Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bệnh Alzheimer

Collapse
X

Bệnh Alzheimer

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bệnh Alzheimer

    Vào một lúc nào đó, bổng dưng bạn ngồi bên máy PC nhưng quên mất đường link dẫn vào HQPD, hay đã vào rồi nhưng không còn nhận ra ai là người hay hát nhất ở đây, các bạn Cowboy hay PS thuộc khóa nào... thì nên coi chừng. Đến giai đoạn tệ hại hơn, không biết PC dùng để làm gì hoặc mở ra làm sao thì đó là triệu chứng bệnh alzheimer đang đến hồi nguy kịch. Giai đoạn không còn nhận ra người thân bên mình nữa thì... chỉ còn trời cứu. Đây chì là một trong những tình huống giả đoán khi vướng vào căn bệnh quái ác nầy thường hay xảy ra cho người lớn tuổi. Mời các bạn tìm hiểu thêm qua các bài viết sau đây được sưu tầm trên mạng...


    BỆNH ALZHEIMER: NGUYÊN-NHÂN,TRIỆU-CHỨNG,CHẨN-ĐOÁN,TRỊ-LIỆU

    Sa-sút trí-tuệ (dementia) là một sự rối loạn não-bộ (brain) ảnh-hưởng nghiêm-trọng tới khả-năng thực-hiện các công-việc hàng ngày của một người.. Dạng thông-thường nhất của sa-sút trí-tuệ đối với người lớn tuổi là bệnh Alzheimer (Alzheimer disease- AD) mà lúc đầu có liên-hệ tới các vùng não-bộ kiểm soát tư-tưởng (thought), trí nhớ (memory) và ngôn- ngữ(language). Mặc dầu các khoa-hoc- gia đã hiểu biết ngày càng nhiều về căn bệnh này, nhưng cho tới nay nguyên-nhân của bệnh vẩn chưa đươc biết rõ mà cách chữa trị cũng chưa tìm ra



    Não và trí nhớ- Hình các vùng não liên-hệ tới từng loại trí-nhớ như
    vùng prefrontal cortex là vùng trí-nhớ khi làm việc,
    vùng amydala là vùng trí nhớ xúc cảm…

    Theo thống-kê hiện nay có tới 4,5 triệu nguời bị bệnh Alzheimer tại Hoa-kỳ. Thường ra từ 60 tuổi trở lên người ta có thể mắc bệnh này, và rủi- ro tăng theo tuổi tác. Tuy vậy những người trẻ tuổi hơn cũng có thể mắc bệnh Alzheimer, nhưng điều này ít khi xẩy ra. Khoảng 5 phần trăm đàn ông và đàn bà tuối từ 65 đến 74 mắc bệnh Alzheimer , và phân nủa số người tuổi trên 85 có thể bị bệnh này. Tuy nhiên điều quan-trọng cần ghi nhận là bệnh Alzheimer không phải là hậu-quả tất-nhiên của tiến-trình lão-hóa.

    Bệnh Alzheimer đươc đặt tên theo bác sĩ người Đức Alois Alzheimer. Vào năm 1906, vị bác-sĩ này đã phát-hiện những thay-đổi trong mô (tissue) não của một phụ-nữ bị chết vì một chứng bệnh tâm-thần hiếm có. Ông đã tìm thấy trong óc bệnh-nhân những khối kết bất-bình-thường (mà ngày nay chúng ta gọi là những mảng dạng tinh bột – amyloid plaques) và những bó rối bung các sợi (mà ngày nay chúng ta gọi là mớ rối tơ thần kinh- neurofibrillary tangles). Ngày nay chính các mảng dạng tinh bột và các mớ rối tơ thần-kinh này đươc xem là dấu-hiệu của bệnh Alzheimer.



    Các neuron của người bình thường và các neuron của người bị Alzheimer
    kèm theo các mảng amyloid và các mớ rối tơ thần-kinh (neurofibrillary tangles)

    Các khoa-hoc-gia cũng đã tìm thấy những thay đối khác trong não của các người bị bệnh Alzheimer. Các tế-bào thần kinh ở những vùng não cần-thiết cho trí-nhớ và những năng-lực tâm-thần khác bị chết nhiều và sự liên-kết giữa các tế-bào thần-kinh bị gián-đoạn.
    Ngoài ra số lượng các hoá-chất chuyển tín-hiệu (messages) qua lại giữa các tế-bào thần-kinh cũng giảm.. Bệnh Alzheimer làm hao- tổn khả-năng suy- nghĩ (thinking) và trí nhớ (memory) bằng cách phá các tín-hiệu này.

    NGUYÊN-NHÂN BỆNH ALZHEIMER

    Các khoa-học-gia hiện chưa hiểu rõ điều gì đã gây nên bệnh Alzheimer. Có thể không phải chỉ có một nguyên-nhân mà là nhiều yếu-tố kết-hợp lại. Tuổi tác là yếu-tố rủi-ro quan- trọng nhất. Số người tuổi ngoài 65 bị Alzheimer tăng gấp đôi mỗi 5 năm.

    Quá-trình bệnh tật trong gia đình (family history) là một yếu-tố rủi-ro khác. Các khoa-học-gia cho là di-truyền có thể giữ một vai- trò nào đó trong nhiều trường-hợp bệnh Alzheimer. Tỉ-như bệnh Alzheimer bộc- phát sớm trong gia-đình (early on-set familial AD), một dạng Alzheimer rất hiếm thường xẩy ra cho lứa tuổi từ 30 tới 60, là do di-truyền.
    Dạng Alzheimer thông thuờng nhất là dạng bộc-phát trễ (late on-set AD). Dạng này xẩy ra lúc tuổi đã cao và không có dấu-hiệu rõ-rệt gì chứng-tỏ là có liên-quan tới di-truyền trong hầu hết các gia-đình. Tuy nhiên nhiều gien mang yếu-tố rủi- ro có thể tương-tác với nhau và với các yếu-tố khác không phải là di-truyền để tạo sinh ra bệnh Alzheimer. Gien đầu tiên mang yếu-tố rủi- ro đươc phát-hiện là gien sản-xuất ra protein mang tên apolipoprotein E (ApoE) Trong cơ-thể mọi ngưòi đều có ApoE để giúp chuyển tải cholesterol trong máu, nhưng chỉ có khoảng 15 phần trăm dân- chúng là có dạng ApoE tăng rủi-ro bị bệnh Alzheimer.
    Cũng có những gien khác tăng rủi- ro bị Alzheimer hoặc giúp chống lại bệnh này. Chẳng hạn như biến-thể bất bình thuờng cuả gien SORL1 có liên-quan đến bệnh Alzheimer bộc phát trễ (late onset Alzeimer)
    Tin mới nhất cho biết là nhóm nghiên-cứu thuộc Translational Genomics Research Institute vừa tìm thêm đươc gien GAB2 có thể giúp tiên-đoán rủi-ro một người có thể mắc bệnh Alzheimer.

    Các nhà khoa-học còn đang tìm hiểu thêm về các nguyên-nhân khác của bệnh Alzheimer. Ngoài di-truyền họ đang nghiên-cứu xem liệu giáo-dục (education), thực-chế (diet), và môi-trường (environment) có đóng vai- trò gì không trong sự phát-triển của căn bệnh.

    Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy là một số yếu-tố rủi- ro về bệnh tim mach và đột quỵ (stroke) như cao-huyết-áp, cholesterol cao, thiếu vitamin folate có thể tăng rủi-ro bị Alzheimer. Ngược lại cũng có những bằng chứng là các hoạt-động về thể-chất, tâm thần và xã-hội là nhũng yếu-tố giúp bảo-vệ chống lại bệnh nguy-hiểm này.


    CÁC TRIỆU-CHỨNG CỦA BỆNH ALZHEIMER

    Bệnh Alzheimer phát-triển chậm, triệu-chứng duy-nhất lúc đầu chỉ là chứng hay quên (forgetfulness) mà chúng ta có thể lẫn với thay đổi của trí nhớ liên quan đến tuổi già. Hầu hết những người có chứng hay quên nhẹ không có bệnh Alzheimer. Vào giai-đoan đầu của căn bệnh này, các bệnh-nhân có khó khăn nhớ lại các sự cố mới xẩy ra, các hoạt-động hay tên của những người thân hoặc đồ vật. Họ có thể không còn giải-quyết đươc các bài toán đố đơn- giản. Các khó khăn này có thể làm bực bội khó chịu nhưng không đủ nghiệm- trọng đế gây lo lắng.

    Tuy nhiên khi bệnh tiến-triển , các triệu-chứng càng rõ rệt hơn và lúc đó gia-đình mới bấn loạn đưa bệnh-nhân đi khám bác-sĩ. Chứng hay quên bắt đầu ảnh hưởng tới hoạt-động hàng ngày.
    Khi bệnh chuyển qua gia-đoạn giữa, các bệnh-nhân có thể không còn biết làm những công việc đơn- giản như đánh răng chải đầu. Họ mất khả- năng suy nghĩ. Họ không còn nhớ người thân và nơi chốn. Họ bắt đầu gặp khó- khăn khi nói, nghe, đọc và viết.
    Sau đó bệnh-nhân rơi vào tình trạng lo âu hoặc nóng nảy, hay bỏ nhà đi lang thang .
    Cuối cùng bệnh-nhân cần có người chăm nuôi thường trực.

    CHẨN-ĐOÁN BỆNH ALZHEIMER

    Việc chẩn-đoán sớm và chính-xác bệnh Alzheimer sẽ giúp bệnh-nhân và gia-đình thu-xếp cho tương lai. Gia-đình có thể thảo-luận về cách chăm-sóc khi mà bệnh-nhân hãy còn có khả-năng quyết-định. Chẩn-đóan sớm cũng còn tạo cơ-hội để điều trị các triệu-chứng của bệnh.
    Hiện nay, phương-cách duy-nhất để chẩn-đoán bệnh Alzheimer một cách chính xác là quan-sát xem trong mô não có các mảng dạng tinh bột hay mớ rối tơ thần-kinh (plaques and tangles) hay không. Tuy nhiên muốn làm vậy bác- sĩ phài chờ tới khi bệnh-nhân chết và làm giảo-nghiêm. Do dó khi bệnh-nhân còn sống bác-sĩ chỉ có thể chẩn-đoán xem một người có thể hay có nguy-cơ bị bệnh Alzheimer hay không mà thôi.

    Tại những trung-tâm y-khoa chuyên ngành, bác sĩ có thể chẩn-đoán bệnh Alzheimer đúng tới 90 phần trăm với những phương-tiện sau đây:

    - đặt các câu hỏi về sức khoẻ tổng-quát của bệnh-nhân, các vấn-đề y-lý trong quá khứ,và năng-lực thực-hiện các công-việc hàng ngày

    - thực-hiện các trắc-nghiệm về trí nhớ, giải-quyết vấn-đề, chú- ý, đếm và ngôn-ngữ

    - thực-hiện các trắc-nghiệm y-lý như thử máu, nước tiểu, hay dịch cột sống (spinal fluid), và

    - thực-hiện nhấp-nháy đồ não (brain scan)

    Đôi khi nhờ kết-quả các thử-nghiệm nói trên bác sĩ tìm ra những nguyên-nhân khác gây nên các triệu-chứng mà bệnh-nhân có. Tỉ dụ các rối-loạn tuyến-giáp trạng (thyroid problems), các phản-ứng của thuốc , chứng trầm-cảm, các khối u não, và bệnh mạch máu não cũng có thể gây ra những triệu-chứng giống như bệnh Alzheimer. Một số những trường-hợp sau này có thể đươc chữa khỏi

    CÁCH TRỊ-LIỆU BỆNH ALZHEIMER

    Bệnh Alzheimer là một căn bệnh phát-triển chậm, bắt đầu từ những vấn-đề về trí nhớ không nghiêm-trọng để rồi cuối cùng gây tổn-hại cho não. Tiến-trình phát-triển và tốc-độ phát- triển khác nhau tùy theo mỗi người. Trung- bình, một bệnh-nhân Alzheimer sống từ 8 tới 10 năm sau khi đươc chẩn-đoán , tuy vậy cũng có người sống tới 20 năm.
    Không có phép trị-liêu nào làm bệnh Alzheimer ngưng phát-triển đươc. Tuy nhiên đối với một số người mà bệnh ở giai đoan đầu hay giữa thì một số thuốc có thể ngăn chặn các triệu-chứng trở thành tệ- hại hơn trong một thời-gian giới hạn : tacrine (Cognex), donepezil(Aricept), rivastigmine(Exelon), galantamine(Razadyne).
    Một thứ thuốc khác, nemantine(Namenda) cũng đã được chấp-thuận để trị bệnh Alzheimer vừa hay nặng., mặc dầu thuốc chỉ có hiệu-ứng giới-hạn
    Ngoài ra,cũng còn một số thuốc giúp kiểm- soát những triệu-chứng về tật-tính (behavioral symptoms) của bệnh Alzheimer như mất ngủ, kích-đông, đi lang-thang, bồn chồn và trầm-cảm. Một khi trị đươc các triệu-chứng này bệnh-nhân sẽ cảm thấy thoải-mái hơn và người chăm nom cũng sẽ đỡ vất vả hơn.

    CÁC LÃNH-VỰC NGHIÊN-CỨU HIỆN TẠI VỀ BỆNH ALZHEIMER

    Trung tâm Quốc gia về Lão-hoá (National Institue on Aging- NIA). một thành- phần của các Viện Quốc-gia về Sức Khỏe (National Institutes of Health- NIH),
    là cơ-quan Liên-bang phu-trách nghiên-cứu về bệnh Alzheimer tại Hoa kỳ. Các khoa-học-gia dưới sự bảo-trợ của NIA đang nghiên- cứu một số thuốc nhằm phòng ngừa bệnh Alzheimer, làm bệnh chậm phát-triển hay làm giảm bớt các triệu-chứng của bệnh. Các nhà khảo-cứu thực-hiện những thử-nghiệm lâm-sàng để xác-đinh xem các phép trị-liệu tỏ ra có hiệu-nghiệm trong quan-sát hay trên động-vật thực ra có an- toàn và hữu- dụng cho con người hay không.

    Chụp hình hệ thần- kinh (neuroimaging)

    Các khoa-học-gia đã phát-hiện là các tổn- thương của những vùng não liên-quan đến trí nhớ như hippocampus có thể đươc nhìn thấy trên não đồ nhấp-nháy (brain scan) trước khi bệnh phát-tác.


    Vị-trí vùng hippocampus trong não

    Một dự-án nghiên-cứu lớn goị là AD Neuroimaging Initiative (ADNI) đang đựợc tiến-hành để xem phép chụp hình cộng- hưởng - từ (Magnetic Resonance Imaging-MRI), và phép chụp phát-xạ positron cắt lát (Positron Emission Tomography-PET)… có thể phát hiện sớm các biến- đổi trong não và đo sự tiến-triển của bệnh Alzheimer hay không.

    Tính di-truyền của bệnh Alzheimer (AD genetics)

    Trong dự-án nghiên-cứu này các nhà khoa-học muốn tìm hiểu về các gien mang yếu-tố rủi-ro về bệnh Alzheimer bộc-phát trễ (late-onset AD).

    Suy yếu nhận-thức nhẹ (Mild cognitive impairment- MCI)

    Chứng suy-yếu nhận-thức nhẹ( MCI) là một loại bíến-đổi về trí nhớ khác với các biến-đổi về trí- nhớ liên quan tới bệnh Alzheimer hay tới tuổi già. Các người bị MCI luôn luôn có vấn-đề về trí nhớ nhưng không bị lú lẫn, không mất khả-năng chú-tâm hay gặp khó khăn trong ngôn- ngữ. Các nhà nghiên-cứu nhận thấy rằng đối với những người bị MCI có uống thuốc donepezil thì nguy-cơ bệnh này biến thành Alzheimer sẽ lùi lại 18 tháng so với những nguời không uống thuốc.

    Viêm (inflammation)


    Viêm trong não có thể làm hư- hại não và gây nện bệnh Alzheimer.Thử-nghiệm lâm-sàng với refecoxib(Vioxx) và naproxen(Aleve) là hai thuốc chống viêm không phải là steroid đều không cho thấy có hiệu-quả ngăn chặn bệnh Alzheimer phát-triển. Thử-nghiệm với những chất chống viêm khác đang đươc tiến-hành

    Các chất chống oxy hoá (antioxidants)

    Cách đây vài năm, thử- nghiệm lâm- sàng đã cho thấy là vitamin E có thể làm cho một số hậu-quả của bệnh Alzheimer chậm phát-tác khoảng 7 tháng. Hiện nay nghiên- cứu đang đươc thực-hiện với vitamin E, C, alpha-lipoic acid, và coenzyme Q trên những bệnh-nhân bị Alzheimer nhẹ

    Ginkgo biloba

    Các nghiên-cứu trước đây cho thấy là chất ly-trích từ lá cây ginkgo biloba có thể giúp trị các triệu-chứng của bệnh Alzheimer. Hiện chưa có bằng- chứng là chất này có thể chữa khỏi hay phòng ngừa bệnh Alzheimer, nhưng các nhà khoa-học đang làm thử-nghiệm lâm-sàng xem ginkgo biloba có thể làm chậm sự suy-yếu nhận-thức và ngăn chặn sự sa-sút trí-tuệ (dementia) của người già hay không


    Estrogen

    Vài kết-quả nghiên-cứu cho thấy là chất estrogen thuờng dùng để trị các triệu- chứng mãn kinh của phụ-nữ cũng có tác-dụng bảo-vệ não. Các nhà khoa-học đang nghiên-cứu xem estrogen đóng vai- trò gì trong bệnh Alzheimer .. Họ muốn tìm hiểu xem nếu bắt đấu trị-liệu bằng estrogen vào thời-kỳ mãn kinh thay vì vào tuổi 65 hay hơn có thể bảo-vệ trí nhớ hay ngăn ngừa bệnh Alzheimer đươc hay không.

    Alzheimer’s Disease Fact Sheet

    Scientists find gene link to Alzheimer’s- AP- 06/08/07
    (http://tintuccaonien.com/docs/docs_6/6_2_4.htm)

    *******

    Tìm Hiểu Thêm

    Bệnh Alzheimer là gì ?

    Bệnh Alzheimer là một dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất hiện nay. Sa sút trí tuệ (dementia) là mất khả năng về trí lực và giao tiếp xã hội ở mức độ gây khó khăn cho cuộc sống hàng ngày. Sự thoái hóa mô não đang bình thường với nhiều nguyên nhân chưa được biết rõ, gây nên sự suy sụp dần dần trí nhớ và trí tuệ bệnh nhân.

    Hiện nay có hàng triệu người lớn tuổi trên thế giới bị bệnh Alzheimer, tuổi mắc bệnh thường từ 65 trở lên. Con số này dự đoán sẽ gấp nhiều lần trong vòng 20 năm tới, khi tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên. Mặc dù vẫn chưa có một phương pháp thực sự hữu hiệu nào để ngăn ngừa bệnh Alzheimer, nhưng các nhà nghiên cứu đã đạt được những bước tiến quan trọng trong 5 năm gần đây. Điều trị thích hợp có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Ngày càng có nhiều loại thuốc được nghiên cứu, và các nhà khoa học còn khám phá ra hàng loạt gen có liên quan đến Alzheimer, từ đó đã đưa ra nhiều hướng điều trị nhằm ngăn chặn bệnh lý phức tạp này. Trong khi chờ đợi các thành tựu đó, việc chăm sóc các bệnh nhân Alzheimer vẫn còn tập trung và sử dụng những hiểu biết hiện có. Họ rất cần sự hỗ trợ và giúp đỡ của bạn bè và người thân để đương đầu với bệnh tật.

    Các dấu hiệu và triệu chứng

    Mọi người ai cũng thỉnh thoảng có lúc bị lầm lẫn và mắc sai sót về trí nhớ. Hết sức bình thường nếu như bạn quên tên của một người mà bạn hiếm khi gặp mặt. Nhưng điều này sẽ không phải là một chuyện bình thường cùng với tuổi tác, khi bạn quên ngay cả những đồ vật hàng ngày và tên những người thân thiết trong gia đình mình.
    Bệnh Alzheimer – một tiến trình thoái hóa bệnh lý của não bộ – vượt quá giới hạn của sự quên thông thường. Nó có thể bắt đầu bằng sự rối loạn và mất trí nhớ nhẹ nhàng, nhưng dần dần sẽ dẫn đến sự suy giảm trí tuệ bất hồi phục nặng nề, tàn phá khả năng nhớ, lý luận, học tập và trí tưởng tượng của người bệnh.

    Phần lớn bệnh nhân Alzheimer đều có những dấu hiệu bệnh chung như sau:

    Tính hay quên liên tục và tăng dần. Bệnh Alzheimer khởi đầu bằng một giai đoạn quên, đặc biệt là quên những sự việc mới diễn ra hoặc những việc đơn giản. Nhưng về sau triệu chứng quên cứ tồn tại và tăng dần. Bệnh nhân thường quên nội dung các cuộc nói chuyện, quên các đồ vật, đặt sai vị trí của chúng, thường đặt chúng không đúng theo logic và công dụng. Bệnh nhân thường quên tên bạn bè, rồi cuối cùng quên hẳn cả tên những người thân trong gia đình và tên các đồ vật thường dùng nhất, như cái lược, đồng hồ,…

    Khó khăn trong suy nghĩ trừu tượng. Bệnh nhân Alzheimer gặp rắc rối với sổ tiết kiệm của họ, nhất là phải nhận ra và hiểu các con số.

    Khó khăn trong tìm kiếm ngôn từ chính xác để diễn đạt. Thật là một thử thách lớn lao cho các bệnh nhân Alzheimer khi phải tìm kiếm các từ ngữ chính xác để diễn đạt những suy nghĩ của mình và ngay cả chỉ để hiểu kịp các cuộc nói chuyện. Việc đọc và viết cũng gặp khó khăn.

    Mất định hướng. Bệnh nhân Alzheimer bị mất định hướng về thời gian và không gian. Họ không nhớ rõ ngày giờ, bị lạc trong chính ngôi nhà của mình. Sau cùng bệnh nhân hay đi lang thang ra khỏi nhà.

    Mất khả năng phân tích và suy xét. Việc giải quyết các vấn đề xảy ra hàng ngày (như làm thế nào để biết thức ăn trên bếp lò bị cháy) trở nên rất khó khăn. Bệnh nhân Alzheimer giờ đây gặp phải trở ngại lớn trong việc thực hiện những công việc đòi hỏi phải có kế hoạch, những quyết định và suy xét.

    Thực hiện các công việc quen thuộc khó khăn. Những công việc quen thuộc hàng ngày cần phải làm qua các bước tuần tự, ví dụ như việc nấu ăn, đã trở thành một cuộc chiến đấu khó khăn cho người bệnh. Cuối cùng thì bệnh nhân Alzheimer quên cả cách thực hiện những công việc cơ bản nhất, như đánh răng chẳng hạn.

    Thay đổi nhân cách. Người bệnh có tính khí thay đổi thất thường. Họ hoài nghi hết thảy mọi người, cố chấp và cách ly với xã hội. Lúc còn sớm, triệu chứng này có thể là phản ứng của người bệnh với tâm trạng thất vọng khi họ nhận thấy mình không thể kiểm soát đượoc trí nhớ. Vì vậy mà trầm cảm hay đi đôi với bệnh Alzheimer. Mất ngủ cũng thường xảy ra. Khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân trở nên khó tính, hay kích động và cư xử không phù hợp.

    Điển hình, những người thân của bệnh nhân Alzheimer ghi nhận một sự thay đổi dần dần – không phải đột ngột. Đến khi bệnh tiến triển, các triệu chứng ngày càng nặng lên buộc bệnh nhân hoặc người nhà phải tìm đến sự giúp đỡ của thầy thuốc. Nhiều bệnh nhân Alzheimer cũng nhận ra rằng trí nhớ của mình có vấn đề, có thể sẽ rất nặng nề. Quá trình bệnh lý xảy ra nhanh hay chậm tùy thuộc rất nhiều vào từng cá thể. Từ triệu chứng quên đơn giản đến lúc sa sút trí tuệ nặng nề có thể kéo dài 5 năm, nhưng cũng có người đến 10 năm hoặc lâu hơn.

    Bệnh Alzheimer thường diễn tiến từ nhẹ đến vừa, đến nặng. Bệnh nhân còn ở giai đoạn nhẹ thường có thể sống một mình được và có thể xử lý công việc khá tốt. Ở giai đoạn vừa người bệnh sẽ gặp khó khăn lớn nếu không có người giúp đỡ; còn ở giai đoạn cuối thường không thể tự chăm sóc bản thân họ được.

    Các nhà nghiên cứu đã gọi giai đoạn mất trí nhớ là giai đoạn suy giảm nhận thức nhẹ, hay giai đoạn tiền Alzheimer. Giai đoạn này là thời khoảng giao nhau giữa những triệu chứng suy giảm trí nhớ bình thường do tuổi già và những triệu chứng nhẹ đầu tiên của Alzheimer. Bệnh nhân suy giảm nhận thức nhẹ, mất trí nhớ vượt quá ngưỡng bình thường ở tuổi của họ, nhưng chưa phải là sa sút trí tuệ của Alzheimer. Việc phân loại dạng mất trí nhớ này giúp các thầy thuốc chẩn đoán chính xác hơn để hỗ trợ hữu hiệu cho người bệnh. Nó giúp cảnh báo cho bệnh nhân nguy cơ cao phát triển bệnh Alzheimer.

    Nguyên nhân

    Nguyên nhân gây bệnh Alzheimer hiện vẫn chưa rõ ràng. Các nhà khoa học đã khám phá ra trong não các bệnh nhân Alzheimer có nhiều tế bào bị chết hoặc tổn thương nguyên nhân chưa được biết.

    Một bộ não khỏe mạnh bình thường chứa khoảng 140 tỷ tế bào thần kinh gọi là nơ-ron. Các nơ-ron này tạo ra các tín hiệu điện học và hóa học, dẫn truyền từ nơ-ron này sang nơ-ron khác giúp bạn suy nghĩ, ghi nhớ và cảm nhận. Những chất hóa học này được gọi là chất dẫn truyền thần kinh, giúp cho các dòng tín hiệu liên tục giữa các nơ-ron. Trên bệnh nhân Alzheimer, các nơ-ron trong não bộ chết một cách từ từ, gây giảm nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh và rối loạn cáa tín hiệu trong não.

    Bệnh này được đặt theo tên của nhà thần kinh học người Đức, bác sĩ Alois Alzheimer. Năm 1906 ông đã phẫu tích não bộ một tử thi nữ sau nhiều năm mắc bệnh sa sút trí tuệ. Kết quả cho thấy có những đám tế bào não và những điểm gút bất thường. Ngày nay, những đám tế bào này (gọi là mảng tế bào) và những điểm gút (gọi là các đám rối) chính là những thương tổn điển hình của bệnh Alzheimer. Các nhà khoa học vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu về những cấu trúc bất thường này – các mảng và đám rối – nhằm để hiểu thấu đáo hơn vì sao tế bào não bệnh nhân Alzheimer bị chết một cách chậm chạp. Có một số giả thuyết giải thích sự liên quan giữa các cấu trúc này và bệnh Alzheimer:

    Mảng. Các mảng được tạo thành từ những protein vô hại bình thường được gọi là amyloid-beta. Người ta tin rằng mảng lắng đọng giữa các nơ-ron trong giai đoạn sớm của quá trình bệnh lý, trước khi các nơ-ron bị chết và triệu chứng bệnh phát triển. Mặc dù nguyên nhân cơ bản chưa được xác định rõ nhưng với các bằng chứng này cũng có thể giả thuyết amyloid-beta là thủ phạm.

    Đám rối. Các cấu trúc hỗ trợ cho tế bào nơ-ron phụ thuộc vào chức năng bình thường của một loại protein gọi là TAU. Ơû bệnh nhân Alzheimer, các sợi mảnh protein TAU bị biến đổi trở thành dạng xoắn. Nhiều chuyên gia tin rằng những tổn thương nặng nề này lam cho tế bào nơ-ron bị chết hoại.

    Các chuyên gia cũng đã khảo sát vai trò của gen trong bệnh Alzheimer. Sự hiện diện của một số dị tật gen nào đó làm tăng nguy cơ phát bệnh Alzheimer. Một số nhà khoa học tin rằng việc nhiễm các loại virus phát triển chậm gây viêm não cũng có liên quan.

    Yếu tố nguy cơ

    Alzheimer là một bệnh lý phức tạp có thể chịu ảnh của rất nhiều yếu tố khác nhau. Các chuyên gia phân biệt nhiều nhóm yếu tố nguy cơ có khả năng thúc đẩy sự phát triển của bệnh, gồm:

    - Tuổi tác. Bệnh Alzheimer thường xuất hiện ở người trên 65 tuổi, nhưng đôi khi (hiếm) cũng thấy ở bệnh nhân dưới 40. tuổi trung bình của bệnh là 80. Tỷ lệ bệnh khoảng 1-2% ở lứa tuổi 65, nhưng tăng đến 5% ở nhóm 80 tuổi. Đến 50% người ở độ tuổi 90 ít nhiều cũng có vài triệu chứng cua bệnh Alzheimer . Phụ nữ bị nhiều hơn nam giới, một phần vì giới nữ có tuổi thọ cao hơn.

    - Yếu tố di truyền. Nguy cơ bạn bị Alzheimer tăng nhẹ nếu như có một người thân (cha mẹ, anh chị em ruột) bị bệnh này. Cơ chế gen và di truyền hiện vẫn còn là một dấu hỏi lớn, nhưng các nhà khoa học đã phát hiện một số biến đổi gen làm tăng cao nguy cơ bệnh trong một số gia đình.

    -Yếu tố môi trường. Người ta đã nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố môi trường nhằm phát hiện nguyên nhân cũng như ngăn ngừa bệnh tật. Ví dụ, một số bệnh nhân Alzheimer bị lắng đọng nhôm trong não.

    Tầm soát và chẩn đoán

    Hiện chưa có một xét nghiệm nào để chẩn đoán xác định bệnh Alzheimer. Do vậy chỉ có thể chẩn đoán bệnh này bằng cách loại trừ tất cả các nguyên nhân có thể gây mất trí nhớ. Ví dụ, cơn đột quỵ nhỏ, tiềm ẩn có thể làm gián đoạn tạm thời dòng máu lên não, gây ra sa sút trí tuệ. Bệnh Parkinson – thoái hóa thần kinh , hoặc trầm cảm, cũng có thể gây giảm trí nhớ. Hơn nữa, người già thường phải sử dụng nhiều thuốc điều trị khác có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng suy nghĩ.

    Để giúp ích cho chẩn đoán Alzheimer từ nhiều nguyên nhân gây mất trí nhớ, người ta dựa vào những yếu tố sau:

    - Tiền sử bệnh. Thầy thuốc cần hỏi kỹ về tình trạng sức khỏe chung và các vấn đề bệnh lý đã xảy ra trước đây, nhất là những vấn đề xảy ra trong các hoạt động hàng ngày của bệnh nhân. Cần thu thập thêm thông tin từ người thân và bạn bè của bệnh nhân.
    - Các thử nghiệm thường quy. Xét nghiệm máu, nước tiểu giúp thầy thuốc có thể loại trừ những nguyên nhân gây sa sút trí tuệ khác.
    - Các test tâm thần. Các test này dùng để đánh giá trí nhớ, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng chú ý, kỹ năng đếm và ngôn ngữ. Các test này giúp cho bác sĩ lượng giá chính xác khả năng nhận thức của bệnh nhân. Ví dụ, bác sĩ có thể kiểm tra trí nhớ gần và trí nhớ dài hạn bằng cách hỏi: Hôm nay là ngày gì? Chiến tranh Thế Giới thứ II xảy ra năm nào? Các test nhắc lại cũng là một ví dụ. Bác sĩ liệt kê tên những người thân trong gia đình bệnh nhân, bệnh nhân nhắc lại ngay rồi lặp lại sau 5 phút.
    - Kiểm tra não bộ bằng chụp cắt lớp điện toán CT scan, chụp cộng hưởng từ hạt nhân MRI, chụp phát xạ positron PET, dựa vào đó có thể định vị được những bất thường có thể thấy được.

    Nhờ vào những phương pháp này, các thầy thuốc có thể chẩn đoán chính xác đến 90% các trường hợp Alzheimer. Chẩn đoán chính xác 100% chỉ có thể qua phương pháp phẫu tích não bộ tử thi để tìm các mảng và đám rối – điều không thể thực hiện khi bệnh nhân còn sống. Những xét nghiệm về gen và di truyền học vẫn còn trong vòng thử nghiệm. Thử nghiệm máu chỉ cho biết rằng một người có mang gen bất thường có thể có liên quan với Alzheimer mà không thể cho biết người nào mang các gen đó sẽ bị tiến triển thành bệnh.

    Biến chứng

    Hầu hết bệnh nhân Alzheimer không tử vong do bệnh chính mà thường do các bệnh kèm theo, như viêm phổi hoặc các nhiễm trùng khác. Ở Alzheimer giai đoạn nặng, bệnh nhân mất tất cả các khả năng tự chăm sóc cho bản thân. Họ ăn uống khó khăn, không kềm chế hoặc không thể kiểm soát bước đi và thường đi lang thang khỏi nhà.

    Mất các khả năng kiểm soát này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như:

    - Viêm phổi. Khó nuốt thức ăn và các dịch uống làm bệnh nhân dễ hít các chất này vào phổi, gây ra viêm phổi hít.
    - Nhiễm trùng. Bệnh nhân thường đi tiểu không tự chủ nên phải đặt thông tiểu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường niệu, nếu không được điều trị sẽ càng nặng hơn, có thể đe dọa mạng sống bệnh nhân.
    - Té ngã và các biến chứng. Người bệnh thường bị mất định hướng và dễ dàng bị vấp ngã, làm tăng nguy cơ gãy xương. Hơn nữa, té ngã thường làm chấn thương đầu nặng, như xuất huyết nội sọ, bệnh nhân phải chịu phẫu thuật nằm viện dài ngày, càng làm tăng nguy cơ huyết khối trong não, tim, phổi, loét da do tư thế,…tất cả đều đe dọa mạng sống người bệnh.

    Điều trị

    Cho đến gần đây vẫn chưa có phương pháp nào thực sự điều trị cho bệnh Alzheimer. Thuốc và chăm sóc bệnh nhân là những biện pháp chủ yếu.

    Thuốc

    Các thuốc hiện hành không thể làm ngăn chặn hay nghịch đảo quá trình bệnh nền tảng, nhưng chúng có thể làm chậm quá trình diễn tiến bệnh hay làm suy giảm các triệu chứng. Các thuốc được khuyến cáo dùng trong bệnh Alzheimer gồm:

    - Tacrine (Cognex). Tacrine có thể cải thiện khả năng trí tuệ khoảng 30% bệnh nhân Alzheimer mức độ từ nhẹ đến trung bình bằng cách làm chậm sự suy giảm chất dẫn truyền thần kinh trong não. Tác dụng phụ gồm: buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, thường chỉ nhẹ và ngắn hạn.
    - Rivastigamine (Exelon). Cũng giống như tacrine và donepezil, rivastigamine ngăn chặn sự giảm sút các chất dẫn truyền thần kinh, giảm các triệu chứng. Tác dụng phụ: buồn nôn, nôn.

    Các thầy thuốc cũng thường sử dụng hỗ trợ các thuốc nhằm cải thiện triệu chứng đi kèm, như mất ngủ, lơ đãng mất tập trung, lo âu, kích động và trầm cảm.

    Việc điều trị bệnh Alzheimer hiện nay vẫn còn trong giai đoạn non trẻ. Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn lạc quan tin tưởng rằng trong một tương lai không xa, nhiều thuốc mới ra đời, hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn trong triệt thoái các triệu chứng của bệnh Alzheimer. Các chuyên gia hiện đang khảo sát các triệu chứng giống bệnh Alzheimer trên chuột thí nghiệm nhằm thúc đẩy việc chế tạo các loại thuốc có thể trì hoãn hoặc làm kéo dài quá trình tiến triển bệnh.

    Chăm sóc bệnh nhân

    Trước khi tìm ra một phương pháp hữu hiệu điều trị bệnh Alzheimer, người bệnh rất cần sự quan tâm chăm sóc và giúp đỡ từ những người xung quanh. Theo Hiệp hội bệnh Alzheimer quốc gia Hoa Kỳ, cứ 10 gia đình thì có 1 có liên quan đến bệnh này. Trong 4 triệu người mắc bệnh Alzheimer tại Mỹ, 70% sống tại nhà và được sự chăm sóc của những người thân trong gia đình.

    Chăm sóc bệnh nhân là một thử thách rất lớn. Sự suy sụp chậm chạp và không rõ giới hạn đòi hỏi người chăm sóc phải rèn luyện tính nhẫn nại, sự hiểu biết, tình thương và óc sáng tạo. Mấu chốt của việc chăm sóc là tập trung vào những công việc mà người bệnh Alzheimer vẫn còn thấy thích thú. Thực chất những phương cách làm giảm tiếp xúc va chạm đến những khả năng bị suy yếu và các rối loạn cư xử hành vi có thể tránh được một số khó khăn của bệnh. Mỗi bệnh nhân Alzheimer đều phải trải qua những triệu chứng và những thời kỳ hết sức khó khăn. Cho nên các kỹ thuật chăm sóc cũng thay đổi cho từng trường hợp cụ thể. Bạn cần phải biết cách thích nghi với các tình thế chăm sóc đặc biệt sau:

    - Trợ giúp về trí nhớ nhằm hỗ trợ cho người bệnh khả năng độc lập. Bạn hãy viết ra cho bệnh nhân danh sách các công việc phải làm trong ngày, các số điện thoại thường dùng, nhất là số điện thoại của trung tâm giúp đỡ và hướng dẫn các tác vụ đơn giản, như cách pha cà phê, cách sử dụng điện thoại…

    - Kết cấu nhà ở. Môi trường nhà ở tạo cảm giác bình yên thoải mái và giảm thiểu các sự cố về cư xử. Vị trí lạ, tiếng ồn ào, đông người,… làm người bệnh có cảm giác bất an, lo âu và nhiều suy nghĩ khó khăn hơn.

    - Giám sát chặt chẽ tránh để bệnh nhân đi lang thang. Một số trường hợp cần phải dùng đến những thẻ bỏ túi đơn giản , như “ Hãy gọi về nhà” có kèm số điện thoại bên dưới, hoặc đeo vòng tay cho bệnh nhân có ghi rõ tên tuổi, số điện thoại liên lạc và câu ghi chú “Suy giảm trí nhớ”,… Sự đi lạc của bệnh nhân có thể chỉ đơn giản là họ đang tìm kiếm một vật gì đó, như tìm nhà tắm, hay đang cố thực hiện một công việc có ý nghĩa. Việc tổ chức cho họ những cuộc đi bộ vì sức khỏe hàng ngày giúp bệnh nhân giảm bớt tình trạng đi lang thang.

    - Xếp đặt thời gian buổi tối có trình tự. Thái độ hành vi của bệnh vào buổi tối thường xấu đi. Thiết lập giờ nghỉ ngơi ổ định và êm đềm, tránh xa tiếng ồn của tivi, những bữa ăn tối và các thành viên hiếu động trong gia đình (như trẻ con). Giới hạn lượng caffein trong ngày, những bài thể dục thân thể hàng ngày cũng giúp ích cho sự thư giãn trong giấc ngủ ban đêm.

    - Tăng cường giao tiếp. Khi nói chuyện với người bệnh, bạn nên chú ý đứng gần họ để có thể thấy,cầm tay, vai thể hiện sự thân mật và chăm sóc. Nói chậm rãi, câu đơn giản và đừng thúc giục họ trả lời. Nên dùng nhiều cử chỉ và dấu hiệu, như chỉ vào các đồ vật. Tránh hỏi những câu quá phức tạp dễ làm cho bệnh nhân nản lòng khi phải tìm câu trả lời một cách khó khăn.

    - Tạo một môi trường an toàn. Hãy tạo cho nhà của người bệnh trở thành một nơi thân thiện và an toàn. Sắp xếp đồ đạc vào những vị trí cố định, tránh lộn xộn và ngã đổ. Khóa tủ thuốc, rượu, vật nhọn hay vũ khí, các chất có thể gây ngộ độc, các vật dụng và công cụ nguy hiểm. Dời các dụng cụ điện tránh xa nhà tắm để ngừa sự cố, đặt cố định nhiệt độ máy nước nóng không quá 120o F,…

    - Các bài tập thể dục kết hợp có thể đem lại ích lợi cho nhiều bệnh nhân Alzheimer. Thực sự thì tập thể dục luôn có ích cho mọi đối tượng, kể người bệnh lẫn người bình thường, giúp tăng cường sự khỏe mạnh, sức chịu đựng, có lợi cho hệ tim mạch, cải thiện giấc ngủ và giúp tinh thần sảng khoái. Thể dục giúp bệnh nhân Alzheimer duy trì khả năng vận động, duy trì sức khỏe, tính dẻo dai và sự thăng bằng – giảm nguy cơ chấn thương nặng do té ngã.

    Để hỗ trợ thêm cho bệnh nhân Alzheimer trước các thử thách của cuộc sống hàng ngày, những người thân trong gia đình cần phải có những dự tính định trước trong chăm sóc và xử thế với người bệnh, càng sớm càng tốt. Cần phải trả lời những câu hỏi có tính nhân bản, pháp lý và kinh tế, ví dụ như:

    - Bệnh nhân Alzheimer có thể lái xe an toàn, làm việc hay sống một mình trong bao lâu?
    - Khả năng chăm sóc bệnh nhân trong các giai đoạn năng của gia đình và người thân đến mức nào.
    - Khả năng kinh tế của gia đình có thể đảm đương việc chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân tại nhà hiện nay và trong tương lai không?

    Những vấn đề này hết sức cần thiết cho bệnh nhân, bác sĩ điều trị và gia đình . nói chung bệnh nhân Alzheimer cần phải được hỗ trợ càng lâu càng tốt.

    Phòng ngừa

    Hiện nay hầu như không có cách nào ngăn ngừa khởi phát bệnh Alzheimer. Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tìm kiếm những phương pháp làm giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh. Có nhiều hướng rất triển vọng, nhưng cũng chỉ bước đầu:

    - Kháng viêm non-steroid (NSAIDs). Một nghiên cứu công bố năm 1996 cho thấy các thuốc NSAIDs ibuprofen (Advil, Motrin, Nuprin), naproxen sodium (Aleve) và indomethacin (Indocin) có thể giảm nguy cơ bệnh Alzheimer 30-60%. Các bác sĩ tin rằng hiện tượng viêm não là một phần trong quá trình tiến triển bệnh Alzheimer. Các nhà khảo sát không biết rõ tại sao aspirin, cũng là một NSAID, và acetaminophen (Tylenol), đã không có hiệu quả gì. Gần đây các chuyên khảo sát trên những cặp song sinh, thấy rằng những người sử dụng NSAID thường xuyên, nhất là để điều trị viêm khớp, có tần suất mắc Alzheimer thấp hơn 10 lần so với người còn lại trong cặp song sinh ít sử dụng NSAID. Tuy nhiên các bác sĩ không khuyến cáo sử dụng NSAIDs, vì chúng có thể gây viêm loét và xuất huyết đường ruột. Hiện thuốc này còn đang được tiếp tục chứng minh.

    - Vitamin E, selegiline hydrochloride và các chất chống oxy hóa khác (như Ginkgo biloba, selenium,..). Các chuyên gia đang nghiên cứu có phải chăng vitamin E và selegiline (Eldepryl), một thuốc điều trị bệnh Parkinson, có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh Alzheimer hay không. Các thuốc này làm chậm tốc độ tiến triển của Alzheimer vừa và nặng. Cả hai đều là các chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào não nhờ khả năng tiêu diệt gốc tự do. Các gốc tự do là những sản phẩm phụ được tạo ra trong quá trình chuyển hóa bình thường của tế bào. Một số chuyên gia tin rằng các gốc tự do bị dọn dẹp bởi tế bào miễn dịch trong não sinh ra do quá trình viêm mạn tính. Các gốc tự do có thể đi kèm với các phân tử trong tế bào não và gây rối loạn chức năng tế bào.

    - Estrogen. Bệnh Alzheimer trên các bệnh nhân nữ mãn kinh có thể liên quan đến sự thiếu hụt estrogen. Estrogen giúp duy trì bộ não khỏe mạnh bằng tăng cường sản xuất các chất trung gian thần kinh quan trọng, ngăn ngừa sự lắng đọng và tích tụ của các mảng và cải thiện tưới máu cho não. Các nghiên cứu còn cho thấy điều trị hormone thay thế cho các phụ nữ mãn kinh làm giảm nguy cơ Alzheimer ở đối tượng này 30-40%. Tuy nhiên việc dùng hormone thay thế đơn độc để phòng ngừa Alzheimer chưa được chấp nhận.


    (Sưu tầm online)
    Last edited by chimtroi; 02-26-2013, 11:27 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X