Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Trận Đồng Xoài

Collapse
X

Trận Đồng Xoài

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Trận Đồng Xoài

    Trận Đồng Xoài
    Trích Ðỗ Lệnh Dũng của Lê Thiệp
    ---oo0oo---


    Tên chữ nó là Đôn Luân, nhưng đối với lính tráng tụi tôi gọi nó là Đồng Xoài, là nơi chằng ăn chắc cú. Không hiểu cái tên Đôn Luân đầy vẻ nho học, hành chính này có từ đời nào, có thể là do cụ Diệm đặt cho chăng? Cũng như tên chính thức của đồn điền cao su ở đây là Thuận Lợi nhưng mọi người gọi nó là Terre Rouge - Đồn Điền Đất Đỏ - gợi lên âm hưởng của cả một quá khứ thời Pháp khai thác thuộc địa và những câu chuyện đầy thương tâm về phu cạo mủ cao su xa xưa.


    Tôi chui ra khỏi chiếc phi cơ sơn mầu vàng ệch trong cơn nắng nóng của buổi chiều mùa hè. Tôi nhớ lần đầu tiên thấy chiếc phi cơ chong chóng này đã ngạc nhiên vì mầu sơn kỳ quặc nhưng ông thiếu tá quận trưởng vỗ vai tôi giải thích:

    - Cậu còn phải học nhiều thứ ở đây. Sở dĩ phi cơ phải sơn màu vàng là để cho tụi Việt Cộng nó biết là phi cơ của đồn điền, không phải phi cơ quan sát của phe mình.

    Thấy tôi giương mắt nhìn, ông cười:

    - Đụng tới cao su là bỏ mẹ cả nút. Tây nó đi cả với Quốc Gia lẫn Cộng Sản. Việt Cộng nhan nhản ở trong rừng cao su nhưng phe mình có lệnh trên là không được bén mảng vào.Cậu nên nhớ đây là cao su quí hơn mạng người. Một cây cao su có thể cạo tới 60 năm vẫn còn mủ.

    Dần dần rồi tôi cũng hiểu ra những cái ngoắc ngoéo bên lề. Cả cái quận này có chừng năm ngàn dân, gồm vợ con lính tráng và hơn nửa còn lại là dân cạo mủ cao su. Đang lội bùn lội suối tôi được thiếu tá Khoái gọi về đây.

    - Cậu về đây giúp tôi. Mẹ kiếp cái chức quận trưởng coi vậy mà nhiều việc quá, toàn là ba cái vụ hành chính giấy tờ, điên cái đầu luôn.

    Đã gần hai năm qua tôi vất vưởng ở đây lo Ban Ba cho Quận. Ban Ba chuyên phối hợp hành quân mà cũng chẳng nhàn nhã gì, tối ngày sáng đêm tôi chui rúc sống trong căn hầm của chi khu.

    Bộ chỉ huy của chi khu trước kia là một trại lực lượng Đặc Biệt của Mỹ, Trại B14. Khi người Mỹ lậm sâu vào Việt Nam với cả nửa triệu quân, cuộc chiến được đánh theo lối Mỹ, cố vấn Mỹ đôi khi xuống tới cả cấp đại đội. Một số lực lượng được gọi là Lực Lượng Đặc Biệt được thành lập với nhiều tên gọi khác nhau như Mike Force, Biệt Kích Biên Phòng, Dân Sự Chiến Đấu... Đó là những toán độc lập do Mỹ võ trang, chỉ huy đóng ở những vị trí xung yếu và thường nằm ở gần biên giới hoặc sát các mật khu. Các căn LLĐB này luôn luôn có chữ B ở đầu, có thể là chữ viết tắt của chữ Base, nghe thì có vẻ đơn sơ nhưng lại được xây cất kiên cố vô cùng với hơn mười lớp mìn đủ loại cùng với hàng rào kẽm gai chằng chịt và mìn Claymore chống biển người. Khi tiếp nhận căn cứ B14 này, Thiếu Tá Khoái lại cho đào thêm nhiều địa đạo, giao thông hào và dùng thêm vòng concertina để chận những đường hầm khi cần. Tôi vẫn có cảm tưởng mình như một con chuột cống chui rúc ở dưới lòng đất dù rằng tôi đã từng sống ở các B tương tự với người Mỹ nhiều năm trước, khi còn phục vụ trong toán Màu - một tên khác của biệt kích Mỹ. Nhưng thời đó khác, đánh nhau kiểu Mỹ cái gì cũng thừa mứa. Gọi một tiếng là phi pháo yểm trợ tối đa, đạn bắn thả dàn. Bây giờ chiến tranh đã được Việt Nam Hóa, cái gì cũng thiếu, cũng hạn chế. Ngày xưa, muốn pháo quấy rối là pháo, bây giờ phải tính từng quả đạn một.

    Tôi đang còn lừng khừng không biết có nên quá giang chiếc xe chở công nhân thì thấy phía xa bụi đỏ tung mù trời. Xe jeep Thiếu Tá Quận trưởng.
    Thật là ngạc nhiên vô cùng khi thấy thiếu tá Khoái ra tận đây đón tôi. Ông không xuống, chỉ chiếc ghế đằng sau:

    - Tưởng cậu lỉnh rồi chứ? Vụ đi Mỹ xong rồi mà.

    Qua điện đàm hôm trước, tôi đã nói rõ về vụ này với ông. Thiếu tá Khoái coi tôi như một người em, cùng chia sẻ ngọt bùi của đời lính ngay từ lúc mới ra Thủ Đức lớ ngớ với lon chuẩn úy. Có lẽ chính thời gian cùng ở với nhau ở Phước Long đã khiến tình thân nảy nở và khi ông được cử giữ chức vụ Quận Trưởng, ông lôi tôi về làm việc với ông.

    Tôi quăng cái ba lô nặng chình chịch và nhảy lên băng sau chiếc xe jeep mui trần chưa kịp trả lời thì ông cười hỏi:

    - Thế fiancée có đi Mỹ với cậu không? Con nhỏ tên Dung phải không?

    - Dung gởi lời hỏi thăm ông thầy. Dung mua tùm lum đồ ăn bắt tôi xách xuống nặng chết mồ.

    - Ok. Tối nay nhậu chơi. Gọi hết tụi nó lại.

    - Đồ khô không ông thầy ơi. Thịt, chà bông, lạp xưởng, có café Martin nữa. Dung còn gởi thêm beurre Bretel mới kinh chứ!

    Ông cười ha hả bảo người tài xế:

    - Chú mày thả tao ở quận đường rồi lái xe đưa Trung Úy Dũng về chi khu. Ê, Dũng, cậu định ở lại bao lâu? Sao nói nửa tháng là đi mà?

    - Nửa tháng nữa lận nên xuống đây từ giã Thiếu tá và anh em trước khi đi cho phải đạo. Dung cũng đòi đi nhưng đường xá lằng nhằng quá.

    - Ok. Tối gặp. Nhớ gom hết tụi nó lại nhậu nha.

    Con đường từ quận về chi khu chắc chỉ hơn độ nửa cây số. Đường khá rộng nhưng không tráng nhựa nên bụi đất đỏ cuộn lên mặt tôi dù chiếc xe chạy không nhanh lắm. Những liếp nhà đa số lợp tôn bên vệ đường trông buồn và câm lặng. Thỉnh thoảng một người dân thấy xe chạy thì quay mặt kéo sụp cái nón lá tránh bụi xe. Tới chỗ ngã ba có quán hủ tíu của ông Tàu Mằn Thắn, tôi bảo người tài xế:

    - Anh cho tôi xuống đây. Còn cái ba lô anh cứ đem lên phòng tôi bỏ đó tính sau.

    Ông Tàu Mằn Thắn giống y chang những ông Tàu hủ tíu khác, lúc nào cũng cái áo thun cháo lòng và quần xà lỏn dài quá gối. Tôi không rõ ai đặt cho ông ta cái tên Mằn Thắn. Ông ta lơi lả chào:

    - Trung Úy "dề" Sài Gòn vui không?

    Quận lỵ bé tí này không thể giấu ai cái gì được. Đồng Xoài nằm trên liên tỉnh lộ 1A giữa tỉnh Phước Long và Quận Phú Giáo. Nó trấn ngay phía Bắc của chiến khu D - còn có cái tên văn vẻ "chiến khu Dương Minh Châu". Có lẽ trại LLBĐ B14 được lập ở ngay đây vì vị trí chiến thuật, cốt để theo dõi những vụ chuyển quân lớn của địch.

    Tôi gọi một chai 33. Quán vắng, có hai ba người Thượng Stieng ngồi một góc đã có vẻ hơi say. Dân Đồng Xoài sống bằng nghề cạo mủ cao su nhưng có một số khác phần lớn là người Stieng làm nghề "ăn cây". Đây là những dân giang hồ hảo hán chuyên đi sâu vào rừng tìm gỗ quí như gụ, cẩm lai và đôi khi cả trầm hương nữa. Tìm được họ sẽ về quận dắt đường cho các hãng cưa vào. Họ là người cả Quốc Gia lẫn Cộng Sản. Họ là tình báo, mật báo viên của quận, báo cáo về tình hình trong rừng. Họ cũng có thể là nằm vùng, cung cấp quân tình của quận cho địch. Họ làm việc cho cả hai phía. Cái thực tế phức tạp đó cũng giống như tình trạng Việt Cộng sử dụng đồn điền Đất Đỏ làm nơi dưỡng quân.

    Hồi tôi mới về quận được tin chắc chắn là hơn một đại đội địch có mặt ở tọa độ XYZ. Lúc lật bản đồ thì nó nằm ở trong phạm vi đồn điền. Sấp ngửa tôi chơi đại, bắn mấy trái 105. Sáng hôm sau, thiếu tá Khoái mặt hầm hầm gọi tôi sang trình diện. Sau đó, chính Đại tá Tỉnh Trưởng Phước Long bay trực thăng xuống. Cái câu cao su quí hơn người lúc đó mới rõ nghĩa với tôi.

    Dẫu sao thì Đồng Xoài cũng có tình với tôi. Tôi yêu những buổi chiều xẩm tối ở đây. Nếu không lâu lâu nghe đạn pháo binh, nếu không thấy đạn hỏa châu lơ lửng đâu đó trên nền trời, thì mọi sự thật êm đềm, thật thanh bình. Tôi hay trèo lên nóc công sự chiến đấu chỗ cao nhất, ngồi nhìn trăng nhìn sao để nhớ Dung, nhớ về Sài Gòn.

    Tôi yêu những cô học trò ham học, nghe thấy, nhìn thấy cái gì lạ trong mắt cũng tròn xoe. Đồng Xoài có một trường Trung Học, trên nguyên tắc là tới lớp 9, nhưng không lúc nào là có đầy đủ thầy cô. Ra trường Sư Phạm được bổ đến đây, thầy cô biến mất sau độ hai ba tháng. Họ đào nhiệm vì không chịu nổi cảnh sống Đồng Xoài. Trường có một vị nhà giáo duy nhất là ông Hiệu Trưởng. Ông Hiệu Trưởng nhờ tôi dạy môn Pháp Văn cho các em. Ba bốn lớp dồn lại một, đủ loại tuổi từ 12 cho đến 16, 17 nhưng trình độ đều rất kém. Sau hai buổi dạy tôi đổi phương pháp, thay vì dạy Pháp văn, tôi kể cho các em nghe về đời sống ở ngoài Đồng Xoài. Kỳ về Sài Gòn hoặc khi Dung gửi đồ cho tôi, khi nào cũng có vài cuốn Sélection hặc Paris Match cũ, hoặc sách có nhiều tranh ảnh về nước Pháp. Tôi cho các em coi hình ảnh về nước Pháp và viết dăm ba chữ Pháp dễ, bắt các em học nhưng cái chính là gợi lên cái khát vọng hiểu biết nơi các em, nhồi nhét vào cái đầu non nớt đó những hình ảnh khác với bom đạn, xác chết các em thấy hàng ngày. Cái phương pháp sư phạm của tôi vậy mà ăn khách ra phết. Giờ Pháp văn gần như tất cả các học sinh trong trường đều tụ lại trong lớp nghe tôi kể về nước Pháp với sông Seine, tháp Eiffel, hay ông Nã Phá Luân, ông Pasteur hoặc ông bà Marie Curie.


    Tôi nhớ có một lần một em bé đến khóc nhờ tôi đến nhà xin bố mẹ cho đi học giờ Pháp Văn. Khi đến nơi, phụ huynh cô bé cho hay lúc này cần người là vì mùa gặt nên phải ở nhà phụ giúp gia đình. Rồi tôi đành giải quyết, cử một người lính nghĩa quân đến giúp gia đình để em được đi học.

    Đồng Xoài dù nằm ngay ngã ba liên tỉnh lộ 1A và quốc lộ 14 cách Phú Giáo cỡ độ 30 cây số và tỉnh lỵ Phước Long cỡ 30 cây nhưng đã bị cô lập từ lâu rồi. Phương tiện liên lạc duy nhất là trực thăng hay đôi khi là thả dù. Xăng nhớt cũng phải thả bằng trực thăng. Cũng có bến xe đò chạy đường Đồng Xoài Phú Giáo, nhưng khách toàn là đàn bà con nít. Xe có thể bị Việt Cộng chặn lại bất cứ lúc nào nên lính tráng và cả những thanh niên còn trẻ có thể cầm súng không ai dám đi xe đò. Trong cái cảnh đó, phi công của đồn điền cũng hiểu và luôn luôn dành một chỗ cho quận khi cần. Viên phi công người Pháp vẫn hay đấu láo với tôi, mỗi lần thấy "Monsieur Dũng" là toe toét cười.

    Tôi sắp xa Đồng Xoài. Tôi sắp giã từ bom đạn. Tôi về đây là để từ biệt Đồng Xoài, nói những ân tình cuối với anh em đồng đội.

    Tôi đứng dậy, nhét tiền dằn dưới chai 33, lững thững đi về phía chi khu. Buổi chiều nóng nhưng êm ả.

    Bữa nhậu diễn ra ồn ào náo nhiệt với khô nai, cà ri gà. Mọi người chúc mừng tôi. Tôi thấy rõ sự mừng rỡ trên khuôn mặt của đồng đội vì tôi sắp "Giã từ vũ khí". Đang ăn nhậu thì Trung Úy Lễ trưởng ban Hai tình báo hỏi:

    - Ông còn ở đây bao lâu?

    - Chắc vài hôm là cùng.

    - Ông coi dùm ban Hai hộ tôi hai ba ngày được không? Tôi có việc gấp phải về Sài Gòn.

    - Ba ngày thì được, ông cứ dọt đi, để tôi coi hộ cho.

    Tôi coi ban Ba, trung úy Lễ coi ban Hai, chúng tôi đã cùng nhau sáng sáng họp thuyết trình hành quân. Công việc của tụi tôi luôn luôn phải phối hợp từng giờ một nên tôi biết rõ phận sự của ông Lễ. Coi hộ bằng hữu ba ngày thì nhằm nhò mẹ gì. Không bao giờ tôi tưởng tượng được cái khúc quanh của cuộc đời tôi trong ba ngày kiêm chức Trưởng ban Hai hộ Trung Úy Lễ. Không phải là ba ngày mà là gần ba chục năm sau tôi mới được nghe tiếng người vợ sắp cưới, tiếng Dung.

    Hôm sau, khoảng xế trưa, tin tức tình báo tới tấp về. Tôi nhớ Trung Úy Lễ dặn có hai nguồn tin rất chính xác là Z 20 và A 17, nên ngay khi bắt tay vào lo ban Hai, tôi đã hỏi ông Chuẩn Úy Thắng về hai nguồn tin. Tuy làm việc phối hợp và nghe tin hàng ngày của ban Hai, tôi không chú ý lắm đến cách thu lượm tin của họ. Hôm đó cả hai nguồn tin Z 20 và A 17 đều cho hay đã phát hiện nhiều đường dây điện thoại rừng và đây là dấu hiệu đáng ngại. Chỉ những đơn vị chủ lực và quân số cao khi di chuyển mới có dây điện thoại. Nguồn tin Z 20 còn cho hay có những dấu tích có xe tăng địch nữa.

    Tôi đọc nhưng thật cũng chưa ước lượng đúng tầm vóc nguồn tin. Đúng lúc đó người Trung sĩ cho hay có một mật báo viên muốn được gặp tôi. Vì nghĩ chỉ tạm bợ có ba ngày nên tôi không muốn dính quá sâu vào trong công việc, bèn bảo viên Trung Sĩ dẫn mật báo viên đó đến gặp chuẩn úy Thắng.

    Nhưng rồi viên Trung Sĩ lại trở vào cho hay người này chỉ xin gặp đích thân Trung Úy trưởng Ban Hai. Tò mò tôi đồng ý tiếp. Trông người mật báo viên này giống như bất cứ người dân cạo mủ nào, và ông ta cho hay cơ sở bị lộ xin được bảo vệ. Tôi nói:

    - Tôi chỉ tạm giữ ban Hai nội trong vài ngày, nên không rõ lắm về cơ sở và nếu ông là mật báo viên của quận thì chắc chắn phải có đường giây liên lạc khác, không thể chạy xồng xộc vào chi khu xin bảo vệ.

    - Thưa Trung Úy, tôi không thuộc tình báo quận. Tôi thuộc Phòng Bảy Tổng Tham Mưu. Tôi nằm vùng trong Thuận Lợi. Đây là mã số của tôi, xin Trung Úy liên lạc ngay với Tổng Tham Mưu vì tình hình rất nguy cập. Tôi xin được bốc đi gấp.

    Tôi khựng lại, bán tính bán nghi khi nhớ đến hai nguồn tin Z 20 và A 17.

    - Ông có thể cho tôi biết tin tức chính xác.

    - Thưa Trung Úy, tôi đã đưa mã số là tôi đưa cả mạng sống của tôi cho Trung Úy. Tôi chỉ có thể báo cáo với thẩm quyền trực tiếp tại Tổng Tham Mưu. Trên đó sẽ có những quyết định hợp với tình hình.

    Tôi quan sát người mật báo viên và tưởng tượng đến những điệp viên OSS hay CIA hoặc hơn nữa là Tống Văn Bình Z 28. Trông ông ta chắc trên dưới bốn mươi, dáng vẻ cử chỉ và cách ăn nói chững chạc minh bạch. Một người cạo mủ không thể có phong thái như vậy. Tuy ở lính gần chục năm, tôi cũng chỉ nghe loáng thoáng về Phòng Bảy kỹ thuật của Bộ Tổng Tham Mưu và biết lơ mơ rằng đây là bộ phận chuyên về tình báo và phản tình báo có những hoạt động vô cùng bí mật. Suy nghĩ thấy vấn đề ngoài thẩm quyền, tôi nói với người mật báo viên:

    - Được để tôi đưa ông lên gặp Thiếu Tá Quận Trưởng.

    Bốc điện thoại, tôi nghe tiếng Thiếu Tá cùng với nhiều tiếng ồ ồ khác chen vào, chắc là đang ở hầm truyền tin.

    - Trình thẩm quyền, xin được gặp vì có chuyện tối quan trọng không tiện trình bày qua điện thoại.

    - OK, sang ngay đi.

    Bỗng tôi mỉm cười khi nhận ra ông quận của tôi hay xài chữ OK. Tôi thấy người mật báo viên gật đầu ra điều đồng ý với cách ứng xử của tôi.

    Thiếu Tá Khoái đứng chờ ở sân cờ. Hình như ông muốn nhân dịp này ngoi lên mặt đất hít thở chút không khí trong lành. Thấy tôi đi với một người cạo mủ cao su, Ông ngạc nhiên hất hàm tỏ ý hỏi han. Tôi lắc đầu nói:

    - Vào trong nói chuyện tiện hơn Thiếu Tá.

    - Ok, vào trong.

    Ông tiếp chúng tôi ở phòng làm việc, tôi vắn tắt trình bày vấn đề. Người mật báo viên chỉ xin thông báo mã số của ông ta về bộ Tổng Tham Mưu mà không đòi hỏi gì thêm nữa.

    Thiếu Tá Khoái đồng ý, chính ông đi xuống hầm truyền tin để liên lạc qua một hệ thống đặc biệt với Tổng Tham Mưu. Tôi ngồi đó cố gạ chuyện để moi thêm tin tức nhưng người mật báo viên khôn khéo lảng tránh. Chừng nửa tiếng sau, TT Khoái trở lại, gương mặt khác hẳn. Ông trở lại ngồi sau bàn giấy:

    - Cà phê Martin hôm qua cậu cho còn nguyên. Hộp beurre Bretel chưa khui. À quên, tôi vẫn chưa biết tên ông là gì?

    - Thưa Thiếu Tá tôi tên Bảy, Nguyễn Văn Bảy.

    Chúng tôi đều biết đó là tên giả, nhưng TT Khoái rất lịch sự:

    - Tôi đã liên lạc và trên đó cho hay trong vòng một hai giờ sẽ có người đến gặp ông Bảy. Bây giờ anh em mình uống chút cà phê beurre cho đỡ nhớ Sài gòn.

    Rất nhanh tôi hiểu ý ông thầy tôi muốn nói chuyện để moi tin tức và nghĩ rằng mình không nên có mặt, tôi nói:

    - Để Thiếu Tá nói chuyện riêng với ông Bảy, tôi về bên kia.

    - Cậu không đi đâu cả. Cà phê đào cậu mua cậu phải uống chứ.

    Chắc đã chuẩn bị từ trước khi bước vào phòng, nên tôi thấy viên Hạ Sĩ bưng ra ba tách cà phê thơm ngào ngạt. Đợi mọi người chiêu cỡ nửa ly, thiếu tá Khoái lên tiếng:

    - Ông Bảy, ông phải cho tụi tôi biết tình hình để đối phó. Đồng ý là ông không có bổn phận gì đối với tụi tôi, nhưng chúng ta đang đứng trên cùng một chiến tuyến, chiến đấu cùng một mục đích. Tôi đã đích thân lo cho an nguy của ông, ông phải giúp tụi tôi.

    Người mật báo viên từ tốn bưng ly cà phê lên. Cái cung cách cầm, nâng tách, nhấm nháp cà phê cho thấy ông ta đã từng uống cà phê Martin có một chút beurre nhiều lần trước đây. Ông chậm rãi nhìn tôi, nhìn TT Khoái:

    - Địch sắp tấn công Đồng Xoài. Cấp sư đoàn. Có sự xuất hiện của công trường 7 với pháo và thiết giáp đang khép vòng vây. Thiếu tá và anh em ở đây chuẩn bị. Tôi không biết rõ ngày giờ nhưng chính vì vụ này mà tôi bị lộ, phải hủy máy truyền tin, trốn ra được đến đây. Xin cảm ơn Thiếu Tá đã giúp đỡ, liên lạc với thẩm quyền của tôi. Tôi chỉ có thể nói bao nhiêu đó với Thiếu Tá và tôi nghĩ thế cũng đủ để giúp anh em ở đây. Còn tin hay không là tùy ở Thiếu Tá và anh em.

    Không thể không tin được vì chỉ hơn một tiếng sau, một trực thăng cailloux nhỏ xíu xà xuống bốc người mật báo viên đi. Ông quận nói với tôi:

    - Cậu thông báo với tất cả các sĩ quan tới phòng hành quân họp khẩn. Báo động 100% cho tôi.

    Thật ra thì lúc nào chúng tôi chẳng sống trong tình trạng báo động. Suốt những ngày tháng phụ trách hành quân, tôi hiểu rõ Đồng Xoài luôn luôn là cái đinh cần phải nhổ. Địch chiếm Đồng Xoài là cô lập Phước Long và nhất là có thể điều động một lực lương lớn trong chiến khu D để làm áp lực cả khu vực Phước Long Bình Long. Đời sống ở đây tự nó đã là một đời sống bị động, lúc nào cũng như cá nằm trên thớt. Chỉ trừ khi đi ngủ, có lúc nào tôi rời được đôi giầy nặng chình chịch đâu?

    Cái chi khu nhỏ tí này mỗi chiều chưa quá một cây số nên chỉ độ nửa tiếng mọi sĩ quan đã tề tựu đông đủ.

    Đến lúc này tôi mới thấy rõ cái tài chỉ huy, phối hợp của Thiếu Tá Đặng Vũ Khoái. Ông nói rất gọn về tin tức vừa thu lượm được, ra lệnh cho các sĩ quan điều động binh sĩ tu sửa lập tức các giao thông hào, công sự chiến đấu.

    Truyền tin được lệnh liên lạc ngay với các chốt và tiền đồn thông báo tin tức và chỉ thị họ cảnh giác tối đa. Ông bảo bác sĩ Nam kiểm lại thương bệnh binh, người nào còn đủ sức khoẻ phải sẵn sàng cầm súng.

    Bảo vệ Đồng Xoài ngoài hai tiểu đoàn tăng phái của sư đoàn 5, lực lượng cơ hữu gồm một tiểu đoàn địa phương quân và khoảng hơn 10 trung đội nghĩa quân. Đó là quân số trên giấy tờ nhưng thực tế có phần hơi khác. Quân số không bao giờ đủ. Một trung đội nghĩa quân có khi chỉ độ mười lăm, hai mươi người. Ngay cả đơn vị chính qui, tức hai tiểu đoàn thuộc sư đoàn 5 cũng không bao giờ đủ quân số. Hơn nữa, rất nhiều đơn vị đã được chẻ nhỏ đóng các đồn chốt phía ngoài.

    Thiếu Tá Khoái bắt đầu chia chi khu ra làm ba tuyến.

    Tuyến lớn nhất ở phía Bắc đối diện với rừng do chính Thiếu Tá Quận Trưởng chỉ huy.

    Tuyến phía Tây đo Đại Úy Tố lo. Quân số ở tuyến này cỡ gần một tiểu đoàn ĐPQ và một đại đội thám báo và là đơn vị tinh nhuệ nhất của Đồng Xoài.
    Tuyến phía Đông do tôi phụ trách với hai trung đội nghĩa quân và một trung đội thám sát đo Chuẩn úy Tài chỉ huy.

    TT Khoái nghĩ rằng địch sẽ không tấn công từ phía Đông vì địa hình quá trống trải. Nơi đây đã được công binh Mỹ phát quang, ủi hết cây rừng để lập một sân bay nhỏ dành cho trực thăng và L 19 đáp. Ông nói riêng với tôi.

    - Cậu lo phía sân bay chắc sẽ OK vì nó mà đánh đặc công hoặc biển người đi nữa cũng không ngu gì mà đánh mặt đó.

    Trước lúc mọi người đứng dậy, ông đùa:

    - Bác sĩ Nam thủ kỹ cái bệnh xá cho tôi. Hễ nó vào đến chỗ ông bác sĩ là tụi mình chỉ còn ăn cám.

    Không ai cười và không ai nghĩ đến lời đùa cợt như một lời tiên tri, một lời nói gở. Hơn nữa mọi sự diễn ra quá nhanh đến độ không ai còn thì giờ để suy nghĩ.
    Tôi trở về tuyến kiểm điểm tình hình. Tôi có trong tay một khẩu đại liên, khoảng 40 người lính nghĩa quân và một thiếu úy phụ tá, Thiếu Úy Thái và gần 20 lính thám sát tỉnh của Chuẩn Úy Tài. Ông Thiếu Úy có lẽ chưa đụng lớn bao giờ, khuôn mặt lo âu thấy rõ. Ông ta hỏi tôi:

    - Bộ tụi nó đem cả sư đoàn để nuốt tụi mình à?

    - Trước hết đó mới là tin tình báo. Thứ nhì Đồng Xoài bằng cái lỗ mũi, đâu có quan trọng gì để nó đem chủ lực cỡ sư đoàn ra để làm mồi cho máy bay à? Yên tâm, nó muốn xơi tái mình cũng không dễ đâu.

    Trấn an thiên hạ thì dễ nhưng trấn an mình mới khó. Hẳn là địch sẽ đánh nhưng tôi cầu nguyện với trời đất là hãy gượm đã, để đợi Trung Úy Lễ về rồi hãy đánh. Nhưng lời cầu nguyện của tôi đã không thấu trời xanh vì địch tấn công ngay đêm đó.

    Khoảng gần nửa đêm, địch khai hỏa bằng pháo 82 ly. Không phải từ một hướng mà tứ phía. Không phải bắn lai rai quấy rối mà là pháo áp đảo, 82 ly nổ rền trời từng chập. Tôi biết rất rõ là 82 ly không đủ sức xuyên phá hoặc gây tổn thất nặng nề vì hệ thống địa đạo giao thông hào và công sự chiến đấu được hết lớp tu bổ này đến kỳ tu bổ khác đủ sức che chở tụi tôi. Nhưng tôi còn biết rõ hơn 82 ly không bắn xa như 105, 155 hay hỏa tiễn 122 ly. Có nghĩa là tụi nó gần lắm rồi. Nhưng tôi không thể chia sẻ suy nghĩ này cho ai được.


    Đồng Xoài có hai pháo đội, 105 và 155 ly. Tôi liên lạc máy với pháo binh. Lúc này tôi đang ở dưới trung tâm HQ của chi khu với TTKhoái. Tôi đề nghị phản pháo nhưng TT Khoái nói:

    - Tụi nó đặt súng ba bề bốn bên, không biết hướng nào chính hướng nào phụ, vả lại phải tiết kiệm đạn.

    Tuy vậy tôi cũng thấy ông ta cho bắn một hai trái 105 để trả lời. Khoảng quá nửa đêm, máy PRC 25 inh ỏi gọi. Gần như tất cả các tiền đồn đều bị đánh. Các chốt chạm địch dữ dội. Tiếng máy PRC 25 rè rè, tôi ngồi cạnh nghe các đơn vị bạn liên tu bất tận thông báo địch tình. TT Khoái nhận xét:

    - Tụi nó chỉ mới chơi 82 ly để quấy rối và cầm chân tụi mình. Nhớ cảnh giác anh em đề phòng nó đánh đặc công. Cậu nhớ cho anh em luân phiên nghỉ ngơi. Tôi e mình sẽ chết cứng ở đây cho đến khi tỉnh và quân đoàn giải tỏa.
    Tôi đi dọc giao thông hào dặn dò từng người một. Hễ cái gì nhúc nhích là bắn. Những chiếc hỏa châu lững lờ cũng đủ để quan sát tới tận hàng rào ngoài cùng. Đến gần sáng thì địch thôi không pháo tiếp. Từ trong lỗ châu mai, nơi để ổ đại liên, tôi nhìn ra ngoài hàng rào phòng thủ, qua một quãng đất trống khá rộng, cỏ lác - hoặc cỏ gì tôi cũng chẳng rõ tên, có thể là cỏ tranh - tạo một vệt sẫm trên nền đất đỏ. Mọi sự im lìm, một sự im lìm đến rợn người. Tôi vỗ vai người trung sĩ giữ khẩu súng:

    - Mong rằng mình không phải xài tới thằng em này.

    Viên Trung sĩ vỗ vào càng súng:

    - Xài tới thằng em này là chúng nó chơi biển người, chơi a-la-xô rồi ông thầy ơi.

    Chúng tôi cùng cười.

    - Như vậy là chỉ mới pháo, kiểu pháo giữ chân. Địch âm mưu gì đây?

    Một chiếc phi cơ bà già L19 bay tít trên cao. Sự xuất hiện của chiếc phi cơ này vào quãng gần trưa đã là một niềm khích lệ lớn cho binh sĩ. Họ thấy họ sẽ được phi pháo yểm trợ. Nhưng tôi thì lại lo vô cùng.

    Trước hết L19 bay rất cao, kinh nghiệm hành quân cùng không kỵ Hoa Kỳ cho thấy cao như vậy, quan sát của L19 sẽ không chính xác. Điều đáng sợ thứ nhì L19 không dám xuống thấp vì sợ làm mồi cho phòng không địch. Điều lo sợ của tôi đã thành sự thực, khoảng nửa giờ sau hai khu trục bay đến đánh bom. Tôi chỉ là một Trung Úy quèn, lo thủ một cái tuyến với vài chục mạng và một cây đại liên nên không biết rõ toàn diện của tình hình, không đủ yếu tố để nhìn bao quát thế trận, nhưng tôi biết rõ lực lượng tiến công phải là đại đơn vị vì phòng không địch bắn kinh hồn. Hai phi tuần đánh bom trật lất vì phi công không thể xuống thấp. Mỗi lần phi cơ đảo qua, phòng không bắn không hề tiếc đạn. Chúng tôi thấy giữa trưa nắng, những vệt đạn lửa từ phía rừng xẹt lên không. Dẫu sao thì cũng có phi pháo và có vẻ như địch đang ước lượng xem phe ta quyết giữ Đồng Xoài đến tầm mức nào.

    Sự việc diễn ra y như cũ.

    Vào khoảng gần nửa đêm địch lại rót 82 ly từng chập vào chi khu. Chúng tôi nghe 155 ly nổ khá xa. có lẽ đó là pháo yểm trợ của ta bắn từ cầu Rạch Rạc. Cầu này nằm ở phía Bắc cách Đồng Xoài cỡ 10 cây số. Nơi đây có một tiền đồn với một pháo đội hai khẩu 155 ly. Suốt đêm tin tức từ các chốt và tiền đồn nhỏ cho hay họ chạm địch hoặc bị pháo, nhưng tất cả các vị trí đều giữ được, chưa bị nhổ, chưa bị tràn ngập. Xem ra tình hình còn còn vững. Và cũng như hôm trước, gần sáng địch ngưng.

    Khi trời sáng hẳn tôi nói với thiếu úy Thái:

    - Tôi về bên bộ chỉ huy chi khu cỡ một giờ sau trở lại. Ông lo cho anh em.
    Lần theo địa đạo,giao thông hào, gỡ những vòng concertina tôi về được tới bản doanh chi khu. Người tôi hôi, ngứa ngáy. Tôi mò về phòng. Một quả 82 ly nổ ở sát cửa sổ phòng tôi, vì tôi thấy những bao cát lỗ chỗ rách bươm và tôi thấy một chiếc lỗ ở phía sân. Nhìn quanh tôi không thấy cái đuôi của viên đạn, không rõ nó văng đi đâu. Điều ngạc nhiên là không thấy miểng văng vào cửa sổ vì cái khung kính nhỏ vẫn còn nguyên.


    Tôi tụt đôi giầy saut ra, tôi quăng đôi tất nhà binh mầu cứt ngựa vào một xó. Tôi nhìn bàn chân đỏ hồng bật cười. Mới hơn hai ngày bị bó chặt, nay được tiếp xúc với không khí, một cảm giác nhẹ, thoải mái khiến những ngón chân tôi như tự động duỗi ra ngọ ngoạy.

    Tôi ngoáy ngoáy hai cái chân dăm phút và sau đó đi vào phòng tắm. Khu tôi ngủ là một dãy nhà tôn dành cho sĩ quan chi khu với một phòng tắm chung ở cuối dãy. Tôi múc nước dội xối xả từ đầu xuống.

    Tự nhiên hình ảnh tắm ở quân trường dội về trong trí nhớ. Hồi đó mỗi lần được trực ở lại đại đội, không phải ra bãi tập, tôi luôn thu xếp để hễ chiếc xe chở nước đến bơm đầy vào bể chứa nước trong phòng tắm của sinh viên sĩ quan là tôi lỉnh vào liền. Một mình tha hồ vục từng nón sắt nước dội thỏa thích không như cảnh phải tranh nhau vào đồng đôi vào mỗi buổi chiều. Cái bể nước cao trong vắt sao mà hấp dẫn thế. Nhưng nơi đây lại là mặt trận, là sống là chết, là bom là đạn.

    Tôi trở về phòng thoải mái. Căn phòng nhỏ nhưng ấm cúng, nơi tôi sống từ ngày về Đồng Xoài, tạo một cảm giác bình yên dễ chịu. Tôi ngồi trên chiếc giường nhỏ nhìn quanh. Tấm hình Dung vẫn ở đó, tấm hình chụp nàng bó gối ngồi trên tam cấp trước cửa nhà. Hình chụp ngược sáng, Khuôn mặt Dung khuất lấp nghịch ngợm. Bây giờ Dung đang làm gì?

    Tôi nhận ra trong suốt hai ngày qua, tôi không bao giờ nghĩ đến Sài Gòn, nghĩ đến Dung. Tiếng bom đạn, không khí căng thẳng, cái chập chờn ma quái của hỏa châu và hơn cả nỗi ám ảnh rằng cả một Sư Đoàn Việt Cộng đang siết gọng kìm quanh Đồng Xoài khiến tôi không còn suy nghĩ nhớ nhung gì nữa.

    Thay quần áo xong, tôi khoác chiếc áo giáp, tròng cái mũ sắt, xốc lại giày TAB và khẩu colt 45, từ từ đi về phía bản doanh của Thiếu Tá Đặng Vũ Khoái. Người Thượng sĩ cận vệ của ông ra dấu rằng ông vừa vào phòng ngủ chưa đầy năm phút.Tôi gật đầu, theo giao thông hào về lại tuyến. Sau hai ngày, tiểu khu chưa bị thiệt hại gì, các chốt phía ngoài chưa bị tràn ngập.
    Khoảng xế chiều, hai phi tuần tới đánh bom nhưng theo quan sát của tôi, bom khó trúng mục tiêu dự trù vì được thả từ độ quá cao, không thể nào chính xác được. Nhưng sự có mặt của phi cơ là một động lực lớn trấn an mọi người. Địch lập lại trò cũ, gần nửa đêm là bắt đầu rót 82 ly. Có lẽ sau hai đêm, địch đã chỉnh cự ly chính xác hơn nên đạn rơi vào vòng trong chi khu khá nhiều. Qua máy PRC tôi biết hai nghĩa quân ở phía Đại Úy Tố thiệt mạng. Nhưng đến gần sáng thì nhiều chốt bị tấn công đồng loạt ở vòng đai phía ngoài. Tôi dựa lưng vào tường bao cát nghe ngóng. Tiếng của các điện thoại viên, của lính truyền tin nghe như lạc giọng. Chốt này cho hay hỏa lực địch quá hùng hậu. Chốt kia cho hay e sẽ bị nhổ. Đêm đó hình như bốn chốt và tiền đồn nhỏ bị tràn ngập. Tảng sáng một số binh sĩ từ phía ngoài được rút vào phía chi khu. Đêm thứ tư tình hình trở nên dồn dập hơn.


    Đồn ở cầu Rạch Rạc bị tứ phía giáp công. Tôi hiểu địch muốn diệt hai khẩu pháo 155 ly. Cuộc công đồn xảy ra rất sớm, ngay từ lúc mặt trời chưa lặn hẳn. Người chỉ huy đồn là Trung Úy Hùng cầm cự đến phút chót. Ông đã yêu cầu pháo binh của Đồng Xoài và của căn cứ Bunnard bắn thẳng vào đồn vì đã bị tràn ngập. Qua PRC tôi nghe được ông báo cáo đã hủy hai khẩu 155 không để lọt vào tay địch. TT Khoái quyết định cử nguyên đại đội Thám Báo và hai đội ĐPQ phối hợp mở đường đón tàn binh của đồn Rạch Rạch. Trung Úy Hùng quả là một sĩ quan đầy kinh nghiệm. Ông đã đem được gần như toàn bộ sĩ quan và quân sĩ về đến chi khu.

    Khá nhiều thương binh. Đặc biệt có một Chuẩn úy mới ra trường vừa khóc vừa cười, đôi khi lại rú lên những tiếng hoảng loạn. Trung Úy Hùng mặt phờ phạc bắt tay tôi, hất hàm về phía Chuẩn Úy:

    - Vừa ra trường thì về với tôi, chắc lần đầu lại đụng quá lớn nên phát hoảng. Dám đứt mẹ nó dây thần kinh rồi. Chúng nó pháo như mưa, nhất là 122 ly. Anh chàng nghe chịu không thấu.

    Tôi nhìn khuôn mặt trẻ măng của người Chuẩn Úy, một khuôn mặt ngơ ngác, thất thần. Ông ta được đưa sang cho Bác sĩ Nam. Không ai nói năng gì về ông Chuẩn Úy ngoài những ánh mắt thông cảm. Mười mấy tuổi đầu bị vứt vào chốn binh đao lửa đạn ai không sợ?

    Thiếu Tá Khoái bố trí cho đám tàn quân của Rạch Rạc "dưỡng quân" ở ngay trung tâm chi khu gần bệnh xá và căn cứ pháo binh. Ông cũng giữ Trung Úy Hùng ở lại bản doanh. Thấy tôi đứng lớ ngớ quan sát đám binh sĩ từ đồn Rạch Rạc lo lui cui thu xếp, ông gọi:

    - Trung Úy Dũng.

    Tôi quay lại và tiến về phía ông. Ông trở lại giọng hòa nhã.

    - Cậu đừng lo. Chuyến tải thương hay tiếp tế đầu tiên tôi sẽ cho cậu về Sài gòn liền lập tức. Trung Úy Lễ đã liên lạc. Ông ta đã có mặt ở Phước Long, đang sốt ruột, cố mò xuống đây.

    - Tôi biết, ông thầy. Tôi nghe tin Trung Úy Lễ nằm lì ở sân bay để chờ xuống đây từ đêm qua.

    - Ok. Hễ có trực thăng hay tải thương tiếp tế là cậu có quyền dọt. Có Trung Úy Lễ hay không Trung Úy Lễ tôi cũng để cậu đi. Bây giờ cậu đi một vòng hỏi thăm anh em với tôi.

    Đầu tiên ông tạt vào bệnh xá. Các giường đều kín người. Khoảng bảy, tám binh sĩ của Chi Khu bị miểng đạn 82 ly. Khoảng mười mấy người khác từ các chốt và hơn một chục mạng từ đồn Rạch Rạch. Ông Đại Úy bác sĩ Tâm đang lui cui băng cho một binh sĩ. Thiếu Tá Quận Trưởng hỏi:

    - Cái ông chẩn Úy mới ra trường êm chưa Bác sĩ?

    - Bị chấn động thần kinh. Tôi đã chích thuốc an thần, hiện ngủ rồi. Có tỉnh lại như xưa hay không lại là vấn đề khác, từ từ mới biết.

    Mọi người im lặng. Những thực tế phũ phàng của chiến tranh được nói đến bằng giọng nói bình thản, đôi khi diễu cợt, nhưng tận đáy lòng, chúng tôi đều thông cảm và hiểu những điều không cần nói ra.

    Chúng tôi vòng qua nơi Đại Úy Tố. Ông ta tỉnh táo, quần áo vẫn thẳng nếp, mũ sắt chùm chụp trên đầu. Đại Úy Tố dáng người to lớn, nhưng lại gọn gàng và nhanh nhẹn. Ông nói với ông quận:

    - Thiếu Tá yên tâm, mặt này có tôi, nó muốn thì cũng trả giá đắt lắm.

    Ông ta ngẫm nghĩ rồi lập lại:

    - Đắt lắm!

    Điều mà chúng tôi không hiểu là giá có thể đắt so với thang biểu của tôi, của Đại Úy Tố hay rộng lớn hơn cả quân đội Miền Nam. Nhưng với địch, với Hà Nội thì giá đó có khi quá rẻ. Suốt trong những năm tháng còn lại trong đời, lúc nào tôi cũng nhớ hai tiếng "đắt lắm" của Đại Úy Tố.

    Tôi lẽo đẽo đi theo Thiếu tá Khoái hỏi thăm các sĩ quan, binh sĩ. Ông lấy cả hai bao Lucky của tôi đem mời tứ tung, gặp nghĩa quân nào cũng "làm một điếu cho thơm râu bổ phổi ". Ông bắt tôi dẫn về phòng tuyến và ân cần nói chuyện với các sĩ quan, binh sĩ. Ông vỗ vai Chuẩn Úy Tài:

    - Chuẩn Úy như ông này mới đúng là tương lai của quân đội.

    Tôi chạnh nghĩ đến người Chuẩn Úy đang thiêm thiếp ở bệnh xá. Trước khi rời tuyến của tôi, Thiếu Tá Khoái lập lại:

    - Hễ có tiếp tế tải thương là cậu dọt.

    Tôi im lặng tiễn ông. Cho đến phút này quả tôi không nghĩ đến chuyện ở hay đi. Nó nằm ngoài quyết định của tôi và lờ mờ trong tâm khảm tôi thấy khó mà xảy ra cho đến khi chi khu được giải tỏa. Phòng không địch dầy đặc, làm sao trực thăng xuống được. Chỉ có đường duy nhất là tỉnh và quân đoàn phối hợp hành quân lớn, có Dù, Biệt Động, TQLC thì mới hy vọng. Nhưng cái tiểu khu bé tí teo này có là ưu tiên số một chăng? Mấy hôm trước còn ở Sài Gòn, tôi đọc thấy áp lực còn đè nặng trên nhiều vùng, từ phía Quảng Trị xuống phía Ban Mê Thuộc của quân đoàn 2, và phía Bình Long cũng đang đụng lớn, chưa kể dưới đồng bằng.

    Tôi không có thì giờ suy nghĩ lâu là liệu có giải tỏa chăng. Địch khai hỏa rất sớm, pháo dày hơn thường lệ. Tôi cũng nghe được tiếng pháo đáp lễ của ta từ căn cứ Bunnard. Nơi đây có một pháo đội 155 ly bắn xa đủ để yểm trợ cho Đồng Xoài. Nhưng hai khẩu thì ăn thua gì? Pháo cơ hữu cũng bắn nhưng cầm chừng, có thể vì không có mục tiêu rõ ràng hoặc có thể hà tiện đạn. Đến nửa đêm thì địch đánh đặc công vào phòng tuyến của tôi. Đây là một ngạc nhiên lớn vì địa hình không có lợi nếu địch chọn lối đánh này. Địa thế trống trơn khiến tầm quan sát của chúng tôi khá xa. Tổ chức quân đội của chúng ta được rập khuôn theo Hoa Kỳ và có rất nhiều đơn vị với phù hiệu trang bị và quân phục rất khác nhau như Dù, Biệt kích, TQLC Biệt Động Quân... Việt Cộng chỉ có chính qui và du kích. Du kích tương đương với địa phương quân hoặc nghĩa quân, là những đơn vị bản địa. Họ biết rõ địa hình địa vật, dân tình và cả quân tình của vùng hoạt động và thường là những nguồn tin cần thiết cho bộ đội chính qui và các đại đơn vị. Trong thành phần du kích có một đoàn được đặt tên là đặc công - hiểu như cảm tử quân hay ở một khía cạnh khác giống như biệt kích dù, hoặc thám báo của ta. Đặc công Việt Cộng trang bị súng ngắn và rất nhiều lựu đạn và thường là có thêm một con dao găm để đánh xáp lá cà. Bọn họ ở trần, chỉ mặc xà lỏn, cả người bôi dầu và lọ nghẹ đen thui, và thường là mũi công phá để đánh các chốt, các đồn lẻ. Theo sự hiểu biết, tôi tin rằng địch dùng đặc công để phá bãi mìn và hàng rào kẽm gai phòng thủ tuyến.

    Chúng tôi chỉ thấy lờ mờ những vật di động ở phía ngoài nơi gần bãi cỏ lác. Khẩu đại liên khạc đạn liên hồi. M16 góp tiếng. Tôi đứng sau tường bao cát quan sát. Thỉnh thoảng có một tiếng nổ vọng vào và một đốm lửa toé lên từ các lùm cây lùm cỏ. Hoặc là các đặc công ném lựu đạn để phá kẽm gai và mìn. Hoặc họ trúng đạn và lựu đạn nổ theo. Đợt đầu độ 15 phút. Khoảng một giờ sau địch tung đợt hai nhưng không kết quả. Hai giờ sau lại có những bóng đen động đậy, những lùm cây di động. Tôi cho bắn hỏa châu sáng một khoảng trời. Đạn nhả như mưa mùi thuốc súng nồng nặc trong tuyến. Tôi sai hai binh sĩ lo quét vỏ đạn dồn về một góc. Đúng lúc đó, đạn phòng không của địch nổ đỏ trời. Suốt đời lính tráng tôi chưa hề thấy phòng không cỡ này. Như lưới đan, đạn kẻ những vệt sáng đỏ.

    Chúng tôi nghe thấy tiếng phi cơ khu trục ầm ì trên cao và sau đó là chục tiếng bom. Đêm đó phi cơ đánh hai lần như e không kiến hiệu vì bom bỏ từ khá cao vả lại trời tối thui. Nhưng binh sĩ thì yên tâm thấy rõ. Họ tin họ không bị bỏ rơi. Như vậy là đủ với chúng tôi. Số tiền đồn và chốt ở sát chi khu không còn lại bao nhiêu. Tới gần sáng qua máy truyền tin tôi nghe tiếng Chuẩn Úy Tơ la inh ỏi. Tôi biết rõ ông Chuẩn Úy dễ thương người đâu ở miệt Vĩnh Long. Đang học Dược thì bị đi lính vào Thủ Đức. Tơ vui tính hay diễu và nhậu khá giỏi, thích uống đế pha xá xị con cọp. Tôi thì chịu, không chơi nổi cái món cocktail kinh hoàng này, uống vào là nhức đầu như búa bổ. Có lần tôi hỏi Tơ sao lại uống đế pha xá xị, Tơ cười bảo:

    - Lương Chuẩn Úy nhiêu Trung Úy biết hông? pha xá xị còn chưa đủ tiền trả, làm gì dám chơi 33 đều đều?

    Nhưng qua máy truyền tin, giọng Tơ lạc hẳn đi. Chín giờ hơn, chốt bị nhổ, bị đặc công đánh bật khỏi vị trí. Chuẩn Úy Tơ vừa đánh vừa rút đem về chi khu được gần một trung đội nhưng hơn nửa là thương binh. Cái tin Tơ đem về làm chúng tôi rúng động. Tơ cho hay chính anh thấy và đếm được 13 chiếc T54 càn lên nên rằng mìn và kẽm gai không thể chặn nổi.

    Hôm đó hai chiếc C123 quần trên cao thả dù tiếp tế.

    Tôi không rõ những kiện hàng thả xuống là gì - đạn dược, thuốc men hay cả lương thực nhưng dù bị gió đẩy đi rơi lạc mất hút vào cánh rừng bên ngoài. Tiếp tế cho ta trở thành tiếp tế cho địch. Phòng không bắn ran trời, phi công không thể nào xuống thấp hơn được nữa. Nhìn những chiếc dù bọc gió căng phồng với kiện hàng lơ lửng trên cao từ từ dạt ra khỏi vòng đai, chúng tôi tiếc hùi hụi.

    Đêm đến, ngoài ánh hỏa châu lập loè, mọi sự yên tĩnh lạ thường. Địch không chơi 82 ly vào chi khu nữa. Chúng chơi trò gì đây? Pháo hay không, chúng tôi vẫn phải thức. Khoảng hai giờ sáng, một nghĩa quân bưng đến cho tôi một ca nhôm.

    - Trung Úy, làm tô mì cho đỡ xót ruột.

    Đời sống lính tráng có nhiều điều nếu rời khỏi sẽ gây nhớ nhung đến lạ lùng. Phải chăng chính vì những ca nhôm nóng bỏng và mì gói Đại Hàn này đã khiến tôi trở lại Đồng Xoài thay vì lặn luôn để đi Mỹ ? Tôi vốn khảnh ăn và lại dễ ăn. Ăn gì cũng được, chỉ tôi ăn không được nhiều. Dung vẫn nhăn nhò vì mỗi lần hai đứa đi ăn bíp tếch, tôi chỉ ăn hết non nửa, dù miếng bíp tếch của Tài Nam cũng chẳng to lớn gì, mà lại mỏng tanh. Bỗng ông Thái đến cạnh tôi bảo:

    - Trung Úy ăn xong, đi ngủ đi, để tôi lo. Nó chơi lớn ông thức cũng vừa.

    Ông Thái ngồi bệt xuống cạnh tôi, hai người dựa vào vách tường bao cát hơi ẩm lạnh. Vừa húp mì, vừa gật gù, tôi hỏi:

    - Vợ con ông ra sao?

    - Hà, đứa nhỏ mới sáu tháng, ở Nha Trang với ông bà nội. Ba tháng rồi chưa thấy mặt.

    - Bà ấy có than thở gì không?

    - Trung Úy độc thân vui tính, lương bao nhiêu cứ xài cho hết, vả lại gia đình Trung Úy còn tiếp tế thêm nữa. Sĩ quan vợ một con cả tháng lương chỉ đủ mua gạo với cá khô. vợ tôi phải buôn bán thêm mới đủ sống.

    Câu chuyện đến đây tắc nghẽn. Tôi không biết nói gì với người sĩ quan sấp sỉ tuổi tôi. Chúng tôi sinh ra vào thời loạn, đâu có quyền lựa chọn? Tôi đánh trống lảng:

    - Vậy ông trông coi anh em, tôi nhắm mắt một lát.

    Tôi chui vào căn hầm ở giữa tuyến nơi bố trí khẩu đại liên. Căn hầm vuông vức có sẵn mấy chiếc ghế bố. Lột chiếc mũ sắt, tụt bỏ chiếc áo giáp và giày ATB, tôi ngả người trên ghế bố và chìm vào giấc ngủ lúc nào không rõ.

    Khoảng nửa trưa, Thiếu tá Đặng Vũ Khoái triệu tập tất cả sĩ quan của chi khu Đôn Luân để nghe ông thuyết trình. Chữ thuyết trình có lẽ quá to, đúng hơn là những lời trấn an:

    - Tôi đã nói chuyện trực tiếp với Đại tá Tỉnh Trưởng và trên Quân Đoàn. Một kế hoạch hành quân lớn đang được ráo riết chuẩn bị và sẽ có nhiều chuyến thả dù tiếp tế hơn. Nhân danh chi khu trưởng, tôi đã đoan chắc tinh thần của sĩ quan và binh sĩ Đồng Xoài là quyết giữ chi khu này bằng mọi giá. Tôi và Đại Úy Tố hiện đang dự trù để nếu có hành quân giải tỏa, chúng ta có thể mở đường tiếp tay với lực lương bạn từ phía ngoài.

    Các sĩ quan chi khu không ai lên tiếng. Nói gì bây giờ. chúng tôi đều biết rõ các tiền đồn đã bị đánh tan. Chốt cuối cùng của Chuẩn Úy Tơ cũng đã vỡ. Phòng không địch dày đặc quanh chi khu chứng tỏ địch đang bố trí cho một trận đánh lớn. Hoặc là nuốt gọn chúng tôi. Hoặc là dùng Đồng Xoài cho như nhử mồi giăng một cái bẫy chờ sẵn để nghênh chiến với các đơn vị giải tỏa do tỉnh và quân đoàn gửi xuống. Cách nào thì chúng tôi cũng là kẻ bị động, không thể nhúc nhích gì được. Hai ngày sau đó, địch chỉ pháo cầm chừng. Nhưng thỉnh thoảng có cả hỏa tiễn 122 ly. Lại thêm một dấu hiệu đáng ngại.
    Có cái gì căng thẳng lơ lửng trong suy nghĩ của tất cả anh em sĩ quan. Chúng chơi trò gì đây? Giống như khí hậu oi nồng báo trước trận bão, tôi linh cảm thấy địch sẽ tấn công bất cứ lúc nào.


    Đến đêm thứ chín thì tình hình khác hẳn. Địch pháo liên tu bất tận. 82 ly rồi 122 ly. Có lẽ đề lô địch đã chỉ điểm rõ và cự ly pháo cũng đã được điều chỉnh, đạn địch rơi ì ầm vào chi khu và đôi khi sát bên các giao thông hào. Pháo không ngơi nghỉ. Những tiếng rít của 122 ly nghe lạnh xương sống. 122 ly nghe nổ giòn hơn 82 ly. suốt bao năm cầm súng đến nay, tôi mới nhận biết điều này. Chỉ nghe tiếng đạn rít lên là tôi có thể phân biệt có đúng 122 ly không. Bốn khẩu cơ hữu của chi khu lúc này cũng hoạt động liên tục hơn nhưng nếu so về cường độ thì chẳng thấm vào đâu. Chúng tôi chịu trận đến sáng thì có tin mừng vào ngày thứ 10 của cuộc tử thủ.

    Chúng tôi được tiếp viện. Trên truyền tin của mã số 25, chúng tôi nhận được một câu ngắn ngủi "Chúng tôi yêu thương các anh". Yêu thương là yểm trợ theo ngôn ngữ truyền tin Y-T. Mã số 25 có lẽ là của cấp chỉ huy quan trọng vì rất nhiều đài liên lạc làm việc với 25. 25 yêu cầu chúng tôi cho hay pháo và phòng không địch nặng nhất là về hướng nào. Tinh thần mọi người lên như diều. Tôi dán tai vào máy vừa nghe vừa lượng định.

    Chắc chắn 25 phải là thẩm quyền quan trọng và chắc chắn lực lương tiếp viện phải là Dù hoặc Lực Lượng Đặc Biệt. Có thể là hành quân trực thăng vận vì với địa thế này khó mà nhảy dù. Vả lại theo trí nhớ lơ mơ của một anh trung úy, tôi nghĩ đã lâu lắm quân đội không còn hành quân nhảy dù nữa. Tại sao thì không rõ. Hoặc giả vì địa hình địa vật không thuận lợi. Hoặc là chúng ta quen đánh kiểu Mỹ, trực thăng vận chăng?

    Tôi và các sĩ quan xúm lại chăm chú. Tiếng PRC nghe rồ rồ.

    - 25 đây. 25 đây. Nghe rõ trả lời. Roger.

    - Năm trên năm. Roger.

    - Cho biết tọa độ nặng. Tọa độ nặng

    - Mười bảy hai tám ba hai. Lập lại mười bảy hai tám ba hai. Roger.

    - Đà điểu. Đà điểu. Nghe rõ trả lời. Roger.

    - 25 nghe năm trên năm. An toàn bãi đáp.

    Chúng tôi đều hiểu thẩm quyền 25 muốn phi pháo đánh vào mục tiêu chỉ điểm để có thể mở một khoảng trống làm bãi đáp cho trực thăng. Không khí trong tuyến như bừng lên chờ đợi. Khoảng mười lăm phút sau hai phi cơ xuất hiện. Binh sĩ hớn hở ra mặt, mọi người đều nhô lên khỏi các bao cát quan sát. Hai chiếc F5 đảo trên cao hai vòng và chúi xuống hướng phía tuyến của Đại Úy Tố. Phòng không địch dày như lưới đan. tiếng bom nổ ì ầm. Hai chiếc F5 nữa xuất hiện lao xuống. Tôi chăm chú ước lượng. cao quá. Kinh nghiệm hành quân với toán Mầu của lực lượng không kỵ Hoa Kỳ cho tôi thấy đánh bom kiểu này không kiến hiệu. Ngày xưa còn đánh giặc theo kiểu Hoa Kỳ, mỗi lần sửa soạn bãi đáp trực thăng, bom đạn xài thả cửa. Pháo xong là cả chục phi tuần của Đệ Thất Hạm Đội lao tới. Sau đó trực thăng UH1 võ trang đại liên và hỏa tiễn rà. Tôi đã ngồi nhiều năm trên những chiếc phi cơ quan sát để "clear" bãi đáp. Hồi đó tôi vẫn còn có cái ý nghĩ không còn cái gì nhúc nhích được sau những đợt phi pháo kinh hồn như vậy. Đó là những cuộc hành quân của ngày xưa chưa Việt Nam hóa chiến tranh. Phòng không địch lưa thưa và thường rất yếu. Lúc đó Hà Nội chưa thể chuyển vào Nam các vũ khí cơ giới và phòng không cỡ này vì đường mòn Hồ Chí Minh bị đánh bom liên tu bất tận.



    Từ cái tuyến lép nhép và ẩm ướt nhìn ra, tôi thấy khó mà đổ bộ trực thăng nổi trong tình huống hiện nay. Một anh Trung Úy quèn như tôi mà còn nhìn ra thì thẩm quyền 25 phải thấy. Quả nhiên sau bốn phi tuần, có tiếng 25:

    - Rất yêu thương các anh. Trời lại sáng. Lập lại yêu thương các anh. Trời lại sáng. Lập lại trời lại sáng.

    Lúc đó trời đã về chiều. chúng tôi hiểu rõ. 25 hẹn ngày mai trở lại. Tôi cười bâng quơ. Ngày mai có thật sáng sủa chăng?

    Chưa biết ngày mai như thế nào nhưng tối hôm đó êm ả lạ kỳ. Sau 10 ngày căng thẳng tôi thấy cơ thể rã rời. Binh sĩ trông nhếch nhác, dựa lưng vào tường ngủ gà ngủ gật. Tôi và các sĩ quan vẫn phải chia phiên đôn đốc cắt gác, thượng phiên trực. Địch có thể mở cuộc tấn công bất cứ lúc nào. Cả hôm đó địch chỉ pháo lai rai. Tôi được một nghĩa quân đưa cho hai cục kẹo màu xanh gói trong giấy bóng. Rõ ràng là kẹo nội địa, kẹo Chợ Lớn và là loại rẻ tiền. Tôi nhớ rõ vì quả không bao giờ tôi lại nghĩ được ăn kẹo vào lúc đó. Kẹo đã hơi nhão ra, dính vào giấy bóng kính rất khó bóc, nên tôi bỏ cả hai cục vào miệng rồi nhằn dần.

    Chính lúc đang cố dùng lưỡi đẩy cái giấy lẹp nhẹp ra khỏi miệng, tôi chợt thấy sự hiện diện của tôi nơi đây có những cái lý do của nó. Tôi là sĩ quan - Trung Úy Dũng - nhưng trong suốt bao nhiêu năm có mặt trong quân ngũ, chưa bao giờ tôi để tâm tới khía cạnh như kiểu vẫn được chính phủ nói tới như lý tưởng, bảo vệ tự do, như chiến tranh ý thức hệ, như tiền đồn của thế giới... Tôi bị đông viên thì đi. Được huấn luyện thành sĩ quan. Giáo dục của gia đình và học đường đã khiến tôi thấy những bổn phận đó là đương nhiên. Chưa bao giờ tôi đặt câu hỏi với tôi về ý nghĩa của cuộc chiến tranh cả.

    Nhưng tôi yêu quân đội vì có lẽ được sống và đã được chia sẻ với những người như anh nghĩa quân chia cho tôi cục kẹo. Trong cái ý nghĩ luẩn quẩn đó, tôi im lặng quan sát người lính dưới quyền. Anh ta khoảng 20 tuổi. Quá trẻ. Dáng dấp cho thấy giống bất cứ người thanh niên quê mùa nào, anh đăng nghĩa quân để được gần gia đình.


    Tôi vốn học trường Tây, mặc dù cố gắng tự học lịch sử Việt Nam nhưng vẫn rất mù mờ. Tuy nhiên tôi nhớ đến tổ tiên ta đã có thời sử dụng đến lực lượng bán quân sự gọi là Nông Binh. Không có giặc thì làm ruộng thì là Nông. Có giặc thì đánh, thành Binh. Người nghĩa quân ngày nay, có lẽ được xây dựng trên ý niệm đó. Tôi hỏi:

    - Sao, Tú vợ con gì chưa?

    - Chưa Trung Úy ơi. Nghèo chết mẹ có đứa nào thương đâu?

    - Đẹp trai thế thiếu gì đào.

    - Ối con gái thời nay chỉ có tiền thôi Trung Úy ơi.

    Và anh ta nhìn tôi:

    - Nghe nói Trung Úy sắp lấy vợ và đi Mỹ?

    A ha, chuyện của tôi đồn đại khá xa, đến người nghĩa quân này cũng biết. Tôi đánh trống lảng:

    - Ờ, chưa biết ra sao vì bây giờ mình đang bị pháo lia chia ở đây.

    - Lạy trời cho có giải tỏa.

    Tôi rùng mình. Hóa ra tất cả binh sĩ ở đây đều thấy ngõ cụt của chúng tôi. Niềm hy vọng duy nhất là một cuộc hành quân lớn từ ngoài đánh vào và chúng tôi sẽ từ trong đánh ra. Đánh ra thì chúng tôi sẵn sàng, nhưng phải có lực lượng bạn từ ngoài đánh vào. Tôi trấn an người thuộc hạ:

    - Đương nhiên là sắp có hành quân giải tỏa.

    Suốt ngày hôm đó không có biến cố gì. Chúng tôi ngóng 25 nhưng biệt tăm. Tin tức từ máy cho hay có đụng lớn nhiều nơi khác. Quận Phước Bình cũng bị pháo kích và tấn công. Tình thế xem ra không có gì lạc quan.

    Tôi thiếp đi được một hồi. Tỉnh dậy trời đã sập xuống. Đêm tối êm ả, không có 82 ly, không có 122 ly, chỉ có tiếng pháo cầm chừng của ta, có lẽ từ Bunnard bắn tới. Khoảng quá nửa đêm, qua PRC, thiếu tá Khoái gọi tôi sang bên ông. Gỡ hàng rào kẽm gai vòng, tôi đi len lỏi giữa các giao thông hào. Sau 10 ngày chịu trận, nơi đâu cũng phảng phất mùi lửa đạn, mùi thuốc súng.
    Tôi gặp Thiếu Tá Quận Trưởng đang ngồi ở bàn giấy, nơi tôi và ông cùng uống cà phê với ông Bảy 10 ngày trước.

    - Tụi nó nấu xôi lạp xưởng, tôi nhớ đến cậu, nên gọi sang ăn. Lạp xưởng đào cậu mua ngon lắm.

    - Dung nói lạp xưởng Mai Quế Lộ của Tàu. Tình hình tổng quát ra sao Thiếu Tá?

    Ông nhìn tôi im lặng một chút rồi chậm rãi trả lời:

    - Đáng lẽ cậu không cần từ giã tôi và anh em. Nhưng tôi vẫn chủ tâm hễ thoát ra thì cậu là người đầu tiên về Sài gòn. Cho tới giờ phút này, tụi nó chưa lộ hẳn sẽ chơi mình thôi hay dùng mình để cầm chân rồi đánh tỉnh. Tôi đã nói rõ với Đại Tá Thành rằng anh em mình sẵn sàng ăn thua đủ nhưng phải có tiếp tế và tải thương, và nhất là phải đánh bom nhiều hơn nữa. Đồ ăn thức uống thì còn có thể kéo dài nhưng thuốc men thì chẳng còn gì. Ông Bác sĩ Nam cho hay bệnh xá không còn thuốc cầm máu, hết trụ sinh, và ông cũng kêu trời như bộng. Đạn thì cũng tàm tạm nhưng cứ kiểu này không khéo mình thành Tống Lê Chân cũng nên.



    Tôi gõ xuống bàn suy nghĩ cố nhớ. Tống Lê Chân ở trên núi, địa thế hiểm nghèo và hồi đó phi pháo ê hề, Cộng Sản đâu đã có ưu thế về vũ khí. Đồng Xoài tứ phía là rừng và tụi tôi như nắm xôi nằm trên đĩa.

    - Liệu quân đoàn chơi có mạnh, hành quân phối hợp giải tỏa không?

    - Chưa biết. Cậu hiểu và tôi cũng hiểu. Mong rằng phía trên không kẹt ở đâu, để có thể lo cho mình.

    - Đại Tá Thành có hứa gì không?

    - Tất nhiên là hứa nhưng không có gì là khẳng định hết. Mấy đợt thả dù, lạc hết ra ngoài rồi.

    - Bốn đợt. Mất bộn à Thiếu Tá.

    - Mẹ kiếp, tiếp tế cho mình hóa ra tiếp tế cho địch.

    Nồi xôi chín và người hạ sĩ dọn cho chúng tôi hai đĩa xôi thơm phức cùng với một dĩa lạp xưởng xắt mỏng.

    Thiếu tá Khoái nói với người Hạ Sĩ:

    - Nấu hết xôi đem chia cho anh em, đừng để họ nghĩ tôi và Trung Úy Dũng ăn mảnh một mình không nghĩ đến họ.

    Lạp xưởng xắt mỏng màu đỏ tươi, dai nhưng vị ngọt và có thoang thoảng mùi rượu nếp - hay như mấy ông Tàu hay dọa anh em, mùi Mai Quế Lộ. Chúng tôi ăn chậm rãi, và tôi thấy Thiếu tá vẫn áo giáp mũ sắt dù đang ngồi trên ghế bành đằng sau chiếc bàn lớn.

    Khoảng ba giờ tôi tính đi trở lại phòng tuyến thì Thiếu tá bảo:

    - Đợi sáng hãy về. Ngồi đây làm ly cà phê đã.

    Không bao giờ tôi được về phòng tuyến nữa. Chắc cỡ bốn hay năm giờ sáng gì đó địch khai hỏa, bắt đầu pháo. Không phải là lai rai mà pháo tập trung. Bốn phương tám hướng. đạn 82, 122 rơi tứ tung ngũ hành. Thiếu Tá Quận Trưởng nhanh nhẹn rời khỏi chiếc ghế, vội vàng đi về phía hầm truyền tin, nơi đặt bộ chỉ huy chi khu. Tôi vồ lấy cây M16 vừa lui cui chạy vừa cố định hướng. Mới đầu nghe tiếng rít tôi còn hụp xuống, nhưng sau đó pháo rát quá tôi đâm liều, chạy phăng phăng và nhảy xuống giao thông hào nơi có đám thám sát tỉnh đóng trụ gần nơi để bốn khẩu pháo cơ hữu. Nơi đây là trung tâm chi khu, có lẽ bị ăn pháo nhiều hơn cả. Chúng tôi ở bẹp dí dưới các công sự chiến đấu. Tôi mò lại chỗ người lính truyền tin đang ôm máy PRC, tìm cách liên lạc với Thiếu Úy Thái.

    - Tango. Đây Zulu. Nghe rõ trả lời.

    Zulu là mã số của tôi. Độ dăm phút sau có tiếng trả lời:

    - Chạm nặng

    Và sau đó là tiếng rồ rồ không nghe gì được nữa.Tôi sốt ruột cố giữ tần số. Đạn nổ tứ bề đinh tai nhức óc. Địch tứ diện tấn công. Khoảng nửa tiếng sau tôi mới lại được lên máy nói chuyện với tuyến. Tôi nói rất nhanh:

    - Tango. Tango. Đây Zulu

    - Nhận rõ.

    - Đang kẹt bên 33. Tango ráng lo bên đó.

    - Nhận rõ. Tụi nó chơi dữ quá, T54 đang tràn lên.

    - Nghe rõ. Tango... ráng giữ ráng giữ...

    - Zulu.Zulu. Tụi nó tràn lên, tràn lên. Xáp lá cà. Xin yêu thương. Xin yêu thương...

    Đó là những lời cuối cùng của Thái. Tuyến bị tràn ngập vào khoảng bảy giờ sáng. Tôi không rõ số phận của mọi người ra sao, chỉ nghe viên trung sĩ thét qua PRC

    - Thiếu Úy tử trận. Địch tràn vào.

    Nơi tôi đứng, viên Thượng sĩ thủ khẩu 81 ly đã dựng súng gần như thẳng đứng. Thế có nghĩa là đạn nổ chỉ cách đó vài trăm thước. Tôi chạy ra tiếp đạn. Khói mù mịt tạo thành một màn hơi mỏng. Mùi thuốc súng làm mọi người hăng lên, khoẻ ra. Tôi không còn phân biệt được tiếng M16 hay AK47 nữa. Đúng lúc đó, có tiếng thét lạc giọng:

    - T54.

    Từ trong công sự chiến đấu, chúng tôi có thể nghe tiếng động cơ ầm ì nhưng đến lúc đó mới nhìn thấy rõ xe tăng địch. Tôi nghe tiếng chửi thề ngay bên tai:

    - Đù mẹ chúng mày.

    Và người lính thám báo nhảy hẳn lên khỏi hàng bao cát, quay khẩu M72 bắn. Chiếc T54 trúng đạn chao sang một bên nhưng vẫn chầm chậm lăn về phía hàng rào, pháo tháp trên với nòng đại bác 100 ly hướng về phía chúng tôi. Tôi nhìn thấy họng đại bác khạc lửa và sau đó là tiếng nổ. Người lính M72 lãnh nguyên trái đạn, chiếc áo giáp bay ra như bươm bướm, trắng cả một khoảng giao thông hào.

    Tôi không thấy thịt xương của anh ta, có lẽ cả người bị đạn 100 ly đẩy tuốt đi tận đâu. M72 không đủ sức hạ T54 vì chiến xa của địch đã được cải tiến thành xe hạ thấp và có độ nghiêng khiến đạn M72 bị trượt đi.

    Mấy khẩu đại bác được hạ nòng bắn trực xạ. Chúng tôi bắn liên hồi, có gì bắn nấy. Đột nhiên tiếng kèn nổi lên. Suốt hơn sáu bảy năm lính tôi chưa bao giờ nghe tiếng kèn xung phong. Tôi cũng chưa được đồng đội nào cho hay Việt Cộng có kèn xung phong. Nghe như xi nê nhưng thật tiếng kèn xung phong có một tác động ghê hồn. Nó không chỉ khích động bên kia mà nó còn khích động cả phía tụi tôi. Những người lính vừa bắn vừa chửi thề. Mới chỉ là kèn, địch chưa tung bộ binh đánh biển người nhưng thoáng phía xa là những di động thấy rõ là địch đang dàn trận để xung phong. Đúng lúc đó có tin Đại Úy Tố bị trúng pháo chết và tuyến của ông bị tràn ngập.

    Đạn bắn tứ phía đủ loại súng lớn, súng nhỏ. Đầu tôi lùng bùng. Tôi loay hoay suy nghĩ và nhảy khỏi giao thông hào mò về bộ chỉ huy chi khu. Tôi muốn biết TT Khoái quyết định ra sao. Vỏ đạn rơi vãi khắp nơi, những bao cát tung toé vì pháo. Sục mãi không tìm được ông Quận Trưởng, tôi thoáng thấy hai người lính núp sau mấy chiếc lu lớn phía sau tư dinh. Bò lại thì ra hai ông lính kiểng người Tầu Chợ Lớn làm bếp cho ông Quận. Tôi hỏi:

    - Thiếu Tá đâu?

    Hai ông lính to béo cầm M16 chắc chưa bắn phát nào, mặt mày tái mét:

    - Tụi em vừa thấy ông Quận và mấy người Stieng. Ông Quận bảo tụi em ở đây bắn chận.

    Tôi biết chắc hai ông lính này không biết bắn chận là gì. Nhìn điệu bộ họ, tôi nghĩ suốt đời lính họ chưa bao giờ phải bóp cò. Tôi chạy vào văn phòng. Đồ đạc vẫn y nguyên, ngó thấy dây chạc ba trên có gắn tùm lum, thứ dây chạc của phi công Mỹ với thuốc men, máy Beacon, tôi khoác vào vai. Tôi biết rõ cái dây chạc này nhờ hồi hành quân với người Mỹ. Cái máy Beacon lớn cỡ bao thuốc lá sẽ phát ra tín hiệu khiến phi cơ biết người phi công đang ở tọa độ nào để đến cứu. Tiện tay thấy một tấm bản đồ hành quân, tôi thủ luôn vào túi quần trận.

    Vừa lui cui chạy dọc theo phía bao cát tôi thấy hai nghĩa quân đang đứng ôm M16 hướng ra ngoài. Một trái 122 ly nổ giữa sân, đất cát bắn tung toé. Chiếc cột cờ gãy ngang, lá cờ vẫn vướng vào dây rách lỗ chỗ. Người nghĩa quân quay sang nói với tôi:

    - Tội lá cờ, để em ra lấy.

    Tôi chưa kịp cản thì anh ta đã lao ra giữa sân. Một trái 122 ly nữa nổ tung. Người nghĩa quân ngã gục trên lá cờ và chỉ một giây sau đó, xác anh bật tung lên vì trái lựu đạn của anh có lẽ đã tuột kíp nổ. Người nghĩa quân nằm đó bất động, cờ tẩm máu đỏ rách bươm quấn lấy đầu anh.

    Mò trở lại khu trung tâm, tôi gặp Trung Úy Hùng. Đúng lúc đó viên Trung Úy Pháo binh thủ pháo cơ hữu nhảy qua vòng concertina, quần áo rách tả tơi, có lẽ vì vướng dây thép gai. Giọng ông ta như lạc hẳn đi:

    - Tụi nó đông quá, có cả chục T54, không giữ nổi.

    Rất nhanh, tôi hiểu và hỏi lại, khá gay gắt:

    - Ông có hủy pháo không?

    - Không kịp. Tụi nó bắn rát lắm.

    - Ông trở lại nói anh em hủy ngay. Đâu có thể để mấy khẩu pháo lọt vào tay địch.

    Tôi không nhớ tên người Trung Úy Pháo Binh nữa, nhưng suốt đời khó mà quên được nét mặt ông ta. Giữa bổn phận của một người lính, hơn nữa, của một cấp chỉ huy, và sinh mạng của chính mình, ông thẩn người ra. Tiêu lệnh hành quân bất cứ sĩ quan nào cũng rõ là phải hủy võ khí, không để lọt vào tay địch, nhất là loại vũ khí nặng và máy móc truyền tin. Nhưng rồi ông ta cũng lẳng lặng quay trở lại vị trí của các khẩu pháo 105 và 155 ly. Tôi cũng không biết ông ta có hủy nổi mấy khẩu đại bác không, nhưng ít ra thì ông cũng xứng đáng là một sĩ quan.

    Tôi chúi người lao về phía trước. Vừa nhảy xuống hào thì nghe chuẩn úy Kiệt nói rít qua kẽ răng:

    - Bệnh xá bị rồi. Bác sĩ Nam tử trận.

    Đúng lúc đó, người trung sĩ truyền tin la:

    - Có tỉnh liên lạc. Có tỉnh liên lạc.

    Tôi áp tai vào ống nghe.

    - 72 đây. Cho gặp giới chức thẩm quyền cao nhất. Nghe rõ trả lời.

    Không còn ngôn ngữ truyền tin, ám số, mã số gì ráo, y như đang nói điện thoại. Tôi nói như thét vào ống nghe:

    - Đây hai mai Dũng. Trưởng Bắc Bình 3. Nghe rõ 72.

    - Tôi đặc cách thăng Trung Úy lên Đại Úy. Yêu cầu giữ Đồng Xoài bằng mọi giá. Sẽ có yểm trợ ngay.

    - Địch đông, đại đơn vị, công trường 7 có T54. Hai phòng tuyến đã vỡ. E không kịp.

    - Tôi đặt hết tin tưởng nơi Đại Úy, hãy cố tử thủ, giữ Đồng Xoài bằng mọi giá.

    "Bằng mọi giá". Giá đó là giá nào? Và trong suốt đời lính, đó lần lần duy nhất tôi được gọi là Đại Úy.

    Dù đứng sát và nghe cuộc điện đàm, Ông Trung Úy Hùng vẫn hỏi:

    - Ông Quận đâu?

    - Không thấy.

    Hai đứa tôi nhìn nhau. Đời lính của tôi cũng đã đủ gian truân, nhưng đến cái mức này thì quá sức chịu đựng. Trung Úy Hùng nhìn tôi:

    - Bây giờ ông là sĩ quan cao cấp nhất ở đây, ông tính sao?

    Tôi chợt hiểu. Trước hết hai đứa đều là Trung Úy, nhưng tôi thâm niên hơn và hơn nữa giữ trưởng ban 3 kiêm ban 2, tức chức vụ cao hơn ông ta. Tôi là người phải quyết định. Ông Hùng chắc biết rõ cái lúng túng của tôi.

    - Chơi hay không là tùy ông. Ông chơi thì tôi theo. Ông dọt thì tôi cùng dọt.

    Tôi quan sát xung quanh. Khói nghi ngút ở các nơi bốc lên, không khí sặc mùi thuốc súng. Nhìn cảnh nhếch nhác của binh sĩ tôi quặn đau. Ba tuyến thì bị tràn ngập hai, nhiều chỗ gần như đánh xáp lá cà. Đúng lúc đó hai người lính khiêng Trung Úy Vận tới. Ông nằm trên băng ca, máu me đầy người. Trung Úy Vận lo truyền tin cho chi khu. Tôi cúi xuống thăm ông như một cử chỉ tự nhiên, và nói không suy nghĩ.

    - Ông bị như vầy lên đây làm gì. Tôi nói tụi nó đưa ông xuống hầm truyền tin nghỉ ngơi.

    - Dũng, Moa đã hủy hết máy rồi. Moa chắc sẽ chết. Ở đây hay dưới hầm cũng thế. Moa có việc nhờ Toa.

    Giọng ông bình tĩnh, rõ ràng khiến tôi khựng lại. Con người ta nghe nói trước khi chết rất tỉnh. Tôi lạnh người nhìn ông Vận:

    - Được. Toa nhờ gì Moa cũng nhận.

    - Toa lo cho thằng em Moa. Nó còn nhỏ, bà già Moa bảo Moa đưa nó về truyền tin ở với Moa, tưởng êm ai ngờ...

    Và ông ngước mắt nhìn lên. Tôi nhìn theo. Đó là một thanh niên trẻ, dù mũ sắt, đồ trận, nhưng vẫn không dấu nổi khuôn mặt thư sinh. Tôi nhìn bảng tên và nói rất nhanh.

    - Yên trí, Moa sẽ lo cho thằng Hoàng, coi nó như em Moa. Bây giờ Toa để tụi nó khênh Toa xuống cho chắc.

    Hẳn là Trung Úy Vận không bao giờ ngờ và tôi cũng không bao giờ tưởng được người sống sót là ông và người chết lại là Hoàng, người em thư sinh của ông, nay là em tôi. Nhưng đó là chuyện về sau.

    Trung Úy Hùng lôi tôi về thực tế.

    - Ông tính sao? Ông Vận hủy máy rồi.

    Chi Khu có một hệ thống truyền tin gồm nhiều máy PRC di động và một hệ thống TRC 46 đặt cố định đặt ngầm dưới đất.

    Ngay lúc đó địch mở một trận tiến công vào tuyến phòng thủ cuối cùng. Nhưng Trung Úy Hùng và các binh sĩ dưới quyền đã có kinh nghiệm trong trận bị càn mấy hôm trước, đã phản ứng rất hiệu quả. Thêm đó, Chính Trung Úy Hùng đã nhảy lên đứng trên miệng hầm vừa la hét, vừa bắn M79 khiến tinh thần binh sĩ lên cao tột độ, cùng sát cánh bắn xối xả. Địch bị khựng lại, chưa kịp ổn định thì toàn thể trung đội thám báo của Chuẩn Úy Kiệt đã tràn lên xung phong đánh bật hẳn đơn vị địch ra khỏi tuyến.

    - Ông lo gom hết anh em lại, nhớ dặn trang bị đầy đủ, mình mở đường ra.

    Hình như Trung Úy Hùng chỉ chờ có thế. Ông miệng hét tay chỉ. Tôi bảo viên Hạ sĩ truyền tin:

    - Liên lạc với Bà Rá.

    Bà Rá là căn cứ tiếp vận truyền tin. Khi đã lên được máy tôi nói:

    -Yên Bái. Yên Bái. Đây là zulu 2. Địch tràn vào. Địch tràn vào.

    - Yêu cầu cho OK vào Charlie, yêu cầu pháo lên đầu tôi. Cho pháo tối đa vào Charlie.

    Họ hiểu ngay tôi muốn gì. Tôi xin đánh bom và pháo vào ngay chi khu. Đài tiếp vận có vẻ rất quen với những trường hợp này, hỏi ngay:

    - Yêu cầu xác nhận giới chức thẩm quyền.


    Tôi xưng tên, cấp bậc và vắn tắt cho hay chi khu đã bị tràn ngập, và tôi đã quyết định mở đường máu rút. Ngay sau đó, 4 chiếc F5 xuất hiện trên vùng trời. Trung Sĩ Châu thuộc đội thám báo của Chuẩn Úy Kiệt vội nhảy lên miệng hầm, ném những trái khói mầu đỏ ra tứ phía. Hình như nhìn thấy pháo hiệu, mấy chiếc F5 thay phiên lao xuống, chiếc này nối đuôi chiếc kia để bảo vệ lẫn nhau theo đúng chiến thuật.

    Tuy nhiên, không rõ vì lo cho số phận các chiến hữu còn kẹt trong căn cứ hay vì phòng không địch quá mạnh mà đa số bom đều rơi bên ngoài căn cứ. Dù vậy một vài trái gần nhất đã phá tung hệ thống rào làm rúng động toàn căn cứ. Địch quân hoảng hốt nhào xuống các hố cá nhân và giao thông hào.
    Thời điểm đã đến. Không chần chừ, tôi cho rút quân. Tôi không điểm quân số, nhưng có lẽ trên dưới 30 người cả thảy và tôi có hai máy PRC cùng với hơn mười khẩu M72, M79. Lợi dụng bom phá bãi mìn, chúng tôi quyết định rút theo hướng bồn nước. Tôi phân công:

    - Ông Hùng đi trước, đến tôi. Chuẩn Úy Kiệt lo phía sau.

    Lặng lẽ, và rất nhanh, chúng tôi sắp thành đội hình lần về phía bồn nước.
    Khi nhìn lại chi khu, tôi thấy thiết giáp đã tràn vào rất gần nơi để khẩu pháo. Tôi thấy rõ bốn khẩu pháo ở tư thế nằm hạ sát xuống đất. Như vậy trung đội pháo đã có ý định tử thủ vì với tư thế hạ càng như vậy họ sẽ sử dụng một loại đạn mà tất cả các pháo đội không bao giờ muốn phải sử dụng đến. Đó là loại đạn bắn trực xạ, mỗi viên đạn chứa hàng nghìn mũi tên nhỏ để chống biển người. Tôi hiểu những người lính pháo binh đã quyết định đem chính mạng sống mình buộc chặt vào những khẩu pháo.


    Trung Úy Hùng cho bắn M79 và M72 phá hàng rào kẽm gai và mìn mở một lỗ hổng lớn. Vừa bắn, vừa lom khom chạy, từng toán chúng tôi ra khỏi chi khu.

    Tiếng kèn xung trận vẫn theo gió rít lên như tiếng hú của tử thần. Bò ra được độ vài trăm thước tôi ngoảnh lại. Cờ mặt Trận Giải Phóng đã được cắm trên nóc cao nhất của B14 hoặc chi khu Đôn Luân, từ nay có lẽ được gọi là Huyện Đôn Luân.
    Last edited by khongquan2; 06-06-2012, 08:20 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X