Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Các Danh Hiệu Phượng Hoàng - phượnghoàng kimcương

Collapse
X

Các Danh Hiệu Phượng Hoàng - phượnghoàng kimcương

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Các Danh Hiệu Phượng Hoàng - phượnghoàng kimcương

    Các Danh Hiệu Phượng Hoàng

    phượnghoàng kimcương
    ---oo0oo---



    Ông Nguyễn Quan Vĩnh có nhã ý muốn tôi viết về danh hiệu các Phượng Hoàng trong phi đoàn 514 chúng ta. Danh hiệu theo tiếng Anh là 'call sign'/ indicatif d'appel, hoàn toàn khác với biệt danh, biệt hiệu (nickname/ surnom) hay là tên húy, tên tục (sobriquet). Mỗi đơn vị trong quân đội đều có danh hiệu của nó ngoài phiên hiệu bằng con số, như phi đoàn mình có phiên hiệu là 514 và danh hiệu là Phượng Hoàng.

    Nếu lấy danh hiệu bằng số thì Phi đoàn trưởng có danh hiệu là Phượng Hoàng 01, Phi đoàn phó là PH 02...v...v. Phi đội trưởng Phi đội 1 danh hiệu là PH 11, phi đội trưởng Phi đội 2 là PH 21...,... Phi đội 6 là PH 61. Nhưng theo Huấn thị Điều hành của Phi đoàn mình thì khi đã được xác định ra phi tuần trưởng1 chúng ta có quyền chọn cho mình một danh hiệu. Phi đoàn sẽ báo cáo về Bộ Tư lệnh KQ là đương sự đã đậu khóa học Phi tuần trưởng và đã chọn danh hiệu đính kèm.

    Đầu tiên người ta chọn mấy màu căn bản. Chỉ huy trưởng đầu tiên của phi đoàn chúng ta là Huỳnh Hữu Hiền. Ông đã chọn danh hiệu Phượng Hoàng Đỏ (Phoenix Red/ Phénix Rouge). Màu đỏ có tính cách năng động, nhiệt huyết và tràn đầy đam mê. Trong danh hiệu người ta để màu phía sau danh từ chớ không để phía trước như 'phoenix red' chớ không phải 'red phoenix'.

    Sau khi ông Hiền không còn ở phi đoàn nữa thì 'Đại bác 20 ly' Lê Bá Định chọn lấy danh hiệu 'Phượng Hoàng Đỏ' đó. Bằng Phong còn gọi ông là 'Bá Đạo' hồi thời ông làm với ông 'Bá Chủ' Nguyễn Văn Bá ở Pleiku.


    13 Phi công đầu tiên của PĐIKT

    Từ trái qua, các Ch/úy ngồi là: 1. Phạm Phú Quốc, 2. Mạc Kĩnh Dung, 3. Võ Văn Sĩ, 4. Thái văn Dương, 5. Vũ Khắc Huề, 6. Trương Đăng Lượng Đứng: 1. Lê Ngọc Duệ, 2. Nguyễn Đình Nam, 3. Võ Văn Xuân, 4. Chỉ huy trưởng Đ/úy Huỳnh Hữu Hiền, 5. Th/tá cố vấn Cmdt. Marthy (Pháp), 6. Nguyễn Hữu Bách, 7. Nguyễn Thế Long, 8. Huỳnh Hữu Bạc, 9. Nguyễn Tấn Sĩ

    Màu đỏ còn được nhắc đến khi anh em ở phi đoàn gọi Thái Văn Dương, một trong 13 phi công đầu tiên của phi đoàn là 'Thái Rubicond' dịch từ tiếng Pháp là 'Thái Mặt đỏ'. Sau đó phi đoàn cũng có một anh tên 'Dũng Mặt đỏ'. Nguyễn Thanh Dũng còn có danh hiệu là 'Hồng Hài Nhi' (Red Boy), một nhân vật trong truyện "Tây Du Ký" của Ngô Thừa Ân.

    Danh hiệu Phượng Hoàng Trắng (Phoenix White/ Phénix Blanc) được anh cả toán 13 phi công đầu tiên là 'Tám nghiến' Phạm Phú Quốc chọn. Màu trắng tượng trưng cho sự thuần khiết, tinh khôi, trong trắng, hoàn mỹ. Màu trắng thể hiện sự sang trọng, quý phái, là màu sắc cao cấp được sử dụng trong các nghi thức trịnh trọng.

    Chỉ huy trưởng thứ 8, Hoàng Thanh Nhã tức 'Tây hom' cũng đã chọn 'Phượng Hoàng Trắng' làm danh hiệu. Ông Nhã đã tốt nghiệp khóa 14 'Nhân Vị' Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt rồi mới theo học bay với khóa 61 SVSQKQ ở Trường Phi hành Hải quân Hoa Kỳ Pensacola, Florida.

    Người thứ nhì trong toán 13 phi công đầu tiên là Nguyễn Thế Long tức 'Long Nhà Bè' đã chọn danh hiệu Phượng Hoàng Vàng (Phoenix Yellow/ Phénix Jaune). Ông Long là người đã viết ra quyển "Historique du 1er Groupe de Chasse" (Tiểu sử Đệ nhứt Phi đoàn Khu trục)2 bằng tiếng Pháp để lại cho phi đoàn. Màu vàng là màu sáng nhất mà mắt người có thể nhìn thấy. Nó đại diện cho tuổi trẻ, niềm vui, ánh nắng mặt trời và những cảm giác hạnh phúc khác. Đó là một màu sắc tươi vui, tràn đầy sinh lực.

    Ông Long làm 'ditching' (amerrissage forcé/ đáp ép buộc xuống nước) với chiếc Bearcat ở sông Nhà Bè và chết đuối ở đó. Chỉ huy trưởng thứ 6, ông Võ Văn Sĩ tức 'Sĩ mập', một người trong toán 13 đã lấy danh hiệu đó (PH. vàng).

    Danh hiệu Phượng Hoàng Xanh (Phoenix Blue/ Phénix Bleu) là của Nguyễn Hữu Chẩn chọn. Ông Chẩn cùng khóa 52F1 Marrakech với Huỳnh Hữu Hiền, nhưng ông Hiền đã mang lon Th/úy lúc ra trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức rồi mới đi học bay trong lúc Chẩn chưa có học quân sự. Màu xanh là màu của nước và bầu trời, với ý nghĩa hòa bình, vững chắc và tin cậy.

    Màu xanh có rất nhiều sắc thái: xanh lơ (blue/ bleu), da trời (sky/ bleu ciel), nước biển (navy/ bleu marine), chàm (indigo), xanh cổ vịt (peacock blue/ bleu canard), thiên thanh (azure/ bleu d'azur), lam ngọc (sapphire/ bleu de saphir), lam (turquoise/ bleu turquoise)....

    Ông Phạm Long Sửu đã chọn danh hiệu Phượng Hoàng Lam (Phoenix Turquoise/ Phénix (Bleu) turquoise). Ông là người có bằng hoa tiêu quân sự Việt Nam đầu tiên số 001 và là Chỉ huy trưởng đầu tiên của Đệ nhị Phi đoàn Khu trục (PĐIIKT) Phi Hổ (Flying Tiger). Màu lam là một màu dịu hiền, hòa hợp được tất cả các màu sắc khác, cũng có thể nói là màu xanh của ngọc lam (turquoise).

    Người thứ hai đã chọn danh hiệu (PH. lam) này là ông Sami Võ Văn Trương, người Ấn có mẹ Việt. Nước da ông sậm nên các bạn gọi ông là 'Trương đen', khác với 'Trương trọc' là Nguyễn Văn Trương, em rể của Phượng Hoàng Trần Văn Thiện cùng khóa với ông. 'Trương đen' đã đạt được thành tích "Student of the Week", khóa sinh xuất sắc về phi huấn, ở Trường bay VT-1 Hải quân Hoa kỳ NAAS Saufley Field, Florida.

    Phượng Hoàng Thiên Thanh (Phoenix Azure/ Phénix (Bleu) d'Azur) là danh hiệu của ông Nguyễn Quan Vĩnh tự 'Vĩnh khều' vì ông ốm gầy có tay chân dài thòn, lỏng khỏng. Màu Thiên Thanh là màu áo choàng của Đức Mẹ Maria. Ông Vĩnh kể rằng ông không có đạo công giáo nhưng mỗi lần xuất trận là ông đọc bài kinh 'Kính Mừng' "Ave Maria" và xin Đức Bà phò hộ nên suốt cuộc đời đánh giặc, vào sanh ra tử, ông không hề bị gì hết.


    Đức Mẹ Maria (đạo Công giáo La mã)(Pinterest)

    Một sắc thái khác của màu xanh là màu lục, màu lá cây. Danh hiệu Phượng Hoàng Lục (Phoenix Green/ Phénix Vert) được ông Lê Ngọc Duệ chọn. Toán 13 phi công đầu tiên của phi đoàn gọi ông là 'fillette' có nghĩa từ tiếng Pháp là em bé gái, hay bẽn lẽn, rụt rè. Màu xanh lục gắn liền với cây cỏ. Nó đại diện cho môi trường thiên nhiên, đồng thời biểu hiện cho sự sinh sôi, nảy nở, sự phát triển, hy vọng. Lục gợi ra ý tưởng tươi mát và tạo được cảm giác thoải mái, an toàn.

    Phượng Hoàng Đen (Phoenix Black/ Phénix Noir) là danh hiệu của Lưu Văn Đức, Chỉ huy trưởng thứ 3 của Phi đoàn I Khu trục, sau ông Hà Xuân Vịnh. Các SVSQ Lưu Văn Đức, Hà Xuân Vịnh, Nguyễn Quang Tri và Tr/úy Nguyễn Ngọc Loan (Khóa 1 Thủ Đức-Nam Định) học cùng khóa 'Brunschwig' (1953) Võ bị Không quân Pháp Salon-de-Provence. Đúng ra màu đen vô sắc, ẩn chứa một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đây là màu duy nhứt không bị biến sắc cho dù người ta có pha trộn nó với bất kỳ màu nào đi chăng nữa. Sắc thái của nó giống như của một người già dặn, không hề thay đổi mà lẳng lặng bước qua những sóng gió của cuộc đời. Màu đen hoàn toàn không có ánh sáng mà chính nó có thể hấp thụ hết các loại màu sắc, ánh sáng của vật thể khác. Đen là màu sắc đại diện cho sự dũng cảm mạnh mẽ, dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, lại vô tình trở thành cố chấp, độc đoán, đa phần thuộc về người chung thủy, thích hành động hơn là chỉ có lời nói suông, và có tính chiếm hữu cao.

    Sau khi ông Đức hy sinh trong một phi vụ hành quân, ông Lê Quốc Hùng, Tây lai, có khai sanh Pháp tên Jean Boyer, nhận lấy danh hiệu này.

    Ông Nguyễn Đình Lộc tự 'Lộc đĩ' là người thứ 3 đã chọn lấy danh hiệu 'Phượng Hoàng Đen' khi Hùng lên Liên đoàn Tác chiến.

    Danh hiệu kế tiếp là Phượng Hoàng Xám (Phoenix Grey/ Phénix Gris), được ông Nguyễn Quang Tri, vị chỉ huy trưởng thứ tư, chọn. Màu xám tượng trưng cho sự vô tư. Nó pha trộn giữa hai màu đen và trắng, nhưng tách hẳn ra khỏi màu trắng quá trơn tru và màu đen quá khắc khe. Màu xám tượng trưng cho sự tẻ nhạt, chán ngắt, của những người có cuộc sống khắc khổ. Đôi khi nó cũng tượng trưng cho sự êm dịu, tao nhã, nghiêm trang và có kiến thức. Chất tạo thành não người có màu xám và được gọi là "chất xám", vì thế 'xám' còn có cái gì đó thuộc về trí tuệ.

    Trước khi tiếp tục với những màu sắc khác, chúng ta trở lại với toán 13 phi công đầu tiên của PĐIKT.

    'Thần Hổ' Trương Đăng Lượng đã lấy danh hiệu của phi đội mà ông chỉ huy là Thần Hổ (Tiger (God)/ (Dieu) Tigre) làm danh hiệu mình. Thần Hổ vừa là huyền thoại vừa là hiện thân của vẻ đẹp dũng mãnh, hiểm ác vì thế hổ linh được chạm trổ trên các lăng mộ, được in trên hoa văn các vách, cổng chùa, đền, miếu cổ xưa, với vẻ đẹp uyển chuyển, nhẹ nhàng và có tính thiêng liêng. Sau này, khi ông 'Cả Lượng' ra làm trưởng phòng An ninh Không đoàn 23 thì cố vấn Mỹ Đ/úy Sauressig lấy danh hiệu đó gọi là 'Tiger Joe' (Thần Hổ Joe).

    Sau ông Lượng thì không còn người nào trong toán 13 phi công chọn danh hiệu nữa. Phần lớn là họ đã ra Nha Trang dạy bay ở TTHLKQ như Nguyễn Tấn Sĩ tự 'Sĩ cò', hoặc bay với PĐIIKT Phi Hổ như Vũ Khắc Huề, Nguyễn Hữu Bách tự 'Bách cụt'. Mạc Kỉnh Dung, Huỳnh Hữu Bạc và Võ văn Xuân tự 'Xuân Sicador' (sát thủ) thì sớm tử nạn. Còn Ông Nguyễn Đình Nam, cho tới cuối cùng, người ta cũng không thấy ông đã chọn danh hiệu gì.



    Ông Lê Văn Thảo tự 'Thảo nâu' có nước da sậm. Ông đã theo Chỉ huy trưởng Võ Xuân Lành về PĐ514. Lúc bấy giờ người ta gọi ông Lành là 'Anh Tư Dân vệ' vì Thiếu tá có tướng tá bình dân. Sau khi ra phi tuần trưởng ông Thảo lấy luôn danh hiệu Phượng Hoàng Nâu (Phoenix Brown/ Phénix Marron). Màu nâu là màu của chất tanin lấy từ củ nâu. Nó tượng trưng cho sự giản dị, quê mùa, là màu áo của mấy chú tiểu, ni cô Phật giáo, áo Dòng Anh Em Hèn Mọn Phan-xi-cô (Thiên chúa giáo).

    Người thứ hai lấy danh hiệu này là ông Lê Tấn Phát.

    Phượng Hoàng Tím (Phoenix Violet/ Phénix Violet) là danh hiệu của ông Nguyễn Tiến Thành mà bạn bè cùng khóa gọi tục danh là 'Thành dâm'. Màu tím kết hợp sự lắng đọng của màu xanh và sự khuấy động của màu đỏ. Tím luôn gắn liền với hoàng gia, quý tộc và uy tín. Màu tím còn tượng trưng cho bí ẩn, phép thuật, quyền lực và sang trọng. Sau này ông Thành làm phi đoàn trưởng phi đoàn khu trục phản lực siêu thanh F-5, PĐ540, đã lấy danh hiệu Hắc Ưng 01.

    Người thứ nhì đã chọn danh hiệu 'Phượng Hoàng Tím' là ông Lê Thuận Lợi.


    Từ trái qua phải, hàng ngồi: Chế v Nghĩa, Lê Thanh Hồng Vân, Dan Hoài Bữu, Cao Minh Châu, Hồng Khắc San, hàng đứng: Nguyễn Quan Vĩnh, Nguyễn Đình Lộc, Võ v Trương, Hoàng Thanh Nhã, Thăng Quất Phan, Nguyễn Tiến Thành, Phạm Đăng Cường.

    Phượng Hoàng Tía (Phoenix Purple/ Phénix Pourpre) là danh hiệu của Ông Phạm Xuân Thu. Màu tía là biểu tượng của hoàng gia thời La Mã cổ đại, cũng là biểu tượng của lòng can đảm. Màu tím 'violet' thường được cảm nhận với nhiều sắc thái xanh lam hơn so với màu tía và thường có cường độ nhạt hơn. Trong khi đó màu tía 'purple' có cảm giác đỏ nhiều hơn. Nhưng ông Thu cố ý chọn màu 'Tía' với nghĩa là 'Cha' mà người Minh Hương hay miền Tây Nam phần thường dùng.

    Phượng Hoàng Cam (Phoenix Orange/ Phénix Orange) là danh hiệu của Ông Lê Thanh Hồng Vân. Vân là mây, thanh là màu xanh, hồng là màu đỏ. Nội cái tên thôi cũng nói lên mây màu xanh đỏ, nhưng ông lại chọn màu cam cho con phượng hoàng của mình. Màu cam kết hợp cái năng động của màu đỏ với tinh thần cởi mở của màu vàng. Màu cam đại diện cho lửa, mặt trời, vui vẻ, ấm áp.

    Phượng Hoàng Ka-ki (Phoenix Khaki/ Phénix Kaki). Kaki theo tiếng Pháp có nghĩa đầu tiên là trái hồng (persimmon). Kế đến ka-ki là loại vải dệt bằng sợi xe, thường dùng để may quân phục. Cuối cùng ka-ki là màu nhà binh, vàng nâu. Ông Phạm Đăng Cường bút hiệu 'Người Nhạn Trắng' đã chọn màu này cho con phượng hoàng của ông.

    Sau các màu sắc đến các kim loại như hoàng kim (gold/ d'or), bạc (silver/ d'argent), đồng (bronze/ de bronze), bạch kim (platinum/ de platine), chì (lead/ de plomb). Nhưng cho tới giờ phút chót, chúng ta không thấy có người nào chọn các kim loại trên.

    Phượng Hoàng Pha lê (Phoenix Crystal/ Phénix Cristal) là danh hiệu của ông Nguyễn Quan Huy tự 'Huy địa', anh họ của ông Nguyễn Quan Vĩnh. Pha lê là một loại thủy tinh chứa đựng ít nhứt 23% ô-xít chì. Chất chì hạ độ chảy của thủy tinh đồng thời ổn định sự hổn hợp. Chì cho pha lê cái ánh lấp lánh màu sắc cầu vồng (effet 'arc-en-ciel'), nó làm cho pha lê rắn chắc hơn thủy tinh và cho nó một âm thanh đặc biệt.

    Ông Huy đã hy sinh trong một cuộc hành quân để cứu bạn cùng khóa 4 'Cương Quyết' Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức là ông Ngô Quang Trưởng. Lúc bấy giờ ông Trưởng chỉ huy Tiểu đoàn 5 Dù, đang đụng độ mạnh với địch.

    Chỉ huy trưởng thứ 7, ông Chế Văn Nghĩa lấy danh hiệu đó (PH. Pha lê). Bạn bè gọi 'Nghĩa Chàm' vì ông có họ Chế gốc người Chàm. Nghĩa là thủ khoa khóa "Trần Duy Kỷ" khóa khu trục duy nhứt huấn luyện toàn diện tại TTHLKQ Nha Trang, Việt Nam. Người trong khóa xuất sắc về phi huấn là Lê Xuân Lan, xuất sắc về địa huấn là Đặng Thành Danh tự 'Danh heo'. Cùng khóa có Lê Bá Định tức 'Đại bác 20 ly', Đinh Văn Chương tức 'Chương thợ mộc', Hà Ngọc Hạnh tức 'Hạnh mọi'.

    Phượng Hoàng Rosa (Phoenix Rose/ Phénix Rose) là danh hiệu của ông Lê Như Hoàn. Ông đã lấy tên thánh bổn mạng của đấng sanh thành ông là thánh nữ Rosa Lima làm danh hiệu, hầu xin Mẹ luôn theo phò hộ trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Tiếng Pháp 'rose' cũng là bông hồng, biểu tượng cho tình yêu, sự đam mê. Bông hồng thể hiện lòng biết ơn, kính trọng, khâm phục lòng dũng cảm. Và 'rose' cũng là màu hồng (pink/ rose). Màu hồng gợi lên sự quyến luyến, sự êm dịu, hiền hòa. Ông Lê Như Hoàn xuất thân từ khóa đầu tiên Trường Phi hành Hải quân Hoa Kỳ Pensacola, Florida.


    Thánh Rosa de Lima


    Hình ông Lê Như Hoàn với bộ G-suit chống trọng lực

    Phi đoàn trưởng thứ 9, ông Dan Hoài Bữu đã chọn Phượng Hoàng Kim cương(Phoenix Diamond/ Phénix Diamant, Phénix Carreau) làm danh hiệu và bút hiệu. Ông còn một bút hiệu khác là "Ông Tây Con" khi viết về những gì có dính líu tới tụi 'Tây thực dân'. Xin đừng nhầm lẫn với PH. Nguyễn Kim có biệt danh là 'Tây con'. Kim cương mà bình dân gọi "hột xoàn" là một loại đá quí (pierre précieuse) sáng chói và cứng rắn nhứt, thường thì vô sắc nhưng lấp lánh đủ mọi màu sắc của cầu vồng. Nó tượng trưng cho lòng chung thủy, tinh khiết, trong những mối quan hệ với tình yêu. Nó gắn liền với sức mạnh, tình yêu và sức khỏe. Nhưng từ 'diamond' trong tiếng Anh còn có nghĩa là con bài 'Rô'/ Carreau và phần nhiều liên quan đến đời sống vật chất (vie matérielle). Nó tượng trưng cho cái nhân sinh quan. Nước 'rô' mang ý nghĩa của lá chắn, sức mạnh, sức chịu đựng phong phú, đa diện. Nó mang biểu tượng của sự giàu có, do hình dáng liên tưởng tới viên ngói lợp trên mái nhà. 'Rô' là dự báo tốt về đường công danh, sự nghiệp vững vàng, sự sung túc về tiền bạc.

    Ông Bữu là SVSQKQ Khóa 61 xuất sắc về "Văn Hóa" (Academics) ở Trường Phi hành Hải quân Hoa Kỳ Pensacola, Florida.


    Hình chụp ông Bữu mới nhận được Huy hiệu "Văn Hóa" (Academics Badge)

    Phượng Hoàng Fulro là danh hiệu của ông Phạm Văn Thặng tức 'Thặng Fulro'. "Fulro" viết tắt của cụm từ tiếng Pháp "Front Unifié de Lutte des Races Opprimées"/ United Front for the Liberation of Oppressed Races, dịch ra là "Mặt trận Thống nhứt Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức". Phần đông họ là người Thượng (Montagnards/ Highlanders). Ông Thặng cao 1m87, to lớn lực lưỡng, nước da sậm, giống như mấy người Thượng, nên bạn bè gọi đùa là "Thặng Fulro". Ông xuất thân là SVSQKQ Khóa 63A học bay T-28 ở Trường Phi hành Hải quân Hoa Kỳ, Pensacola, Florida.

    Phượng Hoàng Deoda là danh hiệu của ông Quách Thanh Dzần. Ông tốt nghiệp khóa 9 'Đoàn Kết' Liên trường Võ khoa Thủ Đức trước khi theo học bay với khóa 61 vở lòng SVSQKQ ở Moody AFB, Georgia. Về nước ông phục vụ PĐ516 Phi Hổ trước khi về với PĐ514 Phượng Hoàng. Deoda là tên của rượu rum sản xuất tại hảng rượu Bình Tây, Sài-gòn. Rượu rum tiếng Anh cũng viết như vậy, còn tiếng Pháp viết "rhum", tiếng Tây-ban -Nha viết là "ron", là loại rượu mạnh được chưng cất từ nước mía ép hoặc rỉ đường đã lên men. Rum được phục vụ kèm với một lát chanh. Nhưng ông Dzần giải thích với ý khác: Deoda là "Đéo đã". Theo tôi thì ông muốn nói "A la Chasse, Bordel !!!", một câu thần chú (expression fétiche) của dân "khu trục" Pháp mỗi lần nâng ly chúc nhau (toast) "Chúc cho Khu trục, Vui chơi xã lán"(Vui chơi mút mùa). Bordel tiếng Pháp có nghĩa 1. là nhà thổ, 2. là lộn xộn, ồn ào, 3. là một tiếng chửi đổng (juron) như "bordel !" "Bordel de merde !" "Bordel de Dieu !"

    Phi đoàn trưởng thứ 10 và cũng là phi đoàn trưởng cuối cùng là Trung tá Dương Bá Trát. Ông không còn màu mè nào để chọn nữa và đã chọn danh hiệu bằng số là Phượng Hoàng 01.

    A la Chasse, Bordel !!!

    Mừng Sinh Nhựt thứ 66 Phi đoàn Phượng Hoàng 514
    1-6-2022

    phượnghoàng kimcương

    Chú thích:

    1. phi tuần trưởng khu trục (flight leader/ chef de patrouille) là chức năng dẫn dắt phi tuần 4 chiếc (patrouille lourde) hoặc 2 elements, cao hơn phi tuần phó (element leader) là chức năng dẫn dắt phi tuần 2 chiếc (patrouille légère) và dưới biệt đội trưởng (chef de dispositif) chỉ huy nhiều phi tuần khu trục, đôi khi có lẫn luôn phi cơ quan sát và cả đoàn kỹ thuật đi theo nếu có, trong một cuộc hành quân.
    2. Historique du 1erGroupe de Chasse: 1er viết ra là Premier có nghĩa là thứ nhứt hay đệ nhứt.

    Last edited by khongquan2; 10-13-2022, 05:00 PM.

  • #2
    A la Chasse, Bordel !!! = Hoan hô, Khu trục !!!
    phkc

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X