Print this page

Công Tác Giải Cứu Các Phi Công Hoa Kỳ Bị Bắn Rơi Tại Quảng Trị, Tháng Tư Năm 1972 - Nguyễn Văn Phúc

Posted by May 28, 2019 3757
EB-66C (Bat 21) EB-66C (Bat 21)

(Bài viết đã đăng trong Đặc San Sóng Thần 2008 của Thủy Quân Lục Chiến.)

Lời nói đầu:

Trận chiến Quảng Trị năm 1972 đã được nhiều người viết lại dưới nhiều góc cạnh khác nhau, trong bài viết nầy người viết chỉ ghi lại một biến cố rất ít người quan tâm và biết đến, cuộc giải cứu ba phi công Mỹ bị bắn rớt gần cầu Cam Lộ trong những ngày đầu cuộc chiến. Đây là cuộc giải cứu được coi là tốn kém nhân mạng, nhân dụng (phi cơ) nhất trong cuộc chiến Việt Nam, và nó cũng tạo ra một cuộc tranh luận về việc thất thủ thành phố Quảng Trị.

30 tháng Ba

Thời tiết xấu thật, Thiếu tá Dave Brookbank nói thầm khi ông đang bay trên cao độ ba ngàn bộ, chung quanh chiếc phi cơ quan sát 0-1 dầy đặc các tầng mây, trải dài ra thật xa, quá tầm nhìn. Thật là không khá được, ông cần xuống thấp để quan sát vì có nhiều tin đồn và tin tình báo cho biết quân Bắc Việt đang chuẩn bị tấn công vào tỉnh Quảng Trị. Brookbank tìm thấy một khoảng trống đủ cho phi cơ chui ra khỏi đám mây dầy đặc kia. Phi cơ xuống thấp khoảng một ngàn bộ, ông và người phi công quan sát quân đội miền Nam đang bay ở phía nam, sát vùng phi quân sự, sau khi xác định được vị trí, ông quan sát và nhìn thấy các đường mòn và đường lộ đã và đang được dùng thường xuyên. Nhưng ông muốn tìm pháo binh, pháo binh Bắc Việt, nguyên buổi sáng hôm nay, các vị trí tiền đồn thuộc Sư Đoàn 3 Bộ Binh báo cáo bị địch pháo kích liên tục, ông muốn tìm các khẩu pháo của địch quân, có lẽ để phản pháo, hoặc nếu có thể, gọi phi cơ đến oanh kích.

Và ông nhìn thấy lá cờ, lá cờ thật lớn của Bắc quân treo trên chiếc cột bên kia cầu Bến Hải, ranh giới giữa hai miền Bắc và Nam, thường thì địch quân không dám dầy mặt như ngày hôm nay, chúng có vẽ coi thường các phi cơ quan sát. Ông định bắn quả đạn khói vào ngay cột cờ thì nhìn thấy một tên lính địch đang đứng gần một lùm cây, ông chúi mũi phi cơ, hướng về phía tên lính, hắn vội chạy núp vào các bụi cây, giống như trò chơi cút bắt. Thiếu tá Brookbank mở cửa sổ phòng lái và dùng cây Carbin-15 bắn vào tên địch, ông bắn hết băng đạn và khi đang thay băng đạn mới, tên địch xuất hiện với cây AK, hắn nhắm bắn vào chiếc phi cơ. Ông vội cất cánh bay cao lên và cảm được những viên đạn bay đuổi theo phi cơ, khi đã bay trên cao độ an toàn, ông biết được không phải đạn AK mà là nhiều loạt súng lớn khác bắn vào phi cơ ông.

Khi bay xa về hướng nam, ông nhận thấy nhiều cụm khói bốc lên từ phía bắc vùng phi quân sự, và đồng thời trong hệ thống vô tuyến liên lạc truyền tin sôi động hẳn lên, người phi công quan sát ngồi phía sau báo cho ông biết địch quân đang pháo kích dữ dội vào các căn cứ hỏa lực của quân bạn. Brookbank nhìn vào đồng hồ tay, lúc ấy, đúng 12 giờ trưa ngày 30 tháng 3 năm 1972. Ông và người bạn đang ở đúng vào chỗ và cũng là những chứng nhân của cuộc tổng tấn công của quân đội cộng sản Bắc Việt, tràn xuống vĩ tuyến 17 đánh vào tỉnh Quảng Trị, mở màn cho trận chiến ngày lễ Phục Sinh hay trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa vang danh nầy.

Vào lúc 12 giờ trưa ngày 30-3-1972, cộng sản Bắc Việt tập trung pháo binh từ hai Trung đoàn 38 và 68 pháo binh cộng với Trung đoàn hỏa tiễn 84 đồng loại pháo kích dữ dội vào các căn cứ trong vùng giới tuyến: Carroll, Mai Lộc, Sarge, Holcomb, núi Bá Hộ, Alpha 2, Alpha 4, Charlie 1, Charlie 2, Khe Gió, Fuller, và các căn cứ quân sự tại Đông Hà và Quảng Trị. Ngay lúc ấy cũng là thời gian hai Trung đoàn 2 và 56 trực thuộc Sư đoàn 3 Bộ Binh hoán chuyển vùng, Trung đoàn 56 sẽ đến căn cứ Carroll và hai căn cứ tiền phương Khe Gió và Fuller thay cho Trung đoàn 2, tiểu đoàn đầu từ căn cứ Charlie 2 đến được Khe Gió trước buổi trưa, bộ chỉ huy trung đoàn và các đơn vị tiếp vận vào tới căn cứ Carroll, Tiểu đoàn 1 đang trên đường đến Fuller thì trúng pháo địch, tiểu đoàn này không bao giờ tới Fuller được, tiểu đoàn bị thiệt hại nặng và số quân còn lại chỉ liên lạc được với bộ chỉ huy trung đoàn vào nhiều ngày sau. Sau trận mưa pháo kinh hoàng, Bắc Việt huy động các đơn vị chủ lực thuộc các Sư đoàn 304, 308 cùng với các Trung đoàn biệt lập 31, 246, 270, Trung đoàn đặc công 126 và hai Trung đoàn chiến xa 203, 204 đồng loạt tràn qua khu phi quân sự chia làm bốn mũi tấn công vào các vị trí phía tây và bắc Quảng Trị do các đơn vị thuộc Sư Đoàn 3 và các Tiểu đoàn 4 và 8 Thủy Quân Lục Chiến trấn đóng.

Hai mũi tấn công đầu nhắm vào hai căn cứ Fuller và Cồn Thiên thuộc phạm vi của Trung đoàn 2, mũi tấn công thứ ba vào Trung đoàn 57 tại các căn cứ Alpha 1 và Alpha 2, mũi tấn công thứ tư nhắm vào các căn cứ Sarge, Núi Bá Hộ và Holcomb do hai Tiểu đoàn 4 và 8 TQLC trấn giữ.

Đại pháo của Bắc quân tiếp tục bắn dữ dội vào các căn cứ quân bạn, về phía bắc các vị trí tiền đồn của các căn cứ Alpha 1,2,3 và 4 đã thấy tiền quân địch xuất hiện, tại phía tây các đơn vị của Sư đoàn 308 cũng đang vào vị trí chuẩn bị tấn công căn cứ Sagre và Núi Bá Hộ do những người lính Tiểu đoàn 4 TQLC giữ, tại Holcomb (chỉ có hai đại đội của Tiểu đoàn 8 TQLC) quân địch đang mở những cuộc tấn công vào căn cứ.

Lúc ba giờ chiều, cộng quân tấn công Núi Bá Hộ, những người lính mũ xanh chống trả một cách mãnh liệt nhưng vì thời tiết quá xấu, các phi cơ không thể lên vùng yểm trợ nên các vị trí tiền đồn bị mất dần, đến chiều tối, cộng quân đã có mặt ở ngoài vòng rào kẽm gai phòng thủ.

Vào lúc 8 giờ tối, một phi cơ Hỏa Long bay đến yểm trợ cho Sarge và Núi Bá Hộ nhưng vì sương mù, chiếc phi cơ này không thấy được vị trí chính xác của quân bạn nên đành phải bay trở về.

Trong ngày này cộng quân đã bắn mười một ngàn quả đại pháo vào các căn cứ và các làng mạc gây kinh hoàng cho những người dân Quảng Trị.

Ngày 31-3

Cộng quân tiếp tục pháo kích và tấn công dữ dội hơn, các đơn vị của Sư Đoàn 3 và TQLC chạm địch liên tục, các căn cứ bộ binh liên tục bị pháo kích, trinh sát và đặc công địch đã tiến sát các vị trí phòng thủ ở Alpha 1,2,3,4 và Charlie 1, 2 dọn đường cho các đơn vị chính quy tấn công dứt điểm, hỏa tiễn 122 ly và đại pháo 130 ly bắn không thương tiếc vào làng mạc, thôn xóm chung quanh căn cứ. Ngoài quốc lộ 1 và 9 dân chúng lo bồng bế dẫn nhau chạy về hướng nam lánh nạn nhưng đường quốc lộ cũng là nơi chuyển quân và là những vị trí mà Bắc quân cần phải tàn phá, những người dân chạy nạn Gio Linh, Cam Lộ và Đông Hà bị trúng đại pháo 130 ly và hỏa tiễn 122 ly chết và bị thương vô số kể.

Những người lính mũ xanh tại hai căn cứ Núi Bá Hộ và Sarge vẫn cố gắng chống trả những đợt tấn công liên tục của cộng quân nhưng vì thiếu phi cơ oanh kích và pháo binh yểm trợ nên cộng quân đã tiến sát vào căn cứ. Lúc mười giờ tối, Thiếu tá Hòa, chỉ huy cánh B cho lịnh rút khỏi Núi Bá Hộ, cộng quân tập trung quân chuẩn bị tấn công tràn ngập Sarge.

1 tháng Tư

Lúc ba giờ sáng, sau khi chịu đựng những trận pháo kích khủng khiếp và những đợt tấn công biển người của cộng quân, Thiếu tá Quang ra lệnh cho cánh A rời khỏi Sarge và rút quân hướng về căn cứ Mai Lộc. Vào lúc tám giờ sáng, tất cả các căn cứ thuộc Sư Đoàn 3 đều chạm địch và có nguy cơ thất thủ, các cố vấn được lệnh di tản khỏi các căn cứ tiền phương. Khoảng 10 giờ 45 sáng căn cứ Cồn Thiên được lịnh di tản, 2 giờ 30 Holcomb rơi vào tay giặc, 2 giờ 50 những người lính bộ binh triệt thoái khỏi Alpha 2, Fuller, Khe Gió. Vào cuối ngày, các căn cứ còn lại cũng rút đi, cuộc triệt thoái được coi như tốt đẹp, công binh được lệnh đặc chất nổ vào các cây cầu chiến lược, nếu cần thiết sẽ giật sập. Nhưng các khẩu súng 105 ly và 155 ly ở Alpha-2 và Charlie-1 đã không được mang theo. Trong ngày nầy, mười một căn cứ quan trọng bị mất, hai căn cứ hỏa lực cuối cùng, Carroll và Mai Lộc bị pháo kích khủng khiếp và có lẽ sẽ bị tấn công.

Đệ Thất Không Quân Hoa Kỳ bắt đầu phản ứng về tình hình chiến thuật tại vùng phi quân sự, tối hôm ấy họ thông báo cho Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 tại Ái Tử biết họ sẽ cung cấp cho hai mươi lăm phi vụ Skyspots và bảy phi vụ B-52 mỗi ngày, các phi cơ quan sát cũng được tăng cường thêm cho Sư Đoàn 3, Phi đoàn 20 TASS (Tactical Air Support Squadron- Phi đoàn Không Yểm Chiến Đấu) sẽ có những phi cơ chia làm nhiều phi vụ cho 42 giờ mỗi ngày trong vùng hoạt động của Sư Đoàn 3. Các phi cơ quan sát Việt Nam Cộng Hòa vẫn tiếp tục nhiệm vụ của họ, bay chỉ dẫn các phi cơ miền Nam oanh kích địch. Phi đoàn 35 Tactical Fighter- Khu Trục Chiến Đấu từ Kunsan, Đại Hàn sẽ có mặt ở phi trường Udorn, Thái Lan vào ngày 3-4.

Vào buổi chiều, Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai tổ chức lại việc phòng thủ, sông Miêu Giang – Cam Lộ sẽ được dùng như các chướng ngại vật thiên nhiên, các đơn vị thuộc Sư Đoàn 3 sẽ rút về hướng nam bên bờ nam con sông. Các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân sẽ trách nhiệm phía đông từ bờ biển vào trong khoảng năm cây số, tiếp đến Trung đoàn 57 sẽ trải quân đến Đông Hà, Lữ đoàn 1 Kỵ Binh sẽ phòng thủ thành phố Quảng Trị và vùng phụ cận. Phía trái của Lữ đoàn sẽ do Trung đoàn 2 đảm trách đến tận Cam Lộ, Trung đoàn 56 chịu trách nhiệm giữ căn cứ Carroll. Hướng nam và quay mặt về phía tây là các tiểu đoàn TQLC, họ cũng chịu trách nhiệm giữ hướng nam căn cứ Pedro và giữ an ninh cho Ái Tử, căn cứ nầy sẽ được dùng như bộ tư lệnh tiền phương của Sư Đoàn 3 vì bộ tư lệnh sư đoàn đã rút về Cổ Thành từ sáng sớm.

2 tháng Tư

Vào ngày lễ Phục Sinh, công việc phòng thủ của sư đoàn có vẽ được ổn định, chỉ trừ một số lính thất lạc và các thành phần đoạn hậu, phần lớn các đơn vị đã rút về bên nầy sông. Nhìn vào cái bề ngoài dễ bị lầm lẫn nầy, nhiều sự việc sắp sửa xảy ra sẽ làm thay đổi cuộc diện của toàn bộ cuộc chiến, ngày nầy cũng là ngày định mệnh cho nhiều người chiến đấu dưới chiến địa hay trên không trung. Thời tiết vẫn tồi tệ, trần mây thấp làm cho các phi cơ oanh kích không thấy rõ được mục tiêu, việc oanh kích vì vậy bị giới hạn và kết quả không được chính xác cho lắm, tuy vậy không yểm đã gây cho địch quân nhiều thiệt hại.

Một tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung đoàn 57 đang di chuyển trên quốc lộ 1 hướng về Đông Hà, và một thành phần của Trung đoàn 2 vẫn còn ở phía tây bên bờ bắc con sông Cam Lộ, họ là các toán quân đoạn hậu, nhưng họ cũng đang bị chận đánh và có nguy cơ bị bao vây.

Vào khoảng chín giờ sáng, các quân nhân thuộc Trung đoàn 57 báo cáo nhìn thấy chiến xa địch trên quốc lộ 1 gần căn cứ Charlie 2 đã bị bỏ ngõ, hải pháo từ các tàu chiến ngoài khơi được bắn vào đoàn chiến xa nầy, các phi cơ oanh kích cũng được gọi đến tuy nhiên vì thời tiết xấu nên nhiều phi vụ phải bị hủy bỏ. Lúc nầy các vị chỉ huy miền Nam đã bắt đầu nhận định được ý định của Bắc quân đánh thẳng xuống quốc lộ 1 nhằm chiếm lấy Đông Hà và thành phố Quảng Trị. Các đơn vị thuộc Trung đoàn 57 bắt đầu rút về Đông Hà, Tiểu đoàn 3 TQLC và Thiết đoàn 20 Chiến Xa (chỉ có một tiểu đoàn) đã chuẩn bị phòng thủ thị trấn nầy. Hai cây cầu xe lửa và cầu bộ hành được coi là quan trọng. Phía tây, các người lính cuối cùng thuộc Trung đoàn 2 cũng đã vượt qua cầu Cam Lộ, tuy vậy cây cầu đã không được phá hủy vì địch quân đã ở sát phía sau lưng họ, cây cầu được bảo vệ bởi các khẩu pháo tại căn cứ hỏa lực Carroll, nhưng Carroll đang hứng chịu các cơn mưa pháo tàn bạo của địch quân, tại phía nam căn cứ hỏa lực Mai Lộc cũng đang bị pháo kích dữ dội, cuộc tấn công của Bắc quân vào hai căn cứ này sắp sửa bắt đầu.

Trên không trung, cuộc chiến cũng bắt đầu mãnh liệt, lúc 2 giờ 30 phút, một máy bay quan sát O-2 thuộc Phi đoàn 20 Không Yểm Chiến Đấu bị trúng đạn phòng không gần vùng phi quân sự, phi cơ bị phát hỏa và làm cho quay vòng. Trung úy Richard Abbott phải leo ra ngoài cửa sổ phòng lái để nhảy ra khỏi phi cơ. Ông bị gãy tay nhưng may mắn vì phi cơ lúc ấy bay ra phía bờ biển, ông được các nhân viên cấp cứu hải quân trên tàu USS Hamner vớt.

Để giải tỏa bớt áp lực của địch quân, các phi vụ oanh kích theo lối Skyspot hoặc Loran (bom được thả bằng hệ thống điều khiển bằng ra-da) được dự định thả quanh căn cứ Carroll, nhưng vì thời tiết tương đối khả quan, phi vụ bị hủy bỏ, thay vào đó các chiếc khu trục sẽ được gọi đến, một chiếc phi cơ quan sát O-2 lên vùng, họ liên lạc và chuẩn bị cho các phi cơ đến oanh kích và rồi thời tiết lại trở nên tồi tệ, trần mây quá thấp nên phi vụ nầy cũng bị hủy bỏ, chiếc phi cơ quan sát chuyển hướng sang việc tìm kiếm các vị trí đặt pháo của địch quân. Nguyên một buổi sáng, căn cứ Carroll liên tục bị pháo, địch quân cũng mở nhiều cuộc tấn công thăm dò các vị trí phòng thủ tiền đồn, họ thử sức chiến đấu của các người lính trong căn cứ nầy. Nhưng trưa hôm ấy, với nhiều lý do chưa giải thích được, Trung tá Phạm Văn Đính, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 đầu hàng địch quân. Việc nầy làm cho hơn một ngàn người lính trong Carroll trở thành hàng binh và hai mươi hai khẩu súng pháo binh cũng rơi vào tay giặc, và nó cũng tạo một lỗ trống lớn cho việc phòng thủ Quảng Trị, cây cầu quan trọng Cam Lộ nay không còn được bảo vệ.

Hai viên cố vấn, Trung tá Bill Camper và Thiếu tá Joe Brown cùng một ít quân nhân thuộc Trung đoàn 56 vượt hàng rào kẽm gai phòng thủ, họ liên lạc và được trực thăng CH-47 Lục Quân Hoa Kỳ cứu thoát.

Trong khi ấy, tại căn cứ Mai Lộc, cộng quân pháo kích liên tục vào căn cứ, có nhiều dấu hiệu cho thấy địch quân sắp sửa tấn công, khi biết căn cứ Carroll rơi vào tay địch, Trung tá Nguyễn Năng Bảo, Lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 147 nhận thấy rõ ba mặt bắc, tây và nam căn cứ nay không còn quân bạn, ông quyết địch rút quân để bảo toàn lực lượng. Cuộc lui quân về thành phố Quảng Trị diễn ra tốt đẹp, trước khi di chuyển, các khẩu pháo được bắn hết đạn và được phá hủy không để rơi vào tay giặc.

Cùng thời gian ấy, các người lính thuộc Trung đoàn 57 cũng vượt qua được bên nầy cầu Đông Hà với địch quân truy kích sau lưng, cầu Đông Hà được công binh gài chất nổ trước đó. Lúc 1 giờ 30 phút, phía bắc cây cầu được oanh kích bằng lối Skyspot và bị hư hại, tuy vậy cây cầu vẫn còn xử dụng được. Trong lúc các người lính Tiểu đoàn 3 TQLC và Thiết Đoàn 20 Chiến Xa kịch chiến với địch quân, hai viên cố vấn Mỹ, Thiếu tá John Smock và Đại úy John W. Ripley cố gắng gắn thêm các ngòi nổ ở phía nam cây cầu, cuối cùng chiếc cầu được phá hủy, cuộc tấn công của Bắc quân tạm thời bị chận đứng.

Khi các làn khói bay đi, thời tiết cũng bắt đầu khá hơn, phi cơ quan sát trực thuộc Sư Đoàn 3 lên vùng, họ quan sát thấy nhiều chiến xa địch vẫn còn nằm tại bờ bắc con sông, các phản lực cơ A-1 thuộc phi đoàn 518 (từ Biên Hòa, tăng phái cho vùng hỏa tuyến) từ Đà Nẵng được gọi đến. Trong vòng một giờ, sáu phi đội thay nhau tấn công oanh kích vào các chiến xa và quân lính Bắc Việt, khoảng hai mươi chiến xa bị phá hủy và nhiều địch quân bị thương vong. Một chiếc Skyraider bị hỏa tiễn tầm nhiệt bắn trúng, phi công cố gắng lái tàu về phía nam trước khi nhảy dù ra khỏi phi cơ, nhưng gió lại thổi từ hướng nam, nên chiếc dù bị gió đưa về phương bắc. Những người lính Sói Biển và các người lính Kỵ Binh bó tay nhìn người bạn phi công bị địch bắt sống.

Đường xuôi nam về quốc lộ 1 bị chận đứng tại Đông Hà, cầu Cam Lộ là chiếc cầu duy nhất còn lại cho con đường chuyển quân về Quảng Trị của cộng quân. Tối hôm ấy, các người lính Mũ Xanh nghe tiếng động cơ của xe tăng địch di chuyển về hướng Cam Lộ. Họ chưa biết chuyện gì đã xảy ra tại Carroll với Trung đoàn 56, nhưng với các tàu chiến hải quân Hoa Kỳ đang ở ngoài khơi, Đại úy Ripley gọi xin được yểm trợ hải pháo, thêm nhiều chiến xa địch bị tiêu diệt trước khi đoàn chiến xa nầy vượt khỏi tầm súng từ các chiến hạm.

Với việc mất Carroll, cây cầu Cam Lộ cần được phá hủy, Thiết đoàn 20 Chiến Xa dàn mỏng ra phía tây tới cầu Cam Lộ trong khi chờ đợi Trung đoàn 2 củng cố lại vị trí và trám vào các lỗ hổng do việc đầu hàng của Trung đoàn 56. Cầu Cam Lộ có thể chịu đựng sáu mươi tấn, chắc chắn địch quân sẽ dùng cây cầu để điều động các chiến xa tiến về thành phố Quảng Trị, Thiếu tá Brookbank lạc quan cây cầu sẽ được giội bom phá hủy, nhưng một sự việc quan trọng sắp sửa xảy ra sẽ làm thay đổi hoàn toàn những ý định của những người điều quân.

Trong lúc trận chiến đang tiếp diễn, trên không trung ba chiếc B-52 đang trên đường đến giội bom một khu vực tập trung quân của địch quân cách tây bắc căn cứ Carroll vài cây số, khu vực nầy đang được Bắc quân đem các vũ khí và hỏa tiễn phòng không vào. Tuy phi cơ B-52 được trang bị hệ thống máy vô tuyến với nhiệm vụ làm tê liệt và đánh phá các hệ thống tín hiệu ra-da của giàn hỏa tiễn phòng không, nhưng vì tin tình báo cho biết Bắc Việt có rất nhiều phòng không và các giàn ra-da trang bị hỏa tiễn tầm nhiệt nên các chiếc B-52 được hai chiếc EB-66, tên phi vụ Bat 21 và Bat 22, bay dẫn đường. Chiếc EB-66C (Bat 21), được trang bị giàn an-ten dò tìm các vị trí hỏa tiễn SAM, nếu cần thiết các an-ten nầy sẽ phá hư các làn sóng tín hiệu của giàn hỏa tiễn phòng không, phi hành đoàn gồm một phi công chính, một sĩ quan phi hành và bốn sĩ quan chuyên viên chiến tranh điện tử. Chiếc EB-66E (Bat 22), trang bị bộ máy phá sóng làm hư các làn sóng dàn ra-da phóng hỏa tiễn, chiếc này ngoài hai viên phi công chỉ có một sĩ quan chuyên viên chiến tranh điện tử. Trưa nay, các chiếc B-52 và EB-66 được tháp tùng bởi hai chiếc F-4 (tên phi vụ Cain 1 và 2), lo bảo vệ và đề phòng, nếu cần sẽ kịch chiến với các chiếc Mig và hai chiếc F-105G (tên phi vụ Coy 1 và 2).




Trên đường bay đến mục tiêu, các phi công nhận được tin các giàn an-ten của địch đã biết được họ đang trên đường bay và đang cố gắng dò tìm họ. Gần phía tây Khe Sanh, giàn hỏa tiễn SA-2 phóng lên bốn hỏa tiễn, nhưng bị các máy dò tìm hỏa tiễn trên phi cơ làm chệt hướng, bốn chiếc hỏa tiễn nầy phát nổ trên không trung giữa chiếc Bat 22 và các pháo đài bay B-52. Vài phút sau, từ hướng tây, thêm sáu chiếc hỏa tiễn được bắn lên từ các giàn phóng khác, hai chiếc EB-66 liền phát ra hệ thống làm rối loạn các giàn phóng hỏa tiễn để địch quân không thể điều khiển, nhắm bắn vào đoàn phi cơ đang bay vào mục tiêu. Các pháo đài bay B-52 thả bom xuống mục tiêu và cũng tránh được các hỏa tiễn, cùng lúc các giàn phòng không 100-ly cũng bắn vào các phi cơ, hai chiếc F-105G lập tức bay vòng lại và bắn hỏa tiễn vào vị trí đặt súng phòng không nầy.

Sau cuộc không tập, đoàn phi cơ rẽ về hướng mặt để rời khỏi mục tiêu, nhưng phía tây bắc, bên trên khu phi quân sự, thêm một giàn ra-da đang dò tìm đoàn phi cơ nầy. Chiếc Bat 21 bay dẫn đầu, nó đang bay giữa giàn ra-da và các chiếc phi cơ, giàn ra-da nầy bắn lên ba hỏa tiễn nhắm thẳng vào đoàn phi cơ, một trong các sĩ quan điện tử trên chiếc Bat 21 cũng dò ra giàn ra-da khác đang phóng hỏa tiễn lên, ông báo động cho toàn bộ phi cơ. Đồng thời chiếc Bat 21 cũng làm nhiễu sóng điện tử, và phi công hướng chiếc phi cơ về phía mặt, viên sĩ quan phụ trách phần điện tử gọi báo lái phi cơ về phía trái. Người phi công cố gắng đem ngược phi cơ về hướng trái nhưng đã trễ, chiếc hỏa tiễn đâm mạnh vào giữa máy bay, chiếc Bat 21 bị bốc cháy. Các chiếc phi cơ còn lại thoát khỏi hàng rào hỏa tiễn hung hãn nầy.

Trung tá Icea Hambleton, ngồi phía sau lưng phi công (chiếc EB- 66C không có vị trí ngồi kế bên cho phi công phụ), khi hỏa tiễn trúng vào phía bên hông sau lưng ghế ngồi của Hambleton, nó làm cho hệ thống liên lạc trong máy bay bị hư, và chiếc phi cơ không còn điều khiển được nữa. Viên phi công dùng thủ hiệu cho Hambleton bấm nút tống ra khỏi máy bay, khi vừa bị bắn ra khỏi máy bay, Hambleton nhìn xuống và thấy viên phi công cũng đang nhìn lên ông, vài giây sau, ông nghe một tiếng nổ thật to, sau nầy ông nghĩ rằng có thể chiếc máy bay phát nổ hoặc nó bị trúng thêm một hỏa tiễn nữa (phi công Thiếu tá Wayne Bolte và bốn viên sĩ quan chuyên viên về chiến tranh điện tử hai Trung tá Anthony Giannangeli, Charles Levis, Thiếu tá Henry Serex và Trung úy Robin Gatwood tử trận).


Lt. Col. Icheal "Gene" Hambleton (Bat 21 Bravo), who was shot down on April 2, 1972 and evaded capture for 11 1/2 days behind enemy lines during the Vietnam War. He was finally rescued by Navy SEAL Thomas R. Norris and ARVN Petty Officer Third Class Nguyen Van Kiet. During the rescue operation, four aircraft were shot down resulting in the deaths of 11-15 airmen and the capture of two more. (pics: https://wikipedia.org/)

Thiếu tá Jimmy Kempton dẫn bốn chiếc F-4 bay một phi vụ giội bom sát phía nam vùng phi quân sự nhận được tin hỏa tiễn SAM trong vùng, ông có ý định dàn rộng đội hình thì nghe trong hệ thống liên lạc báo động có hỏa tiễn SAM. Ông nhìn thấy nhiều hỏa tiễn bay vọt lên trước mặt ông khoảng hai dặm, và ông hiểu rằng các chiếc hỏa tiễn nầy không nhắm vào các chiếc F-4. Khi ông ngó theo thì thấy một trong các hỏa tiễn nầy đâm vào một chiếc phi cơ trên độ cao hơn, ông vội báo cáo cho chiếc King 22 (chiếc chỉ huy và điều khiển các phi cơ bay cấp cứu các phi cơ, phi công lâm nạn).
 
Đọc tiếp...
Rate this item
(0 votes)

Posted by dnchau