Print this page

Tôi ở trại Trừng Giới A20 - Lê Phi Ô

Posted by August 16, 2022 1137

Sau biến cố tù “cải tạo” trại Suối Máu nổi dậy đêm Giáng Sinh 24 rạng 25 tháng 12 năm 1978, một số anh em bị công an “chấp Pháp” vc bắt giải giao về nhà tù Chí Hòa tại Sài Gòn trong đó có tôi. Chúng tôi bị giam trong xà lim khu ED mỗi người bị giam một xà lim riêng nên hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài, không ai nhìn thấy ai và cũng không biết những người bị bắt chung với mình đang ở đâu.

Tôi bị giam ở trại Suối Máu khoảng 3 năm

– năm đầu vợ tôi có đi thăm vài lần rồi… thôi.

Ba năm tù đói khổ, mỗi buổi ăn chỉ 1 chén bo–bo với nước muối. Cuộc nổi dậy của tù nhân đêm Giáng Sinh 1978, tôi bị công an giam trong thùng sắt “conex” và bị đánh đập mỗi khi chúng hỏi cung. Những TRẬN ĐÒN THÙ trút lên thân thể ốm yếu tưởng rằng tôi không thể sống nổi, bây giờ về nhà tù Chí Hòa lại tiếp tục bị đánh mỗi lần hỏi cung, lúc bị tra tấn, tôi nhìn quanh mong tìm thấy được vật cứng hoặc bén nhọn như dao, kéo gì đó tôi sẽ đổi mạng với chúng. Bằng cách nào đó, bọn chúng biết tôi có học một khóa Tình Báo nên khép tôi vào tội làm việc cho CIA Mỹ.

TRẠI TRỪNG GIỚI A20
Sau 4 hoặc 5 tháng nằm xà lim Chí Hòa, tôi lại bị chuyển đến một trại nằm sâu trong núi ở tỉnh Phú Yên, trại này không phải trại tù “cải tạo” bình thường mà là trại “Trừng Giới”

– trại giam giữ tù chính trị Phục Quốc có án từ 10 năm đến chung thân
– và thành phần chống đối “Không thể cải tạo được” như tôi
– với lời hăm dọa: (Các anh đến đó mang luôn hồ sơ “Chết” đi theo!)

Trại này có bí số “A20” thuộc xã Xuân Phước tỉnh Phú Yên, nằm sâu trong rừng núi thuộc vùng 2 của VNCH trước kia.

– Mùa Hè thì gió Lào nóng như thiêu đốt
– Mùa Đông thì rét buốt đến nỗi bò heo chết la liệt.

Khi mới chuyển ra đây tôi bị ghép chung với 24 người tù khác thành một đội để phát quang, nghĩa là dọn dẹp cây cỏ gai góc cho sạch một ngọn đồi để trồng khoai mì, nhưng thực chất là để chôn người.

Từ khi dọn sạch ngọn đồi cho đến 3 năm sau ngọn đồi dày đặc những ngôi mả của tù:

– chết vì lao phổi
– vì kiệt sức
– vì suy dinh dưỡng…

Nghĩa là đủ kiểu chết.

– Linh Mục Luân
– và Linh Mục Vàng

Thuộc Dòng Chúa Cứu Thế cũng chết ở trại này.

Ở trại tù A20 Xuân Phước, mọi tù nhân đều bị lao động khổ sai

– đào mương
– vét cống
– cuốc đất trồng khoai mì
– kéo cày thay trâu, v.v...
– Mỗi người chỉ nhận được một chén khoai mì H34 với nước muối cho một bữa ăn, loại khoai mì H34 chỉ để dùng trong kỹ nghệ chế biến, cho heo ăn, heo cũng không thèm ăn.

Gần 8 năm tù… tôi chỉ ăn toàn bắp, khoai mì H34 với nước muối. Vào dịp tết âm lịch, mọi tù nhân được ăn hai bữa cơm, mỗi bữa 2 chén cơm nhỏ với một cục thịt heo lớn bằng ngón tay, và chỉ có thế.

– Mẹ chết
– Vợ bỏ
– tứ cố vô thân không ai thăm hỏi
– sức lực không còn
– thêm vết thương tinh thần quá lớn làm thể xác tôi suy sụp thấy rõ.

Một hôm đang lao động, tôi ngã gục vì kiệt sức, may nhờ có Bác sĩ Trần quý Nhiếp, Thiếu tá Nhảy Dù ở chung một nhà tù với tôi cứu chữa kịp. Không có thuốc men gì cả, Anh Nhiếp châm cứu tôi bằng những cây kim làm bằng giây điện thoại lượm được khi đi lao động. Tình trạng đói khát và lao động khổ sai này nếu kéo dài… có lẽ tôi không thể nào sống được.

Một hôm đang đào ao cá trong trại, tôi gặp anh Phương ở đội Văn Thể (Văn nghệ–Thể thao) anh Phương là một kép hát cải lương (hiện còn ở VN), bị án tù 10 năm về tội “Phản cách Mạng” khi tham gia vào một phong trào phục quốc sau 30/04/1975. Anh này biết rõ tôi có nghề Ảo thuật, nên khuyên tôi ghi danh vào đội Văn Thể để tránh lao động ngoài nắng, chỉ còn con đường này may ra mới có thể sống sót để trở về với 4 đứa con, mà đứa lớn nhất khoảng 13, 14 tuổi (năm 1981).

Gần cuối năm 1982, một anh trong đội Văn Thể gọi tôi lên nhận quà của gia đình gởi. Phản ứng đầu tiên là tôi giận dữ và cay đắng nói với anh ấy:
– “Anh còn cách nào đùa giỡn hay hơn nữa không?!”.

Ai cũng biết, nhiều năm nay tôi là “con Bà Phước”, những ai không có bà con, họ hàng thân thích, không hề nhận được chút quà bánh nào từ bên ngoài gởi vào, anh em đều gọi là con Bà Phước. Nhưng thật tình tôi có quà thật, quà của “Vợ” gởi! một gói quà nhỏ gần 2 ký lô, trong chứa thức ăn để dành được lâu ngày vì người tù không có điều kiện để nấu nướng. Một anh bạn khác nhìn thấy tôi đang mân mê gói quà trên tay, anh mừng rỡ nói:
– “Mầy cũng có… quà hả?!”

Câu nói đầy thiện ý, mừng giùm cho bạn nhưng sao tôi nghe… cay đắng: “Mầy mà cũng có quà nữa sao?”.

Cuối năm 1982, tôi có tên trong số người được thả về, trại tù cấp phát $70 đồng tiền VC lúc đó, số tiền chỉ đủ để đỡ đói lúc đi đường thôi. Tôi được công an trại tù chở bằng xe ra tới Ga xe lửa La Hai, từ đây tôi đón Tàu về Biên Hòa.
Trên đường đi, mỗi khi tôi ăn uống gì xong, khi gọi tính tiền, những người bán hàng đều trả lời:

– “Có người trả rồi”

Tôi năn nỉ mãi người bán hàng cũng không chịu nói là ai đã trả tiền dùm, tôi đành phải cám ơn người bán. Một chút xúc động về tình người làm tim tôi cảm thấy ấm áp, cái cảm giác mà tưởng chừng đã tê liệt suốt những năm tháng tù tội.

Hành trang của tôi khi ra khỏi trại tù cộng sản chỉ vỏn vẹn một bàn chải đánh răng đã cùn, một bộ đồ mặc trên người với hàng trăm mảnh vá, trên lưng áo cũng như hai bên ống quần còn nguyên dấu hai chữ “cải tạo” bằng sơn đen to tướng. Nhưng cũng nhờ thế, ai thấy cũng muốn giúp đỡ, ăn uống gì xong người bán đều trả lời:
- “Đã có người trả tiền!”.

Về đến chợ Biên Hòa lúc 04:00 giờ sáng, có người chỉ cho tôi tìm mấy xe hàng chở Dưa Hấu, họ sẽ đi Bình Giã chở Dưa lúc 06:00 giờ. Người Tài xế tốt bụng cho tôi đi nhờ xe về Bà Rịa. Hơn 08:00 giờ sáng xe tới Bà Rịa, tôi lững thững đi bộ về “Nhà”. Khi ngang qua một tiệm bán Bún Bò Huế, một người gọi tên tôi:
-“Ê, Phi Ô vào đây!”

Tôi quay lại thấy X. “Pháo Binh”. Anh bạn này được thả về trước, trên tay cầm xấp vé số.

X. lôi tôi vào quán, lần đầu tiên sau gần 8 năm tôi mới được ăn một tô bún bò ngon như thế. Hai người ăn xong, đang xỉa răng thì X. ngập ngừng: “Trước hết, mầy hãy bình tĩnh nghe tao nói! Tôi biết X. sẽ nói gì… vì từ lâu tôi đã chuẩn bị tinh thần để nghe chuyện này. X. tiếp:
– “Sau khi tao nói xong, mày muốn về thì… về, còn như không muốn về thì… mầy theo tao, ở tạm nhà tao rồi tính sau!”…

Và với giọng trầm buồn X. kể những điều nghe, biết về “VỢ TÔI”. Tôi ngồi nghe X. kể với gương mặt giá băng và bất động, duy chỉ có ánh mắt là không thể nào dấu được nỗi xúc động! Thằng X. thương bạn nhưng không biết phải làm sao! X. gọi café sữa đá cho hai đứa. Tôi không thể nào uống nổi một hớp dù chỉ là một hớp nhỏ. Không gian như ngừng đọng, khi thằng X. lay khẽ tay, tôi như chợt tỉnh, nói nhỏ với X. như nói với chính tôi:
– “Tao phải về, từ lâu tao chưa được gặp con tao, tụi nhỏ bây giờ chắc… lớn lắm!”

Tôi về gặp các con chưa được một tháng mà đã có ý định bỏ nhà đi nhiều lần, cho dù chưa biết phải đi đâu! Nhà này là nhà cũ của cha mẹ “vợ”, khi còn trong tù tôi khai “hộ khẩu” ở đây. Tôi có một căn nhà nhỏ ở xã Võ Đắt (Bình Tuy) nơi tôi đóng quân ở đó trước 30 tháng 04 năm 1975 đã bị vc tịch thu khi miền nam mất.

Quê tôi tận xứ Huế xa xôi, thời chiến tranh Việt–Pháp, Việt Minh liên khu 5 muốn mời Ba tôi tham gia kháng chiến, Ba tôi từ chối nên phải trốn một mình vào Sài Gòn lúc đó tôi mới 2 tuổi, và cả hai mẹ con tôi bị Việt Minh giữ làm con tin trong vùng rừng núi Quảng Nam. Đến năm tôi 10 tuổi hai mẹ con tôi trốn thoát được, dìu dắt nhau vào Sài Gòn tìm cha. Vài năm sau cha tôi chết, mẹ và tôi sống nhờ vào nhà của người quen cho đến ngày tôi vào lính.

Sau gần 8 năm tù vc thả tôi ra, căn nhà cũ của cha mẹ vợ là nơi duy nhất để tôi tạm nương thân.

Nhưng tình người cũng đã đổi thay, tôi phải từ biệt các con để ra đi, cho dù đi bất cứ đâu!

Ngay cả bữa cơm trưa và chỗ ngủ tối hôm đó tôi cũng không có!

Tình nghĩa đảo điên theo vận nước,
Đồng tiền đánh đổi cả nhục vinh.
Hỡi ơi canh bạc đời đen đỏ,
Mỹ nhân hề… chén rượu tàn canh!

Lê Phi Ô


Khu nhà lồng chợ ban đêm người ta dọn hàng về nên có nhiều sạp bỏ trống
Tôi vào đó ngủ nhờ đêm nay rồi ngày mai tính sau. Đang tìm chỗ thì may cho tôi, gặp một anh lính cũ. Anh em tâm sự với nhau rồi anh ấy rủ tôi xuống chợ cá ăn cháo, cả ngày không ăn gì nên tôi không từ chối. Sau đó anh giới thiệu cho tôi một việc làm ngay trong đêm đó, anh ấy ngập ngừng giây lát rồi nói:
– việc làm cũng không nặng nhọc gì nhưng… không được sạch sẽ lắm!

Tôi nói:
– Ở tù còn được thì bất cứ việc gì anh cũng làm được, chú yên tâm!

Tôi được giới thiệu cho một anh Tài Xế xe đò nhỏ chạy đường Bà Rịa–Bình Giã. Cứ 2 giờ sáng thì xe chở Cá từ Long Hải lên, tôi phụ chuyền mấy giỏ cá từ mui xe này qua mui xe kia. Công việc này ít người muốn làm nên tôi mới có chỗ, mỗi lần đỡ giỏ cá từ trên cao rồi lại đưa lên mui xe khác thì nước cá đổ cả lên đầu xuống tới chân, công việc chỉ 2 giờ là xong. Rồi đi tìm nhà nào có giếng để xin vào tắm, những tháng mùa Đông, 4 giờ sáng mà tắm ngoài trời như vậy đôi khi lạnh cắt da nhưng cũng phải tắm. Ngày thứ nhì tôi ra khỏi nhà đi “bụi đời” lại có việc làm ngay nên không bị đói như ngày đầu tiên.

Rồi ban ngày tôi phải tìm việc gì đó để làm thêm mới đủ ăn ngủ:

– chẻ củi thuê
– khuân vác đồ nặng
– phụ dọn dẹp hàng quán khi họ dọn ra cũng như phụ dọn dẹp lúc họ về
Nghĩa là bất cứ việc gì của một người Cu–ly thì tôi đều làm hết.

Rồi ra cầu Cỏ May khiêng vác muối từ trong nhà kho xuống xà–lan, mỗi bao muối 50kg.

– Vác té lên, té xuống cũng phải làm, mỗi người phải vác ít nhứt 50 bao muối một ngày mới đủ ăn. Đoạn đường từ kho muối ra tới bờ sông khoảng 50 thước, ở dưới đất trải đá dăm trộn lẫn muối hột, đá dăm cắt lòng bàn chân rỉ máu lại thêm nước muối vừa đau vừa rát, mang dép không được vì mồ hôi pha lẫn nước muối làm trơn trợt nên dép bị đứt quai liên tục, thỉnh thoảng bị trợt té nên phải đi chân trần, cũng không mang giày Ba–ta được vì muối lọt vào kẽ giày làm đau chân, hơn nữa đâu có tiền mua giày.

Chị Th. có chồng đi tù như tôi, anh ấy mới được vc thả về, thấy tôi vất vả quá, muốn giới thiệu cho tôi một cô buôn bán khá giả ngoài chợ nhưng không hề cho tôi biết trước. Một hôm có người nói lại với tôi, Cô ấy bị mấy người chị la rầy dữ quá:

– “Mầy còn con gái, bộ ế lắm sao mà lấy ông ấy, có xót thương lắm thì giúp đỡ bằng cách khác. Ông ấy có 4 đứa con… còn bị vợ bỏ, mầy lấy về để nuôi con người ta… hả? Sao ngu vậy!”.

Tôi lặng lẽ bỏ chợ Bà Rịa đi chỗ khác thật xa, mỗi tháng khi trời sáng trăng tôi đạp xe khoảng 15, 20 cây số về Bà Rịa thăm con độ mươi phút rồi lại đi. Đêm đó tôi ra ngủ ngoài nghĩa trang “Việt Hoa”, nơi đây đã từng chôn 92 người lính TQLC chết trận Bình Giã năm xưa. Tôi cảm thấy ấm áp vì gần gũi được chiến hữu của mình cho dù họ đã chết! Mộ của mẹ tôi cũng chôn ở đấy, vì đêm sáng trăng nên có nhiều người đi chùa, có người nhát gan, khi ngang qua thấy tôi họ tưởng là ma nên hét toáng lên rồi bỏ chạy. Một vài lần tôi bị du kích xã bắt vì tội ngủ bậy, họ đem về xã giam vài ngày rồi thả ra. Rồi lại bị bắt, có lần họ đưa tôi ra sông toàn là cây đước nước ngập đến ngực bắt tôi đắp “đùn” (ao cá) để họ nuôi tôm. Đôi khi tôi cũng muốn được bị họ bắt đi đắp ao, mỗi lần như thế tôi được họ cho ăn cơm với cá khô hoặc mắm cà, và cũng nhờ thế tôi tiết kiệm được một ít tiền để lỡ không có việc làm lại có tiền mua gạo. Có người ở xã Phước Tỉnh, Phước Hải hoặc Long Hải, các xã này thuộc vùng biển, họ khuyên tôi xuống đó gánh cá thuê đồng thời tìm cách vượt biên, nhưng tôi ở được vài tháng thì bị công an “bảo vệ chính trị” bắt giam và trục xuất tôi về lại Bà Rịa. Cũng có người khuyên tôi đi chỗ khác chứ Bà Rịa trước 30/04/75 tôi phục vụ tại Phòng nhì Tiểu Khu Phước Tuy là phòng Tình Báo nên bọn vc địa phương rất ghét, bọn chúng hở một chút là tìm cách trù dập tôi. Nhưng tôi không thể xa Bà Rịa được vì ở đây còn các con tôi, thỉnh thoảng có thể gặp chúng được, hơn nữa nơi đây tôi còn có cơ hội vượt biên bằng đường biển.

Đối diện nghĩa trang Việt–Hoa có một nghĩa trang khác, có từ hồi Pháp thuộc, nghĩa trang này lâu đời nên Mã nhiều vô kể hơn 10 ngàn cái. Nhiều người vào đây xúc cát để về xây nhà nên mả bị sập lòi cả xương người. Có một khoảng trống tương đối rộng vì bị xúc trộm cát, mả cũng bị họ đập bể để lấy gạch, đá xi măng về lót chuồng heo. Tôi che một cái chòi nhỏ bằng lá buông trên khoảng đất trống đó để làm chỗ ở, ở đây không sợ mấy đứa nhỏ vào đây ăn cắp vặt vì bọn nhóc sợ ma.

Bọn du kích xã và công an vc có lẽ thấy tôi khổ quá, chúng vào chòi mấy lần dòm ngó thấy tôi ngủ trên một sạp tre, bàn ăn cơm là tấm bia mộ và cái bếp để nấu cơm bằng mấy cục gạch ghép lại, trên vách lá một bộ áo quần cũ đang phơi và một bộ đang mặc trên người. Có lẽ bọn chúng thấy quanh đây không ai nghèo mạt rệp như tôi nên cũng chán quá không muốn vào làm khó tôi nữa vì thế tôi cũng được yên thân.

Trước ngày mất Nước, đời lính tuy gian khổ nhưng tôi cân nặng 55kg, khi ở tù mà cộng sản gọi là “học tập cải tạo”, ngày được thả ra tôi nặng 37kg, và 2 năm tiếp theo tôi lên được 39kg. Mười hai năm làm lính trận thân thể tôi được trui rèn trong lửa đạn và ý chí bất khuất sẵn có của người lính chiến đấu cho chính nghĩa, cho nên với gần 8 năm tù đói khát về thể xác và bị khủng bố tinh thần đã nhiều lần kiệt sức tôi vẫn sống. Ngày trở về lại thêm một lần chịu đựng vết thương tinh thần quá lớn cộng với sự đói khát vì miếng ăn rình rập tôi từng ngày, từng giờ, cũng không khuất phục được tôi. Đôi khi bị bịnh vì dầm mưa dãi nắng không đi làm được chỉ ăn cháo với muối rồi gạo cũng hết nên cũng không có cháo mà ăn đành nhịn đói, dù chưa hết bịnh cũng ráng lết tấm thân đi làm. Tôi phải sống, sống để nhìn đời, sống để hy vọng nhìn thấy đất nước đổi thay. Với tinh thần bất khuất của người lính chiến trong tôi vẫn còn. Hy vọng một ngày tươi sáng cho quê hương trong tôi chưa tắt và mãi mãi không thể nào tắt được.

*****

Như thường lệ, tôi cầm cần ra sông câu cá. Nếu câu được nhiều thì tôi bán bớt để mua gạo, nếu ít thì… ít ra cũng ăn được vài ngày. Trời chạng vạng tối thì tôi về, đang sửa soạn thì có 2 người đến hỏi tôi làm gì ở đây, tôi bảo là tôi câu cá. Ngần ngừ một chút họ lại hỏi: “Muốn đi không”, tôi chưa kịp trả lời… họ lôi tôi vào một bụi rậm rồi nói như ra lệnh: “Ngồi yên trong này, không được đi đâu hết, không nghe lời… chết ráng chịu”. Tôi bảo tôi chỉ câu cá, ngày nào tôi cũng câu ở đây, mấy anh để tôi về. Họ không trả lời và bắt tôi ngồi chờ, thỉnh thoảng tôi hỏi thì họ bảo chờ!!!

Khoảng 10 giờ tối, ngoài sông có ánh đèn Pin chớp chớp, trong này họ chớp đèn lại và tôi nghe tiếng máy ghe tiến dần vào bờ. Trong lúc đó các bụi rậm phía sau lưng tôi xuất hiện lố nhố người, Khi 2 chiếc ghe nhỏ ngoài sông vừa cặp bờ thì mọi người ùa xuống và leo đầy cả 2 ghe. Tôi biết đây là ghe “Taxi” chở người ra ghe lớn để vượt biên, tôi mừng quá cũng chạy theo và leo lên ghe nhỏ, 2 người giữ tôi trong bụi cũng biết tôi là loại muốn vượt biên nên không cần để ý đến tôi nữa (nếu tôi không muốn đi họ cũng bắt buộc tôi đi vì thả ra họ sợ bị “bể”).

Hai chiếc ghe nhỏ chở khách cột giây vào nhau chiếc trước chiếc sau cách nhau 10 thước để không chạy lạc. khoảng 90 phút sau thì ra cửa biển, khi gặp ghe lớn tất cả trèo qua ghe lớn, mọi người bị lùa xuống hầm ghe, tôi xin cho tôi ở trên mui để tôi có thể giúp gì được không.

Ghe bắt đầu chạy ra cửa biển Vũng Tàu, nhóm tổ chức gọi tên một người rồi họ chạy tới chạy lui kể cả chui xuống hầm để gọi… thì ra, anh Hoa Tiêu để hướng dẫn ghe đi không có mặt. Rồi tiếng gọi, rồi tiếng chửi thề… Tôi hỏi thì họ cho biết người Hoa Tiêu vắng mặt không biết vì sao. Tôi bảo để tôi làm hoa tiêu cho, có người hỏi tôi: “Anh có chắc là anh làm Hoa Tiêu được không?”, để cho họ yên tâm tôi bảo tôi là Hoa Tiêu bên Hải Quân. Họ mừng quá, có anh lấy bình cà phê rót mời tôi một ly. Đang uống thì trong họ có người gọi lớn: “Ông Thầy!” rồi nhào đến ôm tôi, còn hôn vào má tôi nữa. Tôi nhìn kỹ thì hóa ra là Việt, một người lính thuộc dưới quyền của tôi khi xưa, rồi anh giới thiệu tôi với mọi người làm tôi cứ tưởng tôi vẫn đang là lính như những ngày khói lửa chiến tranh.

Qua đêm sau tôi luôn luôn cặp kè với anh Tài Công, tôi bảo đêm nay mình sẽ cho ghe đi giữa 2 giàn khoan dầu lửa của Liên Xô. Khi nhìn thấy ánh đèn điện líp líp mặt nước từ xa, mấy người phục tài tôi quá. Sở dĩ tôi biết tọa độ của 2 giàn khoan là vì những người vượt biên trước họ gởi thư về cho biết. Tôi cũng không phải là Hải Quân, tôi nói như vậy để họ tin tưởng tôi chứ thật ra cái Địa Bàn của Bộ Binh và cái Hải Bàn của Hải Quân hình thù thì khác nhau nhưng phương hướng thì sử dụng giống nhau, hơn nữa chúng tôi đi vào tháng 5 thì biển êm, độ dạt của nước biển không lớn. Trưa hôm đó chúng tôi ra đến hải phận quốc tế, gặp chiếc Tàu buôn của nước Anh tên Gold Orly, tôi dùng 2 chiếc áo thun trắng đứng trên mui ghe đánh tín hiệu (morse) S.O.S và được họ cứu vào Singapore. Cái vui và nỗi buồn xen lẫn vào nhau khiến nội tâm tôi bị chao đảo ghê gớm. Vui là thoát khỏi địa ngục cộng sản, buồn là… vĩnh biệt quê hương biết bao giờ mới có ngày trở lại, khi tôi viết bài này thì đã hơn 32 năm rồi tôi chưa một lần trở về.

Xa xôi lòng mãi hướng về,
Mong ngày hội ngộ trên quê hương mình.
Mơ ngày đất nước hồi sinh,
Ngày về hôn đất có mình có ta.

– “Ô hay du tử phương xa,
Cớ sao lại để lệ nhòa… ướt mi!”

Lê Phi Ô

(Forumpost: Tôi ở trại Trừng Giới A20 )

Rate this item
(0 votes)

Posted by KiwiTeTua