Print this page

Nỗi Tiếc Xót Ngậm Ngùi - Tình Hoài Hương

Posted by April 23, 2020 2940

Những Ngày Loạn Ly Trong Tháng Tư

Tình Hoài Hương

---oo0oo---




Khổng Tử đã nói:
"Kẻ sĩ lo trước cái lo của thiên hạ. Vui sau cái vui của thiên hạ”.
Cũng như cổ nhân Nguyễn Trường Tộ đã nói:
“Nhất thất túc thành thiên cổ hận.
Tái hồi đầu thị bách niên thân”.
(Một bước lỡ để nghìn năm mang hận.
Ngoảnh đầu trông lại đã trăm năm).

Quả thực như vậy. Những người lính oằn vai nặng gánh, lưng gồnh mối thù oan nghiệt từ phân chia hai miền Bắc - Nam; buộc họ phải làm viên gạch lót đường cho danh vọng, tham tàn, bạo lực: Nay người lính đem xương máu ra chiến trường đã là, đang là… vẫn là những viên gạch lót đường, dài dài… từ vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải có cầu Hiền Lương nghẹn ngào đớn đau phân giới hai miền Nam, Bắc của nước Việt Nam “con rồng cháu tiên”. Họ quyết ở lại miền Nam Việt Nam dựng nước và giữ nước. Một thời gắn bó keo sơn, mặc dù biết mình vô tình làm ván bài mưu lược chính trị sục sôi. Họ vẫn chia nhau ra trấn giữ đất nước, cố duy trì sự tồn-hưng một quốc gia trong thời chiến tranh: Giống như Mã Viện xưa đã nói:

- “Làm trai, nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thây mà chôn, mới đáng qúy. Chớ chết trong tay lũ trẻ nâng đỡ. Nào có hay gì"!
Phân chia là thế! Nhưng lòng yêu nước thiết tha, lý tưởng, lập trường và hoài bão mong ước tự do an bình, ấm no cho toàn dân, thì “Quan, Tướng và Lính” đều có ước vọng, lập trường kiên định và hoài bão giống nhau. Hôm nay nếu trải qua chung cuộc ngậm ngùi trong cơn xoáy đục ngầu, tưởng đã chia phần đều nhau: là vậy. Ngày đêm kề cận sự chết, chiến tranh tàn khốc xảy ra trên từng đoạn đường giao tranh, trên những bước ngắn bước dài, bước thấp bước cao. Lòng lính càng quặn từng cơn đau buốt, khi họ đi kè kè hai bên lề đường: để hộ tống từng đoàn dân di tản tất tả chạy dọc theo ven những quốc lộ trên triền dốc quê hương Việt Nam thân yêu. Bỗng dưng tình hình chính trị quyết liệt căng thẳng, vận nước đột biến cuồng loạn từ góc 45/o, chỉ trong vài ba tuần ngắn ngủi, vụt nhảy tọt lên 360/o mau như chớp. Khiến tôi vô cùng hoang mang, bàng hoàng sửng sốt, lo lắng, buồn phiền, bối rối tột cùng, trở lui mắc núi, đi tới mắc sông, xoay quanh mắc vòng lẩn quẩn đủ mọi thủ thuật rối rắm. Sau 21 giờ thì thiết quân luật bắt đầu 100%, màn đêm đã sớm về cho đến khi khuya lắc khuya lơ, chúng tôi vẫn đứng thấp thỏm, thập thò từ trong cửa sổ ở phòng ngủ Hotel Hưng Đạo 2 đã tắt hết đèn đóm, tôi nhìn xuống đại lộ Trần Hưng Đạo, thì thấy lố nhố hàng hàng lớp lớp lính tráng: Tôi âm thầm quan sát “những tình thương và sự hy sinh cao cả bên lề cuộc sống”: Nào là: Thủy-quân Lục-chiến. Nhảy Dù. Biệt Động Quân. Bộ-Binh, vân vân... (không kể đã có ba Lữ đoàn Dù. Ba Liên đoàn Biệt Động Quân đóng tại Hóc Môn. Gò Vấp. Bình Chánh. Nhà Bè. Tân Sơn Nhứt).
Quân đội đã đặt những ụ súng cối, súng máy, do các chiến hữu Sư-đoàn 5 – 18 – 22 – 25, ngỏ hầu chu tất việc bảo vệ an toàn lãnh thổ Việt Nam, Thủ-đô Sài Gòn, và lương dân vô tội. Cứ một giờ, tốp lính nầy đến gác, là tốp kia lầm lũi âm thầm ra đi... Báng súng dài dựng dưới mặt đường nhựa những mũi súng chụm vô nhau chỉa lên trời. Họ nói rất khẽ hay chỉ lặng lẽ ra hiệu lệnh, những quân nhân Quân-lực Việt Nam Cộng Hòa đã và đang anh dũng quyết chiến đấu, hy sinh đến giờ phút cuối cùng. Súng lại đeo lên vai nòng chĩa xuống đất, họ lặng lẽ và tuyệt đối vâng lời thượng cấp, từ từ rút lui có quy củ, trật tự tôn nghiêm trong hàng quân ngũ. Họ nhìn nhau lặng lẽ nhếch miệng cười qua cái bắt tay giã từ vừa đủ chặt, dường như họ âm thầm nói lên niềm đắng cay trào dâng trên sóng mắt tiếc thương, quặn đau trong lòng họ sự hy sinh vô vụ lợi, không điều kiện nay trở thành vô nghĩa. Từng tốp lính nhiều vô số nằm gối đầu trên vĩa hè, tay gác lên trán tư lự, rải rác đó đây có người đứng hoặc ngồi bên đường. Dù ở trên vĩa hè, quân nhân đều có trật tự, kỷ cương. Họ chia nhau ra canh giữ quê hương trong giờ phút lâm nguy khốn cùng. Những đóm lửa nhỏ lập loè loé lên trên bờ môi khô, những đôi mắt dường như đọng ngấn lệ tủi hận đầy bi ai. Có người mặc áo giáp, đăm chiêu suy tư, bơ phờ, hốc hác. Có người hất ngược mũ sắt ra sau gáy, sợi quai mũ cứa vô cục yết hầu oan gia nhô cao cay đắng chạy lên chạy xuống cuống cổ. Có người đội mũ sụp che xuống gần mí mắt. Có người đội mũ lệch qua một bên. Họ mang giày đinh lấm lem bụi đỏ, lưng đeo ba lô nặng trĩu đường hành quân, râu ria lởm chởm, tóc tai không mấy chỉnh tề. Những bàn tay anh tài vẫn đưa lên ngang tầm mắt, nghiêm nghị đứng thẳng, ngực ưỡn ra oai vệ khi chào thượng cấp.
Sài Gòn vẫn chóa mắt vì đèn điện thắp sáng rực thâu đêm. Tiết trời quang rạng, gió hiu hiu nhè nhẹ phe phẩy mơn man trên đầu cây ngọn cỏ, không gian se lạnh khi màn sương nhợt nhòa buông lơi. Rồi bình minh ló dạng sau những toà cao ốc tráng lệ, oai sang đứng sừng sững trên các thổ cư luôn rạng danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Tôi sống tạm bợ nơi Sài Gòn xa hoa, nhộn nhịp, và lắm xô bồ trong những ngày trung tuần tháng 4 năm 1975 với ngàn lo âu, run sợ hãi hùng đầy cay đắng, băn khoăn lo lắng trăm mối tơ vò. Tin dữ loan ra thì có, tin lành về lại không. Nhìn xuống lòng đại lộ từ khách sạn Hưng Đạo 2, tôi càng run rẩy nghĩ rằng: “Trận chiến nầy, hẳn là sẽ đến hồi quyết liệt để giành thắng. Nay mai sẽ có giao tranh trên cùng khắp các nẽo đường. Chạy đi đâu cho thoát ra khỏi con ngỏ sâu hun hút, đầy đạn bom đây! Hở Trời!? Tôi vô cùng hối hận khi đưa gia đình về đô thành. Chạy đi đâu, cũng không thể thoát khỏi nanh vuốt bạo tàn khi kẻ ác gieo tang thương cùng khắp. Thì thà rằng cứ ở yên lại Đà Lạt, có lẽ gia đình tôi không đến nỗi nào khổ sở đến thế”!
Trên những con đường lớn nhỏ tại Sài Gòn đều đông nghẹt người đi bộ, người ta đông hơn kiến tràn ra ngoài lòng lề đường, chen lấn nhau đi kẹt cứng. Mặc cho từng hàng xe hơi đủ loại, xe gắn máy, xe đạp, xe xích lô, xe ba gác vân vân… chồng chất đủ mọi thứ lỉnh kỉnh lên xe. Họ ùn ùn hối hả đi đi, về về! Đi đâu?! Về đâu?! Hầu hết các doanh trại ven đô, các công sở mỏ, và nhà thường dân lo đào hầm hố cá nhân. Những đại công ty sở và cao ốc, cũng như ngoài những đại lộ, gần trung tâm Sài Gòn đều ráo riết chuẩn bị. Mặc dù các bạn trong nhóm cuả tôi có nhiều sáng kiến, có nhận thức thời cuộc chính xác và quyết định đúng đắn, nhưng dẫu sao họ ở nơi xứ lạ quê người ồn ào náo nhiệt, tột cùng hổn loạn thế nầy, năm anh ấy giống chú khỉ bị nhốt trong chuồng kín ở hotel Hưng Đạo 2: dù lòng và trí nóng như lò lửa, thì ai có tài giỏi đến mấy cũng không biết đâu mà mò. Tuần trước, họ chờ đợi bầy trẻ nhỏ ngủ yên, liền khều mấy bà qua phòng tôi bàn tính chuyện lủi xuống miền Tây. Vì, nghe nói tại miền Tây bây giờ hoàn toàn bình yên tĩnh mịch. Ngọc đã cho ba của anh đi xuống miền Tây dò đường đi nước bước trước, nếu thấy tình hình bất ổn, thì ông lo tìm đường đi ra Phú Quốc. Ngọc sẽ đưa thê tử, và “hò” bạn bè cùng nhau dứt khoát ra đi, khi thấy Quân-lực Việt Nam Cộng Hòa đã triệt thoái hết về miền Nam, thì ở miền Tây ắt sẽ là nơi vững chắc còn đứng vững như đinh đóng cột.
Hầu như cánh phụ nữ thức suốt đêm để may những túi vải nhỏ có dây đeo trên vai cho mọi người, trong đó đựng vài bộ áo quần, giấy tờ tuỳ thân. Bốn giờ khuya chị Ngọc và tôi dậy nấu nước sôi, chờ nguội là đổ vô năm chai ni lông to. Tôi nấu ba lít gạo, rang đậu phụng làm muối mè. Chị Ngọc nấu canh mì gói trộn chung với rau muống, và chiên khô cá. Cơm chín, hai chị em lấy khăn ướt mỏng nhồi cơm nóng thành từng nắm cơm vắt, xắt lát vừa vừa, tôi bỏ cơm vô hộp ni lông mang theo cho mọi người ăn ở dọc đường. Tôi gọi bọn trẻ dậy sớm, cho con cháu ăn chút canh mì gói. Các con cháu còn ngái ngủ, nên chúng ăn rất uể oải. Có lẽ do hôm qua đi bộ nguyên ngày giữa trời mưa, rồi trời nắng chang chang nóng như thiêu đốt, nên bọn trẻ thấm mệt, rã rời, lừ đừ thân xác chăng? Sau đó phụ nữ quét dọn, rửa chén bát nồi niêu sạch sẽ, bỏ vô mấy cái bao cói (hôm trước ông bà trùm đã cho quà). Cô Quy và tôi xách mấy giỏ mùng, quần áo linh tinh đem đi gởi nhờ ở nhà bà từ, xin nhờ bà cất dùm. Bà từ nói:
- Chị cứ để ở bên vĩa hè, không có ai lấy lầm đâu”.
Chúng tôi ra đi. Luật một tay dắt bé Bi, tay kia anh xách giỏ cơm vắt, muối mè, khô cá. Bà mẹ Luật mang túi vải bỏ thêm hai chai nước. Tôi bế bé Tồ, một khuỷu tay kia móc thêm hai túi xách quần áo (của tôi và bé Tồ). Năm gia đình bạn thân là: gia đình tôi, Ngọc. Quy. Cúc. Anh Bàn (thất lạc vợ con, chỉ đi một mình); cùng nhập với hai gia đình mới quen là Phương, Tâm; tất cả hăng hái nôn nao lên đường. Chúng tôi lặc lè đến trạm xe Sài Gòn, kịp lúc có chừng ba chiếc xe bus từ các hướng đi khác nhau, vừa trờ tới. Các anh mau lẹ lùa đám trẻ, đàn bà, lên xe bus đi ra Xa Cảng. Trên xe bus bây giờ lác đác có bốn người khách. Nhóm chúng tôi ngồi sát gần nhau, người lớn cho trẻ con ngồi trên đùi mình yên ổn xong. Nhìn lui nhìn tới chỉ thoáng chốc thì người và người ở đâu túa lên đông nghẹt, chỉ có người lên xe, không có người bước xuống. Hai hàng ghế kín mít không còn chỗ ngồi, hành khách đứng chật cứng trên lối đi lại. Thật là may, nếu chỉ chậm trể mươi phút nữa, kể như nhóm chúng tôi không bao giờ chen chân lên xe bus nỗi.
Quang cảnh tại bến Xa Cảng miền Tây lúc tửng bưng sáng vô cùng náo nhiệt, hổn độn kinh khủng. Những trạm bán vé đông nghẹt người chen lấn ồn ào hơn vỡ chợ. Thế là nạn ăn trộm, cướp bóc, giật giỏ xách, móc túi, bấm dây chuyền, giựt bông tai, bốc hốt, mò mẫm bóp vú... loạn xạ. Dưới đất thì bọn du thủ du thực rượt đuổi nhau huyên náo, đánh lộn, chưởi bới inh ỏi cả một góc đường. Đàn bà trẻ con nhóm tôi ngồi chò hỏ xép nép ở một góc kín sát ngoài cửa bến, gần bức tường gạch, (tạo thành một vòng đai tròn sát bên nhau, cho bọn trẻ con ngồi ở giữa), các con cháu đứa ngồi đứa nằm gối đầu lên những túi đồ đạc hèn mang theo. Những người khách đi tới đi lui tò mò đứng lại lỏ mắt nhìn ngó lom lom bầy trẻ bị cái nóng Sài Gòn thiêu đốt, khiến mồ hôi chảy ra như tắm. Mặt mày con trẻ xứ Đà Lạt đa số xinh xắn, hai má đỏ au như dồi phấn, mắt to sáng môi tươi (tuy suốt hai tháng nay bọn chúng sống lăn lóc, cực khổ, cù bơ cù bất, thiếu ăn thiếu ngủ, mà còn xinh như vậy!). Nhìn những đôi mắt phượng long lanh phảng phất mặt hồ thu Đà Lạt mơ màng, hai gò má phinh phính nõn nà màu hồng phấn của các cháu bé, khiến ai cũng thèm cắn một cái ghê! Họ trầm trồ khen bầy nhỏ xinh đẹp là phải! Chúng tôi giữ bọn trẻ chằng chằng, chỉ sợ mình sơ ý, bọn trẻ sẽ bị lạc hoặc bị bắt cóc, thì chết!
Bà sương phụ bán vé háy một cái thiệt dài, oang oang nói:
- Đoàn xe chờ đợi lấy tài, bi giờ “hết vé” rồi!!!
Mới tửng bưng sáng mà “hết vé” sao? Úi Trời! Cả nhóm bàn nhau nên ngủ đêm tại đây. Nếu quay trở về nhà thờ Huyện Sỹ, cả “bầu đoàn thê tử” đùm đề lôi thôi lốc thốc nheo nhóc người già yếu đuối đau ốm, lụ khụ, thì quá bất tiện. E rằng ngày mai chúng tôi không thể đến đây, không thể chen chân với hành khách để leo lên xe bus đi về Xa Cảng, chớ nói gì đi miền Tây!? Quyết định như thế thật đúng. Mấy ông trong nhóm tôi cứ kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ đợi mua vé mỏi rã rời chân từ chín giờ sáng, mà mãi tới bảy giờ tối mới mua được vé xe đi Rạch Giá cho ngày mai. Do bao nhiêu vé đều tộn ra ngoài bán giá chợ đen chả sợ bể mánh bể mung giữa chợ đời bát nháo! Mém chút nữa thì chả còn vé để mua. Nhóm phụ nữ yên ổn ngồi trong lòng xe đò cũ kỹ chật như nêm xong, còn đa số đàn ông phải leo lên ngồi trên mui xe, chẳng thể phản đối càu nhàu cằn nhằn la mắng gì! Ai có vé mà không chịu đi chuyến nầy, thì chủ xe lập tức hoàn trả tiền vé lại cho cố chủ. Sẽ có người khác (không ngủ qua đêm ở trạm bán vé) vui vẻ mua vé chợ đen cao gấp năm bảy lần tiền vé chính thức. Sao không ham. Tự mình cần đi đây đó, chớ ai bắt. Thế nên lớp trai tráng ép bụng chịu thiệt thòi ngồi bó gối lắt lẻo phơi đầu ngoài trời mưa tầm tã, hoặc trời nắng chang chang. Cũng đành!
Ông tài xế bảo tất cả ông bà già và trẻ con thì được ngồi trên xe, còn mọi người khỏe mạnh phải đi bộ xuống phà Bắc Mỹ Thuận. Cô Cúc mua cho nhóm mỗi người một trứng vịt lộn ủ ở rổ trấu nóng hổi. Các con tôi thấy con vịt chết nằm trong quả trứng, thì quá sợ lắc đầu lia lịa không dám ăn. Tôi mua cho cả nhóm bánh mì thịt, trái cây đủ loại, nào là mận, đào, chôm chôm. Bánh trái, kẹo mứt bán nhiều vô số; mà thật rẻ. Thú vị nhất là các em bé bán chim cút lanh lẹ vui vẻ rao hàng:
. . . Ăn chim em đi anh.
Nè chim em mập lắm.
Nè chim em ít lông.
Chim em vừa mới lớn.
Anh ăn chim em không.
Chim em toàn những nạc.
Chim em chẳng có xương.
Anh rờ đi: toàn thịt.
Lại to hơn chim thường.
Ừ, chim em bự lắm. 
(1)
Đoàn xe lại bon bon lên đường xuôi về hướng Rạch Giá. Trùng dương sóng vỗ mênh mông, bạt ngàn nước cuồn cuộn nhấp nhô bên mạn phà to tướng, êm êm. Lần đầu tiên xuôi về miền Nam phồn vinh trù phú, tôi cứ tưởng chỉ có phà Bắc Mỹ Thuận là to lớn sầm uất thôi. Nào dè, một lần nữa tài xế gọi mọi người xuống xe, để qua phà, thì tôi càng sửng sốt mở rộng tầm mắt nhìn phà bắc Cần Thơ bao la, bát ngát, mênh mông sông nước rộng kinh khủng! Bờ nầy và bờ kia xa tít mờ xa ngàn trùng. Đúng là:
“đi cho biết đó biết đây.
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”
.
Đặc sản nổi tiếng nhứt vùng nầy là “bưởi Năm Roi” múi to nhiều nước và ngọt lịm. “vú sữa Lò Rèn” vỏ mỏng hột nhỏ, khi trái vú sữa chín thì vỏ giống màu cẩm thạch, ruột trắng sữa. Có “dừa Sáp Cầu Kè” nhiều nước ngọt lịm. Mít ruột đỏ múi dày giòn thơm ngon, cả “dưa Bồn Bồn”. Vân vân… như câu ca dao:
Bánh tráng Mỹ Lồng. Bánh phồng Sơn Đốc.
Măng cụt Hàm Luông.
Vỏ ngoài nâu trong trắng như bông gòn.
Anh đây nói thiệt sao em còn so đo!
 (2)
Ôi! Bao nhiêu quà bánh đặc sản tươi rói ngon lành ở miền quê đều tập trung ở hai bến phà đông đúc, vui vẻ nhộn nhịp, tưng bừng nầy. Chị em chúng tôi chọn mỗi người mua một loại trái cây khác nhau, để mọi người trong đoàn ăn nếm, cho biết vị ngon của lạ trên quê hương:
Bến Tre giàu mía Mỏ Cày.
Giàu nghiêu Thạnh Phú, giàu xoài Cái Mơn.
Bến Tre biển cá sông tôm.
Ba Trì muối mặn Giồng Trôm lúa vàng.
Biên Hòa có bưởi Thanh Trà.
Thủ Đức nem nướng Điện Bà Tây Ninh
. (2)
Xe vun vút chạy qua bao nhiêu cầu, bao nhiêu phố xá, ruộng lúa vừa gặt xong còn trơ cuống rạ, vô số chim, cò, diệt, le le… bay thẳng cánh ngút ngàn. Vườn tượt kinh rạch làng mạc sông nước hai bên chập chùng. Quê hương mình muôn màu muôn sắc, mỗi nơi có một vẻ đẹp tuyệt vời riêng với mạng lưới kênh rạch chằng chịt. Trên ghe thuyền thương hồ mái chèo tung tăng quẫy nước, vẵng tiếng hò câu ca vọng cổ đó đây, chen lẫn với những cây đàn cò, đàn guitar cùng tiếng trống bập bùng, rộn rịp, bồng bềnh, nhấp nhô trôi theo ghe thuyền sông nước mây trời. Đặt biệt miền Tây có sông chợ nổi lớn và các mặt hàng hóa treo lên một cây sào cao, hoặc bỏ trong nhiều giỏ cần xế to. Nào là Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ, chợ nổi Phụng Hiệp bán rùa, chim, sóc, kỳ đà… rắn đủ loại quanh năm, chợ nầy rất lớn là nơi tuyệt vời đầy đủ các thứ nhất, và chợ nổi Cái Bè. Những chợ nổi ở miền Nam... ôi bán mua bạt ngàn đủ loại trái cây, dừa, dưa hấu, gạo củi, rau, tôm cá, áo quần, mùng mền gối chiếu, kể cả các mặt hàng ăn uống nhậu nhẹt như: Bánh cuốn, phở gà, cháo vịt, cơm, bún, vân vân... và vân vân... đều được bán trên sông ròng nước lớn.
Lòng tôi cảm thấy nao nao cảm xúc ngọt ngào, dịu nhẹ, lâng lâng, dạt dào, ngẩn ngơ. Hạnh phúc lang thang trong lòng tôi rót tơ vàng trôi theo dáng hoàng hôn hây hây, lung linh, huyền ảo với sóng trường giang rộn ràng đập bên mạn thuyền luyến thương bâng khuâng nhiều thao thức. Cảnh vật huyên náo vui nhộn không kém phần đặc biệt thi vị thơ mộng: đã thể hiện vào câu hò, điệu lý, được lưu truyền từ xưa đến nay:
Dòng sông thì rộng mênh mông.
Áo em lại thắt lưng ong làm gì?
Anh từ Xà No đến.
Em từ Ba Láng sang.
Sợi tình yêu ai dệt.
Trên mặt nước mênh mang.
Bảy sông dồn nước cuồn cuộn nước.
Phù sa lớp lớp quyện phù sa...
 (2)
***
Chiếc xe đò cà tàng, thổ tả, lọc cọc, rệu rạo lăn bánh trên những cục đá dăm khi hoàng hôn nhè nhẹ quệt đường nắng yếu ớt, sóng sánh trên dòng sông mờ mờ, thì chúng tôi thực sự đặt chân về miền Tây. Bỗng trời mưa thật lớn. Nhóm tôi đã trải qua một đoạn lãng du dài dằng dặc giữa trời đất tĩnh lặng bao la, hoang sơ, lãng mạn trên nẽo đường gió bụi trôi về xứ lạ, nơi vừa cũ vừa mới, vừa họa, vừa phúc, vừa lương thiện, từ bi… lẫn tội ác quyện bện vô nhau, mà tôi không ngờ! Nhưng lòng trí ai nấy đều nôn nao, bồn chồn, lo âu thấp thỏm: vì xứ lạ phương xa mà đa số bạn của tôi và tôi; chỉ biết ngao du qua sách vở, chớ tôi chưa hề được thú vị chứng kiến sông nước ruộng đồng bao la, vườn tượt xanh um bóng mát, như thi sĩ Bùi Giáng đã nói:
Chào Lục Tỉnh Thu về Xuân nức nở.
Ở trong cây trong lá ở bên sông.
Dòng nước chậm chần chờ con sóng chở.
Còn không em? kỷ niệm ở bên lòng!

Và:
Chưa đi chưa biết Bến Tre.
Đi rồi mới biết toàn tre với dừa.
Dừa to dừa nhỏ dừa vừa.
Trèo lên tụt xuống nước dừa đầy tay. 
(2)
Xuống đến Rạch Giá cảnh vật thôn quê êm đềm tĩnh mịch không kém phần thơ mộng, nhưng đa phần nhà cửa cư dân vắng vẻ, xóm làng quạnh hiu vô cùng, thì nhóm tôi hoàn toàn bị lạc lõng, xa lạ, đơn độc buồn thiu đến độ nào. Chúng tôi líu ríu dắt díu nhau đi tới chỗ lạ cái lạ nước, lạ hoắc, thật lúng túng bất tiện trăm bề. Nhóm người già trẻ lớn bé nầy chẳng hiểu sao lòng cảm thấy bất an, lo lắng sợ hãi, e dè, lấp ló thập thò, kín đáo dè dặt ngó quanh, nhìn trước ngó sau lén lút như kẻ gian, kẻ trộm. Hết cả đám có miệng mà như câm, không ai dám hỏi thăm khi dân địa phương nhìn chúng tôi chằm chằm, xoi mói. Không có bản đồ địa phương, không rành phong thổ cũng như tập quán nơi đây, không thấy xe xích lô, không tìm ra khách sạn hay phòng trọ nào. Thế nên đã nhiều giờ nhóm tôi đi lạc lung tung. Sau đó:
Hỏi em, em đã đi rồi.
Hỏi chim, chim chỉ mỉm cười bay đi,
Hỏi cha, cha chẳng biết gì.
Hỏi sư, sư bận vội về tụng kinh.
Hỏi cô hàng xóm làm thinh.
Hỏi nàng bán bánh cười tình không hay.
Nhìn trời một đám chim bay...
 (2)
Mấy anh dò dẫm qua một chiếc cầu gỗ cũ, tới trạm mua vé tàu thủy dự định ngày mai cả nhóm sẽ đi Phú Quốc. Chiều tà ở tại Rạch Giá từ bước chân khách lạ cô đơn trên đường chiều, khiến lòng tôi buồn vô hạn, đứng trên cầu gỗ nhìn về phía góc vườn dừa rợp bóng nhà ai sông nước chập chùng. Có chút tâm hồn đa cảm, nhạy cảm và hơi lãng mạn... khiến tôi cảm thấy nơi đây thật sự kỳ diệu thanh bình êm ả lắm. Lòng tôi càng xúc cảm vấn vương nỗi buồn thê thiết, khi thấy mấy giang thuyền lạnh lẽo lắc lư nằm im ỉm, trơ trọi bên những cầu tàu quạnh vắng, làm thức dậy trong tâm trí tôi hình ảnh dĩ vãng lãng đãng mộng mơ thiết tha thật gần... Nhưng bây giờ đã rời xa... xa mờ xa nơi chân trời mê-hoặc, xao xuyến mông lung bao tiếc nhớ, bâng khuâng lặng lờ nỗi đau sâu thẳm:
Đâu rồi những anh thủy thủ phong trần trẻ trung vui tính ưa huýt gió, vui vẻ, xinh lịch oai hùng hào hoa trong bộ quân phục Hải Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trắng tinh? Họ mặc bộ quân phục với niềm kiêu hãnh vinh quang hào hùng trong dĩ vãng? Mặt nước có còn in bóng chàng trai phong sương đa cảm, đa tình đứng trên bon tàu vu vơ nhìn mây trời quyện bện vào nhau trải dài theo màu xanh bát ngát? Dưới đáy thuyền sóng cả cuồng phong thịnh nộ ngày ngày vỗ nước bồm bộp vô mạn thuyền, đẫy đưa anh lính Hải-quân có cuộc sống hào hoa phong nhã lang bạt bồng bềnh vui tươi đi xây mộng giang hồ tứ xứ!? Ý chí của bạn và tôi bây giờ chỉ còn là ảo ảnh: trăng tròn lắt lẻo giữa dòng sông có giòng chảy trên luống đời điệp trùng bóng tối. Tiềm ẩn trong tâm ta hình ảnh đường chiều nâng ước vọng dâng cao ngút ngàn. Các anh có biết không, hở hoàng hạc ơi! tiếng xưa.
Đến gần chân cầu sắt dày cui lót gỗ bên kia trạm vé, thì có một khu nhà tôn chen lẫn nhà lá tồi tàn, nhưng đã đem lại lòng tôi sự ấm áp rộn ràng rạo rực niềm vui, chen lẫn sự xót xa chân thật: khi tôi nhìn cư dân địa phương vất vả, thiếu thốn, nghèo nàn. Các anh vào thuê mấy chỗ trọ. Không phải là phòng trọ như ở nơi khác có phòng riêng sạch sẽ tươm tất, mà lán trọ ở đây giống như khu nhà trống, hoàn toàn không có cửa nẽo, chỉ là những hàng ghế bố cũ mèm nối dài, mái lợp lá dừa hơi giống patio bốn bề lộng gió. Nước mưa lộp độp trên mái lá, bùn đen sền sệt dưới chân ghế bố luôn luôn ướt nhẹp, mốc xì, đen thui, ghế bố có nhiều gián, rận, rệp hôi rình, thậm chí có cả chí mén, chí cồ bò lổm ngổm trên gối. Thế nhưng người ra kẻ vô lội nước lủm bủm vẫn tấp nập ồn ào ngược xuôi đông đúc lắm.
Chị Ngọc, Cúc, tôi vội vàng đi xẹt ra khu chợ xép nhỏ gần xịch một bên, chị em tôi chẳng buồn hỏi khu chợ nầy có tên gọi là chợ gì. Mỗi quầy hàng là một cái chòi bằng tre lợp lá dừa, giống túp lều nho nhỏ luôn kêu kẽo kẹt, nước bùn đen đen đọng dưới chân cột và trên đường nhựa. Quán xá lộn xộn, họ bán đủ thứ: cá, tôm, sò ốc, rùa, ếch... Úi trời! có nhiều con rắn còn sống đang uốn éo thân, cái lưỡi chẽ đôi thò ta thụt vô, cả những chú chuột đồng lông lá lưa thưa có móng nhọn dài to bự sư. Coi thiệt gớm à! Chị em tôi mua nhiều tôm tươi, cá trê vàng, cá sặc bướm, cá sặc rằn. Rồi day qua hàng khô mua gạo, mua một trái thơm, rau sống, cà chua, mua củi. Họ thật thà hào phóng bán trái cây tươi rói, tính một chục là 16 trái xoài bóng láng, mập ú, thơm ngon. Họ không nói thách, không làm hàng màu mè: không chất thứ to bỏ làm hàng mặt ở trên, trái nhỏ chêm ở dưới thúng. Mà có sao họ bán vậy. Dân quê và dân chợ đa số khá hiền lành chất phác, vui vẻ, chăm chỉ, thật thà. Ở đây cái gì cũng tươi rẻ nhứt là: cá, tôm... (nhưng họ khó kiếm ra tiền, vì nhà nhà ai ai cũng có cá, có tôm, thịt ếch, heo, gà, vịt… các loại cá ở miệt nầy càng rẻ rề, thì đem bán cho ai đây, để có tiền xây xài)? Chúng tôi xin bà chủ nhà trọ cho mượn mấy cái nồi, để nấu nhờ bữa cơm tối. Bà chủ nhà vui vẻ dễ dãi nhận lời. Chị em tôi xúm lại người nấu cơm, người làm cá. Lớp kho, lớp nấu, chiên xào... Đây là bữa cơm đặc biệt đầu tiên, có thể cũng là bữa cơm cuối cùng tại Rạch Giá. Nhóm chúng tôi ăn uống no nê, dư dả và rất ngon miệng. Sau đó chị em bưng nồi niêu son chảo ra bờ kè rửa ráy, rồi trả lại cho bà chủ nhà tốt bụng. Chị em cho các con ra sông tắm gội sạch sẽ.
Khi màn đêm buông xuống, tôi nhìn bên kia kinh lạch tối om vì không có điện, bên nầy ngọn đèn đường tù mù hắt ánh sáng yếu ớt vàng vọt, giống như đèn đêm lốm đốm lập lòe ở khu nghĩa trang. Thiệt cảm thấy quá nãn. Đêm buồn nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên lá, gió lồng lộng rít rít từng cơn, thổi bay tấm mùng vải cũ ố vàng đen đen, khiến cái lạnh càng về khuya càng ngấm xuyên qua da thịt tôi thêm dúm dó và rờn rợn. Bầy trẻ suốt ngày đi đường quá vất vả, nên tắm gội xong vừa đặt lưng xuống ghế bố, là chúng đã “phè cánh nhạn” ngủ say. Riêng bọn già nầy thì bồn chồn, băn khoăn, lo lắng, không sao chợp mắt, dù chỉ vài phút.
***
Tình Hoài Hương

*
(1) sưu tầm
(2) ca dao

__________________________________________

Bút trần nào tả được lưu luyến!
Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
Tình Hoài Hương

 

 

Ý kiến bài đọc xin nhấ vào đây => (Những Ngày Loạn Ly Trong Tháng Tư)

Rate this item
(0 votes)

Posted by Tinh Hoai Huong

Related items