. Trước khi đi, tôi nói với mẹ tôi :

- “Mạ ! Chắc con phải nghỉ học !”

- “Để làm chi ? Cha con hồi xưa cũng ưng đi học lắm mà nhà nghèo, không đi học được. Con đã đi học được thì gắng lên, có cha phù hộ.”

- “Thôi mạ à !” Tôi nói. “Con gái học chi cho lắm. Mai mốt lấy chồng là xong. Để con xin đi làm, có lương tiền giúp mạ. Ít nữa đi lấy chống chồng là mạ hết dờ (nhờ - Tiếng địa phương)

Mẹ tôi làm thinh. Nhưng có điều, khi tôi rời làng ra đi, mẹ tôi không vui như các lần trước.

Tôi nói với ba nuôi - thường tôi gọi bằng ông - không gọi bằng ba nuôi - rằng tôi muốn đi làm, giúp mẹ. Mẹ tôi ở quê nghèo khổ, thiếu thốn và đói nữa. Ông không nói gì, chỉ hỏi tôi mấy tuổi. Tôi nói mười bảy.

Mấy ngày sau, ông biểu tôi tới văn phòng trường, làm việc phụ giấy tờ cho ông cụ giám thị. Làm tạm ở đó một năm chờ đúng 18 tuổi thì xin đi dạy hay làm công chức.

Công việc làm phụ cụ giám thị chỉ là sắp xếp giấy tờ, học bạ, hồ sơ, không có gì khó, miễn cẩn thận là được. Ở nhà ông bà mấy năm nay, học được tính cẩn thận, chín chắn của hai ông bà, thành ra công việc ở trường trở nên dễ dàng.

Năm sau, chế độ thay đổi, ông không còn bị theo dõi, khó khăn như mấy năm trước. Ông lại đi làm tỉnh trưởng, xin cho tôi làm công chức một cách dễ dàng, nhưng tôi xin về làm việc ở tỉnh tôi. Tôi có dự tính rồi. Có lương tiền, tôi sẽ thuê nhà, đón mẹ và em tôi từ quê lên. Mẹ con sẽ sống với nhau, tôi sẽ lo cho mẹ và em.

Vậy mà chỉ hai năm sau, tôi đã lấy chồng.

Tôi có những cái vô tư đến độ buồn cười. Tháng tháng lãnh lương, tôi đưa hết cho mẹ. Khi cần gì, tôi mới xin lại. Dĩ nhiên, có tiền, lại phải đi làm, lại ăn diện, tôi đẹp hơn hồi còn con gái nhiều lắm. Hồi ấy, ở trường, ở nhà ông bà, tôi đã nổi tiếng đẹp. Và rồi, một hôm có một ông sĩ quan đến thăm ông chú là chủ sự phòng của tôi. Ông sĩ quan đi ngang chỗ tôi, hơi chậm lại. Tôi biết ông ta nhìn tôi, và bất ngờ, tôi đưa bàn tay đẹp của tôi vén mấy sợ tóc rũ xuống trán. Cái vuốt tóc ấy với khuôn mặt đẹp, bàn tay xinh như làm rụng trái tim ông ta. Sau nầy, khi tỏ tình với tôi, ông sĩ quan thành thật “khai” với tôi như vậy. Lời khai của ông chưa hết đâu. Nghe người ta đồn tôi đẹp, lại là nhân viên của ông chú ông ta, ông giả bộ đến thăm ông chú để “Nhìn người đẹp” đấy, chiêm ngưỡng hoa khôi của tòa hành chánh đấy! Buồn cười chưa, và tôi thích thú lắm !

Tất cả những cái đó cộng lại làm cho tôi dễ dàng gật đầu khi ông ta cầu hôn.

Điều quan trọng là dù lấy chồng, tôi vẫn không nghỉ việc. Tôi xin đổi chỗ làm việc theo chồng, và hàng tháng vẫn gởi tiền đều về cho mẹ.

Tôi lấy chồng mà tưởng như chưa chồng. Tôi vẫn đi làm, vẫn diện và vui chơi. Việc nhà, tôi chẳng phải lo gì cả. Để cho ông ấy lo, tôi nói với bạn như vậy, để ngày ngày mình vui chơi với bạn bè cho khỏe. Mãi đến khi sinh hai ba đứa con, tôi vẫn không chịu lo việc nhà. Tôi chỉ lo chăm sóc cho các con.

Năm Mậu Thân, mẹ tôi qua đời. Tôi về đám và đưa quan tài mẹ về quê. Nhờ năm đó, tình hình an ninh mở rộng ra, làng tôi được yên, không còn là vùng xôi đậu, nên tôi đưa mẹ về tận bãi tha ma của làng.

Thế rồi những biến cố chiến tranh dồn dập xảy ra, tôi theo chồng, càng ngày càng xa quê, đến 30 tháng tư - 1975 thì, như người ta thường nói: “Thiên hạ đổi đời.” Chồng tôi đi cải tạo một thời gian ngắn rồi được tha. Tôi, cha mẹ chồng tôi lo cho anh ấy vượt biên. Anh ấy chỉ đi có một lần là lọt được. Thật là may. Anh ấy định cư ở Mỹ, có công ăn việc làm và tháng tháng gởi tiền về cho mẹ con tôi.

Mặc dù tôi không quan tâm lắm, không tranh giành, nhưng bao giờ việc gởi tiền cũng làm cho tôi phiền bực, mặc dù tôi cố tránh việc tranh giành. Tiền gởi về bao giờ cũng do mẹ chồng tôi nhận. Số tiền chia cho tôi, thường chỉ đủ để ăn cho tới lần gởi tiền sau. Dĩ nhiên, mẹ con tôi không bao giờ đói nhưng thiếu thốn, chật vật là điều hiển nhiên.

Tôi có cách thoát ra những chật vật đó một cách khá buồn cười: Đánh bạc. Tôi có số mà người ta gọi là “được bạc”, có nghĩa là thường đánh bạc ăn. Có tiền, trên đường về nhà, tôi ghé tiệm vịt quay ở ngã tư Hàng Xanh mua một con vịt quay, đem về mẹ con ăn với nhau, vui lắm! Đó là những kỷ niệm khó quên. Dĩ nhiên kỷ niệm đó, không phải do chồng hay mẹ chồng tôi đem lại.

Cũng có khi tôi bị tổ trác, bị cháy túi. Tôi chỉ còn đủ tiền về xe và ghé chợ Thanh Đa mua một chai xì dầu đem về cho các con ăn với cơm. Mẹ con hẩm hút cũng vui lắm. Người ta chỉ cần quên đi những phiền toái, thậm chí đau khổ, như tôi vậy, cũng vui được với nghèo khó hiện tại.

Trước khi được lãnh sự Mỹ ở Saigon phỏng vấn một thời gian ngắn để được đem con theo chồng, tôi gởi thư cho anh ấy, biểu gởi riêng cho tôi một ngàn đồng, không qua mẹ chồng để tôi về quê thăm mộ mẹ tôi một lần chót. Anh ấy bằng lòng gởi cho tôi hai trăm đô với một điều kiện cũng khá lạ đời và không kém phần khắc nghiệt. Tôi phải cạo trọc đầu, chụp hình gởi qua cho anh ấy. Thấy hình tôi với cái đầu trọc, anh ấy mới gởi tiền về. Thương mẹ và cũng buồn vì sắp phải rời bỏ quê hương, tôi đành phải làm theo ý anh ấy chứ sao! Tôi chỉ cầu mong có một điều, cho tóc tôi mọc nhanh môt chút, trước khi tôi lên máy bay đi Mỹ.

Nói cho ngay thì sự khắc nghiệt ấy không phải tính anh ấy hay ghen mà thôi. Còn tôi nữa chi? Tôi đỏng đảnh từ khi còn đi học, khi lấy chồng, và trong nhiều trường hợp, tính ham vui, ham diện lại là cái giây thắt họng tôi. Có một lần, sau khi xa chồng, tôi mặc một bồ đồ lụa trắng, tóc buông ngang lưng, thắt băng đô đỏ, lang thang ở chợ ăn quà. Một người chị bà con xa, gọi tôi lại, mắng: “Nầy, Thu ! Mợ mần chi mà kỳ. Xa chồng mà ăn mặc như con gái chưa chồng! Coi kỳ lắm, không sợ người ta dị nghị răng?”

Tôi cười, ngỏn ngoẽn, ra về. Buổi chiều, tôi thay quần áo: Áo bà ba nâu nhạt, quần đen, xuống thăm bà chị hồi sáng mắng tôi, nủng nịu: “Chừ ri coi được chưa ? Khó chi mà khó rứa !” Bà chị nhìn tôi cười, nói : “Lúc nào cũng trẻ con. Cho tới chết cũng còn trẻ con.” Tôi không quan tâm chuyện đó. “Đời ta bao tươi vui…” Từ lúc học Tiểu học, cô giáo đã dạy bài hát đó rồi !

Tôi nhớ mẹ tôi thường nói: “Đời con gái, như bông hoa!” Bông hoa thì phải tươi, phải đẹp. Đơn giản tôi nghĩ như vậy !

Tôi nhớ năm học Đệ Ngũ, bây giờ là lớp 7, một hôm học Chinh Phụ Ngâm, thầy giáo bảo phải học thuộc lòng đoạn thơ:

Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca
Nay quyên đã giục oanh già,
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo

Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông
Nay đào đã quyến gió đông
Phù dung lại nở bên sông bơ thờ

Vừa thuộc bài, xếp vở lại, tôi nghe ông tôi hỏi :

- “Con có biết trong cổ văn, Chinh Phụ Ngâm là tác phẩm nói nhiều về hoa không? Ngay cả truyện Hoa Tiên, gọi là hoa mà cũng không nhiều hoa như trong Chinh Phụ Ngâm.”

Tôi trả lời :

- “Con chưa nghe chuyện đó. Có lẽ thầy chưa giảng tới.”

- “Đề tài nầy hay lắm. Mai mốt con làm bài thuyết trình cho cả lớp nghe cho vui. Trong đoạn thơ trên, con có thấy bà Đoàn Thị Điểm nói tới hoa mai, hoa đào, hoa phù dung. Trong Chinh Phụ Ngâm có nói tới một loài hoa nữa, con biết không ?”

- “Dạ ! Hoa hướng dương. Rồi tôi đọc tiếp :

Lòng em như hoa hướng dương
Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời.”

- “Đó là ca dao. Trong Chinh Phụ Ngâm nói khác kia !”

- “Thưa ông, đó là câu : “Hướng dương lòng thiếp như hoa”. Ông có cuốn sách do nhà Hướng Dương Saigon xuất bản.”

Ông khen:

- “Đúng đấy ! Giỏi đấy.”

Nói thật lòng, tôi không thích mấy những loại hoa nói rên, những loại hoa vương giả như phù dung, mẫu đơn, thược dược. Đó là những loài hoa trồng trong vườn, và có lẽ cả vườn thượng uyển, vườn cho vua, các bà phi, các công chúa bên Ngự Viên. Hoa ấy phải trồng, phải chăm bón và mỗi năm phải trồng lại. Hoa gì mà chết sớm thế ! Tôi thích loài hoa khác hơn, người ta thường gọi là hoa đồng nội, như hoa cỏ may. Hoa cỏ may mà đẹp gì. Đó là hoa bực mình thì đúng hơn. Có một năm, tôi đi bộ từ làng quê lên tỉnh, ngang qua bến đò Ba Bến trên sông Vĩnh Định, tôi thấy bên bờ sông nở rộ một đám hoa quì vàng rực. Màu vàng hoa quì, hay còn gọi là hoa hướng dương, đẹp lắm !

Hoa hướng dương là hoa chung thủy. Đàn bà, ai chẳng muốn chung thủy với chồng. Nói cho đúng loài hoa tôi thích là một loài hoa ở làng quê tôi: Hoa cỏ tím. Đó là một loài cỏ có hoa. Cỏ tím mọc trên đồi cát ở quê tôi. Lá cỏ màu xanh pha tím sẫm và hoa màu tím nhạt. Khi mùa đông tới, lá cỏ bị úa đi, nhưng gốc cỏ vẫn còn. Qua năm, mùa xuân, góc cỏ lại mọc lá, tới đầu hè thì nở hoa. Loài cỏ nầy sống bền bỉ, chịu thương chịu khó, gió lạnh cũng không chết, đất khô cũng không chết, nắng hạn vẫn thắm tươi. Trong gió lạnh, cành hoa giơ cao, phất phơ theo gió, dễ thương lắm ! Loài cỏ ấy sống nhờ sương, nhờ hơi nước trong gió biển. Nó là loài hoa tượng trưng cho đời sống nghèo khổ của bà con quê tôi. Tôi yêu mẹ, tôi yêu làng, nên tôi yêu luôn cả loài cây cỏ tồi tàn tội nghiệp của làng. Nhiều khi đi xa, đi thật xa, nhớ làng, tôi cũng không quên cây cỏ tím có hoa tím mỗi khi xuân về ở quê tôi.

Tôi mồ côi cha từ nhỏ nên coi như không cha, vì vậy, tôi có lòng kính trọng đặc biệt với ông tôi, một phần vì ông bà nuôi tôi ăn học, một phần vì tư cách và phẩm giá của hai ông bà.

Nói về ông bà ấy và cha mẹ chồng tôi, cũng người Huế, tôi thấy họ là những người tiêu biểu cho hai thái cực của người Huế. Ông tôi thuộc dòng dõi quan to trong triều đình. Nội tổ ông là một trong ba người, hai người kia là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, được giao phó tự quân khi vua Tự Đức băng hà. Vì lòng cương trực mà nội tổ ông tôi bị hai ông kia giết hại. Con cháu phải bỏ trốn để tránh vạ lây. Ông tôi cũng là người đổ đạt, từng làm tỉnh trưởng hai lần mà ông bao giờ cũng khiêm nhường, khôn khéo, không khoác lác, khoe khoang, tự cao tự đại về dòng dõi, bằng cấp hoặc kiến thức của mình. Ông tôi có cuộc sống bình dị đơn giản. Khi làm Tỉnh trưởng hay khi làm một Giáo sư dạy tư, bao giờ ông cũng vui vẻ, cởi mở với mọi người.

Ba mẹ chồng tôi thì ngược lại. Bố chồng tôi chỉ là một ông trợ, bỏ nghề thầy giáo qua làm công chức. Tương đối bố chồng còn được, chứ mẹ chồng tôi thì khác, rất hách dịch và như một số người khác, ai ai cũng bị bà bình phẩm, chê bai, coi thường mọi người, điều mà người ta gọi là “Mục hạ vô nhân.” Hình như đó là cá tính của một số người Huế, tuy xuất thân tầm thường dân dã, có đôi chút tiền của, học hành nhưng lại coi như mọi người đều dốt, đều hèn.

Tuy vậy, tư cách thì họ rất tệ. Ngoài việc cầm giữ đồng tiền chồng tôi gởi về, họ chỉ chia cho mẹ con tôi đủ ăn một ngày ba bữa, cả hai ông bà còn nghi ngờ và bới móc cuộc sống riêng của tôi, của mẹ con tôi. Tại tình tình tôi ham vui, ham diện, họ để tâm theo dõi và nói với chồng tôi những điều không thiệt, những điều họ chỉ mới nghi ngờ. Nghi ngờ mà thành tội! Có ở đâu lạ đời như vậy không ? Việc anh ấy buộc tôi phải cạo trọc đầu mới gởi cho 200 đô, nhìn xa hơn, không phải là do họ nghi ngờ rồi viết thư cho chồng tôi hay sao !

Cha mẹ chồng như thế, lại thêm một cô em chồng ba mươi tuổi chưa ai cưới, tất cả ba người họp lại, thành một ban hợp xướng, tuy giọng hát cao thấp mỗi bè mỗi khác, nhưng tất cả cùng một âm điệu nhịp nhàng, quấn lấy nhau, giao hòa với nhau làm cho tôi, một nạn nhân mà cũng là thính giả độc nhứt họ nhắm vào. Dĩ nhiên, tôi rất khổ tâm vì ban hợp xướng ấy. Thế rồi ban hợp xướng mất đi một giọng trầm, chỉ còn lại hai giọng kim the thé, nghe rất chói tai. Tôi cũng rất mệt với hai ca sĩ trong ban hợp xướng ấy. Cũng may, dù khỏe hay mệt thì tôi cũng sắp rời Việt Nam rồi.

Một hôm, tôi đến thăm bà chị tôi nói ở trên. Bà chị đã không phê phán gì thêm về cách ăn mặc của tôi như lần rồi, mà lại còn hỏi tôi sống thế nào với hai cô ca sĩ còn lại. Tôi nói:

- “Có gì đâu ! Em vẫn sống bình thường, có ngày ba bữa. Không suy nghĩ gì thêm. Em vô tư !”

Đứa con gái lớn của chị ấy nói :

- “Mợ không vô tư cũng không được. Trước một bà mẹ chồng, một cô em chồng như thế, Chúa cho mợ sự vô tư để mà sống chứ ! Người ta gọi đó là bản năng sinh tồn. Suy cho cùng, bản năng ấy không từ ở Chúa thì từ đâu ra !”

Tôi tin điều ấy, và tôi vui với điều ấy, dù tôi có theo đạo Thiên Chúa hay không ?

Tôi cười nói với cô cháu gái :

- “Phải chi mợ làm thím dâu cháu thì vui lắm !”

Bà chị tôi cười :

- “Thôi mày ! về làm dâu nhà nầy có khác chi hơn ?

Chồng bà chị, có một người em, bị tôi liệt vào hàng “ba trợn”. Năm tôi mới làm công chức, một hôm về quê, đi ngang phường anh ấy. Đang học ở đại học Huế, nghỉ hè, anh ấy về quê chơi, đang đi với bạn bè, thấy tôi, anh giả bộ:

- “O tê! (Cô kia) Đi mô mà qua phường tui. Giấy tờ mô ?”

Tôi cũng không kém :

- “Anh làm chi mà hỏi giấy tờ tui ?”

- “Thanh Niên Cộng Hòa, đang đi tuần trong phường.” Anh ấy trả lời.

Thanh Niên Cộng Hòa là một tổ chức của ông bà Ngô Đình Nhu. Tổ chức nầy thường tham gia các hoạt động bài trừ dị đoan mê tín, tứ đổ tường và an ninh nên đôi khi họ cũng tuần tiểu, kiểm soát giấy tờ người lạ đến đia phương họ. Biết anh ấy dọa chơi, tôi cương lại :

- “Anh đưa giấy tờ chứng minh anh là Thanh Niên Cộng Hòa cho tui coi, tui mới cho anh kiểm soát giấy tờ tui. Đừng tưởng bỡ.”

Nói qua nói lại một lúc, không căng mà cũng vui, anh ấy nói :

- “Thôi đi đi ! Đẹp quá ! Hỏi một chút cho vui chớ ai dám bắt.”

Nghe khen đẹp, tôi lại thích chí, mong gặp lại một lần nữa cho vui.

Hôm anh ấy nhập ngủ rồi, về phép, gặp tôi, anh ấy lại giở giọng ba trợn:

- “Nì ! Cô có chịu cho tui cưới không ? Tui là lính Nhảy dù. Cô không chịu, nửa đêm tui đột nhập vào nhà, bắt cóc bỏ vô xắc ma-re, đem lên máy bay chở vô Saigon.”

Tôi cải lại :

- “Không Quân hào hoa phong nhã, tui cũng không sợ, nói chi Nhảy Dù !”

Anh ấy cười :

- “Không Quân chỉ bay trên trời, còn tui từ trên trời nhảy xuống. Tui là Thiên Thần Mũ Đỏ, ngon hơn.”

Nghĩ rằng anh ấy nói chơi, nhưng tôi cũng sợ anh ấy ẩu tả thật đấy !

Sau khi lấy chồng, một hôm tôi lại gặp anh ấy về phép. Biết tôi lấy chồng rồi, anh ấy lại hát đùa với tôi: “Ôi ! Nhát chém hư vô ! Ôi ! Nhát chém hư vô !” Tôi không vui, hỏi :

- “Tại sao hồi đó anh không chịu cưới em ?”

Anh ấy cười buồn :

- “Cô biết tui con nhà nghèo. Bị vợ hay gia đình vợ chê nghèo, tui không vui được. Lấy vợ ở xa, đâu ai biết gia đình mình giàu nghèo ra sao! Mẹ mình cũng khỏi bị người ta khinh. Vậy mà khỏe.”

Nghe anh ấy nói, tôi buồn lắm. Anh ấy mồ côi cha, nên rất thương mẹ. Tôi cũng vậy. Gia đình anh ấy nghèo, còn gia đình tôi thì sao ? Nói sao nghe mà buồn vậy ?

Quả tình tôi không yêu hay chưa yêu anh ấy, nhưng tôi thích những người con trai hào hùng như thế ! So ra, chồng tôi chỉ là lính văn phòng, mang tới lon cấp Tá, chưa đụng trận với Việt Cộng bao giờ. Vì vậy, đôi khi vui miệng, tôi nhắc tới anh ấy trước mặt chồng. Vậy mà chồng tôi ghen đấy. Hôm anh ấy tử trận, báo đăng cáo phó, chia buồn. Đi làm về, chồng tôi cầm tờ báo, quăng xuống giường, hậm hực : “Nó chết rồi đây nầy ! Nó chết rồi nầy !” Đọc tin trên báo, tôi muốn khóc mà không dám khóc.

Chồng tôi thì ngược lại. Sang Mỹ, ông ấy mua sắm nhà cửa, ăn ở không chính thức với một người đàn bà sang Mỹ từ trước 1975. Việc bảo lãnh tôi theo chồng bị trì hoãn vài lần vì chuyện lăng nhăng của chồng tôi. Cuối cùng, người đàn bà ấy chịu trả chồng tôi lại cho tôi, dọn đi ở nơi khác, khá xa. Điều an ủi là sau khi tới Mỹ, chồng tôi giao cho tôi một cái credit card, có sẵn 10 ngàn đô trong ấy, để tôi mặc sức mua sắm giày dép áo quần, mũ nón, phấn son… khi tới nơi.

Hôm tôi về quê, quang cảng làng tôi thật là thê thảm. Chiến tranh chấm dứt đã bao nhiêu năm mà làng biển quê tôi vẫn vậy. Dân làng trồng thêm mấy hàng dương liễu dọc theo đồi cát để ngăn gió thổi cát trắng lấn vào ruộng, nhưng xem ra công việc ấy không mấy kết quả. Sau chiến tranh, làng đã nghèo lại nghèo hơn. Dân làng đã đói lại càng đói hơn vì sinh con đẻ cháu thì nhiều trong khi ruộng đồng không thêm ra mà lại bớt đi vì cát trắng. Bao nhiêu người bỏ làng đi mất.

Làng tôi vốn đã hẻo lánh nay càng hẻo lánh hơn. Sự hẻo lánh của làng là nguồn gốc về dòng dõi bên mẹ tôi. Mẹ tôi đẹp người, tôi được cái gène của mẹ tôi đấy. Xưa lắm, có một bà công chúa nhà Lê lấy chồng là một ông tướng nhà Tây Sơn, giống như bà Ngọc Hân lấy ông Quang Trung vậy. Đến khi nhà Tây Sơn sụp đổ, ông tướng ấy tử trận thì bà công chúa ẵm đứa con gái còn trên tay về trốn tránh ở làng nầy, sợ nhà Nguyễn trả thù. Cũng may, bà công chúa ấy sinh một đứa con gái, không phải là con trai để nối chí phục thù, nên người ta cũng lơ cho bà công chúa ấn náu nơi đây. Đó là nguồn gốc dòng dõi mẹ tôi, của tôi và cậu Mão, một người bà con bên ngoại.

Năm 18 tuổi, cậu Mão đi lính, bị một mảnh đạn phía sau sọ não, làm mất trí nhớ. Do đó, cậu Mão được giải ngũ. Từ đó đến giờ, cậu sống một đời cô quạnh, nghèo khổ ở làng.

Các cô gái dù nghèo, không ai chịu lấy một người chồng mắc bệnh thần kinh.

Kỳ nầy, về xây mộ cho mẹ, tôi rất ái ngại cho cuộc sống của cậu Mão. Nhà mẹ chồng tôi có một khu vườn rộng thiếu người chăm sóc. Về lại Saigon, tôi nói với mẹ chồng cho cậu Mão tôi vào ở, chăm sóc vườn tược và quét dọn lá cỏ mỗi ngày. Chỗ ở của cậu Mão là cái nhà kho vừa đủ cái giường nằm ở trong góc vườn. Ăn uống mẹ chồng tôi chu cấp. Tìm được một nơi yên ổn cho cậu Mão, ra đi tôi thấy yên lòng.

Nửa tháng trước khi lên máy bay, tôi dọn về nhà mẹ chồng ở tạm vì phải giao nhà cũ của tôi cho nhà nước quản lý. Tình cờ một buồi sáng sớm tinh mơ, không ngủ được, tôi đứng sau tấm màn cửa nơi nhà mẹ chồng nhìn xuống vườn. Mẹ chồng tôi vội vàng từ trong gian chòi của cậu Mão đi ra. Mấy sáng hôm sau, tình trạng cũng y như vậy. Chuyện gì xảy ra?! Cha mẹ chồng tôi lấy nhau mấy chục năm, con cái khôn lớn cả rồi đấy!

Tôi thấy an ủi trong lòng. Dù sao, dù ham vui hay ưa trang điểm chưng diện hay đã có lần tinh nghịch như trong câu chuyện đùa với đứa con gái bà chị, tôi vẫn an ủi được rằng, tôi đã chung thủy với chồng khi lên đường theo anh ấy!

Xấu hay tốt, đứng đắn hay lăng nhăng, điều làm tôi vui là chính tôi chẳng bao giờ phải đeo mặt nạ, bao giờ tôi cũng sống thật với mình và với mọi người.



Hoàng Long Hải