Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Giới thiệu "Tổ Ấm Bay Về" trên Phố Núi

Collapse
X

Giới thiệu "Tổ Ấm Bay Về" trên Phố Núi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Giới thiệu "Tổ Ấm Bay Về" trên Phố Núi


    Lời Mở Đầu “Tổ Ấm Bay Về
    tạp văn của KQ Võ Ý

    Cho đến cuối đời, tôi mang trên người 4 màu áo, một là cựu học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng, hai là cựu Sinh viên Sĩ quan Võ bị Quốc gia Đà Lạt, ba là Không Quân và bốn là cựu tù nhân chính trị.

    Tôi phục vụ trong Không Lực VNCH trên 10 năm qua các Phi đoàn Quan sát 110 Đà Nẵng, 114 Nha Trang và 118 Pleiku. Sau 30/04/1975, như đa số Sĩ quan Quân lực VNCH, tôi bị đày đọa gần 13 năm qua các trại giam của cộng sản như Suối Máu Biên Hòa, Liên trại 6 Hoàng Liên Sơn, các trại Hà Tây, Nam Hà và sau cùng là trại Xuân Lộc, Đồng Nai.

    Trước 1975, tôi cộng tác với Đặc San Lý Tưởng thuộc Bộ Tư Lệnh Không Quân và Đa Hiệu thuộc Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

    Sau 1975, khi ra hải ngoại, tôi cũng lai rai đóng góp bài vở cho Tạp chí Nguồn (San Jose) và các Đặc san Quân đội như Đa Hiệu (Tổng hội cựu SVSQ Võ bị Quốc gia), Lý Tưởng (Tổng hội Không lực), Lý Tưởng KQ Úc Châu, Ngàn Sao (Hội KQ Houston, TX), Đặc San KQ Bắc Cali... Dù vậy, tôi không phải là nhà thơ, cũng không phải là nhà văn, trước sau tôi vẫn là nhà binh, qua đó, văn thơ của tôi xin được xem như là một loại vũ khí mềm mang tính bảo vệ chính nghĩa, vinh danh tình đồng đội và góp phần tiêu diệt cái ác...

    Vì Không Quân gắn liền với binh nghiệp và cho tôi vinh dự để tôi thi thố trách nhiệm và bổn phận của một phi công trong thời chiến nên tình cảm của tôi nếu tỏ ra nồng nàn với quân chủng thân yêu cũng là điều dễ... thông cảm!

    Hình ảnh đàn chim tung cánh trên bầu trời lúc nào cũng sống động và gợi nhớ trong tâm tưởng của những cánh chim bỏ xứ như chúng tôi.

    Ta thân chim hơn nữa đời cánh mỏi
    Khát khao nay một tổ ấm bay về
    Mà cõi không kia vẫn âm thầm vẫy gọi
    Cháy bỏng lòng ta tình nghĩa đó sơn khê


    Bầu trời lúc nào cũng thênh thang và vĩnh cửu, nhưng cánh chim không thể vượt qua lẽ vô thường. Đã đến lúc đàn chim xưa nên tìm một tổ ấm bay về. Tổ ấm có thể là Lý tưởng Tự do, là Đức tin, là Mẹ Việt Nam ngàn đời yêu dấu...

    Tạp ghi Tổ Ấm Bay Về bao gồm ba chương, đó là Không Quân Ngoại Truyện, Vài Nhận Thức Thô Thiển, và Truyện, Ký & Tùy bút. Dọc theo không trình, sẽ có những đóa hoa thơ mộc mạc khả dĩ tô điểm cho lối về thêm hương sắc...

    Xin trân trọng kính mời...

    võ ý
    Last edited by chimtroi; 02-28-2013, 07:18 PM.

  • #2

    Comment


    • #3
      KQ NGUYỄN HỮU THIỆN
      viết về Tổ Ấm Bay Về, tạp ghi của Võ Ý

      VÕ Ý - cái tên chỉ có ba mẫu tự, mà có lần tôi đã gọi là cái tên tiếng Việt ngắn nhất từ thuở vua Hùng dựng nước, nhưng chuyện kể về con người mang tên ấy thì khá dài. Anh từng là phi công thời chiến, một cấp chỉ huy trong quân đội, là nhà thơ, nhà văn, nhà viết tâm bút..., đồng thời, không thể không nhắc tới, một người con kính yêu mẹ tới mức lạ thường.

      Bằng đó thứ đã quá đủ để đem lại sự thú vị cho những người được quen biết anh, trong số ấy có bản thân tôi, từ thuở thành lập “Không Đoàn Biên Trấn” ở phố núi Pleiku năm 1970.

      Mặc dù khi ấy Võ Ý đã mang cấp bậc Thiếu tá, giữ chức vụ Phi đoàn trưởng Phi Đoàn 118 Quan Sát “Bắc Đẩu”, cảm tưởng của tôi khi được gặp anh lần đầu cũng chẳng mấy khác nhận xét của nhà văn Hoàng Khởi Phong 5 năm trước đó khi hai người gặp nhau ở Ban-mê-thuột: ...một anh “Trung Oái” Không Quân, pi-lốt thứ thiệt, bay máy bay quan sát, biệt phái cho Sư Đoàn 23, ...cao ráo đẹp trai, có một hàng râu mép nhỏ như con kiến, ...có một đôi mắt đẹp, một nụ cười tươi mà có thể chết người như chơi...

      Qua mô tả của Hoàng Khởi Phong, người nào mê phim ảnh tây phương, có thể sẽ liên tưởng tới Clark Gable trong phim Cuốn theo chiều gió (Gone With the Wind), nhưng riêng tôi lại nhớ tới Robert Taylor trong phim Vũ điệu trong bóng mờ (Waterloo Bridge, tựa tiếng Pháp: La Valse dans l’Ombre ), nghĩa là “nhà lành” hơn, “chết người” một cách êm ái hơn...

      Nhưng từ khi tôi được quen biết Võ Ý, những thứ ấy chỉ còn là huyền thoại, bởi giờ đây trước mắt mọi người, anh là một cấp chỉ huy đầy khả năng và tinh thần trách nhiệm. Điều đó, các vị chỉ huy ở Căn Cứ Không Quân Pleiku ngày ấy, như cố Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, nguyên Tư lệnh Sư Đoàn 6 Không Quân, cựu Đại tá Nguyễn Văn Bá, cựu Trung tá Lê Bá Định - hai đời Không đoàn trưởng Không Đoàn 72 Chiến Thuật - biết rõ hơn ai hết.

      Tuy nhiên riêng tôi, một người Không Quân cầm bút chứ không cầm cần lái, sự kính phục đối với “ông Thiếu tá Phi đoàn trưởng 118 Bắc Đẩu” chỉ mang tính cách hình thức, còn quý mến mới là tình cảm chân thực tôi dành cho “nhà thơ Võ Ý”. Thực ra, trước kia tôi không yêu thơ cho lắm, mặc dù được hân hạnh là bạn thân của hai nhà thơ trong quân chủng - Phan Lạc Giang Đông và Ngọc Tự, chỉ tới khi quen biết Võ Ý, tôi mới thực sự yêu thơ, từ đó trân quý những người làm thơ; bởi khác với nghề viết lách của tôi, muốn làm thơ phải có tâm hồn.

      Thơ của Võ Ý dễ thu hút người đọc bởi nó không phải sản phẩm của hư cấu mà là tiếng nói chân thật của lòng người, không xa xôi diệu vợi mà hiện rõ những con phố anh đã đặt chân tới, những áng mây anh đã bay qua, từng trận đánh anh đã góp phần, những máu xương anh đã chứng kiến... Tất cả đều được diễn tả một cách dung dị, đơn sơ, nhưng đầy xúc cảm.
      Chẳng hạn:

      Bụi hồng gió cuốn thinh không
      Ta con chim nhỏ dám mong cõi trời

      (Ở Pleiku, 1972)

      Hoặc 6 chữ “Quốc kỳ phủ xuống công lao” trong bài “Chào sáng” anh làm khi đứng trước quan tài phủ cờ của một tử sĩ đang chờ phi vụ đưa về quê nhà yên nghỉ.

      Ngày ấy, tôi chỉ biết Võ Ý làm thơ – trong đó có những bài được phổ biến trên Đặc san Lý Tưởng của Bộ Tư Lệnh Không Quân, Đặc san Đại Nghĩa của Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị, hay các tờ đặc san cấp đơn vị - còn viết văn, hình như anh chỉ có vài bài phóng sự - thường nửa đứng đắn, nửa tiếu lâm châm chọc.

      Tôi vẫn còn nhớ ở Căn Cứ Không Quân Pleiku có hai nhân vật mà mỗi lần nhắc tới tên, ông Lê Bá Định, Trung tá Không đoàn trưởng Không Đoàn 72 Chiến Thuật và cũng là một nhà văn Không Quân, thường lắc đầu (nhưng trong bụng có lẽ ông rất... thích thú pha lẫn hãnh diện), là Phạm Văn Thặng và Võ Ý.

      Phạm Văn Thặng - tức Thặng “Fulro”, Thiếu tá hoa tiêu khu trục, Phi Đoàn 530 “Thái Dương”, hy sinh tại mặt trận Kontum trong Mùa Hè đỏ Lửa 1972 - uống rượu nổi tiếng, và khi say rồi thì có cái thú uýnh lộn với... lính Mỹ, và chỉ lính Mỹ mà thôi. Võ Ý thì miệng lúc nào cũng tủm tỉm cười nhưng là chúa chọc đểu; các nhân vật có máu mặt hoặc khó thương (dưới mắt Võ Ý) trong Căn Cứ đều được anh đặt “nickname”, thậm chí có khi còn làm thơ để châm chọc.


      TÔI RỜI CĂN CỨ KHÔNG QUÂN PLEIKU vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, sự quen biết và lòng mến phục Võ Ý trong tôi cũng dừng lại ở chừng mực đó. Mãi sau này khi Võ Ý đã ra hải ngoại, và các bài viết thuộc đủ thể loại của anh được phổ biến trên các đặc san của QLVNCH như Lý Tưởng, Ngàn Sao, Đặc San Không Quân Bắc Cali, Lý Tưởng - Úc Châu, Đa Hiệu..., và gần đây Phố Núi Pleiku, tôi mới có dịp hiểu anh hơn, quý phục anh hơn.

      [Tuy nhiên bên cạnh đó, tôi cũng có một thất vọng nho nhỏ: chẳng hiểu Võ Ý “xuống râu” từ lúc nào mà khi ra hải ngoại anh đã mày râu nhẵn nhụi, không còn cái nét “chết người êm ái” của Robert Taylor năm xưa, và thay vào đó là vẻ hiền lành đôn hậu “cứu khổ chúng sinh” tương tự nét mặt của Đức Đạt-lai Lạt-ma]

      Nếu những bài thơ của Võ Ý là tiếng nói chân thật của tâm hồn, thì những bài viết của anh cũng đều là những chuyện có thật kể về đường đời anh đã đi qua, như bao người khác đã sinh ra, lớn lên, trải qua cuộc chiến khốc liệt trên mảnh đất hình chữ S, và nay đang lưu lạc nơi xứ người.

      Chủ đề thơ văn của Võ Ý sau cuộc chiến rất đa dạng. Cách đây 10 năm, anh đã ra mắt tập tạp văn Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo (Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn xuất bản, 2003). Nội dung gồm khoảng 50 bài thơ, văn xuôi, chia ra làm ba đề mục: Không Quân Ngoại Truyện, Truyện, và Tạp Ký.

      Nội dung của tập tạp văn thứ hai của Võ Ý – Tổ Ấm Bay Về - so với tập thứ nhất, có nhiều điểm giống mà cũng có những cái khác.

      Giống với những bài về lý tưởng một thời, về chính nghĩa dân tộc, về tình đồng môn, tình quân chủng, tình non sông, tình đồng bào, tình phụ tử, tình phu thê...

      Theo nhận xét của cá nhân tôi mà có lẽ những ai quen biết Võ Ý cũng đều đồng ý, anh là một con người tình nghĩa, thủy chung; anh luôn đặt nặng nghĩa tình trong cuộc sống, và đề cao tình nghĩa qua ngòi bút của mình.

      Dù vật đổi sao dời, anh vẫn trọn tình trọn nghĩa với thượng cấp, với đồng đội, với thuộc cấp năm nào. Tôi nhớ có lần anh viết “thì ra, tình Không Quân là một thứ tình có thật!” và dòng chữ đơn sơ ấy, với tôi, đã có sức tác động mạnh mẽ.

      Cũng vì trân quý tình nghĩa, Võ Ý thường tránh viết về những đề tài tiêu cực, hoặc có chăng chỉ là những bài xây dựng một cách tế nhị, nhẹ nhàng.

      Về thủy chung, ngày tháng trôi qua, bao nhiêu nước đã chảy dưới cầu, nhưng Võ Ý vẫn một lòng với non sông, dân tộc (các bài Biển Đông Dậy Sóng, Nâng Niu Tuổi Trẻ...), với lý tưởng của tuổi thanh xuân, bạn bè người còn kẻ mất.

      Nhưng dù đóng khung trong những đề tài ấy, thơ văn của Võ Ý không bị ràng buộc bởi những ước lệ. Viết về ái tình (Lý Xuân Trinh), về chữ hiếu (Khóc Cha), tự diễu cợt (Khi Người KaCu...Ba Chấm!, Lên Núi Tỏ Tình Cho Ăn Chắc, Xuống Núi Mà Lo Chuyện... Bao Đồng) hay viết về Phố Núi Pleiku (Ma Lực Của Pleiku...) văn phong của Võ Ý luôn phóng khoáng, khác lạ, chân thật, gần gũi, và đáng yêu.


      TRÊN ĐÂY LÀ NHỮNG ĐIỂM giống nhau giữa Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo và Tổ Ấm Bay Về. Còn nói về những cái khác nhau, thì tự tựa đề của hai tập tạp văn đã cho thấy phần nào: Dọc Ngang và Tổ Ấm.

      Thảo là Quý Thảo, ái nữ của Võ Ý. Cho nên, Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo (LLDNCT) phải được hiểu là “một đời ngang dọc của bố Thảo”. Nay bố của Thảo đã “bay về tổ ấm”.

      Hai chữ “tổ ấm” ở đây mang nhiều ý nghĩa. Cụ thể, tổ ấm là nơi phát xuất mà chúng ta luôn mong ngóng trở về; với Võ Ý, là trường Mẹ, là quân chủng Không Quân, là Phố Núi Pleiku, là quê xưa có bóng mẹ già... Theo lẽ thường, càng cao tuổi người ta càng có khuynh hướng hoài niệm - một thời mình đã sống, những người mình đã gặp, những con đường đã đi qua, những ân tình còn vương vấn...

      Vì thế, trong Tổ Ấm Bay Về, Võ Ý viết nhiều về những người Không Quân ngày cũ qua mục Không Quân Ngoại Truyện (Lê Bá Định, Nguyễn Quý Chấn, Bà Tường Mực, Chị Nguyễn Thị Hạnh Nhơn...), về phố núi năm xưa – Pleiku của anh, của tôi, của Hoàng Khởi Phong, Kim Tuấn, Vũ Hữu Định, Lê Thị Ý...và của các cây bút Không Quân Phạm Hữu Dương, Ngô Sĩ Hân, Nguyễn Mạnh Trinh, Hoàng Khai Nhan, Trần Ngọc Nguyên Vũ, nhạc sĩ Không Quân Trần Duy Đức..., về bà mẹ trên 100 tuổi mà anh gọi là một “kỳ quan” (bài Kỳ Quan Mẹ)!

      Còn hiểu theo nghĩa trừu tượng, “tổ ấm bay về” là tâm hồn thanh thản, trạng thái an nhiên của một người khi nhìn lại đời mình. Tôi không phải đệ tử Phật, nhưng đọc thơ, văn Võ Ý, tôi cũng có thể thấy tư tưởng Tứ Ân bàng bạc trong đó:

      Dù tôi là người Mỹ gốc Á
      Một cảnh hai quê
      vẫn không lẫn bóng với hình
      Vẫn thân xác bồng bềnh Saint Louis
      mà hồn vọng tưởng Chí Linh
      Vẫn biết nặng sâu là ân đất nước
      tấc lòng tôi há dễ vô tình

      (Mười Năm Nhìn Lại - LLDNCT)

      Hoặc:

      Giữa mênh mông đất trời con khấn
      Cảnh giới nào Mẹ vẫn vô cùng
      Mẹ nay tôn Phật tại đường
      Phật sau bóng Mẹ mười phương con nguyền...

      (Cảnh Giới Nào Mẹ Vẫn Vô Cùng - Tổ Ấm Bay Về)


      KHI NHÀ PHẬT NÓI đời là bể khổ, không có nghĩa là ở trần gian này không có hạnh phúc. Đó cũng là suy nghĩ của Võ Ý trong truyện ngắn “Tìm Cha”. Cốt truyện cũng không có gì lâm ly bi đát cho lắm, nhưng đoạn kết thật ấm lòng. Một chàng thanh niên con chiên Chúa ở VN, mà trong giấy khai sinh ghi “cha vô danh”, nhờ Không Quân Phi Tiêu tìm người cha của mình trước năm 1975 cũng là một phi công VNCH, hiện sống ở Mỹ. Nhưng khi tìm được, người cha nhất định không nhận con. Trước nỗi đắng cay tuyệt vọng của người con, Không Quân Phi Tiêu đề nghị nhận chàng thanh niên làm con nuôi; dĩ nhiên, cả hai người đều hoan hỉ.

      ...Không Quân Phi Tiêu cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Tự nhiên ông có thêm một đứa con, dù là một đứa con nuôi cũng là lộc trời ban chứ chẳng phải chơi đâu! Là một người tin theo giáo lý của nhà Phật, ông gieo nhân lành và lòng ông an lạc trong hiện tại là quý rồi, đợi gì quả ngọt ngày sau chứ?

      “Không Quân Phi Tiêu” chính là Võ Ý hay chỉ là nhân vật hư cấu, thiết nghĩ điều đó không quan trọng, bởi an lạc của nhân vật trong truyện cũng là hạnh phúc của người viết.

      Ước mong chúng ta, qua đọc Tổ Ấm Bay Về, cũng sẽ cảm nhận được những niềm hạnh phúc mà Võ Ý muốn chia sẻ.


      Tháng 1/2013
      KQ Nguyễn Hữu Thiện
      (nguyên Sĩ Quan Báo Chí Căn Cứ Không Quân Pleiku)

      Comment


      • #4
        TỔ ẤM BAY VỀ
        tạp văn
        tác giả : VÕ Ý
        Cội Nguồn Xuất Bản 2013

        SONG NHỊ giới thiệu

        ***

        TỔ ẤM BAY VỀ TIẾP NỐI ĐƯỜNG VĂN

        Xưa nay những bậc văn võ song toàn không phải là nhiều. Võ Ý có thể có hoặc không ở trong đội ngũ đó, nhưng rõ ràng ông là người đã bước đi vững chãi trên hai con đường: Đường binh nghiệp và đường văn nghiệp. Trên bước đường binh nghiệp ông đi từ quân trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt đến Không Gian bao la của chàng phi công - Trung tá Phi Đoàn trưởng Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu.

        Thế rồi do sự “oái oăm lịch sử hay một sắp đặt ẩn mật trớ trêu của dòng Sử Mệnh Việt Nam”, cuộc nội chiến 20 năm kết thúc, quê hương hòa bình giữa làn sóng đỏ ngập tràn hung hãn, chàng phi công cùng chung số phận lưu đày trong đoàn quân thúc thủ. Mười ba năm trả nợ quỷ thần đày đọa trong chốn ngục tù, thoát khỏi cũi lồng, cánh chim tự do bỏ lại cánh rừng điêu linh vút bay đến vùng trời nắng mới.
        Rời bỏ bầu trời quê hương một thời ngang dọc, chàng phi công đi vào con đường văn nghiệp. Con đường văn nghiệp của tác giả không lớn lao đồ sộ nhưng không thể nói con đường đó không phải là đường văn.

        Trong “Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo” tác giả đã trải lòng mình, bộc bạch hết tâm tư để trình làng những vóc dáng Không Quân, những kỉ niệm trầm kha của con người, những chặng đường thăng trầm của đất nước. Từng sự kiện được diễn đạt bằng lối văn giản dị, chân thật mà hóm hỉnh khiến người đọc dễ đem lòng cảm mến.
        Trong “Tổ Ấm Bay Về”, tác giả - cũng với con người ấy - một con người rất từ tâm và lý tưởng, Võ Ý viết bằng cái tâm dạt dào hiếu hạnh, nồng nàn lòng yêu nước và thiết tha với chiến hữu đồng đội, từ kẻ mất đến người còn.

        - Ở chương Không Quân Ngoại Truyện, tác giả ghi lại những nhân sự điển hình, tiêu biểu ý chí dũng cảm của những cánh chim thời loạn, lòng trung trinh tiết liệt của những chinh phụ thời bình.
        Một góa phụ chinh nhân Văn Ngọc Của đã mấy mươi năm ngồi đợi tin chồng từ cõi hư vô, “đá mòn nhưng dạ không mòn”, vẫn “lấy cây hương thật quý thắp lên thương tiếc chàng”. Một “hiệp sĩ không gian” Lê bá Định đã trở thành một trong những nhân vật của “Không Quân Ngoại Truyện” qua “Tin đồn chết người”. Và những KQ Nguyễn Quí Chấn, Bà Tường Mực, nữ Trung tá Hạnh Nhơn, Duy Năng, Trần Duy Đức, Cung Trầm Tưởng, Phạm Huấn… qua ngòi bút của tác giả đã trở nên nổi bật sống động tựa như các nhân vật trên khung màn bạc. Bằng lối văn không màu mè trau chuốt, như câu chuyện kể giữa hai người đối diện, tác giả đã thể hiện với tất cả tấm lòng thành.

        - Ở chương Hai, tác giả đem suy nghĩ của mình viết về những sự kiện từ chuyện nội bộ giữa cựu SVSQ với nhau, nỗi ưu tư về thế hệ hậu duệ qua bài “nâng niu tuổi trẻ”… đến chuyện quốc gia đại sự trước hiện trạng “Biển Đông dậy sóng…”, tự vấn về trách nhiệm và lòng yêu nước của người Việt hải ngoại qua thánh thức này.

        - Trong chương Ba - tác giả đã dành hai mươi bốn trang sách để dâng Mẹ đóa Hoa Hiếu Đạo của một người con đã gieo trồng, kết nụ và mãn khai trong “Kỳ Quan Mẹ”, “Trăm tuổi mẹ nguy nga”, “Cảnh giới nào mẹ vẫn vô cùng”, “Vãng sanh cực lạc”…

        Bên những bài viết về Mẹ về Cha, tác giả cũng “Gởi Ngọc Yêu dấu” bài thơ “Sáng tim ta Ngọc này”, cùng ôn lại quãng đời gian truân của nàng chinh phụ riêng ông trong số trăm nghìn nàng chinh phụ trước cảnh nước mất nhà tan: “Lặn lội thăm chồng” chốn lao tù nơi rừng xanh núi thẳm. Bài viết để tri ân người bạn đời yêu dấu của ông.

        Hình như đã mang lấy nghiệp con tằm thì không thể không nhả hết đường tơ. Đọc những bài “Đi tìm nàng thơ”, “Lý Xuân Trinh”, người ta vỡ lẽ ra cái phong cách hào hoa bay bướm của những chàng phi công, dù xuân xanh đã ngả màu muối bạc, nhưng vẫn bay bướm hào hoa như thuở còn lên trời xuống đất.

        Ngoài phần văn còn có những bài thơ rải rác xen kẽ trong sách. Bạn đọc yêu thơ không thể không tâm đắc với Thơ Võ Ý. Đọc những bài “Xuống núi mà lo chuyện bao đồng, Lên núi tỏ tình cho chắc ăn, Có cái gì khác lạ, Xanh đêm diệu kỳ” v.v.. Lời thơ như gần như xa, ý thơ nhuốm màu triết lý nội tâm; như để thổ lộ, để phân trần bày tỏ.
        Về hình thức, thơ Võ Ý bố cục chặt chẽ, kỹ thuật và thi ngữ vững vàng, phối hợp hài hòa điêu luyện.
        Chắc hẳn trong “Cõi Thơ Tìm Gặp”, quyển II của nhà văn Diên Nghị rồi đây những bài thơ này sẽ được… tìm thấy.

        Và tôi tin “Tổ Ấm Bay Về” cũng sẽ được bạn đọc đón nhận bằng tất cả nhiệt tình, cảm mến như đứa con tinh thần - Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo mười năm về trước.

        SONG NHỊ
        San Jose, 2/2013

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X