Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chuyện Đời Lính: Nhớ Người Lính Già "Đầu Gió"

Collapse
X

Chuyện Đời Lính: Nhớ Người Lính Già "Đầu Gió"

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chuyện Đời Lính: Nhớ Người Lính Già "Đầu Gió"

    Nhớ người lính già “Đầu-Gió”

    Cơ- Phi C7A: Thành Giang


    Nhân đọc lá thư cảm động của “Người Lính Già Phù Cát” khích lệ tinh thần người em Không quân bệnh họan, “Lính Trẻ Đầu Gió”, cơ-phi Caribou Phạm Minh Hồng, người lính Không quân 19 tuổi của năm 1972 thuở nào.

    Cái phong cách khích lệ tinh thần xem “cái chết nhẹ tựa hồng mao” của một người anh, từng là lính “đầu gió” vẫn còn nguyên hiện trong tâm tư anh. Đọc lá thư ngắn gọn một trang giấy của anh, nhưng tràn đầy tình cảm. Đã mang chúng tôi sống lại cái thời quá khứ của những năm 1972, một người Không quân trẻ “đầu gió” lúc tôi vừa 22 tuổi.

    Anh đã mang chúng tôi trở về những vùng đất lạnh tanh (lạnh cẳng), lạ hoắc, người đời ít ai biết đến những cái địa danh “khỉ ho cò gáy”: A-Shau, Djamap, Mang Buk, Plateau-Gi, Tonle-Cham (Tống Lê Chân), dầy đặc quân thù. Những vùng đất đã in dấu giày của những người chiến sĩ Không quân C7A Caribou đầu gió, trong đó, tôi đã nhìn thấy hình ảnh, chân dung người tuổi trẻ của chính mình. Đã gian lao, thi hành những phi vụ trên vùng đất địch, cung cấp đầy đủ những phương tiện: thực phẩm, thuốc men, gia dụng và đạn dược cho những người chiến sĩ Lục quân “đầu gió” thân yêu, kiên cường, vững tay súng trong tinh thần chiến đấu chống cộng, bảo vệ quê hương tự do Miền nam.

    Cứ mỗi lần ai nhắc đến Phù Cát. Chúng tôi lại chạnh lòng nhớ ngay đến Người Lính Già Phù Cát, anh cả của những người Không quân “đầu gió” đồn trú ở tỉnh Bình Định. Phù Cát đã gắn liền với hình ảnh và cuộc đời của anh. Một vị chỉ huy trưởng nhân ái, đáng kính: gốc người miền nam, thích tếu, tinh thần chiến đấu dũng mãnh. Ông còn là một “ca sĩ đồi núi” hiếm quý của những người lính Không quân đầu gió ở Phù Cát.

    Trong bức thư ngắn anh nhắc nhở đến địa danh Đức-Cơ (anh tếu, anh em không quân C7A gọi là Đức… Cu, có nghĩa là “đi đon”). Địa danh này anh nhắc nhở cho chúng tôi hình ảnh của những người anh em biệt đội C7A Caribou ở Phù cát đã nằm xuống vĩnh viễn ở Nhơn-Cơ (hay Nhơn… cu). Anh đã tặng hai câu thơ cảm động qua hình thức câu hỏi (với những người còn sống):

    Phi đạo đợi chờ, đêm buồn thỏ thẻ,
    Chuyến bay này… anh trở lại không anh??? TP.

    Chúng tôi xin mạn phép Người Lính Già Phù Cát, thay mặt phi hành đoàn đã khuất của đại-úy Hoàng Trọng, tr/u Hội, trung-sĩ I Nguyễn Minh Bạch, khóa 5/69 Cơ-phi của chúng tôi và h/s Trương Thế Thảo trả lời câu hỏi của anh, qua hai câu thơ, đáp lời anh (của những người đã hy sinh):

    Phi đạo buồn tênh, đêm dài than thở,
    Chuyến bay sầu… anh trấn mãi Nhơn-cơ!!! TG.

    Chúng tôi rất thích thú khi đọc hai câu thơ chất vấn phi-hành-đoàn còn đang sống của anh, chỉ có hai câu thơ, chia ra làm bốn vế, anh mượn cảnh vật, để chất vấn người ra đi, vì còn sống mới còn đợi chờ và còn thỏ thẻ giữa những người còn sống với nhau.

    Hai câu thơ cảm hứng của chúng tôi, phụ hoạ với lời giải đáp, cũng dựa sát với bốn vế trong hai câu thơ của anh, chúng tôi xin dùng phi hành đoàn đã hy sinh để trả lời với anh, cùng một cảnh vật, khi đã chết rồi thì cảnh vật của phi đạo đó nó trở nên buồn tênh, không còn tái ngộ, mới có lời than khóc, và câu thơ thứ hai đã trả lời câu hỏi của tác giả bài thơ, những người ra đi đã khẳng định không trở về nữa.

    Tiêu biểu là phi-hành-đoàn của Đ/u Hoàng Trọng, gồm có 4 người và 25 Biệt kích quân, của Sư đoàn 23 Bộ binh đã vĩnh viễn, các anh muôn đời trấn giữ Nhơn Cơ.

    Cũng để đáp lại 4 câu thơ khác của anh (lính già Phù Cát) đã tặng cho thằng em cơ-phi Caribou năm xưa như sau:

    Một chuyến bay đi chẳng hẹn về,
    Chuyện đời bay bổng sống lê thê
    Lấy mây trời đắp làm chăn ấm,
    Lấy gió rì rào ru giấc mê. Thiên Phong.

    Xin phụ hoạ thêm 4 câu thơ kết:

    Làm thân “chim sắt” mơ mộng đẹp,
    Rũ cánh chim trời giữa không-gian
    Gom mây cuốn gió làm hương khói
    Tiễn biệt Không-gian, đẹp tuyệt vời! Thành Giang.

    Đọc 4 câu thơ của anh, chúng tôi cảm thấy buồn lâng lâng, thảm não, bi quan, có môt chút ủy mỵ cho một kiếp người Không-quân phi-hành.

    Chúng tôi cảm hứng, phụ họa thêm với anh bốn câu thơ mang cảm nghĩ chung của những người lính Không-quân phi hành của Không-lực VNCH. Có một chút gì đó tươi mát, lạc quan hơn, của một chút tự hào, hãnh diện, trong một ước mơ nhỏ của tuổi trẻ. Biết rằng phi hành trên không gian rất nguy hiểm, với những cái chết thê thảm, không lường. Nhưng đó là những cái chết đẹp tuyệt vời! Sự hy sinh cứu dân tộc, cứu đất nước, đánh đổi bằng xương máu, tiêu diệt kẻ thù tàn bạo. Cái chết đó bao giờ cũng sáng ngời và tuyệt đẹp! (tác giả bài viết và Người Lính Già Phù Cát không phải là những nhà thơ, cảm tác và mượn cái sườn của mấy câu thơ tả oán của người anh cả, Lính Già Phù Cát, phụ họa thêm cho vui, đọc giải trí, xin miễn phê bình về luật làm thơ của chúng tôi).

    Tám câu thơ tổng hợp nầy (giữa hai người cựu lính Không quân “đầu gió” ở Phù Cát, một già một trẻ) xin tặng vong linh của 14 anh em thân thương C7A Caribou đã nằm xuống cho quê hương thân yêu miền nam Việt nam Tự do.

    Gồm các anh:

    1. Tr/u Nguyễn Văn Hùng, tr/s Đinh Khắc Tuấn, đã tử nạn ở Tuy Hoà cùng thiếu tướng Trần Thanh Phong.

    2. Tr/u Đoàn Thế Hảo, đã vui chơi vùng trời An Thới, đảo Phú Quốc,

    3. Tr/u Phạm Tường Phương, th/u Nguyễn Hữu Quang, tr/s Nguyễn Ngọc Lượng, khóa 5/69, h/s Ngụy Ngưu và h/s Nguyễn Văn Kêu. Mất tích, lang thang ở Ban Mê Thuột, chẳng chịu về.

    4. Tr/u Nguyễn Thành Tạo và đ/u Nghinh đã gục ngã trong trại cải tạo Việt nam(*).

    5. Và phi hành đoàn của đ/u Hoàng Trọng, gồm 4 người.

    NGƯỜI CA-SĨ “ĐỒI-NÚI” BẤT KHUẤT.

    Những tưởng làm việc trên các loại phi cơ vận tải là vận may, yên ổn làm việc ở những phi trường lớn an ninh của Sài-gòn, Nha trang hay Đà-nẳng. Nào ngờ bị đẩy ra vùng đất lạnh (lạnh cẳng) Phù Cát. Để trở thành người Không quân “đầu gió”.

    Tháng Ba, 1972, Chúng tôi đã hiện diện ở căn cứ Phù Cát, còn đang chờ đợi Không quân Hoa kỳ bàn giao phi cơ mới C7A Caribou cho Không quân VNCH, đồn trú ở Căn cứ 60 Chiến thuật, Phù Cát.

    Phi đoàn 427, Caribou đang được thành lập, với những buổi họp phi đoàn, cùng những lời nhắn nhủ từ Bộ Chỉ Huy căn cứ.

    Cảnh giác anh em phi hành Caribou rằng: nếu chẳng may, phi cơ bị trục trặc, lâm nạn phải đáp khẩn cấp ở bất cứ nơi nào trong tỉnh Bình Định. Nên tránh né vào nhà dân, để khỏi bị sát hại hay bị giải giao cho Việt cộng. Người dân Bình Định là những cái ổ chứa quân cộng sản, đầu óc của những người nghèo khổ nầy họ bị mê hoặc bởi cái xã hội chủ nghiã không tưởng, rất nguy hiểm.

    Phù Cát buồn tẻ càng thêm tê tái với những lời cảnh giác, càng khiến cho không khí thêm căng thẳng, đêm ngủ vật vờ lo sợ “đặc công Việt cộng xâm nhập cắt cổ”, ban ngày đi chợ búa phải ngó trước trông sau.

    Một buổi chiều Phù Cát tuyệt đẹp. Lệnh khẩn cấp từ văn phòng Căn cứ trưởng chuyển đến tất cả các đơn vị trong căn cứ 60 Chiến thuật, phải tập họp trên ngọn đồi, cạnh kho chứa bom đạn của căn cứ, bên hông phi đạo Phù Cát. Không ai biết về mục đích chính của buổi họp bất thường, trong đêm hôm đó.

    Ngoại trừ những nhân viên KQ có nhiệm vụ của căn cứ, tất cả những nhân viên KQ không phân sự khác đã hiện diện đông đủ trên đỉnh đồi căn cứ Phù Cát. Thì ra, một buổi văn nghệ đấu tranh chính trị, và giằn mặt Việt cộng tỉnh Bình Định của Người Lính Già, căn cứ trưởng Phù Cát.

    Lần đầu tiên chúng tôi diện kiến và biết mặt “xếp lớn”, mặt trời của căn cứ Phù Cát. Ông giản dị, bình dân, vui tính, lời lẽ rất tếu của một người dân Nam kỳ. Sau phần trình bày về mục đích buổi họp mặt của căn cứ. Ông cao hứng, trình bày một bản nhạc để đời “Trên Bốn Vùng Chiến Thuật” thân tặng tất cả những người chiến sĩ Không quân “đầu gió” ở Phù Cát của ông và chủ đích chính yếu của buổi họp, trong đó ông nhắn gửi những người đặc công Việt-cộng nằm vùng trong Không quân, đang tiềm ẩn trong căn cứ.

    Chúng tôi mới khám phá ra bản tính nghệ sĩ của ông, lòng trong chiêu bài chiến tranh tâm lý rất hữu ích cho nền an ninh của căn cứ, đang bị Việt cộng Bình Định thường xuyên hăm he tấn chiếm. Ông đã phải dùng đến hơi hám của những quả bom đặc biệt mới vừa tiếp nhận, đánh những đòn tâm lý, làm “động não” đến những con thiêu thân của chiến tranh.

    Lòng trong phần văn nghệ của người ca sĩ “đồi núi”, Người Lính Già Phù Cát. Là những lời thách thức mạnh mẽ, ông gửi cho những người Cộng sản Bình Định một thông điệp qua các tay “Việt-cộng nằm vùng” trong căn cứ.

    Ông hùng hồn giới thiệu những quả bom hạng nặng, loại bom nguyên tử mini, đủ sức tiêu diệt những kẻ nào dám xâm nhập phá hoại với các ý đồ cưỡng chiếm căn cứ Phù Cát của ông. Trong đó, ông giới thiệu những nhân vật chính là những chàng phi công trẻ của phi đoàn tân lập 532, Gấu-Đen, A37 và Mãnh sự 243 trực thăng, dưới quyền chỉ huy của ông, sẽ làm cỏ đối phương. Những quả bom đó hiện đang tồn trữ và nằm dưới hầm chứa bom ở chân đồi trong căn cứ Phù Cát, mà mọi người đang hiện diện trên ngọn, của đỉnh đồi.

    Sau buổi họp mặt trên ngọn đồi Phù Cát, năm 1972. Cứ mỗi lần nghe lai bản nhạc Trên Bốn Vùng Chiến Thuật thì hình ảnh Người Lính Già Phù Cát kiêm “ca-sĩ đồi núi” chuyên trị các loại nhạc chống cộng, lại hiện về. Chúng tôi thấy lảng vảng trong lời nhạc, lòng trong hình ảnh những chiếc phi cơ A37 mang đầy bom đạn nguyên tử mini, lơ lửng trong lời nhạc với những tầng mây trắng, nó đã bay xa, vang động đến từng hang ổ của những người Cộng sản Bình Định, hung hăng sẽ đánh phá căn cứ.

    Chúng tôi đã phần nào tin tưởng và an tâm hơn sau buổi họp mặt Văn nghệ trên ngọn đồi Phù Cát, năm 1972, nó đã in mãi bóng dáng người ca sĩ “đồi núi” năm xưa. với bản nhạc lòng hình ảnh phi cơ A37 mang đầy bom đạn của chiến tranh.

    Không phải bằng giọng hát ủy mỵ, ướt át như ca sĩ Chế Linh Nhật-Trường, không ngọt ngào truyền cảm như một giọng hát chúng tôi thường nghe hoài ở Câu Lạc bộ Mây Bốn Phương, Tân-Sơn-Nhứt của Đ/t Minh, vị chỉ huy trưởng Không Đoàn 33 Chiến thuật của chúng tôi trước kia, không ấm áp, rung động với ban nhạc Minigun của ông Đại tá Minh do anh Không quân Kiệt, con trai nghệ sĩ Việt-Hùng làm trưởng ban nhạc.

    Bằng giọng hát hào hùng của những Người lính Không quân “đầu gió” Phù cát, hát cao vút giữa đỉnh núi bao la, chuyển tải những thông điệp của những người chiến sĩ Không quân bất khuất, sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc, đánh tan quân thù. Hình ảnh đó khiến tôi nhớ mãi Người Lính Già Phù Cát. Đã giúp cho chúng tôi tìm được những sự bình an trong căn cứ, ở bên ngoài, quân thù đang bủa vây, ngày đêm quấy phá.

    Tôi viết những lời cảm xúc này gửi đến Người Lính Già Phù Cát năm xưa, cũng để chúc thọ “anh Năm” sẽ mạnh mẽ tiến lên hàng cao thủ “chín mươi”, nhân lá thư tâm tình của người anh cả Căn cứ Phù Cát, vừa an ủi những người em vô danh, những người lính Không quân Phù cát tầm thường năm xưa, như chúng tôi. Để còn lại “một chút tình người lính KQ Phù Cát”.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X