PDA

View Full Version : Phúc Đi Họa Tới



Longhai
03-21-2013, 03:35 AM
Phúc Đi Họa Tới


Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích



- Tôi đã nói với bà nhiều lần rồi. Nó muốn lấy vợ ở Việt Nam thì tự lo liệu lấy.

Ông Vinh bực bội, trả lời thẳng thừng với vợ khi bà Toan lợi dụng lúc chồng vui vẻ thuyết phục ông cùng bà về Việt Nam tổ chức đám cưới cho đứa con trai duy nhất mà hai vợ chồng đưa qua mỹ theo diện HO. Ðã mấy lần bà nêu ý kiến đó với chồng nhưng luôn luôn bị ông Vinh cự tuyệt. Tuy vậy bà vẫn không nản lòng, liên tục thuyết phục ông.

Bà Toan là người miền Nam thùy mỵ lại đảm đang. Cả cuộc đời sống cho chồng, lo cho con không hề nghĩ đến bản thân mình. Tám năm chồng trong tù, ngoài đời bà tảo tần nuôi đàn con ba đứa. Ngày bị đuổi ra khỏi khu gia binh, mẹ con bà trở về với cha mẹ đẻ sống trong vùng quê mà trước năm 1975 khét tiếng có nhiều người hoạt động “cách mạng”. Ai là người cùng hoàn cảnh như bà Toan mới thấu hiểu nỗi gian nan cùng khốn trong giai đoạn cực kỳ đen tối của đất nước sau ngày đổi chủ. Ngày lên đường định cư ở Hoa kỳ, đứa con trai lớn đã lập gia đình nên ở lại, chỉ có một gái một trai còn độc thân đi theo cha mẹ.

Bà Toan nắm lấy tay chồng tiếp tục nài nỉ:

- Ông à, mọi việc tôi đã sắp xếp đâu vào đó rồi, chỉ cần có mặt ông trong buổi lễ thành hôn của con là đủ. Ðó là điều kiện duy nhất mà bên đàng gái đòi hỏi phải có cha mẹ chú rể ở Mỹ về mới thuận thảo.

Ông Vinh lấy tay bà Toan bỏ qua một bên, rút tay mình về rồi bưng bình trà rót vào tách cho vợ và cho ông. Uống xong ly trà, ông Vinh gằn giọng:

- Tôi hỏi bà, thằng Minh nó không đủ khả năng kiếm một con vợ trên đất Mỹ nầy sao? Ðàn bà, con gái Việt ở Hoa Kỳ đâu còn khan hiếm như hai mươi năm về trước. Con mình nào phải thuộc loại xấu trai, trình độ học vấn thấp kém, mà đường đường là một kỹ sư điện tử ra trường với số điểm xuất sắc. Bà cũng đã từng đãi đằng cho số bạn gái của nó thường đến nhà chơi. Sao nó không chọn vợ trong số đó mà nhiều lần bà xít xoa với tôi: “Mấy con nhỏ dễ thương quá, ước gì một đứa trong chúng nó là dâu mình.”

- Nhưng thằng Minh tâm sự với tôi, bà Toan tiếp lời chồng:

- Các cô ấy sống ở Mỹ càng lâu ngày càng Mỹ hóa nặng nề. Các cô ấy quên hết những tập tục tốt đẹp của ông bà ta truyền lại, chỉ biết chú trọng đến cuộc sống riêng tư của mình.

- Nói như thế là quơ đũa cả nắm , ông Vinh phản bác lời vợ. Chẳng qua nó bị con nhỏ ở Việt Nam bỏ bùa mê thuốc lú trong lần về Tết với bà năm ngoái. Chứ ở Mỹ nầy cũng có khá nhiều con em trong giới trẻ giữ gìn được phong tục tập quán của dân tộc ta.

Bà Toan lai nắm tay chồng :

- Ông nói hay thiệt. Chẳng lẽ ngày trước, tôi cũng bỏ bùa mê thuốc lú cho ông hay sao mà chỉ một lần gặp tôi khi ông theo anh tôi đến nhà chơi, là chạy theo tôi suốt đời vậy ?

- Ðó là tiếng sét ái tình, là duyên nợ. Ông Vinh lấp liếm .

Bà Toan được thể tấn công thêm :

- Vậy thì chúng nó, biết đâu cũng là duyên nợ, cũng là tiếng sét ái tình ?

Ông Vinh uống hai tách trà liên tiếp, lấy gói thuốc trong túi áo định hút một điếu nhưng vợ ông giữ lại bảo :

- Ông quên lời bác sĩ khuyên phải bỏ hút thuốc rồi sao. Cái bệnh suyễn của ông càng ngày càng nặng là do nhựa thuốc lá đó.

Ông Vinh bỏ bao thuốc vào túi, nhìn vợ hồi lâu :

- Bà chỉ biết chiều con mà quên khuấy hậu quả. Gương trước mắt vụ thằng H. con anh Tư Xuyên gần nhà mình ngày trước, có phần hùn thuyền đánh cá ở Vịnh Cựu Kim Sơn về Việt Nam cưới cô vợ trẻ. Ngày cô dâu qua Mỹ cả nhà chú rể dùng xe limosine dài ngoằng đón tiếp linh đình tại phi trường. Nhận xong thẻ xanh, là cô nàng bay đi mất dạng với người tình cũ. Báo chí ở đây cũng đăng hà rầm bao nhiêu tình cảnh cười ra nước mắt. Cái tật đứng núi nầy trông núi nọ, chạy đua theo cuộc sống vật chất, các cô so bì để rồi vài tháng hoặc vài năm là quất ngựa truy phong.

Bà Toan nhìn chồng cười chế giễu:

- Ông lại quơ đũa cả nắm rồi. Con gái người ta thuộc gia đình có bề thế xưa nay, đạo đức mấy đời. Họ vì tình yêu của con gái mà chiều lòng gả con cho thằng Minh nhà mình, phải chịu cảnh xa nước xa làng.

Ông Vinh ngắt lời vợ :

- Nhưng nếu thằng Minh không phải là Kỹ sư, không phải Việt kiều liệu họ có chiều con gái họ không?

Bà Toan giận dỗi:

- Nói ông đừng buồn, tôi biết cái tẩy của ông là không muốn làm suôi với kẻ có chức có quyền ở cái xã hội hiện thời ở quê nhà. Ông là người thuộc loại đại cố chấp lại thêm quá khích nữa. Ông không chừa cho ai một kẽ hở. Ngày ông chú ruột của ông từ Việt Nam qua đây du lịch ghé nhà thăm mà ông đã nhẫn tâm lánh mặt không tiếp.

Ông Vinh cười xót xa:

- Bà nhập hai điều làm một là không đúng. Ngay cả cái chuyện kết suôi gia với mấy ông cán ở Việt Nam trong thời điểm nầy đối với tôi không “care” bởi chính các ông ấy thấy cái gương các nước Ðông Âu, Liên Sô sụp đổ, nên chạy trước thời cuộc. Họ cần chỗ trú an toàn nơi hải ngoại nên không có gì tốt hơn là cho con đi du học hoặc cưới vợ gả chồng cho người đã có quốc tịch ở nước ngoài hầu có điều kiện lập nghiệp nơi quê người, chuẩn bị cho tương lai. Ngay cả đám du học sinh từ Việt nam sang đây, tôi cam đoan với bà là mười đứa hết chín tìm cách ở lại sau khi tốt nghiệp. Vì vậy tôi sẵn sàng mở rộng vòng tay tiếp đón chúng nó. Ðó là lớp người trực tiếp thu nhận kiến thức Dân chủ, Nhân quyền trên đất nước đứng đầu của thế giới Tự do nầy. Và cũng chính thế hệ nầy mới có khả năng thay đổi cái xã hội hiện thời ở Việt nam đã hoàn toàn đi ngược với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Mình là người Quốc gia phải thể hiện tấm lòng bao dung và thân thiện mới hóa giải những mặc cảm trong đầu chúng nó bị chế độ bên nhà nhồi sọ từ lúc ấu thơ. Còn cái chuyện lánh mặt ông chú tôi thì là vấn đề khác. Ông ấy là một nhà trí thức lại hoạt động nội tuyến cho phía bên kia. Sau ngày miền Nam thất thủ ông ấy ra mặt tiếp tay với chế độ mới. Ông là hạng người đâm sau lưng chiến sĩ. Như thế lòng tôi có vui gì để mà nghênh đón ông ấy chứ! Tôi khâm phục những người đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp và suốt một đời giữ phong cách sống của con người vì dân vì nước. Nếu ông ấy có sự phản tỉnh thì hãy tham gia vào nhóm phản kháng đòi Dân chủ, Nhân quyền cho tám mươi lăm triệu đồng bào trong nước mà hiện giờ họ đang phát động phong trào rộng lớn trên toàn quốc. Tôi nghĩ ông ấy cũng không lạ gì câu nói của Hegel: “Ðánh mất chính mình để tìm lại chính mình là con đường của đời sống tinh thần”. Những trí thức thiên tả ngày trước ở miền Nam họ đặt niềm tin một cách mù quáng vào lý tưởng CS. Ngày nay thế giới đã xoay chiều và lý tưởng đó đã lỗi thời buộc họ phải nhìn lại chính mình và lịch sử một cách khách quan để quay về với chân lý sáng ngời của thời đại. Dần dà họ đã sáng mắt ra rời bỏ cái thiên đường không tưởng Cộng sản đi tìm tự do như lời thú nhận của giáo sư Lê Xuân Khoa trên Talawas: “Sau ngày thống nhất, rất nhiều người trong số trí thức thiên tả nầy từ hải ngoại cũng như quốc nộï đã có những dự án, chương trình...xây dựng đất nước nhưng họ đã bị thất vọng khi đụng phải những thực tế trái ngược, bị nhà nước bác bỏ và nghi ngờ không cho ngồi chung chiếu quyền lực, bị xua đuổi thẳng tay khi tàn cuộc chiến.”

Mới đây, trong “Hồi Ký Không Tên” của Lý Quý Chung , cựu dân biểu đối lập chính quyền Miền Nam 3 nhiệm kỳ, Tổng trưởng Thông tin trong nội các 2 ngày của Dương Văn Minh đành cam phận đi nhặt tin ...bóng đá bán cho các tờ báo thể thao của chính quyền CS đã than thở chán nản: “Tôi là một quả chanh đã hết nước rồi !” (HKKT, trang 434) . Trong cảnh cá chậu chim lồng, Chung ê chề nhận thức trước khi qua đời: ”Sau 30 năm, tôi vẫn phải gánh trên lưng mình cái lý lịch “viên chức cao cấp chế độ cũ ” như một cục bướu..., tôi chưa bao giờ là một thành viên trọn vẹn của chế độ mới. Tôi vẫn hiểu được rằng thật khó cho người cộng sản tin dùng trọn vẹn một người không phải của mình..Một trong những câu nói đầu tiên sau thời gian cha tôi bị tắt tiếng đã nói với tôi một cách giận dữ: “ Tao không muốn gặp mầy nữa. Gia đình mày như thế này, cha mày như thế này, mà mày còn viết báo cho cộng sản. Tao từ mày.” (HKKT, trang 426). Sự trở mặt của Lý Qúy Chung đối với phía quốc gia đã bị chế độ CS xa lánh như tránh “cục bướu” đã thành ghẻ lở.

Còn cái nhóm trí thức phản biện của ông Huệ Chi toàn là Giáo sư, Tiến sĩ đã từng cúc cung với chế độ cũng bị bọn CS chóp bu Ba Đình coi có ra gì đâu, cuối cùng đành phải tự bóp mũi mà chết.

Nói vừa hết câu, ông Vinh bỏ vợ ngồi một mình, ra cái khu vườn bỏ túi phía sau nhà xem đêm qua có bị lũ nhớt, ốc sên bò vào cắn phá mấy luống rau thơm, vài ba cây ớt đã bắt đầu ra hoa .

Bà Toan rất buồn bực trước thái độ cố chấp của chồng. Ðêm nào bà cũng khóc rấm rức khi thấy thằng con sầu khổ. Không khí gia đình lúc nào cũng nặng trình trịch. Ðứa con gái học ở xa, mỗi lần gọi điện thoại về thăm là trách bố không cảm thông cho tuổi trẻ khiến cho anh Minh gần như thất chí. Cứ tình cảnh nầy kéo dài e ông Vinh sẽ mắc chứng bệnh thần kinh mất, chẳng khác gì hình phạt vô hình đang tra tấn ông. Sau bao đêm trằn trọc, cuối cùng ông Vinh chịu khuất phục như một kẻ bại trận chỉ vì nước mắt của vợ đã làm cho ông mềm lòng.

Tuần lễ sau, ông Vinh bảo vợ gọi thằng Minh về lo mua vé máy bay chuẩn bị cho ba người về Việt Nam.


***

Khí hậu Sài Gòn vào tháng Tư, tháng Năm nóng hầm hập như lửa nung trước cửa lò gạch . Ngồi trong chiếc taxi, máy điều hòa lại bị hỏng, gió nóng lùa vào xe, người ông Vinh nhễ nhại mồ hôi, áo quần nhếch nhác. Ông xa Sài Gòn đã mười lăm năm giờ đây trở lại, trông thành phố như xa lạ hẳn đi. Những ngôi nhà nhiều tầng mọc cao nghều nghệu. Những tên đường quen thuộc ngày trước hoàn toàn biến mất. Người, xe đạp, xe gắn máy, xe hơi chen nhau từng gang tấc. Ông Vinh muốn ngợp thở trước lượng sóng người cuồn cuộn trong lòng đường. Niềm hân hoan hiện rõ trên nét mặt vợ con ông. Còn trái tim ông dường như chai cứng, tâm trí thì loãng ra trước cái nóng chín người.

Sau một ngày nghỉ ngơi, bà Toan hối thúc ông Vinh về Trung để đón bà con vào Sài gòn dự đám cưới của con trai. Ông vô cùng kinh ngạc khi thôn xóm vắng hoe bóng người. Ông vào thăm từng gia đình chỉ còn lại người già và trẻ con. Hỏi ra mới biết trai tráng bỏ quê vào các thành phố lớn đi làm thuê hoặc buôn thúng bán bưng tại các chợ hoặc trên lề đường. Từ anh đạp xích lô đến phu khuân vác, thằng bé bán hủ tiếu gõ hàng đêm, cô con gái bán hột vịt lộn. Trăm người trăm nghề hầu hết là người từ miền quê chạy đói vào thành thị để kiếm ăn.

Tiếp theo là vợ chồng ông Vinh cùng về quê ngoại của bà Toan ở tận Cà Mau để mời bà con tham dự tiệc cưới. Ông Vinh không tin vào mắt mình trước cảnh nghèo khổ của người dân nơi đây. Vợ chồng ông vào nhà Dì Dượng Ba ở Kinh Ngang thấy Dì Dượng cất được căn nhà mái lợp tôn, bà Toan khen rối rít, Dì Ba bảo : “Trời ơi, cháu đừng thấy đồng bào cất nhà mái tôn mới cáu, dưới bến có xuồng gắn máy đuôi tôm mà tưởng bà con nơi đây giàu có. Cháu phải vào trong bếp để coi từng hũ gạo, coi túi tiền của bà con. Nó trống trơn. Cái xác thì nó vậy, phần hồn thì ở ngân hàng. Trong ruột tan nát hết.”

Ông bà Vinh lên xe thồ đến nhà Chị Hai, con gái lớn của Dì Tư ở cuối thôn. Chị có bốn đứa con nhưng ba đứa đã thôi học. Chị chỉ thằng Tụng, con trai đầu lòng của chị, giọng đầy khắc khoải: “Tội nghiệp thằng nhỏ, học hết lớp 12, điểm tốt nghiệp thuộc loại Xuất sắc mà không có tiền học tiếp, phải bắt nó nghỉ. Nó khóc lên khóc xuống nhưng đành chịu. Nó bảo : Tương lai, mơ ước của đời nó đành chấm dứt nơi đây! (2)

Thực tế trước mắt ông Vinh là như thế khiến ông nhớ đến một bài viết của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư, một thành viên của Hội Nhà Văn Cà Mau và đồng thời là một đại biểu Hội Đồng Nhân Dân của tỉnh nầy, giúp ông thêm cái nhìn cụ thể hơn. Bài viết có đoạn:

“Tôi nhớ có lần hỏi chuyện làm ăn của bà con quê nhà, một bà phát biểu: ‘Hồi còn chiến tranh, quê Thị Tường của chúng tôi có ba không: Không Theo Giặc, Không Bỏ Ðảng và Không Bỏ Cách mạng. Bây giờ giải phóng đã ba chục năm rồi thì người dân nhận được tùm lum không, không gạo, không tiền, không mắm muối, không rau cỏ...”.

Cảnh tình đất nước như thế mà ông Vinh không hiểu có một số Việt kiều về quê hương vài ba tuần, một tháng đã có nhận xét vô cùng hời hợt cho rằng đồng bào ở quê nhà giờ đây người nào cũng khá giả.

Một tuần lễ tất bật, rồi đám cưới cũng được tổ chức hoàn thành tốt đẹp. Trước khi về lại Hoa Kỳ, cả nhà tổ chức chuyến đi thăm cố đô Huế. Minh mướn chiếc xe van mười hai chỗ ngồi vừa đủ cho gia đình ông, gia đình đứa con trai cả còn ở lại Việt Nam, cô dâu mới và mấy người cháu vợ.

Ba ngày ở khách sạn Saigon Morin tại thành phố Huế, cả nhà ông Vinh đi thăm hầu hết lăng tẩm và thắng cảnh miền Sông Hương Núi Ngự. Những kiến trúc cổ như Ðại nội và Tử cấm thành của các vua triều Nguyễn. Ðiện Thái hòa là nơi cử hành các lễ lớn của triều đình và khu Thế miếu, nơi thờ cúng các tiên đế. Các di tích lịch sử đất thần kinh nay đươc sửa sang, trùng tu dưới sự tài trợ của cơ quan UNESCO của Liên Hiệp Quốc nhưng vẫn chưa được hoàn hảo. Nhiều nơi còn mang tính cách vá víu, tạm bợ. Các đền đài lăng miếu còn để lại không lấy gì nguy nga, vĩ đại cho lắm nhưng nổi bật nhất là nghệ thuật điêu khắc của nghệ nhân ngày xưa rất tinh vi và độc đáo.

Mỗi năm, Huế đón tiếp hàng vạn du khách ngoại quốc đến thăm viếng. Nhà nước thu hoạch một số ngoại tệ khổng lồ.

Trên dòng sông Hương ngày nay cũng khác xa với thời kỳ mới “giải phóng”. Không khí thanh bình như chan hòa với con nước lững lờ trôi. Ðêm về sông Hương sáng rực đèn của những con đò chở khách hóng mát trên sông đêm. Sông Hương lộng gió làm vang xa tiếng đàn, tiếng hát từ trên thuyền rồng đang trình diễn nhạc cung đình. Xa xa là chiếc du thuyền lớn đang đậu bên bờ sông thấp thoáng những du khách đang dự tiệc cung đình với áo mão cân đai của hoàng đế, hoàng hậu.

Một người bạn cũ rỉ tai ông Vinh :

- Muốn thấy rõ đời sống của đa số dân Huế, ông nên đi viếng các khu Vạn Đò.

Hai ngày qua, ông Vinh đã nhìn thấy bề mặt diễm lệ, khoe khoang của kinh thành Huế. Giờ đây mới chứng kiến được cảnh sống lúc nhúc cơ hàn của người dân nơi khu Vạn Đò. Hàng trăm chiếc đò con đậu sát bên nhau trên một nhánh sông Hương hoàn toàn khác biệt với dòng sông Hương chảy qua thành phố đầy thơ mộng chỉ cách khu Vạn Đò vài ba cây số. Mỗi chiếc ghe dài khoảng bảy tám thước, bề ngang chưa đầy hai thước mà chứa một gia đình sáu bảy người, có khi hai ba thế hệ sống chung đụng chật chội , tù túng đời nầy qua đời khác. Ban ngày họ lên phố làm những việc chân tay được người thành thị thuê mướn. Và tất nhiên một số lượng nàng “kiều”không nhỏ chuyên phục vụ cho khách ngủ đò cũng xuất phát từ nơi đây.

Qua bên kia đường Bạch Ðằng là khu vạn đò Thế Lai. Những chiếc đò rách nát đậu chen chúc dưới mé rạch ngay trước mặt những căn nhà lầu cao tầng đang xây cất. Nơi đây là xã hội Huế thu gọn thể hiện cảnh nghèo giàu cách biệt, là hình ảnh của sự bất lực do nền kinh tế “ thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ” đầy sự mâu thuẫn . (3)


***

Buổi sáng, mọi người dậy thật sớm ăn bữa điểm tâm cuối cùng tại tiệm bún bò Huế rồi lên xe về lại Sài Gòn. Con đường quốc lộ 1A tuy đã nhiều lần được sửa sang lại nhưng có nhiều đoạn, xe chạy như thuyền đi trên sóng. Gặp giờ tan trường, từng cặp đôi, cặp ba học sinh đi xe đạp giăng hàng ngang trên đường lộ, tài xế chỉ bóp còi rồi cho xe vượt qua khiến mọi người lên ruột. Dọc đường, còn cái nạn phơi rạ, phơi lúa, khoai mì khoai lang choán hết cả lòng đường. Chưa kể những chiếc xe đò tranh nhau đón khách, với tốc độ khủng khiếp, tài xế coi mấy chục mạng con người trên xe như cỏ rác. Một xã hội xô bồ, hỗn tạp tranh sống trên sinh mạng của người khác. Nhà cửa hai bên quốc lộ được xây cất nhiều hơn và cũng khá khang trang. Những thị trấn trước kia tiêu điều. Ngày nay, nhà lầu nhà ngói mọc lên san sát trông rất phồn vinh. Hỏi ra mới biết đa phần là của cán bộ chính quyền, đảng viên và thân nhân của họ từ trong vùng sâu dồn ra mặt đường chiếm đất hoặc mua giá ưu tiên của hợp tác xã.

Nếu ta chịu khó đi sâu vào các vùng thôn quê hẻo lánh với những căn nhà lá lụp xụp không khác gì thời điểm còn chiến tranh thì mới thấy người nông dân đã bị bỏ lại sau quá xa trong công cuộc phát triển kinh tế bất cân xứng giữa thành thị và nông thôn tại Việt Nam ngày nay.

Xe đến Phan Rang trời đã vào khuya. Ðêm tối mịt mùng. Những áng mây đen từ ngoài biển kéo vào che lấp cả bầu trời đầy sao đẩy cơn mưa dông mùa hạ về mãi tận miền cao. Chiếc xe du lịch mang gia đình ông Vinh vừa vào khu vực gần ngã ba Cà Ná, chợt một ánh đèn pin cực sáng như chiếc đèn pha lóe lên chiếu thẳng vào mặt người tài xế. Lúng túng, chẳng biết việc gì xảy ra, người tài xế mất bình tĩnh vội vã tấp xe vào lề. Bỗng “Rầm” như tiếng nổ của sấm trời vang lên, tiếp theo là những tiếng rào rào đổ vỡ, nát vụn. Rồi rơi vào sự im lìm rờn rợn như từ cõi chết.

“Cứu tôi với, Cứu tôi với !”

Tiếng thét của người đàn bà vang lên, mở đầu cho cảnh hỗn loạn của những người trong xe vừa bị tai nạn. Kẻ kêu cứu, người rên la, trẻ con gào khóc. Tất cả đều là sự khiếp đảm của chết chóc tang thương. Ðồng bào từ những căn nhà trong xóm đổ xô đến cấp cứu. Người ta lần lượt kéo từ trong xe ra những xác người đầm đìa máu me đặt nằm sóng soài trên lề đường. Người đầu tiên là ông Vinh, người thứ hai là cô dâu mới cưới tiếp theo là người cháu gái của bà Toan cùng bốn người khác đều bị thương tích trầm trọng, trong đó có con trai ông Vinh là chú rể vừa cưới vợ bị gãy hai chân, người con dâu cả ở lại Việt Nam bị chấn thương ở đầu và hai người khác trong dòng họ ông Vinh.

Nguyên nhân tai nạn đươc quan sát trên thực tế hiện trường như sau :

Cán bộ Kiểm Lâm phối hợp với Công an Giao thông đang truy xét chiếc xe be chở gỗ mà không để đèn báo hiệu, cũng không đặt các vật chắn từ xa. Giới chức ra lênh cho xe du lịch tấp vào lề đường quá gấp, thêm ánh đèn pin làm chóa cả mắt tài xế không trông thấy chiếc xe chở gỗ. Vì vậy chiếc xe du lịch đâm vào khúc gỗ bi dài nhất chọc thủng kiếng xe trước xuyên qua các băng ghế sau . Những người ngồi dãy ghế bên phải đều bị ngọn cây đâm vào người gây tử vong.

Nửa giờ sau công an chận xe đò buộc họ chở những người bị thương đến bệnh viện Phan Rang. Tại đây, phải mất thời gian dài chờ đợi bác sĩ trực làm việc theo thủ tục nhập viện “tiền trao cháo múc” quên cả lời thề Hyppocrates, đã khiến cho một người nữa tắt thở. Không còn đủ kiên nhẫn đợi chờ, bà Toan đành mướn xe chở gấp thân nhân về bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn. Tại đây, cái ngành “Lương y như từ mẫu” lai phân biệt đối xử giữa người Việt hải ngoại và người trong nước. Bệnh viện phí dành cho “Việt kiều” là 400.000 đồng thay vì 20.000 đồng một ngày, tiêu chuẩn dành cho dân trong nước. Ðây chỉ là giá thuê giường nằm và y công, còn thuốc men bệnh nhân phải tự mua lấy, chưa kể tiền bỏ bì “bồi dưỡng” để mua lòng quý vị bác sĩ và y tá chăm sóc cho thân nhân mình.

Trước sự mất mát to lớn, bà Toan đau đớn đến tê dại, ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Nhờ sự tỉnh táo của người con trai lớn đã lo toan mọi việc thay mẹ. Nỗi đau mất chồng, mất dâu, mất cháu còn thêm cảnh dày vò trách móc của suôi gia, còn thì giờ đâu để bà đọc biên bản phúc trình nguyên nhân tai nạn ghi trên giấy tờ là do tài xế ngủ gục. Anh tài xế bị ngất trên tay lái nhưng không hiểu vì sao lai bỏ trốn một cách dễ dàng trước mắt công an. Việc làm khuất tất đó đủ đánh giá lương tâm người cán bộ của chế độ hiện nay ở quê nhà.

Ngày trở lại Hoa kỳ, bà Toan đã khóc ngất trên mộ chồng. Tưởng dòng nước mắt đã cạn, nay lại tuôn chảy dầm dề như cơn mưa lâu ngày bị kìm hãm. Lòng day dứt hối hận đã khiến bà muốn chết theo chồng cho tròn vẹn nghĩa tình đã chung sống với nhau suốt bốn mươi năm. Nhưng trước mắt còn đàn con đàn cháu kia đang cần tình thương và sự giúp đỡ của bà.

Mẹ con bà Toan lên máy bay về lại Hoa kỳ mang theo mối thương tâm của bao nhiêu người thân ở lại. Ðôi chân của Minh bị gãy nát, bệnh viện Việt Nam dùng y thuật tháp xương ống chân bằng i-nốc, nhưng bị nhiễm trùng. Do đó bệnh viện ở Hoa Kỳ phải mổ ra nạo sạch mủ và thay loại tháp xương mới.

Ngồi bó gối với nỗi cô đơn tận cùng, bà Toan hết nhìn di ảnh chồng rồi di ảnh con dâu đặt trên bàn thờ. Bà hối tiếc đã đổi chỗ ngồi sau tài xế nhường ghế gần cửa xe cho con dâu. Nếu không, bà đã được cùng chết với chồng thay mạng cho vợ mới cưới của Minh thì hạnh phúc biết bao ! Nghĩ đến câu sách ngày xưa: “ Phúc bất trùng lai Họa vô đơn chí,!” (4), bà Toan rùng mình đứng lên thắp thêm nén hương trên bàn thờ ông Vinh !



Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

_____

(1) “ Họa Phúc Vô Môn” = Tai họa hay Hạnh phúc thường là do chính bản thân mình gây ra, mang đến.
(2-3) Dựa theo ý của tác giả Huỳnh Văn Lang (Ðã Hơn 30 Năm Rồi)
(4) “ Phúc bất trùng lai, Họa vô đơn chí,” = Tai họa không chỉ đến một lần mà hay đến dồn dập, trong khi vận may, phúc lành họa hoằn lắm mới có, không lặp lại nhiều lần.