PDA

View Full Version : Tâm Linh có thật hay không ?



Longhai
04-11-2013, 03:59 AM
Tâm Linh có thật hay không ?


Phạm Gia Đại


Có nhiều người không Tôn giáo hay có Tôn giáo đi nữa vẫn chưa hoàn toàn tin vào hiện tượng tâm linh. Tôi có dịp nói chuyện với nhiều bạn bè và đoàn thể, nhiều lớp học tại đại học UCI chẳng hạn thì được khuyến khích là nên viết thành sách để những độc giả có thể tìm hiểu nghiên cứu thêm. Một anh bạn rất thân với tôi lúc còn học Trần Lục và Chu Văn An là Đặng Trần Đắc khoảng 10 năm trước cùng vợ con từ Pháp qua thăm thành phố ty nạn của người Việt tại hải ngoại là Little Sàigòn, sau khi nghe tôi trình bày những sự kiện và những câu chuyện khác nhau về tâm linh, đã nói rằng tại nước Pháp bây giờ người ta cũng nghiên cứu rất nhiều về vấn đề này và khuyên tôi nên phổ biến sâu rộng.

Những câu chuyện thực mà tôi thâu thập được, thấu hiểu được, và được thuật lại thì rất là nhiều trong thời gian tôi bị tập trung và lưu đầy biệt xứ tại Miền Bắc Việt Nam. Chữ biệt xứ này là từ ngữ mà các tù nhân chính trị thường dùng, như trong một lần thẩm vấn một cán bộ từ Hà Nội vào hỏi là anh nghĩ thế nào về chế độ khoan hồng nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với các anh. Đại úy Quang, Quân Báo, mà tụi tôi thường gọi là Quang Sừng vì anh cùng anh Quát là những Nghệ nhân rất khéo tay đã tạc được những bức tượng Phật, tượng Chúa và những chiếc lược rất đẹp từ sừng trâu, đã trả lời rằng :" Tôi thì ít học nhưng trong chế độ cũ VNCH chúng tôi, nếu bị tù không có án năm thì gọi là chung thân, nếu tù mà còn phải lao động thì gọi là khổ sai, nếu bị đưa đi khỏi quê hương mình đang sinh sống thì là lưu đầy biệt xứ". Tới đó thì tên thẩm vấn viên có vẻ lúng túng và xoay qua câu hỏi khác.

Trở lại với thời gian bị giam giữ tại Miền Bắc, tôi có một thời gian nhiều năm ở cùng trại với anh Sáng mà tôi coi như một người anh; Đại tá Chu Văn Sáng thuộc ANQD. Qua anh Sáng mà tôi mới biết được về huyền thoại của một nhân vật rất là nổi tiếng trước năm 1975 tại Sàigòn và cả Miền Bắc nữa trước năm 1954 là cụ Diễn và những mẩu chuyện mà tôi vẫn còn nhớ mãi đến bây giờ.

Một hôm buổi sáng Chủ Nhật tôi qua bên buồng giam của anh Sáng thì tình cờ thấy anh đang cúng rất đơn sơ tại bức tường cửa sổ trên đầu nằm của anh và được biết là năm nào anh cũng cúng cụ Diễn, là người thầy và cũng thân thiết như trong gia đình của anh. Anh Sáng cũng rất là mến tôi, lúc đầu như là một ủng hộ viên cho anh trong những lần tranh tài cờ tướng giữa các cao thủ với nhau và bao giờ thì anh cũng thắng. Tôi là người rất thích môn cờ tướng nên thường không bao giờ bỏ qua những trận tỉ thí của anh và từ đó hai anh em quên thân với nhau. Có một lần một anh bạn xứ Quảng nghe tiếng nên qua đấu với anh Sáng vài ván rồi ngỏ lời thách đầu ba ván để xem thực tài của anh Sáng ra sao. Sau vài lần từ chối anh Sang nhìn tôi nheo mắt lại cười và nhận lời. Lẽ dĩ nhiên là anh thắng trận đó. Anh có cái hay khi đánh cờ là không bao giờ để cho đối thủ bị thua không còn mảnh giáp nào, mà luôn giữ thế cờ ngang ngửa và phút chót mới dồn đối thủ vào thế bí. Có lẽ để tưởng thưởng cho tôi một ủng hộ viên gà nhà của anh nên những lúc rảnh rồi anh hay tâm sự cùng tôi về những thăng trầm trong cuộc đời của anh đều được cụ Diễn cho biết để phòng bị trước.

Cụ Diễn là một trong bốn người Việt Nam, trong đó có một người cháu thuộc dòng dõi của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, cùng nhau sang Tầu để học về Tử Vi Tướng Số.

Khi sang đến bên Tầu thì ba người kia được ông thầy Tầu nhận vào và chỉ dậy tận tình. Riêng cụ Diễn thì ông thầy Tầu chỉ dậy qua sơ sơ mà thôi. Một hôm cụ Diễn mới thắc mắc hỏi thì ông thầy Tầu nói rằng ông ta và cụ Diễn không có duyên thầy trò và môn mà cụ Diễn sẽ học không phải là Tử Vi Tướng Mạo mà là về Địa Lý và mô tả rất kỹ Tướng mạo của người thầy mà sau này sẽ chỉ dậy cho cụ Diễn về môn Địa Lý đó. Cụ Diễn có hỏi là bao giờ thì gập được người thầy này thì ông thầy Tầu chỉ cười mà không nói.

Sau một thời gian tu học xong thì cả bốn người trở về Việt Nam. Tuy không giỏi bằng ba người kia nhưng cụ Diễn lại may mắn nổi tiếng hơn trong khoa Tử Vi, và được nhiều quan chức thời Pháp lúc bấy giờ vời đến nhà.

Trong số đó có một vị thuộc gia đình giàu có tri phủ trước kia muốn cụ xem cho cô con gái. Cô gái tên là Kiều và rất là tự kiêu nên nằm trên giường mà đưa tay cho thầy xem. Dựa trên lá số cụ Diễn khuyên cô Kiều ngày tháng đó không nên ra đường mặc áo mầu hoàng yến vì sẽ gặp nạn. Vốn kiêu căng và được nuông chiều nên cô gái không nghe lời và cố tình mặc cái áo màu hoàng yến để đi dạo trên đường phố.

Bất ngờ có một xe "Lục xì" là xe của "Phú lít" Pháp bắt các cô gái giang hồ đang chạy trên đường thì có bóng một người nữ từ trên xe nhào xuống đường mặc áo màu hoàng yến và chạy vụt vào trong cái ngõ hẻm bên cạnh. Mấy phú lít đi hộ tống bèn nhẩy hết xuống đường và chạy lại bắt cô Kiều này vì tưởng lầm là cô gái vừa mới trốn khỏi xe. Mặc cho cô kêu oan và giải thích, cô bị lôi lên xe đem về bót giam giữ. Tối hôm đó quá ư là xấu hổ, cô đã rạch cổ tay để quyên sinh nhưng may mắn có một anh Y tá đã trông thấy và vào cứu kịp thời. Cô gái sau đó không dám về nhà bố mẹ nữa và lấy anh y tá làm chồng. Sau năm 1954 hai vợ chồng di cư vào Nam và mỗi năm dịp lễ Tết lại đến nhà thăm cụ Diễn.

Sau khi xem cho cô con gái kia xong thì cụ được viên quan tri phủ trước kia đưa đi ra vườn ngắm cây cảnh. Khi cụ đi ngang qua một anh tuổi trung niên người Tầu đang chăm sóc các cây cảnh thì chợt cụ Diễn dừng lại và nhìn anh nầy chằm chặp.

Tướng mạo của người này giống y hệt người Thầy Địa Lý mà cụ được mô tả khi còn ở bên Tầu. Đây đúng là người Thầy đó rồi. Cụ bèn quay lại và hỏi thăm thì anh người Tầu kia một mực nói rằng anh ta không biết gì hết.

Cụ bên kể hết tất cả hành trình mình đi du học bên Tầu thế nào và ông Thầy Tử Vi đã nói về người Thầy của cụ ra sao và xin anh làm vườn này chỉ dậy cho cụ về môn Địa Lý. Lúc đầu anh ta khăng khăng từ chối và nói là cụ Diễn đã nhìn lầm người rồi.

Nhưng cụ Diễn vẫn kiên nhẫn chờ đợi và cuối cùng thì anh người Tầu này nhận lời. Từ đó cụ Diễn đã học được môn Địa Lý và sau này có nhiều dịp để thi thố tài năng của mình.

Khi cụ Diễn lần đầu tiên gặp ông Nguyễn Văn Thiệu lúc đó mới là Thiếu Úy thì cụ đã nhìn thấy tướng mạo rất tốt của ông Thiệu và nói rằng ông Thiệu nên rèn luyện về đạo đức tinh thần để sau này giữ trọng trách quốc gia. Đến khi ông Thiệu lên làm Tổng Thống thì có vời cụ Diễn vào dinh Độc Lập. Cụ có nói chuyện lại với anh Sáng rằng cụ đã về quê của Ông Thiệu tại Phan Rang để xem Địa Lý và thấy có một rặng núi không cao lắm nhưng nằm như hình một con rồng đất ứng vào điềm ông Thiệu lên làm Tổng Thống nhưng cụ đã đo từ đầu dãy núi đến cuối thì Phước Lộc của ông Thiệu chỉ gói trọn trong 10 năm mà thôi. Anh Sáng và cụ Diễn đều là đệ tử của Đức Thánh Mẫu mà dân gian văn thờ phượng : "Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ" Giỗ Cha là giỗ Đức Thánh Trần và giỗ Mẹ chính là giỗ Đức Thánh Mẫu. Có lẽ vì vậy mà cụ Diễn đã có một cái giác quan thứ Sáu rất nhạy bén về môn Tử Vi và Địa Lý.

Có một lần vào khoảng đầu năm Một chín bảy mươi, cụ nói với anh Sáng đưa cụ tới một địa điểm trong một tỉnh của xứ Quảng ở Miền Trung và khi xe Jeep đang chạy trên Quốc lộ thì cụ bảo dừng lại và chống gậy đi lên một ngọn đồi gần đó và quan sát rất là kỹ rồi lấy cây gậy chọc xuống vùng đất cát trên đồi và nói với anh Sáng rằng sau nầy thủ đô của nước chúng ta sẽ nằm tại đây vì đây là linh địa.

Cụ cũng nói xa gần cho anh Sáng biết là sắp có một sự thay đổi lớn và đến khi Sàigòn sụp đổ thì anh Sáng mới hiểu ra được lời nói của cụ. Có thể vì cụ đã tiết lộ thiên cơ quá nhiều cho nên có một thời gian hai mắt của cụ đều bị mờ và luôn chẩy nước mắt rất là khó chịu. Cụ có một số những bác sĩ quen làm việc trong Tổng Y Viện Công Hòa và có khám mắt cho cụ nhưng thấy hai mắt đều bình thường và không tìm ra được căn bệnh gì cả.

Cụ đã đi khám các Bác sỹ nhãn khoa khác và tất cả cũng đều kết luận giống nhau. Cụ nói với anh Sáng rằng có lẽ Mẫu đã quở phạt cụ. Một hôm anh Sáng va cụ đang đi dạo trên một đường phố Sàigòn và khi đi ngang qua một ngôi Đền thì thấy trong đó đang làm lễ thì đột nhiên có một người chạy ra nói mời cụ vào bên trong.

Anh Sáng thấy một người nữ đang giống như cầu cơ và lên đồng xong thì đưa cho cụ một chén nước trà và bảo uống đi. Điều lạ lùng là sau khi cụ uống chung trà đó xong thì hai mắt từ từ trở lại bình thường và không còn xốn xang và chẩy nước mắt nữa.

Câu chuyện thứ hai mà tôi vẫn còn nhớ là anh Chín, Đại tá Không quân , đã tâm sự khi hai anh em cũng lao động chung trong một khu vực sản xuất tại Miền Bắc. Anh nói với tôi rằng anh từ trước không tin vào bói bài tây cho đến khi anh gặp một người bạn của em trai của anh tại Sàigòn vào dịp Tết năm Một chin bẩy lăm.

Cậu này đã cúng bộ bài tây trên bàn thờ xong rồi xem cho anh một quẻ và nói rằng trước mặt của anh chẳng thấy gì ngoài những mây mù chập chùng bao phủ hết bầu trời và xa tít tận cuối chân trời mới thấy ló ra một chút ít ánh sáng mà thôi.

Cậu ta nói rằng chưa bao giờ thấy một quẻ bói quá xấu như vậy cả. Điều này ứng với việc mất Sàigòn tháng Tư năm đó và anh Chín cùng với hàng triệu người khác đã đi vào con đường tù tội và lưu đày. Ba năm trước, cậu ta cũng xem cho anh và nói rằng anh có thể bị tai nạn máy bay nhưng nếu anh sanh con trai thì sẽ giải được cái nạn đó. Vài tháng sau trong một Phi vu tại Pleiku, Trực thăng của anh bị rớt xuống một vùng đầm lầy và như là một phép lạ anh may mắn chỉ bị xây sát và không thương tích gì nặng. Khi anh được đưa về bệnh viện tại hậu cứ thì được tin là vợ anh vừa sanh thằng con trai.

Câu chuyện thứ ba mà tôi sẽ kể hầu quí vị sau đây khá ly kỳ và nhiều tình tiết liên quan đến một vị sư, một người Thầy và cũng là dưỡng phụ của tôi, đó là Thầy Tâm, cố Hòa thượng Thích Thiện Chánh.

Trong những năm tháng khổ cực tù đầy Thầy trò sống bên nhau tại Miền Bắc, Thầy đã chỉ dậy cho tôi không những các điều căn bản của đạo Phật mà còn hun đúc cho tôi một sức chịu đựng phi thường để vượt qua bao gian nguy thử thách mà sống còn.

Thầy còn có cái tài về chế biến thức ăn rất là thần tình. Một anh làm trong nhà bếp cho thầy một lô những hạt trái khổ qua. Thường thì người ta vứt đi vì không làm được cái gì cả nhưng Thầy thì phơi khô xong, rang nó lên, bóc vỏ ra, xắt nhỏ và trộn với ít rau sống thành một món ăn sà lách thật lạ miệng. Về tâm linh mà nói, có thể Thầy đã tu hành từ lúc còn nhỏ hay nhờ vào ngồi thiền mà thấy biết được nhiều chuyện quá khứ vị lai.

Một buổi tối hai thầy trò đang ngồi cạnh bên cửa sổ buồng giam thì Thầy chỉ lên một ngọn núi gần đó và bảo tôi rằng có một ông Thần một chân đang chống gậy đứng trên đỉnh núi nhìn về phía trại giam; và ông Thần Độc Cước ấy đã cứu giúp cho anh em tù nhân chính trị rất nhiều vì chúng ta có Chính Nghĩa và biết thờ phượng Trời Phật. Tôi chẳng nhìn thấy gì cả ngoại trừ những áng sương mù đang bao phủ quanh chóp núi. Thầy nói rằng trại giam ở gần chùa Hương Tích nơi thờ Phật Bà Quán Thế Âm Cứu Khổ Cứu Nạn cho nên các anh em tù nhân chính trị cũng được ánh sáng linh thiêng của Ngài cứu độ cho nên những thương vong tai nạn cũng giảm bớt.

Một hôm vào ngày mười sáu ta, Thầy bảo tôi chuẩn bị gạo muối để nấu cháo cúng những người Âm là những anh em đã chết trong trại giam này vì tối hôm qua thầy nằm mơ thấy họ kéo đến rất là đông, mỗi người trùm một cái chăn mền mầu đỏ - là loại mền Trung Quốc phát cho tù nhân - và nói rằng tôi đã làm phước nhiều cho người sống sao không làm phước cho người chết ? Quả thật là những lần Mẹ tôi và gia đình gửi quà qua đường bưu điện hay đến thăm đem cho tôi những thuốc men, quần áo, thức ăn khô, thì Mẹ tôi thường gửi nhiều hơn một chút để tôi có thể san sẻ với các bạn tù mà chưa có gia đình tiếp tế kịp. Từ đó, mỗi tháng vào ngày mười sáu thì hai thầy trò lại nấu một nồi cháo để cúng những người đã khuất mặt. Sau này khi Thầy Tâm đã được tha về cùng các quí Thầy, Linh mục và Mục sư khác vào tháng chín năm một chín tám mươi bảy thì dù là còn lại một mình, tôi vẫn cố gắng nấu cháo để cúng cho họ mỗi mười sáu ta cho đến khi chuyển trại theo con tàu xuôi vào Miền Nam năm sau thì tôi không còn phương tiện để cúng cho họ nữa.

Cũng nhờ vào sự hỗ trợ và khuyến khích của thầy mà tôi đã hoàn tất được một việc mà tưởng như không bao giờ làm được, đó là chép lại hai bộ Kinh rất là công đức của nhà Phật là Kinh Pháp Hoa và Kinh Địa Tạng sau bao nhiêu tháng trời ngồi chép lại bất cứ khi nào có chút thì giờ rảnh rỗi. Khi tôi chép xong thì Thầy lấy hai bộ Kinh để lên bệ cửa sổ và thắp nén nhang khấn vái.

Thầy lúc nào cũng hòa nhã và vui vẻ với mọi người cho nên có rất nhiều Phật tử đến thăm Thầy và trò truyện mỗi ngày Chủ Nhật được thong thả một chút. Những người mà tôi thấy rất quí mến Thầy là Tướng Mạch Văn Trường, Ông Xoàn, Trung Tá Cảnh Sát đặc biệt, Đại tá Tồn, v.v.

Một hôm tôi thấy Thầy vội vã cũng Thượng Tọa Thích Thanh Long qua khu bên kia trại giam. Khi gặp lại thầy tối hôm đó tôi mới được biết là Thầy qua làm lễ lúc Đại tá Tồn đang hấp hối. Thầy ôm anh Tồn trong cánh tay và niệm Phật. Anh Tồn có nhắn với thầy là sau này gặp các con của anh thì bảo chúng nó phải trả thù cho anh.

Thầy thương anh quá nước mắt ràn rụa nhưng thầy bảo anh là Thầy đã ghi nhớ rồi nhưng anh phải niệm Phật để lòng lắng đọng lại thì mới ra đi thanh thản được, còn nếu lòng anh còn quá nhiều oán hận thì sẽ không siêu thoát được.

Anh nghe lời thầy và nhắm mắt ra đi trong lặng lẽ. Thầy bảo với tôi rằng khi anh ra đi thì Đức Thánh Mẫu đã đến đón anh vì góc buồng giam tự dưng sáng rực hẳn lên.

Con người ta có những dịp may mà ta có thể gọi là cơ duyên. Những cơ duyên đó có thể thay đổi hẳn cuộc đời một con người theo hướng tốt. Đó là cơ duyên mà tôi đã được gập thầy Tâm vì nếu không có thầy chỉ dậy thì có lẽ tôi đã không thể chịu đựng nổi những năm tháng sau cùng và có lẽ đã nằm lại trên ngọn đồi Nghĩa trang của trại giam đâu đó tại Miền Bắc rồi.

Một hôm, có một số tù nhân chính trị được chuyển đến nơi tôi đang bị giam giữ và tình cờ Thầy Tâm và một số Đại đức Phật giáo được "biên chế" vào cùng buồng với tôi. Một buổi tối nhìn thấy thầy đang cạo gió và lể để chữa bệnh cho cac anh em bị ốm đau và tìm bông gòn. Tôi bèn đem hộp bông gòn mà gia đình vừa gửi đến đưa cho Thầy để Thầy cứu chữa cho các anh em. Không ngờ đó là cái cơ duyên đưa tôi đến với Thầy. Thầy bảo với tôi rằng tôi là một trong số bốn người đệ tử của Thầy mà Ơn Trên đã bảo thầy về đây để cứu độ. Sau này, khi thầy đã được ra về và tôi còn lại trong số chín mười người cuối cùng tại Miền Bắc, và bốn năm sau thì là một trong số hai mươi người tù cuối cùng tại trại Z-30D Hàm Tân trong Miền Nam thì tôi mới thấy lời nói của thầy là đúng. Tôi vẫn nhớ như in lời Thầy dậy bảo tôi là cái gì tốt mình cũng nhận cái gì xấu xảy đến với mình thì mình cũng nhận nó và từ từ rồi nó sẽ qua đi, vì đó là cái nghiệp không ai gánh chịu cho mình ngoài chính bản thân mình.

Những lúc lao động cực khổ quá hay nhưng khi thấy sức mình như đã cạn kiệt rồi vì thời tiết khắc nghiệt của khu trại giam tôi lại nhớ đến lời của Thầy và thấy như có một hơi nóng nào giúp cho mình hồi sinh lại. Tôi chỉ có một điều ân hận là khi tôi đã qua được định cư tại Hoa Kỳ này được năm năm thì bất ngờ được hung tin là Thầy đã vãn sanh miền Cực Lạc mà không kịp về thăm Thầy lần cuối. Khi Thầy được tha về, Thầy đã từ chối không ra đi theo chương trình H.O mà ở lại Sàigòn để tu bổ lại ngôi chùa Thới Hòa thân yêu mà thầy đã xây dựng lên trước kia. Khi tôi được ra đi định cư tại Hoa Kỳ, thầy đã ra tận sân bay tiễn đưa tôi, thầy ôm lấy tôi và viết lên trên ngực áo tôi một chữ Nhẫn và bảo tôi rằng cuộc sống bên đó tuy trong xứ Tự Do nhưng cũng còn nhiều thử thách nên lúc nào cũng phải Nhẫn.



Phạm Gia Đại
(Những Người Tù Cuối Cùng)