THĂM NUÔI
Cựu Tù
Nỗi khó khăn trong tù cộng sản thì chắc đã có rất nhiều người đề cập đến. Nhu cầu vật chất và tinh thần của người tù thì nhiều. Tôi nhớ có lần cầu cơ ở trại Nam Hà ( Hà Nam Ninh), có một hồn lính Mỹ giáng cơ. Được hỏi tại sao anh chết, có muốn chúng tôi thông báo cho gia đình của anh là anh được chôn cất ở đâu không? Anh liền bảo, vì vợ anh đã bỏ anh lấy người khác. Mà nếu vợ anh có bằng chứng là anh đã chết rồi thì vợ anh được tự do theo người khác. Vì vậy, không nên cho ai biết sự thật này. Anh đã tự tử chết trong tù chỉ vì nhận tin vợ theo trai. Những người tù VNCH trong trại cải tạo của CS còn gặp nhiều nổi khổ tinh thần hơn nữa, vì CS đã có kế hoạch làm tan nát gia đình chúng tôi còn kẹt bên nhà. Chúng gọi là "Hoa Nở Về Đêm". Những người vợ trẻ trong lúc gặp khó khăn về tài chánh mà không có tinh thần tự lực cánh sinh hay bà con trong họ giúp đỡ là những con mồi ngon của chúng. Có nhiều anh cấp nhỏ được tha sớm, nghĩa là sau 3 năm, nghĩa là chỉ ở "một lệnh" mà thôi, khi được tha về, trước khi vào nhà đã thấy nón cối để trên bàn. Có người không vào nhà mà chạy hỏi chung quanh người quen cũ để biết ra sao. Nếu là cối đã bỏ neo đó rồi thì tốt hơn là đi nơi khác mà sống. Do đó, thăm nuôi là một cơ hội để chồng còn chắc là vợ vẫn là vợ của mình. Đối với những người bị nhốt trong Nam, như Long Bình, Katum, thì đi lại còn tương đối gần. Những người đã ra Bắc rồi thì vừa đi vừa về theo xe lửa cà rịt cà tang thì mất cả tuần lễ, có khi cả tháng vì đường sắt bị trôi trong bão tố. Vậy mới biết người vợ yếu dắt con thơ thăm chồng đã chuyên chở tất cả tình thương cho tù. Nhưng họ chẳng khi nào tiết lộ điều gì.
Lần đầu tiên, bà xã dẫn con Út của tôi ra Nam Hà thăm tôi, bà mặc một mãnh áo bà ba may lại với vải áo dài trước kia. Bà không khéo tay thêu thùa may vá nên áo ngắn không giống áo ngắn, áo dài chỉ còn là một miếng lụa hoa hòe khó coi. Người gầy đến độ cặp mắt "bồ câu" trước kia đã trở thành "tam giác", thật thểu não. Ngồi chỉ được một phút trước mặt vợ con, thì đùng một cái hai mẹ con rưng rức khóc vì thằng con cả của tôi đã bị nạn mà chết. Ở nhà như mất đi cột cái, chỉ còn lại lủ khủ ba đứa, học chẳng ra học, làm chẳng ra làm. Thằng lớn nhất phải đi nghĩa vụ lao động, còn thằng kế thì bị đuổi khỏi trường trung học vì không thể lên cấp 3 (từ lớp 10 đến lớp 12), còn thằng nhóc bà dẫn theo đây vừa lên chín mà nom như sáu tuổi, vì thiếu ăn. Mười lăm phút trôi qua, cán bộ tuyên bố "hết giờ". Chưa nói được gì ngoài an ủi nhau mấy câu, chưa sờ được tay vợ, chưa được hôn con vì những thứ ấy vẫn còn cấm kỵ đối với những tù nhân được thăm lần đầu. Chưa được nhìn vợ con khuất dần khi xuống đường rời trại mà đã bị thúc dục vào trại. Sau này, khi đã gặp nhau lại, có nhiều thì giờ hơn, hai vợ chồng nói lên cảm nghĩ ban đầu khi gặp lại nhau, thật là bất nhẫn, bà thì gầy dễ sợ mà tôi thì cũng như bộ xương biết đi. Tuy biết là thế nào cũng trải qua nhiều gian khổ, nhưng mà như thế này thì thật khó mà tin ở mắt mình. Nên khi về trại, người tù được thăm nuôi lần đầu chỉ có như mất hồn, không màn xem coi đã cho những gì, dù bất cứ thứ gì cũng vui vẻ nhận. Có người chỉ mang ra xa tế, là thứ dầu mè nấu ớt cho vị cay tan ra, và ngấm chút ít chất ngọt vào hơi sền sệt, mỗi lần ăn chỉ dùng nửa muỗn cà phê. Với một lon Guigoz thì cũng dùng được hai ba tháng. Có người chỉ nhận đủ thứ muối, muối xả ớt, muối tiêu, muối mè, những thứ có thể để lâu mà ăn từ từ. Tù thì không giám xin, vì biết hoàn cảnh ở ngoài không khá. Ở nhà thì vợ con nhịn đói, nhưng có trái cây tươi của hàng xóm, có thứ gì mang theo được đều dành cả cho cha cho chồng. Khá khá một chút thì được khô cá khô bò. Ra tới gần trại cũng có nơi họ nấu cho nồi xôi, gà luộc, bánh chưng bánh tét...nhưng có người cũng không có tiền mà mua.
Thế mà bà xã tôi ra thăm tôi được sáu lần tại Nam Hà trong vòng năm năm tôi bị giam nơi đó. Đó là những thành tích của bà ấy, những cố gắng mà tôi nhiệt liệt tuyên dương suốt đời. Không chỉ vì miếng ăn hay thuốc uống vì Trời thương nên tôi ít bệnh mà cũng ít ăn, và nhờ ít ăn nên ít bệnh. Có người nhịn đói không được. Chính mắt tôi thấy, vừa ra khỏi phòng là mấy anh tù hình sự chạy tới hàng rào dâm bụt cấu xé lá cây bỏ vào miệng. Có người bảo "con gì nhúc nhích" là ăn cả, có khi lại ăn sống, mang cả giun sán vào người. Nói chung thì ai cũng chỉ còn da bộc xương. Khổ nhất là các anh có dàng dá to lớn. Có người bạn ở ngoài cân 85 kg, khi được thăm nuôi lần đầu chỉ còn 45 kg, phải có người dìu anh đi mới được. Vì vậy, khi nói thăm nuôi, người ta chỉ nghĩ tới nhu cầu của "cái bụng". Anh bạn nằm kế bên tôi thì than thở triền miên. Anh bảo vừa khi ra khỏi trại (nếu được tha), anh sẽ mua 10 kg khoai ăn một bụng cho đã. Có lẽ anh sẽ chết vì no quá! Anh cũng rất đói thuốc, mà là thuốc lào. Cái đói này mới khó giải quyết, mà là một thứ bệnh không khác nào ghiền ma túy. Mội lần anh hút, anh nhờ tôi lo dẹp điếu ngay sau khi anh hít vào xong. Anh ngã người nằm thẳng cẳng, tay chân dật như lên cơn trong vài phút, do đó đạp tứ tung, và nước điếu bình mà đỗ xuống sạp dưới thì ở dưới nó chưởi cho mà nghe. Và lúc nào tôi được thăm nuôi thì cũng có thuốc ngon cho anh hút, để anh say cho đã, cho quên cả sự đời, nhất là khi tôi được thăm mà vợ anh lại chưa chịu ra. Rồi vợ tôi thăm đã hai ba lượt rồi mà chẳng thấy vợ anh đâu cả. Chừng đó thì tôi phát lo cho anh, ngại anh sẽ không giữ được bình tĩnh. Cái tinh thần ở đây có vẽ như vì thiếu thốn vật chất mà ra. Nhưng còn những hệ quả của việc mất tinh thần thì thật là không thể tưởng tượng được. Nên nhớ là khi về các trại do công an quản lý thì cấp đại tá được nhốt cùng trại với các cấp nhỏ hơn, tuy ở riêng phòng trong lúc đầu. Sau đó, họ "biên chế" dần dần để các cấp ở chung với nhau. Đó là vì an ninh của trại, mà cũng là an ninh cho tù. Khi mà cấp nhỏ thấy cấp cao nhận nhiều quà cáp, nhất là không mời chúng, bắt đầu có nói xa nói gần, hồi trước ăn trên ngồi trước, có của chìm của nổi, bây giờ cũng sướng hơn mình. Từ nói xấu tới tố khổ, trước thì giữa tù với nhau thôi, nhưng sau thì tự nguyện làm ăng-ten cho cán bộ trại. Phần suy sút về tinh thần này thì rất nguy hiểm cho tập thể sĩ quan các cấp trong tù. Họ không còn coi cấp trên ra gì nữa. Họ nói cấp trên là nguồn gốc của nước mất nhà tan, tại sao lại bắt họ phải gánh chịu. Họ chưởi bới ra mặt, đánh lại cấp trên nếu có người dám chỉnh họ. Vì vậy, có một nhu cầu tâm linh rất cao để gìn giữ họ trong trật tự mà ta muốn. Trong khi đó thì cán bộ trại làm đủ cách để chia rẻ chúng ta trong tù. Họ ngại ta có lãnh đạo làm loạn trong tù, nên hay tổ chức những nhóm lẻ tẻ ‘cò mồi’ vì một đề tài nhỏ nhặt mà thổi phòng lên để xem phản ứng trong các đội. Khi họ đã thấy trong từng đội, ai là người lãnh đạo, họ sẽ "biên chế" những thành phần ấy vào cùng một đội, rồi chuyển đến một nơi khác để "biệt giam" thì tại trại của họ không còn vấn đề gì nữa. Tù thì chủ trương đoàn kết, trại thì chủ trương "chia để trị". Trong tình huống này, thăm nuôi là một nhịp cầu để có thể gây lại niềm tin. Chúng tôi bắn tin thất thiệt ra ngoài, trước là tin có thật do các đài BBC và VOA mà chúng tôi có dịp nghe được từ trại Nam Hà. Chúng tôi bắn những tin ra cho gia đình thì kết quả rất nhanh, tin ấy lại dội lại vào trại Nam Hà của chúng tôi. Chắc chắn là các tin ấy cũng được chuyển đến các trại khác. Là Mỹ sẽ đón chúng ta khi được tha, và trao đổi với VN bằng máy cày, hay cái gì khác cũng được như đã làm với Cuba. Hơn thế nữa, Mỹ còn mua cho mỗi người tù một chiếc xe hơi mới, một căn nhà mới cho gia đình...và rất nhiều quyền lợi mà trước kia các anh POW được hưởng khi về nước. Đại khái là như vậy. Thế là dùng miệng các bà truyền nhau tin vịt để nâng cao tinh thần anh em, đoàn kết lại mà sống. Do đó, khi sang Mỹ, nghe đâu có người đòi hỏi Mỹ thật. Cho nên khi tôi được interview để nhận job của Los Angeles County, có một người hỏi tôi "tại sao các anh (cựu tù) lại nghĩ rằng Mỹ phải lo cho các anh mọi thứ? Chúng tôi liền bảo: "Đó là nhu cầu tuyên truyền nhất thời trong trại tù mà thôi".
Trong những lần thăm nuôi sau thì gia đình có kinh nghiệm hơn, mang ra những thứ có thể để lâu được mà dùng. Cũng có nhiều thì giờ nói chuyện nhiều hơn, nhưng cũng không quá một giờ. Đặc biệt có những cảnh khó quên, như một bà mẹ già còn ở Hà Nội trong khi con mình đi lính Tây kẹt trong Nam sau Hiệp Định Genève 1954, nay gặp lại như thời còn bé, mở bánh đút cho con ăn dù con nay tóc cũng đã ngã màu. Vui nhất là các cuộc thăm chuyền. Vì đi Bắc đường xa, nên nếu quen được người ra thăm tù cùng trại, hay gần trại của người nhà của mình thì gửi người ấy mang dùm vài món nhỏ nhặt cho vui. Có lần tôi nghe gọi thăm nuôi, nhưng tên thì không phải bà xã mà lại có tên giống một người tôi quen trong ký ức, là Kim Chi. Tôi hỏi lại anh tù lo việc này thì được xác nhận như vậy, nên bèn ra xem sao. Té ra, bà này là vợ của một anh Cảnh Sát có chồng ở trại khác, nhưng đã quen với bà xã tôi khi đi thăm mấy lần trước. Tức nhiên chỉ nhận quà và cám ơn. Nhưng cũng trong dịp này, tôi lại gặp được người anh của một bạn thân là anh Hi đi thăm anh Mỹ. Anh Hi đã cho tôi xem hình gia đình anh Chí mà mấy đứa con tôi đều thương khi chúng ghé ngang nhà tôi ở TSN trước khi lên đường sang Mỹ. Sau đó thấy hai người, bà Kim Chi và anh Hi đi song song nhau nói chuyện vui vẻ trên đường về, tôi cũng thấy vui vui. Lúc ở Nam Hà, ai cũng than phiền trại quá khó khăn, không cho ngủ đêm với gia đình, trong lúc ở trại Hà Tây, gần Hà Nội, thì vào dịp Tết, ai cũng ở ngoài cho đến khi qua Tết với gia đình. Và cũng được biết có một lần, một anh ở Hà Tây được gọi thăm nuôi, tự nhiên đinh ninh là bà xã tới hẹn đã ra, nên anh mang mền ra để ngủ đêm. Khi gặp người thăm là bà suôi gia, bà hỏi "anh mang mền làm gì đó?" Thật không biết anh ấy đã ú ớ bao lâu mới nói chuyện được. Cũng có người kể lại, có một chị còn trẻ con thơ, ra lấy cốt chồng, rửa từng xương cốt bằng nước xà phòng thơm, mắt rưng rưng lệ, thúc thích khóc với chồng, với con, thật là đáng thương.
Khi về đến các trại trong Nam như Xuân Lộc và Hàm Tân, thì còn nhiều chuyện rắc rối khác, vì gần Saigon, ai cũng có thể thăm. Có anh ngủ đêm với vợ, chưa kịp về trại, lại gặp bà xã khác lên thăm, hai bên choảng nhau nẫy lửa. Có người hẹn vợ lần sau mang cho ông hai cây Mai (thuốc lá hiệu Mai), lần sau bà xã mang cho hai chậu kiểng. Có anh nói với vợ, tay dơ 3 ngón và chỉ đồng hồ, thì kỳ sau chị bảo đồng hồ đã bán được 3,000 đồng, làm anh này quá thất vọng, vì ý anh là kỳ sau đến thăm lúc 3 giờ. Những hiểu lầm đều là những chuyện vui trong tù. Chút gì cũng vui vì chẳng có gì để vui…
Cựu Tù