Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Rượu đế ở Mỹ

Collapse
X

Rượu đế ở Mỹ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Rượu đế ở Mỹ


    Rượu đế ở Mỹ

    Lần đầu tiên nước Mỹ có một lò nấu rượu đế của người Việt, ngay trong vùng Dallas-Fort Worth. Nghe tiếng, chúng tôi lặn lội đến tận nơi để hỏi thăm, thám thính và … uống thử. Thành thật mà nói: Ngon!!

    Lò rượu độc đáo này mang tên ‘SuTi Craft Distillery’. SuTi là chữ viết tắt lấy từ tên của hai nhà tiên phong Đinh Trọng Suý và Ngô Thời Tiến. Suý sang Mỹ năm 75 khi còn nhỏ. Gia đình ngày xưa là dân Nam Định, di cư vào Nam năm 54. Anh kể hồi ngoài Bắc Mẹ anh cũng biết nấu rượu như nhiều người trong làng. Nhưng anh thì dĩ nhiên không biết gì về việc đó. Qua Mỹ, anh đi học và ra trường kỹ sư, làm việc trong ngành viễn thông (telecom). Năm 2011 Suý quen một anh bạn gốc Cái Răng, nhà ở Cần Thơ có nghề nấu rượu. Anh tò mò học hỏi và bắt đầu thử nghiệm cất rượu lấy. Anh nói vì khi đi dự tiệc anh hay nghe mấy ông già thắc mắc sao cứ phải uống rượu Tây hoài, không tìm đâu ra rượu đế.

    Toàn cảnh phòng nấu rượu.

    Trong quá trình thử nghiệm, Suý tự lên Internet tìm hiểu thêm về các loại men, các loại gạo, những phương pháp nấu rượu khác nhau của nhiều dân tộc. Anh đặt mua đủ thứ men từ Việt Nam, Âu Châu cũng như Mỹ về để thí nghiệm. Anh bỏ nhiều năm trời tìm xem gạo nào làm rượu thơm ngon nhất. Vài năm sau tay nghề của Suý đã kha khá, anh bắt đầu tự tin đủ để mang rượu của mình đến các buổi tiệc để giới thiệu với bạn bè và nhận được nhiều phản hồi khích lệ. Một trong những người khuyến khích anh nên theo đuổi đam mê của mình là Tiến, người anh em cột chèo đồng thời là kiến trúc sư làm việc ở Dallas. Bắt đầu từ năm 2016, Suý và Tiến hùn vốn để xây lò rượu.
    Nét Đông Phương toả khắp không gian trong mùi gạo thơm thoang thoảng.

    Sau khi tìm mua được miếng đất gần Fort Worth, họ mất nhiều tháng trời chỉ để được phép động thổ và khởi công. Khác với những hình thức kinh doanh thông thường như mở nhà hàng hay mở tiệm nails, lò rượu đòi hỏi vô số điều kiện liên quan đến luật liên bang, tiểu bang và thành phố rất khắt khe. Nhưng cuối cùng SuTi cũng thành hình và chính thức đi vào hoạt động cách đây vài tháng.
    Hiện thời SuTi có hai sản phẩm chính là ‘Rượu Đế Ông Già’ (40%) và rượu mạnh ‘Lion 45’ (45%). Vì là một nhà nấu rượu bán lẻ, SuTi chỉ có thể bán tại chỗ chứ không thể gởi rượu qua đường bưu điện. Suý kể có người lái xe từ tận Houston lên chỉ để mua chục chai mang về. Nghe vậy chúng tôi cảm thấy mình còn quá may mắn vì ở cách lò đế độc nhất vô nhị này có … 60 dặm!

    Chiếc máy TEAC cũ kỹ nhưng âm thanh vẫn còn rất tốt.

    Ấn tượng đầu tiên khi bước vào phòng khách là một cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu, và rất … Việt Nam. Cách trình bày nơi đây đơn sơ nhưng mỹ thuật, nhờ bàn tay khéo léo và con mắt nhà nghề của kiến trúc sư Tiến Ngô. Trong một góc là chiếc máy hát dĩa thuộc loại đồ cổ gần cả trăm năm nhưng vẫn còn chạy. Chẳng may hôm chúng tôi đến cây kim đã bị hư, chưa được thay.




    Nhưng bù lại chúng tôi được nghe một thứ nhạc rất lạ mà quen, phát ra từ chiếc máy TEAC tuổi đời chắc cũng gần bằng của chủ nhân. Giọng hát Khánh Ly và Thanh Thuý thời trước 75 lâng lâng đưa ta vào một thế giới nửa của quá khứ nửa tương lai. Chưa kịp thử rượu đã muốn phê.
    Hèm đang được ủ để lên men.

    Toàn bộ diện tích phòng nấu rượu chiếm một không gian khiêm tốn không đầy 2000 sf nhưng đầy đủ mọi dụng cụ được sắp xếp gọn gàng. Cuối phòng là một cái nồi khổng lồ có thể nấu cả ngàn ký gạo một lúc. ‘Ông Già’ được làm từ một loại gạo thơm đặc biệt đến từ miền Nam Louisiana tên Jazzmen (ghép từ gạo jasmine Á châu và gạo vùng New Orleans, quê hương của jazz). Suý kể mất lâu lắm anh mới tìm được loại gạo này; nhờ nó mà ‘Ông Già’ có một cái hậu rất thơm.
    Suý không dùng men từ Việt Nam vì theo anh nó có nhiều mùi thuốc Bắc, đã vậy anh không biết được thành phần gồm có những gì. Vì muốn chế biến một loại đế người Mỹ cũng uống được, anh dùng một loại men của Mỹ cho ‘Ông Già’, và một thứ men mới từ Âu Châu cho ‘Lion 45’. Những ai thích rượu mạnh như whiskey hay vodka bảo đảm sẽ ưng ‘Lion 45’, nhất là khi được ướp lạnh. Ai thích mùi gạo thơm sẽ khoái ‘Ông Già’. Sắp tới đây anh sẽ thí nghiệm làm rượu nếp than.





    Suý Đinh giảng giải về kỹ thuật và nghệ thuật làm rượu đế, bên cạnh cái máy cất rượu bằng đồng thiết kế theo kiểu nấu whiskey của dân Scotch.




    Rượu cất xong được nếm thử và đo nồng độ. Mỗi vụ rượu (batch) được đánh số và ghi ngày tháng cẩn thận. Chỉ những vụ nào đạt đúng tiêu chuẩn về hương vị cũng như nồng độ mới được giữ lại để bán. Luật liên bang quy định rượu được giữ để bán phải có phòng chứa riêng và phải nộp thuế trước, do đó SuTi phải kiểm tra chất lượng mỗi vụ thật kỹ trước khi quyết định dùng hay không.
    Suý Đinh và Tiến Ngô là hai nhà khởi nghiệp ngành rượu đế trên nước Mỹ. Khách hàng của họ đa số thuộc thành phần trẻ, phụ nữ, dân sành rượu và thích rượu ngon. Với giá một chai chỉ khoảng $35-$45 (tuỳ theo vụ) rượu SuTi dễ dàng cạnh tranh với các nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường.

    Chiếc bàn nơi rượu cất xong được nếm thử và đo nồng độ.

    Tết Ta cho đến Tết Tây
    Tiệc tùng cưới hỏi lấy chi làm quà?
    SuTi nức tiếng ‘Ông Già’
    Uống ly rượu đế chạy ba quãng đồng!
    Địa chỉ liên lạc và Facebook:
    Suti Craft Distillery
    528 W. Kennedale Pkwy
    Kennedale, TX 76060


    - Ian Bùi

    Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ; chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything. Từng làm kỹ sư điện toán. Hiện cư ngụ trong vùng Dallas.






  • #2
    “Thu ẩm SuTi tửu”




    Đọc bài “Rượu đế ở Mỹ” của tác giả Ian Bùi, tôi rất thích thú. Thứ nhất, tôi tin đây là lần đầu tiên, không chỉ ở nước Mỹ mà cả hải ngoại, có một lò nấu rượu đế quy mô của người Việt. Thứ hai, tác giả Ian Bùi - một người tôi không quen nhưng biết tiếng - đã uống thử và khen ngon.

    Tuy nhiên, vốn bản tính hay “thắc mắc”, thích “đặt vấn đề” (như bạn hiền KiwiTeTua đã nhận xét), đọc xong, một thắc mắc hiện ra trong đầu tôi: “rượu đế” của lò SuTi Craft Distillery có giống “rượu đế” của Việt Nam hay không?

    Vì sống ở tận xứ Úc-thòi-lòi xa xôi vạn dặm, không thể một sớm một chiều bay sang Texas để uống thử “rượu SuTi”, tôi đề nghị thành viên nào của HQPD ở Hoa Kỳ thích uống rượu và biết uống rượu đế, mua thử hai chai “Rượu đế Ông Già” và “Lion 45” uống thử, rồi có vài dòng nhận xét khách quan trên Diễn Đàn, giúp độc giả có chút ý niệm về “rượu đế VN made in USA”.

    Khi nêu ra câu hỏi “rượu đế” của công ty SuTi Craft Distillery có giống “rượu đế” của Việt Nam hay không, tôi hoàn toàn không có một ẩn ý nào mà chỉ nêu ra một thực tế:

    Khi nói tới mục uống rượu, chữ “ngon” mang ý nghĩa rất ư là... mơ hồ, chỉ khi nào so sánh các chai của cùng một loại rượu (vodka, brandy, whisky, bourbon, rum, sake, đế...) chữ ngon ấy mới có giá trị so sánh.

    Thông thường, rượu được xem là đặc sản của một địa phương, một quốc gia, hay một khu vực nào đó trên trái đất, và trong đa số trường hợp khi được sản xuất tại một nơi khác, cho dù có “ngon” hơn cũng sẽ không còn hương vị nguyên thủy!

    Chẳng hạn rượu whisky nguyên là của Ái-nhĩ-lan (Ireland) sau khi được du nhập vào Tô-cách-lan (Scotland) đã trở nên nổi tiếng quốc tế (scotch whisky, gọi tắt là “scotch”), tuy nhiên với đa số người Ái-nhĩ-lan sống ở hải ngoại, phải uống “Irish whisky” thì mới tìm được hương vị quê hương.

    Riêng rượu đế của Việt Nam, hiện nay ở trong nước, mặc dù đã có những nhà máy nấu rượu quy mô, hiện đại, người sành điệu vẫn tiếp tục ưa chuộng các loại rượu đế địa phương nổi tiếng lâu đời, như rượu làng Vân (Bắc Ninh), Kim Sơn (Ninh Bình), Kiên Lao (Nam Định) ở ngoài Bắc, rượu Kim Long (Quảng Trị), Bầu Đá (Bình Định) ở miền Trung, rượu Gò Đen (Long An) trong Nam...

    Theo các nhà nghiên cứu, các đặc tính và phẩm chất của rượu tùy thuộc nhiếu yếu tố: nguyên liệu (nho, lúa, bắp, kê, mía...), loại men, phương pháp nấu cất, ủ giữ... Riêng rượu đế của VN, theo sự hiểu biết của tôi, men là yếu tố quan trọng nhất. Lấy thí dụ rượu Kiên Lao ở Nam Định quê tôi, rượu được nấu cất ở làng Kiên Lao, huyện Xuân Trường, bằng một loại nếp đặc biệt trồng ở huyện Hải Hậu. Các nơi khác có mua nếp Hải Hậu về cất rượu cũng không thể ngon bằng rượu Kiên Lao là vì làng Kiên Lao sử dụng một loại men bí truyền.

    Tầm quan trọng của men không phải là huyền thoại mà là thực tế hầu hết người nấu rượu chuyên nghiệp phải nhìn nhận. Trong khi đó, theo bài viết của tác giả Ian Bùi, lò rượu SuTi Craft Distillery đã sử dụng một loại men của Mỹ để nấu chai “Ông Già” và một loại men của Âu châu để nấu chai “Lion 45”. Vì thế tôi mới thắc mắc không biết hai chai này uống có giống “rượu đế” của người Việt trước năm 1975 hay không?

    Rất mong các “tửu đồ” ở Mỹ khoảng tuổi sáu bó, bảy bó trở lên cho câu trả lời để kẻ hèn này quyết định nhờ hay không nhờ tay bạn bên nớ mua dùm hai chai.

    Biết đâu rồi đây sẽ:

    Xuân du phương thảo địa
    Hạ thưởng lục hà trì
    Thu ẩm SuTi tửu
    Đông ngâm bạch tuyết thi.


    Thiên Lôi Miệt Dưới

    Last edited by Nguyen Huu Thien; 02-13-2021, 07:05 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X