Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

KHÓA 2 HOA TIÊU QUAN SÁT - Thiên Ân

(Trích đặc san Lý Tưởng - Úc Châu, số kỷ niệm Ngày Không Lực 1/7/2019)



LỜI NÓI ĐẦU:

Trước năm 1975, nhờ phục vụ dưới trướng Chuẩn tướng Từ Văn Bê, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận KQ, theo ông đi đây đi đó, chúng tôi được biết một số vị đại niên trưởng xuất thân Khóa 1 Hoa Tiêu Quan Sát ở TTHLKQ Nha Trang, như Chuẩn tướng Võ Dinh, Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Oánh, Đại tá Vũ Văn Ước..., còn về Khóa 2 HTQS thì chỉ biết Thiếu tướng Võ Xuân Lành (Tư lệnh phó KQ). Sau khi ra hải ngoại, tham gia việc biên soạn cuốn Quân Sử Không Quân VNCH (Liên Hội Ái Hữu Không Quân Úc Châu phát hành năm 2005), qua tài liệu, lời kể của các NT Võ Dinh, Vũ Văn Ước, Phùng Văn Chiêu và Trần Phước Hội, chúng tôi mới biết Khóa 2 HTQS chính là nơi xuất thân của nhiều vị đại niên trưởng trong quân chủng, mà ngoài Thiếu tướng Võ Xuân Lành còn có Chuẩn tướng Nguyễn Văn Lượng, Sư đoàn trưởng SĐ3KQ, các Đại tá Vũ Thượng Văn, Tham mưu phó Kế hoạch BTL/KQ, Trần Đình Hòe, Sư đoàn phó SĐ5KQ, cố Thiếu tá Nguyễn Ngọc Biện, Chỉ huy trưởng Biệt Đội 615...

Bài dưới đây chúng tôi viết về Khóa 2 HTQS và các vị NT nổi tiếng xuất thân từ khóa này. Nhân tiện cũng xin điểm qua danh sách các vị niên trưởng KQ xuất thân Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị, trong đó có những vị sẽ theo học Khóa 2 HTQS.


* Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị 

Đa số các vị niên trưởng thuộc hàng “khai quốc công thần” của KQVN đều xuất thân Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị (Nam Định hoặc Thủ Đức), trừ hai vị xuất thân Khóa 2 Sĩ Quan Hiện Dịch (Đập Đá, Huế) là Trần Văn Hổ, Trần Phước, và năm vị xuất thân Khóa 3 Sĩ Quan Hiện Dịch (Đà Lạt) là Võ Dinh, Nguyễn Ngọc Oánh, Từ Bộ Cam, Nguyễn Thế Anh, và Đinh Văn Chung. (Chú thích 1)

[Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị mãn khóa sau khi Khóa 1 HTQS đã khai giảng, cho nên chỉ có 4 Thiếu úy Khóa 3 Đà Lạt và 11 dân chính theo học khóa HTQS đầu tiên]

Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định (khóa Lê Lợi) và Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức (khóa Lê Văn Duyệt) khai giảng vào đầu tháng 10/1951 và mãn khóa vào đầu tháng 6/1952, với 580 sĩ quan tốt nghiệp, gồm 495 Thiếu úy (điểm từ 12/20 trở lên) và 85 Chuẩn úy (điểm dưới 12/20).

Trong số sĩ quan xuất thân Khóa 1 Nam Định có các vị sau đây về Không Quân (với cấp bậc và chức vụ sau cùng trong quân chủng Không Quân): 

- Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ (Tư lệnh KQ) 
- Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan (Tư lệnh phó KQ)
- Chuẩn tướng Phan Phụng Tiên (Sư đoàn trưởng SĐ5KQ)
- Chuẩn tướng Nguyễn Văn Lượng (Sư đoàn trưởng SĐ2KQ)
- Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Tần (Sư đoàn trưởng SĐ4KQ)
- Chuẩn tướng Đặng Đình Linh (TMP/Tiếp Vận BTL/KQ)
- Đại tá Nguyễn Xuân Vinh (Tư lệnh KQ) 
- Đại tá Nguyễn Khắc Ngọc (TMP/Hành Quân BTL/KQ)
- Đại tá Vũ Thượng Văn (TMP/Kế Hoạch BTL/KQ)
- Đại tá Trần Đình Hòe (Sư đoàn phó SĐ5KQ)
- Đại tá Đặng Hữu Hiệp (Chánh Sở An Ninh KQ)
- Đại tá Nguyễn Bá Thọ (Không đoàn trưởng...?) 

Khóa 1 Thủ Đức có:

- Trung tướng Trần Văn Minh (Tư lệnh KQ)
- Thiếu tướng Võ Xuân Lành (Tư lệnh phó KQ) 
- Chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính (Sư đoàn trưởng SĐ3KQ)
- Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang (Sư đoàn trưởng SĐ6KQ)
- Đại tá Huỳnh Hữu Hiền (Tư lệnh KQ)

LƯU Ý: Danh sách các NT xuất thân Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị sau này về Không Quân chắc hẳn phải nhiều hơn con số nói trên, tuy nhiên chúng tôi không có con số chính xác. Nguyên nhân là có những vị NT đã được biệt phái hoặc giải ngũ trước năm 1975, chẳng hạn cố NT (cựu Trung tá) Nghiêm Xuân Khuyến, người mới qua đời vào cuối năm 2018 tại Hoa Kỳ, sau khi giải ngũ đã trở thành giáo sư Viện Đại Học Đà Lạt.

Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị (Nam Định & Thủ Đức) đã đào tạo tổng cộng 23 tướng lãnh cho QLVNCH, và qua hai danh sách trên, chúng ta thấy có tới 10 vị thuộc quân chủng Không Quân, trong đó có một vị mang 3 sao là Trung tướng Trần Văn Minh (3 vị Trung tướng còn lại thuộc khóa này là Nguyễn Ðức Thắng, Lê Nguyên Khang, và Ðồng Văn Khuyên).

Tới đây cũng xin mở ngoặc để viết về quân trường xuất thân của cố Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan. 

Trong số tài liệu chúng tôi có được, phân nửa viết ông xuất thân Khóa 1 Nam Định, nửa còn lại viết ông xuất thân Khóa 1 Thủ Đức. Thậm chí cả đến tiểu sử của ông trên trang mạng Wikipedia cũng có sự mâu thuẫn: bản tiếng Việt thì viết ông xuất thân Thủ Đức, bản tiếng Anh lại viết Nam Định (nguyên văn: “ông Loan xuất thân cùng quân trường với Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, và trở thành bạn của nhau”), cho nên sau này ông Kỳ mới bổ nhiệm ông Loan làm Tư lệnh phó Không Quân, rồi Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia.

Về phần chúng tôi cũng nghiêng về “Nam Định”, vì hai nguyên nhân sau đây:

(1) Theo một tài liệu để lại, khi tổ chức Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị, Bộ Quốc Phòng Việt Nam Quốc Gia đã quy định từ tỉnh Quảng Nam trở ra Bắc thì học ở Nam Định; ông Nguyễn Ngọc Loan sinh trưởng tại Huế, tốt nghiệp trung học tại Huế, thì học ở Nam Định có lý hơn là Thủ Đức.

(2) Trong cả hai bài viết về Khóa 2 HTQS mà chúng tôi đọc được đều ghi trong tổng số tám sĩ quan bộ binh được chuyển về KQ theo học khóa này tại TTHL/KQ Nha Trang, có năm Thiếu úy xuất thân Khóa 1 Nam Định là Trần Đình Hòe, Nguyễn Ngọc Loan, Nguyễn Văn Lượng, Nguyễn Bá Thọ, Vũ Thượng Văn; và ba Thiếu úy xuất thân Khóa 1 Thủ Đức là Võ Xuân Lành, Nguyễn Văn Tuấn, và Nguyễn Ngọc Thụ.


* * *

Cũng cần viết thêm, các vị NT Không Quân gốc Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị không thuyên chuyển về Không Quân ngay sau khi tốt nghiệp, mà đều đã phục vụ tại các đơn vị tác chiến hoặc binh chủng chuyên môn ít nhất sáu tháng trước khi được tuyển về Không Quân, để rồi lần lượt xuất ngoại thụ huấn tại Marrakech (Maroc) như Phan Phụng Tiên, Nguyễn Cao Kỳ, hay Salon-de-Provence như Nguyễn Ngọc Loan, Nguyễn Xuân Vinh, Vũ Thượng Văn, Đặng Đình Linh, hoặc theo học các khóa Hoa Tiêu Quan Sát và Quan Sát Viên tại TTHL/KQ Nha Trang.

* Khóa 2 Hoa Tiêu Quan Sát 


Khóa 2 HTQS được khai giảng vào cuối năm 1952, khi Khóa 1 đã mãn khóa và đang chờ phân phối đi các đơn vị. Theo ký ức của NT Trần Đình Hòe và hồi ký “Ngày Đầu, Ngày Cuối” của NT Nguyễn Văn Vechai, Khóa 2 HTQS có tất cả 15 khóa sinh, gồm tám Thiếu úy đã tốt nghiệp Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị (Nam Định & Thủ Đức):

1- Trần Đình Hòe
2- Nguyễn Ngọc Loan
3- Nguyễn Văn Lượng
4- Nguyễn Bá Thọ
5- Vũ Thượng Văn
6- Võ Xuân Lành
7- Nguyễn Văn Tuấn
8- Nguyễn Ngọc Thụ

Và sáu dân chính:

9- Nguyễn Ngọc Biện
10- Nguyễn Văn Cơ
11- Nguyễn Văn Cử (*)
12- Võ Văn Hội
13- Nguyễn Đình Nhân
14- Nguyễn Văn Vechai

(*) Ông Nguyễn Văn Cử là người về sau đã ném bom Dinh Độc Lập cùng với ông Phạm Phú Quốc vào ngày 27 tháng 2 năm 1962

Cùng một Trung sĩ, từ Thủ Đức qua:

15- Nghiêm Văn Phong

Cũng theo theo ký ức của NT Trần Đình Hòe, Khóa 2 HTQS chỉ có một người bị loại là Thiếu úy Nguyễn Ngọc Thụ, “vì không tìm thấy sân bay Đà Lạt trong chuyến du hành”. 

Như vậy, có một sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa Khóa 1 và Khóa 2 HTQS: cả hai khóa đều có 15 khóa sinh theo học và chỉ có 14 người tốt nghiệp (Khóa 1, khóa sinh Nguyễn Tâm Đăng sau khi được thả solo trên “Đầm Già” MS-500, trong một phi vụ tập huấn đã đụng phải phi cơ của khóa sinh Vũ Văn Ước và tử nạn, được ghi nhận là nhân viên phi hành đầu tiên của KQVN tử nạn trong lúc thi hành công vụ).

Trong số 14 hoa tiêu tốt nghiệp Khóa 2 HTQS, 11 người được đưa về Phi Ðoàn 1 Quan Sát (GAO-1) và Phi Đoàn 2 Quan Sát (GAO-2), tiền thân của hai Phi Ðoàn 110 và 112. Ba người được sang Pháp tiếp tục học bay, gồm:

- Thiếu úy Nguyễn Ngọc Loan và Thiếu úy Vũ Thượng Văn vào trường Võ Bị Không Quân Salon-de-Provence, sau đó học bay khu trục và phản lực.

- Thiếu úy Trần Đình Hòe học bay vận tải tại Trường Hàng Không Vận Tải Avord.





Từ trái: NT Trần Đình Hòe, Cố vấn Mỹ, NT Phùng Văn Chiêu, NT Nguyễn Trung Sơn (?)


Như vậy, trong số các vị niên trưởng KQ xuất thân Khóa 1 Nam Định rồi theo học Khóa 2 HTQS, có ba người đã phải trải qua ít nhất ba quân trường mới “thành tài”, là Nguyễn Ngọc Loan, Vũ Thượng Văn, và Trần Đình Hòe.

Trong số này, ông Nguyễn Ngọc Loan được gọi về nước sớm vì nhu cầu nhân sự (theo một bài viết của cố NT Nguyễn Quang Tri), còn lại hai ông Vũ Thượng Văn và Trần Đình Hòe được liệt vào hàng những hoa tiêu “tốn cơm quốc gia” nhiều nhất!

[Mấy chữ “tốn cơm quốc gia” ở đây do cố NT Nguyễn Quang Tri tự nhận: ông đi Pháp năm 1952, theo học trường Võ Bị Không Quân Salon-de-Provence và các trường khu trục, mãi tới đầu năm 1957 mới về nước với cấp bậc Thiếu úy và cái bằng huấn luyện viên khu trục]

* Những nhân vật nổi tiếng của Khóa 2 HTQS

- Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan:


Trên bình diện quốc gia, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, nguyên Tư lệnh phó KQ đầu tiên, nguyên Tổng giám đốc Cảnh Sát Quốc Gia, phải được xem là người nổi tiếng nhất trong số 14 hoa tiêu xuất thân khóa 2 HTQS. Tuy nhiên vì ông đã quá nổi tiếng, được nhắc tới quá nhiều, thiết nghĩ chúng tôi cũng không cần viết thêm về ông.

- Thiếu tướng Võ Xuân Lành:



Nếu chỉ tính trong nội bộ Không Quân, Thiếu tướng Võ Xuân Lành, vị Tư lệnh phó KQ đời thứ tư, lại là người “popular” hơn ông Nguyễn Ngọc Loan. 

[Ba đời Tư lệnh phó KQ trước ông Võ Xuân Lành là Nguyễn Ngọc Loan, Lê Trung Trực, và Trần Văn Minh]

Trong KQVN không phải ai cũng biết ông Lành, nhưng những ai biết thì đều cảm phục, thương mến. Bởi ông vừa là một quân nhân gương mẫu, một phi công tài ba, một cấp chỉ huy công minh, tận tụy, vừa là một con người bình dân, một cầu thủ “lão tướng” (đá banh) có hạng!

Tốt nghiệp Khóa 2 HTQS, sau một thời gian ngắn phục vụ tại PĐ 2 Quan Sát, ông Lành chuyển ngành, sang Pháp học bay khu trục. Trong nghiệp bay bổng, ông biết lái, và lái rất cừ, rất nhiều loại phi cơ, từ MS-500, L-19, T-6, Aero Commander cho tới A-1H, A-37, F-5, và chiếc Tiền Phong 001... Nghe nói trong thời gian du học Hoa Kỳ, ông còn học lái cả oanh tạc cơ B-25!

Ông là vị Chỉ huy trường đời thứ năm của Phi Đoàn 514 Phượng Hoàng, sau đó làm Tư lệnh Không Đoàn 23 Chiến Thuật (Biên Hòa) trước khi được đưa về Tân Sơn Nhất giữ chức Tư lệnh phó KQ.



Trung tá Võ Xuân Lành (trái) và Thiếu tá Ôn Lợi Hồng trong một buổi lễ mãn khóa SQKQ tại TTHLKQ Nha Trang


Khi còn ở Biên Hòa, mặc dù công việc bề bộn, ông vẫn bay các phi vụ tác chiến mỗi tháng trên dưới 100 giờ trên Skyraider. Sau khi về BTL/KQ, ông vẫn thường bay hành quân với các đơn vị, không có lon lá trên áo bay, và mọi người chỉ biết khi ông lên tiếng trên tần số trong những trường hợp khẩn cấp.

Trong cương vị một cấp chỉ huy ông nói ít làm nhiều, và đặc biệt quan tâm tới đời sống của anh em quân nhân. Mỗi khi ông cầm đầu phái đoàn BTL/KQ đi thanh tra là các ông đơn vị trưởng lại hồi hộp, căng thẳng, không biết ông sẽ “truy” về mục gì, đòi đi xem những phần sở nào, đơn vị nào...

Có lần ra thanh tra Pleiku, trong lúc mọi người nghỉ trưa, ông một mình lang thang xuống khu gia binh, rồi ghé cư xá binh sĩ độc thân. Buổi chiều giải trình, ông chê khu gia binh lầy lội, cư xá độc thân khai mùi... nước tiểu (vì trời lạnh, các chú lính “tè” ngay bên hông nhà). Trung tá Võ Quế (KĐT/KĐYC Pleiku) ngọng! 

Khoảng năm 1972, ông một mình đáp xuống Biên Hòa, không cho ai biết. Mặc bộ đồ xanh ô-liu (bộ binh) bốn túi, ông vào Phòng Giải Lao trong Hangar B của Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận KQ, tay Hạ sĩ quản lý không nhìn thấy sao (đen) trên ve áo, cứ tưởng ông thượng sĩ già nào bên Sư Đoàn 3 KQ không biết luật “cấm vào phòng giải lao trong giờ làm việc”, bèn mời ra khỏi cửa! Đại tá Từ Văn Bê (Chỉ huy trưởng BCH/KT&TV/KQ) thêm điểm!

Ông Lành vốn quê Cao Lãnh, tính tình bình dân giản dị, không màu mè trình diễn, không cặp kè bồ bịch, không thích nhảy nhót, chỉ thích đá banh, hút thuốc thì Ruby Quân Tiếp Vụ, nhậu cũng la-ve Quân Tiếp Vụ...

Ông có nickname “Tư Lành” là vì thế! (Chú thích 2)

Một trong những thành tích đáng nhớ nhất của ông Võ Xuân Lành khi giữ chức Tư lệnh phó KQ là bay test chiếc Tiền Phong 001 do KQVN chế tạo.

Đúng ra, đây là nhiệm vụ Trung tá Lê Xuân Lan, người được BTL/KQ chỉ định. Ông Lan xuất thân là “tứ quý” của khóa 58A Trần Duy Kỷ (nhất Nghĩa nhì Lan tam Danh tứ Định), có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về phi hành, từng bay trên T-6G, A-1H, A-37 và F-5.

Khi ông Võ Xuân Lành nhất quyết bay test chiếc Tiền Phong, ai cũng lo sợ cho ông. Nhưng dứt khoát “Tư Lành” không uống thuốc liều mà có sự tự tin.

Theo sự mô tả của Đại tá Trần Đình Hòe, một người bạn đồng khóa Khóa 2 HTQS, ông Võ Xuân Lành không chỉ thích học hỏi mà còn có đức tính khiêm tốn, cái gì không biết ông không ngần ngại hỏi đàn em. Vì thế, trước khi bay test chiếc Tiền Phong 001, ông đã nhờ Trung tá Lan chỉ dẫn những thủ tục cần thiết trong trường hợp “emergency”.

Cũng cần nhấn mạnh, Tiền Phong 001 là chiếc phi cơ đầu tiên và duy nhất do KQVN chế tạo, thành thử bằng mọi giá không thể... bỏ tàu; cùng lắm chỉ có thể làm “crash”, và theo lời “bình loạn” của ông Lê Bá Định, với một chiếc máy bay nhẹ hều như chiếc Tiền Phong, nếu là phi công giỏi thì chỉ bị... gẫy giò là cùng!




Nhưng nói gì thì nói, từ lúc “Tư Lành” nhả thắng, ở dướt đất ai cũng “teo”, cho tới khi ông đáp xuống an toàn, mọi người mới thở phào!

Trong bài tưởng nhớ bạn mang tựa “Nồi kê chưa chín”, viết dưới bút hiệu “Tinh Cầu”, NT Trần Đình Hòe cho biết “Tư Lành” cũng từng cầm bút:

“(Ông Lành) Đã du học ở Pháp, ở Mỹ, đã công cán khắp năm châu, nhưng vẫn thường bảo: ‘Không đâu đẹp bằng quê hương’. (Ông) đã viết văn, đăng ca ngợi tình đất nước dân tộc, tình chiến hữu, bút hiệu là Anh Vũ.”

Sang Hoa Kỳ, cả hai vợ chồng ông Lành đều đi làm; cuộc sống khá chật vật vì nặng gánh gia đình ở Việt Nam. Giữa năm 1982, ông ngã bệnh nhưng vẫn tiếp tục đi làm, đến tháng 8 thì liệt giường. Bà Lành phải xin nghỉ việc để ở nhà chăm sóc ông.

NT Trần Đình Hòe hồi tưởng:

“Anh em đến thăm. Nằm trên giường bệnh, xanh xao, biết mình sắp mất, nhưng vẫn sáng suốt, trầm tĩnh, tinh thần vẫn khang kiện, vẫn dí dỏm ý nhị, xem cái chết như chuyện đi về.

“Ông đã trối với một người bạn: “Tôi có hai điều sảng khoái lớn trong cuộc đời. Một là đã chọn phục vụ trong Không Quân, hai là chọn vợ. Hai điều đó tôi đã không lầm. Bảy tám năm nay, và bây giờ đây, vợ như vậy, anh em Không Quân đối đãi như vậy, thì thiệt là Trời thương tôi thật nhiều. Cho tôi gửi lời cám ơn tất cả anh em. Đại cám ơn. Dùng cho tôi chữ đại, đại đại. Duy chỉ có một điều buồn, là ngày về tôi không được có mặt, không còn được sát cánh cùng anh em.”

NT Võ Xuân Lành qua đời ngày 29 tháng 10 năm 1982 tại California; hưởng dương 51 tuổi. Theo một bài viết của cố NT Trần Phước Hội, từ đó một số anh em KQ còn ở VN đã lấy ngày giỗ tướng Lành làm ngày họp mặt hàng năm. 

* Chuẩn tướng Nguyễn Văn Lượng:


Hai chi tiết đáng nói nhất về vị NT Sư đoàn trưởng SĐ2KQ là:

- Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn liền với miền thùy dương cát trắng: từ khóa sinh Khóa 2 HTQS, rồi Chỉ huy trưởng Phi đoàn 2 Quan sát (thay Đại úy Võ Dinh), Liên đoàn trưởng Liên đoàn Khóa sinh TTHLKQ, Chỉ huy phó TTHLKQ, và cuối cùng là Sư đoàn trưởng SĐ2KQ, đều ở Nha Trang.

- Ông thích bay, và có khả năng bay nhiều loại phi cơ khác nhau, từ “Đầm Già” (MS-500), L19 tới C-47, A-1, A-37.

Sau này ra hải ngoại, khi bị NT Phùng Văn Chiêu “dí súng” bắt viết tiểu sử để “nộp” cho Ban Thực Hiện QSKQ, NT Nguyễn Văn Lượng đã hạ bút (viết tay) vài dòng ngắn ngủi, rất ư là... tà tà nhưng cũng không kém phần dí dỏm, nguyên văn như sau:

“Tốt nghiệp Khóa 1 Nam Định 1951. Gia nhập KQ 1952. Kỷ niệm đẹp nhất trong đời quân ngũ là thời gian làm bạn với em Morane 500 (Đầm Già). Em thuộc loại gái quê cổ lỗ sĩ, thân hình thô kệch, chân cẳng dài thoòng nhưng luôn luôn gắn bó chung thủy và chưa từng làm tôi thất vọng.

Sau này có dịp làm bạn với các em khác như Lan 19 trẻ trung thon thả, em C-47 lực lưỡng đô con, hoặc các chàng dũng sĩ lực điền AD6 hay nho nhã thư sinh A-37, chàng nào cũng võ công bí kíp cùng mình nhưng rồi càng không thể nào quên được những đêm cùng em “đầm già” của tôi tình tự dưới trăng trên đèo Mang Yang, những buổi vật lộn với gió dập mưa vùi ngang đèo M Drak, hoặc những buổi đẹp trời thảnh thơi lướt sóng rửa chân trên biển Nha Trang thần tiên thơ mộng.”


Một số người tin rằng NT Nguyễn Văn Lượng có số làm tướng: đang làm Chỉ huy phó TTHLKQ Nha Trang, một chức vụ tương đối không mấy quan trọng, bỗng tới tháng 7/1970, ông được thăng cấp Đại tá và được trao chức vụ Sư đoàn trưởng SĐ2KQ (lẽ ra là của Đại tá Vũ Văn Ước, nguyên Tư lệnh Không Đoàn 62 CT).

Tháng 11 năm 1972, ông Nguyễn Văn Lượng được thăng cấp Chuẩn tướng, cùng một đợt với các Đại tá Võ Dinh, Nguyễn Ngọc Oánh, Đặng Đình Linh, Huỳnh Bá Tính, Phan Phụng Tiên, và Lê Trung Trực. 

* Đại tá Vũ Thượng Văn:
Cùng với cố Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, Đại tá Vũ Thượng Văn được ghi nhận là phi công đầu tiên của KQVN được học bay phản lực cơ tại Pháp (Ouragan, T-33). Ông được NT Nguyễn Quang Tri mô tả là một tài danh khu trục, và được nhiều người xưng tụng là một sĩ quan KQ văn võ song toàn. Có lẽ vì thế, ông Vũ Thượng Văn sớm được đưa về Bộ Tư Lệnh KQ nắm giữ những chức vụ quan trọng. 

Đầu năm 1965, khi đang giữ chức Chỉ huy trưởng Trung Tâm Hành Quân Không Quân (Tactical Air Control Center: TACC), ông Vũ Thượng Văn đã được xuyên huấn B-57 tại Tân Sơn Nhất cùng với Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tư lệnh KQ, và Đại tá Nguyễn Ngọc Loan, Tư lệnh phó KQ.

Chức vụ sau cùng của Đại tá Vũ Thượng Văn là Tham mưu phó Kế hoạch BTL/KQ. Trong chức vụ này, ông cùng với Tham mưu trưởng BTL/KQ là Chuẩn tướng Võ Dinh, đã ra sức “giành” nhiều ưu tiên cho KQVN trong chương trình bành trướng và hiện đại hóa QLVNCH. 

* Thiếu tá Nguyễn Ngọc Biện: 


Toán xuyên huấn A-1 đầu tiên tại Corpus Christi, Texas (từ trái): Đại úy Ken Moranville (HLV, US Navy), Trung úy Nguyễn Quan Huy, Thiếu úy Nguyễn Ngọc Biện, Trung úy Tô Minh Chánh, Thiếu úy Phạm Phú Quốc, Trung úy Nguyễn Quang Tri, và Chuẩn úy Nguyễn Văn Long


NT Nguyễn Ngọc Biện là một trong sáu dân chính được tuyển mộ vào Không Quân theo học Khóa 2 HTQS. Tại Nha Trang, ông học cùng thầy bay (IP) với các ông Võ Xuân Lành, Trần Đình Hòe, và Võ Văn Hội.

Sau khi tốt nghiệp Khóa 2 HTQS, năm 1954, ông Nguyễn Ngọc Biện và ông Võ Văn Hội cùng được gửi sang trường bay căn bản ở Marrakech, Maroc, để học bay T-6, tiếp theo học bay trên khu trục cơ F6F Hellcat ở Khouribga, Maroc, rồi về nước phục vụ tại Phi Đoàn I Khu Trục & Trinh Sát, tiền thân của Phi Đoàn 514 “Phượng Hoàng”.

Vào giữa năm 1960, để tiến hành việc thay thế F8F Bearcat bằng AD6 Skyraider (sau này gọi là A-1H), sáu hoa tiêu xuất sắc của Phi Đoàn I Khu trục đã được tuyển chọn để sang Hoa Kỳ xuyên huấn, gồm có: Trung úy Nguyễn Quang Tri, Trung úy Nguyễn Quan Huy, Trung úy Tô Minh Chánh, Thiếu úy Phạm Phú Quốc, Thiếu úy Nguyễn Ngọc Biện, và Chuẩn úy Nguyễn Văn Long.

Cuối năm 1960, Phi đoàn I Khu Trục & Trinh Sát đổi tên là Phi Đoàn 1 Khu Trục, gồm 4 phi đội, Trung úy Nguyễn Ngọc Biện làm phi đội trưởng Phi Đội 2, danh hiệu Mãng Xà (King Cobra).

Trong bài “Phi Đoàn 518”, NT Phượng Hoàng Kim Cương viết: 

“Ông (Nguyễn Ngọc Biện) là người đã lập được nhiều chiến công cho đơn vị như Ấp Bắc, Mé Láng. Tại Ấp Bắc, Biện chỉ dùng súng mà bao vây trên ruộng để bộ binh bắt sống gần 80 địch quân.”

Đầu năm 1964, Đại úy Nguyễn Ngọc Biện sang phục vụ tại Phi Đoàn 518 “Phi Long” vừa được thành lập tại Biên Hòa, đặt dưới quyền chỉ huy của Đại úy Phạm Phú Quốc.

Ngày 1/7/1964, Đại úy Nguyễn Ngọc Biện đứng ra thành lập Phi Đoàn 520 “Thần Báo”, cũng tại CCKQ Biên Hòa.

Trước đó, để chuẩn bị chương trình chuyển giao oanh tạc cơ phản lực B-57 Canberra cho KQVN, tháng 5/1964, ba phi công khu trục xuất sắc của KQVN đã được đưa tới CCKQ Clark, Phi-luật-tân, để được huấn luyện bay trên phi cơ B-57B, gồm Đại úy Nguyễn Ngọc Biện (trưởng toán), Đại úy Nguyễn Văn Tường và Đại úy Nguyễn Văn Long. 

Tới đầu năm 1965, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Biện bàn giao quyền chỉ huy Phi Đoàn 520 cho Đại úy Võ Văn Hội để ra Đà Nẵng tiến hành việc thành lập Biệt Đội 615, gồm các oanh tạc cơ phản lực B-57, trực thuộc Không Đoàn 41 Chiến Thuật. 




Nhiệm vụ chính của các phi cơ B-57 là oanh tạc các đoàn xe tiếp tế của CSBV trên đường mòn Hồ Chí Minh – từ đèo Mụ Già (Thanh Hóa) chạy qua Lào, vòng xuống Attopeu, Kontum...; nhiệm vụ phụ là yểm trợ các cuộc hành quân nội địa theo yêu cầu của Quân Đoàn I.

Tháng 2/1966, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Biện tử nạn tại phi trường Cù Hanh, Pleiku, khi bị bánh đáp bên trái của chiếc B-57 cán lên người. (Chú thích 3)

Cái chết của Thiếu tá Nguyễn Ngọc Biện, Chỉ huy trưởng Biệt Đội 615, đã gây xúc động mạnh vì ông là một phi công xuất chúng, một cấp chỉ huy được cả hai phía Việt Nam lẫn Hoa Kỳ kính phục. Ông cũng là người hết lòng ủng hộ và là xương sống của Chương trình B-57, cho nên sau khi ông tử nạn, chẳng còn mấy người thiết tha tới việc bay loại phản lực “sát chủ” này.

Hai tháng sau, cùng với việc giải thể Thập Tam Không Lực Hoa Kỳ (13th Air Force) ở Phi-luật-tân, chương trình B-57 dành cho KQVN cũng được lặng lẽ chấm dứt vào ngày 20/4/1966. Có thể nói cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ đều cảm thấy nhẹ nhõm trước sự chết yểu của chương trình B-57: Việt Nam không còn phải sử dụng loại phi cơ mà họ cho là không thích hợp, Hoa Kỳ không còn lo ngại KQVN sẽ sử dụng B-57 để tấn công miền Bắc!

* Thiếu tá Võ Văn Hội:
NT Võ Văn Hội là một trong những phi công khu trục tài ba, một cấp chỉ huy đầy nhiệt huyết của KQVN, nhưng tiếc thay cuộc đời binh nghiệp của ông đã chấm dứt khá sớm.

Ông tốt nghiệp hoa tiêu khụ trục cùng với người bạn Khóa 2 HTQS Nguyễn Ngọc Biện ở Khouribga, Maroc, về nước cùng nhau phục vụ tại Phi Đoàn I Khu Trục.

Khi Phi Đoàn 520 được thành lập tại Biên Hòa vào tháng 7/1964, Đại úy Võ Văn Hội giữ chức Chỉ huy phó.

Sau khi được thành lập, PĐ-520 đã cùng với hai PĐ-514 và 518 thay phiên biệt phái xuống phi trường Bình Thủy, mỗi lần một tuần lễ, để yểm trợ các cuộc hành quân ở Vùng 4 Chiến Thuật (thời gian này, Không Đoàn 74 Chiến Thuật chưa được thành lập). 

Đầu năm 1965, Đại úy Võ Văn Hội lên làm Chỉ huy trưởng thay Thiếu tá Nguyễn Ngọc Biện (ra Đà Nẵng thành lập Biệt Đội 615).

Sau khi Không Đoàn 74 Chiến Thuật được thành lập, tháng 9 năm 1965, PĐ-520 chính thức trở thành lực lượng tác chiến cơ hữu của Không Đoàn, và tới tháng 1 năm 1966, toàn bộ lực lượng của Phi Đoàn đã được lệnh di chuyển về đồn trú tại Bình Thủy.

Giữa năm 1966, Đại úy Võ Văn Hội được đề cử giữ chức vụ Liên đoàn trưởng (đầu tiên) của Liên Đoàn 74 Tác Chiến, Đại úy Nguyễn Văn Trương lên làm Phi đoàn trưởng PĐ-520 (theo NT Lê Như Hoàn, từ năm 1966, các danh xưng chức vụ “Chỉ huy trưởng Liên Đoàn, Phi Đoàn” đã được đổi thành “Liên đoàn trưởng, Phi đoàn trưởng”)

Tuy đã lên nắm chức vụ Liên đoàn trưởng, Đại úy Võ Văn Hội vẫn tiếp tục bay các phi vụ hành quân, và đã bị hỏa lực địch bắn nát bàn tay trái trong một phi vụ yểm trợ quân bạn. Mặc dù đã được đưa về Bệnh viện Đồn Đất (Bệnh viện Grall) ở Sài Gòn để được các bác sĩ tài giỏi nhất cứu chữa, bàn tay trái của ông cũng bị tàn phế. Cuộc đời bay bổng của Thiếu tá (vinh thăng) Võ Văn Hội tới đây chấm dứt!

VIẾT THÊM: 

Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Tần (Khóa 5 HTQS): 



Trong số các NT xuất thân Khóa 1 Nam Định, có một vị “mải mê đánh giặc”, mãi tới năm 1955 mới chịu về Không Quân là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Tần, Sư đoàn trưởng SĐ4KQ.

Xin sơ lược đường binh nghiệp của ông: 
- 1952: Thiếu úy, Trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 717 Khinh quân Việt Nam. 
- 1953: Trung úy, Đại đội trưởng
- 1954: Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 717.
- 1955 (đầu năm), thăng cấp Đại úy, giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 717. 

Giữa năm 1955, Đại úy Nguyễn Hữu Tần tình nguyện về quân chủng Không Quân, theo học Khóa 5 HTQS tại TTHLKQ Nha Trang, và đậu Thủ khoa. 

Sau đó, ông về Phi Đoàn 1 Quan Sát làm phó cho Đại úy Trần Phước, tới đầu năm 1959, sang Phi Đoàn 2 Quan Sát làm phó cho Đại úy Võ Công Thống. Đầu năm 1960, ông trở về Phi Đoàn 1 Quan Sát làm Chỉ huy trưởng, rồi tới năm 1962 làm Chỉ huy trưởng Phi Đoàn 2 Quan sát.

Đầu tháng 11/1963, sau khi xảy ra cuộc đảo chánh lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, Đại úy Nguyễn Hữu Tần bị cho ngồi chơi xơi nước tới tháng 2/1964, sau khi tướng Nguyễn Khánh “chỉnh lý” lật đổ tướng Dương Văn Minh, ông được thăng cấp Thiếu tá, giữ chức vụ Tư lệnh phó Không Đoàn 62 Chiến Thuật mới được thành lập tại Pleiku do Trung tá Trần Văn Minh làm Tư lệnh.

Như vậy, trong binh nghiệp của mình, ông Nguyễn Hữu Tần chỉ mang lon Thiếu úy 1 năm, Trung úy 2 năm, nhưng lon Đại úy thì mang tới... 9 năm!

Nhưng tiền hung hậu kiết, sau đó hoạn lộ của ông thăng tiến vèo vèo: đầu tháng 11 năm 1965, làm Chỉ huy trưởng Trung Tâm Hành Quân Không Quân (Tactical Air Control Center: TACC) thay thế Thiếu tá Vũ Thượng Văn; cuối năm 1967, thăng cấp Trung tá, giữ chức Tham mưu phó Hành Quân tại Bộ tư lệnh Không Quân.

Đầu năm 1972, ông được thăng cấp Đại tá, và tới cuối tháng 4/1972 được bổ nhiệm vào chức vụ Sư đoàn trưởng Sư Đoàn 4 Không Quân, sau khi cố Thiếu tướng Nguyễn Huy Ánh tử nạn phi cơ trực thăng tại CCKQ Bình Thủy.

Đại tá Nguyễn Hữu Tần được vinh thăng Chuẩn tướng trong đợt gắn sao cuối cùng của Không Quân, cuối năm 1973 đầu năm 1974, cùng với các Đại tá Nguyễn Đức Khánh (SĐ1KQ), Phạm Ngọc Sang (SĐ6KQ), và Từ Văn Bê (Bộ Chỉ Huy KT&TV/KQ).

Thiên Ân 

Melbourne, tháng 6/2019
(Xin cám ơn hai NT Lê Như Hoàn, Dan Hoài Bửu đã giúp điều chỉnh một số sai sót trong bài viết)


CHÚ THÍCH:

(1) Trong số năm Thiếu úy của Khóa 3 Sĩ Quan Hiện Dịch (Đà Lạt) về Không Quân, chỉ có bốn người theo học Khóa 1 HTQS, là Võ Dinh, Nguyễn Ngọc Oánh, Từ Bộ Cam, và Nguyễn Thế Anh, còn ông Đinh Văn Chung, sau khi khi tốt nghiệp Đà Lạt được thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 20 Bộ Binh Việt Nam, một năm sau mới thi vào Không Quân, được tuyển chọn theo học Khóa 52F1 tại trường bay căn bản Marrakech (Maroc), cùng khóa với các ông Huỳnh Hữu Hiền, Phạm Ngọc Sang, Huỳnh Minh Bon, Huỳnh Bá Tính, Phan Phụng Tiên (sĩ quan), Nguyễn Hữu Chẩn (hạ sĩ quan), tức là trước các ông Trần Văn Hổ, Nguyễn Cao Kỳ... (sĩ quan), Lưu Kim Cương, Phan Thanh Vân... (hạ sĩ quan) theo học Khóa 52F2.

Sau khi tốt nghiệp Marrakech, ông Đinh Văn Chung được tuyển chọn đi học lái phi cơ nhiều động cơ tại Trường Vận Tải ở Avord (Pháp). Về nước, ông được đề cử giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc; năm 1956, sau khi phi đoàn này bị giải thể, ông được đề cử giữ chức Chỉ huy trưởng (tiên khởi) của Phi Đoàn 2 Vận Tải (tức PĐ-415 sau này).

Cấp bậc, chức vụ sau cùng của ông Đinh Văn Chung là Đại tá Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị, Bộ Tư Lệnh Không Quân. 



NT Đinh Văn Chung và phu nhân (tháng 11/2017)


(2) “Tư Lành” là nhân vật chính trong truyện bằng tranh “Tư Lành vào dân vệ” lấy bối cảnh thôn quê miền Nam, do họa sĩ Văn Hiếu vẽ, đăng trên nhật báo Ngôn Luận vào những năm đầu thập niên 1960, rất ăn khách. Ngoài ra ông Lành còn có một nickname khác, rất tục - tục gấp chục, gấp trăm lần nickname “Minh Đù” của Trung tướng Tư lệnh KQ - nhưng chúng tôi không thể ghi ra trên trang báo này. 

(3) Hôm đó, một chiếc B-57 với phi hành đoàn Việt Nam do Thiếu tá Nguyễn Ngọc Biện ngồi ghế phi công, trong một phi vụ oanh tạc tại Vùng 1 Chiến Thuật đã gặp phải thời tiết quá xấu. Không thể đáp xuống Đà Nẵng vì lý do thời tiết, và vì còn bom đạn trên phi cơ, Thiếu tá Biện đã quyết định đổi hướng để đáp xuống phi trường Cù Hanh, CCKQ Pleiku.

Nhưng sau khi phi cơ đáp xuống an toàn và tháo gỡ hết bom đạn, các nhân viên phi đạo đã không thể tái khởi động động cơ của loại phản lực mà họ chưa từng học qua; cuối cùng họ quyết định dùng sức người để đẩy phi cơ (đang nằm choán chỗ trên phi đạo), Thiếu tá Biện ngồi trên phòng lái để điều khiển bánh lái và thắng. Nhưng trong lúc lực thủy điều đã bị mất và độ dốc của phi đạo Pleiku khiến phi cơ lăn bánh càng lúc càng nhanh, Thiếu tá Biện không thể điều khiển phi cơ theo ý muốn. Thế rồi trong lúc bối rối khi thấy chiếc B-57 đâm đầu ra khỏi phi đạo, Thiếu tá Biện đã nhảy xuống và tử nạn khi bị bánh đáp bên trái của chiếc phi cơ nặng 25 tấn cán lên người.

Theo sự giải thích của một NT trong ngành khu trục: khi nhảy ra khỏi cockpit, có lẽ Thiếu tá Biện đã phản ứng tự nhiên theo những gì đã học khi lái khu trục: trong trường hợp khẩn cấp phải nhảy xuống từ cockpit, lăn ba vòng về phía bên trái để thoát hiểm.

Nào ngờ “ba vòng về phía bên trái” lại chính là vị trí bánh đáp bên trái của chiếc B-57!



Rate this item
(3 votes)