Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Phi cơ vận tải C-7 Caribou và Chiến trường Việt Nam - Trần Lý

Phi cơ vận tải C-7 Caribou và Chiến trường Việt Nam

Trần Lý

---oo0oo---

 

Tác giả Nguyễn Hữu Thiện (NHT) trong bài ‘Ngành Vận tải trong Không lực VNCH' có ghi lại một số nét về Vận tải cơ C-7A Caribou cùng các chi tiết (tuy cô đọng) về các Phi đoàn KQVNCH đã sử dụng loại phi cơ này. Bài viết xin trình bày về các hoạt động của Caribou trên chiến trường VN từ ngày đầu khi Caribou còn thuộc lực lượng Không vận của Lục quân HK (US Army), sau đó chuyển hết sang KQ HK rồi một số Caribou được ‘sang tên' cho KQVNCH ..Caribou hoạt động đến ngày.. tan hàng, vài chiếc bay sang Utapao.. Ngoài ra Caribou của KQ Hoàng Gia Úc cũng từng bay trên không phận VNCH (chưa kể những chiếc của Air America và của những ‘hãng thầu' bí mật khác của HK !)

Bài này xin lần lượt trình bày:

  • Vài nét đại cương về Caribou.
  • Caribou (CV-2) khi thuộc Lực lượng Không vận của Lục Quân HK
  • Không quân Hoa Kỳ và Caribou (C-7 và C-7A)
  • Caribou trong Không quân VNCH
  • Caribou của KQ Hoàng gia Úc tại VN
  • Caribou và các hoạt động bí mật của Air America tại VN
  • Chi tiết kỹ thuật về Caribou và các cải biến
  •  

●     Vài nét đại cương:

Trong thập niên 1950, Lục quân Mỹ đã tìm cách tổ chức một lực lượng không vận riêng để chuyển vận tiếp liệu và di chuyển quân khi cần thiết thay vì phải tùy thuộc quá nhiều vào Không quân..Army vào thời điểm này có một số phi cơ nhỏ giới hạn trong những công tác liên lạc và quan sát ; phi công của Army cũng được đào tạo tại các Trung tâm huấn luyện riêng. Army được đặc  quyền tìm mua các loại phi cơ có khả năng cất cánh và đáp xuống các phi đạo ngắn và thô sơ gọi chung là STOL (Short Take-Off and Landing. Army đã chọn được Công ty DeHavilland (Canada), sự lựa chọn này bị KQ phản đối mạnh vì KQ HK có quan niệm là không dùng các phi cơ do ngoại quốc sản xuất vào việc quốc phòng của Hoa Kỳ. (Sau này Hoa Kỳ có sử dụng 2 loại phi cơ chiến đấu do Anh sản xuất là Canberra B-57 [KQHK] và Harrier AV-8 [HQ và TQLC ]

Chiếc phi cơ đầu tiên của DHC được US Army sử dụng từ 1952 là chịếc DHC-2 Beaver và sau đó là chiếc DHC-3 Otter , lớn hơn, vào năm 1955.

Việc Army ‘đòi' phát triển lực lượng ‘không quân' riêng đã gây những phản đối mạnh của KQHK xem công việc điều hành máy bay là của KQ (!). Army cho rằng về phương diện chiến thuật họ rất cần các phi cơ vận chuyển quân đề đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp nhất là tại các chiến trường đòi hỏi sự cơ động do không vận (air mobility)

Nhu cầu của Army là một loại phi cơ có khả năng chở nặng như các C-47 Dakota và hoạt động được tại các phi đạo ngắn như Beaver và Otter.. Do đó ngay từ 1954 DHC đã bắt đầu nghiên cứu về loại phi cơ mới DHC-4..Phi cơ thử nghiệm đầu tiên YAC-1 đã bay thử vào tháng 3-1959..Các kết quả tương đối khả quan đã đưa đến việc sản xuất các AC-1/ CV-2A từ 1961. (Cho đến tháng 6 năm 61 có tổng cộng 56 chiếc AC-1 được sản xuất )

(Xin xem phần Chi tiết kỹ thuật bên dưới)

 

Caribou CV-2 trong US Army

Khi Hoa Kỳ quyết định ‘can thiệp' vào Chiến tranh VN, các Caribou đã có ngay cơ hội thử lửa, không cần ..chờ lâu ! Các phi cơ CV-2 , ngay từ 1961 đã được xem là phương tiện thích hợp nhất để giúp không vận binh sĩ Quân lực VNCH và tháng 8 năm 1961 chiếc CV-2 đầu tiên đã được đưa đến VN để thử nghiệm thực tế chiến trường.

Phi cơ này được đặt tại Đà Nẵng và hoạt động trong Dự án ARPA (Advanced Research Projects Agency) trong kế hoạch 'chống chiến tranh nổi dậy (COIN). Chiếc CV-2 này bay và đáp thử nhiều lần (cho đến đầu năm 1962) trong khu vực thung lũng A-Shau nơi ngay cả các U-6 Beaver và U-1 Otter cũng không hoạt động được.

Tuy bị KQHK chống đối cho rằng các C-123 của KQ có đủ khả năng yểm trợ các nhu cầu chuyển quân cho Lục quân, nhưng thực tế chiến trường cho thấy C-123 (dù trọng tải gấp đôi và bay xa gấp ba) không lên-xuống được tại các phi đạo quá ngắn nơi các trại LLĐB vùng biên giới..

Theo quyết định của Bộ Chỉ Huy Quân viện Hoa Kỳ tại VN (MACV) các Caribou được chính thức đưa đến VN vào tháng 5-1962, và 18 chiếc CV-2 của Đại đội 1 Phi cơ Lục quân (Aviation Company) đến Thái Lan vào tháng 6-1962 ..8 chiếc trong số này đến Vũng Tàu vào tháng 7-1963 , sau đó 10 chiếc còn lại cũng di chuyển từ Thái về Vũng Tàu vào tháng 12-1963.

KQHK tiếp tục chống đối .. nhưng ĐĐ 61 (AC) vẫn tiếp tục được đưa đến Vũng Tàu trong tháng 7 với 16 chiếc CV-2. Hai Đại đội phi cơ này đã bay các phi vụ hành quân trên toàn cõi VN.

Tháng 12-1963, ĐĐ 1 AC rút khỏi VN, nhưng sau đó trở lại dưới tên ĐĐ 92 AC vào tháng 11-1964 với 16 chiếc CV-2.

Đơn vị Caribou thứ ba là ĐĐ 17 AC, đến VN tháng 9-1965, đồn trú tại Pleiku để yểm trợ cho SĐ1 Không kỵ HK tai Ạn Khê. Một chiếc Caribou đã được cải biến thành một Trạm Chỉ huy trên không dùng riêng cho SĐ1 Không kỵ, Phi cơ có các hệ thống vô tuyến riêng , có chỗ làm việc cho 9 nhân viên tham mưu..

Tháng 12-1965, theo yêu cầu của Tướng Westmoreland , thêm 3 ĐĐ CV-2 đến VN: các ĐĐ 57, 135 và 135 CV.

Trong thời gian 1962-1966, các ĐĐ không vận của Army hoạt động độc lập ngoài hệ thống không vận của KQHK thường dùng các C-123. Dưới mắt KQHK thì Army dùng Caribou .. như kiểu bộ binh dùng xe tải và xe jeep (!) và do các tư lệnh bộ binh tại nơi đóng quân điều hành; Caribou hữu hiệu nhất là tiếp tế cho các Trại LLĐB nơi mà những C-123 chỉ có thể thả dù các kiện hàng đạn dược, tuy khi dùng Caribou phải mất nhiều chuyến bay hơn..

Trong công tác tiếp liệu cho các Trại LLĐB , Caribou thường thả dù theo phương thức cho rơi tự do nhất là khi thả tiếp liệu cho các toán tiền đồn và những phương pháp thả dù mới đã được đem ra áp dụng như kéo dù ở cao độ thật thấp (LOLEX = Low Level Extraction) mà sau này KQ cải thiện thêm thành LAPES=Low Altitude Parachute Extraction System.

Các Caribou cũng cho thấy có thể chở trọng lượng hàng vượt mức cho phép và đáp tại các phi trường dưới 1000 ft, lầy lội..

Năm 1965, Lục quân HK tổ chức Sư đoàn 1 Không kỵ tại Fort Benning, Georgia (thay thế cho Sư đoàn 11 Tấn công (Air Assault). Các Caribou được xem là một lực lượng thống thuộc và cùng SĐ sang VN. Trận Ia Drang đã cho thấy các nhược điểm của Caribou và cách điều hành mặt trận khi Army phải tùy thuộc vào KQ trong các công tác chuyển vận tiếp liệu cho nhu cầu khẩn cấp nơi chiến trường , đặc biệt là những kế hoạch hành quân ‘không kỵ'. Các trực thăng của SĐ Không kỵ cần nhiều xăng, nhiên liệu, các Caribou quá nhỏ không đáp ứng nổi nhu cầu: phải 7 chiếc CV-2 mới giao nổi 14,500 gallons xăng mà chỉ cần một chuyến C-130 (!). Caribou không thích hợp khi yểm trợ hành quân cho các đại đơn vị bộ binh ..

Bộ TTM của Army đề nghị giao tất cả các Caribou về cho KQ để đổi lấy quyền sử dụng các trực thăng kể cả các trực thăng vận chuyển hạng nặng mà Army đang phát triển..

Tháng 4 năm 1966 Army và Air Force đã ký thỏa ước trao đổi này giữa 2 Quân chủng.

  • Một số hoạt động và tổn thất của Caribou khi do Army sử dụng:
  • Cuối 1962, nhu cầu chiến trường tại VN thay đổi do CQ gia tăng hoạt động . Tướng Harkins (Tư lệnh Quân viện) đã đề nghị tổ chức cho SF một lực lượng không vận và không yểm riêng, gần như một toán không quân chiến thuật thu nhỏ gồm 4 L-20 (liên lạc), 4 Caribou (không vận) 12 UH-1 võ trang và 4 OV-1 Mohawk ..Tất cả sẽ đóng tại Nha Trang. Kế hoạch này không được thực hiện.
  • Các phi vụ KQ chiến thuật tại VN càng ngày các tăng trong 1964, riêng tại Vùng 3, con số phi vụ lên đến 30 mỗi ngày nhưng với Army số phi vụ (đủ loại) của họ lại lên đến trung bình 275 phi suất : lực lượng phi cơ của Army tại Vùng 3 khá quan trọng với 28 UH-1, 2 Caribou, 4 U-1 và nhiều phi cơ liên lạc, quan sát..
  • Trong năm 1964, nhu cầu không vận tại VN tăng cao và trên nguyên tắc tổ chức của SE Asia Airlift System thì 315th Troop Carrier Group (tại Tân Sơn Nhất) có thể huy động 48 chiếc C-123 (3 Pđ của USAF), 3 chiếc C-47 của Air Commando, 2 chiếc (trong số 16 chiếc Caribou của Army, một số C-47 của KQVN, và thêm 2 chiếc Bristol 170 của KQ Tân tây Lan.. Nhu cầu hầu như vượt quá khả năng của các C-123 sẵn có, nên đến tháng 8 KQ Úc đã phải tăng phái cho 315th thêm 6 chiếc Caribou CV-2B. Tháng 12-74, do nhu cầu không trợ cho LLĐB tại vùng 2 nên 7 chiếc C-123, 3 chiếc Caribou của Army cùng 1 chiếc Caribou Úc đã được trú đóng tại Nha Trang.
  • 7 tháng 2, 1965 : Đặc công CS đột kích Căn cứ Holloway gần Pleiku là bản doanh của TĐ 52nd Army Aviation gây tổn thất 5 quân nhân Mỹ chết , 104 bị thương và phá hủy 5 chiếc UH-1B, 2 chiếc Caribou, 3 chiếc O-1 của KQHK và 1 O-1 của KQVNCH. (Vụ tấn công này đã gây cuộc không kích Đồng Hới trả đũa của KQ Việt-Mỹ trong Chiến dịch Flaming Dart ngày 8 tháng 12. Đây là phi vụ Bắc tiến đầu tiên của KQVNCH)

 

Caribou trong Không Quân Hoa Kỳ

Các phi cơ Caribou và Buffalo được chính thức giao lại cho KQHK từ tháng 4-1966. Chương trình chuyển giao 144 chiếc CV-2 cho KQ được gọi là Red Leaf dự trù sẽ được hoàn tất vào 31 tháng 12, 1966. Army chỉ giữ lại 15 chiếc để dùng trong các công tác yểm trợ hành chánh.

Trước khi nhận các phi cơ do Army chuyển giao, Bộ Chỉ huy Không Quân Chiến thuật Hoa Kỳ (Tactical Air Command) đã thành lập một Phi đoàn riêng để huấn luyện các phi hành đoàn tác chiến bay các Caribou đang chờ tại VN : Phi đoàn 4449 có 16 chiếc Caribou tạm trú đóng tại Căn cứ huấn luyện phi công Army , Lawson tại Fort Benning, Georgia. Một đơn vị huấn luyện khác của KQ cũng đến Fort Benning . Sau khi các chương trình xuyên huấn cho các phi công thuộc KQ qua bay Caribou , các nhóm huấn luyện của KQ di chuyển về Căn cứ Sewart, Tennessee.

KQHK đặt các Caribou dưới quyền quản lý của Không đoàn Hành quân Đặc biệt số 56 (56th Special Operation Wing = 56th SOW), Không đoàn này đồn trú tại Căn cứ KQ Nakhon Phanom (Thái) nhưng 9 Phi đoàn Không vận chiến thuật (Tactical Airlift Squadron =TAS) lại do 483rd Tactical Airlift Wing trú đóng tại Cam Ranh (VN) chỉ huy : Các Phi đoàn Caribou phân tán : các PĐ 457th và 458th đồn trú tại Cam Ranh; 535th và 536th tại Vũng Tàu còn 459th và 537th tại Phù Cát..Mỗi phi đoàn có 14 đến 16 chiếc Caribou. Từ cuối năm 1966, các lực lượng không vận của HK tại VN được đặt dưới quyền điều động chung của Sư Đoàn KQ 834 th, bộ chỉ huy SĐ đóng tại Saigon và các C-7 được.. chia sẻ công tác với các C-123 và C-130 nhận các nhiệm vụ khác nhau cho từng loại phi cơ

Sau khi chuyển sang KQ, các Caribou CV-2 được đặt cho một số hiệu mới C-7 và C-7A . Các phi công Mỹ đặt cho Caribou một tên ‘lóng' Bou.

(KQHK nhận 103 chiếc CV-2B và đổi thành C-7A ; còn 61 chiếc CV-2A đổi thành C-7)

Do khả năng cất cánh và đáp được tại các phi đạo rất ngắn, C-7 được giao nhiệm vụ phi yểm cho các tiền đồn, căn cứ nơi không thể dùng các C-123 và C-130, một số được ‘biệt phái' riêng cho SĐ 1 Không kỵ.. Ngoài ra do trọng tải vận chuyển giới hạn và vận tốc chậm nên các C-7 ít được dùng trong các phi vụ không yểm hành quân lớn ngoại trừ trong các trường hợp đặc biệt.

  • Ngày 3 tháng 8 năm 1967 một chiếc Caribou của 459 TAS gặp nạn trong một tai nạn kỳ cục. Phi cơ bay tiếp tế cho Trại Hà Thanh (Vùng 1), khi đang đáp đã trúng đạn 155 ly của một đơn vị Mỹ đóng cạnh phi trường, không nhận được lệnh ngừng bắn để chờ cho phi cơ hạ cánh xong . Phi cơ mất nửa cánh bên trái, rơi và phi hành đoàn tử trận ! Chiếc C-7 này SN/ 62-4161 là tổn thất đầu tiên của Caribou thuộc KQHK tại VN khi bay hành quân . Trước đó KQHK mất 2 Caribou khi tập bay chuyển tiếp các phi cơ nhận từ Army (Operation Red Leaf) vào các ngày 4 và 28 tháng 10, 1966..
  • Trong trận Khe Sanh :, chỉ có 8 phi vụ Caribou bay vào Căn cứ, Các Caribou chở quân vào Bãi đáp LZ Stud , một phi đạo ủi riêng cho C-7 để di tản thương binh
  • Tháng 8-1968 , các Caribou được sử dụng để tiếp tế cho Trại LLĐB Đức Lập. khi Trại bị Trung đoàn 95 CSBV vây hãm. Trại này do toán A-239 SF chỉ huy cùng trú đóng với LLĐB VN và các quân CIDG. Tuy bị phòng không CQ bắn dữ dội nhưng các C-7 đã vượt lưới đạn và thả nhiều đợt tiếp liệu ở cao độ 300 ft, sát ngọn cây giúp quân trú phòng chống trả và giữ vững được Căn cứ này (Xin đọc bài riêng về Căn cứ Đức Lập của Trần Lý ).CQ trở lại tấn công Đức Lập vào cuối năm 1969..
  • Tháng Giêng 1969, CQ bắt đầu tấn công và bao vây Căn cứ Ben Het (Tây-Bắc Pleiku) Căn cứ này do A-244 SF chỉ huy cùng LLĐB VN và các CIDG trú đóng. Các Caribou chở nhiều tiếp liệu cho Căn cứ trong tháng 2/69. CQ thuộc Tr Đ 66 CSBV có các xe thiết giáp PT-76 yểm trợ đã cắt đứt lưu thông giữa Ben Het và Dakto từ tháng 5/69, mọi tiếp vận đều do không trợ ..Các C-7 không thể đáp xuống Ben Het từ 1 tháng 6 vì phi đạo bị pháo kích liên tục và thời tiết rất xấu.. và các C-7 từ 3 tháng 6 đã phải dùng cách thả dù tiếp liệu. CQ gia tăng hỏa lực pháo kích, khu vực thả dù càng bị thu hẹp dần và bãi thả lui dần vào bên trong vòng rào căn cứ. Các C-123 và C-130 không thả được vì cần thả thật chính xác từng kiện hành nhỏ gọn..Một chiến thuật phối hợp giữa khu trục và vận tải được thực hiện : các khu trục oanh kích tập trung trong lúc 6-7 chiếc C-7 chờ sẵn, sà xuống thấp từng chiếc theo cách nhau 1 phút , thả hàng tiếp nối nhau, trong màn khói bắn từ các Skyraiders của Air Commando..CQ không thể phản ứng kịp.Trong trận Ben Het các C-7 đã thả dù được 200 tấn tiếp liệu gồm đạn dược, nhiên liệu, thực phẩm và cả nước uống.. giúp giữ vững Căn cứ.. (Xin đọc bài về Ben Het của Trần Lý)
  • Tháng 4 năm 1970 , Tr Đ 28 CSBV đã tấn công Trại Dak Seng (A-245) , nằm về phía Bắc của Ben Het. CQ đã sửa soạn rất kỹ, che giấu được các cuộc chuyển quân nên Căn cứ không phòng ngự.. 12 giờ trước cuộc tấn công (1 tháng 4) của CQ, các Caribou vẫn còn đáp xuống phi đạo bốc các kiện đạn để chuyển cho trại Ben Het.. CQ học bài học trước, đã đặt súng phòng không phục kích dọc hành lang tiếp vận.. Trưa 1 tháng 4, C-7 thả chuyến hàng đầu tiên vào trại.. CQ không bắn khi phi cơ bay vào nhưng đã mưa pháo khi phi cơ bay ra ! Một C-7 bị trúng đạn..Sáng 2/4 chiếc C-7 thứ nhất bị bắn ngay khi làm vòng bay quẹo phải cất lên sau khi thả hàng, chiếc thứ nhì..quẹo trái và bị bản hạ ! Phi cơ rơi cách Trại 5 miles , phi hành đoàn tử nạn..Các Caribou tập trung để thả tiếp liệu cho Trại ngay từ trưa 2/4.. 11 chiếc C-7 bay vào vùng , dùng chiến thuật đã áp dụng tại Ben Het.. theo đuôi nhau chỉ cách nhau 20 giây lần lượt thả hàng.. Ba chiếc trúng đạn !. Trong hai ngày tiếp theo các C-7 thả 31 chuyến..14 chiếc trúng đạn và một chiếc phải đáp khẩn cấp gần DakTo.. Các C-7 tiếp tục bay vào trong suốt tuần lễ và các phi cơ..tiếp tục trúng đạn.. Ngày 4 tháng 4 một C-7 bị bắn rơi và ngày 6/4 thêm một chiếc bị hạ ! Căn cứ được tiếp vận đầy đủ nhờ sự hy sinh của các Caribou.

Để giảm tổn thất, các C-7 đổi sang thả hàng ban đêm dưới ánh sáng hỏa châu thả từ các AC-119 và dưới sự oanh kích bảo vệ của các AC-119 ..Bại nhận hàng được đánh dấu bằng flares.

Trong Chiến dịch Dak Seang các C-7 đã bay 125 phi vụ thả dù, thả 250 tấn hàng và 84% vào tay quân trú phòng.

- Các Caribou cũng đóng góp vào việc chuyển vận quân dụng trong các cuộc hành quân vượt biên giới của Quân lực Việt-Mỹ qua Cambodia và Lào Các C-7 chuyển mỗi ngày 1000 tấn đạn từ Biên Hòa đến các Căn cứ dọc biên giới đề từ đây phân phối đến các đơn vị tuyến đầu.

Trong hai năm 1968-69 các C-7 của KQHK đã bay đến 100 ngàn phi suất.

KQHK trong năm 1970 đã có kế hoạch giải thể các Phi đoàn Caribou đang hoạt động tại VN. Chương trình giải thể tiếp diễn trong 1971 và đến đầu năm 1972 các hoạt động của C-7 (KQHK) chấm dứt..Ngay từ 1971 KQHK đã giao một số C-7 cho KQVNCH. 32 chiếc được gửi lại về Mỹ .

Phi vụ hành quân cuối cùng của Caribou do KQHK bay vào ngày 25 tháng 3 năm 1972.

Về tổn thất của Caribou thuộc KQHK tại VN:

Theo ‘Aircraft losses during VietNam war' trên trang mạng : (vietnamwar-database.blogspot.com)

Tổng số tổn thất : 19 chiếc, 9 chiếc trong các phi vụ hành quân.

Tổng kết hoạt động của Caribou do KQHK sử dụng : (theo Caribou Association) trong thời gian 66-68 :

-     Năm 1966

 

1967

1968

Phi suất

129,324

155,938

174,702

Giờ bay

87,125

100,230

119,184

 

Lượng hàng (tấn)

89,010

95,320

104,225

Hành khách

822,432

1,081,629

1,308,259

  • Vài nhận xét của nhân viên phi hành về Caribou:

- Theo Tom Hansen thuộc 535th Tactical Air Support Squadron trong C-7 Caribou  in Action trang 29.

‘ C-7 là một ‘con ngựa thồ’, khác với các phi cơ vận tải khác. Phi cơ xấu xí như vịt đẹt, ồn ào như chim hạc, không chở được nhiều hàng, nhưng lại bay chậm được như các Helio-Courier, đáp rồi cất cánh được vào các khu vực kỳ dị khó có thể .. ‘gọi là phi trường' ! Khi cất cánh trống, không có hàng hóa, phi cơ bay lên thật nhanh khó tưởng tượng ..có thể cất nhanh đến 3800 ft/ phút (!)

Các nhiệm vụ chiến đấu ‘ngon' nhất là chở đạn đến các căn cứ hỏa lực gần biên giới, đây là những vùng mà xe vận tải không đến nổi. Chúng tôi tải đủ loại đạn từ cỡ nhỏ đến 105 ly, 155, 175 ly và howitzer 8 in đến các chỗ như KaTum, Bù Đốp, Bù Gia mập và Thiện Ngôn..Trong các phi vụ này, các Caribou thường bay từng nhóm 4-5 chiếc , bay con thoi từ Biên Hòa. Mỗi phi cơ mang 2 hay 3 kiện hàng tùy cỡ đạn pháo, mỗi kiện nặng chừng 4200 lbs, đưa lên phi cơ bằng xe nâng hàng có khi chất hàng lên xe tải rồi lùi xe vào thân phi cơ theo lối bửng sau..Trong đa số các phi vụ thả hàng, trong khoang Caribou có đặt 2 đường rày song song giúp kéo hàng lên và đẩy hàng xuống nhanh hơn cho trượt nhanh theo đường track nhất là khi động cơ của máy bay mất sức nâng..Nhân viên tải hàng có thể tống một kiện hàng 1-2 tấn ra khỏi máy bay dễ dàng. Các kiện hàng được buộc theo một phương thức có thể tháo gỡ thật nhanh , ngoại trừ kiện trong cùng đôi khi phải dùng dao cắt dây buộc khi quá gấp.. Phi đoàn bị mất một chiếc Caribou tại Đà Lạt chỉ vì không có dao thật sắc để cắt dây, kiện hàng tuột theo track nhưng bị kẹt dây cột nên đeo tòng teng nơi bửng..Phi cơ lúc này bị hư một động cơ nên trọng tâm bị lệch, không cất lên nổi và chạy ra ngoài phi đạo..may mà phi hành đoàn an toàn..

Khi phi cơ chở đạn đến gần mục tiêu, Phi công chính điều khiển máy bay, coi chừng không lưu và súng từ đất bắn lên, Phi công phụ lo vô tuyến, cánh phụ (flaps) và bộ phận đáp; cơ phi lo mở bửng, tháo dây cột, trừ kiện trong cùng..Ngay khi bánh đáp chạm đất, cánh quạt động cơ đảo nghịch (reverse), bửng sà mặt đất..Phi công chính lo thay đổi cách lái để sửa soạn tái cất cánh..Vị trí thả hàng thường giữa chiều dài phi đạo, phi cơ tạm ngừng..chờ tống xong kiện hàng cuối.. Thời gian giao hàng từ khi đáp đến bay lên lại thường chỉ từ 6 đến 8 phút.’

 

Caribou và KQ VNCH

Trong bài ‘Ngành vận tải trong Không lực VNCH', tác giả NHT ghi lại:

Chương trình thành lập các Phi đoàn vận tải C-7A cho KQVNCH cũng tiến hành tương tự các PĐ vận tải C-123 trước đó.. Mùa hè 1971, 48 hoa tiêu nòng cốt lấy từ hai PĐ 415 và 417 được gửi sang Căn cứ KQ Dyess, Texas để xuyên huấn trên C-7. Các hoa tiêu phụ được tuyển thẳng từ các khóa huấn luyện phi hành..Sau khi trở về VN, các hoa tiêu vận tải tốt nghiệp được đưa đến 483th TCW tại Phan Rang để được huấn luyện bổ túc. Các chuyên viên kỹ thuật cũng được đưa đến đây để học cách bảo trì phi cơ.

Sau khi được huấn luyện bổ túc, các phi công chính được đưa đến bay thực tập hành quân chung với các phi hành đoàn 459th, 535th, và 537th TAC Hoa Kỳ để lấy kinh nghiệm và chuẩn bị tiếp nhận phi cơ..’

Về ngày thành lập các Phi đoàn Caribou của KQVNCH, Ông NHT ghi:

  • PĐ 427 ‘Thần Long' thành lập tại Phù Cát vào tháng 3/1972. PĐ trưởng là Tr tá Phạm Thanh Cần. Tháng 9/72 PĐ này di chuyển ra Đà Nẵng
  • PĐ 429 ‘Sơn Long’, thành lập 7/1972 cũng tại Phù cát . PĐ trưởng là Tr tá Cung Thăng An
  • PĐ 432 ‘Phương Long’ , thành lập 9/1972 tại Phù Cát . PĐ trưởng là Tr tá Nguyễn Viết Xương

Các PĐ 429 và 431 sau đó di chuyển về TSN từ đầu năm 1973..

  • Tài liệu của US Air Force Advisory Group (Confidential-Top Secret) , đã giải mật do Thân hữu Trương văn Quang (từ Úc) gửi tặng, có đoạn ghi về Caribou của KQVN trang C-76 như sau:
    • KQVN khởi động Phi đoàn Caribou C-7A đầu tiên, PĐ 427 tại Căn cứ Phù Cát ngày 1 tháng 3 năm 1972. Trong thời gian từ 1 đến 31 tháng 3, PĐ đã có những hoạt động rất tốt. Ngay ngày khởi động PĐ đã bay 2 phi vụ hành quân, và đến 5 tháng 3 số phi vụ tăng lên 5 phi vụ/ngày, rồi đến 15 tháng 3 / 1972 tăng tiếp thành 7/ngày và số này được giữ đến hết tháng. Các phi vụ huấn luyện được thực hiện song song, chung với các phi vụ hành quân. Và 30 tháng 3 năm 1972 PĐ được xem là đủ khả năng hành quân..
    • Ngày 1 tháng 7 năm 1972, KQVN khởi động PĐ C-7A thứ nhì, cũng tại Phù Cát. Ngày 23 tháng 8-1972 , 310th Combat Crew Training Squadron hoàn tất lớp huấn luyện sau cùng cho VNAF phi hành đoàn và giao các C-7 còn lại cho KQVN. Ngày 15 tháng 8 năm 1972, phi đoàn C-123 của USAF tại TSN ngưng hoạt động , giao một số phi cơ cho KQVN để thay cho các tổn thất từ tháng 4 đến tháng 6-1972.. Cho đến cuối tháng 9-72, các PĐ vận tải của KQVN có đầy đủ phi cơ theo cấp số đã được duyệt.
    • Từ 1 tháng 11, 1972, các C-7 của VNAF, tạm đóng tại Phù Cát bắt đầu bay hành quân yểm trợ Vùng 3, 4 từ Phi trường Bình Thủy. Mỗi ngày có 4 đến 6 phi vụ yểm trợ cho các nhu cầu tại Vùng châu thổ sông Cửu

 

Các C-7 đáp được tại các vùng chỉ có phi đạo ngắn.. trước đây do KQHK và Air America chịu trách nhiệm..

  • Trong tuần lễ 8 tháng 10-1972, các phi cơ của Lực lượng vận tải đáp ứng được khoảng 76 % nhu cầu..Các phi cơ vận tải VNAF (trong đó có các C-7) chuyên chở được 11,487 hành khách, 663 tấn hành, thả 880 hỏa châu.. Các C-7 thả hàng cho các tiền đồn tại Ba tơ, Đức Cơ, Minh Thạnh..

 

●     Một số hoạt động của các Phi đoàn Caribou :

Các hoạt động cũng như chiến công của các Phi đoàn Vận tải của KQVNCH nói chung, rất ít được ghi lại trong Quân sử, và Caribou cũng không .. ngoại lệ.

Chúng tôi xin ghi lại , rất hạn hẹp vì thiếu tài liệu, một số hoạt động, hy sinh và tổn thất của các Caribou thuộc KQ VNCH, theo từng Phi đoàn

1- Phi đoàn 427 " Thần Long " :

Phi đoàn trưởng (Tr tá Cần) ghi lại một số sự kiện về PĐ 427:

Nhân sự trong Ban Chỉ Huy còn có PĐ phó Nguyễn Bá Đạm, TP hành quân Th tá Trần văn Minh, TP huấn luyện Th tá Hà văn Hòa và TP an phi Th tá Nguyễn văn Kim. Các C-7A của PĐ 427 có ‘tail code' hai chữ Y.. (Yankee) YA, YB..PĐ 427 được chuyển ra Đà Nẵng là do chính ông yêu cầu. Các Caribou của PĐ đã hoạt động tại nhiều phi đạo rất ngắn chỉ khoảng 300 m tại các vùng xa lạ như Nhơn Cơ, Gia nghĩa, Hà Thanh, Ba tơ..(các trại của BĐQ Biên phòng Vùng

1) ; phi đạo loại đất nện, nằm cheo leo giữa hai triền núi..

PĐ 427 có một khu cư xá nhân viên tại Phước Tường trong Căn cứ KQ Đà Nằng Tr tá Cần không ghi lại về các tổn thất của PĐ và các chiến công của các Caribou.. Ông chỉ ghi là sau khi mất Đà Nẵng, các phi cơ còn khiển dụng bay được về SG và sát nhập vào các PĐ 429 và 431..

Sau đây là vài tổn thất tìm được trong các bài hồi ký của các tác giả khác :

  • Ngày 22 tháng 5 năm 1972 , một Caribou của PĐ 247 đã mất tích sau khi cất cánh từ Ban Mê Thuột. PH đoàn gồm TPC Tr úy Phạm Tường Phương; Hoa tiêu phó Th úy Nguyễn Hữu Quang.. Xác phi cơ đã được tìm thấy vào năm 2011 ( tin trên com)
  • Trận Đức Phổ (3/1974) : PĐ huy động 15 chiếc C-7A đổ quân tái chiếm Quận.. Chiếc thứ hai trúng đạn CQ gãy đuôi, lết về nhưng rơi cách phi đạo khoảng 5 km..Th tá PĐ phó Đạm bị thương.. Cơ phi và Áp tải đều bị thương và giải ngũ..

Về ngày ‘tự thoát’ của PĐ 427 tại Đà Nẵng , trong ‘Hồi ức Tháng Tư’ Phi công Nguyễn Duy Ân ghi lại : ‘.. Ba giờ sáng (29/3) đạn pháo kích mới thưa rồi ngưng hẳn, quá mệt mỏi, tôi nằm chợp mắt trên chiếc bàn trước PĐ, chợt có người đánh thức tôi dậy, giọng hốt hoảng.. ông C dọt rồi!.. ông lấy chiếc YN bay mất rồi ! Tôi cau mày bối rối: cả phi đoàn có hai (?) chiếc khả dụng, một chiếc đang nằm ở TSN còn chiếc này là dành cho tất cả nhân viên PĐ khi cấp bách.. Anh em nằm chịu pháo kích suốt đêm.. vậy mà !? Ông Ân sau đó cùng nhân viên cơ khí tìm cách sửa chữa cấp bách một C-7 khác nhưng không thành công.. Ông thử một AC-47 Hỏa Long bỏ lại trong hangar, cũng không xong.. nên chạy ra Mỹ Khê.. và thoát được về SG theo tàu HQ.

33 chiếc C-7A bị bỏ lại tại Đà Nẳng trong tình trạng bọc trong ‘đóng gói"

 

2- Phi đoàn 429 " Sơn Long "

Phi đoàn này có tail code là G (Golf)

Trong thời gian hoạt động Sơn Long là PĐ đã chịu nhiều tổn thất nhất trong số 3 Phi đoàn Caribou của KQVNCH.

  • Ngày 1 tháng 12 năm 1972 , trong phi vụ VIP, PĐ đã sử dụng chiếc Caribou mượn của Pđ Phi vụ chở Phái đoàn Chính Phủ đi thanh sát các tỉnh Vùng
  1. Phái đoàn do Thiếu tướng Trần Thanh Phong , đặc trách chương trình Thị tứ của Phủ Thủ tướng, hướng dẫn. Đoàn tùy tùng còn có thêm 3 cố vấn Mỹ. TPC là Tr úy Nguyễn văn Hùng.. Trước khi rời Ban Mê Thuột để bay về Phú Yên, đoàn thanh sát đã được Tỉnh trưởng Phú Yên báo cho biết tình hình thời tiết tại Tuy Hòa rất xấu và đề nghị phi cơ chở phái đoàn nên đáp xuống Phi trường Đồng Tác trong CC KQ Hoa Kỳ nằm trên bờ biển cách Thị xã Tuy Hòa 5 km về hướng Nam. Tuy nhiên khi về đến không phận Tuy Hòa, chiếc Caribou lại muốn đáp xuống phi trường Chóp Chài nằm song song với QL 1 với phi đạo lót vỉ sắt, cách TUy Hòa 2 km về hướng Bắc..Caribou khi đáp, đụng hàng dừa.. Tất cả phi hành đoàn và hành khách tử nạn..
  • ? năm 1973 : Trong phi vụ chuyển vận hành khách từ Dương Đông Phú Quốc về SaiGon, chiếc Caribou do Tr úy Đoàn Thế Hảo lâm nạn.

Tai nạn này được Cơ phi Lê tấn Trạng (Orlando-Florida) kể lại (thư riêng cho TL ngày 11-26-1999 ) ..’ Phi vụ sau khi đáp ở Dương Đông, tàu của Tr úy Hảo sửa soạn cất cánh trở lại TSN chở các quân nhân (và gia đình) HQ về phép; khi tàu cất cánh động cơ bên phải bị mất vòng tours, không đủ sức nâng, đã cắm đầu xuống biển..Tất cả hành khách và PĐ đoàn tử nạn trừ Áp tài viên Lư Chí Minh… [trong số người tử nạn có BS Trịnh văn Dư và NS Lê đình Thứ thuộc BV HQ Dương Đông].. Áp tải viên Minh kể thêm :’..nhờ không seat belt, khi cất cánh, do impact, cái sunroof trên nóc bật ra, nên Minh lội được ra ngoài.. như lội trong thùng nước sôi vì 2 động cơ của C-7A vẫn còn nóng..’

  • ? năm 1975 (?) Chiếc Caribou do Đ úy Hoàng Trọng TPC đáp đêm tại Phi trường Nhơn Cơ trong trận Ban Mê Thuột (?), phi đạo dùng xe jeep chiếu sáng phi đạo (!) Phi cơ đáp ngoài phi đạo, lạc ra đồi thông; 4 nhân viên phi hành cùng 25 binh sĩ trinh sát của SĐ 23 tử trận..
  • Một số tai nạn do Tác giả Thành Giang ghi lại rất tóm tắt không ngày, tháng (?)
  • Tr úy Mậu TPC: chở hòm, cất cánh gió ngang ở Phi trường Quy Nhơn , phi cơ bị gió tạt, chạy ra ngoài phi đạo khi cất cánh, phi cơ hư hại nhưng phi hành đoàn vô sư..
  • Tr úy Toàn TPC : Phi vụ tiếp tế tiền đồn, đáp phi đạo Trại Hà Thanh, crash, phi cơ bị phá hủy, PH đoàn thoát nạn.
  • Tr úy Bảo (râu) đáp bụng, không bánh đáp tại Phi trường Bình Thủy, PH đoàn và hành khách vô sự
  • Phi đoàn 431 " Phương Long"

Tail code : P (Papa)

PĐ 431 là PĐ Caribou duy nhất trong 3 PĐ đã không bị tổn thất nhân mạng trong gần 3 năm hoạt động trên các chiến trường VN kể cả các phi vụ bay vào các tiền đồn như Tống Lê Chơn, Sông Bé, Đồng Xoài..

Tác giả Thành Giang TG) ghi lại hai ‘tai nạn’ của PĐ như sau : (không ghi ngày tháng của tai nạn)

  • Tr úy Đỗ Hội An TPC, biệt đội C-7 biệt phái Bình Thủy, cất cánh ở Vĩnh Bình, phi cơ bị bắn trúng 21 viên đạn, động cơ bên phải trúng đạn, chảy dầu, lết về đáp được tại Bình Thủy . Phi hành đoàn và hành khách an toàn.
  • Tr úy Lê văn Thanh TPC : cất cánh một động cơ trong ngày di tản tại TSN. phi cơ không nổ được thêm máy thứ hai..cất cánh khẩn cấp khi phi trường bị pháo kích; quá tải không bay lên nổi..phi cơ đâm vào hàng rào phi trường TSN..:

Tác giả TG cũng ghi lại về việc Chiếc Caribou PK 384 bay ra khỏi Saigon ngày 29 tháng 4 năm 1975 do Đ úy Võ thành Út điều khiển (Ông cho biết bài viết về sự kiện này ‘Saigon giẫy chết' đã đăng trên nhiều Diễn đàn)

  • Caribou trong các phi vụ tiếp tế cho Căn cứ Tống Lê Chân

Trại BĐQ Biên phòng Tống Lê Chân do TĐ 92 BĐQ trấn giữ đã được viết rất nhiều trong các bài chiến sử. Các trực thăng của KQVNCH, kể cả các Chinook đã đóng góp nhiều xương máu trong việc bảo vệ Căn cứ này

Các Caribou của KQVNCH cũng đã giúp phần bảo vệ Tống Lê Chân (TLC) Tác giả Lê Hồng Đức trong bài ‘Không vận Tiếp tế Tống Lê Chân' ghi lại:

‘.. cả ba PĐ Caribou đều đã bay các phi vụ tiếp tế vào Tống Lê Chân..Các PĐ 429 và 431 cất cánh từ Saigon là lực lượng chính, nhưng PĐ 427 tuy trú đóng tại Đà Nẵng nhưng cũng bay vào Biên Hòa lấy các tiếp liệu phẩm để đưa vào Tống Lê Chân..Trong Trại có một phi đạo lót vỉ sắt dài 1100-1200 ft đủ cho các Caribou có thể đáp xuống. Tuy nhiên từ sau trận An Lộc, CQ đã liên tục pháo kích vào TLC làm hư hại hoàn toàn phi đạo nên C-7 không còn đáp xuống được chỉ có thể thả dù các kiện hàng ở cao độ thấp..KQVNCH cũng đã dùng các C-130 thả dù nhưng kết quả không như mong muốn : chỉ 50 % kiện hàng rơi vào trong căn cứ..nên KQVNCH chọn Caribou để thả hàng.. Các PĐ 429 và 431 đã thả nhiều kiện hàng an toàn chỉ có Caribou của Đ úy Phạm Thế Nghiệp, có lần trúng đạn bể máy, chỉ còn một động cơ đã cố lết về TSN và đáp an toàn..

.. đáp xuống Biên Hòa khoảng 9-10 sáng.. PH đoàn chất 2-3 tấn pallets lương thực lên tàu..Quân đoàn cho biết phi đạo bị pháo kích hư hại không thể đáp nên chúng tôi quyết định sẽ thả hàng theo cao độ thật thấp.. Sau khi cất cánh, 10 phút lên cao độ 7-8000 ft về hướng Bắc, đã thấy xa xa Căn cứ TLC và Tỉnh lỵ An Lộc.. Biên Hòa đến TLC chỉ khoảng 100 km không hành.. Phi cơ bắt đầu cúp ga = power off , không tiếng động cơ nổ ,bay xuống như chiếc lá rơi, và sau đó bay ‘kamikaze' với vận tốc 200 knots kịp vào đúng downwind phía Bắc, song song với phi đạo TLC… sau đó thả chớp nhoáng 9 trong vòng 5 giây (?) và bay nhanh lên kịp tránh đạn bắn theo..’

Về các con số ghi nhận số phận các Caibou của KQVNCH:

Theo Robert Mikesh trong ‘Flying Dragons: The South Vietnamese Air Force' trang 134

  • Số phi cơ C-7 nhận (đến 28 tháng Giêng 1973 ) 56 chiếc trong đó KQVNCH thực sự có 54 chiếc

Số phi cơ đến Thái : 6 chiếc.

Theo ‘Air Combat' số Sep 1991:

Tại Đà Nẵng trong số 180 phi cơ KQVNCH bỏ lại có 33 chiếc Caribou Tổng số phi cơ CSBV lấy được là 1100 chiếc đủ loại và số Caribou là 33

KQ CSBV sử dụng lại khoảng 20 chiếc trong các cuộc chiến với Campuchea và Trung cộng .. Đến 1988 CSBV đã rao bán hết các Caribou trên thị trường ‘võ khí cũ' trong số 200 phi cơ không còn dùng được của họ..

 

Caribou của KQ Hoàng gia Úc tại Việt Nam

Tác giả NHT trong bài' Quân lực Hoàng gia Úc trong cuộc chiến Việt Nam' trên diễn đàn Phi dũng có ghi một số chi tiết về các Caribou của KQ Úc.

Chúng tôi xin ghi thêm một số chi tiết:

  • Theo ‘C-7 Caribou in Action':

Để thay thế số phi cơ C-47 Dakota của lực lượng KQ Úc đã quá hạn sử dụng, KQHG Úc đã đặt mua 18 chiếc Caribou mà số phi cơ này đến Úc ngày 25 tháng 2 năm 1964 KQ Úc gọi Caribou là A-4.. Úc có tổng cộng 33 chiếc Caribou A-4.

Chương trình tổ chức Lực lượng KQ Úc yểm trợ cho VNCH đã được nghiên cứu từ 20 tháng 4 năm 1964, khi HK yêu cầu Úc gửi một số Dakota sang giúp VN..

Các chiếc A-4 đã được gửi trực tiếp đến VN từ tháng 8-8-1964. Ba chiếc vừa tiếp nhận đã bay từ Canada qua CC KQ Butterworth của Úc tại Mã Lai và được lệnh bay thẳng đến Vũng Tàu (thay vì về Úc), cùng với 33 quân nhân đầu tiên; sau đó thêm 3 chiếc khác vào cuối tháng 8-64. Sáu chiếc này hợp thành RAAF Transport Flight VN (RTFV) và sau đó đổi tên thành Phi Đoàn 35 hay RAAF Caribou Flight 35 (từ 1 tháng 6-1966), bay dưới danh hiệu vô tuyến (call sign) là Wallaby .. Sau đó PĐ có ‘tên ..lóng ‘ là Air Wallaby ! (Wallaby là tên của một loài đại thử của Úc giống như kangaroo). Quân số của PĐ lên đến 76 người..

Tuy các phi cơ Caribou của PĐ được đưa vào hoạt động chung với các phi cơ HK trong Hệ thống chuyển vận chung, nhưng nhiệm vụ chính vẫn là yểm trợ cho Chiến đoàn Đặc nhiệm Úc tại VN.

Chỉ huy PĐ Tr tá Chris Sugden tóm lược các nhiệm vụ chính của Air Wallaby gồm:

  • chuyển vận hàng hóa, thư từ và hành khách (theo nhiệm vụ được yêu cầu)
  • thà dù quân sĩ (kể cả Biệt kích Úc=SAS)
  • chuyên chở dân sự Việt Nam phải di tản khỏi khu vực giao tranh
  • thả hỏa châu và tải thương..

Trong thời gian hoạt động tại VN (1965-72), các Caribou Úc (tổng cộng 13 chiếc) đã bay 80 ngàn phi vụ, ghi 47 ngàn giờ bay,chuyển vận khoảng 677 ngàn hành khách, 79 triệu lbs hàng hóa. PĐ Caribou Úc bị thiệt hại 3 phi cơ khi hành quân, và 4 chiếc khác trong tai nạn.

  • Ngày 12 tháng 11 năm 1964, chiếc Caribou đầu tiên của KLHG Úc bị tổn thất là chiếc A 4-185 đáp khẩn cấp và bị hư hại tại Tiền đồn A
  • Chiếc Caribou A 4-173 bị hư hại ..hai lần : lần đầu ngày 7 tháng 5/1965 khi đáp xuống Biệt khu Hải Yến , bùn văng che kín tầm nhìn của phi công ! và lần thứ nhì ngày 16 tháng 8 1966 khi đáp phi đạo ngắn tại Ba Tơ (Quảng Ngãi) và chuyên viên được đưa đến sửa chữa tạm để 10 ngày sau bay về Vũng Tàu.. tu bổ và lại bay tiếp.
  • Ngày 30 tháng 7 -1967 , chiếc A-4-208 khi đang đáp xuống phi đạo Dak Seang đã trúng đạn 30 ly của CQ ở cao độ 1500 ft.; giây cable điều khiển cánh lái đuôi bị đứt .Ngày 11 tháng 1-1969, 3 đạn cối đã rơi cách phi cơ 25 m.khi đang chờ cất cánh tại phi đạo KaTum, 2 phi công bị thương, phi cơ bị hư hệ thống thắng, bánh xẹp.. cùng cả 100 vết đạn trên thân .. nhưng vẫn sửa lại được..
  • Ngày 30 tháng 8-1967, chiếc A-4-171 (một trong ba chiếc đầu tiên đến VN) gặp nạn , crash khi đáp tại An Thới chạy xuống biển ..300m xa hơn phi đạo.
  • Ngày 29 tháng 3 -1970 , chiếc A-4-293 đã trúng đạn súng cối CQ khi đang đậu tại Thất Sơn (Châu Đốc) cách biên giới Miên 12 km, phi cơ chở nhiên liệu tiếp tế cho Trại. Viên đạn cối đầu tiên trúng cánh phi cơ và gây cháy..PĐ hành chạy khỏi phi cơ, nhào xuống giao thông hào và chạy vào bunker cách đó chừng 30 m CQ mưa đạn pháo và phi cơ hầu như bị hủy hoại hoàn toàn..

Cùng theo Chương trình rút quân của HK:

  • Ngày 30 tháng 3 -1971 : Ba chiếc A-4 cùng 44 quân nhân rút khỏi Vũng Tàu để về Căn cứ Richmond (NSW) Úc
  • Ngày 19 tháng 2- 1972 . 4 chiếc còn lại và toán quân nhân của PĐ 35 rời VN

 

Caribou của Air America tại Việt Nam

Air America (xin xem bài C-123 của Trần Lý) sử dụng một số Caribou tại Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Các Caribou của Air America bay các phi vụ đặc biệt , rất ít ghi chép về mục tiêu cũng như hàng hóa chuyển vận..

Hai Caribou của Civil Air Transport đã chuyển cho Air America vào cuối năm 69-70. Tài liệu của Cơ quan Quản Trị Hàng Không HK ghi là Air America đăng bộ chính thức cho 4 chiếc DHC-4 (hay Caribou) để khai thác ‘thương mãi' tại Đông Nam Á.

Một trong 4 chiếc được tu bổ tại Singapore để chở được 44 hành khách Công ty ‘phụ' của Air America là Pacific Architects and Engineers còn sử dụng 2 chiếc Caribou để chuyên chở nhân viên ‘ riêng'.

Ngoài ra còn 4 chiếc khác dưới tên Air Asia of Taiwan cũng do Air America sở hữu Tùy theo hợp đồng ký kết, số Caribou do Air America sử dụng tại VN thay đổi:

Năm 1971, Air America có 3 Caribou hoạt động, một tại Nha Trang và 2 tại TSN  Saigon

  • Chiếc tại Nha Trang bay các tuyến đường phía Nam Nha Trang- Phan Thiết - Phan Rang và phía Bắc Nha Trang-Tuy Hòa-Quy Nhơn-Pleiku chở thư từ vả tiếp liệu theo yêu cầu của Vùng 2.
  • 2 chiếc tại SG , một bay SG- Cần Thơ dùng cho nhu cầu chuyển vận tại Vùng 3 và 4; chiếc thứ nhì dành cho USAID.

Sau đây là chi tiết về 6 chiếc Caribou DHC-4 của Air America 'chính thức' hoạt động tại VN:

  • Số đuôi: B-851 chính thức theo đăng ký là của CAT, ‘bán lạl’ cho Air America ngày 29-7-1971, chuyển sang số mới N11014 , hoạt động tại VN từ 7-62 đến 29-4-1975. Bỏ lại tại Côn Sơn (xem chi tiết bên dưới)
  • Số đuôi:  B-853 cũng do CAT bán lại, nhưng sau đó Air America cho ‘KQHK mướn lại' từ 3-tháng 9-1968 đến 15 tháng 6-1973 (?)
  • Số đuôi: N-539 Y, đậu tại TSN, hoạt động tại VN : 26-11-64 đến 15-4-1975.

Chiếc này dùng bay thuê cho ICCS (Ủy Ban Quân Sự 4 bên)

  • Số đuôi: N-544 Y, cũng tại TSN , tại VN từ 21-10-1965 đến 20-4-75. Chiếc này bay theo hợp đồng với CORDS trong những năm 1973-75

(Hai chiếc N-539 và 544 được đình động và tồn trữ tại Saigon từ tháng 5-1974, chờ bán cho Masin Aircraft of Cologne, nhưng bất thành. Cà hai bay khỏi SG từ 6 tháng 4-1975, về Tainan (Đài Loan)

  • Hai chiếc số đuôi : N-580 PA và N-581 PA dưới tên Pacific Architects , đậu tại Vũng Tàu, cũng rời VN trong năm
  • Về chiếc Caribou N 11014 bỏ tại Côn Sơn ngày 29 tháng 4 năm 1975:

Phi công T R Frazer ghi lại : Phi cơ rời SG lúc 17:55 ngày 28 tháng 4-1975 bay ra Côn Sơn, chở một số cơ phận máy bay và tiếp liệu. Tại đây động cơ phi cơ chảy dầu và đậu lại chờ sửa chữa suốt đêm. Trong đêm các phi cơ của KQVN đáp xuống, chở theo người di tản và đậu chắn đường của N 11014,  phi cơ  được kéo sang một chỗ trống khác nhưng sau đó một AC 119 đáp và chặn luôn phi đạo và tiếp theo các phi cơ VN tiếp tục đáp và bít hết đường ra của N 11014. Phi hành đoàn đành bỏ phi cơ và được trực thăng của Air America đón ra chiến hạm Balbour County lúc 15 :00 ngày 29-4-75..(Chiếc này sau đó CSBV bán cho Ấn Độ, phi cơ bị dùng làm cơ phận cho các Caribou của KQ Ấn ) (tài liệu Air America in South VietNam của Joe Leeker) 

 

Vài đặc điểm kỷ thuật và cải biến của Caribou

  • Đặc điểm kỹ thuật:

Các chi tiết kỹ thuật về Caribou được phổ biến rất nhiều trên Internet, chúng tôi xin chỉ ghi lại vài điểm chính theo ‘C-7 Caribou in Action' của Wayne Mutza

  • Các nghiên cứu chế tạo : YAC-1 Caribou

Sau khi hai mẫu đầu tiên đã thử nghiệm xong (1957), Army đã đạt mua 5 chiếc phi cơ mới tạm đặt tên YAC-1 để chính thức bay thử : Chiếc YAT-1 (57-3079) bay lần đầu vào tháng 3-1959, sau đó chiếc YAT-1 (57-3080) sau khi thay đổi vài chi tiết ban đầu, cũng bay thử thành công. Và chiếc YAT-1 đã được giao cho Army ngày 8 tháng 10-1958 và sau đó thêm 2 chiếc vào tháng 11-1958..

YAC-1 gắn 2 động cơ P&W sức đẩy 1450 mã lực, 14 xy lanh..có thể bay 170 mph khi bay sát mặt biển.. khi ở cao độ 7500 ft có thể bay nhanh hơn 182 mph tăng tầm họa động lên 1400 miles.

Thân phi cơ đủ chứa 32 binh sĩ trang bị đầy đủ hay 24 quân nhảy dù, hay 22 cáng khi tải thương, 2 xe jeep hay 3 tấn hàng hóa..

  • AC-1 / CV-2A:

Đầu năm 1960, Army bắt đầu đặt mua 7 chiếc tạm cho hoàn hảo và đặ cho phi cơ tên AC-1. Động cơ được cải tiến thành P&W R2000-7MD, tăng vận tốc lên 216 mph, trọng lượng tối đa 26000 lbs (phi cơ trống nặng 17,600 lbs; khi ở cao độ 10000 ft, vận tốc bình phi 182 mph. Phi đạo khi cất cánh với trọng lượng tối đa chỉ cần 540 ft. Cao độ tối đa 24,800 ft, tầm xa 1100 miles khi chở 5400 lbs hàng hóa (bay 150 mph)

Tổng cộng có 56 chiếc AC-1 được chế tạo cho đến tháng 6 năm 1961

Năm 1962 Army đặt cho phi cơ tên mới : CV-2 A và sau đó khi chuyển sang KQHK phi cơ đổi thành C-7

  • AC-1A / CV-2B:

Theo yêu cầu của Bộ Giao thông HK, các AC-1 đã được thay đổi cấu trúc khung sườn để có thể hoạt động với trọng lượng 28,500 lbs và phi cơ mới có tên là AC-1A từ 1963, Thay đổi này lại giới hạn khả năng cất cánh và đáp tại các phi đạo ngắn của AC-1A : cần 720 ft để cất cánh khi chở đầy hàng hóa và khi đáp cần đến 650 ft.. Army trước khi nhận các phi cơ mới cũng đổi tên thành CV-2B. Khác biệt rõ nhất là các CV-2B được gắn thêm radar thời tiết AN/APN-158 nơi mũi phi cơ. (Các CV-2A trước đây đều được cải tiến lại với radar này).

Tháng 12 năm 1965, một hệ thống chuyển xăng được thử nghiệm : một CV-2B được thử gắn 3 bình chứa có thể tách bỏ, mỗi bình chứa được 350 gallons. Hệ thống này giúp các CV-2B tăng tẩm hoạt động lên 1160 hải lý..Một chiếc CV-2B khác cũng được Sư đoàn Không vận 11 th thử dùng làm phi cơ chở xăng tiếp cho các trực thăng khi đang bay..

Có tất cả 103 chiếc CV-2B được chế tạo và khi chuyển cho KQ (1966-67), được đổi thành C-7 A

 

Trần Lý 10/2019

 

Ý kiến cho bài đọc xin nhấn vào đây => (Phi cơ vận tải C-7 Caribou và Chiến trường Việt Nam)

Rate this item
(0 votes)