Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Mùa Hạ Hai Mươi (1 - 2)

Collapse
X

Mùa Hạ Hai Mươi (1 - 2)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Mùa Hạ Hai Mươi (1 - 2)

    Mùa Hạ Hai Mươi
    Hoàng Hải Thủy



    Truyện viết trong căn gác nhỏ
    Cư xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, Thành Hồ năm 1992
    Viết lại ở Rừng Phong, Virginia Đất Tình Nhân
    Hoa Kỳ,Tháng Giêng 2000

    1. Đất nước ta có chiều dài theo đường thẳng -- đường chim bay -- là 1.650km, chiều dài theo bờ biển 3.260km. Như vậy có nghĩa là nếu chúng ta đi bộ theo bờ biển từ Ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mau -- theo như lời rao cửa miệng của những vị chuyên bán thuốc ho Bà lang Trọc ở những bến xe ô tô, trên tầu điện, tầu hỏa trong những năm anh và em vừa trên dưới 10 tuổi ở cõi đời này, những năm 1940 -- chúng ta phải đi tới hơn 3000 cây số mới đi hết chiều dài đất nước. Hélène!! Hélène Sóc Trăng Mùa Xuân 1954... Sáng nay, một sáng đầu mùa mưa năm 1992, anh hoài niệm cuộc tình của đôi ta và anh bâng khuâng tự hỏi vì những lý do nào, những nguyên nhân nào, vì những cái mơ hồ, huyền bí thường được gọi là những tiền nhân, hậu quả nào... đã làm cho anh đi gần suốt chiều dài của đất nước, từ tỉnh lỵ Hà Đông nhỏ bé, hiền hoà nằm bên bờ sông Nhuệ của anh ở gần phần cực Bắc của đất nước ta để tới tỉnh lỵ Sóc Trăng nhỏ bé, hiền hoà của em nằm ở gần phần cực Nam của đất nước ta, anh đến đó để gặp em?

    Anh ra đời ở tỉnh lỵ Hà Đông -- và anh là một Công Tử Hà Đông cho đến nay viết linh tinh nhiều nhất về tỉnh lỵ thời thơ ấu của mình -- anh học tiểu học ở trường Tự Đức của Thầy Giáo Kiên người làng Vạn Phúc. Trường Tự Đức là trường tư, những trường tư ở những tỉnh lẻ Bắc kỳ vào những năm 40 của thế kỷ này đều thiếu nhiều điều kiện về cơ sở vật chất. Cũng như đa số trường tư ở những tỉnh nhỏ miền Bắc thời anh trên dưới 10 tuổi, trường Tự Đức là một căn nhà thường được dùng làm trường học. Truờng không có sân chơi. Đến giờ chơi hay trước giờ học, học trò toàn chơi ở vỉa hè, ngoài đường. Vào năm anh học Lớp Ba -- cua Ê-Lê-Măng-Te năm 1940 hay 1941 chi đó -- những trò chơi của bọn học trò tiểu học như anh ở trường thật ít.

    Trò chơi của học trò thời đó thường là đánh bi, đánh đáo. Nhưng không phải quanh năm học lúc nào cũng là mùa chơi bi. Và ở vào thời anh mười tuổi, những viên bi cũng ít có. Những viên bi đẹp được bọn anh nâng niu, quý báu như những bảo vật. Khi đến lớp sớm, bọn anh có thể ngồi trong lớp đánh cờ ca-rô. Nhưng ngay cả đến những tờ giấy kẻ ca-rô cũng hiếm có. Bọn anh bầy ra một trò chơi không tốn kém chi cả là hai tên luân phiên mở từng trang sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư ra chơi với nhau. Những bài trong sách này đều có một hình vẽ. Cứ đếm số người vẽ trong hình trên trang sách mình mở được mà đấm lên lưng bạn. Tên nào may tay có lời, mở được trang có tranh vẽ nhiều hình người nhất là coi như thắng.

    Trong những trang sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư năm ấy trang có hình vẽ nhiều người nhất là trang nói về cuộc đời của một Bà Sơ người Pháp đến Đông Dương vào những năm đầu của thế kỷ chúng ta. Bà mở một nhà nuôi Trẻ Mồ Côi ở tỉnh lỵ Sóc Trăng và bà mất ở Sóc Trăng. Bà được nhiều người thương mến, kính trọng nên khi bà mất người Sóc Trăng đi đưa đám bà thật đông. Tranh vẽ cái xe tang ngựa kéo đi trước, sau xe tang có tới hai mươi, ba mươi người đi đưa. Tên nào mở được trang Bà Sơ Sóc Trăng coi như vớ bở, tha hồ đấm lưng đối thủ. Bọn anh khi chơi trò mở sách, coi hình, đếm người, đấm bạn kiểu này tên nào cũng muốn mở được trang có hình vẽ đám tang Bà Sơ ở Sóc Trăng.

    Đó là lần thứ nhất trong đời anh biết đến cái tên Sóc Trăng, cái tên Nam Kỳ nghe lạ lạ, một địa danh xa lạ nằm mút chỉ cà-tha ở tận xứ Nam Kỳ xa tít mù xa... Ngày ấy, năm ấy có bao giờ anh ngờ rằng sẽ có ngày những gót chân Công Tử Hà Đông của anh đặt bước ở ngay giữa lòng tỉnh lỵ Sóc Trăng anh chỉ thấy thấp thoáng trên trang hình vẽ? Cũng chẳng có qua một linh tính nhỏ bé nào báo cho anh biết sẽ có ngày anh đến sống và được yêu em, được em yêu ngay giữa cái thị trấn mấy chục năm xưa có Bà Sơ người Pháp đã đến, đã sống và đã chết.

    Nhưng cứ theo như những nhà quân tử Tầu nói thì: Nhất ẩm, nhất trác... giai do tiền định..." Chúng ta gặp nhau và yêu nhau có phải là do "tiền định" không em?? Ở vào số tuổi của anh, năm mươi năm xưa, những năm 40 của thế kỷ này, có thiếu gì anh học trò nhỏ chơi cái trò mở sách đếm người trong hình vẽ như anh?

    Có thiếu gì anh nhỏ đã vớ được trang Bà Sơ Sóc Trăng trong sách như anh?? Trong số đó về sau có bao nhiêu người lưu lạc đến thành phố Sóc Trăng như anh? Tiền định hay không tiền định?? Nhân duyên hay chỉ là chuyện tình cờ?? Anh không biết, anh không thể trả lời được. Anh chỉ biết là muời ba năm sau năm 1940, năm lần đầu tiên anh được biết đến Sóc Trăng trên trang sách học ở một trường tư thục nhỏ bé trong tỉnh lỵ Hà Đông nhỏ bé của anh, năm 1953, anh -- loạng quạng -- như anh đã nói, đến thị xã Sóc Trăng.

    Năm 1952 anh làm phóng viên nhật báo Ánh Sáng ở Sàigòn và cũng trong năm này anh đoạt giải nhất Cuộc Thi Truyện Ngắn toàn năm 1952 do nhật báo Tiếng Dội của ông Trần tấn Quốc tổ chức. Truyện ngắn của anh tên là "Người con gái áo xanh." Làm phóng viên báo Ánh Sáng được chừng một năm anh bỏ ra cộng tác với một anh bạn làm tuần báo. Tờ báo èo uột này chỉ ra được ba bốn số là đi tầu suốt. Anh trở thành thất nghiệp, chân phóng viên báo Ánh Sáng thật tốt đã có người khác làm. Anh sống với một anh bạn ở Tân Định. Người bạn anh làm thư ký hãng Shell. Có những ngày buồn quá không biết làm gì anh đi bộ từ Tân Định lên trụ sở Công Ty Dầu Xăng Shell để ăn cơm trưa với anh bạn. Nhà Shell ở con đường trước 1956 tên là Đại lộ Norodom Sihanouk, thời Quốc gia Việt Nam Cộng Hoà là đường Thống Nhất. Trên con đường nhỏ đằng sau Nhà Shell có mấy quán cơm vỉa hè chuyên phục vụ các thầy thư ký, thư quẽo, đa số là nhân viên Nhà Shell, những bữa cơm trưa biên sổ, đến kỳ lương các thầy mới tính sổ trả tiền. Ăn xong có buổi trưa anh theo anh bạn lên lầu Nhà Shell nằm nghỉ một lúc ở ngay hàng lang. Có khá đông nhân viên Shell nhà xa hoặc độc thân chẳng cần về nhà nghỉ trưa; ăn cơm quán xong mấy ông lên lầu Nhà Shell nằm làm một giấc la-siết ngon lành ngay trên những hàng lang sạch boong của sở đợi đến 2 giờ trở dậy rửa mặt, vào buy-rô làm việc tiếp. Có những buổi trưa anh vào Sở Thú nằm trên cỏ nhìn lên chuồng khỉ xem những anh khỉ già làm tình với những em khỉ non -- đúng ra là xem khỉ già hiếp dâm những em khỉ non -- trong khi những chú khỉ non thì nhẩy lung tung chung quanh kêu lên khẹc khẹc. Nằm, ngồi, đi vớ vẩn trong Sở Thú như thế đến gần 5 giờ chiều anh trở lại nhà Shell cùng về nhà với bạn anh.

    Cuộc sống nhàn rỗi ấy kéo dài đến mấy tháng thì anh nhập ngũ, tức là anh vào quân đội. Vào năm 1953, Quân Đội VNCH mới mở rộng cái ngành gọi là Chiến Tranh Tâm Lý, dịch từ tiếng "Ghe Sích-cô-lô-gích -- Guerre Psychologique" của người Pháp. Về sau danh xưng này được đổi là Chiến Tranh Chính Trị. Thời ấy Quân Đội Việt Nam chưa có Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, cũng chưa có Cục Tâm Lý Chiến và những Biệt Đoàn Văn Nghệ. Ở Bộ Tổng Tham Mưu -- trụ sở ở đường Galiéni, sau năm 1955 là đường Trần Hưng Đạo -- chỉ mới có một phòng phụ trách truyên truyền và công tác chính trị, tư tưởng gọi là Phòng Năm. Cũng theo tên 5ème Bureau của Quân đội Pháp. Thiếu Tá Trần Tử Oai là Trưởng Phòng Năm. Năm 1953 ông thành lập cái gọi là Đệ Nhất Đại Đội Võ Trang Tuyên Truyền. Cái tên gọi này cũng dịch từ cái tên tiếng Phú Lăng Sa Première Compagnie de Propagande Armeé. Lính của Đại Đội này vào thời Đại Đội có anh là một đội viên, năm 1953, 1954, chỉ có mấy việc để làm là đi dán áp-phích, căng băng-đờ-ron, phát truyền đơn và chiếu phim cho lính giải trí những đồn quân xa thành phố.

    Với tư cách là lính của Đệ Nhất Đại Đội Võ Trang Tuyên Truyền bốn mươi năm xưa, năm anh vừa tròn hai mươi tuổi, anh đã có dịp đi có thể nói là đi khắp miền Nam. Tuy sinh trrưởng ở miền Bắc nhưng anh được đi, được biết về miền Bắc ít hơn anh đi và biết về miền Nam. Chỉ trong vòng hơn một năm ở lính anh đã đi và đến tất cả những tỉnh lỵ miền Nam, những nơi ngày xưa còn được gọi là Lục Tỉnh: Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Cần Thơ - Tây Đô thì nhất định là phải đến rồi - Đức Hòa, Đức Huệ, Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh, Châu Đốc, Rạch Giá... Đời lính đưa anh ra đến tận đảo Phú Quốc. Không những chỉ đến những thành phố, những thị xã, anh còn đi theo những cuộc hành quân vào Đồng Tháp Mười, đến tận những vùng xa sôi nhất ngay cả với thanh niên Nam Kỳ như Mỏ Cầy, Thạnh Phú, Mộc Hóa, Ô Môn, Thốt Nốt... Và Sóc Trăng, Bặc Liêu, Cà Mâu - Bặc Liêu dưới sông cá chốt, trên bờ Chệt không... Công tử Bặc Liêu... đứt dây thiều, lọt cầu tiêu ..v..v... Mỗi nơi anh chỉ ở nhiều lắm là năm bẩy ngày. Hai nơi anh ở lại lâu nhất là hải đảo Phú Quốc và thành phố Sóc Trăng của em.

    Những năm 40 trong tỉnh Hà Đông nhỏ bé, hiền hòa có dòng sông Nhuệ Giang chẩy qua, chú bé con mười tuổi mở trang sách ghi lại cuộc đời của Bà Sơ người Pháp sống và chết ở Sóc Trăng, có bao giờ ngờ rằng sẽ có ngày cuộc đời đưa mình phiêu dạt đến đúng cái thành phố xa lạ ấy?? Và để rồi mười mấy năm sau chú bé con trở thành chàng trai vừa tròn hai mươi tuổi;, vào một sáng đầu mùa xuân năm 1954, chàng trai đó đến Sóc Trăng.

    Vào lính giữa năm 1953 chưa đầy ba tháng anh đã thấy khó chịu. Anh không thể nào chịu được kỷ luật - bất kể thứ kỷ luật nào - mà kỷ luật nhà binh lại là thứ kỷ luật nghiêm khắc nhất. Nếu nó có khá hơn cái gì thì ta chỉ có thể nói nó khá hơn kỷ luật nhà tù chút xíu. Vì khó chịu, anh trở thành ba gai. Ở lính mà ba gai thì chỉ có từ chết đến bị thương. Với anh thì Thiếu Tá Trần Tử Oai là một vị chỉ huy rất khá. Ông nhiều lần tỏ ra rất tốt và rất công bình với anh. Nhưng vì anh ba gai quá, ông phải hạ lệnh tống anh đi khỏi Sàigòn. Về sau anh thấy đó chỉ là một cái lệnh dọa. Thiếu tá giận anh không tuân lệnh của ông nên đuổi anh đi. Lúc đó nếu anh đến xin gặp ông, xin lỗi và tả oán: "Thưa Thiếu Tá... Em thế này, em thế nọ... vv..." rất có thể ông đã hủy bỏ cái lệnh thuyên chuyển đó. Nhưng anh đã không làm như thế. Sau một năm ở trong cái gọi là Đệ Nhất Đại Đội Võ Trang Tuyên Truyền anh đã chán nó quá rồi. Tự cho là mình bị hành hạ, anh như tên phẫn chí muốn nếm cái gọi là "thú đau thương", muốn xem đời lính còn làm cho mình khổ sở đến đâu. Năm ấy anh mới hai mươi tuổi! Anh nhận lệnh đuổi của Thiếu Tá Trần tử Oai và anh lặng lẽ lên đường. Lệnh đổi anh xuống Đại Đội Trọng Pháo 102 ở quân khu Sóc Trăng - Bạc Liêu.

    Gần như tất cả đội viên của Đệ Nhất Đại Đội Võ Trang Tuyên Truyền đều là lính mới tò te, tức là toàn là những thanh niên mới nhập ngũ như anh. Ở đây ít nhiều gì anh cũng có bạn, một bọn cùng lớ ngớ như nhau. Nay anh phải một mình đi tới một nơi hoàn toàn xa lạ, nơi anh không có qua một người quen biết. Anh là tên đội viên thứ nhất của Đại Đội bị thuyên chuyển với tính cách trừng phạt, nói cho đúng là bị đuổi đi. Cuộc đời sẽ dành cho anh những gì ở Sóc Trăng?? Đó là câu hỏi thuộc loại những câu hỏi không thể trả lời được ở cõi đời này.

    Cứ kể ra thì đoạn đầu cuộc đời binh nghiệp của anh cũng chẳng có gì đáng gọi là tối tăm, ảm đạm chi cho lắm. Không có mảnh bằng nào, dù là mảnh bằng nhỏ bằng miếng giấy gói thuốc lào, vừa vào lính anh được đeo ngay lon Hạ sĩ Nhất - Caporal Chef - sáu tháng sau đeo lon Trung sĩ, Sẹc-zăng, chữ Vê Vàng chứ có phải ít đâu -- Không nhớ lon Trung sĩ xưa của quân đội ta, theo lon quân đội Pháp, chữ V Vàng hay chữ V Trắng? -- Trong khi đó thì Văn Thiệt, nhân viên Nha Thông Tin Nam Việt, bị nhập ngũ, cùng vào Đệ Nhất Đại Đội Tuyên Truyền với anh, người sau đó là chuyên viên đọc Quân Lệnh của Đài Phát Thanh Quân Đội, chỉ là đơ-dèm-cù bắp: Binh nhì. Nếu anh cứ ở lính đều từ năm ấy, tức là năm 1953, cho đến ngày Tan Hàng 30-4-75, bét nhất anh cũng là Thiếu Tá.

    Nhưng, như anh đã nói, anh không phải được sinh ra đời để làm lính. Anh tự chọn con đường riêng của anh, con đường anh thích. Con đường ấy trong những ngày cuối xuân, đầu mùa hạ 1954, đã đưa anh phiêu dạt đến thành phố Sóc Trăng.

    Không một người đưa tiễn, vào một buổi sáng anh đến Đệ Nhất Quân Khu - năm 1953, Hành Dinh Đệ Nhất Quân Khu ở đường Hùng Vương, Chợ Lớn - lên chiếc xe GMC chở lính và vợ con lính đi xuống Bặc Liêu - Cà Mâu. Vào lúc 11 giờ trưa, sau khi qua hai sông Tiền, sông Hậu, chiếc GMC đến thị xã Cần Thơ, Tây Đô của Nam Kỳ Lục Tỉnh. Chàng Trung sĩ Bắc Kỳ hai mươi tuổi là anh quăng cái sắc ma-rin xuống xe và ở lại Cần Thơ.

    Anh định ở lại thị xã này chơi một đêm, để hưởng cái thú tha hương lữ thứ. Trước đó anh đã từng đến Cần Thơ nhưng những lần đó anh đều sống trong những trại lính. Đây là lần thứ nhất anh sống một mình trong một thành phố hoàn toàn xa lạ. Chỉ việc vào Ô-Ten mở phòng. Rồi đi lang thang ra phố. Thuở ấy ngay cả Sàigòn cũng còn vắng người, nói gì đến Cần Thơ, dù Cần Thơ có được gọi là Tây Đô, là thành phố đông người nhất của Lục tỉnh. Hai mươi tuổi anh chưa biết uống rượu, dù chỉ là rượu bia. Phải nói là anh chưa thích rượu mới đúng. Chỉ uống một ly bia thôi anh đã mặt đỏ, tai tái, nói năng loạng quạng. Lại là thanh niên Bắc Kỳ không quen ăn những món ăn miền Nam, buổi trưa và buổi tối hôm ấy ở Cần Thơ anh chỉ toàn vào những tiệm Tầu ăn mì, hủ tíu. Buồn ơi là buồn. Vừa đi khỏi Sàigòn có nửa ngày, anh đã thấy nhớ Sàigòn ra rít. Không một người quen, anh không còn biết đi đâu, đến đâu. Làm gì cho qua ngày, làm gì cho qua cái đêm lữ thứ cô đơn này.

    Tất cả mọi thứ của Cần Thơ đều kém Sàigòn. Buổi tối anh đi loạng quạng trên con phố chính của Cần Thơ. Anh đi qua rạp xi-nê. Từ Sàigòn xuống Cần Thơ để chui vào rạp xi-nê là việc làm của những kẻ nếu không điên thì cũng khùng. Phim chiếu ở Sàigòn nát ra rồi mới mang đi chiếu ở tỉnh. Cả thị xã Cần Thơ năm ấy chỉ có một rạp xi-nê. Rạp tất nhiên là tồi hơn những rạp tồi của Sàigòn, máy chiếu phim cũ rích, kêu rè rè điếc tai. Anh đi qua rạp hát cải lương đúng vào giờ chiêng trống lèng sèng. Thôi thì vào coi cải lương cho đến 11 giờ đêm về Ô-Ten ngủ một mình, đợi sáng mai xách đồ ra bến xe lên xe lô qua Sóc Trăng.

    Là thanh niên Bắc Kỳ lại nghiền xi-nê, tất nhiên là anh không thích cải lương miền Nam mấy. Nhưng như anh đã nói đêm lữ thứ cô đơn ở Cần Thơ anh lấy vé vào rạp cải lương coi cho qua buổi tối không có việc gì làm. Tên đoàn cải lương tối hôm đó là gì? Anh không nhớ. Không nhớ là vì anh chẳng để ý. Chỉ thấy tấm bảng quảng cáo để trước cửa rạp ghi tên vở hát là "Phấn Trang Lầu". Vở nào cũng được, anh chẳng cần biết. Cứ mua vé vào xem nếu chán quá thì lững thững đi ra.

    Nhưng vở Phấn Trang Lầu quá hay.Tuồng Cải lương theo truyện Tầu. Người đóng vai chính là Kim Hoàng. Thời ấy Kim Hoàng đang là nữ danh ca của Cải Lương Miền Nam. Chị không có danh hiệu "Cải Lương Chi Bảo" chỉ vì mấy anh nhà báo kịch trường thời chị chưa đặt ra cái danh từ ấy. Chẳng nhớ tên anh kép đóng chung với Kim Hoàng, chỉ thấy 90% gánh nặng diễn xuất của vở Phấn Trang Lầu đặt lên vai Kim Hoàng. Cô đào cải lương đang thời trẻ đẹp, hát hay mà diễn cũng thật mùi. Anh mải mê xem cho đến lúc thấy buổi tối đã về khuya, gần đến giờ vãn hát rồi mà sao cái gọi là anh-tri-gơ-- intrigue -- tức là câu chuyện tình ly kỳ của Phấn Trang Lầu, vẫn còn rối tinh rối mù chưa thấy có dấu hiệu gì là sắp giải quyết êm đẹp theo kiểu Happy Ending. Anh bắt đầu nghi. Cho đến khi tấm màn nhung buông xuống, vãn hát, anh mới biết: Vở Phấn Trang Lầu trình diễn hai đêm. Đêm nay là đêm thứ nhất. Đêm mai trình diễn nốt phần hai. Quí vị muốn biết kết cuộc ra sao xin mời tối mai trở lại...

    ° ° °

    Ngày..., tháng..., năm... theo nhau qua, dòng thời gian trôi mãi... Mùa nắng, da thịt em thơi mùi cam, mùa mưa, tóc em ngát mùi trầm hương. Xuân đến, môi em hồng như mầu dưa hấu. Hạ sang, môi em đượm mùi sầu riêng, hơi thở em có mùi soài cát... Những năm 54, 64 rồi 74... Mãi cho đến năm 1982 - 28 năm sau đêm xem Nữ nghệ sĩ Kim Hoàng diễn Phấn Trang Lầu ở Cần Thơ - anh mới có dịp ngồi chung bàn với hai chị Kim Hoàng và Như Mai ở Sàigòn. Cuộc gặp gỡ thật tình cờ. Anh nói với Kim Hoàng:

    - Tôi vẫn định nói với chị chuyện này, lâu lắm rồi mãi cho đến hôm nay mới có dịp. Trong những năm qua tôi có gặp chị mấy lần ở Sàigòn, có lần cùng ăn chung một tiệm ăn với chị ở Vũng Tầu, ở ĐàLạt, nhưng vì tôi không được quen chị nên không tiện nói. Đầu năm 1954, tôi đang ở lính trong Đại Đội Võ Trang Tuyên Truyền của Phòng Năm bộ Tổng Tham Mưu. Vì ba gai vi phạm kỷ luật tôi bị Thiếu Tá Trần Tử Oai đổi đi xuống mãi tận Sóc Trăng. Trên đường đi, tôi ghé lại thị xã Cần Thơ ở chơi một đêm. Tối đến tôi buồn quá nên vào rạp xem cải lương. Đêm ấy chị diễn vở Phấn Trang Lầu. Chị diễn hay quá, cốt truyện lai ly kỳ nữa. Tôi xem mà mê luôn. Mà vở đó lại diễn những hai đêm. Tôi xem đêm đầu. Tuồng hay mà chị diễn hay đến nỗi tôi phải ở lại Cần Thơ một ngày, một đêm nữa chỉ để coi chị diễn nốt đêm thứ hai... Sẽ có ngày tôi viết lại những ngày ở lính của tôi, trong đó có chuyến đi của tôi xuống Sóc Trăng. Tôi sẽ viết chuyện tôi phải ở lại thêm một đêm nữa ở Cần Thơ chỉ để xem chị diễn Phấn Trang Lầu....

    Sự thật chăm phần chăm... Em đa tình, em thông minh - quy luật của loài người là đàn bà càng đa tình chừng nào càng thông minh, càng sắc xảo chừng ấy -Em dư biết lời nào anh nói thật, lời nào anh thêm mắm, thêm muối. Trên đường phiêu bạt từ Sàigòn đầu năm 54 xuống Sóc Trăng, anh đã ở lại Cần Thơ một đêm, rồi ở lại Cần Thơ một đêm nữa, chỉ để xem Nữ nghệ sĩ Kim Hoàng diễn Phấn Trang Lầu, để biết vở tuồng kết thúc ra sao. Nửa ngày thứ nhất của anh ở Cần Thơ năm ấy đã nặng nề rôi, nhưng nửa ngày thứ hai của anh ở Cần Thơ nó còn nặng nề hơn gấp bội. Không có gì bắt buộc anh phải ở lại Cần Thơ thêm một ngày, một đêm, anh tự ý ở lại. Nhưng ngày dài quá. Buổi sáng còn đỡ, đến trưa ngày thứ hai thì anh hết chịu đựng nổi rồi. Nhưng năm ấy số hành khách đi lại thật ít. Muốn từ Cần Thơ sang Sóc Trăng thì buổi sáng trước 7 giờ khách phải đến bến xe. Mỗi ngày chỉ có nhiều lắm là 2 chuyến xe lô chở chừng hai mươi người khách từ Cần Thơ sang Sóc Trăng. Chừng 1 giờ trưa thì xe lô chở khách từ Sóc Trăng trở về Cần Thơ. Ai đi không kịp chuyến xe buổi sáng thì chỉ còn có thể làm được hai việc: ở lại chờ sáng hôm sau hoặc bao nguyên một chiếc xe lô để qua Sóc Trăng một mình. Không phải thiếu xe chạy mà là không có khách.

    Anh ở lại Cần Thơ ngày thứ hai. Đến trưa thì anh muốn bỏ mặc cả Cần Thơ lẫn Kim Hoàng và Phấn Trang Lầu để một mình đi sang Sóc Trăng. Qua nơi xa lạ kia anh cũng cô đơn thôi, nhưng ít nhất qua đấy anh cũng vào sống trong một trại binh, có người nọ người kia, dù chỉ toàn là những người lạ. Nhưng anh chắc rằng anh cũng không đến nỗi quá sức buồn chán như những giờ phút này ở Cần Thơ. Thời gian quả thật là một cái gì hết sức co rãn: khi ta thoải mái, sung sướng hay vui mừng, ta muốn thời gian qua thật chậm nhưng ngược lại những lúc ấy thời gian lại qua thật mau. Khi ta mong cho thời gian qua mau, nó trôi rì rì như những tảng đá. Tới buổi trưa ngày thứ hai ở Cần Thơ, khi anh chịu hết nổi và muốn bỏ sang Sóc Trăng thì không còn được nữa rồi. Vì Cần Thơ không còn chuyến xe lô nào cho khách sang Sóc Trăng nữa.

    Và như thế là anh ở lại Cần Thơ thêm một ngày một đêm nữa để xem Kim Hoàng diễn Phấn Trang Lầu. Nhưng có thật là anh ở lại Cần Thơ thêm một ngày một đêm nặng chình chịch và dài dằng dặc nữa chỉ để xem Kim Hoàng diễn Phấn Trang Lầu mà thôi hay còn vì một nguyên nhân ly kỳ bí ẩn nào khác?? Để anh tính em nghe: trong chuyến đi của anh từ Sàigòn xuống Sóc Trăng đầu năm 1954 có ba tình huống có thể xẩy ra:

    1. Nếu anh cứ ngồi trên chiếc xe GMC để đi thẳng một lèo từ Sàigòn đến Sóc Trăng anh đã không gặp em.

    2. Nếu Phấn Trang Lầu chỉ là vở tuồng Tầu diễn trong một đêm thôi anh đã không ở lại Cần Thơ thêm một ngày, một đêm nữa, sáng hôm sau anh đã xách sac marin lên xe lô sang Sóc Trăng và anh đã không được gặp em.

    3. Vì vở Phấn Trang Lầu diễn tới hai đêm, vì Kim Hoàng diễn xuất hấp dẫn, vì vở tuồng tích gay cấn nên anh ở lại Cần Thơ thêm một ngày, một đêm và vì vậy anh được gặp em.

    Tình cờ, ngẫu nhiên hay có sự định trước??? Một sự định trước mà chúng ta không hề ngờ biết?? Bốn mươi năm sau ngày việc đó xẩy ra trong đời chúng ta, anh vẫn thường suy nghĩ về câu hỏi đó và anh vẫn không tìm được câu trả lời thoả đáng.

    *****


    2. Em còn nhớ không em? Đường từ Cần Thơ sang Sóc Trăng đi qua quận Phụng Hiệp. Qua khỏi quận Phụng Hiệp chừng hai ba cây số thì anh được gặp em.

    Ngồi bên cạnh tài xế trong chiếc xe lô từ xa anh đã nhìn thấy bên đường có mấy chiếc xe đậu lại và một số người đứng lố nhố. Anh tài xế có kinh nghiệm biết ngay có chuyện gì xẩy ra, anh nói:
    - Kẹt rồi. Chắc có xe trúng mìn...

    Vào những năm 53 - 54, chiến tranh Việt Pháp diễn ra dữ dội ở miền Trung và miền Bắc. Vào thời gian cuộc đời dàn xếp cho đôi ta gặp nhau ở Phụng Hiệp, chiến tranh Việt Pháp đang được giải quyết ở mặt trận Điện Biên Phủ. Có những chuyến anh đi suốt từ Sàigòn xuống tận Trà Vinh, tới tận Cà Mâu mà dọc đường không nghe thấy một tiếng súng nổ. Nhưng mỗi sáng quân đội vẫn phải mở đường từ Cần Thơ sang Sóc Trăng và ngược lại. Sau khi mở đường an toàn rồi xe khách mới được chạy. Sáng nay một chiếc thiết vận xa, thường được gọi là xe nồi đồng, bị trúng mìn trên đoạn đường này. Nhưng không có gì đáng gọi là quan trọng cả. Đây không phải là chuyện xẩy ra thường ngày nhưng cũng không phải là chuyện lạ. Nếu có lạ chăng thì cảnh này chỉ lạ đối với những người sống ở Sàigòn lâu lâu mới về tỉnh một lần. Hành khách chỉ phải ngừng ở đây chừng một hai tiếng đồng hồ chờ quân đội dọn đường, rồi xe lại tiếp tục lưu thông.

    Anh theo mọi người ra khỏi xe. Nơi đây có vài căn nhà lá ở bên đường. Có chừng năm, sáu chiếc xe, vừa xe đò, xe tư nhân, bị kẹt ở đây. Lúc này vào khoảng 10 giờ sáng. Trời bắt đầu nắng. Hành khách tản vào ngồi nhờ trong những hiên nhà.

    Đôi ta nhìn nhau. Em bận áo dài mầu hồng, quần sa-teng trắng. Em có đôi mắt to, đen, mái tóc dầy xoã trên vai. Anh bận đồ kaki nên em biết ngay anh là quân nhân, nhưng anh không đeo lon nên em không biết được cấp bậc của anh. Đồ kaki của anh là kaki Mỹ, do anh may lấy chứ không phải là đồ quân đội phát. Trong bộ kaki rất Mỹ ấy, với số tuổi hai mươi của anh, rất nhiều người tưởng anh ít nhất cũng là Chuyẩn Uý. trong số những tưởng như thế có em.

    Chỉ cần nhìn nhau đôi ta đã có cảm tình với nhau. Em cười với anh trước. Rất có thể nếu em không cười với anh trước, nếu em không tỏ tình với anh bằng nụ cười, ánh mắt, nét mặt của em, anh đã không đến gần em và cuộc tình Sóc Trăng Mùa Hạ 54 của đôi ta đã không xẩy ra. Nhưng em cười và anh đã đến với em.

    Em hỏi:
    - Quân đội hả?

    Anh gật đầu:

    - Đi đâu?
    - Sóc Trăng.

    - Em qua Bạc Liêu. Đi một mình à?
    - Ờ....

    Em nghiêng mình nhìn về phía trước:
    - Nghe nói có hai người chết. Mình lên coi đi...
    - Đi thì đi...

    Thấy anh và em đi coi, vài hành khách hiếu kỳ đi theo chúng ta. Chiếc thiết vận xa trúng mình nằm cách đó chừng ba trăm thước. Đôi ta đi bên nhau trên con đường nhựa thẳng tắp do các quan Đại Pháp làm từ trước khi đôi ta ra đời. Con đường không một bóng cây. Chạy dài theo con đường là con kênh đào. Anh có cảm tưởng là người ta đã đào con kênh này để lấy đất đắp lên con đường này. Em đi giầy cao gót trắng, tay em cầm chiếc khăn mùi-soa trắng. Đôi giầy cao gót của em chỉ quen đi dạo trên hè phố Bonard, Catinat - thời ấy Sàigòn chưa có những tên đường Lê Lợi, Tự Do - và trên những sàn gỗ Dancing chứ không phải để đi trên quốc lộ trời nắng như thế này. Chỉ mới đi chừng vài chục thước, em đã vịn vào tay anh.

    Anh không biết em thuộc loại đàn bà nào. Nữ sinh thì không phải rồi. Vì nữ sinh có bạo hay lẳng lơ mấy đi chăng nữa cũng không thể dạn dĩ với thanh niên lạ gặp gỡ giữa đường như em. Em không phải là con nhà địa chủ hay phú thương giầu có ở Lục tỉnh, em hãy còn quá trẻ để có thể là vợ bé, vợ bao của một anh nhà giầu có tuổi ham vui đèo bòng nào đó. Thực ra thì anh cũng chẳng cần tìm hiểu để biết em rõ hơn. Đôi ta chỉ tình cờ gặp nhau giữa đoạn đường xa lạ này, nói với nhau vài câu, trao đổi với nhau vài nụ cười, vài ánh mắt thiện cảm rồi thôi. Lát nữa đây con đường thông suốt trở lại, em lên xe em và anh lên xe anh. Đôi ta sẽ chẳng còn bao giờ gập lại nhau nữa. Tìm hiểu làm chi vô ích.

    Nhưng đôi ta đi bên nhau và em nắm cánh tay anh, đôi ta cũng phải nói với nhau vài câu. Như anh đã tính sổ: tới năm nay, năm 1992, buổi sáng chúng ta gặp nhau trên con đường Cần-Thơ Phụng-Hiệp Sóc-Trăng đã trôi qua được ba mươi tám năm trời. Mái tóc anh từ xanh năm ấy nay đã trắng hết. Mái tóc đen mượt, dầy thơm hương trầm của em năm ấy năm nay chắc cũng đã có nhiều sợi bạc, anh vẫn còn nhớ thật rõ một vài câu em nói với anh nhưng những lời chúng ta nói với nhau trong buổi sáng đầu tiên ấy thì thực tình là anh không nhớ. Sáng nay, nhớ em, nhớ lại thời hoa niên của đôi ta, anh chắc là khi ấy chúng ta đã nói với nhau những câu đại khái:

    - Tên gì?
    - Ê-len..

    - Ở đâu?
    - Sègoòng..

    - Đi Bạc Liêu làm gì?
    - Công chuyện... Anh cũng ở Sègoòng, phải hôn?

    - Sao biết?
    - Coi bộ gió là biết rồi.

    - Ờ. Lính Sègoòng. Bị đổi xuống Sóc Trăng.
    - Thiếu Uý hay là gì..?

    - Không. Sẹc-zăng. Trung sĩ thôi.
    - Có người quen ở Sóc Trăng không?

    - Không.
    - Em là gái Sóc Trăng nè. Chịu không?

    - Sao nói là gái Sègoòng?
    - Ở Sègoòng, quê Sóc Trăng.

    Đến gần nơi xẩy ra vụ nổ mìn khoảng 100 thước đám người hiếu kỳ bị ngăn lại. Dù không bị lính ngăn lại, chẳng ai trong bọn dám đến gần hơn nữa. Chiếc thiết vận xa trúng mìn cháy đen, nằm nghiêng bên đường. Dường như mìn làm nổ bình xăng của xe. Hai xác người cháy đen được đặt nằm vệ đường. Một chiếc xe cần trục nhà binh đang kéo chiếc xe nồi đồng trúng mìn sang một bên đường. Em nhìn rồi em quay lại, đôi mắt em nhắm lại, em muốn gục mặt vào ngực anh.

    Đúng lúc ấy một tràng súng nổ ròn rã. Chẳng biết ai bắn ai nhưng đám người hiếu kỳ bỏ chạy tán loạn. Em nắm tay anh chạy và anh cũng phải chạy theo dù anh biết rằng đó chỉ là do mấy anh lính thấy có đàn bà, con gái đến coi nên cho nổ một băng Thompson vào cánh đồng trống để dọa cho bà con chạy chơi. Mà bà con chạy thật. Có bà quá sợ, chạy té lên, té xuống, có bà vừa chạy vừa cười. Em cũng vừa chạy vừa cười. Khi về tới chỗ đậu xe, đôi má em hồng lên, đôi mắt đa tình của em sáng long lanh. Một bà trạc bốn mươi, bận bà ba trắng, quần sa-teng đen, vừa thở vừa cuốn lại búi tóc, la chói lói:
    - Mấy cha lính mắc dịch. Chẳng có chi cả cũng bắn, làm người ta chạy ná thở..

    Một ông trạc năm mươi, bận đồ sá sẩu, đội nón nỉ đen, ngồi phì phèo tẩu thuốc to gần bằng trái ổi xá lỵ trên thềm nhà đất dáng chừng là đức ông chồng của bà búi tóc này, nhẩn nha nói:
    - Ai biểu đi coi... Ngồi mát không chịu. Cho chạy té đái...

    Nhiều người cười. Em cười. Hàm răng em đều và trắng bóng. Anh thường nghe nói con gái miền Nam đa số hư răng, hổng răng, sún răng, răng giả, răng vàng, vì nước miền Nam có nhiều phèn làm hư răng. Em là con gái miền Nam chính cống bà Lang Trọc, nhưng răng em thật đẹp, thật tốt. Ngoài răng và tóc của em ra, em còn nhiều cái đẹp, cái tốt khác nữa. Em là người thiếu nữ miền Nam đầu tiên anh được yêu trong đời anh. Như đồng bằng sông Cửu Long tươi mát mênh mông, như giòng nước Cửu Long cuồn cuộn chẩy, như những cánh đồng Hậu Giang cò bay thẳng cánh phì nhiêu nhiều lúa gạo, nhiều cây trái, nhiều tôm cá, em đã cho anh tình yêu đôn hậu của em. Em cho hồn nhiên, cho thật tự nhiên. Anh thật không biết anh đã làm gì để được em yêu, để được hưởng tình yêu nồng hậu của em. Tại sao em lại bỗng dưng yêu Ở và cho yêu Ở một thanh niên Bắc kỳ lang thang phiêu bạt tình cờ em gặp giữa đường? Anh thấy tên thanh niên ấy không đẹp trai, chẳng có gì là dễ thương, ngược lại mặt mũi nó khó đăm đăm; nó còn có vẻ khinh khỉnh, khinh người nữa là khác. Nếu đêm hôm trước tên thanh niên Bắc Kỳ rất mực tầm thường ấy không ở lại Cần Thơ để xem đêm diễn thứ hai vở tuồng Phấn Trang Lầu, nếu sáng nay trên con đường Phụng-Hiệp không có trái mìn nổ dưới chiếc xe thiết vận xa mở đường, chiếc xe chở em đã vọt thẳng sang Bạc Liêu, làm sao em còn ở đó để cho tên thanh niên Bắc Kỳ đó được gặp em? Tiền định hay sao?? Tiền nhân, hậu quả hay sao?? Tình cờ mà gặp hay sao ?? Anh thật không sao trả lời được.

    Leng keng... Tiếng chuông cà-rem. Tiếng chuông làm cho em nghĩ đến chuyện uống nước. Em nói:
    - Em khát. Nhưng cà-rem thì ăn không được, chỉ thêm khát...

    Anh cà-rem cục đang lắc chuông. Anh chở cái thùng gỗ sau xe đạp đi bán cà-rem nhưng vì đã có kinh nghiệm biết rằng khách vãng lai bị kẹt giữa đường trưa nắng không ai dại dột ăn cà-rem cục cho thêm khát nước nên anh ta đem theo một giỏ mấy chai nước ngọt và vài cục nước đá.

    - Mua cho em chai nước cam.
    - Cam đỏ hay cam vàng?

    - Đỏ hay vàng gì cũng được.

    Khi anh đem chai nước cam và cái ly đá trở lại, em ngồi nhờ trên thềm một căn nhà cùng với hai người bạn đồng hành của em. Một phụ nữ chừng ba mươi tuổi, trông có vẻ đàn chị, em kia trạc tuổi với em. Cả hai đều bận áo dài và đều là người Sègoòng như em. Em giới thiệu:
    - Luy-xi.. Chị hai của em. Bạn em... Mác-ta.

    Người miền Nam thời trước 1940 có một số đặt tên Tây cho con dù họ không phải là dân Tây, không phải là người Thiên chúa giáo, cũng không phải là quý tộc. Có những anh mũi tẹt, da vàng đánh bẩy ngày không ra một câu tiếng Tây bồi nào mang những cái tên Robert, Paul, Jean, George, những cô ăn toàn giá sống, mắm nêm, bánh xèo..., mang những cái tên đầm Marie, Louise, Agnès...v..v. Đến khi Tây bỏ Đông Dương về nước, những người Việt dân Tây có sự lựa chọn giữa hai việc: bỏ Pháp tịch để trở về Việt tịch, hoặc giữ Pháp tịch để đóng thuế như ngoại kiều. Những năm 1960, xã hội miền Nam xuất hiện những cái tên âm thanh kỳ dị như Nguyễn Phước Giọt, Trần văn Be, Lê văn Măng, Tư Bôn ..v...v... Vào những năm đầu thập niên 50 có nhiều em chơi bời Sègoòng tự đặt cho mình những cái tên đầm rất tự nhiên và thoải mái. Tuy anh không thông minh hay ăn chơi từng trải gì cho lắm nhưng đến khi gặp hai người bạn cùng đi với em, anh cũng đã biết nghề nghiệp của em và anh hiểu tại sao em lại dạn dĩ với anh ngay từ phút đầu như thế.

    Em rủ anh ra mảnh vườn nhỏ sau nhà. Ở đấy có một dàn bầu, hay dàn bí, anh không biết rõ. Anh vốn mù tịt về các thứ cây cỏ, hoa lá vẩn vương. Chỉ biết ở đó rất mát, không khí có mùi lá cây tươi, mùi đất ẩm còn vương sương đêm. Ở dưới dàn bầu có một cái ghế gỗ. Chúng ta ngồi sát cạnh nhau và anh bắt đầu ghi nhận mùi da thịt của em. Rất tự nhiên, em nói:

    - Qua Bạc Liêu chơi với em đi...

    Cũng rất tự nhiên anh trả lời:

    - Cũng được. Qua Bạc Liêu em ở đâu, anh ở đâu?
    - Tụi mình ở Ô-ten.

    Tuy anh nhận lời rồi, em vẫn còn nói:

    - Qua bển chơi vài ngày. Lúc nào anh muốn về thì về..

    Em đã ngỏ ý mời đúng người. Anh bị bắt buộc phải đến Sóc Trăng, không có gì tốt đẹp hay sáng sủa chờ đợi anh ở cái đơn vị xa lạ gọi là Đại Đội Trọng Pháo 102 ấy cả. Anh chỉ thấy ở đó những đen tối và phiền muộn. Càng rời xa ngày tới đó được lâu chừng nào càng tốt. Vừa đi khỏi Saigon được ba ngày, anh còn tới ba, bốn ngàn đồng trong túi. Phòng Ô-ten sang nhất Lục tỉnh chỉ là 100 đồng một ngày, mình anh ăn uống, cà phê thuốc lá 100 đồng nữa là rộng rãi. Anh có thể dzọt sang Bạc Liêu chơi với em vài ngày thoải mái rồi trở lại Sóc Trăng mà tình hình chính trị thế giới cũng chẳng có gì thay đổi.

    "Tình hình chính trị thế giới chẳng có gì thay đổi" là một câu mà những sinh viên Đại Học Chí Hòa bọn anh trong thập niên 80 của thế kỷ này thường nói đùa nhau, nhất là hay nói để trêu mấy anh tự coi mình là quan trọng. Anh thường hỏi bọn tù trẻ, những tên gọi anh là Bố, xưng con với anh: "Mày nghĩ nếu mày bị kêu án 10 năm thì tình hình chính trị thế giới có gì thay đổi không?" hoặc: "Mày có bị kêu án 10 năm thì tin đi, tình hình chính trị thế giới cũng chẳng có gì thay đổi đâu...".

    Nhưng chuyện "tình hình chính trị thế giới thay đổi hay không thay đổi" là chuyện sau này. Còn buổi sáng nắng vàng ấy, khi em ngỏ lời rủ anh sang Bặc Liêu ở Ô-ten với em, anh chẳng nghĩ gì đến tình hình chính chị, chính em chi hết. Anh chỉ muốn có dịp rời xa ngày anh phải đến trình diện ở đơn vị Đại Đội Trọng Pháo 102, nơi anh không muốn đến và cũng là nơi chẳng ai muốn anh đến, kể cả ông Thiếu tá Trưởng Phòng Năm Bộ Tổng Tham Mưu Trần Tử Oai là người ký lệnh đuổi anh đi khỏi Saìgon. Cả loài người dường như đã bỏ rơi anh, quên anh. Nhưng em, người thiếu nữ miền Nam anh tình cờ gặp gỡ giữa quãng đường đời phiêu linh luân lạc cô đơn của anh, em đã mời mọc anh, đã ân cần, đã ngọt ngào với anh. Dù đi sang Bặc Liêu với em mà em có để anh nằm ôm gối ngủ một mình suốt đêm trong căn phòng Ô-ten nào đó anh cũng chấp nhận. Anh chẳng đòi hỏi gì em cả. Anh chẳng có quyền đòi hỏi đặc ân gì ở em. Tất cả những gì anh được hưởng đều là do em tự ý cho anh. Em cho anh mà em chẳng đòi hỏi gì ở anh cả. Tình Yêu cho không mà em. Tình yêu không có giá. Tình yêu vô điều kiện mới thật là Tình Yêu.


    Em đã yêu anh hồn nhiên và tự nhiên như thế. Ngày ấy, đêm ấy, năm ấy, anh chỉ biết hưởng thôi, anh còn trẻ tuổi, anh chưa biết cuộc đời là gì. Anh cũng chưa biết cả yêu thương nữa. Gần bốn mươi năm sau hồi tưởng lại, anh thấy tim anh ấm nóng và hôm nay anh nói lên lời cám ơn em.

    Đoạn đường bị kẹt xe vì mìn rồi cũng được giải tỏa. Xác hai người lính chết được đưa về Sóc Trăng, hay đưa về Bạc Liêu, anh không biết. Anh chỉ biết là cuộc sống lại tiếp tục như những nhà quân tử Tây thường nói: "Et la vie continue.." như chẳng có gì quan trọng xẩy ra cả. Khi những tiếng còi xe pin pin gọi khách vang bên ngoài, khi người ta ơi ới gọi nhau lên xe, em bảo anh:

    - Lấy đồ qua xe em đi...

    Thế là anh bỏ xe lô để xách cái sac marin sang xe em. Em và hai cô bạn đồng nghiệp của em đi trên một chiếc xe nhà, Peugeot 203. Chủ xe cũng là người lái xe, một anh Tầu lục tỉnh trạc bốn mươi, vui tính, hay nói, có duyên, hiểu đời và thạo việc. Vì em thân mật với anh nên Lucie, Marta, anh Tầu chủ xe chấp nhận anh một cách dễ dàng. Và thế là anh lên chiếc Peugeot 203 ngồi với em, để vọt qua thị trấn Sóc Trăng, vọt qua sân bay Sóc Trăng đi thẳng đến Bạc Liêu. Khi xe chạy ngang sân bay Sóc Trăng anh không biết đó là nơi vài ngày nữa anh sẽ phải một mình trở lại, nơi anh phải sống đến mấy tháng trời. Vì Đại Đội Trọng Pháo 102, đơn vị anh phải đến, đóng ở cạnh sân bay ấy.

    Chỉ một nửa ngày, và một đêm sống với em, anh đã biết cái mà em gọi là "công chuyện" của em là công chuyện gì. Ba tiếng ..."và một đêm..." làm cho anh nhớ lại lời nói của nữ nhân vật trong tiểu thuyết "Le Blé en herbe" của nữ văn sĩ Colette. Nàng ba mươi tuổi, yêu và cho một thiếu niên mới lớn yêu. Khi nghe người tình nhân trẻ nói: "J'ai vingt ans.." nàng bảo chàng: "Tu as vingt ans... et une nuit..." "Une nuit này là une nuit d'amour... Nhưng cần gì phải nói rõ, une nuit là đủ rồi. Em không phải là thứ poule de luxe hạng nhất của Saigon, em cũng không phải là loại gái tiếp khách thường trực trong những nhà chơi bời của Saigon. Em thuộc loại đi khách có tuyển lựa. Đàn ông muốn gần em phải mất nhiều tiền, thì giờ, mất công làm quen, mời đi ăn, đi nhẩy rồi mới vô được cái giường của em, không thể nhấp nháy ăn bánh trả tiền là xong. Lucie đưa em và Marta đi "lưu diễn" một vòng Lục tỉnh. Anh Tầu chủ xe là người entremetteur, một thứ trung gian môi giới kiêm tổ chức những đêm ăn chơi cho những anh thương gia có tiền, những anh trưởng ty nọ kia. Nói tóm lại đó là những anh có tiền, có chức vụ tại địa phương, cơm nhà, quà vợ, không tiện thậm thụt ra vô những nhà chơi bời bổn tỉnh mà cũng không tiện về Saigon ăn chơi. Em đã từng đi "mần công chuyện" như thế nhiều lần và ở tỉnh nào em cũng có khách quen. Như cái Ô-ten ở gần chợ Bạc Liêu em đưa anh đến, em biết phòng nào là phòng tiện nghi nhất, phòng nào có những đặc điểm gì, quản lý Ô-ten và những anh chị bồi phòng đều quen thuộc và thân mật với em.

    Đó là chuyện riêng của em. Anh không có quyền phê phán việc em phải làm để sống. Giá trị em cũng không phải vì việc em làm mà giảm đi với anh. Anh còn mong chờ và đòi hỏi gì ở em nữa? Chúng ta đến thị trấn Băỉc Liêu vào lúc 1 giờ trưa, Lucie và Marta ở một phòng, em và anh ở một phòng. Việc làm đầu tiên của chúng ta khi lên phòng là tắm. Những khách sạn trước 1954 thường không được đầy đủ tiện nghi ở ngay trong phòng. Mỗi tầng lầu có một phòng tắm-vệ sinh ở cuối dẫy. Em đi tắm trước. Em để sẵn sà-bông, khăn tắm trong đó cho anh. Khi anh tắm xong, trở vào phòng, em bận bộ đồ mát nằm trên giường, em bảo:

    - Đóng cửa sổ...

    Nhiều khu thật vắng vẻ và tĩnh mịch vào giữa buổi trưa, Bặc Liêu lại càng êm vắng. Trong cái êm vắng của buổi trưa muộn trong căn phòng Ô-ten ở phần gần cực nam của đất nước, của cái mà người thời ấy thường gọi một cách văn hoa là "giải đất hình chữ S", chàng thanh niên Bắc Kỳ ra đời ở một tỉnh nhỏ cách xa nơi đó tới 1500 cây số theo đường chim bay và tới 3500 cây số theo đường đi bộ ven biển, được hưởng tình yêu trên da thịt người thiếu nữ Nam Kỳ phong phú đa tình. Anh nghe tiếng thở của em và anh nghe tiếng giầy cao gót gót ngoài hành lanh và tiếng Marta gọi qua cửa đóng:

    - Ê-len .. Đi ăn côm...

    Em trả lời:

    - Đi trước đi...

    Không chờ đến tiếng thứ hai, Marta đi ngay. Tiếng giầy của Marta nhỏ dần trên thang lầu và vòng tay em xiết trên lưng anh. Tuổi trẻ không cần ăn, tuổi trẻ không cần uống, tuổi trẻ không cần ngủ, tuổi trẻ chỉ cần Tình yêu. Những người trẻ tuổi sống để yêu chứ không phải sống để ăn. Tình Yêu, theo anh, là một đặc ân mà người ta được Trời cho, không phải con người cứ muốn có Tình yêu là có. Con người, nếu muốn có tiền, có thể làm giầu bằng cách cần mẫn, thông minh hoặc gian lận, lường gạt, hoặc hà tiện kiểu ăn mắm mút dòi để dành tiền cất đi. Nhưng con người muốn có tình yêu thì không thể tự mình làm được, Tình Yêu cần có sự đồng ý. đồng tình, tự nguyện và tình nguyện của người ta yêu.

    Hoài niệm cuộc tình của chúng ta ở Bặc Liêu - Sóc Trăng bốn mươi năm trước, anh thấy tim anh ấm lại, anh nhớ lại hình ảnh của em: em mạnh khoẻ, hồng hào, tươi trẻ, em đầy nhựa sống và sức sống. Anh nhớ lại hình ảnh của anh: Anh thanh niên Bắc Kỳ hai mươi tuổi, khờ khạo, bướng bỉnh, không chịu uốn mình theo hoàn cảnh, trong bộ quân phục kaki lang thang đi vào vùng Hậu Giang trời xanh, mây trắng, những dòng sông vừa rộng vừa dài, những cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay. Đôi thanh niên nam nữ là anh và em đó đã sống, đã yêu nhau một thời ở đó rồi đi mất, tiêu tan không một dấu vết. Tất nhiên là đôi ta không phải là cặp tình nhân duy nhất phải chịu cảnh tiêu vong ấy. Trước chúng ta đã có biết bao nhiêu cặp tình nhân đã sống, đã yêu, đã mất đi như thế. Theo sau chúng ta sẽ có cả triệu cặp tình nhân nữa. Họ rồi cũng sẽ như chúng ta. Nhưng đó không phải là điều mà từ đó có thể làm chúng ta không luyến tiếc, không nhớ thương, không ngậm ngùi. Em hãy ngừng đọc anh giây lát, em hãy nằm yên, nhắm mắt lại để nghe anh "đi một đường cảm khái.." Đây là bài thơ anh làm khi anh hoài niệm hoa niên, khi anh nhớ lại thời anh trẻ tuổi, nhớ lại hình ảnh những người đàn bà đã đi qua đời anh. Bài thơ anh làm theo ý bài thơ "Ballade des dames du temps jadis" của Francois Villon. Anh chỉ lấy 4 câu cuối của bài thơ này và anh gọi đó là bài:

    Les neiges d'antan
    Prince, n' enquérez de semaine
    Où elles sont, ni de cet ans,
    Que ce refrain ne vous ramène
    Mais où sont les neiges d'antan?

    Chàng ơi... đừng hỏi tại sao
    Những nàng môi thắm, má đào nay đâu?
    Tại sao khúc nhạc này sầu?
    Sao không thắm lại mái đầu như tơ?
    Chàng ơi.. tuyết trắng ngày xưa
    Tình Yêu, Tuổi Trẻ... bây giờ ở đâu?


    Nhưng rồi anh cũng không thể sống với em ở Bạc Liêu lâu hơn hai ngày hai đêm. Dù ba gai đến mấy, anh trung sĩ trẻ tuổi, độc thân, lương mỗi tháng 2.100 đồng cũng biết rằng kỷ luật quân đội không dung túng những anh lính ba gai, tên nào ở lính mà ba gai thì chỉ tổ vỡ mặt. Anh lại là người không thích nói nặng ai nên anh cũng không thích bị ai nói nặng. Anh một mình lên xe lô trở về Sóc Trăng với lời hứa hẹn của em là nếu có dịp em sẽ đến Đại đội Trọng Pháo 102 ở Sóc Trăng tìm anh.

    Khi chia tay, em hỏi đại đội đóng ở đâu, anh không trả lời em được. Vì lúc ấy anh cũng chưa biết cái đại đội trọng pháo ấy nó đóng ở đâu trong thị xã Sóc Trăng.

    Đại Đội đóng ở cạnh sân bay, nơi anh đã ngồi xe cùng với em đi qua hai ngày trước đó. Sân bay Sóc Trăng cuối 1953 đầu 1954 là một sân bay nhỏ, thuộc loại sân bay nhỏ nhất thời đó trên trái đất này. Sân bay nằm ngay bên đường từ Sóc Trăng sang Bạc Liêu, không có hàng rào chắn, ai muốn ra vô sân bay bất cứ lúc nào cũng được. Nhưng thường dân thời nào cũng vậy, loại thường dân lương thiện, ai loạng quạng đi vô sân bay làm gì. Trên mảnh đất dài theo sân bay và đường lộ, đến mùa dưa chín, dưa được xếp đầy bên lộ chờ xe đến chở đi. Sân bay không có phi cơ đậu thường trực, chỉ thỉnh thoảng chừng nửa tháng, một tháng mới có một chiếc Bà Già từ Cần Thơ bay sang phạch phạch hạ cánh, đậu ở đó chừng hai ba tiếng lại bay đi.

    Chiếc xe lôi đưa anh tới Đại Đội. Lúc ấy vào khoảng 11 giờ trưa. Anh vào trình diện ông Trung Úy Đại Đội Trưởng. Ông tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy đơn vị của ông được tăng cường một anh trung sĩ từ Saigon xuống. Anh còn nhớ tên ông là Nguyễn Long. Ông là người Nam, trạc ba mươi tuổi, mới có vợ chưa cưới. Ông cũng là người tốt và dễ dãi nhưng không ông đơn vị trưởng nào có thể hài lòng hay vui vẻ được với một anh lính ấm ớ hội tề như anh. Ông xem lệnh điều động của anh và hỏi:
    - Anh có biết gì về trọng pháo không?

    Anh trả lời:
    - Thưa Trung Uý không. Tôi là hạ sĩ quan tác động tinh thần.

    Ông tỏ vẻ khó chịu:
    - Ở đây chúng tôi có Trung sĩ tác động tinh thần rồi. Chúng tôi cần người biết bắn súng, anh không biết gì về trọng pháo cả, người ta cho anh xuống đây làm gì?

    Giữa ông Trung Uý và anh có sự trục trặc ngay từ phút ấy. Sự việc xẩy ra tất nhiên là phải như vậy. Anh trả lời tỉnh queo:
    - Thưa Trung Uý... tôi cũng không biết người ta gửi tôi xuống đây làm gì. Tôi bị người ta đổi xuống đây, tôi thật không muốn đến đây chút nào.

    Anh là người bất đắc dĩ phải đến đây, ông Trung Úy Ở anh không biết về sau con đường binh nghiệp của Trung úy Nguyễn Long, Đại Đội Trưởng Đại Đội Trọng Pháo 102 năm 1954 ở Sóc Trăng, tiến đến đâu. Năm nay nếu ông còn sống, ông đã ít nhất là bẩy mươi tuổi. Anh chắc anh còn nhớ ông nhưng ông thì hẳn là ông quên phứt anh từ lâu lắm rồiỞ Ông Trung uý là người bất đắc dĩ phải nhận anh.

    Ông là quân nhân nhà nghề lại chỉ huy đơn vị chiến đấu, tuy ông không để lộ ra rõ rệt nhưng ai cũng biết là ông không ưa những anh lính đánh nhau bằng mồm. Mà cứ theo anh nghĩ thì những "anh lính mồm miệng đỡ chân tay" này không được ai thương cũng là phải. Cả đại đội có một ông Trung úy, một Thiếu úy và ba bốn Trung sĩ. Nay ông bị nhận anh tức là ông bị mất một trung sĩ biết tác chiến mà ông đang cần. Dù đại đội ông có thiếu Trung sĩ tác động tinh thần đi nữa anh cũng không làm được cái chức vụ này. Vì lừng khừng, lởm khởm, ba gai, bậy bạ và thù ghét kỷ luật như anh thì tác động tinh thần cho ai? Thời đó quân đội có 10 Điều Giáo Lệnh, binh sĩ có thể không thuộc hay biết sơ sơ về 10 Điều Giáo lệnh này, nhưng những người làm tác động tinh thần thì phải thuộc lòng, bất cứ lúc nào cũng có thể đọc lên vanh vách. Nhưng cả cái gọi là 10 Điều Giáo lệnh đó anh cũng không thuộc. Bởi vì anh có học chúng bao giờ đâu mà thuộc với lại chẳng không thuộc.

    Tới đây chuyện tình của đôi ta có một chi tiết mà anh muốn viết - rồi lại thôi, và rồi lại viết. Vì anh nghĩ rằng trong những bản hoài niệm loại này tất cả mọi chi tiết đều quan trọng và đều không quan trọng ngang nhau. Đó là chi tiết cả Đại Đội Trọng Pháo 102 ở Sóc Trăng năm 1954 chỉ có ba khẩu súng gọi là "trọng pháo". Quân đội Quốc Gia hồi đó đang ở trong thời kỳ thành lập, tất nhiên là Đại Đội không có cà nông 105 ly, cà nông 75 ly thường được gọi một cách long trọng đầy uy lực là cà nông xoát xăng keng cũng không có. Đại đội có ba khẩu súng mỗi khẩu được đặt gọn trong lòng xe Dodge 4 mỗi khi đi hành quân. Thời đó anh biết tên gọi của loại đại bác này, 10 năm sau ngày anh rời Sóc-Trăng và Đại Đội anh vẫn còn nhớ. Nhưng đến nay đã 40 năm trôi qua, anh quên mất tên gọi của loại súng ấy. Những ông bạn nhà binh của anh ông thì "bỏ súng chạy lấy người" năm 1975, ông thì ho hen kèn cựa đi ra nước ngoài gần hết cả rồi. Anh không có một cố vấn quân sự nào ở gần cả để hỏi về chi tiết này: tên gọi loại trọng pháo không đặt trên bánh xe khi di chuyển ấy là gì? Mới đây anh tình cờ gập một ông bạn Pháo Binh ngày xưa, anh vội vàng đem chi tiết này ra hỏi, nhưng ổng cũng không biết. Ổng bảo đó là súng Mọt-Chê -- mortier -- anh biết chắc và nhớ chắc, đó không phải là Mọt Chê, nó là cà nông đàng hoàng. Súng là một cái ống dài khoảng 2 thước, đặt gọn trong lòng chiếc Dodge 4, khi bắn thì mang xuống đặt lên giá súng. Năm nay chắc chỉ có những ông sĩ quan pháo binh từng ở lính trước năm 1954 mới có thể nhớ được tên loại súng này, những ông ấy bây giờ trẻ lắm cũng phải 70 tuổi.

    Anh trở thành người đội viên vô dụng, vô duyên, vô tích sự nhất trong Đại Đội Trọng Pháo 102. Trung Uý Đại Đội Trưởng, sau vài lần tỏ ra khó chịu với anh, bèn thôi không thèm ngó ngàng gì đến anh nữa. Ông coi như không có anh trên cõi đời ở chung quanh ông. Cũng có thể ông nghĩ rằng anh là một thứ lính kiểng, một anh thuộc loại "con ông, cháu cha" bị bắt buộc phải nhập ngũ, nhẩy vào đầu quân dưới trướng Thiếu Tá Trưởng Phòng Năm Bộ Tổng Tham Mưu Trần Tử Oai và chỉ vì ba gai nên bị Thiếu tá Oai đuổi đi cho biết thân ít lâu rồi lại về. Thời ấy Thiếu Tá Trần Tử Oai rất có uy thế trong quân đội miền Nam. Nếu quả Trung Uý Nguyễn Long nghĩ về anh như thế thì không đúng hẳn, nhưng cũng không sai lắm. Anh không thuộc loại "con ông, cháu cha" nhưng là lính của Thiếu Tá Trần Tử Oai và trong hai năm trời ở lính đầy bất mãn của anh, mỗi lần anh gặp tai hoạ sặc máu mũi, sắp vỡ mặt đến nơi anh đều xin và những gì anh xin đều được Thiếu Tá chấp nhận.

    Những lần Đại Đội đi hành quân, anh đều được bỏ lại nhà để giữ trại. Trong khoảng bốn, năm tháng trời anh sống ở đây, Đại Đội chỉ đi hành quân có hai , ba lần chi đó. Mỗi lần Phân Khu Sóc-Trăng Bặc-Liêu Cà-Mâu mở cuộc hành quân lớn kéo dài vài ngày mới có Đại Đội Trọng Pháo tham gia. Công việc của anh ở Đại Đội chỉ là làm Chef de Poste. Về việc này anh có thể khiêm tốn tự phong anh là một trong những anh Chef de Poste bê bối nhất thế giới. Buổi tối, Xếp phải đứng phát tạc đạn cho lính canh đêm, mỗi anh lính lãnh ba trái tạc đạn. Sáng về Xếp phải kiểm soát những anh lính canh này trả tạc đạn vào kho. Và buổi tối, lúc 7 giờ, dưới ánh đèn vàng vọt của bóng đèn điện quả trứng trước cửa nhà kho, thùng tạc đạn được mang ra, những anh lính lố nhố, láo nháo bốc tạc đạn tự do. Nếu có anh nào bốc thêm một hai trái tạc đạn Xếp cũng hổng biết. Những anh lính thường lấy thêm tạc đạn cất đi đề phòng khi đánh rơi, đánh mất thì lấy nộp, hoặc đem về quê ném cá. Buổi sáng gác về, anh nào muốn trả tạc đạn vào kho hay không Xếp cũng hổng biết. Ngay cả khi thùng tạc đạn ở trong kho được mang ra trong thùng có bao nhiêu trái Xếp cũng chẳng hay. Về những vật bằng kim khí, anh thích đồng hồ, bật lửa, nhưng anh không ưa tạc đạn một ly ông cụ nào. Tạc đạn cũng bằng kim khí, nhưng nó hay nổ bất tử, và nó thường nổ bậy bạ những lúc người ta không ngờ nhất.

    Những đêm Sóc Trăng không có trăng, khoảng hai ba giờ đêm, anh Trung Sĩ Cà Chớn Công Tử Hà Đông lưu lạc xuống miền Hậu giang mưa nắng hai mùa đi trên con đường nhỏ dẫn đến hai đồn canh ở hai đầu phi trường, anh thấy trời đất tối đen, nếu có kẻ nào ngồi ở ngay bên vệ đường cỏ anh cũng không nhìn thấy. Nói cách khác vào những đêm đi kiểm soát bót canh ngoài trại ấy chỉ khi nào người ta đứng dậy đưa mũi dao vào bụng anh hay lên cổ anh, anh mới biết.

    Như vậy là vào mùa Xuân, mùa Hạ năm 1954 anh đã đến sống ở Sóc Trăng, thành phố nhỏ miền Nam mà vào những năm đầu thập niên 1940 anh đã thấy, đã biết trên trang sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Nhưng anh mới đến ở cạnh phi trường Sóc Trăng, một nơi cách trung tâm thị trấn Sóc Trăng khoảng 2 cây số. Ở đây, là Trung sĩ độc thân, anh có một góc buồng trong căn nhà mái tôn, một cái ghế bố, một cái bàn nhỏ. Trên cái bàn nhỏ này ngày ngày anh ngồi viết hai bộ truyện "Đầu Người Trong Hang Máu" và "Xác Ma Giết Người" gửi từng tập một về nhà xuất bản Ban Mai ở đường Vassoigne, bên chợ Tân Định, Sàigòn. Vào thời gian này Sàigòn đang có phong trào tiểu thuyết ra từng tập một, mỗi tập giá 2 đồng, bằng giá một tờ nhật báo. Đây là loại tiểu thuyết vào những năm 1940 đã có ở miền Bắc, thường được gọi là loại "tiểu thuyết 3 xu". Mỗi tập chỉ là một tờ giấy in báo gấp nhỏ lại thành 16 trang. Nhưng một tờ nhật báo phải mất nhiều người, nhiều tin mới thành còn loại tiểu thuyết ra từng tập này chỉ do một người viết, vậy mà giá cũng bán ngang nhau. Đây là thời truyện "Bàn Tay Máu" của tác giả Phi Long, một bút hiệu khác của Ngọc Sơn, người trước đó đã thành công với những truyện tình cảm "Ngày về, Hồng và Cúc, Sau Dẫy Nhà Lầu" đăng phơi-ơ-tông trên nhật báo Tiếng Chuông của ông Đinh Văn Khai. Các nhà xuất bản Sàigòn thời ấy đua nhau xuất bản loại tiểu thuyết từng tập này. Và loại tiểu thuyết này gần như ngự trị trên những sạp báo Sàigòn, đẩy lùi những tờ nhật báo vào một góc nhỏ. Tình trạng này kéo dài mãi đến năm 1955 mới bị Bộ Thông Tin chánh phủ Ngô Đình Diệm ra lệnh chấm dứt, tức là Bộ Thông Tin không cho phép loại tiểu thuyết ba xu được ấn hành nữa.

    Truyện "Bàn Tay Máu" của Phi Long bán chạy nhất. Nghe nói mỗi tập "Bàn Tay Máu" bán tới 8.000 số. Mỗi tập Phi Long được chi nhuận bút tới 4.000 đồng. Và "Bàn Tay Máu" mỗi tuần ra 3 tập. Trong khi đó 2 truyện "Đầu Người Trong Hang Máu" và "Xác Ma Giết Người" của anh hai tuần mới ra được một tập, và mỗi tập anh được chi 300 đồng. So với nhuận bút của Phi Long thì số tiền anh kiếm thật nhỏ nhưng nếu so với thời giá: lương Trung Sĩ độc thân mỗi tháng 2.100 đồng thì mỗi tháng anh kiếm thêm được 4 tập tiểu thuyết, mỗi tập 300 đồng, tính ra là 1.600 đồng. Số tiền đó khá lớn.

    Ông Trung Uý Đại Đội Trưởng chưa có vợ, ông mới có vợ chưa cưới, ông Thiếu Úy Đại Đội Phó -- ông này nguyên là sĩ quan quân đội Hoà Hảo được chuyển sang quân đội quốc gia-- là người có nhiều vợ nhưng ông để các bà này ở quê, không cho bà nào đặc quyền đến sống với ông ở đơn vị; thêm vào đó là hai ba ông Trung Sĩ già và sồn sồn làm việc ở văn phòng. Mấy ông này đều có vợ con cả đống nhưng các ông cũng để vợ con ở nhà. Vì vậy ông Trung Uý Đại Đội Trưởng cho tổ chức nấu cơm để hai sĩ quan và mấy hạ sĩ ăn chung. Anh ngày hai bữa lên cái gọi là "messe" ăn cơm với mấy ổng rồi lặng lẽ rút về cái ghế bố cô đơn của anh.

    Cuộc sống trôi đều như thế trong khoảng một, hai tháng sau khi anh đến Đại Đội Trọng Pháo 102 ở Sóc Trăng. Vào lúc 10 giờ một buổi sáng đầu mùa hạ, anh đang ngồi viết truyện, một chú lính đến cửa nói vào:
    - Trung sĩ... ông ra cổng có người hỏi.

    Anh lơ đãng hỏi:
    - Ai hỏi tôi?

    Chú lính đáp:
    - Bà zợ ông ở Sègoòng xuống kiếm ông...

    Anh tỉnh queo:
    - Tôi đã có vợ đâu mà có vợ đến kiếm?

    Nhưng chú lính nói xong là đi ra ngay. Đây là một chú lính thành phần nông dân miền Nam bị gọi đi lính, một trong những chú binh nhì thuần phác, chân chỉ hạt bột nhất đại đội. Nếu chú đến báo có bất cứ ai đến tìm gặp, tuy chẳng có qua một nửa người nào quen ở trong cả cái phần đất mênh mông gọi là Hậu Giang này, anh cũng đi ra xem người đến là ai ngay. Nhưng vì chú ta báo "Bà zợ ông ở Sègoòng xuống.." nên anh không ra, anh bình thản ngồi đấy như ông Khổng Tử thời ông ở nước Trịnh để học cái gọi là Nhạc Thiều. Vì anh biết chắc là chú ngớ ngẩn này báo lầm. Bà vợ một ông Trung Sĩ nào khác đến tìm chồng. Ông Trung sĩ có bà vợ đến tìm đó nhất định không thể là anh. Điều đó chắc như bắp, chắc như cua gạch, chắc đến nỗi trên đời này không còn cái gì có thể chắc hơn được nữa.

    Vì vậy, sau khi được báo "Bà zợ ông ở Sègoòng xuống kiếm..." anh vẫn ngồi ung dung tự tại như ông Khổng Tử lúc học Nhạc Thiều ba tháng không biết mùi đàn bà - Khi ấy đúng ra là Phu Tử nói: "Ngô tại Trịnh học Thiều, tam nguyệt bất tri nữ nhục vị", câu nói của Phu Tử về sau bị các đệ tử bỏ mất tiếng "nữ" Thời gian qua, chừng năm, bẩy phút sau có một người nữa đến cửa. Lần này người đến là ông Hạ Sĩ già miệng có đến bốn năm cái răng vàng. Ông này hôm nay là Xếp Bốt:

    - Sao cho nó zô biểu ông ra cổng có người kiếm mà ông không ra?
    - Ai kiếm tôi?

    - Bà zợ ông...

    Đến lượt anh ngẩn ngơ:
    - Tôi đã có zợ đâu mà zợ tôi đến kiếm?

    Ông Hạ Sĩ Răng Vàng tỏ vẻ khó chịu:
    - Ai biết. Bả nói bả là zợ ông. Bả chờ lâu rồi ở ngoài cổng...

    Anh vội vàng chạy ra. Cổng trại vắng tanh, chỉ thấy ở đấy có nắng vàng , đất đỏ và dây thép gai. Chú lính gác chỉ tay về phiá xa. Trên con đường đất đỏ chạy dọc bên cạnh phi trường vào cổng trại, bên vệ đường, có một cái cây. Có chiếc xe lôi đậu dưới cái cây ấy. Có hai người đứng dưới bóng cây: chú chạy xe lôi và một người đàn bà. Xe lôi phải đậu xa cổng trại vì lý do an ninh.

    Anh tất tả chạy đến. Người đến tìm anh là em. Người đàn bà nhận là "zợ anh" là em. Em bận bà ba trắng, quần sa-teng trắng. Em đến tìm anh như lời em hẹn khi đôi ta chia tay nhau ở Bặc Liêu. Em đã hẹn và hôm nay em đến. Giản dị chỉ có vậy thôi. Nhưng với anh việc em đến tìm anh là cả một sự lạ kỳ, một tuyệt vời mà anh không hề mơ ước cũng chẳng mong đợi. Đôi má em ửng hồng lên vì nắng. Nỗi mừng rỡ và niềm hạnh phúc đến không ngờ làm cho anh trở thành ngớ ngẩn:
    - Ê-Len.... Em đi đâu?

    Đang bực mình vì anh để em phải chờ đợi lâu - em đã phải hai ba lần nhờ chú chạy xe lôi đi đến cổng trại để nhờ gọi anh. Cổng trại nhà binh không cho xe lôi đậu ngay ở cổng - em lại càng bất mãn vì câu hỏi thuộc loại "đại lý độc quyền ngớ ngẩn" của anh. Em hờn dỗi:
    - Đi tìm anh chứ còn đi đâu nữa...

    Anh ú ớ:

    - Anh không ngờ em đến.
    - Mà người ta có cho anh hay là có em đến kiếm không?

    - Có. Nhưng mà anh tưởng là... ai chứ không phải là anh...
    - Là ai là sao?

    - Là có người nào đến kiếm ai chứ không phải kiếm anh.

    Em ngoay ngoảy định lên xe lôi. Tuy ngu si, ngớ ngẩn, ngây ngô và phàm tục nhất đời nhưng anh vẫn còn đủ thông minh để tỏ ra bất lịch sự thêm năm bẩy thành nữa. Đời nào anh lại thả cho em đi dễ dàng và phi lý đến như thế. Anh nắm tay em lại:

    - Em đi đâu?
    - Đi zìa...

    - Sao lại zià?

    Em không thèm nhìn anh nhưng em cũng không đòi bước lên xe nữa. Đôi ta đứng bên nhau trong bóng mát của cái cây tình yêu trong vài giây. Anh thấy bàn tay em chỉ cầm có mỗi chiếc khăn tay trắng, trong khăn có mấy đồng tiền lẻ. Và anh bắt đầu ngửi thấy mùi da thịt thơm mùi nắng của em.
    - Bây giờ sao??

    Anh lại hỏi câu ngớ ngẩn thứ hai. Em nghiêng mặt nhìn anh:

    - Bây giờ sao cái gì?
    - Em ở đâu? Anh ra... với em được không?

    Khi người ta yêu nhau, nhất là khi người yêu lại là đàn bà đa tình, người ta yêu cả những cái ngớ ngẩn, ngu si của nhau. Câu hỏi "đại lý độc quyền ngớ ngẩn" của anh làm cho em thấy rằng anh ngớ ngẩn thật tình, anh không giả bộ. Ai đời người ta mang đến ấn vào tận miệng mà vẫn còn ú ớ hỏi: "Xài được hôn? Ăn được hôn?" Vẻ hờn giận của em càng làm cho em thêm quyến rũ vì đôi môi hồng của em rung động muốn cười mà em cố nén không để môi em cười:
    - Ở nhà Băng-ga-lô...

    Em trả lời. Chưa chắc ăn, anh vẫn còn hỏi tới:
    - Anh ra với em được không?

    Như không còn chịu nổi cái ngu xuẩn quá mức của anh, em gắt lên:
    - Người ta đã zô tận đây đón ra với người ta... Cứ đứng đó mà hỏi mãi...

    Em gắt, nhưng mà em gắt yêu. Mừng quá, anh quíu lên:
    - Chờ anh chút. Anh thay đồ...

    Vì nghĩ rằng có sự lầm lộn khách khứa chi đó nên anh ra cổng trại trong chiếc áo thung ba lỗ, cái quần kaki, chân đi giép. Anh bỏ em đứng đó để chạy trở về trại, em hỏi với theo:
    - Ra ngay được không?

    Anh vừa chạy vừa trả lời:
    - Ra ngay... ra ngay...

    Các nhà quân tử Tầu nói: "Phúc bất trùng lai..." nhưng đấy là lời nói bi quan của những nhà quân tử Tầu bi quan. Thực ra ở đời cũng có nhiều lúc "phúc lai liên tiếp". Ông Đại Uý Đại Đội Trưởng vừa mới lên xe jeep về Sàigòn sáng hôm qua, ông về Sàigòn với cô vợ chưa cưới sắp cưới của ông. Ổng vừa đi khỏi trại hôm qua thì sáng hôm nay em đến tìm anh. Dù ông có ở nhà thì anh cũng "phú lỉnh" ra với em thôi nhưng không có ông, anh đi khỏi trại thơ thới hân hoan hơn. Ông Thiếu Uý Đại Đội Phó Cựu Sĩ Quan quân đội Hoà Hảo lại càng dễ chịu. Ông này biết thân, biết phận nên chẳng lý gì đến chuyện của ai.

    Và như vậy là chỉ vài phút sau anh đã ngồi bên em trên chiếc xe lôi bon bon chạy trên con đường đất đỏ chan hoà nắng vàng đưa đôi ta từ phi trường Sóc Trăng vắng tanh, phi trường không có qua nửa cái máy bay, đến nhà Băng-ga-lô trong thành phố. Ba mươi tám năm trời sau buổi sáng mùa hạ năm ấy, anh hồi tưởng và anh vẫn còn như thấy rõ hình ảnh em áo bà ba vải phin trắng, quần sa-teng trắng, tay cầm chiếc khăn mù-soa trắng, má hồng lên vì nắng, ngồi bên anh trong lòng chiếc xe lôi chạy êm trên con đường đất đỏ...

    Đến đây anh thấy cần phải nói rõ thêm đôi điều để những người yêu, những người bạn của đôi ta, những người đọc câu chuyện tình này của đôi ta, hiểu rõ hơn về cái gọi là "xe lôi" và "Nhà Băng-Ga Lô", hai vật đặc biệt của miền Hậu Giang và của Sóc Trăng thời đôi ta hai mươi tuổi, thời đôi ta yêu nhau. Trước hết là xe lôi: xe lôi chứ không phải là xe lô. Xe lô là tên gọi giản tiện của cái tên tiếng Pháp voiture de location. Đó là loại xe ô-tô chở khách nhỏ, còn xe lôi là loại xe kéo được cải tiến. Thùng xe để khách ngồi vẫn là cái thùng xe kéo ngày xưa nhưng thùng này được mắc vào chiếc xe đạp ở đằng trước. Người đạp xích lô ngồi đằng sau khách còn người đạp xe lôi nhấp nhổm ở trước mặt khách. Vào những năm 50, Sàigòn chỉ có xích lô đạp và xích lô máy nhưng ở khắp các tỉnh miền Nam người ta vẫn dùng xe lôi. Vì bên Pháp không có xe kéo nên những ông Tây thực dân dịch đại cái tên xe kéo của ta là pousse-pousse, nhưng cái tên này không đúng. Pousse-pousse là xe đẩy chứ không phải là xe kéo. Trên giải đất hình chữ S này, từ ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mau, chỉ có Nam Kỳ Lục Tỉnh là có xe lôi. Và xe lôi cũng chỉ có ở Nam Kỳ Lục Tỉnh sau năm 1945. Mai sau nếu có nhà đạo diễn điện ảnh nào làm một bộ phim cốt truyện xảy ra ở lục tỉnh vào những năm 1950, nếu nhà đạo diễn để cho cặp tình nhân, như em và anh, ngồi bên nhau trên một chiếc xe lôi thì nhà đạo diễn đó là một đạo diễn tốt. Còn nếu nhà đạo diễn dàn dựng một cảnh xẩy ra vào những năm đầu 1950 ở lục tỉnh mà cho vào cảnh chiếc xích lô đạp thì nhà đạo diễn đó là một đạo diễn tồi.

    Nhưng mai sau biết có bao giờ?? Những người đến sau chúng ta có cần gì biết rằng đời chúng ta, trong thời chúng ta yêu nhau, ở Nam Kỳ Lục Tỉnh nói chung và ở tỉnh Sóc Trăng nói riêng, có một loại xe chở khách gọi là xe lôi? Song những người đến sau chúng ta cũng chẳng có gì đáng trách, bởi vì chúng ta nào có biết gì đến những kiệu, cáng, võng ông bà chúng ta ngày xưa đã đi.

    Thứ hai là nhà Băng-ga-lô. Anh không nhớ ở những tỉnh khác của miền Nam có nhà Băng-ga-lô hay không, chỉ nhớ chắc rằng Sóc Trăng có nhà Băng-ga-lô. Đây là khách sạn, một thứ ô-ten nhưng riêng Sóc Trăng lại gọi là nhà Băng-ga-lô. Du khách tới bến xe chỉ cần nói với chú xe lôi: "Cho về Băng-ga-lô..." là tới nơi bình yên. Nguyên chữ của nó là Bungalow. Tự điển Pháp-Việt của Đào Duy Anh dịch Bungalow là "Nhà quan cư", những tự điển Anh Việt chỉ dịch là "nhà gỗ một từng"; "nhà quan cư" và "nhà gỗ một từng" đều không diễn tả đúng nhà Băng-ga-lô của Sóc Trăng năm 1954, nơi anh đã được sống những ngày đêm chan chứa tình yêu với em khi anh còn trẻ.

    Tự điển Webster ghi: Bungalow: Thatched-house, Lit. Belonging to Bengal. I- In India, a low, one storied house, usually with a wide, sweeping porch or veranda. II- a small house or cottage, usually of one story or one and a half stories.

    Lời giải nghĩa của tự điển Webster cũng không đúng với nhà Băng-ga-lô của đôi ta ở Sóc Trăng mùa hạ 1954. Việc tra cứu tự điển Webster chỉ làm cho anh biết nguyên xứ của nhà Băng-ga-lô. Quốc gia mà những người Anh, người Pháp thực dân một hai trăm năm trước gọi là Bengal tên thật là Bungladesh. Người Anh tới Bungladesh và lấy kiểu nhà của nước này đem đi xây dựng ở những thuộc địa khác và gọi nó là nhà Bungalow. Sự kiện này chứng tỏ rằng vào cuối thế kỷ 19 ở Nam Kỳ Lục Tỉnh có những người Anh, người Ấn khai thác ngành khách sạn. Họ xây khách sạn nhưng không gọi là ô-ten mà gọi là Băng-ga-lô.

    Nhà Băng-ga-lô Sóc Trăng, nơi em đưa anh đến, là một trong những toà nhà lớn nhất Sóc Trăng mùa Hạ 1954. Băng-ga-lô có một tầng lầu, có vườn bao quanh. Tầng dưới là phòng tiếp tân, phòng ăn chung có thể tổ chức tiệc cưới, nhẩy đầm. Tầng lầu có 8 phòng. Khi em đưa anh đến đó Băng-ga-lô mới xây thêm 8 căn phòng nữa ở khu vườn sau. Những căn phòng mới xây này nhỏ hơn và tiền mướn thấp hơn những căn phòng lớn trong tòa nhà chính. Em đưa anh vào một trong những căn phòng Băng-ga-lô nhỏ đó.

    Bây giờ em ở đâu?? Anh nhớ rõ một số những hình ảnh thời đôi ta hai mươi tuổi và em yêu anh ở Sóc Trăng, anh không biết em có còn nhớ hay không? Nếu tình cờ một nàng kiều nữ đa tình sáu mươi cái xuân xanh là em ở phương trời nào đó trên trái đất này tình cờ đọc được những dòng này, có thể em sẽ thắc mắc, em sẽ nghi ngờ, em sẽ tự hỏi: "Sao cái nàng Hélène trong cái truyện lẩm cẩm của anh già vất vả này coi bộ giống.... mình quá dzậy ta? Hay là mình đây?? Để nhớ lại coi... Ờ... Ờ... Cái hồi năm ba, năm tư chi đó mình có đi tiếu ngạo giang hồ mấy vòng Cần Thơ - Sóc Trăng - Bặc Liêu... Dường như mình có gặp một anh Trung sĩ cà chớn giống giống như lời tả trong truyện này... Đúng rồi... Anh chàng Bắc Kỳ, ngây ngô ngớ ngẩn nhưng dễ thương.... Không xạo ke như những anh chàng Bắc Kỳ khác.... Mình có cho héng ở với mình mấy đêm ở nhà Băng-ga-lô Sóc Trăng... Nhưng mà chuyện xưa quá rồi.... Mình quên lâu rồi.... Mình chẳng nhớ gì cả sao mà anh chàng nhớ kỹ quá dzậy??

    Nhớ. Anh nhớ những gì tốt đẹp anh được hưởng ở cuộc đời này, anh nhớ những người đối xử tốt với anh, những người anh mang ơn. Vào những tháng cuối năm 1975, trong nỗi buồn sầu anh làm bài thơ "Căn Nhà Không Có Mùa Xuân" trong có những câu:

    Ngày xưa xa lắm tôi còn trẻ
    Chưa biết đau thương, biết nợ nần...
    Đời chỉ có hoa và mật ngọt
    Da thịt thơm mùi phấn ái ân...
    .....
    Năm nay mái tóc không xanh nữa
    Tôi đã đau thương, đã nợ nần...


    Ba mươi tám năm trước, ngày anh được gặp em ở Sóc Trăng, anh còn trẻ, anh mới hai mươi tuổi, anh chưa biết đau thương, chưa biết nợ nần. Nhưng đến những năm năm mươi, sáu mươi tuổi, thằng đàn ông phải biết thế nào là yêu thương, đau thương, thế nào là nợ nần. Thằng nào không biết là thằng vô ơn, thằng bất nghĩa. Cuộc đời có tuổi trẻ, tình yêu, hoa và mật ngọt. Cuộc đời còn nhiều cái khác nữa nhưng nếu ta tưởng nhớ thì ta tưởng nhớ tuổi trẻ, ta quý trọng tình yêu, ta trìu mến hoa thơm, ta hưởng lại dư vị của mật ngọt còn đậm trong ký ức ta, trong tiềm thức ta, trong máu huyết ta. Ta mặc mẹ những cái khác. Như vậy chẳng phải là ta sung sướng hơn ư?? Như anh đã viết: kẻ đau khổ, kẻ bất hạnh ở cõi đời này là kẻ chỉ thấy ở cuộc đời toàn những cay đắng, những phản bội, những oán hận, những ân hận. Còn anh, anh sung sướng khi anh hoài niệm thời thơ ấu và thời hoa niên của anh..

    Buổi trưa ấy khi cánh cửa phòng Băng-ga-lô số 14 đóng lại. Em nhớ không em? Anh nhớ cả số phòng Băng-ga-lô Sóc Trăng mùa hạ 1954 của chúng ta là số 14 - cả trái đất lúc ấy chỉ có Em và Anh.

    Tình yêu.... Tình yêu chân chính, Tình Yêu viết hoa, không cần đến lời nói. Những vần thơ tình tứ, thơ mộng của những ông thi sĩ chỉ là những lời ca tụng Tình yêu chứ không phải là Tình yêu. Da thịt em thơm mùi nắng hạ. Thích Ca nói rằng tất cả những chất từ xác thịt con người tiết ra đều dơ bẩn: nước miếng, nước tiểu, mồ hôi...v..v.. Tóm lại theo Thích Ca thì tất cả những gì từ cơ thể con người tiết ra đều dơ bẩn và hôi hám. Da thịt con người, theo Thích Ca, là thứ hôi hám và dễ hôi thối nhất. Tất nhiên là con người không dại gì mà say mê những thứ mùi hôi hám, xong cũng phải nói rằng da thịt con người, nhất là những người trẻ trung, tràn đầy nhựa sống, rạo rực tình yêu.... cũng có nhiều lúc thơm ơi là thơm, thơm phưng phức, thơm hơn múi mít. Con người say sưa hít thở cái mùi da thịt thơm tho này, coi như đó là một thứ hương vị quí báu nhất trần đời. Con người giết nhau, phạm đủ mọi thứ tội ác cũng chính là vì cái mùi hương này. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân làm cho Thích Ca thành đạo, được giải thoát phiêu diêu tự tại trong khi chúng sinh u mê thì cứ kiếp này kiếp khác nổi trôi, chìm đắm mãi trong vòng sinh tử luân hồi.

    Buổi trưa Sóc Trăng Mùa Xuân 54 ấy anh đã say sưa ngây ngất với mùi da thịt thơm mùi nắng của em, da thịt em vừa phơi nắng gió thênh thang trong mấy tiếng đồng hồ em ngồi xe lôi đi tìm anh. Quân tử Tầu còn nói một câu chí lý tuyệt cú mèo nữa là "Tân thú bất như viễn qui...", diễn nôm là "Vợ chồng mới không bằng đi xa về..." Quả đúng như dzậy. Những lần đầu không nồng nàn thắm đựơm bằng những lần sau khi đã quen hơi nhau, tức là khi đã quen mùi da thịt của nhau. Anh vừa xa em ba mươi ngày... Em vừa đi xa về còn anh thì cũng như người đi xa về.... Như anh vừa mới viết và giờ đây anh viết lại: Tình yêu không cần lời nói. Chúng ta yêu nhau và chúng ta yêu nhau. Chỉ sau đó chúng ta mới nói:

    - Nhớ em không?
    - Nhớ...

    - Dzóc...
    - Sao lại dzóc? Nhớ thật mà...

    - Nhớ!.. Sao lúc em đến để em chờ lâu quá?... Em đã định bỏ về.
    - Tại vì anh không nghĩ là... em tới.

    - Em có hẹn em tới tìm anh mà...?
    - Anh tưởng em chỉ hẹn dzậy cho dzui...

    - Bất nhơn.
    - Làm gì mà bảo người ta bất nhơn?

    - Em biết anh dzô tình lắm. Chỉ có em nhớ anh thôi, anh hổng có nhớ em....
    - Nhớ thiệt mà. Tại dzì chú lính dzô nói là có dzợ anh đến tìm. Anh chưa có dzợ nên làm gì có dzợ anh đến tìm anh? Anh không ra. Không ngờ là em....

    - Không chịu hả?
    - Không chịu cái gì?

    - Không chịu cho người ta nhận là dzợ phải hôn?
    - Chịu quá chứ sao lại hổng chịu...

    - Thích không? Em đến tìm anh.... Anh dzui hông?
    - Thích lắm...

    - Em nhớ anh...
    - Anh nhớ em...

    Trước khi gặp em anh từng đọc được trong sách báo, từng nhìn thấy trên tranh ảnh, nhiều trò mà những người yêu nhau chân chính vẫn làm với nhau, làm cho nhau khi họ yêu nhau. Nhưng sự hiểu biết ấy của anh chỉ mới hoàn toàn trên lý thuyết, trên sách vở, anh chưa từng đích thân làm những trò ấy lần nào. Em là người đưa anh vào con đường khoa học Tình Yêu, em là cô giáo, là bà thầy, là sư mẫụ của anh. Hai mươi tuổi, anh ngây ngô, khờ khạo như chú con trai mười ba tuổi. Hai mươi tuổi, em khôn khéo và em có bản lãnh như người đàn bà đa tình, thông minh bốn mươi cái xuân. Ba ngày, ba đêm em cho anh sống với em ở phòng Băng-ga-lô 14 Sóc Trăng là tuần trăng mật của anh. Ngay cả trong hai đêm đầu tiên anh được sống với em ở Bặc Liêu em cũng chưa yêu anh hết mình. Dù sao thì đó cũng là những lần đầu, những đêm đầu, em vẫn còn đôi chút giữ gìn. Đến những đêm này thì em xả láng...

    Anh chỉ được sống ba ngày, ba đêm thần tiên với em trong nhà Băng-ga-lô thành phố Sóc Trăng, thành phố hơn mười năm trước anh đã thấy nói đến trên trang sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, thời anh đang học tiểu học trong trường tư thục Tự Đức ở tỉnh lỵ Hà Đông xa vời ở tận đầu bên kia đất nước. Như anh đã nói, em đến Đại Đội Trọng Pháo 102 tìm anh đúng vào lúc ông Trung Úy Đại Đội Trưởng của anh về Sàigòn. Suốt ba ngày, ba đêm ấy không ai thấy mặt anh ở Đại Đội, nhưng không có gì quan trọng, ông Thiếu Úy Đại Đội Phó xuề xoà dễ tính, chỉ cần anh nói nhỏ với ông một câu và một hai chầu nhậu la ve, tôm khô, củ kiệu. Khi đến phiên anh, một ông Trung sĩ khác thay anh làm Chef de Poste. Chiến tranh Pháp - Việt đang được giải quyết ở miền Bắc nước ta, đang diễn ra quyết liệt ở Điện Biên Phủ. Những miền khác, nhất là chiến tranh ở miền Nam, chờ đợi kết quả những gì đang xảy ra ở chiến trường miền Bắc. Chỉ ba ngày, ba đêm thôi, nhưng từng ấy thời gian cũng đủ để cho anh nhớ em, nhớ Sóc Trăng, nhớ Đại Đội Trọng Pháo 102, nhờ nhà Băng-ga-lô.... cho đến bây giờ.


    (còn tiếp)

  • #2
    3. Một buổi chiều em đưa anh về thăm làng quê của em.Chúng ta đi bằng xe lôi. Anh lại được ngồi bên em trên chiếc xe lôi chạy êm trên con đường vắng đưa đôi ta ra ngoài thị trấn. Làng quê của em ở ngay gần tỉnh. Xe lôi chạy chừng nửa tiếng là đến nơi. Xe dừng bên cây cầu nhỏ bắc ngang con kinh. Em giữ xe lại để trở về. Ở đó có một quán nước. Em đưa anh vào quán ngồi. Lúc ấy khoảng 4 giờ chiều, nắng vàng chan hòa trên đồng ruộng, trên dòng kênh quanh đôi ta.

    Em và anh ngồi trong quán thật lâu. Anh tưởng em chỉ vào quán nghỉ rồi sẽ tiếp tục đi, nhưng khi thấy em ngồi lặng mãi, anh hỏi:
    - Quê em đâu?

    Em chỉ tay về thôn xóm nhỏ bên kia bờ kinh:

    - Quê em đó.
    - Sao em không về thăm nhà?

    Em lắc đầu. Em có vẻ buồn, anh hỏi:
    - Sao thế?

    Em lặng yên, một lúc sau em mói nói:
    - Em chẳng còn người thân nào ở làng. Em nhớ thì về nhìn lại thôi..

    Em nhớ những ngày thơ ấu của em trong thôn xóm ven dòng kênh ấy nên mỗi lần ghé Sóc Trăng em thường về thăm quê, nhưng em chỉ về đến quán nước này thôi, em không đi qua con kênh để vào trong làng. Rồi em kể chuyện xưa, những ngày em mới bẩy, tám tuổi. Ông thân em là thầy giáo, ông bị lính Pháp bắn chết trong một trận hành quân càn quét năm 1946. Em theo mẹ em về sống ở Sàigòn..

    Em cười buồn:
    - Đã mấy lần em về đây một mình. Lần này em về có anh.

    Chiều xuống. Nắng tắt dần. Đàn dơi từ một ngôi chùa Miên bay ra đầy trời. Chưa bao giờ anh thấy nhiều dơi đến như chiều hôm ấy.

    Ba ngày sau chúng ta chia tay nhau lần thứ hai. Chị Lucie và Marta từ Bặc Liêu qua, ghé vào nhà Băng-ga-lô đón em cùng về Cần Thơ. Lúc đó khoảng chín giờ sáng. Chiếc xe Peugeot vào sân, bóp còi tin tin gọi em, em vẫn chưa chịu xách va-li ra xe.

    Marta chạy vào đập cửa phòng:
    -- Ra đi đi, Ê-len!

    Em thở dài, chúng ta ôm hôn nhau lần cuối rồi em đi ra khỏi phòng. Anh ra đứng ở cửa phòng nhìn ra sân. Đứng bên chiếc xe mở sẵn cửa, em quay lại nhìn anh và em chạy trở lại, em hôn anh và em nói:

    - Đừng quên em! Đừng quên em!

    ° ° °

    Anh sống những ngày tẻ ngắt trong trại quân bên cạnh sân bay Sóc trăng. Một hôm ra chợ đi chơi loanh quanh, anh vào Phòng Năm Quân Khu làm quen được với Thiếu Úy Nguyễn Liễn, Trưởng Phòng Năm. Anh tự giới thiệu anh từng làm phóng viên nhà báo ở Sàigòn, bị động viên vào Phòng Năm Bộ Tổng Tham Mưu, lính của Thiếu Tá Trần Tử Oai, vì ba gai nên bị đổi xuống đây, anh viết được những bài tuyên truyền, phụ trách được một tờ tin tức in bằng ronéo ...v...v..., anh muốn được ra Phòng Năm làm việc hợp với khả năng... v...v.... Thiếu úy Liễn đang cần có người viết được như anh giúp việc nên ông sốt sắng nói ông sẽ xin Trung tá Dương văn Đức cho thuyên chuyển anh từ Đại Đội Trọng Pháo ra làm việc ở Phòng Năm.

    Thiếu úy Liễn -- về sau thân nhau anh gọi ông là anh -- nguyên là cán bộ Việt Minh bỏ sang quân đội Quốc Gia. Không phải đến những năm 1960, 1961 chính quyền ta mới có công tác chiêu hồi và hồi chánh. Việc kêu gọi và tiếp nhận những người rời bỏ hàng ngũ Việt Minh đã có từ những năm 1950; đến những năm 60 nó mới trở thành quốc sách. Trong những năm đầu thập niên 1950 một trong những người Việt Minh sang hàng ngũ quân đội Quốc Gia và được tiếp nhận nồng hậu là ông Trần đình Vọng; năm 1952 ông Vọng mang lon Đại úy, năm 1965 ông Vọng là Đại tá; có thời ông làm Tỉnh trưởng Bình Định. Nhưng thời nào cũng vậy những người rời bỏ hàng ngũ của mình để sang hàng ngũ đối phương thường không được tôn trọng -- hàng thần lơ láo -- Thiếu úy Liễn có thể được Trung tá Dương văn Đức nâng đỡ nhưng không được các sĩ quan khác chấp nhận. Các sĩ quan ta đều có bằng Tú tài, đều phải qua Trường Võ Bị Đàlạt, Thủ Đức, ra trường phải ở cấp bậc chuẩn úy cả năm trời mới được lên Thiếu úy, tự nhiên là các ông không ưa những anh Việt Minh -- thời này chỉ mới có Việt Minh, chưa có cái tên Việt Cộng -- những anh đa số thuộc loại răng đen, mã tấu, ít học, ấm ớ hội tề, chẳng có công cán chi cả nhưng nhẩy vào quân đội là được mang lon Thiếu úy ngay. Người sĩ quan không ưa Thiếu úy Liễn nhất lại là Đại úy Long, Đại Đội Trưởng Đại Đội Trọng Pháp 102. Vì vậy, khi Thiếu Úy Liễn đã xin và được Trung Tá Dương văn Đức, Chỉ Huy Trưởng Phân Khu Sóc Trăng-Bặc Liêu, hứa sẽ nói với Đại úy Long trước rồi làm giấy cho tên Trung sĩ Bắc Kỳ lưu vong ra làm việc ở Phòng Năm, thay vì để Trung Tá Đức nói với Đại úy Long, Thiếu úy Liễn gặp Đại úy Long trong một buổi họp, tưởng bở đem chuyện đó ra nói với Đại úy Long. Đại úy Long bèn Tácdzăng nổi giận, cự tuyệt thẳng thừng. Ông nói đại đội ông đang thiếu quân số, ông không cho người trong Đại Đội đặc phái đi đâu hết. Chuyện anh Trung Sĩ Bắc Kỳ được rời Đại Đội Trọng Pháo ra làm việc ở Phòng Năm đầy hứa hẹn tiêu tan nhanh hơn bọt xà-bông..

    Sống trong doanh trại Đai Đội Trọng Pháo chừng ba, bốn tháng, nhớ Sàigòn quá không sao chịu nổi, lại thất vọng về chuyện không được ra Phòng Năm, ở lại Đại Đội thì ông Đại Úy Long càng ghét anh hơn, vì ông biết anh đến Phòng Năm chạy chọt để được ra khỏi Đại Đội, anh tính đến chuyện phải về Sàìgòn xin Thiếu Tá Trần Tử Oai cứu mạng.

    Anh xin Đại úy Long cho anh về phép Sàigòn. Ông nói:
    - Bao nhiêu người cả năm rồi không được về phép, anh mới đến có mấy tháng, tôi không thể nào cho anh về phép được.

    Anh viết thư về Sàigòn cho anh bạn, bảo bạn anh ra Bưu Điện gửi tê-lêgram xuống cho anh ngay khi nhận được thư anh, mấy ngày sau anh nhận được điện tín:
    - Mẹ đau nặng. Về gấp.

    Anh cầm điện tín lên văn phòng trình Đại úy Long. Ông cho anh năm ngày phép về Sàigòn.

    Xe đò Thiên Tân đưa anh về đến Cầu Bến Lức lúc bốn, năm giờ chiều. Mấy ống khói nhà máy rượu Bình Tây nhô lên nơi chân trời làm anh bồi hồi. Mới đi xa Sàigòn có mấy tháng mà trở về nhìn thấy cái xích lô máy anh đã thấy lạ.

    Ngay sau ngày anh đii khỏi Đại Đội, Thiếu tá Trần Tử Oai được thăng lên Trung Tá, mang quân hàm Đại Tá nhiệm chức, lên làm Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung kiêm Tư Lệnh Phòng Năm Bộ Tổng Tham Mưu. Anh chơi thân với Hồ văn Antoine trong Đại Đội Võ Trang Tuyên Truyền. Antoine là người đạo Thiên Chúa, Antoine là tên thánh, Antoine cũng nhập ngũ với lon Trung sĩ đồng hóa như anh. Nay Antoine là thư ký riêng của Đại tá Trần Tử Oai.

    Chủ nhật anh đến nhà Antoine ở Ngã Tư Bình Hòa, tả oán đến nơi đến chốn:
    - Cứu tao. Chịu không nổi. Chắc chết. Cho tao gặp Đại tá. Tao xin ông ấy cho tao trở về Sàìgòn....

    Antoine trách nhẹ tôi mấy câu:
    - Tao đã nói mày nhiều lần. Ở lính ba gai chỉ khổ thân thôi. Trong đại đội đâu có mấy thằng được may mắn bằng mày. Đại tá cũng thương mày. Mày tự làm mày khổ thôi.

    Rồi Antoine nói:
    - Được rồi, sáng thứ hai 6 giờ đến đây, tao đưa lên Quang Trung. Tao chỉ hứa tao sẽ trình Đại tá có mày xin gập, ổng có cho mày gặp hay không là hên xui của mày.

    Trung sĩ Hồ văn Antoine nay đeo lon Thượng sĩ, có súng Colt 45 như sĩ quan, có xe Jeep đưa đón. Anh ngồi xe Jeep do Antoine lái lên Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Vào lúc 11 giờ trưa anh được vào đứng trước bàn giấy của Đại tá Trần Tử Oai.

    Anh xin lỗi Đại tá, anh nói anh là lính tuyên truyền, không qua huấn luyện quân sự, nay cho anh vào đơn vị tác chiến là anh cầm chắc cái chết, xin Đại tá cho trở về Bộ Tổng Tham Mưu.. Ông nói;

    - Được. Cứ trở xuống đi, tôi sẽ biểu làm giấy cho về.
    - Xin cám ơn Đại tá... Thưa Đại Tá..Trong khi chờ đợi được trở về xin Đại tá cho tôi ra làm việc ở Phòng Năm Phân Khu Sóc Trăng.

    Ông gật đầu:
    - Được. Tôi biểu làm giấy cho tạm thời ra Phòng Năm ngay.

    Trong suốt thời gian hai năm ở lính có hai lần anh phạm kỷ luật, hai lần anh xin Đại tá Trần Tử Oai tha và cả hai lần ông đều tha anh. Đúng ra Đại Tá Trần Tử Oai không có quyền làm cái việc ông làm cho anh nhưng thời ấy tổ chức của quân đội ta chưa được chặt chẽ, Đại Tá Trần Tử Oai lại có uy thế trong quân đội nên dù ông có làm sai nguyên tắc cũng chẳng có sĩ quan nào công khai chống đối lệnh ông. Khi đã xin được ông hứa cho trở về Bộ Tổng Tham Mưu, lại cho ra làm việc ở Phòng Năm Phân Khu trong khi chờ lệnh thuyên chuyển, anh còn xin thêm:
    - Xin Đại tá cho tôi một bản văn thư cho tôi ra Phòng Năm tôi cầm tay đem về đơn vị.

    Ly kỳ nhất là anh xin cho anh "cái văn thư để anh cầm tay đem về đơn vị" -- văn thư chính thức đi theo đường hệ thống quân giai -- Đại Tá cũng cho.

    Ông gọi Antoine vào, ra lệnh làm giấy cho anh như anh xin. Khi ra khỏi phòng Đại Tá, Antoine nói;
    - Mày hay thiệt. Mày xin cái gì Đại Tá cũng cho. Xuống căng-tin ngồi uống gì đi, chờ tao 12 giờ tao với mày ăn cơm. Tao làm giấy đưa ổng ký ngay cho. Rồi... Sẽ làm cho mày một bản. Ăn cơm xong có xe về Sàìgòn tao gửi cho mày về trước.

    Văn thư chỉ là tờ giấy pelure có mấy hàng chữ đánh máy, đựng trong bì thư quân đội vàng rẻ tiền, nhưng nó vô cùng quan trọng với anh Trung Sĩ Bắc Kỳ vì nó có chữ ký và con dấu của ông Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung kiêm Trưởng Phòng Năm Bộ Tổng Tham Mưu. Có bí kíp trong tay anh ở lại Sàigòn đến hai mươi ngày mới trở xuống Sóc Trăng.

    Anh để văn thư của Đại Tá Trần Tử Oai lên bàn giấy ông Đại Úy Long. Ông mở xem. Mặt ông lạnh như tiền nhưng ông chẳng dại gì mà chống lại Đại Tá Trần Tử Oai, ông chán anh quá rồi, ông cho anh đi cho đỡ ngứa mắt. Trước khi cho anh ra khỏi Đại Đội ông phạt anh năm ngày trọng cấm về tội đi quá ngày được phép.

    ° ° °

    Thoát ra khỏi Đại Đội Trọng Pháo để được vào làm việc và ở luôn trong Phòng Năm Quân Khu, đời sống của anh ở Sóc Trăng nhẹ nhàng, thoải mái rất nhiều. Được làm việc hợp với sở trường và sở thích, anh trở lại với giấy bút, với chữ nghĩa, tạm xa được tạc đạn và những bót canh ngày nào hay ngày ấy. Trụ sở Phòng Năm là một tòa nhà lầu, tầng dưới là văn phòng, trên lầu là nơi gia đình Thiếu úy Liễn cư ngụ, trong cái sân rộng đằng sau có vài gian nhà trệt dành cho những gia đình nhân viên. Anh cùng sống với gia đình anh Liễn, ăn cơm chung, ngủ trong một phòng nhỏ trên lầu. Anh Liễn có một cô em gái, chị Liễn có một cô gái em. Quần áo của anh được hai cô em giặt ủi. Tuy ngày ngày anh vẫn bận quân phục nhưng đời sống thật sự chẳng khác đời sống xi-vin là mấy.

    Bây giờ hồi tưởng lại, anh thấy gia đình anh chị Liễn sống trong yên ổn và hạnh phúc. Năm ấy khi anh hai mươi tuổi, anh Liễn khoảng ngoài ba mươi, chị Liễn khoảng hai mươi nhăm, hai mươi sáu tuổi. Anh chị có một cháu nhỏ. Nghe nói dường như anh Liễn đã có vợ ở làng quê nhưng theo thông lệ của những ông từng được bố mẹ cưới vợ cho ở làng quê ngay từ những năm mới mười sáu, mười bẩy tuổi, anh Liễn, khi thoát ra khỏi được cái gọi là "bức màn tre", bèn "bỏ của chạy lấy người", tức là bèn bỏ chị vợ răng đen, búi tóc, chuyên băm bèo, giã gạo ở làng quê để lấy người vợ khác hợp tình, hợp cảnh hơn. Theo như nhận xét hết sức nông cạn và có thể sai lầm của anh thì dường như cứ mười anh đàn ông ở vào hoàn cảnh của anh Liễn, có tới chín anh làm như anh Liễn.

    Hai cô em của anh chị Liễn năm ấy đều ở vào số tuổi mười lăm, mười sáu, tuổi của hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, tuổi của Ophelia, Juliet. Hai cô cùng ngoan, hiền, vui vẻ, dễ thương nhưng cả hai cô đều không phải là "đối tượng" của anh. Hai cô là hình ảnh của những người vợ ngoan, hiền, còn anh, anh đang cần có người tình, anh chưa cần có vợ. Và người tình của anh phải là mẫu người sôi nổi như em.

    Nay nói đến anh chị Liễn, anh thấy một điều ân hận muộn màng. Kể ra thì điều ân hận nào cũng muộn màng, vì nếu không muộn màng, tức là nếu còn sửa chữa được thì đó chẳng còn là ân hận nữa. Anh chị Liễn đối với anh thật tốt nhưng anh đã không đối xử lại ân cần với anh chị, dù chỉ là một thái độ ân cần tối thiểu. Vào năm 1956, khi ông Ngô Đình Diệm đã truất phế ông Bảo Đại để trở thành Tổng Thống, anh gặp lại anh Liễn ở Bộ Thông Tin đường Phan Đình Phùng. Anh Liễn đã giải ngũ và về làm việc ở Bộ Thông Tin. Gặp lại anh, anh Liễn tay bắt, mặt mừng. Anh chị về ở gần Lăng Ông Bà Chiểu nhưng anh không một lần nào đến thăm anh chị.

    Tuổi trẻ thường vô tình. Có thể vì khi ta còn trẻ, ta yên trí rằng cuộc đời ta còn dài, ta còn có nhiều thì giờ để đền bù những tình nghĩa, những ân huệ mà người khác đã cho ta. Chỉ khi ở vào tuổi xế chiều ta mới thấy ta nợ nần và đến khi đó thì muộn rồi, ta chỉ còn ân hận. Bây giờ anh mới hối hận vì năm xưa anh không đến nhà thăm anh chị Liễn được một lần, nay anh muốn đến thì anh Liễn đã không còn ở cõi đời này nữa.

    Đầu năm 1984, anh Trần Việt Sơn, một đàn anh của anh trong làng báo, tạ thế. Linh cữu của anh Sơn quàn ở Chùa Vĩnh Nghiêm. Buổi sáng, anh và mấy người bạn đến đưa tiễn anh Sơn lên xe bông lần cuối. Trong khi chờ đợi xe bông chuyển bánh, anh ngồi buồn ở quán cà phê vỉa hè bên kia đường. Bàn bên cạnh có ba thiếu phụ cùng ngồi. Bỗng một thiếu phụ gọi tên anh.
    - Anh Thủy... Anh đến đưa đám ai bên đó?

    Anh nhìn người đàn bà trạc bốn mươi tuổi vừa hỏi anh. Anh không nhận ra nàng là ai. Anh hỏi lại:

    - Xin lỗi... Cô là ai?
    - Em là em anh chị Liễn ở Sóc Trăng...

    Anh không còn nhớ tên cả hai cô em ngày xưa, anh cũng không thể nhận ra người thiếu phụ này là cô em anh Liễn hay là cô em chị Liễn. Anh ngẩn ngơ nhìn nàng. Người thiếu phụ này không có một nét nào giống với hình ảnh hai cô em năm xưa anh còn nhớ trong ký ức. Anh chỉ còn có thể hỏi nàng:

    - Cô vẫn còn nhận ra tôi ư?
    - Em nhận ra anh ngay. Anh chẳng khác gì ngày xưa...

    Trời đất... Khi nghe nàng nói thế, anh muốn kêu lên : "Trời đất"... Năm xưa tôi mới hai mươi tuổi, đời tôi phơi phới mây hồng, đường đời mới mở trước mặt tôi. Năm nay tôi đã là ông già năm mươi tuổi, tôi đã đi gần đến cuối đường đời. Tôi đâu còn có nét gì của tôi năm tôi ở Sóc Trăng nữa? Làm sao cô vẫn nhận ra được tôi? Ngay cả đến tôi nếu tôi tình cờ gặp lại tôi ở giữa đường, tôi cũng không còn nhận ra tôi nữa là?? Nhưng anh không nói ra lời ấy với cô em gái Phòng Năm Sóc Trăng ngày xưa. Anh hỏi thăm cô về anh chị Liễn: anh Liễn đã qua đời, chị Liễn về sống ở quê nhà Phan Thiết.

    - Còn cô... sao? - Anh hỏi.
    - Em ở Sàigòn. Nhà em đi cải tạo...

    - Sĩ quan?
    - Vâng. Trung Tá...

    Năm xưa, những năm 1954, 1955, chỉ cần cô lấy chồng Trung sĩ thôi, qua hai mươi mấy năm trời ông chồng cô cũng dư sức trở thành Trung Tá trong ngày tan hàng. Như anh đã nói nếu anh cứ ở lính mãi từ năm 1954 thì ít nhất anh cũng là Thiếu Tá trong ngày hàng tan, tất nhiên là nếu ở lính như thế thì anh phải bỏ cái tật ba gai vô kỷ luật của anh. Nếu không thì dù tan hàng hay chẳng tan hàng, ở lính mà cứ ba gai, ba đồ thì không những chẳng trở thành Úy, Tá chi ráo trọi mà có nhiều triển vọng anh sẽ trở thành đào binh lao công chiến trường!

    Anh chào cô em rồi trở sang Chùa để đưa tiễn anh Trần Việt Sơn. Và thế là cô em năm xưa lại đi vào dòng đời, lại đi ra khỏi cuộc đời anh. Có bao giờ anh nghĩ rằng ba mươi năm sau anh lại tình cờ gặp cô em Phòng Năm Phân Khu Sóc Trăng - Bặc Liêu ở giữa lòng Sàigòn?? Cô em năm xưa từng nấu cơm cho anh, giặt ủi quần áo cho anh mà không hề được anh nói một lời "Cám ơn!"

    ° ° °

    Và như thế là chàng Công Tử Hà Đông đường hoàng và yên ổn sống giữa lòng thành phố Sóc Trăng. Thời anh là Trung Sĩ ở Phòng Năm Phân Khu Sóc Trăng - Bặỉc Liêu, vị Chỉ Huy Trưởng Phân Khu là Trung Tá Dương Văn Đức, ở Bặỉc Liêu là Thiếu Tá Đỗ Cao Trí, Đại Úy Phạm Xuân Chiểu làm Tham Mưu Trưởng Phân Khu. Năm tháng qua, những mùa lá rụng nối tiếp nhau, hàng tỷ lít nước theo nhau chảy qua cầu thời gian, Trung Tá Dương Văn Đức trở thành Trung Tướng, Thiếu Tá Đỗ Cao Trí trở thành Đại Tướng, Đại Úy Phạm Xuân Chiểu trở thành Trung Tướng, còn anh, anh trở thành chàng văn nghệ sĩ chuyên viết loại tiểu thuyết gọi là phơi-ơ-tông đăng báo.

    Có những buổi tối đi trên con đường vắng sau tư dinh của Trung Tá Dương Văn Đức - ông sống độc thân, không vợ con - anh nghe bên trong tòa nhà có tiếng đàn violon cò ke ký ke vọng ra. Một lần anh hỏi anh lính gác tư dinh Trung Tá:

    - Ai kéo đàn violon trong dinh Trung Tá thế?

    Anh lính cho anh biết:
    - Trung Tá đấy.

    Không cần phải lưu lạc xuống tận Sóc Trăng nước trong, gạo trắng, gái đẹp, đàn bà hiền, anh mới nghe nói đến Trung Tá Dương Văn Đức. Ngay từ những ngày đầu vào lính, anh đã nghe anh em binh sĩ nói đến ông. Ông nổi tiếng từ thời ông là Đại Úy. Có câu nói được truyền tụng: "Đại úy Đức đi hành quân quần không gẫy pli...". Điều này có nghĩa là Đại Úy Đức ra mặt trận chỉ đứng chỉ huy mà không bao giờ ngồi xuống để tránh đạn, vì vậy nếp quần của ông luôn luôn thẳng tắp chứ không bị gẫy nếp ở hai đầu gối. Anh chưa từng thấy Trung Tá Đức đi hành quân lần nào - vì cái lý do hết sức giản dị là anh có bao giờ đi hành quân với ông lần nào đâu mà thấy tác phong của ông trong cuộc hành quân - anh được thấy ông trong bữa tiệc ông khoản đãi ông Ba Cụt ở Sóc Trăng, thấy ông trong lần ông tiếp đón Thủ Tướng Ngô đình Diệm xuống thăm Sóc Trăng năm 1955 -- Năm ấy ông Ngô đình Diệm còn là Thủ Tướng, đất nước ta đã bị chia đôi, anh đã về Sàigòn làm phóng viên Nhật báo Sàigònmới. Anh là một trong mấy anh phóng viên nhà báo tháp tùng Thủ Tướng xuống Sóc Trăng, chuyến đi kinh lý thứ nhất của ông. Máy bay Dakota chở Thủ Tướng đáp ngay xuống sân bay Sóc Trăng, nơi trước đó mấy tháng anh còn là chàng Trung sĩ bơ vơ, lạc lõng. Anh xuống máy bay theo Thủ Tướng và đi ngay sau Thủ Tướng qua hàng quân dàn chào, rồi lên xe về Dinh Tỉnh Trưởng -- Anh thấy ông Dương văn Đức mấy lần ông chủ tọa cuộc họp báo. Những lần ấy anh thấy ông cương nghị, trầm tĩnh biết bao. Thế rồi đến những năm 1965, 1966, anh não nùng khi nhìn thấy ông Trung Tướng Dương văn Đức bận đồ xi-vin, quần áo xốc xếch, đi giép, mắt lạc thần, hàm răng cải mả vừa vàng xỉn vừa đen sì, đứng chửi rủa sùi bọt mép - không biết ông chửi rủa ai trong tình trạng dở điên, dở khùng ấy - ở bên đường Công Lý, Sàigòn, thấy ông cúi chào cám ơn thiên hạ cho ông ly rượu trong nhà hàng Pagode...

    ° ° °

    Một nhân vật đặc biệt nữa của những năm đầu thập niên 50 anh gặp ở Sóc Trăng là ông Ba Cụt Lê Quang Vinh.

    Đúng ra anh đã nhìn thấy ông Ba Cụt mấy lần trước khi anh phiêu dạt xuống Sóc Trăng. Lần đầu anh thấy ông vào năm 1953, trong một lần ông từ trong bưng ra "hiệp tác" -- ông Ba Cụt ra "hiệp tác" với Quân Đội Viễn Chinh Pháp, với Tây, thì đúng hơn là ra "hiệp tác" với cái gọi là "chính phủ quốc gia" lúc đó chưa ra cái thống chế gì cả. Ông Ba Cụt là một thủ lãnh Hòa Hảo, lực lượng của ông là một số nông dân Hậu Giang. Lúc đầu lực lượng của ông vừa đánh Việt Minh vừa đánh Pháp. Người Pháp chiêu dụ ông, cấp chức tước cho ông để ông về với họ. Lần thứ nhất mang quân ra "hiệp tác", ông được phong cấp Thiếu Tá. Được năm bảy tháng ông kéo quân vào bưng, hay ra bưng, ông không "hiệp tác" nữa. Người Pháp lại vất vả chiêu dụ ông và khi ông ra "hiệp tác", ông được phong cấp "Trung Tá"... v.v... Ông cứ như thế mà ra vô và cứ lên lon đều đều. Năm 1953 khi anh vào lính, người Pháp phải cho ông cấp Thiếu Tướng.: Thiếu Tướng Lê Quang Vinh.
    Lần thứ nhất anh thấy Thiếu Tướng Ba Cụt Lê Quang Vinh là lần ông kéo quân về "hiệp tác" ở quận Thốt Nốt - hay Ô Môn, không nhớ đích xác ở quận nào - một nửa quân số của Đệ Nhất Đại Đội Võ Trang Tuyên Truyền "tay súng, tay đàn" xuống Thốt Nốt trước cả hai ngày để tổ chức lễ tiếp nhận. Buổi lễ được cử hành ở sân đá banh Thốt Nốt. Đúng vào những ngày ấy trời Thốt Nốt mưa dầm dề, mưa lướt thướt cả ngày lẫn đêm. Vào khoảng 10 giờ sáng các quan Tây, quan Ta ở Sàigòn và Cần Thơ đến sân banh Thốt Nốt bằng xe ô tô. Thời ấy chỉ có ông Cao Ủy Pháp, hay vài ông Tướng Pháp, là di chuyển bằng trực thăng còn tuyệt đại đa số quan Tây, quan Ta đều đi xe hơi - Đại Tá đi xe Peugoet 203, Thiếu Tá đi xe Jeep, các ông Bộ Trưởng đi traction avant - khoảng II giờ trưa lính của Tướng Ba Cụt kéo vào sân banh. Tất cả các anh lính này đều bận bà ba, quầân sà lỏn đen, đi chân đất. Tất cả đều ướt như chuột. Anh đứng lạnh run cạnh cái loa phóng thanh ở dưới chân khán đài. Lần ấy anh không đến gần ông Ba Cụt nên không nhìn kỹ diện mạo của ông ra sao.

    Sau lần đó ông Ba Cụt về Sàigòn. Thiếu Tá Trần Tử Oai mời ông đến thăm trụ sở Đệ Nhất Đại Đội Võ Trang Tuyên Truyền. Ông cùng đoàn tùy tùng của ông đến Đại Đội vào buổi chiều. Năm đó ông trạc bốn mươi tuổi. Người ông dong dỏng cao, hai mắt sáng, nước da tương đối trắng so với nước da nông dân miền Nam. Ông để tóc dài và đặc biệt là về Sàigòn, đến gặp các quan Tây, quan Ta, đi thăm chính thức một đơn vị quân đội, ông bận bà ba trắng, đi guốc mộc.

    Ông Ba Cụt và Nghệ sĩ Trần Văn Trạch là hai người để tóc dài ở Sàigòn trong những năm đầu thập niên 50. Hai vị này đã tiến trước thời đại tới 10 năm. Phải đến những năm 60 phái nam Âu Mỹ mới có phong trào để tóc dài. Đặc biệt đáng nói là khi về Sàigòn, ông Ba Cụt vẫn cứ mặc bà ba, đi guốc. Rất có thể -- rất có thể thôi, anh không biết chắc -- khi gặp các Tướng Pháp, ông cũng vẫn mặc bà ba và đi guốc một cách hết sức đường hoàng như thế. Thời ấy anh chỉ thấy lối ăn mặc ấy của ông có vẻ kỳ lạ. Nay hồi tưởng lại, anh mới thấy cái gọi là "bản lãnh" của ông, thấy sự độc đáo của ông. Không biết chính ông chọn cách ăn mặc đặc biệt ấy hay đó là ý kiến của một quân sư quạt mo nào bầy đặt cho ông. Ông đã rất khôn ngoan khi ăn mặc như thế. Vì nếu bận quân phục ka ki, đội képi, các sĩ quan Việt gọi là mão bình thiên, đi giầy da, chắc chắn ông sẽ ngượng nghịu, lúng túng, ông sẽ bị mờ nhạt khi đứng cạnh những tướng tá của quân đội Quốc Gia như Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hinh, Đại Tá Trần Văn Đôn v.v... Thay vì bắt chước thiên hạ một cách vụng dại, ông Ba Cụt đã chọn cách mặc bà ba trắng, đi guốc mộc vào những đại lễ một cách hết sức thoải mái, độc đáo, độc lập, giữ nguyên bản chất và bản sắc Ba Cụt rất "không giống ai" và "không ai giống."

    Khi ở Phòng Năm Phân Khu Sóc Trăng, anh thấy ông Ba Cụt lần thứ ba. Lần này ông đến Sóc Trăng và được Trung Tá Dương Văn Đức đãi tiệc. Nhân viên Phòng Năm Phân Khu đến nơi đãi tiệc để trang hoàng, treo cờ, treo băng- đơ-ron chào mừng, đặt loa phóng thanh, micro và chờ Trung Tá Đức sai vặt.

    Anh không được vào dự tiệc. Chỗ của anh là ở ngoài hành lang, tức là ở cu-loa. Thiếu úy Liễn vào dự tiệc nhưng vì cứ phải đứng lên, ngồi xuống, chạy ra, chạy vô nên cũng không ăn uống được gì. Đến khuya, tiệc tan, khi anh Liễn lái xe Jeep đưa anh ra chợ Sóc Trăng ăn mì, anh nói:

    - Sao tôi thấy các sĩ quan của Me Sừ Ba Cụt ăn bận đẹp quá, đẹp trai nữa. Mặt mũi anh nào cũng sáng sủa, còn nhìn đến các sĩ quan mình thì chán chết, trông cù lần thấy mồ...

    Quả thực là khi nhìn đám sĩ quan trẻ tuổi đi theo ông Ba Cụt, rồi nhìn đến các sĩ quan của Quân Đội Quốc Gia, anh có điều ngạc nhiên và hơi buồn. Các sĩ quan Quân Đội Ba Cụt đa số đều đẹp trai, mặt mũi sáng sủa, bận những bộ kaki Mỹ, quần sanspli vừa vặn, gọn gàng, đi giầy da verni bóng loáng, loại giày để nhẩy đầm chứ không phải là để đi hành quân, đeo đồng hồ đắt tiền, bút Parker dắt túi ngực. Trong khi đó thì có thể nói tất cả những sĩ quan quân ta trong tiệc đều bận quần áo Quân Đội phát sao thì cứ thế mặc, xộc xệch hoặc không vừa với khổ người, đi những đôi giầy lính thô kệch. Anh Liễn cười nói:

    - Bọn họ đâu có phải là lính sống bằng lương lính như mình đâu. Toàn là con nhà giàu. Gia đình họ cung cấp cho Ba Cụt không biết bao nhiêu tiền. Tiền càng nhiều lon càng lớn. Người ta mang lon, đeo súng đi ăn chơi. Quần áo người ta bỏ tiền ra may lấy, không đẹp sao được...

    ° ° °

    Trong những ngày, những đêm sống giữa lòng thành phố Sóc Trăng, anh vẫn hy vọng có một lần nữa em trở lại Sóc Trăng, trở lại nhà Băng-ga-lô với anh. Nhưng cũng như chàng Thúc Kỳ Tâm sợ vợ, anh chỉ được gặp tiên có một lần. Em không lần nào trở lại với anh ở Sóc Trăng nữa. Sáng nay anh già đầu bạc ngồi trong căn gác nhỏ ở vùng Ông Tạ Sàigòn hoài niệm những ngày xưa, anh thấy anh cần nói với em một chuyện. Đó là chuyện trước em, anh chưa từng có một đêm nằm trọn vẹn với một người đàn bà nào.

    Sàigòn, từ sau 1945, người Pháp trở lại và cho nhân dân Nam Kỳ ăn chơi tự do. Cả bốn món gọi là "tứ đổ tường", những món mà dài dài hai chục năm sau bị cấm đoán và bị pháp luật coi là những trọng tội, tức là "yên, đổ, tửu, sắc: thuốc sái, cờ bạc, rượu chè, trai gái v.v..." đều được coi gần như là hợp pháp trong suốt thời gian từ 1945 đến 1954, ở Sàigòn và ở khắp vùng Nam Kỳ lục tỉnh -- cùng thời gian đó ở Bắc, công chức bị bắt hút thuốc phiện nhiều lần có thể bị sa thải, chủ tiệm bị phạt tiền, đồ nghề ống hút, đèn đọi, thuốc sái bị tịch thu -- Trước Thế Chiến Thứ Hai, đúng ra là từ lâu rồi, từ những năm 1920, Sàigòn đã được quốc tế tôn vinh là La Perle de l'Orient: Hòn Ngọc Viễn Đông - cái tên La Perle de l'Orient do những ký giả, văn sĩ Pháp đặt cho Sàigòn, không phải do dân Sàigòn tự phong. Sau 1945, Sàigòn vẫn hơn hẳn Bangkok về nhiều mặt. Về mục cờ bạc, Sàigòn có hai sòng bạc lớn mở cửa suốt ngày đêm, khách đến chơi ra vô thong thả, an ninh hoàn toàn. Đó là hai sòng Kim Chung, Đại Thế Giới. Hai sòng đều có xổ Đề mỗi ngày. Cứ mỗi chiều vào khoảng bốn, năm giờ, tuy kết quả xổ Đề Kim Chung, Đai Thế Giới không được thông báo trên đài phát thanh nhưng chỉ cần nửa giờ sau khi Đề xổ, nhân dân toàn thành phố đã biết đích xác Đề xổ con nào qua đài phát thanh truyền miệng cũng của nhân dân. Đây mới đích thực là đài phát thanh nhân dân chân chính. Đề vừa xổ, chỉ cần hai, ba ông đạp xích lô đi ngang là cả một đường phố dài, kể cả những khu lao động trong các hẽm, đều đồng loạt biết hai con gì được xổ trong ngày. Kim Chung, Đại Thế Giới, Sở Thú là ba nơi mà người Việt không phải là dân Sàigòn mỗi lần ghé Sàigòn đều có bổn phận đến chơi cho biết. Về mục cờ bạc thì với hai sòng bạc lớn ấy, Sàigòn trước 1954 hơn hẳn Bangkok.

    Tới năm 1953, Sàigòn còn tiến bộ một bước vượt bực nữa. Số là trước đo, cũng như bất cứ thành phố, thị trấn nào trên trái đất này, Sàigòn có những nhà điếm, được gọi một cách nhẹ nhàng và huê mỹ đôi chút là những nhà chơi bời, ở rải rác khắp nơi, lẫn với những nhà thường dân. Tới 1952, không biết do sáng kiến từ đâu, Sở Y Tế Thành Phố cộng tác với tư nhân - có sự tán thành, hỗ trợ và chia chác của Lực lường Bình Xuyên - xây lên Khu Chơi Bời ở đường Vĩnh Viễn. Đây là một cư xá hẳn hoi, đầy đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn thời dó, khang trang, sáng sủa, sạch sẽ, điện nước. Khu này được gọi là Nhà Bình Khang. Tất cả những nhà chơi bời ngoài thành phố đều phải vào mướn nhà trong Bình Khang, đưa "chị em ta" vào đó hành nghề dưới sự kiểm soát của nhân viên y tế nhà nước. Việc mở nhà chơi bời ở ngoài Nhà Bình Khang bị coi là việc phạm pháp, chủ nhà bị bắt, bị ra tòa, ở tù. Nhờ vậy dịch vụ mại-mãi dâm ở thành phố Sàìgòn trở nên văn minh và lịch sự, có tổ chức đàng hoàng. Với Nhà Bình Khang, tất nhiên là Sàigòn không diệt hẳn bệnh hoa liễu trăm phần trăm nhưng cũng bảo đảm giảm được bệnh tới năm, sáu mươi phần trăm.

    Viết tới đây, anh ngừng viết để tự hỏi: anh kể lại chi tiết Nhà Bình Khang ở Sàigòn để làm gì?? Và anh tự trả lời: để chẳng làm gì cả. Anh hoài niệm cuộc sống năm mươi năm trước của anh ở Sàigòn và nhớ gì anh viết lại chuyện ấy. Miễn là anh viết lại đúng. Biết đâu sau này lại chẳng có những con cháu chúng ta cảm ơn anh vì những gì anh viết lại cho họ về Sàigòn. Verba volant, scripta manent. Lời nói bay đi, chữ viết còn mãi. Hai bộ tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần , Vanity Fair của William Thackeray, chỉ viết về những chuyện thường ngày xẩy ra trong những gia đình thời đại của hai tác giả, nhưng qua những chuyện rất thường ấy người đời sau thấy sống lại, và thấy sống mãi, cả một thời đại.

    Nếu nói rằng anh viết chuyện Nhà Bình Khang ở Sàigòn những năm 1953, 1954 để chẳng làm gì cả thì cũng không đúng lắm. Anh viết để nói lên rằng về mặt ăn chơi thì Sàigòn trước 54, với hai sòng bạc Kim Chung, Đại Thế Giới và Nhà Bình Khang, đáng được kể là thành phố văn minh nhất, không phải nhất Á Châu mà là nhất thế giới. Kể từ ngày loài người tổ chức thành xã hội tới nay ta đã thấy có nhiều chính quyền ở nhiều nơi cấm đoán dân hưởng thụ những thú "tứ đổ tường", nhưng tất cả đều không thành công. Ít nhất ở Á Châu không có chính quyền quốc gia nào công khai quản trị ngành mãi dâm một cách khoa học và tốt đẹp như chính quyền Sàigòn.

    Nhưng anh không phải là nhà xã hội học, nếu lý luận lòng thòng về vấn đề xã hội này anh sẽ để lòi các đuôi dốt nát của anh ra. Vì vậy anh thôi không lý sự nữa. Anh muốn viết chuyện Nhà Bình Khang để nói lên điều thứ hai rằng trước khi được gặp em ở Sóc Trăng, những cuộc gọi là "làm tình với đàn bà" của anh chỉ là những cuộc ăn bánh, trả tiền nhấp nháy mươi, mười lăm phút trong những nhà chơi bời. Trước khi gặp em anh có hai người yêu: các nàng là những thiếu nữ con nhà lành. Anh chỉ được gần các nàng vài lần, đưa các nàng đi chơi Sở Thú, đi xem xi nê, được cầm tay, hôn má các nàng trong bóng tối của những rạp xi nê. Em là người đàn bà đầu tiên cho anh được sống, nói là được nằm bên em cho thật đúng, suốt những đêm dài. Đêm khuya khi anh ngủ thiếp đi, anh có em nằm bên. Buổi sáng khi anh mở mắt dậy, anh có em nằm bên và anh nghe tiếng thở của em, anh cảm nhịp đập của trái tim em. Em là người đàn bà huyền diệu đã cho anh có quyền nói câu nói xanh rờn trong Mùa Hạ 54:

    - J'ai vingt ans.. et trois nuits..!

    *****


    4. Sống trong Phòng Năm Phân Khu chừng 2 tháng, anh lại có dịp trở về Sàigòn. Lúc ấy thời gian vào khoảng tháng 4, tháng 5, năm 1954. Hòa hội Genève đã mở, người ta đang gặp nhau để tính chuyện cắt đôi nước Việt Nam ở chỗ nào. Đệ Nhất Quân Khu Quân Đội Quốc Gia mở khóa học về chính sách tác động tinh thần trong tình hình mới.

    Thời ấy về mặt quân sự, nước ta chia làm 3 Quân Khu. Đệ Nhất Quân Khu là Nam phần, Đệ Nhị là Trung Phần, và Đệ Tam Quân Khu là Bắc phần. Trụ sở Đệ Nhất Quân Khu năm ấy nằm ở đường Hùng Vương, khoảng giữa Bệnh Viện Hồng Bàng và Bảo Sanh Viện Hùng Vương hiện nay.

    Phòng Năm Phân Khu Sóc Trăng được, và có bổn phận, cử người về dự khóa học. Học viên phải từ cấp bậc Trung Sĩ trở lên. Ở Phòng Năm Phân Khu, ngoài anh ra, chỉ có một Trung Sĩ, anh này hơn anh vài tuổi và đã có vợ con. Không phải là dân Sàigòn cũng không có nhà người thân ở Sàigòn, Trung Sĩ này rất ngại phải về Sàigòn, dù chỉ là về trong một tháng để đi học. Về Sàigòn như thế anh phải mang thêm tiền nhà đi ăn xài mà anh thì một vợ, hai con, một bà mẹ già, bốn năm miệng ăn chỉ trông vào số lương tháng chừng ba nghìn bạc của anh. Việc phải về Sàigòn đi học với anh là một tai họa. Nhưng Phòng Năm Phân Khu không thể không cử người về học. Có anh sẵn đó, anh là người đang ngày đêm không phải là muốn mà là khao khát được về Sàigòn. Thiếu Úy Liễn hỏi anh:
    - Muốn về Sàigòn một tháng không?

    Còn phải hỏi nữa. Hỏi Trung Sĩ Bắc Kỳ có muốn về Sàigòn không thì cũng như hỏi cô Thúy Vân có muốn làm vợ Cậu Kim Trọng không. Ởỹ đây không có chuyện tranh nhau quyền được về Sàigòn. Nói rõ hơn là cả thành phố Sóc Trăng lúc ấy chẳng có ai muốn về Sàigòn cả, ngoài anh Trung Sĩ Bắc Kỳ lưu vong đang ngày đêm nhớ thương, thèm khát Sàigòn như nhớ thương, thèm khát tình nhân.

    Và thế là tất cả mọi người trong Phòng Năm Phân Khu Sóc Trăng - Băỉc Liêu đều hài lòng. Vào lúc trời sáng tinh mơ, Thiếu Úy Liễn lái xe Jeep đưa anh ra bến xe. Anh thót lên xe đò Thiên Tân, xe chuyển bánh rời bến Sóc Trăng lúc 6 giờ sáng. Khoảng ba, bốn giờ chiều anh lại nôn nao nhìn thấy những ống khói Nhà Máy Rượu Bình Tây vươn lên ở chân trời. Anh về Sàigòn trước ngày khai giảng khóa học tới cả mười ngày.

    Anh đi tìm em. Địa chỉ em cho anh ở đường Galiéni - đầu năm 1954, năm anh từ Sóc Trăng về Sàigòn tìm em theo địa chỉ em cho anh, tất cả những đường phố Sàigòn còn mang tên Pháp - bây giờ chỉ có những người ở lớp tuổi 60 từng sống ở Sàigòn những năm trước 1954 mới còn nhớ được một số những tên đường này: Catinat, Charner, Bonard, Paul Blanchy, Colonel Grimaud, Colonel Boudonnet, Vassoigne, Narbé, Barbier, Miss Cawell, Mayer, Duranton, Legrand de la Lyrae, Lagrandière, MacMahon, Audouit. Dixmude v.v.. Đa số là tên những sĩ quan Pháp từng tham dự vào cuộc đánh chiếm Nam Kỳ. Galiéni về sau đổi tên là đường Trần Hưng Đạo, một trong những con đường lớn nhất, dài nhất Sàigòn.

    Nhưng nhà em không ở mặt tiền đường. Ở khoảng nhà hàng Tour d'Ivoire, nhà hàng vũ trường này là nơi mười mấy năm sau ngày anh đến tìm em xẩy ra vụ ông Thiếu Tá Mũ Đỏ Nguyễn Viết Cần, cùng một số sĩ quan Nhảy Dù bạn ông, bắn chết 2 Quân Cảnh Mỹ. Ở gần lối lên nhà hàng vũ trường Tour d'Ivoire có một lối vào. Nhà em ở trong dẫy nhà nằm bên trong lối vào ấy. Sàigòn khác với Hà Nội ở những khu xóm lao động như Bàn cờ và những khu nhà nằm bên trong những dẫy nhà mặt đường như thế này. Đây là một trong những cảnh mà dân gian thường gọi là "Sau dẫy nhà lầu" theo tên một tiểu thuyết tình cảm ăn khách của Ngọc Sơn, đăng trên nhật báo Tiếng Chuông thời ấy. Người đi ngoài đường không biết đằng sau những dẫy nhà mặt tiền đẹp đẽ đó của Sàigòn lại có những dẫy nhà không lấy gì làm đẹp đẽ, sáng sủa chi cho lắm. Anh đi vào một sân sau, lên một cầu thang, qua mấy hành lang mới đến nhà em.

    Nhưng em không có nhà. Dường như em không sống ở đây với bà mẹ em, hoặc nếu em có sống thời gian nào trong gian phòng nhỏ này thì đó chỉ là thời em còn dưới mười ba, mười bốn tuổi. Anh vào đó và gặp trong gian phòng tối một bà chừng năm mươi tuổi. Giờ đây khi anh ở vào tuổi sáu mươi, anh thấy những người đàn bà năm mươi tuổi là đàn bà trẻ, nhưng vào năm anh hai mươi tuổi, anh thấy những người đàn bà bốn mươi tuổi đã là bà già.

    Bà mẹ em gầy ốm, xanh xao, tô son, đánh phấn đầy mặt như một bà Me Tây già, như một bà bóng. Bà ngồi đó một mình.
    - Thưa bà.. cho tôi hỏi cô Êlen..

    Anh nói và bà mẹ em trả lời:

    - Nó không có ở đây.
    - Thưa bà khi nào cô ấy về?

    Bà lắc đầu:

    - Hổng biết.
    - Tôi xin lỗi.. bà là mẹ cô Êlen?

    Bà gật đầu:
    - Phải

    Bà ngồi chồm hổm trên đi văng. Có cái bàn nhỏ và cái ghế ở đó nhưng bà không mời anh ngồi, anh cũng chẳng có chuyện gì để nói nhiều với bà. Trong thời gian anh trẻ tuổi, anh có cái bệnh bất mãn với cuộc đời hơi nặng. Động gặp chuyện gì không vừa ý là hờn dỗi, mặt mũi nặng như đá đeo. Bây giờ, bốn mươi năm sau, anh vẫn còn nguyên cái bệnh ấy. Chỉ có điều qua năm tháng và kinh nghiệm, anh thấy càng hờn dỗi chừng nào anh càng thua thiệt, càng khốn khổ, khốn nạn nhiều chừng ấy, nên anh dấu bớt nó đi mà thôi. Việc đến nhà em tìm em mà không có em ở nhà đã dư đủ để anh hờn giận bà mẹ em và tất cả loài người.
    - Êlen không ở đây, phải không bà?

    Bà mẹ em hỏi lại:

    - Cậu nói chi?
    - Êlen không ở đây. Êlen chỉ về thăm bà rồi lại đi, phải không bà?

    Anh nghĩ đúng. Mẹ em gật đầu:

    - Phải.
    - Thế cô ấy ở đâu? Bà cho tôi biết chỗ cô ấy ở đi. Tôi đến đó tìm cô ấy.

    Bà mẹ em lắc đầu:
    - Nó ở đâu tôi không biết chắc...

    Rồi bà tiếp:
    - Lúc này nó không có ở Sàigòn...

    Nghe bà nói, anh lại càng thất vọng:

    - Lúc này cô ấy ở đâu?
    - Nó đi Nam Vang...

    - Đi Nam Vang?? Bà có biết bao giờ cô ấy về không?

    Bà lại lắc đầu:
    - Tôi không biết.

    ° ° °

    Anh không ưa bị người khác ép buộc hay thúc đẩy anh làm những việc anh không thích làm, vì vậy anh cũng không thích ép buộc hay thúc đẩy, thuyết phục bất cứ ai làm bất cứ việc gì, kể cả làm những việc mà họ có thể thích làm. Với cái bản tính thiên phú này anh không thể nào là một nhân viên tuyên truyền hữu hiệu. Điều anh sắp nói có thể làm cho nhiều vị chuyên viên tuyên truyền kiêm cái gọi là "Tác động tinh thần - Chiến tranh Tâm Lý Ghe Sích cô lô gích" nhà nghề không bằng lòng: cái trò "đánh võ mồm" thúc đẩy người khác chịu khổ sở, chịu chết.. là cái nghề không khá được.

    Vì vậy chưa phải học ngày nào mà anh đã chán ngấy cái khóa huấn luyện tuyên truyền được tổ chức ở cái gọi là Đệ Nhất Quân Khu đường Hùng Vương vào những tháng giữa năm 1954 hơn chán cơm nếp nát, anh chán nó ngay cả từ khi nó chưa được khai giảng. Anh đến đó và thấy lớp học có chừng ba mươi học viên - anh nào chân chỉ hạt bột thì quá đỗi khờ khạo, anh nào tinh ranh thì lại quá đỗi thạo việc "mồm miệng đỡ chân tay" - mấy ông giảng viên lại càng làm cho anh nản hơn. Anh thấy những ông này, ngay đến việc thuyết phục hay tuyên truyền vợ con mấy ổng cũng chưa xong, nói đến việc mấy ông thuyết phục người khác sốt sắng, hoặc miễn cưỡng, cầm súng ra mặt trận bắn nhau là một chuyện khôi hài nhạt nhẽo. Trong số giảng viên này có hai ông Đại Úy ăn nói hấp dẫn đôi chút, cả hai ông đều là xi-zin, tức dân sự, được "đồng hoá" vào quân đội với cấp bậc Đại Úy. Hai ông là hai nhân vật có tên tuổi trong giới văn học nghệ thuật và theo thông lệ, cả hai ông đều là dân Hít Tô Phe, tức là nghiện thuốc phiện.

    Buổi tối, anh theo mấy người bạn lên lầu tiệm thuốc phiện Amy ở đường Verdun - về sau là đường Hàm Nghi. Tiệm Amy nằm trong dẫy nhà mười mấy năm về sau tòa nhà Việt Nam Thương Tín được xây lên - vào năm 54 như anh đã nói những trò "tứ đổ tường: yên, đổ, tửu, sắc" được hành nghề công khai, thoải mái và hợp pháp ở Sàigòn - anh thấy hai ông Đại Úy "Ghe Sích cô"â giảng viên chính của Khóa Huấn Luyện Tác Động Tinh Thần nằm còng queo bên bàn đèn thuốc phiện. Hai ông đều có bàn đọi ở nhà nhưng thỉnh thoảng các ông cũng đến tiệm nằm chơi, đấu hót với các ông bạn. Sáng hôm sau vào lớp học, anh thấy hai ông quân phục chỉnh tề, lên lon Đại Úy, hùng hồn diễn giảng về cái gọi là "chính nghĩa quốc gia...". Tất nhiên là trong lúc thao thao hùng biện như thế nhị vị Đại Úy không biết rằng trong số những tên học viên ngồi nghe các ông huấn giảng lại có một tên vừa tối hôm qua nhìn thấy các ông nằm bên khay đèn dầu lạc.

    Học được ba ngày là - chuyện tự nhiên thôi - anh bỏ học. Trong hoàn cảnh ấy anh theo học đàng hoàng mới là lạ, anh cúp cua là chuyện không lạ chút nào. Một trong những nguyên nhân chính nữa làm cho anh không đến cái khóa huấn luyện tuyên truyền nhạt nhẽo, vô tích sự ấy là thời gian ở Sàigòn nó trôi qua nhanh quá. Vèo một cái là qua một ngày, một đêm. Vèo hai ba cái là thời gian trôi qua đã một tuần lễ. Kể cả cuộc sống buồn phiền ở Sàigòn cũng đỡ khổ và nhẹ nhàng hơn cuộc sống buồn phiền ở tỉnh lẻ. Lần đầu anh cúp cua một buổi, thấy không có ai phiền hà hay hỏi han gì, lần thứ hai anh cúp cua trọn ngày. Thế rồi hai ba ngày anh mới đảo đến lớp một buổi rồi lại đi biệt. Cũng phải nói rằng anh chẳng phải là tay ăn chơi dữ dội hay hào hoa phong nhã gì cho cam, trình độ ăn chơi của anh thuộc loại hạng bét thời ấy ở Sàigòn, nhưng cuộc sống Sàigòn nó cuốn anh vào dòng trôi chẩy diệu kỳ của nó. Anh cứ để mặc cho nó đưa anh đến đâu thì đưa, chỉ có điều là anh không làm qua một cử động nào để tự đưa anh dạt vào bờ

    Giờ đây mỗi lần chia tay với những người đi hay với những người ở lại, anh không còn hò hẹn hay mong ước sẽ gặp lại nhau nữa, anh thường nói: "Nếu còn duyên với nhau thì còn gặp nhau..."

    Thật thế... Cái gọi là "duyên nợ" của loài người là một trong những điều huyền bí của cuộc đời. Những người có duyên với nhau dù có ra đời ở những nơi cách xa nhau ngàn vạn dậm những bước chân đời cũng đưa họ đến một đoạn đường đời nào đó để họ gặp nhau, để họ yêu nhau. Ngược lại, những kẻ thù hận nhau cũng vậy. Chúng ta vẫn cứ đùa với câu nói mà ta cho là có vẻ cải lương: "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng...". Nhưng đó là chuyện có thật. Những người yêu nhau sớm hay muộn chém chết thế nào rồi cũng gặp nhau, những kẻ thù hận nhau cũng vậy. Chỉ có điều là những kẻ thù hận nhau thường gặp gỡ nhau nhiều hơn, dễ hơn là những người yêu nhau.

    Trong những ngày sống ở Phòng Năm Phân Khu Sóc Trăng, gần ngay Nhà Băng-ga-lô, nơi em đã cho anh đến sống ba ngày, ba đêm ân ái với em, anh vẫn mơ có ngày em trở lại Sóc Trăng và anh sẽ lại được đến đó sống với em. Nhưng em đã không trở lại. Khi về đến Sàigòn, anh vội vã đi tìm em, nhưng em không có mặt trong căn nhà em cho anh địa chỉ.

    Và như vậy là anh đã tưởng anh không thể nào gặp lại được em trong lần anh về Sàigòn kỳ này. Dù có muốn tìm em, anh cũng chẳng biết tìm em ở đâu. Cho đến một buổi chiều...

    Lúc ấy gần tối, khoảng sáu giờ, trời Sàigòn u ám sau cơn mưa, anh từ trong Rạp Xi nê Eden bước ra, đứng vẩn vơ trên hè phố Catinat chưa biết đi đâu, bỗng nghe tiếng đàn bà hỏi trống không sau lưng:
    - Đi một mình hay đi với ai đây??

    Tiếng đàn bà quen quen, tiếng đàn bà anh từng nghe thấy văng vẳng trong vô thức, trong những giấc mơ. Anh quay lại. Có người đàn bà đi qua sau lưng anh. Nàng đi thẳng không quay lại nhìn anh. Nhưng anh biết người đàn bà đó là em ngay. Hélène... Cuộc sống tuyệt vời đến là chừng nào, huyền diệu đến không thể tưởng tượng nổi. Trong số cả 50.000 người phụ nữ Sàigòn vào năm ấy bằng tuổi em, đa tình như em, nẩy nở, gợi cảm như em, ở giữa thành phố Sàigòn lớn nhất Đông Dương này, anh lại được nhìn thấy đôi mông tròn của em trên hè phố Catinat... Và em lịch sự, em khôn khéo đến là chừng nào! Người phụ nữ đa tình, từng trải và khôn ngoan khi nhìn thấy tên đàn ông mình quen, mình muốn hỏi chuyện trên đường phố, trong nhà hàng hay ở bất cứ đâu, không bao giờ chạy đến hỏi chuyện nó, dù cho tên đàn ông ấy có là tên tình nhân yêu mến nàng nhất đời. Vì tên đàn ông ấy có thể đang cùng đi với người phụ nữ nào đó và gã có thể bối rối khi bị một phụ nữ khác đến hỏi chuyện. Việc đó thường xẩy ra. Tên đàn ông lúc ấy có thể đang xớ rớ đứng một mình nhưng không có gì bảo đảm là không có một người phụ nữ nào đó cùng đi với gã đang đứng ở đâu gần đó. Người phụ nữ Sàigòn đa tình, lịch sự, khôn ngoan chỉ cần làm cho gã đàn ông ấy nghe thấy tiếng mình nói, nhìn thấy đôi mông tròn của mình, rồi không thèm nhìn gã, không thèm cười tình với gã, nàng cứ thản nhiên bước đi. Nếu gã đàn ông ấy chạy theo đôi mông tròn của nàng thì nàng tiếp gã, bằng gã vì lý do nào đó không chạy theo thì nàng cho gã đi luôn vào quên lãng.

    Anh chạy theo em ngay lập tức, liền một khi. Anh bắt được em trước cả khi câu hỏi tình tứ của em kịp tắt trên môi em. Đời có em rồi, bao nhiêu khắc khoải, ưu tư, hờn giỗi trong anh tan biến trong nháy mắt, trong một sát na. Không, tan biến trong một nửa sát na, trong một phần triệu một sát na.

    Anh đẩy em vào Givral. Anh không chịu rời đôi mông tròn của em, anh không chịu để em ra khỏi tầm tay của anh. Người ta nói: "Lon xon như con gặp mẹ, ngầm ngập như mẹ gặp con..". anh thấy trong trường hợp của anh, ngôn ngữ Việt Nam cần có thêm câu diễn tả nữa là "Ngẩn ngơ như trai tơ gặp đàn bà đa tình...". Quên uống nước, quên cả hút thuốc, anh nhìn em và anh nói anh nhớ em, anh đi tìm em, anh đến nhà gập mẹ em, mẹ em nói em đi Nam Vang, anh về Sàigòn dự khóa huấn luyện, anh sẽ phải trở xuống Sóc Trăng v.v...

    Em mỉm cười:
    - Tối nay em bận, không đi chơi với anh được. Hẹn anh hôm khác. Anh còn ở Sàigòn lâu mà??

    Em nói. Anh không biết là em nói thật hay em nói đùa. Hôm nay hồi tưởng cuộc tái ngộ tình cờ tuyệt diệu của đôi ta trên hè phố Sàigòn xanh thắm ba mươi tám năm trước, anh chắc lúc đó em nhìn thấy sự tuyệt vọng, và cả sự phẫn nộ của anh, từ trong đáy tim anh hiện lên mặt anh, trong mắt anh, trên toàn thân anh. Em nhìn thấy chiều cao, chiều rộng, chiều sâu, em nhìn thấy cả bề ngang, bề dọc, bề dài nỗi tuyệt vọng và phẫn nộ của anh. Em biết anh sẽ không để em yên lành đi ra khỏi đời anh, khỏi vòng tay anh, anh sẽ làm những cử chỉ thô bạo, anh sẽ nói những lời khiếm nhã nếu anh phải xa em ngay lúc đó mà không được hưởng chút ân huệ nào của em. Sự tuyệt vọng và phẫn nộ bùng nổ của anh sẽ làm cho cuộc tình của chúng ta bị sứt mẻ hay mất đẹp. Trong anh lúc đó đang tranh nhau sống lại cả Quasimodo và Romeo.. Em thấy như thế và điều đó làm cho nàng Juliet và nàng Esmeralda ở trong em nở nụ cười đa tình trên môi em. Em nói lại:
    - Em đi ăn cơm với anh. Tám giờ cho em về. Tối nay em mắc bận thiệt mà. Hôm khác em đi với anh cả ngày...

    Anh vẫn ngơ ngác không biết nói gì, làm gì. Em nhắc lại:
    - Tối nay em đi ăn cơm với anh thôi. Chịu không?

    Chịu quá chứ sao lại không chịu. Cứ đi ăn cái đã rồi hãy hay, rồi tính sau. Miễn là không phải chia tay với em ngay khi từ trong Givral bước ra. Em lại là người điều khiển chương trình. Quy luật tự nhiên là như vậy. Anh chỉ biết đi theo đôi mông tròn của em, anh không có sáng kiến mà cũng không có ý kiến, ý cò chi cả.

    Anh theo em vào tắc xi. Em nói với ông taxi:
    - Cho zô Chợ Lớn...

    Anh theo em vào một hàng ăn Tầu ở đường Jaccareo. Chợ Lớn 50-54 có không biết bao nhiêu là hàng ăn tối tân, văn minh, lịch sự, tiện lợi như hàng ăn này. Vậy mà trước khi em đưa anh đến đây, anh không biếtụ Chợ Lớn lại có những hàng ăn-khách sanỉ, đúng hơn là phòng ngủ, tiên tiến đến như thế. Trên lầu nhà hàng có phòng riêng. Em mở một phòng, gọi mang thức ăn lên phòng. Một bữa ăn bốn món, hai người ăn, mang lên tận phòng chưa vượt quá 100 đồng. Tiền phòng 50 đồng là 150 đồng. Tắc xi đi về gói tròn trong 20 đồng. Công tử Hà Đông Bắc Kỳ Ri Cư có tới 500 đồng bạc Đông Dương để chi vào việc được sống với đôi mông tròn của Kiều Nữ Sàigòn Đa Tình trong vài giờ đồng hồ vàng ngọc.. Yên tâm, thoải mái và hào tình tứ đến là chừng nào...

    Phòng riêng của đôi ta năm 54 nằm trong một cao lâu kiêm phòng ngủ ở đường Jaccaréo -- sau 1956 là đường Tản Đà -- phòng riêng kín đáo đầu tiên trong đời anh ở Chợ Lớn, là một căn phòng không rộng, không hẹp. Đúng ra là nó vừa vặn, nó thật xinh, thật dễ thương. Phòng chính có một bộ ván gỗ, một bàn ăn, vài cái ghế. Bên trong là phòng ngủ. Phòng ngủ kê vừa vặn chiếc giường nệm bông, bàn ngủ, bàn bên giường ngủ - đây là tên dịch không đúng của cái gọi là table de nuit: bàn đêm thường để bên đầu giường ngủ. Trên bàn có ngọn đèn nhỏ, chúng ta không bật đèn. Ánh đèn ở phòng ngoài đủ mơ hồ, huyền ảo quá rồi. Khi cánh cửa phòng đóng lại, cài khóa đàng hoàng, đôi ta cách ly hoàn toàn với vũ trụ, với loài người. Tất cả loài người lúc ấy, với anh, chỉ là mình Em thôi.

    Tiếng em hỏi như tiếng em thở:
    - Nhớ em không?

    Một trong những nỗi sợ hãi của con người là bị quên, nhất là bị quên bởi những người mình yêu thương. Đàn ông đôi khi còn mong muốn được người quên nhưng đàn bà, nhất là đàn bà đa tình như em thì - dường như - rất không muốn bị người mình yêu quên lãng. Có thể trong thời gian anh được em yêu, được gần em, anh có nói vài lời gian dối với em. Em hãy tha thứ cho anh vì lúc đó anh còn trẻ, anh mới hai mươi tuổi. Nhưng em cũng thấy anh nói thật với em ít nhất là một điều: anh nhớ em, anh không quên em, anh nhớ từng dáng đi, từng ánh mắt, từng tiếng nói, từng tiếng thở, từng câu hỏi, anh nhớ mùi da thịt gái Sàigòn độ lượng, đa tình và bao dung, và giầu có, và sẵn sàng ban phát của em... Anh nhớ mãi từ ấy cho đến bây giờ...!

    Chín giờ tối, anh đưa em trở lại Sàigòn. Anh chỉ được sống gần em hôm ấy, lần cuối cùng ấy, có ba tiếng đồng hồ. 180 phút, 10.800 dây đồng hồ, 10.000 nhịp đập của trái tim yêu đương.. Từng ấy thời gian qua thật nhanh nhưng từng ấy - ba giờ đồng hồ - cũng quí báu hơn thời gian ba mươi năm sống bên nhau của một cặp đàn ông - đàn bà không yêu nhau như anh yêu em, như em yêu anh.

    Trời lại mưa. Ánh đèn đường loáng loáng trên mặt đường láng nước mưa của Sàigòn. Chiếc tắc xi dừng trước một vi la đường Richaud, nơi hai bên đường có hai hàng me ướt lướt thướt.

    Em nắm tay anh lần cuối:
    - Thứ Bẩy nghen. Tám giờ sáng...

    Ngồi trong xe anh nhìn theo em đi rảo bước dưới hàng me, đẩy cánh cổng sắt vào vi la. Việc em hẹn gặp lại anh sáng Thứ Bẩy ở một nơi khác, không hẹn anh đến đây đón em, cho anh biết việc anh vào vi la này là không tiện. Và không cần thiết. Tám giờ sáng Thứ Bẩy anh chờ em ở Tiệm Phở Minh đường Pasteur.

    ° ° °

    Sàigòn 54, những tiệm Phở Bắc còn đếm được trên đầu những ngón tay của một bàn tay. Đó là mấy tiệm Phở Thịnh đường Gia Long, Phở Turc đường Turc, Phở Minh đường Pasteur và Phở 79 mới mở ở đường Frère Louis. Tiệm Phở Minh em sẽ đến với anh nằm ở đằng sau dẫy nhà mặt tiền đường Pasteur cạnh rạp Xi-nê-ma Casino. Nguyên tên của rạp là Casino de Saigòn. Ở Dakao còn một rạp Casino nữa: Casino Dakao. Cạnh rạp Casino de Saigon có một hẻm nhỏ, đi vào hẻm đó là một dẫy nhà, đa số là nhà dân Bắc Kỳ di cư từ những năm 1900-1920. Phở Minh ở trong khu nhà đó.

    Không biết Phở Minh có từ năm nào, chỉ biết khi anh vào Sàigòn năm 1951 thì Sàigòn đã có Phở Minh; anh thích ăn Phở Minh, nhất là phở gà. Vào những năm đầu thập niên 60 tại tiệm Phở Minh có trưng bầy trang trọng một bài thơ do Thi sĩ Trần Rắc đề tặng. Bài thơ được cắt thành chữ trang kim lồng trong khung kiến lớn, treo trên tường cao. Anh thật có tội với những thế hệ mai sau vì anh không nhớ được trọn 8 câu của bài thơ Đường Luật tuyệt cú này. Anh chỉ nhớ được có 4 cây đầu:

    Nổi tiếng gần xa khắp thị thành,
    Trần Minh Phở Bắc đã lừng danh.
    Chủ đề: tái, chín, nạm, gầu, sụn,
    Gia vị: hành, tiêu, ớt, mắm, chanh.

    Thi sĩ Trần Rắc là ông chủ tiệm giày Trần Rắc đường Lê Lợi, đoạn có nhiều nhà bán giầy ngay sau Dinh Gia Long. Từ cửa sau nhà ông qua tiệm Phở Minh chỉ có mấy bước. Anh từng được hân hạnh gặp gỡ ông Trần Rắc, nhưng anh biết ông mà ông không biết anh là ai. Vì anh chỉ là khách hàng của ông, một năm đôi kỳ đến tiệm giày Trần Rắc của ông để mua giày, đóng giày. Khi thấy bài thơ của ông xuất hiện trên tường nhà tiệm Phở Minh, anh rất thán phục ông với tư cách ông là Thi Sĩ. Bởi vì, anh chắc em cũng thấy, dân tộc ta có rất nhiều thi sĩ. Ở nước ta ngõ ngách nào cũng đầy nhóc thi sĩ, thi sĩ ta nhan nhản ở đầu đường, góc phố. Nhưng đó đều là những Thi Sĩ ca tụng Tình Yêu. Số thi sĩ ca tụng Tình Yêu thì ta có rất nhiều xong số thi sĩ ca tụng Phở thì ta lại có rất ít. Nhà thơ Trần Rắc là một nhà thơ ca tụng Phở Bắc tuyệt vời. Trong kho tàng Thi Văn của dân tộc ta chắc có nhiều bài Thơ viết về Phở, chỉ có điều là chúng ta chưa sưu tầm đầy đủ mà thôi. Mai sau nếu có bao giờ ta có một tập Thơ về Phở, anh chắc bài Thơ Phở Bắc Trần Minh Pasteur của Thi Sĩ Trần Rắc sẽ ở trong số những bài Thơ hay nhất. Chỉ cần hai câu của ông thôi:

    Chủ đề: tái, chín, nạm, gầu, sụn,
    Gia vị: hành, tiêu, ớt, mắm, chanh...

    là đã diễn tả đầy đủ những đặc tính, đặc chất của Phở Bắc. Hai câu Thơ này thuộc loại Thơ "nhất tự thiên kim", Thơ không thừa, không thiếu một chữ. Nếu ta thêm vào một chữ, chữ đó sẽ thừa, nếu ta bớt đi một chữ, lời thơ sẽ thiếu ý. Đừng nói gì đến những thi sĩ lục lục thường tài, ngay cả đến Thi Sĩ Tản Đà là người viết nhiều nhất và có thẩm quyền nhất về Nghệ Thuật Ăn Uống và Rượu Thịt khi đứng trước hai câu Thơ của Thi Sĩ Trần Rắc viết về Phở Bắc:

    Chủ đề: tái, chín, nạm, gầu, sụn,
    Gia vị: hành, tiêu, ớt, mắm , chanh...

    chắc cũng phải ngả nón, cúi đầu.

    Vào những năm 54-64, hai ông Trần Minh Phở Bắc hẻm Casino, ông Trần Rắc Thi Sĩ kiêm chủ Tiệm Giầy Lê Lợi, đều còn sống. Hai ông những năm ấy trạc trên dưới 50 tuổi. Nay thì cả hai ông đều đã quy tiên. Anh chắc hồi sinh thời, hai ông chẳng bao giờ nghĩ rằng ba mươi năm sau, nhiều năm sau khi hai ông vĩnh biệt cõi đời, vào những năm 90, ở một góc cư xá nghèo nào đó của Sàigòn lại có một anh đàn ông mà hai ông có thể quen mặt mà không biết tên, một anh đàn ông vô danh về già ngồi hoài niệm thời hoa niên của hắn ở Sàigòn ngày xưa, hắn nhớ hai ông và trang trọng đưa hai ông vào cái gọi là "Văn Học Sử Phở".

    ° ° °

    Khi chúng ta chia tay nhau buổi tối, trời mưa, dưới hàng me ướt lướt thướt đường Richaud, em hẹn em sẽ đến với anh vào lúc 8 giờ sáng ngày Thứ Bẩy sắp tới ở tiệm Phở Minh. Việc đó chắc như bắp, chắc hơn cua gạch: sáng Thứ Bẩy trời trong, anh lại được gặp em, anh lại được hưởng Tình Yêu của em, anh lại được sống với em suốt một ngày dài. Anh dám chắc không có ông bà thầy bói nào, dù là thầy bói nổi tiếng nhất thế giới, dám nói với anh rằng sáng Thứ Bẩy tới anh sẽ không được gặp em. Nhưng em yêu ơi "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Nhân định như thử, như thử, thiên lý vị nhiên, vị nhiên...". Đó là lời than đứt ruột của quân tử Tầu khi bị thất bại trong toan tính, khi gặp chuyện bất như ý. Quân tử Tây cũng than y hệt: "L'home propose, Dieu dispose.." Ba mươi tám năm trước, anh đã không được gặp lại em trong tiệm Phở Minh cũng như anh không còn lần nào được gập lại em nữa ở bất cứ đâu trên trái đất này.

    Chiều Thứ Sáu, anh ghé vào lớp học. Không khí trong phòng học có một cái gì đó khang khác với những buổi học trước. Nhiều học viên nhìn anh bằng những ánh mắt khác lạ. Anh chẳng quen biết ai nên chẳng có ai báo động cho anh. Trước giờ học, một ông Thượng Sĩ ôm quyển sổ vào lớp điểm danh. Đây mới thật là chuyện lạ đáng kể: những buổi học trước có thấy ai điểm danh, điểm lợi gì đâu.

    Khi tên anh được gọi, anh dơ tay đáp: "Có mặt!", ông Thượng sĩ nhìn anh hơi lâu, rồi ông ghi gì đó trong quyển sổ trực. Điểm danh xong, ông ngoắc ngoắc ngón tay ra hiệu cho anh đi theo ông. Lôi thôi rồi, trong những ngày gần đây người ta đã làm cái trò điểm danh mỗi buổi học và lòi ra anh là tên vắng mặt. Ác một nỗi là trong những ngày học đầu người ta đã không làm cái trò điểm danh rắc rối này. Nếu người ta điểm danh ngay từ ngày đầu tất nhiên anh có đủ thông minh tối thiểu để biết rằng học viên không có thể cúp cua tự do và liên miên cả ba bốn ngày liền được. Hậu quả chưa biết rồi sẽ ra sao nhưng có gì thì cũng đành thôi, bây giờ có hối cũng muộn rồi...

    Anh theo ông Thượng Sĩ điểm danh lên văn phòng. Ông ngồi vào bàn còn anh vẫn đứng, vì thượng cấp chưa cho phép ngồi. Nhưng sau cùng, tuy mới tám giờ sáng ông ngáp dài mệt mỏi rồi cũng lạnh lùng bảo anh:
    - Ngồi... giấy tờ coi...

    Ông coi rồi hỏi:
    - Anh thuộc quân số Đại Đội Trọng Pháp 102 nhưng lại mang giấy giới thiệu của Phòng Năm Phân Khu Sóc Trăng về học là..sao?

    Anh cố gắng trình bày, bằng những lời dễ hiểu nhất, để ông biết về tình trạng của anh. Nhưng coi bộ ông không hiểu, và rõ ràng là ông không cần hiểu. Mặc cho anh kể lể một hồi, sau cùng ông nói:
    - Về học nhưng không đến học. Chờ gặp Đại Úy.

    Chẳng biết là phải gặp Đại Úy nào nhưng cái ông Đại Úy mà anh phải gặp đó chiều ấy không có mặt ở văn phòng. Hết giờ làm việc, Ông Thượng Sĩ điểm danh thu giấy tờ của anh rồi dắt anh xuống Phòng Tạm Giữ, giao cho một ông Thượng Sĩ khác. Đây là Tổng Hành Dinh Đệ Nhất Quân Khu. Ở đây có Phòng Tạm Giữ đàng hoàng. Anh ở đó suốt buổi tối, hút thuốc lá vặt, ăn thì nhờ anh lính đi mua cho ổ bánh mì, chai nước ngọt, ruột gan, phèo, phổi, dạ dày, lá lách anh nóng hơn bị lửa đốt. Nhưng đành chịu trận thôi. Anh hỏi chuyện và dược biết nội vụ đổ bể tùm lum như vầy:

    Số là trong nhóm gọi là Hạ Sĩ quan Tác Động Tinh Thần huynh đệ chi binh của anh từ các quân khu, phân khu, tiểu khu quân sự khắp Đệ Nhất Quân khu, tức là miền Nam, về dự Khoá Huấn Luyện không phải chỉ có anh là học viên duy nhất bỏ học, cúp cua. Còn tới ba bốn anh ham vui, chịu chơi chứ không chịu học như anh. Vì Khóa Huấn Luyện Đánh Võ Mồm được tổ chức lem nhem cho nên trong những ngày đầu chẳng ai thèm để ý đến ai. Ban tổ chức gần như không nắm được con số học viên là bao nhiêu.. Cuộc sống êm ả trôi và tất cả mọi người đều hài lòng cho đến một hôm vô phúc có một Trung Sĩ học viên cúp cua chở người yêu em gái SèGòong đi chơi Lái Thiêu bằng xe Mobylette bị xe ô tô cũng nhà binh đụng lăn đùng, ngaã ngửa ở giữa đường. Chàng Trung Sĩ đào huê này chết ngay tại chỗ hay là ôm đầu máu vào nhà thương Cộng hòa rồi trở về đơn vị "lãnh củ" thì những người kể chuyện lại cho anh không được biết rõ, điều biết rõ nhất là Quân Cảnh đến nơi xẩy ra tai nạn xem giấy tờ của đương sự, thấy đương sự là học viên Khóa Huấn Luyện chi đây ở Phòng Năm Đệ Nhất Quân Khu, bèn báo tin về Tổng Hành Dinh Đệ Nhất Quân Khu. Các vị cấp trên ở cái Tổng Hành Dinh này bèn đánh xuống cấp giữa, cấp giữa nện xuống cấp dưới. Và thế là người ta điểm danh những anh học viên, anh nào vắng mặt bị ghi tên, và khi những anh lính ham chơi này xạo xạo sập sí sập ngầu vác mặt vào lớp mập mờ đánh lận con đen đều bị tóm cổ, lôi ra, đuổi về đơn vị.

    Chuyện rắc rối chỉ có vậy thôi. Với anh thì cũng chẳng có gì quan trọng lắm. Chỉ có điều sui tận mạng cho anh là anh lại dẫn xác vào lớp học ngay buổi chiều ngày Thứ Sáu, và ông Đại Uý phụ trách việc đuổi học viên cúp cua lại vắng mặt ở nhiệm sở suốt buổi chiều. Ông chỉ ra lệnh cho thuộc cấp là..".. tên nào cúp cua tới thì giữ nó lại gặp tôi." Chỉ có thế thôi và thuộc cấp của ông đã thi hành lệnh đúng từng chữ một, quan Tây gọi việc "đúng từng chữ" này là "à la lettre..". Và thế là anh bị giữ lại đêm Thứ Sáu trong Tổng Hành Dinh Đệ Nhất quân Khu. Lỉnh kỉnh mãi đến 10 giờ sáng thứ Bảy anh mới cầm lại được giấy tờ và cái lệnh Đuổi Về Đơn Vị.
    Về thì về, chết thằng Tây nào đâu mà sợ. Với anh thì việc học hết khóa huấn luyện, thi và đậu Major, tức là Thủ Khoa, hay trở về Sóc Trăng cũng chẳng "ảnh hưởng gì đến tình hình chính trị thế giới". Chỉ có điều là anh không đến được Phở Minh sáng Thứ Bẩy với em. Anh yêu và em sẵn sàng, em tự nguyện, em trìu mến, em vui vẻ, em rộng rãi cho anh yêu em, nhưng số anh là số con rệp, với tất cả những điều kiện tối ưu như vậy anh cũng chẳng bao giờ còn được Hưởng Tình Yêu của em nữa.

    Bốn giờ chiều Thứ Bẩy, anh vọt đến vi la đường Richaud xanh mướt lá me tìm em. Khi anh đến, ở ngay cổng sắt có một em người làm đang đứng nhìn vẩn vơ ra đường. Em Tiểu Siêu này cũng trạc tuổi em. Em có cái vẻ lẳng lơ rất đĩ. Khi anh nói:
    - Cho tôi hỏi cô Êlen..

    Em Sến không nói với anh nửa lời, em chỉ tay cho anh vào nhà, ngụ ý dzô trỏng mà hỏi. Anh đi lên thềm vi la. Từ đó nhìn qua cửa vào phòng khách, anh thấy có hai ông Tây đang nói chuyện với nhau. Thấy anh đứng xớ rớ ở cửa, ông Tây Chủ Nhà bước ra.

    Ông Tây trạc năm mươi tuổi, người nhỏ nhắn, mặt mũi vui vẻ. Năm nay anh sáu mươi tuổi, anh thấy những người năm mươi còn rất trẻ, xong năm đó anh mới hai mươi tuổi, anh thấy những người năm mươi tuổi đã là già. Ông Tây Chủ Nhà rất hóm và nhanh trí. Khi thấy anh "lắp véc" hỏi ông :
    - Je demande à parler à Mademoiselle Hélène...

    Thấy anh bận đồ mi-li-te kaki, ông cười tủm và nói:
    - Il n'y a pas de mademoiselle Hélène ici. Vous allez vous faire parachuter ailleur, monsieur le militaire..!

    Trong khi ông Tây Đàn Anh vẫn lịch sự, vui vẻ, hoà nhã, hóm hỉnh, văn minh thì anh bị quê, anh quay ngoắt đi ra. Buổi chiều đó là một chiều Tháng Sáu, và buổi chiều nay khi anh ngồi viết những dòng này, cũng là một chiều Tháng Sau. Nhưng chiều Tháng Sáu đó là Tháng Sáu năm 1954, nhưng chiều Tháng Sáu này là Tháng Sáu năm1992, đã 38 năm trôi qua cuộc đời chúng ta. Những hàng me đường Richaud đã qua 38 mùa lá rụng, anh vẫn còn nhớ rõ nét mặt hóm hỉnh của ông Tây Chủ Vi-la Richaud và nguyên văn lời ông nói: "Không có cô Hélène ở đây. Anh đi nhẩy dù chỗ khác, anh quân nhân...!".

    ° ° °

    Từ đó em ra khỏi đời anh, từ đó anh không còn lần nào được gặp em nữa. Mãi đến hai, ba năm sau, một buổi chiều - cũng vào một buổi chiều - anh tình cờ gặp Marta bạn em cũng trên vỉa hè đường Tự Do - đường Catinat năm 54 nay đã thành đường Tự Do - anh chặn Marta lại:
    - Mácta... Nhớ tôi không?

    Marta nhìn anh nhưng nàng chỉ thấy anh quen quen, anh nói tiếp ngay:
    - Năm 54 Mácta đi Bạc Liêu với Êlen và chị Luyxi... Bọn mình gập nhau giữa đường. Êlen rủ tôi đi sang Băỉc Liêu...Mình gập nhau ở chỗ kẹt xe vì mìn nổ ở Phụng Hiệp đó. Năm ấy tôi ở lính. Nhớ không?

    Marta cười:
    - Nhớ ...Nhớ rồi...

    Anh - rất bất lịch sự - hỏi ngay về em:
    - Mácta cho tôi biết hồi này Êlen ra sao?? Nó ở đâu?

    Nàng nói:
    - Nó sang Pháp rồi...

    Anh đứng ngẩn người. Mácta nói tiếp:

    - Nó lấy chồng Tây. Chồng nó đưa nó về Pháp ...
    - Lâu chưa? Anh hỏi.

    - Cuối năm 55 đầu năm 56 chi đó...
    - Có lần tôi đến tìm Êlen ở cái vi la đường Richaud. Êlen bảo tôi nó ở đó nhưng khi tôi đến, gặp ông Tây chủ nhà, hỏi Êlen thì ông ấy nói không có cô Êlen nào ở đó cả...

    Marta cười:
    - Ông Tây ấy là chồng nó đó. Ổng là kỹ sư Hãng Máy bay. Ổng góa vợ, thương nó lắm. Nghe nói về Pháp nó đẻ cho ông ấy một đứa con, ổng lại càng thương dữ. Nó sướng lắm, anh mà gặp nó bây giờ thì chắc anh chết...

    Chẳng cần phải gặp em lúc này, khi em ở Paris, Nice trở về anh mới chết. Anh đã chết ngay từ buổi sáng anh gặp em trên đường Phụng Hiệp từ Cần Thơ sang Sóc Trăng đầu năm 54 mùa xuân xanh ngày xưa; ngày xưa, năm anh hai mươi tuổi. Nếu chết là như thế thì anh muốn được chết đi, chết lại cả triệu lần. Trong ánh sáng và bóng tối mờ ảo của căn phòng ngủ trong hàng ăn đường Jaccaréo chiều mưa mùa thu năm 54, khi anh chết lịm trên bộ ngực tròn nây của em, trên da thịt ngà mịn của em, trong vòng tay ôm chặt của em, anh nghe tiếng em hỏi trong tiếng em thở:
    - Nhớ em không?

    Anh không biết em có nhớ anh không, anh chỉ biết là anh nhớ em. Anh nhớ ánh nắng vàng buổi sáng năm xưa trên đường Phụng Hiệp - Sóc Trăng, nhớ làn sương mồ hôi ẩm mịn trên lưng áo em, trên ót em khi anh đưa em từ chỗ chiếc Thiết Vận Xa trúng mìn chạy về. Anh nhớ hình ảnh của anh: chàng Trung sĩ Bắc Kỳ hai mươi tuổi, bận áo thung ba lỗ, quần kaki, đi giép, ngồi viết tiểu thuyết ba xu trong căn nhà vách tôn, mái tôn của Đại Đội Trọng Pháo 102 ở cạnh sân bay Sóc Trăng, sân bay không có hàng rào, không cần có lính gác cả ngày lẫn đêm, khi chú lính vào cho biết .." Có bà dzợ ông ở SèGòong xuống kiếm...". Anh nhớ em áo bà ba, quần sa teng trắng, tay cầm cái khăn mùi-soa trong có mấy chục bạc, ngồi bên anh trong chiếc xe lôi bon bon về Nhà Băng-ga-lô Sóc Trăng. Gió lồng lộng thổi nhưng anh vẫn ngửi thấy đậm hương da thịt em bên anh trên chiếc xe lôi thời hoa niên, khi anh hai mươi tuổi, anh chưa biết đau thương, chưa biết nợ nần, đời anh chỉ có hoa và mật ngọt, và da thịt thơm mùi phấn ái ân.. Anh nhớ tiếng người đàn bà vang lên sau lưng anh trên lối vào Nhà Xi-Nê Eden một chiều nào xanh xưa:
    - Đi một mình hay đi với ai đây?

    Anh không biết năm nay em bao nhiêu tuổi, anh chỉ biết ba mươi tám năm trước em hai mươi tuổi. Em đừng buồn khi anh nói câu này: năm nay dù ở tuổi nào, em vẫn đẹp, vẫn đa tình, vẫn quyến rũ, vẫn gợi cảm, da thịt em vẫn nây tròn, vẫn thơm hồng, như lan, như sen, như quế; bọn đàn ông vẫn chết mê, chết mệt vì em. Xong dù gì đi nữa em cũng chẳng thể nào bằng được em năm em hai mươi tuổi. Nhưng em đừng lo. Vì trong tim anh, trong trí nhớ của anh, em vẫn mãi mãi là Helene Hai Mươi Tuổi. Em không già đi, em không thay đổi. Thời gian tàn phá tất cả, nhưng thời gian vô hiệu trước hình ảnh huyền diệu, tươi mát của em trong ký ức, trong tim anh.

    Chú học trò nhỏ trường Tự Đức ở tỉnh lỵ Hà Đông ngồi mở trang sách vẽ hình đám ma Bà Sơ ở thị trấn Sóc Trăng xa vời, anh chàng Trung Sĩ bất đắc dĩ cô đơn trên con đường quận Phụng Hiệp, người thiếu nữ Sóc Trăng thơm mát trong căn phòng Băng-ga-lô 14, người đàn ông tóc bạc trắng ở tù trở về mái nhà xưa, ngồi hoài niệm hoa niên, lọc cọc gõ máy chữ bằng Mê-tót Đơ Đoa ghi lại những gì đã qua.. Đến tuổi này anh mới thấy:

    Năm nay mái tóc không xanh nữa,
    Tôi đã đau thương, đã nợ nần...

    "Đau thương" chưa chắc đã đúng. Cho đến lúc này đời anh thực chẳng có gì đáng gọi là "đau thương". Anh đã yêu thương, anh đã được yêu thương, anh đã nợ nần mới đúng. Anh quý trọng những gì anh đã được hưởng, anh cám ơn những người đã ban ơn cho anh, như em...

    Khi đôi ta có duyên với nhau, đôi ta gặp nhau. Khi đôi ta hết duyên với nhau, dù cùng sống trong lòng thành phố Sàigòn, anh chẳng lần nào còn được gặp em. Anh gặp người đàn bà khác, anh gặp Tình Yêu và anh có Tình Yêu, anh có hạnh phúc. Nhưng anh vẫn nhớ em. Em là một hình ảnh đẹp trong thời hoa niên của anh. Anh còn muốn viết nhiều nữa về em, về cuộc tình của đôi ta, về Tình Yêu nói chung. Xong như người xưa đã nói:"Tống quân thiên lý, tất hữu nhất biệt...". Tiễn đưa nhau ngàn dặm rồi cũng có lúc phải rời xa nhau. Anh mượn ý bài thơ "Love and Age" của thi sĩ Thomas Peacock để tạm kết cuộc hoài niệm về Tình Yêu của Em và Anh.

    LOVE and AGE

    I play'd with you 'mid cowlips blowing,
    When I was six and you were four,
    When garlands weawing, flower-balls throwing,
    Were pleasures soon to please no more
    Through groves and meads o'er grass and heather,
    With little playmates, to and fro,
    We wander'd hand in hand together,
    But that was sixty years ago.

    You grew a lovely roseate maiden,
    And still our early love was strong,
    Still with no care our days are laden,
    They glided joyously along,
    And I did love you very dearly,
    How dearly words want power to show,
    I thought your heart was touch"d as nearly,
    But that was fifty years ago.

    Then other lovers came around you,
    Your beauty grew from year to year,
    And many a splendid circle found you
    The centre of its glittering sphere,
    I saw you then, first vous forsaking
    On rank and wealth your hand bestow
    O then Ithought my heart was breaking...!
    But that was forty years ago.

    And I lived on, to wed another:
    No cause she gave me to repine.
    And when I heard you were a mother,
    I did not wish the children mine.
    My own young flock, in fair progression,
    Made up a pleasant Christmas row:
    My joy in them is past expression,
    But that was thirty years ago.

    You grew a matron plump and comely,
    You dwelt in fashion's brightest blaze,
    My earthly lot was more homely,
    But I too had my festal days.
    No merrier eyes have ever glisten'd
    Around the hearth-stone's wintry glow,
    Than when my youngest child was christen's,
    But that was twenty years ago.

    Time pass'd. My eldest girl was married,
    And I am now a grand sire gray,
    One pet of four years old I've carried
    Among the wild-flower'd meads to play
    In our old fields of childish pleasure
    Where now, as then, the cowlips blow.
    She fills her basket's ample measure,
    And that is not ten years ago.

    But though first love's impassion's blindness
    Has pass'd first love's impassion'd blindness
    Has pass'd away in colder light,
    I still have thought of you with kindness
    And shall do, till our last goodnight.
    The ever-rolling silent hours
    Will bring a time we shall not know,
    When our young days of gathering flowers
    Will be a hundred years ago.

    Thomas Love Peacock
    1785-1866

    Mùa Xuân, mùa Hạ, mùa Thu, mùa Đông năm 1989, cuộc đời đưa đẩy anh đến sống trong Trại Lao Động Cải Tạo Z 30A dưới chân núi Chứa Chan. Nơi này có những ngọn đồi cỏ mượt trong mùa mưa, có những cánh rừng bạch đàn rì rào trong gió thu. Con anh đem đến đó cho anh tập The Oxford Book or English Verse. Trong tập này có 967 bài thơ. Ở chân núi Chứa Chan, trong tiếng lá bạch đàn rì rào, anh dịch được hơn 50 bài thơ trong tập này ra thơ Việt. Trong số có bài Love and Age trên đây. Bài thơ làm cho anh cảm động dù đời anh không có mối tình nào giống hệt như mối tình của Thomas Love Peacock, người thơ đã sống, đã yêu, đã chết trước anh hơn 100 năm. Bài thơ cũng không hoàn toàn đúng với cuộc tình Sóc Trăng Mùa Hạ 54 của anh, anh chỉ mượn nó để ca tụng Tình Yêu. Tình Yêu không bao giờ chết, Tình Yêu không thể nào chết. Chừng nào trái đất còn Loài Người thì vẫn còn có Tình Yêu.

    Em và anh, đôi ta đã trong một buổi sáng nào đó gặp nhau, yêu nhau trên con đường Cần Thơ - Phụng Hiệp - Sóc Trăng vàng nắng; sau chúng ta có cả triệu cặp tình nhân trẻ tuổi, da thịt măng non, mật ngọt sẽ gặp nhau, sẽ yêu nhau trên con đường vàng nắng Cần Thơ - Phụng Hiệp - Sóc Trăng... Mãi mãi như thế.. Vĩnh biệt Hélène... Em hãy đọc những lời anh nói riêng với em trong bài thơ:

    TÌNH và TUỔI

    Anh với Em, trong vườn tầm xuân
    Khi Anh lên sáu, Em lên bốn
    Ta kết hoa trong lá xanh ngần,
    Dưới vòm hoa, Anh tìm, Em trốn,
    Với các bạn, ta đi, tay trong tay
    Như đôi chim non trên cành lá mượt
    Chuyện đôi ta đó, sáu mươi năm trước.

    Rồi Em lớn, đôi má hồng tươi mướt,
    Chúng ta yêu nhau, trong tuổi dậy thì
    Những đường mơ, lối mộng chúng ta đi,
    Ngày với tháng qua, chúng ta không biết
    Anh chỉ biết Anh yêu Em tha thiết,
    Không có lời Anh nói hết Tình Anh
    Và trái tim Em, Anh biết, băng trinh
    Em cũng như Anh, yêu nhau trên hết.
    Đó là chuyện của năm mươi năm trước.

    Rồi quanh Em có những người yêu khác,
    Mỗi năm hơn Em đẹp gấp trăm lần.
    Quanh đời Em rực rỡ những mùa xuân.
    Em tâm điểm của vầng hào quang ấy.
    Rồi Em bắt đầu, Anh buồn nhận thấy
    Tính chuyện sang hèn, tính chuyện giầu nghèo...
    Ôi - Trái tim Anh vỡ nát vì yêu
    Đó là chuyện của bốn mươi năm trước.

    Rồi Anh vẫn sống, Anh lấy người khác,
    Nàng không làm Anh phải tủi, phải buồn.
    Rồi Anh nghe tin Em đã có con,
    Chúng ta cùng năm trở thành bố mẹ.
    Cuộc đời trôi đi, êm đềm như thế,
    Anh vui vợ con, mái ấm gia đình,
    Những ngày đón xuân, những đêm Giáng Sinh...
    Đó là chuyện của ba mươi năm trước.

    Em trở thành bà, sang đẹp, nõn nà
    Trong nhung lụa, phấn son, vàng với ngọc
    Anh sống bình thường, đời không gấm vóc,
    Những ngày vui thanh thản, những đêm đông,
    Với vợ con bên lò sưởi đỏ hồng
    Dậy con học, đưa đón con đi học
    Đó là chuyện của hai mươi năm trước.

    Rồi Anh già đi, tóc râu Anh bạc,
    Rồi các con Anh cưới vợ, lấy chồng,
    Cháu Anh ra đời, Anh đã thành Ông,
    Dắt cháu đi chơi trên những cánh đồng
    Trong vườn cỏ mượt, nơi ta ngày xưa
    Hái hoa tầm xuân, khi ta còn thơ
    Hoa tầm xuân xưa nở mượt bây giờ
    Đó không là chuyện mười năm về trước

    Dù cho Tình Đầu, qua năm, qua tháng
    Có nhạt phai đi với niềm cay đắng
    Anh vẫn mến Em, Anh vẫn nhớ Em,
    Nhớ Em cả phút cuối cùng im vắng
    Khi Thời Gian đưa chúng ta vào quên
    Vào cuộc sống chưa bao giờ biết đến
    Khi ta hái hoa ngày xưa hoa niên
    Đó sẽ là chuyện trăm năm về trước.

    Hoàng Hải Thủy
    Last edited by KiwiTeTua; 12-22-2020, 10:43 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X