PDA

View Full Version : Tin lượm trên NET



BachMa
03-31-2013, 06:35 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1364753337.jpg

Thông Báo của gia đình Phạm Duy - Phạt đến $250,000. sử dụng nhạc Phạm Duy

---ooOoo---


Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi đọc THÔNG BÁO của gia đình nhạc sĩ Phạm Duy. Nhạc của ông sẽ theo ông xuống huyệt mộ nằm im. Không còn người hát, không còn người nghe.
Theo tôi, đây là một việc làm rất sai trái của con cháu ông khi quá nóng giận. Quả là "GIẬN MẤT KHÔN".

Tâm Bền

---ooOoo---


Chúng tôi vừa nhận được từ bạn bè, Thông Báo của gia đình cố nhạc sĩ Phạm Duy.

Chị bạn tôi cho ý kiến " Cũng đúng. Cứ chửi người ta mà còn hát nhạc người ta".

---ooOoo---


Ý kiến nhanh của cá nhân tôi như sau:

Cách đây nhiều năm, thính giả gửi thư đòi không hát nhạc Phạm Duy và ông Giám Đốc Chương trình một đài phát thanh trả lời rằng "Những bản nhạc của Phạm Duy sáng tác thời tiền chiến, đệ nhất và nhị cộng hòa, đều coi như tài sản quốc gia vì những sáng tác đó được viết trong thời kỳ sống tự do của miền Nam VN. Nó không còn là của Phạm Duy nữa. Chúng ta sẽ không hát những nhạc phẩm mới hay nhạc phẩm ông ca tụng cộng sản nếu có." (tôi nhớ đại khái, ý như vậy)

Sau khi Duy Quang mất, nhiều netters có những lời lẽ quá đáng. Cá nhân tôi thấy Duy Quang không tuyên bố ồn ào, bậy bạ gì và anh có vẻ lành. Tệ vô cùng là không biết xuất phát từ kẻ ác độc nào nguồn tin Phạm Duy-Julie Quang, để rồi sau này ngay cả những người tử tế, có giáo dục, cũng tin là có và phổ biến?!

Sau khi Phạm Duy chết, tương tự nhiều netters cũng phỉ báng mạ lị. Cá nhân tôi thấy bất nhẫn không đúng vì tôi cho rằng với quan điểm của tôi, Tội (cho là Tội khi ông chọn con đường về VN đi.) của ông không bằng Công của ông.
Cái tội (chửi cộng đồng hải ngoại) thì cũng hiểu là ông phải làm thế, khi ông muốn tác phẩm của mình không bị mất mà phải được vang lên trong nước. Ngày xưa Hàn Tín còn luồn trôn. Tất nhiên chúng ta có quyền không thích, không đồng tình hành vi luồn trôn của Hàn Tín.

Hôm nay, với thông báo này của gia đình Phạm Duy, tôi cảm thấy ngậm ngùi. "Mọi sáng tác, thông tin cá nhân, nhạc, hình ảnh, lời phát biểu trên phương tiện truyền thông công cộng đều không được sử dụng". Tất nhiên, gia đình cố nhạc sĩ sẽ cấp giấy nếu ai muốn.

Tôi có cảm tưởng thông báo này, như là "đã cắt đứt giây chuông Lan và Điệp".

Thôi cũng đành. Biết làm sao. Tất cả mọi đau đớn của cố nhạc sĩ, gia đình cố nhạc sĩ và cả người Việt Nam (trong và ngoài nước), tựu trung chỉ là do cuộc chiến Quốc Cộng gây ra.

Cuộc chiến ấy vẫn còn đang tiếp diễn.

Nhưng phải chăng chúng ta cũng nên xét lại mình khi tấn công chửi rủa quá đáng một nhân tài của đất nước khi ông ta chỉ muốn nhạc của mình phải được vang lên trong nước?

Nhạc Phạm Duy chả chết được. Những tình tự ngút ngàn cho quê hương, tiếng lòng thắm thiết vang lên cho quê hương, khi đã được viết ra, trong giây phút xúc cảm tột đỉnh của người nhạc sĩ thì sợi tơ đã rút ruột và tơ ấy theo gió ngàn bay đi muôn phương.

Sự tuyệt tình, không bao giờ là biện pháp tối ưu.

Hoàng Lan Chi

TAM73F
04-01-2013, 03:30 AM
Duy Cường bác bỏ thông báo cấm dùng nhạc Phạm Duy.

Được bố trao quyền quản lý di sản âm nhạc, con trai cố nhạc sĩ khẳng định gia đình tạo mọi điều kiện để nhạc ông đến với công chúng.

Mới đây, giới ca sĩ cũng như những người yêu nhạc Phạm Duy trong và ngoài nước lan truyền nhau bản thông báo việc gia đình nhạc sĩ Phạm Duy cấm sử dụng ca khúc của ông tại Mỹ.

Thông báo này nêu rõ: “Gia đình Phạm Duy xin thông báo kể từ ngày thông báo này (ngày 23/3) tất cả sáng tác, hình ảnh, nhạc, tên, thông tin cá nhân, tiếng hát, lời phát biểu của cố nhạc sĩ Phạm Duy và cố ca sĩ Duy Quang sẽ không được sử dụng trên mọi phương tiện, trình diễn công cộng (show ca vũ nhạc có thu hình hay không có thu hình) phát thanh, truyền hình, sách báo, quảng cáo và tất cả các hình thức sử dụng thương mại.

Thông cáo đang được cho là xuất phát từ thành viên gia đình Phạm Duy ở Mỹ.

Mọi sử dụng không được chấp thuận (trên văn bản) bởi gia đình Phạm Duy hay luật sư đại diện là vi phạm quyền sử hữu trí tuệ của gia đình Phạm Duy và sẽ bị truy tố tối đa dưới pháp luật. Thông báo này còn nêu rõ mức phạt vi phạm bản quyền âm nhạc Phạm Duy ở Mỹ là 250.000 USD và cao nhất là mức án tù.

Nhạc sĩ Duy Cường, con trai Phạm Duy hiện sống ở Việt Nam, cho biết anh không quan tâm về nguồn gốc của thông báo này. Nhạc sĩ chia sẻ với VnExpress.net: "Với tư cách là người chính thức được bố tôi chỉ định quản lý di sản và dựa trên hoài bão của bố tôi, tôi luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sử dụng tác phẩm Phạm Duy theo đúng quy định của luật pháp Việt Nam. Thông báo mà mọi người đề cập đến là của cá nhân nào đó không có thẩm quyền về quản lý di sản của bố tôi. Thực sự tôi không quan tâm. Cá nhân đó phải tự chịu trách nhiệm trước dư luận".



Ông Lê Lâm Viên, giám đốc Phương Nam Film, đơn vị nắm bản quyền khai thác ca khúc Phạm Duy ở Việt Nam trong 20 năm, cho biết: "Tại Việt Nam, với những ca khúc đã được trao bản quyền khai thác cho Phương Nam (trong 20 năm), các ca sĩ muốn sử dụng chỉ việc xin phép qua chúng tôi mà không gặp trở ngại nào". Ông Lâm Viên cũng cho rằng, nếu thông báo này xuất phát từ thành viên gia đình Phạm Duy ở Mỹ thì chỉ có hiệu lực ở Mỹ và là hành động bình thường trong hoạt động bảo vệ bản quyền.

Phương Nam đang chuẩn bị phát hành hai sản phẩm âm nhạc của Phạm Duy gồm một đĩa nhạc cổ điển và nhạc hòa tấu các tác phẩm chọn lọc của cố nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời vào ngày 27/1, chỉ hơn một tháng sau khi con trai cả Duy Quang của ông mất ở tuổi 62. Duy Cường là người con trai túc trực lo lắng, chăm sóc cho ông những ngày bệnh tật cho đến phút ra đi. Cố nhạc sĩ còn có các người con là: nữ ca sĩ Thái Hiền, Thái Thảo, Duy Minh, Duy Hùng, Duy Đức.

Thoại Hà


__._,_.___

TAM73F
04-05-2013, 10:49 AM
------------------------------

Luật Sư Nguyễn Xuân Phước: '' Làm Thế Nào Để Giết Một Thiên Tài ''

Ngày 23 tháng 3 năm 2013 vừa qua gia đình nhạc sĩ Phạm Duy ra một thông báo cấm xử dụng tất cả những sáng tác, hình ảnh, nhạc, tên, thông tin cá nhân, tiếng hát, lời phát biểu, của cố nhạc sĩ Phạm Duy và cố ca sĩ Duy Quang sẽ không được xử dụng trên mọi phưong diện, trình diễn cộng cộng (show ca vũ nhạc, có thu hình hay không thu hình), phát thanh (radio), phát tuyến trền hình (teklevision), internet, sách báo, quảng cáo và tất cả các hình thức sử dụng thưong mại. Bản thông báo nầy đi kèm với lời đe doạ: “Mọi sử dụng không được chấp thuận trên văn bản bởi gia đình Phạm Duy hay luật sư đại diện là vi phạm Quyền Sở Hữu Trí Tuệ của gia đình Phạm Duy, và sẽ bị truy tố tối đa dưới luật pháp. Luật Pháp Hoa Kỳ (US Copyright Law) có hình phạt chính là $250,000 cho mỗi vi phạm, va mức án tù.” Bản thông báo được ký tên bởi gia đình nhạc sĩ Phạm Duy và luật sư Trương Phú Hoà.

Phạm Duy không phải là một nghệ sĩ duy nhất qua đời để lại một gia sản văn hoá đồ sộ. Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Hiền, Hoàng Trọng, Phạm Đình Chương, Y Vân, Trần Thiện Thanh, Nhật Ngân, Trầm Tử Thiêng và nhiều nghệ sĩ khác, có người đã ra đi trong trong nước, có người qua đời ở nước ngoài. Những ngưòi đó khi ra đi để lại một gia tài tuy không lớn bằng, nhưng cũng phải nói ngang ngữa không về chất cũng về lượng. Tuy nhiên chưa có gia đình nào của các nghệ sĩ nầy ra một thông báo đầy tính đe doạ đồng bào như gia đình Phạm Duy.

Luật Bảo Vệ Quyền Sở Hữu Trí Tuệ là phương cách để bảo vệ quyền lợi của tác già nhưng không phải là phương cách duy nhất. Ngưòi nghệ sĩ sống được, nhờ sự bảo vệ của luật pháp và nhờ sự yêu mến của những ngưòi hâm mộ sáng tạo của mình. Tình cảm của người hâm mộ mới là nguồn mãi lực cho các sản phẩm trí tuệ. Do đó vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ những sáng tác của Phạm Duy là vấn đề vừa tình và vừa lý.
Thứ nhất, nói về “tình” thì dân tộc và đất nước Việt Nam cưu mạng Phạm Duy và vì nhạc Phạm Duy được một bô phận thính giả Việt Nam yêu mến. Nói như thế, Phạm Duy, dù có đóng góp lớn cho bộ môn âm nhạc, thì vẫn còn nợ đất nước Việt Nam một món nợ ân tình. Không có đất nước Việt Nam thì không có Phạm Duy. Sự thể gia đình Phạm Duy ra một thông báo đầy tính đe doạ đối với việc xử dụng âm nhạc Phạm Duy được ngưòi đọc nhận định như là một tuyên ngôn quịt nợ, hay một bản tuyên chiến của một thiên tài đối với người Việt Nam yêu mến nhạc của ông.

Thứ hai nói về lý thì luật về bản quyền của Hoa Kỳ bảo vệ những sáng tác của Phạm Duy là một vấn đề không đơn giản và có nhiều … vấn đề.
Nếu luật copyright của Hoa Kỳ có bảo vệ cho…tất cả những sáng tác, hình ảnh, nhạc, tên, thông tin cá nhân, tiếng hát, lời phát biểu, của cố nhạc sĩ Phạm Duy và cố ca sĩ Duy Quang, thì trên thực tế rất khó thực hiện được việc kiểm soát sự xử dụng những sáng tác và tên tuổi Phạm Duy ở thời đại thông tin internet. Do đó, lời đe doạ của bản thông báo nhưng lại thiếu khả năng thực hiện… nói lên một hành động “rung cây nhát khỉ” chỉ tăng thêm mối phản cảm của người yêu âm nhạc Phạm Duy đối với tác giả, mặc dù bản thông báo chỉ là hành động của những người thừa kế di sản của Phạm Duy.

Nếu gia đình Phạm Duy có khả năng thưa tất cả tổ chức, cá nhân vi phạm bản quyền của Phạm Duy thì một vấn đề quan trong hơn nãy sinh. Đó là … liệu gia đình Phạm Duy có bản quyền (copyright) các sáng tác của ông hay không.

Luật về bản quyền Hoa Kỳ xác định như sau: quí vị có chủ quyền về các tác phẩm, sáng tác nhưng chưa chắc có bản quyền về những sáng tác, tác phẩm đó! (Mere ownership of a book,manuscript, painting, or any other copy or phonorecord does not give the possessor the copyright. The law provides that transfer of ownership of any material object that embodies a protected work does not of itself convey any rights in the copyright). Đây cũng là lời nhắn nhủ đầu tiên của luật bản quyền gởi đến gia đình Phạm Duy:

Luật về bản quyền (copyright) của Hoa Kỳ minh định rằng: các tác phẩm đã xuất bản có nguồn gốc nước ngoài có thể được bảo vệ bởi luật bản quyền Hoa Kỳ nếu hội đủ một trong những điều kiện sau đây: Ở thời điểm công bố đầu tiên, một hay nhiều tác giả là national (gồm công dân và những người sinh ra ở các lãnh thổ thuộc quyền bảo hộ của Hoa Kỳ, hay những người là con cháu của công dân Hoa Kỳ nhung không có quốc tịch Hoa Kỳ), và những ngưòi đang cư trú tại hay là thưòng trú tại Hoa Kỳ, hay các quốc gia có tham gia hiệp ước (về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với Hoa Kỳ), hay một ngưòi không có quốc gia (stateless person) bất kỳ ngưòi đó ở đâu; hay sáng tác được công bố đầu tiên ở Hoa Kỳ hay quốc gia có hiệp ước với Hoa Kỳ. (Xem http://www.copyright.gov/circs/circ01.pdf)

Tài liệu của copyrightdata.com xác định rõ hơn: nếu ở thời điểm sáng tác và công bố đầu tiên của một tác phẩm mà tác giả là công dân nước ngoài thì luật bản quyền của quốc gia mà tác giả là công dân sẽ bảo vệ cho tác giả. Nếu một công trình sáng tác được thành hình, được đăng ký bản quyền và lần đầu tiên công bố – hay là công trình của công dân một quốc gia khác với Hoa Kỳ, công trình đó được coi như là công trình của nước ngoài theo luật về bản quyền của Hoa Kỳ. (http://chart.copyrightdata.com/ch08.html)

Trường hợp của Phạm Duy, cũng như đa số các tác giả và nghệ sĩ vốn ở Việt Nam trước 1975, do đó, rơi vào 2 khung thời gian quan trọng của luật bản quyền.

Thứ nhất đại đa số các bản nhạc của ông được sáng tác và xuất hiện đầu tiên tại Viêt Nam Cộng Hoà trước năm 1975 khi ông còn là công dân nưóc Việt Nam Cộng Hòa và chưa phải là thưòng trú nhân hay công dân Hoa Kỳ. Do đó luật về bản quyền của VNCH được áp dụng cho tất cà sáng tác trưóc năm 1975. Cũng vì thế luật bảo vệ sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ không áp dụng cho các sáng tác nằm dưói thẩm quyền của VNCH.

Tất cả các sản phẩm trí tuệ không được luật bảo vệ tác quyền bảo vệ thì được coi như thuộc public domain. Do dó, các tác phẩm xuất hiện trước 1975 của tất cà các nghệ sĩ Việt Nam kể cả Phạm Duy sẽ trở thành “của chùa” (tạm dịch chữ public domain).

Thứ hai là các tác phẩm được sáng tác trong thời gian ông sống ở Hoa Kỳ, tức là khi ông trở thành thưòng trú nhân và công dân Hoa Kỳ sau năm 1975, mới được luật Bảo Vệ Sản Phẩm Trí Tuệ Hoa Kỳ bảo vệ. Đó là khoảng thời gian Phạm Duy sáng tác rất ít và theo tôi những sáng tác trong thời gian nầy không quan trọng so với các sáng tác trước năm 1975.

Theo thông tin của cơ quan Copyright Hoa Kỳ thì trong thời gian nầy Phạm Duy chỉ đăng ký có hai sản phẩm: Hẹn hò : tình khúc Phạm Duy (1994) và Kỷ niệm / Phạm Duy 2nd. (1993). Như vậy thì Phạm Duy chỉ có 2 sáng tác có đăng ký copyright so với 256 sản phẩm có đăng ký bản quyền của Marie To, chủ nhân của Thúy Nga Paris.

Ngoài ra, luật pháp có những biệt lệ cho phép xử dụng các sáng tác có bản quyền trong một số trưòng hợp. Luật về “fair use” là những biệt lệ của luật về bản quyền. Theo đó, quyền sở hữu trí tuệ bị giới hạn bởi một số trưòng hợp như xử dụng các tác phầm được bảo vệ để phê bình, đánh giá tác giả và một số các xử dụng khác. Gia đình Phạm Duy nếu có bản quyền (copyright) các tác phẩm của Phạm Duy (sau năm 1975) thì gia đình Phạm Duy cũng đã không cân nhắc luật “fair use” – xử dụng cách vừa phải – trong thông báo người Việt tại hải ngoại.

Nói tóm lại, gia đình Phạm Duy đã bị “việt vị” khi ra thông báo đầy ngôn ngữ cấm đoán và đe doạ nói trên. Họ đã vi phạm cả tình lẫn lý.
Đối với tôi, Phạm Duy là một thiên tài âm nhạc của Việt Nam và tựa đề của bài viết nầy là “Làm thế nào để giết một thiên tài?”

Những tuyên bố của Phạm Duy với báo chí trong nước đã làm nhiều ngưòi Việt ở hải ngoại mặc dù yêu nhạc Phạm Duy vẫn không thích con người của Phạm Duy. Nhưng sự bộp chộp của gia đình Phạm Duy khi ra một thông báo hù doạ, dựa vào sự bảo vệ chưa được khẳng định của luật pháp Hoa Kỳ, như một nhát dao cuối cùng, đã đâm chết tình cảm … còn sót lại dành cho thiên tài Phạm Duy trong lòng người Việt tại hải ngoại.

Vĩnh biệt Phạm Duy! Và tôi sẽ tiếp tục nghe nhạc Phạm Duy và … sẽ không còn nhớ và quan tâm đến tên tác giả.

Luật sư Nguyễn Xuân Phước
Dallas, Texas April 1, 2013