PDA

View Full Version : Kỷ niệm Một thời chiến đấu oai hùng



Longhai
03-10-2013, 11:02 PM
Kỷ niệm Một thời chiến đấu oai hùng


Lê Hoàng


Khi đến đất Mỹ nửa tháng sau tôi mới quen. Lang thang đi bộ một mình trên đường phố T.phố Oakland - Trên một con đường ít người qua lại, xe cộ ở đây chạy rất êm ả, rất trật tự luật lệ nghiêm minh so với Việt Nam ngày nay xô bồ bất chấp luật giao thông như thế nào cả. Nếu có vi phạm thì xài luật "rừng" với nhau. Hoặc có bọn Công An thì luật " Đầu tiên" là xong ngay.

Bất chợt, tôi qua khỏi một ngã tư đèn xanh đèn đỏ, gặp một quán trà. Nhìn lên tôi thấy mấy chữ Quán trà "Bốn Phương". Thấy cũng lạ! Đất Mỹ mà cũng có quán trà để uống "mạn đàm" hay "trà đàm", không chừng lại là "Trà Đạo" nữa chăng?

Nhìn vào trong quán - lúc đó buổi sáng cuối mùa Thu, trời nắng nhưng se lạnh. Tôi bước vào, một vài người nhìn tôi, có vẻ xa lạ! Chắc ở nơi tôi có cái gì biểu hiện của sự mới mẻ cho họ biết rằng tôi là dân "quê nhà" mới đến nước Mỹ chăng? Một người tuổi chừng trên 50 hỏi tôi:

- Xin lỗi! Anh ở Việt Nam mới sang phải không? Tôi gật đầu.

Thế rồi, một vài anh nữa cũng đều hỏi tôi chuyện V.N và họ rất vui khi biết tôi qua với diện H.O. Họ cũng chỉ cho tôi những kinh nghiệm sống ở đất Mỹ. Sau khi nói chuyện một hồi, tôi tình cờ lấy một tờ báo đọc, đó là tờ nhật báo có tên :"PS Việt Nam". Nhìn cho kỹ mới rõ là "Phụng Sự Việt Nam". Tiếng nói của người Quốc gia hải ngoại.

Thế rồi, tôi ngồi uống trà và đọc báo. Qua những tin tức, rồi những bài viết về thời sự v.v... Bất chợt tôi đọc đến truyện "Đoàn quân mũ đỏ" Tác giả : Hoàng Ngọc Liên. Bài khởi đăng từ 02 tháng 8 năm 2000. Cũng là ngày tôi "chân ướt, chân ráo" vừa đến Mỹ đúng một tháng. Đọc một hồi, tôi trả tiền cà phê, không quên ghi số điện thọai của toà soạn báo. Đến chỗ điện thoại công cộng. Nhưng loay hoay mãi, tôi vẫn không thể nào gọi được cho tòa soạn tờ báo để hỏi thăm tin tức tác giả Hoàng Ngọc Liên.


***

Vào ngày... tháng 05 Năm 1968. Tôi đang trên đường rừng, mang theo một tiểu đội Trinh sát, vượt rừng từ đường mòn "Hồ chí Minh", về đến một căn cứ quân sự Mỹ có tên là "Nancy" cách Mỹ Chánh chừng hơn 15km. Đến đó, chúng tôi gặp một đơn vị Thiết giáp - Chi Đoàn 20 - do Trung úy Th. làm Chi đoàn trưởng (Cùng khóa với tôi). Chúng tôi dừng quân và xin tá túc qua đêm... Gặp nhau, hai đứa vui mừng và cũng không quên kể cho nhau nghe về chiến sự và trách nhiệm mình đang thi hành bên lề cuộc chiến. Sau khi cơm nước xong, Th. sắp xếp cho chúng tôi nghỉ ở một căn hầm khá kiên cố trong công sự phòng ngự của đơn vị Th... Lúc đó ..vào khoảng 7g30 tối, hỏa châu đã bắt đầu bắn lên không gian, thỉnh thoảng một vài tiếng súng bắn lẻ tẻ ngoài xa ...xa.. Rồi, tiếng pháo lớn của các đơn vị pháo binh vọng lại làm tăng thêm phần không khí căng thẳng của chiến cuộc đang diễn tiến. Vì băng rừng lội suối suốt ngày, nên "con cái" chúng tôi lăn đùng ra ngủ cho lại sức chỉ có phiên gác "nội bộ" mà thôi. Tôi vẫn còn thao thức... trước khi ra khỏi hầm, Th. đưa cho tôi cái Radio mà Th. hay mang theo trên xe để vừa nghe nhạc em gái "Dạ Lan" và tin tức hằng ngày! Tôi nghĩ thế. Tôi vừa nằm, vừa mở máy nho nhỏ vừa đủ nghe. Tiếng nói của đài phát thanh quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Phát thanh từ Sài Gòn, tôi lặng yên nghe. Bỗng một giọng đọc thật rõ ràng, trịnh trọng và cũng rất buồn xướng lên :

- ...Cố Trung sĩ nhất Hoàng L. số quân 60/101237.Thuộc đại đội Tổng hành Dinh Bộ Tư lệnh Sư Đoàn nhảy dù, đã bị tử thương ngày 6 tháng 5 năm 1968. Đã anh dũng đền nợ nước trong cuộc hành quân tiến chiếm "Ngã Tư Bảy Hiền", thuộc Quận Tân Bình - Gia Định - Vùng 3 Chiến thuật.


http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1363125557.jpg

Tôi giật mình, đầu óc quay cuồng. Một vùng ánh sáng tỏa xuống chụp vào toàn thân tôi, mà tôi tưởng rằng như pháo địch đã rơi đúng trên đầu mình. Người anh của tôi đã hy sinh đền nợ nước! Những kỷ niệm thời thơ ấu của hai anh em chúng tôi bắt đầu tuần tự hiện ra trong trí tôi. Gia đình cha mẹ tôi chỉ có 2 anh em tôi mà thôi. Đất nước chiến tranh, quân cộng sản ào ạt xâm chiếm miền Nam. Thời còn đi học, tôi thường đọc sách và đã nhận ra rằng cộng sản Quốc Tế nói chung, cộng sản Việt Nam miền Bắc nói riêng, là điều hiểm họa tất yếu sau này. Thế rồi anh em đều tình nguyện vào lính. Anh tôi nhập ngũ sớm hơn tôi vài năm. Đơn vị Sư Đoàn nhảy dù. Anh đã phục vụ qua các tiểu đoàn 1,3,5. Cuối cùng thì được thuyên chuyển về Đai Đội Tổng hành dinh. Biệt phái cho phòng Tâm Lý chiến của Sư Đoàn. Tôi không biết giờ này mẹ tôi đã biết anh tôi bị tử trận hay chưa? Tôi lo sợ mẹ tôi hay tin sẽ ngất xỉu và bệnh cũ sẽ tái phát. Các con đi lính - Mẹ buồn, mẹ khóc - Nhưng mẹ cũng rất vui khi các con về phép, mang trên vai giây chiến thắng màu vàng chen màu đỏ oai hùng. Đội chiếc nón "bê rê" màu đỏ, màu xanh. Mẹ tôi thường nói :

- Tụi bây đi lính chi mà thằng lớn thì mũ đỏ. Thằng nhỏ thì mũ xanh, hi? Tao thấy lính ở đây có đứa nào như tụi bây mô? Mỗi lúc như thế, tụi tôi cười và trả lời.

- Thì lính dù, tụi con có khác mà má.

- Lính dù, nhảy từ trên trời xuống mà tụi bây không sợ hứ?

- Dạ, từ trên trời cao nhảy xuống, chúng con đã không sợ mà còn thích thú nữa má à.

Bây giờ anh tôi đã nằm xuống, không còn nữa những ngày tháng hai anh em mặc quân phục dù chở nhau chạy trên xe Dame đỏ chạy khắp thành phố Sài gòn trong những ngày tôi nghỉ phép về Sài gòn chơi.


***

Về đến Đà Nẵng trong ngày, tôi trình diện với Đại Bàng, trình bày sự việc và xin Đ.B. 5 ngày phép vào SG để dự đám tang của anh tôi, chưa nhận kịp giấy phép, thì tôi lại có lệnh khẩn cấp nhảy xuống vùng Ba Tơ -Trà Bồng, để thi hành một nhiệm vụ mà không thể trì hoãn được. Sau mấy tiếng đồng hồ chuẩn bị tôi và anh em đồng đội lại vào phi trường Đ.N. lên trực thăng thi hành nhiệm vụ. Mãi cho đến cuối năm, lu bu với công việc, tôi cũng chưa có dịp thuận tiện để vào SG tiễn đưa linh hồn anh tôi về nơi an nghỉ cuối cùng.

Chị dâu tôi thì đã về quê. Chị tôi tay bế tay bồng, còn mang thêm cái bầu chưa sinh. Tôi về phép được 2 hôm thì gặp chị tôi về. Gặp tôi, chị tôi khóc nức nở, hai đứa nhỏ cháu tôi nhìn tôi ngơ ngác. Hai mái đầu xanh đã sớm chít khăn tang chắc chúng nó buồn, nhưng chưa hiểu thấu đáo về chuyện cha chúng nó đã đền xong nợ nước. Ôi ! mà còn thêm một đứa sắp sửa chào đời nhưng vĩnh viễn không thấy được mặt cha mình.

Mẹ tôi lại khóc, Mẹ tôi hay khóc hoài, mỗi lần chúng tôi về phép rồi lại đi, mẹ tôi cũng lại khóc! Nên anh em tôi ít khi về, sợ rằng mẹ khóc hoài có phương hại đến đôi mắt. Chị dâu tôi trách tôi. "Tại sao anh chú mất mà chú không vào để dự lể tang?" Tôi chỉ im lặng không trả lời. Vì có giải thích thì chị tôi cũng không thể hiểu hết được. Thế rồi chị lại bảo :

- Anh chú mất có ông Thiếu Tá Hoàng Ngọc Liên và Ông Thiếu Tá Hoàng Thọ trưởng phòng giúp đỡ, lo liệu thật chu đáo. Đọc bản tuyên dương trên đài phát thanh quân đội. Mọi người trong đơn vị (BTLSĐD) lo hết, lúc đó chị bối rối có biết gì đâu. Anh chú được an táng trong nghĩa trang quân đội ở Biên Hòa.

Rồi mẹ tôi, chị tôi bắt đầu kể chuyện về anh tôi với các cấp chỉ huy trong đơn vi cho tôi nghe. Chị tôi cứ bảo rằng:

- Chú phải vào SG gặp ông Thiếu Tá Hoàng Ngọc Liên và Thiếu tá Hoàng Thọ để cám ơn các ông giùm cho anh chú. Ôi! đặc biệt lắm. Anh chú cũng thỏa mãn - Đơn vị lo liệu tang lễ đầy đủ, ai cũng bùi ngùi thương tiếc tính trung thực, thật thà của anh. Tôi bảo:

- Thì tình huynh đệ chi binh "Hai ông Thiếu tá đó đều lo cho bất cứ ai trong đơn vị, nếu có xẩy ra tình trạng như thế. Chứ đâu một mình anh L. đâu. Không phải - chị tôi cãi lại:

- Anh chú được mấy ông thương nhiều lằm!

Thế rồi, chị cứ nhắc mãi chuyện tôi phải đi SG để gặp hai ông Thiếu Tá. Đôi lúc tôi cũng khôi hài với chị: Thì, hai ông đó cũng họ Hoàng cả nên thương anh L. là phải rồi. Chị tôi lại giận bảo:

- Chú lại nói bậy. Mấy ông đó người Bắc, người Nam. Anh chú người Trung làm sao họ hàng được.

Ồ! Chị không hiểu. Con nhà lính là "Huynh đệ chi binh" anh em hết. Thế rồi, đến tháng 10 năm 1970. Tôi có dịp đi công tác Saì Gòn. Trước khi đi tôi về thăm gia đình. Gặp chị tôi, chị lại nhắc chuyện tìm gặp hai ông Thiếu Tá nhảy dù để thay mặt chị cám ơn. Tôi bảo với chị tôi, biết vậy hồi đó em đăng báo cảm tạ cho chị yên lòng. Chị tôi nói :

- Biết mấy ông có chịu đọc báo để biết không? Ở Sài Gòn chị thấy cả hằng trăm thứ báo.

Tôi đến SG vào buổi sáng trong một chuyến phi cơ boeing Air VietNam bay từ Đà Nẵng vào. Xuống phi trường, tôi gọi điện thoại cho Thành - người bạn sẽ cùng tôi đi chuyến công tác trong những ngày tới ra đón tôi. Đợi chừng hơn 30 phút Thành đã đến. Về trại K, tôi gởi hành lý rồi cùng Thành đi ăn cơm trưa. Lúc đó cũng vào khoảng 11 giờ trưa, trời SG nắng hanh nhưng cũng dễ chịu. Trở lại trại, sẵn có điện thoại. Tôi hỏi trung sĩ A. ở phòng trực số điện thoại của phòng TLC /SDND. Trung Sĩ A cho biết là : 30.344. Sau ba lần quay số, điện thoại bên kia vẫn bận đường giây. Tôi đợi thêm 10 phút nữa quay thêm lần nữa. Nhưng không được. Tôi cũng không hiểu tại sao?.. Thế rồi , Thành gọi tôi ra xe để qua trại M.K. chuẩn bị những thứ cần thiết cho ngày mai lên đường thi hành nhiệm vụ. Chuyện đến gặp hai ông thiếu tá dù coi như hoãn lại dịp khác. Từ đó, đời Binh nghiệp, quá khứ và chuyện anh tôi cũng qua đi với thời gian. Cuộc chiến đấu chống Cộng vẫn không ngừng.

29 tháng 3 năm 1975. Đà Nẵng thất thủ - mất - Rồi 30 tháng 4 1975. Sài gòn cùng chung số phận. QLVNCH, mỗi người mỗi ngả. Kẻ đã di tãn ra ngoại quốc trước, người còn ở lại, lần lượt bị cộng sản gom vào các trại tập trung với nhiều hình thức khác nhau. Cái gọi là "Cải tạo" để hành xác và tinh thần. Tôi cũng như các chiến hữu khác, cùng chung số phận.

Năm 1982, tôi được thả về quê, gặp lại vợ con và gia đình. Điều đầu tiên tôi suy nghĩ là phải bỏ đi vào miền Nam xa lạ. Không thể ở quê nhà, không thể yên ổn bản thân được. Sau khi trình diện bọn Công An Xã và Huyện. Ba tháng sau, tôi một mình đi vào miền Nam -Vùng kinh tế mới - ẩn thân lập nghiệp, vợ con tôi lần lượt vào sau. Rồi chuyện H.O đến, các bạn bè tôi lần lượt ra đi qua Mỹ. Tôi cũng sớm biết chuyện này, tuy nhiên hậu quả địa phương cả hai nơi đã tạo ra khó khăn không it cho tôi. Cuối cùng tôi cũng hoàn tất được điều tôi muốn. Trước khi đi Mỹ, tôi trở về quê để thăm mẹ tôi và chị tôi. Ba tôi bị mất trong tù với chức Thôn trưởng và nguyên chủ tịch Phong trào Cách Mạng Quốc Gia thời kỳ Đệ nhất Cộng Hòa. (Vì tuổi già không chịu nổi kham khổ).

Sau bao năm lăn lộn với cuộc sống chật vật. Con cái đứa còn, đứa mất. Cuối cùng vẫn là hai bàn tay trắng. Tôi nghĩ đến Mỹ, đất lạ quê người, nhưng chắc chắn mình được hưởng sự Tự Do, công bằng. Không như xứ sở quê hương mình bây giờ quân CS đã không còn nhân tính, tất cả đều bị chà đạp. Người dân hoàn toàn bị nô lệ. Bị lợi dụng trăm bề để tụi CS đục khóet tận xương tủy.

Về đến quê, vợ con tôi và tôi vui vẻ được các bà con nội ngoại, bạn bè thân tình đến thăm hỏi và chúc lành. Vì điều kiện kinh tế, gia đình tôi chỉ ở lại quê nhà một tuần lễ, rồi phải quay về vùng kinh tế mới thường trú để chuẩn bị cho chuyến ra đi. Chị dâu tôi, nay đã già và bệnh hoạn. Các cháu tôi cũng đã lớn. Ba đứa cũng sắp sửa lập gia đình. Thằng con trai giống anh tôi như đúc. Tôi thương các cháu và khuyên tụi nó ở nhà cố gắng làm việc lo cho mẹ già.

Bất chợt, ngày gần vào SG. Chị tôi gọi lại, chị tôi nay bị liệt không đi được và bảo :

- Chú sang Mỹ, nhớ tìm gặp hai ông Thiếu Tá dù nghe. Chắc chắn mấy ông đó đã sang bên đó rồi.

- Chuyện hơn mấy chục năm trước rồi mà bây giờ chị vẫn còn nhớ và nhắc lại. Chị tôi trả lời:

- Sao lại không nhớ. Tôi nhớ suốt đời.

Tôi tự nghĩ "chim trời cá nước" chị tôi không hiểu. Đất Mỹ, chứ đâu phải như ở "Sông Hương, Núi Ngự" hay 12 quận nội ngoại thành SG đâu mà đi tìm? Mà cho dù SG hay Huế, không có địa chỉ thì cũng đành chịu thua. Cuộc đời quân ngũ trong lính tình nghĩa "Huynh đệ chi binh" thật thắm thiết. Khi đoàn quân ra đi. Đến lúc trở về, thiếu vắng một ai, thì nổi buồn rõ ràng hiện lên trên những khuôn mặt đồng đội. Tăng lên sự căm thù giặc Cộng.Tập đoàn CS hiếu chiến miền Bắc đã nghe theo lệnh quan thầy Nga Sô và Trung Cộng đã gây ra biết bao tương tàn chết chóc kéo dài triền miên cho đến ngày hôm nay vẫn chưa chấm dứt.

Nhìn lại hơn 30 năm. Khi CS tiến chiếm miền Nam. Mọi con người phải sống trong ngục tù cay đắng - Cái nhà tù vĩ đại nhốt hơn 90 triệu con dân, dân tộc Việt Nam !!!.

Bây giờ tôi mới thấy thấm thía hơn khi đọc lại tập " Chín tầng địa ngục" Hay " Quần Đảo ngục tù" của một nhà văn người Nga.

Tôi chưa đọc hết tập truyện "Đoàn quân mũ đỏ" của nhà văn Hoàng Ngọc Liên. Nhưng, đọc một phần nào đó, tôi cãm nhận được những hào hùng của đoàn quân Sư đoàn dù năm nào đã chiến đấu anh dũng trong lòng đất mẹ và nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên mọi đường đất nước quê hương dấu yêu.

Cũng nhân tiện đây, tôi xin viết vài giòng tâm sự xin trân trọng cảm tạ hai anh Thiếu Tá Hoàng Ngọc Liên và Hoàng Thọ (mà tôi chưa bao giờ gặp). Lời cảm tạ chân thành trong tình nghĩa của một thời chiến đấu bảo vệ HÒA BÌNH và TỰ DO cho quê hương.