Print this page

Nỗi Tiếc Xót Ngậm Ngùi - Tình Hoài Hương

Posted by April 03, 2020 2580

Nỗi Tiếc Xót Ngậm Ngùi

Tình Hoài Hương

---oo0oo---



Ngày 01 tháng Tư năm 1975.- Có căn nhà đang cháy trong xóm đìu hiu, vì một người đàn bà bày bàn cúng ra vĩa hè nghi ngút khói hương, bị cơn gió táp vô tấm màn quấng theo hai cây đèn dầu hôi đổ xuống bàn mà phựt lửa, bà ta không kịp trở tay. Mọi người trong xóm hốt hoảng kêu gọi nhau ơi ới chạy đi chạy lại xôn xao quầng quật lo chữa cháy. Do bà ta hì hụp khấn vái kêu xin Trời Phật ban ơn lành... cho vợ chồng bà sống lâu trăm tuổi, cho gia đình con cháu yên lành, khoẻ mạnh, nhất là bà van xin cho đất nước bình an.


Cứ thật thà mà nói, sau vụ bàn thờ ông cha cố tổ bị con cháu rầm rộ lôi xuống đường năm xưa, thì tôi ít có thiện cảm để vãng lai tới chùa thăm viếng ai. Điều mà xưa kia tôi rất trang trọng tới lui thường xuyên nơi quý tăng bào lão trượng, gia đình tôi không hề phân biệt khi hội ngộ với bạn hữu cùng trang lứa, hầu ân cần an ủi và chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, chúng tôi trao cho nhau chum cà, lọ tương, bao đậu, bọc gạo, chùm cây trái ngọt ngon, & cúng dường… mà vui; để tỏ lòng kính trọng qúy mến các bậc chân tu, tín hữu chỉ lo kinh sách nhang khói hương đèn, tâm hồn họ tịnh yên sâu nặng nghĩa tương giao đậm đà tình dân tộc. Tôi lắng lòng theo tiếng kinh tiếng mõ đều đều nhịp nhàng trầm bổng. Tôi mến thích khi họ có lối sống chân chất an vui hoà ái hiền lành và thánh thiện. Thế là tôi cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng thư thái, và vui tươi bình an theo. Vã lại chồng tôi vẫn nói:


- Mình già rùi, “gần đất xa trời”, can chi phải sợ chết, cần đến những nơi thanh tịnh, đến với nhau cho tâm an hồn tịnh, chờ ngày “ra đi...”


Tôi gân cổ lên “lý sự cùn” cãi lại anh:


- Anh nói thật tức cười. Có ai đang sống ở trên đời nầy mà “gần trời xa đất” mô nà! Vậy thì “đất” phải gần hơn “trời” là cái chắc. Vì ta đang đạp hai bàn chân trên đất, để đi hà rằm đây nè. Khi nào chết mới gọi là “gần trời xa đất”. Cũng do vì... người ta đều muốn bay lên trên cao về thiên quốc. Chẳng ai muốn xuống dưới lòng đất ở tại lò hỏa ngục với Diêm Vương. Thấy ổng là mình hồn bay phách tán. Hu hu hu…

Chúng tôi vơ quần áo ra đi khỏi nhà bà cô của Phùng mà lang thang ngoài đường như thế, ban ngày cả nhà đi ra biển ngồi dưới những gốc dừa, tối về thì xin vô ngủ nhờ ngoài mái hiên của trường Tiểu-học. Qua ngày thứ sáu thì gia đình bà Niềm (ở đối diện với nhà bà cô của Phùng), thấy thương mẹ con chúng tôi bơ vơ nheo nhóc, họ động lòng trắc ẩn, bà Niềm kêu chúng tôi cho đến ở nhờ. Tại đây có một phòng riêng rộng rãi đầy đủ giường nệm mền gối... Muốn nấu ăn thì có sẵn bếp, cứ tự túc. Tôi ứa nước mắt mà mừng vui khôn tả xiết. Thế là cả nhà tôi tíu tít vui vẻ dọn tới nhà họ ở bên kia đường. Vẫn biết là ông bà Niềm quá tốt, nhưng sợ các con thơ dại quậy phá, tôi không dám làm phiền họ nên kéo nhau đi biển. Ông bà Niềm có hai người con, anh con trai đi lính Nhảy Dù, cô con gái tên Thúy Lan làm ở Hàng-không Quân-sự Nha Trang.

Dưới những gót chân bé tí lún xuống bờ cát mịn, từng vệt chân trần nhòe đi trong sóng khẽ khàng vỗ tan bọt nước. Tôi rón rén bước trên nền cát ẩm, với ước mong có tí chút hạnh phúc lướt thướt lan theo từng ngấn sương khuya rơi rụng nhạt nhòa trên phố biển Nha Trang. Lòng vẫn dạt dào nỗi hoài mong tiếc rẻ bao nhớ nhung về quá khứ hao gầy. Nỗi nhớ làm cảm quan và lòng mình mềm nhũn, choáng váng, thẫn thờ tiếc nuối, nghẹn ngào tức tưởi bao mộng mơ bạt ngàn lắng đọng. Ngày ngày mẹ con tôi đi tản bộ ra bãi biển, ăn cơm hàng cháo chợ. Nhưng chỉ non tuần sau, tôi phải tính đến chuyện tự nấu ăn. Tôi tiếc hùi hịu vì đã để trên chiếc xe nhà của mình ở Cam Ranh hết mọi thứ, chỉ mang đi những túm quần áo cần thiết. Bây giờ tôi mua một cái lò than, tôi phải tính toán cân nhắc kỹ từng đồng nơi xứ lạ phương xa: mua một nồi nhôm to ấu cơm, một nồi nhôm nấu canh, một nồi nhỏ dùng kho cá, một bình nhôm nấu nước, mua muỗng, đũa, sáu cái tô nhựa, (dùng khỏi bị bể). Các con tôi biết thương mẹ, chúng ra đường lượm cây khô mục, lá khô, bã mía... để nấu cho đỡ tốn tiền mua củi, nhưng có thấm vào đâu. Tôi mua củi, gạo, rau, cá...

Có ngày trời nắng oi ả, có ngày mưa ào ào, bầu trời miền biển khác hẳn với khí hậu thoáng mát ở miền núi, khiến các con khó chịu, mặt mũi lúc nào cũng đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại, rôm sảy bắt đầu nổi lên từng đám dày, ngứa ngáy, thật quá tội nghiệp. Chúng ngồi đâu là hai tay gãi sồn sột, móc chỗ nầy cào chỗ nọ, như mấy con khỉ. Tôi vô cùng lo sợ các con lạ nước lạ cái, sinh ra ốm đau, thì nguy to. Sáng sớm, khi các con còn ngủ, tôi lò mò đi chợ, về nhà vội nấu một bữa ăn (mà chia làm hai lần: một phần ăn lúc mười giờ sáng, một phần khác tôi múc ra trước, để dành ăn vào lúc năm giờ chiều). Khi ăn uống dọn dẹp rửa ráy xong, mẹ con bà cháu đều tản bộ ra đường nầy qua đường nọ. Chúng tôi thường đứng lại hằng giờ trước cổng một ngôi nhà xinh xinh phủ đầy hoa giấy, tôi thèm thuồng cuộc sống ấm áp gia đình mà mình đã bị mất, rồi ngậm ngùi buồn xo. Chân ngập ngừng e ngại bỗng dưng tôi chùng bước, lom lom len lén nhìn vô nhà họ.

Dẫu rằng ngôi nhà bên trong hàng dậu thưa ấy, tuy lạ mà rất quen thuộc, vì hình ảnh ông bà cụ đứng nơi bồn hoa thắm đỏ với vòi sen phun nước. Họ giống ba mẹ tôi, bước chân họ di động chậm chạp, khẽ khàng dẫm trên nền gạch, khiến lòng tôi chùng xuống nỗi tiếc xót ngậm ngùi. Tôi nhớ những bọt nước đã rơi xuống vệ cỏ ven đường ngôi nhà xưa của riêng mình ở đường Mai Hắc Đế. Tim tôi rung lên từng chặp, như nhắc nhở tôi nhớ về thuở nhỏ bên hàng hoa anh đào, trong ngôi biệt thự của ba má ở tại đường Quang Trung (dưới ga Đà Lạt) mà ngậm ngùi nấc lên từng cơn.

Tôi muốn quay đi chỗ khác, nhưng đôi mắt cứ dán chặt vô mỗi gốc cây trong ngôi nhà ấy. Tưởng như mới ngày nao tôi đứng tỉa cành già, hái lá vàng trên những cây cảnh trong khu vườn nhà riêng khi đã lập gia đình. Nay cảnh vật và con người từ tha nhân cho tới chính mình đã biến dạng ngoài sức tưởng tượng! Không ai có thể cứu lấy mình, chứ nói chi đến chuyện cứu người. Thời buổi loạn ly nầy “làm người” thật khó khăn: nếu tôi có chút của cải, có máu mặt xí, thì bị hàng xóm, bạn bè dòm ngó và chính tôi nghi ngờ coi chừng… họ! Nay tôi lang thang xốc xếch giống tên hành khất, thì bị coi là bôi bẩn bản thân, bị miệt thị, bị xô ra khỏi xã hội, và tụt xuống đáy bần cùng. Thật khó sống làm sao khi người dân thị thành vẫn lạnh lùng thờ ơ, tấp nập, dáo dác ùn ùn kéo nhau đi đâu mà đông đúc quá?

Bình minh dâng cao trên đầu thì nóng rát da người, hay hoàng hôn tàn dần, khi bóng râm từ các vách đá lan ra, buông xuống đường chân trời xa tít tắp một màu đen, dù thế trời hừng hực nóng chưa thể dịu mát khi ở ngoài đường, nhưng mẹ con bà cháu tôi coi "ung dung nhàn hạ" thơ thẩn vì không biết làm gì, để giết bớt thời gian quá tẻ nhạt, là ra biển ngồi hóng gió. Chúng tôi ngồi nhìn từng con tàu lớn đậu ngoài xa xa, các con tưởng tượng nhiều điều thú vị, theo dõi và biết ngày nào con tàu nầy đến bến, ngày nào con tàu kia đã ra đi. Tàu thuyền trên sóng nhấp nhô, có chiếc lênh đênh trên đại dương, chiếc ra khơi, chiếc vào bến đậu. Tuy mục đích có khác nhau, nhưng con tàu cùng lênh đênh bồng bềnh chơi vơi cỡi trên ngọn sóng lớn. Tôi nhìn những con tàu khổng lồ mà buồn bã vô cùng, không dám ước mơ hay hy vọng, dù niềm hy vọng bé tí xíu. Tôi cảm thấy mình đang chới với, cô độc lữ hành trên sa mạc cháy nắng, dẫu biết rằng: không có ai biến mình thành là một hoang đảo, vì phải có sự tương giao với đời. Thế nhưng tôi quá bơ vơ lạc lõng, cảm thấy mình giống ông lính già cô độc, run rẩy trong một pháo đài bị vây hãm.

Trời xanh lồng lộng, biển Nha Trang thơ mộng thi vị dịu êm có gió hây hây thổi, mặt biển vẫn là tấm thảm hoa cương óng ả gờn gợn lấp lánh, rì rào, lung linh và mênh mông. Trẻ nhỏ vô tư lự nô đùa trên biển, các con ưa thích vỗ tay và ngẩn ra nhìn những con tàu. Dù tôi bảo thế nào các con vẫn e dè, sợ sệt; vì các con không quen, chưa bao giờ cởi áo quần ra giữa chỗ đông người. Tuy các con đến với biển mỗi ngày, nhưng chúng chưa dạn dĩ. Nhìn sóng biển trắng xoá xô bờ, đẩy tới đưa lui, thì các con cảm thấy chóng mặt và sợ, nhút nhát co chân, chúng chỉ dám xăn quần lên tới đầu gối. Hoặc mặc áo quần dài mà reo vui, lội bì bõm vọc nước sát ven bờ, khi sóng vừa bén gót chân, các con lo sợ hét to, chúng vội vã nắm tay nhau chạy lên bãi cát khô, làm y như là các con sợ nhúng chân vô nước nóng.

Cái thú duy nhất của các con là cùng nhau chạy đi rượt đuổi những con còng. Kể ra các con cũng khôn, biết mò ra chỗ để bắt ốc, bắt còng về luộc ăn. Con còng, con ốc cũng khôn không kém, còng chạy rất mau, thoáng một cái chúng tìm mọi cách thoát thân đằng nào thật lẹ. Bao nhiêu lần các con không bắt nỗi, nhưng có một hôm các con làm thành một hình tròn to, rồi từ từ khép chặt vòng tròn, vây quanh mấy chú còng lêu khêu. Ba đứa con tôi chầm chậm bò dần dần tới bên mấy con còng, các con nháy mắt giơ ngón tay trỏ đặt lên môi, (làm như lũ còng biết nghe tiếng người vậy), chúng đồng loạt ụp cả người, phủ lên mấy con còng ngố ngáo. Tôi cười thầm:


- “Con còng què chân làm chi tội rứa, nên mới bị trẻ bắt sống hỉ!”.

Thế là mấy chú còng bẹp dí. Bé Bi giơ một chú còng què lên trời, cười ha hả, hôm đó cả nhà chúng tôi có được bữa "ăn nhậu" canh chua còng, cùng nhau chuyện trò vui vẻ rôm rã ra phết! Có một hôm, mấy con đang tắm biển, thì bé Bi do sợ sóng nước, đã ị ra quần thối um, khiến cả nhà cười vang. Tôi thương các con bị đói khát, nhưng biết thân phận mình, các con không dám đòi quà bánh. Bé Dzũng thường cõng bé Hoàng trên lưng, Tuấn dụ em Huy (bé Bi) đi ra ngoài gốc phượng lượm hoa rơi. Mấy anh em xếp hoa thành từng đống cho em chơi, để em nhỏ quên đói không đòi bú mẹ. Khi ta có đủ thứ trong tay, thì mình xem thường các thức ăn. Nhưng, bây giờ sống trong cảnh đói khát, nằm gai nếm mật, ăn ngủ ở đầu đường xó chợ, bơ vơ bất vất, dù có những thức ăn tầm thường nhất chúng tôi cũng quý, mới thấm thía buồn và cảm thấy đau nhừ, như ai dần từng khúc ruột, tôi lại tiếc ngẩn ngơ những thứ đã mất. Thật ra, chúng tôi đang sống trong cảnh phập phồng lo sợ. Chẳng ai cấm tôi gào thét, thi gan cùng biển cả mênh mông. Tôi không còn tâm trí nào mà tắm táp thoải mái ngoài biển, chứ nói gì gào thét cho đã nư. Tình cảnh mẹ con tôi bây giờ khốn đốn là thế!

Chín giờ tối gia đình chúng tôi sung sướng về ngả lưng trên cái giường rộng. Có một điều là trời rất nóng và muỗi, vô số muỗi; nên dù ngày nào ở nhà, không đi biển, thì bà cháu mẹ con ở ngoài sân trường học, hay ở trong nhà có quạt máy vù vù trên trần, nhưng vẫn nóng hầm hập, chúng tôi dùng thêm quạt giấy, quạt phành phạch suốt. Cuộc sống di tản của chúng tôi có lẽ từ nay là những ngày tháng mòn mỏi đợi chờ thật dài, trống vắng như người hụt hẫng bước đi bì bõm trên đại dương, không biết mình sẽ bị chìm lúc nào! khiến tôi chới với mất hẳn ý niệm về cuộc sống, chẳng biết khi nào sẽ chết. Tôi như con ốc sên nhút nhát thu mình trong vỏ, mất hết bản năng sinh tồn, nhụt chí và chán nãn tuyệt vọng dường bao! Thời gian nhàn hạ ở đây thật vô vị và mù tịt, tôi không hề biết ất giáp gì về chuyện trong nước đang hỗn loạn tột cùng. Ngày nào cũng như ngày đó: do nỗi lo lắng về tương lai bấp bênh mịt mùng, sợ hãi đói khát và bệnh tật cứ trỗi dậy trong lòng tôi. Sự khốn cùng càng tăng mãi, niềm hy vọng có sự bình yên thanh thản đôi chút mỗi lúc một vơi cạn.


Trong khoảng thời gian qua, Luật theo lệnh thượng cấp phải “tử thủ” ở Đà Lạt, (nhưng khốn thay... "người chủ chốt" ra lệnh tử thủ ấy đã "rút dù" đi biệt tích giang hồ, lũi trốn đi trước đồng đội rồi. Nhưng vì đa số người lính đã ý thức về trách nhiệm và bổn phận làm trai... nên họ ở lại giữ nước, cho đến ngày cuối cùng, họ mới cùng các sĩ quan và đoàn Sinh-viên Sĩ-quan trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam Đà Lạt triệt thoái).


Mẹ con chúng tôi đến thăm Oanh ở trong một biệt thự nho nhỏ xinh xinh tại Xóm Mới, nhà cô có vườn cây rợp bóng im mát, gia đình ba má Oanh gốc người Huế, hiền lành, vui vẻ thật thà. Hai bạn gặp nhau mừng rỡ, trào nước mắt chảy ròng ròng, chúng tôi thì thầm chuyện trò. Mặc dù ba má Oanh có nhã ý dành cho gia đình tôi một phòng nhỏ, nhưng tôi sợ các con dại sẽ làm phiền họ, lại mất lòng và mất cả tình bạn cao qúy, nên tôi từ chối. Luật gởi nhờ những những đồ dùng cần thiết theo chuyến xe GMC quen về địa chỉ nhà Oanh, (lúc nầy trên quốc lộ chỉ có những xe "nhà binh" được phép di chuyển trên tuyến đường Đà Lạt xuống Phan Rang, ...) người chủ xe đã đến "giao hàng" cho Oanh, rồi Oanh chuyển cho tôi: quần áo, mền, mùng, nồi niêu son chảo, vân vân… cùng tám chục ngàn đồng, tiền lương vài tháng qua của vợ chồng tôi chưa kịp lãnh. Mấy lá thư Luật báo tin đã mất Ba Mê Thuột và Huế. Luật dặn dò mẹ con tôi “phải cố gắng, bằng mọi cách tìm đường di tản về Sài Gòn” gấp. Tôi chỉ nhận tiền Luật gởi về Oanh, còn tất cả đồ dùng kềnh càng, tôi để lại trong nhà kho của Oanh. Tôi kiểm chứng tin Luật đã báo, thì đúng y bon, vì bà con của Oanh từ Huế, nườm nượp di tản bằng thuyền đánh cá của họ chạy ra Nha Trang, họ kể lại Huế đã đi vào cửa ngỏ cuộc chiến. Đà Nẵng rất lộn xộn, hai chỗ quan trọng ấy gần như thất thủ. Gia đình Oanh không tính đi đâu cả, có chết thì chết ở xứ nầy, vì họ còn một bà cố già lụm cụm ngoài chín mươi tuổi, nếu họ đem cụ theo chạy loạn, thì không được, mà để cụ ở lại một mình với mấy căn biệt thự, càng không thể.


- Ngày 11-3-1975 mất Ba Mê Thuột. Ngày 26-3-1975. Huế đã thất thủ. Kế đến là Đà Nẵng. Chủ Nhật, ngày 30-3-1975 từ thành đến tỉnh, đâu đâu tôi cũng nghe người ta bàn tán xì xào chuyện chính trị và chiến tranh mà tôi chúa ghét. Tôi nghe chán tai lúc người ta quả quyết: Đã mất nước tới đèo Hải Vân. Mất tới Đà Nẵng... Có lẽ đất nước nầy chia ra làm ba thành phần. Lại nghe đồn từ vĩ tuyến 13 tới Cà Mau: là do chính phủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Tin “bỏ” vùng nầy, bỏ vùng kia. Khi thì nghe người ta bàn tán Việt Nam sẽ trung-lập. Sẽ có chiến tranh huynh đệ tương tàn khốc liệt. Sẽ hoà bình: Đó là tiếng pháo bông nổ lớn trong đêm trừ tịch tối đen mừng ngày đất nước thanh bình, hay báo nguy lầm than, cơ cực, nghèo đói, chia ly, và sẽ thanh trừng "người thua cuộc" tràn ngập trên đất Việt vào một ngày không thể ngờ tới?! Làm sao biết được ngày mai!


Tôi hốt hoảng chạy tới nhà của chị Bàn đã thuê, hầu báo tin chẳng lành, cùng nói những lời Luật nhắn nhủ. Tôi vui mừng thấy gia đình Ngọc, (gồm các em của Ngọc là: gia đình Quý, gia đình Cúc vẫn sống chung, giống như khi họ ở Đà Lạt) đã về tá túc ở đây vài hôm trước rồi. Các bạn khuyên tôi nên về ở chung nhà với họ, nếu có bề gì, thì hú nhau một tiếng, cùng giúp nhau chạy loạn. Tôi nghe phải, nên về nhà bà Niềm thu dọn ít bọc quần áo trẻ nhỏ, cám ơn ông bà chủ nhà, rồi đến ở chung với các bạn cho bớt tẽ nhạt và sợ hãi. Đến ở trong ngôi nhà tôn vách đất thấp lè tè, nóng như thiu đốt. Chúng tôi góp chung tiền, ngày ngày mấy người đàn bà cùng đi chợ nấu ăn hai bữa, một bữa ăn lúc mười giờ rưỡi, một bữa ăn lúc sáu giờ chiều. Ngày nào cũng từng ấy thứ: nồi cơm thật to, nồi canh rau muống trộn mì gói hiệu ba con tôm, cá kho rim mặn, (thay đổi loại cá mỗi ngày, ở đây cá tươi rất rẻ, tươi rói và rẻ hơn Đà Lạt rất nhiều, là cái chắc). Họ giống tôi, ai cũng muốn thủ thân, chắt bóp nhín nhút ăn uống qua loa, để sống, chứ chẳng phải sống để ăn. Nấu nướng bằng bả mía phơi dôm dốp vài nắng, thì khói bay mù mịt, cay xè mắt, nước mắt nước mũi chảy tùm lum. Ba thằng con trai lớn, (hai đứa con của Ngọc, một đứa con trai Dzũng của tôi) thay nhau nằm dài xuống nền đất, phồng má thổi lửa phù phù. Bụi tro, khói, đất, bay lên đầu cổ, mặt mày chúng đỏ rần và ho sù sụ. Dù ở đây có phần tù túng khổ sở hơn ở nhà bà Niềm, nhưng có bạn chia sẻ chịu đựng, tôi cảm thấy đỡ sợ, bớt lo lắng nên yên tâm hơn.

Sau những bữa ăn sum họp vội vã, nhà nào nhà nấy ai ai cũng ra ngoài đường, tới ngoài chỗ đông người, để nghe ngóng thu lượm tin tức. Chúng tôi lo lắng sợ hãi, cùng đường quẫn trí, rối bời đầu óc, bồn chồn cùng nhau bàn lui tính tới hết cách. Kết luận cuối cùng là: giả thiết từ bây giờ cho đến khi nào Nha Trang bị lung lay, nếu trong nhóm nầy ai có phương tiện thuận lợi nào, thì cứ tự lo cho gia đình đó vượt thoát. Nếu lúng túng với một đám trẻ con trên dưới mười bảy đứa, (không kể người lớn), đông người như thế nầy, thì chẳng biết làm sao có thể di chuyển chung chuyến xe, chuyến tàu, như khi chúng tôi ở Đà Lạt đã cùng nhau chạy đi. Tôi thật buồn và vô cùng tuyệt vọng nghe chị Bàn đã đi thu lượm tin tức ở ngoài bến xe về, chị nói: Ở các bến xe khách, hải cảng, cũng như ở phi trường dân sự, người ta đông hơn kiến, chen chân không lọt, đông vô số kể. Ai muốn đi về Sài Gòn, thì phải ghi tên trước cả tuần, sau khi được gọi, phải mua một chỗ ngồi cả bạc triệu, hay đóng mỗi đầu người hai lượng vàng. Ai muốn sống cứ thế mà tính, không cò kè bớt một thêm hai. Nếu chần chờ không kịp nộp tiền, thì có người khác “xí phần” đưa tiền hoặc vàng ra ngay. Chiều nào cũng thế, mẹ con bà cháu nhà tôi không biết làm gì cho hết thì giờ nhàm chán nôn nao lo lắng, nên chúng tôi thơ thẩn ra biển. Những con sóng lớn ập tới, tôi bị lún sâu xuống nước, tưởng chừng như muốn khuỵu đôi chân. Tôi bị sóng nước dập dồn hất lên hụp xuống, chao lui lượn tới đảo điên khi hai tay đập loạn xạ trên mặt nước. Càng vùng vẫy, tôi tưởng như mình đang bị nhận chìm thân tụt tong tong xuống vực sâu. Tôi sợ hãi kinh khủng!
  

***


Tình Hoài Hương

 

_____________________________

Bút trần nào tả được lưu luyến!
Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
Tình Hoài Hương

 

Ý kiến cho bài đọc xin nhấn vào đây => (Nỗi Tiếc Xót Ngậm Ngùi)

Rate this item
(1 Vote)

Posted by Tinh Hoai Huong

Related items