Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đời Phi Công

Collapse
X

Đời Phi Công

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đời Phi Công

    Truyện dài, GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh
    (Giải thưởng Văn chương Toàn quốc năm 1961)







    1

    Đường đời muôn vạn nẻo


    ...Nghề nghiệp anh đã quyết định lựa chọn
    rồi đây sẽ là nguồn sống của cả cuộc đời...



    Phượng,

    Viết thư này anh đã ở xa em muôn vạn trùng dương. Anh mỉm cười khi đặt bút vì nghĩ rằng em vẫn thường chê cái tính thích giang hồ vặt của anh. Lần này thì anh đi hẳn, đi thật xa cho đến khi nào công thành anh mới trở về. Anh cũng chưa viết thư về cho Bác biết và chắc giờ đây Bác nghĩ rằng anh đang sống vất vưởng ở một xó xỉnh nào giữa thành phố Sàigòn.

    Khi nào có dịp xuống Hải Phòng em lại thăm Bác và lựa lời nói giúp hộ anh. Anh biết đã làm cho Bác buồn phiền nhiều ngay từ khi đang học Dược Khoa ở Hà Nội anh bỏ để vào trong Nam. Và từ dạo ấy đến nay kể đã hai năm rồi em cũng như Bác không gặp lại anh.

    Thỉnh thoảng có nhận được một lá thư, viết dăm hàng chữ nhưng chắc rằng em đã không tin ở những lời anh viết. Câu "vẫn được bình an mạnh khỏe" anh vẫn để ở cuối như một thông lệ chắc vẫn thường làm em hoài nghi mỉm cười.

    Bình an có nghĩa là anh vẫn chưa có việc gì làm nhất định, vẫn ngày ngày dạy học, viết văn lăng nhăng, vẫn làm những cái nghề em thường mệnh danh là những nghề bạc bẽo. Anh biết làm thế nào được, anh thấy rằng đường đời muôn vạn nẻo làm anh nhiều khi bâng khuâng như muốn lạc hướng. Anh vẫn thường nghĩ nơi đây chỉ là chỗ anh tạm dừng chân bước để rồi anh phải hứa với em như vẫn thường nguyện với chính anh rằng ngày mai anh sẽ khác hôm nay.

    Nhưng buồn thay là hôm sau anh vẫn còn cặm cụi chấm bài, vẫn phải gạn túi lấy tiền đưa chiếc quần cũ đi là cho phẳng để ãn mặc cho trịnh trọng, dáng điệu cho đạo mạo mỗi khi đứng trước thế nhân. Tuổi hai mươi có phải là cái tuổi làm cho con người già dặn đâu em nhỉ và hai mươi tuổi với hai bàn tay trắng đâu phải là một điều đáng phàn nàn. Bác chắc không thể nào hiểu được tâm trạng của anh cũng như em tuy đôi khi có gật đầu đồng ý với anh một vài điểm nhưng khóe mắt em nhìn và nét mặt em hơi phụng phịu cũng thừa để cho anh hiểu rằng em muốn anh nên nghe lời Bác.

    Thành thực anh cũng muốn lắm, vì Bác cũng đã già lại có mình anh là trai, bao giờ cũng muốn mẹ con gần nhau. Ngày ngày anh sẽ cắp sách đi học, vô tư, ngoan ngoãn như hồi lên mười tuổi. Anh muốn như thế lắm em ạ vì nghĩ đến mỗi lần nhìn ảnh anh để đầu giường, Bác lại thở dài làm anh se lòng. Nhưng lần này em cũng nên cố hiểu hộ anh là làm sao anh có thể kéo dài chuỗi ngày bình thản đến gần như vô vị trong bốn bức tường dưới sự nâng chìu của người thân tình trong khi anh đang thèm khát những bến trời xa lạ, muốn đi nhiều, học nhiều để sau này do chính bàn tay mình xây dựng lấy cuộc đời. Đạo làm con anh biết mình có lỗi nhưng anh hy vọng rằng sau này Bác sẽ hiểu mà tha lỗi lầm cho anh. Anh không dám kéo dài, triển hạn cái ngày về; anh chỉ muốn sau này gặp Bác anh có thể mỉm cười thoả nguyện và Bác sẽ thấy rằng thằng con trai bướng bỉnh gàn dở ấy của Bác chỉ là một lãng tử biết hối hận quay trở về với gia đình.

    Bây giờ thì anh phải đi em ạ. Anh chưa nói với em rằng tại sao anh đi vì anh không muốn báo tin cho em một cách đột ngột. Em sẽ mở to mắt mà kêu lên là anh lại dại dột lần thứ mấy mươi nữa.

    Anh rời Sàigòn một sáng tinh sương, trời còn hơi mờ mờ tối. Vào dạo này Sài thành hay mưa, nước đêm hôm trước còn đọng từng vũng trên đường.

    Chiếc xe ca chở anh tới Tân Sơn Nhất chạy quanh co qua những phố vắng. Thỉnh thoảng một chiếc xích lô máy kêu ầm ĩ chạy ngược lại, hai ngọn đèn pha yếu ớt ánh vàng như những cặp mắt ngái ngủ, sau một đêm thức nhiều mệt nhọc. Tuy vậy tâm hồn anh thấy vô cùng sảng khoái, anh không thấy náo nức hớn hở như những khi sắp được đi xa của một thời thơ dại vì những ngày qua đã làm anh trở nên trầm tĩnh hơn.

    Không cần nói em cũng biết rằng anh đi không một người đưa tiễn vì anh rất ghét những bịn rịn của buổi chia ly. Lần này hơi khác vì đêm qua anh còn ngồi nói chuyện với mấy người bạn thân đến gần khuya mới trở về quán trọ. Sống với nhau gần hai năm trời họ là những người chia sẻ vui buồn với anh trong chuỗi ngày vừa qua. Lúc xa nhau, anh chẳng đành không có lấy một lời từ biệt.

    Bốn chiếc động cơ mở hết tốc lực của chiếc phi cơ cất cánh đã làm anh trong giây phút luyến tiếc quê hương, nhớ đến những người thân tình. Anh thấy nhớ Sàigòn quá, nhớ hơn cả Hà Nội. Có lẽ tại Sàigòn đã cho anh nếm hết tất cả mùi vị cay đắng của cuộc đời. Rồi anh nghĩ đến em, đến Hà Nội. Lúc này chắc em đã bắt đầu sửa soạn đi học.

    Đêm đêm ở Hà Nội chắc em vẫn nghe thấy tiếng súng ở làng mạc xa xôi vọng về? Thế rồi hôm nay em vui vẻ tung tăng bước trên đường không biết rằng cũng ngày hôm nay anh bước chân vào một cuộc đời ly hương lòng rộn lên muôn ngàn vương vấn.

    Máy bay lần lưọt hạ cánh ở Calcutta, Karachi, Beirut, La Mã và cuối cùng ở Ba Lê.

    Anh tới kinh thành ánh sáng một buổi chiều mùa thu lá vàng rơi đầy đường sau khi đã lênh đênh trên mây trời hơn 30 tiếng đồng hồ. Chắc em không thể tưởng tượng được rằng rồi đây cuộc đời của anh sẽ lênh đênh như thế mãi. Lúc anh bước chân xuống Karachi để máy bay lấy xăng, người phi công thuyền trưởng lại gần anh xin lửa châm thuốc hút có hỏi:

    -Tôi xem phiếu lý lịch hành khách thấy đề tên ông sang Pháp học lái máy bay?

    Anh gật đầu, người ấy nói tiếp:

    -Rồi ông sẽ thấy bay là một cái nghiệp. Mắc vào rồi nó sẽ vướng lấy mãi.

    Câu nói ấy làm anh trầm ngâm suy nghĩ. Máy bay cất cánh ở Karachi vào 9 giờ đêm để tới Beyrouth vào mờ sáng. Anh ngồi trong ghế dựa lắng nghe phi cơ từ từ lên cao chìm trong đêm tối. Qua khung kính bên cạnh muôn vàn vì sao lấp lánh làm anh có cảm tưởng rằng mình đang tan dần trong vũ trụ mờ ảo. Đèn trong tắt hết. Trên mỗi ghế có một ánh đèn nhỏ lờ mờ để cho những hành khách nào muốn thức đêm đọc sách. Anh nhìn vào chiếc đèn đỏ cuối phòng đề chữ No Smoking để đợi tắt mới lấy thuốc ra hút. Ý tưởng đầu tiên đến với anh khi vừa thở làn khói thuốc lên trần là ở trong cái nghề nghiệp bay này có những giờ giấc khắt khe.

    Có giờ người ta được phép hút thuốc để cho lúc đèn đỏ lại bật phải vội vã dí mẩu thuốc cháy đỏ vào chiếc gạt tàn. Hẹn chín giờ cất cánh thì chín giờ một phút bánh xe phải rời đất. Cứ nghĩ cái con người lông bông như anh rồi đây phải khép vào kỷ luật như thế cũng hay. Cuộc đời chắc sẽ tạo anh thành con người khác. Còn như đi học lái máy bay để có một cái nghề thì chưa chắc đó đã là ý định chính của anh.

    Em chắc vẫn thường thấy anh nói rằng nước mình thiếu ngành chuyên môn và phần đông thanh niên mắc phải bệnh trọng văn khinh võ. Một ngày kia mình sẽ phải tiến kịp với mọi người. Một ngày kia mình phải có một quân đội hùng mạnh.

    Cũng vì thế mà anh muốn trở thành một phi công và hơn thế nữa một phi công quân sự. Em cũng đừng vội kêu lên anh là xếp bút nghiên để khoác chiến bào. Trong thời ly loạn này dĩ nhiên mang nhung phục là bổn phận tất cả các thanh niên nhưng câu chuyện xếp bút nghiên chỉ là câu chuyện cổ khi mà người tráng sĩ chỉ biết độc có một chuyện mài gươm dưới trăng, hát bài ca Chính khí, để rồi sáng hôm sau nghe tiếng tì bà giục lên ngưa, cố uống cạn chén rượu bồ đào cho say túy lúy trước khi ra đi. Người quân nhân hiện nay hơn lúc nào hết phải học hỏi nhiều cho mình mỗi ngày một tiến. Nếu em có thấy anh trở về trong bức chiến bào em nên cười sung sướng mới phải.

    Khi máy bay đến Beirut thì anh cũng vừa tan giấc mộng, giấc mộng của một người tráng sĩ ra đi vì nợ nước vì căm thù bọn quỷ đỏ hại dân lành chứ không phải giấc phong hầu của những người còn nặng mối hoàng lương của thời vang bóng khi xưa.

    Rồi phi cơ tiếp tục hành trình, ghé La Mã chừng hai giờ đồng hồ đủ để anh giở khoa ngoại ngữ vừa nói vừa ra hiệu mới mua được cho Bác và cho em hai chiếc khăn quàng lụa.

    Như em đã biết, anh tới Ba Lê vào một chiều thu lá rụng đầy đường. Những cây trơ trọi như những xác vô hồn. Anh ở trong khu nhà sĩ quan gần trường bay Bourget. Cảnh vật chiều nay ảm đạm lạnh lùng. Buổi sáng ở đây vừa có một chiếc phi cơ Junker 52 bị rơi, mười chín người bị cháy ra tro. Trong buồng ăn không ai nói một lời. Vài người ngửng đầu nhìn lên khi anh bước vào rồi lại cúi xuống.

    Tối nay căn phòng sưởi ấm anh vẫn còn thấy lạnh, một nỗi hàn bao la của kẻ không nhà.

    Chính vào lúc đó anh viết cho em mấy giòng này. Anh viết với đầy tin tưởng rằng ngày mai trời sẽ ấm lại. Nghề nghiệp anh đã quyết định lựa chọn, rồi đây sẽ là nguồn sống của cả cuộc đời anh.

    Em cũng như tất cả những người thân tình, cũng như tất cả những người dân Việt chắc hẳn phải đồng ý rằng nước nhà cần có đủ mọi ngành quân lực. Đường đời muôn vạn nẻo anh đã chọn lấy một hướng, dù gian nan muôn trùng anh cũng sẽ mỉm cười dấn bước. Anh mong rằng em sẽ đọc hết bức thư này với một nguồn vui mới trong lòng.


    (còn tiếp)


  • #2
    2

    Ánh sáng kinh thành


    ... Đêm nay có một anh chàng
    ngồi giữa ánh sáng kinh thành
    mà nhớ đến quê hương...



    Phượng,

    Anh đã ở Ba lê hơn một tuần, ở để đợi chuyến máy bay đi Marrakech. Anh sẽ sang Bắc Phi một năm để học lái máy bay trong giai đoạn đầu và sau đó sẽ trở về Pháp học thêm chừng hai năm nữa.

    Nhận thư em hôm qua, lúc đọc anh hơi mỉm cười vì câu hỏi ngây thơ của em: "Anh có thấy nhớ nhà không?" Thành thực mà trả lời thì trong lúc này anh không thấy nhớ vì lòng đang rộn ràng với những cảnh lạ đường xa. Anh chỉ mơ hồ thấy rằng hiện nay quê hương đang ở xa lắm, gần trọn nửa vòng trái cầu, có nhớ, có thương chăng nữa thì cũng nhớ xa sầu vời vợi, thương mênh mông như đại dương rộng lớn còn có nhớ thương riêng một chút nào thì chãc cũng chỉ gói trọn vào một mình em gái anh mà thôi.

    Anh viết thư này cho em trong một quán rượu giữa khu Latin, một buổi chiều thu buồn về chầm chậm.

    Có qua Ba lê và lạc vào khu sinh viên này em mới có thể hiểu được rằng tại sao người ta có thể ngồi viết thư trong một quán rượu. Dọc theo hai bên đại lộ St. Michel từ đầu sông Seine tới vườn Luxembourg người ta chỉ thấy quán rượu, hiệu sách và sạp bán báo. Nói là quán cà phê thì đúng hơn vì thường thì ai cũng chỉ gọi cà phê hơn là gọi rượu. Vào trong quán tìm một bàn trong một góc kín đáo nhất, gọi một tách cà phê rồi trầm ngâm nhìn thiên hạ là một trong những cái thú của người sinh viên ở Ba lê.

    Trong quán được sưởi ấm, một cái ấm vừa đủ để khách không đến nỗi co ro vì cái hàn bao la bên ngoài nhưng cũng chỉ ấm đến độ người ta còn thấy trống trải nếu ngồi cô quạnh một mình. Anh bỏ hai viên đường vào ly cà phê sánh đen. Gọi một ly cà phê người hầu bàn chỉ mang ra hai viên đường gói trong một mảnh giấy. Hai viên đường chỉ làm cho tách cà phê vừa đủ ngọt để khách không đến nỗi nhăn mặt khi đưa lên miệng nhấp chút hương vị đầu tiên nhưng cũng chỉ vừa ngọt đến độ người ta còn cảm thấy cay đắng mùi đời nếu lòng còn đơn độc.

    Đợc đến đây chắc em phải cười mà nghĩ rằng một lần nữa anh lại lý luận "cà phê" như dạo nào ở Hà Nội. Anh không thể nào quên được lần đầu tiên anh thuyết phục được em đi uống cà phê ở Bờ Hồ Hà Nội cách đây hai năm. Em đã ngần ngại nhiều trước khi đưa tách lên môi vì cà phê chắc chắn không phải là một chất ma túy cho phụ nữ, nhất là với một thiếu nữ ngây thơ nhí nhảnh như em. Và anh nhớ đã cười nhiều khi thấy em nhăn mặt làm đôi mí mắt trắng xanh mọng lên. Cả người em lúc đó là hiện thân của ngây thơ, rụt rè trước cám dỗ. Chắc em còn nhớ là sau đó, sợ anh phật ý, em đã tươi cười làm lành vì không bao giờ em muốn thấy anh buồn lúc ngồi bên cạnh em. Thành thực mà nói thì lúc đó anh thấy buồn thật, một cái buồn thoáng qua không duyên cớ. Anh cảm thấy mình chìm sâu dần vào những tật xấu mà dần dần xa cách em. Có thể nói lúc đó anh có tâm trạng của một hàn sĩ ngồi trong gian gác ẩm thấp một buổi chiều mưa vừa tạnh, nhìn qua đường thấy cô thiếu nữ xinh tươi trước cửa trong nhà bước ra, rón rén tránh những vũng nước mưa đọng để bước lên một chiếc xe nhà lộng lẫy. Chiếc xe rồ máy phóng đi làm bắn những tia nước mưa lên vệ đường.

    Dư âm vọng lại tâm hồn người học trò nghèo chỉ là chuỗi cười khúc khích của người thiếu nữ ngây thơ và dư ảnh thoáng qua cặp mắt buồn rầu của chàng thư sinh chỉ là khóe cười tinh quái với những hàm răng đều như ngọc trắng, và vết hằn sâu đậm trong tâm hồn con người ngồi âm thầm trên căn gác hẹp một chiều mưa tạnh chỉ là mấy vệt bánh xe nhà còn in lại trên đường mưa lầy lội và cả một bầu không khí nặng nề ẩm thấp đang tràn ngập xuống phòng văn.

    Sau đó để tránh những gượng gạo của tình cảm, anh đã nói liên miên vớí em về cái thú uống cà phê. Em đã chăm chú nghe anh như một người học trò ngoan ngoãn nghe lời giảng tuy rằng không hiểu. Khi anh nói hết thì bản tính ngây thơ tinh nghịch của em trở lạì và em đã cười ròn rã kết luận: "Thật đúng là anh của em lý luận cà phê"! Anh đã phải buồn rầu mà nghĩ thầm rằng em có lý khi nhìn thấy trước mặt, ly cà phê sánh đen của em còn nguyên vẹn. Ngay vết môi của em lần đầu tiên nếm mùi cay đắng cũng không thấy trên miệng tách. Có lẽ vì nó thoảng nhẹ nhàng quá. Anh đã nghĩ rằng em có lý khi nhìn ly cà phê của anh còn đọng lại một chút cặn đen như tất cả tàn tạ của một cuộc đời mệt mỏi. Anh đã đưa em về nhà và tự hứa rằng không bao giờ sẽ còn dám rủ em đi uống cà phê lần thứ hai nữa.

    Anh hy vọng rằng đọc thư này em có thể hiểu được tâm trạng anh khi ngồi một mình trước tách cà phê trong một quán rượu ở khu Latin một buổi chiều thu buồn về chầm chậm. Như thế nghĩa là anh vẫn không đổi, vẫn là con người cà phê của năm nào. Trong quán dần dần đông người nhưng thường thường họ ngồi từng cặp. Chàng là một sinh viên, một chiếc áo sám bằng nỉ dày choàng ngoài một chiếc áo len đen cổ cao. Nàng là một thiếu nữ tóc xoã vai, nét mặt còn thơ ngây nhưng mắt đã thâm quầng vì những đêm thức trắng. Và cứ như thế từng cặp họ ngồi tâm sự với nhau. Khói thuốc lá đưa lên từng màn mỏng manh như những làn sương sớm. Cuộc sống ở đây là thế. Tình gia đình có thể coi như nhẹ. Một sinh viên thường phải lo học, lo thi, lo phác một tương lai, lo sao có đủ tiền trọ trong tháng tới.

    Và như thế nguồn an ủi độc nhất và kiến hiệu hơn cả có lẽ là một người bạn tâm sự mật thiết để cùng nhau chia sẻ vui buồn.

    Trời đã tối hẳn. Thành phố lên đèn. Ba lê bừng lên trong ánh sáng, trong nhộn nhịp, trong những làn sóng yêu đương. Anh vẫn còn ngồi một mình chậm chạp bóc hai viên đường cho tách cà phê thứ ba. Trong chiếc gạt tàn, ngổn ngang những mẩu thuốc lá dở.

    Bao thuốc Gitanc của anh chỉ còn trơ lại một điếu cuối cùng. Thì ra đối với khu Latin anh chỉ là một người khách lạ, một người khách qua đưòng. Anh không có những mối lo của một người sinh viên du học. Nếu không giờ đây, khi thành phố lên đèn, khi âm nhạc trong quán rượu đang vẳng lên những bản nhạc yêu đương, anh đã ngồi đối diện với một thiếu nữ tóc xoã ngang vai để tâm sự nỗi buồn tha hương của mình. Nàng rất có thể có một cặp mắt xanh nhưng cũng có thể là màu nâu sẫm như ly cà phê pha thêm đôi giọt sữa. Nhưng có điều chắc chắn là trong ánh mắt giai nhân anh có thể thấy những tình cảm nửa lưu luyến, nửa ái ngại, bâng khuâng, phũ phàng.

    Con người lưu lạc phương trời, dù cho mái tóc đã bạc màu quan tái, đôi vai đã nặng chiũ phong sương có lẽ tới đây cũng phải ngần ngại dùng dằng vì những đôi mắt của ngưòi đẹp Ba lê. Không khí ở đây không biết có một vẻ gì quyến rũ lạ. Ba lê nhộn nhịp, tấp nập ban ngày nhưng ban đêm Ba lê cũng không kém phần tưng bừng huy hoàng. Ánh điện dần lên. Qua khung kính anh đã thấy những người cúi đầu vội vã đi dưới làn mưa bụi về nhà.

    Một nhịp sống khác đang tràn lên. Ánh nê ông trong quán rượu tưng bừng sáng. Các bàn đã có từng cặp sinh viên đến ngồi chật. Từ những máy phóng thanh những điệu nhạc văng vẳng đưa ra cũng trở nên trầm lặng êm dịu hơn. Những cặp mắt nhìn, những cánh tay đưa dụt dè, những ly cà phê đắng đen sẫm, những viên đường gói, những bao thuốc dở dang, tất cả những thứ đó kết hợp nên đời sống sinh viên khu Latin một buổi thu buồn trong quán rượu.

    Đây là giờ phút của mê ảo, của trầm mặc, của tâm sự của yêu đương. Viết thư thế này tức là anh cảm thấy mình lạc loài quá rồi. Có lẽ anh chỉ là một người sơn cước bơ vơ giữa chốn hoa lệ này. Mai mốt anh phài lên đường tới Bắc Phi với những cồn cát vàng bát ngát, với những bổn phận, với nghề nghiệp. Vì thế nên anh mới có thể ngồi bình thản viết cho em mấy dòng chữ này.

    Mái tóc của giai nhân có hoe vàng như những sợi tơ nuột, mầu mắt có xanh lơ như hồ thu dịu và khóe cười có say đắm như ánh ly rượu ngọt có lẽ anh cũng không cảm thấy nữa vì tất cả chỉ thoảng qua đi như một cơn gió dịu. Đối với anh, nếu có gì vĩnh cửu có lẽ sẽ là hình ảnh màu hoe vàng của đồng lúa chín, mùi cốm thơm xanh như hương thơm mái tóc, và ánh mắt ngây thơ nũng nịu của cô em gái ngần ngại nhìn ly cà phê ban đầu một chiều nào ở quê hương.

    Ánh sánh kinh thành huyền ảo như mờ dần yếu ớt qua những lớp sương đêm. Tình quê hương lại nhóm bồng bột trong lòng người lãng tử. Ánh điện nê ông xanh rợn hay ánh lửa hoe vàng màu hoả hoàng của ngọn đèn dầu, nhạc điệu sam ba dậm dật hay tiếng sáo vi vu, Phượng ơi, nào anh có biết? Chỉ biết đêm hôm nay có một anh chàng say cà phê ngồi giữa ánh sáng kinh thành mà nhớ đến quê hương.


    (còn tiếp)

    Comment


    • #3
      3

      Trăng dãi Bắc Phi


      ... Trăng đêm nay cũng đẹp
      như trăng dãi trên thôn xóm làng xưa...



      Phượng,

      Thế là chúng ta giận nhau rồi em nhỉ vì từ sáu bảy tháng nay anh không nhận được thư em để mà đọc những câu thơ chinh phụ dang dở như tình đời ngang ngửa. Đã lâu rồi, từ cái buổi Bắc Phi nay còn lành lạnh, gió đông xao động trên những dãi cát vàng, em đã viết cho anh:

      "Chàng từ đi vào nơi gió cát,
      Đêm trăng nay nghỉ mát nơi nao?!..."

      thì nay anh cũng có thể gửi cánh nhạn về đáp từ:

      "Xưa nay chiến địa dường bao,
      Nội không muôn dậm xiết bao dãi dầu!!"

      Nếu giữa chúng ta còn có một chút thông cảm, nếu em còn thấy dễ dàng ngoan ngoãn nghe theo lời anh như thuở còn ấu thơ thì chắc em cũng có thể hiểu được cuộc sống hiện tại của anh qua câu thơ viễn xứ ấy. Bắc Phi không phải là chiến địa nhưng nội cỏ héo tàn và cồn cát chạy miết cũng làm cho người xa nhà thấy thấm thía nỗi buồn như người chiến sĩ buổi chiều tà ngắm cảnh sa trường vắng lặng một màu tang tóc.

      Mùa hạ đã bắt đầu từ ba tháng nay, một mùa hạ nóng nực không có phượng nở đỏ hoe báo hiệu mùa thi cử không có những tà áo trắng nhẹ bay, không có tiếng quốc kêu thảm thiết gọi vào hè, không có cơn gió Nồm nam đưa lại như cố xua đuổi ưu phiền, nhưng mùa hạ Bắc Phi có một vẻ oi nồng đặc biệt làm cho tất cả mọi người thấy uể oải những buổi trưa hè. Anh phải dậy làm việc từ năm giờ sáng để đến mười giờ là tất cà mọi người nghỉ việc. Buổi trưa bắt buộc phải nằm nghỉ trên giường vì không ai có thể làm việc với cái nóng nặng nề này. Ngoài đường phố không một tiếng động. Mấy cây gồi im bóng bên một cái hồ nước khô. Một con lạc đà gầy đét nằm phủ phục dưới gốc cây là cả một hình ảnh oi ả của mùa hè Bắc Phi.

      Anh ước ao lúc này được ở quê nhà để lại thăm em, để biết duyên cớ sự giận dỗi thầm lặng lâu nay. Anh vẫn biết em mỗi tuổi một lớn và lòng người thiếu nữ dậy thì thường hay thay đổi không đâu. Nếu ở cái thuở ngày xưa xa xôi anh có thấy em phụng phịu nét mặt, không thèm chơi với anh nữa thì anh cũng có thể hiểu ngay được là vì anh đã quên không khen em là cô văn sĩ tí hon như thường lệ khi anh chấm cho em bài luận Việt văn hay không rủ em đi câu cùng với anh chiều thứ bảy vừa qua ở con sông đầu làng. Tuổi thơ ngây rất dễ hờn giận mà cũng rất dễ làm lành. Có nhiều lần em giận, anh cũng không biết đến nữa đế em phải nhắc là em đã từng giận anh suốt buổi sáng. Nhưng bây giờ thì khác Phượng nhỉ vì tuổi khôn lớn đã làm cho con người cứng cỏi hơn, bớt vẻ thùy mị đi. Chắc đã nhiều lần em đã tự hẹn với mình là quyết không để anh bắt nạt như lúc còn bé nữa, tuy rằng từ cái thuở em còn thơ ngây mặc áo đỏ, đeo kiềng vàng và anh súng sính trong chiếc áo gấm lam, chúng ta bắt đầu làm quen với nhau trên thềm nhà xác pháo đỏ một ngày đầu năm, không biết đến các cụ trong nhà nhìn ra hai đứa trẻ để bàn tán, để so đôi tuổi. Từ cái ngày ấy đến nay anh chưa từng bắt nạt em bao giờ, vì bao giờ anh cũng chịu thua trước những giọt nước mắt đầy vơi của cô em bé nhỏ, trước những cái nhìn phụng phịu oán trách. Tạo hoá hình như có sinh ra những con người để chịu thiệt, để bị những hình ảnh mỏng manh ngây thơ khác chế ngự trên tâm hồn.

      Những điều xa xưa quá anh không muốn nhắc đến nữa tuy rằng những kỷ niệm êm đềm vẫn trào theo ngòi bút mỗi khi anh viết cho em. Anh phải can đảm chịu lấy những phũ phàng của thực tại cũng như anh phải nhận chân rằng chúng ta không còn bao giờ có dịp ngồi trên thềm nhà cũ đỏ hoe xác pháo để chỉ biết có thế giới riêng của chúng ta, mặc những lời bàn tán, hứa hẹn của thầy mẹ. Những gian nhà cũ đã cháy rồi, cháy dở dang và trơ lạl vài chiếc cột như cuộc đời lỡ dở của anh và thềm nhà cũ cũng xám đen màu tang tóc để lại cho anh những kỷ niệm đau thương về những giây phút cuối cùng của người cha quá cố. Loạn ly đã đem tang tóc lại cho biết bao nhiêu gia đình, đem chia ly cho bao đôi lứa.

      Anh vẫn không quên lúc cùng Bác thu vén lại một ít đồ đạc còn sót lại để ra tỉnh. Từ ngày ấy anh đã không còn nghe được tiếng thở dài của người cha đã bạc nửa đầu hay giọng khàn khàn ngâm những bài thơ cổ chứa đựng u hoài vang ba căn nhà tranh trống lạnh.

      Anh và Bác lên tỉnh để gặp lại em sau mấy năm xa cách. Không khí thị thành đã đưa lại cho em những nét sang trọng, yêu kiều. Còn anh, những cơn gia biến đã làm anh thêm khắc khổ, trầm lặng.

      Anh cảm thấy thua em từ dạo ấy! Thua em không phải vì hiện nay hai gia cảnh quá chênh lệch nhưng vì chúng ta đang rẽ sang hai ngả cuộc đời. Tuy em lại thăm anh và Bác luôn luôn nhưng anh nói với em cũng dè dặt hơn, không còn dám coi em như em gái bé nhỏ ngày xưa, và Bác cũng không còn dám ôm đầu em vào lòng để hỏi đùa rằng cô cháu yêu bao giờ cho Bác uống rượu mừng.

      Em Phượng, nếu giờ đây em có đang giận anh thì anh cũng đành chịu vì anh không còn quyền lực gì để bắt em phải nghe theo lời anh. Nhưng chắc em cũng còn để cho anh viết cho em để kể cho em nghe đôi câu chuyện vui buồn của những phi công như các anh mà nơi trú ngụ ở khắp bốn phương trời, tương lai cũng mơ hồ như sương đêm và lênh đênh trên đám mây trắng là hình ảnh cuộc đời.

      Sau tám tháng trời vất vả anh đã bắt đầu sang giai đoạn bay đêm. Anh đã bắt đầu thấy có niềm tin vững chãi của những kẻ biết mình sẽ thành công. Những ngày đẹp trời bay lượn, cần lái thấy nhẹ nhàng trong tay, tiếng động cơ thấy hoà đều trong hơi thở. Anh đã sung sướng hát bài ca vũ trụ lòng nhẹ như mây hồng trôi. Em có cùng ở đây lúc này chắc cũng lây niềm hân hoan, nhoẻn miệng cười mà tan hết giận hờn.

      Anh đã bắt đầu bay đêm nghĩa là đang trải qua chặng đường chót ở đây. May mắn thì một tháng nữa anh có thể rời khỏi xứ này, rời những cái oi ả để về gần quê hương hơn chút nữa. Anh sẽ thấy đỡ nhớ quê hương hơn, tuy rằng xa cách trọn nửa trái cầu thì gần hơn vài ba ngàn cây số cũng chỉ thế mà thôi.

      Trời đêm Bắc Phi rất dễ chịu. Trái với cái nóng nung nấu ban ngày, khi hoàng hôn vừa tắt, những cơn gió mát từ Đại Tây Dương tràn vào lục địa đem những mát lạnh bao trùm lên cả một vùng sa mạc.

      Những người phi công bay đêm đã ngồi cả ngoài hàng hiên để chờ xe ca đến đón. Phương tây còn ửng một màu hồng. Mấy cây gồi in thành những vệt đen đậm trên nền trời. Vài cơn gió hiu hiu thổi nhẹ. Thế rồi chiếc xe ca chạy đến, tiếng phanh kêu rầm rĩ. Cánh cửa đóng lại và chiếc xe ca lưót đi giữa hai rặng gồi. Một vài người lấy thuốc ra hút, trầm ngâm. Tâm sự chung của tất cả mọi người là cùng nghĩ rằng chẳng mấy ngày nữa sẽ mãn khoá, sẽ xong được một giai đoạn trong cuộc đời phi công Ai nấy đều nghĩ đến ngày về gặp gia đình vì hầu hết đều là sinh viên ở Pháp sang Bắc Phi để học lái trong giai đoạn đầu. Anh thèm được như họ vì viễn tượng còn phải sang Pháp học thêm hai năm nữa về lý thuyết rồi mới được hồi hương, làm anh ngại ngùng quá.

      Chiếc xe ca đã dừng lại trước phòng tác chiến phi đội. Mọi người lục tục kéo xuống. Từ một tuần lễ nay ngày nào cũng có cảnh tượng này. Ngày nào cũng có những buổi chiều đợi xe, ngắm cảnh hoàng hôn đổ xuống, có những phút trầm ngâm hút thuốc lá trong chiếc xe đang lưót đi giữa những hàng gồi để mơ màng đến ngày mãn khoá và những phút tỉnh mộng trở về thực tại khi chiếc xe dừng bánh trước cửa phi đoàn.

      Nhưng lần bay đêm anh nhớ nhất có lẽ là lần bay đi Safi, một hải cảng ở trên bờ Đại Tây Dương vì anh đã bay đúng vào một đêm trăng rằm.

      Anh ký vào sổ bay ở phòng tác chiến, ghi số máy bay trên một tấm bảng con buộc vào đùi và vác chiếc dù nặng gần chín kí lô trên vai phải. Dưới tay trái cồng kềnh mũ bay, bản đồ, đèn bấm và cả một chiếc bánh mì kẹp chả. Ngoài sân bay người cơ khí viên đã đứng đợi sẵn. Trăng rằm vừa làm sáng khuôn mặt người cơ khí già nua.

      Anh trèo vào ghế lái. Người cơ khí còn đứng ở ngoài buộc hộ anh chiếc dù, đội cho anh chiếc mũ bay. Anh kéo cánh cửa phòng lái và mỉm cười giơ tay tạm biệt. Dưới ánh trăng xanh người cơ khí đưa tay ra hiệu.

      Anh đáp lại và mở máy. Một luồng lửa xanh phát ra từ ống thoát và động cơ bắt đầu nổ. Cánh quạt quay đều. Một luồng gió mát qua khe cửa tràn vào phòng lái. Anh bắt đầu cho phi cơ lăn từ từ. Đèn phi trường đã bắt đầu nhấp nháy, xanh vàng hỗn loạn. Nhiều tiếng gọi đưa lại trong mũ nghe. Anh dừng phi cơ ở đầu sân để xin phép. Từ đài kiểm soát tiếng trả lời đưa lại, đầm ấm:

      Alpha November sân hai mươi tám, theo hiệu đèn xanh.

      Nắng chiều đã tắt hẳn, ánh đêm đã dâng lên. Dưới trăng dãi mờ mờ, ánh đèn phi trường huyền ảo. Anh nhìn về phía chiếc xe vô tuyến cuối sân, đợi một ánh đèn xanh. Trong sương đêm mờ mờ một ánh đèn xanh chớp chớp gọi. Anh cho phi cơ từ từ ra sân. Hai hàng đèn chạy thẳng tắp. Địa bàn chỉ hai trăm tám mươi độ. Xa xôi là gió Đại Tây Dương đưa lại. Thêm một ánh đèn xanh chớp trong đêm. Anh nhìn một lần chót trong phòng lái. Mấy kim lân tinh chập chờn. Một đám mây đen lướt qưa làm ánh trăng rằm mờ lại. Anh ấn tay ga.

      Thêm một lần nữa cánh gió quay tít lôi chiếc phi cơ chạy miết vào trong đêm, thêm một lần nữa thân người phi công được giao cho nhịp máy. Chiếc phi cơ nhẹ nhàng cất cánh. Bóng trăng xuyên qua kẽ mây in hình phi cơ lên nền xi măng đang chạy miết.

      Anh đã lên tới tám ngàn bộ và bình phi. Ánh đèn phi trưòng chỉ còn nhỏ bé dưới chân mây như trên một phố vắng. Động cơ quay đều đều. Những kim dạ quang chập chờn trong bóng đêm. Một lần nữa anh nhìn vào địa bàn đề kiểm soát đường đi. Trong những chuyến bay đêm thì người phi công chỉ còn biết tin vào chiếc kim nhỏ bé. Trên trời có muôn vàn vì sao, biết vì sao nào dẫn lộ trong đêm sáng trăng mờ này? Bầu trời trong suốt như pha lê. Vài màn sương mỏng lưọn lờ trên thôn xóm. Thấp thoáng còn vài ánh đèn. Mỗi ánh đèn nhỏ bé loãng trong không gian mơ hồ biểu hiệu cho cả một gia đình. Trong đánh đèn le lói kia anh nhìn thấy cả một người cha đang ngồi đọc sách bên khung cửa, một người mẹ đang tính đến những dự định ngày mai và vài đứa nhỏ đang say sưa giấc ngủ. Có những ánh đèn từ những mái nhà khác vắng bóng người cha. Bà mẹ goá ngồi rầu rĩ bên thềm nhìn vao đêm tối như để tìm lấy một chút ánh sáng cho tương lai. Và còn nhiều ánh đèn khác. Trên quảng đường bay này phi cơ đã lướt trên ngàn vạn gia đình. Người phi công theo dòng đời trên mây đường trường ngang dọc có bao giờ nghĩ đến dừng ở một gia đình nào đâu?

      Có cái gì vui trong một chuyến bay đêm cũng chỉ là ánh trăng rằm làm bạn soi đường và có gì buồn man mác cũng chỉ là ánh trăng đã làm loãng thinh không làm những vì sao lặn. Bầu trời trong sáng quá nên chỉ còn vài vì sao sót lại, lạc lõng trong ánh trăng mờ. Giờ đây anh có muốn tìm lấy một vì sao để định hướng cũng đành chịu. Kim tinh đã lặn từ lúc trăng lên và vệt sông Ngân Hà cũng biến mất thì anh làm thế nào để tìm ra Chức Nữ. Có chăng chỉ còn Ngưu Lang buồn bã trong đêm dài.

      Đọc đến đây chắc em sẽ mỉm một nụ cười cho anh khéo mượn chuyện Ngưu Lang Chức Nữ để làm lành. Riêng anh, anh còn thấy hạnh phúc hơn Ngưu Lang nhiều vì một năm chàng mới gặp giai nhân một lần còn anh thì đâu mới vắng tình em chừng sáu tháng. Vậy em có giận hờn thêm chừng ấy tháng ngày nữa thì anh mới thấy mình khổ như Ngưu Lang thôi nghĩa là anh vẫn còn hy vọng có một ngày tái ngộ. Trên mảnh địa cầu này còn thiếu gì đôi lứa suốt đời lận đận tìm nhau mòn mỏi theo tám hướng trời mà xa xôi chẳng có dư âm vọng lại.

      Phượng ơi! Em có thấy không? Với một chân tình thì một chút hương vị mơ hồ cững là đủ. Phương trời xa em chỉ cần mỉm miệng cười tha thứ ở đây anh cũng cảm thấy. Một ánh trăng rằm mơ màng, một vì sao rơi lạc lõng cũng thừa đủ gây vui buồn cho người bay bốn hướng huống chi là cả một nụ cười rực rỡ, một ánh mắt huy hoàng.

      Anh vặn máy thu thanh để tìm đài Rabat. Một điệu nhạc xa vắng vọng lại trong mũ nghe. Vào giờ này tất cả mọi đài đều có nhạc liên tục. Chiếc kim quay tìm đài và cho anh biết phương vị Rabat. Safi cũng chỉ còn cách một thôi đường. Anh nhìn về phía trước để cố tìm thấy ánh đèn của ngọn hải đăng ngoài cửa biển.

      Trong đêm, ánh hải đăng cũng chỉ mờ mờ như một ánh sao nhỏ. Có khác chăng là ngọn hải đăng quay tròn để lóe ra những tia chớp. Safi! Có ánh đèn hừng lên trước mặt. Anh nhìn về phía Nam để tìm lấy ngọn hải đăng. Mấy ánh sao mờ mờ phía chân trời. Trong từng ấy ngôi sao chỉ có một ngôi sao chớp. Rồi anh cũng nhìn thấy hải đăng. Trong một khoảnh khắc một nỗi vui nho nhỏ lòe lên như người thủy thủ lênh đênh trên trùng dương vừa nhìn thấy bến.

      Nếu có gì khác giữa một thủy thủ và một phi công khi nhìn thấy bến hiện ra ở chân trời là người thủy thủ vui vì hội ngộ và người phi công vui vì trở về niềm sống. Hai cái vui phản ảnh hai cuộc đời. Mỗi lần con tàu quay mũi ra khơi là một lần đi tìm chân trời mới, mỗi lần phi cơ cất cánh là lòng người phải tự hỏi rằng biết có bình yên để tới vạn kinh thành. Ánh hải đăng lòe lên ba lần rồi tắt ngấm. Anh nhìn trong ánh đêm chờ đợi miệng thầm đếm:

      Một, hai...

      Con người lúc ấy thành kính để tụng niệm, một bản kinh riêng của những người bay cuối chân trời.

      Mười lăm, mười sáu, mười bảy...

      Nếu anh đi đúng đường thì đúng ba mươi giây sau ngọn hải đăng phải lòe lên một lần nữa. Anh vừa đếm đến lần thứ ba mươi thì ánh đèn lại loé. Một lần, hai lần, ba lần. Ba cái chấm. Trong bản Morse có nghĩa là chữ S. Trên bản đồ hải đăng nơi đó có đề chữ Safi. Mũi tàu hơi nghiêng để hướng đích. Anh cho thêm một chút ga. Máy bay vẫn lướt đi trong đêm dài. Lúc bây giờ anh mới chợt nhận trong mũ nghe sóng nhạc ở Rabat vẫn dịu dàng. Một giọng hát tha thiết và trầm buồn đang ca bài Hội Mùa Hoa. Tiếng hát nghe xa vắng lạ:

      "Với những ngườỉ buồn cô quạnh
      Vui đi hội mùa hoa
      Tiếng sênh ca
      Tan mối sầu vô tận..."

      Anh khe khẻ hát theo, như muốn để tan mối sầu vô tận...

      Ánh trăng rằm đang dãi trên mỏm đất Safi khi anh lượn tròn trên hải đăng. Những tia đèn giờ đây quay tròn như nan hoa bánh xe khổng lồ. Ngoài khơi vài ánh đèn thấp thoáng. Có lẽ là những con tàu đang rẽ sóng. Ánh trăng dãi trên boong hẳn là đẹp. Trên những tấm ghế vải có những mái đầu đang sát vào nhau để ngắm trăng xanh.

      Ở trên cao này, trên cả những đám mây bông trắng dù cho một đêm trăng rằm chăng nữa có bao giờ người phi công được phép nghĩ đến một hình ảnh nào khác ngoài mấy chiếc kim chỉ hướng đi đâu. Ngay cả những sóng nhạc, những giọng ca ấm áp ca tụng Hội Mùa Hoa cũng chỉ là để giúp cho người phi công nhìn theo chiếc kim chỉ đài để định hướng chứ không phải để làm tan mối sầu vô tận, vì sầu cô quạnh thì hẳn là mênh mông rồi. Anh đã vặn tắt sóng nhạc từ lâu. Trên đường về anh không cần đến đài Rabat để dẫn hướng. Giờ đây không còn là ánh hải đăng bên bờ đại dương làm con người bay chú mục nữa, nhưng là ánh đèn phi trường chạy dài nhỏ bé đằng xa trông như ánh điện buồn trên phố vắng.

      Anh đã cất cánh lúc trăng rằm vừa mọc làm mờ ánh sao hôm. Phi cơ sẽ trở về phi trường khi trăng còn đương chếch trên đỉnh đầu. Tuy em không ở gần anh nhưng anh tin rằng em đã cùng anh bay trong ánh trăng rằm đêm nay dưới trời Bắc Phi. Còn thấy giận anh nữa không, em Phượng?

      Trăng đêm nay cũng đẹp như trăng dãi trên thôn xóm làng xưa. Anh hy vọng rằng tình chúng ta cũng sẽ bền như trăng rằm muôn thuở và giờ này em của anh chắc đang ngủ say, trên đôi môi cũng đã tan hết giận hờn.


      (còn tiếp)

      Comment


      • #4
        4

        Gió Hải Hồ


        ... Mang thân làm cánh chim,
        ai ra đi cũng hẹn có ngày trở về tổ ấm...


        Phượng,

        Anh đã tới Marseille từ chiều hôm qua sau suốt một ngày và một đêm lênh đênh trên mặt sóng. Nhận được thư em đúng dịp đang thi mãn khoá nên đến nay anh mới viết được cho em. Nghĩ thật trẻ con, cái chuyện chúng ta giận nhau em nhỉ. Tự nhiên vắng thư em sáu bảy tháng trời, nếu anh không viết trước cho em chắc em còn giận anh lâu nữa. Làm anh bao giờ cũng phải chịu thua mà. Anh đã chả từng nói với em rằng có những con người sinh ra chỉ để chịu thiệt. Hạnh phúc của em được toàn vẹn là anh mãn nguyện rồi.

        Em nói anh đã có mấy bông hồng xinh đẹp ở Nice tha hồ mà ca khúc hát du dương. Biết bao giờ em của anh mới thôi tàn ác! Trên đường đời em đi tung tăng, ngây thơ trong ánh sương mai có bao giờ em nghĩ rằng một lời nói, một cử chỉ vô tình của em có thể làm cho người khác đau khổ. Em nhắc làm chi đến những bông hồng gai góc của người. Nếu một ngay kia anh có phải ngơ ngẩn vì hương sắc của một bông hoa quý có lẽ sẽ chỉ là một bông hoa lan mộc mạc ở núi rừng quê hương mà thôi. Giữa những đoá hồng nhung tươi thắm và những bông lan cao quý có nhiều cái khác nhau lắm em ạ. Dù cho hồng gai góc đến đâu người ta vẫn còn đưa tay ngắt để có thể ngắm nghía mấy cánh nhung mịn. Trước một bông lan quý thì ai cũng chỉ ngây ngất mà nhìn. Em Phượng! Anh có thể nhắc một cách dễ dàng đến những bông hồng nhung nhưng chắc suốt đời không bao giờ anh dám chạm đến bông lan đã làm cho anh nhiều lúc nhớ nhung bâng khuâng ở cuối chân trời này. Cùng với thư của em, anh nhận được thư Bác. Anh cảm ơn em về những dịp xuống Hải Phòng em đã lại thăm Bác. Bác thường nói những lúc anh vắng nhà, giá có em ở bên...

        Nhưng thôi đó chỉ là những điều mơ ước. Nhiều khi tai biến dồn dập nhiều quá đã làm ngưòi ta sinh ra có những ước vọng viễn vông. Anh nghĩ rằng với mẹ anh, thỉnh thoảng được gặp em để người nghĩ rằng cái thời đẹp đẽ ngày xưa hai nhà ở sát vách nhau đế em chui dậu chạy sang bên anh vẫn còn, như thế là quá đủ rồi. Em có thể tàn ác với anh nhưng anh tin rằng đối với Bác em vẫn làm cho Bác giữ được những nét ngoan ngoãn yêu kiều của cháu gái Bác ngày xưa.

        Thấy em báo tin đã trúng tuyển Tú Tài phần I anh mừng khôn xiết. Còn quà thưởng thì em cho anh xin khất vì anh muốn viết thư mừng em trước đã. Anh còn vui hơn thế nữa khi thấy em nói cái "anh chàng" hay đứng rụt rè trước cửa nhà em để được nhìn em đi học mỗi buổi sáng đã giúp cho em phần nào trong việc luyện thi. Anh không ngờ chàng lại là anh Hiền con Bác Thái. Sao em không nói rõ Hiền bắt đầu quen em thực sự từ bao giờ và trong trường hợp nào Hiền bắt đầu đến dạy em học. Để chìu theo ý em anh cũng kể cho em nghe thêm về Hiền, tuy anh muốn em cứ quen Hiền đi rồi lo gì không hiểu thêm về nhau.

        Đúng như em nói, Hiền học cùng với anh lúc thi Tú Tài nhưng sau này anh ấy học Y Khoa vì chắc cũng muốn trở thành đốc tờ như bác Thái. Tính Hiền rất ít nói, ưa nhường nhịn bạn bè nên trong lớp anh ai cũng mến. Nếu Hiền quen em vì đã tới nói chuyện với em trước thì đó là một điều làm anh ngạc nhiên hay ít ra cũng phải do một mãnh lực nào thúc đẩy chứ anh Hiền mà anh quen từ bốn, năm năm nay chỉ là một sinh viên rụt rè, có ngẩn ngơ vì một hình bóng yêu kiều nào chắc cũng chỉ dám âm thầm mơ tưởng chứ anh không tin rằng Hiền có đủ can đảm để thố lộ nỗi lòng cùng một thiếu nữ tinh nghịch như em.

        Còn như em hỏi anh có chơi thân với Hiền hay không và có bằng lòng để cho Hiền dạy em học thay cho anh khi vắng nhà thì anh cũng thấy khó nói. Em còn lạ gì cái tính lông bông của anh, bạn bè ai mà chịu được, nhất là với người đứng đắn như anh Hiền. Nhiều lần anh ấy trách anh rằng đã chơi nhiều hơn là học và anh nhớ đã có một lần gần đến ngày thi Hiền bảo anh:

        Tôi nhận thấy anh là người thông minh và tài hoa. Nhưng ít khi thấy anh để ý đến bài vở. Tôi nghĩ rằng chỉ có những người làm việc có tổ chức và chăm chỉ mới có thể thành công được, sao anh không cố gắng thêm một chút nữa...

        Anh đã cười nhìn thẳng thắn vào Hiền làm anh ấy phát ngượng mắt chớp chớp mau sau lần kính trắng. Sau đó chúng anh ít khi nói chuyện với nhau, nhưng có một điều đáng nói là anh có chăm chỉ hơn trước một chút. Đến kỳ thi anh đỗ cao hơn Hiền, có lẽ nhờ ở cái tài hoa vặt của anh, nhờ ở tài biện bác khéo léo khi anh vào vấn đáp. Nhưng thành thực mà nói anh phải thấy anh Hiền có lý. Chỉ có những người làm việc chăm chỉ có tổ chức mới thành công được trên đường đời. Người bạn hiền lành của anh năm xưa nay đã gần trở thành một bác sỹ. Còn con người lông bông như anh thì nay đang lênh đênh trôi dạt chưa biết sẽ tới bến bờ nào. Có nhiều đêm thao thức trên những gác trọ xa lạ ở rải rác bốn phương trời anh đã buồn nhiều khi nghĩ rằng mình đã làm bao người thân tình thất vọng. Sau này anh có xây dựng được sự nghiệp gì chăng nữa chắc cũng không bù lại được những giòng lệ vơi đầy, mái tóc sớm pha sương của hiền mẫu.

        Phượng ơi! Không hiểu sao giờ đây nhiều khi anh thấy băn khoăn và nghĩ rằng mình đã lầm khi chọn lấy nghề nghiệp. Tại sao anh không trở thành một bác sỹ y khoa để nay có thể vui vẻ ngày ngày lại kèm em học, để có thể tiếp tục bắt nạt em, dọa cho em khóc. Có lẽ vì anh tự nghĩ mình không sáng dạ cho nên đã bỏ dở sách đèn. Hay anh đã trở nên bi quan sau những cơn gia biến và nghĩ rằng ở nhà khó lòng đủ tiền cho anh theo học đến cùng. Tất cả những điều đó anh không làm sao tìm thấy câu trả lời được. Chỉ biết rằng anh không ngần ngại lao mình vào cuộc đời phi công và giờ đây anh vui với số phận. Chí làm trai anh đã được toại nguyện. Chỉ đôi khi gặp những thắc mắc của lòng anh mới thấy bâng khuâng không duyên cớ.

        Thôi cắt dứt chuyện tình cảm Phượng nhỉ. Anh vui mà thấy một thanh niên đầy triển vọng như Hiền, thay anh để kèm em học. Anh tin rằng Hiền sẽ xứng đáng hơn nữa vì chắc chàng sẽ chìu em hơn anh nhiều.

        Bến tàu Marseille hôm nay cũng đông một cách hỗn loạn như thường nhật. Anh nhìn ra bến, nhìn ra khơi, theo những làn khói lam của những thương thuyền, theo những con hải âu đùa với những cánh buồm trắng. Có cái gì xa vời, lênh đênh có lẽ là cửa bể một chiều. Những con thuyền không biết đang quay mũi ra đi hay tìm về bến cũ nhưng giống nhau ở chỗ cùng bập bềnh sóng nước, và khác nhau ở chỗ xuôi ngược bến bờ. Tại sao anh không phải là thủy thủ Phượng nhỉ? Có lẽ tại anh thích say sóng nhạc ở không trung hơn là bập bềnh trên mặt biển bao la, hay có lẽ tại anh ham những chuyến đi, say với gió hải hồ nhưng lòng bao giờ cũng luyến tiếc một mái nhà ấm, cũng ước ao có một gia đình. Đời thủy thủ lênh đênh quá, trôi khắp bến trời. Còn các anh có bao giờ rời mặt đất quá nữa ngày đâu.

        Cách đây hai hôm, khi còn lênh đênh trên mặt sóng Địa Trung Hải anh đã suy nghĩ nhiều về những điều ấy. Đã nặng kiếp giang hồ thì đi gần hay xa cũng là đi. Còn lênh đênh trên sóng nước hay trôi dạt theo mây trời đâu có nghĩa gì. Những con người nặng nghiệp bay hình như có lý lẽ riêng của họ. Anh nói chữ hình như vì anh cũng thắc mắc với chính anh nữa. Hay là tại người phi công bị lưu luyến với hình ảnh gia đình trong khi tâm hồn họ đang khao khát với gió lộng của bốn phương. Chính vì thế mà cánh chim không bao giờ bay xa cả.

        Cùng với nắng dương các anh ra đi và cừng với sương đêm các anh tìm về tổ ấm. Đời người phi công bị buộc chặt với đất liền quá. Đã từng lạc trong mây trời cuồn cuộn, đã từng nghiêng ngửa với mưa bão trên không trung mới thấy thấm thía nỗi vui mừng của những cánh chim khi nhìn thấy tổ.

        Anh còn nhớ những hôm trời tự nhiên nổi gió. Trời trong xanh mọi ngày tự nhiên biến mất. Từng lớp mây vẩn đục hiện lên. Lòng người cũng thấy giông tố phũ phàng. Đặt trước thiên nhiên phi công chỉ chọn đựợc một con đường tin ở đôi cánh của mình, tin ở những điều tâm niệm. Đã nhiều lần trong những lúc chuyện trò họ được nghe những người đi trước kể chuyện. Đã bao nhiêu lần trong phòng hẹp một ngày giông tố phũ phàng họ ngồi chung quanh lò than hồng để ôn chuyện cũ. Hôm nay trời mưa gió, có một đàn chim tránh bảo, không rời tổ. Nhưng có những cánh chim đang bị dạt theo bốn phương trời. Có giọng một phi công già kể. Già đây có nghĩa là vì anh đã bay hàng ngàn giờ; trên gương mặt rắn rỏi có gì phong trần cũng chỉ là gió sương mây trời để lại. Nếu thực già vì tuổi thì người phi công đã giải nghệ từ lâu. Bầy chim non mới lên, lớn nhanh như thổi. Tranh giành với bọn chúng làm chi! Mây gió đường xa chỉ quen thổi lộng những mái đầu xanh đầy nhựa sống. Người phi công già trước tuối ấy kể lại cho những kẻ đi sau ít kinh nghiệm về bão táp. Bão táp bao giờ cũng ở giữa đoạn đường vì cánh chim ra đi bao giờ giời cũng nắng đẹp. Và tất cả mọi nggười đều chăm chú nghe con người kể chuyện một cách bình thản. Mưa gió đường xa như thế đấy. Sau khi hạ cánh bình yên thì con người vừa phiêu lưu cũng chỉ còn biết thở dài một cái nhẹ và chờ đợi một cơn giông bão khác. Bữa cơm tối cũng chả cần điểm thêm một chút rượu vang cho tâm hồn say men, người phi công cũng sẽ ngủ ngon. Mệt nhọc ban ngày cũng thừa sức giúp anh say giấc nồng. Sau cơn bão, trời bình minh bao giờ cũng đẹp. Cùng với rạng đông, con tầu lại quay máy, cánh gió reo vui. Tiếng phi trường gọi. Từng đoàn phi cơ lăn trên sân nhựa làm tóe từng vũng nước mưa đọng lại hôm trước. Con người chỉ còn nghe thấy những tiếng chim gọi đàn:

        Alpha November. Tôi cất cánh phi đạo hai mươi tám.

        Tiếng gió reo, ánh nắng ban mai làm tan hết vui buồn. Không khí trong lành quá và bầu trời xanh lam biến mất hết những mây trời cuồn cuộn. Đường xa lại chạy dài và cánh gió lại lướt mây trời. Có ai nghĩ rằng trôi lênh đênh trên những đám mây trắng là buồn. Cứ như thế cho đến một ngày đang bay, trời vẩn đục. Mây thành lại cuồn cuộn nổi và người cầm tay lái lại cắn chặt môi để giử cho tàu không lắc. Mưa như xối sả vào tấm kính trước mặt nhỏ giọt vào đùi, ướt đẫm cả lần lót đôi ủng bay. Bão táp trôi qua, người phi công lại thở dài khoan khoái khi bước xuống sân. Buổi tối hôm ấy cũng chả cần phải ly rượu vang thường lệ để say giấc nồng. Và cũng chả ai nhắc tới những đám mây thành nữa.

        Trừ khi... phải, trừ khi có một ngày giông bão lớn, những cánh chim giang hồ nằm lại tổ ấm, ngồi quanh ánh lữa hồng. Rồi người phi công già kể lại chuyện. Kể một cách không hảnh diện vì giông tố thường quá rồi. Đàn chim non chăm chú nghe để đợi một ngày kia đến lưọt mình sẽ qua giông bão.

        Em Phượng! Giông tố bao giờ cũng đến giữa cuộc đời. Mang thân làm cánh chim, ai ra đi cũng hẹn có ngày trở về tổ ấm. Thân phi công có bao giờ dám lỡ một cung đường!

        Anh ngồi trên bến tàu gió lộng ra khơi mà nghĩ đến đoạn đường dài, đến những lời hứa hẹn. Tuy anh chưa từng hẹn nhưng bay muôn phương bao giờ anh cũng nguyện có một ngày về. Vào thời xưa xa xôi anh đã từng làm em hờn giận vì phạt em không thuộc bài. Anh không bao giờ nặng lời trách và cũng không cho em ít điểm. Anh chỉ nhìn em thầm bảo, sao em không chăm học để anh có thể dạy em mãi mãi cho đến ngay chúng ta cùng bạc mái đầu. Mắt em buồn có ngấn lệ và anh cũng thấy lòng không vui. Cơn mây mờ trôi đi vì giông tố phũ phàng chỉ đến khi lỡ dở cuộc đời.

        Em Phượng! Anh không hẹn cùng em nhưng một ngày kia cánh chim bao giờ cũng quay về tổ cũ. Câu chuyện kèm em học nó cũng chỉ dở dang như một ngày mưa gió các anh ngừng bay. Tại sao em không có gần đây để cùng các anh ngồi quanh một lò than hồng. Sẽ có một ngưòì đã từng qua nhiều bão táp kể lại một câu chuyện xa xưa. Đàn chim non sát lại gần nhau chăm chú nghe. Một ngày kia sẽ đến lượt chúng mình, vì giông tố chỉ đến ở giữa chặng đường.

        Học ngoan đi em Phượng. Hẳn em cũng đồng ý với anh rằng chúng ta mới vừa đến ngưỡng cửa của cuộc đời. Anh hy vọng rằng mai sau nếu có giông tố anh đã trở về nhà để cùng qua với em.


        (còn tiếp)

        Comment


        • #5
          5

          Có một đàn chim


          ... có những sáng rực mây hồng,
          giai nhân còn nằm trong chăn ấm,
          có một đàn chim đã bất đầu cất cánh...



          Phượng,

          Thế là anh đã tựu trường và cuộc đời lông bông của anh tự nhiên lại khép vào khuôn khổ. Từ nay anh mới chính thức học để trở thành sĩ quan phi công. Thì ra phiền toái quá em nhỉ. Bay bổng như thế cũng chưa đủ. Người ta còn bắt anh học thêm phần lý thuyết, học làm sao để sử dụng động cơ cho quay tròn, nhạc gió hoà theo nhịp máy, học nhắm những vì sao trong vũ kính, học đi học đứng, học phép lịch sự để biết cười với thế nhân... Sao em lại mỉm cười khi những lời anh kể là đúng vói sự thật.

          Trong cái xã hội phồn hoa này, mang tấm thân đùa với nguy hiếm, bình thản cho cuộc đời trôi trong ghế lái rồi nói với thiên hạ tôi là một phi công không tên tuổi, tháng ngày trôi theo mây trời và... thế thôi, thì có bao giờ được ưa chuộng đâu. Cuộc đời phồn hoa là để dành cho những người biết nói, biết cười, chân biết đi theo điệu nhạc, người biết nghiêng một cách khả ái trước nụ cười cao kỳ của một giai nhân. Trong cái con người mài trong phong sương của các anh còn thiếu một con người hào hoa của thế hệ biết đọc những vần thơ bóng bẩy, biết phê bình một vở kịch thời đại, biết nói những câu hoa mỹ. Âm thanh của không trung khô khan lắm em ạ. Em thử nghe:

          Alpha November. Gọi lại vòng chót. Gió trong trục tám gút.

          Nghe mới cộc cằn làm sao tuy rằng đối với các anh đó là những lời vàng ngọc. Có bao giờ người phi công chiến thắng trong cuộc đời tình cảm đâu. Tâm trí họ đã nằm trong nghề nghiệp. Có những buổi tiệc trà huy hoàng, xiêm nghê lộng lẫy người ta vô tình mời con người mây gió đến dự. Có người đẹp đứng bên thềm chờ tân khách, yêu kiều trong nhung lụa. Có những chàng trai lịch sự trong những bộ y phục dạ hội. Và người ta giới thiệu nhau:

          Thưa, đây là Bác sĩ...

          Rồi có người da đen sạm vì gió sương, ngượng ngập bước lên thềm: Thưa tôi là... Biết nói chi khi không danh từ quý phái. Đôi mắt nhìn nhau là đủ. Ánh tinh cầu của những chuyến bay đêm không trong được bằng ly rượu pha lê. Và chàng trai nhớ mãi ánh mắt giai nhân, không hiểu là mến thương hay ái ngại. A ha! Ai có dám tự hào vỗ ngực nói tôi là gió sông hồ kết hợp vì trong những đêm liên hoan này có còn ai nghĩ đến những người bay bốn hướng.

          Có những người khi gây sự nghiệp, chọn lấy hướng đời đã trót quên thân mình. Họ đi theo chí làm trai theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước. Những ngày đại hội, nhạc khải hoàn vang dậy đế đô, giai nhân ngẩng mặt lên trời nhìn đàn chim sắt ào ạt bay qua. Nàng nghĩ thầm trên đó có chàng nhưng rồi lại quên ngay để ghé đầu nghe câu nói bay bướm của con người hào hoa bên cạnh. Trong khi ấy con người bay chăm chú nhìn bạn đồng hành để sắp hàng. Đàn chim vẫn lưót mây trời. Phi trường hiện dưới cánh. Phi tuần trưởng ra lệnh:

          Một, hai,... ba! Break!

          Một cánh chim chao mình. Cánh chim thứ hai nối theo rồi cánh chim thứ ba... Đàn chim nối nhau vẽ thành một vòng cung tuyệt mỹ trên nền trời xanh. Có những con người hào hoa nhìn theo và cảm thấy hãnh diện vì Tổ Quốc dù cho chính họ không ở trong cuộc. Đôi mắt phượng lại ngước lên và cặp môi xinh xinh thốt ra.

          Ồ! Họ làm hay quá anh nhỉ!

          Họ đây, có cả chàng, người đã từng ngượng nghịu không biết xưng nghề nghiệp ra sao khi lần đầu cùng nàng gặp gỡ.

          Bánh xe đã chạm sân xi măng và chàng quên cả ánh tinh cầu một đêm không trăng, quên cả ánh pha lê một đêm dạ hội. Đôi mắt sâu thẳm nửa mến thương, nửa ái ngại cũng buông tha chàng trai sương gió. Động cơ tắt, họ nhẩy xuống sân, chạy lại bên nhau để bình luận sôi nổi về kết quả bay hợp đoàn.

          Ôi, đờỉ phi công tươi đẹp. Mây đường trường trôi mải miết. Ánh tinh cầu ẩn hiện những đêm trăng mờ. Thoả chí làm trai và thoả tình đất nước. Có thiếu chăng là những câu nói hào hoa, một nụ cười khả ái, làn da trắng xanh thay vì đen sạm bởi gió sương mây trời.

          Biết bao giờ các anh mới có thể mỉm cười bình thản giới thiệu mình: Thưa tôi là... phi công của đất nước.

          Ngày ấy hẳn là những đôi mắt đẹp đã phai mờ vì khói loạn. Và lúc đó người ta mới chăm chú nhìn lên theo đàn chim lao đi về phía chiến trường.

          Các anh sẽ cười vang trong khói súng và quay tròn trong mây biếc. Ánh lửa lòe bên cánh phải rực rỡ hơn mầu hoa phượng và đồn địch nổ tung trời phải huy hoàng hơn vạn ánh nến liên hoan.

          Em Phượng! Bây giờ mưa gió thanh bình các anh còn một chút hào hoa cần phải học. Các anh cần tỏ ra rằng thiên nhiên đã huấn luyện cho những cánh chim biết thắng mọi trở ngại nhưng mây trắng đưòng xa cũng không quên tô điểm cho những con người bay mấy nét hào hoa.

          Anh đã tựu trường, tạm rời đàn chim ít lâu. Ở đây chỉ nặng về lý thuyết. Buồng anh thoáng gió, quay ra một ngọn đồi. Có một ánh đèn con trên bàn viết, có một chiếc giường nhỏ nệm trắng tinh và có một án thư đầy sách. Chỉ còn thiếu một cây đàn treo vách và một ảnh giai nhân trước mặt là anh đã trở nên một thư sinh trong truyện Liêu trai và đêm đêm đã có thể chong đèn ngồi đợi những bóng hồ ly.

          Em có biết giờ đây anh đang làm gì không? Anh đang ngồi lau một thanh gươm ngắn. Em đừng cười vội vì anh không đi vào chuyện tráng sĩ mài gươm dưới trăng đâu mà em sợ. Các anh kiêng uống rượu bồ đào, kiêng nâng ly ngọc dạ quang nhưng các anh phải học làm hiệp sĩ. Trong suốt một năm trời anh sẽ phải đeo thanh gươm mỗi khi đi ra ngoài phố để luôn luôn nhắc nhở cho mình bổn phận của người tráng sĩ không trung. Em có thể ngây thơ hỏi:

          Sao thanh gươm các anh lại ngắn? Em thích nó dài, anh đeo lê thê bên cạnh coi hùng hơn.

          Anh biết trả lời sao được vì có bao giờ anh hỏi vì sao em đẹp. Sao ánh mắt em trong như ánh pha lê để anh thấy nhớ nhung ở khắp bốn phương trời. Và sao tên em lại là Phượng?

          Thanh gươm của phi công như thế đấy em ạ, ngắn thôi, một cái ngắn vừa đủ, nhũn nhặn như tình của họ. Ánh gươm xanh, bao gươm vàng và lục không biết đấy có phải là những màu thanh lịch?

          Không hiểu ai là người đầu tiên đã gọi những phi công là những hiệp sĩ không trung. Có ở trong nghề mới hiểu được cuộc sống của họ. Có những đàn chim sáng sáng ra đi để bảo vệ màu cờ đất nước. Sứ mạng chính của những con người bay là bảo vệ, là can thiệp, như những chàng hiệp sĩ họ sẵn sàng lăn xả vào hiểm nguy, tay cầm ngang lưỡi gươm tráng sĩ.

          Có những sáng rực mây hồng, có những giai nhân nằm trong chăn ấm, làn tóc mây xoã trên gối mịn và làn mi cong còn ôm ấp mộng lành đêm qua, có một đàn chim đã bắt đầu cất cánh. Sương đêm còn đọng trên bãi cỏ. Tiếng động cơ đã xé tan bầu không khí trong lành buổi mai. Từng phi tuần nhẹ lướt trên mây trời. Chim đàn từng đôi một soãi cánh. Thân tàu màu xanh lục như bao gươm hiệp sĩ. Trong chiếc mũ nghe màu trắng những gương mặt tuấn tú hiện ra, tươi cười dưới ánh nắng ban mai vàng chói lọi. Cần lái nằm gọn trong tay. Qua lần găng da người phi công cảm thấy cò súng đang nằm im lìm ngoan ngoãn. Bốn nòng đại bác hai mươi ly nằm gọn trong cánh đang chờ nhả đạn lên địch quân.

          Giờ này đeo bên mình không còn là thanh gươm ngắn nữa mà là một khẩu súng tự vệ. Không hẳn là loại súng trận Colt 45 mà là loại súng riêng của Không Quân. Đối với môt phi công một khẩu súng P. 38 là quá đủ. Sáu viên đạn nhỏ síu nằm trong một ổ súng tròn. Báng súng hơi cong lộ ra bên cạnh sườn được lau chùi nâng niu luôn nên bóng loáng. Tuy vậy trong cuộc đời chinh chiến ít khi người phi công có dịp dùng thực sự khẩu súng con tự vệ này đến hơn một lần. Rơi vào tay địch khó lòng mà thoát khỏi.

          Giờ này có lẽ giai nhân vừa thức giấc. Nàng lơ đãng nghe máy thu thanh báo tin khí tượng. Trời đẹp, đồng quê bao la nắng đẹp hiền hoà. Phải, nhưng có bay trên mây trời mới nhìn thấy tất cả vê đẹp của núi sông. Ruộng xanh chạy dài dưới cánh. Sông nước Cửu Long từ nguồn xa thẳm đang đổ chan hoà ra đại dương. Có một con thuyền nhỏ bé đang ngược giòng. Và xa hơn nữa là núi đồi heo hút. Biên giới mập mờ hiện. Không có gì là rõ rệt cả. Chỉ biết sườn núi kia là nước người. Bên này có một túp nhà tranh nằm cô qưạnh lưng đèo. Hẳn là nhà của quê hương cũng như bao nhiêu nhà khác. Có những người sống trong lòng đô thị để làm tăng vẻ huy hoàng cho đất nước, tất nhiên cũng phải có những người sống nghèo nàn ở những miền sơn cước, âm thầm làm việc.

          Những người thôn dã này biết rằng có những trang phong lưu hào hoa ở đế đô. Nhưng ngược lại trong những đêm hoa lệ có ai mà cần nghĩ rằng ở lưng đèo, gần biên giới có một mái nhà tranh và một ngọn nến cháy leo lét. Có những người sống ở đây quanh năm và tự hào rằng đang sống trên một phần đất quê hương.

          Nếu ai cũng chỉ bám lấy những mảnh đất mầu mỡ, những đô thị tráng lệ thì nơi xa xôi này cũng chỉ là những rặng núi hoang vô nghĩa. Và ranh giới đất nước cũng chỉ còn được vẽ thực sự trên bản đồ mà thôi.

          Có tiếng trong mũ nghe vang gọi:

          Phụng hoàng Lam! Phụng hoàng Lam! Đây Lam Sơn. Cho biết vị trí. Thì ra dù bay trên những nơi gió ngàn heo hút những phi công vẫn còn giữ liên lạc với cuộc đời phồn hoa. Tấm bản đồ được giở ra, đặt trên đùi. Phi tuần trưởng khẽ nghiêng cánh nhìn. Kia là một đỉnh núi. Đây là một cái đèo và một giòng sông nhỏ chạy trong thung lũng. Ngón tay được lần trên bản đồ. Bàn tay được đặt trên những mảnh đất quê hương. Những cánh chim sẵn sàng lao đi để bảo vệ từng tấc đất của non sông. Những lúc này những phi công cảm thấy gần những người thôn dã hơn. Tiếng trả lời như bị nghẹn trong ống nói:

          Lam Sơn! Lam Sơn? Đây Phụng hoàng lam. Chúng tôi ở vị trí...

          Trong khi ấy vẫn có những ra đa quay tròn vẽ những vệt sáng ẩn hiện trên những màn thủy tinh màu xanh đục. Những cánh chim heo hút lao đi từng đàn. Còn gì sung sướng và hãnh diện hơn được là những con người thường trực tuần phòng để bảo vệ không phận đất nước khỏi bị xâm phạm. Có lẽ ở trên cao này người ta mới cảm thấy rõ ràng lòng yêu nước vì mới nhìn thấy hết vẻ đẹp của giang sơn. Chỉ ở sườn núi bên này người ta mới có quyền tự do cắm một tấc đất, dựng một túp lều tranh ở lưng đèo. Đêm đêm có một ngọn nến được tự do cháy leo lét và biết đâu mái nhà không chứa đựng cả một gia đình.

          Người chồng ngày ngày kiếm ít nấm hay măng tre để dành bán. Cô vợ trẻ nấu ấm nước để cho những người buôn bán liên lạc Thượng Kinh qua đó nghỉ chân.

          Và rất có thể có một đứa bé đang tập nói líu lo, lớn lên giữa núi rừng thiên nhiên. Quá sang bên kia một chút là đất nước người. Từ tiếng nói, y phục cho đến tập quán đều thay đổi. Và chỉ lấn sâu quá vào cánh rừng có một quảng đường người ta đã trở thành những người tha hương, ngày ngày ngóng về đất nước mà nhớ nhung.

          Không biết đã bao lần những phi công tuần phòng biên giới. Những mái nhà lẻ loi, xa chốn phồn hoa đối với họ trở nên quen thuộc, thân tình. Mỗi lần bay ngang đèo họ vui mừng khi nhìn thấy làn khói lam bốc lên nhè nhẹ. Như thế có nghĩa là mái nhà còn ấm cúng, gia đình còn yên vui. Cầu trời cho những mái tranh này và bao nhiêu mái tranh khác trên giải đất quê hương không bao giờ phải khói lạnh tro tàn.

          Em Phưọng! Đấy là tình những người hiệp sĩ không trung, có lẽ nó vẩn vơ như những làn khói lam, bát ngát như những chân trời heo hút. Chắc không đằm thắm duyên dáng bằng những mối tình trong những đêm liên hoan ánh nến ngà lung linh, men nồng trong như hổ phách và những đôi mắt lưu ly diễm ảo hơn ánh pha lê.

          Một ngày kia rất có thể anh đến bên em, tìm gặp lại nhau giữa một buổi tiệc huy hoàng. Em rực rỡ đứng trên thềm chờ tân khách đôi mắt ngây thơ vẫn đẹp như độ nào.

          Nếu anh còn cảm thấy là anh của em dù cho dĩ vãng đã tàn phai đi như xa muôn kiếp, anh sẽ nhìn em say đắm như thầm hẹn:

          Anh là gió sông hồ kết hợp và em vẫn là người em gái của ngày xưa. Anh đã xa em bởi lẽ tình trai còn nặng nhiều vì sông núi nhưng chắc em cũng hiểu cho anh rằng đấy là bổn phận. Giờ đây non nước thanh bình, dù cho thân phi công đã nhiều phen qua những thử thách của nắng mưa và khói đạn, anh mong rằng những nét thư sinh hào hoa vẫn còn lại để anh còn có thể đứng bên em nghe những điệu nhạc ân tình giữa đêm hoa đăng này.


          (còn tiếp)

          Comment


          • #6
            6

            Tuyết trắng


            ... Tuyết vẫn rơi, từng bông tuyết lả tả,
            triền miên như vô tận...



            Phượng,

            Trái với những lần trước, lần nay anh viết thư cho em ở một nơi xa tất cả thị thành. Cuộc sống của những người phi công như các anh đã là cả một cuộc hợp tấu trái ngược đến nặng nề... Hằng ngày định mệnh quẳng các anh lên không trung, lao vào một cuộc sống bềnh bồng, cô độc, để đợi lúc đèn đô thị vừa lấp lánh, ánh sao hôm chỉ đường cho toán người phiêu bạt tìm về tổ. Trên những chuyến xe từ phi trường trở về lữ quán các anh có cảm tưởng như một đoàn người man rợ lạc vào giữa một vùng bừng lên vạn ánh đèn nê ông xanh đỏ, ầm ĩ những tiếng động hỗn loạn, những điệu nhạc quay cuồng.

            Những thay đổi đột ngột tiếp diễn mau lẹ quá làm nhiều khi các anh muốn níu lấy giòng thời gian đang mau chạy. Đôi khi anh ước ao có được một phút trầm mặc để nghĩ đến những thân tình, để cho tư tưỏng vượt một chút qua những biên giới chật hẹp của cuộc sống quá tầm thường giữa đô thị. Những phút ấy chỉ đến với anh khi một ngày đã qua trọn vẹn, nằm dài trong phòng trọ, chiếc rèm cửa buông nặng nề che bớt hơi lạnh bên ngoài. Lúc đó người phi công quên hẳn mình đang nằm giữa lòng đô thị và cảm đâu rằng mình còn đang lạc lõng trong hư vô.

            Có khác chăng thì trên cao xa vời lạnh lẽo lắm và nơi đây tuy có than hồng sưỏi ấm nhưng lại thiếu một chút tình.

            Chính những lúc ấy mà các anh đã để cho hồn vợi cảm và em mới nhận được những bức thư tâm sự ngắn dài kể lại em nghe cuộc đời của những kẻ nặng nghiệp bay.

            Những bức thư gửi đến tay em từ tám hướng trời nhưng những bức thư đều viết giữa lòng đô thị, những đêm mà trong lòng người không biết đang mưa gió hay thanh thản, những đêm mà qua bức màn buông nặng trĩu anh không hiểu rằng ngoài trời đang dải trăng non hay phố đèn đang rực ánh nê ông hỗn loạn sắc màu.

            Vì vậy những bức thư trên gò bó, gượng gạo, tuy nói chuyện không trung mà hình như bị đóng khung trong bốn bức tường, tuy tả đến những tâm tưởng thanh thoát, mà lời nói, qua câu viết hình như bị ngưng đọng trên môi, tầm mắt nhìn không xa quá làn mi chật hẹp. Và thành ra qua những bức thư, em có cảm tưởng như anh của em đang đau khổ, đang bị tràn ngập bởi những ý nghĩ u buồn. Cái tâm trạng của con người là khó tả. Nếu ai cũng có thể bộc lộ một cách minh bạch tâm sự của mình thì trên đời đã không có những hằn thù, những tầm thường làm tê tái những kẻ có lòng, vì anh tin rằng ai định làm gì cũng làm với đầy thiện chí. Cũng như anh nếu có thể làm cho em hiểu rõ lòng anh thì em đã chả có những lần phải cau đôi hàng mi hờn giận, hay phụng phịu đế bắt đền. Và làm anh thêm một lần đau khổ, cái đau khổ bừa bãi của một con người nghèo hết tất cả nếu em muốn kể cả những mối tình.

            Khác với những lần trước, lần này anh viết thư cho em không phải là giữa lòng đô thị mà ở một nơi hẻo lánh có thể gọi là thâm sơn cùng cốc. Anh đang ở Château d'Ancelles.

            Nếu em có giỏi địa lý, nếu em có đi khắp cả sông hồ chắc em cũng không có thể biết được Ancelles nằm ở chỗ nào. Như thế có nghĩa là nó nhỏ lắm, nhỏ đến nỗi trên tấm bản đồ phi hành của anh cũng không thấy chua tên.

            Vậy thì anh có thể bắt chước như Alphonse Daudet mà tả cái lúc anh đến Château d'Ancelles và làm chủ một căn nhà hay một cái cối xay nào đó... của anh. Nhưng anh của em nghèo lắm, có gì đâu mà có thể chiếm một sở hữu, và anh cũng nhắc lại cùng em, người ta có đến vạn mối tình mà anh thì riêng mình không có. Nếu anh có đặt chân đến Ancelles thì cũng là trọ nhờ thêm một quán lạnh. Tả cho em thêm một cung đường làm gì! Nói lên một cách say đắm như của riêng mình có, rồi lại tung hê trả cho tám hướng trời thì cũng khổ tâm cho nhau biết là chừng nào.

            Anh chỉ có thể tóm tắt là Ancelles xa tất cả thị thành. Đây là một miền hẻo lánh nằm trong dẫy núi Alpes, suốt một mùa đông tuyết trắng như lòng người trinh nữ. Anh mới từ Marseille lên đây hôm qua, xuống xe lửa ở Gap, một thành phố sát chân núi.

            Đợi đến chiều mới có một chuyến xe ca lên Ancelles, ở cách đó hai mươi cây số. Trên chuyến xe chỉ có anh và mấy người đàn bà. Họ xuống Gap để mua vài cặp thỏ và mấy chai rượu mùi. Thấy chiếc áo cổ lông của anh họ nhìn nhau như thầm bảo: "những phi công năm nay trở lại".

            Theọ thường lệ, sau ngày Tết thì trường anh lại tổ chức đi trượt tuyết ở Ancelles nữa tháng vì nhà trường có ba căn nhà trên đó. Dân cư vùng này như đã quen thuộc với những chàng trai nghịch ngợm của phố phường, tóc lộng thco gió bốn phương trời và những cô sơn nữ đương thì, mỗi lần đông về phủ từng lớp tuyết dầy trên sườn núi lại nhìn về phía thị thành hồi hộp đợi chờ. Những chàng trai từ đô thị đến như những cơn gió lốc, ào ạt, cười nói vô tư, ít ai để ý đến những nhịp u hoài khắc khoải của những lòng thôn nữ. Mỗi năm một lớp người trai khác, chỉ riêng những người ở lại là vẫn mòn mỏi từng ấy khuôn mặt đợi chờ.

            Và anh đã bước xuống xe ở Ancelles với tất cả bỡ ngỡ của một kẻ ban đầu. Gian nhà đầu tiên anh nhìn thấy là một gian nhà thấp có một mái hiên nhô ra ngoài. Một chiếc biển treo ngang lủng lẳng đưa theo gió, trên kẻ sơn lở lói chữ Café một cách quê mùa. Trong nhà vài bộ bàn ghế lỏng chỏng; một hai cụ già ngồi khề khà trước một chai rượu vang đỏ, mũ cát két đội chùm hụp trên đầu. Một đứa bé đạp xe qua đường, ngoảnh cổ lại nhìn người khách lạ rồi vội vã phóng nhanh vào ngõ hẹp.

            Đấy là tất cả Ancelles đối với anh buổi ban đầu.

            Và hiện giờ anh đã đến chiếm gian nhà anh được ở. Đó là gian nhà xây bằng đá, mái lợp gỗ. Tầng dưới dùng làm bếp và nhà kho đựng đầy những giày, áo len, kính, mũ... nghĩa là những dụng cụ để trượt tuyết. Tầng trên là những giãy giường hai từng kê sát nhau. Giữa nhà là một lò than hồng cháy rừng rực như để bớt phần trống trải của gian nhà.

            Người gác là một ông cụ già, trường đã thuê để trông coi suốt năm. Ông cụ hơi ngạc nhiên khi thấy anh tới sớm hơn những ngưòỉ khác ba ngày. Hiện giờ đang dịp Tết. Những bạn anh còn đang mãi hưởng những ngày nghỉ đầm ấm trong gia đình.

            Đáp lại câu hỏi của cụ già anh chỉ tủm tỉm cười. Chả lẽ với người lạ mà mình đem tâm sự ra kể. Nơi đây nước người anh có được nghỉ Tết chăng cũng chỉ là nằm trong quán trọ nhìn thiên hạ đón xuân. Quê hương xa cách muôn trùng có vọng hướng chăng cũng còn nửa trái địa cầu tròn thương nhớ.

            Vậy thì đêm nay anh đã cùng ông cụ ngồi đối ẩm nói chuyện bâng quơ. Ấm cà phê đã mấy lần sôi, ly rượu vang đã bao lần cạn anh cũng không nhớ nữa. Chỉ biết lui về phòng, chúc nhau ngủ ngon giấc thì trời đã khuya, tuyết sương đã phủ trắng hiên ngoài. Lửa trong lò vẫn rực hồng, mấy tấm cửa kính bị tuyết phủ trắng xoá. Anh mở vội cửa xoa lớp tuyết bên ngoài để nhìn xuống hàng hiên. Một cơn gió lạnh lùa vào làm anh rùng mình.

            Tuyết vẫn rơi. Từng bông tuyết lả tả, triền miên như vô tận. Không còn cảnh gì buồn hơn là cảnh nhìn tuyết rơi giữa đêm khuya. Ánh đèn phố yếu ớt hoe vàng in màu bàng bạc lên những lớp tuyết dày. Cách đây mấy hôm, giữa đêm Noel anh cũng ngồi ở trong môt quán cà phê ở Marseille giữa một đêm tuyết rơi lạnh.

            Suốt từ tối, anh đã đi lang thang qua các hè phố, dán mũi vào từng cửa kính để nhìn những cây Noel lấp lánh mấy ngôi sao kim nhủ. Giá anh bé bỏng một chút có lẽ anh đã được sung sưóng nhìn những đồ chơi đắt tiền bày trong cửa hàng. Hay giá anh lớn hơn một chút nữa anh đã có thể tần ngần cho tay vào túi đếm mấy cắc bạc trước khi mua một món quà lạ cho em bé. Mà dù có mua thì anh cũng mua cho ai nhỉ!? Anh có mẹ già nhưng không có em dại. Và em thì cũng không còn bé bỏng như năm xưa nữa để đòi quà.

            Nghĩ như vậy làm anh thấy se lòng vì những món quà mà hiện gtờ em đang ao ước chắc anh không sao có thể chìu nổi.

            Đừng buồn em nhé! Em thử đòi xem, có lẽ anh cũng chìu ngay đấy dù rằng bằng một giá rất đắt. Có ai đem tiền bạc ra đo lường tình cảm bao giờ. Nghĩ đến đây anh lại nhớ đến chuyện Cô Bé Bán Diêm của Anderson, nhà văn Bắc Âu mà năm nay ở đây người ta đang linh đình làm lễ ký niệm bách niên. "Có một cô bé đi lang thang để bán diêm giữa một đêm Noel lạnh, cũng như cũng đã có một người phi công đi trên tuyết trắng để đợi phút ngày đêm giao tế, chuông nhà thờ đổ hồi để báo hiệu Thiên Chúa giáng sinh. Cô bé đi lang thang, cầu mong có được một gia đình, một lò lửa ấm. Nhưng đêm giáng sinh, cửa nhà ai cũng đóng chặt, và trong nhà những ngọn bạch lạp sáng trưng tưng bừng nhẩy múa. Có ai còn cần đến một bao diêm bây giờ.

            Cô bé ngồi dựa vào một thềm cửa. Tếng cười nói trong nhà vọng ra ngoài. Qua khe cửa cô bé bán diêm nhìn thấy môt cây Noel sáng trưng, lộng lẫy. Cả một khung cảnh ấm cúng hiện ra. Giá ai cho cô bé góp vui nhỉ! Giá tuyết đừng rơi nữa, và giá có một tấm chăn ấm phủ lên đôi vai gầy thì sung sướng biết bao. Nhưng tội nghiệp cả gia tài của cô bé chỉ là mấy bao diêm ế và cả tấm chăn ấm chỉ là mấy bông tuyết trắng bám trên đôi vai gầy đã bắt đầu tan.

            Hai hàm răng đánh vào nhau lập cập, cô bé bán diêm liều lĩnh xòe một que diêm đế lấy một chút lửa ấm. Que diêm bùng lên rực rỡ hơn muôn ngàn ngọn bạch lạp làm đôi môi non khô héo sẽ cười. Lứa tắt ngấm trả lại đen tối cho tuyết sương. Rồi bên thềm cửa người ta lại thấy xoè lên một ánh lửa thứ hai, rồi một ánh lửa thứ ba...

            Sáng hôm sau người ta thấy cô bé bán diêm nằm trên tuyết mịn, bên đống diêm cháy lụi. Đôi môi non còn mỉm cười trong trắng, và nhìn em, người ta nghĩ rằng em đã qua một giấc mơ rất đẹp trước khi từ giã cõi đời..." Câu chuyện của Anderson đưa lại cho anh một chút vui lòe lên như ánh sáng một que diêm xòe giữa Noel, và anh thấy anh có quyền hy vọng một ngày mai thanh bình, cái hy vọng trở về những mái nhà ấm cúng giữa những thân tình.

            Thân phi công như các anh, nếu có thể mua được những tươi đẹp ấy bằng một giá rất đắt các anh cũng sẵn sàng trả vì các anh tin rằng qua khói súng các anh sẽ lao đi và mang theo một hình ảnh rất đẹp đẽ của cuộc đời

            Em Phượng! Đêm Noel đã qua rồi và giờ đây anh viết lại cho em những tâm tưởng đã qua tại một nơi xa tất cả thị thành. Trong này là một lò than ấm và ngoài kia là mưa tuyết, là núi rừng Ancelles.

            Vài hôm nữa, đợi các bạn đến, anh sẽ vui vẻ trượt tuyết trên sườn núi. Và thời gian sẽ qua, anh mong đợi đến ngày hồi hương để có thể sát cánh nhau bay trên không phận Việt Nam gìn giữ cõi bờ.

            Ancelles cũng chỉ là một cung đường, nơi đây anh đã gửi cho em một giòng lá thắm. Trong thư nếu có điểm mộc mạc vài nụ cười sơn nữ, vài mái tóc hải hồ, đôi câu chuyện vui buồn anh cũng mong rằng sẽ không làm em cau đôi mày liễu.

            Em nên nghĩ rằng cũng như những bức thư trước trong cuộc đời phi công của anh, đây chỉ là một lưu bút đánh dấu lại một cung đường.


            (còn tiếp)
            Last edited by Hoanghac; 03-24-2013, 11:36 AM.

            Comment


            • #7
              7
              Hội mùa hoa


              ... Để chờ đợi một ngày mai hạnh phúc,
              có những mùa xuân đôi trẻ còn gửi cho nhau
              những nhánh hoa kèm theo những câu chúc tâm tình...



              Phượng,

              Anh đã tới miền hoa hồng muôn thuở nhưng không phải tới để ngắt một cành hoa mà tới chỉ vì kiếp đời trôi giạt. Anh biết làm gì khi được nghỉ lễ hai tuần? Lên Ba lê thì xa xôi quá, vả lại anh cũng không phải là con người quen thuộc với ánh sáng kinh thành. Còn Nice thì chỉ cách Marseille có một thôi đường.

              Nice chỉ đẹp vì một bãi biển. Bãi tắm hẹp nhiều đá sỏi hơn cát. Bờ biển xây gạch lát để thành một con đường dạo mát cho du khách. Và chỉ cách một bờ đường bên kia đã là những dinh thự nguy nga, những khách sạn tráng lệ. Anh bỡ ngỡ đi trên bờ biển một sáng mùa xuân đẹp. Mây hồng trôi, trời trong xanh và nước biển màu quan lục. Anh thấy trời sáng nay đẹp như một bài thơ và thấy tiếc tại sao mình lại không là thi sĩ. Đã có ngưòí nói rằng làm thơ chỉ là để giải bày tâm tư u ẩn, những sầu hận vô bờ. Chỉ những con người mà tình đời dang dở mới dễ trở thành thi sĩ.

              Nếu thế thực thì hỡi người em bé của lòng anh, không bao giờ anh có mộng làm thi sĩ vì không bao giờ anh muốn tình chúng ta dang dở. Anh ước ao nó sẽ mãi mãi đẹp như mây hồng trôi sáng nay, sâu đậm như trời xanh bát ngát và thắm đặm như nước biển màu quan lục.

              Sáng nay gió đã lên lồng lộng như nhắc nhở đến mùa xuân. Có con người đứng trên bãi biển tần ngần. Ai đã ra đi mà tung hô hồ thỉ, ai đã xa quê hương mà cảm thấy nhớ nhung một sáng mùa xuân trời mát dịu nhất định không sao tránh khỏi không để lòng rung cảm.

              Vậy con người của mây gió hôm nay cũng chỉ làm theo với thế nhân, đi hái một bó hoa xuân, gửi cho người đẹp kèm theo một câu chuyện tâm tình.

              Em Phượng! Xa kia có một ngọn đồi đang vàng theo nắng xuân. Có một lùm cây nho nhỏ. Giá có em ở đây chúng ta sẽ tìm cách đi tới ngọn đồi. Anh sẽ tìm cho em một chỗ ngồi bên lùm cây để tránh những đàn chim tọc mạch và anh sẽ kể cho em nghe một câu chuyện tâm tình.

              Ngày xưa! Phải, vì câu chuyện nào đẹp chả bắt đầu bởi hai chữ ngày xưa. Chúng ta quay về dĩ vãng vì chỉ ở những ngày qua chúng ta mới nhìn thấy tươi đẹp. Hiện tại là đương xây mộng và ngày mai là cả một hư vô. Vậy thì anh chỉ biết nhắc cùng em đến một câu chuyện ngày xưa

              Ngày xưa có một làng nhỏ bên bờ một con sông xinh như trong mộng. Có một ngôi chùa đầu làng và có một cây đa cạnh chùa. Một vài cây đại trơ cành và đôi bờ dâm bụt tô thêm cho khung cảnh giống như một bức tranh thủy mặc. Một vị sư già ngày đêm tụng niệm và hai chú tiểu thay phiên nhau điểm chuông chùa khuya sớm.

              Khung cảnh ấy đã nhóm lên một mối tình thơ trẻ làm cho gần mười năm xa cách rồi vẫn để cho lòng người ngậm ngùi.

              Có một sáng mùa xuân cảnh chùa rộn rịp. Có hai đứa trẻ theo mẹ đi lễ chùa. Hai bà mẹ mãi lễ Phật và được dịp hai đứa bé lẻn ra sau chùa hái lộc.

              Đố anh biết hoa gì đây, cô bé hỏi. Hoa dâm bụt. Cô bé phịu mặt. Nếu cậu bé khôn ngoan hơn một chút thì đã giả vờ không biết nhưng ác thay gần mười năm sau xa cách mới biết là mình đã lỡ làm đứa em phải dỗi một sáng mùa xuân.

              Hồi lâu cô bé lại hỏi:

              Trên tỉnh có hoa dâm bụt không anh?

              Không ngần ngại cậu bé trả lời:

              Không có dâm bụt nhưng có nhiều hoa đẹp hơn ở đây.

              Câu chuyện dừng ở đấy. Đôi mắt to đen lay láy của cô bé không được vui. Đôi môi phụng phịu làm khuôn mặt thêm bầu bĩnh. Ôi! Có những tuổi người ta phí phạm rất nhiều tươi đẹp của một ngày xuân.

              Có mấy sáng mùa xuân hai đứa trẻ được đi chơi với nhau ngắt hoa, nói chuyện?!

              Có sáng cô bé lại hỏi:

              Từ đây lên tỉnh có xa không anh?

              Xa lắm. Đi xe cũng gần mất nửa ngày. Rồi vô tình cậu bé lại tiếp: Sang năm, học hết ở tỉnh anh sẽ lên Hà Nội, còn xa hơn nữa.

              Đối với cô bé, gần hay xa cũng chỉ là xa nhau. Và xa nhau thì chắc hẳn phải là buồn. Lấy ai cùng chơi, cùng đi ngắt hoa dâm bụt. Lấy ai để hành hạ, để bắt chìu tất cả những ý muốn éo le của tuổi thơ ngây.

              Đã biết bao lần cậu bé nhận được lệnh: Có con ve sầu kêu, anh bắt cho em đi. Nhưng anh có nhìn thấy nó đâu!

              Em không biết! Anh phải bắt nó cho em.

              Cái con người luôn luôn chịu thiệt ấy, một lần nữa lại phải băn khoăn. Thế rồi có một buổi sáng mùa xuân cô bé lại nói với người anh:

              Sao anh lúc nào cũng chỉ thích đi xa. Em muốn anh ở lại nhà.

              Lần này không phải là một lệnh nữa vì đôi mắt đen đã thấy muốn tràn lệ. Nhưng biết làm sao được khi đó là định mạng của cuộc đời. Hai chiếc lá vàng trôi bên hai bờ giòng nước gặp nhau tại một chân cấu, quyến luyến nhau rồi lại giạt đôi bờ.

              Rồi anh nhớ lại một sáng mùa xuân giữa kinh thành lại có đôi trẻ cùng đi hái lộc. Cô bé đã trở thành một thiếu nữ thị thành, cười nói vô tư. Đôi mắt bồ câu vẫn đen láy. Một vài nét đài các chỉ làm tôn thêm vẻ kiều diễm của người thiếu nữ. Chàng trai vẫn trầm lặng như xưa, mắt in thêm vài nét buồn vì khói loạn.

              Vẫn người em gái đề nghị:

              Chúng ta đi đền đền Voi Phục anh nhé! Chàng trai ngần ngừ.

              Muốn hái lộc xuống ấp Thái Hà tiện hơn.

              Sợi tơ mành đã mỏng manh lại bị thêm một cơn gió phũ phàng. Mùa xuân năm ấy lại có đôi trẻ giận nhau vì một chuyện đi hái lộc.

              Người thiếu niên ấy lại đi xa, đi xa như một chiếc lá vàng nhẹ đã trót được thả trên giòng đời. Dù có trôi tới đại dương chăng nữa thì chiếc lá vàng cũng sẽ đi biền biệt. Có bao giờ lá rụng lại trở về nguồn?

              Mấy mùa xuân sau cách biệt, không ai nhắc tới chàng thiếu niên nữa, còn cô bé mỗi mùa xuân vẫn đi theo mẹ hái lộc.

              Như chiếc lá trôi theo giòng đời chàng thiếu niên mải miết đi vào sương gió. Cuộc đời vô định thiếu bảo đảm vì không ai biết được sông trôi mấy ngả và giòng sông cũng nông sâu bất kỳ, chỉ biết rằng ít có mùa xuân chàng trai đi hái lộc. Tâm hồn con người cũng cứng cỏi hơn vì mỗi lần tiếp xúc với cuộc đời là một lần thêm dày dạn.

              Chàng đã trở thành một người trai trẻ và tình nguyện nhập ngũ để đóng góp việc nước như bao chàng trai khác. Còn cô bé, chắc vẫn ngây thơ như độ nào, mỗi buổi xuân về ôm tráp theo mẹ đi lễ Phật. Tuy khác xưa nhưng nếu có gặp nhau chắc họ vẫn nhận ra nhau. Đôi mắt đen và to chỉ sâu đậm thêm với ngày tháng. Làn tóc dài xoã trên vai chỉ mượt thêm với tuổi xuân. Còn cậu bé, thân hình tất nhiên rắn chắc hơn xưa nhưng lòng lúc nào cũng sẵn sàng chìu theo cô bé.

              Chỉ trừ có điều này và chính vì điều này đã làm họ giận nhau và xa nhau.

              Một mùa xuân cô bé đã thốt lên lời nói:

              Sao anh lúc nào cũng chỉ muốn đi xa. Em muốn anh ở lại nhà.

              Người thanh niên chỉ mỉm cười lặng lẽ. Một năm sau anh gửi về nhà bức ảnh mặc quân phục. Từ ngay đó tin tức của chàng được gửi về từ bốn phương trời.

              Em Phượng! Nắng vàng đã dãi trên bờ biển Nice. Từng hàng ghế vải đặt theo lối đi để du khách nằm ngắm biển một sớm mai hồng. Có một đàn chim trắng đang chao mình trên mặt biển và lướt theo gió có một sợi tơ mành. Mùa xuân năm nay ở đây người ta cũng đi hái lộc. Mùa xuân xứ lạnh này không trùng với mùa xuân bên nhà nhưng ở đâu mà chả có môt mùa xuân. Ở khắp các ngả đường đều có những bà già ngồi bán những nhánh hoa muguet, một loài hoa tượng trưng cho hạnh phúc. Lá hoa dài và xanh mướt. Chùm hoa trắng và nhỏ.

              Người ta gửi cho nhau những nhánh hoa muguet kèm theo những câu chúc muôn vàn hạnh phúc. Nếu em có ở đây và nếu em có ngoan ngoãn ngồi trên đồi nghe anh kể một câu chuyện xa xưa thì giờ anh đã có thể trao tặng em nhánh hoa và chúc em cuộc đời tràn ngập hạnh phúc. Nhưng cách xa nhau trọn nửa trái cầu chắc em chỉ mường tượng được vẻ đẹp của nhánh hoa qua cánh thư này.

              Anh muốn hỏi em, xuân này ở bên nhà không biết em có còn theo mẹ đi lễ chùa, hái lộc. Và cô bé có còn biết tin tức gì của chàng thiếu niên một sáng mùa xuân đã khoác nhung y vì tình trai còn nhiều nợ nước. Qua biết bao mùa xuân chàng thiếu niên đã biết được rằng nhiều khi vì vô tình đã làm phí phạm rất nhiều tươi đẹp của những ngày xuân. Và không hiểu, lớn khôn, cô bé có biết được cho rằng nhiều khi có kẻ trái ý mình cũng chỉ vì bổn phận.

              Hôm nay anh thấy tâm hồn thanh thản. Có lẽ trong cuộc đời bềnh bồng mây nước của ngưò phi công ít khi có dịp được nghỉ ngơi trọn vẹn lấy một ngày. Anh muốn kể tiếp cho em câu chuyện của lứa đôi còn dang dở.

              Cũng như tất cả các chuyện đời tươi đẹp, có đôi trẻ gặp nhau và thân yêu nhau. Tuy vì định mệnh phải xa nhau nhưng những kỷ niệm cũ vẫn êm đềm trong tâm trí. Và để chờ đợi một ngày mai hạnh phúc có những mùa xuân họ còn gửi cho nhau những nhánh hoa kèm theo những câu chúc tâm tình.


              (còn tiếp)

              Comment


              • #8
                8
                Hẹn một ngày về


                ... Mang thân ra đi để che mưa gió
                là các anh muốn cho những người như em
                được mãi mãi sống trong bầu không khí thanh bình...



                Phượng,

                Biết bao nhiêu lần đổi chỗ ở, biết bao nhiêu chuyến đi nhưng rời miền Provence sau một năm học anh không khỏi thấy lòng lưu luyến. Ở đây em đừng nghĩ rằng anh lưu luyến vì ham cảnh lạ đường xa nước người. Đã chả bao nhiêu lần anh nói với em rằng chỉ có non sông nước ta là đẹp với lòng anh. Nước sông Hồng cuồn cuộn, bờ Cửu Long xanh thăm thẳm phải đẹp hơn vạn giải trường giang anh đã gặp. Và chưa có nụ cười nào làm anh thấy bâng khuâng bằng nụ cười của cô em gái quê nhà.

                Nhưng, con người là thế, mỗi lần đi là một lần ngại ngùng. Kinh Kha ngày xưa có lưu luyến bên bờ sông Dịch chắc không phải vì một đôi mắt giai nhân, vì những bàn tay mỹ nữ, cũng không phải vì ngại Hàm Dương xa xôi quá, cung điện Tần hiểm trở có ra đi ngày về không chắc hẹn, tần ngần đứng lại cũng không hẳn vì tiếng trúc của Cao Tiệm Ly gợi đến những ngày hàn vi cùng bạn hiền đối ẩm tại quán rượu heo hút bên sông, mà vì lòng người tráng sĩ dù cho thân đã coi như là buộc trên yên thiên lý mã mỗi sáng ra đi sao chẳng khỏi quay lại nhìn chiếc quán trọ bên vệ đường đã che cho người nỗi hàn qua đêm lạnh. Ngựa có hý lên, vó câu đập mạnh như chờ đợi soải đường dài, nhưng tráng sĩ cũng còn nán lại để sửa cỗ yên, buộc lại bầu rượu vừa hâm nóng. Đêm qua, trong quán lạnh, cũng hồ rượu này, chàng trai say quên trời đất, quên dặm đường dài. Gốc thông già cằn cỗi reo âm thầm trong gió. Đường xa chạy heo hút khuất vào một rừng phong, thu sớm đã nhuộm màu.

                Đấy, chỉ một chút như vậy cũng đủ làm người có lòng thấy bâng khuâng, huống hồ cả một năm trường đầy kỷ niệm, vui có, buồn có và nhất là lại gian khổ nhiều hơn vinh quang.

                Kể từ ngày hôm nay anh tới căn cứ Avord để học lái những máy bay hai động cơ. Thời gian chắc cũng sẽ trôi nhanh và chỉ còn vài tháng nữa anh đã có thể tốt nghiệp và trở lại quê nhà.

                Cũng như tất cả mọi lần ra đi, anh rời Salon de Provence một sáng còn đượm sương. Đoàn xe lửa từ từ tiến vào ga trong một làn hơi nước mờ mờ. Hai ngọn đèn pha màu vàng đầu mũi như ngái ngủ. Trên sân ga nhỏ có vài người khách. Chỉ độc có một bà cụ già ra tiễn một đứa con trai, đứng lại mếu máo. Đoàn xe lại từ từ chuyển bánh. Trong ánh sáng mờ mờ của một sớm thu có ánh đèn dầu hoả đưa đi đưa lại của người xếp ga. Chiếc toa cuối cùng treo đèn đỏ lướt khỏi dận găng um tùm và anh đưa tay từ biệt Salon de Provence.

                Anh đứng ở cửa sổ nhìn phong cảnh. Kia là đồi Lancon đã bắt đầu rãi những tia nắng vàng đầu thu. Ngọn đồi thật đẹp nhưng có một vị trí éo le đối với sân bay. Mỗi lần cất cánh là một lần máy bay sát ngọn đồi. Các anh thưòng bảo nhau giá đồi thấp xuống một chút hay dịch sang bên cạnh độ vài trăm thước thì tuyệt. Người ta thường có những ước muốn thật ngây thơ. Cuộc đời nếu được hoàn toàn xây dựng theo những ước muốn thì thật là tuyệt diệu. Và có lẽ ờ đâu người ta cũng chỉ gặp những văn nhân cưỡi ngựa bạch đi thủng thỉnh trên đồi thông vàng để tìm một thạch bàn uống rượu ngâm thơ.

                Trong cuộc đời thực tế đầy phồn hoa này thì người phi công không có quyền nghĩ như vậy, hay có ước ao chăng nữa thì cũng chỉ thoáng qua như một giấc mơ nhẹ. Mỗi lần cất cánh máy bay vừa rời đất người ta đã nhìn ngay đỉnh ngọn đồi. Nắng vàng thật đẹp, rãi trên sưòn cỏ non xanh mởn. Vài gian nhà cửa xanh mái ngói đỏ, chung quanh chạy một hàng dậu thấp thật đẹp như trong những câu chuyện tâm tình. Nhưng con người ngồi trong phòng lái đâu có đủ thì giờ nhận xét những điều ấy. Chỉ biết lo sao cho máy bay lên thật đều vì động cơ chỉ vừa đủ sức cho máy bay lên, là sát ngọn đồi. Một lần nữa người ta nghĩ thầm: "Giá nó thấp xuống một chút hay dịch sang bên độ vài trăm mét". Và một lần nữa người ta trở về thực tế để chỉ thấy đời chỉ đẹp trong những ước mơ.

                Đồi Lancon vừa khuất sau khung cửa và trước mặt anh hiện ra dãy núi Alpilles. Đã bao lần các anh tập trận trên dãy núi thấp này. Sườn bên kia thoai thoải, sườn bên nay dốc đứng. Chỉ có một khe núi là xuống được. Dưới chân là một sân bắn. Mỗi lần tới sân bắn là mỗi lần phải đi bộ 25 cây số và băng qua núi. Anh còn nhớ khẩu súng MAT 49 đã làm bạn với anh suốt một năm trường. Ai bảo phi công không phải là một chiến sĩ!

                Anh còn nhớ lần đầu tiên đi bộ nghe theo một người bạn, anh đã bỏ quy lát ở nhà cho khẩu súng được nhẹ. Đến phút cuối cùng mới có lệnh bắn và phải dùng vũ khí cá nhân. Anh thấy muốn nghẹt thở, ngán ngẩm nhìn lòng súng rỗng tuếch để đợi lượt mình. Những tiếng đạn nổ dội vào vách đá vang lại nghe lạnh như tiếng thép. Sắp tới lượt anh thì chả hiểu một bàn tay nào dúi vào tay anh mẩu quy lát. Ai, anh cũng chả nhớ mặt, nhớ tên nữa vì trên đường đời đã bao nhiêu lần người ta nhờ đến một người bạn. Nói đến ơn nghĩa thì nhiều lắm. Mình chỉ cần nhớ rằng đến lượt mình sẽ sẵn sàng để vì một người khác và lòng mình sẽ reo một niềm vui nho nhỏ khi thấy đã làm được cho cuộc sống một người khác lên hương.

                Chiếc quy lát bỏ vào trong súng anh có thể không vừa khít. Anh sẵn sàng đợi chờ những tếng lọc sọc trong súng hay một viên đạn lên nhỡ trớn sẽ nằm ngang và làm súng tắc.

                Anh đã đứng thẳng, kẹp khẩu tiểu liên ngang sườn. Xa xa là vách núi với những ụ đất. Ngày nay bia là những vật vô tri. Mai mốt đây sẽ là quân thù. Anh không có quyền để quên súng và ngoài chiến trường cũng chẳng có ai dúi cho mình mẩu quy lát. Trừ khi, phải trừ khi mình lượm được khẩu súng của người bạn đồng ngũ tiến lên trước vừa ngã xuống, và lúc ấy tiếng đạn sẽ phải nổ vang, sôi lên vì căm hờn.

                Anh đã kéo quy lát. Chiếc cửa sổ đã mở. Cửa sổ đấy là miếng sắt nhỏ bên hông khẩu súng. Cửa sổ mở có nghĩa là tất cả đều trót lọt và đạn sẽ nổ vang vách đá. Anh bóp cò để nhả từng loạt đạn. Ttếng vọng lại sang sảng như ánh thép kêu.

                Đấy là một kỷ niệm ở dãy Alpilles. Đoàn xe hoả vẫn chạy băng băng trên những cánh đồng Provence. Xe đã gần tới Tarascon. Hẳn em còn nhớ câu chuyện của Alphonse Daudet chứ. Chiếc cối xay của Alphonse Daudet cũng ở miền Provence này. Những ngày nghỉ anh đã lái xe quanh vùng và đã hơn một lần anh đến thăm chiếc cối xay gió. Nó không đẹp như trong truyện vì người ta đã sửa chữa cho nó thêm mới mẻ.

                Những con đường rộng trải nhựa chạy gần đấy cũng đã thay thế từ lâu cho những đường đất vàng chạy giữa những thảm ruộng xanh ngày xưa. Và cũng vắng bóng cả những cỗ xe song mã. Dù đồi núi Provence vẫn như xưa, nhưng có những cái rộn rịp làm mất cả không khí thanh nhàn. Trong khung cảnh này anh tưởng có ngồi viết văn cũng chịu, không sao nẩy ra những câu tuyệt tác. Thà đứng dựa mạn tàu như anh bây giờ nghĩ lan man đến tất cả có lẽ lại hơn. Những đồi núi ở đây thâm thấp cỏ mọc xanh mởn. Đây đó vài cái trại nho nhỏ với những hàng dậu trắng. Vài con bò trắng, khoang đen hiền lành nhai cỏ bên sườn đồi tô thêm những nét đặc biệt cho khung cảnh trở nên linh động hữu tình. Đoàn tàu sắp đến Tarascon và quá lên chút nữa là Avignon. Đặc biệt ở Avignon là lâu đài của Đức Giáo Hoàng và quanh miền còn sót lại những chiếc cầu nho nhỏ xinh xinh, cong mình qua những nhánh sông nhỏ. Ngày xưa, thanh bình, người ta thường ca hát, nhảy múa trên cầu những đêm trăng sáng. Nghĩ đến đấy anh liên tưởng đến những mùa thu thanh bình quê nhà. Em có nhớ lại thời xưa không Phượng? Có lẽ không đâu em nhỉ, vì nay với em có gì ý nghĩa chắc chỉ là phồn hoa đô thị. Chả thế mà em của anh đã hỏng liền hai kỳ thi vừa qua.

                Anh nói đùa đấy em đừng giận. Anh rất buồn khi nghe thấy em báo tin thi hỏng. Anh không còn biết nói gì hơn là nhắc em rằng em còn rất trẻ. Sang năm mới vừa đúng tuổi thi. Em có hỏng cũng chỉ vì tạo hoá cũng ghen với những ngươi lỗi lạc không muốn cho em đậu kỳ này.

                Em cho anh gửi lời thăm Hiền. Chắc Hiền cũng buồn lắm em nhỉ. Công phu kèm em học suốt môt năm trường. Anh muốn viết cho Hiền để nhắc chàng rằng: "Giáo bất nghiêm, sư chi nọa" nhưng sợ anh ấy giận lại thôi.

                Bây giờ anh lại trở về câu chuyện mùa thu thanh bình ở quê nhà ngày xưa. Có gì đẹp nhất trên đời theo anh có lẽ là một đêm sáng trăng thu. Nếu anh ở nhà anh sẽ ra ngoài đồng đi thuyền. Chắc em còn nhớ những ngày nước ngập, những cánh thuyền nan và cây đa bến cũ. Lắm chuyện ngày xưa vui quá em nhỉ. Anh thấy làng chúng mình giống hệt như một làng tả trong một câu chuyện tiểu thuyết thôn quê, vì đầu làng cũng có một cây đa và mùa nước ngập nơi ấy là bến đậu. Những tối sáng trăng chúng mình hay được đi chơi sang đồng làng Bái Thượng. Chiếc thuyền nan mỏng manh lạ. Chú Xuân đã phải ra công tát nước trong khi em đùa nghịch làm nước bắn tung toé.

                Chú Xuân chắc giờ vẫn còn ở nhà nhưng già thêm nhiều em nhỉ? Mỗi lần em đi đâu là có chú đi theo đến bật cười. Chắc mẹ ở nhà lo em đi nghịch dại hay có ai bắt nạt em nên luôn luôn bắt chú theo kèm. Cụ không biết rằng có ai hay đi bắt nạt người khác lại là cô em gái ngoan của anh.

                Anh nhớ em đã vui thích, cười nhiều khi thấy mỗi lần sào đẩy thuyền đập xuống nước làm bắn lên những tia nước sáng lóng lánh.

                Bây giờ thì thay đổi nhiều rồi. Không phải vì cả hai chúng mình cùng lớn nhưng vì thời thế chúng ta đã phải lìa bỏ làng xưa. Ở thị thành có bao giờ em trở về thăm làng cũ. Chắc là không em nhỉ vì cũng như anh, chẳng phải chúng ta vô tình mà vì không bao giờ chúng ta còn thấy lại được những mái tranh êm đềm ngày xưa. Anh vẫn nhận được những bức thư của Bác và qua hàng chữ thấm lệ anh vẫn thấy Bác ước ao trở về làng cũ. Dù sao cũng còn một thềm nhà đen sạm đấy, và có lẽ vài cây cột cháy dở.

                Ngoài vườn có lẽ những bụi chuối mọc um tùm. Chiến tranh đang đến giai đoạn quyết liệt. Ở đây anh chỉ còn biết hàng ngày đọc báo để theo dõi tin tức bên nhà. Người ta đã nói đến chuyện Hà Nội tản cư. Còn vài tháng nữa anh sẽ trở về nhà. Anh tin rằng anh sẽ là một trong những người lính chiến đấu đến cùng để giữ lại một phần đất. Anh không dám nghĩ nhiều đến một ngày kia, khi khắp ruộng đồng cùng vang ca những khúc hát thanh bình, anh rời bỏ quân ngũ để về dọn lại thềm nhà cũ, xới lại mảnh vườn xưa, và dựng lên một mái tranh nho nhỏ, trả lại một chút nào niềm vui đã mất của người mẹ hiền.

                Anh chỉ dám nghĩ rằng đã là một chiến binh, bổn phận anh là chỉ cầm ngang tay súng giữ cho giang sơn từng tấc đất. Em cứ cười lên khi thấy anh bước lên phi cơ và mở máy. Từng cánh chim sẽ rời đất và mang theo đoàn người đi làm phận sự và cũng vì thế mà anh đã trải qua bao tháng ngày gian khổ để luyện tập ở đây. Đoàn tàu đã đưa anh tới phương trời mới này và dừng ở Avord đúng nửa đêm. Anh đã xách va li tìm chỗ trọ khi ngày đêm vừa giao tế. Avord chỉ là một cái làng nhỏ hẹp, có một căn cứ Không Quân nhưng sẽ là nơi anh trú ngụ trong suốt mấy tháng trời đông

                Khi mùa xuân trở lại các anh sẽ về và em sẽ thấy những phi công đầu tiên của đất mước. Các anh không tự hào rằng trong những ngày nước non nghiêng ngả các anh sẽ đảm nhiệm một phần nặng công việc ngăn cản địch quân nhưng các anh chỉ nghĩ rằng đã làm trai ai là người không phải nặng lòng vì đất nước.

                Mang thân ra để che mưa gió là các anh muốn cho những người như em được mãi mãi sống trong bầu không khí thanh bình.


                (còn tiếp)

                Comment


                • #9
                  9
                  Tiếng gọi lên đường


                  ... Ra đi vì nhiệm vụ
                  bao giờ thanh bình
                  con xin trở lại mái tranh xưa...



                  Phượng,

                  Qua một mùa đông ở Avord, đã bao lần anh cầm bút định viết gửi em và cũng đã từng ấy lần anh dừng bút. Trời ở đây ảm đạm lạ. Hết sương mù lại mưa tuyết. Bầu trời lúc nào cũng vẩn mây. Các anh vẫn thường nói rằng miền này là một miền lý tưởng cho các phi công tập bay trời mù.

                  Đời sống trôi một cách đều đặn, ngày lại ngày. Sáng sáng dậy, đi trong sưong mù lành lạnh để đến câu lạc bộ điểm tâm, ăn chút bánh mì và uống ly cà phê vừa được hâm nóng lại. Ăn xong có thể đi bộ hoặc đợi xe ca để đến phi đội. Nếu có tên trong sổ bay sẽ lóp ngóp xách dù ra sân để quần suốt một buổi sáng trong môt bầu trời xám đục. Nếu không, họp nhau lại quanh lò than hồng để bàn chuyện vu vơ.

                  Nhưng cho dù ngồi dưới đất hay bay trên trời con người cũng đều thấy lạnh. Qua làn găng da người phi công cũng còn cảm thấy cái lạnh buốt da ở bên ngoài. Lạnh có lẽ vì lái những máy bay nhiều động cơ, người phi công ít phải làm việc. Khi tay lái đã được cân chỉnh thì chỉ còn biết ngồi lầm lỳ nhìn trời. Và khi trời mù thì có lẽ cũng không còn gì mà nhìn, ngoài những đám mây cuồn cuộn tiến nhanh sầm sập như ấp lấy mình.

                  Hơi nước đọng dần dần trên tấm kính trước mặt bị gió thổi lùa qua khe cửa rơi từng giọt trên đùi người đang cầm tay lái, thấm qua lần vải dầy của phi bào. Người phi công thấy rùng mình như có bàn tay ai vừa chạm nhẹ lên làn da. Một nét cô đơn thoảng qua rất nhẹ nhàng, nhưng rồi con người cũng trấn tỉnh ngay được tâm hồn, khi nhìn sang bên cạnh bắt gặp nụ cười ấm áp của người bạn đồng hành. Hai người phi công, chính và phụ nhìn nhau thông cảm.

                  "Anh nghĩ đến ai và tôi nghĩ đến ai có lẽ chỉ riêng trong tâm tư từng người được biết. Có thể tôi đang nghĩ đến người mẹ sớm bạc đầu đang chờ đứa con đã từ lâu xa vắng và anh mường tưởng lại những lời thắm đặm trong bức thư nhận từ hôm qua, nét chữ mềm mại đã diễn đạt lên những lời mong đợi, nhưng chắc chúng ta cùng chung một ý nghĩ rằng quê hương xa cách trọn nữa trái cầu đang mong mỏi những đứa con lạc lõng phương trời".

                  Em Phượng! Chưa bao giờ các anh thấy thấm thía ý nghĩa của mấy chữ "đồng" như bây giờ. Đồng hương, đồng đội, đồng hành. Các anh có thể mỗi người riêng một tính nết nhưng các anh cùng mang chung một nghĩa nặng trong đầu. Cùng bước lên máy bay, mỗi người một nhiệm vụ riêng nhưng không ai tách ai ra khỏi được với ai.

                  "Hôm nay anh ngồi đây, trong ghế lái chính, có tôi ngồi bên cạnh để trông chừng dùm anh mấy chiếc đồng hồ, nhắc hộ anh rằng đèn xanh chưa bật, bánh xe chưa ra, vặn cho anh một đài vô tuyến đăng để chúng ta cùng định hướng. Ngày mai anh sẽ nhường lại ghế chánh cho tôi luyện tập. Còn ngồi chung một phi cơ, còn mang trên người một sắc phục chúng ta còn phải cùng nhau chia sẻ ngọt bùi".

                  Rồi có những buổi chiều về, ngồi trong phòng ngẩn ngơ nhìn từng bông tuyết rơi bên cửa sổ các anh thấy tràn ngập những nhớ nhung kỳ lạ. Đấy không phải là những yếu đuối của lòng trai thế hệ, vì nào các anh có nhớ nhung hẳn đến một hình ảnh nào. Em thử nghĩ hộ anh gần ba năm trời xa quê hương xứ sở, bao nhiêu lần chuyển dịch, bao nhiêu chuyến đi trong một sớm mai hồng hay dưới một bầu trờỉ vẩn đục đã làm cho con người thêm dạn dầy, quen với những chia ly.

                  Con người quen dần những đám mây trắng trôi, tan hợp, hẳn cũng bớt được một phần nào những lưu luyến thường tình. Nhưng sau ba năm trời xa quê hương, thấy mình gần tới đích, nghĩ tới ngày về hội ngộ, ai mà không phải bâng khuâng. Con người chiến binh, có cứng rắn cũng chỉ là để đối diện quân thù vẫn vững tay súng nhưng đời sống riêng biệt thì hẳn cũng như tất cả thế nhân.

                  Có những người con trai một ngày đông gác súng viết thư cho người mẹ hiền băn khoăn vì nhiệm vụ đã lỡ không tròn bổn phận làm con:

                  "Hôm nay gửi mẹ mầy dòng tâm tư, con biết là lỗi đạo. Bên nương dâu có một mái tranh nho nhỏ, có một nàng thôn nữ lỡ duyên, và có một người mẹ hiền mái đầu sớm bạc vì thương nhớ. Mẹ có hỏi bao giờ con về và người thôn nữ có trách ai quá tham mộng phong hầu thì con cũng chỉ còn biết thưa lại rằng có một ngày đông, đứa con trai gác súng viết mấy giòng tâm tư gửi mẹ nhận là lỗi đạo làm con. Nhưng nước non còn nhiều ngang ngửa, chắc mẹ cũng vui lòng cho con ra đi vì nước. Bao giờ thanh bình con xin trở lại mái tranh xưa bên nương dâu của mẹ".

                  Trách làm chi một người phi công nhớ nhà sau khi trôi giạt bốn phương trời vì có nhớ có thương thì cũng chỉ thế mà thôi. Em Phượng! Đã nhiều buổi chiều đông gác súng, anh ngồi trong phòng nhìn tuyết rơi phủ kín hiên ngoài. Và cũng đã nhiều buổi chiều anh cầm bút để rồi buông xuống mà thở dài. Ba năm về trước anh đã gửi cho em lá thư đầu và đến nay không hiểu là lá thư thứ mấy. Chỉ biết trên đường đời anh đã mạnh dạn bước thêm một bước trên đường anh đã chọn và em cũng vẫn vui vẻ đi, lòng không vương một chút bận.

                  Anh đã gần em thêm hay càng ngày càng xa em, nào anh có biết. Đã có một lần anh quyết hẹn, anh sẽ trở thành phi công, người con của đất nước thì nay ngày ấy đã tới. Qua những ngày đông lạnh lẽo, tại một làng nho nhỏ quanh năm trời vẩn mây, anh đã cố gắng bước nốt chặng đường cuối cùng và cùng nhiều bạn khác anh đã giật xong mảnh bằng phi công quân sự. Đôi cánh anh đeo trên ngực, kèm theo một ngôi sao nho nhỏ có lẽ là tất cả mơ ước của những thanh niên mới vào nghề. Ba năm trời gian lao anh mới đạt được ý định và nay chỉ còn chờ ngày hồi hương.

                  Đi Alger lần này có lẽ là chuyến bay cuối cùng của anh trên đất Pháp, một chuyến bay qua bể chỉ đặc biệt dành cho những người đầu khoá. Anh cũng chẳng thấy đó là một vinh hạnh và chỉ nghĩ rằng lại thêm một lần chuyển dịch, thêm một chuyến đi để biết thêm một xứ người xa lạ.

                  Anh đã từ Avord bay xuống miền Nam ngày hôm qua và sáng sớm hôm nay cùng một đoàn phi hành anh đã rời Istres, một phi trường lớn gần Marseille để đi Alger.

                  Đây la một chuyến bay vượt Địa Trung Hải, tuy chặng đường cũng không dài gì nhưng đối với anh đó là lần đầu tiên anh lái may bay qua bể.

                  Anh cất cánh ở Istres một sáng đẹp trời vì miền Nam luôn luôn có nắng đẹp. Gió Mistral hôm nay thổi mạnh làm từng hàng dương liễu xanh cong mình. Hồ Berre rung rinh ánh nắng và rải rác xung quanh hồ những hầm đựng dầu của các nhà máy sáng chói lọi. Về phía bên trái anh là thành phố Marseille với những bến tàu cũ kỹ. Từ cửa bể tiến vào những chiếc tàu buôn lớn, khói bay nhè nhẹ. Và ngoài xa là lâu đài If nổi tiếng trong chuyện Le Comte de Monte Cristo của Alexandre Dumas.

                  Trời trong xanh thật đẹp. Đã mấy tháng nay anh không được bay một buổi đẹp trời như thế này. Hai chếc động cơ reo đều đặn, ánh sáng lóe trên những đầu cánh quạt như những vòng hào quang. Anh thấy sung sướng vớí đôi cánh mới đeo trên ngực áo, đôi bàn tay nắm vững cần lái như điều khiển cả những cuộc đời.

                  Phi cơ càng lên cao không khí càng thấy trong lành.

                  Thỉnh thoảng một vết mây trắng mỏng manh lướt dưới cánh. Màu nước biển trong, qua những làn sương thấp cũng trở nên xanh nhạt. Về phía tay phải bờ biển Tây Ban Nha hiện ra lờ mờ.

                  Anh nghĩ lại những ngày nghỉ hè vừa qua đã đi thăm những miền xa lạ ấy. Tây Ban Nha là xứ màu sắc, của nhạc điệu, của vũ khúc.

                  Anh vẫn còn nhớ những màu áo trắng thêu hoa, những chiếc váy màu sặc sỡ soè ra theo vũ khúc, những làn tóc đen dài, đôi môi mọng đỏ, những cặp mắt như nhung nhìn say đắm, những cánh tay màu nâu đỏ đưa lên lắc những vòng nhạc làm cho ngườỉ xem cũng muốn hoà mình theo những khúc nghê thường.

                  Một sáng hè đã đưa anh tới Madrid, thủ đô Tây Ban Nha. Anh đã để chiếc xe nhỏ bé vào ga ra chữa vì lăn qua nhiều đèo núi, chiếc xe đã đượm vẻ phong trần.

                  Trời hè ở Madrid thật là khó chịu. Trong bộ áo màu vàng sữa, thắt chiếc nơ xanh nghệ sĩ, anh thấy mình bớt đi nhiều vẻ du khách. Ở ngoài phố vắng ngắt, tất cả mọi người hình như đi kiếm một bóng mát để nằm ngủ. Họa hoằn người ta mới thấy một hàng kem mở cửa cạnh một vài rạp xi nê. Những chiếc xe taxi đậu tại những phố ngang nhỏ hẹp cũng không buồn đi kiếm khách.

                  Madrid uể oải ngủ cho đến quá chiều. Thành phố trở nên nhộn nhịp trở lại. Từng dãy người đi chật hai hè phố. Những xe ca hai từng, những chiếc tàu điện màu xanh sẫm chật ních những người. Nếu có những gì đặc biệt là những thiếu nữ thành Madrid. Trong những phố hẻm, đang đi lang thang để tìm những nét cổ kính của kiến trúc Tây ban nha, du khách có thể bị cả một bình nước giội lên đầu. Ngầng mặt nhìn lên thì sau chiếc rèm che, có bóng giai nhân đang lùi vào cười khúc khích.

                  Bất kỳ một dịp nào cũng đều là một cớ cho các thiếu nữ ra khỏi nhà để khoe màu sắc quần áo. Những ngày chúa nhật họ đến chật vũ trường để xem đấu bò rừng.

                  Từng vòng người ngồi trên những thềm gạch lót đệm bông ồn ào cổ võ. Màu sắc hỗn loạn. Rồi thốt nhiên cả vũ trường nín lặng. Một điệu kèn mạnh mẽ nổi lên, thúc giục. Hai cánh cửa cuối sân mở toang và một đoàn người rực rỡ tiến ra trong những chiếc bào sáng chói. Những dũng sĩ hiên ngang tiến bước, tay giữ chiếc khăn quàng trên vai giữa muôn ngàn tiếng hoan hô cổ võ.

                  "Paseo" là tiếng Tây Ban Nha để chỉ sự trình diễn ban đầu. Sau đoàn matador đến những picador là những ky sĩ cưỡi ngưa bọc giáp có nhiệm vụ quần thảo những con bò quá bướng bỉnh. Dân chúng đứng lên reo hò, sùng bái những dũng sĩ như những vị anh hùng dân tộc.

                  Anh lại thấy mình một lần nữa lạc loài giữa những làn sóng ngườỉ xa lạ, giữa những người say mê xem đấu bò rừng mà ở đây người ta mệnh danh là aflcionados.

                  Sung sướng thay con người còn có một cái gì hữu hình để sùng bái, để say mê. Các anh, những con ngườỉ mà số mệnh đã buộc vào đôi cánh chim giang hồ, có lẽ có gì để các anh say mê một cách nhiệt thành chắc cũng chỉ là tận tuy với nghề nghiệp. Anh không hiểu rằng, rồi đây nếu có phải nghỉ bay anh sẽ làm gì. Trở lại nghề dạy học, viết văn chăng? Chắc anh không sao chịu nổi. Từ cái ngày anh còn nằm trên một gác trọ nhỏ hẹp giữa đô thị Sàigòn, anh đã chả từng viết cho em rằng nơi ấy anh chỉ tạm dừng chân bưóc.

                  Ngay từ lúc phải xa gia đình vì ly loạn anh đã thấy rằng cuộc đời rồi đây sẽ là gió sương kết hợp và đến nay anh thấy rằng chắc chắn mình sẽ chỉ là một kiếp chim chao cánh trên khắp kinh kỳ.

                  Ngày hôm nay đây, khi mà gần một triệu dân đã di cư vào Nam, đáng lẽ anh phải ở nhà để gần Bác, gần em, gần bao nhiêu đồng bào khác thì anh vẫn còn phải lênh đênh nơi này. Giá anh tốt nghiệp sớm hơn chừng hai tháng, có lẽ anh đã có dịp chở những đồng bào cuối cùng rời Hải Phòng. Nhưng tiếc thay anh về hơi muộn và giờ chỉ còn biết vui mừng khi được tin thân quyến đã được yên hàn tới Sàigòn.

                  Chuyến bay đi Alger cũng như bao chuyến khác, không có gì mới lạ. Qua những đảo Baléares, tàu đổi hướng để nhắm thẳng Alger. Anh nhìn thấy bờ bên kia Địa Trung Hải khi trời gần đúng ngọ. Dựa trên sườn núi những gian nhà trắng xoá của thành phố Alger cho những nét đặc biệt dưới một ánh nắng vàng rực rỡ.

                  Anh ngồi viết cho em một buổi chiều nắng vàng chưa tắt. Ba năm về trước anh đã hứa những gì với em, chắc em còn nhớ. Chỉ độ hai tuần nữa anh sẽ gặp lại em. Nét cười có phác hồn tang hải, mái tóc có phai màu sương gió nhưng anh vẫn còn là anh của em như độ nào. Anh rời em một ngày đông lạnh lẽo ở Hà Thành và sẽ gặp lại em vào cuối một mùa xuân ở đô thị Sàigòn. Non nước kinh kỳ đà rời chỗ, còn em của anh có khác xưa không?

                  1959
                  Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh


                  (hết)

                  Comment



                  Hội Quán Phi Dũng ©
                  Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                  website hit counter

                  Working...
                  X