Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hương xưa - Chu Kim Long

Collapse
X

Hương xưa - Chu Kim Long

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hương xưa - Chu Kim Long

    “ Những người muôn năm cũ
    Hồn ở đâu bây giờ “


    Đứng một mình trên sân thượng lầu hai của căn nhà vùng ngoại ô thành phố Sài Gòn, Hoàng dõi mắt trông về hướng núi Bà Đen, miền núi rừng Tây Ninh – vùng rừng già miền biên giới Việt Cămpuchia mà Hoàng vừa giã từ. Bóng tối của buổi sớm mai chưa thức dậy, bao phủ Hoàng. Đứng bất động như một pho tượng đá với những suy nghĩ mông lung về cuộc sống mà Hoàng đã trải qua - tuổi trẻ của Hoàng là những ngày tháng theo cha mẹ chạy loạn, chạy trốn Việt Minh, rồi di cư vào miền Nam sau ngày Cộng sản Việt Nam và chính quyền thực dân Pháp quyết định chia đôi đất nước qua bản hiệp định Genever năm 1954. Những năm tháng học hành đứt đoạn bởi cuộc di cư, năm nay học trường này, năm tới trường khác tùy theo lớp học và học bổng ấn định tên trường của Tổng hội Giáo giới cấp cho - khi Hoàng bước lên bậc trung học ở thành phố Sài gòn. Giảng đường đại học Luật khoa đã không còn là nơi chốn để ươm mầm cho những ước mơ của Hoàng. Chiến tranh cùng với ngục tù Cộng sản đã hủy hoại hoàn toàn những hoài bão của tuổi thanh xuân. Đứng trên sân thượng, Hoàng nghĩ mình đang ở tuổi mà các cụ gọi là tam thập nhi lập. Nhưng lại đang đối diện với một tương lai đen như bóng đêm. Hoàng đang sống trong tuổi thanh niên với một hiện tại đầy bất trắc, một tương lai vô định.
    Đã gần sáu năm trên miền biên giới, Hoàng không nghe được tiếng gà gáy dòn dã như sáng hôm nay – buổi sáng đầu tiên với một đêm ngủ không ngon giấc sau gần sáu năm vắng nhà, giấc ngủ pha lẫn những cay đắng, khốn cùng của những năm tháng tù đày nằm sâu trong ký ức Hoàng bất chợt hiện về trong những cơn mộng mị. Tiếng gà gáy đã đánh thức Hoàng dậy, cả nhà còn ngủ cả. Không khí tĩnh mịch bao trùm căn nhà hai tầng lầu của thày mẹ Hoàng, nơi anh em Hoàng ngồi đọc sách, soạn bài trong những năm tháng chưa bị chi phối bởi luật tổng động viên năm Mậu Thân 1968. Phía trước phòng học là sân thượng với một vài chậu kiểng, làm cho khu sân thượng thêm hài hòa và sinh động. Ánh sáng của những ngọn đèn trong những đêm khuya tĩnh mịch, nhất là những mùa thi cuối năm xưa kia, đã làm cho bà con lối xóm đi làm ban đêm trở về, hoặc những bà con dậy sớm đi buôn bán trên các khu chợ miền lục tỉnh lưu tâm đến việc học tập của anh em Hoàng, qua những lời nói xã giao “ Lúc nào đi ngang qua cũng thấy đèn sáng.....”.
    Trời đã rạng sáng, mờ bóng người. Thầy mẹ, cô và em Hoàng đang sửa soạn đi lễ sáng. Hoàng bước trở lại phòng ngủ, làm vệ sinh cá nhân rồi theo gia đình đi lễ. Như gặp lại người thân sau nhiều năm xa vắng, những đồng hương trong xứ đạo vồn vã thăm hỏi Hoàng sau khi thánh lễ kết thúc. Nhưng, như đã có kinh nghiệm trong những năm tháng lao tù, tránh những phiền muộn cho gia đình, Hoàng đã tự chế trong tiếp xúc và cám ơn những thăm hỏi thân tình để về sớm lo một vài công chuyện.
    Để làm quen lại với chiếc xe đạp của một thời trung học tưởng như sẽ không bao giờ xử dụng tới nữa, Hoàng đạp xe tới lui thăm mấy gia đình bà con ruột thịt và bạn bè thân thiết xưa nay. Sau những ngày dài xa nhà và sau một tuần đoàn tụ, Hoàng đã hoàn tất những thủ tục của địa phương đòi hỏi để được tạm cư ngay trên ngôi nhà của cha mẹ Hoàng. Gia đình cũng như chính cá nhân Hoàng biết cả nhà đang sống trong tình trạng theo dõi và nghi kỵ của công an khu vực, cũng như phường đội kể từ ngày Hoàng ra khỏi trại tù. Tuy cẩn trọng, nhưng Hoàng vẫn tự nhủ: cứ sống bình thường như những năm tháng sống trong trại tù lâu nay, khúm lúm làm cho con người hèn đi. Sợ hãi thái qúa sẽ tạo thành những ma lực vô hình tích tụ theo ngày tháng trong tâm trí, dễ sinh ra trầm cảm.
    Để phần nào làm thư giãn tâm trí, Hoàng muốn đạp xe ra khỏi nhà để thấy lại những cảnh vật, những dấu vết kỷ niệm xa xưa vẫn còn phảng phất trong ký ức. Nhưng vì giới hạn bởi qui định quản chế, Hoàng không thể đi xa để tới những nơi chốn Hoàng đã đi qua, đã sinh họat. Sau khi đạp xe xuống văn phòng quận Gò Vấp trình diện theo thông lệ, Hoàng đạp xe lên Phú Nhuận, ngắm nhìn đường phố Sài gòn như một người khách lạ, như một người từ miền quê lên tỉnh – người và cảnh vật đều đổi thay sau sáu năm chàng xa Sài Gòn. Những nét mặt đăm chiêu, những ánh mắt trông chừng như e ngại người này theo dõi người kia trong các sinh hoạt trên đường phố mà Hoàng đạp xe đi qua.
    Hoàng đạp xe trên các con đường mang tên theo trí nhớ của Hoàng, chàng không để ý tới những con đường xưa đã bị đổi tên, trong tâm tưởng Hoàng vẫn thấy tên những con đường cũ, tên những thành phố xưa kia dễ thương, dễ mến hơn. Hoàng vẫn thích và tự hào về mấy chữ Sài Gòn là hòn ngọc Viễn Đông đã được nhiều người nhắc tới xưa nay, một mỹ từ dành cho thành phố Hoàng đã sống, và theo học từ sau ngày theo cha mẹ di cư vào miền Nam năm 1954, cho đến ngày miền Nam bị Cộng Sản thống trị.
    Như một người nhàn du, chiếc xe đạp đã đưa Hoàng đi gần tới cổng số một Bộ Tổng Tham Mưu nằm cuối đường Võ Tánh, Phú Nhuận. Khi tới cổng số hai tiếp giáp với khu dân cư xứ đạo Phát Diệm, Hoàng đã đạp xe một cách chậm rãi, vừa liếc nhìn và nghĩ đến những cảnh vật phía tay phải - sau bức tường cao, với những dãy nhà tiếp nối hàng hàng lớp lớp bên nhau của các tổng cục, trung tâm hành quân và các phòng, các ban – tất cả hầu như đều được xây cất hướng về tòa nhà chính của Bộ Tổng Tham Mưu – văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng ngày xa xưa. Bên cạnh Phòng tổng quản trị là Nha Tổng Thanh Tra – nơi có những người bạn tâm giao, những trưởng đoàn thanh liêm chính trực ngày nào. Hoàng khẽ thở dài, tiếc nuối, nhớ đến những hình ảnh, những khuôn mặt thân thương đã gặp và làm việc một thời bên nhau trước khi Hoàng thuyên chuyển về trường Cao Đẳng Quốc Phòng. Bất giác Hoàng nói nhỏ như nói cho chính mình nghe: “ Những người muôn năm cũ – hồn ở đâu bây giờ “.


    Chân đạp xe mà người như mộng du, tâm trí Hoàng nhớ đến những câu thơ của bà Huyện Thanh Quan vịnh cảnh đèo Ngang trong một buổi chiều tà khi vận nước đổi thay. Hoàng nhớ đến sân khấu và những trang thiết bị hiện đại của giảng đường trường Cao Đẳng Quốc Phòng – đơn vị cuối cùng Hoàng đã phục vụ, và chợt nghĩ đến người nữ sinh viên văn khoa – cô hàng bánh cuốn năm xưa làm việc bán thời gian, phụ giúp mẹ nàng bán bán cà phê và bánh cuốn trên góc đường Phan Đình Phùng – Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trên đường phố, giòng người và xe cộ vẫn tấp nập ngược xuôi như hối hả chạy theo thời gian để kiếm sống trong thời buổi khó khăn, gạo quế củi châu.
    Mùa Xuân và ngày tết Nguyên đán cũng đã cận kề, mà cảnh vật đường phố vẫn chưa thấy sửa soạn đón Xuân và hương vị Tết. Nén tiếng thở dài tiếc nuối khi nhớ đến cảnh cũ người xưa, Hoàng muốn được đi trở lại những con đường quen thuộc năm xưa, nên gò lưng đạp xe vòng qua khu lăng Cha Cả rồi đạp ngược chiều về lại đường Võ Tánh, quẹo phải vào đường Trương Tấn Bửu để rẽ trái vào đường Trương Minh Giảng. Đạp qua cầu Trương Minh Giảng, Hoàng quẹo trái vào Yên Đỗ. Hoàng tiếp tục đạp xe tới ngã tư Yên Đổ, Hai bà Trưng, Trần Quang Khải, những địa danh Hoàng đã quá quen thuộc thời còn ở bậc Trung học với các trường Tân Thạnh, Văn Lang, Việt Nam Học Đường trong khu Xóm Chùa đường Đặng Tất, Đặng Dung, và trường Huỳnh Thị Ngà ở số 10 Trần Nhật Duật cũng như rạp cinê Văn Hoa, nơi Hoàng đã coi phim Ben Hur năm 1960, gần lối rẽ vào trường Văn Hiến. Hoàng theo đường Trần Quang Khải đạp băng ngang qua đường Phạm Đăng Hưng, nơi có võ đường Quang Trung của Thượng tọa Thích Tâm Giác để qua gặp mấy đường Phan Thanh Giản, Phan Đình Phùng, Nguyễn Bỉnh Khiêm.
    Vừa tới khu vực ngã tư Phan Đình Phùng – Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hoàng đã nhìn thấy chiếc xe đẩy có bốn bánh của cô hàng bánh cuốn trước năm 1975 vẫn còn ở nguyên vị trí cũ, bên lề đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hoàng cảm thấy vui và quên hết mệt nhọc, dù mồ hôi còn thấm ướt trên lưng và trên trán. Hoàng nhớ đến sáu năm về trước, Hoàng và các bạn cùng đơn vị thường ghé tới xe bánh cuốn của mẹ con cô hàng bánh cuốn để ăn sáng và uống cà phê, Hoàng vẫn thường gọi nàng là cô hàng bánh cuốn và giao tiếp như một người anh và người em gái, dù Hương đã có những tình ý xa hơn tình người em gái hậu dành cho Hoàng.
    Có lẽ, thời buổi đổi đời, gạo châu củi quế, lại chưa đến giờ nghỉ để ăn trưa nên không có một bóng người ngồi ăn uống, ngoại trừ cô hàng bánh cuốn và chiếc xe với hai ba cái bàn cũ. Từ đây, chỉ cách khoảng hơn nửa cây số nữa là tới trường Cao Đẳng Quốc Phòng – đơn vị cũ của Hoàng, nằm ở góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và đại lộ Thống Nhất, gần cổng vườn Bách Thảo Sài Gòn và trông qua Phủ Thủ Tướng.
    Vừa dựng chiếc xe đạp tựa vào gốc cây me già, cách chiếc xe bánh cuốn năm sáu bước chân, cô hàng bánh cuốn đã nhận ra Hoàng – một trong những người khách quen thuộc ngày nào của mẹ con cô. Nhìn bước chân Hoàng đang bước tới, với nụ cười mỉm chi, cô hỏi: Anh vẫn khoẻ chứ, đã lâu qúa không gặp anh. Còn các bạn anh bây giờ ra sao?
    Thấy không có người lạ mặt, Hoàng nói một cách chừng mực, nhưng tự nhiên với ngụ ý nhắc đến tên nàng.
    - Mỗi người mỗi nơi, rừng núi bạt ngàn, nơi khỉ ho cò gáy, ai sống ai chết không ai hay. Mới về, nhớ cảnh cũ người xưa, mùa Xuân và tết nhất cũng cận kề, nên tôi đạp vòng vòng tìm lại chút hương xưa thân thương ngày nào.
    - Cám ơn anh, không còn gì là hương là sắc nữa anh ạ, cuộc đời dâu biển, tết đến nơi rồi mà em vẫn không cảm thấy hương Xuân, ý Xuân, có lẽ mùa Xuân của anh em mình đã đi vào dĩ vãng. Anh ốm và đen hơn xưa nhiều qúa. Đã mấy năm nay, em đâu biết đến tết đến Xuân. Hương Xuân cũng như hương sắc đã tàn theo năm tháng rồi. Thôi, để em pha ly cà phê sữa nóng và tráng bánh mới như ngày nào cho anh, anh dùng xem có khác hương vị ngày xưa không – cô hàng bánh cuốn, người nữ sinh viên Văn khoa hiền dịu và duyên dáng ngày xưa vừa cười mỉm vừa nói nhỏ cho Hoàng đủ nghe.
    - Thôi, nhắc chi những chuyện ngày xưa, nó có thể làm phiền cho Hương, với anh thì không sao, chẳng còn gì để mà mất, đời đã đổi thay, nào ai muốn! Hương cho ly cà phê sữa nóng, còn không cần tráng bánh mới, có ăn là tốt rồi – Hoàng nói.
    - Không sao, để em tráng bánh mới cho anh. Gặp lại anh, như tìm lại được ngày xưa thân ái. Gặp lại mà nghe như xa lạ, em cảm thấy xót sa, một cái tên gọi, một ngày xưa thân ái. Đó là hương thời gian dễ gì ai quên được, em chẳng sợ – Hương nói.
    - Cái tên gọi không thành vấn đề đâu Hương, thời thế thế thời phải thế, cái nhân cách, cái tình người mới đáng qúy, đáng kể. Thôi, bỏ quên chuyện ấy đi. Mà sao rồi, Hương được mấy cháu rồi – Hoàng hỏi.
    - Sau năm 1975, bị bắt buộc, gia đình em phải sống cảnh một chốn đôi quê. Không sống nổi, bố em bỏ khu kinh tế mới trốn về, lâu nay vẫn đi bán vé số dạo. Em là giáo viên môn Văn, nhưng cứ nay học tập bồi dưỡng lý luận Chủ nghĩa Mác Lê, mai lại họp tổ họp đoàn, rồi phải dạy những điều làm em bất an. Nên em xin nghỉ để phụ việc với mẹ em. Vì vậy mà mẹ con em vẫn cố bám trụ ở đây. Ngoài bánh cuốn, cà phê, mẹ con em còn bán kèm theo vé số nữa. Cứ năm bữa nửa tháng, mấy đứa nó lại ghé đến ăn chùa, uống chùa, rồi đôi khi mượn xe với yêu cầu đổ đầy bình xăng. Do đó, đời sống của gia đình em tuy có khó khăn, nhưng tương kế tựu kế vẫn được sống bình an, không bị hạch sách hay làm khó dễ gì. Các anh tan hàng, vật đổi sao dời. Em không còn tương lai, nhưng em vẫn cố nhẫn nhục để vượt qua những khổ lụy. Vậy anh bảo em lấy ai bây giờ mà có mấy cháu hả anh. Thôi, đã lỡ thì để lỡ luôn anh à, ngoại trừ có số thiên di trên bến dưới thuyền như thiên hạ thì tính sau. Anh có những suy nghĩ như em không? Hương nói thật nhỏ cho Hoàng nghe một cách ẩn ý với nụ cười gượng.
    Bên cạnh chiếc xe bánh cuốn với mấy cái bàn cũ – vẫn không một khách hàng, chỉ có cô chủ xe bánh cuốn và Hoàng, chàng vừa ăn vừa nói chuyện xưa chuyện nay với Hương một cách tự nhiên, dĩa bánh cuốn nóng Hương tráng, với ly cà phê thơm ngon đã làm Hoàng quên đi những mỏi mệt sau những cuốc xe đạp dong duổi, dọc theo các khu phố từ sáng đến lúc ghé vào xe bánh cuốn của Hương.
    Đã đến giờ ăn trưa, một vài người đang từ ngã tư Phan Đình Phùng chờ băng qua đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, có lẽ họ là nhân viên đài phát thanh - hệ thống phát thanh trước đây của Việt Nam Cộng Hoà. Không muốn gặp những người lạ mặt, và cũng để Hương bán hàng một cách tự nhiên. Hoàng đứng dậy móc bóp trả tiền. Thấy vậy, Hương nghiêm nét mặt nói: Anh cứ tự nhiên, mặc kệ họ, rồi họ cũng biết anh là người thân của em mà. Anh đừng làm em buồn, em mời anh dĩa bánh cuốn và ly cà phê sau bao năm xa cách mà không được sao? Với những dự tính và hoàn cảnh bất thường, em biết anh và em chắc gì còn dịp gặp lại nhau. Mình nhớ cầu nguyện cho nhau nghe anh.
    - Cho anh gởi lời vấn an sức khoẻ bố mẹ Hương. Em nói vậy, anh không biết nói sao nữa, cám ơn Hương. Nếu đời sống chưa có gì thay đổi bất thường cho anh hoặc gia đình Hương, có dịp anh sẽ ghé lại thăm Hương, còn không – mình nhớ cầu chúc may mắn cho nhau và thành đạt như ý nhé. Hoàng nói và bắt tay Hương với nỗi buồn hiện lên trên khuôn mặt, trên khoé mắt hai người.
    Những khuôn mặt lạ đang đi tới gần xe của cô hàng bánh cuốn. Hoàng nói nhỏ: Thôi anh về, chúc em an mạnh và thành đạt như ý.
    Hoàng dắt chiếc xe đạp và đi sang bên kia lề đường để đi về hướng Thảo cầm viên. Hai tay nắm chặt cái ghi đông mà Hoàng bước đi như như người thấm hơi men, bước chân như bước thấp bước cao. Hoàng nghoảnh mặt lại bắt gặp Hương vẫn đứng lặng ngó trông theo. Tay trái nắm cái ghi đông, tay phải giơ lên, Hoàng khẽ vẫy đi vẫy lại chào Hương rồi ngồi lên yên xe, cúi đầu đạp thật nhanh về hướng vườn bách thảo.
    Dắt xe qua lề đường cạnh hàng rào vườn bách thảo. Đứng bên ngoài cánh cổng, Hoàng nhìn chéo về bên trái, phía cổng trường Trưng Vương có vài ba cô bé đang đứng nói chuyện, Hoàng không thấy những tà áo đồng phục dễ thương như ngày xưa, Hoàng lại nhìn sang bên phải là ngôi cao ốc to lớn, trước đây là trường Cao Đẳng Quốc Phòng – đơn vị cũ của Hoàng, với những bức tường đã mọc đầy rêu phong, hoang phế như ngôi nhà hoang. Hoàng định đạp xe ngược lại một đoạn đường để ghé thăm những gia đình quen biết, cư ngụ trong khu gia binh trước đây, nằm phía sau bức tường ngăn cách với khuôn viên của trường, xem ai còn ai mất. Nhưng Hoàng chợt thấy bóng dáng năm ba người đội nón cối, đi dép râu, vừa cười vừa nói giọng lè nhè, mặt đỏ quạch như say sỉn đang đi ra khỏi cổng khu gia binh. Hoàng nén thở cho nguôi sự buồn phiền bất thường, rồi ngồi lên yên xe cắm cúi đạp một mạch từ đầu đường Thống Nhất là cổng vườn bách thảo về hướng nhà thờ Đức Bà, để đến khu nhà thờ Đức Bà, bưu điện, dinh Độc Lập rồi ghé Lê Lợi, Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành thăm khu chợ Hoa, chợ Tết. Nhưng, chợt nhớ đến đôi mắt u ẩn khi Hương nói: Mùa Xuân của anh em mình đã đi vào dĩ vãng....đã mấy năm nay em đâu biết đến Tết đến Xuân.... Bất giác, Hoàng quẹo phải vào đường Hai bà Trưng, đạp thẳng xuống Võ di Nguy Phú nhuận để theo hướng ngoại ô về nhà, như để tránh một cơn bão lốc trong tâm hồn khi mùa Xuân đang tiến tới.
    Về đến nhà, Hoàng cảm thấy mệt và hơi váng đầu sau một ngày dài dong duỗi trên đường phố Sài Gòn. Lấy quần áo đi tắm rồi nằm nghỉ mệt cho đến chiều tối. Hoàng chợt nghĩ phải tạm quên những chuyện bên lề cuộc sống khi lực bất tòng tâm, để dốc tâm vào chuyến đi xuống Rạch giá vào cuối tháng – một chuyến đi đổi đời, chuyến đi cuối năm sẽ vĩnh viễn xa người em gái Văn khoa ngày nào – cô hàng bánh cuốn, xa những người thân, và quê hương sẽ ngàn trùng xa cách, một chuyến đi đã được mẹ Hoàng kín đáo móc nối với những người bạn làm ăn lâu năm và thân thiết với gia đình Hoàng. Nghĩ tới chuyến đi với hy vọng sẽ thành công, dù hiểm nguy. Hoàng cảm thấy xót xa khi biết sẽ không có một mùa Xuân nào đến với cuộc đời Hoàng, nếu Hoàng không dứt khoát ra đi như những lời Hương đã tâm sự với chàng bên ly cà phê và dĩa bánh cuốn, do chính tay nàng pha và tráng bánh mời Hoàng.
    Sau khi xuống ăn tối với gia đình, Hoàng lên sân thượng đi tới đi lui, suy nghĩ mông lung về chuyến đi đổi đời rơi vào ngày cận tết, với dự đoán của người tổ chức vượt biên là bọn công an sẽ mải lo ăn chơi trong dịp tết, không lưu tâm đến chuyện canh gác sông biển. Nghĩ đến cái tết lần thứ bẩy phải xa gia đình mà Hoàng vừa đoàn tụ chưa được bao lâu, rồi liên tưởng đến không khí u uẩn của gia đình, của thày mẹ và các em Hoàng trong những ngày tết - cố nén tiếng thở dài, Hoàng đọc thầm một vài kinh nguyện để tìm nguồn an ủi và bình an cho tâm hồn trong tinh thần phó thác, rồi tắt đèn đi ngủ. Hoàng biết những đêm cuối năm chờ chuyến đi là những đêm ngủ không ngon giấc, dù mùa Xuân đang đến theo luật tuần hoàn. Nhưng hương Xuân, ý Xuân đã từ lâu không đến với Hoàng và những người đồng cảnh ngộ như Hoàng sau mùa Xuân năm 1975, trong đó có Hương - người em gái hậu phương, cựu nữ sinh viên Đại học Văn Khoa, một cô giáo đã giã từ ngành nghề sư phạm vì không muốn bị nhồi sọ qua các lớp học tập bồi dưỡng lý luận Chủ nghĩa Mác Lê, nay họp tổ, mai họp đoàn, cũng như phải dạy những điều làm tâm hồn bất an - người con gái xinh, dịu hiền mà Hoàng và các bạn cùng đơn vị rất thương mến.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X