Print this page

Thép Luyện Đã Thành Gươm - Đào Vũ Anh Hùng

Posted by March 09, 2019 4445
Thép Luyện Đã Thành Gươm

Đào Vũ Anh Hùng

 


(Viết cho khóa 1/73 Hoa Tiêu Trực Thăng)

Họ kéo nhau đến thăm tôi, trước ngày bốc thăm nhận Phi đoàn phục vụ. Đó là những tân sĩ quan Hoa tiêu mới ra trường. Sáu tháng học bay, học địa huấn ở Phi đoàn chúng tôi. Một tháng chưa đầy thanh toán giai đoạn hai quân sự. Hơn nửa năm trời khổ nhọc không kể một chuỗi thời gian trước đó vất vưởng nằm chờ mòn mỏi ở Nha Trang và một tháng về Cần Thơ làm quen với nghiệp phi hành trên chiếc U-17. Bây giờ, họ đã gỡ bỏ cấp bậc Sinh viên sĩ quan chĩu nặng trên vai, thay bằng cặp lon Chuần Úy dễ thương và thêm cánh bạc lấp lánh trên ngực áo kể từ sáng ngày thứ bảy 9-3 ngày mãn khóa linh đình buổi lễ thiêng liêng thoát xác...


Như những con tầm vừa chui khỏi kén, thành ngài, đôi cánh đã khô, thành bướm. và bay nhởn nhơ trên hoa đồng cỏ nội. Như những chim non được mẹ dắt dìu bay tập đã thuần, từ nay được thả tìm mồi, sẽ hân hoan ra khỏi khu vườn, soải cánh khắp không gian cao rộng.

Tưởng tượng như mình ngày xưa, tôi đoán biết tâm trạng vui sướng bồi hồi của những người trai trẻ ngồi trước mặt. Nỗi sướng thỏa như tràn đổ ra ngoài. Ở giọng nói. Ở tiếng cười. Và ánh mắt đầy lo âu của họ tuần lễ trước khi đón chờ kết quả thi Quân Sự. Bây giờ tôi không còn phải nói những lời trấn an, những câu khích lệ tinh thần chịu đựng để mà nhẫn nhịn hiên ngang bước qua cửa ải cuối cùng vì chúng tôi đã dìu dắt họ bước qua những quan ải khó khăn và họ đã qua tốt đẹp. Nỗi hân hoan của họ giờ đây cũng là nỗi hân hoan của tôi, của chung những người có trách nhiệm được ủy thác công việc đào tạo những hoa tiêu trực thăng đầu tiên trong nước. Hân hoan và hãnh diện. Tình thực những lời ngợi khen về sự thành công ngoài sự tưởng tượng của chương trình huấn luyện do Phi đoàn đảm trách đã khiến chúng tôi nghe và cảm động, nhưng không cảm động bằng khi nhìn thấy những ánh mắt chứa chan sự biết ơn và tình cảm chí thành của những khóa sinh sau phút giây vinh hiển của buổi lễ mãn khóa. 

Là nỗi danh diện, là niềm cảm động của một ông thầy có học trò thi đỗ ngày xưa, công thành danh toại về thăm thầy cũ.

Tôi xiết chặt tay từng người. Thân mến ôm lấy vai Như:

- Chào ông Thủ Khoa! Chào các ông tân Sĩ quan Pilot! Tất cả đã xong rồi, thấy chưa? Bây giờ các bạn nên coi như vừa trải qua một giấc mơ dài... Có là ác mộng chăng nữa cuối cùng cũng kết thúc bằng “cái này” đẹp lắm.

Vừa nói tôi vừa chỉ vào cánh bay thêu trên ngực áo của Như. Tất cả đều cười rạng rỡ, Như nói:

- Vâng, cám ơn Thiếu Tá. Cũng nhờ Bộ Chỉ Huy Phi Đoàn với các thầy tận tâm chỉ bảo nên tụi Như mới có ngày hôm nay...
- Các cậu khỏi cần phải nói đến hai chữ “cám ơn”. Chỉ cần ra trường rồi, các cậu nhớ biết và làm theo đúng những lời chúng tôi thường khuyên nhủ là quý báu gấp trăm lần hai tiếng ấy.
- Nhưng anh em khóa Như ai cũng thấy rằng tụi Như đã thụ huấn nhiều nơi trước khi đến 245, chẳng nơi nào săn sóc lo lắng và dạy dỗ tụi Như tận tình, được sống tin cậy thoải mái như ở đây...

Tôi cảm kích. Đêm trước ngày họ rời phi đoàn qua trường Quân sự, tôi đã ngồi quây quần với họ tại sân phi đoàn chuyện trò tâm sự dưới bầu trời lấp lánh sao, họ cũng đã nói như thế và bầy tỏ lòng quyến luyến không muốn rời xa nơi đào tạo họ trở thành những người phi công có khả năng đích thực. Đó là nơi họ gửi gấm tương lai. Sáu tháng trời như sống trong một gia đình đầy tình thương yêu. Họ đã được dắt dìu bước đi những bước vững vàng, được những người anh dốc lòng tung vốn liếng, chắt chiu gói ghém mớ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, ân cần trao đến tận tay, cùng những lời khuyên nhủ quan thiết đến nghiệp phi hành, dặn dò gìn giữ bằng tim óc làm hành trang cho suốt cuộc đời bay bổng.

Tôi nói với Như cùng đám bạn của Như:

- Chúng tôi cố sức làm tròn bổn phận cấp trên giao phó. Kết quả tốt lành cũng nhờ vào thiện chí của các cậu nữa chứ? Giữa chúng ta có một sự hổ tương...

Như sôi nổi:

- Thưa, đã đành là bổn phận. Nhưng theo Như nghĩ, các thầy ở phi đoàn phải có "một cái gì" khác hơn là tinh thần trách nhiệm mới cúc cung tận tụy lo lắng cho bọn Như và đối xử với bọn Như đẹp đẽ như vậy... Tháng trước khi rời Phi đoàn qua "bên kia", chưa chi họ đã nhìn bọn Như hằn học. Tại sao họ lại coi bọn Như như kẻ thù ?... 

Họ cũng có bổn phận được ủy thác như phi đoàn vậy ?

Tôi mỉm cười nhìn sâu vào đôi mắt thông minh của người trai trẻ:

- Ngồi xuống đây Như. Ngồi xuống đây các cậu...

Tôi lấy gói thuốc đưa mỗi người một điếu. Định cười cười:

- Phiền quá. Gặp thiếu tá lần nào cũng có thuốc hút !

Tôi ngồi đối diện với Như. Những người khác ngồi chung quanh. Chúng tôi cùng hút thuốc. Họ im lặng nghe tôi nói:

- Mọi chuyện đều đã trôi qua. Các cậu vừa xong một cuộc đổi dời. Lúc trước tôi khuyên các cậu nhịn nhục. Bây giờ tôi khuyên các cậu hãy quên hết những điều hôn ám không đáng cưu mang. Hãy để tâm trí thảnh thơi mà lo liệu cho phần đời tương lai mới mẻ sắp sửa bắt đầu. Cái tương lai gần gụi ấy không ai biết là suông sẻ hay lắm truân chuyên. Nhưng lấy kinh nghiệm bản thân, tôi biết chắc rằng khi ra đơn vị, các cậu còn phải lao đao phấn đấu rất nhiều về mọi mặt để mà sống vững... Sẽ còn nhiều cay đắng đón chờ ta trên bước đường đời. Những điều các cậu phải chịu nhịn trong thời gian vừa qua thật ra không có gì trầm trọng đáng ta thán. Mà chỉ nên coi như những nỗi bực mình, tỉ như viên sỏi cộm dưới bàn chân đi giầy, như cái đầu tăm gẫy mắc kẹt trong kẽ răng. Lấy ra rồi việc chi phải bận tâm ?

Như đáp:

- Như cũng nghĩ như Thiếu Tá, cũng khuyên anh em ráng nhẫn nhục chịu đựng cho qua phần cuối đoạn đường. Nhưng đến giờ phút này Như vẫn thắc mắc không hiểu được tại sao. Bọn Như có làm gì đâu ?
- Không phải vấn đề thù ghét cá nhân hay tập thể. Có lẽ hành động phát sinh từ mặc cảm hay những quan niệm sai lầm của một vài phần tử chưa đạt được căn bản giáo dục tốt của học đường và quân đội. Các cậu đừng quên mình còn là Sinh viên Sĩ quan. Tạm coi là chương trình huấn nhục, hay là cuộc thử lửa cuối cùng ở quân trường vào lòng can đảm và sức chịu đựng, tinh thần cốt yếu của người hoa tiêu tương lai. Ai cũng coi phim "Tant qu'il y aura des hommes" rồi chứ ? Thì đấy, thấm thía gí? Trải qua càng nhiều cay nhục để mà đạt được thành công, cái gia trị riêng của con người mới cao vượt hơn những giá trị tầm thường khác.

Như cắn môi trầm ngâm. Tôi vẫn dịu dàng:

- Mà nhờ thế mà ta được những bài học về “thói đời”... Đó là một sự nhăng nhố khôi hài của tí lon, tí quyền hạng bét xử dụng một cách phản giáo điều quân đội. Mai kia hồi tưởng lại, lòng sẽ nhẹ nhàng coi đó như kỷ niệm, như kinh nghiệm để phân biệt điều nên làm và điều đừng bao giờ thi hành cho cấp dưới khi ta là cấp chỉ huy...

Ta phải nghĩ như vậy. Tuổi trẻ hào phóng, ta nên tập làm người cao thượng, phải sẵn lòng tha thứ. Nuôi dưỡng lòng thù hận rất nguy hiểm. Thù hận phải được hướng vào những đối tượng lớn lao hơn, mệnh danh là những nội thù đích thực của chung dân mình.

Vợ tôi bưng ra một khay nước đá chanh, đang lúng túng tìm nơi đặt, cười nói:

- Nhà cửa bê bối quá, không có lấy được một cái bàn tiếp khách.

Tôi đỡ lấy khay nước:

- Ông Trung úy Mỹ đến chơi, phát biểu rằng nhà Thiếu tá trông “thanh bần” quá. Tôi cảm động coi như lời khen tặng. Tôi, hà hà. Thiếu tá phi công trực thăng phản lực, vợ một con đang sợ đẻ thêm đứa nữa. Mặc đồ bay, lon lá ra đường cũng có vẻ oai và hách. Vào cổng phi trường lúc nào cũng lấm lét hồi hộp nhìn xem có ông bạn ta gác cổng nào vui vẻ chào kính để được hoan hỉ chào lại nhưng chỉ biết thở dài...

Đợi dứt tiếng cười, tôi tiếp:

- Lương không đủ mướn nhà ngoài, sang được căn nhà trong lưu xá gia binh này, vui lắm... Tôi vẫn thường ăn cắp giờ quân đội cất lẻn về nhà để... nằm bò ép ngực dính đất, vục đầu xuống hố vét từng thau nước cho vợ con nấu nướng giặt giũ dè sẻn.

Mình thì chiều chiều khăn mặt xà bông vào Phi đoàn tắm. Cuộc sống thực là vui. Các cậu thấy tôi lúc nào cũng vui như tết.

Mọi người cười nhưng tiếng cười không lớn lắm. Tôi chia nước cho bọn Như và hỏi:

- Mai các cậu bốc thăm về Phi Đoàn. Còn ba cậu đậu đầu được chọn đơn vị, chọn đâu?
- Như phân vân quá Thiếu Tá. Đa số anh em muốn ở Biên Hòa vì có gia đình ở Sàigòn. Riêng Như, gia đình ngoài Đà Nẵng mà số thăm chỉ có Vùng ba và Vùng hai. 

Có lẽ Như chọn Biên Hòa nhưng chưa quyết định được phi đoàn nào. Giá phi Đoàn 245 cũng cần pilot mới, Như khỏi mất công băn khoăn.

- Phi Đoàn nào cũng được. Ở đâu thì cũng là phục vụ cho đất nước. Các phi đoàn ở Biên Hòa đều thi hành những phi vụ như nhau. Với hoa tiêu chúng ta, cái “danh” tạo dựng nhờ công lao chiến đấu ngoài mặt trận. Còn “lợi” thì các cậu thấy đó, giới phi hành chúng ta sống rất “thanh bần”. Điều cần nhắc nhở là dù ở đơn vị nào, các cậu ráng sống hòa đồng, làm việc nghiêm chỉnh, giữ gìn tư cách để gây lòng quý trọng và tình thương mến của các cấp chỉ huy, bè bạn...

Hưng xoay tròn chiếc ly trong tay, cất tiếng hỏi:

- Thiếu Tá có thể cho biết Phi đoàn nào tốt nhất ?

Tôi cười lớn:

- Tốt nhất là thế nào ? Chúng ta chỉ nên nhìn mọi vật một cách tương đối thôi. Mà “tốt” về nhân sự hay về lề lối làm việc hoặc mức độ nguy hiểm của phi vụ ? Tôi nói như nhau. Ông Phi Đoàn-Trưởng nào ở đây cũng là những người khả kính đầy tư cách. Họ là những người có tâm hồn trẻ trung trong thế hệ chúng ta, nếm trải nhiều kinh nghiệm và cảm thông với chúng ta dễ dàng. Nói chung ở đâu cũng dễ chịu. Cũng không có cảnh kết bè kết đảng mưu hại lẫn nhau, không có cảnh nịnh trên đè dưới, đá hậu kẻ hàng ngang, ăn cướp công lao đồng đội, không phân chia, không kỳ thị...

Tôi dụi tắt mẩu thuốc, cười tiếp:

- Đừng lo sợ. Ở đây tất cả coi nhau như anh em. Nếu sự chọn lựa cần tôi đưa ý kiến thì tôi nói thế này: Nên chọn đơn vị có người chỉ huy hợp tính với mình sẽ dễ tạo tình thân và thông cảm. Ngoài ra cũng cần có một vài người quen ở đấy để khỏi bỡ ngỡ lúc đầu và được chỉ dẫn những điều bổ ích.

Câu chuyện xoay qua buổi lễ mãn khóa hôm thứ bảy, Huệ nói:

- Em có đứa em gái đi dự. Nó về kể lại cho ông già nghe không khí trang nghiêm cảm động của buổi lễ... Khi nhạc trổi lên bản “Không quân Việt Nam”, nó xúc động rợn người nhìn thằng anh quỳ dâng lời thề trong hàng ngũ và bật khóc. Về nhà coi TV nó khóc nữa làm cả nhà cũng khóc theo...

Quảng đùa:

- Thế mày có khóc không ?

Huệ cười, mặt nhuốm hồng:

- Tao cầm lòng không được, khóc luôn... "Đi không ai tìm xác rơi" nghe ghê quá.

Tôi lâng lâng một nỗi vui, nhớ lại buổi sáng thứ bảy đẹp trời tại sân cờ Sư Đoàn 3 KQ. Họ đứng thành hàng quân tề chỉnh trước khán đài, oai nghiêm sáng đẹp trong những bộ quân phục đại lễ trắng tinh khôi. Mầu trắng thanh cao như tâm hồn những người trai vừa buông sách vở, từ giã học đường. Những gương mặt xạm đen vì nắng gió thao trường. Những ánh mắt long lanh tia mặt trời buổi sáng. Tất cả đăm đăm một nỗi bồi hồi cảm động ngước nhìn lá quốc kỳ phần phật tung bay rực rỡ trên nền mây xanh biếc. Nhạc trổi lên. Khúc quân hành hùng tráng ngợi ca đời chim vượt trên lưng gió. Tiếng nhạc rộn ràng phồng căng mạch máu, sôi nổi buồng tim đầy ắp niềm vui chờ đợi. Họ đang hồi hộp đợi chờ giây phút thiêng liêng của buổi lễ đánh dấu đoạn đầu binh nghiệp, khai mở tương lai bốn mươi người trai trẻ bắt đầu cuộc dấn thân thi hành sứ mạng cao cả của những chàng Hiệp sĩ Không gian, Phi công thời chiến. Những cánh chim tự do quả cảm vẫy vùng bay bổng trên khắp vùng trời quê hương góp phần chiến đấu bảo vệ đất đai sông núi và sự sinh tồn dân tộc.

- Buổi lễ mãn khóa tổ chức tuyệt hảo. Các cậu hài lòng chứ ?
- Tụi em sẽ nhớ suốt đời. Không khí hôm ấy thật cảm động, lòng dạ tưng bừng hồi hộp, có lúc phập phồng muốn khóc. Sau đó thầy trò mừng rỡ quấn quít lấy nhau. 

Người nhà tụi em thấy cảnh tượng ấy cũng phải ngạc nhiên trước tình đằm thắm...

- Các ông thầy thương mến các cậu bởi nhiều lý do. Trước hết là sự cảm thông muốn đánh tan cái mặc cảm sai lầm về sự thiệt thòi không được du học tại Hoa Kỳ. Du học chỉ hơn vấn đề thụ hưởng các tiện nghi vật chất nhưng chưa chắc gì các cậu được ra trường toàn khóa và khả năng cùng sự am tường kỹ thuật chuyên môn bằng học ở đây có những ông thầy Việt Nam hướng dẫn bằng ngôn ngữ mẹ đẻ và theo sát từng học trò. Thứ đến, các cậu như là những tác phẩm đầu tay của người nghệ sĩ. Họ phải chắt chiu đẽo gọt, xây dựng những tác phẩm hoàn toàn để được hãnh diện và chứng tỏ khả năng huấn luyện ngoài vấn đề tác chiến. Họ đã dốc tâm huyết đào tạo những mần non dựng xây sức mạnh trong tương lai của Không lực. Đó là những sĩ quan hoa tiêu trẻ trung chọn lọc từ các phi đoàn gom lại và qua các khóa Huấn luyện viên căn bản. Những Phi công dầy dạn kinh nghiệm chiến trường đã từng xông pha trong lửa đạn từ những mặt trận lừng danh như Krek, Damper, An Lộc... Họ đặt cả danh dự vào khóa học.

Tôi thốt nhớ lại những ngày sửa soạn đón tiếp khóa sinh. Chúng tôi chờ đợi từng ngày với tâm trạng nôn nao nửa vui nửa lo lắng. Lo vì nhiệm vụ quá mới mẻ và chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trở ngại không biết có chu toàn tốt đẹp chương trình huấn luyện hay không. Khi khóa sinh còn ở Cần Thơ trong giai đoạn làm quen trên chiếc phi cơ U-17, tôi có xuống thăm một lần. Lớp học đang giờ hậu giảng. Khóa sinh rõ ràng là mới, đầu tóc hớt cao, mặc đồ bay mới, ngoan ngoãn ngồi nghe chăm chú những lời giảng dạy của huấn luyện viên. Nhiều người tò mò bỡ ngỡ nhìn tôi. Lúc bấy giờ tôi đối với họ hoàn toàn xa lạ...

Cái ngày họ đến Phi đoàn, họ vẫn có dáng e dè xa lạ nhưng chỉ trong vòng tuần lễ đầu tiên. Chúng tôi có nhiều vấn đề phải lo cho những nhân vật mới. Nơi ăn chốn ở, phương tiện giải trí, thể thao. Ban Kế hoạch, Ban Phi huấn, Địa huấn nhộn nhịp kiểm soát lại chương trình, thực hiện trợ huấn cụ, lo giấy mực quay bài và bù đầu phiên dịch tài liệu giảng huấn từ tiếng Anh sang Việt ngữ.

Một huấn Luyện viên Phi huấn nhận hai khóa sinh. Họ gọi những người hoa tiêu trẻ bằng tiếng “thầy”, xưng “em” thoạt tiên nghe là lạ nhưng dần dà trở nên quen với tình thân nẩy nở. Chúng tôi đối xử với họ như tình anh em. Nhưng cán bộ cũng không vì thế mà để khóa sinh lọt ra ngoài khuôn khổ kỷ luật quân đội. Chúng tôi khuyên nhủ vỗ về và đôi khi áp dụng biện pháp đối với những lỗi lầm của họ nhưng bằng một tinh thần thông cảm với những vô tâm của tuổi trẻ. Nhìn chung, họ có ý thức và nhiều thiện chí. Họ đều dễ thương.

Quảng nói:

- Mau quá Thiếu tá. Lúc đang học mong ngóng mau đến ngày ra trường. Đến bây giờ đã ra trường lại muốn ở Phi Đoàn.
- Các cậu ở đây sáu tháng mà như một năm. Đã trải qua với chúng tôi đầu tiên là cái Tết Trung Thu. Rồi Quốc Khánh, Noel, Tết Tây và Nguyên Đán... Nhiều quá thấy không. Bao nhiêu là kỷ niệm ?
- Riêng em có với thầy một kỷ niệm nhớ đời... Sau hôm đó em thấy tình cảm mình kỳ lạ lắm, không sao nói được.

Tôi nhìn Bực mỉm cười. Đó là kỷ niệm một chuyến bay. Tôi bay khảo sát đơn phi cho Bực. Sau khi thả Bực solo, trên đường từ Long Thành trở về, đột nhiên phi cơ tắt máy trên trời. Nơi đó là vùng đồi suối không bãi phẳng. Tôi cho phi cơ đáp khẩn cấp bằng tự động quay vào giữa một vuông sân nhỏ của một trang trại, an toàn. Lúc xuống tới đất, Bực ngơ ngác chưa nhận thức được chuyện gì đã xảy ra và mình vừa thoát hiểm.

Bực là một trong những khóa sinh có giờ bay solo sớm nhất trong khóa. Theo truyền thống phi hành, những khóa sinh vừa qua kỳ đơn phi đầu tiên được anh em xúm lại khiêng quăng xuống hồ tắm. Những chú bé ướt sũng trong bộ đồ bay, loi ngoi bò lên, cười hớn hở. Từ nay trên nón vải của họ được gắn cánh đơn phi, kiêu hãnh.

Ngày toàn khóa đơn phi hết, chúng tôi tổ chức cho họ một buổi tiệc mừng. Thầy trò ăn uống no say, ôm nhau cười khóc vui mừng cảm động...

- Đi đâu cũng nhớ về nguồn. Chúng ta có với nhau nhiều kỷ niệm vui buồn và những tình cảm đẹp đẽ dễ thương khó mà quên được.
- Tụi em nhớ thời gian học bên trường quân sự. Cả khóa đói dài, nhiều đứa “gồng” uống nước lã đi ra bãi, ngày học mười tiếng... Các thầy thương gửi tiền qua nuôi trò. 

Thiếu tá còn vác cho tụi em hai thùng gạo sấy...

Tôi cảm động. Cái tình cảm êm đẹp tự nhiên đó không phải dễ dàng tạo được. Nhớ sáng mùng một Tết cấm quân, tôi đến cư xá thăm và chúc Tết họ. Họ vây lấy tôi đòi tiền lì xì. Tôi lì xì cho họ mỗi người một điếu thuốc và riêng cho Như và Định, hai người trưởng toán mỗi người một phong bao tiền mừng tuổi nhỏ mọn. Họ cũng biết là tôi nghèo. Anh em chúng tôi đều nghèo nhưng không túng thiếu tình thương yêu để dành cho họ.

Chúng tôi ngồi trò chuyện đến khuya. Tiễn họ về, tôi nhìn trời đêm lấm tấm sao, gió đêm mát lạnh, lòng nhẹ nhàng thanh thản lạ. Những bàn tay nóng hổi chân tình siết chặt lấy nhau. Tôi biết họ đang vui, tâm hồn phơi phới. Tôi muốn nói với họ rất nhiều, nhưng không còn gì để nói nữa. Tôi đã nói với họ đầy đủ trong suốt thời gian gần gũi bên nhau. Khuyên họ bay bổng an toàn, liên tục trau dồi học hỏi là lẽ đương nhiên. Tôi cần họ ghi nhớ lời tôi, một trong những người anh đi trước, khuyên nhủ các em trai sống một đời đáng sống. Sự thành công của họ trong bước đầu binh nghiệp đã chứng tỏ sự trưởng thành. Nhưng họ vẫn còn đang tuổi thanh niên chan chứa nhiệt thành và lòng tự phụ.

Chặng đường dài sắp tới còn lắm chông gai, còn đương đầu với muôn vàn khốn khó. Họ cần một bản năng vững chãi để sống hiên ngang, tạo cho mình một phong thái xứng hợp với niềm danh diện là một hoa tiêu kiêu hùng của Không Lực có truyền thống. Họ phải ngước mặt nhìn lên, bước thẳng, vượt trên mọi thói đời ti tiện. Tâm hồn hào sảng, không sống ươn hèn, tự mình đào thoát khỏi giai cấp trẻ trung khoáng đạt học đòi những tiểu xảo bon chen đánh rơi tư cách. Cái gương ngời ngợi sáng của bậc anh cả trong ngành trực thăng đã anh dũng hy sinh cho đất nước là cố Thiếu Tướng Nguyễn-Huy-Ánh, thanh cao đạo đức, một đời chến đấu và xây dựng, khi nằm xuống đã để lại ngàn vạn tiếc thương và bây giờ phương danh được đặt tên cho khóa học, họ phải hãnh diện và noi theo.

Còn rất nhiều gương sáng nữa họ cần bắt chước. Như ông Chuẩn úy Thạch của đoàn Yểm Trợ Hành Quân, dạy họ môn đọc Bản đồ. Người sĩ quan già còm cõi nặng gánh gia đình, hơn hai mươi tuổi lính đè xuống đôi vai, đang chờ giải ngũ. Tấm thân thể già nua ấy đã tưởng chừng mệt mỏi, như con ngựa già của chúa nhưng tôi thật không ngờ lại chứa đựng một tinh thần hoạt động cương mãnh nhường ấy. Ông căn cơ tỉ mỉ soạn bài giảng dạy khóa sinh một cách nhiệt nồng sốt sắng.

Cây tre đã tưởng là già, tiêu mòn sinh lực nhưng sức sống và lòng hiếu động làm việc khiến lũ măng chúng tôi phải thẹn thùng ngưỡng phục. Tôi vẫn thường ngồi chung với khóa sinh say mê theo dõi bài giảng của vị giảng viên khả kính. Một chuyên viên lão luyện trong ngành Không Lưu đến tuổi tác này, đầu đã bạc, răng đã lung lay, vẫn hăng say tìm kiếm và học hỏi. Tôi ngỏ lời tiếc cho Không Quân sẽ mất một viên ngọc quý, một cán bộ, một chiến sĩ đã dâng hiến gần trọn cuộc đời xây dựng quân chủng một mai khi giải ngũ. Những người Sinh viên Sĩ quan phải biết hàm ơn những kẻ sắp bước ra ngoài guồng máy, đã ưu ái dốc đổ kinh nghiệm chuyên môn, kinh nghiệm sống của mình với bao kỳ vọng vào lớp đàn em. Họ là chất thép đã được tôi luyện. Tôi ước ao thép sẽ thành gươm, không phải là những thanh gươm cùn mòn sứt mẻ mà là những thanh kiếm ngời sắc bén.

Khuyến quân mạc tích kim lũ y
Khuyến quân tích thủ thiếu niên thì
Hoa khai kham chiết, trực tu chiết
Mạc đãi vô hoa không chiết chi


Tôi viết gửi tặng những người em tôi bằng yêu mến bài cổ thi của Lương Ý Nương. Họ còn nhiều thời gian và cơ hội để xây sự nghiệp. Tuổi thanh xuân quí báu phải được gìn giữ. Giữ gìn tuổi thanh niên đầy lý tưởng, ôm mang hoài bão đẹp đẽ đáng ngợi ca của trai thời nước lọan. Cái danh lợi phù du vật chất cũng chỉ như chiếc áo cỏ kim của người xưa, đừng giữ lấy làm gì. Tuổi xuân như hoa đẹp trên cành, xinh tươi mơn mởn. Hoa nở mãn khai hãy ngắt để bầy nơi thanh sạch. Đừng có bẻ cành phí uổng những nụ còn non...

Đào Vũ Anh Hùng

 

Ý kiến cho bài đọc xin nhấn vào đây => (Thép Luyện Đã Thành Gươm)

Rate this item
(1 Vote)

Posted by chimtroi