Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Giao-Chỉ nô lệ bắc phương

Collapse
X

Giao-Chỉ nô lệ bắc phương

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Giao-Chỉ nô lệ bắc phương

    Giao-Chỉ nô lệ bắc phương lần thứ nhất.

    Dấu mốc xác định thời kỳ này đầu tiên chưa thống nhất giữa các sử gia, do quan niệm khác nhau về nước Nam Việt và nhà Triệu.
    • Quan điểm thừa nhận nhà Triệu là triều đại chính thống của Việt Nam (Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Việt Nam sử lược) xác định rằng khi nhà Triệu bị Hán Vũ Đế diệt năm 111 TCN lúc bắt đầu thời Bắc thuộc. Theo mốc thời gian này, thời Bắc thuộc lần 1 kéo dài 150 năm. Theo quan điểm này, thời Bắc thuộc lần 1 thực chất là thời thuộc Hán.
    • Quan điểm không thừa nhận nhà Triệu là triều đại chính thống của Việt Nam (Việt sử tiêu án, các sách Lịch sử Việt Nam của các sử gia hiện đại) xác định thời Bắc thuộc bắt đầu từ khi Triệu Đà diệt An Dương Vương:
    1. Sử cũ thường xác định An Dương Vương và nước Âu Lạc bị tiêu diệt năm 207 TCN. Theo mốc thời gian này, thời Bắc thuộc lần 1 kéo dài 246 năm.
    2. Sử hiện đại căn cứ theo ghi chép của Sử ký Tư Mã Thiên là Triệu Đà diệt[cần dẫn nguồn] phía Tây nước Âu Lạc "sau khi Lã Hậu mất", tức là khoảng năm 179 TCN. Theo mốc thời gian này, thời Bắc thuộc lần 1 kéo dài 218 năm.



    Sự cai trị của nhà Triệu và nhà Hán
    Sau khi sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt, Triệu Đà chia lãnh thổ làm 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Trông coi 2 quận này là hai viên quan Sứ (đại diện cho triều đình Phiên Ngung), bao gồm: Điển sứ coi việc hành chính và Tả tướng coi việc quân sự.[1] Sử cũ ghi nhận Tả tướng cuối cùng thời Triệu là Hoàng Đồng.
    Một chiếc ấn khối vuông bằng đồng khắc chữ "Tư Phố hầu ấn" (Ấn dành cho thủ lĩnh huyện Tư Phố) được phát hiện ở Thanh Hoá thuộc miền bắc Việt Nam trong thập niên 1930, được cho là của viên Điển sứ tước Hầu ở quận Cửu Chân thời Triệu do có sự tương đồng với những chiếc ấn được tìm thấy ở lăng mộ Triệu Văn Đế.
    Theo ý kiến các sử gia, điều này chứng tỏ nhà Triệu không trực tiếp cai trị Giao Chỉ và Cửu Chân, người Âu Lạc cũ chỉ mất một triều đình độc lập do người bản địa đứng đầu, chế độ Lạc tướng cha truyền con nối vẫn được duy trì và tổ chức vùng (bộ) của người Việt vẫn chưa bị xóa bỏ[2]. Thậm chí, trong vùng đất Cổ Loa cũ của An Dương Vương còn có vương hiệu là Tây Vu Vương.
    Các sử gia cũng đánh giá: việc tiếp tục chế độ Lạc tướng của người Việt là chính sách cai trị tốt của nhà Triệu, vì triều đình Nam Việt sở dĩ tồn tại được, ngoài sự phù trợ của một số người Hán còn có sự ủng hộ của các tộc trưởng địa phương người Việt[2]. Các tộc trưởng người Việt, Lạc tướng vẫn cai trị, hàng năm cống nộp cho vua Triệu thông qua hai quan Sứ. Giúp việc cho hai quan Sứ có một số quan chức cả người Nam Việt lẫn người Việt Giao Chỉ[3].
    Ở quận Quế Lâm, nhà Triệu đặt một viên quan Giám để trông coi. Sử cũ ghi nhận vị quan Giám cuối cùng của quận Quế Lâm là Cư Ông (居翁).[4][5]
    Nhà Triệu phong cho họ hàng tông thất được tước Vương ở đất Thương Ngô, hiệu là Thương Ngô Vương. Sử cũ cho biết Triệu Quang là Thương Ngô Vương cuối cùng.
    Riêng quận Nam Hải do triều đình nhà Triệu trực tiếp cai trị và là nơi đặt kinh đô Phiên Ngung. Dưới đơn vị cấp quận là cấp huyện. Sử cũ ghi nhận vào giai đoạn cuối thời Triệu, Sử Định là quan Huyện lệnh huyện Yết Dương thuộc quận Nam Hải.
    Biến cố đáng kể nhất của thời kỳ này là cuộc chiến giữa nhà Hán và nhà Triệu cuối thế kỷ 2 TCN, dẫn tới sự thay đổi chủ quyền cai trị lãnh thổ miền Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam cùng đất Lưỡng Quảng từ tay nhà Triệu sang tay nhà Tây Hán. Nhân lúc nhà Triệu suy yếu, Hán Vũ Đế định dùng phương pháp ngoại giao để thu phục đất Nam Việt nhưng không thành công vì gặp sự chống đối của Thừa tướng Lữ Gia.
    Hán Vũ Đế quyết định sử dụng quân sự và mở cuộc tấn công quy mô vào năm 111 TCN. Nhà Triệu đã thất bại sau khi tướng Hán là Lộ Bác Đức hạ được kinh thành Phiên Ngung của Nam Việt nhưng chưa tiến vào lãnh thổ Giao Chỉ và Cửu Chân. Thủ lĩnh người Việt ở đất Cổ Loa là Tây Vu Vương định nổi dậy chống Hán nhưng bị Tả tướng Hoàng Đồng giết chết để hàng Hán. Nước Nam Việt, trong đó bao gồm lãnh thổ miền Bắc Việt Nam bây giờ, từ đó thuộc quyền cai quản của nhà Hán.
    Nhà Hán xác lập bộ máy cai trị chặt chẽ hơn so với nhà Triệu, thiết lập đơn vị cai trị cấp châu và quận. Tại các huyện, chế độ Lạc tướng cha truyền con nối của người Việt vẫn được duy trì, nhà Hán "dùng tục cũ để cai trị"[6].
    Khi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán lập nhà Tân (năm 8), thứ sử Giao Châu là Đặng Nhượng và thái thú Tích Quang theo các thái thú ở Giang Nam, cùng nhau cát cứ chống nhà Tân. Năm 29, Hán Quang Vũ Đế cơ bản thống nhất trung nguyên. Theo lời dụ của tướng Đông Hán là Sầm Bành, Tích Quang và Đặng Nhượng cùng hàng Đông Hán.


    Hành chính và dân số

    Thời Triệu
    Triệu Đà chia lãnh thổ Âu Lạc cũ làm 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Bên dưới cấp quận không có đơn vị hành chính khác. Sử sách ghi nhận tại hai quận này có 40 vạn dân thời Triệu[2].
    Hai quận Nam Hải và Quế Lâm về cơ bản vẫn kế thừa cương vực và hành chính thời Tần. Bên dưới cấp quận là cấp huyện. Riêng Phiên Ngung nằm dưới quận Nam Hải nhưng là kinh đô của nước Nam Việt.

    Thời Hán
    Nhà Hán đánh chiếm Nam Việt năm 111 TCN, chia lãnh thổ Nam Việt làm sáu quận là Nam Hải, Hợp Phố (Quảng Đông), Thương Ngô, Uất Lâm (Quảng Tây), Giao Chỉ, Cửu Chân (miền Bắc Việt Nam) và lập thêm 3 quận mới là Chu Nhai, Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam), Nhật Nam.
    Riêng đối với quận Nhật Nam, khi Lộ Bác Đức đánh bại nhà Triệu, lãnh thổ Nam Việt chưa bao gồm quận Nhật Nam (từ Quảng Bình tới Bình Định)[6]. Vùng đất này được nhập vào lãnh thổ chung với miền Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam ngày nay lần đầu tiên sau khi các quan cai trị Giao Chỉ tiến xuống thu phục các bộ tộc phía Nam dãy Hoành Sơn trong thời thuộc Hán và hình thành quận Nhật Nam[6].
    Năm 106 TCN, Hán Vũ Đế đặt cử Thạch Đái làm thái thú 7 quận ở lục địa, 2 quận ở đảo (tức đảo Hải Nam), trụ sở đặt tại Long Uyên, quận Giao Chỉ là quận lớn và quan trọng nhất[6].
    Hán thư ghi nhận quận Nam Hải gồm có 6 huyện: Phiên Ngung, Trung Túc, Bác La, Long Xuyên, Tứ Hội, Yết Dương. Quận trị Nam Hải đặt tại huyện Phiên Ngung. Quận Nam Hải thời Hán có 19.613 hộ - 94.253 người.
    Quận Uất Lâm gồm có 12 huyện: Bố Sơn, An Quảng, Hà Lâm, Quảng Đô, Trung Lưu, Quế Lâm, Đàm Trung, Lâm Trần, Định Chu, Lĩnh Phương, Tăng Thực, Ung Kê. Quận trị Uất Lâm đặt tại huyện Bố Sơn. Quận Uất Lâm thời Hán có 12.415 hộ - 71.162 người.
    Quận Thương Ngô gồm có 10 huyện: Quảng Tín, Tạ Mộc, Cao Yếu, Phong Dương, Lâm Hạ, Đoan Khê, Phùng Thừa, Phú Xuyên, Lệ Phổ, Mãnh Lăng. Quận trị Thương Ngô đặt tại huyện Quảng Tín. Quận Thương Ngô thời Hán có 24.379 hộ - 146.160 người.
    Quận Hợp Phố thời Tây Hán gồm có 5 huyện: Từ Văn, Cao Lương, Hợp Phố, Lâm Doãn, Chu Lô với 15.398 hộ - 78.980 người. Thời Đông Hán gồm 5 huyện: Hợp Phố, Từ Văn, Cao Lương, Lâm Nguyên, Chu Nhai với 23.121 hộ - 86.617 người. Quận trị Hợp Phố đặt tại huyện Từ Văn.
    Quận Giao Chỉ gồm có 10 huyện: Liên Lâu, An Định, Câu Lậu, Mê Linh, Khúc Dương, Bắc Đái, Kê Tử, Tây Vu, Long Uyên, Chu Diên. Theo Hán thư, quận Giao Chỉ thời Hán có 92.440 hộ - 746.237 người[7].
    Về trị sở của quận Giao Chỉ, các sách sử cũ của Trung Quốc ghi không thống nhất. Hán thư ghi huyện Liên Lâu đứng đầu, về nguyên tắc đó là quận trị. Sách Giao châu ngoại vực ký cũng chép tương tự. Sách Thủy kinh chú lại xác định quận trị Giao Chỉ là huyện Mê Linh[8].
    Quận Cửu Chân gồm có 7 huyện: Tư Phố, Cư Phong, Đô Lung, Dư Phát, Hàm Hoan, Vô Thiết (hay Vô Biên), Vô Biên. Quận trị Cửu Chân đặt tại huyện Tư Phố, thời Vương Mãng đổi gọi Tư Phố là Hoan Thành. Quận Cửu Chân thời Hán có 35.743 hộ - 166.013 người[7].
    Như vậy tổng số hộ tại 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân là 128.183 với 912.250 người. So với thời Triệu, dân số tăng gấp khoảng 2,3 lần.
    Còn quận Nhật Nam do nhà Hán mới đặt sau khi đánh chiếm Nam Việt, gồm có 5 huyện: Chu Ngô, Tây Quyển, Lô Dung, Ty Ảnh và Tượng Lâm. Quận trị của Nhật Nam tại Tây Quyển. Thời nhà Tân, Vương Mãng đổi gọi là Nhật Nam đình. Nhật Nam thời thuộc Hán có 15.460 hộ và 69.485 người[7].

    Thời Đông Ngô
    Năm 210, Ngô vương Tôn Quyền sai Bộ Chất làm Thứ sử Giao Châu[9]. Chất đến, Vương Sĩ đem thân thuộc đến chầu Ngô Vương, và có công dụ hàng các quận ở xa phụ thuộc Ngô Vương nên được thăng tới chức Vệ Tướng Quân, tước Long Biên hầu.
    Đến năm 226 thì Vương Sĩ mất. Ngô Vương sai Trần Thì sang làm Thái thú, đến Hợp Phố thì nghe tin con Sĩ là Huy đã tự làm Thái Thú và đem quân ra chống cự. Lữ Đại nhận chiếu vua Ngô đánh Huy. Lữ Đại dụ hàng được Huy, rồi lừa trong buổi tiệc bắt trói cả 6 anh em nhà Huy đem ra chém, lấy đầu mang về Vũ Xương.
    Tháng 3 năm 263, nhà Ngô sai Đặng Tuân đến quận làm Thái thú thay cho Tôn Tư. Đặng Tuân lại bắt dân cống tiến 30 con Công đem về Kiến Nghiệp.
    Đến tháng 4 năm đó, quận lại là Lữ Hưng giết cả Đặng Tuân lẫn Tôn Tư, tự xin nhà Tấn đặt làm Thái thú (do bấy giờ Ngô đã phụ thuộc vào Tấn). Nhà Tấn cho Lữ Hưng làm An Nam tướng quân đô đốc Giao Châu, cho Nam Trung giáp quân là Hoắc Dặc lãnh chức Thứ sử Giao Châu, cho được tùy nghi tuyển dụng trưởng lại.
    Năm 265, vua Tấn sai Mã Dung người Ba Tây thay Lữ Hưng. Mã Dung ốm chết. Hoắc Dặc lại sai Dương Tắc người Kiện Vi làm Thái thú.
    Năm 268, nhà Ngô lấy Lưu Tuấn làm Thứ sử. Lưu Tuấn giao chiến cùng với Đại đô đốc Tu Tắc và Tướng quân Cố Dung trước sau 3 lần đánh Giao Châu. Cố Dung, Tu Tắc đều chống cự và đánh tan được cả. Các quận Uất Lâm, Cửu Chân đều theo về Tu Tắc. Tu Tắc sai tướng quân là Mao Cảnh và Đổng Nguyên đánh quận Hợp Phố, giao chiến ở Cổ Thành (tức là thành quận Hợp Phố), đánh tan quân Ngô, giết Lưu Tuấn. Tu Tắc nhân đó dâng biểu cử Mao Linh làm thái thú quận Uất Lâm, Đổng Nguyên làm Thái thú quận Cửu Chân.
    Tháng 10 năm 269, vua Ngô là Tôn Hạo sai Giám quân Nhu Phiếm, Uy Nam tướng quân Tiết Hủ và Thái thú quận Thương Ngô người Đan Dương là Đào Hoàng theo đường Kinh Châu sang; Giám quân Lý Đỉnh, Đốc quân Từ Tồn theo đường biển Kiến An sang, đều hội ở Hợp Phố để đánh Tu Tắc. Cuối cùng thì giết được các tướng do nhà Tấn đặt ra, quận Cửu Chân lại thuộc về Đông Ngô cho đến lúc nước Ngô mất.[10]


    Kinh tế

    Nông nghiệp
    Cơ sở kinh tế thời kỳ này là nông nghiệp với nông cụ đá (rìu, cuốc đá), gỗ (mai, vồ...), nhiều công cụ đồng thau (lưỡi cuốc, cày, xẻng, rìu, hái...) và một số nông cụ sắt (có rìu sắt lưỡi xéo phỏng chế rìu đồng Đông Sơn)[11]..
    Lúa nước vẫn là cây trồng chủ đạo. Bên cạnh đó, có nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng bông, đay, gai để có cái mặc và có nhiều hoa quả như nhãn, vải, quýt, chuối...[12]. Trong chăn nuôi, người Việt có 5 giống gia súc là trâu, lợn, gà, dê, chó.

    Thủ công nghiệp
    Nền sản xuất thủ công nghiệp Giao Chỉ tiếp tục có những bước phát triển, trên cơ sở thủ công nghiệp truyền thống của Âu Lạc kết hợp với việc tiếp thu những tinh hoa của dân Nam Việt[12].
    Đồ đồng Đông Sơn vẫn được sản xuất bên cạnh đồ đồng vùng Lưỡng Quảng (đỉnh, biển hồ, gươm, qua, gương đồng...). Các sản phẩm gốm gồm gốm cổ truyền còn có những sản phẩm chịu ảnh hưởng của phong cách Nam Việt (như gốm văn in hình học, bình 4-5 thân dính liền nhau) và Hán (đỉnh, bình, vò...)[12].
    Người Việt có nghề dệt cửi làm vải, nổi tiếng là vải cát bá (vải bông) nhỏ sợi và rất mịn[13].

    Thương mại
    Từ khi nhà Hán chinh phục Nam Việt, người Việt tham gia hoạt động thương mại nhiều hơn so với trước, do tác động của các thương nhân người Hán. Điểm xuất phát của các thương nhân người Hán từ phương Bắc, khi đi và về đều qua Nhật Nam mua bán thổ sản sau khi vòng qua trao đổi hàng ở các quốc gia ngoài biển.
    Nhiều lái buôn người Hán đến buôn bán và trở nên giàu có. Sản vật địa phương buôn bán trao đổi bao gồm vải cát bá, đồi mồi, ngọc, voi, tê giác, vàng bạc, hoa quả...[13].
    Việc buôn bán ở phương Đông thời Tây Hán đã phát triển. Do có vị trí thuận lợi và phong phú sản phẩm nhiệt đới, Giao Chỉ trở thành một trạm quan trọng về giao thông biển với các nước phía nam ngoài biển. Hán thư ghi lại tên một số quốc gia có thông thường thời kỳ đó, được xác định ở Nam Á và Đông Nam Á như Hoàng Chi, Đô Nguyên, Âp Lô Một, Sâm Ly, Phù Cam Đô Lô, Bì Tông...[14].

    Văn hóa - xã hội
    Đến thời Bắc thuộc lần 1 là thời sơ kỳ đồ sắt Việt Nam, vẫn tồn tại cơ cấu của nền văn minh Đông Sơn với mô hình văn hóa nông nghiệp lúa nước cổ truyền. Người Việt đã chịu ảnh hưởng lối sống, văn minh – văn hóa Hán được truyền bá theo 2 cách[11]:
    • Truyền bá một cách ôn hòa qua giao lưu kinh tế - văn hóa, qua di dân Trung Quốc.
    • Truyền bá một cách cưỡng bức thông qua đô hộ hành chính quân sự.
    Sự tồn tại của văn hóa Đông Sơn được các sử gia hiện đại đánh giá là sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt trước sự đồng hóa của phương Bắc[15]. Có sự tồn tại song song của hai nền văn hóa được các nhà nghiên cứu xác nhận[11]:
    • Trong cư trú: kiểu Đông Sơn với nhà sàn và kiểu Hán với thành quách mô hình nhà bằng đất, mô hình giếng nước, bếp lò, chuồng trại.
    • Trong mộ táng: kiểu Đông Sơn với mộ táng hình thuyền và đồ tùy táng kiểu Đông Sơn; kiểu Hán với mộ đất, quách gỗ và hiện vật tùy táng kiểu Trung Quốc
    • Trong sinh hoạt: vừa có đồ gốm kiểu Đường Cồ, gốm Đông Sơn, rìu lưỡi xéo, trống đồng của người Việt truyền thống bên cạnh bình, đỉnh miệng vuông, đao sắt, kiếm, gương đồng, móc đai lưng.
    Đầu thế kỷ 1, Nhâm Diên được Hán Quang Vũ Đế cử sang làm thái thú quận Cửu Chân đã áp dụng lối sống Hán cải biến phong hóa người Việt từ năm 29. Những việc cưới xin tới trang phục, giáo dục nhất thiết phải theo lễ nghĩa Trung Quốc[16].
    Các sử gia hiện đại cho rằng: sự pha trộn văn hóa, đời sống giữa Hán và Việt dẫn tới sự hỗn dung văn hóa cưỡng bức, theo đó quá trình năng động trên cơ tầng Việt đã vận hành theo cơ chế Hán. Đời sống văn hóa – xã hội Việt chuyển từ mô hình Đông Sơn cổ truyền sang mô hình mới: Hán - Việt[11].


    Sự phản kháng của người Việt

    Thời Bắc thuộc lần 1, trong vòng hơn 200 năm không ghi nhận một cuộc nổi dậy chống đối đáng kể nào của người Việt. Chỉ có những việc chống đối quy mô tương đối nhỏ, giết quan lại nhà Hán, dù trong nhiều năm đã khiến nhà Hán phải điều động quân đội từ Kinh Sở (Hoa Nam) xuống trấn áp nhưng không đủ mạnh để đuổi người Hán[15].
    Năm 40, do sự tàn bạo của thái thú Tô Định (trấn trị từ năm 34), hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị đã nổi dậy chống sự cai trị của nhà Hán. Tô Định bỏ chạy về Trung Quốc, Hai Bà Trưng xưng vương, xác lập quyền tự chủ của người Việt. Thời Bắc thuộc lần 1 chấm dứt.

  • #2
    Vạn-Xuân (Giao-Chỉ) Nô lệ Lần thứ nhì Phương Bắc 500 năm.

    Thời Bắc thuộc lần thứ 2 trong lịch sử Việt Nam kéo dài từ năm 43 đến năm 543. Thời kỳ này bắt đầu khi Mã Viện theo lệnh Hán Quang Vũ Đế đánh chiếm lại bộ Giao Chỉ từ tay Trưng Vương, kéo dài đến khi Lý Bí khởi binh đánh đuổi thứ sử nhà Lương là Tiêu Tư năm 542 rồi lập ra nước Vạn Xuân năm 544.

    Thời kỳ Bắc thuộc lần 2 kéo dài ngót 500 năm.
    Biến động qua 7 triều đại
    Cuối Đông Hán

    Sau khi Hai Bà Trưng thất bại, nhà Đông Hán tiếp tục duy trì sự cai trị tại bộ Giao Chỉ. Cuối thế kỷ 2, nhà Đông Hán suy yếu, chiến tranh quân phiệt bùng nổ. Hán Hiến Đế bị các quyền thần thay nhau khống chế.
    Trước tình hình đó, Thái thú quận Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp xin nhà Hán cho 3 người em là Sĩ Nhất, Sĩ Vĩ và Sĩ Vũ làm thái thú các quận: Sĩ Nhất làm Thái thú Hợp Phố, Sĩ Vĩ làm Thái thú Cửu Chân, Sĩ Vũ làm Thái thú Nam Hải. Triều đình nhà Hán do rối loạn trong nước không thể quản lý bộ Giao Chỉ xa xôi nên mặc nhiên thừa nhận. Từ đó thế lực họ Sĩ ở Giao Chỉ rất lớn.
    Năm 192, người bản địa quận Nhật Nam theo Khu Liên khởi binh chống nhà Hán và thành lập nước Chăm Pa độc lập. Lực lượng nhà Hán ở phía nam yếu ớt không chống nổi, bất lực trước sự ly khai của Khu Liên. Từ đó phía nam Nhật Nam trở thành nước Chăm Pa, tách hẳn sự cai trị của nhà Hán và các triều đại Trung Quốc sau này.
    Năm 200, Tào Tháo đang nắm vua Hiến Đế ở Hứa Xương đánh bại được đối thủ quân phiệt lớn nhất là Viên Thiệu trong trận quyết định ở Quan Độ. Nắm quyền chủ động ở Trung Nguyên, Tào Tháo bắt đầu quan tâm tới miền nam. Năm 201, Tào Tháo nhân danh Hiến Đế cử Trương Tân sang làm thứ sử bộ Giao Chỉ[1].
    Năm 203, Trương Tân và Sĩ Nhiếp cùng nhau dâng biểu xin lập bộ Giao Chỉ làm châu, nhà Hán mới đặt bộ Giao Chỉ làm Giao Châu. Từ đó Giao Châu được ngang hàng với các châu khác ở Trung Quốc. Hiến Đế phong Trương Tân làm quan mục ở Giao Châu. Bắt đầu từ đấy có tên Giao Châu[2].
    Năm 206, Trương Tân bị bộ tướng Khu Cảnh giết chết. Khi đó Lưu Biểu đã trấn giữ Kinh Châu không thần phục Tào Tháo, bèn sai thủ hạ là Lại Cung sang làm quan mục Giao Châu. Cùng lúc, thái thú quận Thương Ngô là Sử Hoàng cũng chết, Lưu Biểu vội sai Ngô Cự đi cùng Lại Cung sang làm thái thú Thương Ngô.
    Năm 207, Tào Tháo can thiệp vào Giao Châu, sai người đưa thư phong Sĩ Nhiếp làm Tuy Nam trung lang tướng, cho quản lý cả 7 quận Giao Châu là Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam và kiêm thái thú quận Giao Chỉ như trước. Trong khi đó hai thủ hạ của Lưu Biểu là Ngô Cự và Lại Cung lại bất hòa. Hai người chưa tới nơi trấn trị đã trở mặt đánh nhau. Ngô Cự đánh đuổi Lại Cung về quận Linh Lăng thuộc Kinh Châu dưới quyền quản lý của Lưu Biểu.

    Thời Tam Quốc
    Năm 208, Lưu Biểu chết. Tào Tháo mang đại quân nam tiến đánh chiếm Kinh châu. Cuối năm 208 xảy ra trận Xích Bích. Tào Tháo thất bại trong ý đồ thống nhất Trung Hoa, phải rút về trung nguyên. Tôn Quyền và Lưu Bị thắng trận, thừa cơ cùng nhau đánh chiếm đất Kinh châu từ tay Tào Tháo để lại.
    Đối với Giao châu, Tôn Quyền cũng giành lấy quyền quản lý. Năm 210, Tôn Quyền sai thủ hạ là Bộ Trắc sang làm thứ sử Giao châu. Sĩ Nhiếp tuy trước đã thần phục Tào Tháo nhưng biết không thể chống lại Tôn Quyền nên đành phải nghe theo, chấp nhận ngôi vị của Bộ Trắc. Từ đó Giao châu trên danh nghĩa thuộc về họ Tôn mà ít lâu sau thành lập nước Đông Ngô khi Trung Quốc chính thức chia làm 3 nước: Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô.
    Tuy Bộ Trắc làm thứ sử nhưng thế lực của họ Sĩ vẫn rất lớn và thực quyền cai quản trong tay họ Sĩ. Sĩ Nhiếp sai con là Sĩ Hâm sang làm con tin ở Kiến Nghiệp với Tôn Quyền và được phong làm Long Biên hầu.
    Năm 226, Sĩ Nhiếp chết. Sĩ Huy tự mình lên thay chức thái thú quận Giao Chỉ không xin lệnh Tôn Quyền. Để tăng cường quản lý phía nam, Tôn Quyền chia Giao Châu cũ của nhà Hán làm hai: lấy 3 quận Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô phía bắc hợp thành Quảng Châu, giao cho Lã Đại làm thứ sử; Giao Châu chỉ còn 4 quận phía nam là Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và một phần quận Nhật Nam, giao cho Trần Thì làm thứ sử. Tuy nhiên Sĩ Huy mang quân ngăn trở Trần Thì đến nhận chức. Tôn Quyền sai Lã Đại mang quân sang đánh để triệt bỏ họ Sĩ. Lã Đại lừa giết anh em Sĩ Huy và chiếm lấy Giao châu. Từ đó Giao châu hoàn toàn thuộc về Đông Ngô. Tôn Quyền lại bỏ Quảng Châu, khôi phục Giao Châu gồm 7 quận như cũ, cho Lã Đại làm Giao Châu mục.
    Cuối năm 263, Tào Ngụy diệt Thục Hán. Viên lại ở quận Giao Chỉ là Lã Hưng giết chết thái thú Tôn Tư của Đông Ngô, mang quận về hàng Tào Ngụy.
    Vua Ngô là Cảnh Đế Tôn Hưu vội chia lại Giao châu như ý định của Tôn Quyền năm 226: tách 3 quận Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô phía bắc hợp thành Quảng Châu, đặt trị sở ở Phiên Ngung và Giao Châu gồm 4 quận phía nam là Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam.
    Quyền thần nhà Ngụy là Tư Mã Chiêu nhân danh Ngụy Nguyên Đế Tào Hoán phong cho Lã Hưng làm An Nam tướng quân, coi việc binh ở Giao châu và sai Hoắc Dặc sang làm Thứ sử Giao châu. Cuối năm 264, Lã Hưng bị thủ hạ là công tào Lý Thống giết chết.
    Năm 265, con Tư Mã Chiêu là Tư Mã Viêm cướp ngôi nhà Ngụy, lập ra nhà Tấn. Hoắc Dặc tiến cử Dương Tắc sang thay cho Lã Hưng vừa bị giết, vua Tấn đồng ý.
    Năm 268, Ngô Mạt Đế Tôn Hạo phong Lưu Tuấn làm thứ sử Giao châu, sai đánh chiếm lại từ tay nhà Tấn, nhưng bị Dương Tắc đánh bại 3 lần. Quận Uất Lâm thuộc Quảng Châu của nhà Ngô cũng bị Dương Tắc chiếm đóng. Nhà Tấn theo tiến cử của Tắc, cho Mao Quế làm thái thú quận Uất Lâm.
    Năm 271, Tôn Hạo lại sai Đào Hoàng sang đánh Giao châu. Lần này quân Ngô thắng trận, Đào Hoàng bắt được Dương Tắc và giết Mao Quế. Tuy nhiên Lý Tộ vẫn chiếm giữ quận Cửu Chân theo Tấn, không hàng Ngô. Sau đó Đào Hoàng đánh lâu ngày mới hạ được Cửu Chân. Toàn Giao châu trở về Đông Ngô, Đào Hoàng được phong làm Giao châu mục.
    Năm 280, Tấn Vũ Đế diệt Ngô, bắt Tôn Hạo. Hạo viết thư khuyên Đào Hoàng hàng Tấn. Hoàng đầu hàng, được giữ chức cũ tới khi qua đời năm 300. Từ đó Giao châu thuộc nhà Tấn.

    Thời Lưỡng Tấn Nam Bắc triều
    Từ thời Lưỡng Tấn tới thời Nam Bắc triều, tuy có sự thay đổi triều đại và biến động nhiều ở trung nguyên nhưng Giao châu chỉ có những biến động quân sự, không có nhiều biến động về chính trị.
    Tại miền bắc, các tộc Ngũ Hồ vào xâm chiếm và cai trị, các triều đại Đông Tấn (317-420), Lưu Tống (420-479), Nam Tề (479-502), Lương (502-557) nối nhau cai trị ở miền nam và giữ được quyền quản lý Giao châu không bị gián đoạn, thay đổi như cuối thời Đông Hán và Tam Quốc. Những cuộc nổi dậy của người Việt chỉ kéo dài một thời gian đều bị dẹp; những cuộc xâm lấn của Lâm Ấp từ phía nam cũng nhanh chóng bị đẩy lùi (xem chi tiết các mục #Chiến tranh với Lâm Ấp và #Sự chống đối của người bản địa bên dưới); một số lực lượng nổi dậy chống triều đình chạy sang Giao châu cũng nhanh chóng bị đánh bại.

    Hành chính
    Bộ Giao Chỉ gồm có 9 quận: Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô, Hợp Phố, Đạm Nhĩ, Chu Nhai, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Trong 7 quận này, Giao Chỉ và Cửu Chân là nước Âu Lạc cũ; các quận Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô, Hợp Phố vốn là đất do nhà Tần chiếm được của người Bách Việt ở Lĩnh Nam; quận Nhật Nam do nhà Hán mở rộng xuống phía nam quận Cửu Chân. Ba quận thuộc lãnh thổ Việt Nam hiện nay là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam[3].
    Quận Nam Hải gồm có 6 huyện, quận Uất Lâm gồm có 12 huyện, quận Thương Ngô gồm có 10 huyện, quận Hợp Phố gồm có 5 huyện, quận Giao Chỉ gồm có 10 huyện, quận Cửu Chân gồm có 5 huyện và quận Nhật Nam gồm có 5 huyện.
    Từ năm 203, theo đề nghị của thứ sử Trương Tân và Sĩ Nhiếp, bộ Giao Chỉ được lập thành Giao Châu, coi ngang hàng như các châu ở Trung Quốc.
    Năm 264, nhà Đông Ngô chính thức cắt 3 quận Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô phía bắc hợp thành Quảng Châu, Giao Châu gồn 4 quận còn lại phía nam là Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam.
    Sau khi đánh chiếm lại được Giao Châu từ tay nhà Tấn (271), Đào Hoàng đã xin với Tôn Hạo đặt thêm 2 quận Vĩnh Bình và Tân Xương trên cơ sở tách khỏi quận Giao Chỉ và đặt thêm quận Cửu Đức tách khỏi quận Cửu Chân. Như vậy Giao Châu cuối thời Ngô sang Tấn gồm có 7 quận, thuộc lãnh thổ Việt Nam ngày nay gồm có 6 quận Giao Chỉ, Vĩnh Bình, Tân Xương, Cửu Chân, Cửu Đức và Nhật Nam. Còn quận Hợp Phố nay thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
    Thời Nam Bắc triều, về cơ bản địa giới hành chính Giao châu như thời Lưỡng Tấn, có điều chỉnh ít qua các triều đại[4]:
    • Thời Lưu Tống (420-479): Đặt thêm quận Tống Bình tách từ quận Giao Chỉ và đặt quận Nghĩa Xương.
    • Thời Nam Tề (479-502): có sự thêm bớt một số huyện ở các quận.
    • Thời Lương: Lương Vũ Đế cải cách hành chính trong nước, chia đất đặt thêm nhiều châu nhỏ, trong đó tại Giao châu chia quận Giao Chỉ đặt ra Hoàng châu và quận Ninh Hải; lấy quận Cửu Chân lập ra Ái châu; lấy quận Nhật Nam đặt ra Đức châu, Lợi châu và Minh châu.

    Kinh tế
    Nông nghiệp

    Đồ sắt phát triển giúp cho năng suất trồng trọt tăng nhanh và đời sống tương đối no đủ[5]. Các công trình thủy lợi như đắp đê sông và đê biển được tiến hành bên cạnh một số kênh ngòi được đào phục vụ cho nông nghiệp.
    Người Việt bắt đầu biết áp dụng thâm canh tăng năng suất. Trải qua quá trình tăng vụ, chuyển vụ, người Việt đã biết trồng lúa 2 mùa trong 1 năm từ rất sớm. Các sách sử Trung Quốc thời kỳ này đều gọi lúa chín 2 mùa là lúa Giao Chỉ[6]
    Sản xuất nông nghiệp phát triển tốt nhưng đồng thời sản phẩm của người bản địa cũng bị các triều đình phương Bắc vơ vét qua tô thuế nặng nề. Lượng thuế nông nghiệp mà nhà Hán thu từ đây là 13,6 triệu hộc, nhiều hơn so với những vùng như Mân, Quảng, Điền, Kiềm.

    Thủ công nghiệp
    Các nghề chính thời kỳ này là rèn sắt, đúc đồng để làm dụng cụ lao động, đồ dùng gia đình (bình, đỉnh, chậu, bát, chén, đĩa…) và vũ khí (kiếm, dao, kích, lao, mũi tên...)
    Nghề gốm phát triển trên cơ sở tiếp thu kỹ thuật từ Trung Quốc. Sản phẩm có đồ dùng thường ngày như bát, chén, đĩa, nậm, mâm, khay, nồi, chõ… hay đồ thờ như đỉnh, đèn, bình hương, thìa, đũa sành) và tượng thú. Người Việt còn được tiếp thu nghề làm giấy của Trung Quốc và nghề làm chế tạo thủy tinh từ Ấn Độ và phương Nam truyền tới.
    Nghề làm gạch ngói phục vụ các công trình kiến trúc như thành quách, chùa tháp, mộ táng. Hai nghề phụ phổ biến nhất là nghề dệt và đan lát. Các loại vải đều được nhuộm thành nhiều màu khác nhau.
    Người Việt biết dùng mía nấu mật làm đường, gọi là thạch mật. Lúc đó người Trung Quốc chưa biết làm đường bằng mía nên thạch mật của Giao châu trở thành cống phẩm quý cho triều đình nhà Hán.
    Bên cạnh đó, những ngành thủ công nghiệp khác cũng phát triển như mộc, sơn then, thuộc da, nấu rượu, làm đồ đá…
    Sự phát triển thủ công nghiệp của Việt Nam thời kỳ này cũng bị kìm hãm do tác động của các triều đại cai trị phương Bắc. Họ bắt nhiều thợ thủ công giỏi về phục vụ xây dựng tại kinh đô khiến lực lượng sản xuất nghề này bị ảnh hưởng nhiều[7].

    Thương mại
    Ngoài hệ thống sông ngòi tự nhiên, hệ thống đường sá hình thành qua nhiều năm cũng góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại. Các thư tịch cổ Trung Quốc nói rằng các nước phương Nam và phương Tây muốn đến Trung Quốc đều phải đi theo con đường Giao Chỉ.[8] Từ thời Nhà Hán, thuyền buôn các nước Java, Myanma, Ấn Độ, Parthia (Ba Tư), La Mã đều qua Giao Chỉ và coi đây là như một trạm dừng chân quan trọng để đến Trung Quốc. Sang thời Nam Bắc triều, thuyền các nước này và các tiểu quốc bờ biển Sumatra, Sri Lanka… đều qua lại buôn bán với các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam.
    Theo ghi chép của Hậu Hán thư, Vương quốc Parthia mua tơ lụa từ đất nhà Hán bán lại cho La Mã lãi rất cao. Triều đình La Mã muốn sai sứ giao thương với triều đình nhà Hán nhưng Parthia cố ngăn trở không cho La Mã tiếp cận để mua hàng trực tiếp của Hán. Năm 166, dưới triều vua Hán Hoàn Đế, Hoàng đế La Mã là Marcus Aurelius Antoninus sai sứ theo đường từ Nhật Nam đến dâng ngà voi, sừng tê, đồi mồi cho nhà Hán để đặt quan hệ. Đó là lần đầu tiên La Mã thông với Trung Quốc, qua quận Nhật Nam thuộc lãnh thổ Việt Nam ngày nay.[9]
    Việc buôn bán ở Giao Châu hầu hết do người Hoa khống chế. Các triều đại Trung Quốc cũng có chính sách đánh thuế thương mại với các tàu thuyền buôn của nước ngoài rất nặng.[10]

    Văn hóa xã hội
    Trước khi bị đế chế phương Bắc chinh phục và biến thành quận huyện, xã hội Việt cổ hình thành trên nền tảng nghề trồng lúa nước phát triển ở đồng bằng châu thổ sông Hồng. Hình thái nhà nước sơ khai dựa trên chế độ thủ lĩnh địa phương là Lạc tướng.
    Từ đầu công nguyên trở đi, nền văn minh Đông Sơn bị giải thể về cấu trúc[11]. Theo các sử gia hiện đại, các mảnh vụn của nền văn minh này tuy không bị mất đi nhưng một mặt đã hòa vào nền văn hóa dân gian và của các xóm làng Việt cổ và các thành phần tộc người khác ở Đông Dương và Đông Nam Á; mặt khác đã gá lắp với những thể chế văn hóa, văn minh ngoại lai từ Trung Quốc và Ấn Độ. Do đó, dần dần đã tạo nên một sắc thái văn hóa – văn minh mới là văn minh Hán-Việt và Việt-Hán.
    Cùng chịu chung sự cai trị với người Trung Quốc nhưng người Việt bị xem là Man Di, chịu chính sách phân biệt Hoa – Di. Việc phân biệt đó tạo hố ngăn cách giữa người Việt và người Hoa, do đó các thủ lĩnh người Việt nổi dậy như Lương Thạc, Lý Trường Nhân đã giết nhiều quan lại và kiều dân người Hoa khi họ nổi dậy[11].
    Các triều đại phương Bắc chỉ nắm được tới cấp huyện, không thể khống chế được hạ tầng cơ sở của xã hội Việt cổ là các làng. Chính sử Trung Quốc thừa nhận những thủ lĩnh (cừ súy) người Việt vẫn "hùng cứ hương thôn"[11]. Đó được xem là vùng trời riêng của người Việt. Trong khi văn hóa phương Bắc trọng nam khinh nữ thì văn hóa Việt cổ có sự tôn trọng vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Những người phụ nữ điển hình chính là Trưng Trắc, Trưng Nhị hay Triệu Thị Trinh[12].
    Cùng những phong tục cổ truyền như dùng trống đồng, nhiều tục lệ cổ khác vẫn được giữ như cạo tóc hay búi tóc, xăm mình, chôn cất người chết trong quan tài hình thuyền, nhuộm răng, ăn trầu…
    Một vài tập tục trong đời sống có sự thay đổi do Hán hóa như giã gạo bằng chày tay thay bằng giã cối đạp (theo hệ thống đòn bẩy); nhà ở từ nhà sàn sang nhà trên đất bằng…
    Nền văn học nghệ thuật của Trung Quốc phát triển cũng có ảnh hưởng tới người Việt thời kỳ này. Nét đặc trưng của thời kỳ này là sự thay đổi văn hóa ngôn từ. Theo nhận định của các nhà sử học, văn hóa Đông Sơn và nghệ thuật Đông Sơn vẫn tồn tại tuy trên đà suy thoái mạnh[13].
    Tôn giáo tín ngưỡng
    Các tông giáo truyền vào Việt Nam từ đầu công nguyên là Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo.

    Nho giáo
    Từ thời Tây Hán, đạo Nho đã xâm nhập làm công cụ phục vụ cho sự cai trị của triều đình nhà Hán. Dần dần có những người Việt theo đường học vấn Nho giáo phục vụ cho chính quyền phương Bắc như Lý Tiến, Lý Cầm. Nhà Hán cho Lý Tiến trở lại Giao châu, không cho làm quan ở trung nguyên vì "hay chê bai, bắt bẻ triều đình"[14].
    Sang thời Tam quốc - Lục triều, loạn lạc nhiều, Nho giáo dần suy. Dù sau đó tiếp tục được truyền bá nhưng Nho giáo chưa bao giờ phát triển rực rỡ tại Giao châu[15].

    Đạo giáo
    Đạo giáo cũng được truyền từ Trung Quốc, tuy muộn hơn Nho giáo nhưng sâu rộng hơn. Thứ sử Giao châu Trương Tân là người chuộng Đạo giáo. Đạo giáo truyền vào Việt Nam thời kỳ này chỉ hạn chế ở tầng lớp trên trong xã hội và các quan lại đô hộ. Những hình tượng nguyên sơ của người Việt như Lạc Long Quân, Chử Đồng Tử, Tản Viên, Sơn Tinh, Phù Đổng Thiên Vương… đều dần dần bị Đạo giáo hóa và thần thánh hóa[16].
    Đạo giáo phù thủy từ thế kỷ 2 được truyền vào Giao châu và hòa quyện với những đền miếu, tín ngưỡng dân gian cổ truyền.

    Phật giáo
    Phật giáo truyền vào Việt Nam theo hai con đường: từ Ấn Độ truyền bá vào Trung Quốc rồi từ đây sang Việt Nam và từ Ấn Độ qua con đường phía nam Đông Dương tới, được các nhà nghiên cứu xác định vào khoảng thế kỷ đầu công nguyên[16]
    Liên Lâu tại Giao châu chính là một trong 3 trung tâm Phật giáo thời Đông Hán cùng với Lạc Dương (kinh đô) và Bành Thành ở hạ lưu sông Trường Giang. Từ thế kỷ 2, Giao châu đã thành lập những tăng đoàn, dịch kinh Phật, xây dựng chùa và sáng tác sách nói về kinh Phật. Những kinh điển Phật giáo đầu tiên được phiên dịch tại Giao châu là Tứ thập nhị kinh và Lý hóa luận. Phật giáo có tinh thần hòa đồng với các tín ngưỡng dân gian và các tôn giáo khác như Nho giáo và Đạo giáo[17].


    Chiến tranh với Lâm Ấp
    Sau khi ly khai miền nam quận Nhật Nam ra khỏi lãnh thổ do nhà Hán quản lý từ năm 192, Chăm Pa - hay Lâm Ấp - trở thành nước độc lập. Do Trung Quốc nhiều biến cố, các triều đại cai trị Giao châu chỉ có thể duy trì sự quản lý tại đây, không thể đánh chiếm lại Chăm Pa.
    Sang thế kỷ 4, Lâm Ấp lớn mạnh hơn trước. Tới giữa thế kỷ 4 thời Đông Tấn, các vua Lâm Ấp bắt đầu đánh ra bắc, tiến vào địa phận Giao châu. Vua Chăm Pa là Phạm Văn tiến đánh Nhật Nam và đòi lấy Hoành Sơn làm ranh giới.
    Năm 351, thái thú quận Giao Chỉ là Dương Bình và thái thú quận Cửu Chân là Hoan Toại đánh thắng vua Lâm Ấp là Phạm Phật, đánh phá nước Lâm Ấp rồi rút về.
    Năm 353, thứ sử Giao châu là Nguyễn Phu lại đánh Phạm Phật, phá hơn 50 lũy.
    Sau đó Phạm Phật vẫn thường mang quân cướp phá biên giới. Năm 359, thứ sử Giao châu là Ôn Phóng Chi đánh đến kinh đô Lâm Ấp ở miền Quảng Nam[18].
    Cuối thời Đông Tấn, vua An Đế nhu nhược, các quyền thần thao túng triều đình, tranh giành quyền bính. Sau đó quyền thần Lưu Dụ giành thắng lợi, tập trung đánh dẹp Ngũ Hồ ở trung nguyên để lập công trạng chuẩn bị cướp ngôi nhà Tấn. Nước Lâm Ấp lại mang quân đánh phá các quận Nhật Nam, Cửu Đức và Cửu Chân.
    Năm 399, con Phạm Phật là Phạm Hồ Đạt mang quân đánh quận Nhật Nam, bắt thái thú Quế Nguyên; sau đó đánh vào quận Cửu Đức, bắt sống thái thú Tào Bính. Thái thú quận Giao Chỉ là Đỗ Viện đem quân ra đánh tan được Phạm Hồ Đạt. Hồ Đạt bỏ chạy về nước. Đỗ Viện được phong làm thứ sử Giao châu.
    Năm 413, Phạm Hồ Đạt lại tiến ra quận Cửu Chân. Con Đỗ Viện là Đỗ Tuệ Độ nối chức cha, mang quân phá được Lâm Ấp, giết con Hồ Đạt là Chân Tri và Phạm Kiện, bắt một hoàng tử khác là Na Năng.
    Năm 415, quân Lâm Ấp lại bắc tiến một lần nữa nhưng lại bị đẩy lui. Đến năm 420, khi Lưu Dụ mới cướp ngôi nhà Tấn lập ra nhà Lưu Tống, Đỗ Tuệ Độ nhân lúc Lâm Ấp suy yếu bèn nam tiến, đánh giết quá nửa quân Lâm Ấp. Nước Lâm Ấp phải xin hàng và nộp cống. Sau này con Tuệ Độ là Đỗ Hoằng Văn tiếp tục được nối cha và ông làm thứ sử Giao châu.
    Nhưng chỉ 4 năm sau, vua Lâm Ấp là Phạm Dương Mại lại tiến đánh hai quận Nhật Nam và Cửu Chân. Đỗ Hoằng Văn định mang quân ra đối phó, nhưng nghe tin nhà Tống sắp cử người sang thay mình nên án binh không ra nữa. Vì vậy từ đó quân Lâm Ấp thường xuyên ra cướp phá Giao châu.
    Sau khi Đỗ Hoằng Văn chết (426), Tống Văn Đế phong Vương Huy làm thứ sử Giao châu. Năm 431, Phạm Dương Mại lại mang thủy quân tiến ra quận Cửu Chân. Thứ sử Giao châu mới là Nguyễn Di Chi ra chống cự bị bại trận.
    Năm 433, Phạm Dương Mại sai sứ sang Kiến Khang xin Tống Văn Đế cho quản lý Giao châu nhưng không được chấp nhận. Sau đó Dương Mại vẫn sai sứ đi lại nhưng mặt khác vẫn cướp phá các quận phía nam Giao châu.
    Khoảng năm 445-446[19], Tống Văn Đế sai Đàn Hòa Chi mang quân đánh Lâm Ấp. Phạm Dương Mại sai sứ giảng hòa và xin trả những hộ dân lấy của Giao châu. Đàn Hòa Chi sai sứ đi dụ Dương Mại thì bị Dương Mại bắt giữ. Hòa Chi bèn tiến binh. Tháng 5 năm đó, quân Tống đánh hạ thành Khu Lật, tiến vào Tượng Phố. Dương Mại dốc quân cả nước ra đánh nhưng bị thua to, cùng con bỏ chạy thoát thân.
    Sau trận thua nặng, thế lực của Lâm Ấp suy yếu hẳn. Từ đó tới hết thời Bắc thuộc lần 2 gần 100 năm, Lâm Ấp không xâm phạm vào Giao châu nữa[20].


    Sự chống đối của người bản địa
    Thời Đông Hán

    Năm 100, hơn 2000 dân huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam nổi dậy nhưng nhanh chóng bị đánh dẹp.
    Năm 137, người huyện Tượng Lâm lại nổi dậy đánh phá trị sở nhà Hán, giết trưởng lại rồi đánh rộng ra toàn quận Nhật Nam. Thứ sử bộ Giao Chỉ là Phàn Diễn mang 2 vạn quân đi đánh nhưng binh lính ngại đi xa bèn làm loạn, đánh phá 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Năm 138, nhà Hán theo kế của Lý Cố, thay hai thái thú ở Cửu Chân và Nhật Nam, đồng thời dùng kế lấy vàng lụa mua chuộc và ly gián các thủ lĩnh quận Nhật Nam đánh lẫn nhau. Cuối cùng quân nổi dậy bị dẹp.
    Năm 144, dân Nhật Nam lại cùng Cửu Chân nổi lên chống lại nhà Hán nhưng nhanh chóng bị dẹp.
    Năm 157, Chu Đạt nổi dậy giết huyện lệnh Cư Phong rồi tiến đánh quận Cửu Chân, giết chết thái thú. Nhà Hán cử binh sang đánh, quân Chu Đạt rút về quận Nhật Nam. Năm 160 thì Chu Đạt bị dẹp hẳn.
    Năm 178, Lương Long ở quận Giao Chỉ nổi dậy, lôi kéo thêm dân các quận Hợp Phố, Cửu Chân và Nhật Nam hưởng ứng. Năm 181 Nhà Hán điều quân sang dẹp, giết chết Lương Long.
    Năm 192, Khu Liên nổi dậy ở huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam, giết huyện lệnh rồi thành lập nước Chăm Pa.

    Thời Lục triều
    Sang thời Đông Ngô cai trị Giao châu có cuộc khởi nghĩa lớn nhất của người Việt nổ ra năm 248. Đó là khởi nghĩa Bà Triệu. Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt khởi binh chống Tôn Quyền khiến "toàn thể Giao châu chấn động"[21]. Tôn Quyền sai Lục Dận mang 8000 quân sang đánh và dẹp được cuộc nổi dậy này.
    Năm 299, thú binh ở quận Cửu Chân do Triệu Chỉ cầm đầu nổi dậy giết thái thú nhà Tấn và vây quận thành. Không lâu sau lực lượng này bị dẹp.
    Năm 317, đốc quân người Việt là Lương Thạc giết thứ sử Cố Thọ, lập con Đào Hoàng là Đào Tuy lên thay. Nhà Tấn cử Vương Cơ sang làm thứ sử, bị Lương Thạc ngăn trở và giết các kiều dân người Hoa ở Giao châu. Nhà Tấn lại cử Vương Lượng sang làm thứ sử. Lương Thạc lại chống cự, mang quân vây hãm thủ thành Long Biên và giết chết Lượng. Năm 323, Tấn Nguyên Đế phải cử danh tướng Đào Khản sang Giao châu mới đánh được Lương Thạc. Thạc bị giết.
    Năm 468, tướng lĩnh bản địa là Lý Trường Nhân nổi dậy giết thuộc hạ người phương Bắc của thứ sử Lưu Mục mới qua đời và tự lập làm thứ sử. Nhà Lưu Tống cử Lưu Bột sang nhưng Trường Nhân chống lại, ngăn không cho Lưu Bột sang. Nhà Tống phải công nhận Trường Nhân làm thứ sử. Vài năm sau Trường Nhân chết, em họ là Lý Thúc Hiến, nguyên thái thú quận Vũ Bình lên thay. Nhà Tống lại sai Thẩm Hoán sang làm thứ sử nhưng Thúc Hiến không nghe, ngăn cản Hoán. Hoán chết ở quận Uất Lâm. Nhà Tống lại phải công nhận Thúc Hiến.
    Năm 479, Tiêu Đạo Thành diệt Lưu Tống lập ra Nam Tề. Năm 485, Nam Tề Vũ Đế Tiêu Trách sai Lưu Khải điều binh 3 quận sang đánh. Lý Thúc Hiến liệu thế không chống nổi bèn sang đầu hàng nhà Tề.
    Năm 541, Lý Bí khởi binh chống nhà Lương. Thứ sử Tiêu Tư bỏ chạy về bắc. Qua năm 542 và 543, nhà Lương cử binh sang dẹp đều bị đánh bại. Năm 544, Lý Bí thành lập nước Vạn Xuân và tự xưng đế. Với sự kiện thành lập nước Vạn Xuân, người Việt giành lại quyền tự chủ, thời Bắc thuộc lần 2 chấm dứt.

    Các triều đại và quan đô hộ
    Triều đại

    Trong gần 500 năm Bắc thuộc lần 2, Việt Nam trải qua sự cai trị của các triều đại phương Bắc:
    • Đông Hán (167 năm: 43-210)
    • Đông Ngô (62 năm: 210-263 và 271-280)
    • Tào Ngụy (2 năm: 263-265)
    • Tấn (146 năm: 265-271, 280-420) (Tây Tấn (43 năm: 265-271, 280-317), Đông Tấn (103 năm: 317-420))
    • Lưu Tống (59 năm: 420-479)
    • Nam Tề (23 năm: 479-502)
    • Lương (39 năm: 502-541)
    Last edited by Chopper; 08-28-2015, 10:32 PM.

    Comment


    • #3
      Vạn Xuân (Giao-Chỉ) nô lệ lần thứ ba Bắc Phương 300 Năm

      Thời Bắc thuộc lần thứ 3 trong lịch sử Việt Nam kéo dài từ năm 602 đến năm 905. Thời kỳ này bắt đầu khi Tùy Văn Đế sai Lưu Phương đánh chiếm nước Vạn Xuân, bức hàng Hậu Lý Nam Đế, kéo dài cho đến khi Khúc Thừa Dụ tiến vào Đại La, giành quyền cai quản toàn bộ Tĩnh Hải quân năm 905 - thời Đường Ai Đế, ông vua bù nhìn trong tay quyền thần Chu Ôn.

      Các triều đại Trung Hoa cai trị Việt Nam

      Năm 602, nhà Tùy sai Lưu Phương đem quân 27 dinh sang đánh nước Vạn Xuân. Vua đời thứ 3 của Vạn Xuân là Lý Phật Tử sợ giặc và đầu hàng, bị bắt sang Trung Hoa. Việt Nam vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 3 mà trước hết là thuộc Tùy. Thời đó, Việt Nam bị xếp làm một châu của Tùy, gọi là châu Giao (交州). Trên đường đánh Lâm Ấp quay về, Lưu Phương mắc bệnh chết.
      Sau Lưu Phương, đến Khâu Hòa được cử làm đại tổng quản. Năm 618, nhà Đường lật đổ nhà Tùy, lập ra nước Đại Đường. Khâu Hòa xin thần phục nhà Đường năm 622. Việt Nam thành thuộc địa của Đại Đường.
      Thời gian Bắc thuộc lần 3 của Việt Nam kéo dài hơn 300 năm.

      Hành chính, dân số
      Hành chính

      Năm 605, nhà Tùy đổi châu Giao thành quận Giao Chỉ, quận lỵ đặt tại huyện Giao Chỉ. Đồng thời, nhà Tùy đặt ra Phủ Đô hộ Giao Chỉ để cai trị Việt Nam. Chủ trương của nhà Tùy là thiết lập chế độ trung ương tập quyền, không phong cho tông thất và công thần, chỉ chuyên dùng quan lại cai trị.
      Nhà Đường bãi bỏ các quận do nhà Tùy lập ra, khôi phục lại chế độ các châu nhỏ thời Nam Bắc triều. Năm 622, nhà Đường lập Giao châu đô hộ phủ. Người đứng đầu cơ quan này gọi tổng quản.
      Năm 679, nhà Đường đổi quận Giao Chỉ trở lại thành châu Giao, đặt ra Phủ Đô hộ Giao Châu. Bấy giờ, vùng Lĩnh Nam có 5 đô hộ phủ, cai quản châu Giao, châu Quảng, châu Quế, châu Dung, châu Ung, gọi chung là Lĩnh Nam ngũ quản.
      Sau đó, nhà Đường đổi Phủ Đô hộ Giao Châu thành An Nam đô hộ phủ. Tên gọi An Nam trong lịch sử Việt Nam bắt đầu từ thời điểm này. Chức quan đứng đầu Phủ Đô hộ An Nam lúc đầu gọi là kinh lược sứ, sau đổi thành Tiết độ sứ. Nhà Đường lại chia Giao Châu làm 12 châu; đứng đầu mỗi châu là viên quan thứ sử. 12 châu này lại được chia thành 59 huyện. Tên gọi 12 châu là:
      • Giao
      • Lục
      • Phúc Lộc
      • Phong
      • Thang
      • Trường
      • Chi
      • Võ Nga
      • Võ An
      • Ái
      • Hoan
      • Diễn
      Năm 624, Đường Cao Tổ lại đổi các Phủ Đô hộ thành Phủ Đô đốc. Phủ Đô hộ An Nam thành Phủ Đô đốc An Nam. Năm 679, Đường Cao Tông lại đổi về tên cũ.
      Năm 757, Đường Túc Tông đổi An Nam đô hộ phủ thành Trấn Nam đô hộ phủ. Chín năm sau (766) lại đổi về tên cũ.
      Năm 863, nhà Đường bãi bỏ Phủ Đô hộ An Nam và lập Hành Giao Châu thay thế đóng tại nơi là Quảng Tây ngày nay. Nhưng chưa đầy 1 tháng thì cho tái lập Phủ Đô hộ An Nam nằm trong Hành Giao Châu.
      Năm 866, nhà Đường đổi Phủ Đô hộ An Nam thành Tĩnh Hải quân.

      Dân số
      Theo số liệu thống kê của nhà Đường, ở quận Giao Chỉ có 9 huyện 30.056 dân; quận Cửu Chân có 7 huyện 16.135 dân; quận Nhật Nam có 8 huyện 9915 dân, quận Ninh Việt ở phía đông bắc, gồm Khâm châu không rõ số dân; 3 quận mới chiếm của Lâm Ấp có 4.135 dân[1].

      Sự cai trị của Trung Hoa
      Thời Tùy

      Về danh nghĩa, Giao Châu cũng như các quận khác của nhà Tùy, trực tiếp phụ thuộc chính quyền trung ương. Nhưng trên thực tế, như lời thú nhận của vua Tùy Văn Đế, châu Giao chỉ là đất "ràng buộc lỏng lẻo"[1].
      Cuối thời nhà Tùy, do loạn lạc, các quan cai trị ở Giao châu cũng cắt cứ ly khai với chính quyền trung ương. Khi Tùy Dạng Đế chết, thái thú Khâu Hòa không biết. Khâu Hòa bóc lột nhân dân địa phương rất nặng, nhà cửa giàu có ngang với vương giả[1].
      Thái thú Cửu Chân là Lê Ngọc (vợ là người Việt) cùng các con xây thành lũy kháng cự nhà Đường mới thay nhà Tùy. Sau Khâu Hòa, tới năm 622, Lê Ngọc cùng thái thú Nhật Nam là Lý Giáo cũng quy phục nhà Đường.

      Thời Đường
      Nhà Đường coi An Nam là một trọng trấn và tăng cường bóc lột rất nặng dưới nhiều hình thức. Hằng năm các châu quận ở đây phải cống nạp nhiều sản vật quý (ngà voi, đồi mồi, lông trả, da cá, trầm hương, vàng, bạc...) và sản phẩm thủ công nghiệp (lụa, tơ, sa, the, đồ mây, bạch lạp...).
      Ngoài việc cống nạp, người Việt Nam phải nộp nhiều loại thuế mới. Có nhiều loại thuế và chính sử nhà Đường phải thừa nhận rằng các quan lại ở An Nam đã đánh thuế rất nặng[2]. Riêng thuế muối ở Lĩnh Nam hàng năm bằng 40 vạn quan tiền. Ngoài thuế muối và gạo, còn phải nộp thuế đay, gai, bông và nhiều thuế "ngoại suất" (thuế đánh 2 lần). Nhà Đường dựa vào tài sản chia làm 3 loại thuế:
      1. Thượng hộ nộp 1 thạch 2 đấu
      2. Thứ hộ nộp 8 đấu
      3. Hạ hộ nộp 6 đấu
      Các hộ vùng thiểu số nộp 1/2 số quy định trên. Song có những quan lại nhà Đường vẫn bắt người thiểu số nộp toàn bộ số thuế như các dân cư ở đồng bằng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự phản kháng của người Việt, mà vụ chống thuế điển hình là Lý Tự Tiên và Đinh Kiến chống lại Lưu Diên Hựu năm 687.
      Sử nhà Đường ghi nhận không ít các quan lại đô hộ vơ vét của cải của người Việt để làm giàu và chạy chức, thăng tiến. Cao Chính Bình "phú liễm nặng", Lý Trác "tham lam ăn hối lộ, phú thuế bạo ngược", bắt người dân miền núi phải đổi 1 con trâu bò chỉ để lấy được 1 đấu muối; Lý Tượng Cổ "tham túng, bất kể luật pháp"...[2].
      Để củng cố sự cai trị, nhà Đường tăng cường xây cất thành trì và quân phòng thủ ở Tống Bình, châu Hoan, châu Ái. Trong phủ thành đô hộ Tống Bình, thường xuyên có 4.200 quân đồn trú. Ở vùng biên giới phía tây bắc như miền Lâm Tây, Lân, Đăng hằng năm có 6.000 quân trấn giữ gọi là quân "phòng đông" (phòng giữ vào mùa khô) để chống sự xâm lấn của nước Nam Chiếu. Thời gian đầu, nhà Đường chỉ dùng quân trưng tập từ phương bắc sang làm quân "phòng đông", nhưng từ thời Đường Trung Tông[3] buộc phải dùng cả quân người Việt xen lẫn.

      Những cuộc tấn công của thế lực bên ngoài
      Ngoài các loại thuế, từ cuối thế kỷ 8, người Việt còn bị thiên tai (hạn, lụt) trong nhiều năm và những cuộc xâm lấn, cướp phá của các nước lân bang như Nam Chiếu, Lâm Ấp, Chà Và (vương quốc Sailendra hình thành trên đảo Java)... Quân tướng nhà Đường nhiều lần bất lực không chống lại được những cuộc tấn công đó khiến người bản địa bị sát hại đến hàng chục vạn.

      Các thế lực Java
      Một tấm bia ở tháp Po Nagar ghi lại sự kiện Champa bị một thế lực từ Java tấn công bằng đường biển.
      Giao Châu khi đó nằm dưới sự đô hộ của nhà Đường cũng bị thế lực này tấn công. Sách sử cũ gọi thế lực này là giặc biển Chà Và, Côn Lôn; dựa vào đó mà đời sau suy ra là Java. Kinh lược sứ Trương Bá Nghi phải cầu cứu Đô úy Vũ Định là Cao Chính Bình. Tại địa điểm Chu Diên (ngày nay gần Hà Nội), quân Đường đã đánh bại quân Java dẫn tới họ phải rút lui theo đường biển. Sau đó Trương Bá Nghi đắp lại thành Đại La[4].
      Thế lực từ Java này có thể là Srivijaya. Vào cuối thế kỷ 8, Srivijaya vốn đặt trung tâm ở Đông Nam Sumatra đã dời đô đến Trung Java, dựa vào sự đồng minh-hôn nhân-thương mại chặt chẽ với Sailendra. Sự nổi lên của Champa với tư cách là một quốc gia thương mại hàng hải đã làm tổn thương Srivijaya và dẫn đến sự tấn công của của Srivijaya vào Champa và cả Giao Châu.

      Nam Chiếu
      Năm 737, Nam Chiếu - một quốc gia của người Bạch và người Di ở vùng Vân Nam ngày này - thành lập. Đến khoảng thời Đường Huyền Tông, Nam Chiếu mạnh lên chống lại nhà Đường, tấn công Thổ Phồn, Tây Tạng và Giao Châu.
      Năm 832, Nam Chiếu tiến đánh chiếm được châu Kim Long, ít lâu bị quân Đường đánh bại phải rút lui. Năm 846, quân Nam Chiếu lại vào đánh, bị tướng Bùi Nguyên Dụ đánh đuổi.
      Miền Lâm Tây thuộc An Nam đô hộ phủ, nhà Đường đặt quân "phòng đông" để chống Nam Chiếu, có 7000 người quanh 7 động thuộc vùng do tù trưởng địa phương là Lý Đo Độc quản lý để tương trợ nhau. Tướng nhà Đường ở Tống Bình là Lý Trác bớt quân phòng đông, giao hết việc phòng Nam Chiếu cho Lý Đo Độc. Đo Độc cô thế không quản lý được. Tiết độ sứ của Nam Chiếu ở Giả Đông (Côn Minh, Vân Nam) tìm cách mua chuộc và gả cháu gái cho Lý Đo Độc. Từ đó Đo Độc thần phục Nam Chiếu.
      Năm 859, cả Đường Tuyên Tông và vua Nam Chiếu là Phong Hựu cùng chết, quan hệ Đường - Nam Chiếu vốn tạm hòa hoãn đã đổ vỡ. Năm 860, vua Nam Chiếu mới là Đoàn Thế Long sai Đoàn Tù Thiên mang 3 vạn quân tiến vào cướp phá An Nam. Năm 862, Vương Khoan sang thay Lý Hộ làm Kinh lược sứ, quân Nam Chiếu lại vào đánh. Vương Khoan không chống nổi. Nhà Đường phải cử Sái Tập sang thay. Sái Tập huy động 3 vạn quân đẩy lui được Nam Chiếu.
      Năm 863, Đoàn Tù Thiên lại tiến vào An Nam, đánh bại quân Đường. Sái Tập bị giết. Quân Nam Chiếu chiếm đóng và cướp phá, giết hại tới 15 vạn người Việt[5]. Sau đó vua Nam Chiếu sai Đoàn Tù Thiên ở lại Giao Châu làm tiết độ sứ. Nhà Đường phải di chuyển Phủ Đô hộ An Nam đến Hải Môn.
      Năm 864, nhà Đường sai Cao Biền làm An Nam đô hộ kinh lược chiêu thảo sứ sang đánh Nam Chiếu. Năm 865, Cao Biền tiến đến Nam Định, nhân lúc quân Nam Chiếu đang gặt lúa, bất ngờ đánh úp, phá tan quân Nam Chiếu. Tới năm 867, Cao Biền đánh bại hoàn toàn người Nam Chiếu tại An Nam, chiếm lại thành Tống Bình, giết chết Đoàn Tù Thiên, chém hơn 3 vạn quân Nam Chiếu[5]. Từ đó sự xâm lấn của Nam Chiếu mới chấm dứt.

      Hoàn Vương
      Hoàn Vương vốn là tên mới của nước Lâm Ấp trước đây (đổi từ đầu thời Đường). Sau nhiều năm thần phục nhà Đường, từ năm 803, Hoàn Vương thấy nhà Đường suy yếu bèn mang quân ra bắc. Quân Hoàn Vương vây hãm hai châu Hoan, Ái, tàn phá vùng này. Quan sát sứ nhà Đường là Bùi Thái không chống nổi, bị thua nặng. Vua Hoàn Vương chiếm được Hoan châu và Ái châu, đặt chức Thống sứ cai quản[4].
      Năm 808, Trương Chu được điều sang làm Kinh lược sứ. Sau khi củng cố lực lượng và thành Tống Bình, năm 809, Trương Chu tiến vào nam đánh quân Hoàn Vương. Quân Đường thắng lớn, giết chết 2 Thống sứ của Hoàn Vương, giết 3 vạn quân địch, chiếm lại 2 châu Ái, Hoan. Có 59 vương tử Hoàn Vương bị bắt làm tù binh. Từ đó Hoàn Vương phải từ bỏ việc đánh An Nam.

      Sự kháng cự của người Việt
      Mùa thu năm 687, do không chịu nổi ách sưu thuế nặng nề, người châu Giao là Lý Tự Tiên liền lãnh đạo dân nổi dậy. Quan nhà Đường cai trị là Lưu Diên Hựu đã giết Lý Tự Tiên. Người cùng chí hướng của Lý Tự Tiên là Đinh Kiến đem quân vây đánh Lưu Diên Hựu, chiếm được thành Tống Bình và giết được viên quan này. Nhà Đường phải phái Tào Huyền Tĩnh ( Tào Trực Tĩnh ) từ châu Quế sang dẹp và giết Đinh Kiến.
      Tháng 4 năm 713, Mai Thúc Loan, người châu Hoan xưng vương, cho xây thành lũy, lập kinh đô Vạn An[6], tích cực rèn tập tướng sĩ và sai sứ giả sang các nước Lâm Ấp, Chân Lạp phủ dụ họ đem quân hỗ trợ. Ông tự xưng là Mai Hắc Đế. Năm 714, Mai Hắc Đế tiến binh đánh thành Tống Bình. Thái thú nhà Đường là Quách Sở Khách cùng đám thuộc hạ không chống cự lại được, phải bỏ thành chạy về nước. Lực lượng Mai Hắc Đế lúc đó lên tới chục vạn quân. Nhà Đường bèn huy động 10 vạn quân do tướng Dương Thừa Húc và Quách Sở Khách sang đàn áp được.
      Năm 791, anh em Phùng Hưng và Phùng Hải nổi dậy kéo quân vây Phủ Đô hộ An Nam. Tiết độ sứ là Cao Chính Bình đối phó không được nên sinh bệnh mà chết. Phùng Hưng chiếm thành, làm chủ châu Giao. Sau khi ông mất, con ông là Phùng An đã đầu hàng Triệu Xương nhà Đường.
      Năm 819, người Tày - Nùng ở Tả, Hữu Giang (phía Tây Bắc của châu Giao) nổi dậy chống nhà Đường. Quan cai trị Lý Tượng Cổ (tông thất nhà Đường) sai thứ sử châu Hoan là Dương Thanh mang 3.000 quân đi dẹp. Dương Thanh thừa cơ nổi dậy chiếm được Phủ Đô hộ, giết được Lý Tượng Cổ. Sau tướng nhà Đường là Quế Trọng Vũ dùng kế chia rẽ Dương Thanh với các tướng thuộc hạ. Ông không giữ được thành, cuối cùng bị bắt và bị giết. Các thủ hạ lui về giữ Trường châu[7] đến tháng 7 năm 820 thì bị dẹp hẳn.
      Ngoài 4 cuộc khởi nghĩa lớn trên, còn nhiều cuộc nổi dậy nhỏ khác của người Việt, như các năm 803, 823, 841, 858, 860, 880... Nhiều lần quan đô hộ nhà Đường đã bỏ phủ thành chạy.

      Người Việt giành lại quyền tự chủ
      Trong thời kỳ đầu, nhà Đường còn mạnh, các cuộc nổi dậy của người Việt ít xảy ra và hay bị đàn áp nhanh chóng. Từ sau loạn An Sử (755-763), nhà Đường phải đối phó với nạn phiên trấn cát cứ. Từ 10 Tiết độ sứ thời Đường Huyền Tông tăng lên thành 40-50 trấn, sự kiểm soát của chính quyền trung ương ngày càng yếu đi.
      Đó chính là điều kiện cho các cuộc nổi dậy của người Việt trong thế kỷ 9 thường xảy ra hơn.
      Mặt khác, người Việt thuộc tầng lớp trên ngày càng có vai trò quan trọng hơn trước trong bộ máy cai trị, dù nhìn chung họ vẫn bị người phương Bắc áp chế[2]. Một số hào trưởng người Việt được nhà Đường sử dụng vào việc cai trị ở địa phương để quản lý người bản địa. Điển hình trong những người Việt thăng tiến nhất là Khương Công Phụ đã sang phương Bắc thi đỗ tiến sĩ và làm quan ở trung nguyên.
      Cuối thế kỷ 9, tại Trung Hoa nổ ra một cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào. Khởi nghĩa này bị tiêu diệt nhưng các quân phiệt cũng nhân đó gây nội chiến và cắt cứ công khai. Nhà Đường bị quyền thần Chu Ôn khống chế.
      Chu Ôn từng cho anh ruột là Chu Toàn Dục sang làm Tiết độ sứ ở Việt Nam, nhưng Toàn Dục quá kém cỏi không đương nổi công việc nên Chu Ôn phải gọi về.
      Năm 905, Chu Ôn ghét Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân là Độc Cô Tổn là người không cùng cánh, đày ra đảo Hải Nam và giết chết. Trong lúc nhà Đường chưa kịp cử quan cai trị mới sang trấn nhậm, một hào trưởng người Việt là Khúc Thừa Dụ đã chiếm lấy thủ phủ Đại La[8], tự xưng là Tiết độ sứ. Chu Ôn đang mưu cướp ngôi nhà Đường, đã nhân danh vua Đường thừa nhận Khúc Thừa Dụ.
      Người Việt khôi phục quyền tự chủ từ đó. Giai đoạn Bắc thuộc lần thứ 3 kéo dài hơn 300 năm chấm dứt.
      Last edited by Chopper; 08-28-2015, 10:57 PM.

      Comment


      • #4
        Âu Lạc nô lệ bắc phương lần thứ tư

        Thời Bắc thuộc lần 4 hay thời thuộc Minh trong lịch sử Việt Nam bắt đầu từ năm 1407 khi nhà Minh đánh bại nhà Hồ và chấm dứt năm 1427 khi Lê Lợi đánh đuổi được quân Minh ra khỏi bờ cõi, giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Thời kỳ thuộc Minh chỉ kéo dài 20 năm.

        Nhà Minh xâm chiếm Đại Ngu
        Cuối thế kỷ 14 nhà Trần sa sút, Hồ Quý Ly dần dần kiểm soát cả triều đình, ra nhiều biện pháp thanh trừng những người trung thành với triều Trần. Ông lên ngôi vua năm 1400, đặt tên nước là Đại Ngu, bắt đầu thực hiện nhiều cải tổ trong hệ thống chính trị và xã hội. Tuy nhiên, do thực hiện quá nhiều thay đổi trong thời gian ngắn, lại không được nhiều cựu thần nhà Trần cũng như dân chúng ủng hộ, lại thêm tình hình kinh tế và xã hội toàn quốc suy yếu vì nhiều nguyên nhân, nên đất nước rơi vào khủng hoảng. Nhân cơ hội đó, năm 1406 nhà Minh ở Trung Quốc dùng chiêu bài "phù Trần diệt Hồ" để mang quân sang xâm lược nước Đại Ngu. Nhà Hồ nhanh chóng thất bại hoàn toàn vào giữa năm 1407. Nước Đại Ngu bị tiêu diệt và bị sát nhập vào lãnh thổ Trung Quốc. Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ trở lại sau 500 năm độc lập tự chủ.
        Tướng nhà Minh là Trương Phụ xui giục một số người Việt đến trước quân doanh xin được trở lại làm quận huyện của nhà Minh vì nhà Trần đã tuyệt tự. Minh Thành Tổ nhân đó đổi gọi An Nam thành quận Giao Chỉ, kinh đô Thăng Long trước đây đổi gọi là thành Đông Quan.
        Bộ máy cai trị Quận Giao Chỉ được thiết lập bộ máy cai trị giống như các đơn vị hành chính của nhà Minh khi đó, gồm có 3 ty trực tiếp thuộc vào triều đình Yên Kinh:
        1. Đô chỉ huy sứ ty phụ trách quân chính
        2. Thừa tuyên bố chính sứ ty phụ trách dân sự và tài chính
        3. Đề hình án sát sứ ty phụ trách tư pháp
        Các quan chánh, phó các ty đều là người phương bắc sang. Một số người Việt được trọng dụng vì có công với nhà Minh như Nguyễn Huân, Mạc Thúy, Lương Nhữ Hốt, Trần Phong, Đỗ Duy Trung…
        Để duy trì bộ máy cai trị, năm 1407, nhà Minh thiết lập các vệ quân (5.000 quân) bản xứ, gồm Tả, Hữu, Trung đóng trong thành Đông Quan, Tiền quân đóng ở phía bắc sông Phú Lương, và các thiên hộ sở (1.000 quân), đóng đồn ở những nơi xung yếu, như Thị Cầu cần hai thiên hộ sở, Ải Lưu một thiên hộ sở. Đặt tại Xương Giang một vệ, và Qiu-wen(?) một vệ quân canh giữ. Trong đạo quân viễn chinh, 2.500 quân Quảng Tây, 4.750 quân Quảng Đông, 6.750 quân Hồ Quảng, 2.500 quân Triết Giang, 1.500 quân Giang Tây, 1.500 quân Phúc Kiến, hơn 4.000 quân Vân Nam được lệnh ở lại. Việc bắt lính bản địa được xúc tiến để hỗ trợ quân Minh đóng đồn giữ.

        Dân số, hành chính
        Năm 1408, nhà Minh kiểm soát được dân số 3.120.000 người, người "man" 2.087.500 người thì sau 10 năm chỉ còn quản lý được 162.558 hộ với 450.288 nhân khẩu.
        Cao Hùng Trưng, tác giả sách An Nam chí cho biết: Nhà Minh chia quận Giao Chỉ làm 17 phủ là:
        • Giao Châu
        • Bắc Giang
        • Lạng Giang
        • Tam Giang
        • Thái Nguyên
        • Tuyên Hóa
        • Kiến Bình
        • Tân An
        • Kiến Xương
        • Phụng Hóa
        • Thanh Hóa
        • Trấn Man
        • Lạng Sơn
        • Tân Bình
        • Nghệ An
        • Thuận Hóa
        • Thăng Hoa

        Dưới 17 phủ là 47 châu, 154 huyện, 1 vệ, 13 sở, 1 thuyền chợ.
        Trong 17 phủ trên, phủ Thăng Hoa thực chất chỉ đặt khống vì khi quân Minh tiến đến Hóa châu thì vua Chiêm Thành là Ba Đích Lại đã mang quân chiếm lại những vùng đất phải nộp cho nhà Hồ trước đây (năm 1402) là 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Do đó trên thực tế nhà Minh chỉ cai quản Giao Chỉ gồm 16 phủ, địa giới phía nam chỉ đến Hóa châu.
        Năm 1408, Trương Phụ tâu về nhà Minh: Giao Chỉ đông tây dài 1760 dặm, nam bắc dài 2700 dặm.
        Để tăng cường quản lý Giao Chỉ, năm 1419, theo đề nghị của Lý Bân, nhà Minh tổ chức lại hệ thống xã thôn thành lý và giáp. Cứ 10 hộ thành 1 giáp do Giáp trưởng đứng đầu; 110 hộ thành 1 lý do lý trưởng đứng đầu. Tương đương với lý, tại nội thành gọi là phường, tại ngoại thành gọi là sương.
        Chức năng chính của Lý trưởng và Giáp trưởng là thu thuế cho chính quyền đô hộ. Họ thường bị ép bức và đánh đập nên khi được giao chức đều rất lo sợ.
        Để đảm bảo giao thông liên lạc giữa các phủ, châu, huyện của Giao Chỉ với Trung Quốc, năm 1415, nhà Minh cho mở đường thủy Vĩnh An, Vạn Ninh, đặt trạm tiếp đón tận Khâm châu; đồng thời cho đặt trạm ngựa đến thẳng phủ Hoành châu. Trên toàn địa bàn Giao Chỉ có 374 nhà trạm, nhiều nhất là phủ Giao Châu có 51 nhà trạm.

        Giáo dục
        Năm 1407, khi mới chiếm được Giao Chỉ, nhà Minh sai lùng tìm người tài năng, có sức khỏe, các thợ giỏi bắt mang về Trung Quốc. Kết quả bắt được 7000 người về phục vụ cho triều đình nhà Minh. Nhiều người tài, nghệ nhân của Đại Việt bị bắt đem sang Trung Hoa phục dịch cho Minh triều, mà nổi bật nhất còn lưu lại trong sử sách nước này phải kể đến các vị Hồ Nguyên Trừng, Nguyễn An...
        Từ năm 1410, nhà Minh cho lập trường học ở các châu, phủ, huyện theo quy chế của Trung Quốc. Đến năm 1417 có 161 trường học. Tuy mở trường nhưng nhà Minh không tổ chức cho người Giao Chỉ thi mà chỉ để lựa chọn các nho sinh có học vấn để sung vào lệ tuyển cống cho triều đình hằng năm.
        Những người hợp tác với quân Minh được đưa sang Trung Quốc để học hành một thời gian rồi đưa về phục vụ trong bộ máy cai trị tại Giao Chỉ. Điều đó nằm trong chính sách dùng người Việt trị người Việt của nhà Minh.

        Lao dịch và tô thuế

        Năm 1407, sau khi đánh bại nhà Hồ, nhà Minh đã vơ vét mang về phương bắc 235.900 con voi, ngựa, trâu bò; thóc gạo 13,6 triệu thạch, thuyền bè 8670 chiếc, binh khí hơn 2,5 triệu chiếc.
        Nhằm thực hiện nền thống trị lâu dài, nhà Minh không ngừng xây thành lũy, cầu cống, đường xá. Hàng chục vạn dân đinh từ 16 đến 60 tuổi phải ra các công trường với chế độ lao dịch cưỡng bức và sinh hoạt rất thiếu thốn.
        Các công trường khai mỏ và mò ngọc trai cũng nhiều nhân công. Những người thợ phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, nguy hiểm đến tính mạng.
        Chính sách thuế khóa nhà Minh áp dụng với Giao Chỉ rất nặng nề, trong đó có 2 ngạch chính là thuế ruộng đất và thuế công thương nghiệp. Nhà Minh cử nhiều hoạn quan sang Việt Nam để tiến hành thu thập thuế, cống gửi về kinh đô, đồng thời vơ vét thêm chừng ấy nữa cho riêng mình. Các viên quan này tham lam đến độ chính bản thân Hoàng đế nhà Minh phải can thiệp vào việc chỉ định quan lại sang Giao Chỉ. Vua Minh Nhân Tông phải bác việc Mã Kỳ tiếp tục muốn được bổ nhiệm quản lý việc thu vàng, bạc, trầm hương, ngọc trai tại đây năm 1424.

        Thuế ruộng
        Do thường xuyên phải đối phó những cuộc chống đối của người Việt, phạm vi kiểm soát ruộng đất của nhà Minh chỉ chủ yếu ở miền xung quanh Đông Quan.
        Từ năm 1407 – 1413, nhà Minh không có khả năng quản lý ruộng đất, số ngạch khi tăng khi giảm không ổn định. Ruộng đất chỉ được trưng dụng một phần để ban cấp cho các thổ quan người Việt thay cho lương. Để cung ứng lương thực cho quân đội, nhà Minh không trông chờ vào nguồn tô thuế ruộng mà phải cho lính mở đồn điền tự sản xuất hoặc dùng hình thức trưng thu để vơ vét.
        Năm 1414, sau khi dẹp xong nhà Hậu Trần, nhà Minh bắt dân Việt kê khai số ruộng đất trồng rau, trưng thu lương thực, tơ tằm và bắt đầu định ngạch thuế ruộng. Trên danh nghĩa thì lấy mức thu 5 thăng trên 1 mẫu như thời nhà Hồ, nhưng bắt dân tự khai khống 1 mẫu thành 3 mẫu để thu 3 phần thuế. Do đó trên thực tế mức thu cao gấp 3 lần nhà Hồ.

        Thuế công thương nghiệp và thổ sản

        Ngoài thuế ruộng, còn nhiều loại thuế thủ công nghiệp và thương mại. Hàng loạt Ty Thuế khóa, Ty Hà bạc, Ty tuần kiểm được đặt ra để tận thu.
        Để tăng cường khai thác tài nguyên, năm 1415 nhà Minh tiến hành khám thu các mỏ vàng, mỏ bạc, mộ phu đãi vàng và mò trân châu. Năm 1418, nhà Minh mở trường mò ngọc trai, tìm kiếm hương liệu; bắt người Việt săn bắt những thú vật quý để nộp như rùa 9 đuôi, vượn bạc má, chồn trắng, hươu trắng, voi trắng.
        Đối với nghề nấu muối và bán muối, nhà Minh nắm quyền khai thác độc quyền. Người đi đường chỉ được đem 3 bát muối và 1 lọ nước mắm.
        Chính sách thuế khóa của nhà Minh làm người Việt kiệt quệ điêu đứng. Việc làm sai dịch và nộp lương liên miên khiến năm 1418 từ Diễn châu trở vào nam không được cày cấy. Tuy nhà Minh thực hiện chính sách thuế khóa nặng nề, trưng thu lương thực, nhưng các cuộc nổi dậy liên tiếp cùng tình hình loạn lạc tại Giao Chỉ khiến việc chiếm đóng của nhà Minh trở nên rất tốn kém. Lương thực thu được tại chỗ không đủ cung ứng cho số quan lại và binh lính. Từ khoảng những năm 1420, nhà Minh liên tục phải vận chuyển lương thực từ Lưỡng Quảng sang Giao Chỉ để cung cấp. Việc điều động người và của cho các đợt viễn chinh liên tục đòi hỏi cả miền nam Trung Quốc phải cung cấp, phục dịch. Năm 1424, khi khởi nghĩa Lam Sơn lớn mạnh, nhà Minh mới ra một số chính sách xoa dịu người Việt như đình chỉ khai thác vàng bạc, khoan giảm trưng thu thuế khóa…
        Đồng hóa

        Tập quán, tôn giáo tín ngưỡng

        Người Việt bị bắt phải theo những phong tục tập quán của Trung Quốc: phải để tóc dài, không được cắt tóc; phải để răng trắng không được nhuộm; phụ nữ phải mặc áo ngắn quần dài (nguyên văn tiếng Hán: 短衣長裙 (đoản y trường quần), từ "quần" ở đây cũng có nghĩa là chỉ "váy") giống Trung Quốc. Quan lại phải đội khăn đầu rìu, áo viền cổ tròn có vạt, áo dài vạt bằng tơ lụa, hài ống cao có dây thắt.
        Tục thờ cúng và sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt cũng bị đàn áp thô bạo. Nhiều đàn tràng thờ kiểu Trung Quốc được lập.
        Đạo Phật tại Việt Nam phát triển cực thịnh vào thời Lý, Trần, có ảnh hưởng rất sâu rộng đến đời sống người dân Đại Việt. Số lượng trước tác về đạo Phật thời này rất nhiều, ngày nay chỉ còn lại Thiền uyển tập anh cũng là do chính sách hủy diệt của nhà Minh. Ðại Tạng Kinh thực hiện và ấn loát nhiều lần dưới triều Trần, mỗi lần in hàng ngàn cuốn; sách Thiền Tông Chỉ Nam, Bình Ðẳng Sám Hối Khoa Văn của Trần Thái Tông, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Ðại Hương Hải Ấn Thi Tập, Trúc Lâm Hậu Lục, Tăng Già Toái Sự của Trúc Lâm Ðiều Ngự (tức vua Trần Nhân Tông) và tám tác phẩm của Pháp Loa không tác phẩm nào còn lại.
        Nhà Minh đưa sang những tác phẩm Trung Hoa về Nho giáo, Phật giáo, Lão Giáo cho người Việt học. Chính quyền đô hộ lập Tăng Cương Ty và Ðạo Kỳ Ty để lo việc giáo dục Phật giáo và Lão Giáo theo mẫu mực Trung Hoa.

        Văn hóa
        Đại Việt từ khi chính thức độc lập vào thế kỷ 10, trải qua hơn 500 năm đã lớn mạnh nhanh chóng, giữ vững bờ cõi, xâm lấn về phía nam, tất cả các mặt đều phát triển mạnh mẽ, nhất là văn hóa đã trở thành quốc hồn quốc túy và có nhiều nét riêng biệt so với Bắc triều. Chẳng hạn vua Trần Nhân Tông xuất gia lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là việc chưa hề thấy trong lịch sử Trung Hoa. Sự lớn mạnh và độc lập của Đại Việt là một hiểm họa cho Bắc triều đã được chứng minh qua các cuộc chiến tranh Việt - Tống, Việt - Nguyên; nên nhà Minh từ khi nắm quyền không thể không biết. Nhằm thủ tiêu nền văn hóa của người Việt, ngay năm 1406, khi phát binh đánh Đại Ngu, Minh Thành Tổ đã ban sắc viết:
        Khi binh lính vào nước Nam, trừ các kinh Nho gia, kinh Phật, đạo Lão không thiêu hủy. Ngoài ra, tất cả sách vở, văn tự cho đến các loại văn tự ghi chép ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ con học… đều đốt hết. Phàm những văn bia do Trung Quốc dựng từ xưa thì đều phải giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ không để sót.
        Năm 1407, Minh Thành Tổ ra chiếu lệnh thứ hai nhằm hủy diệt văn văn hóa triệt để hơn:
        Nhiều lần trẫm đã bảo các ngươi, phàm An Nam có văn tự gì, kể cả các câu hát dân gian,… các bia dù dựng lên một mảnh, hễ nom thấy là phá hủy hết. … Sách vở do quân lính bắt được phải ra lệnh đốt luôn, chớ được lưu lại
        Sự hủy diệt đó khiến Ngô Sĩ Liên, nhà sử học chứng kiến những sự kiện này than rằng:
        Giáo mác đầy đường đâu cũng thấy quân Minh cuồng bạo. Sách vở cả nước thành một đống tro tàn
        Năm 1418, nhà Minh sai Hạ Thanh và Hạ Thì sang thu các loại sách ghi chép về sự tích xưa của người Việt đưa về Trung Quốc. Các tác phẩm văn học, sử học, pháp luật, quân sự của đời trước đã bị tịch thu gồm:
        • Hình thư của Lý Thái Tông: 3 quyển
        • Quốc triều thông lễ của Trần Thái Tông: 10 quyển
        • Hình luật của Trần Thái Tông: 1 quyển
        • Khóa hư tập của Trần Thái Tông: 1 quyển
        • Ngự thi của Trần Thái Tông: 1 quyển
        • Di hậu lục của Trần Thánh Tông: 2 quyển
        • Cơ cừu lục của Trần Thánh Tông: 1 quyển
        • Trần Triều đại điển của Trần Dụ Tông: 1 quyển
        • Trùng Hưng thực lục của Trần Nhân Tông: 1 quyển
        • Thi tập của Trần Nhân Tông: 1 quyển
        • Thủy vân tùy bút của Trần Anh Tông: 1 quyển
        • Thi tập của Trần Minh Tông: 1 quyển
        • Bảo Hòa điện dư bút của Trần Nghệ Tông: 8 quyển
        • Thi tập của Trần Nghệ Tông: 1 quyển
        • Việt điện U linh tập của Lý Tế Xuyên: 1 quyển
        • Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo: 1 quyển
        • Vạn Kiếp bí truyền của Trần Hưng Đạo: 1 quyển
        • Tứ thư thuyết ước của Chu Văn An: 1 quyển
        • Tiều Ẩn thi của Chu Văn An: 1 quyển
        • Sầm lâu tập của Trần Quốc Tụy: 1 quyển
        • Lạc Đạo tập của Trần Quang Khải: 1 quyển
        • Băng Hồ ngọc thác tập của Trần Nguyên Đán: 1 quyển
        • Giới Hiên thi tập của Nguyễn Trung Ngạn: 1 quyển
        • Hiệp thạch tập của Phạm Sư Mạnh: 1 quyển
        • Cúc Đường di cảo của Trần Nguyên Đào: 2 quyển
        • Thảo nhàn hiên tần của Hồ Tông Thốc: 1 quyển
        • Việt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc: 1 bộ
        • Việt sử cương mục của Hồ Tông Thốc: 1 quyển
        • Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu: 1 quyển
        • Nhị Khê thi tập của Nguyễn Phi Khanh: 1 quyển
        • Phi sa tập của Hàn Thuyên: 1 quyển
        Lấy đi sách vở của người Việt, nhà Minh mang sang những sách vở Trung Quốc phát cho các thôn, huyện để tuyên truyền văn hóa Trung Quốc.

        Người Việt giành lại nước

        Ngay khi nhà Hồ thất bại, đã có nhiều phong trào chống Minh bắt đầu nổi lên. Trong các phong trào chống Minh, lớn nhất là sự nổi dậy của nhà Hậu Trần và khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi.
        Giữa năm 1407, nhân dân huyện Đông Lan và Trà Thanh thuộc Diễn châu nổi dậy phá ngục, giết huyện quan. Trương Phụ và Trần Húc mang quân vào dẹp.
        Tại châu Thất Nguyên (Lạng Sơn), dân tộc bản địa lập căn cứ chống Minh. Trương Phụ sai Cao Sĩ Văn đi đánh, đến châu Quảng Nguyên (Cao Bằng) thì bị quân khởi nghĩa giết chết. Sau Trương Phụ phái Trình Dương tăng viện mới thắng được.
        Tháng 11 năm 1407, Phạm Chấn nổi dậy, lập Trần Nguyệt Hồ - một người tự xưng là tông thất nhà Trần - làm vua ở Bình Than. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, Trần Nguyệt Hồ bị bắt, Phạm Chấn trốn thoát và gia nhập cuộc khởi nghĩa của nhà Hậu Trần.
        Dù ban đầu lấy chiêu bài "Phù Trần diệt Hồ" nhưng thực chất sau đó nhà Minh lại sai lùng bắt con cháu nhà Trần. Sự nổi dậy của nhà Hậu Trần bắt dầu từ cuối năm 1407 với sự kiện Trần Giản Định Đế lên ngôi. Lực lượng này đã làm chủ từ Thuận Hóa trở ra, tiến ra bắc và đánh bại quân Minh một trận lớn ở Bô Cô cuối năm 1408. Nhưng sau đó hiềm khích trong nội bộ khiến lực lượng bị suy yếu nghiêm trọng. Cuối cùng đến năm 1413, vua Trùng Quang Đế và các tướng lĩnh bị bắt. Nhà Hậu Trần chấm dứt.
        Cùng thời gian nhà Hậu Trần nổi lên, trong năm 1407 - 1408 còn các phong trào nhỏ lẻ khác như Chu Sư Nhan ở An Định (Thái Nguyên), Trần Nguyên Khoáng, Nguyễn Đa Bí ở Thái Nguyên, Trần Nguyên Thôi ở Tam Đái (Phú Thọ), Trần Nguyệt Tôn ở Đồng Lợi... Do các cuộc khởi nghĩa này quy mô nhỏ, không liên kết được với nhau nên nhanh chóng bị dẹp.
        Từ cuối năm 1409, khi Trùng Quang Đế lên ngôi, có thêm nhiều cuộc khởi nghĩa khác. Hoàng Cự Liêm từng bị quân Minh đánh bại, bỏ trốn lại nổi dậy. Thiêm Hữu và Ông Nguyên dấy quân ở Lạng Giang. Bùi Quý Thăng, Nguyễn Khắc Chẩn, Nguyễn Trà, Dương Thế Chân và Ông Lão nổi lên ở Thái Nguyên. Ngoài ra ở Thái Nguyên còn có quân khởi nghĩa "áo đỏ" hoạt động mạnh trong vùng rừng núi và vào thượng du Thanh Hoá, Nghệ An.
        Đồng Mặc khởi nghĩa ở Thanh Hóa, bắt sống được tướng Minh là Tả Địch và buộc Vương Tuyên tự vẫn. Tại Thanh Oai (Hà Nội) có khởi nghĩa Lê Nhị. Lê Nhị bắt giết cha con tướng Lư Vượng và chiếm giữ Từ Liêm.
        Năm 1410, Nông Văn Lịch khởi nghĩa ở Lạng Sơn, giết được nhiều quân Minh. Hàng tướng người Việt là Mạc Thúy mang quân lên dẹp bị trúng tên tử trận.
        Sang năm 1411, Trương Phụ được lệnh mang quân sang tiếp viện cho Mộc Thạnh để dẹp các phong trào chống đối của người Việt một lần nữa. Nhà Minh huy động quân 6 Đô ty Tứ Xuyên, Quảng Tây, Giang Tây, Hồ Quảng, Vân Nam, Quý Châu và 14 vệ tiến sang.
        Sau khi dẹp được nhà Hậu Trần, quân Minh quay sang dẹp các cuộc khởi nghĩa nhỏ khác. Lúc này nhà Minh cho rằng sự bình định ở Giao Chỉ cơ bản đã hoàn thành, nên điều Trương Phụ cùng một phần lớn đạo quân viễn chinh về nước. Việc đánh dẹp và chiếm giữ được giao lại cho các đạo quân phần nhiều gồm binh lính mộ bản xứ và có các chỉ huy là người Việt. Đây có lẽ là lý do sự chiếm đóng của nhà Minh nhanh chóng sụp đổ khi các binh lính người Việt này nổi dậy hoặc hưởng ứng các cuộc nổi dậy sau này.
        Em Trùng Quang Đế là Trần Quý Tám thu thập tàn quân Hậu Trần khởi binh. Một tông thất khác cũng có tên là Trần Nguyệt Hồ (không phải Trần Nguyệt Hồ khởi nghĩa ở Bình Than năm 1407) cũng nổi dậy. Một vài cánh quân nhỏ khác hưởng ứng như Nguyễn Tông Biệt, Hoàng Thiêm Hữu. Tới năm 1415, hầu hết các cánh quân khởi nghĩa bị dẹp, chỉ còn vài phong trào với quy mô hẹp và không ảnh hưởng tới sự cai trị của nhà Minh như Trần Quý Tám ở Tĩnh An (Quảng Ninh), Nguyễn Tống Biệt ở Hạ Hồng,...
        Từ năm 1417 trở đi, một loạt các cuộc khởi nghĩa mới lại bùng lên, lần này cuốn hút cả các quan lại người Việt vốn cộng tác, hoặc đầu hàng nhà Minh trước kia. Năm 1417, tổng binh Lý Bân đánh dẹp hai cuộc khởi nghĩa lớn. Đến năm 1418, hai cuộc khởi nghĩa mới lại bùng phát. Theo Dreyer, đợt khởi nghĩa này trùng với thời kỳ nhà Minh mở rộng xây cất tại Bắc Kinh và phát triển hạm đội hải hành viễn chinh Nam Á. Việc xây cất và đóng thuyền đòi hỏi một lượng lớn nhân lực vật lực, đặc biệt là gỗ tốt, mà nguồn cung cấp từ nội địa Trung Quốc đã giảm sút. Việc quan lại nhà Minh, như hoạn quan Mã Kỳ, tăng sưu dịch, vơ vét nguyên liệu, dồn gánh nặng khai thác gỗ lên các tỉnh mới chiếm được như Giao Châu có lẽ đã làm bùng phát sự bất mãn của dân chúng, và cả quan lại người Việt, dẫn đến một làn sóng chống đối nữa.
        Năm 1418, Lê Lợi dấy binh, bắt đầu khởi nghĩa ở Lam Sơn. Thời gian đầu, quân Lam Sơn gặp nhiều khó khăn ở vùng núi Thanh Hóa. Từ năm 1424, quân Lam Sơn thay đổi chiến thuật: tiến vào Nghệ An, giải phóng toàn bộ vùng đất phía nam. Sau đó Lê Lợi tiến ra bắc, đánh bại các đạo quân sở tại và 4 đạo quân viện binh lần lượt sang từ năm 1426 đến 1427.
        Cuối cùng, tướng nhà Minh là Vương Thông phải xin giảng hòa, rút quân về nước. Người Việt giành lại quyền độc lập tự chủ sau 20 năm. Lê Lợi lên ngôi vua, lập ra nhà Hậu Lê.
        Last edited by Chopper; 08-28-2015, 11:04 PM.

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X