Tranh Amalgamati Lissimore
Thư Ấn Quán đã phát hành “Thơ Tình Tuổi Tám Mươi” [1] của Trần Hoài Thư. Có thể bạn đọc nhíu mày, “Trời đất! Tám mươi tuổi mà còn làm thơ tình!” Vâng, tình cảm con người mà! Làm sao tránh khỏi được chữ tình? Bằng chứng, ngày xưa, cụ Nguyễn Công Trứ có bài hát nói “Vịnh Chữ Tình”, đã chia sẻ:
Cái tình là cái chi chi?
Dẫu chi chi cũng chi chi với tình.
Đa tình là dở,
Đã mắc vào đố gỡ cho ra.
Khéo quấy người một cái tinh ma,
Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy.
(Nguyễn Công Trứ – Vịnh Chữ Tình)
Còn ngày nay, ở tuổi 80, trong Thay Lời Tựa, Trần Hoài Thư đã tỏ bày:
Bây giờ chẳng có mây bay
Bây giờ chẳng có móc ô mắt mèo
Bây giờ chỉ có bấy nhiêu
Một thân khô kiệt một trời oan gia
Bây giờ chỉ có đóa hoa
Mọc lên từ trái tim già 80…
(Trần Hoài Thư – Thay Lời Tựa, sđd, tr. 5)
Tình ở đây là tình nghĩa tào khang với người vợ, người thánh nữ đã đến với ông, được kể lại trong hồi ức Cảm Tạ Văn Chương [2], “giữa lúc tôi ở cuối đường với chiếc lon bị giáng, với tờ sự vụ lệnh khắc nghiệt, đương sự phải phục vụ ở đơn vị tác chiến, xa trục lộ giao thông. Nàng đến giữa lúc tôi không còn gì nữa để bấu víu. Trái lại càng lúc càng bị bủa vây bởi những đỉnh núi chọc trời, những cánh rừng đại ngàn, và bùn đỏ và bụi mù… Đó là nơi mà quân đội đã đày những kẻ có án tích.”
Nàng không chê ta là kẻ vô thân
Cũng chẳng nhìn lên, mà mơ hoàng tử
Nàng cúi xuống đời ta như người thánh nữ
(Trần Hoài Thư – Giọt sương hạnh phúc, sđd, tr. 7)
Bà là “quà tặng văn chương” lớn nhất mà ông đã phải cảm tạ:
Xin cám ơn em đã phủ xuống đời anh bóng mát
Khi đời anh đã khô kiệt thanh xuân
…
Cám ơn em, đã động lòng cảm lệ
Đã dọn chiếu làm giường
Chia sẻ một nửa vầng trăng
Soi lên phận đời người lính thú lênh đênh…
(Một đám cưới tại Saigon, tr. 109)
Và cũng là người đã khuyến khích, đồng hành cùng ông trong tất cả dự án khôi phục văn chương miền Nam 1954-1975. Người vợ ấy, bà Nguyễn Ngọc Yến đã bị cơn bão stroke quật ngã từ cuối năm 2012, hơn 10 năm nay phải chịu nằm yên một chỗ. Không chỉ một lần, mà rất nhiều lần bà bị cơn bão stroke đánh tàn tệ không một chút xót thương. Cho đến nay thì:
Y. không nuốt được ngay cả uống nước. Y. chỉ sống nhờ những bình thực phẩm thông chuyền vào cơ thể. Y. đã bị lấy hết, ngay cái sơ đẳng nhất… Con mắt thấy hướng này, nhưng thật sự, nhìn một hướng khác. Chúng lạc hồn, không còn ánh sáng sinh động nữa. Stroke thứ tư ác liệt nhất, nhắm vào thị giác, và giọng nói… Thần kinh hệ đã bị xám. Bộ não hình như không còn chất trắng nữa. (Trần Hoài Thư – Chiếc hôn, sđd, tr. 128)
Chúa chỉ một lần chết và sống: Phục sinh
Còn em, em bao nhiêu lần trải qua sinh và tử
Hai lần Cô-vi, bốn lần đột quỵ
Đánh đánh hoài, thảm thiết lắm em ơi
Đánh đánh hoài xuống một kẻ hiền lương
Tước đoạt trí khôn, giác quan, tay chân, miếng ăn, giọng nói…
(Trần Hoài Thư – Phục sinh, sđd, tr. 21, 22)
Trước đây, khi chưa xảy ra dịch Covid-19, mỗi ngày hai lần đều đặn, tự tay Trần Hoài Thư nấu thức ăn Việt còn nóng sốt mang vào bón cơm cho vợ, dẫu trời mùa hạ nắng nóng hay mùa đông bão tuyết, ông luôn khắc phục, gắng sức để đến với bà:
Thế nào tôi cũng phải cầm xẻng
để dọn driveway
dù tuyết phủ cao quá đầu gối đi nữa
Thế nào tôi cũng dọn cũng xúc cũng rồ máy xe
và sẽ thăm mình
Dù tôi sẽ thở hồng hộc
tim sẽ đập thình thịch như trống dồn
Dù đôi chân sẽ quỵ
mắt sẽ mờ
môi miệng bị đông cứng…
(Trần Hoài Thư – Viết trong những ngày bão tuyết, sđd, tr. 46, 47)
Hay là:
Trận bão tuyết vừa đến hôm qua
Để lại chiến trường những ụ những mô những biển hồ mênh mông tuyết
Hôm nay trời xuống độ đông
Làm những con đường, driveway trơn bóng nhựa
Trường học chợ búa đóng cửa
Live or dead
Lời cảnh cáo của bà thị trưởng trên đài truyền hình
Vậy mà tôi vẫn lên đường
(Trần Hoài Thư – Lái xe khi trời dưới độ đông, sđd, tr. 51)
Nhưng khi nạn dịch xảy ra, phải chịu cách ly:
Thôi chừ ra xe về nhà
Người ta cấm thì phải về, biết sao?
Hết rồi hai buổi ra vào
Hết rồi há miệng, hết rồi ngậm răng
Hết rồi phủ ngực chiếc khăn
Hứng cơm rớt, hứng khổ hình em mang
(Trần Hoài Thư – thi phẩm Vịn Vào Lục Bát, tr. 5)
Cho đến khi dịch bệnh đã tạm ổn, nay thì nursing home cho thăm nuôi trở lại, nhưng chỉ vỏn vẹn một giờ mỗi tuần, không còn thoải mái như trước. Nên bây giờ, thứ sáu là ngày hạnh phúc nhất vì ông được đến thăm, đẩy chiếc “xe tình” cho bà ngắm cảnh, hứng ánh nắng ban mai rực rỡ phía bên ngoài. Niềm vui sướng, hân hoan được ông ghi lại:
Xin đừng hỏi vì sao lòng tôi niềm vui bát ngát
Chỉ một mình tôi, tôi biết, chỉ mình tôi
Tôi đang ở khuôn viên dưỡng lão vắng người
Chỉ hai cha con, và một người yêu dấu
Lần đầu tiên sau năm dài em không thấy nắng
Ngày hôm nay, mình được nắng, về thăm
Nắng hiền từ, hôn lên mái tóc mun trần
Nắng rực rỡ làm đôi mắt mình lóng lánh
(Trần Hoài Thư – Nắng, sđd, tr. 54)
Một năm giờ mới đứng sau
Chiếc xe một chỗ chở người tôi yêu
Xe lăn bánh, bánh lăn đều
Tôi nương xe, tôi đẩy đời tôi theo
Bây giờ không cần walker
Xe em tôi tập đi và tập yêu…
(Trần Hoài Thư – Thơ tình tuổi 80, sđd, tr. 11 & 12)
Hôm nào người bệnh có những biểu cảm nhận biết người thân yêu của mình, đó là ngày ông vui nhất:
Tôi đi đứng khó khăn, xiêu xiêu đổ đổ
Nhưng những ngón tay tôi còn nắm chặt tay em
Và tiếng “ba” em phát ra từ hai bờ môi câm
Một tiếng là tôi như hồi sinh trở lại
Để mắt tôi không còn sưng bầm tê tái
Để hồn tôi xanh mướt lại hoa niên
“Ba”, cái tiếng gọi quá quen
Nhưng với tôi, là cả một niềm ân sủng
Đêm nay lần đầu tiên tôi không dùng thuốc ngủ…
(Trần Hoài Thư – Ba, sđd, tr. 11 & 12)
Và cũng làm cho ông xúc động nhất:
May chỉ còn bàn tay này
Để em nắm chặt, trong ngày biệt ly
Thì biệt ly, thì giã từ
Cớ sao ngón ngắn ngón dài không buông…
(Trần Hoài Thư – Giờ em chịu bỏ cõi trần, sđd, tr. 20)
Những vần thơ nghĩa tình của ông dành cho vợ thật đẹp:
… Mỗi tuần anh đến, đẩy tình xe em
Có em, hai đứa chung niềm
Trầm luân khổ nạn, nghĩa tình có nhau
(Trần Hoài Thư – Hương tình khổ nạn, sđd, tr. 32)
Mùa đông trơ trụi nhánh cành
Níu nhau run rẩy dưới trời giá băng
Như tôi đang níu giữ em
Khi mùa đã phủ chăn mền tử sinh
(Trần Hoài Thư – Níu giữ nhau khổ nạn này, sđd, tr. 37)
Tình ở đây còn là tình cha con. Trần Quí Thoại, đứa con trai duy nhất của ông bà Trần Hoài Thư, “quà tặng văn chương” quý giá thứ hai của ông, ngày nào còn nhỏ, đã phải vịn cha để chập chững tập đi từng bước đầu tiên:
Lan can ba, ba thẳng lưng
Ba dạy con, chân đạp bùn mà đi
Con nhón chân, con đưa tay
Con vịn ba với cái đầu ngẩng lên!…
(Trần Hoài Thư – thi phẩm Vịn vào lục bát, tr. 30)
Bây giờ Thoại đã thành nhân, là bác sĩ nội khoa, đã lập gia đình, cho ông bà hai đứa cháu nội rất dễ thương xinh xắn. Từ khi ông bị stroke, Thoại là người khuyến khích ba tự tập vật lý trị liệu theo cách của riêng ông: “tập viết khó khăn trên giấy hay tập bấm vụng về trên màn hình chiếc iPhone từng dòng thơ lục bát mà anh thích” [3], và tiếp tục việc in ấn sách. Thoại cũng là người mỗi tuần vào thứ sáu lái xe từ Pennsylvania về New Jersey đưa ba vào nursing home thăm mẹ, rồi sau đó cha con cùng đi ăn, đi chợ…
Bây giờ ba lại vịn con
Tay trong tay con dẫn ba qua đường
Ba đi từng bước ngập ngừng
Bỗng nghe hơi ấm chảy rần trong ba
(Trần Hoài Thư – Vịn Con, sđd, tr. 76)
Khép lại tập thơ, mắt tôi nhòa lệ. Đó chỉ là một tập thơ mỏng kèm theo hình ảnh minh họa, nhưng chứa đựng tất cả những tình cảm yêu thương đẹp nhất mà mỗi thành viên trong gia đình nhà thơ dành cho nhau. Mong rằng những ngày tháng yên bình mãi ở cùng ông.
Trần Thị Nguyệt Mai
30/7/2022 – 31/1/2023
[1] Thơ Tình Tuổi Tám Mươi của Trần Hoài Thư – Sách dày 140 trang – Thư Ấn Quán xuất bản 2022.
[2] Thư Quán Bản Thảo số 90 – Ấn bản đặc biệt tháng 10-2020: Cảm Tạ Văn Chương của Trần Hoài Thư.
[3] Ngô Thế Vinh – Chân dung văn học nghệ thuật và văn hóa – Tập 2, Việt Ecology Press 2022, trang 430.