Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tôi Làm Tôi Mất Nước (Chương 6 - Chương 10 )

Collapse
X

Tôi Làm Tôi Mất Nước (Chương 6 - Chương 10 )

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tôi Làm Tôi Mất Nước (Chương 6 - Chương 10 )

    Chương 6
    Cứ mỗi lần công tác nghĩa trang như thế, tôi lại có được ít phút ngẫm nghĩ loanh quanh về đất nước, chiến tranh, về những người nằm xuống và dăm ba tội lỗi của mình.

    Nhưng khi chiếc xe Jeep vừa rời khỏi cổng nghĩa trang, tôi chưa kịp ngoái cổ trông lại bức tượng Thương Tiếc của điêu khắc gia Nguyễn-Thanh-Thu, xe đã bon bon trên xa lộ thì bao nhiêu thương tiếc, tiếc thương đều tan biến vào gió lộng.

    Trước mắt chỉ còn những nẻo đường đi Biên Hòa ăn đầu cá hấp, hoặc rẽ ngả Long Thành đi Vũng Tầu ghé quán Bầu Quỳ, quán Tầm Dương ăn cua rang muối, chim quay, bò nướng sả hoặc theo hướng Saigon, quẹo xa lộ Đại-Hàn vào Đường Sơn Quán nhâm nhi la-de củ kiệu hoặc chạy thẳng qua cầu Phan Thanh Giản về mạn Dakao ăn mì cây nhãn, chè Hiển Khánh, chả cá Như Ý, Thăng Long.

    Lính tiếp vận như tôi là một thứ lính văn phòng, sớm nhẩy Lambretta đi, tối dọt Lambretta về, ngày qua ngày lại qua ngày. Trong ngành tiếp vận, ngoài vấn đề xoay sở các Cục bạn, khi thì xin cái bình ắc-quy bên Quân Cụ, khi cặp kè ít cục pin bên Truyền Tin, lúc ngoại giao Cục Công Binh làm ít vỉ sắt, ít tôn về sửa nhà, tôi còn lân la đề-mẹc với cả bên Quân Tiếp Vụ nữa. Tháng tháng tôi qua bển gãi đầu gãi tai xin ông Cục Trưởng ký cho cái phiếu đặc biệt nhượng hàng.

    Thế là tôi có dăm tút thuốc lá, vài chục hộp sữa, vài chục đồ hộp, dăm ký đường, vài hộp dầu ăn. Tôi đã ăn lạm nhu yếu phẩm của vợ con binh sĩ mà cứ ngơ ngơ như một kẻ được dựa hơi quyền thế làm tàng.

    Bù vào những cái lem nhem gà què ăn quẩn cối xay như thế, tôi tỏ ra là một sĩ quan có cái vỏ ngoài quân phục chỉnh tề, tôn trọng quân phong quân kỷ. Quần áo bao giờ cũng thẳng nếp, hoa mai vàng bóng loáng trên ve áo, bảng tên đàng hoàng, thẻ bài lẻng kẻng vòng cổ, thắt lưng đen đan bằng giây dù, đôi giầy bốt đờ sô láng coóng, con kiến nào bò lên cũng té bổ nhào. Chiếc nón vải biến chế sáu cạnh may riêng tại xưởng quân trang, đính mai vàng lấp lánh. Trên ngực trái tôi lại có tới...2 cái huy chương (!) Quân Phong và Quân Vụ bội tinh.Với bằng ấy thứ, nom tôi mặc đồ trận với cấp hiệu, phù hiệu, huy chương thì rõ ra một quân nhân cấp úy đàng goàng tư cách.

    Nhưng bên trong cái tư cách ấy, chỉ có tôi với máy ông bà thợ may khu chợ Phú Nhuận, mấy chỗ tiêu thụ xăng lẻ, vài anh em bên Quân Tiếp Vụ cùng mí lị Cục bạn là biết tẩy của nhau thôi.

    Thôi thì đời lính như thế đã là mãn nguyện lắm rồi, đòi hỏi gì hơn nữa!

    Ấy vậy mà tôi còn được cấp trên thương, phê điểm là sĩ quan gương mẫu, làm việc tận tụy với nhiệm vụ giao phó và được đặc cách thăng thưởng tại...văn phòng Cục Trưởng, đeo lon Trung Úy giả định, mỗi bên hai bông mai vàng mới nở!

    Cái năm 1966 là năm song hỷ trùng phùng của tôi, bởi chưa đầy một tuần lễ nghị định thăng cấp Trung Uùy thực thụ cho cả khóa phổ biến tới Cục.

    Ở lính thợ may 4 niên, đến cuối năm 1967, cả khóa 16 được giải ngũ, theo lệnh của Bộ Quốc Phòng. Tôi nghĩ cuộc đời binh nghiệp của mình nếu có nán lại vài mươi năm chắc cũng chẳng thăng quan tiến chức là bao. Bạn học với tôi, chúng nó đi sĩ quan Dalat từ khóa 3 khóa 4 đã đeo mai bạc cả rồi. Như Thiếu Tá Nghiêm Viết Thành, như Trung Tá Nghiêm Kế. Hoặc có đứa nhẩy đi ngoại quốc làm điện ảnh, sau này nghe nói lên tới hàng phụ tá đạo diễn ở La Mã như Long Cương, hoặc trong ngành tòa án như thẩm phán Hoàng Phùng Võ, luật sư Phạm Thụy Hùng.

    Cho nên tôi xin hoàn lại quân trang, chiếc giường vải, mùng mền cá nhân tại ban tiếp liệu để trở về đời sống dân sự ở ngạch thư ký hành chánh, mong ôn lại sách đèn lều chõng với trường thi.

    Tôi về nhiệm sở cũ là Phủ Tổng Thống rồi được bổ nhiệm qua văn phòng Phủ Thủ Tướng. Hồi đó, luật sư Nguyễn Văn Lộc làm Thủ Tướng, Đổng Lý Văn Phòng là cụ Nguyễn Lê Giang, Phó Đổng Lý là xếp cũ Quân Nhu của tôi, ông Nguyễn Đăng Hải. Ít lâu sau, cụ Trần Văn Hương thay thế luật sư Lộc nên có sự thay đổi nhân sự.

    Từ Cần Thơ thuộc vùng 4, ông Lê Công Chất về làm Đổng Lý thay cụ Giang, xếp Hải qua trấn nhậm Ngân Hàng Phát Triển Nông nghiệp. Còn tôi vẫn phải tiếp tục làm văn phòng Đổng Lý với cái tên nghe rất dễ yêu và dễ nể là Tham Chánh Văn Phòng.

    Dưới thời cụ Hương, ông Chất được ủy nhiệm thay mặt Thủ Tướng đi thanh tra quan sát chiến dịch tấn công bình định tại các Quân khu.

    Ông Đổng Lý bèn triệu tôi đi cắp cặp. Gì chứ cái chân ôm các-táp điếu đóm thì tôi rất rành nên vâng dạ xin theo hầu xếp lớn.
    Hàng tuần, thầy trò bỏ ra 2,3 ngày cuối đi thanh sát tình hình các tỉnh các quận trên 4 vùng chiến thuật. Khi thì dùng máy bay E Giao-Chỉ , khi công xa ẩn tế, lúc trực thăng bán phản lực ù ù, lúc tắc rán, thuyền gỗ, lô ca chân.

    Xếp tôi đội cái nón vải nhỏ, mặc đồ xám 3 túi, đi dép da, dáng người cao lớn đậm đà, nom nghiêm nghị mà nói năng rất văn thơ dí dỏm, kinh nghiệm đày mình về hành chánh địa phương.

    Còn tôi mặc bộ đồ kaki nhà binh nhuộm nâu, vòng quanh vai kè kè khẩu P-38 và vài chục viên đạn đồng, tay xách cặp, tay phì phèo điếu Salem. Suốt thời gian 6 tháng ròng rã, thầy trò tôi đi công tác thăm dân cho biết sự tình.

    Tới Quảng Ngãi thăm nhà máy làm đường thì cơ sở chưa dựng xong, cộng sản đã đặt mìn phá hoại. Đường làm bằng mía thì ruộng mía bị cộng sản đốt cháy tiêu. Về quận thăm ấp an ninh 75% tức an ninh loại B, thấy dân chúng mặt mũi xanh rờn, quần áo tinh tươm, cửa hàng mới toanh, thợ hớt tóc khoác áo trắng như áo bác sĩ còn hồ thẳng nếp, hàng họ bầy bán toàn đồ ở phố thị đem về trưng bầy.

    Hỏi thăm người dân, có kẻ không nói, có kẻ ậm ừ, có người bảo rằng nghe tin ông lớn về thăm quê nên quận chỉ thị dàn cảnh cấp tốc. Khi nào ông lớn về thì dân cũng về quận luôn vì bên kia sông Việt cộng kiểm soát, đêm nào cũng mò sang quấy rối.

    Tới Bình Định thăm các quận Bình Khê, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài An, lên Bồng Sơn Tam Quan thấy quân độïi Hoa Kỳ còn đồn trú mà quanh đó nghe đâu cộng sản như rươi.

    Ngày phái đoàn đến thăm, xe đi đường bộ tới địa điểm thấy cờ quạt tưng bừng, biểu ngữ giăng đầy lối xóm. Đông đảo đồng bào cầm cờ nhỏ đón rước phái đoàn, sinh hoạt rõ ra là đầy sức sống, tăng gia sản xuất, trái ngọt cây lành, gà vịt trâu bò heo đủng đỉnh.

    Nhà cửa có mặt tiền quét vôi mới, người dân ăn mặc lành lặn.

    Rồi diễn văn, đáp từ, ban nhạc địa phương cử hành tân nhạc, ai nấy ra bộ vui vẻ hân hoan ngày hội lớn.

    Buổi chiều cỡ 2 giờ, phái đoàn rút lui cho kịp về đến tỉnh thì chỉ vài tiếng sau địa điểm trên đã vắng lặng như tờ, đồng bào thu xếp vội vàng chuồn cho lẹ. Cộng sản vẫn làm chủ tình hình ban đêm.

    Nơi ấy, tỉnh thường báo cáo an ninh loại A, tức 100% phe ta kiểm soát!

    Tới Nha Trang thăm Cam Lâm, Diên Khánh gặp ngày địa phương phục kích tiêu diệt trọn ổ Việt cộng, mời phái đoàn tới thị sát chiến trường còn loang máu. Phái đoàn tới Diên Khánh, lội ruộng, nghe quân ta tường trình buổi phục kích và triệt hạ kẻ thù rất là nẩy lửa.

    Khi nhìn gần chục tử thi cộng sản nằm xếp hàng trên con đường đất nhỏ, úp mặt xuống đất, tên nào cũng trẻ măng tuổi học trò, chỉ vì nghe cộng sản ép buộc xúi dại mà lao đầu vào chỗ chết.

    Lại nhìn mấy bà mẹ đến xin nhận xác con, khóc tức tưởi nghẹn ngào, mới thấy cuộc chiến Việt-Nam thê thảm não nề...

    Tới Banmethuot, phái đoàn đáp trực thăng đi thăm biệt điện, nơi nghỉ ngơi săn bắn của Cựu Hoàng trước kia, thấy nhện giăng lối cửa, dơi chuột tung hoành. Chiếc hồ đầy rong rêu chật ních, chung quanh cây cối cỏ mọc um tùm, dâm cư lèo tèo thưa thớt.

    Phái đoàn đến thăm vài Buôn của đồng bào thiểu số, tặng quà, ghi nhận nhu cầu xin trợ cấp, lại thăm xã giao các chức sắc FULRO, đàm đạo vài hồi trong tinh thần thông cảm Kinh Thượng một nhà. Rồi tới đồn điền cà phê của mấy ông Tây hỏi han dăm điều ba chuyện, xong ăn tối với ruợu Pháp, món Pháp, các ông lớn xì xồ tiếng Tây còn tôi ngồi câm như thóc cắm đầu đớp cá hấp, thịt nai, thịt thỏ như diên, mặc người lớn bàn ngang tán dọc về trời trăng mây gió, sinh hoạt địa phương, văn chương chữ nghĩa, ruợu vào lời ra vui như nút sâm banh nổ.

    Tới Đà Lạt, phái đoàn đi xe hơi vòng quanh đèo núi, thăm đập Đa Nhim, Liên Khương, ấp Hà Đông, coi đồng bào trồng hoa mầu, trái thơm, dẫn thủy nhập điền canh tác bốn mùa.

    Thời giờ còn lại cuối tuần, thầy trò đi chơi phố, lên lăng Nguyễn Hữu Hào, Cam Ly, hồ Than Thở, ghé nhòm cổng trường Võ Bị Quốc Gia, vòng lại Nha Địa Dư, trường Yersin, chạy quanh hồ Xuân Hương, đỗ tạm vườn hoa Bích Câu, qua Nguyên Tử Lực Cuộc, thế là hết cả ngày giờ thấm thoắt thoi đưa.

    Tới Cần thơ, ngồi thuyền gắn máy đuôi tôm chạy trên sông lạch, thăm nhà máy xay lúa do người Việt gốc Tầu quản trị, nghe đồng bào ai oán kể vụ bán lúa non, thấy đời sống dân quê tuy đạm bạc nghèo nàn mà vẫn ca vọng cổ lúc ma chay, vẫn ăn thịt cá tôm cua, vẫn lai rai dăm ba sợi mỗi chiều tà, mới biết dân mình an phận thủ thường, vui cái vui ta có, buồn cái buồn ta mang, không than thân trách phận, chỉ còn biết vái trời.

    Thầy trò tôi đi nhiều nơi, xuống cả đến làng xóm ngoài chương trình dự định của địa phương để thấy có nơi mở trường học dậy toàn tiếng Tầu, mặc dù Bộ Giáo Dục có chỉ thị rõ ràng về vấn đề giới hạn dậy tiếng Trung Hoa tại các trường Hoa-Việt.

    Có chỗ ông Tỉnh ông Quận chưa bao giờ đật chân tới nhưng khi xếp tôi hỏi thử tình hình an ninh chỗ ấy ra sao thì địa phương báo cáo an ninh loại B, 75%.

    Xếp tôi đi bộ vào thăm làng thì địa phương huy động cả đại đội dàn quân mở đường, băng đồng lội ngòi xục xạo tiền thám cho phái đoàn đi tà tà phía sau chậm bước.

    Cứ như con mắt có dính tí nghề nghiệp nhà binh của tôi thì đó là một cuộc hành quân. Mà đã hành quân là có nguy hiểm, có thể đụng độ vối Việt cộng dễ như chơi. Ông xếp tôi không ở quân dội, chắc không biết nên mò tới.

    Rồi mọi chuyện cũng êm ru bà rù, không có đạn nổ mìn bẫy gì cả.

    Ngồi trên xe, tôi rỉ tai ông xếp về chuyện vừa qua thì xếp tôi cười bảo:
    - Tôi biết chứ chú! Thì mình cũng phải liều. Họ bảo làng đó có an ninh mà mình không tới là mình nhát. Phải như vậy để lần sau họ đừng báo cáo láo. Chú hiểu chứ!

    Tôi dạ dạ vâng vâng rất là thông cảm.

    ***

    Có bận đi công tác Quảng Ngãi, vừa tới nơi đã nghe tin rằng Việt cộng sẽ ám sát ông xếp. Xếp tôi không hãi vì nghe quen rồi nhưng tôi thì hãi. Bởi nói dại nói dột, nhỡ quân cộng sản nhắm phơ xếp tôi mà nó bắn dở, đạn dính ngay vào tên xách cặp thì có phải đời tôi đi đứt không cơ chứ!

    Buổi họp tại rạp hát tỉnh, phái đoàn vừa dự lễ chào cờ xong đã nghe một tiếng nổ, đạn xuyên qua mái tôn rơi trên sân khấu.
    Xếp tôi xin viên đạn đó đem về làm kỷ niệm.

    Có lần đoàn xe chạy từ quận về tỉnh có xe tăng hộ tống thì khi xe tăng quay về quận bị cộng sản bắn sẻ, tuy chả nhằm nhò chi nhưng nghe kể lại cũng thấy ngài ngại làm sao ấy.

    Những cuộc hành trình cuối tuần như thế, tôi có dịp nghe xếp giảng truyện Kiều, chữ trung hiếu tiết nghĩa trong Lục Vân Tiên, nơi nào xếp tôi nói cũng được cử tọa chăm chú nghe ra chiều chịu lắm. Cái duyên của người nói chuyện đã làm cho không khí buổi họp giống như một buổi văn nghệ thoải mái nhẹ nhàng.

    Nhiệm vụ của tôi là ghi chép ba điều bốn chuyện, lúc về nhà viết lại cho thành bản phúc trình với đầy đủ hiện tình, nhận xét, đề nghị.

    Phần đề nghị thì lúc ngồi xe, ngồi máy bay xếp tôi đọc cho chép. Còn các mục khác, tôi có nhiệm vụ như cái máy hình chụp cho rõ ràng sáng sủa. Phúc trình nào xếp tôi cũng có dăm ba câu thơ phụ đề lả lướt. Hình như Thủ Tướng khoái lắm, bởi cụ cũng là nhà thơ...gãi háng lăn tăn mà lị!

    Quả thật tôi là cái máy hình nhưng ống kính tồi, đặt ống kính, tốc độ sai và chụp góc cạnh không nghệ thuật. Cho nên tình hình địa phương tỉnh A không mấy khá thì báo cáo tiến triển khả quan, bình định đang mạnh mẽ. Tỉnh B có nhiều quận bất ổn thì trình thượng cấp là an ninh đang được vãn hồi, ta làm chủ tình hình. Quận C dân chúng cực khổ thì ráp po là dân chúng sống yên lành, dễ chịu. Địa hạt D chính quyền bê bối thì mô tả rằng hành chánh chạy pho pho, nhân viên toàn là công bộc. Miền đồng bào bị Ba Tầu cướp cơm chim, bao vây kinh tế thì báo cáo nông dân canh tác thu hoạch nhiều, lợi tức cao. Khu H cần nhu cầu thuốc men y tế, trợ giúp chăn mùng thì báo cáo đia phương lo lắng cho dân đầy đủ mọi mặt.

    Sở dĩ tôi viết sai quấy như vậy vì biết tỏng rằng các chức quyền địa phương đều là người tín cẩn của xếp bự, gốc lớn, đâu có ngán ai. Thì cái cỡ mình báo cáo, có moi những cái tồi tệ thế nào cũng chả rụng đến cái lông chân của họ.

    Lại nhiều khi mua thù chuốc oán nữa nếu họ biết mình vạch lá tìm sâu. Vả lại mỗi lần thăm viếng như thế, nhiều chỗ rất biết điều, thấy phái đoàn tới là có tí quà nhỏ cho tên điếu đóm để nó hót dùm thêm vài phát cũng vui tai.

    Nào là tặng cặp gà tre đã bỏ sẵn trong lồng, nào là nem chua, ché, hoa hồng, dâu mận, nào là tôm khô nước mắm, nào là sâm Cao Ly, vây cá, bánh phồng tôm, sầu riêng, chôm chôm...

    Ấy thế cho nên tôi cứ trung dung chi đạo, lơ lửng cái con cá vàng, phúc trình nào cũng đầy khích lệ và tiến triển nom thấy. Cấp trên có thấy hay không thì không biết, chứ như chính tôi, tôi đã tự dối lương tâm, viết lách báo cáo tầm bậy tầm bạ, thiếu trung thực, thiếu đắn đo. Lại còn toa rập nhận quà cáp lu bù kèn để đến nỗi quên cả lương tri, quên cả những nỗi thống khổ nhục nhằn của người dân nghèo chốn xa xôi sống đời một cổ đôi ba tròng vất vưởng.

    Tôi nào nghĩ đó tội tình chi. Mình là tép riu ai mà đếm sỉa. Aáy mấy cái tép riu đó cộng lại, tích lũy mà đâm ra đổ vỡ.

    Tôi còn thú vị tình thâm vì những dịp đi công tác như thế tôi được đếùn tận nơi, nhìn tận mắt những địa danh như La Bàn Thạch Trận, núi Thiên Aán - Thiên Bút, sông Trà Khúc, dòng Hương Giang, nhịp gẫy Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, cầu Bạch Hổ, đầm Ô Loan, Ngũ Hành Sơn, tháp Chàm, Hòn Chồng, đồn điền cà phê, rừng cao su, vườn hạt tiêu, chiều trên bản Thượng, sông nước Hậu Giang, đồng lúa Long Xuyên, kinh Ba Thê, kinh Cái sắn, núi Bà Đen, Cồn Phụng của Ông Đạo Dừa, quê hương của nhà bác học Trương Vĩnh Ký, lăng Võ Tánh - Ngô Tùng Châu, lầu Ông Hoàng nơi an nghỉ cuối cùng của Hàn Mặc Tử, chỗ dấy nghiệp của Quang Trung Đại Đế, những miền thùy dương cát trắng lơi lả bóng dừa, những giọng hát câu hò của ba miền đất nước mến yêu, những món ăn độc đáo tuyệt vời, những tình tự dân tộc ngọt ngào say đắm...

    Bây giờ còn đâu những hình bóng cố hương trìu mến? Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ, Cà Mâu, Phú Quốc đã xa tầm tay với mất rồi.

    Phải chăng những chốn cũ bỏ tôi hay bởi chính tôi không gìn giữ nên mất mát dấu yêu bảo vật?

    Để đến hôm nay làm thân mất nước, đất khách lêu bêu ôm mối nhục ngậm hờn...
    _____________________________
    Chương 7
    Giống như phần đông mọi người, tôi tin rằng mỗi người có một định mệnh. Định mệnh ấy có thể so sánh tựa cái sự vụ lệnh hoặc nghị định, trong đó đánh máy sẵn tên tuổi, số quân, nơi tùng sự, nơi đáo nhận nhiệm sở mới. Một khi giấy tờ đã ký rồi thì ta cứ thế mà thi hành. Cụ thể như thế.

    Nhưng thực tế, cuộc đời ta đôi khi hoặc lắm lúc đổi thay do chính ta lèo lái với ý hướng tốt đi lên, thì lời bàn về định mệnh lại có lối thoát để bảo rằng Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều để chứng minh cho cái thiện tâm cũng cảm được ý trời.

    Cái sự vụ lệnh hoặc nghị định của định mệnh đời ta có điều hơi khác là nó không nằm trong hồ sơ Tổng Nha Công Vụ, không có sẵn trong sở làm hoặc trao tận tay ta khi mới ra đời.

    Giấy tờ ấy nằm ở đâu, ta không biết nữa. Chỉ khi nào ứng nghiệm mới thấy đó là số phần dành cho riêng ta, không làm sao khác hơn được. Và như vậy là ta phải chấp nhận , coi như định mệnh đã an bài.

    ***

    Hồi mới sinh ra đời, tôi đã được ông nội lấy cho lá số tử vi, tuổi tuất, dương nam, thủy nhị cục, tuần triệt đóng ở cung tài. Các cung khác như mệnh, thân, bào, phối, tử, ách, di, nô, quan, điền, phúc chả có cung nào đẹp. Các sao chạy loạn cào cào, thiếu hụt lung tung. Tôi chỉ còn nhớ được hai câu thơ kết luận:

    Số này kể cũng thông minh
    Để cho bia đá lấp hình dị nhân

    Thuở ấu thơ, tôi có cái thông minh để ăn gian nói dối, trốn học, trốn nhà, dối thầy, lừa bạn. Lớn lên học hành tôi cũng có cái thông minh để cóp bài, nịnh nọt mấy thằng ngồi bên cạnh để nó cho chép toán lý hóa. Khi vào lính, tôi áp dụng cái thông minh để trốn tập họp, điểm danh, chào cờ, canh gác, tuần tiễu hầu kiếm chác loanh quanh.

    Lúc về dân sự, tôi mang cái thông minh chạy chọt cấp trên, luồn lụy để được thường xuyên ở Saigon, làm ăn rỉ rả.

    Quả nhiên là tôi thông minh, nếu không làm sao sống phây phây giữa chợ đời. Còn như cái câu Để cho bia đá lấp hình dị nhân thì tôi đành chịu, không hiểu nổi cái gì là bia đá, thế nào là dị nhân nên cứ canh cánh bên lòng niềm riêng khôn tả.

    Kịp đến khi làm Phủ Thủ Tướng, sớm tối hầu cận đại nhân, đôi lúc tôi cũng cảm thấy như chính mình là một ông lớn của trào đình. Chả thế mà đi tới đâu cũng tiền hô hậu ủng, tiệc tùng đãi đằng long trọng, các cấp địa phương răm rắp nghe theo.

    Mãi sau, tình cờ đọc truyện anh đánh xe ngựa cho quan tể tướng, mới vỡ lẽ thiên hạ ngả nón nghiêng mình khi xe anh đi qua là họ chào ngài tể tướng chứ có ai thèm đếm xỉa gì đến anh phu xe vênh vang tự đắc, tôi mới vỡ mộng thiên đường quyền quý công danh.

    Nhưng mà lòng riêng vẫn cứ chập chờn vinh hoa ảo ảnh.

    Vào thời tôi, chiến tranh bom đạn tùm lum, quê hương tả tơi rách nát và lòng người cũng ly tán hãi hùng.

    Thiên hạ chả biết tin vào ai, mới bèn đi hỏi thăm tương lai, định mạng mình qua các nhà bói toán, tử vi, tướng học. Nên các nhà chuyên môn coi chỉ tay,bài tây, bói dịch, địa lý... được tôn sùng như những bậc thầy, như những người nắm vận mệnh quốc gia.

    Tôi là kẻ suốt đời cái gì cũng bán tín bán nghi, không bao giờ có lòng tin vững chắc, thấy người ta đi dò hỏi tương lai, tôi cũng tập tành bắt chước xem số kiếp mình như thế nào.

    Nếu các thầy đoán trúng phóc quá khứ hiện tại, ắt hẳn đoán tương lai là đúng. Nghĩ như thế, tôi bắt đầu bước vào thế giới huyền bí của trăng sao, của tướng pháp chỉ tay, của địa lý nhân văn, của cơ man là mênh mông kỳ ảo.

    ***
    Nhớ hồi trước khi đi Thủ Đức, tôi lại chợ Phú Nhuận leo lên gác lửng Cô Ba nhờ coi một quẻ bài tây xem chuyến này có phải ca bài Ta đi tòng quân không. Bà thầy coi bài quả quyết rằng tôi có số làm quan, phen này đi lính là:

    Cá to đâu chịu ở ngòi
    Người khôn đâu chịu ở nơi hang cùng...

    Tôi đã rầu rĩ muốn chết, lại nghe thơ văn như thế, lấy làm buồn thảm lắm. Cũng đành trôi theo định mạng.
    Quả nhiên tôi đi lính, lên quan, tương lai lấp ló cuối nẻo đường hầm. Bi giờ thử vài keo nữa xem tương lai nó đi về đâu.

    May mắn, tôi quen với ông bạn già có hơn 30 năm kinh nghiệm tử vi, coi tôi như em út nên dọc kỹ lá số, coi lại giờ sinh, ngày sinh cho thiệt đúng với hình dạng rồi phán ngay rằng cái số tôi là đang lên đấy chứ chẳng phải vừa đâu.

    Để tái phối kiểm và lượng giá các tài đoán số, ông bạn già này lôi tôi đi tới một số thầy khác nhờ coi dùm xem chú em nó lên tới đâu.

    Thoạt tiên, chúng tôi mon men lại tư gia của cụ Diễn ở đường Hiền Vương, khu Đa Kao. Muốn gặp cụ hơi khó, có khi chờ cả tháng, có khi được hẹn ngong ngóng mấy tiếng đồng hồ chầu trực cụ mới tiếp. Khách khứa củc cụ từ hàng bình dân tới hạng cực kỳ cao sang quyền quý.

    Lần tôi được diện kiến, cụ nhìn dung nhan mùa hạ vài phút rồi phán rằng số tôi mọi sự bình thường. Chỉ có vậy thôi. Tôi đâm ra thất vọng. Tôi cứ tưởng rằng cụ sẽ nói như nước chẩy hoa trôi, ban cho tôi dăm bẩy điều vàng ngọc để làm hành trang mở hội rồng mây. Ai ngờ cụ lững lờ mấy câu rồi tiếp khách khác đang chờ sẵn xe hơi ngoài ngõ thỉnh cụ đi Vũng Tàu.

    Chúng tôi có ghé thầy bói Kim ở khu Chi Lăng, Phú Nhuận, thầy Minh Lộc, thầy Ích ở hẻm Calmette, vị nào cũng nói những điểm khác nhau về tương lai đời tôi, tựu trung là khấm khớ, trên trung bình.

    Đến thầy coi mạch Thái Tố đường Cao Thắng, ông này có vẻ độc đáo. Thầy bắt mạch, còn tay kia cầm bút vẽ ngoằn ngoèo trên một trang giấy, tương tự như ghi tốc ký, xong thầy ngắm nghía tướng mạo, ngó tờ tốc ký một lát, nhỏ nhẹ bảo tôi coi chừng có cái đại tang!

    Hồi đó là cuối năm ta, tôi nghe mà đâm ra ân hận. Làm quái gì phải coi bói toán lôi thôi để vừa mất tiền, vừa bị nghe rủa. Tôi ra về, đâm hận ông thầy thái tố.

    Qua năm cũ không có chi xẩy ra, tôi lấy làm mừng và định bụng từ nay cạch bói toán. Đùng một phát, đầu năm ta, tin từ Bắc đánh vào báo tin má tôi qua đời vào cuối năm cũ.

    Tôi đuơc tin, rất mừng cho má tôi đã thoát cảnh địa ngục trần gian cộng sản. Cụ đi như thế là hơi trễ, nhưng cũng còn may hơn nhiều cụ khác. Phần riêng, nhớ lại ông thầy mạch thái tố phán quyết năm ngoái đâm ra hãi tài ông ấy quá. Không tin cũng phải tin.

    Thế là tôi tiếp tục theo ông bạn già lên mạn Thủ Đức, Biên Hòa tới cái đình làng cạnh xa lộ coi bói.

    Nghe danh ông thầy này nổi như sóng cồn, từng coi cho nhièu cấp lớn trong chính quyền, mỗi khi thay đổi chính phủ thì nườm nượp ông to bà lớn đi xe Huê Kỳ đến nhờ thầy coi dùm hậu vận. Thầy bảo sao cứ y boong như vậy mà làm là trúng phóc.

    Đến lượt tôi, thầy cũng thắp nhang khấn vái cùng với tiền đặt quẻ, xong gieo quẻ, sờ soạng mươi giây, ngẩng đầu lên trần lâm râm vài câu rồi hỏi rằng:
    - Ông đây không cao lắm, mặt tròn da trắng mày thưa, có phải vậy không?

    Tôi đáp ngay:
    - Dạ phải.

    Thầy tiếp:
    - Ông này có cái lạ là không đi thi đi cử gì mà lại có nhiều bằng cấp...

    Tôi đáp:
    - Dạ không, tôi không có bằng cấp gì cả.

    Thầy quả quyết:
    - Nhất định có. Thánh dậy thế chứ tôi đâu có nói sàm. Ông nghĩ lại coi xem có thi cái gì trong đời không?
    - À, tôi nhớ ra rồi! Cái hồi đi lính, tôi có nhờ thằng bạn bên ban Quân Xa làm cho cái bằng lái xe giả, ba con dấu, tức là được lái từ xe Jeep, xe cam nhông đến xe chở hành khách. Rồi sau đó tôi chạy được cái bằng thực có hai con dấu.

    Đến khi giải ngũ, tôi đổi bằng nhà binh lấy bằng dân sự, mấy con dấu lận. Thế là tôi có dăm bẩy cái bằng ấy chứ! Tôi chịu thầy, bèn đáp:
    - Dạ có ạ! Nhưng toàn bằng lái xe không hà!

    Thầy cười:
    - Thì bằng nào mà chả là bằng.

    Thầy đoán tương lai tôi có chiều thay đổi, đi nhiệm sở khác, làm lớn hơn chỗ cũ, sáng sủa lắm...

    Quả nhiên, tôi gãi đầu gãi tai tả oán với ông Đổng Lý, được ngài ưng thận. Chờ có hai ông đốc sự mới ra lò về Phủ Thủ Tướng là tôi nhẩy qua Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp Trung Ương, đặc trách báo chí và giao tế, thân cận với ông Tổng Giám Đốc Nguyễn Đăng Hải.

    Còn ông bạn già tử vi của tôi, chính là cụ Chánh Văn Phòng Nguyễn Trọng Liêm. Tôi còn được phong làm Phụ Tá CVP, tạm thay quyền mỗi khi cụ chánh bận công tác ngoài nhiệm sở.

    Với bằng ấy chức tước, lại là đệ tử của xếp lớn, tôi cảm thấy mình cũng lớn vậy.

    Cụ CVP lại dẫn tôi vào Chợ Lớn, tới con đường có nhiều máy dệt tay, rẽ vào hẻm, leo độ 20 bậc thang lên một một dẫy nhà, dừng chân trước cửa then sắt của thầy tướng số lừng danh: Đó là cụ Fây - Ninh.

    Giang sơn của cụ trước kia ở ngoài Bắc gần 100 nhà khi cụ làm thầu khoán, tiền bạc như nước. Bây giờ loạn lạc vào Nam, cơ đồ còn lại một gian gác chia đôi, nửa ngoài làm phòng khách, ngăn trong làm phòng ăn, phòng ngủ. Cụ ông, cụ bà ở đây còn các con cháu ở riêng.

    Cụ Fây (xin được gọi tắt cho gọn) có tướng lớn như voi, giọng nói ầm ầm như sấm, lúc nào cũng tươi tỉnh đùa vui.

    Tôi ngồi trên chiếc ghế mây có tựa, quay mặt vào phía trong. Khi tiếp khách, cụ luôn luôn để khách ngồi nghỉ một lát cho sắc diện được bình thường rồi mới nhập đề:
    - Mời tiên sinh ngồi sang ghế kia, nhìn ra phía ngoài cho ánh sáng rõ ràng để tôi dễ coi diện mạo.

    Tôi vâng lời, chuyển ghế. Cụ Fây ngắm nghía tôi, sờ đầu, nắn sọ, bóp vai, xong bảo tôi:
    - Tiên sinh đứng dậy, đi vài bước cho tôi xem.

    Tôi ngượng ngùng bước đi vài bước, xong trở về vị trí cũ an tọa.

    Cụ pha trà tầu, mời mỗi người một ly trà trong sương sớm cho ấm bụng rồi phán:
    - Tôi nói thật, tiên sinh có quý tướng. Đầu tròn như đầu cọp, đôi mắt nhân từ, miệng tươi, tiếng nói thanh tao, thân hình vững chắc, dáng đi vững vàng, thần khí điều hòa, cái tâm lúc nào cũng bình an, tư tưởng cầu tiến, tính tình nhu hòa điềm đạm...Bằng ấy thứ nó hiện trong tướng mệnh thì thử hỏi làm sao tiên sinh không làm lớn được! Thế tiên sinh có gia đình chưa nào để tôi làm mối cho, hà hà!

    Tôi lí nhí thưa:
    - Bẩm cụ, con có gia đình rồi. Còn như cái điều cụ đoán cho con, con nghĩ rằng không được như thế.Vóc dáng con lùn tì, nhát như thỏ đế, hay sợ hãi chốn cao sang, làm sao con khá được?

    Cu ngắt lời, cười khà khà mà rằng:
    - Theo tướng số, con người ta có hạng ngũ tràng, ngũ lộ, ngũ tiểu, ngũ đoản. Tiên sinh thuộc loại ngũ đoản: Đầu ngắn, mặt ngắn, thân ngắn, tay chân đều ngắn. Vậy là tôt lắm chứ!

    Rồi cụ nói tiếp:
    - Còn như nhút nhát hoặc anh hùng cũng tùy tâm, tùy thời.Có kẻ làm vẻ hèn mọn, nhút nhát như Hàn Tín khi chưa gặp thời, phải luồn trôn thằng bán thịt ngoài chợ...Trương Minh Giảng thì sao? Mà về sau lừng lẫy chọc trời khuấy nước!

    Lại có kẻ nom ra vẻ anh hùng mà khi vào việc trốn như trạch, nhát như cáy thì đó là anh hùng rơm, ta cho mối lửa mất cơn anh hùng.
    Tiên sinh như cọp rừng thiêng, lúc này dấu nanh vuốt chờ thời. Chứ lúc thời cơ đến, tiên sinh đâu thua gì.. Hàn Tín!

    Nói xong cụ lại cười vang, rung rinh cả chén trà trong sương sớm.

    Tôi đâm ra bẽn lẽn ngại ngùng, bán tín bán nghi. Chẳng lẽ tứ thập nhi bất hoặc mà mình vẫn chưa hiểu mình sao? Trong bụng đang phân vân thì cụ Fây phán tiếp:
    - Số tiên sinh là số làm Thủ tướng đấy nhé! Để lúc nào tôi giới thiệu tiên sinh với bà Tổng Thống...

    Tới đây thì tôi thực tình hãi, vì bởi tam tứ đại nhà tôi chưa ai đi lính mà lên tới đội, mà học hành thì chả ai đậu nổi cái bằng sơ học yếu lược, mấy đời làm thợ làm công. Đến đời tôi được như thế này là mả táng hàm rồng rồi, đâu dám mơ ước cao xa đến thế!

    Giá mà cụ bảo tôi có thể làm Giám đốc, Chánh sở họa may còn dám tin, chứ cụ bảo tôi có số làmTthủ tướng thì là chuyện đội đá vá trời, không tưởng.

    Ra về, tôi nghĩ ngợi miên man về cái số tử vi của ông nội để lại, biết đâu bia đá lại chẳng bay đi chỗ khác để cho hình dị nhân lộ ra ăn chơi vung vít với đời! Khi lên tay kiếm tay cờ, cờ đến tay ai người ấy phất.

    Tôi mà phất hẳn đẹp mắt hơn nhiều anh khác. Về nhà, không nói cho ai biết, tôi ra sân bước qua bước lại, bước tới bước lui xem có phải quả nhiên mình có dáng đi lên quý phái hay không?

    Mụ vợ tôi thấy giữa trưa nắng chang chang lại có một tên khùng mặc quần đùi áo may ô phơi nắng ngoài sân thì tức cười lắm, bèn chỉ thị rằng:
    - Này, tên khờ, vào ru con ngủ đi cho người ta rửa bát. Hay muốn rửa bát thì xuống bếp làm đi, gần hết ngày rồi. Ai hành hạ gì mà đứng nắng như thằng điên vậy?

    Mụ ấy đâu biết rằng tôi đang trên đường mây thênh thang mở hội, nay mai Thủ tướng mấy hồi.

    Sau tôi có dẫn bạn lại nhà cụ Fây coi dùm tướng số, mấy đứa bạn tôi đều được cụ khen tướng tốt, và vài đứa cũng có số làm Thủ tướng như tôi!
    Từ đó suy đi, tôi nghĩ ít ra là nước ta có dăm ngàn hiền tài chuẩn bị làm Thủ tướng, dăm chục vị ái quốc chờ đợi lãnh đạo quốc gia!

    Phong trào coi tử vi bói toán tại nước tôi đã một thời hoạt động mạnh mẽ. Hình như khi người ta không biết tin tưởng vào đâu thì nơi các nhà tiên đoán vận mệnh là chỗ tốt nhất để nhờ cố vấn lãnh đạo.

    Có kẻ đi buôn coi ngày tháng mở hàng lấy may, làm ăn nhất bản vạn lợi. Có người đi xa coi ngày tháng xuất hành. Có thờ có thiêng có kiêng có lành. Những điều đó không nguy hại gì.

    Nhưng mà lại có những vị Tướng Tá, các cấp chỉ huy lớn, các người cầm vận mệnh mấy chục triệu dân mà cũng coi bói, coi tử vi để lựa ngày hành quân, việc cửa việc nhà, chuyện đại sự cũng nhờ thầy chỉ đường mách lối thì thực là mạt vận.

    Đất nước có tiêu tùng còn trách được ai!

    Hay là lại đổ thừa như tôi rằng:

    Định mệnh đã an bài!

    _______________________________


    Chương 8
    Trong thời gian làm việc tại Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp, tôi được cụ Chánh Văn Phòng dẫn đi giang hồ hơi nhiều. Cụ là cây tử vi tướng số hạng tài tử muốn dùng tôi như dùng người mẫu hoặc một vật thí nghiệm, đưa tới quý vị tướng số chuyên nghiệp cũng như vô danh, ẩn dật xem quý vị ấy tiên đoán thời tiết, tương lai bổn mạng của tôi ra làm sao, có trùng hợp với tài tiên tri của cụ không, để dễ bề học hỏi và nghiên cứu.

    Cụ kể chuyện Hui Bon Hoa mả táng hàm rồng, giầu nứt đố đổ vách, tặng đô thành nguyên một cái nhà thương gần chộ Bến Thành, tài sản khắp nơi.

    Xong cụ lái xe từ Saigon lên Thủ Đức chỉ cho tôi coi con đường ngoằn ngoèo giống như đuôi, như thân con rồng. Theo lộ trình Thủ Đức - Biên Hòa, đi con đường cũ là đường trong, qua Thủ Đức một ít cây số ngàn, phía trái có khu mộ nhà Hui Bon Hoa. Cụ bảo có mấy cái mộ xây y như nhau nằm hàng ngang, nhưng chỉ có một cái là mộ chính, còn mấy cái khác đều giả để không cho kẻ gian biết đâu là thật đâu là giả mà đào phá.

    Cụ giảng rằng mộ đặt ngay boong vào cái họng con rồng. Phía trước mộ thoai thoải xuống sông Biên Hòa là cái lưỡi rồng. Nhiều ngôi mộ đặt tại khu lưỡi rồng, chẳng kết phát gì sốt cả là vậy.

    Tôi chả biết rồng rắn ra làm sao nhưng nghe giảng địa lý nhân văn ra chiều hợp lý thì dạ dạ vâng vâng rất chiếu lệ. Thâm tâm tôi đã nhắm mục tiêu trực chỉ quán thú rừng Tân Vạn hoặc tiệm đầu cá hấp Biên Hòa, bởi nó vừa thực tế, vừa thực thể, vừa cụ thể lại vừa tiện thể.

    Cụ bảo ở Saigon có cái Phủ đầu rồng là chỗ vị nguyên thủ quốc gia cai trị việc nước, nhưng mà thiếu cái đuôi rồng. Đầu mà thiếu đuôi thì còn ra cái thống chế gì nữa. Cho nên thầy địa lý nào đó mới chỉ chỗ đặt đuôi rồng.

    Nó chính là cái bùng binh tức hồ Duy Tân, nơi đặt đài kỷ niệm tri ân các quốc gia giúp đỡ Việt Nam Cộng Hòa, có cái hồ phun nước róc rách, sen mọc lai rai. Giữa hồ là kiến trúc uốn cong như đuôi rồng. Người ta bảo như thế là đủ bộ, là đẹp. Hồ này cạnh nhà đèn và trường đại học luật khoa cây dài bóng mát.

    Chiều chiều mùa Hè, các cô cậu vẫn rủ nhau ra ngồi quanh ven hồ soi bóng nước gương.

    Tối tối khi thành phố lên đèn, nhiều gia đình chở xe gắn máy, xe Vespa, xe Lambretta, xe hơi lại đây cho trẻ con chạy nhẩy chơi đùa. Khu đài kỷ niệm giữa hồ, sau này giăng kẽm gai không cho ai leo lên đuôi rồng, e phá hoại thì động đến phủ đầu rồng.
    Những trẻ bán cà rem và các xe mía hấp tập trung nơi này, làm ăn coi mòi ăn khách.

    Có khi thầy trò tôi lại cụ Fây nghe tình hình chính sự và chiến sự cùng tử vi địa lý. Cụ Fây vẫn cứ khen tôi là có vóc dáng cọp, bảo tôi đưa cụ một tấm hình cát xít để cụ niệm thần chú cho công danh sự nghiệp. Gì chứ mục đó thì tôi chịu liền cái rụp. Cụ Fây kể chuyện chánh phủ, chuyện tướng lãnh, chuyện các quý phu nhơn rồi bảo rằng trên vùng Lâm Đồng có một chỗ đất đẹp lắm. Mả nào táng vào đó là phát lớn lắm à! Cụ đã lên tận Blao, đáp trực thăng cùng quan đầu tỉnh, bay vòng vo tam quốc mấy vùng đồi núi chập chùng, quan sát địa lý.

    Cụ khám phá ra dưới thung lũng có vũng hố sâu, đó chính là đắc địa.

    Quan đầu tỉnh còn cả phụ mẫu, vẫn dành chỗ ấy cho mai hậu.

    Cụ Fây tiếc cho tôi, giá mà làm được thì lẫy lừng lắm. Tôi chả sao làm được vì bà mẹ mất tận ngoài Bắc, phải cải táng đem hài cốt vào Nam, lên Lâm Đồng tái táng thì nhiêu khê diệu vợi và hầu như không thể thực hiện được. Còn ông bố tôi mới ngoài bẩy mươi tuổi, chân tay vẫn khỏe mạnh, cũng ở Bắc. Làm sao mời cụ đi sớm để đem táng tận Lâm Đồng?

    Dẫu có ham phú quý vinh hoa, công danh bổng lộc đến mấy, tôi cũng không dám có cái dã tâm như cộng sản là làm bất cứ cách gì để đạt mục đích dù rằng phải cho đi ô tô bương các đấng sinh thành!

    Cụ Fây có lần đến nhà tôi nhân chuyến thăm thân chủ, cụ đảo quanh nhà sau sân trước một lượt rồi phán rằng:
    - Cửa chính nhà cậu mà lại xoay ngang, nhìn ra tường nhà bên cạnh tức là đi vào ủa hông. Người quân tử phải đi cửa chính. Chỉ có kẻ tiểu nhân mới đi cưả hông, cửa sau, cửa hậu. Thành ra cậu không đón được người quân tử vào nhà. Muốn sửa lại, cậu phải bít cái cửa hông ấy đi, phá tường làm cửa, mặt trông ra ngoài cổng trước, có vậy mới khá.

    Được nhà địa lý khen mình là người quân tử thì tôi đã sướng quá đi rồi, nay lại được cụ chỉ cho cách chỉnh trang kiến thiết nhà cửa cho đẹp đẽ văn minh hơn, rồi lại được chơi với toàn cỡ quân tử thời tôi chịu lắm lắm.

    Ngay tút suỵt, tôi nhờ thợ mộc thợ hồ ra công làm liền tù tì. Chỉ trong vòng một tuần lễ, cửa ngõ nhà tôi đã nom rõ là chính diện, phong cách. Mỗi lần ra vào cửa chính, tôi đều cảm thấy mình là người quân tử.

    Dẫu là quân tử đa cùng và độc diễn như thế, tôi vẫn mang cái mặc cảm lẹt đẹt thua anh kém em về đủ phương diện quốc gia. Như sự học hành của tôi là một. Hỏi cụ Fây xem cái số khoa cử học hành thế nào thì cụ tỉnh bơ mà rằng:
    - Cậu thì học hành cái con mẹ gì. Cậu chả cần học cũng đỗ.

    Tôi đẩy thêm một câu:
    - Mà thưa cụ, con đỗ được tới đâu cơ ạ?

    Cụ vẫn bơ đi mà rằng:
    - Cậu muốn đỗ tới...tiến sĩ cũng dư sức qua cầu. Mà đỗ thì phải mang hai chai ruợu tây cho tôi đấy nhá!

    Nói xong, cụ cười khà khà...

    Tôi đã được gọi là người quân tử, nay lại sắp võng lọng nghênh ngang nữa thì mê chết đi được. Bèn lẽo đẽo chạy cái Lambretta phun khói mờ mịt, đến trường Luật nhờ vả cậy cục bài vở thi cử để mong chiếm tí bảng gỗ che lưới cho mát mặt với đời.

    Tôi có người bạn học cũ ở Khuyến Học là anh Toàn, mỹ danh Toàn ngắn bởi chiều cao có khi còn thấp hơn khẩu Ga răng. Hắn lo dùm ghi danh, lấy thẻ, mua bài , tin tức thi cử.

    Thế là quý hóa và ưu tiên quá xá rồi. Dần dà tôi làm quen được với cụ Tổng Thư Ký Nguyễn Thượng Kiên. Cụ có vóc dáng mình hạc, nom người không mấy mạnh mà nói năng rất khỏe.

    Chức vụ của cụ là một chức vụ nặng nề nơi trường Luật. Ngôi trường nom có cái mã còn phòng ốc bàn ghế trong lớp lộn tùng phèo, sinh viên phải đi sớm đem theo ghế giữ chỗ chờ thầy đến giảng bài, ngồi nêm như cối, chen chúc như cái chợ vỡ vậy.

    Cụ Kiên lo hầm bà làng hành chánh, quản trị, chương trình thi cử các lớp. Lúc nào cụ cũng bận tối tăm mặt mũi và ít thời giờ trò chuyện với sinh viên. Ấy thế mà tôi lại được đài gương soi đến dấu bèo, cụ dành biệt nhỡn mỗi khi tôi nhờ vả.

    Tôi học hành tối mò như đêm Ba Mươi tháng Chạp nhưng bù lại trời cho cái thiên tài cóp bài, đút lót,, chạy cửa hậu rất kền.
    Gia đình vợ con đìu íu, công việc chánh phủ chồng chất mà tôi còn đến trường lấy tài liệu bài vở được thì đã là giỏi lắm rồi ấy chứ! Còn bài vở đem về nhà có đọc, có học hay không thì chỉ có tôi với cái giường biết mà thôi.

    Gần ngày thi, tôi lật dăm trang sách ra coi cho có lệ, đỡ thắc mắc. Rồi dành thời giờ vào phút chót, tôi quay thành các bộ phim tài liệu.

    Học trò ngày xưa đi thi, dấu tài liệu dưới gầm bàn, trong tay áo, dưới giầy...đều là cấc phương pháp cổ điển. Tôi đi thi, tài liệu lúc nào cũng chình ình ngay trên mặt bàn, trên tay, ngay trước mặt giám khảo, giám thị mà vẫn bình tĩnh hiên ngang như chốn không người.

    Phương pháp đi thi của tôi có thể in thành sách, ít ra là dầy bằng cuốn học thi vào quốc tịch Hoa Kỳ. Nhưng ở đây tôi chỉ ghi vắn tắt để tránh bị nghi kỵ là cạnh tranh hoặc khoe khoang lớn lối.

    Cách thứ nhất là ghi các công thức, các tên, các năm, các điều quan trọng cần nhớ vào...bàn học. Ghi bằng bút chì vót nhọn. Bàn học bên ta cũ mèm, đen kịt, viết chì lên nom thấy gì đâu. Aáy thế mà nghiêng nghiêng con mắt nhòm xéo vào, tôi thấy nguyên con, tha hồ mà chép. Cái khéo là làm sao ra vẻ như mình suy nghĩ mung lung, ngả nghiêng thẫn thờ tìm ý để ngó và chép cho suya là được. Có cái sườn rồi thì cứ viết lia lịa cho đầy trang, kéo dài ra là thầy tưởng như học trò này có ăn có học nên chữ nghĩa đầy mình.

    Cách thứ hai là ghi mật mã, mật hiệu, mật lệnh vào bốn mặt của chiếc thước kẻ. Ghi bằng đầu mũi kim, chỉ cần các nét như khắc vào gỗ. Có thể làm vài cái thước kẻ, mỗi lần thi dùng một cái làm tin. Cũng ngả nghiêng cánh chim mà đọc thước kẻ để ghi ý chính hoặc số liệu cần thiết.

    Cách thứ ba là dùng mũi kim ghi vào sáu mặt của chiếc bút chì, cũng vẫn phương thức đọc như trên.

    Cách thứ tư là thông tin tình báo, tức như làm quen trước với các sĩ tử Đông Tây Nam Bắc quanh mình. Hễ gặp biến cố thì nhờ đồng minh cứu nguy, yểm trợ tại chỗ. Nếu phúc đức lại gặp kẻ ngồi cạnh là sinh viên thuần túy, chịu khó đến trường nghe giảng và học thuộc bài như cháo mà cho ta tóm lược, tức là cho chép bài nhưng đừng chép nguyên văn khổ cả đám, thì thực là tuyệt...vọng!

    Cách thứ năm là hỏi han xem thầy chú trọng những đoạn nào trong sách thì nhắm vào đó để làm phim, đặt thành trọng tâm công tác tình báo chiến thuật.

    Sau khi thi cử rồi, coi như bài vở viết được dăm bẩy tám chín trang đầy chữ, thì theo rõi tình hình chấm bài. Môn nào mình yếu quá tất cần chạy thầy chạy thuốc cho mau.

    Trên Đại học Luật Khoa, bài nào dưới 3 điểm là rớt dù các bài khác điểm thật cao.

    Chạy thuốc có thể bằng nhiều cách thần sầu, nhưng cũng có giáo sư đuya, đụng vào như đụng đá vỡ đầu bể mặt. Thiên hạ chạy thuốc có khi bằng quyền bằng thế, bằng tiền, bằng tình.

    Còn tôi thì chỉ nhờ trời cho cái bộ mặt ngây thơ nom rất dễ thương...hai mà hóa ra lại ăn tiền. Nên cụ Tổng Kiên nom thấy là ra tay cứu vớt đôi phen.

    Rồi bạn bè cũ công danh cả đống, tôi kể khổ, thời xưa đi học, đá banh, ăn ổi có nhau, nay nhờ tình đồng môn giúp nhau qua cơn hoạn nạn. Lũ bạn cũ lại vác chân lên cẳng chạy tiếp sức kéo tôi từ vực sâu lên núi cao có trăng thanh gió mát.

    Rồi mấy ông thầy cũ, mấy ông làm lớn trong chính phủ mà tôi có dịp phục tòng, thấy đệ tử đi thi thì cũng nới tay nâng đỡ.
    Nhờ tất cả những cánh quân tả phù hữu bật, tiền đạo, hậu vệ, trung phong nức lòng bao bọc mà tôi như phi thuyền đang từ mũi Kennedy bay tuốt luốt tới tận cung trăng cùng Hằng Nga, Hậu Nghệ.

    Mỗi năm ngon trớn như thế tôi lại vác một chai ruợu tây lên nhà cụ Fây làm lễ tạ ơn và xin chịu một chai vào năm tới.

    Qua bốn phùa thi chơi ăn thiệt, tôi bỗng dưng trở thành một ông cử, tuy khó tin nhưng có thật.

    Việc đầu tiên là tôi in một lô danh thiếp với tên tuổi, bằng cấp, gặp ai cũng làm ra vẻ thân mật hỏi nhà cửa rồi trao một tấm danh thiếp để tiện liên lạc sau này.

    Họ hàng, phường xóm là chỗ quen biết thì tôi gợi chuyện học hành bận rộn, thi cử vất vả nên ít ghé thăm, đễ sau cùng đành lòng phải tiết lộ mình vừa đậu xong bằng đại học.

    Với bạn bè cũ, những đứa trước kia cùng đạp xe đi làm, leo xe buýt đi phố ăn kem mút, uống nước dừa, ăn thịt bò khô, bây giờ tôi thấy chúng nó với tôi như xa cách muôn trùng. Tôi đã là tôi có danh thiếp in bằng cấp sắp thăng hoa, còn chúng nó vẫn dậm chân tại chỗ, kém cỏi tầm thường.

    Việt Nam ta một thời có phong trào diễn thuyết Tại sao tôi trở thành bác sĩ? Tại sao tôi trở thành dược sĩ? v.v... Ai đến dự cũng đều khâm phục và khen ngợi.

    Tôi cũng định lập một chương trình đi các tỉnh, các đại học, các đoàn thể, các cơ quan với đề tài Tại sao... nhưng ngồi nghĩ lại thấy mình toàn nhờ cóp bài, láu cá, ranh vặt, chạy chọt, lạy lục mà có cái mảnh bằng thì vinh dự, danh giá chi để đem khoe thiên hạ. Có khi còn bị khán thính giả ném cà chua, trứng thối, vạch mặt chỉ tên là đồ vô tư cách, vô liêm sỉ thì khốn.

    Cho nên tôi bỏ mộng diễn thuyết Tại sao...

    Lắm lúc ngẫm lại, nhìn quanh quẩn gần xa, tôi lại cảm thấy được đôi chút vỗ về an ủi. Những thằng mỏi gối quỳ mòn sân tướng phủ để xin một chân đi ngoại giao; những tên đeo mặt nạ theo hầu bà lớn để làm áp phe kinh tế; những đứa đổi vợ đổi con để lấy một tí danh giá; những đứa buôn bán chợ đen chức tước, bán tống bán tháo quân trang quân dụng của quân đội cho kẻ thù; những đứa đem sinh mạng của hàng triệu đồng bào đổi chác lấy một đời sống thừa nhục nhã lang thang.

    Tôi so sánh rồi tự nhủ là mình chưa can phạm, tòng phạm hay thủ phạm thì chưa làm gì có tội với với quốc dân đồng bào đâu, việc chi mà áy náy!

    *****

    Nhớ lại tướng số tử vi của mình, tôi thấy cụ Fây đoán cũng có nhiều cái đúng. Như cụ bảo tôi chẳng học mà thi vẫn đậu thì quả nhiên cụ đoán như thần. Như cụ phán cho tôi sửa nhà thì từ đó tôi mời mọc cũng có ông lớn, bà lớn tới chơi. Như cụ bảo số tôi hiển đạt, làm to thì tương lai tôi đang sáng choang có khi còn hơn đèn 50 ngàn nến.

    Duy có điểm cụ nói tướng tôi là tướng cọp, ví tôi như Hàn Tín thì tôi còn hoang mang, mung lung suy nghĩ.

    Có đâu mồ mả nhà tôi lại có ai lén lút đem táng họng rồng, thay thế họ Hui Bon Hoa hoặc có Mission impossible nào đem hài cốt má tôi bỏ xuống thung lũng hồng miền Bảo Lộc?

    Những chuyện ấy chẳng bao giờ có được. Thế thì tại sao tôi trở thành tướng cọp nhỉ?

    Niềm vui kỳ ảo ấy cứ canh cánh bên lòng.

    Một bữa cuối tuần đi lang thang quanh chợ Bến Thành, lúc qua gian hàng bán đồ chơi trẻ con, tôi thấy trong đám tầu thủy, máy bay, tầu ngầm, búp bê, mặt nạ, có cả thú vật như gà, heo, khỉ., cho, mèo và...cọp làm bằng giấy.

    Tôi đứng lại ngắm nghía một hồi lâu, xong tạt sang xe ngộ mị phá lấu làm một đĩa, nhâm nhi với chai la-de trái dứa.

    Trong lúc tâm hồn bay bổng với chút men say, tôi chợt trông thấy tôi chập chờn qua hình ảnh con cọp.

    Tôi khám phá được một điều cay đắng.

    Thôi đúng rồi, ông cụ Tử vi Địa lý Tướng số này vậy mà thâm trầm xa xôi bóng gió quá đi thôi. Chẳng qua là cụ không muốn làm phật lòng tôi nên nói tránh né. Chứ với kinh nghiệm già đời, với con mắt tinh đời , cụ nhìn đường đi nước bước, nghe lời ăn tiếng nói, phong cách của tôi nó lộ rõ mồn một rôi thì cụ cứ thế mà đọc ra, nào cần chi phải đoán.

    Cụ bảo tôi có tướng cọp mà tôi cứ nghĩ mình là cọp rừng thiêng oai linh dũng mãnh ta say mồi đứng uống ánh trăng tan hoặc thất thế thì cũng như con cọp nằm mèo trong sở thú ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ để chờ một mai tháo cũi sổ lồng lại tung hoành giữa chốn rừng thiêng không tên không tuổi.

    Đằng này, ý cụ chê tôi là tướng hèn, tiểu nhân, cả đời đi cóp pi quỵ lụy đê tiện, không nhân cách, không cả sức mạnh thể xác lẫn tinh thần, nào có khác chi một con cọp...giấy!

    Tôi đâm ra thương cho chính cái thân tôi. Giá được làm con cọp...chết cho đỡ khổ thì tôi cũng còn mãn nguyện vì các cụ nói Cọp chết để da, người ta chết để tiếng.

    Chứ như tôi làm thân cọp giấy, khác chi làm ông tiến sĩ giấy cho trẻ con nó chơi thì đầu đường góc chợ nào có thiếu gì...


    _________________________________________
    Chương 9
    Tôi vốn khoái lái xe hơi cho nên xe nhà binh nào tôi cũng cầm vô lăng rất chắc. Từ xe Jeep đến Đốt cát, Đốt sít, GMC tôi đều lái vèo vèo.

    Ngày về dân sự làm việc ở Ngân Hàng, tôi lại có xe La Dalat và tài xế đưa đón hàng ngày nên đã tận dụng công xa để công tác thì ít mà việc riêng la cà, ăn chơi du hí thì nhiều, nhấn hết ga cho thỏa chí.

    Nhớ xưa kia, hồi nghèo mạt rệp ở trọ trên gác lửng mái tôn nóng hơn lò bánh mì, đi làm bằng xe buýt xanh, xe buýt vàng, nhẩy xuống ngang đường như máy vì ví lép kẹp, quần áo vá víu cũ kỹ, chân đi săng đan nylon, mặt mày hốc hác , lòng không dạ bờ đê mà nay đi giầy tây, cổ đeo cà vạt, ngồi xe hơi như ông lớn thì thử hỏi sướng biết chừng nào.

    Cho nên được thể tôi lại nhẩy rào tìm thú đam mê.

    Con người ta có nhiều cái thú đam mê dễ sợ lắm. Đam mê đọc sách, nghiên cứu có thể trở thành bác học, học giả như Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Đăng Thục...Đam mê viết văn có thể trở thành Khái Hưng, Nhất Linh, Hồ Biểu Chánh, Mai Thảo, Hoàng Hải Thủy, Duyên Anh, Nhật Tiến... Đam mê viết nhạc có thể giống như Văn Cao, Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Văn Phụng, Lam Phương...Đam mê làm thơ có thể theo gót Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Phạm Thiên Thư, Nguyên Sa, Mai Trung Tĩnh...Đam mê nhiếp ảnh có thể nổi tiếng như Trần Cao Lĩnh, Nguyễn Mạnh Đan, Nguyễn Cao Đàm, Nguyễn Ngọc Hạnh...Đam mê ca hát có thể nổi danh như Ban Thăng Long, Sĩ Phú, Anh Ngọc, Hùng Cường, Elvis Phương... Đam mê ngâm thơ có thể nổi danh như Quách Đàm, Hồ Điệp, Hoàng Oanh, Thanh Hùng... Đam mê vẽ có thể trở thành Tú Duyên, Tạ Tỵ, Thuận Hồ, Ngô Văn Hoa... Đam mê làm báo có thể nổi danh như Nguyễn Thanh Hoàng, Đỗ Ngọc Yến, Giang Hữu Tuyên, Bùi Bảo Sơn, Ngô Vương Toại...( Đoạn đam mê xin lược bỏ đôi chút cho gọn).

    Đó là một vài cái thú đam mê trong rừng đam mê cao đẹp.

    Tôi là kẻ bất hạnh, vô phước không có được mảy may một ly ông cụ nào trong những cái thú đam mê tuyệt diệu ấy. Những cái đam mê nho nhỏ , tôi cũng không có nốt như mê uống ruợu, mê thuốc lá, mê cà phê, mê đánh bài, mê nhẩy đầm, mê câu cá, mê chơi cờ...

    Cuộc đời tôi sẽ là một chuỗi ngày dài lê thê vô vị, nếu như tôi không vớt vát được một cái thú đam mê như tỉnh như say.

    Cái thú này có cái lạ là hễ ai mê nó, ít khi chịu tiết lộ, cứ dấu im ỉm như mèo... Ấy là mê gái!

    Ngày tôi hai mươi tuổi bước chân vào đời lính, cũng là ngày dò dẫm lang thang trong lâu đài tình ái, một năm cả gan mê tới... 3 em!

    - Em Bích Huyền, quê hương miền Thùy Dương bóng dừa ngàn thông, giọng nói nghe êm sao chi lạ, cứ như rót mật vào lòng.
    - Cô Mi-Mi thích món canh chua cá kho tộ, ngọt ngào như trái sầu riêng, ca vọng cổ thiệt mùi.
    - Bé Thúy Hiền chính gốc Cố đô Ngàn năm Văn hiến Hồ Gươm Hà-Nội di cư, yểu điệu thanh tân mỏng mày hay hạt.

    Bởi húc bừa bãi vô trật tự, thiếu kế hoạch, thiếu ngân khoản đài thọ cho nên hậu quả khốc liệt là các em đã tung cánh chim tìm về tổ ấm, để lại cho tôi biết bao nhiêu là đớn đau, tiếc nuối ngậm ngùi.

    Không biết ông bố tôi hồi xưa có mê gái như một thứ gia truyền không thì tôi không rõ, chứ cứ như đời tôi, mê gì chẳng mê lại vương vào cái vòng oan nghiệt oan gia này mới thực là tai họa.

    Tôi cứ đinh ninh cái đó gia truyền, như kiểu ta cũng nòi tình đi thương người đồng điệu.
    Sau những năm tháng nghèo đói lang thang, bỗng được lên xe xuống ngựa... sắt, tôi lại bổn cũ soạn lại, ngơ ngẩn với tình.

    Người tình của tôi là một mệnh phụ phu nhân, gặp nhau trong trại heo ở Bình Dương. Tôi thì mần việc Ngân Hàng chuyên cho vay ngắn hạn, trung hạn, cho vay chăn nuôi phát triển tăng gia sản xuất. Nàng có cái trại nuôi heo, cần vay tiền của Ngân Hàng. Nhân dịp đi theo phái đoàn quan sát địa điểm chăn nuôi, tôi bắt gặp ngay đôi mắt của nàng chớp pha cốt mấy phát khiến tôi bấn loạn tâm thần.

    Rồi lại ngồi ăn trưa, xếp đặt làm sao mà tôi lại ngồi ngay cạnh nàng. Mùi thơm của nước hoa, hương thơm của da thịt đàn bà hòa cùng hương thơm đặc biệt của trại heo làm tôi ngây ngất.

    Nàng tiếp thức ăn cho tôi mà tôi cứ ngỡ như nàng đang cho heo ăn vậy.
    Bởi chính trong tôi cũng có một con lợn lòng đang muốn phá chuồng sổ cũi.

    Từ bữa đó, tôi hay lấy cớ đi công tác báo chí thông tin, lái xe La Dalat một mình tới Bình Dương gặp nàng tỉ tê bù khú. Tuy gọi là nàng cho có vẻ văn học nghệ thuật đấy thôi, chứ nàng đã gần bốn mươi cái xuân xanh, con cái lớn cả rồi. Sở dĩ nàng nhón tôi tiêu khiển là để vui chơi chốc lát. Ông chồng nàng là sĩ quan cấp Tá, vớ vẩn thế nào mà lại tù ti với chị người làm, theo quan niệm Trong nhà gì đẹp bằng sen nên bà vợ bỏ liền, cho chồng đi luôn.

    Tuy nàng băm mí rồi mà nom vẫn còn ngọt nước, mầu mỡ lắm. Đôi mắt thật là tình tứ đong đưa, nét môi son hồng mời mọc, đồi núi vẫn chập chùng, dáng đi lả lướt quý phái. Nhất là nàng lại trang phục đồ đầm, áo lụa hồng mỏng dính, chiếc juýp đẹp để lộ cặp giò trắng nõn, nàng như một đóa hoa rừng. Trách chi nàng chả có tên Mộng Lan là phải!

    Tôi thường trốn nhà, trốn sở đi vào xi nê ma ngồi coi phim thì ít mà rờ rẫm thì nhiều. Có khi hai đứa ghé vườn lan trên xa lộ Biên Hòa, vào ngắm lan muôn mầu ngàn sắc. Em hỏi tôi lan nào đẹp nhất, xin trả lời chỉ có Mộng Lan thôi!

    Có lúc chúng tôi đi Vũng Tầu, Long Hải tắm mát rong chơi như đôi tình nhân hợp pháp.
    Những mục du dương lả lướt như thế, trước sau rồi cũng có người bắt gặp, rỉ tai, thông tin quốc nội. Chuyện đến tai xếp tôi, tôi vẫn tỉnh bơ chối biến. Còn như chuyện đến bếp mụ xã tôi thì mụ ấy không những chẳng thèm để lọt vào tai mà lại cười ầm lên, bảo rằng khen ai khéo bỏ bom kể chuyện khôi hài.

    Mụ xã tôi lấy tôi từ thuở xưa, biết tỏng cái tính tôi sợ vợ nhất trên đời, trong túi lại chả bao giờ có nhiều tiền, vợ con cả đống rồi, còn có ma nào thèm đến thứ tôi nữa mà cũng có người bầy đặt chuyện. Dù mụ ấy thông minh, lý luận cách mấy nữa cũng không biết rằng ma ăn cỗ và cái tổ con chuồn chuồn nó ở chỗ nào. Lại nữa, dẫu tôi là kẻ nhát hèn, sợ vợ thật đấy nhưng khi cái máu đam mê nó nổi lên thì có trời can cũng không nổi. Cho nên, nhờ cái vỏ ngoài ngớ ngẩn đáng tin cậy ấy mà tôi vớt vát được một thời gian dan díu với tình.

    Đến khi Mộng Lan vỡ mộng với Cai tôi, ôm đồ sang thuyền khác thì tôi lại trở về mái nhà xưa làm anh chồng chung thủy bình thường, đứng đắn như ngoại lệ.

    Chưa được bao lâu thì tôi lại ngựa quen đường cũ, tán tỉnh ngay được một em gái một con trông mòn con mắt. Em có anh chồng cờ bịch, hút sách cho nên bỏ vợ con lang thang. Tôi là kẻ hào hoa phong nhụy, làm ra vẻ thương người, lúc đem vài thùng sữa Guigoz cho cháu bé, lúc tặng nàng vải may áo, lúc biếu mỹ phẩm, quà bánh liên miên.

    Cảm cái ơn ấy, tôi dụ dỗ được nàng đi chơi, bỏ chồng bỏ con, đi vào con đường tục lụy. Tôi như một kẻ chiến thắng dẫu chẳng lấy chi làm vinh dự nhưng cũng thỏa lòng khao khát đắm say.

    Bạn bè có ai đi ngoại quốc, tôi cậy cục nhờ mua phim, mua lịch khỏa thân để bán kiếm lời. Ai muốn xuất ngoại cần chạy Bộ nọ Phủ kia, tôi chạy rất lẹ. Nói chi đến các Nha, Sở thì tôi coi như đồ bỏ, chuyện chi cũng mát mái xuôi chèo. Miễn rằng tiền bạc đình huỳnh, sòng phẳng theo đúng luật giang hồ.

    Từ khi trong ví có tiền, tôi thường la cà vào các chốn nhẩy đầm vuốt ve các em ca ve kiếm chác. Các trà đình tửu quán đều biết mặt tôi khách xộp, chịu chơi. Đến quán bia ôm là các em quây lại đấu hót như máy, mỗi em một ly nước ngọt, cộng lại xòe ra dăm xín thanh toán như chơi. Vào những nơi tắm hơi đấm bóp, tôi là khách quen cơm bữa.

    Tôi còn rủ rê thêm bạn bè, hướng dẫn chúng nó đốt giai đoạn để làm quen với các em út, ăn chơi thỏa chí với đời.

    Thằng Quỳnh Râu, Giám Đốc Ngoại Thương Bộ Kinh Tế, xưa kia chân chỉ hạt bột mà giờ áp phe tiền triệu vụ đường xăng đại huynh, nhà lắp máy lạnh, đi xe hơi Cortina láng coóng, đào điếc cả bầy.

    Thằng Minh Vều, trung tá tiếp vận, thỉnh thoảng phải vào sòng bạc của bà tướng trong Chợ Lớn nướng bớt cho đỡ nặng túi.

    Thằng Út Khang, con út của bác tôi, hiền khô như đất, trông thấy đàn bà là đỏ mặt tía tai, chỉ cặp kè với tôi dăm bẩy phùa đã ôm đào nhẩy Sì-lô, Tango rất mùi rất lẳng.

    Đại Uùy Lộc, sĩ quan tùy viên của Tướng Tư lệnh Sư đoàn, nghe theo lời tôi đường mật, xách các táp tùy viên đi bù khú với đào, bao nhiêu tài liệu kín mật bỏ ngỏ cho các em khai thác.

    Bác sĩ Quân y Cửu Chân, quanh năm tiền tuyến, bầu bạn với rừng Dakto, Daksut, Konpo, Konđú mà lúc thuyên chuyển về gần Saigon cũng đã theo chân tôi vào chốn giang hồ, lúc bán thuốc, khi chạy áp phe quân dịch tái khám, miễn dịch mà khấm khớ.

    Hùng tức Hùng Hục, thanh tra quan thuế, đồn trú phi cảng Tân Sơn Nhất chuyên áp phe với các bà tướng buôn lậu đồ từ ngoại quốc về, qua mặt quan thuế cáo vèo để bán thuốc phiện, cần sa, toàn những đồ quốc cấm.

    Nhờ tôi mà những đứa ấy mở mặt với đời, từ cuối nẻo đường hầm chui ra ngoài ánh sáng văn minh.

    Sở dĩ chúng tôi yên ổn ăn chơi vi vút như thế vì biết chắc chắn rằng trên khắp bốn vùng chiến thuật, các chiến sĩ Hải, Lục, Không Quân, các binh chủng Nhẩy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến, các đơn vị Thiết Giáp, Pháo Binh, các lực lượng Địa Phương Quân, Nhân Dân Tự Vệ vẫn ngày đêm giữ vững tiền đồn, giữ yên làng xóm để cho hậu phương được an toàn.

    Kẻ hậu phương cũng không quên ơn chiến sĩ, bằng chứng là năm nào cũng có cây mùa xuân tổ chức dịp tết nguyên đán để mừng anh chiến sĩ Cộng Hòa. Các cơ quan hành chánh, tự trị cũng đảm nhận công tác thăm viếng anh em chiến sĩ tiền đòn, đi theo phái đoàn văn nghệ hát cho lính trận nghe, tặng quà xà bông, kem đánh răng, khăn mặt, bánh kẹo, thư an ủi...

    Ngân Hàng tôi kết nghĩa với Sư Đoàn 7 Bộ Binh của Tướng Nguyẽn Khoa Nam.

    Ngày cuối năm, phái đoàn NHPTNN đáp trực thăng từ Biệt Khu Thủ Đô đi Kiến Tường thăm tiền đồn và thương binh. Trực thăng bay vòng vo lúc cao lúc thấp mới tới Kiến Tường. Hỏi ra thì phi công cho biết bay như vậy để tránh hỏa tiễn tầm nhiệt của cộng sản từ dưới bắn lên. Vùng nào nguy hiểm thì trực thăng phải bay hướng khác cho an toàn hơn.

    Tiền đồn, tuy lúc phái đoàn tới thăm không có khói súng mịt mù, đạn bay tơi tả nhưng bệnh xá dã chiến có mùi thuốc, mùi ê te, có tiếng rên rỉ của kẻ gẫy tay, người cụt chân, băng bó trắng rợn người, máu mê bê bết.

    Cái không khí yên lặng tạm thời của tiền đồn là thứ yên lặng chờ đợi, chuẩn bị cho những hận thù nẩy lửa lại sắp diễn ra bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào. Người quân nhân chỉ biết sẵn sàng ứng chiến.

    Phái đoàn lại đáp trực thăng về căn cứ Đồng Tâm ở Mỹ Tho, bộ tư lệnh của sư đoàn. Tại đây đã có phái đoàn đi đường bộ mang hàng trăm gói quà, trong đó có thuốc men, quà bánh, tiền bạc để tặng các anh em thương bệnh binh đang điều trị tại bệnh viện.

    Những người chiến sĩ dầm mưa giãi nắng, đem cả cuộc đời để bảo vệ mảnh vườn tấc ruộng, quên cả gia đình hạnh phúc để gìn giữ ngọn cờ. Bây giờ các anh mất đi một phần thân thể, nằm đó mà linh hồn như vẫn theo chiến hữu xông pha lửa đạn ngoài trận địa.

    Tinh thần yêu nước ấy âm thầm và bền bỉ, kiêu hãnh và can trường. Đó là truyền thống của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà thành tích chiến đâu tuyệt vời đã vang động khắp năm châu, đã ghi vào quân sử.

    Phái đoàn ăn cơm đoàn kết tại câu lạc bộ với ban tham mưu của Tướng Nguyễn Khoa Nam. Vị Tư lệnh độc thân, nói năng từ tốn và chắc nịch, nhiều lúc như trầm tư mặc tưởng, như cả cuộc đời gắn liền với nếp áo quân nhân, với đồng ngũ, với đơn vị.

    Tôi chỉ được nghe danh Tướng Nguyẽn Khoa Nam là một vị Tướng trong sạch nên lòng rất khâm phục.

    Chả bù với các Tướng tham nhũng, bất tài, vô hạnh.

    Giữa một rừng sao quả tạ như thế, rất may còn một số vì sao lấp lánh rạng ngời như ánh hải đăng để quân đội còn vững niềm tin, còn tinh thần chiến đấu diệt cộng.

    Tôi cũng tin tưởng thế, nên chuyện tiền đồn, bệnh xá lại như mây bay gió thoảng, chuyện ăn chơi đàn đúm làm tiền vẫn là thỏi đá nam châm đầy ma lực và quyến rũ.

    *****
    Một đêm đang ngủ say, bỗng có tiếng nói rất quen thuộc mà cũng rất nghiêm nghị, đánh thức tôi dậy, hỏi rằng:
    - Có phải thầy là Cai Phúc ngày xưa đó chăng?

    Kẻ này đáp:
    - Dạ phải!

    Cuộc đàm thoại tiếp tục:
    - Nhà thầy có nhớ hồi tản cư nhà nghèo phải đi hốt phân trâu phân bò về bón rau, những đêm hè tát nước gầu đôi gầu ba, những ngày đông rét mướt đi chăn vịt ở Gia Lộc, Thanh Miện?
    - Dạ nhớ!

    - Nhà thầy chắc chưa quên thời học trò Nguyễn Trãi, học Công dân Giáo dục thầy Nguyễn Đức Hiếu về đạo tu thân, tề gia, trị quốc chứ?
    - Dạ quên làm sao được!

    - Thế nhà thầy còn nhớ lời giảng: Bần tiện bất năng di, phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất không?
    - Dạ, còn nhớ!

    - Khi nghèo đói tả tơi mà lòng dạ chẳng đổi, giấy rách vẫn giữ lấy lề, nhà thầy theo tới không?
    - Dạ, chưa làm gì ác ôn để cha mẹ bị chửi ạ!

    - Nếu quả vậy thì ta có lời khen. Thế gặp hoàn cảnh bị võ lực áp bức, hành hạ đe dọa mà vẫn không sợ hãi, không chịu phục tùng, nhà thầy can đảm đến mức nào?
    - Dạ, trong đời từng dăm lần biểu dương thái độ nhất quyết không, ít ra là bốn không.

    - Nếu việc làm y như lời nói, ta có lời khen nữa. Thế còn như câu phú quý bất năng dâm, chữ dâm đây có nghĩa rộng là tham lam, ham muốn quá độ, say mê sắc dục, lạc lối lầm đường. Như dâm bằng là bạn bè xấu, dâm bội là tà dâm trái đạo, dâm hành là hành động tà dâm, dâm học là cái học không chính đáng, dâm huệ là ân huệ không phân minh, dâm lệ là nước mắt đầm đìa không dứt, dâm ngôn là lời nói thô tục, dâm thị là cái nhìn bất chính, dâm từ là lời nói không đứng đắn, dâm uy là oai quyền bất chính, dâm vũ là mưa dầm dề đường trơn ướt lê thê... Nhà thầy theo tới đâu rồi?

    Câu trả lời quả thực là khó, bởi từ ngày le lói tí đom đóm với đời, nhiều phen đổi bạn, đôi lúc muốn bỏ vợ, tôi như con diều gặp gió sắp lên cao, đâu có nhớ gì xa xưa dĩ vãng.

    Nay có kẻ biết tỏng mình, bầy đặt hỏi móc họng, kê tủ đứng vào mồm, liệt những cái tồi tệ đốn mạt của mình ra khiến tôi vừa bực mình vừa hổ thẹn, phân vân chưa biết trả lời sao thì lại nghe có tiếng thở dài:
    - Có thân mà không chịu tu sửa, có gia đình mà không biết giữ gìn, có tổ quốc mà không lo bảo vệ. Những kẻ như bay đã làm băng hoại cả một cơ đồ. Trách chi đất nước này chẳng tới hồi mạt vận...

    Tôi vội chắp tay kính cẩn:
    - Thưa, người là ai? Thần linh hay thánh nhân? Có điều chi dậy bảo, xin...

    Tiếng nói át đi:
    - Tao nào có phải thần thánh quỷ quái gì đâu! Tao chinh là cái lương tâm của mày đó!

    Nói xong im luôn.

    Tôi toát mồ hôi, mở cửa bước ra sân. Chung quanh không một bóng người.

    Từ khu Đồng Ông Cộ nhìn lên bầu trời đen thẳm, lập lòe vài đóm mắt hỏa châu.

    Và tiếng súng trận dồn dập đau thương nghe như mỗi lúc một gần...
    ________________

    Chương 10
    Mặc dù tình hình chiến sự trên bốn vùng chiến thuật sôi động, nhiều trận đánh ác liệt kinh hồn nhưng hầu hết các trục lộ do quân ta kiểm soát vẫn an ninh, các đồn phòng ngự vẫn tung bay ngọn cờ vàng ba sọc đỏ, các thị trấn vẫn sinh hoạt bình thường. Và tại thủ đô miền Nam - hòn ngọc viễn đông - vẫn như thuở thanh bình thịnh trị. Nếu không có người lính Dù ôm M-16, mặc áo giáp đứng trên lô cốt cạnh cầu Phan Thanh Giản, nếu không có đồn bót quanh vòng đai an ninh Saigon chất đầy bao cát và những vòng giây kẽm gai hiểm hóc, nếu không có những quân nhân mặc đồ trận mang nón sắt, mang vũ khí di chuyển trongđám thường dân, nếu không có những quân xa sơn mầu lá rừng, những xe Thiết Giáp trang bị súng lớn chạy ầm ầm đây đó, nếu không có những chiếc máy bay C-130, A-37, trực thăng bay lượn trên vòm trời xanh mây trắng... thì ít ai có thể ngờ rằng đất nước tôi ròng rã buồn vui, suốt mấy chục năm vẫn khói lửa tơi bời. Khói lửa ở xóm thôn, ở ven đô, có khi ở trong đô thị. Khói lửa ở các địa danh cao nguyên,đồng bằng, sông rạch, đường xá, vị trí đóng quân, phục kích, hành quân... Nơi mỗi người dân là một mối u sầu lởn vởn.

    Tình hình quân sự xem ra phía địch được tiếp tế viện trợ tối đa, còn phe ta bị hạn chế Cắt ngân khoản, cắt đủ mọi thứ. Người bạn đồng minh đã trở cờ, chuẩn bị rút lui. Chỉ còn lại một quân đội can trường kiêu dũng, đánh giặc với các điều kiện hoàn toàn bất lợi.Tình hình chính trị càng ngày càng thê thảm hơn. Nhóm ngụy hòa, thân cộng ồn ào chống đối chính quyền. Người quốc gia ngao ngán trước tình cảnh nguy vong đổ vỡ. Trong bối cảnh thất điên báo đảo ấy, tôi vẫn vác sách đi học đêm tại viện đại học Vạn Hạnh, nghe các giáo sư diễn giảng về chính trị ngoại giao. Các thầy đều là hành chánh gia, chính trị gia, luật gia, nói như nước chẩy hoa trôi thao thao bất tuyệt khiến sinh viên cứ ngồi vểnh tai lên mà nghe rất sướng. Sướng nhất là nghe thầy bàn về tình hình chiến sự và chính trị. Với những luận cứ chắc hơn bắp, thầy bảo rằng tình thế tuy nó là thế nhưng chưa chắc đã là thế đâu. Nghĩa là dẫu ta có mất vài tỉnh, rút quân từng phần nhưng đôi bên sẽ phải ngưng ở một nơi có chuyến đò vĩ tuyến. Vĩ tuyến ấy ở chỗ nào thì thầy đưa ra vài cái rồi quả quyết rằng ta cứ yên chí, chớ có ồn ào, rối trí, mất bình tĩnh mà hỏng việc. Có thầy lại viết báo Chính Luận bầy tỏ lập trường, dự đoán tình hình đất nước và lạc quan nhận định dẫu có bề gì mình vẫn còn giữ được một phần lớn miền Nam. Giới trí thức chính trị mà đã quan sát, phê bình như thế tất nhiên đám sinh viên cao học chúng tôi phải coi là khuôn vàng thước ngọc rồi, nên rất an tâm. Có một điều là ngoài phố, thiên hạ bàn ra tán vào rất khác lập trường của các thầy đại học. Giới chị em ta có liên lạc mật thiết với quân nhân Mỹ coi mòi hoạt động mãnh liệt hơn cả. Mặc dù tình thế rối tơ vò, chả ai biết đường đi nước bước ra sao, nhưng các chị em ta có lập trường rõ rệt. Aáy là đưa người vào phi cảng, vào DAO để đi Mỹ.

    Tôi cũng có giao dịch với chị em ta, tuy không mặn mà như G.I. Mỹ nhưng cũng thu thập được khá đủ tin tức tình báo chiến thuật để quyết định một phùa chót chuyến này. Nhận thấy rằng nghe theo các thầy có vẻ hay đấy nhưng không có lợi. Đằng này, phía chị em ta được Đồng Minh rỉ tai nên có chương trình ra đi chớp nhoáng mà lại mần xìn khá gọn. Tôi gia nhập hàng ngũ của họ, chuyên mối lái các gia đình nào giầu có muốn đi. Thế là tôi thu xếp cho người ta vào DAO, mỗi người chỉ phải nạp ít vàng hoặc dô la xanh là OK xong việc. Những chuyến đi như thế, tôi có thể kiếm dăm bẩy ngàn đô la như bỡn hoặc dăm mười lượng vàng nhanh như cắt.

    Gần cuối tháng Tư năm 1975, tình hình coi mòi bết bát, lần lượt các tỉnh lỹ bị cộng sản tràn ngập. Chiến sự đã gần kề đo thành. Chính phủ thay đổi, tôi cũng tìm đường dọt cho mau vào phút chót. Ngày 28 tháng Tư, gia đình tôi đã nằm trong DAO Tân Sơn Nhất. Đêm đó cộng sản pháo kích phi trường, đạn réo như xé lụa, rít lên thật là rùng rợn, kinh hoàng.

    Trưa ngày 29 tháng Tư, mấy ngàn người cả Việt lẫn Mỹ kẹt trong DAO thì tôi thấy xe Mỹ đi nhổ cột điện, chướng ngại vật khu sân rộng. Lính Mỹ nói rằng sẽ có máy bay đến đón chúng tôi đưa ra biển. Khu DAO ồn ào hẳn lên, nhốn nháo bàn tán chờ đợi. Lối 3 giờ chiều, ba chiếc trực thăng từ ngoài Vũng Tầu bay tới hạ cánh, khoảng 100 lính Thủy Quân Lục Chiến súng ống đầy mình nhẩy xuống giữ an ninh khu DAO. Trên trời, mấy chiếc phản lực thay nhau vần vũ. Đám người Việt người Mỹ được chia từng khu, từng toán, có lệnh mới a la xô lên máy bay. Cứ 3 trực thăng đi thì chút xíu lại có 3 cái khác đáp xuống. Chuyến bay tôi rời DAO lúc 5 giờ chiều. Chiếc trực thăng bán phản lực chở 60 người, cất cánh, bụi tung mù mịt, động cơ ầm ầm, hở phía đuôi, có thể nhìn xuống dễ dàng.

    Không ai bảo ai, những người lớn đều ôm mặt. Có người nghẹn ngào nức nở, có người khóc thành tiếng bi thương. Tôi không khóc, không ôm mặt mà lại mở thật to đôi mắt để nhìn quê hương lần cuối.

    Dưới đó là Tân Sơn Nhất, là Gia Định, Gò Vấp, Thủ Đức, Long Thành, Vũng Tầu... Dưới đó là những mái nhà tôn nhà lá nhà gạch, những con đường nhựa đường làng, những thửa vườn luống rau, những đồn bót đơn vị, những kỷ niệm chồng chất dập vùi...

    Khi sống trên quê hương, tôi chả bao giờ thiết tha đến những thứ đó, trái lại nhiều lúc còn dửng dưng coi rất tầm thường. Mà sao khi mất nó rồi mới thấy nhớ nhung, xót sa, quý báu. Giá trước khi chạy ra máy bay, tôi vốc được một nắm đất bỏ vào túi làm kỷ vật có phải là đẹp biết mấy không cơ chứ! Chiếc trực thăng bay gần 50 phút ra tới hải phận quốc tế, đáp trên chiến hạm. Chưa đầy một tiếng đồng hồ tôi đã là người tị nạn lênh đênh như con thuyền không bến. Đoàn người được tiếp tế ăn uống và chờ đợi di chuyển qua tầu khác. Tôi vẫn ôm khư khư cái túi đựng đô la và vàng Kim Thành, không lúc nào chểnh mảng.

    Với số tiền dăm chục ngàn đô la và vàng lá, qua Mỹ tôi sẽ tậu một cái nhà, sắm một cái xe hơi Huê Kỳ mới toanh và mua một cơ sở tự lập, khỏi phải nhờ đến ai cho phiền phức. Đến đêm, mấy tầu Mỹ bật đèn như sao sa, sáng choang một vùng biển, nom tựa một thành phố nổi vậy. Nhờ trời mây quang tạnh, các xà lan chở người qua tầu khác không mấy khó khăn. Chỉ có một chút khó khăn là sóng biển chập chùng, lắc lư cái xà lan và khi từ xà lan lên tầu lớn thì phải trèo thang giây, có người đỡ. Tôi đã cẩn thận luồn cái túi tiền qua cổ qua vai, thế là yên chí lớn. Đến lượt tôi bắt đầu trèo thang giây, bỗng dưng trời nổi gió. Sóng nước lao đao, còn con người cũng lảo đảo. Những người già trẻ lớn bé đang trèo thang giây sợ hãi, la hét om sòm. Tôi lúc đó cũng hoảng hồn chỉ sợ té. Trong khoảnh khắc, tôi cảm thấy người nhẹ hẳn đi, thì ôi thôi, chiếc túi tiền với vàng đã rơi tòm xuống biển.

    Tôi chết điếng cả người, không dám hé răng vì còn phải cố gắng mò thang giây leo lên tầu buôn lớn. Cái tầu buôn này chuyên môn chở hàng, thủy thủ đoàn lối hơn chục người nhưng khi được Hoa Kỳ thuê chở dân tị nạn đã chứa tới 5 ngàn mạng. Đó là con tầu Pioneer Commander. Khi cả nhà lên tầu, kiểm điểm thấy vợ chồng con cái đầy đủ, kiếm được một góc tạm cư, lúc bấy giờ tôi mới nhớ lại cái túi tiền và vàng rớt xuống biển mà lòng đau như cắt. Mụ vợ tôi thấy tôi thở dài sườn sượt cứ ngỡ rằng tôi buồn nhớ cố hương, mặc dù mụ ấy cũng đang khốn khổ khốn nạn, mới an ủi rằng: Thôi thì vận nước như thế, mình phải chịu. Còn biết bao nhiêu người kẹt lại không đi được thì sao? Mình phải chấp nhận hoàn cảnh. Trời sinh voi, trời sinh cỏ, có người có ta...

    Nghe mụ vợ nói lải nhải, tôi đâm cáu:
    - Có cái con khỉ! Mất bố nó cái túi tiền rồi!

    Mụ vợ tôi nghe chưa dứt câu đã khóc rống lên như bị ai chọc tiết, làm bàn dân thiên hạ chung quanh quay lại, tưởng bọn tôi nhớ nước thương nòi nên vỗ về an ủi. Tôi ngồi thừ người ra, còn mụ vợ tôi không khóc thống thiết bi ai nữa mà khóc như cha chết!

    Thế là của thiên trả địa, vơ vét một vố tưởng ngon ơ, ai ngờ tay trắng lại hoàn trắng tay, nay ngồi trơ mắt ếch!

    *****
    Con tầu trực chỉ hướng Guam, sau mấy ngày ăn cầm hơi, uống cầm chừng, đoàn người tỵ nạn nối nhau thành hàng dài đặt chân trên đảo.

    Nơi đây đã chuẩn bị sẵn sàng các lều nhà binh rộng lớn, các tiện nghi tối thiểu vệ sinh để tiếp đón mọi người.

    Chúng tôi tạm trú ở Guam 3 tuần rồi lại lên máy bay Bô-Inh 707 ghé Ha-Oai, Washington state, xuyên ngang nước Mỹ, hạ cánh tại Florida, ở trại tạm cư vài ngày rồi về nhà người bảo trợ. Người này không xa lạ gì với tôi vì ổng chính là cố vấn Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp mấy năm trước. Tên ông là Eugene C. Schroepfer. Cái tên Đức hơi khó đọc nên tôi tạm phiên âm là Xốp - Fơ cho tiện. Ông về hưu , ở Spring Hill, cách Tampa vài chục dặm. Khu này đa phần là người già, xa đô thị nên quanh quẩn chỉ có vài trăm gia đình.

    Chúng tôi ăn rầm ở rề nhà ông bảo trợ 3 tuần lễ. Ngày nào ông cũng đưa tôi đi xin việc. Ông dẫn tôi lên Tampa xin việc văn phòng luật sư thì luật sư chỉ cần thư ký biết nói tiếng Tầu, tiếng Tây Ban Nha. Hai ngoại ngữ đó, tôi mù tịt.

    Đến siêu thị xin chân xếp đồ trong kho, bấm máy tính tiền thì họ không thiếu người. Lại ngân hàng địa phương xin chân kế toán thì tôi chưa đủ khả năng chuyên môn, cần đi học một thời gian họa may họ có cần mới mướn. Ghé cơ quan bảo hiểm xin tập sự thì chủ nhân lắc đầu bảo rằng tiếng Aêng Lê của tôi mịt mùng quá, đấu sao nổi với thân chủ Mỹ! Tạt vào xưởng mổ bò thì mới vô đã choáng váng mặt mày vì thấy máu chẩy lênh láng, mùi hôi lợm giọng, đồ tể nào cũng to con trông thật dữ tợn như muốn mần thịt mình luôn. Tôi chùn chân thật gấp trở lui. Chỉ có cái nghề leo thang lên cây hái cam là được trọng dụng. Lương trả 3 tiền, làm ngày 8 tiếng, không có quyền lợi gì khác cả. Phần lớn các công nhân ngành này là dân Mễ nghèo rớt mùng tơi mới lãnh việc. Làm ngoài trời mùa hè đã nóng, mà cái nạn muỗi đốt kiến cắn, bọ chui vào đầu vào tai vào mình mẩy, vừa ngứa ngáy bẩn thỉu lại vừa mồ hôi mồ kê nhễ nhại, gai góc đâm bừa bãi, sơ ý là té bổ nhào, què chân gẫy tay mình lãnh đủ. Tự lượng sức mình không sao cáng đáng nổi, tôi đâm ra thất vọng não nề, coi như đường hầm trước mặt.

    Ông bảo trợ nhanh trí mới tô lô phôn lên thủ đô Hoa Thịnh Đốn nhờ cơ quan nào đó cho tên tôi vào máy điện toán kiếm việc làm. Cách một tuần sau có cú điện thoại từ Lakeland - cách nhà ổng vài chục dặm - một chủ trạm xăng cần người phụ tá, được Hoa Thịnh Đốn thông báo là mới có một hiền tài nhập cảng từ Việt Nam. Hắn liên lạc với ông bảo trợ hẹn họp thượng đỉnh tại Lakeland.

    Ông Xốp Fơ dẫn tôi đến nơi, lại trạm xăng gặp ngay anh chủ tên là Bill Gruter, gốc Hòa Lan, cao lớn đẹp trai, cũng di cư 12 năm trước, khởi nghiệp với hai bàn tay trắng mà nay làm chủ 3 trạm xăng, có dăm bẩy cái nhà cho thuê, nhà cửa như dinh thự, nào hồ bơi nước nóng, nào sân nuôi ngựa, nào xe hơi hai ba cái sang trọng láng coóng. Hắn đưa chúng tôi thăm cơ sở, thăm nhà cửa một vòng ròi mời ăn trưa tại một tiệm Tây khá lịch sự. Tôi có xách cái cặp, mở ra trình bằng cấp giấy tờ, kinh nghiệm thì Bill nói rằng:
    - Tôi chỉ cần một người khỏe mạnh, bằng lòng làm trạm xăng, thế thôi. Các món giấy tờ của anh, tôi không cần ngó làm gì cả.

    Sau khi hỏi điều kiện làm việc, lương bổng, tôi tính nhẩm có thể nuôi tạm gia dình lúc này, đỡ phiền lụy đến ông bảo trợ, mới gật đầu xin hẹn ba bữa nữa đem cả gia đình xuống Lakeland dịnh cư.

    Thế là cái số tôi trước sau gì rồi cũng dính tí xăng nhớt mới khá. Ở Việt Nam mần việc ngành Quân Nhu thì tôi cũng học về xăng nhớt và bán xăng rất lẹ. Sang đến đất Mỹ lại chui đầu vào trạm xăng, kể như định mệnh đã an bài, tránh không khỏi số. Từ đó tôi quản trị 12 vòi xăng, một máy rửa xe, chuyên thay dầu nhớt xe hơi, đặc trách vá lốp các cỡ, thanh tra vệ sinh và bảo trì dụng cụ. Ngoài các nhiệm vụ chánh, tôi còn túc trực đi câu xe, chạy cờ cho mấy tên thợ sai bảo đi mua cà phê, mua săng uých, mua la de hoặc đi mua đồ sửa xe dưới phố.

    Làm việc được đâu chừng một năm, tôi khá thông suốt đường lối hoạt động, chủ trương, chính sách của chủ nhân và chẳng bao lâu nghiễm nhiên là một phụ tá tin cẩn đắc lực. Từ khi chiếm được lòng tin của chủ rồi, tôi mới dở trò xưa tích cũ ra thi thố tài năng.

    Cái tỉnh tôi ở là tỉnh nhỏ, lèo tèo dăm bẩy gia đình Việt Nam tị nạn, phần lớn có việc tốt như làm hãng máy bay, hãng hóa chất, làm chỗ bán hàng. Chỉ có tôi bơm xăng làm chuẩn, cho nên ai nhìn tôi cũng thấy là tôi thấp hèn kém cỏi. Cái giá trị ở xứ Mỹ này được tính bằng tiền lương giờ, lương tháng. Thiên hạ làm gấp hai gấp ba lương tôi thì giá trị tôi nào co ùhơn gì cỏ mọn hoa hèn. Để trả thù đời, cho thiên hạ biết mặt, hễ gặp ai tôi cũng gợi chuyện Saigon, hỏi han xem họ làm gì rồi nhân đó mà đem cái tôi ra để hù thiên hạ. Trong lúc bơm xăng, tôi đánh bóng cái tôi một thời vàng son, cộng thêm vài chi tiết vơ quàng, làm như ta đây chẳng kém ai. Chỉ bởi mất nước mới ra nông nỗi.

    Từ khi biết việc, được chủ nhân tín nhiệm, tôi làm ca đêm từ 6 giờ chiều đến 2 giờ sáng, một mình một chợ tung hoành. Dù cho đủ lương để sống, cho nhà ở xe đi, xăng đổ líp ba ga, ăn uống tự do, tôi vẫn tính cách mần xìn.

    Đối với vụ bán xăng thì bán bao nhiêu máy chạy ra số bấy nhiêu, thành tiền bắt buộc. Nhưng còn các mục khác, tôi tìm được cách làm tiền riêng. Như vá một cái vỏ xe không ruột, chỉ cần đủ dụng cụ nhà nghề và thời gian không quá 60 giây, tôi sửa xong cái vỏ xe thủng mà không cần trục xe tháo lốp. Tôi lấy 4 tiền bỏ túi dễ dàng, chả ai biết, chả tốn kém là bao.

    Xe nào lốp cũ bị bể, chủ nhân xe không đủ tiền mua lốp mới, tôi đề nghị bán lốp cũ, thay niềng, làm ba lăng chỉ tính 15 tiền chẵn không thuế. Xe nào càn thay dầu mỡ, lọc gió thì tôi vừa làm vừa coi sóc việc đổ xăng, cỡ 20 phút là xong xuôi, lại còn cho chủ xe rửa chùa một cú. Tiền phụ tùng, tiền công cỡ 20 đô la, thỉnh toảng tôi bỏ túi một vụ là có tí tiền còm. Những mục linh tinh đại khái như thế, chủ trạm xăng không thể nào bắt được. Nó không có sổ sách gì ráo trọi và chủ nhân giao khoán cho tôi. Có khác gì giao trứng cho ác! Đem mỡ để ngay vào miệng con mèo. Hắn cứ tưởng rằng tôi là một người đứng đắn, đáng tin cậy nên giao tay hòm chìa khóa cho tôi.

    Tôi thừa hiểu rằng mở một trạm xăng là tiền nhà, tiền đất, tiền thuế, tiền nhân công, tiền điện nước, tiền dụng cụ, tiền ăn uống...trăm thứ đổ vào đầu chủ, mà trạm xăng không kiếm ra tiền, không thu vén thì chả bao lâu mà vỡ nợ.
    Tôi vẫn cứ bơ đi, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Tiền đây là tiền ăn cắp của chủ chứ nào phải tiền của mình.

    Có nhẽ cái máu ăn cắp nó đã nhập tới xương tủy của tôi rồi, không sao gột rửa sạch nữa.

    Thì cũng đành coi như định mệnh đã an bài chứ biết làm chi?

    Một thoáng hối hận, ăn năn rồi lại như nước chẩy qua cầu. Biết thế mà làm lại không như thế. Khó thật!

    (còn tiếp)



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X