Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Khu Rừng Lá Buông

Collapse
X

Khu Rừng Lá Buông

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Khu Rừng Lá Buông

    Khu Rừng Lá Buông
    Phạm Gia Đại

    Xin kính dâng một nén hương lên hương linh cố Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai, một vị Tướng cùng hàng triệu quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa đã một thời lẫy lừng dưới lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ.


    Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân

    Khu rừng trưa nay thật tĩnh mịch, có lẽ vì nó nằm khuất sau một dẫy những hàng cây Buông và xa hẳn khu vực sản xuất và lao động của các đội bên hình sự. Nơi đây chỉ có một căn chòi nhỏ được cất lên tạm thời với thân cây và lá rừng như những căn chòi khác, nhưng tôi thấy nó thật đặc biệt bởi vì đó chính là “trụ sở” của đội 23, nơi chúng tôi vào để tạm dùng bữa trưa đạm bạc và nghỉ lưng mỗi ngày. Căn chòi lá cây rừng đơn sơ đó chỉ đủ che những trưa nắng Hè gay gắt oi bức, nhưng không đủ che những khi mưa rừng đổ ập xuống, và những người tù cuối cùng, dù ngồi trong căn chòi, vẫn phải dùng tấm nylông của mình để tránh những giọt mưa nặng hạt đang quất ngang khu rừng hoang vắng không một bóng người.

    Họ là những người tù chính trị, tất cả hai mươi người còn lại sau đợt thả đầu năm 1992 tại trại giam Hàm Tân Z-30D trong tỉnh Thuận Hải, miền Nam. Hai mươi người bao gồm bốn ông tướng Lê Minh Đảo, Trần Bá Di, Đỗ Kế Giai, và Lê Văn Thân, cùng với mười sáu sĩ quan viên chức khác của nên Đệ Nhị Cộng Hòa, từ cấp bực đại tá cho đến một thiếu úy, hai dân sự, và một hồi chánh viên. Họ là những người cuối cùng còn sót lại trong tù “cải tạo” của Cộng Sản trong số hàng triệu quân dân cán chính VNCH đã phải vào các trại tập trung mà Hà Nội vội vã dựng lên sau “chiến thắng” nhanh chóng ngoài dự liệu vì Hoa Kỳ đã quyết định đơn phương bỏ rơi đồng minh Nam Việt Nam để bắt tay với Bắc Kinh. Trên vai mỗi người tù cuối cùng đó là mười bẩy năm kinh hoàng của những tra tấn, thù nghịch, nhọc nhằn, đầy mồ hôi, máu và nước mắt uất hận - mà kẻ “thắng trận” từ Hà Nội đã chủ trương thực hiện qua chiêu bài “Khoan Hồng Nhân Đạo”. Sau khi miền Nam sụp đổ ngày 30-4-1975, trong khi thế giới tưởng rằng các sĩ quan viên chức chế độ cũ sẽ được hưởng sự “khoan hồng” từ nhà nước chế độ mới, là lúc những quân dân cán chính chế độ cũ đang trải qua những năm tháng tối tăm, ô nhục nhất trong cuộc đời mình vì chính sách “khoan hồng” đó. Một chính sách thâm độc nhằm đánh lừa dư luận thế giới, trong khi ở trong nước ngấm ngầm tiêu diệt các tinh hoa của chế độ cũ qua hình thức bỏ đói, tra tấn cả tinh thần lẫn thể xác người tù qua lao động khổ sai và các lời nói và tuyên truyền và nhục mạ họ trong tù. Nhổ cỏ thì nhổ cả rễ, các cán bộ địa phương Cộng Sản còn kỳ thị, xách nhiễu, và trù dập gia đình những người tù này nữa ngoài xã hội. Ý đồ này cũng nằm trong sách lược của Hà Nội nhằm phá vỡ hết các căn bản gia đình của người dân ngõ hầu dễ cai trị theo đường lối mà họ vạch ra, và tận diệt các mầm mống chống đối ngay từ trong trứng nước.

    Trong bốn năm cuối cùng tại trại Hàm Tân (1988-1992), tôi có dịp sống chung trong một khu vực với các ông tướng. Trước đó trong mười hai năm lưu đầy ngoài Bắc, chúng tôi và các ông tướng bị cách ly. Sau tháng 2-1992, đội 20 giải tán và được sát nhập vào đội 23 của mấy ông tướng và đại tá nên mỗi ngày chúng tôi cùng xuất trại đi lao động chung với các vị tướng và đại tá trong khu rừng lá Buông và trở nên thân thiết hơn. Hơn thế nữa, các đàn anh và huynh trưởng đều muốn chúng tôi đổi cách xưng hô nên từ đó chúng tôi gọi các vị tướng và đại tá của mình bằng “anh”, không còn gọi theo cấp bậc nữa, và tình huynh đệ chi binh lại càng gắn bó hơn.

    Tháng 5 năm 1988, chúng tôi, chín mươi người tù cuối cùng còn ở lại trại Nam Hà ngoài Bắc sau hai đợt thả lớn vào tháng 9-1987 và tháng 1-1988, được chuyển trại vào trong Nam, hội nhập với khoảng trên sáu mươi người nữa còn trong trại Hàm Tân thành một trăm sáu mươi người tù cuối cùng sau 13 năm giam cầm. Trong bốn năm tại Hàm Tân, sau nhiều đợt thả lẻ tẻ, đến tháng 2-1992, chỉ còn lại đúng hai mươi người.

    Trại Hàm Tân Z-30D là một trại giam khá đặc biệt và có lẽ không giống bất kỳ một trại giam nào khác của Cộng Sản. Trước năm 1975, nơi đây là vùng trú đóng và họat động của Việt Cộng (VC) thường được gọi là khu rừng Lá, mà VC vẫn thường từ khu rừng này ra ngoài lộ phục kích đặt mìn các xe đò, bắt thường dân vào trong bưng để tuyên truyền rồi thả về, nhằm gây thanh thế cho họ, và reo rắc sợ hãi và bất an trên các tuyến đường.

    Sau năm 1975, các lán trại được sử dụng và mở rộng thành một trại giam khổng lồ có thể giam giữ nhiều ngàn người. Nhiều lán trại sau đó được thay thế bằng những buồng giam, những nhà giam kiên cố hơn bằng xi măng và gạch ngói, và dùng để giam cả tù hình sự lẫn tù chính trị. Đó là một trong những trại giam trong miền Nam nổi tiếng về hung bạo và có số lượng tù nhân chết nhiều nhất.

    Khi chúng tôi từ miền Bắc chuyển trại vào trong Nam năm 1988 thì Hàm Tân đã như lột xác thành một trại giam đặc thù dưới sự chỉ huy của Thiếu Tá Nhu, một con người đã biết biến trại giam thành một nơi để kinh doanh thương mại. Chẳng bao lâu sau ông ta đã trở thành tỷ phú nhờ vào sức lao động và kinh doanh trên thân xác hàng ngàn người tù hình sự - cả nam lẫn nữ. Một nguồn thu lợi không kém phần quan trọng khác qua căng tin bán các thức ăn nước uống, và bán vé cho các tù nhân xem các loại phim chưởng của Đài Loan Hồng Kông vào mỗi tối, sau giờ lao động.

    Khu vực dành cho tù chính trị nằm ngay bên trái khi vừa bước qua cổng trại, bao gồm hai buồng giam lớn, một nhà kho và một căn nhà trên thềm cao cuối dẫy. Chúng tôi ở trong hai căn buồng giam đó và các tướng ở trong căn nhà trên thềm. Đặc biệt căn nhà này có nhiều phòng nhỏ và nhiều giường cá nhân, mỗi ông tướng được ngủ trên giường, trong khi chúng tôi vẫn còn ngủ trên sàn xi măng hay ván gỗ. Mãi sau này khi chỉ còn 20 người cuối cùng, chúng tôi dời qua căn nhà kho và được cung cấp mỗi người một giường cá nhân, và sau 17 năm nằm đất mới được lên giường, là một cảm giác thật khó quên.

    Một trong các kỷ niệm đáng tự hào của những người tù cuối cùng tại Hàm Tân là sự vị nể của vị chỉ huy trại giam này dành cho họ. Nhiều hôm các cán bộ trại và tù hình sự đều ngạc nhiên khi thấy Thiếu Tá Nhu có mặt tại cổng, khi các đội lao động về đang nhập trại, chờ đội 23 của Tướng Đảo để đến tặng cho các “bố” vài bao thuốc lá ngoại quốc để các “bố” hút cho vui. Hoặc các tự giác và trật tự của trại luôn lễ phép với bên tù chính trị và dành riêng ba hàng ghế đầu chính giữa cho tù chính trị đến xem phim miễn phí tại hội trường mỗi tối chiếu phim Hồng Kông hay Đài Loan, có thể hiểu ngầm là lệnh từ tay chỉ huy trường này. Trong khi hàng ngàn tù hình sự phải chen chúc nhau mua vé xem phim mỗi tối, vì đó là giải trí duy nhất cho họ, cả nam lẫn nữ, được ra khỏi buồng giam, ra ngoài trong vài tiếng đồng hồ ban đêm, ngồi bên nhau, thì các tự giác và trật tự luôn đứng sang một bên nhường đường cho chúng tôi ung dung vào xem, không hề bao giờ soát vé. Nhiều tối vào xem trễ, chúng tôi vẫn thấy ba hàng ghế đầu chính giữa luôn bỏ trống trong khi hàng ngàn tù hình sự ngồi chật bao quanh cả hội trường, Điểm đáng chú ý nữa là khu vực bên hình sự khóa cửa các buồng giam lúc 6 giờ chiều trong khi bên tù chính trị được ở ngoài sân cho đến 9 giờ đêm. Đầu năm 1992, khi chỉ còn 20 người, lần đầu tiên trong suốt 17 năm tù tội, cửa của căn nhà trên thềm dành cho các tướng và căn nhà kho dành cho chúng tôi đã không bị khóa bên ngoài. Đúng 9 giờ đêm, các cảnh vệ đi tuần bên ngoài hàng rào ra dấu cho chúng tôi vào buồng và khép cửa lại, họ không bao giờ tiến vào trong khu của tù chính trị. Đó là những sự thay đổi lớn lao 180 độ.

    Trong bốn năm ở chung trong một khu với các vị tướng của mình, chúng tôi mới có dịp trò chuyện và hiểu về các niên trưởng của mình nhiều hơn sau mỗi ngày lao động. Trại phân chia khoảng 160 người tù cuối cùng này thành ba nhóm khác nhau. Một nhóm gồm các anh phụ trách chăn bò, nuôi heo hay trông coi lán trại thì ở ngoài trại giam. Nhóm thứ hai gồm các người dưới 55 tuổi và cấp bậc dưới đại tá thì xung vào Đội 20 với lao động nặng hơn. Nhóm thứ ba gồm những người trên 55 tuổi hay mang cấp bậc đại tá và tướng thì xung vào Đội 23 và lao động nhẹ hơn. Trong thời gian ở ngoài Bắc rất hiếm khi nào nhìn thấy hay nói chuyện được với các tướng, cho đến lúc cùng trong một khu tại Hàm Tân chúng tôi mới thực sự có dịp hàn huyên tâm sự với các niên trưởng và đàn anh này, nhất là khi chỉ còn 20 người cùng chung một đội 23.

    Chúng tôi đã có dịp gặp Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang, nói chuyện nhiều với Tướng Mạch Văn Trường, Tướng Khôi, Tướng Tất, Tướng Bá, nhưng thân thiết nhất vẫn là bốn tướng cuối cùng khi chúng tôi được sát nhập vào cùng đội 23 trong bốn tháng cuối cùng tại Hàm Tân. Nhiều buổi chiều, sau bữa ăn đạm bạc trong sân của tù chính trị, tôi thường thả hồn mình theo tiếng đàn và tiếng sáo của Tướng Lê Minh Đảo và Tướng Lê Văn Thân trong khi nắng đã tắt và bóng chiều dần xuống bao phủ khu rừng lá Buông. Có lúc hai Tướng Trần Bá Di và Đỗ Kế Giai bắc chiếc ghế đẩu ra sân cùng ngồi nghe hay đứng trên bực thềm nhìn xuống hai nghệ sỹ đang đàn và thổi sáo. Tướng Di bao giờ cũng nở nụ cười tươi tán thưởng và Tướng Giai luôn gật gù cười mỉm chi như vừa tìm ra được một điều gì rất lý thú. Một trong các bài hát tôi thích nhất là bài “Nhớ Mẹ” của Th/Tg Đảo và Đại Tá Đỗ Ngọc Huề. Lời nhạc như trải cõi lòng của người tù trên bước đường lưu đầy nhớ về Miền Nam thân yêu và nhớ về người mẹ già mỏi mắt trông chờ con nơi phương xa, trong một quê hương điêu linh khốn khổ vì giặc thù:

    “Những chiều buồn trên đất Bắc, con hướng về Nam con nhớ mẹ nhiều. Mẹ ơi sao bao năm tháng cứ trôi cứ trôi cho bạc mái đầu. Quê hương điêu linh con vẫn khóc, trông chờ ngày về con vẫn thắp. Mẹ ơi mẹ biết không? Còn sống mãi trong con những lời mẹ cầm tay nói Nắng sẽ về đẩy lùi Bóng Tối, và Yêu Thương và Tự do sẽ còn mãi mãi, nhé con...nhé con...”

    Nắng đã tắt trên những ngọn Buông, màn đêm đang phủ xuống núi đồi, thung lũng của khu rừng Lá, chim chóc đã bay về tổ, nhưng những người tù còn ngồi đây nghe khúc hát về Mẹ mà nhớ về Sài Gòn với một trái tim đã tan nát, nhớ về thủa nào oai hùng trên chiến trường, nhớ về một miền Nam đầy nắng ấm và tình người nay không còn nữa.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X