PDA

View Full Version : TĐ 36 BĐQ Và Trận An Điền



hieunguyen11
03-17-2013, 07:25 AM
Nam Bình – Tiểu đoàn 36 BĐQ Trận An Điền-Rạch Bắp


http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1363505017.jpg

Từ năm 1973, Tiểu đoàn 36 BĐQ, gần như bị tách rời khỏi Liên đoàn 31 BĐQ, được biệt phái thường xuyên cho Lữ đoàn 3 Thiết Kỵ, do Chuẩn Tướng Trần quang Khôi làm Lữ đoàn trưởng. Tiểu đoàn luôn đi tùng thiết với Thiết đoàn 18, do Trung tá Phan văn Sỹ làm Thiết đoàn trưởng, lập thành Chiến đoàn 318, gồm 2 chi đoàn M113, một chi đoàn chiến xa M48, và một tiểu đoàn BĐQ. Chiến đoàn thường hành quân chung quanh Bình Dương, Bà Riạ, Vũng Tàu, Long Lễ…, rồi qua Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Trảng Bàng, Khiêm Hanh…

Vào khoảng tháng 4-74, tiểu đoàn đang được nghỉ vài ngày thì nhận lệnh cùng Chiến đoàn 318 thay thế Chiến đoàn 315 (gồm Thiết đoàn 15 và một tiểu đoàn bộ binh tùng thiết), hành quân tại khu vực An Điền, Rạch Bắp, Bình Dương. Vùng này thuộc trách nhiệm cuả Sư đoàn 5 bộ binh, nhưng do áp lực rất nặng của địch, nên Sư đoàn 18 bộ binh đã được tăng cường. Liên đoàn 4 BĐQ cũng đang hành quân ở phiá bắc Bến Cát, nhưng ngay sau đó đã rút ra khỏi khu vực. Theo lệnh hành quân, Chiến đoàn 318, và Chiến đoàn 315 luân phiên hoán chuyển từng 10 ngày.

Khi vừa tới nơi, chúng tôi đã được đón chào bằng các đợt pháo kích dày đặc cuả địch, bao gồm 82 ly, 107 ly, 122 ly… khiến một số binh sĩ bị thương ngay giờ phút đầu tiên. Thiếu tá Lê quang Giai, Tiểu đoàn trưởng, và tôi vào họp hành quân, được tổ chức tại Phòng hành quân chi khu quận.

Trong khi họp và nghe báo cáo, chúng tôi được biết tình hình chiến sự trong khu vực không khả quan. Bên ngoài, bộ binh địch có T54 yểm trợ đã áp sát quanh quận, nặng nhất là mặt bắc và tây bắc. Bên trong, VC đã tung các lực lượng đặc công và du kích trà trộn trong dân, tung các đợt đánh quấy rối, chỉ điểm các vị trí cuả quân ta để pháo kích liên tục bằng các loại súng lớn.

Tôi đã đề nghị các điểm chính như sau:

1. Thống nhất chỉ huy: Chi khu cần phải đặt dưới quyền chỉ huy cuả đơn vị tăng phái

2. Phải mở ngay cuộc hành quân quanh quận, trong những khu vực vẫn do ta kiểm soát vừa để tạo thanh thế, vừa để thanh lọc các thành phần địch trà trộn.

3. Tổ chức phòng thủ ngay lập tức, tập trung vào mặt tây, và tây bắc quận lỵ.

Trong buổi họp, chúng tôi cũng được báo cáo sơ qua về tình hình địch và ta. Trước khi Tiểu đoàn 36 BĐQ tới, tất cả các đợt tấn công của ta bị chậm lại vì VC đã dùng hỏa lực pháo binh, gồm 107ly, 122ly ngăn chặn. Chúng đã pháo kích ngày đêm, vì thế tổn thất của quân ta khá cao. Ngoài ra, hệ thống phòng không mạnh mẽ cuả chúng đã ngăn cản khá hữu hiệu, làm cản trở sự yểm trợ của không quân.

Đổi lại, các căn cứ hoả lực của ta gồm 105ly, 155ly, 175ly sẵn sàng yểm trợ đơn vị trú quân tại đây. Ta còn có máy bay sẵn sàng yểm trợ khi có yêu cầu…

o O o

Sau buổi họp, Thiết đoàn 18 và Tiểu đoàn 36 BĐQ, đặt Ban chỉ huy ngay trong chi khu quận Bến cát, chịu trách nhiệm phòng thủ toàn bộ vòng đai. Đồng thời lực lượng phản công chờ cơ hội, giải toả xã An Điền đang bị địch chiếm.

Để dễ dàng phân nhiệm quyền chỉ huy khi hành quân chung, trách nhiệm giữa BĐQ và Thiết giáp được phân chia rất rõ ràng. Khi phòng thủ thì tiểu đoàn BĐQ chiụ trách nhiệm chính: lập tiền đồn, mìn bẫy.. và ra các mệnh lệnh khi cần thiết. Ngược lại, khi di chuyển, hoặc tấn công vào các mục tiêu lớn, cần hoả lực áp đảo, tấn công nhanh thì do Thiết giáp điều động. Đối với các mục tiêu rừng rậm, khó di chuyển, Thiết Giáp giữ nhiệm vụ yểm trợ hoả lực, trong khi BĐQ tấn công vào mục tiêu, lục soát… Khi đóng quân, các chi đội thiết giáp quây tròn, các đại đội BĐQ đóng xen kẽ, đồng thời tung các toán tiền đồn ra bên ngoài… Vì hành quân chung lâu ngày nên tình bạn giữa các binh sĩ của hai binh chủng đã trở nên thắm thiết. Họ đã thường nấu cơm chung, ăn chung, coi nhau như cùng một đơn vị.

Trách nhiệm phòng thủ được giao trực tiếp cho Tiểu đoàn 36 BĐQ. Với cương vị Tiểu đoàn phó, tôi đã phối hợp với Thiết giáp, ra lệnh 4 đại đội phòng thủ quanh chu vi quận lỵ, tung các toán tiền đồn ra khỏi căn cứ ngay lập tức. Tôi cũng ra các mệnh lệnh cho các đại đội dưới quyền là phải đối xử tử tế với dân, không được đụng chạm tới tài sản cuả dân, không trà trộn vào dân vì có thể bị địch sống lẫn gài bẫy. Toàn đơn vị phải đề cao cảnh giác với địch.

Sau đó, tôi đã ra bờ sông quan sát điạ thế mặt tây và tây bắc. Sông Thị Tính, với bề ngang khoảng 80m, ngăn cách quận lỵ với phiá bên xã An Điền. Cầu từ quận lỵ sang sông không còn nữa mà được thay thế bằng cầu phao do Công binh bắc tạm. Bên này sông, phiá tây cuả chi khu Bến cát, có một nhà máy xay luá lớn, bỏ hoang vì chiến tranh, đã ngưng hoạt động. Xa hơn là một con đường dốc cao dần, hư hỏng lồi lõm, xa khoảng 400 m. Hai bên đường còn giao thông hào lớn, cao khoảng đầu người, bề ngang khoảng 3, 4m, do Công Binh Mỹ đào khi một đơn vị bộ binh Mỹ hành quân nơi đây. Xa hơn, là những khoảng trống hoang tàn vì bom đạn, cỏ khá cao án ngữ một phần tầm mắt, không còn một mái nhà, mà chỉ còn lác đác vài cây cột bị cháy đen vẫn ngang ngạnh đứng vững với mưa nắng tại vị trí cũ. Theo điạ thế, quận lỵ ở vị trí bất lợi vì nằm thấp hơn nhiều so với bên kia sông, vì địch có lợi thế trên cao. Đây cũng là điểm bất lợi cho quân ta nếu dự định tấn công vào xã An Điền vì đường độc đạo và phải vượt sông.

Đơn vị trú phòng trước đã báo cho tôi biết khi bàn giao, chỉ cách bờ sông khoảng 100m, VC đã lập các chốt ở đây để quan sát, bắn quấy rối, hoặc bắn sẻ các đơn vị cuả ta ở bên này sông. Vì cỏ lên cao, và được nguỵ trang kỹ nên khó tưởng tượng chúng đang hiện diện ngay sát chúng tôi. Xa hơn là các đơn vị VC khác đang ngụy trang tránh tầm quan sát cuả máy bay.

Phiá bên phải con đường là khu rừng cao su trũng do VC chiếm cứ. Chúng thường dùng B40, B41, và 82 ly, cũng như cho đơn vị tiền sát của chúng điều chỉnh các loại đạn 107 ly, 122 ly bắn vào đơn vị phòng thủ cuả ta, gây không ít khó khăn cho quân trú phòng.

Sau khi phân tích tình hình, căn cứ vào báo cáo, tôi phỏng đoán quân số cuả địch trong khu vực An Điền phải từ cấp trung đoàn trở lên. Tôi biết chắc nếu muốn tấn công chúng sẽ dùng con đường từ phiá tây, từ xã An Điền với chiến xa tấn công vào vị trí cuả quân ta, do điạ thế thuận lợi, thay vì dựa vào khu đồi cao su trũng phiá tây bắc khó có thể dùng làm bàn đạp. Tuy nhiên, nếu chọn hướng này thì bọn VC cũng gặp không ít điều bất lợi. Chiến xa, theo con đường, không thể dàn hàng ngang khi tấn công, sẽ không có cơ hội quay xe rút lui nếu bị đánh bại, vì đường rất hẹp, và sẽ bị sụp xuống một trong hai bên giao thông hào.

Với lực lượng yểm trợ sau lưng, tôi rất vững tin là địch không thể tấn công, hay tràn ngập vị trí. Tôi rất an tâm, không nao núng dù căng thẳng, và bắt tay ngay vào việc phòng thủ chống VC tấn công từ phiá An Điền.

Tôi đã yêu cầu di chuyển một cách bí mật hai chiến xa M48 án ngữ ngay bên này bờ sông Thị Tính, ẩn nấp kỹ trong nhà máy xay luá, để VC tưởng chúng ta chỉ duy nhất có đơn vị bộ binh phòng thủ, hướng đại bác 90 ly vào mục tiêu trên đường, trong khi đại liên 50 hướng theo hai bên giao thông hào. Đồng thời, một trung đội thiện chiến của Tiểu đoàn 36 BĐQ được “tung” sang bên kia cầu phao, sát bờ sông, lập thành hai chốt nằm hai bên đường, vừa là tiền đồn, vưà để quan sát, và chống cự địch nếu chúng tấn công. Đơn vị này trang bị phần lớn M72, cùng 2 đại liên M60, và lập một hàng rào claymore rất dày phiá trước, cùng mìn chống chiến xa, và chiếu sáng đề phòng địch dùng biển người. trường hợp không thể ngăn chặn T54 tiến tới.

Theo lệnh Tiểu đoàn trưởng, tôi đã chuẩn bị các hoả tập tiên liệu để bắn huỷ diệt TOT, bắn quấy rối, bắn chận từ xa, bắn chặn gần, và bắn quanh tuyến phòng thủ. Đồng thời, các toạ độ nghi ngờ có pháo binh cuả địch cũng được lưu ý kỹ lưỡng, khi cần phi cơ yểm trợ.

Ngày hôm sau, khoảng 5 giờ sáng, tiền đồn báo có nghe tiếng máy xe nổ cuả chiến xa T54, khi tôi đang ở trong trung tâm hành quân tại chi khu quận. Khoác vội áo giáp, không kịp mặc áo trailli bên trong, tôi tức tốc ra ngay tuyến đầu cùng hai hiệu thính viên và một binh sĩ cận vệ, sau khi ra lệnh báo động toàn đơn vị. Yêu cầu 2 chiếc thiết giáp vào cùng hệ thống, tôi lên máy,

- Thiết giáp, đây 77 (77 là danh hiệu truyền tin cuả tôi. Ngoài ra, tôi không nhớ danh hiệu truyền tin cuả TG nên tạm gọi như trên)

- 77, Thiết Giáp nghe.

- Các anh đã nghe tiếng chiến xa địch từ xa? Điều chỉnh nòng súng trên con đường, kéo tầm xa hữu hiệu nhất. Nhớ vi trí hai toán tiền đồn cuả BĐQ phiá trước để khỏi bắn lầm. Nếu chiến xa địch thật sự xuất hiện thì chỉ tác xạ khi có lệnh tôi. Tập trung đại bác 90 ly bắn vào chiếc sau cùng. Các đại liên 50 bắn tập trung vào xe đầu tiên đế áp đảo. Khi thấy bộ binh địch, bắn dọc theo giao thông hào. Im lặng vô tuyến và chờ lệnh.

- 77, tôi nghe rõ.

Lúc đó trời còn mờ mờ tối, tôi ở bên này sông chỉ thấy vài cây lớn di động trên đường. Toán tiền đồn báo cho biết có ba (3) T54 đang tiến tới. Họ đang bình tĩnh dùng khoảng 20 M72 nhắm vào mục tiêu di động trên đường. Claymore dàn sẵn đang chờ bộ binh địch. Khi T54 còn cách tiền đồn khoảng 100m, cách tôi và chiến xa khoảng gần 200 m, tôi ra lệnh qua vô tuyến cho toán tiền đồn,

- BĐQ, đây 77.

- 77, BĐQ nghe.

- Các anh đã đánh ở Bình Long, có nhiều kinh nghiệm đánh chiến xa cuả địch, biết tầm hiệu quả của M72. Nhắm xích bắn khi có lệnh.

- 77, tôi nghe rõ.

Khi địch cách tuyến đầu khoảng 70m tôi hét to qua máy.

- Bắn.

Tiếng nỗ gầm lên dữ dội của hai khẩu đại bác trên chiến xa M48, hoà lẩn tiếng nổ của 20 khẩu M72 vang lên phiá trước, làm tôi choáng váng, thoáng rung động. Trước mắt là mục tiêu với những vệt lửa loé sáng, khói và bụi đất mịt mù, cây lá bay tơi tả tung lên trời.

Ba chiến xa của địch đã hiện ra rõ ràng, sau khi bị bắn, bị xoá bỏ các cây lá nguỵ trang. Tôi thoáng thấy chúng đang nằm khựng lại một chỗ. Một vài giây sau, chiếc chiến xa cuối cùng bốc cháy, và nổ vì trúng đạn, trong khi bọn VC trên xe đang nhảy khỏi xe chạy ngược chiều về xã An Điền. Hai chiếc phiá trước đang cố xoay ngang rút lui, nhưng rồi tuần tự lọt xuống giao thông hào. Bộ binh địch đang thi nhau nhảy xuống xe, chui vào hào để tránh đạn.

Tôi chợt nghe tiếng “cành, cành” quen thuộc cuả đại liên 50 từ chiến xa M48 bắt đầu vang lên, tiếng M60 cuả trung đội tiền đồn phiá bên kia sông hoà vang. Giao thông hào là nơi ẩn dấu nay đã là mồ chôn xác địch. Tôi thoáng thấy chỉ có một số rất ít chạy thoát.

Từ xa, tiếng pháo binh yểm trợ vọng về từ căn cứ hoả lực phiá sau và các tiếng “ùng oàng” từ xã An Điền khiến chúng tôi phấn chấn. Cũng cần nói thêm, tôi đã chuẩn bị một hoả tập tiên liệu cách 500m về xã An Điền, bắn huỷ diệt TOT ngay khi trận chiến bắt đầu để ngăn chặn địch chạy thoát.

Trung đội tiền đồn bắn hết claymore, hô “Xung phong”, và bắt đầu tràn lên phiá trước, đến vị trí 3 chiến xa địch. Một binh sĩ BĐQ đã nhảy lên một chiến xa T54 cắm một cây cờ. Lúc đó là 6 giờ sáng. Trận chiến kéo dài khoảng 1 giờ.

Ta đã bắt sống vài tên không chạy thoát vì đa số đã bị tử thương. Hai chiếc T54, bị lọt xuống giao thông hào, sau khi được kiểm soát cho biết tình trạng máy tốt, và xử dụng được.

Tiểu đoàn ra lệnh cho tôi rút đơn vị về chờ lệnh. Khi về tới nơi thì tôi được biết chúng tôi nhận lệnh bàn giao tuyến cho chiến đoàn 315 trong đó có đại đội trinh sát cuả trung đoàn 52 bộ binh cuả Đại tá Ngô kỳ Dũng.

Với chiến thắng đặc biệt cuả Tiểu đoàn 36 BĐQ, chúng tôi đã hoán chuyển vị trí chỉ sau 2 ngày hành quân. Nhưng vì phải chịu đựng các đợt pháo kích rất khốc liệt, ngày đêm nên sau khi rút quân, tiểu đoàn đã có khoảng 100 binh sĩ bị thương, chết, phải chuyển về Bệnh Viện Dã Chiến 3 tại Bình Dương.

Lúc 8 giờ sáng, chúng tôi bàn giao tuyến và rút quân.

hieunguyen11
03-17-2013, 04:01 PM
PHÓNG ĐỒ HÀNH QUÂN
TÁI CHIẾM AN ĐIỀN - RẠCH BẮP
THÁNG 6 NĂM 1974


http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1363535508.jpg

Nếu chiếm được vùng này, Cộng quân sẽ đặt Khu Quân Sự Tân Sơn Nhất và các vị trí phòng thủ của QLVNCH tại Phú Cường, Củ Chi, Lai Khê trong tầm đạn của đại pháo.

Quận Bến Cát nằm về phía Đông Mật khu Tam Giác Sắt, cách Biên Hòa 35 Km hướng Bắc Tây Bắc. Một Thị trấn nhỏ nằm cạnh Quốc lộ 13, bao lâu nay đồng bào được sống yên bình, sinh hoạt bán buôn thịnh vượng.

Ngày 16 tháng 5, hai Trung Đoàn của Sư Đoàn 9 Bắc Việt cùng Chiến xa với trọng pháo yểm trợ chiếm Rạch Bắp (là căn cứ cuối cùng của QLVNCH trấn giữ mạn Bắc của vùng Tam Giác Sắt) và tràn ngập Căn Cứ 82 cách xã An Điền 4 km về hướng Tây. Sau đó, ngày 17 tháng 5, gần năm ngàn thường dân An Điền, Bến Cát lũ lượt tháo chạy từ bỏ làng xã, Thị Trấn, khi CSBV dùng đại pháo và Súng cối xua đuổi tàn bạo. Tiếp theo Trung Đoàn 95C Cộng Quân tấn chiếm xã An Điền. Trung Đoàn 272 đâm thẳng xuống phía Nam chiếm Phú Thứ để tiến về Phú Cường nhưng QLVNCH đã chận đứng bước tiến tại đây.

Xã An Điền, nằm về phía Tây Thị trấn Bến Cát một cây số rưỡi nối liền bằng một con đường độc đạo đất đỏ là Hương lộ 7, với chiếc cầu sắt yếu ớt bắc qua sông Thị Tính hiền hoà, nước trong vắt. Chung quanh xã, từ hướng Bắc qua Đông xuống mạn Nam là ruộng lúa, sình lầy. Đây là địa danh cực Đông của vùng Tam Giác Sắt.

Tướng Phạm Quốc Thuần Tư Lệnh Quân Đoàn 3 dàn Sư Đoàn 18 Bộ Binh ra nhiều cánh quân phản công tái chiếm các vị trí đã mất. Sự phản công khởi sự khoảng ngày 22 tháng 5. Các Chiến Đoàn Thiết Kỵ của Lữ Đoàn 3 Xung kích (LĐ3XK) tham chiến. Chiến Đoàn 322 gồm Thiết Đoàn 22 Chiến xa và Tiểu Đoàn 2/43 Bộ Binh tấn công từ hướng Nam lên đồi 82 và Rạch Bắp. Chiến Đoàn 318 tiến công từ Bến Cát vào An Điền. Cùng một lúc 3 Tiểu Đoàn của Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân từ hướng Bắc tấn công xuống Căn cứ 82. Tất cả mọi nỗ lực tái chiếm đều không đem lại kết quả và bị tổn thất nặng nề. Đại tá Dư Ngọc Thanh Tư Lệnh phó L Đ3XK bị thương hư một mắt tại khu vực chiếc cầu phao đuợc Công Binh can đảm bắc qua sông Thị Tính dưới đạn pháo của địch quân. Chiếc cầu phao chiều dài khoảng 50 mét dùng cho Chiến xa xử dụng vì chiếc cầu sắt Thị Tính không chịu nổi sức nặng của Chiến xa. Bốn ngày sau tức ngày 26 tháng 5 Tướng Thuần quyết định thu quân đề chuẩn bị cho một kế hoạch mới.

Tại Bộ Tư Lệnh Tiền phương của Sư Đoàn 18 Bộ Binh cạnh Quốc Lộ 13 cách Bến Cát chừng 5 Km về hướng Nam. Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Lê Minh Đảo,Trung tá Ngô Kỳ Dũng Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 52 Bộ Binh ( TR/Đ52BB ) các Tiểu ĐoànTrưởng Bộ Binh, Pháo Binh cùng Chi Đoàn Trưởng Chi Đoàn 2/5 Thiết Kỵ ( CĐ2/5 TK ) nhận lệnh tấn công tái chiếm An Điền. Và từ đây làm bàn đạp cho các đơn vị QLCVCH tái chiếm Căn Cứ 82, Rạch Bắp.


http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1363535573.jpg

Trên Quốc Lộ 13 từ hướng Nam, CĐ2/5 TK cộng một Chi Đội Chiến xa M41cùng Đại Đội 52 Trinh Sát (ĐĐ52/TS) tùng thiết di chuyển trong đêm tối. Đoàn Thiết Kỵ chỉ được mở đèn “mắt mèo” và im lặng vô tuyến. Theo sau là đoàn xe GMC chở Tiểu Đoàn 1/52 Bộ Binh (TĐ1/52BB) tiến vào Thị Trấn Bến Cát lúc 5 giờ sáng ngày 1 tháng 6 năm 1974.

Thị Trấn Bến Cát nhỏ bé, trong thời gian này càng thấy bé bỏng hơn vì không còn sự sinh hoạt nào của dân chúng, một Thị Trấn chết, quá vắng lặng. Không còn ánh sáng đèn điện nào, đây đó một vài đám cháy do đạn pháo kích của CSBV ngày hôm qua.Trên không trung những hỏa châu treo lơ lửng rọi ánh sáng vàng vọt yếu ớt xuống thành phố. Nhà nhà cửa đóng then gài. Đây đó gặp những toán Biệt Động quân (BĐQ) tuần canh trong thành phố. Chúng tôi tiến xuyên qua thành phố và hướng đến bờ sông Thị Tính. Trong lúc di chuyển thỉnh thoảng vài trái đạn pháo kích rơi rải rác khắp nơi vì bọn chúng biết có một lực lượng mới đến đây. Trấn giữ thành phố là một Đại Đội BĐQ, còn Tiểu Đoàn BĐQ (-) trấn giữ mạn Bắc. Chi Khu Bến Cát phụ trách phòng thủ mạn Nam của Thị Trấn.

CĐ 2/5 TK và ĐĐ 52 TS (cánh quân 1) tiến sát bên này chiếc cầu phao. Đơn vị bố trí sát nhà máy xay lúa rất lớn đã bị hư hại vì đạn pháo của CSBV. TĐ1/52 BB (cánh quân 2) dàn quân hai bên trái phải của Chi Đoàn, dọc theo bờ sông Thị Tính. Trục tấn công chính diện từ Bến Cát vào An Điền lấy con đường độc đạo làm chuẩn.

Theo kế hoạch, hai Tiểu Đoàn 2/52BB và 3/52BB ( cánh quân3 ) sẽ đánh từ hướng Nam lên Bắc để cùng cánh quân 1 và 2 tái chiếm xã An Điền.

Đúng 5 giờ 30 sáng ngày 1 tháng 6 -1974, ba cánh quân của Chiến Đoàn 52 bắt đầu vượt tuyến xuất phát tấn công vào An Điền cửa ngỏ vào mật khu Tam Giác Sắt.

Tôi điều Chi Đội 4 Chiến xa M41vượt cầu phao, kế tiếp là xe Chỉ huy, và lần lược các Chi Đội Thiết Kỵ theo sau. Đơn vị di chuyển hàng dọc vì chỉ có1con đường duy nhất để vào An Điền. Hai bên con lộ đất đỏ nhỏ bé là ruộng lúa, nước và sình lầy. Một địa thế hoàn toàn bất lợi cho Thiết Giáp, mặc dù là loại xe M113 cũng không thể nào vượt qua được cánh đồng bề ngang một cây số này. Bất lợi hơn nữa là xử dụng đội hình Chi Đoàn hàng dọc để trực diện tấn công mục tiêu khá rộng lớn.

Áp dụng chiến thắng cuộc tấn công giải tỏa tiền đồn cấp Đại Đội Địa Phương Quân bị 1 Tiểu Đoàn của Trung Đoàn Bình Giả bao vây tại Xà Bang, Bình Giả tháng 3 năm 1973. Tướng quân Lê Minh Đảo và Đ/tá Trần Bá Thành đã dùng Tiều Đoàn 2/48 (Th/tá Phúc) của TR/Đ 48 BB cùng CĐ2/5 TK tấn công vũ bão chiếm mục tiêu thật nhanh chóng. Thà có thể bị thiệt hại vào giờ phút đầu, nhưng về sau thì bảo toàn nhân mạng. Không thể tấn công nửa vời vì trên trục tiến quân Cộng Quân bao giờ cũng đặt chốt kiền và trận địa pháo. Sau khi chọc thủng cụm phòng tuyến ngoại vi sẽ bung rộng đội hình đánh mục tiêu kế tiếp.Chúng tôi áp dụng phương thức tấn công này.


http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1363535698.jpg

Ba chiếc M41cùng với ĐĐ52/TS tiến quân 2 bên trái phải con lộ, đã qua bên kia sông, cách cầu phao khoảng 500 mét. LLCSBV bắt đầu pháo vào đoàn quân bằng Súng cối 82 ly. Chi Đội Chiến xa nới rộng khoảng cách và tiếp tục tiến tới nhanh chóng cùng chiến sĩ Trinh Sát. Tôi thấy chiếc Chiến xa M41 dẫn đầu khựng lại một cách bất thường, và nhận báo cáo của trưởng xa là gặp một chiếc cống sập bề dài bằng CX M41, khá sâu, không thể băng qua được. Tôi gọi lên Chiến Đoàn để báo cáo. Tiếp liền theo Chiến xa T54 từ An Điền khai hỏa nhắm vào đội hình Chi Đoàn. Từng cục lửa đỏ hực liên tiếp bay đến với tiếng rít rợn người của đạn Đại bác 100 ly trên Chiến xa T54. Tôi liền cho lệnh Đại bác 76 ly trên CX M41tác xạ, dựa vào điểm lóe sáng khởi đầu của Đại bác trên T54. Thật tình nói rằng tác xạ để anh em binh sĩ lên tinh thần chứ không thấy được chiếc T54 nào vì chúng nằm dưới hầm và nguỵ trang. Hơn nữa bên An Điền mịt mù khói lửa bởi hàng trăm quả đạn đại bác 105 ly,155ly của các Pháo Đội đang trút xuống hầu đè bẹp mục tiêu.

Ngoài bìa làng có nhiều chốt của chúng sát cánh đồng lúa, chúng dùng Đại bác 82 ly không giật của Liên Sô tác xạ vào đội hình Thiết Giáp và Bộ Binh. Trong bìa làng thì Thượng liên khạc lửa. Những khẩu Đại liên 50 bây giờ được khai hỏa vì các chốt nằm trong tầm sát hại của Đại liên 50 là 800 mét. Các chốt này ngay giữa đồng trống nên bị Đại liên, Súng cối 81ly và Đại bác 76 ly tiêu diệt dễ dàng. Tiếp liền sau đó chiếc M41 thứ 4 bị T54 bắn trúng pháo tháp ngay trên chiếc cầu phao. Chiếc M41, bị xô lệch nằm chênh vênh một nửa trên cầu phao, một nửa chấm nước làm chiếc cầu nghiêng một góc 30 độ.

Hởi ôi!!! một tình huống nguy hiểm không lối thoát, tiến không được, thoái cũng không còn đường. Sông thì sâu làm sao Chiến xa M41 có thể băng qua được. Trong lòng tôi lo lắng và bối rối vô cùng, nhưng vẫn cố giữ bình tỉnh để tìm một cách cứu nguy nhanh nhất. Tôi nghĩ ngay đến kế dùng “Hỏa Mù” đề che mắt địch nên bảo anh Th/úy Tiền Sát Viên Pháo Binh xin bắn đạn khói. Được Chiến Đoàn đáp ứng ngay tức khắc. Một màn khói dày đặc bao phủ bìa làng An Điền, hiệu quả tức thời, T54 ngưng tác xạ vì chúng không còn thấy chúng tôi nữa. Việc cấp cứu xa đội CX bị nạn thực hiện ngay. Các chiến sĩ Trinh Sát và Kỵ Binh bất chấp hiểm nguy, chạy như bay và nhảy phóc lên xe cứu bạn, rất may xe không bị nổ và cháy.

Một HSQ Trưởng xa và tài xế bị thương nặng, hai KB hy sinh. Chiếc M 41 lủng pháo tháp một lỗ bằng cái chén!

Tất cả các cánh quân của TRĐ52BB bây giờ đều nằm trong trận địa pháo của địch. Hệ thống liên lạc Truyền Tin bắt đầu bận rộn với những báo cáo thiệt hại về nhân mạng của 3 Tiểu Đoàn. Trước mắt tôi, mũi tiến công của TĐ1/52 BB hai bên trái phải của con lộ 7 bị ngưng lại vì bãi mìn “cóc” trước mặt, cách bìa làng An Điền khoảng 800 mét (Mìn “cóc”, một loại mìn nhỏ hình trụ cao khoảng 5cm, đường kính khoảng 6cm không đến nổi nguy hiểm đến tính mạng nhưng khi đạp phải, bàn chân chắc chắn không còn).

Một vài chiến sĩ gục ngã, tiếp đến cả chục người, rồi hàng chục người ngã gục xuống ruộng lúa sình lầy vì mìn và đoàn quân đang hứng pháo của CSBV. Tất cả đơn vị bây giờ là mục tiêu quá lộ liễu của địch. Phía trước là bãi mìn dầy đặc, rộng lớn được đặt sẳn bởi Cộng Quân từ trước. Trên không những quả đạn pháo đủ loại trút xuống đoàn quân. Từng cột bùn đen liên tiếp bắn lên cao khắp nơi trên cánh đồng lúa.

Một tình huống khốn đốn, nguy kịch, hàng trăm chiến sĩ bì bõm dưới sình lầy quá đổi gối, không thể chần chờ, các cánh quân của BB bắt đầu lui binh để tránh bị tiêu diệt. Một chiến sĩ bị thương kèm theo một chiến sĩ xách nách dìu lê lết trong bùn lầy để mau chóng thoát khỏi bàn tay Tử Thần oan nghiệt. Có hành động nào can đảm và cảm động bằng, có hình ảnh nào đau thương hơn! Tình đồng đội, tình chiến hữu cao cả tuyệt vời.

Tôi cho Chi Đoàn Phó (Đ/Úy Hồ Thúc Hạ) điều động các Chi Đội phía sau rút lui về nhà máy xay lúa cạnh bờ sông bố trí chờ lệnh. Tiếp đến tôi tìm cách để 3 CX M41 lui về bên này sông.

Có ba cách, thứ nhất là ủi chiếc M41 nằm chênh vênh trên cầu phao rớt xuống sông nhưng xe nào leo lên được chiếc cầu nghiêng như thế này! Cách thứ nhì dùng Chiến xa bắn, nhưng nếu chẳng may làm lủng phao, chiếc cầu chìm thì càng thêm nguy.Thứ ba có thề thực hiện được bằng cách móc “cáp” kéo cho nó rơi xuống sông dù rất nguy hiểm vì đạn pháo kích đang nổ khắp nơi.

Tất cả các cặp mắt của những Kỵ Binh và Bộ Binh ngồi trên xe Chỉ huy đều nhìn tôi đợi chờ một quyết định cuối cùng. Họ mong cho bạn bè đồng đội về bên này sông càng nhanh càng tốt. Tội nghiệp thay, với những ánh mắt nhìn tôi chia sẽ, chia sẽ những gì tôi đang lo lắng, hồi họp. Tôi điều Xa Đội M 86 (loại xe phóng cầu, gắn lưỡi ủi đất, có sợi dây cáp thật dài cuộn trong một cái trơi dùng lực của động cơ) tiến lại chiếc M 41 bị nạn và bắt đầu công việc dưới đạn pháo của Cộng Quân. Nhưng…

Trong chốc lác một loạt Hỏa tiễn 122 ly của CSBV với tiếng xé gió đầy uy hiếp bay đến đâm xuống giòng sông nổ tung toé nước gần chiếc cầu phao. Với sức dội mạnh mẽ chiếc cầu bị chấn động gần như bung lên khỏi mặt nước. Chiếc M41 chao qua chao lại rồi nhào xuống giòng sông, chiếc cầu nổi trở lại vị trí cân bằng. Trong cái xui tận mạng cũng còn có cái hên đến với mình, trường hợp này Chi Đoàn gặp may mắn một cách quá bất ngờ. Tôi và mọi người trên xe chỉ huy đồng ồ lên một tiếng thật lớn như trút bỏ một sức nặng ngàn cân đè bẹp thân người.

Ba Chiến xa M41 lần lượt lui về bên này sông Thị Tính. Các cánh quân của TRĐ52 BB cũng lui binh, bố trí phía Đông giòng sông để thực hiện công việc tải thương. Ngoài các chiến sĩ tử thương vì pháo, các thương binh hầu hết bị mất một bàn chân hoặc cụt giò vì đạp phải loại mìn cóc nguy hiểm. Thế là nỗ lực tấn công tái chiếm An Điền không thực hiện được.

Chiếc cống bị giật sập đêm qua, nhưng lực lượng chúng tôi tấn công quá sớm nên chưa nhận được một báo cáo nào. Nên tình hình cánh quân Thiết Giáp mới ra nông nổi. Mới hôm qua đây thôi, Tướng Tư Lệnh quyết định dùng Thiết Giáp tấn công vào An Điền kèm theo lời khích lệ: “… Cặp lon Thiếu tá của em… trong An Điền…”. Riêng tôi cũng tin tưởng dùng Chiến xa cùng Bộ Binh đánh chớp nhoáng làm địch trở tay không kịp, bám lấy bờ làng, làm bàn đạp tấn công mục tiêu kế tiếp.

Kế hoạch này có thể thực hiện được, nhưng phải chấp nhận một tổn thất rất lớn về Chiến xa và nhân mạng vì tôi biết CX M41 không phải là đối thủ của T54. Chi Đòan có 3 khầu Đại bác 106ly không giật và 2 khầu Hỏa tiển Tow được tăng phái gắn trên M113. Nhưng Hỏa tiển Tow muốn bắn được, nhanh nhất cũng phải sau 15 phút vì chờ trên BộTổng Tham Mưu chấp thuận, ngán ngẩm thay! (?) còn Đại bác 106 ly tác xạ cũng không nhanh chút nào, dùng để phá vỡ công sự kiên cố thì tốt hơn.

Quân lệnh phải thi hành, dù hy sinh mạng sống.

Cách đây mới hơn một tuần lễ, Chiến Đoàn 318, lực lượng Thiết Giáp có nguyên 1 Chi Đòan Chiến xa M41và 2 Chi Đoàn M113 cùng Bộ Binh. (So sánh Thiết Giáp, Chiến Đoàn 318 mạnh gấp 4 lần hơn chúng tôi) cũng tấn cống hướng chính diện từ Bến Cát vào An Điền nhưng đã thất bại. Huống chi bây giờ chỉ có một Chi Đoàn M113 và 4 chiếc Chiến xa M41.

Đến bây giờ, tôi nghĩ rằng ví như không có chiếc cống sập cản trở Chiến xa, không có bãi mìn chận đứng BB. Đoàn quân có thể chiếm được An Điền, nhưng e rằng CĐ 2/5TK sẽ mất tên! BB phải đánh cận chiến với địch và thiệt hại ít nhất cũng phân nửa. Vì sau khi vào An Điền chúng tôi nhận biết số Chiến xa T54 trên 10 chiếc có hầm ẩn núp ngụy trang. Hầm hố địch quân kiên cố cấp Trung Đoàn.

Với hàng Tướng, Sĩ có thể nghĩ rằng những con “Tốt” đã qua sông, có Xe Pháo Mã hổ tương yểm trợ. Theo luật trên bàn cờ bằng mọi giá phải tiến dù bị loại khỏi cuộc chơi, không hề có nước lui. Nhưng ở đây thì không. Hoàn toàn không thể nào hy sinh những con “Tốt” đó, bằng mọi giá phải về bên này sông. Giòng sông có tên Thị Tính. Vì với nhiệm vụ chỉ huy cánh quân 1gồm ĐĐ52/TS và các M41, đó là những Xe, Pháo, Mã,Tốt thiện chiến, nhanh nhẹn, ngang dọc vẫy vùng, hữu xung tả đột, tiến hoặc thối và chúng không bao giờ là những con Tốt thí mạng.

May mà tôi không được “thêm lon giữa 2 hàng nến trong” với Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu! Người thân của tôi không phải nhìn tôi qua làn nước mắt:

“Chiếc quan tài phủ cờ màu"
"Hằn lên ba vạch đỏ au phù phàng”

(thơ Lê Thị Ý)

Chiếc cống sập, đã làm hỏng hoàn toàn cuộc tấn công của CĐ2/5TK và ĐĐ52 TS. May mắn hay kém may mắn (?)

Tôi vẫn còn nhớ một sĩ quan cao cấp trong Bộ Tư Lệnh sau buổi họp hành quân mời tôi một ly rượu trước khi tôi quay trở về đơn vị. Đó là ly rượu whisky bình thường nhưng được mời lúc bấy giờ được xem như “Bồ Đào mỹ tửu..” mặc dù tôi không hề uống rượu từ năm 1971 sau khi bị thương nặng tại chiến trường đồn điền cao su Mimot, Kampuchia.

Không có tiếng “Tỳ Bà dục người ra đi” tôi vẫn Thiết Kỵ lên đường. Mong rằng tôi và tất cả chiến hữu ngày mai ra đi không như “Kinh Kha Tráng sĩ”. Tôi biết rằng An Điền chiếm đóng cả một TR/Đ Cộng Quân có cả Chiến xa. Nên phần thắng về ta không dễ dàng chút nào.

CĐ 2/5 TK và ĐĐ 52TS rút lui bố trí ven theo bờ sông Thị Tính sát nhà máy xay lúa bên này chiếc cầu nổi.

Nửa đêm ngày 2 tháng 6-74, thêm một lực lượng mới mạnh mẽ dày dạn chiến trường, đó là Trung Đoàn 48 BB ( TR/Đ 48BB ) của Đ/tá Trần Bá Thành. Đại Đội 48 Trinh Sát làm mũi dùi và 3 Tiều Đoàn 1,2,3 khởi động các cuộc tấn công tốc chiến. Xuất phát từ hướng Nam cách An Điền 2 cây số, bằng rất nhiều toán nhỏ đột kích chớp nhoáng, không gặp trở ngại vì bãi mìn cóc như cánh quân của TR/Đ 52BB.

Khoảng 4 giờ sáng ngày 3-6 chúng tôi nhìn thấy xuyên qua màn đêm một CX T54 lù lù xuất hiện, chạy vội vàng từ An Điền theo con đường độc đạo hướng về Bến Cát vì bị các chiến sĩ của TR/Đ48BB oanh liệt truy kích. Tôi cho lệnh 3 Chiến xa M41 và 3 M113 có trang bị Đại bác bắn thẳng 106 ly sẵn sàng và chờ lệnh tác xạ. Tôi cũng thừa biết rằng T54 không thể nào vượt qua chiếc cống sập.

Chiếc T54 chạy đến chiếc cống sập và nhào đầu lọt xuống đó. Khói đen mù mịt tuôn ra vì chúng có gắng bò lên, nhưng vô ích. Tôi nhìn bằng hệ thống hồng ngoại tuyến chỉ thấy có cái pháo tháp nhô lên khỏi mặt đường. Kế tiếp thêm một T54 nữa cũng từ An Điền chạy ra, tiến lại sát đồng đội bị nạn, tìm cách kéo lên. Những tràng đạn Pháo Binh ta bắt đầu nổ chung quanh 2 chiếc T54. Chiếc T54 thứ nhì loay hoay một lúc rồi quay đầu bỏ chạy về hướng An Điền, chúng thất thần vì những quả đạn pháo nổ quá gần nên lọt xuống ruộng sình cách bìa làng khoảng 200mét. Thế là hai chiếc T54 nằm chết cứng nơi đây. Nhiều đơn vị báo cáo lên Sư Đoàn về hai chiến xa T54 bị lầy ….

Đến trưa ngày 3 tháng 6 chiếc T54 sa lầy dưới cống mới thật sự bị khống chế sau nhiều tiếng đồng hồ khi diệt được tên xạ thủ Thượng liên bị xích trong pháo tháp. Xa đội 2 chiếcT54 đã tẩu thoát trong đêm. Một số chiến sĩ tử thương và bị thương khi bò lại gần Chiến xa vì cây Thượng liên trên xe nhả đạn. Phóng viên nhà báo chụp bức ảnh T54 này đầu tiên là một phóng viên của báo chí Hoa Ngữ. (Tôi đã giữ tờ báo có hình chiếc T54 bị nạn đến 30-4-75 trong xe M113. Đó là một sự thật nhưng rất tiếc đến bây giờ không còn).

Đến chiều Bộ Chỉ Huy TH/Đ5KB và Công Binh cấp tốc trục kéo chiếc T54 và lấp chiếc cống để lực lượng tiếp tục tấn công vào An Điền. Chiếc T54 này về sau được trưng bày trước Dinh Độc Lập.

Ngay lập tức CĐ2/5TK cùng ĐĐ52/ TS, các cánh quân 3 Tiều Đoàn của TR/ Đ 52BB và TR/Đ48BB ồ ạt chiếm cứ hoàn toàn xã An Điền. Liền sau đó truy kích chúng gần đến đồi 82, đoàn quân bị khựng lại vì vào trận địa pháo của chúng bắn chận. Phải nói rằng vùng đất An Điền thì đúng hơn vì có còn gì để có thể gọi là một Xã. Đến nổi không còn viên gạch nào nguyên vẹn, nói chi đến một bức tường nhà. Một bình địa ngổn ngang nghi ngút khói lửa, nhiều xác địch quân nằm rải rác khắp nơi, mùi xú uế xông lên nồng nặc. Chung quanh những hầm của Chiến xa T54 còn rơi rớt nhiều vỏ đạn đồng sáng bóng và nhiều bó thuốc bồi hình đủa dùng cho đạn Đại bác. Các Kỵ Binh thâu lượm vũ khí còn sót lại và không quên mang về cả chục vỏ đạn đồng của Đại bác 100 ly đã kích hỏa. Riêng tôi, các Kỵ Binh cũng có tặng 4 vỏ, đem về hậu cứ làm kỷ niệm và dùng làm bình để cắm cành Mai.

An Điền đã giải tỏa xong trưa ngày 4 tháng 6 -1974. TR/Đ48 BB cấp tốc rút về Long Giao, để phòng thủ Long Khánh vì các Quận Định Quán, Tánh Linh (Bình Tuy) bị áp lực nặng của CSBV. TR/Đ 52 BB và CĐ 2/5 TK vẫn phòng thủ và chờ kế hoạch tấn công đồi 82.

Đêm ngày 5 rạng sáng ngày 6 tháng 6 Cộng Quân lại mở cuộc tấn công dữ dội vào lực lượng phòng thủ An Điền hướng tấn công chính nhắm vào Bộ Chỉ Huy TR/Đ 52BB, một Tiểu Đoàn BB và CĐ2/5 TK bằng 2 Tiều Đoàn trừ bị, mặc dù cách đó 2 ngày chúng bị tổn thất nặng nề. Chúng dùng 4 chiếc máy cày giả dạng T54 để “hù” chiến sĩ ta. Chỉ vài loạt Đại liên 50 chính xác, 4 chiếc máy cày bốc cháy nghi ngút. Lực lượng phòng thủ đánh trả tơi bời, làm sao xuyên thủng vị trí của các chiến sĩ TR/Đ52 BB đầy kinh nghiệm chiến trường cộng với hỏa lực kinh hồn của một Chi Đoàn cộng (cộng 4 chiếc M41)Thiết Giáp. Đến gần sáng chúng tháo chạy về hướng đồi 82 sau khi bị tổn thất trầm trọng.

Tổng kết trong 6 ngày, CĐ2/5 TK có một Sĩ quan tử trận, đó là Th/Úy Nguyễn Trung Đồng Dinh. Thương tiếc một Sĩ quan trẻ, học lực cao và cá tính rất văn nghệ đã ra đi quá sớm để trả nợ nước non. Anh đã hy sinh như biết bao nhiêu lớp người trẻ tuổi tài cao đã phải nằm xuống vì Tổ Quốc, cho cuộc chinh chiến điêu linh. Bên Thiết Giáp có 3 hy sinh (một SQ, một Trung sĩ, một Hạ sĩ), 3 bị thương nặng. Một M41 lủng pháo tháp, một M113 bất khiển dụng. Phía Bộ Binh phải đến con số hàng trăm bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Đến bây giờ nhắc lại lòng còn ngậm ngùi. Nén hương lòng của những KB còn lại thắp lên để nhớ, để thương các Chiến Sĩ can trường đã anh dũng hy sinh, tri ân các Anh đã một thời cùng chia sẽ hiểm nguy với chúng tôi.

Sau đó vài ngày Tướng Đảo,Tướng Khôi và Tr/tá Dũng lên xe M113 chỉ huy của tôi thám sát địa thế để mở cuộc tấn công Căn cứ 82 cách An Điền 4 cây số về hướng Tây. Đến khi xe tiến gần bìa rừng cùng hai Chi Đội hộ tống thỉ bị pháo liên tục gần xe nên phải đưa 3 vị trở về căn cứ.

Tiếp theo các lực lượng của Sư Đoàn thay nhau tấn công tái chiếm đồi 82 nhưng không đem lại kết quả nào. Không Quân bị hạn chế bởi mùa mưa, mây thấp và hệ thống Phòng không dày đặc, mặc dù các Phi Tuần đã nổ lực oanh tạc các vị trí Đại pháo, Hỏa tiễn, Súng Phòng Không nhưng kết quả không như ý. Cũng như lực lượng VNCH chỉ có một hướng tấn công duy nhất vào đồi 82 là trực diện, xuất phát từ An Điền với địa thế cây rừng, giai góc và giây leo chằng chịt. Thiết Giáp Binh bị hạn chế tầm nhìn, quan sát chỉ trong vòng vài, ba mét. Chung quanh Căn Cứ 82 hệ thống giao thông hào, mìn và giây kẽm gai bao phủ rộng lớn. Khi các lực lượng tiến vào vùng trận địa pháo của chúng bị tổn thất nặng nề, và là mục tiêu quá lộ liễu vì chúng quan sát lực lượng ta từ địa thế cao là đồi 82.

Chiến Đoàn 52 BB trấn giữ An Điền hơn 3 tháng , không có ngày nào pháo địch không rơi xuống vị trí chúng tôi, không hàng loạt thì cũng 5,7 trái pháo mỗi ngày. Không có ngày nào các chiến sĩ Bộ Binh không nhảy vội vã xuống hầm hố cá nhân; các Kỵ Binh vội vàng chạy vào trong xe để tránh pháo. Sau khi An Điền được giải tỏa đồng bào Bến Cát lần lượt hồi hương, những quán ăn, quán Café bắt đầu mở cửa, nhịp sống đang hồi phục. Nhờ vậy những người lính trẻ chúng tôi mới có được ly Café nóng ấm lòng người. Tạm thời quên đi lửa đạn mặc dù trong giây phút ngắn ngủi, đó cũng là hạnh phúc, tuy nhỏ nhoi của người lính chiến nơi trận mạc.

Đến ngày 7 tháng 9 TR/Đ 9 của Sư Đoàn 5 BB và TH/Đ 10 KB vào An Điền thay thế TR/Đ 52BB và CD2/5 TK. Các cuộc tấn công mới bắt đầu và cho đến xế trưa ngày 4 tháng 10-1974 quân ta mới cắm cờ trên đồi 82.

Đơn vị tôi di chuyển khỏi An Điền, đóng quân tại trường Trung Học Bến Cát. Theo lệnh Sư Đoàn, một Chi Đội M113 (Th/úy Hòa) di chuyển xuống xã Phú Thứ phối hợp cùng Bộ Binh (TR/Đ 43BB) phòng thủ vì nơi đây áp lực địch vẫn còn nặng. Chi Đội báo cáo ngày nào cũng hứng pháo của CQ. Và “chịu trận” pháo hơn 45 ngày đêm ròng rã.

Và đến 6 tuần lễ nữa (ngày 20 tháng 11-1974) QLVNCH mới đánh bật Công Quân ra khỏi Rạch Bắp địa điểm cuối cùng của vùng Tam Giác Sắt.

Cuộc chiến vùng Tam Giác Sắt tạm thời kết thúc, sau khi kéo dài đến 7 tháng của năm 1974. Nhưng TĐ/5KB vẫn “Rền tiếng xích sắt thét vang…”, tiếp tục bước quân hành đến vùng trách nhiệm mới. Nhưng, kém may mắn thay! chỉ trong một đêm của năm 1974 sắp tàn, Thiết đoàn đã phải gánh chịu đau thương nghiệt ngã và đầy tang tóc.

Ngày 19 tháng 12-1974 Bộ Chỉ Huy TĐ/Đ 5KB (Tr/tá Trần Văn Nô: Thiết Đoàn Trưởng, Th/tá Mai Văn Thân: Thiết Đoàn Phó) và CĐ 2/5 TK (Trừ CĐ3/5TK, đã cùng TR/Đ 48BB di chuyển về Long Khánh từ trước) chuyển quân về Ngã Ba Ông Đổn - Núi Chứa Chan lúc 6giờ chiều tăng phái cho TR/Đ 48 BB phòng thủ Long Khánh và chuẩn bị tiếp ứng cho Quận Tánh Linh Tỉnh Bình Tuy bị Cộng Quân tấn công và sắp bị tràn ngập.

Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn và một Đại Đội BB đóng quân đêm trong một Căn Cứ Pháo Binh dưới chân núi Chứa Chan. CĐ 3/5TK (Đ/úy Lê Sơn) và một Đại Đội BB đóng quân cách BCH/TĐ khoảng 3km về hướng Tánh Linh. CĐ 2/5 TK và một Đại Đội cũng đã được chỉ định đóng quân cách BCH/TĐ 5 km về hướng Bắc.


http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1363535794.jpg

Khoảng 2 giờ sáng ngày 20 tháng 12-1974 Bộ Chỉ Huy TH/Đ 5 KB bị Cộng Quân đột nhập tấn kích.

Nhiều tiếng nổ lớn xé màn đêm tĩnh mịch phát xuất từ hướng Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn. Tôi bật dậy leo lên xe quan sát, nhìn về hướng Thiết Đoàn, từng lằng đạn lửa đan chéo nhau dày đặc. Nhất là trên lưng chừng núi Chứa Chan Cộng quân dùng Đại bác 57 ly, 75 ly và Thượng liên 12ly8 bắn xối xả xuống vị trí đóng quân. Tôi bấm máy liên lạc với BCH/TĐ nhưng im hơi lặng tiếng. Gọi mãi chẳng có thẩm quyền nào trả lời, ban Truyền Tin cũng im bặt. Trong lòng như dầu sôi lửa bỏng. Tôi cũng như Sơn muốn kéo Chi Đoàn về để phản công, chúng tôi gọi lên Chiến Đoàn 48 để xin di quân nhưng Chiến đoàn cho biết cũng không liên lạc được với Thiết Đoàn nên đành chờ lệnh.

Đến nửa tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới liên lạc được với Chiến Đoàn và cho biết Thiết Đoàn bị đánh Đặc Công. Tôi xin Chiến Đoàn cho Chi Đoàn xuống tiếp ứng nhưng Đ/tá Chiến Đoàn Trưởng không chấp thuận vì lý do địch đánh từ bên trong vị trí chứ không có từ ngoài tấn công vào. Chúng tôi kéo quân xuống sợ thêm rối ren vì hỏa lực Đại liên của Thiết Giáp, nên để BB thanh toán từng tên một trong vị trí . Ông cho biết các Chi Đội Chỉ Huy đã phản công hiệu quả bằng súng cá nhân và lựu đạn.Và ông bảo tôi sẵn sàng hành quân truy kích khi có lệnh….Tiếp ứng với phản công! tất cả đã quá muộn màng! Trong vòng 15 phút đầu tiên BCH/TĐ đã bị tê liệt, vì địch đánh bằng lựu đạn và B40 từ bên trong vị trí phòng thủ. Kết quả vô cùng đau đớn.

Riêng bên Thiết Giáp: Th/tá Mai Văn Thân Thiết Đoàn Phó, Th/tá Viễn Sum Trưởng Ban 3/ HQ tử thương. Đ/Úy Lê Văn Nhơn phụ tá Ban 3/ HQ bị thương nặng. Và nhiều KB các cấp tử thương hoặc bị thương. May mắn Tr/tá Thiết Đoàn Trưởng thoát khỏi lưỡi hái của Tử Thần trong gang tấc. Hai M113 (có M113 của TH/Đ Phó) 1M577 (xe ban Tuyền Tin) bị hư hại.

Nguyên một Trung Đội Đặc Công địch bỏ xác tại chỗ cùng vũ khí, chất nổ, 3 tên bị bắt sống.

Chiến tranh đồng nghĩa với tang tóc, đau thương. Sau 37 năm, thời gian dài bằng nửa đời người. Nhìn lại chỉ có 6 tháng cuối năm 1974, tim vẫn nhói đau, nước mắt vẫn lưng tròng. Thiết Đoàn 5 KB đã mất đi 4 Sĩ Quan ưu tú, nhiều HSQ và KB can trường đã ra đi, bỏ bạn, bỏ bè. Trong tim, trong óc, mọi người còn hằn lại những đau xót, nhớ nhung và thương tiếc.

Với cái chết đầy thương tâm của Th/tá Thân mọi người đều rơi lệ nghẹn ngào. Anh, một cấp Chỉ huy ưu tú trong Binh chủng Thiết Giáp. Kỵ Binh các cấp trong đơn vị đều mến thương và kính phục. Nhưng, khi ra đi vĩnh viễn Anh không kịp giã từ vợ con, bè bạn. Đớn đau thay! vợ Anh, chị LCH nhìn biết được xác chồng tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa qua chiếc quần cộc màu đỏ chị đã may cho Anh cách đó 2 tuần. Anh đã thật sự muôn đời, mãn kiếp là chồng của người vợ hiền thục thủy chung. Các con Anh còn quá thơ ngây, dại khờ, nhưng giờ đây chinh chiến đã cướp đi một người cha quý mến.

“Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội"
"Người xa người tội lắm người ơi”

Có ai cầm được 2 giòng lệ tuôn! Có ai chận được tiếng nấc uất nghẹn từ đáy lòng vì thương vì tiếc các Anh.

Than ôi! với mẫu tự có 26 chữ cái, tôi cũng không biết cách sắp xếp thế nào để diễn tả hết ý nghĩa, sự hy sinh đầy cao cả của những người lính trong QLVNCH. Làm sao viết lên hết những nghiệt ngã các anh đã chịu, làm sao nói lên hết được lòng can trường xã thân vì 4 chữ Bảo Quốc An Dân trong suốt những tháng năm chiến tranh tàn khốc.

Chiến chinh đã cướp đi niềm hạnh phúc của những người Cha, người Mẹ, người Vợ. Chiến chinh đã lấy mất hạnh phúc của tuổi trẻ dại khờ. Nhưng chiến chinh không thể đốt cháy hết được những khổ nạn đời sống của người hệ lụy.

Các Anh đã trả nợ nước non, nay các anh đang được vui sống muôn đời. “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” - Kinh Hoà Bình - Nguyện cầu Thượng Đế xoa diệu nỗi đau và phù trợ cho những người còn lại.

(Những nén hương lòng thắp lên, kính dâng đến Anh Linh của Cố Tr/tá Mai Văn Thân, Cố Tr/tá Viễn Sum, Cố Tr/úy Nguyễn Trung Đồng Dinh và những Chiến Sĩ VNCH anh hùng Vị Quốc Vong Thân trong trận chiến năm 1974).

Phi Hổ Vũ Đình Lưu
Chi Đoàn Trưởng CĐ 2/5 Thiết Kỵ

hieunguyen11
03-17-2013, 09:24 PM
Tôi đã có mặt trong trận này. Ngày đầu tiên tái chiếm An Điền cũng là ngày sinh nhật thứ 21của mình, tôi nghĩ không lẻ ngày giỗ trùng với ngày sinh? Vô lý! Sau 6 ngày ròng rả chiến đấu, Chi Đoàn chúng tôi cùng Trung Đoàn 52 BB đã đánh bứt 2 Trung Đoàn của Sư Đoàn 9 BV và tiêu diệt nhiều chiến xa T54. Phía ta thì hàng trăm xác Bộ Binh của Trung Đoàn 52 BB, Chi Đoàn chúng tôi có 1 sĩ quan, 1 hạ sĩ quan và 1 hạ sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận tái chiếm An Điền này.

HN11



http://www.youtube.com/watch?v=CQgKL9xcsWw

Võ Khoa Thủ Đức
03-18-2013, 12:08 AM
Cảm ơn Hieunguyen11 đã post thêm bài " Đường Vào Mật Khu Tam Giác Sắt " đễ bạn đọc biết thêm cuộc chiến tiếp nối của TĐ36 BĐQ. Và tôi được đọc thêm bài " Cây Mùa Xuân tại An Điền" của Phạm Thanh Khiết. Thật sự xúc động, sau 40 anh Khiết vào lại An Điền để làm việc thiện, An Điền nơi tan hoang đỗ nát ngày nào mà tôi cùng hiéunguyen11đã chứng kiến tận mắt. VKTD

hieunguyen11
03-18-2013, 12:15 AM
Cây Mùa Xuân Tại An Điền
http://hoiquanphidung.com/showthread.php?9836-C%C3%A2y-M%C3%B9a-Xu%C3%A2n-An-%C4%90i%E1%BB%81n-B%E1%BA%BFn-C%C3%A1t

hieunguyen11
03-22-2013, 05:02 PM
Đây là kỷ niệm của một mối tình đã nở trên thép súng trong trận tái chiếm An Điền. Tôi xin kể:
http://hoiquanphidung.com/showthread.php?5096-T%C3%ACnh-L%C3%ADnh