Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Chút Ký Ức Về Cao Nguyên - Trần Châu Giang, K22/Đa Hiệu 115

Posted by March 01, 2019 4303

Tôi bước xuống phi trường Cù Hanh, Pleiku vào một buổi trưa đầu năm 1968. Trời nắng nhẹ, cùng vài cơn gió thoảng qua làm lay động các bụi cỏ lau bên rìa phi đạo và tạo thành âm thanh lao xao liên tục khiến tôi có cảm giác dễ chịu. Tôi được chỉ định về Trung Đoàn 3 Thiết Giáp, mà bộ chỉ huy đóng tại đây, để phục vụ. Những tháng ngày kế tiếp, tôi quay cuồng cùng đơn vị. Từ mờ sáng tới khi trời chập choạng tối, tôi chỉ thấy con đường 14, với rừng và núi. Thời gian sau tôi thường cùng đơn vị di chuyển theo đường 19 từ Qui Nhơn lên. Sau khi vượt qua đèo Măng Jang cao ngất, trước mắt tôi là không gian bao la. Tôi mới cảm thấy được thiên nhiên hùng vĩ của vùng cao nguyên này, đối nghịch với kích thước nhỏ nhoi của con người.


Với độ cao từ 500 tới 1500 mét trên mặt nước biển, cao nguyên trải dài từ Bắc Kontum cho tới Lâm Đồng. Dân cư ở đây thưa thớt với nhiều sắc dân. Nổi bật nhất là người Ra Đê, Gia Rai, Bahna, và Sedang. Trình độ phát triển của các sắc dân này không đồng đều.

Khi Chúa Nguyễn Hoàng trốn chạy chúa Trịnh Kiểm tìm về phương Nam lập đế nghiệp, với lời căn dặn “Hoành Sơn Nhất Đái, Vạn Đại Dung Thân”, nhưng các chúa sau chỉ tạo dựng đế nghiệp quanh những đồng bằng miền duyên hải. Mãi cho tới thời Tây Sơn, vùng cao nguyên này mới có dấu viết lịch sử. Xuất thân từ một nhà buôn, có dịp đi nhiều nơi, một trong những người vợ của ông Nguyễn Nhạc là người Bahna, và đội Tượng Binh nổi tiếng của vua Quang Trung xuất phát từ vùng đất này. Con đường 14 hiện nay có thể mang ít nhiều dấu vết con đường thượng đạo ngày xưa. Khi thống nhất đất nước, nhà Nguyễn chỉ đặt các đạo để cai quản vùng này, mà không có kế hoạch phát triển.

Lúc xâm chiếm nước ta, người Pháp nhận thấy đây là vùng đất nhiều tài nguyên, nên đưa ra chính sách hạn chế người Kinh lên vùng cao nguyên này. Khi người Pháp bị buộc phải trao trả độc lập cho VN thì nhà Nguyễn cũng muốn giữ làm của riêng cho hoàng tộc, với tên gọi Hoàng Triều Cương Thổ.

Cao nguyên này thay đổi một cách toàn diện vào thời Đệ Nhất Cộng Hoà, với tên gọi CAO NGUYÊN TRUNG PHẦN, được phân chia theo các điạ giới hành chánh. Chính quyền đương thời tập trung vào một việc rất quan trọng, là phân bổ lại dân chúng. Với gần một triệu người di cư từ Bắc vào Nam, chính phủ của Tổng Thống Diệm khuyến khích và kêu gọi di dân lên cao nguyên lập nghiệp.

Khởi thuỷ gần 60 ngàn người đã lên vùng này, tập trung sinh sống tại các khu dinh điền rải rác, nhiều nhất ở vùng Ban Mê Thuột và Kontum. Riêng tại Kontum, di dân lập làng quanh thị xã, và trải dài lên phía Bắc. Họ đã lập các làng Ngô Trang, Trung Đạo gần Võ Định, và Diên Bình gần Tân Cảnh. Một vài đơn vị võ trang của giáo phái Hòa Hảo cũng được di chuyển lên đây khi giáo phái này về hợp tác với chính phủ. Ngoài việc an dân, việc làm này còn mang ý nghiã về quốc phòng.

Tôi không biết nhiều về phía Nam cao nguyên, vì tôi chỉ ở cùng một đơn vị Thiết Giáp, luôn hoạt động ở phía Bắc, không kể trận Ban Mê Thuột, diễn ra vào giai đoạn chót của cuộc chiến. Tuy nhiên, vùng Pleiku và Kontum mới là điạ bàn chính trong chiến tranh của vùng cao nguyên. Các cuộc đụng độ lớn giữa ta và VC luôn xảy ra ở đây. Cả Vùng 2 Chiến Thuật có 5 thiết đoàn Kỵ Binh. Trừ hai chi đoàn Thiết Kỵ hoạt đông dưới miền duyên hải, toàn bộ năm thiết đoàn đều nằm trên vùng cao nguyên. Trong đó bốn thiết đoàn bố trí tại Pleiku và Kontum.

Gần như trở thành qui luật, ngoài các trận đánh lẻ tẻ diễn ra suốt năm, vào đầu mùa mưa đều có những trận đánh lớn với sự tham dự của nhiều trung đoàn quân chính qui của CS miền Bắc. Những năm 1965 và 1966, các trận đánh lớn diễn ra ở Đức Cơ, Pleime; năm 1967 ở Dakto; năm 68 Mậu Thân; năm 69 ở Ben Hét; năm 70 ở Dak Seang; năm 71 ở căn cứ 5, căn cứ 6; năm 72 ở Tân Cảnh. Sau những trận đánh này, thương vong của ta thật lớn lao, nhưng tổn thất của lực lượng CS Bắc Việt tăng gấp nhiều lần. Sau trận Ben Het, nhiều cán binh cuả quân CS miền Bắc bị chết nằm rải rác trong rừng, tan rữa chỉ còn bộ xương. Sau trận tại căn cứ 5, các đợt tiếp tế được yêu cầu mang thêm cả những bó nhang, không phải để cúng cô hồn, mà đốt lên để át mùi tử khí!

Nói tới vùng cao nguyên, không thể không nói đến con đường 14. Ngày nay, con đường này chạy từ Chơn Thành, chỗ giáp với Quốc Lộ 13, ra tới Quảng Trị. Nhưng đoạn đường từ Pleiku tới Dakto trong chiến tranh là con đường của xương, máu, và nước mắt. Các Trung Đoàn CS Bắc Việt 95, 28, và 66 thường đóng chốt ngăn chặn giao thông trên đoạn đường này, trước khi mở các trận đánh lớn. Còn thường ngày, từ Pleiku tới Kontum là vùng hoạt động thường xuyên của một đơn vị cấp tiểu đoàn D405? Từ Kontum tới Tân Cảnh là đơn vị C1. Các đơn vị CS này mở các cuộc phục kích nhỏ, bắn sẻ, và nhất là đặt mìn.

Vào năm 1968, đoạn đường này vẫn không có nhiều thay đổi khi so với thời gian trước khi quân Mỹ chính thức tham chiến ở Việt Nam. Chỉ có 1/3 mặt đường được tráng nhựa, 2/3 mặt đường còn lại vẫn là đất đá, vì vậy mìn bẫy luôn là nỗi ám ảnh cho các đơn vị. Quân đội Mỹ luôn xử dụng con đường này để chuyển tiếp liệu từ Pleiku lên các căn cứ phía Bắc. Để tránh bớt thiệt hại khi bị phục kích, Công Binh Mỹ đã cày sới, chặt cây, khai hoang vào hai bên đường, mỗi bên khoảng hơn 100 mét để đoàn “convoi” (đoàn xe hộ tống, tiếng Pháp) có thể di chuyển. Sau khi Thiết Giáp đã mở đường xong, là toán dò mìn đi so le hai bên đường. Phiá sau một đoạn xa là hai chiếc GMC chở đầy đá cục di chuyển dật lùi. Nếu có mìn còn sót lại thì nó sẽ nổ. Công việc thận trọng như vậy mà đôi khi vẫn bị tổn thất vì mìn, do kỹ thuật chôn dấu của VC ngày một tinh vi.

Tôi được nghỉ một ngày khi về trình diện trung đoàn, để chờ chi đoàn đến nhận. Khi về tới chi đoàn, một hai ngày đầu tôi còn bỡ ngỡ, nhưng vài ngày sau, tôi đã bắt kịp mọi việc. Vào thời gian này Trung Đoàn 3 Thiết Giáp được cải danh thành Thiết Đoàn 3 Kỵ Binh. Thiết đoàn chịu trách nhiệm an ninh Quốc Lộ 14 từ Pleiku đến Kontum. Đoạn đường dài khoảng gần 60 cây số. Từ Pleiku tới Dak Doa, đồi dốc thoai thoải, địa thế lý tưởng cho các hoạt động của Thiết Giáp. Từ Dak Doa tới Kontum con đường 14 bị kẹp giữa hai dãy núi, phía Đông là dãy Chu Thoi và phía Tây là dãy Chư Pao, đoạn này dài khoảng 7 cây số. Khi mở đường đến đoạn này, Thiết Giáp chỉ có một khoảng trống rất hẹp để điều động.

Dak Doa cũng là một địa danh đáng được ghi nhớ, vì chính tại địa điểm này, vào năm 1955, Công Binh Việt Nam Cộng Hòa đã mở con đường đi về Quảng Ngãi. Vì chiến tranh, con đường hầu như không bao giờ được xử dụng. Những ngày tháng giữ an ninh trên đoạn đường này, đơn vị của tôi ít gặp mìn bẫy, nhưng vì các đoàn “convoi” của quân đội Mỹ vẫn đi đi về về hàng ngày, do vậy thường xuyên bị phục kích. Các đoàn xe bị tổn thất không nhiều, nhưng lực lượng của CSBV bị tổn thất rất nặng, một phần do sự phản công của Thiết Giáp, một phần do các khẩu đại liên sáu nòng bố trí xen kẽ trong đoàn xe hộ tống.

Đường 14 được nhắc đến nhiều sau này, là do trận chiến đẫm máu diễn ra ở Chư Pao năm 1972... Sau khi đã chiếm được Tân Cảnh, Mặt Trận B3 CSBV dự tính sẽ đánh chiếm Kontum. Muốn vậy phải chặn được viện binh từ Pleiku lên. Chúng đã chọn Chư Pao là điểm chiến lược, vì ngăn chặn được Chư Pao không cho quân đội chính phủ VNCH vượt qua là ngăn chận được lực lượng tiếp viện cho Kontum.

Chư Pao là ngọn đồi cao 1059 mét, nằm trong dãy núi phía Tây. Tại đây, Trung Đoàn 95A CSBV đưa một tiểu đoàn lên tổ chức trận địa. Từ cao điểm này, chúng dễ dàng ngăn chặn đoạn đường 14, nằm kẹp giữa hai dãy núi. Tất cả mọi di chuyển trên đoạn đường đều nằm trong tầm tác xạ của các loại vũ khí bắn thẳng. Lực lượng tăng cường cho Kontum đã phải trả giá rất đắt nơi đây. Về sau, Quân Đoàn II phải mở con đường 14B, lui về phiá Tây, song song với con đường 14, và sau dãy Chư Pao. Từ đây, một chi đoàn của Thiết Đoàn 3 đã xâm nhập vào mật khu cuả Trung Đoàn 95 CSBV. Cán binh CS thì đã chạy hết, nhưng mấy con heo đã làm sẵn thì vẫn còn để lại. Cũng từ đây, Thiết Giáp và Biệt Động Quân đã chiếm được đỉnh Benhet và giải tỏa cho Kontum.

Đầu năm 1969, quân đội Mỹ đã không còn giữ an ninh trên đoạn đường 14 từ Kontum đi Dakto. Vì thế, Thiết Đoàn 14 vừa được thành lập đã lãnh nhiệm vụ an ninh trên đoạn đường này. Ở phía Bắc Kontum, rừng rậm, đồi dốc nhiều, nhiều đường thông thủy cắt ngang quốc lộ. Đặc biệt, trên đường có rất nhiều mìn bẫy. Chỉ qua một đêm trên cùng một đoạn đường có khi khám phá cả chục mìn đủ loại. Đường tuy dài, nhưng có hai đoạn mà nguy hiểm luôn luôn rình rập: từ Kontum đến Ngô Trang, từ Võ Định tới Kon H’ring. Các đơn vị hành quân trong khu vực này luôn chịu tổn thất do bắn sẻ, phục kích, nhưng nhiều nhất do mìn bẫy. Đôi khi đường đã được mở, toán dò mìn đã xong, xe đã di chuyển, nhưng một chiếc trong đoàn xe cán mìn. Kết quả là không một ai sống sót.

Từ Kontum đi Ngô Trang, con đường đi lên một dốc cao của một ngọn đồi. Đó chính là Eo Gió một địa danh quen thuộc của những người lính chiến Kontum. Tại đây, Chi Đoàn 2/14 mất một hạ sĩ quan rất giỏi, bắn súng cối 81 ly không cần ống nhắm, yểm trợ chính xác, và hiệu quả. Sau khi dẹp tan một cuộc phục kích, người hạ sĩ quan này xuống xe lục xoát. Ông tìm được một cán binh CSBV nằm trong bụi rậm. Tay vẫn cầm khẩu súng colt, ông kêu người này đầu hàng. Thay vì làm như vậy, người cán binh này, đã bắn vào ông nguyên một băng AK. Với lòng cuồng tín và thái độ hận thù, tên CS này biến thành kẻ mê muội nên không nhìn thấy đâu là lòng nhân đạo.

Đoạn từ Võ Định tới Kon H’ring, phục kích và bắn sẻ diễn ra thường xuyên. Tại đây, Thiết Đoàn 14 mất một chi đoàn trưởng. Phía Bắc Võ Định không xa có một con suối nhỏ. Qua điểm này, chi đoàn không thể dàn đội hình, mà phải qua từng chiếc một. Thay vì phải để một chi đội giữ bên hông cho chi đoàn đi qua, Nguyễn Văn Âu đã khinh suất, không bố trí an ninh, và di chuyển ngay sau chi đội đầu vừa qua được mấy xe. Chi Đoàn bị lọt ổ phục kích. Truyền thống của chi đoàn này từ xưa đến nay và như thành thói quen, là khi bị phục kích, tất cả đều dàn hàng ngang tiến vào mục tiêu. Âu đã tử thương. Vài ngày sau, tôi được đưa về thay nhiệm vụ của Âu.

Qua đầu năm 1969, Công Binh Hoa Kỳ bắt đầu xây dựng lại đường 14, từ Kontum ngược về hướng Bắc, nhưng chỉ trải nhựa cho tới Tân Cảnh. Công việc vất vả, kéo theo sự mệt nhọc cho cả những đơn vị giữ an ninh. Công việc làm nền móng mất nhiều thời gian, nhưng khi trải nhựa thì nhanh chóng hơn. Trong một ngày có thể trải nhựa tới sáu, bảy cây số. Những người lính Công Binh này làm cho xong việc chứ không làm tới giờ là nghỉ. Một lần trời đã xẫm tối mà Công Binh vẫn làm, tôi nói với người cố vấn Mỹ,

- “Anh nói với Công Binh, nghỉ đi mai làm, lính của tôi mệt mỏi quá rồi.”

Người cố vấn này không nhìn tôi mà nhìn vào khoảng không rồi nói,

- “Đường này của anh, hay của tôi?”

Tôi không thể có câu trả lời.

Người lính Thiết Giáp giữ an ninh trên các trục đường, thoạt nhìn có vẻ thảnh thơi. Nhưng không phải vậy, vì họ ra đi từ mờ sáng, trở về khi mặt trời sắp lặn. Suốt ngày phơi mình dưới nắng, mưa, ăn uống kham khổ. Ngày nào thức ăn cũng toàn thịt ba lát, hoặc cá hộp măng le. Khi về họ còn phải lo xăng nhớt, đạn dược, tu bổ máy móc, còn canh gác, vv...

Vùng phía Bắc cao nguyên này có hai thành phố chính Pleiku và Kontum. Pleiku ở trên độ cao 900 mét. Xế về phía Bắc không xa là Biển Hồ. Đây là miệng núi lửa đã ngưng hoạt động từ rất lâu. Vì vậy, vùng Pleiku đất đỏ, mùa nắng thì bụi mù, mùa mưa thì bẩn. Nơi đây được chọn đặt Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II. Không xa thành phố về phía Nam là núi Hàm Rồng, nơi đặt Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 4 Hoa Kỳ. Pleiku có đủ mọi sắc lính, cả Việt và Mỹ. Thỉnh thoảng, người ta còn bắt gặp những đoàn người thượng đeo gùi đi thành hàng dọc trong phố. Hình ảnh hoà trộn này khiến Pleiku có một chút gì hoang dã, hối hả, và tạm bợ.

Tuy vậy những con người qui tụ về đây vẫn khát khao một chút lãng mạng ở café Dinh Điền, một chút cầu kỳ khi cố lặn lội vào một hẻm sâu để tìm một tô bún bò Huế. Thành phố này còn có Câu Lạc Bộ Phượng Hoàng, nhưng nơi đây không phải nơi đến của những người lính suốt ngày lặn lội trong rừng.

Có một câu nói của giới giang hồ nơi đây, “Cái gì của Pleiku thì phải để lại Pleiku. Mang đi nơi khác, sớm muộn cũng mất.” Đúng sai tới đâu thì chỉ những ai đã lập nghiệp nơi này mới có câu trả lời.

Khác với Pleiku, thành phố Kontum, với dòng sông Dakbla chảy ngược, ở độ cao 500 mét.* Nơi đây có một chút gì như trầm lắng, phảng phất chút khuê các. Giờ tan học, những tà áo trắng trinh nguyên toả ra từ cổng trường, nhưng sau đó không thấy ai lang thang ngoài phố. Thói quen này, có thể ảnh hưởng từ tôn giáo, đã định hình nếp sinh hoạt của dân cư.

Ngược dòng lịch sử vào năm 1851, các linh mục truyền giáo đã có mặt ở thành phố này. Kontum có nhà thờ bằng gỗ nổi tiếng, được xây dựng trong khoảng thời gian đó. Cũng nhờ sự có mặt của các linh mục đạo Thiên Chúa Giáo người ngoại quốc mà vào năm 1861 người BAHNA đã có chữ viết được La Tinh hoá. Không chỉ riêng tại thị xã Kontum, các linh mục còn đi đến cả những vùng xa xôi. Tại một buôn làng gần Dakmot, vào năm 1970 vẫn còn một linh mục già người Pháp sống trong ngôi nhà thờ nhỏ giữa buôn làng người Bahna.

Cao nguyên Trung Phần rộng mênh mông, đất đai mầu mỡ, dân cư thưa thớt, trong khi người thượng sống rải rác trong rừng sâu. Khi tới đây, người Pháp đã hạn chế người kinh sinh sống, độc quyền thành lập các đồn điền với đủ kích cỡ. Riêng tại Pleiku có đồn điền trà KTK dọc theo con đường vào Thanh An. Khi hành quân về phía Nam Đức Cơ, chúng tôi thấy cả một vườn soài rộng lớn, trái trĩu cành mà chẳng ai hái. Sâu hơn nữa về phía Nam là một khu đất bằng phẳng mà sâm mọc như cỏ. Lính tráng rủ nhau đi đào nên xe nào cũng cả bao cát.

Đệ Nhất Cộng Hoà được thành lập, bắt tay vào xây dựng cao nguyên. Người Pháp đã ra đi, nhưng đã để lại nơi đây những cánh hoa biết nói. Những cô gái này có một điểm chung là sống mũi cao, và đôi mắt sáng. Ở vùng Pleiku, các cô được học hành nên nói tiếng Pháp trôi chảy, nhưng ở Kontum, phần nhiều họ làm việc và sống lam lũ. Dù vất vả, họ vẫn giữ được vóc dáng cân đối. Gần làng Ngô Trang có hai cô gái đẹp hàng ngày vẫn đi chăn bò. Khi hành quân qua đây, chúng tôi thường ngồi chờ các cô về, tìm một chút rung động trong lòng để bù vào suốt ngày mưa nắng. Đối diện với làng Trung Đạo gần Võ Định, đi sâu vào con đường mòn, không như một buôn thượng thường có nhà rông, nơi đây chỉ có mấy nóc nhà. Ở đây cũng có hai cô gái, tuy vẫn đeo gùi đi rẫy, nhưng làn da vẫn phơn phớt hồng, và đôi mắt thì đầy mê hoặc.

Cao nguyên núi rừng trùng điệp. Những ai đã từng lạc bước trong rừng sâu, thì hiểu thế nào là sức mạnh của rừng. Tôi có vài lần tăng cường hành quân trong Polei Kleng, đồn trú dài ngày tại Benhet. Buổi chiều lắng xuống, ai nhìn ra chung quanh, thì cũng chỉ thấy một mầu xanh cuả lá, sương mù giăng giăng một màu xa khơi. Nếu ai nhìn chăm chú thì sẽ có cảm giác rừng đang toát ra không khí trầm tĩnh, nhưng đầy bí hiểm.

Mùa Xuân năm 1972, đơn vị đồn trú tại Benhet. Tôi không có bạn bè, cũng chẳng ai viếng thăm. Lúc này, đơn vị bố trí thành một vòng đai rộng. Mấy người lính ở từng xe góp nhau nấu chút đồ ăn mà họ mới gởi mua hôm trước.

Một mình, ngồi cạnh xe chỉ huy, tôi nhìn vệt nắng hắt ngang trước mặt. Mầu nắng vàng buổi chiều dễ làm tôi chạnh lòng. Tôi nghĩ về gia đình, về những ngày tuổi nhỏ, và không thể không nghĩ về những gì đã từng gặp những tháng năm qua. Đã có biết bao cảnh đời bị chìm lấp giữa mịt mù khói lửa chiến tranh.

Trong đơn vị, tôi đã từng gặp người cha của một binh sĩ đã mất. Ông đã lặn lội từ một tỉnh miền Tây ra tới vùng cao nguyên, chỉ mong được nhìn nơi con mình đã sống, gom chút kỷ vật, buồn bã, rồi lầm lũi quay về.

Tôi đôi lúc nghĩ về một đám tang, vào năm 1969. Một sĩ quan của Trung Đoàn 42 tử trận. Chỉ có một quả phụ đội chiếc khăn tang trắng bước sau quan tài. Quang cảnh càng ảm đạm hơn khi trời còn lắc rắc mưa. Chỉ vài tháng sau, tôi tình cờ gặp người thiếu phụ này trong chốn ăn chơi. Chị không biết tôi, nhưng như có linh tính, có một chút khựng lại. Chỉ một thoáng, mọi chuyện lại coi như không. Sự tuyệt vọng đến đâu, để người thiếu phụ này không còn tha thiết đến cuộc đời mình?

Một chút hồi tưởng về vùng đất tuy nhỏ giữa một cao nguyên rộng lớn, nhưng đã có biết bao người đã đi qua và bao người vĩnh viễn nằm lại.

Cao nguyên, bây giờ có thể đã khác, nhưng lẫn trong đất là xương máu của không biết bao người.


* Các sông ở miền Trung VN, xuất phát từ dãy núi Trường Sơn, đa số chảy về hướng Đông, đổ ra biển. Riêng sông Dakbla chảy ngược lại về phía Tây.

Trần Châu Giang, K22/Đa Hiệu 115

Ý kiến cho bài đọc xin nhấn vào đây => (Chút Ký Ức Về Cao Nguyên)

Rate this item
(0 votes)