Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hương Xuân Man Mác Đó Đây

Collapse
X

Hương Xuân Man Mác Đó Đây

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hương Xuân Man Mác Đó Đây

    Hương Xuân man mác đó đây

    “ Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái Tết
    Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa Xuân “
    Chu Kim Long

    Tiếng bà xã tôi gọi từ chiếc xe gỗ được đóng để làm khung cho cái bếp ga lưu động trong khu vườn sau nhà, trong lúc tôi đang tháo gỡ miếng nylon che những chậu bông kiểng cho qua những đêm Đông buốt giá, chờ đón Xuân sang.
    - Điện thoại trong nhà reo kìa, anh vô coi xem ai gọi. Em đang bận chiên mấy con cá, anh coi có phải điện thoại của bịnh viện hay của anh hai em không?
    - Ờ, để anh sắp xếp lại mấy chậu bông này đã – tôi nói.
    - Anh vô ngay đi, ai đó đã gọi đi gọi lại hai ba lần rồi – cô nàng thúc dục tôi.
    - Chắc lại quảng cáo chứ gì – nói vậy, nhưng tôi cũng bỏ ngang công việc vườn tược, rảo bước chân đi vào nhà.
    Mấy năm nay, ông thân sinh “nhà tôi” ngày một yếu dần bởi chứng bịnh tiểu đường. Ở tuổi gần chín mươi, căn bịnh lại không chỉ quan yếu đến thận mà còn liên hệ và tác hại đến mắt, phổi, tim, gan. Những năm gần đây, cơ thể ông không sản sinh chất Insulin để điều hòa đường lượng được nữa, nên ông cụ phải đo đường lượng và chích Insulin năm lần một ngày. Căn cứ vào mức đường lượng khi đo mà chích Insulin theo bản hướng dẫn của bác sĩ. Có lẽ trước đây là y tá trong ngành Quân y, qúa quen thuộc với kim chích, nên ông chích “rất chuyên nghiệp”. Tôi là người nhát chích choác, nên mỗi khi sang thăm, thấy ông một tay kéo làn da gần cái rốn lên, một tay lụi cái kim tự chích lấy, tôi phải ngoảnh mặt đi nơi khác. Nhưng ông cụ cứ tỉnh bơ, sau khi chích còn cười hà hà, nói: Đời chỉ thế mà thôi.
    Hình như đức tin tôn giáo và tuổi đời làm ông không cảm thấy sợ cái chết nữa, tôi chưa bao giờ nghe thấy ông than thở về cái bịnh tật ông đang mắc phải. Đã mấy lần ông bị xỉu, phải gọi 911 cấp cứu vì đường lượng xuống bất thường dưới 70. Các con cái thì ở các thành phố hơi xa, chỉ có chúng tôi là tương đối ở gần khu chung cư – khoảng mười phút lái xe, nếu không bị ngừng lại vì đèn xanh đèn đỏ hoặc kẹt xe. Do đó, “nhà tôi” thường lo lắng mỗi khi nghe tiếng chuông điện thọai reo.
    Tôi thường nói cho vui với bà mẹ vợ rằng: Bây giờ bà ngọai là nữ điều dưỡng viên đó, ngoài việc theo dõi đường lượng, chích và uống thuốc, ông ngọai còn cần những thức ăn thích hợp mà bác sĩ đã hướng dẫn. Cố giảm bớt tối đa mắm muối, mỡ và đường nghe bà ngọai. Khi cần cấp cứu khẩn cấp, bấm 911 ngay, rồi hãy gọi cho con cháu sau.
    - Ừ, mẹ cũng biết như vậy, từ sáng đến tối, đêm ngủ cũng không an tâm, lâu lâu lại thức giấc nghe ngóng xem bố còn thở bình thường không, lo cho bố còn bận và mệt hơn trông coi con nít. Nhưng Chúa ban cho mẹ còn sức khoẻ, mẹ còn lo được. Hơn nữa bà con lối xóm Việt Nam ở đây thương yêu bố mẹ lắm, mẹ chỉ ới một tiếng là các ông bà chạy đến giúp ngay, ai cũng có lòng – bà mẹ vợ tôi nói.
    Nhưng, “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Mấy tháng nay, sau những những tháng ngày đại dịch Cô Vít 19 hoành hành, tình trạng sức khỏe của thân sinh và thân mẫu “nhà tôi” cùng suy yếu trầm trọng. Với những năm tháng mang bịnh tiểu đường trầm kha, được các bác sỹ tận tình theo dõi và trị liệu. Nhưng với tuổi đời sấp sỉ chín mươi nên theo đề nghị của bác sỹ, bố vợ tôi đã được chuyển vào “Long term care center” để thuận tiện cho việc trị liệu. Vì vậy vợ chồng người anh vợ tôi muốn đón mẹ về ở với anh chị cho thuận tiện việc săn sóc. Nhưng bà mẹ vợ tôi lại muốn lấn ná ở lại để thuận tiện cho việc thăm nom và hy vọng bố vợ tôi sẽ được xuất viện về lại nhà, mặc dù các con cháu đã giải thích cho bà về thảm trạng đại dịch cô vít 19 còn kéo dài, và không hy vọng sẽ chận đứng được trong một vài tháng.
    Gia đình anh vợ tôi đang sinh sống ở miền Oakland, nên chỉ có gia đình tôi tương đối ở gần và chạy qua chạy lại thăm nom bà thường xuyên. Cách đây hơn hai tháng – thứ bảy, khoảng tám giờ sáng, tôi lái xe chở “nhà tôi” đem hủ tíu sang cho bà, gõ cửa mãi không có tiếng trả lời, “nhà tôi” hoảng hồn, chạy ra bãi đậu xe kêu tôi lấy chìa khóa mở cửa. Khi vừa bước vào nhà, chúng tôi thấy bà đang nằm bất động trên sàn nhà bếp, miệng còn mấp máy, ú ớ. Qua số 911, xe cấp cứu đã tới ngay trong chốc lát. Sau những chẩn đoán và những động tác cấp cứu nhất thời, chiếc xe đã đưa bà mẹ vợ tôi tới bịnh viện khi hàng xóm láng giềng còn đang ngủ nướng trong buổi sáng ngày cuối tuần. Trước khi xe lăn bánh, cô y tá cho biết bà mẹ vợ tôi bị đột quỵ nặng nhưng vẫn còn hy vọng sống sót. Từ đó “nhà tôi” càng cảm thấy bất an mỗi khi nghe tiếng điện thoại reo.
    Năm hết tết đến, đại dịch Cô Vít 19 đang hoành hành, mà cả hai ông bà - bố mẹ vợ tôi đều đang nằm trong bịnh viện khiến “nhà tôi” lo lắng, không còn tha thiết với không khí đón chào Xuân mới như những năm tháng trước đây.
    Tình yêu thương là lẽ thường tình phải có giữa con người với con người, huống chi là người Việt Nam vốn đong đầy tình nghĩa và lại là con cái ruột thịt. Những lúc yếu đau ai cũng cần sự chăm sóc và những lời an ủi trọn tình hiếu nghĩa. Nên tôi hiểu được sự lo lắng của “nhà tôi”, nhất là khi có tiếng điện thoại reo nhiều lần và mùa Xuân lại sắp về, Tết Nguyên đán đang cận kề – ai mà không ước muốn gia đình được an vui, hạnh phúc, đặc biệt trong những ngày tháng giáp năm, chuẩn bị đón mừng năm mới.

    Tôi bước đến bàn máy điện toán - hai cái điện thọai: một để bàn, một cái là điện thoại cầm tay, cả hai đều có một hai cái “ Missed Call “. Nhưng không phải của bên ông bà ngoại hoặc của bịnh viện mà của người bạn cựu tù năm xưa của tôi. Tôi bước ra sân sau nói cho “nhà tôi “biết để cô nàng an tâm.
    - Cám ơn “ông già”. Tết nhất đến nơi rồi, chắc các ông cựu tù lại muốn anh đến họp mặt chứ gì. Đại dịch thế này, làm sao các anh có thể đến với nhau được. Anh gọi lại cho bạn anh đi, vậy là ông ấy đã gọi cho anh mấy lần rồi đó.
    - Ờ, sắp xếp xong mấy chậu kiểng rồi anh sẽ gọi ngay – tôi trả lời nàng.
    Tôi trở vào nhà sau khi làm xong mấy việc lặt vặt trong khu vườn sau nhà. Những cây ăn trái, những chậu kiểng, hồ cá....là một trong những thú tiêu khiển từ ngày tôi về hưu. Thời gian cắt tỉa, trồng trọt...nhìn cây đâm chồi nẩy lộc và những cây trái chín vàng trên cành.....hoặc nhặt và quyét dọn những chiếc lá vàng rơi...rồi che chắn khi mùa Đông tới – tất cả đã làm cho tâm hồn tôi thêm thư dãn và thanh thản. Tôi thường nói đùa với “nhà tôi”: Đây là khu vườn kỳ hoa dị thảo, được gọi là kỳ cục gia trang của lão gia. Nghe tôi nói, cô nàng chỉ mỉm cười, đáp lại: Thì có ai chê bai vườn của ông đâu...gọi là gì cũng được, miễn là ông cảm thấy vui thú là hạnh phúc, là tốt rồi....
    Bấm nhẹ vào nút “ Missed “, tôi gọi lại và hỏi thăm người bạn tù năm xưa.
    - Thanh hả? có gì lạ không? Còn đi làm hay nghỉ rồi? Gia đình an vui cả chứ?
    - Không có gì lạ cả, tôi vẫn đi làm dù đã qúa tuổi hưu, còn khoẻ mạnh, nhà trường lại cần, con cái cũng lớn hết rồi nên tôi vẫn đi làm cho khuây khỏa, hơn nữa công việc cũng nhàn hạ. Ông đi đâu mà tôi gọi hoài không gặp – Thanh nói.
    - Ờ, thì cũng loanh quanh với nhà cửa vườn tược thôi. Cô vít, cô nương đang làm thiên hạ dở sống dở chết. Còn sống là may rồi, đi đâu bây giờ, tôi đang bắt chước thiên hạ “cấm túc” tại gia. Không gặp, cứ để lại lời nhắn, tôi sẽ gọi lại – tôi trả lời Thanh, rồi Thanh nói:
    - Năm ngoái mấy anh em mình đề nghị họp và ăn tất niên cũng như chúc tuổi năm mới tại nhà tôi. Nhưng đang đại dịch thế này thì bọn mình có nên gác lại chuyện họp mặt không? Thanh hỏi tôi.
    - Tình thế này, còn ai nghĩ đến họp hành chè chén nữa. Các tiểu bang đều yêu cầu người dân mang khẩu trang, giữ khoảng cách nơi công cộng và cấm túc tại gia. Tôi nghĩ Thanh đại diện gọi điện thoại hay gởi email chúc tuổi, chúc tết anh em và thông báo tạm thời hủy bỏ chương trình họp mặt cuối năm vì nạn đại dịch – tôi trả lời Thanh.
    - Đúng thế, tôi cũng nghĩ như ông. Nhưng tôi muốn hỏi ý kiến ông trước khi gọi cho các anh em khác, ông văn võ song hành mà – Thanh cười, chọc quê tôi và nói vài ba câu chúc tuổi, rồi nói: Tôi sẽ gọi cho mấy anh em ngay bây giờ. Năm tới hết Cô Vít bọn mình sẽ gặp nhau. Thôi chào ông nhé.
    Thanh là một bạn cựu tù rất nhiệt tình trong đoàn “ 500 thằng tù lười “ chúng tôi, cái tên mà gã thủ trưởng trại tù Cây Cày A - Năm Quân gọi để miệt thị anh em chúng tôi. Nhưng chúng tôi lại hãnh diện sống và lao động đúng như cái tên hắn gọi.
    Thời gian lao động khổ sai trong tù đã là những sợi dây vô hình nối kết anh em cựu tù chúng tôi qua điện thoại, qua email và những lần họp mặt. Mặc dù kẻ ở nơi này, anh ở nơi kia, và có nhiều anh cựu tù còn bận rộn đưa rước cháu nội cháu ngoại đi học, cũng như chăm sóc cháu giúp cho các con còn đang bận rộn ở sở làm mỗi ngày. Nhưng “tình tù” sớm tối khổ cực bên nhau. Nên ai nấy vẫn thu xếp việc nhà để gặp lại nhau mỗi khi chúng tôi có cơ hội.
    Từ ngày gặp lại nhau trên đất lạ quê người, những cú điện thoại nhắc nhở anh em cựu tù họp mặt đón Xuân của những người bạn tù mỗi năm, cũng như tin tức các sinh hoạt sửa soạn mừng Xuân đó đây của các hội đoàn, của các cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng Sản tại hải ngoại xưa nay, vẫn làm tôi nhớ đến đêm giao thừa đón Xuân tại trại tù Bàu Cỏ, Tây Ninh, miền biên giới Việt Campuchia năm 1979. Dù năm nay – Xuân Tân Sửu 2021, mỗi gia đình người Việt cũng như những anh em cựu tù chúng tôi đều đón Xuân riêng lẻ tại gia, cùng với những lời cầu nguyện và tưởng nhớ đến “người còn người mất” vì nạn đại dịch Cô Vít 19.

    Trại tù Bàu Cỏ - Tây Ninh đặt dưới sự cai quản của Công an Việt Cộng, trực thuộc bộ Nội vụ. Theo qui định của trại, ngày thứ bảy và Chúa nhật được nghỉ lao động, ngoại trừ đội trực - ngày thứ bảy phải đi vào các bìa rừng vác những cây khô về làm củi cho nhà bếp. Nhưng ngày cuối cùng của năm Mậu Ngọ 1978 lại trùng vào ngày thứ bảy của tháng một dương lịch năm 1979. Nên trại cho các đội tù được nghỉ để “ăn Tết, đón Xuân Kỷ Mùi 1979”, dù rằng thực đơn ăn Tết chỉ khác ngày thường một chút là được ba chén cơm nhỏ, một tô canh bí Rợ bơi trong nước và hai ba miếng thịt heo lớn bằng hai đốt ngón tay, thay cho bo bo, củ mì đã chạy chỉ. Đã mấy năm sống quanh quẩn trong những khu rừng biên giới Việt Cămpuchia, chúng tôi chưa bao giờ nghe được những tiếng pháo mừng Xuân đón Tết của đồng bào sống gần các trại tù, ngoại trừ một vài tràng đạn lẻ tẻ của một viên công an hay bộ đội bắn ai đó hoặc bắn lên trời để đón chào năm mới.
    Trước tuần lễ sau cùng cuối năm, một số anh em tù có thân nhân thăm nuôi tiếp tế đã được gọi ra khu thăm nuôi từ lúc 10 giờ sáng. Chiều cuối năm, các anh đi lên đi xuống các khu bếp biệt lập của các đội “hình sự”, “phản động” hay “cải tạo” để hâm nóng lại những món ăn mà gia đình vừa tiếp tế. Những ngày thường cũng như những ngày cuối năm, nội quy cũng như những sinh hoạt của các đội tù “hình sự” và “phản động” nằm bên phía trái trại tù, khác biệt hoàn toàn với các đội tù “cải tạo” cư ngụ ở bên phía tay phải của cổng trại tù. Các dãy nhà của hai khối tù cách nhau bởi một cái sân rộng hàng trăm mét.
    Để tìm quên sự thương nhớ gia đình khi phải sống xa nhà trong ngày tết: Hàng chục anh em “tù cải tạo” tụ lại bên những bàn cờ tướng, bàn tính nước cờ cao thấp. Và từng nhóm nhỏ khác nhau, ngồi trên các cái ghế thấp ở ngoài hành lang của những lán ngủ, hoặc ngồi trên tấm bạt Nylon xanh bên trong lán ngủ với những lon Guigoz đựng nước trà nóng hay nước rễ Cỏ Tranh, hoặc rễ cây Chùm bao bên cái điếu cày, tâm sự và nhắc nhớ chuyện xưa. Khác với các đội tù “hình sự” hay “phản động”, những anh em thuộc các đội “tù cải tạo” còn tự chế được các bàn Mạt chược “chồm hổm” – gọi là “bàn Mạt chược chồm hổm” vì bàn xoa là một tấm ván vuông được phủ bởi một cái mền mỏng, kê trên một cái thùng gỗ cao hơn mặt đất khoảng hai ba tấc, và những “tay xoa” ngồi chồm hổm trên những cái ghế nhỏ thấp lè tè so với mặt đất – loại ghế đóng bằng hai miếng gỗ ngắn, dầy, làm chân cho miếng ván hơi mỏng để ngồi. Những bàn cờ tướng, quân cờ hay mạt chược đã được những anh em khéo tay khắc bằng gỗ rất mỹ thuật. Cũng có những anh đã từng là nhạc sĩ, nhạc công, và các anh trong các tổ cưa đã tự chế được những cây sáo, cây Guitar hình số 8 rất giống cây đàn mua ở tiệm. Với các dây Son được quay cuốn bằng sợi dây đồng nhỏ bao quanh một sợi dây nhỏ của dây truyền tin, và chính những sợi dây nhỏ xíu trong dây truyền tin này cũng được dùng để chế biến, làm thành những dây khác của cây đàn Guitar. Các anh “nhạc sĩ tù” ngồi trên những cái ghế “thấp lè tè”, độc tấu những bản cổ điển, tân nhạc và bán cổ điển, diễn tả những chuyện tình bi thương và xa cách của người lữ khách, của cảnh ly biệt và những chuyện tình lãng mạn mộng mơ. Những anh em tù không có sở thích riêng thì ngủ vùi để tìm quên ngày tết xa nhà, thương nhớ vợ con và gia đình. Những giấc ngủ vùi cả ngày đầu mùa Xuân như kéo dài thêm bầu không khí trầm mặc, hoang vắng trong trại tù, giống như giấc ngủ của những chú ve Sầu vào mùa Đông trong các cánh rừng bạt ngàn. Không khí ngày Xuân, ngày tết trong trại tù thật ảm đạm, thê lương và trầm buồn, không khác gì như những nỗi u buồn sầu kín, cô quạnh của các tang gia có người thân đã “ra đi” lặng lẽ, cô đơn và âm thầm trong những ngày tháng đại dịch Cô Vít 19 hiện nay.
    Để quên không khí u buồn của ngày tết trong lao tù, tôi đã ra sân đánh bóng chuyền với một số anh em. Chúng tôi chia thành từng đội, thay nhau giao đấu suốt sáng chiều ngày thứ bảy cuối năm. Trời chiều núi rừng miền biên giới đã nhá nhem tối, những môn chơi trốn Tết quên Xuân ngoài sân trại tù chấm dứt. Tôi và một số anh em đi tắm, ăn khúc khoai mì, rồi ngồi họp đội họp tổ. Mới khoảng gần tám giờ tối mà bóng đêm của miền núi rừng đã đến sớm hơn giờ khắc của đêm giao thừa. Bầu trời tối đen như mực, không gian trại tù thật vắng lặng.
    Cũng tương tự như đêm ba mươi tết Mậu Ngọ 1978 : Các đội tù “hình sự”, các đội tù“phản động” của trại tù Bàu Cỏ đã điểm danh và “cửa đóng then gài, xích khóa ngoài” từ bảy giờ chiều như thường lệ. Sau giờ điểm danh - những anh hay chị ở các đội tù Nam hay đội nữ này chỉ được đi lại cũng như đi tiêu tiểu trong khu vực riêng ở gian cuối của lán ngủ. Khác với các đội tù hình sự và “phản động”, những đội “tù cải tạo” sau những giờ họp tổ buổi tối, vẫn được đi vệ sinh cá nhân ở “cầu ao cá” với qui định phải xách trên tay cái đèn dầu, và phải báo cáo nếu “anh đội” trên chòi gác hỏi lý do đi lại trong đêm tối.
    Không gian và sự chật hẹp của lối đi giữa bên trong lán ngủ của các đội tù cải tạo vẫn còn những chiếc đèn dầu tù mù soi chiếu những khuôn mặt trầm tư bên những ly trà, ly rễ cỏ Tranh hoặc rễ cây Chùm Bao với những “bi” thuốc lào. Và hai hàng sạp ngủ của những dãy nhà năm gian trệt cũng như nhà lầu một tầng là những anh em nằm thao thức, nhìn lên trần nhà, cố ru giấc ngủ sớm trong đêm giao thừa, húng hắng những tiếng ho khan và những tiếng thở dài. Tôi nằm thẳng, mắt ngó lên đỉnh cái mùng, đầu óc suy nghĩ mông lung về những ngày xưa thân ái, thương cha nhớ mẹ và các em đã gian lao vất vả qua những năm tháng vượt núi rừng đi thăm nuôi, dù tôi đã tự hạn chế thăm nuôi đến mức tối đa, để giảm thiểu những chuyến thăm nuôi đầy hiểm nguy trên những con đường sống trâu, ngoằn ngoèo, lầy lội vào mùa mưa và bụi mù về mùa hè. Tâm tư xao xuyến, nằm trong mùng, suy nghĩ miên man, tôi chợt nhớ đến lời ca của bản nhạc đã được nhiều người ưa thích vào khoảng thập niên sáu mươi, lúc tôi đang học lớp đệ tứ tại trường Trung học Huỳnh Thị Ngà, Tân Định. Tôi lẩm bẩm một mình trong mùng: Que sera sera…What will be will be….Biết ra sao ngày sau....
    Trong đời lao tù, một số anh em thường nói đùa với nhau: “mấy đứa mình vẫn còn may mắn” khi sống đời quân ngũ đã lãng quên chuyện lập gia đình, bị “ế vợ, gái chê”. Do đó, không nặng nợ thê nhi nên khi phải ở tù tinh thần cũng đỡ căng thẳng, bớt đau khổ và lo âu. Có anh nói: Không có tình thì lỗ, mà có tình thì khổ. Hên hay sui khi mình chưa “đeo gông” hay chưa có mối tình keo sơn nào vắt vai thì đã vào tù? Rồi anh lại nói: Mỗi con tim đều có những lý lẽ riêng của nó.

    Từ một tuần trước tết, anh em tù đồn đoán thủ trưởng Mười Nhàn đã khăn gói quả mướp cùng với những bộ đồ mộc bằng gỗ Cẩm lai, Gõ, Trắc.... mỹ thuật, do các tổ mộc, tổ tiện đục đẽo lâu nay, về Bắc ăn tết.
    Chín giờ tối thủ phó Tư Lùn bất ngờ vào trại kêu các đội trưởng tập họp anh em. Sau đôi ba lời chúc tết theo bài bản thuộc lòng từ ban Tuyên giáo đảng, như Vẹt, người thủ phó gốc miền Nam mà anh em tù vẫn gọi là chú Tư vì đã lớn tuổi, tóc đã hoa râm, lại trở về đúng với bản chất và cung cách xuề xòa kiểu ông già nông dân miền Nam.
    - Tết nhứt sao buồn “góa dậy”, ca lên cho “dui” tụi bây – tiếng người thủ phó, giọng khàn đục, vang lên trong sân đêm ba mươi tết.
    - Nhạc “ giàng “ được hông chú Tư? Một anh tù bắt chước giọng miền Nam hỏi.
    - Giàng bạc gì cũng được ráo trọi, ca lên cho dui. Tết nhứt mà sao tụi bây buồn góa dậy? Ngồi hay đứng vòng tròn đi, có đàn trống gì hông? Cho tui mượn cái ghế ngồi đi, đứng lâu hổng chịu nổi, già rồi! – người thủ phó tương đối hiền và không thâm độc ra mặt như thủ trưởng Mười Nhàn trong các sinh hoạt của trại tù - ông nói và cười mỉm....
    Bầu không khí chợt như vỡ oà, tiếng chân bước nhanh của vài anh về lán lấy cây Guitar tự chế, tiếng anh khác nói để tôi về lấy cây Sáo. Tiếng nhắc nhau ai có trà không để tôi đi nấu nước...Rồi đêm văn nghệ có một không hai trong đời tù vang vọng lên trong đêm giao thừa, khiến nhiều viên công an thường được gọi là “anh đội” khi đi canh gác tù, vào trại đứng nghe.
    Những bản nhạc Xuân nổi tiếng trước năm 1975 lần lượt được các anh em tù cùng với tiếng đàn, tiếng sáo thay nhau ca hát say sưa, làm vơi đi sự buồn phiền của cái tết trong tù, và viên thủ phó cũng như công an quên mất họ là cai tù đang đứng nghe những bản nhạc vàng mừng Xuân do người tù ca hát. Bản nhạc Ly rượu mừng được mọi người hợp ca, rồi tiếp nối với những ca khúc: Xuân này con không về, Đồn vắng chiều Xuân, Phiên gác đêm Xuân, Xuân và tuổi trẻ, Đón Xuân này nhớ Xuân xưa, Xuân miền Nam, Điệp khúc mùa Xuân, Cô gái Xuân....vv....
    Người thủ phó gốc người miền Nam gật gù, nhấc ly trà uống, nói thản nhiên sau mỗi bài ca tiếng đàn: Nhạc hay góa, nghe mà mê luôn... tụi bây ca hay góa, đâu thua gì ai....Cứ vậy mà đêm ca hát đã qua giờ giao thừa từ lâu. Trước khi kết thúc, viên thủ phó nói như dặn dò: Thôi khuya rồi, đi ngủ tụi bây, mơi khỏi lao động.
    Tôi và các bạn tù đi về lán ngủ mà cảm thấy vui, khi thấy viên thủ phó và cả những viên công an một phần nào đã nhận thấy những cái hay, cái tinh túy của những mùa Xuân Miền Nam trước năm 1975. Nhiều năm sau này, dù đã trở thành cựu tù vượt biên hay Hát Ô tại Mỹ, với chúng tôi, buổi hát nhạc vàng đón giao thừa trong trại tù cộng sản năm Kỷ Mùi 1979 đã thành một kỷ niệm khó quên.

    Đã hơn bốn mươi năm cư ngụ tại miền Bắc Cali, từ ngày ra tù rồi vượt biên, ngay cả những năm tháng tôi chưa về hưu, tôi thường có thói quen dong chơi các khu chợ tết cuối năm, dù không có dự tính mua sắm một thứ gì. Mùa Xuân năm nay, với nạn đại dịch Cô Vít 19, tôi ngồi ở nhà đọc tin tức về Tết và Xuân đó đây trên mạng mà nhớ đến những mùa Xuân đã qua. Năm ngoái, tại chợ Xuân năm Canh Tý 2020, khi tôi đang rảo bước trong chợ hoa, khu Lion Shopping, đường Tully, San Jose, chợt có người bước tới đối diện với tôi, đứng lại, hỏi:
    - Xin lỗi có phải ông là ông Hoàng, trước đây ở Tổng Thanh Tra không?
    - Phải, nhưng sao ông biết tên tôi – tôi hỏi lại.
    - Tôi là Bán tài xế đại đội quân xa hạng nhẹ, biệt phái cho Văn Phòng Tổng Thanh Tra trước 1975 đây. Ông không nhận ra tôi sao? Thấy ông chỉ trắng hơn thôi, chứ thấy không có gì thay đổi khác lạ, nên tôi nhận ra ông ngay. Sau khi tan hàng, tôi về lục tỉnh sống với mẹ già nhưng cực khổ qúa, lại bị rình rập đêm ngày, dù mình chỉ là anh hạ sĩ quèn thôi. Chịu không nổi, nhân dịp có ghe lưới, bạn của người em tổ chức, nên ba mẹ con dắt díu nhau trốn đi. May mà thóat nạn. Hiện nay tôi đang làm ở chợ 99 Milpitas.
    Anh nói một hơi thật dài kèm theo nụ cười tươi. Tôi mời anh vào nhà hàng Nha Trang uống cà phê và ăn trưa, hàn huyên tâm sự. Từ đó, đôi khi anh điện thọai hoặc đến thăm tôi để cho “vơi nỗi buồn viễn xứ “ như lời anh nói.
    Tôi cảm động khi nghĩ đến những chân tình anh đã dành cho, dù thời thế đã đổi thay mà tình xưa nghĩa cũ, ngay cả nơi “đất khách quê người” vẫn còn sống trong tâm tưởng của những người lính năm xưa. Cách đây mấy tuần, anh điện thoại cho tôi, nói chợ thiếu người nên phải làm bù đầu, năm nay tết nhứt lại dính vô nạn Cô Vit nên không đi chợ tết và ghé mời tôi đi uống cà phê để đón Xuân, mừng Tết được. Tôi đã cám ơn, chúc tết và hẹn anh vào những dịp khác khi đại dịch Cô Vít qua đi. Anh chúc tuổi tôi và nói sẽ đến thăm tôi mỗi khi thuận tiện...Lời nói qua điện thoại của anh đã làm tôi cảm thấy như mình vừa gặp lại những người đồng hương “tri kỷ tri bỉ” ở chợ tết, dù những con Cô Vít 19 vẫn quanh quẩn đâu đây như bọn Việt Cộng nằm vùng xưa nay, và mùa Xuân Tân Sửu năm nay tôi đang “cấm túc tại gia” không đi chợ tết được.

    Những năm trước đây, mấy tuần lễ cận kề ngày tết, nhiều hội đồng hương và các đoàn thể ái hữu tổ chức tất niên với số người tham dự thật đông vui. Ngoài chương trình văn nghệ xen kẽ với tiệc mừng Xuân thì những chuyện bên lề về các sinh hoạt Hội Xuân, Hội Tết của các cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại tại địa phương này hay nơi khác được bàn luận thật hào hứng.
    Trong không khí tiệc tất niên mà tôi đã được tham dự trong những năm “mưa thuận gió hòa” trước đây, nhiều người ngỏ ý thán phục tinh thần bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam, cũng như thiện chí và tài năng của các anh chị thuộc Tổng hội sinh viên Việt Nam miền Nam California. Sự hy sinh trong tinh thần đoàn kết, với những học hỏi và sưu tầm sâu sa về nền văn hóa Việt Nam, cộng với óc sáng tạo tuyệt vời của các anh chị sinh viên, qua các tiết mục mang đậm nét đặc thù của nền văn hóa Việt, về nội dung cũng như trang phục và tổ chức. Mỗi năm mỗi sáng tạo mới lạ, và hay hơn, như : Ông táo về trời...Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình...Hội chùa Hương...Đánh cờ người....Vinh qui bái tổ...Đám cưới đầu Xuân...mỗi năm mang một chủ đề và ý nghĩa khác nhau.
    Những mùa Xuân năm đó, trong bàn tiệc mừng Xuân mới – những người bạn trung niên ngồi cạnh tôi nhắc nhớ đến chủ đề những năm đã qua như: Xuân Thanh Bình, Xuân Thịnh vương và Hướng về cội nguồn....Có anh nói: “Năm nào tôi cũng đưa vợ con về ăn tết với bố mẹ tôi, nên năm nào tôi cũng tham dự”. Anh kể lại cũng như khen ngợi nhiều chương trình công phu, cảnh trí và trình diễn điêu luyện, năm nào cũng thu hút hàng trăm ngàn khách du Xuân vừa thích thú vừa cảm phục, trong đó có nhiều người thuộc các sắc dân khác và các cấp lãnh đạo trong guồng máy công quyền. Một số người nêu ra ý kiến và mong ước ở mỗi địa phương có cộng đồng Việt Nam, nên khuyến khích và cổ võ cho những sinh họat tương tự như của các anh chị sinh viên Việt Nam miền Nam California, tạo cho giới trẻ có địa bàn sinh hoạt, để những người trẻ có thiện chí, tài năng và bản lãnh được tôi luyện về lãnh đạo, và tương lai họ sẽ tham gia vào các hoạt động chính trường liên bang, tiểu bang, địa phương cũng như lãnh đạo Cộng đồng. Từ đó, trợ lực và tiếp sức cho anh em bên quê nhà viết lên trang sử mới cho con dân nước Việt, cũng như giúp cho Cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại ngày một thăng tiến.

    Những gốc Mai, những cội Đào trong khu vườn sau nhà tôi đang đâm chồi nẩy lộc với những chùm nụ trên cành, báo tin Xuân Tân Sửu 2021 đang về trên nước Hoa Kỳ - quê hương thứ hai. Trong không khí vui buồn của đời người viễn xứ, và đại nạn Cô Vit 19 đang hoành hành với những chia ly và bất an - năm nay, chắc hẳn bầu không khí mừng Xuân đón Tết của mỗi gia đình người Việt đều kém vui. Những hội Xuân, hội Tết, những xe hoa và những tiệc tất niên, tân niên của các hội đoàn đã phải hủy bỏ vì đại dịch. Những điện thư, những lời chúc qua điện thoại hay trang mạng trong thời đại dịch sẽ thay cho những cái bắt tay thân thương, những nụ cười rạng rỡ bên bàn tiệc Xuân năm xưa.
    Tôi thấy trên màn hình, đọc trên các nhật báo và trang mạng những bài viết về hình ảnh người Việt hải ngoại với cảnh chợ Tết của những năm xưa và năm nay, cùng với những bản tin liên quan đến đại dịch, những bản cáo phó và phân ưu, rồi cầm trên tay những Giai phẩm Xuân của báo chí Việt ngữ hải ngoại – tất cả, đã làm tâm tư tôi chùng xuống. Chắc hẳn ngày tết, mùa Xuân năm nay, trong tâm tư mỗi người Việt đều cảm thấy bồi hồi, thương nhớ đến quê hương và nhớ đến hình ảnh thân thương năm nào của bạn hữu, gia đình và thân tộc, cũng như ngậm ngùi tưởng nhớ đến hàng triệu người đã vĩnh viễn “ra đi” trong cô đơn vì nạn đại dịch Cô Vít 19 trên toàn thế giới, trong đó có bạn hữu và những người thân quen.
    Màn đêm khuya ngày cuối năm đã buông xuống - không gian, nơi tôi đang ngồi một mình gõ bàn phím thật vắng lặng như đang ngồi trong đêm trừ tịch, suy nghĩ mông lung như một người lữ hành cô độc đang ngồi trầm tư mặc tưởng trên xứ người khi mùa Xuân về với những hy vọng, hạnh phúc và đau khổ đang lẩn khuất, thâm nhập vào nhau giữa mùa đại dịch – có những gia đình đang gặp khủng hoảng vì nạn thất nghiệp hoặc làm ăn thất bại vì nạn đại dịch - có những người đang được cấp cứu tại ICU và chữa trị trong các bịnh viện, cách ly hoàn toàn với những người thân yêu, thật cô đơn trong những thời khắc thập tử nhất sinh của đời người - có những người đang hy sinh ngày đêm cứu người trong các bịnh viện và nhà dưỡng lão - có những gia đình đang lo lắng chuyện hậu sự cho người thân trong sầu khổ, với cảnh chia ly, vĩnh biệt thật lẻ loi, và hoang vắng........Ai còn, ai mất khi mùa Xuân theo luật tuần hoàn đang bước sang trong thời đại dịch! Và bên kia bờ Thái bình dương – dân tôi, đất nước tôi vẫn đang khổ đau và đắm chìm trong tay tập đoàn Cộng sản độc tài thất đức, biết bao nhiêu người yêu lý tưởng tự do đã chết hoặc đang bị tù đày rải rác từ Bắc chí Nam – Bất giác tôi nhớ đến hai câu thơ của thi sí Vũ Đình Liên tưởng nhớ đến người xưa khi Xuân về, tết đến:
    Những người muôn năm cũ - Hồn ở đâu bây giờ.
    Dù tôi vẫn tin rằng – anh linh người ra đi đã về Thiên đàng - cõi vĩnh hằng sau những năm tháng thăng trầm của đời sống con người.
    Đêm đã quá khuya, tôi ngừng viết, tắt máy điện toán, với tay tắt ngọn đèn LED ở đầu bàn và nhẹ bước đi lên lầu trong lúc cả nhà đang ngủ say sau một ngày làm việc tại các hãng xưởng và trên mạng lưới. Ngoại trừ tôi - đã về hưu, nhưng còn đa mang viết lách và suy tư về những chuyện trời trăng mây nước, tâm tư vẫn nhớ đến hương Xuân man mác đó đây trong đời người viễn xứ.
    Last edited by Phòng Trực; 02-04-2021, 10:49 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X