Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 12) - NGUYỄN HỮU THIỆN

Posted by February 15, 2022 1456
CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 12)



Hồi ký
NGUYỄN HỮU THIỆN



(tiếp theo kỳ 11)

CHƯƠNG 6 – Suối Máu & Tống Lê Chân (tt)

Vì tù cải tạo là những người đã bị mất quyền công dân, không được mừng lễ Giáng Sinh cho nên ngày hôm sau, 25/12/1978, mọi sinh hoạt ở trại tù Suối Máu vẫn diễn ra bình thường. Nhưng trong lòng anh em không bình yên một chút nào cả, tức là ngược lại với câu hát của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh:


Vinh danh Thiên chúa trên trời – Bình yên dưới thế cho người thiện tâm.

Không bình yên bởi chúng tôi biết chắn bọn công an sẽ tìm cách trả đũa việc phải nhượng bộ tù cải tạo trong đêm Giáng Sinh. Xế chiều, những anh em công tác ngoài trại về cho biết vào khoảng trưa, họ thấy mấy chiếc xe díp (của Cảnh Sát Quốc Gia trước 1975) chở một số công an tới khu nhà của ban giám thị trại, có tay mặc đồng phục công an đeo K54, có tay mặc áo sơ-mi trắng, tất cả đều đeo xà-cột (tiếng Pháp: sacoche) cho thấy họ không phải công an quèn. Về sau chúng tôi được biết đây là đám chuyên viên điều tra từ Chí Hòa được đưa lên Suối Máu để thanh lọc thành phần tù cải tạo chủ chốt trong cuộc nổi dậy đêm Giáng Sinh.

Nhưng ngay lúc đó, đã không có gì xảy ra!

Gần hai tuần lễ sau, trưa ngày 7/1/1979, toàn thể tù cải tạo ở năm K được lệnh “khẩn trương” lên hội trường (của mỗi K) tập họp. Từ ngày bò xanh bàn giao cho bò vàng, chưa bao giờ có một sự “khẩn trương” như thế cho nên chúng tôi không khỏi lo âu: lại chuyển trại chăng?...

Rồi một đám giám thị cùng với toán bảo vệ tiến vào K2. Thoạt tiên chúng tôi hơi rét, nhưng ngay sau đó đã chuyển sang ngạc nhiên khi thấy Trung tá Đào Lưỡng, viên Giám thị trưởng Chí Hòa – Suối Máu, bước vào hội trường với nét mặt tươi cười vui vẻ chưa từng thấy.

Đứng trước microphone (được truyền đi khắp trại qua hệ thống loa phóng thanh), sau mấy câu chào hỏi vắn tắt, ông ta vào đề với một giọng đầy phấn kích:

- Tôi lên đây để đích thân thông báo cho các anh một tin vui lớn: sáng sớm hôm nay, quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến vào thủ đô Phnom Penh, lật đổ chế độ Pol Pot, giải phóng đất nước Campuchia...

Sau đó, trong lúc Đào Lưỡng ra sức ca tụng “cuộc tiến công như vũ bão của quân đội nhân dân VN anh hùng”, chỉ trong vòng mấy ngày đã từ biên giới Việt – Miên tiến chiếm thủ đô xứ chùa tháp, trong lòng tôi nổi lên một nỗi băn khoăn, lo lắng trước viễn ảnh ở tù dài dài.

Như đã viết trong một kỳ trước, thời gian cuối năm 1978, qua tin tức bên ngoài lọt vào nhân các kỳ thăm nuôi, chúng tôi được biết Hà Nội đang bị Bắc Kinh kiếm cớ gây sự (vụ “nạn kiều”, vấn đề tù cải tạo người Việt gốc Hoa...) và đứng trước nguy cơ bị hai mặt giáp công – Khmer Đỏ từ biên giới tây nam, Trung Cộng từ hướng bắc. Nay CSVN lại ra tay trước, đánh chiếm Phnom Penh một cách dễ dàng, thì rất có thể Hà Nội sẽ thực hiện được giấc mộng “Liên bang Đông Dương” với sự hỗ trợ của Liên Xô để chống lại tập đoàn Bắc Kinh.

Mà một khi cuộc tranh chấp giữa “đại bá quyền phương Bắc” và “tiểu bá quyền phương Nam” chưa ngã ngũ, tình hình chưa ổn định, đám tù cải tạo chúng tôi sẽ tiếp tục... ở tù, như Đào Lưỡng đã khẳng định khi mới được quân đội nhân dân bàn giao trại Suối Máu.

Sau buổi lên lớp nghe Đào Lưỡng báo tin chiến thắng của bộ đội CSVN tại Căm-bốt, đa số anh em tù cải tạo ở Suối Máu cũng có cùng tư tưởng bi quan như tôi. Nhiều người còn đem cái chết bi thảm của nữ nghệ sĩ cải lương Thanh Nga trước đó hơn một tháng ra để đi tới kết luận các đàn anh ở Trung Nam Hải chắc chắn sẽ cho đám đàn em ở Bắc Bộ Phủ “một bài học” như Đặng Tiểu Bình đã hăm dọa!

Nguyên vào thời gian cuối tháng 11/1978, đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga đang diễn vở Thái Hậu Dương Vân Nga, một vở tuồng có nội dung chống Tàu gay gắt, kêu gọi toàn dân một lòng chống quân xâm lược phương Bắc, thì Thanh Nga và chồng đã bị kẻ lạ mặt bắn chết trước cửa nhà riêng, cho nên đại đa số dân chúng Sài Gòn đã suy diễn thủ phạm bắn chết Thanh Nga chính là bọn gián điệp Trung Cộng. Thời gian này lại đang diễn ra các cuộc thăm nuôi, mọi chi tiết “ly kỳ rùng rợn” liên quan tới vụ này đã được thân nhân thuật lại, gây xôn xao khắp trại! (Chú thích 1)

* * *

Trở lại với trung tuần tháng 1/1979, khoảng hai tuần lễ sau khi Đào Lưỡng loan báo “tin vui chiến thắng” của quân đội nhân dân Việt Nam tại Căm-bốt, đám giám thị cai tù ở Suối Máu mới bắt đầu ra tay trả đũa việc tù cải tạo “làm loạn” trong đêm Giáng Sinh.

(Hai chữ “làm loạn” là của Đào Lưỡng sử dụng mỗi khi viên Trung tá công an nhắc lại vụ này)

Trước hết, một số anh em trong các Ban đại diện quân binh chủng và Ban hành động tại các K bị đưa đi khỏi Suối Máu. Ít lâu sau tới đợt thứ hai.

Sau này chúng tôi mới được biết số anh em nói trên bị đưa về giam ở khám Chí Hòa (cũng nằm dưới quyền Đào Lưỡng) để khai thác, sau đó bị đưa tới các trại tù hắc ám ở Xuân Phước (A20), Xuyên Mộc, Gia Trung, Tống Lê Chân..., nhưng ngay lúc đó, nhìn vào thành phần bị đưa đi, chúng tôi cũng đoán biết tương lai đen tối của các anh em này!

Theo tin tức nhận được từ K3, tất cả các vị linh mục tuyên úy Công giáo đều nằm trong số bị đưa đi. Về số người, đông nhất là K1 và K5. K1 có nhiều người bị bắt đưa đi cũng dễ hiểu, bởi vì, như đã viết ở một phần trước, đa số tù cải tạo ở K1 là cấp trung úy, thiếu úy trẻ còn rất hăng, chống đối ra mặt, đồng thời cũng là nơi khởi phát cuộc nổi loạn đêm Giáng Sinh 1978.

Còn K5 bị bắt đông vì, theo lời kể lại của một bạn tù ở K này, mọi hoạt động chống đối trong đó có việc đánh ăng-ten diễn ra một cách công khai, cho nên đám giám thị đã có được một danh sách khá đầy đủ anh em trong Ban hành động và Ban đại diện quân binh chủng, do đám ăng-ten báo cáo!

Nhắc tới việc tù cải tạo làm ăng-ten là việc chẳng đặng đừng, nhưng vẫn phải nhắc tới để thấy đám công an của Cục Trại Giam – những cai tù chuyên nghiệp – mưu mô quỷ quyệt hơn đám bộ đội nhiều.

Trước hết, họ tung tin sẽ có nhiều người học tập tiến bộ được trả tự do về xum họp với gia đình nhân dịp tết Kỷ Mùi (cuối tháng 1/1979). Sau đó quả thật có một số người được về.

Những người này thực ra đa số là các bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, và chuyên viên các ngành mà chế độ mới cần đến, là những thành phần mà theo lệnh của trung ương chỉ bị học tập 3 năm, thế nhưng cái đám làm ăng-ten với hy vọng được về sớm đã không để ý tới điều này, hoặc có nhưng vẫn cố nuôi hy vọng.

Bên cạnh báo cáo của đám ăng-ten, còn có sự “thành thật khai báo” của chính một số người thuộc thành phần chỉ bị học tập 3 năm nói trên.

Sự việc diễn ra như sau: trước khi loan báo các danh sách được thả về, ban giám thị cho gọi từng toán lên, đưa vào phòng giao ban (phòng họp nội bộ) của K. Họ được đám công an điều tra của Cục Trại Giam nói đại ý: họ có tên trong danh sách được cán bộ trại đề nghị cho về xum họp với gia đình, đây là “bài thu hoạch” cuối cùng để đánh giá mức độ tiến bộ của từng cá nhân, “cấp trên” sẽ căn cứ vào chất lượng của bài thu hoạch để quyết định thả hay không. Nội dung bài thu hoạch là những gợi ý được in ronéo trên mấy tờ giấy phát riêng cho từng người.

Trong số những gợi ý này, đáng nói nhất là mục nhận xét, đánh giá tình hình và mức độ tiến bộ của các bạn tù trong K, trong Lán (Nhà), những cá nhân nào có hành động, lời nói tiêu cực, hoặc âm mưu chống phá cách mạng, v.v...

Dĩ nhiên anh em chúng tôi không thể biết trong số những người bị bắt làm “bài thu hoạch” ai khai ai không khai, chỉ biết chắc chắn có một số người nào đó đã khai ra tên tuổi anh em trong các Ban đại diện, Ban hành động mà đám ăng-ten sót tên. Hậu quả là gần như tất cả đã bị “sa lưới”, không cần biết những anh em đó có xuất đầu lộ diện trong cuộc nổi dậy đêm Giáng Sinh hay không!

Nhưng riêng ở K5, theo những gì tôi được nghe kể lại, đã xảy ra chuyện tức cười là có mấy tay ăng-ten cũng bị đưa về Chí Hòa cùng với các “thành phần phản động”.

Nguyên trong số người phải làm bài thu hoạch có bác sĩ X, một trung úy quân y mới ra trường, không biết khả năng chuyên môn cỡ nào nhưng đầu óc khôi hài châm biếm thì ăn đứt thiên hạ!

Sau khi bị ban giám thị gọi lên làm bài thu hoạch, trở về K5 bác sĩ X tiết lộ với vài người bạn thật thân rằng anh đã sốt sắng (từ VC gọi là “tích cực”) trong việc tố giác “những cá nhân có hành động, lời nói tiêu cực, hoặc âm mưu chống phá cách mạng” bằng cách ghi ra tên tuổi ba tay ăng-ten sừng sỏ nhất ở K5, hy vọng họ sẽ bị ban giám thị gọi lên “làm việc” cho bõ ghét!

Kết quả ngoài sự mong đợi của bác sĩ X: ba tay ăng-ten nói trên không chỉ bị ban giám thị gọi lên làm việc, mà hai người trong bọn còn bị đưa về Chí Hòa cùng với các “thành phần phản động” để rồi cùng bị đưa ra “trại trừng giới” A20 (Xuân Phước)!

* * *

Mặc dù ngay lúc đó chưa biết những gì sẽ xảy ra cho anh em trong các Ban hành động và Ban đại diện quân binh chủng bị đưa đi khỏi Suối Máu, chỉ cần điểm qua danh sách bị những người bị kêu tên, chúng tôi cũng biết chắc chắc họ không được về đoàn tụ với gia đình như các thành phần “chuyên gia” (bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư...) chỉ bị học tập 3 năm đã nhắc tới ở trên.

Vì thế, tuy ban giám thị đã nhiều lần tập họp các Nhà trưởng đề ra kế hoạch thi đua thể thao, văn nghệ mừng đón xuân Kỷ Mùi, ngày tết truyền thống của dân tộc, cũng không tạo được một chút phấn khởi nào trong bầu không khí nặng nề trước cảnh kẻ đi người ở trong tập thể tù cải tạo Suối Máu.

Tôi không nhớ cuộc thi đấu bóng chuyền giữa các K có diễn ra hay không, nhưng cuộc thi đua văn nghệ thì tôi nhớ rõ đã chết ngay từ trong trứng nước, bởi thiếu người tham gia.

Theo lời kể lại của anh Huyến, nhà trưởng của tôi, trong các buổi họp giữa ban giám thị và các Nhà trưởng về việc đón tết mừng xuân, đám giám thị đã tỏ ra rất cay cú, bực tức trước thái độ bất hợp tác này.

Vì thế với tôi, trong số bốn lần ăn tết trong trại cải tạo (tính tới lúc đó), có thể nói cái tết năm 1979 là buồn nản nhất. Ngoài tiêu chuẩn mỗi người một miếng thịt heo bằng hai đầu ngón tay, tất cả còn lại vẫn là “một ngày như mọi ngày”.

Có đáng nhớ chăng là việc được ăn bánh chưng “hàm thụ” nấu bằng... bo bo!

* * *

Sau năm 1975, trong số những đề tài liên quan tới ẩm thực bị dân miền Nam đem ra diễu cợt nhiều nhất có lẽ là (1) một ký rau muống có giá trị dinh dưỡng bằng một ký thịt bò, và (2) bánh chưng nấu bằng bo bo cũng ngon như bánh chưng nấu bằng nếp.

Câu so sánh rau muống với thịt bò ai cũng biết là của các “đỉnh cao trí tuệ” ngoài Bắc, người dân miền Nam chẳng thèm chấp, nhưng câu “bánh chưng nấu bằng bo bo cũng ngon như bánh chưng nấu bằng nếp” lại là của một phụ nữ nổi tiếng trong Nam, đã khiến mọi người phải ngán ngẩm!

Phụ nữ nổi tiếng ấy là “bà QV”, trước năm 1975 được xem là ăn khách bậc nhất trong số những tác giả viết sách dạy nấu ăn ở Sài Gòn. Chẳng cần nói đâu xa, chính cô vợ quý hóa của tôi khi theo chồng ra Pleiku sau ngày cưới cũng không quên mang theo cuốn sách dạy nấu những món ăn căn bản của bà.

Trước năm 1975, tôi chỉ nghe tên chứ không biết mặt bà QV, ngoài đời cũng như trên sách báo. Lần đầu tiên tôi được thấy hình bà
là trong trại cải tạo ở Phước Long, trên một tạp chí bằng tiếng Việt của Liên Xô có tên là Báo ảnh Liên Xô.

Về hình thức, Báo ảnh Liên Xô cũng tương tự tạp chí Thế Giới Tự Do của Phòng Thông Tin Hoa Kỳ trước năm 1975, tuy nhiên vì chất lượng giấy báo cũng như kỹ thuật in ấn của làng báo quốc doanh của CSVN lúc ấy quá tệ, tạp chí Báo ảnh Liên Xô in hình màu đã được dân chúng VN xem như một biểu tượng cho những gì “to đẹp” của đàn anh cộng sản.

Có lẽ tạp chí “free” này được in tại Liên Xô và đưa sang VN với số lượng rất hạn chế cho nên trong suốt thời gian mấy năm kể từ ngày “miền Nam được hoàn toàn giải phóng” tôi chưa hề nhìn thấy Báo ảnh Liên Xô, cho tới khi có thân nhân một bạn tù không biết kiếm đâu ra được một, hai số báo và đem lên nhân dịp thăm nuôi.

Với anh em tù cải tạo trong trại nói chung, đọc những bài viết sặc mùi tuyên truyền cùng hình ảnh khoa trương kệch cỡm trong hai cuốn Báo ảnh Liên Xô ấy chỉ tổ bực mình, nhưng riêng tôi trước năm 1975 phục vụ trong ngành Chính Tranh Chính trị, từng giữ chức vụ Sĩ quan Báo chí đơn vị, có bạn bè sinh hoạt trong làng báo miền Nam cho nên không tránh được tò mò, đọc hai cuốn báo ảnh ấy không bỏ sót một chữ.

Nhờ đó tôi khám phá ra hình bà QV trên Trang Phụ Nữ do “Chị Vera” phụ trách. Ngoài các bài vở liên quan tới phụ nữ, trang này còn có mục nhịp cầu tri âm giữa chị Vera và các nữ độc giả ở các nước xã hội chủ nghĩa, thường kèm theo một tấm hình của chị em đã viết thư cho chị Vera và được chị trả lời. Trong số này có bà QV từ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Đọc phần trả lời của chị Vera cho bà QV, tôi được biết trước đó bà đã viết thư cho chị, đề nghị thiết lập thêm mục gia chánh trên Báo ảnh Liên Xô, và bà - tự nhận là tác giả viết sách dạy nấu ăn uy tín nhất miền Nam VN - sẽ tình nguyện tham gia với các món ăn Việt Nam thuần túy do bà hướng dẫn thực hiện.

Phần trả lời của chị Vera cho bà QV rất nồng thắm. Sau khi ca tụng phụ nữ VN anh hùng nói chung, phụ nữ thành Hồ nói riêng, chị đã hoan nghênh “tinh thần đóng góp ý kiến tích cực” của bà QV, và cho biết ban biên tập Báo ảnh Liên Xô sẽ nghiên cứu đề nghị của bà.

Vì sau đó không có cơ hội đọc Báo ảnh Liên Xô nữa, tôi không được biết tạp chí này có thêm mục gia chánh theo đề nghị của bà QV hay không? Nhưng cứ tạm cho là có, và bà QV đã tham gia bằng cách hướng dẫn chị em ở các nước xã hội chủ nghĩa nấu các món ăn Việt Nam, thì sự tham gia ấy cũng đã chấm dứt trước khi bà vượt biên. Tôi không biết đích xác bà vượt biên năm nào, chỉ biết tới tháng 8/1982, bà và cô con gái cùng gia đình tôi đi chung một chuyến bay chở người tỵ nạn từ Tân-gia-ba sang Úc định cư.

* * *

Trở lại với bánh chưng nấu bằng bo bo của bà QV năm 1979. Khoảng một, hai tuần trước tết Kỷ Mùi, bà lên đài truyền hình Sài Gòn Giải Phóng hướng dẫn nhân dân miền Nam nấu bánh chưng bằng bo bo.

Lẽ dĩ nhiên, bà không gọi là “bo bo” mà gọi là “cao lương” theo cách gọi của chế độ CSVN và người dân miền Bắc. Hai chữ “cao lương” ở đây không phát xuất từ thành ngữ “cao lương mỹ vị” mà là tên gọi loại thực phẩm dễ trồng và có thu hoạch cao nhất trong ngũ cốc, gồm: gạo, lúa mì, bắp (ngô), lúa mạch (barley), và cao lương (sorghum).

Người ta trồng cao lương chủ yếu để nuôi gia súc hoặc sử dụng trong kỹ nghệ. Vì hạt cao lương có lớp vỏ dầy và dai không thể tiêu hóa được cho nên kể cả trong trường hợp sử dụng để nuôi súc vật, người ta cũng phải xay thành bột, vậy mà ngày ấy tù cải tạo và không ít người dân miền Nam đã phải nhai cao lương nguyên hạt!

Sau năm 1975, cao lương được dân chúng trong Nam gọi là “bo bo” vì hạt cao lương trông giống hạt bo bo để nấu chè, nấu sâm bổ lượng... Vẫn biết gọi như thế là sai nhưng họ thà gọi sai chứ nhất quyết không chấp nhận chữ “cao lương” của miền Bắc!

Đám tù cải tạo gốc Phước Long chúng tôi được làm quen với bo bo trong thời gian còn ở Đồng Ban năm 1976, tới khi lên Phước Long mới ăn bo bo 100% trước khi độn thêm bắp “đá”.

Bo bo nấu chín có mùi hôi nồng rất khó ăn, riêng với những người yếu bao tử như tôi thì ăn vào là bị hành, nhưng vẫn phải ăn. Vậy mà bà QV lại lên truyền hình hướng dẫn dân chúng Sai Gòn nấu bánh chưng bằng bo bo; và cuối chương trình, bà kết luận bằng một câu xanh rờn, hơn 40 năm sau tôi vẫn còn nhớ:

- Chị em cứ nấu thử đi, ăn ngon y như bánh chưng nấu bằng nếp vậy!

* * *

Vừa “ăn tết” xong, đám giám thị ở Suối Máu cho tiến hành chuyển trại nội bộ: tù cải tạo ở mỗi K có tên trong danh sách chuyển trại được chia thành nhiều toán, mỗi toán đi sang một K khác nhau. Tới lúc này mọi người mới thấy đám công an của Cục Trại Giam chuyên nghiệp và đáng sợ hơn đám bộ đội võ biền rất nhiều!

Sau khi bắt anh em trong các Ban hành động và Ban đại diện quân binh chủng đưa về Chí Hòa, đám giám thị ở Suối Máu vẫn chưa hoàn toàn yên tâm bởi rất có thể đám ăng-ten báo cáo sót, hoặc anh em cải tạo còn ở lại ở các K sẽ tái thiết lập các đường dây phản động, vì thế họ mới cho chuyển trại nội bộ một cách tinh vi như vậy với mục đích phân hóa, làm tê liệt lực lượng chống đối còn lại ở Suối Máu!

Tôi nằm trong nhóm bị đưa sang K1. Sang tới nơi mới biết Phan Lạc Giang Đông đã bị đưa về Chí Hòa từ trước tết vì tham gia Ban hành động của K1. Tôi mong gặp lại Đông không chỉ vì muốn có một người bạn cũ ở tù chung cho đỡ buồn mà còn vì muốn biết đích xác những gì đã xảy ra cho Đông và gia đình sau ngày 30 tháng Tư oan nghiệt.

Hai ông bạn quý của tôi, Trần Ngọc Tự (bút hiệu Ngọc Tự) và Phan Lạc Giang Đông, đều làm thơ từ trước 1975.

Nếu thơ là người thì vì thơ Ngọc Tự và thơ Phan Lạc Giang Đông khác nhau nên con người hai chàng cũng khác nhau: Tự lúc nào cũng băn khoăn, khắc khoải trước thân phận của thế hệ mình, Đông trái lại luôn luôn sôi nổi với lý tưởng quê hương, dân tộc. Mà vào cái thời phản chiến đã trở mốt thời thượng trong giới sinh viên, trí thức, mấy chữ “quê hương, dân tộc” thường đi đôi với lập trường nghiêng ngả.

Phan Lạc Giang Đông (trái) và tác giả trong thời gian theo học khóa CTCT tại Đà Lạt năm 1970


Sau khi tôi thuyên chuyển từ Pleiku về Biên Hòa giữa năm 1972, Đông rủ tôi cùng ghi danh Ban Báo Chí ở Đại học Vạn Hạnh. Qua những lần theo Đông tới Vạn Hạnh, tôi được biết từ mấy năm qua hắn đã giao du với một số thành phần phản chiến, thân cộng, hoặc cộng sản nằm vùng (sau 1975 người ta mới biết) trong phong trào sinh viên học sinh thường đóng đô tại Đại học Vạn Hạnh, nơi nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ giữ chức vụ Trưởng Phòng Văn Mỹ Nghệ.

Vì thế, khi Trung úy Phan Lạc Giang Đông được bổ nhiệm vào chức vụ Trưởng Ban Giáo Dục Chính Trị, Đoàn Công Tác Chính Huấn, VP/TMP Chiến Tranh Chính Trị, BTL/KQ, một số người đã phải cau mày...

Sau 30/4/1975, Đông tới nhà bà ngoại tôi ở Phú Nhuận (nơi tôi tá túc sau khi chạy từ phi trường Biên Hòa về) rủ lên Vạn Hạnh xem tình hình. Nể lời, tôi đi theo Đông nhưng tới nơi thấy đám sinh viên đeo băng đỏ nhi nhô lăng xăng tôi chán quá chỉ đứng ngoài sân quan sát mặc Đông muốn đi đâu thì đi. Khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ sau, hắn vừa đi ra vừa lắc đầu, tôi cũng chẳng buồn hỏi han...

Tôi cũng tế nhị không dò hỏi Đông về ông anh Phan Lạc Tuyên của hắn, tức tay cựu Đại úy Biệt Động Quân tham gia cuộc đảo chính hụt năm 1960 cùng với Trung tá Nguyễn Chánh Thi, Trung tá Vương Văn Đông, sau đó chạy sang Căm-bốt rồi theo cộng sản.

Sau ngày 30/4/1975, như tôi đã trình bày ở Chương 1, Phan Lạc Giang Đông, và cả cụ thân sinh, chẳng những không được “nhờ vả” Phan Lạc Tuyên mà còn chịu nhiều cay đắng. Nhưng vào thời gian đầu, nhiều người quen biết vẫn tin rằng Trung úy Phan Lạc Giang Đông sẽ được chế độ mới nương tay nhờ có ông anh “theo cách mạng” nổi tiếng!

Vì thế, khi tôi và Trần Ngọc Tự, gần nhà nhau ở Phú Nhuận, trình diện học tập cải tạo tại Đại học Văn Khoa, chúng tôi cũng không biết Phan Lạc Giang Đông, nhà ở gần khu Ông Tạ, có phải đi cải tạo hay không?

Mãi sau này từ Phú Quốc về Trảng Lớn (Tây Ninh), rồi từ Trảng Lớn lên Đồng Ban, tôi mới biết Phan Lạc Giang Đông cũng bị đi cải tạo, đồng thời được nghe một số tin tức, một cách chính xác là tin đồn, trái ngược về người bạn của tôi: người thì kể Đông bị cải tạo ở Cà Tum, ông cụ thân sinh lên thăm, hai bố con ôm nhau khóc vì “quốc phá gia tan” (gia tan bởi Phan Lạc Tuyên), người thì kể Đông làm ăng-ten trong trại cải tạo...

Tôi không hiểu tin đồn Đông làm ăng-ten phát xuất từ đâu, nhưng trong trại cải tạo người ta có khuynh hướng tin vào các tin đồn; riêng trong trường hợp Phan Lạc Giang Đông, người ta còn thêu dệt nhiều điều cả về thân thế lẫn con người của Đông, tôi nghe mà cứ tưởng đó là một nhân vật xa lạ nào chứ không phải một người mình quen biết!

Điều tai hại, và đáng buồn, là tù cải tạo ở Suối Máu chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tập thể tù cải tạo lên tới hàng trăm nghìn người, cho nên tỷ lệ biết Phan Lạc Giang Đông từng tham gia Ban hành động của cuộc nổi dậy đêm Giáng Sinh 1978, bị bắt về Chí Hòa rồi bị đưa đi A20 cũng chẳng được là bao.

* * *

Sang K1, tôi được phân phối tới Nhà 13 do Trung úy Đỗ Văn Phố làm Nhà trưởng. Anh hơn tôi một vài tuổi, cao lớn, đẹp trai, trước năm 1975 là trưởng đoàn mô-tô hộ tống thuộc Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống.

Sau này đọc một hồi ký viết về cuộc nổi dậy đêm Giáng Sinh 1978 ở Suối Máu, tôi mới biết Đỗ Văn Phố có tham gia Ban hành động của K1, nhưng không hiểu sao anh lại lọt lưới trong hai đợt thanh lọc của công an Cục Trại Giam?

Nếu chỉ nói về mặt sinh hoạt chứ không kể đói no, căng thẳng, thời gian ở Đồng Ban và Phước Long đối với tôi là thoải mái nhất, kế tới là thời gian sống ở K1, Suối Máu, nhờ được công an thả lỏng và có nhiều bạn tù hợp nhau.

Nhà của tôi đa số là cấp trung úy và một vài đại úy. Trong số đại úy, tôi rất thân với hai tay gốc Bắc Kỳ, một thuộc Cục An Ninh Quân Đội may mắn không bị đưa ra Bắc, một bên Địa phương quân.

Anh Thiết, tay đại úy An Ninh Quân Đội, kết tôi ngay từ lúc tôi mới chân ướt chân ráo từ K2 sang và rủ tôi ăn chung.

Thời gian này, đầu năm 1979, không biết ở những nơi khác thì sao, riêng tại Suối Máu tiêu chuẩn thực phẩm của tù cải tạo đã xuống tới mức thấp nhất, về cả phẩm lẫn lượng; có lẽ do chính sách của trung ương chứ không phải vì bị đám hậu cần bớt xén.

Viết như thế không có nghĩa tôi khen hậu cần của công an lương thiện hơn hậu cần của bộ đội, mà chỉ muốn viết ra thực tế phũ phàng: thực phẩm của tù cải tạo ở Suối Máu lúc này chỉ có bo bo và khoai mì thắt lát phơi khô, thức ăn thì cá khô là chính – loại cá khô mà trước 1975 người ta dùng để nấu cám heo, thì có bớt xén khẩu phần của tù cải tạo cũng chẳng biết đem đi đâu để tiêu thụ!

Cũng may là trại Suối Máu ở gần Sài Gòn, tù cải tạo được thăm nuôi khá thường xuyên, được thân nhân tiếp tế đều đặn, và không bị cưỡng bách lao động khổ sai như ở Phú Quốc cho nên cũng không đến nỗi quá thê thảm.

Ngày nào được ăn bo bo thì các anh nuôi (tổ làm bếp) có nhiệm vụ nấu cho cả K, ngày nào bị cho ăn khoai mì phơi khô thì phân phối tới từng tổ để... muốn làm gì thì làm, bởi nếu các anh nuôi bỏ vào chảo nấu - dù nấu với cá khô hay chỉ nấu với muối - thì sẽ trở thành một món không phải cháo cho người mà cũng chẳng phải cám cho lợn!

Khoai mì thắt lát phơi khô


Lãnh khoai mì khô về, tổ phân chia cho cá nhân. Thời gian này ở Suối Máu, ngoại trừ một số rất nhỏ (thường có gia đình khá giả) ăn một mình, đa số tù cải tạo thường ăn chung trong một nhóm anh em thân thiết. Riêng Đại úy Thiết, trước khi tôi từ K2 sang, chỉ ăn chung với Thi, một thiếu úy Hải Quân ở khác nhà mà anh xem như “đệ tử”, có nhiệm vụ nấu nướng, biến chế thực phẩm do các anh nuôi phân phối.

Nguyên nhân khiến không có ai ở cùng Nhà 13 ăn chung với anh Thiết là vì anh rất khó nết mặc dù anh là một con người rất tốt. Hầu hết anh em ở chung nhà, và cả một số anh em khác nhà, gọi anh là “anh cả”; anh biết trong đó có pha chút châm biếm nhưng vẫn vui vẻ tự nhận và tự xưng như thế.

Tôi không rõ gia thế anh Khiết chỉ biết quà thăm nuôi của gia đình rất “chất lượng”. Thi biết thân biết phận “con bà phước”, tự nguyện nhận chức đầu bếp.

Khoai mì khô lãnh về được Thi biến chế thành... bánh canh! Nhưng không chỉ với ba anh em chúng tôi mà ở toàn trại Suối Máu, khoai mì khô lãnh về đều trở thành bánh canh.

Cũng cần viết thêm, đây không phải sáng kiến của tù cải tạo Suối Máu mà là của dân Sài Gòn, ngày ấy được nhà nước cho ăn bo bo và khoai mì phơi khô đều đều; nhà nào không xoay xở được thứ thực phẩm khác thường giã khoai mì cho nát ra, lấy bột giả làm bánh canh sống qua ngày; để rồi sáng kiến “khắc phục” ấy đã được thân nhân phổ biến cho tù cải tạo!

Trung bình một tuần, ba anh em chúng tôi ăn bo bo hoặc “bánh canh” sáu ngày, một ngày ăn cơm nấu bằng gạo do gia đình đem lên khi thăm nuôi.

* * *

Trong khi tôi bắt chước Thi và mọi người gọi Đại úy Thiết là “anh cả” thì với Hưng, tay đại úy Địa phương quân, chúng tôi lại “mày tao” với nhau. Tôi và Hưng thân nhau vì có cùng suy nghĩ, trình độ kiến thức, lập trường, thường trò truyện về thời cuộc.

Tôi cũng quý mến và khá thân với một tay trung úy Nam Kỳ ở chung Nhà 13 là anh Thu, nguyên là sĩ quan tùy viên của cố Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư lệnh phó Quân Đoàn III & Quân Khu III, vị tướng nổi tiếng thanh liêm bị ám sát một cách bí ẩn tại phòng làm việc vào đầu tháng 4/1975.

Qua một vài lần trao đổi, tôi biết anh Thu cũng là một người nặng lòng với lý tưởng quốc gia, khác với cái vỏ bề ngoài vô tư, hay bông đùa, lâu lâu lại nhái giọng nữ ca sĩ Thanh Tuyền:

“Mỗi năm đến hè... thì ta nghỉ hè”!

Cuối cùng cũng phải kể tới một số bạn tù ở Trảng Lớn trước kia nay gặp lại nhau ở K1, tuy không thân cho lắm nhưng vẫn còn nhớ để gọi tôi bằng biệt hiệu “Sáu Lèo” thay vì tên cúng cơm. Vì việc này mà dần dần anh em cùng Nhà 13 cũng đều gọi tôi là “Sáu Lèo” hoặc “anh Sáu”.

Với những bạn tù cũ mới ấy, về mặt tinh thần, tôi cảm thấy thoải mái hơn những ngày sống ở K2 rất nhiều, để rồi chứng nào tật nấy, lại phát ngôn linh tinh, châm biếm cách mạng, khiến không ít người phải e dè né tránh; riêng Hưng đã nhiều lần cảnh giác tôi và điểm mặt những tay ăng-ten còn sót lại ở K1 để tôi đề phòng.

Tuy nhiên, như tôi đã viết trong một kỳ trước, ngay từ khi mới được quân đội nhân dân bàn giao tù cải tạo, viên trung tá công an Đào Lưỡng, Giám thị trưởng Nhà giam Chí Hòa và Trại giam Suối Máu, đã nói thẳng: một khi đã thuộc quyền quản lý của Cục Trại Giam, chúng tôi là những “tù nhân” không hơn không kém, “cải tạo” chỉ là một mỹ từ bởi không bao giờ họ (người cộng sản) tin rằng có thể cải tạo được tư tưởng của chúng tôi.

Vì thế, khi tuyển dụng đám ăng-ten mới, ban giám thị Suối Máu cũng chỉ có mục đích nhận diện anh em tù cải tạo trong các Ban hành động, Ban đại diện quân binh chủng để đưa về Chí Hòa, và sau đó sau đó theo dõi, báo cáo những hoạt động chống đối của anh em tù còn lại ở Suối Máu!

Nghĩa là những tay phát ngôn linh tinh, châm biếm cách mạng một cách công khai như tôi, đối với ban giám thị không còn bị xem là thành phần nguy hiểm, cùng lắm chỉ bị xem là thiếu tiến bộ mà thôi. Trong suốt hơn nửa năm ở K1, tôi chỉ bị kiểm điểm một lần duy nhất trong buổi họp dưới sự chủ trì của tay cán bộ phụ trách Nhà 13; và sau khi tôi giải thích nguồn gốc biệt hiệu “Sáu Léo” là vở kịch vui ở Trảng Lớn có nội dung khuyến kích mọi người học tập tốt để được về xum họp với gia đình, tay cán bộ chỉ cảnh cáo vài câu để rồi đâu lại vào đó, và ngày càng có thêm nhiều người gọi tôi bằng biệt hiệu “Sáu Lèo”!

* * *

Trở lại với thời gian tết Kỷ Mùi 1979. Sau khi Đào Lưỡng đích thân lên Suối Máu tập trung toàn trại hồ hởi báo tin chiến thắng của bộ đội CSVN trong cuộc xâm lược Căm-bốt, bầu không khí trong trại ngày càng trở nên xôn xao, giao động trước những diễn tiến thời sự được đài phát thanh Sài Gòn Giải Phóng loan tải, và được truyền đi khắp trại qua hệ thống loa phóng thanh.

Thực ra tôi cũng không hiểu ban giám thị ở Suối Máu cho tù cải tạo nghe những tin tức về sự thù nghịch và thái độ ngạo mạn của “bá quyền phương Bắc”, về tình hình căng thẳng ở biên giới Việt – Trung với mục đích gì? Chỉ biết một điều là chưa bao giờ tù cải tạo ở Suối Máu lại thích “nghe đài” đến thế!

Trước kia, vào thời gian tôi từ Phước Long về Suối Máu, khoảng tháng 8/1978, mỗi ngày tù cải tạo bị đám bò xanh bắt nghe đài Sài Gòn Giải Phóng từ 4 rưỡi chiều cho tới tối. Công tác này được trao cho một anh em tù cải tạo trong Tổ kỹ thuật.

Tổ kỹ thuật gồm một số tù cải tạo thuộc nhiều ngành nghề chuyên môn khác nhau, có nhiệm vụ trông coi nhà máy điện, phụ trách hệ thống loa phóng thanh, mở đài phát thanh i nghe, sửa “đài” (máy radio) cho cán bộ, sửa ô-tô, xe gắn máy, và cả xe đạp ...

Chương trình phát thanh của đài Sài Gòn Giải Phóng, cũng như bất cứ đài phát thanh nào khác dưới chế độ CSVN, chỉ có mục đích tuyên truyền nên nghe riết muốn... điên!

Sau khi tôi về Suối Máu được ít lâu, anh tù cải tạo phụ trách mở đài khám phá ra một điều thú vị: có lẽ với mục đích điền vào chỗ trống, trước 4 rưỡi chiều các ngày trong tuần, đài Sài Gòn Giải Phóng có một chương trình nhạc ngoại quốc không lời khoảng 15 phút, gồm những bản nhạc hòa tấu quen thuộc với người Sài Gòn trước 1975, đa số của các dàn nhạc nổi tiếng như Mantovani, Ray Connif, Paul Mauriat...

Anh bạn cải tạo thú vị không chỉ vì được nghe lại những bản nhạc xưa mà còn vì anh biết chắc chắn trong đài Sài Gòn Giải Phóng cũng còn sót lại một số nhân viên của chế độ cũ, cho nên thính giả mới được thưởng thức những gì thường bị lên án là “nọc độc của đế quốc Mỹ, của tư bản phương Tây”!

Thế là anh đề nghị với ban giám thị cho mở đài sớm hơn 15 phút lấy cớ báo cho mọi người sắp xếp công việc, chuẩn bị tập trung theo dõi chương trình tin tức, thời sự.

Nhưng hạnh phúc ấy (được nghe nhạc ngoại quốc từ đài phát thanh của chế độ mới) chỉ kéo dài được hơn một tháng. Nguyên nhân: ít lâu sau khi bò xanh bàn giao tù cải tạo cho bò vàng, người tù cải tạo phụ trách mở đài được thay thế bằng X, một tay thiếu úy gốc Quảng không chỉ thuộc thành phần “tiến bộ” mà còn cúc cung tận tụy phục cách mạng trong công việc được trao phó.

Tôi không biết X ở K nào (chắc chắn không ở K1), có làm ăng-ten hay không, nếu không thì bằng cách nào X lọt vào mắt xanh của ban giám thị trại, chỉ biết ngay sau khi được trao phó công việc, anh ta đã bãi bỏ việc nghe chương trình nhạc ngoại quốc không lời của đài Sài Gòn Giải Phóng và thay vào đó là một chương trình giới thiệu “văn học nghệ thuật cách mạng” chủ yếu là thơ, nhạc do đích thân anh ta phụ trách.

Bị nghe “nhạc đỏ” đã là một sự chịu đựng, ở đây lại còn phải nghe những lời ca tụng tác phẩm, xưng tụng tác giả phát ra từ miệng một cựu sĩ quan QLVNCH thì phải nói là quá sức chịu đựng. Đến độ có mấy anh em biết quê quán của X đã hứa khi nào được thả sẽ tìm đương sự để cho một bài học nhớ đời!

Theo nhận xét của tôi, chưa chắc X đã có một trình độ nhạc lý căn bản, một sự hiểu biết tối thiểu về âm giai (gamme), về cách cấu tạo các hợp âm (accord) trưởng (majeur), thứ (mineur), mà có thể chỉ biết cách bấm những hợp âm ấy trên cần đàn ghi-ta.

Nhưng phải công nhận X có tài lòe bịp, không chỉ bịp được đám công an i-tờ mà còn bịp được nhiều anh em tù cải tạo không có sự hiểu biết về lĩnh vực âm nhạc, hoặc chỉ biết đệm đàn bằng những hợp âm được ghi sẵn trên các bản nhạc.

Giờ này, hơn 40 năm đã trôi qua, tôi vẫn còn nhớ rõ cái giọng Quảng khó nghe và khó ưa (xin lỗi quý vị độc giả gốc Trung) của X khi giới thiệu, xưng tụng những ca khúc cách mạng như Chiến sĩ Việt Nam, Cô gái mở đường, Trường Sơn Đông - Trường sơn Tây, Bác cùng chúng cháu hành quân, Tiếng chày trên sóc Bom bo, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Tự nguyện, v.v...

Trong số nói trên, tôi nhớ nhất là bản Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Trước năm 1975 tại miền Nam VN, vì thói quen (không mấy đáng yêu) chỉ nhớ tựa đề ca khúc chứ không quan tâm tới tên tác giả, đã không có nhiều người biết tới cái tên Nguyễn Văn Tý, tác giả bản Dư Âm (Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ...),
một tình khúc rất được yêu chuộng tại miền Nam, nhưng ở miền Bắc, Nguyễn Văn Tý là một tên tuổi lớn của nền nhạc đỏ, là nhạc sĩ sáng tác nhiều nhất, đoạt nhiều giải thưởng nhất.

Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa là một trong sáu ca khúc đã giúp ông được Nhà nước trao tặng “giải thưởng cao quý nhất” về văn học nghệ thuật là Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2000.

Ở đây, tôi xin miễn bàn về giá trị văn học nghệ thuật của bản Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa mà chỉ nói tới hình thức sáng tác, trong đó Nguyễn Văn Tý đã viết các phiên khúc theo âm giai thứ (Am) và điệp khúc theo âm giai trưởng (A).

Thực ra, phương thức này không có gì cao siêu, mới lạ, mà nó đã được nhiều nhạc sĩ, chuyên nghiệp cũng như tài tử, sử dụng trong nền tân nhạc VN, điển hình là Văn Cao trước đó với bản Thiên Thai (Dm, D) và sau này là Phạm Duy & Ngọc Chánh với Bao giờ biết tương tư (Cm, C).

Thế nhưng qua sự trình bày của “nhà phê bình âm nhạc trại Suối Máu”, tức Thiếu úy X, thì đây là đỉnh cao trong nghệ thuật sáng tác Nguyễn Văn Tý! (Chú thích 2)


* * *

Chương trình giới thiệu các ca khúc cách mạng của X chỉ kéo dài 15 phút mà tưởng như bất tận. Anh em tù cải tạo người thì vừa nghe vừa chửi thề, người thì nằm trong nhà bịt tại lại để khỏi phải nghe, đợi tới khi chương trình này chấm dứt mới ra khỏi nhà tới gần các loa phóng thanh để theo dõi phần tin tức thời sự, bình luận của đài Sài Gòn Giải Phóng.

Nếu những năm trước đây, bị nghe đọc báo cách mạng – Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng... – và nghe đài phát thanh là một cực hình, thì trong thời gian cuối năm 1978, đầu năm 1979, hầu hết tù cải tạo ở Suối Máu đều chờ đợi để được nghe chương trình buổi chiều của đài Sài Gòn Giải Phóng.

Dĩ nhiên, ai cũng biết tin tức trên các đài phát thanh của CSVN nếu không bịa đặt thì cũng được thổi phồng, bình luận thì sặc mùi tuyên truyền, khoác lác, nhưng riêng trong khoảng thời gian nói trên, tin tức trên các đài phát thanh của CSVN lại được anh em tù cải tạo quan tâm theo dõi để biết, hoặc đoán biết những gì đang xảy ra tại Căm-bốt và biên giới Hoa-Việt.

Tại Căm-bốt, CSVN đã mau chóng thiết lập chế độ bù nhìn do Hun Sen làm Thủ tướng và toàn bộ lãnh thổ xứ chùa tháp nằm trong tay lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam được mang danh “quân tình nguyện Việt Nam”, tương tự “chí nguyện quân Trung Quốc” trong chiến tranh Triều Tiên hồi đầu thập niên 1950.

Tại biên giới Hoa-Việt, mặc dù tin tức trên đài phát thanh không cho biết chi tiết, chúng tôi cũng tin rằng phía CSVN đã đem phần lớn, nếu không muốn nói là toàn bộ lực lượng còn ở lại miền Bắc lên các tỉnh biên giới phía bắc để chống lại các cuộc tấn công của quân Trung Cộng, sớm muộn cũng sẽ xảy ra như lời đe dọa của Đặng Tiểu Bình!

Nhưng những gì xảy ra sau đó cho thấy vào sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, khi lực lượng hùng hậu gồm 120.000 quân Trung Cộng với sự yểm trợ của pháo binh và chiến xa tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, tướng Võ Nguyên Giáp vẫn không tăng cường các đơn vị chủ lực tới biên giới, nơi chỉ có bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, và các trung đoàn độc lập trấn giữ!

(Còn tiếp)


CHÚ THÍCH:

(1) Cách đây hơn 40 năm, vào khoảng 11 giờ đêm 26/11/1978, sau khi diễn xong vở cải lương Thái Hậu Dương Vân Nga ở rạp Cao Đồng Hưng, Bà Chiểu, nữ nghệ sĩ Thanh Nga (TN) lên chiếc xe Wolkswagen do chồng là luật sư Phạm Duy Lân lái. TN ngồi ở băng ghế sau với đứa con trai 5 tuổi. Võ sư Nguyễn Văn Các, 34 tuổi, vệ sĩ của TN ngồi phía trước bên cạnh ông Lân.

(Luật sư Phạm Duy Lân, sinh năm 1923 tại Hà Nội, trước năm 1975 giữ chức Đổng lý văn phòng Bộ Thông Tin VNCH, nên thường được gọi là Đổng Lân)

Luật sư Phạm Duy Lân (Đổng Lân) và Thanh Nga

Khi chiếc xe ngừng trước cửa nhà Thanh Nga, số 114 đường Ngô Tùng Châu ở khu vực Ngã Sáu, võ sư Các nhảy xuống tính mở cửa xe cho TN thì bỗng một chiếc Honda phóng tới, thắng gấp, một người nhảy xuống chĩa súng vào gáy của võ sư Các uy hiếp, rồi đạp Các ngã chúi vào trong xe, sau đó bắn TN và chồng chết tại chỗ. Đứa con trai sống sót.

Tin TN bị bắn chết đã làm rúng động dư luận và một câu hỏi được đặt ra: ai đã giết TN?

Có ba câu trả lời; hay viết cho chính xác là hai giả thuyết và một câu trả lời: (1) TN bị gián điệp Trung Cộng giết, (2) TN bị bà vợ của Tổng Bí thư Lê Duẩn sai người thanh toán vì ông ta rất mê TN, (3) Công An cho báo chí biết chính bọn “tàn dư Mỹ Ngụy” đã giết TN.

Giả thuyết thứ nhất, được đa số dân chúng Sài Gòn nói chung, người ái mộ TN nói riêng, tin theo vì trong thời gian hơn một năm qua, đoàn Thanh Minh - Thanh Nga đã diễn liên tiếp hai vở cải lương có nội dung chống Tàu là Tiếng Trống Mê Linh và Thái Hậu Dương Vân Nga.

Giả thuyết thứ hai, ít người tin hơn nhưng không phải là không có cơ sở. Đó là việc Lê Duẩn say mê TN như một thần tượng, tới mức ông ta đã chỉ thị đám lãnh đạo ở thành Hồ cho phép đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga hoạt động trở lại, với tư cách một đoàn hát tư nhân chứ không phải một đoàn hát quốc doanh được thành lập sau ngày cộng sản chiếm miền Nam, chẳng hạn đoàn kịch nói Bông Hồng của Thẩm Thúy Hằng. Vì thế mà TN đã bị bà vợ “Họan Thư” của Lê Duẩn sai người thanh toán!

Nhưng Công An thì lại khẳng định đây là một âm mưu bắt cóc tống tiền không thành công, nên gây ra án mạng, và cho biết thủ phạm là Nguyễn Thanh Tân, trung sĩ “biệt động dù ngụy” và Nguyễn Văn Đức, “lính Hải quân ngụy”; cả hai đã nhận tội và bị xử tử hình ngày 23/8/1980.

Thế nhưng vào lúc ban đầu, viên tướng Công An cầm đầu cuộc điều tra vụ án đã không hề đả động tới âm mưu bắt cóc tống tiền, mà lại nói thủ phạm là “tàn quân của quân đội Sài Gòn được sự đỡ đầu của CIA Mỹ”.

Viên tướng ấy là Trung tướng Trần Quyết, Tư lệnh kiêm Chính ủy Lực Lượng Công An Nhân Dân Vũ Trang kiêm Thứ trưởng Bộ Nội Vụ (thời gian này, Bộ Công An được sát nhập vào Bộ Nội Vụ). Ông ta phân tích với báo chí:

“Vụ án Thanh Nga xảy ra trong lúc một số tàn quân của quân đội Sài Gòn còn lẩn trốn ở các vùng rừng núi, bưng biền, hoạt động chống lại ta. Trước đó, có một số hành vi đe doạ là gởi thơ yêu cầu Thanh Nga không được đóng vai Trưng Trắc hoặc Thái hậu Dương Vân Nga nữa. Giữa lúc đó, có tin mật báo một tổ chức tự xưng là “Lực lượng thống hợp Liên Bang Đông Dương” do sự đỡ đầu của CIA Mỹ, vừa mở tiệc ăn mừng ở một quán rượu vùng ven Saigòn, do đã bắn chết Thanh Nga theo lịnh cấp trên đưa xuống”. (ngưng trích)

Chỉ cần đọc sơ qua đoạn trên, một người không cần phải thông minh chgo lắm cũng có thể nhận ra tính cách bịa đặt tới mức vô lý, hoang đường: một tổ chức chống cộng (phản động) mà dám ra quán nhậu tổ chức tiệc mừng sau khi bắn chết TN!

Chính vì không ai tin, sau đó công an mới thay đổi tình tiết để biến nội vụ thành một âm mưu bắt cóc không thành, thủ phạm vẫn là “lính ngụy” nhưng không có “sự đỡ đầu của CIA Mỹ”.

Như vậy, nếu TN (và chồng) không chết dưới bàn tay Trung Cộng, không bị vợ Lê Duẩn sai người thanh toán, không bị lính “ngụy” sát hại, thì ai là thủ phạm?

Theo một số người trong đó có tác giả Trúc Giang, thủ phạm chính là chế độ Cộng Sản Việt Nam.

Độc giả có thể tìm đọc bài “Ai Giết Nghệ Sĩ Thanh Nga” của Trúc Giang, đăng trên Việt Báo ngày 22/4/2021, hiện vẫn được phổ biến trên Google.

(2) Trong khi chỉ để lại cho đời một tình khúc nổi tiếng là bản Dư Âm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (1924-2019) đã được ghi nhận là một trong những tên tuổi lớn nhất của nền “nhạc đỏ”, từng được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, thế nhưng vì nhiều nguyên nhân phức tạp, ông đã sống những năm tháng cuối đời trong cô đơn, khốn khó.

Theo tiểu sử trên Wikipedia và truyền thông trong nước, Nguyễn Văn Tý có gốc gác Hà Nội nhưng ra chào đời tại Vinh, Nghệ An năm Giáp Tý (1924).

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, khi theo học trường Quốc học Vinh, ông được một giáo viên người Pháp dạy cho những ca khúc của danh ca Tino Rossi đang thịnh hành thời đó. Trong thời gian tham gia sinh hoạt hướng đạo, ông được một vị linh mục người Tây-ban-nha cho vào ca đoàn nhà thờ mặc dù ông không phải là người Công giáo, qua đó ông được học nhạc lý căn bản, nâng cao trình độ hòa âm, hợp xướng. Ngoài ra, Nguyễn Văn Tý còn được một vị nhạc sĩ gốc Hoa tên là Mạnh Hinh dạy đàn ghi-ta Hạ-uy-di (Hawaii guitar).

Từ năm 1944, ông đi hát trong các phòng trà ở Vinh để kiếm sống. Năm 1945, ông tham gia phong trào Việt Minh, sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Năm 1946, ông kết hôn với bà Mai Thị Cúc, một tín đồ Công Giáo. Bà qua đời cuối năm 1947 khi con gái đầu lòng của 2 người - Nguyễn Thị Như Mỹ - mới được 3 tháng.

Năm 1950, Nguyễn Văn Tý nhận nhiệm vụ đi xây dựng Đoàn Văn công của Sư đoàn 304 và làm trưởng đoàn. Bản Dư âm nổi tiếng được ông sáng tác trong khoảng thời gian này sau một lần về chơi nhà một người bạn ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, viết về cô em gái 16 tuổi của bạn.

Cũng vì ca khúc này ông bị đơn vị đưa ra kiểm điểm vì đã sáng tác một bài hát quá ủy mị, không thích hợp với thời kháng chiến.

Năm 1951, Nguyễn Văn Tý giải ngũ và chuyển về công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu IV. Năm 1952, ông quen biết và kết hôn với nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Bạch Lê, em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, lúc ấy đã trải qua một đời chồng và có bốn con riêng. Ông có một con gái với bà, Nguyễn Thái Linh, sau này trở thành một nhạc sĩ dạy dương cầm.

Cuối năm 1957, Nguyễn Văn Tý cùng các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao được chỉ định thành lập hội Nhạc sĩ Việt Nam, trong đó ông là ủy viên Ban chấp hành khóa đầu tiên của Hội.

Mặc dù từng bị kiểm điểm vì sáng tác bản Dư Âm, một ca khúc bị lên án là mang nặng tình cảm “tiểu tư sản”, Nguyễn Văn Tý được ghi nhận là nhạc sĩ sáng tác nhạc đỏ nhiều nhất, đa dạng nhất và thành công nhất. Trong sự nghiệp sáng tác, Nguyễn Văn Tý có hơn 130 ca khúc cùng nhiều tác phẩm nhạc phim hoạt hình, múa rối và các vở chèo.

Theo giới phê bình trong nước, cho dù sáng tác nhạc đỏ, Nguyễn Văn Tý đã “khéo léo sử dụng chất liệu dân ca của từng vùng, miền, chất trữ tình được thể hiện qua lời ca trau chuốt cùng với giai điệu mượt mà và mang đậm bản sắc dân tộc, như Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Bài ca năm tấn, Dáng đứng Bến Tre, Mẹ yêu con, Vượt trùng dương...”

Năm 2000, ông được Nhà nước CSVN trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Mẹ yêu con, Vượt trùng dương, Bài ca năm tấn, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre.

Trước đó ông đã đoạt được một số giải thưởng như:

- 1951: Giải nhì (năm 1951 không có giải nhất) của Hội văn nghệ Việt Nam cho ca khúc Vượt trùng dương.

- 1964: Giải nhất Cuộc thi vận động sáng tác về đề tài phụ nữ với bài Tiễn anh lên đường.

- 1967: Giải nhất sáng tác về đề tài nông nghiệp với ca khúc Bài ca năm tấn.

- 1971: Giải Ngân hà với bài Em đi làm tín dụng.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vào Sài Gòn sinh sống, cư ngụ tại một căn nhà nhỏ ở đường Trần Khắc Chân, Tân Định.

Sau khi vợ (bà Nguyễn Thị Bạch Lê) mất năm 2004, ông sống một mình cho tới khi qua đời tại nhà riêng vào chiều ngày 26/12/2019, hưởng thọ 96 tuổi .

Trang mạng Wikipedia cũng cho biết “Vào những năm cuối đời, Nguyễn Văn Tý là một tín hữu Công Giáo, ông có tên thánh là Phêrô”.

* * *

Trước và sau khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua đời, đã có một số bài báo (trong nước) viết về cuộc sống cô đơn, thiếu thốn của ông trong những năm tháng cuối đời, trong số đó có tờ Phụ Nữ Online với tựa đề “Những ngày cuối đời đơn độc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý” vào năm 2018, có những đoạn:

Từng dành cả quãng đời tuổi trẻ của mình để cống hiến cho âm nhạc nước nhà, thế nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý quặn lòng cho biết, nhiều năm nay, không có đồng nghiệp hay bạn bè nào đến thăm hỏi ông, điều này khiến người nhạc sĩ tuổi cao sức yếu buồn tủi và rất dễ xúc động rơi nước mắt khi bất chợt thấy có ai nhớ đến mình.

Tuổi cao sức yếu, bệnh tật đeo mang… những ngày cuối đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý phải sống trong cảnh đơn độc, khốn khó và thiếu trước hụt sau. Đến con gái của ông (Nguyễn Thái Linh), dù sống ở TP.HCM, 2 năm rồi cũng không đến thăm ông.

Từng là một trong năm nhạc sĩ đầu tiên sáng lập nên Hội nhạc sĩ Việt Nam và để lại dấu ấn trong lòng công chúng qua những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng như Dư âm, Dáng đứng Bến Tre, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ… thế nhưng, ít ai ngờ rằng ở cái tuổi gần đất xa trời, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đang phải chật vật với cuộc sống đơn độc, lắm bệnh tật.

Trong căn phòng chưa đến 10m2, cuộc sống của người nhạc sĩ 95 tuổi chỉ gói gọn trên chiếc giường sắt cũ kĩ. Tay chân ông bây giờ rất yếu nên chẳng thể đi đứng được, ông bảo đôi khi muốn đứng dậy pha tách trà mà cũng không làm được.

Mọi sinh hoạt thường ngày của ông đều phải cậy nhờ vào người cháu họ xa, vốn chăm sóc ông suốt mấy mươi năm qua.

“Tôi nhiều bệnh lắm, thần kinh tôi bây giờ yếu, trí nhớ giảm, lúc nhớ lúc quên. Một bên tai tôi cũng không nghe được, tôi cũng không đi đứng được, càng nằm càng liệt. Lắm lúc tôi muốn ngồi dậy pha một ấm trà mà cũng không làm được. Cuộc sống của tôi bây giờ chỉ trông nhờ vào người cháu họ xa, tôi buồn và cô đơn lắm…!”, người nhạc sĩ già rưng rưng nước mắt khi nói về cuộc sống đơn độc của mình.

Tuy nhiên, theo lời Nguyễn Văn Tý chia sẻ, hiện tại cả 2 người con của ông đều không đoái hoài đến người cha già yếu, bệnh tật và không biết còn sống được bao lâu nữa…

“Tôi có 2 người con gái đều đã lập gia đình, một người là giáo viên dạy văn hóa, người còn lại dạy piano và được tôi cho đi học ở Đức. Hai con tôi hiện tại cũng sắp đến tuổi về hưu rồi nhưng không đứa nào lo cho tôi...” (ngưng trích)

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và nữ ca sĩ Ánh Tuyết, một trong những vị khách hiếm hoi


Hai ngày sau khi nhạc sĩ mất, 28/12/2019, báo Pháp Luật TP.HCM đã đăng bài “Ước nguyện cuối đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý” của tác giả Quỳnh Trang, xin trích đăng phần cuối:

Đã chuẩn bị sẵn cho mình nơi chốn trở về

Người viết từng đến thăm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nhiều lần trong căn nhà của ông ở TP.HCM. Đầu con hẻm nhỏ ban sáng là chợ, căn nhà không nhiều không gian lẫn đồ đạc.

Khi ghé thăm nhà ông, nhiều người bất ngờ vì trong căn nhà giản dị đó, bàn thờ Thánh gia được đặt trang trọng. Có lẽ việc cậu bé Nguyễn Văn Tý ngày xưa từng được học nhạc lý ở nhà thờ, rồi từng theo đạo Công giáo khi lập gia đình với người vợ đầu tiên (Maria Mai Thị Cúc) đã thôi thúc ông tìm nơi trở về cho tâm hồn mình vào những ngày cuối đời. Ông quyết định trở lại đạo Công giáo vài năm gần đây.

Mỗi tuần nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đều được rước Mình Thánh Chúa tại nhà từ tu sĩ hoặc linh mục Giáo xứ Thánh Gia (Giáo hạt Tân Định), hàng xóm cùng đạo chăm sóc nhau… Đó là niềm an ủi tinh thần cho một người ngoài 90 tuổi không sống cùng con cái.

Dù gia đình, Hội Âm nhạc TP.HCM tổ chức lễ tang cho ông theo nghi thức nào thì với riêng ông, ông đã chuẩn bị cho mình nơi chốn trở về. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý hay Phêrô Nguyễn Văn Tý đã lãnh nhận bí tích xức dầu khoảng một năm trước khi sức khỏe ông yếu đi, đó như là sự chuẩn bị cho ngày trở về nhà Chúa của ông…*

Quỳnh Trang

* Theo di nguyện của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, vào lúc 8 giờ sáng 27/12/2019, gia đình đã thực hiện tang lễ tại nhà riêng theo nghi thức Công giáo trước khi di quan ra Nhà tang lễ TP.HCM lúc 10 giờ để đồng nghiệp, bạn bè, công chúng đến tiễn biệt ông lần cuối.

Sáng 29/12/2019, linh cữu được đưa đi an táng tại nghĩa trang hoa viên Bình Dương, nơi có nhiều văn nghệ sĩ đã yên nghỉ trước ông, như: nhạc sĩ Phạm Duy, nhà văn Sơn Nam, soạn giả Viễn Châu, Giáo sư Trần Văn Khê, nhà thơ Kiên Giang...

 

NGUYỄN HỮU THIỆN
 
Rate this item
(0 votes)