Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Kỷ niệm không phai

Collapse
X

Kỷ niệm không phai

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Kỷ niệm không phai

    Kỷ niệm không phai
    Kha Lăng Đa

    Kính dâng hương hồn niên trưởng Trần Văn Minh


    Trung Tá Huỳnh, Trưởng khối Chiến Tranh Tâm Lý Chính Trị Sư Ðoàn IV Không Quân đột nhiên đến nhà tôi vào một buổi chiều với một phong bì trên tay. Ông cho tôi biết Bộ Tư Lệnh Không Quân mời ông, Dương Hùng Cường và tôi về tham dự dạ vũ mừng ngày xuất bản tập “Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến” tại Hội Quán Huỳnh Hữu Bạc.
    Ông trao thư mời cho tôi và vồn vã nói:
    - Anh đi dự cho vui nhé! Sư Ðoàn sẽ cắt cho mình một chiếc Cessna để đến Tân Sơn Nhất vào cuối tuần nầy.
    Tôi ưu tư và ngập ngừng đáp:
    - Thưa Trung tá, chưa chắc tôi đi được.
    Trung tá Huỳnh ngạc nhiên hỏi:
    - Tại sao thế?
    Tôi cười gượng chỉ cái đầu trọc của tôi, nói:
    - Trung tá coi nè, Sư Ðoàn mình vừa xây cất xong “Không gian Tự” thì tôi cũng vừa xuống tóc định qui y đây! Nếu tôi mang cái đầu láng o nầy đến chổ nhảy nhót thì “chẳng giống ai” cả và chắc sẽ làm trò cười cho các “nàng”.
    Không cần hỏi lý do tôi cạo đầu (để làm Thích Mộc Tồn), Trung tá Huỳnh ân cần thuyết phục tôi:
    -Chẳng có ai để ý đâu, đừng lo ngại! Anh phải đi với tôi và “Dê Húc Càn” mới được vì đây là dịp hiếm có để gặp gỡ bè bạn. Chúng mình là 3 người trong 33 tác giả của tập thơ truyện ấy.
    Cuối cùng tôi phải thu hết can đảm, trả lời với Trung tá Huỳnh là tôi sẽ đi với ông và Dương Hùng Cường. Ông tươi cười, từ giã tôi ra về mà còn nhắc lại:
    - Nhớ nhé! Ðừng đổi ý nhé!
    Tôi xoa đầu tôi trong nỗi hối tiếc. Vì một giây phút nóng giận đến điên rồ mà tôi nỡ đoạn đành “thí phát”. Còn đâu mái tóc xuân xanh mà tôi từng vuốt ve, chải chuốt. Mái tóc mà nhiều nàng khen đẹp và cũng vì mái tóc “ăn khách” đó nên vợ tôi ghen mới đưa đến cảnh “đoạn trường” như ngày hôm nay!
    Tôi thở dài, lại rờ đầu mình. Tay tôi như chạm vào một bàn chải vì tóc mới ra lún phún khoảng 3 li! Tôi nhìn vào gương xem mình có quái gở không. Tôi tự kết luận: “Tuy đầu trọc giống thầy chùa nhưng nhờ có bộ râu cũng gỡ gạc được phần nào. Sự khiếm diện của mái tóc biết đâu người ta nghĩ rằng mình muốn “lăng xê mốt” kiểu “Tài Tử Trọc Ðầu”
    Tôi tự an ủi mình: “Xấu mặt thì lâu, xấu đầu mấy chốc”. Nhưng bây giờ muốn có lại được mái tóc dài ngay tức khắc để tôi đi dự dạ vũ, Trời đất ơi! Làm sao mà có được. Muốn như vậy thì chỉ có cách đi “order” một mái tóc giả, nhưng làm sao kịp. Thôi thì cam đành đi phô cái đầu trọc giữa đám đông, phô cái chứng tích của sự nóng nảy, cạn suy xét. Nếu sự nóng nảy lên đến cực độ mà tự “thiến” thì có phải là chết cả cuộc đời hay không!? Cũng may là tôi chỉ “thiến”... tóc mà thôi và... còn nguyên ! (mô Phật!)
    Tôi đem ý nghĩ này nói chuyện với vợ tôi để “hù” bả đừng có ghen nữa:
    - Em mà ghen nữa thì có ngày anh chẳng cắt tóc mà sẽ cắt “ấy” của anh liệng đi cho rồi!
    Tôi bị vợ tôi “phản pháo”:
    - Anh cắt tóc thì chẳng sao nhưng nếu anh cắt cái kia đi rồi thì nó đâu có mọc ra lại như tóc, bắt buộc là tôi sẽ bỏ anh vì anh còn “làm ăn” gì được nữa!
    Tôi cười và ý nhị nói:
    - Nói chơi chứ ai ngu sao mà thiến đi cái phần ân phước của Trời ban bố cho mình. Cái “Tòa thiên nhiên” bắt buộc phải có cây cột lớn chống mới nổi chớ lị!
    Mười ngày trước trong một phi vụ tăng phái hành quân cho tiểu khu Mộc Hóa, trên đường bay về phi trường gốc Trà Nóc – Cần Thơ, lúc vừa tới khu vực Tháp Mười, tôi được lệnh đáp và ở lại Cao Lãnh để tăng phái cho biệt đội L19 thuộc đơn vị của tôi, bay yểm trợ hành quân ngày hôm sau.
    Sau một ngày thi hành phi vụ mệt nhọc ở Cao Lãnh về nhà, vừa bước vào cửa, vợ tôi đùng đùng nổi cơn ghen bậy, “quậy” tôi điên đảo! Nàng nghi ngờ tôi ở lại Cao Lãnh để hú hí với một em nào đó (oan cho tôi quá hỡi ông trời ơi!). Tôi thanh minh, giải thích cách nào cũng đều vô hiệu quả. Vừa mệt, vừa đói, tôi nổi cáu cỡi xe Honda chạy như bay ra cổng phi trường để... cạo đầu! Ðến khi trời tối, tôi mới về nhà sau khi đã giải sầu ở quán Song Mã 5, 6 chai bia 33. Thấy tôi trọc đầu, vợ tôi im lặng, mắt rướm lệ, có lẽ nàng đang hối hận.



    Tôi xuất hiện tại Hội Quán Huỳnh Hữu Bạc trong dạ vũ với sự ngượng ngùng, e thẹn. Tôi đưa mắt nhìn mọi người xem có phản ứng gì khi thấy tôi không. Hình như không ai để ý đến cái đầu trọc của tôi đúng như lời Trung tá Huỳnh đã nói. Sau nầy tôi mới biết sự suy đoán của tôi không đúng. Sở dĩ người ta không cười khi nhìn tôi vì họ tưởng lầm tôi là một tuyên úy Phật giáo được mời dự tiệc mà tình cờ qua câu nói đầu tiên khi gặp nhà văn Phan Nhật Nam tôi mới biết được điều đó.
    - Anh là Kha Lăng Ða à? Vậy mà tôi cứ tưởng là …Tuyên úy Phật giáo.


    Tôi nhìn sang bàn của Niên Trưởng Trần Văn Minh thấy ông đang ngồi tươi cười trò chuyện với 3 nàng đẹp lộng lẫy! Nàng nào cũng mặc “xiêm” để lộ cái lưng trắng như “bánh đúc”. Tôi đang chiêm ngưỡng lén dung nhan người đẹp thì Dương Hùng Cường chợt đi ngang qua. Niên Trưởng Minh kéo Dương Hùng Cường ngồi xuống cạnh ông và hỏi:
    - Ê! Có thằng Kha Lăng Ða về dự không mậy?
    Dương Hùng Cường quay lại vẫy gọi tôi. Tôi ngập ngừng đến, đứng cạnh bàn của Niên Trưởng Minh.
    - Kính chào Trung Tướng.
    Niên Trưởng Minh mời tôi ngồi và mỉm cười, nhìn cái đầu “Lỗ Trí Thâm” của tôi:
    - Ðọc thơ lè phè của Kha Lăng Ða, tao tưởng mầy là tay “mặt rằn, mặt vện”, có ngờ đâu bữa nay gặp mầy…hiền…và sao lại giống như thầy chùa vậy hả?
    Tôi cúi đầu bẽn lẽn trước nụ cười và ánh mắt của các nàng đang đổ lên. đầu tôi. Niên Trưởng Minh hỏi tiếp:
    - Tại sao mầy cạo đầu? Muốn lãnh “củ” hả?
    Nghe ổng dọa cho lãnh “củ” tôi hơi hoảng hốt nhưng tôi cũng rất là “thông minh”, lanh trí, đối ứng kịp thời để chạy tội cho mình. Tôi biết niên trưởng là một người rất hiếu thảo với cha mẹ. Tôi đã thấy chiếc Cessna của ông đậu ở phi trường Bạc Liêu nhiều lần. Những lần đó ông về thăm cha già, mẹ yếu. Tôi liền gói chữ hiếu vào trường hợp của tôi để được ông tha tội:
    - Thưa Trung tướng, tôi cạo đầu vì khấn nguyện cho mẹ tôi khỏi bệnh. (Chà! Nghe y như lời của nhân vật trong “Nhị Thập Tứ Hiếu”. Bây giờ biết tôi nói láo xin niên trưởng tha cho tôi!)
    Niên Trưởng Minh gật gù khen:
    - Ðược! Vậy thì tốt lắm!
    Tôi đảo mắt nhìn quanh thấy anh em trong tòa soạn báo “Lý Tưởng” và những người cộng tác đều có mặt trong dạ vũ vì họ là những tác giả nòng cốt của tập “Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến”, cộng thêm một số tác giả nổi tiếng bên ngoài như Mai Thảo, Phan Nhật Nam, Hoàng Hương Trang…
    Chợt nhà thơ Võ Ý ở đâu tấp vô bàn. Niên Trưởng Minh mời “ổng” ngồi. Chẳng biết “ổng” nhận ra tôi sau 7 năm dài cách biệt hay vì sự lôi cuốn của những cái lưng hấp dẫn của các nàng mà “ổng” đến. Tôi với “ổng” hàn huyên, tâm sự, nhắc nhở lại những kỷ niệm ngày xưa khi tôi và “ổng” còn phục vụ tại Phi Ðoàn 114 Nha Trang.
    Ngày tôi đổi ra “ải địa đầu” của lính tầu bay, chính “ổng” đã lái Cessna của đơn vị chở tôi và vị hôn thê của tôi đến Phi Ðoàn 110 Ðà Nẵng nhưng lúc đến Quảng Ngãi, tôi yêu cầu “ổng” thả tôi xuống để vị hôn thê của tôi dẫn tôi về trình diện nhạc phụ và nhạc mẫu tương lai. “Ổng” và tôi đã cùng đi biệt phái cho các tỉnh cao nguyên nhiều lần khi “ổng” còn mang cấp bậc Trung úy và tôi thì mới ra trường, mặt búng ra sữa. Khó quên nhất là những lần biệt phái cho Sư Ðoàn 23 Bộ Binh ở Ban Mê Thuột. Sau một tuần bay hành quân cực nhọc, nguy hiểm, chiều thứ Bảy nào biệt đội cũng hay thay phiên nhau bay lên Ðà Lạt để du hí và mua hoa về cắm vào bình đặt trên bàn có đề tấm bảng nhỏ: “Bàn dành riêng cho Không Quân” trong đêm dạ vũ hằng tuần tại Câu Lạc Bộ Sĩ Quan. Tấm bảng nầy là niềm hãnh diện của chúng tôi vì biệt đội được sự ưu ái của Sư Ðoàn 23 mà có được như vậy bởi lý do chúng tôi đã tích cực trong các phi vụ, góp công lớn lao trong sự chiến thắng kẻ thù trên nhiều mặt trận.
    Những đêm dạ vũ ấy, bàn của Không Quân luôn quyến rũ được nhiều nàng thơm như “Mít Tố Nữ” đến ngồi để được các chàng hào hoa dìu bước trên sàn nhảy trong tiếng nhạc du dương hay kích động. Khi chương trình dạ vũ kết thúc, cả biệt đội rủ các nàng đi ăn “Ngầu Pín”.
    Ở gần chợ Ban Mê Thuột có một chú ba Tàu bán “Ngầu Pín” rất ngon. Nếu dùng món nầy làm “mồi” để nhậu bia thì tuyệt. Ðêm ấy có một nàng đi ăn với chúng tôi, hạch hỏi chú ba Tàu (có lẽ nàng giã vờ “ngây thơ cụ”):
    - Ngầu Pín là gì hở chú?
    Chú ba Tàu trả lời úp mở:
    - Là cái ló...ló...
    Nàng lại hỏi thêm:
    - Cái ló là cái gì?
    Chú ba Tàu cười hè hè trả lời:
    - Cái ló mà không piết à! Cái ló là cái của con “pò” nó “lái”...ló!
    Nhớ có lần từ Ban Mê Thuột (Xứ Buồn Muôn Thuở), anh Võ Ý rủ tôi về Nha Trang vì phi cơ đã đến ngày kiểm kỳ. Cất cánh xong, lên cao độ, anh lấy hướng đi Ðà Lạt. Tôi khoái chí vì biết anh sẽ ghé thăm phu nhơn của anh nhưng lúc đáp ở phi trường Cam Ly tôi mới biết anh dọn nhà bằng máy bay. Bà xã anh đã về Nha Trang, đồ đạc linh tinh còn lại, anh sẽ “tha” dần về xứ biển. Tôi phụ anh chất đồ đạc phía sau “back seat”. Riêng khung ảnh của bà xã, anh Ý nhờ tôi “ôm vào lòng” vì anh sợ bị bể kính. Tôi ngồi ngắm dung nhan của chị Ý trong ảnh mà khen qua “interphone” cho anh Ý nghe: “Hết sẩy!” Tôi định lúc anh ta vào “final” để đáp, tôi sẽ để khung ảnh trên sàn tàu và hù dọa: “Nếu anh đáp bị bung thì bể khung ảnh, ráng chịu!” Nhưng lúc về tới Nha Trang nghe đài kiểm soát báo phi trường có gió ngang, gió giật khá mạnh nên tôi sợ anh Ý bị phân tâm khi đáp vì tôi chơi cắc cớ nên tôi “ken-sồ” dự tính.
    Ðang thả hồn về quá khứ bỗng anh Ý vỗ vai tôi để giới thiệu tôi cho mấy người bạn của anh. Tôi giật mình trở về thực tại khi anh Ý đang nói với hai người kia:
    - Ðây là nhà thơ Kha Lăng Ða, bạn tôi.
    Nghe anh gọi tôi là bạn, tôi hơi. xúc động vì anh còn nhớ nghĩa cũ, tình xưa, chớ bây giờ giữa anh và tôi có một khoảng cách vì anh là Trung Tá Phi Ðoàn Trưởng Phi Ðoàn 118 - Bắc Ðẩu, trấn thủ vùng Cao Nguyên còn tôi chỉ là một nhân viên phi hành quèn! Mà thôi! Thật đáng ca tụng “đại huynh” Võ Ý “làm lớn nhưng không đổi bạn” (không biết đại huynh có đổi cái gì khác không!?)
    Bước vào phần giới thiệu tập “Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến” và các tác giả. Người điều khiển chương trình là anh Hồ Phong (Tâm Lý Chiến - Bộ Tư Lệnh KQ) đã bơm tôi lên như thổi bong bóng:
    - Ðây là nhà thơ Kha Lăng Ða, tác giả trẻ tuổi nhất trong 33 tác giả của tập “Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến”. Anh đã tự tạo cho mình một trường phái để sáng tác. Ðó là trường phái “Thơ Lè Phè”. Kính mời Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ trao tập truyện cho tác giả Kha Lăng Ða.
    Tôi vừa run vừa mặc cảm vì cái đầu trọc của mình, luống cuống bước đến nhận tập thơ truyện do ông “Râu” trao tặng. Niên trưởng “Râu” nhìn tôi với ánh mắt biểu lộ sự không vừa ý vì cái đầu mất vẻ thẩm mỹ của tôi. Tôi nói thầm: “Ông thông cảm cho tôi! Tôi rủi ro bị sạch tóc nhưng còn có được bộ râu theo truyền thống của ông!”
    Trao tập thơ truyện xong, ông bắt tay tôi rồi trở về chỗ ngồi. Tôi lật đật lui gót, tìm chỗ ẩn núp. Nhưng, anh Hồ Phong quái ác nầy chưa chịu chuyển qua mục khác. Anh lại mời nữ thi sĩ Hoàng Hương Trang lên sân khấu đọc bài thơ “Phi Ðạo” của tôi cho quan khách nghe. Với nét đẹp đài các, nữ thi sĩ Hoàng Hương Trang nổi bật trên sân khấu. Cô đọc bài thơ “lè phè” bằng một giọng gần như thỏ thẻ (nghe dễ thương làm sao ấy):

    Những phi đạo cũng ly kỳ ghê lắm,

    Những tiếng cười nổi lên, xôn xao hội quán, Hoàng Hương Trang e thẹn ngừng đọc (có lẽ cũng đã hiểu được nghĩa bóng của bài thơ tả cái gì rồi!). Cô tươi cười pha bẽn lẽn, nói:

    Lính tàu bay mình biết nó đã nhiều.
    Gẫm trong đời phi đạo rất đáng yêu,
    Không có nó thì lấy chi mà đáp.
    Có nhiều cái rộng và dài phát ngáp,
    Ðáp một lần thì chẳng thấm vào đâu!
    Nhiều cái thì sao ngắn đến thấy rầu,
    Lại chật hẹp, ôi thôi! là khó đáp.
    Có nhiều cái cỏ hai bờ rậm rạp,
    Có cái không cỏ mọc hoặc lai rai.


    - Ðọc tượng trưng thôi nhé! Không đọc nữa đâu!
    Cô trở về chỗ ngồi. Tôi tưởng đã qua cơn “sóng gio” nào ngờ Hồ Phong lại mời tôi lên sân khấu tiếp tục đọc cho hết bài thơ “Phi Ðạo”. Lúc nầy tôi đã “thấm” men bia nên thêm sự “can đảm”, không ngần ngại bước lên sân khấu đọc phần còn lại của bài thơ tả cái phi đạo và những kiểu đáp của lính tàu bay. Những tiếng cười lại vang lên.
    Ðến phần dạ vũ, Niên trưởng Trần Văn Minh hỏi anh Võ Ý và tôi:
    - Tụi bây có dẫn đào theo không?
    Anh Ý và tôi trả lời:
    - Thưa không.
    Niên trưởng Minh bèn “biệt phái” cho anh Ý và tôi một cô đào để “nhót” (Niên trưởng chơi đẹp với em út quá!). Tôi còn nhớ đêm ấy Niên trưởng Nguyễn Cao Kỳ “ca bè” với ca sĩ Hoài Bắc (ban Tam Ca Thăng Long) nhạc bản “Mộng Dưới Hoa” (Niên trưởng ca “có lý” lắm).
    Ðào Vũ Anh Hùng, tác giả của truyện ngắn “Mùa Xuân hoa nở trên mây” (kể chuyện một người vợ lính sanh đứa con gái trên phi cơ của anh, báo hại anh xạ thủ phải làm... bà mụ!) gặp tôi cụng ly, nói huyên thuyên:
    - Anh em mình chỉ có dịp nầy mới gặp nhau đông đủ.
    Lần gặp gỡ ấy là lần gặp gỡ để chia tay! Vì năm sau, nước nhà lọt vào tay Cộng Sản. Tập “Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến” của 33 tác giả, tập truyện “Trong Ðục” và “Chết Non” của Niên Trưởng Trần Văn Minh tặng tôi cùng nhiều số báo Lý Tưởng, tôi giữ như báu vật thế mà phải đành bỏ lại cư xá trong lúc vội vã đưa vợ con chạy loạn.


    Tôi vui mừng gặp lại anh Võ Ý tại Saint Louis sau một tháng tôi và gia đình sang nước Mỹ theo diện H.O, được biết tờ báo “Lý Tưởng” vẫn... còn sống. Anh Ý cho tôi biết tin tức anh em trong tòa soạn và anh em cộng tác. Tôi như con chim bay lạc được về họp đàn, tìm lại cảnh vui vầy, đầm ấm của ngày xưa. Tôi hân hoan đọc bài của những tác giả quen thuộc qua tập san Lý Tưởng. Xem mục “phân ưu”, tôi ngậm ngùi hay tin những niên trưởng, những bè bạn đã nằm xuống vĩnh viễn trên miền đất tạm dung. “Tử biệt sanh ly” là chuyện phải có trong kiếp người, thế mà sao mỗi lần được tin buồn, lòng tôi cũng xót xa khi nghĩ đến thân phận mình, một ngày nào đó cũng sẽ nối gót anh em đi về miền miên viễn.

    Nỗi niềm nghĩ đến mà đau,
    Thấy người nằm đó, biết sau thế nào.

    (Nguyễn Du)

    Không Quân đa số không. “thọ” lắm. Qua mục phân ưu tôi thấy người nào chết cũng tròm trèm 60 hoặc ngoài 60, ít có ai đạt được 70 tuổi.
    Trong số báo Lý Tưởng Xuân Ðinh Sửu có bài “Cánh Chim Ðầu Ðàn Không Lực” với hình ảnh của Niên Trưởng Trần Văn Minh và Niên Trưởng Phu Nhân. Ðã hai mươi ba năm trường tôi mới được nhìn lại hình ảnh người anh cả của Không Quân. Tôi còn nhớ ngày gặp niên trưởng trong đêm dạ vũ ở Hội Quán Huỳnh Hữu Bạc, niên trưởng còn “ăn khách” lắm! Ðêm ấy niên trưởng mặc áo “sơ-mi” màu vàng, quần tây đen trông rất đẹp trai (tài tử điện ảnh Trần Quang khó thắng niên trưởng lắm đó!)
    Bây giờ tuy niên trưởng già nhưng còn mập mạp. Từ khi mới qua Mỹ, nghe tin niên trưởng đau yếu triền miên, tôi cũng buồn, nay thấy niên trưởng mạnh lành tôi rất vui mừng. Nhìn ảnh niên trưởng để xem tướng số, tôi thấy niên trưởng có đôi tai . Phật, chắc sẽ có tuổi thọ rất cao. Niên trưởng đừng nghĩ rằng mình có bệnh căn thì khó sống lâu. Ðó là điều sai lầm! Vả lại ở tuổi của niên trưởng hiện tại mà có “theo ông bà” thì người đời không thể gọi là “CHẾT NON” được (không phải tôi trù ẻo niên trưởng đâu nhé!) Niên trưởng sẽ sống đến tuổi phải chống gậy giữa cuộc đời “TRONG ÐỤC” để làm biểu tượng cho Không Quân Việt Nam.
    Niên trưởng Nguyễn Xuân Lành đã an giấc ngàn thu mà lời nhắn nhủ trong bài diễn văn khi niên trưởng chủ tọa mãn khóa của khóa tôi thụ huấn như còn văng vẳng bên tai tôi:
    - Ðêm nay ta vui trót đêm nay, ngày mai ra chiến trận ta làm việc hết mình!
    Lời nói rất bình dân ấy đã tác động tôi “làm việc hết mình” suốt thời gian ở trong Không Lực. Tôi nghĩ: cấp chỉ huy nào mà được sự kính mến của thuộc cấp thì sẽ được phục tòng còn nếu “thượng bất chánh” thì “hạ tắc loạn”.
    Riêng Niên Trưởng Minh đã giữ vẹn Trung, Hiếu, Nghĩa làm gương sáng cho quân chủng noi theo. Nhớ một hôm lúc còn ở Ðà Nẵng, tôi nghe một người bạn kể lại rằng niên trưởng đã tát tai một nhân vật “tai to mặt bự” dựa hơi Tổng Thống, có những lời lẽ xúc phạm đến Niên Trưởng Nguyễn Cao Kỳ. Tôi thán phục niên trưởng vô cùng! (không phải tôi nịnh niên trưởng đâu nhé! Mà có nịnh niên trưởng lúc nầy thì tôi được cái gì!?)
    Bây giờ tôi chỉ còn sống cho những kỷ niệm, cho dư ảnh ngày xưa để mà tiếc nhớ. Tóc tôi đã bạc dần (phải giả dối nhuộm đen để đánh lừa thế nhân là mình còn... trẻ), mắt tôi đeo kính ngày càng tăng độ nhưng những kỷ niệm của đời lính hào hoa thì không phai mờ theo năm tháng .
    Kha Lăng Đa

    Last edited by chimtroi; 02-20-2013, 01:46 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X