Áo Gấm Về Làng
Tiểu Lục Thần Phong
Tiểu Lục Thần Phong
Ngoài sảnh, cả một biển người loi nhoi dáo dác tìm người thân của mình. Dean D mũ lệch, kiếng đen bước đi khệnh khạng ra vẻ lắm, nhiều ánh mắt nhìn theo tỏ vẻ thèm thuồng pha lẫn ngưỡng mộ. Dean D thấy khoái chí nhưng giả vờ làm ngơ, ra vẻ ngóng tìm người nhà nhưng thực ra đang cố khoe mẽ với đám đông đang bị mê hoặc bởi cái gió hải ngoại. Dean D tận hưởng cái sự xênh xang áo gấm về làng, cái giây phút thấy mình trở nên có giá cao hơn hẳn đồng loại của mình một bậc, phút giây hãnh diện này đánh đổi bằng cả một thời gian dài đằng đẵng cày như trâu ở xứ người. Y còn đang dương dương tự đắc thì người nhà trông thấy kêu gọi ầm ĩ, chưa kịp tay bắt mặt mừng thì y đã kêu toáng lên:
– Nóng quá, ồn quá sao chịu nổi?
Những người xung quanh cũng chẳng ai quan tâm y nói gì, vả lại ai cũng chăm nhìn ở cửa ra xem người nhà mình xuất hiện chưa, ấy thế mà sau lưng y lại có một khứa nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống sàn. Dean D laị kêu lên:
– Trời đất, sao mà mất vệ sinh thế!
Người nhà bèn kéo y đi thẳng ra xe, sau khi chạy khoảng bốn tiếng thì tấp vào một quán nước ven đường để nghỉ ngơi và đi vệ sinh. Mọi người kêu bia ra uống, Dean D tợp một ngụm rồi nhận xét:
– Bia ở đây lạt quá, không biết đá lạnh có hợp vệ sinh không nữa?
Mấy người anh em của y thoáng nhíu trán nhưng nhanh chóng lấy lại vẻ bình thản và bâng quơ đùa:
– Anh Dean về đây chơi nhớ cẩn thận, nếu không mấy em chân dài sẽ móc sạch bóp.
– Dễ gì, anh đây đâu phải tay mơ, Dean trả lời.
Mà quả thật vậy, ăn được tiền của y quả là không dễ đâu! Dean đi chợ cò kè so giá từng xu, chín đồng rưỡi ráng góp thành mười, làm gì có chuyện cho ai khơi khơi bao giờ!
Về đến nhà, Dean cho thằng cháu đi mua chục két bia về ăn nhậu tưng bừng, tiếng khui bia lốp bóp, tiếng cụng ly leng keng, tiếng cười hô hố, tiếng tranh nhau nói ầm ĩ cả xóm. Dàn karaoke được mở hết cỡ, những giọng ca giật giải miệt vườn thi nhau tra tấn lỗ nhĩ bà con lối xóm. Men vào thì lời ra, ai ai cũng tranh nhau hát, tranh nhau nói… nhưng hễ Dean tỏ ý muốn hát là lập tức mọi người nhường micro cho Dean liền. Dean cũng là người nói nhiều nhất: chuyện chính trị, chuyện bóng đá, chuyện tôn giáo, chuyện trên trời dưới đất, chuyện giàu sang xứ mẽo, chuyện lạ có thật… nhưng thật bao nhiêu phần trăm thì chỉ có y mới biết, quả thật người ta nói đâu có sai: “Mạnh vì gạo bạo vì tiền”! Ở cái xóm này thì Dean là mạnh nhất rồi nên nói thao thao bất tuyệt. Thằng Tí trong xóm, vốn là bạn thân từ thuở còn cởi truồng tắm mưa bất chợt hỏi:
– Cu Đực, ở bển mầy làm gì dzậy? [hồi ấy Dean còn là cu Đực, sau này sang Mẽo mới đổi thành Dean]
Dean thoáng vẻ không hài lòng vì kiểu thân mật gọi cái tên ngày xưa nhưng vẫn trả lời:
– Tao làm kỹ sư hoá chất.
– Thế bà xã mầy làm gì?
– Vợ tao làm chuyên viên săn sóc sức khoẻ.
Nhiều tiếng xuýt xoa thán phục:
– Hồi ấy cu Đực cũng như bọn mình, vậy mà giờ thành công quá, giỏi giang quá! thảo nào tiền bạc rủng rẻng, xài mát trời ông địa luôn.
Lần này Dean tỏ vẻ khó chịu khi nghe gọi tên cu Đực, mặt sa sầm xuống, bọn bạn có kẻ lanh trí liền tâng y lên:
– Nó giờ là Dean D nghe tụi bay!
Lập tức y cười khoái chí nhưng giả đò:
– Gọi sao cũng được, không quan trọng!
Suốt buổi nhậu Dean cứ chêm vào: Oh my God, Bullshit, oh yeah, perfect… có người hiểu, có người không hiểu nhưng ai ai cũng chăm chăm nâng ly, dô dô trăm phần trăm chứ chẳng hơi đâu mà tìm hiểu tiếng tây, tiếng u.
Cuộc vui tưng bừng đến tận giấc xế luôn, men đã ngà ngà, Dean lè nhè:
– Honey biết hông? tức chết đi được, tuần rồi anh đắp bộ móng cho con Barbara, móng gì mà khó đắp quá trời, đã vậy làm xong nó chê xấu, không trả tiền. Anh phải tháo bỏ, vừa tốn công vừa mất thời giờ, thế mà nó còn cà chớn hỏi: “Tụi bay làm nails bao lâu rồi? có bằng không?”. Anh phải nhịn nó, vì lúc ấy trong tiệm còn nhiều người khách khác.
Jenny L, vợ Dean cất giọng oang oang:
– Honey, vậy là còn đỡ đấy! em chà chân cho con đen cả tiếng luôn, chân gì mà dơ và thúi hoắc, da thì dày như da trâu… chà xong hết muốn ăn cơm! Ấy vậy mà nó tính quỵt, la lối ầm ĩ, chê bai đủ thứ, kiếm được đồng tiền quả chua cay quá!
Đám bạn có người cười mỉm, có kẻ cười khúc khích. Riêng thằng cu Đẹn thì cười hô hố:
– Không ngờ tụi Mẽo cũng cà chớn, cứ tưởng xứ mình mới có ăn quịt!
Cu Đẹn là bạn học từ phổ thông, nó là người nhiều chữ, học cao nhất trong đám bạn. Nó lấy được bằng cử nhân văn chương, mọi cuộc gặp mặt ai cũng khoái nghe nó kể chuyện. Nó kể rất duyên, hóm hỉnh và hài hước, chuyện gì nó cũng biết cả: Đông- tây-kim-cổ…Dĩ nhiên cuộc vui hôm nay cũng không ngoại lệ, mọi người yêu cầu nó kể chuyện nghe chơi. Cu Đẹn uống cạn ly bia rồi thủng thẳng:
“Năm ấy Tề vương ngồi đọc sách ở bên đình thủy tạ, anh xà ích dắt ngựa đi qua thấy, bèn hỏi: “Đại vương đọc sách gì?”. Tề vương đang vui nên muốn hí lộng: “Ta đọc sách ngu tử”. Tay xà ích tán: “Người ngu biết mình ngu là trí, người trí không biết chỗ mình ngu ấy là ngu vậy! trí – ngu tuy giống mà khác, tuy khác mà giống!”. Tề vương cười hứng chí bảo: “Ngươi nói tiếp”. Anh xà ích tám: “Người trí không có tiền cũng thành ngu, người ngu có tiền cũng thành trí. Thời thế mà không có tiền thì thời thế bỏ đi, có tiền cũng có thể tạo ra thời thế. Anh hùng mà không có tiền thì khác gì tiểu nhân, có tiền mà không có đức thì chẳng sao, có đức mà không có tiền thì lấy cứt gì ăn…”. Tề vương cau mày bảo: “Thôi! đừng nói những gì vượt quá cái bánh xe ngựa của ngươi!”.
Cả bọn cười bò lăn bò càng, có người bảo: “May cho anh xà ích, Tề vương chưa nổi giận.”. Bạn bè cũng ngầm thấy cu Đẹn có ý chỉnh cu Đực, Dean gỡ thẹn:
– Cái móng tuy nhỏ nhưng lại lớn, nhờ nó mà người ta mới mua nổi nhà, xe, nuôi con ăn học, gởi tiền về quê mua đất, rồi những chuyến “y cẩm hồi hương”…
Có vài người bất chợt nhìn cái móng của mình, có kẻ còn lấy tay sờ mà tặc lưỡi. Dean nói đúng, nếu không có nghề nails thì sẽ vất vả lắm đấy!
Buổi tối, cả đám kéo vào vũ trường trong thị xã chơi. Dean giày bốt áo thun, cu Đẹn giày đen, thằng Tí và mấy khứa khác chơi đôi giày thể thao. Vừa lọt qua cửa cách âm là cả một không gian khác, đèn led chớp quét loang loáng, âm thanh dập muốn bể tim. Dean làm ra vẻ sành điệu, bảo anh bồi:
– Em trai, cho anh chai sương mù.
Anh bồi nói:
– Ở đây giá chót phải là Chivas anh ơi, không ai uống sương mù cả!
Dean bóp bụng:
– Vậy thì Chivas.
Rượu mang ra, mấy em cave vây quanh ưỡn ẹo ngọt xớt, tự khui rượu rồi mời cả bọn. Phải công nhận mấy em uống như rồng lấy nước, nâng ly liên tục, nghề của mấy em mà, làm không lương, chỉ hưởng tiền boa của khách và ăn chia trên số chai. Để làm giá cho cả bọn, thằng Tí giới thiệu với mấy em:
– Đây là anh Dean, Việt kiều Mẽo mới về chơi.
Mấy em cave lập tức nâng ly mừng anh Dean, mấy em rành sáu câu ba cái vụ này quá mà, bởi thế càng ra sức tâng bốc Dean để kiếm tiền boa, một em tên Kim chả chớt:
– Mấy ảnh ở bển về toàn là dân kỹ sư, bác sĩ không hà. Mấy ảnh chơi sộp lắm, năm rồi có anh ga lăng cho em một chiếc xe Future đời mới luôn!
Kim trang điểm giống hệt mấy em Hàn Quốc, Dean thấy khoái, kéo lại định hôn. Kim õng ẹo:
– Anh ở bển về chắc hổng biết luật chơi ở vũ trường?
Dean bèn lấy tờ hai mươi đô nhét vào khe ngực để trễ tràng của Kim, cô ta hôn cái chụt lên má Dean. Cả bọn nhảy tưng tưng, quất hết hai chai Chivas, một giờ sáng gọi taxi về. Hôm sau tỉnh rượu, Dean tiếc đứt ruột, bụng bảo dạ:” Mất toi một tuần lương cho một đêm”. Đã thế vợ còn tru tréo:
– Ông đi bia ôm chơi bời, coi chừng dính Sida.
Thế rồi cô ta bỏ cơm nhà, ra chợ ăn quà. Dean theo năn nỉ gãy lưỡi, tụi thằng Tí, cu Đẹn, con Mén… cười:
– Tưởng sao, té ra hổng phải hàng xịn.
Cu Đẹn còn văn vẻ, bệnh nghề nghiệp mà:
– Nhác trông ngỡ tượng tô vàng
Nhìn ra mới biết chẫu chàng ngày mưa
Thế là mấy ngày kế nghỉ nhậu, ngày thứ ba mới gầy độ lại, lần này thằng Mùi tham gia. Nó mới về từ Cao Nguyên, mang theo hũ rượu cần chính gốc của người Ba Na. Ban đầu Dean ngại, thấy mọi người hút chung mấy cái vòi nên chê dơ. Tụi bạn khích tướng:
– Mầy hút thử đi, ngon lắm! Vi trùng nào sống nổi với lượng cồn này!
Dean hút thử một hơi, chép chép miệng khen:
– Tuy không sang trọng và mắc tiền như rượu Tây nhưng thơm và ngon, cái quý nữa là không có hóa chất.
Thằng Mùi góp vui:
– Nghe nói ở bển tân tiến và hiện đại lắm phải không mậy? Phi thuyền của nó bay là là sát mặt đất Sao Hoả.
Cả bọn ừ à, Dean cũng chưa nói gì thì nó tiếp:
– Nói thì nói vậy chứ cũng cách mặt đất một gang tay. Tụi Nga cũng giỏi lắm, tàu ngầm nó lặn sát đáy biển, cũng chỉ cách một gang tay. Các nhà khoa học giỏi thật nhưng không nhằm nhò gì so với các bà mẹ của họ.
Nhiều người nhao nhao:
– Bộ các bà mẹ của họ cũng chế được phi thuyền, tàu ngầm sao?
Thằng Mùi đủng đỉnh một tí rồi mới bảo:
– Các bà mẹ của họ tạo ra họ cũng chỉ cách rốn một gang tay!
Bàn nhậu cười ngả nghiêng, cứ thế những cuộc nhậu kéo dài suốt hai tuần liền.
Những ngày gần Tết, hội Ruột Rà Yêu Nước tổ chức hội nghị trên thành, địa phương cử người đến nhà Dean D.
– Anh hãy ủng hộ địa phương một ít tài chánh để xây dựng quê hương, địa phương sẽ cử anh lên thành dự hội nghị yêu nước.
Dean đồng ý đóng một số tiền và lên thành phó hội, sau khi nhiều tay có máu mặt đăng đàn phát biểu. Những tay cơ hội làm ăn cũng lên ba hoa kế hoạch này nọ, khi gần kết thúc, ban tổ chức cho mời Dean đại diện tỉnh nhà phát biểu:
– Chúng tôi xin tri ân triều đình, các ban ngành đoàn thể đã tạo điều kiện cho anh em chúng tôi về xây dựng tương lai. Chúng tôi vô vàn cảm kích sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của triều đình. Suốt bao năm dài tha hương chúng tôi luôn được các cấp theo dõi, quan tâm, chỉ đạo sâu sát, thật không sao nói hết lòng biết ơn của chúng tôi…
Báo chí đưa tin, ti vi phát sóng ồn ào. Dean thấy mình trên ti vi thì hãnh diện lắm, vẻ mặt nhơn nhơn, cuộc nhậu nào cũng khoe:
– Mấy anh em có xem Ti vi tối hôm Hăm Ba tháng Chạp hông?
Bạn nhậu có kẻ cười khì, người cười mím chi, riêng thằng Mùi thì huỵch toẹt:
– Mầy được lên Ti Vi chứ gì? mầy là thành viên hội Ruột Rà Yêu Nước gì đó, ai mà hổng biết! Mầy phát biểu như pháo chuột nổ lẹt đẹt hôm đưa ông Táo dzià trời.
Dean giận xám mặt nhưng không biết ăn nói làm sao nên nín thinh.
Dean ở chơi đến tháng thứ Tư mới bay về lại. Xóm giềng thắc mắc:
– Bộ thất nghiệp hay sao ở lâu vậy? người khác về có hai tuần là vội vàng đi rồi cơ mà!
Trong xóm có kẻ ra vẻ thông thái:
– Thằng Đực làm nghề tự do, thích thì làm không thích thì thôi, có ràng buộc gì đâu mà sợ.
Dean bay về lại Mẽo, mọi người thở phào:
– Thằng Đực về lại Mẽo, thế là bớt một giọng ca Karaoke, nghe đâu sang năm nó lại về! ý quên, giờ nó là thằng Dean.
Tiểu Lục Thần Phong
Ất Lăng Thành
_________________________
Dị Nhân Tân Truyện - Áo Gấm Về Làng (tiếp theo)
Đất Mơ vào thời hiện đại vô cùng rực rỡ, xe cộ như mắc cửi, máy bay bay giàn trời luôn. Những tưởng thế là cực thịnh rồi, nào ngờ giờ đây người ta còn chế ra nhiều thứ còn kinh khủng hơn, xe tự động chạy chẳng cần người lái, thiên hạ lên xe cứ ngả người ra mà hưởng thụ mặc cho xe chạy sao đó thì chạy. Máy bay cũng tự bay, thậm chí bay ra trận bỏ bom ì xèo rồi bay về chẳng cần phi công nữa. Người đất Mơ thông minh tinh anh phát tiết, thiên hạ không biết rồi mai này sẽ còn tiến bộ đến đâu nữa.
Đất Mơ vốn là nơi tụ hội của trai tứ chiếng gái giang hồ, danh môn chính phái lẫn bàng môn tả đạo cũng kéo về phó hội. Nơi này xứng là đất lành chim đậu, trong số thiên hạ đổ về đây, có kẻ sanh sau đẻ muộn, tánh tình khù khờ, may nhờ tổ đãi sao ấy nên cũng đến được đất Mơ. Y vốn chậm lụt hậu đậu nên bạn bè thường gọi là thằng Đậu. Y vốn người đất Định xứ Nam, sanh ra và lớn lên trong một gia đình tiểu thương. Ba mẹ bảo bọc kỹ quá nên khi ra đời ngơ ngáo hổng làm được việc gì hết ráo. Tướng người y cũng tầm thước như mọi người, trán và phần từ chóp mũi trở xuống bằng nhau, bởi thế trí huệ cùn mằn chẳng khá, sinh lực lẫn sinh dục cũng yêu yếu làng nhàng, duy có phần giữa khuôn mặt và mũi khá dài đó là dấu hiệu của những ý tưởng, tư tưởng vô cùng vô tận. Khổ nỗi y chỉ biết suy tư thế thôi chứ chẳng thể biến thành hành động. Ý tưởng thì bao la nhưng cứ mãi là ý tưởng, kể cũng tiếc thay cho y! Vì xuất thân học trò dài lưng tốn vải, trói gà không chặt, hơn nửa đời ngơ ngáo chẳng làm nên trò trống gì, trong khi lũ bạn đồng trang lứa đã là ông nọ bà kia ngôi cao lộc cự. Y được cái thật thà như đếm, khổ nỗi người đời thì bảo: “thật thà là cha đứa dại” thế thì đủ biết sự thể thế nào rồi.
Đậu đến đất Mơ làm cu li, hơn hai mươi năm ròng ngày ngày vào hãng cày chung với bọn cu li đen, trắng, mễ, xì, rệp… Thế rồi cơn dịch cúm Tàu tràn đến, người đất Mơ chết quá trời luôn, nhà thương không có thuốc chữa, hãng xưởng đóng cửa hà rầm, ấy vậy mà hãng nơi Đậu làm thì lại khác, chẳng những không đóng cửa mà còn làm ăn khấm khá hơn cả lúc thường. Đậu thật thà nhưng có tánh gàn, vào hãng không chịu đeo khẩu trang. Tay đốc công kêu lại:
– Hey, Dean (số là sau khi Đậu đậu quốc tịch nên đổi tên Tây cho nó theo trào lưu) Where is your mask?
Đậu sớn sác:
– Oh sorry, I didn’t see Mark today.
– No, I say the mask.
– It’s ok, I ready mark on my card.
Tay đốc công sẵng giọng:
– Let me tell you again, wear your mask or get out!
– Oh, thanks sir, I will study more Math.
Bấy giờ gã đốc công điên tiết giơ hai tay lên trời, vẻ mặt giận dữ, giọng gằn lại:
– I lost hear or you crazy?
Đậu lập tức trả lời như cái máy mà chẳng kịp nghĩ:
– Both.
Thế là cả hãng được trận cười bể bụng luôn, cười như thể chưa từng được cười bao giờ.
Cũng với tay đốc công ấy, nhân mấy tháng trước Đậu được khen là cu li xuất sắc của tháng, y đến bắt tay và chúc mừng:
– Hi, Dean, congratulations for your success.
Đậu lập tức phản ứng:
– Thanks, but I am not suck or sex.
– Oh no, I mean, success.
Lần này Đậu sửng cồ luôn:
– I am not suck or sex, ok!
Tay đốc công giơ hai tay lên trời, mấy cu li làm chung với Đậu giải thích cho Đậu, bấy giờ Đậu mới nhận ra nên rối rít xin lỗi và cảm ơn tay đốc công.
Một lần nọ, Đậu cùng với một vị sư đi ra phi trường đón mấy vị sư khác từ đất Định sang. Đậu hăng hái bước ra thông dịch giúp cho mấy nhà sư mới sang. Nhân viên hải quan hỏi:
– How many months are you staying in the U.S.?
Đậu trả lời:
– Six monks.
Tay nhân viên hải quan lập lại câu hỏi lần nữa, lần này thì Đậu bảo:
– They are no sick, good monks.
Tay nhân viên hải quan lắc đầu quầy quậy rồi đóng mộc để cho các nhà sư thông quan. Đại khái Đậu là thế, dầu có kể đến Tết Công Gô cũng không hết chuyện của Đậu.
Đậu tập tành viết lách, làm thơ, thậm chí viết đối nữa chứ. Khổ nỗi Đậu viết được vài vế ra thì tắc tị, không làm sao viết được vế đối, vì thế đành để dở dang khơi khơi vậy, tỷ như câu:
– Cây sầu đông mọc ở đồng sâu, chẳng ở đầu sông cớ sao đông sầu.
Hoặc là câu mới nhất gần đây:
– Nhân dân tệ sức mạnh không tệ, quan vơ vét thậm tệ nên nhân dân tệ.
Không biết các cụ có ý kiến ý cò chi không chứ bọn bạn của Đậu thì cười khẩy:
– Khéo vẽ vời, dư hơi rảnh ráng, toàn sính những thứ nhọc thân mệt tâm mà chẳng được xu teng nào.
Đậu bày đặt đua đòi viết lách, mon men bon chen vào chiếu văn của các cụ. Ban đầu bài gởi đi mà chẳng bao giờ thấy có hồi âm, bao nhiêu điện thư gởi bài cứ hệt như NASA gởi thông điệp vào vũ trụ tìm kiếm người ngoài hành tinh, chỉ có gởi mà chẳng có phản hồi. Thế nhưng rồi “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, ngày kia có một tờ báo lớn của cư dân gốc mít ở xứ đất Mơ chịu đăng bài của Đậu, đăng chơi vậy thôi chứ hổng có nhuận bút gì hết ráo. Nhiêu đó đủ làm Đậu sướng lâng lâng mấy ngày liền, tâm thần bay bổng, trí tưởng tượng lập tức được kích hoạt. Đậu ngỡ từ đây mình đã thành danh, đã là tay ghê gớm lắm rồi, có thể ngồi chung chiếu với các cụ mà xưa nay thiên hạ bảo là cây đa cây đề. Không thể dùng bút mực nào tả nổi sự hưng phấn của Đậu. Đậu hãnh diện đi đứng khuỳnh ra khác với vẻ khúm núm khép nép mọi ngày, mặt thì câng câng lên không còn nét rúm ró sợ sệt bẩm sinh. Đậu nói năng cũng khác hẳn đi, lý sự toàn những ngôn từ mà người nghe hiểu được chết liền! Hôm nọ Đậu cả gan viết bài bàn về nội chiến năm xưa, không hiểu là Đậu liều lĩnh hay quá thật thà mà dám viết chuyện tướng tá phe ta dụ khị binh lính ở lại chiến đấu còn mình thì bỏ chạy như vịt. Đậu còn tưng tửng dẫn chứng nhiều địa điểm giặc chưa đến mà ta đã chạy từ khuya, giặc tấn công quyết liệt mà phe ta chỉ lo kèn cựa không biết người biết ta… Thế là hôm sau cả một cơn bão tố ập xuống, vô số những lời chụp mũ chửi rủa và vô số đồ này đồ nọ được tung ra, nào là: “ếch nằm đáy giếng bàn chuyện chính trị, ăn cháo đá bát, nằm vùng, thân địch, hai mang…”. Trong khi ấy thì phe kia cũng chụp lên đầu Đậu bao nhiêu là cái nón cối kinh khủng và đầy hoang tưởng: “đồ phản động, thế lực thù địch, biệt kích cầm bút, xuyên tạc phá hoại đường lối chi đó…”. Sở dĩ bên kia chụp mũ giấy lên đầu đậu là vì Đậu dám viết sự thật về nạn nhũng nhiễu hà hiếp dân, nạn quan lại tham ô, nỗi dân oan mất đất, mất nhà. Chuyện giặc Tàu cướp biển, đảo, lấn biên giới, tung hàng độc hại, cài người phá hoại. Rồi những nỗi bất công trong xã hội, những tu sĩ dựa hơi quan quyền để cầu danh văn lợi dưỡng và quan trọng hơn hết là Đậu dám viết sự cắt đất nhượng biển của triều đình. Đậu bị đám tiểu yêu, tân hồng vệ binh trên mạng ảo ào ào tấn công, chúng phun ra những ngôn từ nhơ bẩn nhất mà chúng có thể nghĩ ra, chúng hung hãn và hồ đồ cứ như kiến lửa, chó săn và bò đỏ… Sự việc căng thẳng quá khiến bạn bè của Đậu sợ vạ lây nên giãn ra hết, không một ai dám lên tiếng bênh vực Đậu, thậm chí mật vụ còn bắn tin cho Đậu thông qua thân nhân:
– Bảo thằng Đậu im mồm đi, bằng không sẽ có rắc rối!
Đậu ngấm đòn, tâm tư lung lay, nhiệt huyết tụt xuống như hạ huyết áp. Đậu chán nản, quăng bút xé giấy thề không viết nữa. Đậu vốn biết người làng Vực xưa nay vốn thế, rất cực đoan, quá khích và hẹp hòi. Đậu quên béng lời của một vị thức giả từng cảnh báo: “đừng có đụng đến người làng Vực, ổ kiến lửa đấy! Viết về cái hay của ta cái dở của địch thì ta thương địch ghét, bằng như viết về cái dở của ta cái hay của địch thì ta thù địch thương. Chú em đứng giữa mà phân tích cái hay cái dở của cả hai bên thì bị ăn đòn cả hai phía. Người làng Vực dù trong hay ngoài cũng đều chỉ thích nghe khen khoái nịnh chứ không chịu nghe sự thật. Chú em cẩn thận, giữ mồm giữ miệng, bằng không thì cả khối nón cối lẫn mũ giấy của hai bên ụp lên đầu”.
Thật tình mà nói thì Đậu đâu có quên lời cảnh báo, chẳng qua là vì thật thà quá cỡ thợ mộc, cứ tin vào câu danh ngôn: “khen mà khen phải là bạn ta, chê mà chê phải là thầy ta”. Lâu nay những tưởng “ thuốc đắng dã tật” nào ngờ người làng Vực không bao giờ chấp nhận!
Khi Đậu tập tành viết lách, ban đầu làm thơ tình, cũng yêu nhau, xa nhau, thất tình ai oán. Rồi còn viết văn mộng mơ cô này cô kia… dần dần nhận thấy sao mà nhạt và vô duyên chi lạ nên dẹp hết. Kế đến viết về dân tình quốc sự, bấy giờ Đậu thấy khâm phục những người dám nói, dám làm những chuyện vì dân vì nước. Những cây bút can đảm dám lên tiếng vì sự thật, vì sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, dám tranh đấu cho nhân quyền và nhất là những người hy hiến vì chánh pháp. Trong số họ có không ít người trở thành thần tượng của Đậu. Nếu ngày xưa Đậu hâm mộ những người viết văn làm thơ thì giờ thấy buồn cười quá, ba mớ văn thơ ấm ớ vu vơ để rồi vụng về áo thụng vái nhau, thật vô tích sự, chẳng làm chi nên đời. Mạng net bây giờ toàn những chuyện nhảm nhí khoe ăn chơi, khoe bậy bạ để câu like. Nhóm sĩ người làng Vực thì toàn thơ dở hơi, tình tay ba tay tư, tình già kép trẻ, gái tơ mơ đại gia…Đậu cười khẩy, gạt qua bên cho đỡ rối. Nếu lúc trước ngứa miệng bình này nọ thì giờ Đậu chẳng còn muốn bình nữa, chỉ tổ mệt! Dần dần cư dân trên mạng cũng né Đậu như né hủi vì Đậu không chịu áo thụng vái nhau. Đại để là thế, thiên hạ cho Đậu khờ, Đậu hậu đậu, thậm chí có người còn bảo dị nhân hay quái nhân tân thời là vậy.
Đậu sống ở đất Mơ nhưng tâm tư vẫn thương nhớ đất Định, ngày đêm thường nghĩ nhớ về đất Định, hình ảnh đồng quê hay góc phố cứ lung linh trong tâm tưởng y. Cuối năm ấy y làm một chuyến y cẩm hồi hương. Đậu vẽ ra trong đầu bao nhiêu là chuyện sẽ làm, sẽ đi thăm nơi này nơi kia, sẽ viếng người thân kẻ sơ, họp mặt với bạn văn bọn chữ nghĩa…
Máy bay đáp xuống phi trường, mọi người chen lấn xếp hàng rồng rắn để chờ nhân viên hải quan đóng mộc. Dòng người câm nín nhẫn nhục và cố nhã nhặn chờ đến lượt mình, khác hẳn lúc huênh hoang khoác loác khi ở đất Mơ. Chờ đến rã cẳng chân mà dòng người nhích từng tí một. Đến lượt Đậu trình hộ chiếu, tay nhân viên lầm lì mặt không có tí biểu cảm. Hắn ta cũng như những nhân viên khác, ngồi sau cái quầy được thiết kế cao và che chắn hết mọi tầm nhìn của khách. Hắn ta cầm sổ thông hành và thị thực của Đậu lật qua lật lại một lát mới hỏi cộc lốc:
– Ông tên gì?
Đậu bực mình nhưng vẫn cố gắng từ tốn:
– Đậu Nguyễn.
– Quê quán ở đâu?
– Đất Định.
– Về làm gì?
– Thăm gia đình.
– Bao lâu?
– Ba tuần.
– Visa này làm ở đâu?
– Dịch vụ bán vé máy bay bao trọn gói.
Đã năm phút trôi qua mà y vẫn không đóng mộc, không trả lại sổ thông hành. Hắn ngồi yên, mắt quét lia lịa dòng người đang xếp hàng để lượng định con mồi. Đậu vẫn kiên nhẫn chờ, không chờ thì cũng không biết phải làm gì, trước khi đi, bạn bè đã bỏ nhỏ với Đậu: “kẹp năm hay mười đô vào sổ thông hành, để mọi việc suôn sẻ và nhanh chóng”. Đậu ghét cái thói vòi vĩnh, lót tay nên không kẹp tiền vào. Đậu hiểu người làng Vực lắm, dù sống ở đất Mơ, đất Định, đất cựu, đất tân… thường ngày chê bai chỉ trích này nọ, thậm chí nói năng hùng hổ, chụp nón cối này nọ… nhưng khi về đến hải quan xứ quỡn là ngoan ngoãn như cừu non, cụp đuôi như cún con, mặt mày lấm la lấm lét, kẹp tiền vào sổ thông hành cho nó lành. Đậu không kẹp tiền, quyết chống lại cái thói vòi vĩnh này, cả Đậu và tay nhân viên hải quan như so găng xem ai bản lãnh hơn. Trong đầu Đậu chợt nảy ra ý nghĩ: “mày không thể kéo dài mãi, mày phải trả lại giấy tờ để tao đi mà tranh thủ vòi đứa khác, bằng không đồng bọn của mầy sẽ vớt nhiều hơn”. Quả thật linh như bà phán, chừng một phút nữa mà không vòi được tiền cà phê bánh mì, hắn ta đành hậm hực đóng mộc và trả lại giấy thông hành cho Đậu.
Ra khỏi sân bay, lập tức Đậu cảm nhận cái nóng như táp vào mặt, dòng người và xe cộ trên đường như dòng lũ ào ào bất tận. Người nhà Đậu sau khi biết Đậu không chịu kẹp tiền nên bị hành bèn càm ràm:
– Sau bao nhiêu năm mà Đậu vẫn cứ là Đậu, sao không chịu kẹp tiền vào sổ thông hành như người ta? Nhỡ nó làm dữ hay kiếm cớ này nọ có phải khổ thân không? Đậu ơi là Đậu! Đậu sao mà đậu thế!
Tiểu Lục Thần Phong