Thông báo

Collapse
No announcement yet.

"Chiến Sĩ Vô Danh" - Tạp Ghi Huy Phương

Collapse
X

"Chiến Sĩ Vô Danh" - Tạp Ghi Huy Phương

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • "Chiến Sĩ Vô Danh" - Tạp Ghi Huy Phương

    "Chiến Sĩ Vô Danh" - Tạp Ghi Huy Phương



    Năm 1972, trong “Mùa Hè Đỏ Lửa,” với thiệt hại lớn lao của bốn mặt trận Kontum, Bình Long, An Lộc, Quảng Trị, của cả hai bên, để vinh danh những người lính VNCH đã nằm xuống, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị đã phát động một chiến dịch vinh danh và tri ân các chiến sĩ, bằng cách vẽ hình ảnh các tử sĩ và treo ở trên đường phố Sài Gòn. Tôi chỉ nhớ tên một vài vị, đều là sĩ quan, như cố Chuẩn Tướng Không Quân Nguyễn Huy Ánh, cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo, cố Đại Úy Trần Thế Vinh, cố Đại Úy Nguyễn Văn Đương… Trong số anh hùng này, không thấy có một hạ sĩ quan hay binh sĩ nào.
    Hồi ấy, tuần báo Diều Hâu là một tờ báo “tay trái” của Phòng Thông Tin-Báo Chí Cục Tâm Lý Chiến do Trung Tá Nguyễn Đạt Thịnh và Thiếu Tá Phạm Huấn chủ trương, và chúng tôi, nhân viên của Phòng Báo Chí lâu lâu cũng mượn đất của Diều Hâu để múa bút. Vào dịp đó, trên Diều Hâu tôi đã viết một bài ngắn, cũng lấy đề tựa “Chiến Sĩ Vô Danh,” và câu hỏi tôi đặt ra trong bài báo là phải chăng, anh hùng, tử sĩ của VNCH đều là sĩ quan mà không có một anh lính nào? Vậy thì người lính tử sĩ ở đâu?

    Bài viết này không làm cho Trung Tướng Trần Văn Trung mấy hài lòng, và sau khi tờ báo phát hành, nhà văn Nguyễn Đạt Thịnh được gọi lên “trình diện” ông tổng cục trưởng. Ông Nguyễn Đạt Thịnh nổi tiếng là thẳng thắn và luôn luôn bênh vực nhân viên, mặt khác tờ báo do ông chủ trương, phần nào ông cũng có trách nhiệm, nên nội vụ được cho qua, và tác giả bài báo không phải khăn gói đi Kontum.
    Người ta hay dễ dãi trong công việc, và tìm những việc dễ dãi mà làm. Tướng tá chết thì ai cũng biết, nhưng anh hùng vô danh, mặc dù là số đông mấy ai đã biết được tên tuổi.

    Gần đây ở hải ngoại cũng vậy, cứ đến ngày 30 Tháng Tư mỗi năm, năm vị tướng tuẫn tiết lại được nhang khói, vinh danh. Về sau người ta thêm vào đó, Trung Tá Nguyễn Văn Long, tự sát trước tượng đài Thủy Quân Lục Chiến, rồi sau đó nữa là Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, tỉnh trưởng Chương Thiện, không tự sát, nhưng không chấp nhận đầu hàng, chiến đấu đến cùng, bị bắt và bị xử bắn tại sân vận động Cần Thơ ngày 14 Tháng Tám, 1975.

    Cả miền Nam, vì mối nhục mất nước, có cả hàng nghìn chiến sĩ tự sát bằng cách này hay cách khác, từ một người lính quân cảnh tại Bộ Tổng Tham Mưu đến những anh em Thủy Quân Lục Chiến trên bãi biển Thuận An, hay các chiến sĩ Nhảy Dù chia nhau một quả lựu đạn tại ngã ba Ông Tạ, trên đường lui binh.
    Câu hỏi ngày xưa vẫn còn nguyên: “Vậy thì người lính tử sĩ ở đâu?”
    Gần đây, tại San Jose, theo cung cách xây dựng tượng đài vinh danh các anh hùng tuẫn tiết, một bức tường tưởng niệm với năm vị tướng lãnh cùng Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn và Trung Tá Nguyễn Văn Long được dựng lên.

    Người lính Biệt Động Quân Đoàn Trọng Hiếu đã phê phán chuyện dựng bức tường này: “Việc làm dựng một bức tường tưởng niệm quân dân cán chính VNCH là một việc làm rất đáng hoan nghênh. Nhưng việc ủng hộ nội dung lại là hành động thiếu suy nghĩ đáng chê trách, vô tình biến chúng ta thành kẻ bất nhân bất nghĩa!” Và ông cũng cay đắng cho rằng: “Xin đừng phơi thây trăm họ, để chỉ vinh danh một người!”

    Trên thế giới, không phải quốc gia nào hay ai có thể có khả năng làm một cuộc kiểm kê để có danh sách những người lính đã hy sinh, như người Mỹ đã làm khi xây dựng bức tường đá đen ở thủ đô Washington, DC, có tên của hơn 58,000 lính Mỹ đã chết hoặc mất tích tại chiến trường Việt Nam.

    Có những người lính đã nằm lại ngoài mặt trận, không đem được về hậu phương, thân thể họ bị vùi lấp trong bom đạn, đất cát, không quan quách, không bia mộ, không ai gắn huy chương, không có nghi lễ phủ cờ đưa tiễn. Gần như không ai biết đến họ, không ai nhớ đến tên tuổi của họ, vì “họ là những anh hùng không tên tuổi,” được gọi là những “Chiến Sĩ Vô Danh.”

    Nước Pháp có mộ chiến sĩ vô danh nằm dưới Khải Hoàn Môn từ ngày 11 Tháng Mười Một, 1920. Họ không có tên. Đây là ngôi mộ của một người lính Pháp vô danh chết trong trận Verdun, thời Thế Chiến 1. Cùng ở Paris, bảy chiến sĩ vô danh khác cũng được chôn cất ở Flandres, Artois, Somme, Chemin des Dames, Champagne, Verdun và Lorraine. Trên ngôi mộ ở Khải Hoàn Môn khắc dòng chữ: “Nơi đây yên nghỉ một người lính Pháp chết cho tổ quốc.” (1914-1918)

    Người Mỹ cũng có ngôi mộ chiến sĩ vô danh (Tomb of the Unknowns) tại Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, Virginia, để chôn cất các binh sĩ Hoa Kỳ vô danh tử trận trong Thế Chiến 1, Thế Chiến 2, chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam và những cuộc chiến tiếp theo sau đó!

    Không ai kiểm kê được đầy đủ danh tánh những người đã tự sát hơn là đầu hàng giặc trong ngày tang tóc 30 Tháng Tư, 1975 của miền Nam Việt Nam, cũng không ai có đủ danh sách hàng triệu người đã chết cho tổ quốc, bởi vậy chúng ta cần thiết có một nấm mộ hay tượng đài cho những chiến sĩ vô danh. Chúng ta thường có thói quen ca tụng những người quen mặt biết tên!

    Có khi nào bạn so sánh cái chết huy hoàng, rộn ràng của một tướng lãnh và cái chết của một người lính hòm gỗ đơn sơ với những nhánh hương lạnh lẽo trong một nghĩa trang buồn, hay những người lính không bao giờ trở về, thân xác chôn vùi đâu đó trên mảnh đất quê hương!
    Chúng ta cần một bia mộ hay tượng đài cho những chiến sĩ vô danh như thế.

    Huy Phương


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X