Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cờ Bay

Collapse
X

Cờ Bay

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cờ Bay

    Cờ bay…
    Phan

    Dường như người Việt nào đến định cư ở nước Mỹ cũng nhanh chóng nhận ra một nét đẹp trong văn hóa bản xứ là người Mỹ thích treo cờ Mỹ trước nhà vào những dịp lễ. Đặc biệt là lễ Chiến Sĩ Trận Vong và lễ Độc lập. Nếu để ý, chúng ta sẽ tự đặt ra câu hỏi với mình là, không biết trên thế giới, có bao nhiêu nước mà ở những nơi bán vật liệu xây dựng, sửa chữ nhà cửa như Home Depot, Lowe’s, hay ngay trong chợ gia dụng như Wal-Mart ở Mỹ có bán cái giá treo cờ bằng kim loại? Chắc chắn là có người mua, và trở thành nhu cầu đáng kể của khánh hàng thì nhiều chợ mới đặt hàng từ nhà sản xuất để cung ứng cho thị trường. Hầu như căn nhà của người Mỹ nào cũng có gắn cái giá treo cờ trên tường gạch, một cách chắc chắn; nếu là nhà gỗ thì cái giá treo cờ cũng thường được gắn trên cột hàng hiên một cách chắc chắn. Nhìn chung vị trí của những giá treo cờ có hai đặc tính là chắc chắn, và là nơi trang trọng nhất của những ngôi nhà khác nhau.

    Thường một hôm đi làm về, thấy lưa thưa vài nhà hàng xóm treo cờ; thì sang hôm sau đã thấy nhà nhà treo cờ. Người di dân không khỏi chạnh lòng nhớ về cố thổ. Ai cũng có lòng yêu nước riêng mình nên ai cũng thấy lá Quốc kỳ của đất nước mình là đẹp nhất, ý nghĩa nhất! Lòng vang vang lời nhạc về lá cờ được cho là hay nhất sau khi tái chiếm Cổ thành – Quảng Trị. Lời nhạc bất tử ghi lại chiến công oai hùng của Quân lực VNCH trong chiến tranh Việt nam, “Cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu; vừa chiếm lại đêm qua bằng máu…”

    Lá cờ vàng có ba sọc đỏ nhu hiền nhưng không ủy mị mãi là Quốc kỳ trong tâm thức người Việt; không như cờ đỏ sao vàng thấy máu me và độc tài, u ám và tàn ác như lời thơ của Trần Dần diễn tả chính xác nhất về lá cờ của cộng sản Việt nam, “tôi đi giữa phố phường/ chỉ thấy mưa sa trên nền cờ đỏ…”

    Lễ Độc lập của Hoa Kỳ đang rộn ràng cờ bay trước nhà nhà của người bản xứ. Tôi chạnh lòng tưởng nhớ cố hương đã vắng bóng lá cờ vàng bốn mươi năm thời gian. Những thế hệ sinh ra sau chiến tranh Việt nam, có người đã bốn mươi tuổi, nhưng chỉ biết màu cờ của đất nước Việt nam bây giờ là như thế đó! Màu sắc và thiết kế mang ý nghĩa đảng phái quốc tế; không thể hiện bản sắc dân tộc. Nếu lá cờ vàng tượng trưng cho màu da dân tộc; ba sọc đỏ là ba miền đất nước trải dài, hiền hoà. Thì nhìn lá cờ đỏ sao vàng như cờ của một đảng phái ngoại lai thôn tín Việt nam chứ không phải cờ tổ quốc của một đất nước có nền văn hiến đã lâu; một dân tộc cần cù và hiếu đạo…

    Ngày tôi còn bé, tức trước 1975. Mỗi sáng thứ hai đầu tuần, cũng chỉ thay đồng phục (quần xanh áo trắng) để đi học. Nhưng ngày đầu tuần nào bộ đồng phục cũng được chăm chút hơn những ngày còn lại trong tuần để thẳng thớm, sạch sẽ…, chỉ vì sáng thứ hai hàng tuần là toàn trường làm lễ chào cờ. Trong sân trường không khí trang nghiêm tràn ngập như nắng vàng. Mỗi gương mặt bạn, thầy, là một niềm tự hào, hãnh diện khi cất tiếng hát bài Quốc ca. Hình ảnh những người lao động bên ngoài bờ rào trường học. Họ ngưng công việc sinh nhai lại giây phút để đứng nghiêm, ngả mũ, chào cờ cùng học sinh.

    Đó là hành động tương tự mà những gì người bản xứ Hoa Kỳ đang làm với lá Quốc kỳ của họ. Một sự kính trọng tuyệt đối; niềm tự hào, lòng hãnh diện của một công dân trên đất nước tự do, dân chủ… lòng yêu nước của họ thầm lặng mà kiêu hãnh vô bờ khi ông chủ gia đình bản xứ lặng lẽ sổ lá cờ hoa được cuộn cất trong nhà; ông đem ra trước nhà, cắm lên giá cờ gắn sẵn trước nhà. Rồi ông đứng yên lặng ngắm một mình; nhìn lại nguồn gốc, tiền nhân. Mười ba tiểu bang đầu tiên là những sọc đỏ trắng làm nền cho năm mươi ngôi sao tượng trưng cho năm mươi tiểu bang của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ nở hoa…

    Tôi nhớ cha tôi cũng treo cờ vàng ba sọc đỏ trước căn nhà tuổi nhỏ của tôi khi lễ Quốc khánh VNCH ngày 01 tháng 11; và Ngày Quân Lực VNCH 19 tháng 06 những năm xưa. Ông cũng đứng yên nhìn ngắm lại lịch sử đất nước, và tưởng nhớ tiền nhân dựng nước…

    Nhưng khi tôi lớn thì lịch sử đã sang trang. Ngày Quốc khánh của Việt nam cộng sản là 02 tháng 09; Lễ Kỷ niệm 30 tháng 04 hàng năm sau 1975. Nhà cầm quyền bắt dân phải treo cờ. Lệnh từ trung ương ban xuống cấp nhỏ nhất của nhà cầm quyền là ông (bà) Tổ trưởng Tổ Dân phố phải vất vả ngược xuôi từng nhà mà nhắc nhở treo cờ; nhà nào Tổ trưởng Tổ Dân phố phải trở lại lần thứ hai, thứ ba để nhắc nhở treo cờ thì lời lẽ của Tổ trưởng đã sặc mùi hăm doạ như cắt Hộ khẩu, thu sổ mua gạo, tống đi kinh tế mới… Tôi còn nhớ nhiều nhà trong xóm không có gạo ăn thì tiền đâu mua cờ để treo; lòng đâu để mừng “giải phóng miền Nam” với thực trạng ngược lại!

    Người Việt cũng yêu tổ quốc như mọi dân tộc khác trên thế giới đều yêu quý quê hương mình. Nhưng người Việt và nước Việt không còn chung nhịp đập con tim vì nước nhà đã mất vô tay cộng sản nên người dân hững hờ với nhà cầm quyền. Trên bình diện quốc tế, về thể thức ngoại giao thì các nước gọi là chính quyền Hà Nội; nhưng lòng người dân Việt đã bốn mươi năm, đảng cộng sản Hà nội cướp được miền Nam; Họ tự đặt tên lại là Đảng cộng sản Việt nam cho phù hợp với cụm từ “thống nhất đất nước”. Đổi tên nước thành Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam. Nhưng điều quan trọng nhất – không bao giờ đảng cộng sản đạt được là lòng dân – những người dân từ bình dân tới trí thức vẫn chỉ xem họ là “nhà cầm quyền”. Tức một đảng cướp mặc áo chính trị, sau khi cưỡng chiếm được một miền đất thì họ có quyền đặt luật, vơ vét theo ý họ.

    Tâm thức một lưu dân như tôi. Sáng nay được nghỉ lễ Độc lập Hoa Kỳ. Ngồi cà phê một mình, nhìn sang nhà người bản xứ bên kia đường. Người gia chủ “thượng kỳ” lặng lẽ một mình. Ông đứng ngắm quê hương ông qua màu cờ, nắng sớm… tôi nhớ cha tôi những năm xưa! Thấy con ông hàng xóm cũng chạy ra với cha như tôi hồi nhỏ để được nghe giáo huấn về ý nghĩa Quốc kỳ. Vợ ông chưng hoa quanh chân cờ; chắc là tưởng nhớ những người đã nằm xuống để bảo vệ màu cờ tổ quốc; bà giống mẹ tôi xưa cũng bưng mâm bánh trái ra cột cờ, thắp mấy nén hương tưởng nhớ những người đã ngã xuống để bảo vệ miền Nam.

    Ngồi nhìn một gia đình Mỹ treo cờ mừng lễ Độc lập không khác gì gia đình tôi năm xưa. Đó là những gia đình hài lòng với chính thể quốc gia; hợp tác với chính phủ; tự hào với màu cờ Tổ quốc nên treo cờ tự nguyện. Treo cờ vào ngày lễ ở nơi trang trọng nhất của căn nhà mình ở là thể hiện lòng biết ơn tiền nhân dựng nước; hành động tưởng nhớ những anh hùng dân tộc đã gìn giữ giang sơn truyền đời…

    Tôi biết lá cờ Tổ quốc của tôi đã tung bay trên hầu hết những thành phố có người Việt lưu vong sinh sống trên khắc hành tinh. Nhưng bao giờ lá cờ ấy lại tung bay ngay trên quê hương đích thực của nó? Lá cờ đã đi vào huyền sử của một đất nước, một dân tộc, một quân đội bất tử như lời nhạc mà tôi cứ tưởng là nhạc của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã viết sau khi tái chiếm Cổ thành-Quảng trị, “Cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu; vừa chiếm lại đêm qua bằng máu…”

    Sáng Độc lập Hoa Kỳ, người di dân tôi ngồi tìm lại lai lịch bản nhạc bất hủ với lời lẽ oai hùng như chính dân tộc và quân đội VNCH. Có bài viết của tác giả Trần Chí Phúc trên trang mạng của SBTN rất đáng đọc để biết lai lịch của một bài hát thường được hát vang sau khi người Việt hát Quốc ca của VNCH. Đó là bài hát “Cờ ta bay trên Quảng trị thân yêu”.

    Xin phép tác giả Trần Chí Phúc được trích nguyên văn, toàn bài để cống hiến độc giả.

    Ai là tác giả bản Cờ Ta Bay Trên Quảng Trị Thân Yêu?




    Trong những bài ca chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thì bản hùng ca hay nhất, được nhiều người hát trong suốt 40 năm qua ở hải ngọai mỗi lần sinh họat cộng đồng là ca khúc Cờ Ta Bay Trên Quảng Trị Thân Yêu, đồng hương hay gọi tắt là bản Cờ Bay Cờ Bay. Ngoài giá trị nghệ thuật của nhạc phẩm còn có một lý do khác là lúc làm lễ thượng kỳ lá cờ vàng ba sọc đỏ, sau khi hát bản quốc ca “Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi” , nhìn thấy lá cờ vàng thân yêu tung bay phất phới, thì lòng người phấn khởi cất lên bản Cờ Bay Cờ Bay.

    Xin ghi lại lời ca như sau:

    “Cờ bay. Cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu

    Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu

    Cờ bay. Cờ bay tung trời ta về với quê hương

    Từng ngóng đợi quân ta tiến về

    Ta ôm nhau mắt lệ nghẹn ngào quì hôn đất thân yêu

    Quảng Trị ơi, chào quê hương giải phóng

    Hồi sinh rồi này mẹ này em

    Vui hôm nay qua đêm đen tìm thấy ánh mặt trời

    Đi lên. Đi lên trên hoang tàn ta xây dựng ngày mai

    Nhà vươn lên người vươn lên

    Quân bên dân xây tin yêu đời mới

    Đón nhau về, anh đưa em về Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà

    Sạch bóng thù, đồng hân hoan quân dân vui

    Vang câu hát tự do …”

    Lịch sử sáng tác của bài hát oai hùng này là khi quân Cộng Sản Bắc Việt đưa quân ào ạt đánh chiếm tỉnh Quảng Trị vào tháng 3 năm 1972 thì quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã tái chiếm lại vào ngày 16/9/1972 trong một trận đánh được mô tả là rất ác liệt, được ghi vào những chíến công oai hùng của người lính miền Nam. Lá quốc kỳ vàng ba sọc đỏ được kéo lên trên Cổ Thành tỉnh Quảng Trị trước sự vui mừng của quân dân Việt Nam Cộng Hòa.

    Và chỉ một thời gian ngắn sau đó trên đài phát thanh Sài Gòn vang lên bản hùng ca Cờ Ta Bay Trên Quảng Trị Thân Yêu làm nức lòng mọi người. Không ai biết rõ chính xác tác giả của ca khúc này, chỉ biết là do các nhạc sĩ của Cục Chính Huấn sáng tác.

    Thời điểm đó, khỏang năm 1972, 1973, có nhiều bản nhạc hùng ca được viết và được trình bày hợp ca và phổ biến trên đài phát thanh Sài Gòn và đài phát thanh Quân Đội để nhân dân cả nước nghe, và tác giả thuộc Cục Chính Huấn Việt Nam Cộng Hòa.

    Sau khi Sài Gòn thất thủ vào tháng 4/1975 thì những người di tản và vượt biển tạo thành cộng đồng Việt Nam tại hải ngọai và mang theo những bản hùng ca đó. Trên trang mạng có người ghi tên tác giả bản Cờ Ta Bay Trên Quảng Trị Thân Yêu là Lê Kim Hoa, một cái tên rất xa lạ với giới thưởng thức nhạc.

    Đối với một bản hùng ca hay như vậy mà tên tác giả hầu như là vô danh vì sau đó không thấy Lê Kim Hoa viết thêm bài nào khác nữa.

    Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng năm nay trên 80 tuổi, hiện sống tại Quận Cam tiết lộ rằng Lê Kim Hoa là bút hiệu của Tô Kiều Ngân. Lê Kim Hoa là tên người yêu của thi sĩ họ Tô. Ông đã mất vào 20/10/2012 tại Sài Gòn.

    Cách đây hơn mười năm, tình cờ ngồi nói chuyện văn nghệ với nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu (đã mất) đã từng làm việc trong Cục Chính Huấn thì ông cho biết rằng tác giả của bản Cờ Bay là hai người: thi sĩ Tô Kiều Ngân và nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân.

    Nhạc sĩ Trương Hòang Xuân làm việc trong Phòng Văn Nghệ Cục Chiến Tranh Tâm Lý- còn gọi là Cục Chỉnh Huấn. Trong nhóm nhạc sĩ này có Trầm Tử Thiêng, Đỗ Kim Bảng, Ngô Mạnh Thu…

    Ca sĩ Mai Hương bảo rất thích bản Cờ Bay Cờ Bay và chị còn nhớ rõ lời ca vì thời đó chị đã hát hợp ca bản này cũng như những bản hùng ca khác trên đài phát thanh Sài Gòn.

    Bài hát có nét nhạc tươi sáng, lời ca hùng hồn mà thắm thiết tình cảm. Mấy câu “Ta ôm nhau mắt lệ nghẹn ngào qùy hôn đất thân yêu, hồi sinh rồi này mẹ này em… anh đưa em về Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà, vang câu hát tự do…” vẫn là nét đặc biệt của các ca khúc thuộc chế độ Sài Gòn đầy chất nhân bản. Có vẻ như là một bài thơ phổ nhạc hoặc là sự cộng tác của một nhà thơ với một nhạc sĩ, cảm hứng từ một chiến công để viết thành bản hùng ca hay nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và còn lưu truyền bên này hải ngọai.

    Đầu năm 2015, trong hoàn cảnh đất nước tụt hậu, tham nhũng tràm lan dưới sự cai trị của độc tài Cộng sản Việt Nam thì chính nghĩa của tự do, dân chủ càng ngời sáng với lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay mọi thành phố có đồng hương Việt Nam cư ngụ. Mời qúy vị nghe lại bản Cờ Bay Cờ Bay và xin vinh danh tác giả của nhạc phẩm là thi sĩ Tô Kiều Ngân và nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân. (Trần Chí Phúc/SBTN)

    Cờ bay… với bất cứ lọn gió nào, hình ảnh lá cờ tung bay đều gợi nhớ đến quê hương, dân tộc, tổ tiên và lịch sử. Có lẽ tâm trạng người lưu vong nào cũng ngậm ngùi khi nhìn lá cờ nước sở tại tung bay trong ngày lễ Độc lập. Một phần tâm thức người lưu vong chấp nhận nơi đây là quê hương thứ hai dẫn dắt cảm tưởng, nghĩ suy tới lòng biết ơn và trân trọng; Phần nặng tình quê cũ lắng đọng đến bao giờ…


    Phan
    TVan&BanHuu


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X