Print this page

CHIẾC NHẪN CƯỚI KHÔNG QUÂN - Trương kim Báu

By August 30, 2018 3817

Như thường lệ mỗi buổi tối các anh 524 đều đến nhà tôi, cùng ăn trái cây và kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất để cùng nhau cười vui, tôi thương chiếc áo bay nhiều túi mà các anh thường đùa là để bắt gà bỏ vào cho dễ, thương cả cái dao găm nhỏ đeo bên hông mà ngày mới quen Dọng nói là để gọt trái cây cho người đẹp ăn. Chiếc nhẫn của không quân đẹp quá, tối nào một trong các anh cũng tự ý cho tôi mượn, tay các anh to, tôi phải đeo nhẫn ở ngón tay cái mới vừa. 


Năm 1967 sau ngày đám hỏi 1 tháng là Dọng và các anh trong 524 đi Mỹ học lái A37.
Ngày đám cưới Báu Dọng, một số bạn thân đều có mặt trừ những anh đi biệt phái Pleiku. 
Thật ngạc nhiên và cảm động, Dọng đã đeo vào tay tôi chiếc nhẫn của không quân nhưng đây là chiếc đặc biệt làm cho tôi.
Bùi Gia Định la lên:
- Không biết lái máy bay mà đeo nhẫn phi công, một anh khác đáp lại. 
- Không lái Phi cơ mà lái Phi công. Tiếng cười ồ to vang lên, các bạn cười nói tự nhiên, đúng là đám cưới của dân Thiên Lôi. 
Sau đó các anh xúm lại cầm tay cô dâu, khám phá ra nhẫn đúng của không quân nhưng không có 2 cánh bay, không khắc khóa, năm. Dọng nói phải ca bài con cá, người làm nhẫn mới chịu, cô dâu mới có chiếc nhẫn trong lễ cưới. 
Các bạn chê khen nhẫn và bàn tay cô dâu. Dọng la lên giọng pha niềm vui trong hạnh phúc.
- Đừng lợi dụng cầm tay vợ tôi lâu quá nhen.
- Dọng, mày thử MỘ ĐỊA đi, tao hôn tay cô dâu ngay bây giờ. 
Tiếng cười lại ầm vang lên. Tôi đã đeo chiếc nhẫn cưới tuy là không có 2 cánh bay như nhẫn các anh, nhưng chồng tôi và các bạn thân đã từng nhìn ngắm khen chê và cầm tay cô dâu trong ngày linh thiêng đó. 
Chiếc nhẫn luôn trên ngón tay, tôi quý lắm vì đó bằng chứng tình yêu, tình bạn và cũng đánh dấu tôi đã là người nhà của Phi đoàn các anh.
Tháng 4 năm 1975 ngày mất nước, bạn bè có người chạy thoát ra nước ngoài, người người tập trung vào các trại tù ở khắp 3 miền đất nước Nam Trung Bắc. Đàn chim 524 Thiên Lôi đã lạc nhau.

Nửa đời người tôi học được
Tan hợp, thăng trầm bởi duyên (Như Nhiên)


Một hôm tôi nhận được thư Dọng gởi về từ Hoàng Liên Sơn, đọc tên địa danh xa lạ ấy tôi liên tưởng đến nơi rừng sâu nước độc, càng buồn thêm khi Dọng viết.
- Xin em hãy đưa các con về vùng kinh tế mới ở cùng ba má Cửu, để các con học hành. 

Chốn ấy trăm năm ngỡ tít mờ
Đâu ngờ ập đến tựa cơn mơ
Sống thương và hiểu từng giây phút
Ngay kiếp mong manh gặp bến bờ (Như Nhiên)


Đó là câu nói ngầm ý cùng nhau, vì anh chị Ngô Đức Cửu trong 524 là cha mẹ nuôi của hai con tôi, chúng kêu anh chị Cửu là ba má Cửu, chúng tôi đều biết là năm 75 gia đình anh chị đã thoát được và hiện ở Mỹ.
Ba má chồng tôi và nay đến Dọng tất cả đều muốn tôi dẫn 2 con trốn đi ra khỏi đất nước Việt thân yêu này, mà những ngày tháng trước chính Dọng và cả các anh trong 524 không muốn rời bỏ. 
Các con tôi không được đến trường học, chúng tôi không có hộ khẩu vì từ Nhatrang vào, dù đang ở căn nhà của gia đình ngay quận 1, tôi vẫn đi làm ở ngân hàng Việt Nam Thương Tín Trung ương 79 Hàm Nghi Sài Gòn, nhưng phường khóm không cho tôi hộ khẩu. Mỗi tháng phải gia hạn tạm trú, ngân hàng và phường nơi tôi ở có gặp nhau, nhưng cách làm việc thật lạ lùng, mỗi nơi có luật lệ riêng, chỉ khổ cho những người dân chúng tôi vai mang nhiều chữ như Ngụy quyền, chồng Ngụy Quân giặc lái, anh chị tư sản, cha mẹ tư sản dân tộc. 

Phú quý vinh hoa như mộng ảo
Sắc tài danh lợi tựa phù du (Bùi Giáng)


Người dẫn đường để vượt biên sáng sớm đến nhà và đưa mẹ con tôi ra xa cảng miền tây. Chúng tôi đến Rạch Giá, ngồi chờ ở quán nước, một người đến lấy hành lý của tôi đem đi trước, họ nói là tôi xách giỏ sợ bị để ý, đó là giỏ làm bằng mây do người em đan từ trong trại tù cải tạo gởi về, giỏ làm thật tỉ mĩ nối kết bằng những cọng mây thật nhỏ, không có một cây đinh nào cả. 
Chúng tôi xuống ghe từ Rạch Giá qua Rạch Sỏi, Rạch Cốc. Vào một căn nhà nhỏ được chỉ ngồi trên bộ váng, bỏ cái mùng xuống, và ngăn bởi một tấm màng với phía ngoài.
Họ đưa một em bé trai 8 tuổi vào, vậy là 1 mẹ 3 con, chúng tôi ngồi trong mùng sau tấm màng, nghe rõ tiếng nói từ phía ngoài, 4 người chạy trốn quê hương, không giám nói chuyện, không giám ho và nhịn đói.
Trời tối chúng tôi được một người đàn ông đưa đi để chờ tàu vượt biên đến, người dẫn đường nhảy qua một cái mương rồi nói: “Nhảy mau”. Tùm, tùm tùm, tùm. Đó là tiếng 4 người rớt xuống mương, trời tối quá khoảng cách không biết rộng dài ra sao, may mà nước không sâu, nhảy và bò mấy lần thì cũng tới được chỗ ngồi chờ trong một bụi cây, nghe được tiếng sóng từ biển. 
Hai con tôi dựa vào mẹ ngủ, em bé trai ngại ngùng ngồi yên.
Con cứ coi ta là mẹ, dựa vào ta mà ngủ đi con.
Tội nghiệp cho bé quá, người mẹ ở nơi nào đó cũng đang nghĩ đến con trai mình, tình mẫu tử là tình thâm, cầu nguyện mong ước con mình bình yên.
Bé Thanh kể. 
Con đi cùng cậu nhưng họ tách con ra. Ba má con là bác sĩ đều ở tù hết. Bà nội muốn con qua Mỹ ở cùng chú con để đi học.
Tôi mệt nhưng không giám ngủ sợ tàu đến không hay. Ngồi trong đêm tôi măn mê chiếc nhẫn đeo trong ngón tay, chiếc nhẫn gợi một thời vui vẻ ồn náo của bạn bè, tình yêu của chồng, nó như thêm sức mạnh cho tôi.

Chiếc nhẫn cưới anh trao em thuở ấy
Vẫn vẹn nguyên nằm giữa ngón tay này
Lòng thương nhớ mỗi khi em nhìn thấy
Minh chứng vàng của tình yêu mê say
(Diệp Minh Tuyền)


Mặt trời đã chiếu những tia sáng từ chơn nước lên, ánh sáng vàng rực biển hiện rõ, những bọt sóng chảy tràng vào bờ, không nhìn thấy một con tàu nào cả. Bỗng có tiếng súng và từng đoàn người hai tay để trên đầu từ trong các bụi cây gần đó đi ra, lệnh tất cả ngồi xuống bãi cát, tôi và 3 con cũng làm như vậy, chợt có tiếng quát to.
- Chị kia dẫn ba đứa nhỏ xuống biển tắm rửa, nhìn không giống người. 
Trong tiếng quát to giọng Nam đó, tôi cảm được có chút gì thương hại của người công an trẻ. Đoàn người chia làm 2, đàn ông đàn bà riêng, người cậu của bé Thanh cũng lách được đến gần tôi nói lời gởi gấm và địa chỉ nhà ở Sài Gòn, nhờ khi thả đưa giùm cháu về.
Chúng tôi 20 người đủ mọi lứa tuổi, Đi trong im lặng theo người công an trẻ. Chừng 1 giờ thì đến bờ sông gần đó là một căn nhà nhỏ mái tôn, vách lá bên trong chỉ có 1 cái bàn với 2 ghế dài. Chúng tôi ngồi xuống nền nhà đất, không thấy kêu kê khai tên tuổi gì cả, con gái lớn 6 tuổi của tôi bắt đầu khóc vì đói quá thành đau bụng, con trai 4 tuổi hai tay nắm chặc dựa vào mẹ, bé Thanh 8 tuổi ngồi yên lặng chịu đựng. Người công an trẻ có vẻ bối rối, anh chạy đi một lúc rồi đem gạo và cái nồi về, các chị lớn rành rẻ kê ngay 3 cục đá thành cái bếp và lấy bất cứ thứ gì cháy được là chụm vào nồi cơm, trong khi người công an rủ 3 đứa nhỏ ra coi anh bắt cá ở một ao nhỏ gần đó. Anh thả cái lưới xuống, mỗi lần kéo lên bắt được vài con cá phi, tụi nhỏ bắt đầu reo cười và quên đói. Bữa cơm thật ngon, cơm nóng ăn với cá phi nướng và muối ớt của chị nhà gần bên cho, tôi nghe tiếng thì thầm về người công an trẻ miền Nam, thì ra anh mới vào làm được một tháng. 
Buổi chiều chị cho muối ớt đem một cái mùng qua cho mượn để tối muỗi không đốt 3 đứa nhỏ, chị nói muỗi ở đây nhiều có tiếng, nhìn cái mùng mà thương làm sao, vá không biết bao nhiêu là miếng vá đủ màu sắc, đủ loại vải.
Một đêm ngủ ở đây sáng mai có ghe đến chở đi vào trại tù, chị nói cho ba đứa nhỏ cái mùng luôn để vào tù có mà nằm, tôi chỉ biết nói cảm ơn. Nay mỗi lần nghĩ lại sao lúc ấy đầu óc đặc cứng không biết hỏi tên chị, tên làng để bây giờ ân hận mãi. Biết rằng những tấm lòng còn tình người đó không cần sự trả ơn.
Trại tù thật sự đây rồi, họ bắt khai lý lịch, địa chỉ và tất cả tiền bạc nữ trang đều phải đưa ra nạp, tôi chỉ có ít tiền và chiếc nhẫn cưới thôi, cái giỏ quần áo 3 mẹ con và chút thực phẩm thuốc men, không biết ai cất và không biết hỏi ai.
Trại tù trên một hòn đảo nhỏ, chung quanh có những mương sâu nước mặn và nhiều lớp kẽm gai, họ đưa vào một nhà dài và rộng mái tôn vách lá, được phát 2 chiếc chiếu nhỏ cho 4 mẹ con, trong đó rất nhiều người đàn bà già, trẻ và con nít, không biết tội gì, chúng tôi có thể đi quanh trại nhưng không được qua các khu của đàn ông và những nơi biệt giam, con nít thì được đi tự do.
Bữa cơm tù ngày hôm sau 3 cháu nhỏ được phát thêm một tô canh bầu nấu với tôm, phần ăn của người phụ bếp nhường, đó là một bác sĩ bị kết án tù chung thân, cậu của bé Thanh cùng vượt biên với chúng tôi cũng bị nhốt ở đây cũng là bác sĩ. 
Những người bác sĩ đó họ là bạn với nhau. 
Những ngày ở trong tù 4 mẹ con cứ để nguyên quần áo mà tắm, việc làm khô quần áo giao cho gió cho nắng. Đến ngày thứ 10 thì tôi được lệnh tha, lên văn phòng xin nhận lại những gì nộp khi mới vào tù, người cán bộ coi những tài sản của tù đã đi công tác không biết lúc nào về. Trời đã trưa chiếc ghe máy cho những người tù quá giang từ trại giam An Biên về Rạch Giá sắp chạy rồi, tôi chạy ra chạy vô không biết làm sao vì giờ này tất cả cán bộ đều đi ăn hết rồi, một bà lớn tuổi cũng được tha đến khuyên tôi.
- Lên tàu về đi cô, ở lại cũng không tìm ra, trại tù không chứa cô nữa, đêm nay cô và các con ăn ngủ ở đâu ? Nước nhà còn mất thì chiếc nhẫn xá gì ? đừng đứng đợi những gì mà mình không thấy trước mắt.

Đã biết chốn ni là quán trọ
Hơn, thua,hờn oán......để mà chi! (Như Nhiên)


Ghe đến Rạch Giá thì trời về chiều, trên bến xe chỉ còn một chiếc xe lam. Tôi hỏi người chạy xe:
- Tôi ngủ ở bến xe mai về Sài Gòn sớm được không ? 
- Cô ngủ đêm ở đây rất nguy hiểm cho cô và 3 đứa nhỏ, thời buổi này không nhà nào giám chứa người lạ sẽ bị chánh quyền gây nhiều rắc rối, chỉ có Chùa và Nhà Thờ mới giám Chùa thì ở phía trong xa, nhà Thờ tiện đường xe tôi chạy qua.
- Tôi không có đồng nào cả. Tôi tính đi xe đò về Sài Gòn rồi mượn tiền người chạy xe xích lô máy trả, người xích lô máy chở tôi về nhà lấy tiền lại. 
- Lên xe đi, tôi cũng không lấy tiền xe mẹ con cô, đừng lo.
Xe ngừng ngay trước nhà thờ, tôi vẫn còn lo hỏi lại người xe lam tốt bụng.
- Tôi không phải con chiên của chúa, tôi đạo Phật 
- Vào đi, giờ này mà Chúa Phật gì, tin tôi đi, mẹ con cô được tiếp tử tế và không chừng được gởi xe về Sài Gòn nữa đó. 
Sân nhà thờ vắng tanh không bóng người vì là giờ hành lễ, chỉ có tượng Đức Mẹ thật to ở giữa sân, bốn mẹ con ngồi dưới chân tượng ba đứa nhỏ nằm ngay trên nền xì măng sau một ngày mệt mõi, nhìn tụi nhỏ nước mắt tôi chảy, đưa tay vuốt tóc con chợt nhìn bàn tay mình, chiếc nhẫn không còn tự nhiên tôi hoảng hốt, lòng buồn vô hạn.

Người về thương người nhỏ lệ
Cúi mình lạy khắp thiên nhiên (Như Nhiên)


Tiếng chuông nhà thờ ngân vang lên kéo tôi về thực tại, tôi ngồi thật yên nghe được lời cầu kinh vọng lại, tôi bắt đầu đọc kinh Phật. Tôi nghĩ đến chồng tôi đang tù các bạn tôi cũng đang ở trong tù, tôi không còn phân biệt đây là tượng Đức Mẹ hay Quán Thế Âm, tôi đọc kinh với cả tấm lòng gởi tình thương đến những người thân trong chốn lao tù.
Phần tôi tâm từ phải rộng mở, biết mỉm cười trước nghịch cảnh chướng duyên, niềm tin phải vững chắc, sức khỏe phải tốt để vượt qua những khó khăn, biết chấp nhận cuộc sống hiện tại, mọi việc đều để tuỳ duyên.

Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ cây hoa lá xuân qua rụng rời
Sá chi suy thịnh cuộc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành (Bùi Giáng)


Nhìn 3 con đang ngủ ngon dưới chân tượng Đức Mẹ, lòng thương tràn dâng, chợt tôi cũng thấy mình được bao bọc bởi tình thương.
Giữa người và người gặp nhau đã là duyên phận, trải qua năm tháng bây giờ tóc đã đổi màu nhưng lòng tôi vẫn trâng quí ơn Đức cha ở một nhà thờ nhỏ vùng quê miền Nam, và tất cả những người đã giúp tôi trong đoạn đường đời khó khăn, dù một lời nói hay một cử chỉ, những tấm lòng của người cùng một đất nước Việt Nam. Đó hành trang tôi mang theo trên bước đường lưu vong ở xứ lạ, mỗi lần nghĩ đến những tấm lòng nhân ái đó lòng tôi ấm lại và hạnh phúc.

Thanh thản là khi tóc đổi màu
Hiểu ngày sắp tới sẽ về đâu
Biết trăm năm hẹn cùng sương khói
Vạn sự trôi về nơi bể dâu
Hạnh phúc là khi giữa đổi thay
Lắng yên, trọn vẹn phút giây này
Ngắm bình minh đến, hoàng hôn lại
Thả hết ưu phiền theo gió bay (Như Nhiên).

Rate this item
(0 votes)

Posted by AF Echo