Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

AF Echo

(Unclock the door to your mind before opening the door to the world – John Lipepa)

 

Trong các cuộc chiến tranh của nhân loại, thì trận đánh vỏn vẹn có  6 ngày của Do Thái với khối Ả Rập: Từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 6 năm 1967, đáng được liệt vào trận đánh cực kỳ ngắn nhưng thắng huy hoàng cổ kim chưa từng thấy.

Trận đánh quá chênh lệch giữa Do Thái và các nước khổng lồ cận kề biên giới là Egypt, Jordan and Syria bao gồm luôn binh sĩ và vũ khí của cả 6 nước khác trong khối  Ả  Rập là: Iraq, Saudi Arabia, Sudan, Tunisa, Morroco và Algeria. Cuộc dàn trận của khối Ả Rập lớn đến độ ai cũng tin là Do Thái khó lòng tránh khỏi bị nghiền nát. Chỉ riêng trên bán đảo Sinai,  Ai Cập dàn ra cả 1000 chiến xa với 100,000 tinh binh tiến về biên giới Do Thái. Bước đầu tiên Ai Cập đóng cửa cảng quốc tế Traits of Tiran. Ngay cả Mỹ tuy ngả về phía Do Thái nhưng vì không muốn mất lòng những nước đang có tiềm năng dầu hoả, và cũng không muốn họ ngả theo Cộng sản, nên đã tuyên bố đứng ra ngoài vòng tranh chấp hai bên.

Có nhiều yếu tố tổng hợp đã đưa tới chiến thắng, nhưng gói ghém trong vài trang giấy chúng ta chỉ ghi chú những thú vị của trận đánh chính cùng quan tâm đến gián điệp và  kỹ thuật dọ thám nghe lén điện tử vô tuyến điện như đã đề cập trong kỳ vừa rồi.

 

image003
Để dễ dàng cho bạn đọc nhận biết bản đồ phiá trên, xin được cắt nghĩa  màu hồng là lãnh thổ của Do Thái trước ngày 5/6/1967, và màu đỏ là vùng đất trở thành lãnh thổ của Do Thái sau cuộc chiến 6 ngày.

Hoàn tất cuộc chiến tranh 6 ngày,  Do Thái đã nới rộng được lãnh thổ của mình từ 20,250 mét vuông lên đến 88,000 mét vuông tức gấp 4.3 lần; Phía Tây lấy được quyền kiểm soát luôn Sinai Peninsula, bao gồm cả Đông ngạn của sông đào Suez tức là bán đảo Sinai và dãy Gaza Strip của Ai Cập. Phía Đông-Nam chiếm cứ được West Bank của Jordan và Đông-Bắc lấy được cao nguyên chiến lược là Golan Heights của Syria và quan trọng hơn cả là chỉ qua một đêm, đã lấy trọn vẹn Jerusalem, biến thành thủ đô của riêng mình. Mặc dầu có sự liên tục phản đối từ các quốc gia lớn và cho dù có cả Liên Hiệp Quốc gởi công hàm đòi hỏi Do Thái lui về biên giới, nhưng Do Thái cứ tảng lờ, kết quả cuộc chiến tranh 6 ngày là thay đổi cả bản đồ và mốc cắm ranh giới các quốc gia Trung Đông cho đến bây giờ.

Trước cuộc chiến, báo chí phương Tây cho rằng chính khối Ả Rập đang khởi động cuộc chiến tranh để nghiền nát Do Thái. Tại Newyork báo chí đăng tải:

“Vào 10 giờ tối ngày 16 tháng 5 năm 1967, viên chỉ huy của Lực Lượng Can Thiệp  Cấp Thời Liên Hiệp Quốc[1], ông Indar Jit Rikhye đã nhận tận tay lá thơ của Tướng Mohammed Fawzy, Tham Mưu Trưởng của Khối Cộng Hoà Ả Rập (U.A.R[2]) viết rằng: “Kính báo cho ông biết, tôi đã ra lịnh cho toàn bộ quân đội tôi sẵn sàng để tấn công Do Thái. Quân đội liên minh Ả Rập đã tập trung tại Sinai và Đông ngạn. Vì sự an toàn của đội quân Liên Hiệp Quốc, tôi yêu cầu ông ra lịnh những toán quân của ông ra khỏi khu vực ngay lập tức.” Tin tức này được ông Rikhye chuyển về cho Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) bấy giờ là ông U Thant và sau đó quân LHQ dưới áp lực cuả cả hai bên, đã rút khỏi bằng đường không và đường biển”.

Phần Do Thái vẫn vẫn dấu mình trong vỏ kén, tỏ ra không có chút gì chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh cả.

Vài giờ trước cuộc chiến, Yitzhak Rabin, Tham mưu trưởng liên quân của Irael còn nói câu: “Tôi không có tin rằng Nasser muốn khởi sự chiến tranh. Hai quân đoàn mà ông ta đã gởi ra tuyến Sinai vào ngày 14 tháng 5, theo tôi không đủ đánh Do Thái chúng tôi. Nasser và phía bên này chúng tôi cũng biết điều đó mà.”

Vài tiếng đồng hồ sau đó, ban tham mưu của Do Thái mới lộ ra những dấu hiệu đang chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chắc chắn sẽ xảy ra.

Nhưng thực ra Do Thái mới là quốc gia khởi động cuộc chiến đầu tiên vì những biến cố sau đây:
1.Golan Heights: nằm trong lãnh thổ Syria là một vùng cao nguyên chiến lược nhìn thẳng xuống lãnh thổ Do Thái. Nơi đây, quân Syria có thể quan sát và thường xuyên nả trọng pháo quấy phá vùng biên giới. Syria cũng thừa hiểu tầm quan trọng của cao nguyên Golan Heights, nên bố trí cực kỳ kỹ lưỡng với địa hào hiểm trở, đã từng làm cho các tiểu đoàn thiện chiến Do Thái thiệt hại nặng nề. Cho đến khi người điệp viên lỗi lạc của Do Thái là Ali Cohen[3], với trí nhớ tuyệt luân, khi đi thăm cổ động binh sĩ phòng thủ cao nguyên Golan Heights của Syria, đã thuộc lòng từng vị trí phòng thủ và cách bố trí của tuyến đầu. Ali Cohen chuyển vô số những tin tức quý giá về tuyến phòng thủ này cho Do Thái trước khi bị bắt, vì thế Do Thái phải đánh tiến đánh cao nguyên Golan Heights trước khi các vị trí phòng thủ này thay đổi.
2.MiG-21: Ngày 16/08/1966 Cơ quan điệp báo Mossad của Do Thái đã thành công ngoạn mục trong việc lấy được nguyên vẹn chiếc máy bay MIG-21. Phải nói bấy giờ loại máy bay MiG-21 này của Liên Xô là loại chiến đấu cơ siêu đẳng nhất của thế giới, lần đầu tiên dùng kỹ thuật hai cánh lái phía sau, bay với tốc độ Mach 2 (gấp hai lần tốc độ âm thanh) thu ngắn khoảng cách bay bọc vòng, để khi không chiến, có thể làm chủ bầu trời nhanh chóng. Những nhà khoa học Do Thái tận lực nghiên cứu cơ chế chuyển động, của chiếc MiG-21 ngày đêm trong 2 tuần lễ, trước khi bàn giao lại cho Mỹ, để trao đổi kỹ thuật điệp báo khác. Những nhà khoa học Do Thái đã chứng minh được khả năng nghiên cứu, hợp tác, huấn luyện tuyệt vời của họ. Ngày 7/4/1967 qua một biến cố nhỏ đụng độ xảy ra tại Golan Heights, đã xảy ra cuộc không chiến hai bên. Do thái dùng loại máy bay Dassaut Mirage III, trong trận không chiến này đã hạ luôn một lượt 6 chiếc MiG-21 của Syria. Huy hoàng đến nỗi Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ bấy giờ là ông Robert McNamara đã phải công khai lên tiếng khen ngợi[4] .  Do Thái lấy được MiG-21 đã góp phần không nhỏ vào cuộc chiến tranh 6 ngày. Thứ nhất: Chuyển giao chiếc máy bay MIG-21 này sang cho Mỹ để đổi lại việc được phép dùng vệ tinh viễn thám của Mỹ. Thứ hai là làm chủ được toàn thể không phận nội trong ngày đầu của trận chiến 6 ngày.
3.Các hiệp ước:  Sự hổ tương đã ký kết giữa Ai Cập và các nước lân cận Do Thái, làm Do Thái phải lo sợ vì Tổng Thống bấy giờ Tổng thống Ai Cập là Gamal Abdel Nasser  càng lúc càng tạo nhiều uy tín và có đường lối khéo léo đoàn kết khối Hồi Giáo để tổng hợp sức mạnh cho khối Ả Rập vì thế, Do Thái phải đánh trước khi khối Ả Rập hùng mạnh.

 

Diễn Tiến Trận Chiến

Ngày 1 (June 5, 1967): Ngay ngày đầu tiên của trận chiến, Do Thái đã tiêu diệt toàn bộ lực lượng không quân của Ai Cập. Cùng ngày này Jordan, Syria và Iraq đã tấn công một lượt vào Do Thái.
Ngày 2 ( June 6, 1967): Trận chiến khốc liệt ở những tuyến đầu. Quân đội Do Thái  đánh bọc từ tuyến sau lưng, phá huỷ tiếp tế và chiếm giữ những vị trí trọng yếu.
Ngày 3 (June 7, 1967): Do Thái trong đêm đã lấy toàn bộ Jerusalem từ tay người Palestines, đồng thời phá vỡ được tuyến chận Straits of Tiran của quân đội Ai Cập.
Ngày 4 (June 8, 1967): Sau 4 ngày chiến đấu không nghỉ, đạo quân của Do Thái đã lấy được West Bank từ tay Jordan.
Ngày 5 (June 9, 1967): Quân Do Thái đổ từng giọt máu trên từng vị trí của cao nguyên Golan, trận chiến hai bên Do Thái và Syria vẫn chưa ngã ngũ.
Ngày 6 (June 10, 1967): Quân đội Do Thái đã làm chủ được cao nguyên Golan Heights.

 

Biến cố Tàu USS Liberty:[5]

Trong suốt trận chiến có lẽ biến cố tàu USS Liberty của Mỹ bị hạ bởi Do Thái là biến cố cho chúng ta thấy Do Thái không những đã tận dụng được khả năng của viễn thám vô tuyến điện, mà còn cho chúng ta thấy Do Thái còn có khả năng tìm được nơi phá sóng của họ một cách tài tình nhất.

Ngày 8/06/1967, tức là ngày thứ 4 của trận đánh 6 ngày với khối Ả Rập, lúc 2 giờ chiều, Do Thái đã dùng không lực và ngư lôi hạm hạ chiếc tàu viễn thám tình báo của Mỹ là USS Liberty đang đậu ngoài hải phận quốc tế của Sinai Peninsula. Vị trí của tàu bấy giờ  khoảng 25.5 dặm (47.2 Km) về phía Tây Bắc thành phố Irish của Ai cập. Kết quả: 34 thủy thủ đoàn bị chết, 171 thủy thủ khác bị thương. Toàn thể tàu USS Liberty tưởng rằng sẽ chìm sâu xuống lòng biển vì vết thủng quá lớn.

Có nhiều nghi vấn về biến cố này. Một số điều tra viên cao cấp cho rằng cho rằng Do Thái lầm lẫn, lịnh lạc không thống nhất. Nhưng một số nhân viên cao cấp trực tiếp chỉ huy con tàu Liberty  lại  quả quyết là Do Thái chủ định rõ ràng. Có một điều người ta đã biết chắc chắn là đây là một biến cố nghiêm trọng độc nhất cho đến nay mà Quốc Hội Hoa Kỳ đã bỏ qua, để dìm lắng mà không điều tra tới nơi tới chốn.

Chắc chắn rằng có một sự đổi chác giữa hai bên mà giá trị phải xứng đáng đồng tiền bát gạo, hay nói một cách khác đi là giá trị những chi tiết về kỹ thuật viễn thám của Do Thái đã vượt qua giá trị toàn bộ con tàu viễn thám tình báo USS Liberty.

image004

Hình: USS Liberty sau khi bị tapi

 

Phi tuần đầu tiên đánh tàu USS Liberty gồm 2 chiếc Mirrage IIIs, bắn xuống tàu bằng đại bác, rockets và thả những quả bom theo sau đó là phi tuần thứ hai, gồm 2 chiếc Dassaut Mysteres mang bom Napalm phá huỷ. Một trong quả bom lân tinh khốc liệt này làm tê liệt toàn thể con tàu. Ngay sau đó, 3 tàu khinh tốc đỉnh của Do Thái từ góc 135° với tàu Liberty phóng đến với tốc độ 30 knots (56Km/h) đã tung ra một loạt đại pháo và phóng luôn 5 thuỷ lôi vào tàu Liberty, một trái trúng ngay vào hông tàu tạo ra lỗ hổng khổng lồ 40 feet (12m) bề rộng, 24 feet (7.3m) bề cao, giết tức khắc ngay 25 chuyên viên viễn thám đang làm việc trong tàu. Về sau, người ta nói tàu USS Liberty không bị chìm đó là phép lạ nhưng thực ra quả thuỷ lôi đã trúng sườn chính nên con tàu đã không bị cắt làm đôi.

Phải biết rằng, con tàu không vũ trang này đang mang lá cờ Mỹ, đang ngoài hải phận quốc tế và chỉ làm nhiệm vụ thuần tuý là tình báo viễn thông[6] mà thôi.

Câu hỏi bao nhiêu lần được đặt ra là tại sao Do Thái dám cả gan làm việc này. Trước đó Bộ chỉ huy hành quân của Do Thái hẳn là phải đắn đo, cân nặng nhẹ vấn đề lắm trước khi xuống tay hạ thủ. Câu hỏi kế là tại sao ngay cả Tổng thống Mỹ và quốc hội Mỹ cũng bỏ qua dễ dàng như thế?

Kẻ thù Do Thái là cả khối Ả Rập, và cả thế giới dường như không ai đứng về phe Do Thái cả, ngay cả Mỹ vì Mỹ không muốn khối Ả Rập ngả theo Cộng Sản, và còn vấn đề dầu hoả nữa, Mỹ không thể bỏ qua dễ dàng. Từ đầu năm của 1967, Thủ Tướng Liên Bang Xô Viết là ông Alexey Kosygin đã gởi cho Nasser một lời cảnh báo qua Sadat là Do Thái đang chuẩn bị một kế hoạch hành quân lớn đánh vào Syria, những lời cảnh báo này đã đưa đến kiến nghị kế hoạch hành quân được thảo từ Liên Xô và được Tổng Thống Ai Cập Nasser áp dụng gần như hoàn toàn. Vậy thì tại sao Do Thái muốn quất sụm luôn con tàu USS Liberty này?

image006

Hình: Nasser, Amer, and Nikita Khrushchev in May 1964

 

Phần Chiến Thuật:

image008

Nasser with Egyptian Air Force pilots at Bir Gifgafa air base in the Sinai, just prior to the war

 

Kẻ nào làm chủ được hệ thống viễn thông, kẻ ấy tất thắng. Điều này đã chứng minh được ngay ngày đầu của trận chiến. Theo kế hoạch hành quân do Nasser quyết định, không lực Ai Cập sẽ tấn công Do Thái ngày 5/06/1976 vào lúc 4 giờ chiều vì lúc đó ánh nắng chiều của mặt trời từ hướng Tây sẽ che tầm nhìn của quân đội Do Thái.
Chiến dịch không tập, codenamed “Moked” của Do Thái xảy ra ngay cùng ngày 5/06/1967 là yếu tố then chốt đưa đến thành công rực rỡ của trận đánh 6 ngày.

Sáng sớm lúc 7:45 sáng, khi các phi công trẻ tuổi của Ai Cập đang dùng điểm tâm còn các sĩ quan chỉ huy rời nhà đi đến nhiệm sở, xe của họ còn kẹt trên con đường đầy ắp xe cộ, thì cuộc không tập bắt đầu. Toàn thể 183 máy bay của Do Thái đều tham dự vào trận đánh mà không chiếc nào bị dàn ra đa của Ai Cập phát hiện.

Không quân Do Thái đã chọn thời điểm để vượt tuyến xuất phát đúng khi các tướng lãnh chỉ huy cao cấp Ai Cập đang bay thị sát mặt trận kể luôn cả hai ông tướng cao cấp nhất của Ai Cập là Marshall Amer: Tư lịnh Quân Lực cùng Shams el-Din Badran: Bộ Trưởng Chiến Tranh. Phải nói chính xác hơn là bấy giờ, hầu như tất cả cấp chỉ huy của Ai Cập ở tuyến đầu đang ở trên không trung, để kiểm tra các binh đoàn tại bán đảo Sinai.

Để ngăn ngừa bắn lầm cấp chỉ huy, tất cả dàn rađa của Ai Cập đều được lịnh ngưng mọi hoạt động vì thế khi  tình báo điện tử viễn thông của Do Thái bắt được các cuộc đàm thoại này, họ đã quyết định đánh phủ đầu ngay vào thời điểm đó.

Họ dùng một chiến thuật tuyệt luân là cứ mỗi mục tiêu có 3 phi tuần đánh, mỗi phi tuần gồm 4 chiếc máy bay. Khi phi tuần đầu tiên đang bỏ bom mục tiêu, thì phi tuần thứ hai đang trên đường bay, khi phi tuần đầu tiên quay trở về lại căn cứ lấy thêm bom, thì phi tuần thứ hai tới phiên oanh kích, và phi tuần thứ ba đang trên đường bay để tới mục tiêu. Trong vòng 190 phút oanh kích liên tục, từng phút được đếm gọn, không một ai có thể ngóc đầu lên được, toàn bộ không lực Ai Cập đã bị bẻ gãy xương sống. Cuối ngày đầu tiên của trận đánh, kết quả không thể tin được là 298 chiến đấu cơ của không lực Ai Cập bị phá huỷ ngay tại dưới đất,  phải nói là không có chiếc phi cơ nào cất cánh được khỏi phi đạo.[7]

Trở lại bộ chỉ huy hành quân, tướng Marshall Amer cuồng nộ ra lịnh, vận dụng lại từ đống vụn để có chiến đấu cơ bay lại trả đũa, nhưng tất cả quá trễ. Lịnh bất khả thi hành. Tổng Thống Ai Cập là Nasser nghe tin dữ đến quan sát, cay đắng nhận ra rằng, không lực Do Thái đã bay từ phía sau dàn cao xạ bay lại, trong khi nòng súng cao xạ đồng một loạt chiả về hướng khác một cách vô dụng. “Họ bay đến từ hướng Tây, trong khi chúng ta lại cho rằng họ sẽ bay đến từ hướng Đông [8].” Vào năm 1967,  tình báo vệ tinh là một dụng cụ viễn thám mới mẻ cho thấy Thiên Lý Nhãn, không ảnh từ vệ tinh đã cung cấp cho quân Do Thái một cuộc chiến nắm phần thắng lợi trước khi trận đánh xảy ra.

Sau khi oanh tạc, với không yểm nhắm phá huỷ các căn cứ vô tuyến điện chỉ huy của Ai Cập. Do Thái tung 3 quân đoàn tiến thẳng vào sa mạc để giao chiến với lực lượng Ai Cập, họ đã chọc thủng phòng tuyến của Ai Cập dễ dàng. Sau đó là một sự hỗn loạn bỏ chạy của 100,000 binh sĩ Ai Cập, họ vứt cả xe tăng mới toanh chưa từng bắn một viên, cùng súng ống cá nhân, một số lượng khổng lồ quân trang quân dụng ngổn ngang trên sa mạc Sinai.

Phần Jordan, sớm ngày 5/06/1967 Vua Hussein đã nhận được lời nhắn của Marshall Amer, Tư lịnh Quân Lực Ai Cập là “Vào khoảng 75% không lực Do Thái đã bị huỷ diệt, và quân đội Ả Rập đang giao chiến diện địa với Do Thái”. Tình báo viễn thông của Do Thái (Mossad) [9] còn thu được chính giọng nói của Nasser nói với King Hussein là Ai Cập đang chiến thắng, quân đội của ông ta đang tiến về Jerusalem. Để đẩy đưa Jordan nhảy vào cuộc chiến, Tổng Thống Ai Cập Nasser nói dối trắng trợn, mặc dầu bấy giờ chính bản thân Nasser cũng biết là toàn bộ không lực Ai Cập đã bị huỷ diệt.

Lẽ dĩ nhiên đây là sự trí trá của Ai Cập, nhưng King Hussein chưa biết, nên tuyên bố chiến tranh với Do Thái, cho quân đội Jordan thu chiếm bộ chỉ huy và những pháo đài vốn làm trái độn của đội quân Liên Hiệp Quốc trước kia trong thành phố Jerusalem. Ai Cập hy vọng Jordan đánh giải cứu sẽ lôi kéo thêm cả Mỹ và Liên Bang Sô Viết vào trận chiến.

Tình báo viễn thông của Do Thái còn thu được cả đoạn đàm thoại của Nasser với Tổng Thống Boumedienne của Algeria chỉ một vài phút, trước khi gọi cho King Hussein. Trong cuộc đàm thoại này Nasser đã thú nhận là toàn bộ không lực của Ai Cập đã bị huỷ diệt, và ngỏ ý muốn mượn của Algeria một vài chiếc chiến đấu cơ để trả đũa.

Qua những điều này, đã chứng minh cho chúng ta biết rằng, tình báo Do Thái đã dùng tiếng nói của Nasser như là  nguồn âm thanh chuẩn (reference source) để thu lượm tình báo vô tuyến điện, nhờ thế Do Thái biết toàn bộ kế hoạch vận động chiến của Ai Cập ngay từng phút một, trước khi cuộc chiến xảy ra.

Riêng trận chiến tại cao nguyên Golan Heights được mỗi sách mô tả một cách khác như thể nhìn qua những lăng kính và góc cạnh khác nhau.

Trận đánh Golan Heights chỉ thực sự xảy ra vào ngày 8/06/1967 tức ngày thứ 4 của cuộc chiến tranh 6 ngày.

Đây là miếng xương khó gặm nhất, nơi đây xảy ra những vụ đụng độ đẫm máu cả hai bên. Tướng Mordechai Hod của Do Thái nói: “Trong vòng 2 ngày, chúng tôi bỏ bom trên cao nguyên Golan Heights nhiều hơn số bom được dùng để bỏ xuống các phi trường của Ai Cập.”

Trung tâm tình báo viễn thông của Mossad tự nhiên mất sóng và không dọ được sóng truyền tin gì của Syria vì thường xuyên bị một làn sóng khác phá nhiễu. Cả hai nước Hoa Kỳ lẫn Liên Xô đều không muốn Do Thái lấy được cao nguyên Golan Heights, nên cả hai nước trước đó, đều khuyên Syria đừng tham chiến mà còn bảo đảm việc Do Thái sẽ không thể đánh được cao nguyên Golan Heights.

Có quá nhiều những giả thuyết về biến cố con tàu USS Liberty, nhưng hãy ngấm ngầm hiểu rằng Do Thái biết bộ phận viễn thông dò sóng của họ bị phá nhiễu, không thể thăm dò được đối phương, nên tại sao mới có cú đánh phủ đầu con tàu USS Liberty để tiết kiệm xương máu của quân mình, trước khi đánh Golan Heights.

Sau khi con tàu USS Liberty gần như chìm, khi các dụng cụ tình báo điện tử viễn thông của Hoa Kỳ trở nên bất khiển dụng rồi thì Do Thái mới thành công đánh được Golan Heights. Theo lời tướng của Syrian là Abdel Razzak Al-Dardari, người chỉ huy 4 tiểu đoàn tại cao nguyên Golan Heights phát biểu là:

“ Đang giao chiến kịch liệt[10], .. thình lình bên Syria chúng tôi có lịnh rút về hướng Nam, thế là lính tráng sinh ra rối loạn và hoảng sợ ai cũng bỏ chạy về nhà. Lính rút lui mà còn bỏ súng lại trên những pháo tháp của họ. Lính tráng bỏ vị trí phòng thủ chạy về nhà nhanh hơn là lính Do Thái đi đến vị trí của họ. Do Thái làm chủ không phận nên Syria hoàn toàn không có một phi vụ không yểm nào cả. Ai Cập bị thua không manh giáp tại Sinai nên không thể kềm quân Do Thái ở mạn khác như Syria hy vọng”.

Tuy không cuốn sách nào trước kia khẳng định rõ ràng về khả năng của Mossad dùng tình báo vô tuyến điện tử tráo chuyển được lịnh lạc từ bộ hành quân của Syria, nhưng trong cuốn Israel’s Secret War, A history of Israel’s Intelligence Services của Ian Black & Benny Morris xuất bản năm 1991, (tức 24 năm sau cuộc chiến) đã mở chìa khóa điều này. Nhắc lại là ở mặt trận Sinai, không quân Do Thái bẻ gẫy không lực của Ai Cập và hầu hết tất cả điện đài của bộ chỉ huy, khiến cho các đơn vị rối loạn không nhận được lịnh hành quân nữa. Còn ở Golan Heights  còn độc đáo hơn, Do Thái cũng dùng không lực để thả bom diệt các trung tâm điện đài, kể cả các dàn trọng pháo, sau đó còn ngự trị vào được làn sóng chỉ huy để làm cho binh sĩ Syria mất tinh thần và ngụy tạo lịnh lạc cho lính Syria rút lui về hướng Nam.

Thế là sau trận chiến 6 ngày, Do Thái đã chiến thắng vẻ vang và nhân mạng thiệt hại không có bao nhiêu so với toàn quân lực khối Ả Rập bị tổn thất. Thực là một chiến thắng kỳ lạ, quân Do Thái chỉ cách thành phố Amman thủ đô của Jordan có 50 Km; cách thành phố Damascus, thủ đô của Syria 60 Km; và cách thủ đô Cairo của Ai Cập 110 Km. Các nước bại trận phải vội vã ký hòa ước để thủ đô khỏi bị nghiền nát bởi xích sắt xe tăng, và đó lại là điều Do Thái mong mỏi, vì họ đã tản quân quá mỏng.

Nếu so sánh, số đất chia cho dân Do Thái bởi Lord Peel trong kế hoạch thuở đầu tiên chia đất với dân Palestine năm 1937 thì Do Thái chiếm được gấp 18 lần.

Tất cả đều nhờ vào kỹ thuật tình báo điện tử, kỹ thuật đã có cách đây 43 năm: Thiên lý nhĩ, lỗ tai ngàn dặm nghe được kế hoạch của địch bàn tính rõ mồn một.

Vậy mà các nước Ả Rập vẫn chưa học được bài học tình báo viễn thông điện tử này. Họ lại thua đậm Do Thái thêm nhiều keo sau này nữa.

 

Phần Kỹ Thuật:

Trở lại phần kỹ thuật, nào chúng ta tưởng tượng một viên đá được ném xuống mặt hồ phẳng lặng vào thời điểm t1, chúng ta sẽ thấy những sóng tròn toả ra từ chỗ viên đá rơi. Gợn sóng này cách một gợn sóng một khoảng cách rất đều dưới con mắt trần của chúng ta, nhưng thực ra không phải vậy, nó có khoảng cách khác nhau. Đợt sóng đầu hẳn là mạnh mẽ hơn, sức truyền mạnh hơn và như thế đi nhanh hơn tạo ra khoảng cách giữa các sóng truyền ngắn hơn là những sóng truyền sau. Giả thử có một vật cản trên con mặt nước như mảnh đá thì dạng sóng nơi đó sẽ khác hơn dạng sóng nơi khác.

Nếu một viên đá khác được ném xuống ở một vị trí khác vào thời điểm t2, thì sẽ tạo ra một đợt sóng khác, đợt sóng thứ hai này sẽ giao thoa đợt sóng đầu tiên và vị trí chỗ cắt của hai sóng truyền sẽ đo được qua thời gian giữa t1 và t2.

Qua hai đợt sóng truyền người ta làm ra những máy để tính được thể tích của vật cản trên mặt nước. Từ thể tích người ta tính được độ dày của vật cản và nếu vật cản di chuyển người ta biết được tốc độ của vật cản.

Trong dụng cụ y khoa, máy EEG (electroencephalogram) là một dụng cụ thu lượm sóng chuyển động của thần kinh hệ, bằng cách đặt những electrodes để do dòng điện sinh ra từ những vị trí trên đầu. Để so sánh những biến động thần kinh trước và sau khi bị co giật của bịnh nhân, bác sĩ thần kinh não bộ sẽ quyết định lấy một đoạn sóng làm sóng tiêu chuẩn, khi bịnh nhân bị cơn động kinh giật thì dạng sóng sẽ thay đổi, lập tức làn sóng sẽ được thu và bật đèn báo. Tuỳ theo vị trí, mà người bác sĩ sẽ chữa trị bằng cách huỷ diệt cơ giật của bắp thịt, hoặc kích thích phản xạ của khu vực tạo ra động kinh.

Tương tự Máy EMG (Electromyogram) cũng thế dùng để đo những dòng điện phát sinh ra từ bắp thịt, khi bắp thịt giật sẽ sinh ra dòng điện nhỏ, dòng điện này sẽ tiêu biểu cho cường độ. Các người chữa trị đã dùng các dòng điện nhỏ bắn vào một số vị trí để chữa trị phản ứng tê liệt của một bịnh nhân.

 

image010

 

Tất cả những dụng cụ này đều áp dụng những mạch điện giống nhau như mạch điện dùng trong truyền tin điện tử, chỉ có cái khác là có thêm một chiều nữa là chiều cao.

Trong lúc đang đo đạc, nếu có một số viên đá ném tứ tung xuống mặt nước thì sóng thu sẽ bị nhiễu loạn, và máy dò sóng không thể nào thu sóng được. Đó là lý do tại sao, Do Thái đã muốn đánh đắm tàu USS Liberty để tiết kiệm xương máu của đội quân đang tiến đánh cao nguyên Golan Heights.

Bài học lịch sử:
1.Đất nước chúng ta thường xuyên trong tình trạng chiến tranh như dân tộc Do Thái nhưng kỹ thuật của chúng ta hãy còn quá thô sơ. Để giữ được nước chúng ta phải bắt kịp những kỹ thuật của thế giới. Chúng ta phải mau chóng:

·         Đãi ngộ hiền tài khắp nơi trên thế giới. Không kể tôn giáo, màu da, đảng phái hay quốc tịch miễn là người đó hiểu biết và hết lòng trong công việc.

·         Mở trường đại học dùng ngoại ngữ: Anh, Pháp và Hoa ngữ dạy trực tiếp cho các sinh viên học sinh. Thường xuyên cập nhật hoá chương trình giảng dạy, mô phỏng lối giáo dục theo các nước láng giềng đang phát triển. Dạy từ các học sinh từ tiểu học để họ biết cách tự tra cứu lấy kiến thức, xử dụng được các tài liệu nghiên cứu vốn đang có của thế giới.

·         Đào tạo những nhà kỹ thuật viên, trong tầm vóc quốc gia để họ đủ khả năng học hỏi, tìm tòi. Sau đó chúng ta mua những kỹ thuật của các nước tân tiến để dựa theo đó mà triển khai.

·         Trong tinh thần cộng tác, phát triển chấp nhận tất cả những ý kiến đối nghịch.


2.Tương lai hậu vận

Nếu không khéo và nhanh chóng thay đổi thì đất nước chúng ta sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào Tàu. Lệ thuộc từ chủ quyền đến quyền tự quyết. Thực sự ra thì chúng ta đã bị điều này rồi. Vào tháng 12 năm 1999, trên Tuần Báo An Ninh, phát hành tại   Việt Nam có đăng một đoạn nhỏ nói về việc thương thảo mậu dịch với Hoa Kỳ, tờ báo nói Trung Hoa đã đề nghị để họ thương thảo trước, vì như thế lợi cho cả hai bên. Điều này cũng đã hiển nhiên cho chúng ta thấy hình thức đe doạ trực tiếp mà chính Hà Nội phải ngụy trang bằng mảnh tin nhỏ. Trên 10 năm qua, Trung Hoa đã phát triển như thế nào, hàng hóa của họ đã thâm nhập vào khắp nơi của Mỹ Châu, Úc Châu và của Âu Châu như thế nào thì chúng ta đã rõ còn Việt Nam, chúng ta đã bị gạt bỏ ra ngoài một cách đơn giản vì tình trạng yếu kém lãnh đạo điều hành. Lợi cho cả hai bên bấy giờ, có lẽ là Trung Quốc sẽ không khởi quân đánh chiếm Việt Nam một cách ra mặt mà thôi.

Cho đến những năm này thì chúng ta bị cô lập từng phần trên biển cả vốn của chúng ta. Họ đã nhẫn tâm, dùng tàu lớn húc vào gỗ của ngư dân, đánh giết và cầm giữ những ngư phủ của chúng ta, bất chấp những luật hàng hải quốc tế.

Nào chúng ta hãy nhìn một con số, chi tiết khác từ bài học Trung Đông:

Table[11]: Số người Palestinians đã bị giết từ năm 1967.

Năm Palestinians bị giết Mỗi năm trung bình
Tháng 6 ,1967 – Tháng 12, 1987 650 32
Tháng 12, 1987 – Tháng 9, 2000 1.491 106
Tháng 9, 2000 – Tháng 12, 2006 4.046 674

 

Trong 20 năm đầu tiên, Do Thái đã vỗ về dân chúng vùng chiếm đóng, cho họ hưởng nhiều đặc quyền về kinh tế cũng như an sinh.

Trong những thập niên sau, Do Thái dùng dân mình thâm nhập vào tận đường phố ngóc ngách của Palestines xong thì họ bắt đầu ra tay càn quét, triệt hạ không tiếc thương những thành phần đối lập.

Do Thái chia cắt từng vùng để thống trị (Divide and conquer) bằng đủ mọi cách. Cách thông thường là dùng vùng kinh tế đặc lợi, cách thức thứ hai là độn người mình vào những đoàn thể, vào đảng phái cuồng tín để lấy tin tức. Một khi đến hồi khốc liệt, chỉ cần tóm được một người thành viên, thì cả thành viên của nhóm còn lại muốn sống còn, chỉ còn cách phải lưu bạt, dạt ra khỏi cộng đồng. Con số người chết vì bị truy diệt càng lúc cao. Vào những năm từ 2006 đến 2010, con số xác người bị sát hại này đã chắc chắn đã lên như cái núi và Liên Hiệp Quốc cũng đành phải bó tay.

Trong lịch sử Việt Nam luôn luôn phải chống trả với bá quyền Trung Quốc, họ luôn luôn lấn chiếm từng bước, không khéo thì chúng ta sẽ mất tất cả, và sau đó là một cuộc chiếm đóng đồng hoá y hệt như Do Thái đối với vùng đất đã bị chiếm đóng.

Đừng nghĩ là với dân số 1 tỉ 300 triệu người Trung Quốc chưa có những học giả nghiên cứu những trận đánh chiến lược để thanh toán luôn Việt Nam.

Phải nhận ra rằng đối với thực lực Trung Quốc hiện tại bây giờ, lấy được Việt Nam không phải là cái khó, cái khó là làm sao giữ được lâu dài. Đồng hoá được Việt Nam như một bộ phận của Trung Quốc mà tránh một cuộc chiến tranh trường kỳ với người Việt Nam.

Để triệt hạ được những phần tử chống đối đến tận nơi, tàn sát đến tận gốc, họ phải nghiên cứu làm sao để chúng ta tự tiêu hao trước. Tài nguyên hữu hạn là con người từ năm 1975 đến giờ, vốn đã không được sử dụng. Dân Việt Nam, sống chết tìm mọi cách tẩu thoát đến một nước khác bằng mọi cách, kể cả cách bán thân hoặc đi ở đợ.   Sau đó mọi tài nguyên khác như hầm mỏ, rừng núi, đất đai, biển cả dẫn nhau đến chỗ kiệt quệ, phá sản, di hại môi trường sinh sống cho từ vật đến người.

Nạn tham ô nhũng lạm quyền thế, đã làm cho dân chúng oán thán chính quyền, rồi một khi thiên tai dồn dập vào duyên hải Việt Nam, thế là Trung Quốc sẽ có cớ để mang quân đội sang vỗ về dân mình. Dân đang oán ghét chính quyền thối nát, gặp kẻ thù truyền kiếp ngọt ngào, lại khéo léo từ từ rồi dân cũng bị ngả theo.

Đói cho ăn, no cho mặc. Mở trường dạy tiếng Tàu, ai biết nói thì được trọng dụng nâng đỡ. Diệt tận ổ thành phần chống đối, dạy luôn lễ nghĩa cư xử sao cho phải đạo bề tôi, tương quan hợp tác lâu dài. Bấy giờ là lúc chúng ta mất nước hẳn vào tay người Tàu.

Sau trận đánh 6 ngày giữa Do Thái và khối Ả Rập, mặc dầu Uỷ ban trường trực của Liên Hiệp Quốc áp lực với Do Thái ngưng chiến tranh, bắt trả lại Cao nguyên Golan Heights cho Syria. Áp lực đè nặng lên cả Washington và Moscow đưa đến việc “Làm mọi giá để Do Thái ngưng tiến công, kể cả việc sử dụng quân đội” thì quá trễ, Do Thái cứ đánh và chiếm đóng Golan Heights.

Sau này ở tình thế Việt Nam, liệu Trung Quốc cũng làm như thế, lấy cớ khai thác hầm mỏ tại vùng Cao nguyên Trung bộ rồi lập những con đường chuyển vận trực tiếp từ Trung Hoa qua Lào và Kampuchia và chuyển dân hầm mỏ ở lỳ tại giữa mảnh đất Việt Nam, thì chúng ta sẽ xoay sở ra sao? Chẳng lẽ lại kêu gào quốc tế can thiệp trong khi chúng ta lại không màng đến lời của quốc tế kêu gọi Việt Nam hãy mở rộng dân chủ?

Nếu chúng ta là những con đà điểu khi bi nguy hiểm thường chạy dấu đầu vào đụn cát hy vọng sẽ không có tình huống nguy hiểm như thế xảy ra, và kỳ vọng vào quốc tế sẽ can thiệp, thì con cháu chúng ta sau này, sẽ nguyền rủa chúng ta rằng việc sống còn của dân tộc mà từ ngàn xưa tổ tiên đã dạy, đã lưu truyền lại bằng bao nhiêu chuyện cổ tích, lịch sử thế mà cha ông của chúng nó chẳng quan tâm, chỉ lo nội chiến đấu đá lẫn nhau.

Tài liệu Tham khảo:

–        Ahron Bregman, Israel’s Wars A history Since 1947, Second edition by Taylor& Francis Group
–        Kelvin Grombie, Anzacs Empires and Israel’s Restoration 1798-1948, First published 1998 by Vocational Education&Training Publications.
–        Ian Black & Benny Morris, Israel’s Secret Wars, a history of Israel’s Intelligence Services, published by Hammis Hamilton ltd, London 1991.
–        Ian Ridpath, Amater Radio and Electronics Study guide, Third Ed by Manurewa, New Zealand.
–        Neve Gordon, Israel’s Occupation, published 2008 by The Regents of the University of California.
–        The ARRL Handbook For Radio Communications – 2008

 

TrantuanngocK28

Australia, Jan 2010

 

 

[1]              United Nations Emergency Force
[2]               United Arab Republic
[3]               IanBlack & Benny Morris, Israel’s Secrete Wars; published by Hamish Hamilton 1991, London. Chap. 7.
[4]               “Israelis had taken the MiG that defected from Iraq last year through all kinds of manoeuvers…and had demonstrated in the 7 April air battle with Syria that they had learned their lessons well”: Robert McNamara.
[5]                http://en.wikipedia.org/wiki/USS_Liberty_incident
[6]               “..Shortly before the war began, the USS Liberty was ordered to proceed to the Eastern Mediterranean to perform an electronic intelligence collection mission.”
[7]               “Operation Moked” was extraordinarily successful and let to a sensational and dramatic victory for the Israel Air Force (IAF)..P.84 Aron Bregman, Israel’s War A History Since 1947.
[8]               They came from the West, when we expected them to come from the East” . Neve Gordon
[9]               After all, Nasser had also called to say that Egypt was doing well, he said the King – and we know exactly what he said because his conversation was intercepted and recorded by the Mossad. P.87 Ahron Bregman.
[10]             P91, Ahron Bregman, Israel’s Wars A history Since 1947, Second edition by Taylor& Francis Group
[11]          Tài liệu lấy từ :  Gordon, N.  1965 – Israel’s Occupation; p. xvi  Preface.

 

(Source: https://khoa28tvbqgvn.com/4379-2/ )

 (What we need, we know not; What we know, we do not need – The First Circle ; Solzhenitsyn)

 

Phải nói thời kỳ chiến tranh lạnh giữa hai khối Tự do và Cộng sản đã là một thời kỳ phát triển không ngừng của nhiều dụng cụ điện tử dùng trong việc do thám đối phương. Đề cập đến đây chúng ta sẽ có người nhớ lại hàng rào điện tử của Robert McNamara[1], một người đã soạn thảo điều hành cuộc chiến Việt Nam từ lúc khởi nguyên tới lúc khốc liệt từ những năm 1960 đến năm 1968.

Robert McNamaraCũng chắc chắn có người trong chúng ta nhớ lại trong xe tank M48 có một bộ phận nhắm bằng tia hồng ngoại để điều chỉnh nòng súng một cách nhanh chóng. Vào những ngày đó, bộ phận này được coi như là bí mật quốc phòng, chỉ được dùng trong quân đội Mỹ mà thôi vì thế sau khi quân đội Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam, bộ phận này đã được tháo gỡ trước khi bàn giao lại quân đội Việt Nam Cộng Hoà, mãi cho đến năm 1992 trở đi thì kỹ thuật này mới được tung ra thị trường thương mãi. Các hãng sản xuất máy chụp hình như hãng Canon, Nikon ngay sau đó đã mau mắn tiên phuông ứng dụng bộ phận này trong ống nhắm tự động điều chỉnh tiêu cự trong máy chụp hình.

Trong khuôn khổ bài này sẽ có 3 câu chuyện kỹ thuật: Tầng Đầu Địa Ngục,  tàu  Achille Lauro và Trận Chiến 6 Ngày của Khối Ả Rập và Do Thái để dẫn chứng để cho các bạn thấy tầm mức quan trọng của hệ thống viễn thám bằng vô tuyến điện. Những người lãnh đạo cuả Việt Nam tương lai cũng nên biết để phòng ngừa vì thật là nguy hiểm khi họp bàn trong nội các, mà đối phương nghe được từng tính toán của họ. Tỷ như chơi xì phé mà thấy được con bài của kẻ khác, ở tầm vóc của một quốc gia, đó là sự phá sản không thể nào tha thứ được.

Hệ thống viễn thông thám thính bằng vô tuyến điện thực ra đã có từ lâu lắm. Nó là một section nhỏ trong hệ thống chuyển vận tín hiệu. Trước năm 1975, có những dàn viễn thông đặt tại miền Nam Việt Nam. Một dàn nằm trong bộ chỉ huy Quân đoàn 2 tại Pleiku, một dàn tại Đà Nẵng, và  một dàn tại Vũng Tàu, nằm trên núi lớn, ngay đằng sau trường Thiếu Sinh Quân. Ngày nay mạch điện này đã được áp dụng trong nhiều lãnh vực của dụng cụ y khoa như Telemetry để theo dõi tâm động ký của bịnh nhân sau khi mổ tim, máy EEG[2] đo những luồng điện phát sinh trong não bộ. Mặc dầu đã quá nhiều phát minh ứng dụng thành sản phẩm, nhưng nguyên thủy những mạch điện này vẫn còn được bảo toàn trong vòng bí mật. Nhân có cơ hội đọc và phân loại để huỷ bỏ những mạch điện và sơ đồ, xin được trình bày cùng quý bạn tầm mức quan trọng của kỹ thuật viễn thám vô tuyến điện.

 

Tầng Đầu Địa Ngục[3]:

Volodin lẽ ra đã rời nhiệm sở đúng giờ như thói quen hằng ngày, nhưng nguyên một  ngày trầm tư đắn đo. Trong khoảng khắc cuối cùng, anh mới quyết định ra khỏi chỗ làm. Như thể thoát thân anh quan sát và đi thật nhanh, vừa khuất một ngã ba, Volodin đã vừa kịp thời nhảy lên một chiếc xe taxi đang định chuyển bánh hướng Kuznetsky Most ra khỏi trung tâm Mạc Tư Khoa. Xe taxi được hướng dẫn quẹo trái ngay sau đó để đổi hướng về phía Petrovka, rồi lại rẽ sang tay phải, bấy giờ đèn đường cũng vừa bật sáng. Lần tay trong túi, nắn nót mãi hai đồng keng 15- kopeck để gọi điện thoại. Dầu nguy hiểm, Volodin không còn có cách chọn lựa nào nữa. Anh phải phone ngay cho người bác sĩ tên là Doctor Dobroumov để báo cho ông ta một chuyện sống còn. Người bác sĩ này xưa kia là bác sĩ đáng kính và tín nhiệm của gia đình Volodin. Volodin đã đắn đo vô cùng trước khi làm một công việc mà chính anh ta đã giằng co trong tâm trí cả một ngày.

Volodin tuy còn trẻ tuổi nhưng hiện đang nắm một chức vụ cao trong đội đặc nhiệm của bộ ngoại giao của Liên Bang Xô Viết, với chức vụ tương đương với Đại tá trong quân đội.

Chiếc taxi đang phóng nhanh trên đường Okhotny Ryad hướng đến trường đại học, lại phải đổi ý quẹo phải thật gấp ở đường Arbat rồi lao đi như lời chỉ dẫn của Volodin.  Volodin trả hai tờ tiền giấy cho người tài xế taxi một cách rộng rãi, Volodin đã tin chắc là không có ai theo dõi, mọi chuyện nguy hiểm đã được giảm thiểu tới mức thấp nhất nếu mình nói thật nhanh và cúp máy cho thật lẹ.

Volodin bước vội băng qua quãng trường đi ngang mặt một cô gái bán bông, rồi một người khác nữa. Anh băng qua một quầy kiosk đã đóng cửa, lách mình ngay vào bên trong trạm điện thoại công cộng.

Nơi đó có đến 4 cái điện thoại, tất cả đều đang bận nhưng vừa lúc đó, có một người bước ra, Volodin đi thẳng vào, không chút chần chừ, Volodin bỏ ngay hai đồng cắc vào hộp. Vẫn theo thói cẩn thận của một nhân viên điệp báo sở ngoại giao, anh dùng tay đang đeo găng để cầm ống điện thoại lên, dùng tay kia quay những con số:

-      ‘Thưa có phải nhà của Professor Dobroumov không ạ?’ Volodin cố làm cho giọng nói của mình khác đi.

-      ‘Đúng rồi.’

-      ‘Làm ơn, cho phép tôi nói chuyện với professor.’

-      ‘Xin hỏi ai đang gọi?’ Người đàn bà làm như đang ngồi ở cái ghế đẩu đong đưa với giọng lười biếng hỏi lại.

-      ‘Bà không biết tôi là ai đâu,....nhưng không cần thiết lắm, tôi cần nói chuyện với professor, cần lắm thưa bà.’ Volodin muốn nghiến răng nguyền rủa.

-      ‘Ông cũng phải hiểu đấy, Professor đâu có thể trả lời điện thoại cho từng người muốn nói chuyện với ông được’.

Bên ngoài điện thoại công cộng đã có người đi đến đứng đợi tới phiên được dùng điện thoại công cộng.

-      ‘Anh là ai thế? xin cho tôi biết tên ạ!’.

-      ‘Tôi là một người mong điều tốt lành đến cho ông ấy, tôi có một tin rất quan trọng cho Professor’.

-      ‘Nhưng anh là ai vậy, lỡ chẳng may.. anh là ai vậy? Tại sao lại phải sợ nói ra cái tên của mình?’

Tuy Volodin nghĩ trong đầu là nên ngưng điện thoại phức, rồi lại nghĩ, tại sao một người Bác sĩ giỏi thế mà lại lấy một con đàn bà ngu như thế này làm vợ tuy vậy,  Volodin đổi ý, đã hỏi lại một cách vội vã:

-      ‘Còn thưa bà, bà là ai, có phải là vợ của Professor không?’

-      ‘Tại sao anh lại không nói tên anh trước, nói đi?’

Lần này Volodin muốn bỏ điện thoại xuống và mọi chuyện sẽ êm xuôi, nhưng thế thì uổng mục đích giúp cho ông bác sĩ khả kính Dobroumov.  Người bác sĩ mà chính mẹ yêu quý của Volodin cả đời tín cậy. Volodin đành phải nói ra như gieo từng chữ,  nhấn mạnh đến nỗi quên hẳn cả việc phải hoá trang giọng nói của mình:

-      ‘Lắng nghe tôi nói đây, xin bà lắng nghe này! Báo cho ông ta biết, là ông ta đang bị nguy hiểm!’

-      ‘Nguy hiểm à, nguy hiểm gì vậy?’

Giọng nói người đàn bà bỗng nhiên hụt hẫng, người đàn bà như thể đang ngồi ở chiếc ghế, nghe rồi chồm hẳn người lên và chân bị va vào ghế, nhưng thế này thì lại càng không thể nào gọi ông chồng đến được.

-      ‘Đây thêm lý do, tôi không kêu ông nghe điện thoại của anh được. Có thể anh nói dối. Làm sao anh chứng minh cho tôi đó là tin khả tín được’.

Dưới chân của viên đại tá Volodin bỗng nhiên nóng như bốc lửa, và cái báng súng đen ngòm nơi lòng ngực của Volodin tưởng như nhảy dựng lên theo nhịp tim. Volodin nói gần như hét lên tuyệt vọng:

-      ‘Thôi được nghe đây! Lần vừa rồi khi được gởi đế hội thảo tại Paris, professor có hứa với một người đồng nghiệp người Pháp là sẽ chuyển cho người đó, một cái gì đó. Có lẽ một loại thuốc, trong vòng vài ngày nữa ông sẽ thực hiện lời hứa đó. Nói với ông rằng chớ có đưa món gì cho người ngoại quốc cả, bà hiểu không,..’

Có một tiếng cắt nhẹ nhàng từ một nơi nào đó, làm tất cả chìm vào im lặng, không có một tiếng động nào ngay cả tiếng ù ù của đường dây. Kẻ nào đó, hiển nhiên đã cắt cuộc điện đàm của hai người.

Một ngày lo lắng khôn nguôi vừa trôi qua, thì buổi chiều sau đó Volodin đã bị bắt. Một ngày khốn khổ tương tự như  “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich” đã bắt đầu.

Volodin đã không biết trước thời điểm bấy giờ, Stalin đã ra lịnh tập trung những nhà khoa học, những người tài giỏi về ngôn ngữ học, những nhà toán học lừng danh, những nhà vật lý học chuyên nghiệp, và cả những chuyên viên tốt nghiệp về radio vào một nhà tù đặc biệt tên là Mavrino[4], ngay tại thủ đô Mạc Tư Khoa. Họ phải làm cho ra, một cái máy có khả năng nhận biết được âm thanh người nào đã nói trong điện thoại. Chính phát minh này đã đóng góp không ít vào việc giết khoảng 15 triệu người Liên Xô sau thời hậu chiến và luôn luôn được cải hóa trong nhiều việc ứng dụng.

[5]

Khi cái máy Voice Clipping này[6] khi được hoàn tất, Stalin đã tận dụng mọi cách để loại bỏ những người chống đối một cách nhanh chóng. Thí dụ một trong những cách là ngay một cuộc họp của Đại hội Trung ương Đảng của Liên Bang Xô Viết, mọi người trong đại hội đứng lên vỗ tay khi Stalin xuất hiện. Tiếng vỗ tay không thể ngưng khi Staline chưa ngồi xuống. Tiếng vỗ liên tục, càng lúc lại càng lớn, và ai cũng đâm sợ hãi thấy những ánh mắt cú vọ của mật vụ đang theo dõi họ, những ánh mắt dường như đang tìm xem ai là kẻ dám ngưng tiếng vỗ đầu tiên. Stalin xuất hiện nhưng lại đứng im như pho tượng, không tỏ một cử chỉ nào cho thấy là sẽ ra hiệu ngưng vỗ tay hay ngồi xuống ghế chủ toạ.

 Không một ai dám ngừng vỗ tay, càng lúc nỗi sợ hãi lại càng dâng cao, tiếng vỗ tay    càng lúc càng mạnh hơn, tưởng chừng như vô tận. Mãi cho đến khi Stalin buông cánh tay lên cho phép ngưng, thì ai cũng nén tiếng thở phào nhẹ nhõm ngồi xuống.

Nửa đêm hôm đó, một trong những người trong Bộ chính trị Trung ương đảng quá phẫn uất, ra ngay Quãng Trường Đỏ. Sau nhiều lần tự kiểm soát chắc chắn là không có ai theo dõi, không có một dấu hiệu gì có người vào lúc nửa đêm lạnh buốt chết người của mùa đông Mạc Tư Khoa, anh dở cái máy điện thoại trực tiếp gọi đến Stalin và chửi không tiếc lời. Khi mặt trời chưa rạng sáng, đang ngủ anh ta đã bị đánh thức bởi mật vụ và bị bắt, kể từ đó cuộc đời anh ta không bao giờ nhìn thấy ánh mặt trời nữa.

Cái trớ trêu ở chỗ là ý tưởng nguyên thuỷ, lý thuyết đầu tiên của những mạch điện đó, lại xuất phát từ một tạp chí tại New York sau đó lại biến thành tài liệu tuyệt mật của Liên Bang Tối Cao Xô Viết. Tài liệu được chuyển đi bằng những lớp bao bọc chống cháy, và được lịnh làm thế nào như thể mạch điện này xuất phát từ Liên Xô.

Thoạt tiên, những nhà khoa học tại trại giam đặc biệt vẫn làm việc cật lực nhưng một mặt họ vẫn muốn tiêu huỷ công trình làm việc của chính họ, vì họ ý thức rằng sẽ là tội ác nếu máy “voiceprint” này ra đời.[7]

Nguyên tắc chính yếu của máy này bao gồm hai đường vào, tạm gọi là “input data” một dương và một âm (Pos pulse & Neg pulse), và được so sánh với một dạng sóng  tiêu chuẩn có sẵn (Ref Pulse), để cho ra một dạng sóng khác, dạng sóng này được lọc lại để loại bỏ những phần nhiễu và cuối cùng thì khuếch đại lên để cho ra waveform cuả tín hiệu. Qua dạng sóng này,  người ta sẽ nghe và biết ngay giọng nói của người nào, từ đó có thể theo dõi cuộc điện đàm liên hệ.

 

 

Để dễ hiểu hơn, xin được nói cách khác đi là âm thanh, giọng nói của con người chúng ta cũng có trầm bổng (intonation[8]) lên xuống, nếu lấy một đường kẻ ở giữa giọng nói của chúng ta làm điểm zero, thì ta sẽ thấy có những âm thanh vượt lên trên lằn kẻ này và có những âm thanh hạ bên dưới đường kẻ đó. Khi nghe trong điện thoại chúng ta  tai của chúng ta nhận ra ngay người chúng ta đang tiếp chuyện, vì chúng ta đã từng nghe âm hưởng người bạn này nói chuyện rồi.

 

 

Cho đến nay, những trường hợp nghiêm trọng sở điều tra hiện nay vẫn áp dụng là cho gọi người tình nghi lên nói chuyện. Khi nói chuyện, người thu thập tin tức sẽ hỏi han một số chuyện tưởng chừng như không ăn nhập gì cả, nhưng âm hưởng đã được ghi nhận ngay và được dùng để làm “Reference Data”, tức là dạng sóng tiêu chuẩn.

Khi một cái radar recorder, hướng vào nhà người bị theo dõi, họ thu lấy hết tất cả âm thanh của cả một vùng. Sau đó mang về so sánh với  dạng sóng tiêu chuẩn này (Reference Data) thì sẽ truy ra những âm thanh của người này nói chuyện với ai, và nói những chuyện gì.

Những âm thanh khác như tiếng chim kêu, tiếng xe chạy, là những âm thanh đều thu được cả hai input thì được loại bỏ. Kỹ thuật loại bỏ âm thanh nhiễu này trong điện tử được gọi là “Common-mode rejection”[9], rất thông thường trong FET op-amps, và hiện tại rất rẻ tiền có thể tìm thấy trong danh sách của các IC bán tại các tiệm bán linh kiện điện tử, thí dụ: TLC7610 series. Một ứng dụng hữu ích khác của mạch điện loại bỏ tín hiệu nhiễu và thu tín hiệu đang tìm kiếm, được dùng trong các dụng cụ điện tử nhà thương (medical equipment) là máy ECG machine, ghi nhận và in ngay tâm động đồ (ECG waveform) khi quý bạn đi khám mạch đập của tim.

Các máy tâm động đồ này chuyển những tín hiệu từ những góc cạnh khác nhau của một quả tim đang đập, để đưa vào máy. Tín hiệu chuyển động của quả tim, được chuyển sang milli-Volt (ml) tức là 1/1000 của volt.

Lúc điều chỉnh những máy nhận sóng và phát sóng (Radio Repeaters) người chuyên viên dùng máy gọi là Frequency Analyzer để điều chỉnh con số 0.350µV, tới 0.500 µV như định trước để cho âm thanh được rõ mà ít khi phân tích con số vôn thế này nhỏ như thế nào. Để rõ ràng hơn xin dẫn chứng là một cục pin AAA  bạn thường xài là 1.5 volt. Con số 0.350µV  còn nhỏ hơn cả 1 phần triệu của 1  volt. Thế mới biết rằng con số 350/1.000.000.000 volt nhỏ kinh khủng như thế nào. Những máy MSF (Motorola) analogue cũ rích dùng cả 20 năm nay của Cảnh Sát Úc Đại Lợi, còn thu được tín hiệu nhỏ như thế, thì với những máy digital hiện tại thu tiếng nói trong nhà của bạn, nếu cơ quan điều tra hoặc giới tình báo muốn nghe được thì không phải là điều khó mà âm thanh lại không có một chút nhiễu nào cả.

Để cho các bạn thấy tầm mức quan trọng của Reference data hay là dạng sóng tiêu chuẩn cần thiết như thế nào xin được dẫn chứng:

Ngày 9/3/2009, có một biến cố trên biển Đông đã đưa đến sự xích mích cấp độ ảnh hưởng đến tầm mức quan hệ quốc gia giữa Trung Quốc và Mỹ, đó là một tàu hải quân Mỹ có tên là Impeccable đi thả những trái nổi và kéo theo sau những dụng cụ đo đạc ở vị trí 75 dặm, tức là 121Km phía Nam của đảo Hải Nam (hải phận quốc tế) đã bị ngay 5 tàu tuần thám Trung quốc thuộc bộ phận của Cơ quan Tuần tiễu Biển đông Trung Quốc cải trang tàu đánh cá, dùng những cây sào, những dụng cụ thô thiển tạo ra tiếng động để phá nhiễu.


 

(March 8, 2009)

Hai tàu cải trang tàu cào tôm của Trung Hoa Lục Địa ngưng máy ngay trước mũi tàu

thám thính của  Hoa Kỳ (Military Sealift Command ocean surveillance ship)

Tàu viễn thám 281.5 foot này của Mỹ này là một trong sáu tàu thám thính và đo đạc để thu những tín hiệu liên quan đến quân sự và phòng thủ. Nhiệm vụ của tàu này là dùng máy phát sóng sonar và để thu lượm tín hiệu bên dưới mặt nước. Tàu USNS Impeccable có tốc độ tối đa 13 knots (15 dặm/giờ) nhưng lúc bấy giờ đang đi thu sóng truyền nên chỉ chạy với tốc độ 3 knots hay là 3.5 dặm/giờ. Tàu Impeccable vốn không trang bị vũ khí, chỉ mang theo 20 thuỷ thủ và 5 người chuyên viên thu lượm tín hiệu. Việc này đã đưa đến việc cả hai bên đều gởi công hàm phản đối nhau kịch liệt. Đối với Trung Quốc thì Hoa Kỳ đã xâm phạm vào vùng kiểm soát của họ, và đã đe doạ rằng nếu không chấm dứt sẽ có những hậu quả không lường, còn đối với Hoa Kỳ đây là hải phận quốc tế.

Tưởng cũng nên nhắc lại là một sự việc tương tự như vậy, đã xảy ra trước đó, việc xảy ra được xếp hạng như là biến cố trầm trọng trong mối quan hệ ngoại giao với Hoa Lục trong thời Tổng Thống George W. Bush.

Ngày 1/04/2001, chiếc máy bay EP-3E Aries II, của Mỹ  bay trên vùng trời tiếp ranh biên giới của Trung quốc cách xa Cơ Quan Kiểm Soát Không Phận của Hoa Lục ở địa điểm 70 dặm, tức là 110 Km và đã bị các phi tuần phản lực của Trung Quốc ép bắt hạ cánh xuống đảo Hải Nam. Tên biến cố này được gọi là biến cố Hainan Island, xảy ra vào ngày 1 tháng 4 năm 2001.

Máy bay EP-3E Aries II cũng có nhiệm vụ ghi nhận và lưu trữ làn sóng tiêu chuẩn (Reference Data). Việc ép hạ cánh này đã gây ra tử nạn cho viên phi công Trung Quốc lái chiếc J-8s và hư hại trầm trọng cho chiếc EP-3E Aries II, làm chiếc máy bay thám thính Hoa Kỳ này phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam.


                                                

Vị trí đụng độ

 

Kết quả là cả 24 chuyên viên tình báo điện tử và phi hành đoàn đã bị giam giữ, thẩm tra suốt 11 ngày, sau phải có lá thơ xin lỗi chính thức từ Chính phủ Hoa Kỳ, họ mới được thả nhưng chiếc máy bay và dụng cụ thì bị Hoa Lục tháo rời tung ra ra từng mảnh bỏ thùng gởi trả lại.

Ghi nhận những tín hiệu vào thời bình cho cả vùng biển và vùng trời, để tạo thành những Reference Data. Một khi chiến tranh xảy ra, thì Ref pulse này sẽ được dùng để so sánh và như thế sẽ phát hiện ra những tín hiệu khác lạ xảy ra trong vùng. Thật là không nói sai đi là độ nhạy của máy thám thính âm thanh vô tuyến điện (Wave detectors) vào thời điểm cả chục năm về trước (1999) đã có thể thu lượm được cả âm thanh của cái mỏ lết nếu người thuỷ thủ vô ý đánh rơi xuống sàn của một tiềm thuỷ đỉnh, đang ngủ yên lặng lẽ dưới nước.

Tóm lại nguyên tắc mạch điện y hệt như vừa mới cắt nghĩa bên trên đã được chạy đua để tạo ra từ thuở chiến tranh lạnh giữa hai khối Tự Do và Cộng Sản.

Chính vì lý do đó mà khi bức tường Đông Đức và Tây Đức bị xô xập xuống bởi những người dân của cả hai miền, ông Markus Wolf, viên đầu não nổi tiếng của Sở tình báo quốc ngoại Đông Đức, sau khi chạy trốn trên lãnh thổ Liên Xô, cuối cùng đã quay lại đầu thú với chính quyền Tây Đức. Ông ta đã bị phỏng vấn cả tháng bởi cơ quan tình báo Tây Đức. Chính phủ Đức bấy giờ đã cho đào một căn phòng ngầm dưới đất, ngăn sóng (Insulation) tách biệt mọi tiếng động để những chi tiết về cuộc phỏng vấn này không bị tiết lộ ra bên ngoài. Mãi về sau, chỉ một phần được phép bạch hoá mà thôi. Người ta chỉ được biết một phần mà được gọi là chiến dịch “Romeo”[10]; Đông Đức đã dùng những thanh niên Đức bảnh trai, tán tỉnh, dụ khị những cô thư ký xưa vốn xinh đẹp nay tuổi đã xế chiều, thân cận những nhân viên quan trọng trong chính phủ Tây Đức để lấy tin tức.

Nhiệm vụ thu âm được giọng nói của từng nhân vật là phần chính của đặc vụ.  Âm thanh, thanh hưởng của nhân viên nào có tầm vóc đến điều hành quốc gia, đều được lưu trữ để làm âm thanh tiêu chuẩn (Reference Data); Khi nhân viên này nói chuyện ở đâu, với những nhân vật nào, đều được phăng ra thêm đầu dây mối nhợ hoặc mối liên lạc của đồng nghiệp của người đó.

Nói dễ hiểu hơn là thu được âm thanh của một người quan trọng trong chính phủ, cơ hội để thu được âm thanh của một viên chức chính phủ khác có tầm vóc rất khả thi. Thí dụ điển hình là cuộc đàm thoại của Chancellor Helmut Schmidt (Thủ tướng Đức) và James Callaghan (Thủ tướng Anh) đã bị điệp viên Đông Đức tên là Dagmar Kahlig-Scheffler, codenamed: Inge thu được. Phe Đông Đức vỗ đùi ngả ra cười khoái trá, tung ra cho báo chí phương Tây biết vì trong buổi đàm thoại này đã thu được  âm thanh của Thủ tướng nước Anh đang phát ngôn về Chú Sam là sư mấy thằng Mỹ toàn là lũ bốc cứt trộn xà lách. Hai ông lãnh đạo cao cấp của hai nước lớn cùng chửi toáng một ông lãnh đạo cùng phe là chuyện cực kỳ hiếm có.

Cái hay của chính phủ Tây Đức là đã ngấm ngầm dụng lại trùm điệp báo Markus Wolf, mà không đày ải ông ta, một phần vì là người quá giỏi để tham khảo ý kiến, nhưng cũng có lẽ vì ông ta đã nói rằng, ông ta chỉ phục vụ hết lòng cho nước Đức, và vì làm việc nơi chính thể Đông Đức, cho nên ông ta phải ở vị thế không thể chọn lựa nào khác là phải đương đầu với phương Tây.

 

Mời bạn nghe câu chuyện thứ hai: Cruise ship MS Achille Lauro.

 

Vào ngày 7 tháng 10 năm 1982, có 4 người Palestinian trong tổ chức Palestine Liberation Front (PLF) đã cầm giữ du thuyền khi du thuyền chở đầy hành khách đi từ Alexandria tới Port Said, Ai Cập.  Những tên khủng bố này đã dùng áp lực quốc tế để đòi Do Thái phải trả tự do cho 50 người Palestinian đang bị cầm tù tại Jerusalem. 

 

 

Khi bị từ khước không cho bỏ neo tại Tartus, Syria, những tay khủng bố này đã giết chết một người tàn tật Mỹ tên là Leon Klinghoffer, ném thây xuống biển rồi quay lại bến Port Said, nằm về phía Đông Bắc của Ai Cập gần kinh đào Suez. Sau 2 ngày thương thảo để đổi lại thoát thân trong an toàn, những tên khủng bố Palestine này đã bỏ tàu để bay đến Tunisia qua hãng hàng không dân sự Ai Cập.

Tổng thống Mỹ bấy giờ là ông Ronald Reagan ra lịnh phi đội Tomcats trong biệt đội VF-74 BeDevilers và phi đội VF-103 Sluggers của biệt đội Carrier Air Wing 17 của hàng không mẫu hạm USS Saratoga chận bắt chiếc máy bay. Hai phi đội này bay luẩn quẩn ngoài tầm kiểm soát không phận, đợi cho đến khi biết chính xác từ tình báo viễn thông cho biết chuyến máy bay nào trong số cả ngàn chuyến máy bay, bay ngang ngang, dọc dọc.  Khi nhận diện chiếc máy bay hàng không chở 4 người Palestines, các chiến đấu cơ của Mỹ, đã thành công trong việc bắt chiếc máy bay chở những tên khủng bố phải hạ cánh xuống căn cứ Hải quân cuả khối Nato tên là Naval Air Station Signonella thuộc lãnh thổ Ý.

Câu chuyện chúng ta muốn đề cập ở đây là chỗ, qua việc biến cố của Cruise ship MS Achille Lauro 1982, các nước Âu Châu phải chấn động vì hiểu ra rằng tình báo viễn thông của Mỹ, có khả năng nghe lén được toàn bộ bàn luận trong vòng bí mật của một quốc gia.

Biến cố này đã tạo ra một vết nứt trầm trọng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Ý. Thủ tướng Ý bấy giờ là ông Bettino Craxi đã cho rằng quyền điều hành lãnh thổ Ý phải do người Ý quyết định, không thể nào để khối NATO quyết định được và chính quyền Ý đã để toàn bộ những người Palestines này thoát thân.

Để biện bạch việc làm, chính quyền Ý viện cớ là không thể giải giao những người Palestine này cho Mỹ vì như thế sẽ tổn thương đến quyền quyết định quốc gia họ. Nhưng chính thực ra, chính quyền Ý đã giận dữ phản ứng vì bị nghe lén. Hơn thế nữa họ cũng không muốn đụng chạm với Palestine vì muốn đứng ngoài các vụ tranh chấp của khối Trung Đông để được ổn định lâu dài.

Trở lại một chút xíu về chi tiết kỹ thuật, các đài tiếp vận (Repeaters)[11] có hai nhiệm vụ: nhận tin (receiver) và chuyển tin (transmitter) ở hai tần số (frequency) khác nhau. Con số rất thú vị để hiểu. Thí dụ: đài tiếp vận transmit ở tần số 146.94Mhz, và  Receive ở tần số 146.34 Mhz nhưng ở một chiếc xe cảnh sát, thường xuyên lại để tần số Reveive tại 146.94Mhz, tức là tần số ngược lại đài tiếp vận. Chỉ khi nào anh cảnh sát này muốn chuyển âm thanh của anh ta đi thì anh ta mới bấm vào nút transmitting để đổi sang tần số transmit là 146.34MHz để trùng với tần số nhận receive của đài tiếp vận. Rất giống như các dụng cụ truyền tin chúng ta dùng trong thời kỳ chiến tranh là PRC10 và PRC25, chỉ có cái khác là chuyển âm với khoảng cách ngắn hay chuyển với khoảng cách xa.

Bây giờ cảnh sát và các cơ sở đặc biệt viễn thông lại thêm một tần số cộng hưởng thêm, đươc gọi là CTCSS còn được gọi là tần số riêng biệt (own sub audible tone); thường là thấp hơn 156.7 Hz. Tần số bí ẩn này được cộng vào tần số đã được cấp giấy phép để xử dụng 146.34 Mhz± 156.7 Hz.

Thảo trình viên (programmer) dùng một chương trình nhỏ, (program) để đưa con số cộng hưởng này vào máy. Chỉ cần con số 0.7 Hz vào tần số thôi, là tai con người không nghe được nữa. Những máy dò sóng bán ngoài thị trường thương mãi (Commercial scanner) chỉ ngưng lại ở tần số này nếu trong máy scanner đó có định vị trước, còn đa số những scanner không được định vị thì không thể nào chụp được sóng. Cảnh sát Úc dùng kỹ thuật này, và mỗi tiểu bang lại có tần số CTCSS riêng biệt chỉ cách nhau vài hert để không bị nhiễu lẫn nhau.

Điều này làm chúng ta nhớ đến cuộc chiến tranh Việt Nam, nếu một vị chuyên viên truyền tin nào thấu hiểu được kỹ thuật này thì họ có thể điều chỉnh mạch điện (front end filters) của một số máy nhận và và một số máy thu thì loạt máy này có thể dùng trong việc truyền thông bảo mật trong nhóm mà thôi. Cách tránh sóng dò một cách tuyệt diệu mà cả bên địch cũng như ta sẽ không bắt được sóng.

Việc này rất khả thi, và đã được ứng dụng trong các điệp vụ. Tại Bắc Hàn, ông Kim Jong-Ryul, cựu đại tá quân đội Bắc Hàn, từng là bộ hạ của nhà lãnh đạo Kim-il-Sung xin tỵ nạn chính trị và ẩn mình từ năm 1984 tại Áo. Kim Jong-Ryul kể lại rằng, ông được tín cậy giao đi mua những vật dụng cá nhân cho Bắc Hàn trong gần hai thập niên. Kim Jong-Ryul đã từng mua máy đo mức phóng xạ, Geiger, máy đọc các nét vân tay từ Mỹ và điện thoại đã được điều chỉnh tần số, sao cho chỉ hai ông Kim Jong-il và Kim II-Sung nói chuyện được với nhau mà không sợ ai nghe trộm.

Hệ thống điện thoại này chẳng qua là do điều chỉnh lọc sóng front end filters để cộng hưởng thêm một vài frequency mà tai người không nghe được như đã đề cập bên trên.

Kỳ sau mời bạn nghe một câu chuyện thứ ba cũng liên quan đến tình báo Viễn thông Điện tử đã làm thay đổi cục diện của Trung Đông: Trận chiến 6 ngày của Do Thái và khối Ả rập. Chính trận chiến này đã làm Do Thái có cớ để nửa đêm về sáng, tung cuộc hành quân đặc nhiệm, lấy luôn mạn Tây của Jerusalem (West Bank)  từ Jordan và biến toàn thể Jerusalam thành thủ đô của Do Thái.

Cho đến nay năm nay 2009, thủ tướng Do Thái, ông Benjamin Netanyahu, trở lại cầm quyền lần thứ hai, đã tiếp kiến với Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ nhượng bộ tất cả các điều kiện của Mỹ đặt ra, nhưng chỉ có một điều độc nhất  Do  Thái khăng khăng không thể nhượng bộ là chia xẻ thủ đô Jesusalem với người Palestine, thậm chí còn muốn xây cất nhà ở cho 120 ngàn dân Do Thái trà trộn trong 250 ngàn dân Palestines vốn đã sống lâu năm trong vùng này.

Có một nguồn tin đã liên quan đến tình báo viễn thám điện tử khá thú vị nhưng không phối kiểm được, là tin Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với  Tổng Thống Bush ngày 24 tháng 6 2008. Đến ngày 28 tháng 7 năm 2008, tức là chỉ vào khoảng một tháng sau khi buổi hội kiến, khi trở về đã cấp tốc lên kế hoạch bắt giữ, cắt chức toàn bộ ban lãnh đạo của Quân Khu Thủ Đô. Nguồn tin này cho rằng Thủ Tướng Việt Nam đã nhận một món quà tặng quý giá của Tổng Thống Bush qua chuyến đi Mỹ đó là bản thu âm được buổi đàm luận của các ông Tướng lãnh đạo Quân Khu Thủ Đô.

TrantuanngocK28

Australia, November 2009

 

[1]           Robert Strange McNamara (June 9, 1916 – July 6, 2009) was an American business executive and the eighth Secretary of Defense. McNamara served as Defense Secretary for Presidents John F. Kennedy and Lyndon B. Johnson from 1961 to 1968. Following that he served as President of the World Bank from 1968 until 1981. McNamara was responsible for the institution of systems analysis in public policy, which developed into the discipline known today as policy analys

[2]           EEG: electroencephalogram: a graphical record of electrical activity of the brain; produced by an electroencephalograph

[3]             Nguyên tác là The First Circle, 1968, của Alexander Solzhenitsyn. Câu chuyện kể về đời sống của những nhà khoa học gia đã bị bắt giữ dưới điều luật 58 của Liên Bang Xô Viết. Điều luật cho phép bắt giữ  những ai có hành vi chống lại nhà nước Liên Xô. Tựa đề  “Từng Đầu Địa Ngục” để tôn trọng người đầu tiên dịch.

[4]                  Mavrino Prison, specially designed by reigning dictator Josef Stalin (F. Murray Abraham) for physicists, mathematicians, electrical engineers and other intellectuals to participate in state-supported scientific research; a voice print analysis machine is being developed in Mavrino and the pressure to get the machine up and running becomes almost unbearable. Laboring under increasingly hostile conditions, those tasked with its completion struggle to maintain a sense of humanity.

[5]          General Secretary, Communist Party of the Soviet Union's Central Committee: Stalin

[6]             Clipping, damping, amplitude compression, electronic differentiation and integration of human speech machine.

[7]          The First Circle is a novel by  Aleksandr Solzhenitsyn released in 1968. The novel details the life of the occupants of a Gulad prison camp located in the Moscow suburbs, the Marifino. Many of the prisoners (zeks) are technicians or academics who have been arrested under Article 58 of the RSFSR Penal Code in Stalin's  purges  following the Second World War. Unlike inhabitants of other hard labor camps of the Gulag system, the sharashka zeks are adequately fed and enjoy good working conditions

[8]           In Linguistics, intonation is variation of pitch while speaking which is not used to distinguish words. (Compare tone.) Intonation and stress are two main elements of linguistic prosody

[9]           Precision Op-Amp Design Technique. Paul Horowitz@Winfield Hill

[10]         The West Australian, p.45, Sat November 11, 2006.

[11]         The ARRL Handbook For Radio Communication 2008; chapter 15:20

 

(Source: https://khoa28tvbqgvn.com/cau-chuyen-ky-thuat-phan-1/ )

 

 


.Mũđỏ Trương Văn Út (Út Bạch Lan)

Lời Nói Ðầu:

            Tác giả bài viết này không phải là một người đã từng phục vụ trong Không Lực QLVNCH.  Bài viết này được biên soạn xuất phát từ lòng ngưỡng mộ của tác giả đối với Quân Chủng này, và nó được viết ra nhằm giúp những độc giả ở bên ngoài Quân Chủng có thể hiểu rõ phần nào cách thức tổ chức của các Sư Ðoàn Không Quân của Không Lực VNCH.  Trong quá trình biên soạn, tác giả đã tham khảo rất nhiều tác phẩm Quân Sử Không Quân Việt Nam Cộng Hòa cũng như các bài viết của các tác giả Không Quân đã đăng trong các Trang Web như Hội Quán Phi Dũng, Cánh Thép, vv.  Tác giả xin được đặc biệt cảm tạ những hướng dẫn về tài liệu và góp ý vô cùng quý báu của tác giả Nguyễn Hữu Thiện, một cựu sĩ quan Không Lực VNCH, thành viên Ðặc trách biên soạn trong Ban Thực Hiện của bộ quân sử nói trên.  Những sai sót chắc chắn không thể tránh được trong bài viết nầy hoàn toàn thuộc trách nhiệm của người viết.  Người viết rất mong được các độc giả đã từng phục vụ trong Không Lực VNCH, đặc biệt là các vị sĩ quan niên trưởng của Quân Chủng, giúp thêm ý kiến để bổ sung những điểm còn thiếu sót hay điều chỉnh những điểm sai trong bài viết.  Người viết xin thành thật cảm tạ.  

Bác sĩ nhìn em bác sĩ cười,
Em nhìn bác sĩ thật là vui,
Chúng em y tá yêu nghề thuốc,
Yêu các sinh viên, bác sĩ “thầy”.

Bốn câu thơ này đã được lưu truyền trong trường y khoa, nhất là trong các bệnh viện trong những lúc các sinh viên y khoa đi thực tập, giao tiếp với các y tá hay các nữ hộ sinh quốc gia làm việc trong các khu phòng tại bệnh viện. Ngày ấy, các y tá thường học các lớp huấn luyện y tá, điều dưỡng hay các nữ hộ sinh quốc gia học tại bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương, tức là phải tiếp xúc với các bác sĩ, nhất là các sinh viên y khoa “ngơ ngác” như nai vàng nhưng lại “có giá” đối với các cô và đã tạo nên các mối tình sinh viên thời ấy. Nguyên do người ta gọi sinh viên y khoa là các ông thầy là vì các lớp hộ sinh hay y tá đều do các bác sĩ dậy, thường họ phải xưng hô là thầy, rồi khi tiếp xúc với các sinh viên y khoa đi thực tập, họ không biết xưng hô thế nào cho tiện, họ bèn gọi là các “ông thầy” cho tiện (dĩ nhiên với các vị bác sĩ nữ, sinh viên y khoa nữ họ gọi là bà thầy).