PDA

View Full Version : Những lá thư đi



Longhai
03-16-2013, 07:38 AM
Những lá thư đi


Hoa Biển


Sau biến cố 30 tháng tư năm 1975, tôi giả từ Sài Gòn, cỏng ba lô nhập trại Cồn Tiên. Anh em tù cũ đứng dưới hàng hiên hai bên dãy trại của đội 8 cạnh nông trường đếm nhịp theo từng bước chân tôi. Nhiều anh nhập vai huynh trưởng quân trường : ...

- Ba vòng Vũ đình trường, đàn em chiếu thi hành lệnh !

Vừa bước vào cửa lán 5 gặp ngay một người đứng tuổi, ốm và cao, dáng dấp rất phong sương :

- Đơn vị nào mà đến đây giờ nầy, ở đây toàn là tù binh bị bắt sau ngáy 26 tháng 3 /75 tại Huế.

- Tôi ở tiểu đoàn 1 TQLC, tham chiến trận cuối cùng tại Long Thành thì vừa bị thương vừa mất nước nên mới lưu lạc đến đây giờ nầy.

Gặp lúc nghỉ ngơi, anh em vây quanh,hỏi han đủ thứ chuyện trên đời, nhất là Sài Gòn bây giờ ra sao; dân chúng sinh hoạt thế nào, mấy em còn ăn diện không ? Bên ngoài no đói thế nào, có mang thuốc lào lên không….

Rất nhiều anh em Thủy Quân Lục Chiến tại trại nầy, thời cuộc đưa đẩy làm họ được sống như anh em một nhà, chia sẽ nhau những xót xa tù tội. Như để hòa mình, tôi hỏi :

-Trong nầy có ai là Quái Điểu ? (Danh hiệu Tiểu đoàn 1TQLC)

Ông anh gặp ban nãy cười tủm tỉm :

-Tôi là Lâm Quang Điệp, Sĩ quan tiền trạm Quái Điểu đây. Trong đơn vị thì gọi nhau vậy, nhưng khi ra phồ Huế, mấy em tóc dài áo trắng học trò thấy quá phong trần lịch lãm quá nên gọi là Quá Điệu !

Ông già Tấn, thuyền trưởng chiếc tàu mắc cạn ở cửa bể Thuận An cũng tiếu lâm :

- Cũng vì hào hoa mà thiếu chung tình nên mấy em gán cho cái tên “Quá Đểu !”.

Lê M Đức, mặc một bộ đồ đen đã bạc màu,vừa xong hơi thuốc lào, hỏi:

- Ra đơn vị bao lâu rồi mà đụng trận Long Thành ?

Tôi ấm ớ, cố dấu để tỏ ra mình cũng lão làng sương gió, nhưng cái bản mặt non choẹt, so với thằng Hùng nhí chuyên giả gái văn nghệ ở đây cũng xấp xỉ ngang nhau ;

- Sĩ quan mới ra lò ngày 22 tháng 4 năm 1975. Tham chiến đúng 7 ngày thì xém tròn nợ núi sông : Bị thương giờ phút cuối khi hai bên húc nhau trước Trường Bộ Binh Long Thành. May phước có Đ/u Bùi Bồn cứu.

Anh Điệp cười tinh quái :

- Chưa bằng thời gian tao nằm bệnh viện !

Không vừa,tôi phản pháo :

- Đất nước điêu linh bao năm lửa khói, giờ phút cuối của lịch sử, tôi vẫn có mặt !

Phước răng vàng cười hiền :

- Dân đồ bệt ở đây "quái chiêu" lắm, ở lâu rồi sẽ rõ, mừng bạn gia nhập gia đình 4 chữ.

Ngay ngày đầu cảm nhận một cái gì ấm-áp thân thuộc; nhìn sắc áo rằn ri các bạn tù mặc đã nhạt màu vì lao động rừng rẫy, tôi chợt nhớ ngày trình diện đơn vị tại chiến trường Long Thành trong bộ đồ ni lông mới tinh, Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Dương Văn Hưng đã ân cần :

- Gia đình Thủy Quân Lục Chiến đặt hoài vọng ở các anh,những người Sĩ quan hiện dịch đã tự nguyện cống hiến cuộc đời mình cho binh nghiệp. Hôm nay ông Tướng Tư lệnh bận bay hành quân chứ ông rất muốn gặp gỡ các anh để nhắn nhủ tâm tình….


***


Những chiếc xe chở đầy người tù tiến dần ngang qua đường phố Quảng Trị, Đông Hà . Tù binh thấy dân bên đường có người mủi lòng đưa tay dụi mắt khi đứng nhìn đoàn người đi. Con đường quốc lộ số 1 ngang qua nhiều thôn xóm dọc cầu ga Thạch Hãn với những dấu ấn lịch sử người lính phải trả bằng máu khi chiến đấu giành lại từng tấc đất với quân thù. Đoàn người lao xao khi chợt nhớ những kỷ niệm cái thời gắn bó từng nẻo đường,các quán cà phê bên vĩa đường của những lúc tạm dừng chân trên bước hành quân. Chiếc Molotova xuất phát từ trại tù Ái Tử chở chúng tôi là khối 6 trại 2 Ái Tử gồm nhiều dân Thủy Quân Lục Chiến; sau thời gian chiến đấu, bị bắt và ở lại trại nầy. Nhiều người trong số đó chưa liên lạc được với gia đình.

Xe hướng về Bắc, đi để thực hiện một công trình thủy lợi được hứa hẹn đánh đổi cho một ngày về với gia đình của tù nhân chiến tranh : Các anh đi giải phóng lòng hồ sông Mực thì lòng hồ sông Mực sẽ giải phóng các anh !

Chuyện đi lao động xa gần đều không ảnh hưởng mấy anh con bà phước chuyên nghiệp như Hiệp ếch, Triều mập, Cẩm lai, Kiêm, Châu, Phước ú, Hùng, Nam còm, Châu đam, Bích đù, Hiền ngồi, Ảnh đen..Mấy anh chàng cọp biển nầy có duyện nợ nặng với miền Trung, bây giờ có ra Bắc cũng là cho biết thêm về đất nước mình, cứ xem như là một chuyến du lịch vậy. Tuổi đôi mươi, mới biết yêu thì gắn liền tay súng gìn giữ Quảng Trị; đứt phim gảy súng thì cỏng ba lô lên Cồn Tiên về Ái Tử phá rừng trồng sắn. Thân nhân ở tuốt miền Nam chưa rõ tin tức sống chết thế nào..

Khi đoàn xe chạy đều trên lộ,những lá thư viết vội cho chị, cho anh, cho cha mẹ,cho người tình được vo tròn và thả xuống lòng đường với tên tuổi và địa chỉ nơi đến. Những chàng lính thủy thần với hành trình đời lính vừa kiêu hùng vừa lãng mạng,tâm trạng ai cũng bâng khuâng với bài hát mười hai tháng anh đi mà hầu như đa số đều thuộc: Tháng giêng xua quân ra Huế, cố đô hoang vu điêu tàn, bãi học chiều nay vắng bóng, tóc thề đã quấn khăn tang ? Tháng ba về trấn ven đô, trong ánh hỏa châu giữ cầu…


***

Những dòng thư vo nhỏ liệng vô tư vào không khí, vào hư vô, trên bìa đường và biết đâu lọt vào những trái tim tình người để chuyển đi những thông điệp yêu thương đến người thân: Mẹ ơi ! Con còn sống, đang bị giam giữ nơi đây Ái Tử, gần Quãng Trị và nay trên đường ra Bắc.. Hoặc em ơi ! Rồi có một ngày, nào anh có còn mơ ước chi đâu..

Cuốn hút trong màn đêm , đoàn xe vẫn rển vang một âm thanh trở thành quen thuộc. Tù binh chợt tỉnh ngủ mỗi khi thấy ánh đèn hoặc nghe tiếng lao xao chào hàng bên đường của các trẻ bán hàng rong. Cứ mỗi lần như thế lại biết thêm một địa danh từng được học trên ghế nhà trường: cầu Hiền Lương, Bến Hải, Ròn tức đèo ngang, Vinh, Nghệ Tỉnh.

Sau một đêm ngày đoàn người đến được vị trí “tập kết” đầu tiên : Đô Lương. Nơi đây, con đồi nhỏ trồng đầy dẫy những cây bạc hà đã lớn, nằm bên cạnh lưu lượng một giòng nước từ núi cao dẫn về xuôi; hai nấm mồ Phi công Mỹ nằm im vắng trên đồi với giòng chữ còn rực thù : Mộ phần Giặc Lái Phantom F4.

Vào một trong giờ sinh hoạt thường lệ cuối ngày, cán bộ chính trị cho đọc một lá thư mà họ nhặt được và giữ lại vì có nội dung cung cấp thông tin lộ-liễu . Mục đích bảo mật trại giam vì trong tình trạng cấm thăm gặp.

" Gởi em yêu thương nhớ !"

Anh vẫn sống khõe và đang học tập cải tạo tại trại Ái Tử gẩn Quảng Trị ngoài miền Trung. Hôm nay anh được đi lao động ở xa, tuốt tận ngoái Bắc. Đừng lo lắng gì cho anh vì rằng muốn gặp anh phải đi từ cầu Bến Hải trở ra và băng qua ba cái phà ngang; đó là : phà Danh, phà Ròn và phà Vinh. Những chiếc phà kết bằng tre bó lại và lót gổ trên mặt cho xe và bộ hành qua lại. Rời khỏi Vinh chừng mươi cây số sẽ gặp xã Yên Thành nơi có nhà ga Yên Lý.Từ đó hướng theo phía tây sẽ gặp xã Diễn Châu và theo đường cái đi tiếp lên phía đồi cây sẽ gặp Đô Lương với ngôi nhà thờ công giáo cổ kính bên cuối đường là chỗ anh và các bạn đang lao động học tập. Ở đây cũng đầy đủ, nhưng nếu có dịp thì mang theo bột Bích chi, đường, thịt sả ớt và nhất là thuốc lào ba số 8. Anh Còm ”

Trong lòng anh em vì không biết ngày mai thế nào nên cố gởi một chút tin-tức cho người thân mà trong lòng len lén nuôi một niềm vui nhỏ.


***

Đô Lương thời chiến tranh được chú ý trong chiến dịch tập kích của Không lực Hoa Kỳ để triệt hạ tiềm năng sản xuất nông nghiệp .Đó là cái đập ngăn để cung cấp nước cho các xã miền xuôi: Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu thuộc Nghệ Tỉnh và là điểm huyết mạch về kinh tế nông nghiệp cho vùng nầy.

Đập ngăn có tên quen gọi là ba-ra Đô Lương được người Pháp xây dựng lúc đô hộ Việt Nam. Men theo các dãy núi từ rừng sâu, các con suối dẫn nước tràn về miền xuôi và thường gây lũ lụt khi mùa mưa và hụt nước khi mùa hè. Địa thế thiên nhiên thuận lợi cho việc ứng dụng dãy núi đồi nơi đây làm tụ điểm thác ngăn để cung cấp và điều hòa lượng nước tưới, nhờ đó mà Nghệ Tỉnh mới có lương thực để sống nhờ ứng dụng nguồn thủy lợi nầy để cung cấp cho nông nghiệp.

Người Pháp tính toán rất tinh vi . Lưu lượng nước nhìn trên cao sẽ thấy ngoằn ngoèo quanh co như con rắn lượn quan đồi. Họ đo địa chấn, độ cố thể để tính được độ giạt, mức xâm thực soi mòn bồi lở khi mùa mùa cơn nước chảy mạnh đi qua. Thế nên việc uốn lượng quanh co quanh các đồi núi sẽ làm điều hòa luồng nước và an toàn địa chấn quanh các vách núi.

Đoàn 76 tù binh được tham gia chương trình nâng cấp công trình thủy lợi nầy. Giữa năm 1977, chương trình thanh lọc đã đưa số Sĩ quan ban ngành đặc biệt có nguy hại cho họ như An ninh, Tình báo, Phượng hoàng, Chiến tranh chính trị, Cảnh sát, Chiêu hồi, Thiên nga,…vào những trại tập trung đặc biệt. Số còn lại trừ đau ốm, bịnh hoạn đều được đồng loạt đưa ra Bắc thực thi công trình với hứa hẹn sẽ được thả về khi xong công trình thủy lợi

Những công việc chuẩn bị quá quy mô đã làm nao núng tù binh về viển ảnh ngày tháng xa xăm tiếp nối mãi. Cuốc, rựa, ki, sọt, xà beng và các tổ đội được phân chia kỷ lưỡng trong phong trào thi công. Đúng lúc nầy, linh cảm sẽ khó gặp nhau lại nên anh em cũng bịn rịn nói cho nhau những lời chia tay trước khi người ở trại nầy người đi chổ khác. Người đi dù vất vả nhưng còn tia sáng hy vọng trong khi người ở lại chuẩn bị bước vào một cảnh sống từng bước một bị canh giữ nghiêm ngặt của công an áo vàng.

Ở lán trại, anh em Thủy Quân Lục Chiến luôn tỏ ra tư cách nhưng vẫn đầy máu anh hùng. Bạn bè đồng tù luôn nể phục và ngay cả phía bộ đội cũng e dè. Hiệp ếch to con và rất đẹp trai,l úc nào cũng vô tư cải thiện *. Cái ăn và ngủ dễ dàng nên phong độ vẫn ngon lành. Trại tù nầy đa số dân địa phương, nhưng nhiều anh em xứ ruốc * cũng phát ghen khi thấy mấy em gái hậu phương dưới Huế, không biết vì Hiệp đàn hát hay hay ngón nghề gì đặc biệt mà thỉnh thoảng mò lên trại thăm hoài. Ngoài Hiệp ra còn có Cẩm lai, lịch lãm và điệu nghệ hết chổ nói. Phong cách và nghệ thuật ăn nói hát hò nhạc Tây nhạc ta rất hấp dẫn, rất có hồn. Nhiều bạn xầm xì :

- Đứa mô có bồ, đừng dẫn qua đây ! Coi chừng mất.

Châu đam cũng cũng có quái chiêu lạ, rất có tài bắt rắn; vô phước con nào lạc vô trại hay lơ lững ngoài rừng, gặp Châu là xem như tới số. Bạn bè có dịp thưởng thức tài nghệ đặc sản rắn rừng, bảo đảm không chê.

Lâu lâu có chương trình văn nghệ, Hùng nhí giả gái làm mấy em bên nông trường và gia đình bộ đội coi ké phải đỏ mặt : Người đâu mà đẹp thế nầy! Hấp dẫn nhất với anh em là Hải cận với pho truyện Kim Dung và tài kể chuyện lưu loát với một trí nhớ thần kỳ.Anh em ngồi nghe mê mãi đến nỗi sập cả giường ngủ và ngay gã vệ binh tên Bình khi đi tuần cũng đứng sững lắng nghe…Đó là chưa kể hết về Châu lác, Lý Phát PB với tài ăn nói uyên bác lỗi lạc như những đạo sĩ, Nam còm với giấc ngủ hằng đêm mà miệng la lớn như đang chỉ huy ngoài đơn vị.


***

Nhóm lãnh đạo công trình vừa cao ngạo vừa đần độn. Họ rêu rao nghiêng trời làm nước, biến sỏi đá thành cơm. Thay vì để con nước chạy quanh co như hằng bao nhiêu năm tháng, họ lại quyết định xẻ ngọn đồi chính gần đập cản để nhờ đường tắt, nước chảy thông suông, lưu lượng sẽ cao hơn.

Đoàn 76 tù binh Ái Từ bốc thăm điểm công trình sát miệng đồi được xẻ, bắt tay với đội thanh niên xung phong xã Quỳnh Lưu được nhận lãnh đào thông lòng đồi. Tuổi quá trẻ, chừng mười lăm mười sáu, họ lao động hăng say bền bỉ, thường hát vang lúc thi công và thể dục dẻo dai mỗi khi có giờ nghỉ. Họ luôn tự hào: Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên !

Nhìn những thân hình ốm o mà xót xa cho một thế hệ bị lừa lọc. Mặc dù tuyên truyền láo khoét đầy bịp bợm của chế độ đã tạo một khoảng cách với anh em tù cải tạo, nhưng khi nhìn lớp trẻ dấn thân quên mình bằng những việc lao lực ngày nầy qua tháng nọ, mọi người đều cảm thương làm sao ấy ! Thật đau đớn cho một thế hệ mới lớn mà phải giả từ trường học,lại được gán ghép bằng các mỹ từ xa vời như tiên tiến, ưu việt, tiến bộ, kết nạp v.v…để lên chốn núi đồi gở lịch bằng các chiến dịch lao động lọc lừa tuổi thanh xuân.

Sáng đi chiều về và đôi khi làm thông tằm *,toàn đội tù binh dàn hình dọc, nhịp nhàng chuyền từng rổ đá lát được nạy xới từ lòng đáy bằng xà beng rồi chuyển lên bờ cao. Năng lượng chuyển biến từ miếng bánh mì vuông ban sáng và tiêu chuẩn một chén B52 * cơm vào ban trưa và cứ thế, thời gian trôi cho đến chừng một tháng sau thì hoàn tất chỉ tiêu. Anh em được tập họp và tiếp tục lên đường cho một công trình khác ở rừng Như Xuân Thanh Hóa.

Vào trưa ngày kế tiếp,khi vừa rời ga Diễn Châu, đoàn người trong lúc chờ đợi nhau trước trường trung học Nông Cống lại gặp lúc tan học nên có mấy em học sinh nấn ná lại và tò mò nhìn xem, một em nói :

- Ồ ! Chúng nói được tiếng người !

Nghiệp còm và Đức cớp cười vang làm tụi nhỏ lại càng chăm chú hơn.

Anh em chúng tôi chưng hững,tuyên truyền miền Bắc thâm độc đến mức nầy sao ! Một em khác quay lại nói với nhau :

- Một túi trình độ đấy, Ô tô tàu bay biết cả đấy !

Phía bộ đội có trục trặc gì nên đoàn người ngồi chờ, nhờ thế có dịp ngắm nhìn làng mạc nương vườn quanh cảnh sống của người dân ở đây. Những ngôi nhà đơn sơ lợp tranh và ngói lộn xộn trên cùng một mái nhà, vườn tược trồng xen kẻ sắn khoai và lác đác vài con gà quơ quào bươi mồi. Thoạt nhìn thấy cái gì cũng chấp vá như thể luôn đối đầu với những thiếu hụt về cơm áo. Công nhân viên chức một mẫu thời trang: nón cối rộng vành, áo quần kaki Nam Định, xe đạp Trung quốc với túi hành lý rau quả hoặc hàng hòa tem phiếu từ cửa hàng mậu dịch.

Đúng vào lúc nầy, nơi công trình nạo vét ba ra Đô Lương, thảm họa đã xảy ra : Vách núi nơi đội thanh niên Quỳnh Lưu thi công, sát với nơi đoàn tù 76 vừa hoàn tất hôm qua bị nứt sập, chôn vùi một trăm mười hai thanh niên nam nữ ngay lúc ngồi ăn trưa ở hiện trường. Bao nhiêu nhiệt huyết, hoài bão và tương lai của họ bị vùi lấp một cách oan - khiên dưới lớp đất đá tàn nhẫn do tính toán sai lầm của giới lãnh đạo. Phải mất một tuần,tiều đoàn công binh cơ giới quân khu 4 mới bốc xác ra được.

Một số những người vợ, mẹ của tù binh đã đến được Đô Lương nơi đây khi nghe có tin dữ. Người cán bộ quản giáo Nguyển Mái, rất hiền lành, kể lại không rõ từ những nguyên nhân nào mà đoàn người biết và đến được nơi nầy để tìm thân nhân mình dù con đường xa xôi cách trở. Những người phụ nữ nầy quyết tìm đến nơi và thấy tận mắt sự thật vì nguồn tin từ nhà ga, bến xe, cữa hàng cho hay là núi sập nơi có nhiều người tù làm thủy lợi.

Ông cán bộ quản giáo nói tiếp :

- Ngày trước bộ đội vượt trường sơn chống Mỹ,gian khổ vô cùng. Nay thấy những bà mẹ, bà vợ vượt núi băng ngàn tìm người thân mới thấy nghiã tình sắt son và cao quý. Đúng như người ta nói không nghĩa mô nặng bằng nghĩa chồng con ! Nghe giọng nói của các chị mới biết toàn là người trong Nam, xa thế mà vẫn kiên trì,thật là thủy chung !

Người miền Bắc mới vở lẽ ra rằng cuộc chiến đấu tự vệ của dân miền Nam rất nhân bản; tất cả vì muồn gìn giữ và bảo vệ hạnh phúc cho người dân, cho từng gia đình. Đạo đức và luân lý phải được bảo vệ nên sợi dây ràng buộc của nghĩa vợ tình chồng luôn thiêng liêng cao quý. Người chinh phu vì nước ra đi, dù biền biệt, người chinh phụ ở nhà nuôi con chờ chồng. Sự gắn bó như thể :

Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội
Người xa người tội lắm người ơi

Những người đàn bà ở lại rất truân chuyên cao quý khi thay chồng nuôi con bằng bao gian nan khổ ải. Khi được tin, cho dù người thân mình đang ở nơi đèo cao dốc thẳm, nơi non cao nước biếc, nhưng vẫn âm thầm vượt núi băng ngàn dẫu cho tàn tạ nhan sắc, để được thấy nhau . Sự ràng buộc vô hình mà thiêng liêng vẫn ngập tràn và niềm hạnh phúc vô biên vẫn ngự trị. Ai có được hình dung những người thiếu phụ vai mang tay xách, phiêu lưu nơi đường xa thiên lý qua bao chuyến xe nhọc nhằn với trái tim trĩu nặng nghĩa tình? Như chuyện hôm nay, nơi Đô Lương Nghệ Tỉnh xa xôi lạ lùng với hành trình muôn trùng gian khó và tràn đầy thử thách, mấy ai đong đếm được nỗi vất vả trên đôi vai mang quà cáp, trên đôi mắt tìm kiếm xa vời, trên đôi môi héo hon và nhất là trong tim óc luôn mong và cầu nguyện người thân còn sống khỏe.

Mùa thu năm 1978, chiến dịch thủy lợi kết thúc, lòng hồ sông Mực được giải phóng. Giới lảnh đạo đã lộ nét phỉnh phờ : Không có ai được thả vào dịp nầy và lại mãi tiếp tục ở vào trại khác, quy mô và căng thẳng hơn. Đó là trại Bình Điền, phía Tây nam thành phố Huế, cách chừng mười lăm cây số. Tuy nhiên thời gian đi Thanh Hóa, Nghệ Tỉnh về lại vừa đủ ba năm giam giữ và đủ điều kiện nộp đơn cho chương trình đi Mỹ theo diện HO.

Gần như trọn vẹn tổng số những người từng ra đi trên những chuyến đi Bắc đó cùng những người từng vay nợ ân tình cho nhau đã có được những ngày nắm tay nhau cùng đàn con lên đường đi định cư Hoa Kỳ. Họ bắt đầu một cuộc đời mới trong một xã hội văn minh đầy nhân bản. Vẩy tay chào Việt Nam, hẳn những nhạt nhòa của bao gian nan ngày cũ có làm mờ những đôi mắt đang ngấn lệ khi dìu nhau về phía con tàu ở sân bay ….



Hoa Biển


____

 *Cải thiện : Nấu nướng,tìm tòi cái ăn phụ thêm
 *Ruốc : Ý muốn nói dân Huế
 *Chén B52 : Chén ăn cơm bộ đội Bắc Việt dùng trong chiến tranh
 *Thông tầm : Ý nói làm liên tục qua ca khác, không nghỉ