Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Điểm danh Các Bạn Già

Collapse
X

Điểm danh Các Bạn Già

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Điểm danh Các Bạn Già

    ĐIỂM DANH CÁC BẠN GIÀ
    Phần II KHÓA I QUAN SÁT
    Trần Phước


    Khóa 1 Quan Sát Viên khai giảng vào đầu tháng 10-1952, lúc Khóa 1 Hoa Tiêu gần mãn khóa, chỉ còn huấn luyện giai đoạn chót nữa mà thôi. Khóa 1 Quan Sát Viên dài 6 tháng, gồm 6 sĩ quan học viên:
    - Phùng Văn Chiêu
    -Nguyễn Đình Giao
    -Lê Minh Luân
    -Đỗ Khắc Mai
    -Đinh Thạch On và
    -Trần Phước.

    Tất cả sáu người chúng tôi đều là sĩ quan của các quân trường: Sĩ Quan Khóa 2 Quang Trung, Huế, Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định hay Thủ Đức và Khóa Sĩ Quan Nước Ngọt, ai cũng đã từng phục vụ bên Lục Quân ít nhất đôi ba năm. Nên có vẻ già dặn, không như những sinh viên sĩ quan trẻ trung vui nhộn, chọc phá nhau, nên trong số chúng tôi rất ít người có tên cúng cơm như Khóa 1 Hoa Tiêu.
    Sáu người cùng tốt nghiệp ra trường. Nhưng khi đổi tới 1ier GAO (sau này là Phi Đoàn 1 Quan Sát), dưới quyền chỉ huy của một Capitaine Pháp Cotet bấy giờ, chỉ có ba người là anh Nguyễn Đình Giao, anh Đinh Thạch On và tôi bay hành quân nhiều giờ nhứt vì anh Phùng Văn Chiêu đau hệ thống hô hấp, bay cao bị nghẹt thở, anh Đỗ Khắc Mai đau tai và anh Lê Minh Luân đau mũi. Trong khi đó, phía hoa-tiêu có trên mười người cộng thêm mấy hoa tiêu Pháp nữa, họ quần ba chúng tôi thở không ra hơi, có những hôm trời xấu làm tôi nôn mửa. Ngày nào chúng tôi cũng bay ít nhứt là hai phi vụ hành quân từ 7 tới 8 giờ bay.
    Nhớ hôm đó, tôi bay với Capitaine Cotet trong một phi vụ huấn luyện điều chỉnh tác xạ pháo binh cho Quân Trường Pháo Binh Phú Lợi. Xong phi vụ, chúng tôi đáp ở phi trường Phú Lợi, được vị chỉ huy của quân trường này chở chúng tôi vào Câu Lạc Bộ Sĩ Quan uống ly rượu mừng, chuyện trò vui vẻ ồn ào thì tôi đứng không vững nữa vì quá mệt, mong chóng tan tiệc để được trở về đơn vị nghỉ ngơi; bởi vì khi bay điều chỉnh tác xạ, Capitaine Cotet quẹo ngặt quá, làm tôi nhứt đầu chóng mặt, đến đỗi có khi tôi định bỏ mặc phi vụ nửa chừng, nhưng cuối cùng vẫn cố gắng hoàn thành.

    Một lần khác tôi bay hành quân với anh hoa tiêu Trần Bá Quy ở vùng Dầu Tiếng. Trước đó tôi đến 2ème Bureau (Phòng Nhì) của Pháp trong Căn Cứ Tân Sơn Nhứt lãnh một bản đồ hành quân., có đánh dấu mật mã (carte baptisée) trong đó ghi hướng tiến quân của các đơn vị Bộ Binh, các đặc điểm chính yếu như các trục giao thông, sông ngòi hay núi non. Chẳng hạn như Tây Ninh thì ghi Á, núi Bà Đen có tên C4,… Sau ba ngày bay hành quân, công việc trôi chảy; qua ngày thứ tư liên lạc giữa chúng tôi và anh Quy bị trở ngại vì hệ thống interphone hư, nên mỗi lần muốn quẹo mặt hay trái, tôi phải đứng dậy, vì với không tới, nắm vai hoa tiêu để ra dấu quẹo về mặt hay về trái. Trong lúc ra dấu xong, tôi chưa kịp ngồi xuống và buộc dây an toàn, thì anh Quy đã làm một cái quẹo rất ngặt về phía trái làm tôi té ngồi xuống sàn tàu bay, đầu óc choáng váng, tôi nhìn thấy bản đồ hành quân theo hướng cửa sổ bay ra ngoài mà không làm gì được, vì hôm đó, trời nóng nực, trong lúc bay, tôi đã mở cửa sổ cho thoáng, không ngờ vì hành động nông nổi này là một tai họa. May thay, lúc đó trời sắp xế chiều, nên tôi đã xin phép vị Chỉ Huy Trưởng Chiến Trường rời vùng hành quân.
    Phi cơ về đến đơn vị, tôi một mình lủi thủi vào Phòng Hành Quân, với lòng nặng trĩu đầy lo âu. Biết bao nhiêu câu hỏi bi quan cứ lẩn quẩn trong đầu óc tôi, chẳng hạn như: Nếu bản đồ mật mã kia lọt vào tay địch thì sao? Hoặc nếu quân bạn bắt gặp được bản đồ này thi hậu quả như thế nào? Cả hai trường hợp đều bất lợi cho tôi, có thể tôi bị đưa ra Tòa Án Quân Sự để xét xử và bị phạt tù. Tôi đứng ngồi không yên, mất ngủ mấy ngày liền, nhưng tôi không hề kể chuyện này cho ai, ngay cả anh Quy cũng vậy. Nhưng điều thực tế trước mắt là cuộc hành quân vẫn còn tiếp diễn, tôi phải làm sao bây giờ? Tôi tìm lục bản đồ vùng hành quân rồi dùng trí nhớ mấy ngày hành quân vừa qua, tôi thuộc lòng môt phần lớn các mật mã của những điểm trọng yếu trong vùng hành quân; tôi lấy bút chì màu cố ghi lại, mong sao có thể giống bản đồ kia chừng nào càng tốt chừng đó. May thay, cuộc hành quân đã vượt qua phần quan trọng trong mấy ngày đầu rồi, nghĩa là có chạm địch hay không cũng chỉ diễn ra trong thời gian đầu mà thôi; nay tới giai đoạn bình định, các đơn vị Bộ Binh đóng quân, giữ gìn an ninh để cho công binh xây dựng đồn lũy, vì vậy nên tôi cũng không phải sử dụng bản đồ mật mã nhiều để hướng dẫn Bộ Binh hay điều chỉnh tác xạ Pháo Binh. Cuộc hành quân tiếp diễn hơn một tuần lễ, mỗi ngày có hai phi vụ, tôi thi hành một phi vụ, rồi trao bản đồ mật mã lại cho anh quan sát viên phi hành đoàn kế tiếp. Nhưng từ khi tôi làm mất bản đồ mật mã, tôi tình nguyện bay luôn suốt ngày hai phi vụ, ai cũng cho rằng tôi bay hăng say, nhưng không ai có thể hiểu được nỗi khổ tâm của tôi lúc bấy giờ. Phần quá lo lắng, phần bay nhiều mấy ngày liền, tôi phờ phạc và gầy hẳn đi.
    Nhưng cũng chưa hết lo âu, vì sau khi hết hành quân, tôi phải đích thân mang bản đồ mật mã kia trả lại cho 2ème Bureau Pháp, vì trước kia tôi đã ký nhận. Khi bước vào phòng nộp lại bản đồ tôi hết sức hồi hộp, nhưng cũng cố trấn tỉnh, vừa chào hỏi xã giao viên sĩ quan Pháp, vừa trao bản đồ ra. Chúng tôi bắt tay nhau, nhưng nếu ai tinh mắt, chắc rằng sẽ thấy nét bối rối hiện ra trên vẻ mặt của tôi và tay tôi hơi run run, vì tôi sợ viên sĩ quan Pháp này kiểm điểm lại bản đồ mật mã thì sẽ nguy cho tôi, phải giải thích làm sao? May thay, chuyện này không xảy ra, viên sĩ quan Pháp nhận lấy bản đồ, kéo học bàn, bỏ bản đồ vào một cách thông thường tự nhiên, rồi nói lời cám ơn. Bấy giờ tôi mới yên tâm ra về. Nhưng chuyện này đã ám ảnh tôi mãi cả mấy năm sau. Cho tới bây giờ, tôi cũng không rõ ai, bạn hay địch, có bắt gặp bản đồ này hay không? Cũng có thể không ai nhặt được vì bản đồ này rớt ở một khu rừng già hay một rạch nước chưa có vết chân người đặt tới, rồi theo thời gian tự tiêu hủy vì phong sương.

    - Anh Phùng Văn Chiêu, có tướng là con nhà võ hơn hết, từ dáng người, điệu bộ, và cách ăn nói. Anh người Nam, to lớn, đẹp trai, có giọng nói ồm ồm, nên khi anh đối đáp với các huấn luyện viên Pháp chẳng khác gì là dân Gaulois chính cống. Anh là con người mau mắn, hay tình nguyện làm những công việc thay cho cả lớp học.
    Sau gần 20 năm cách biệt, bổng một hôm, tôi nhận được thiệp mời đám cưới của cháu anh Phùng Văn Chiêu tại Houston, nơi tôi đang cư trú, tôi hết sức ngỡ ngàng, tôi nửa tin nửa ngờ vì bấy lâu chúng tôi bặt tin. Nhưng tôi càng sửng sốt hơn nữa khi tôi gặp lại anh Chiêu tại tiệc cưới hôm đó. Hình dáng anh Chiêu thay đổi hẵn, chỉ có giọng nói vẫn như xưa. Nét đẹp trai, trẻ trung xưa kia biến đâu mất, nay khuông mặt xương và nhiều nét nhăn ở cổ. Anh cho biết lúc đó anh đang bịnh và từ Pháp mới sang Mỹ để dự đám cưới này. Vì biết tôi đang ở Houston nên mới gửi thiệp mời. Trong dịp vui này, anh Chiêu đã trỗ tài với nhiều bản nhạc tình Pháp tặng cô dâu chú rể. Thế mới biết, tuy bề ngoài hình dáng thay đỗi nhưng tính tình vui nhộn của anh Chiêu vẫn như thuở xa xưa.
    Nhân dịp vui, chúng tôi nhắc lại chuyện xưa, hồi năm 1954, khi Phi Đoàn 1 Quan Sát đóng tại sân bay Thành Nội, Huế, chúng tôi và nhiều anh em phi hành khác cùng phục vụ nơi đây. Hồi đó, chúng tôi khoảng 15 người, đang còn trẻ, dưới 25 trên 20. Ngoài giờ công vụ ra, anh em thường hay lái xe chở em út đi tắm biển Thuận An hay đi thăm lăng tẩm đền đài. Hoặc có nhiều anh trồng cây si ở các tiệm tạp hóa có người đẹp, nhưng chẳng có anh nào thành công nên vợ nên chồng... Riêng anh Chiêu ở bên trong Đồn quân sự Mang Cá, ngày ngày chỉ tà tà cuốc bộ ra cổng, thỉnh thoảng gặp anh em lái xe đi ngang qua, mời lên xe, anh Chiêu từ chối, lấy lý do đi tản bộ cho khỏe người. Thật vậy, anh bách bộ có vẻ thảnh thơi thong dong lắm, nhưng nếu ai để ý, sẽ thấy anh thường ghé một nơi, ở đó đã có người đẹp chờ sẵn. Anh Chiêu dấu diếm cũng phải, vì sợ các bạn phá đám, và hơn nữa sợ bị lộ tẩy vì trong 6 anh em, chỉ có anh Chiêu và tôi có gia đình mà thôi. Chỉ trong một thời gian ngắn chớp nhoáng kỷ lục, anh Chiêu đã để khổ, để lụy, để sầu và để…lại cho người con gái Huế, khóc hết nước mắt ngày tiễn anh Chiêu rời Cố Đô, xuôi về Nam…
    Và chính hôm nay, anh Chiêu nói với tôi, anh từ bỏ nước Pháp sang định cư tại Mỹ này cũng nhờ kết tinh của mối tình năm xưa ở Huế. Thật không ngờ con người đào hoa có khác. Mười năm sau, năm 1999, chúng tôi gặp lại nhau cũng tại Houston này, nhân dịp anh đến dự Đêm Không Gian do anh em Không Quân ở đây tổ chức hằng năm vào tháng 11, trông anh Chiêu lúc này khỏe mạnh hơn năm trước, hay nói cách khác, mười năm nay, anh Chiêu không già. Thế mới biết, bệnh tật làm cho thể xác tàn tạ.
    Về đời binh nghiệp, có lẽ anh Chiêu là vị sĩ quan đặc trách về yểm cứ lâu nhứt, từ khi căn cứ Không Quân Biên Hòa còn là Căn Cứ 3 Trợ Lực cho đến sau này trở thành Không Doàn Yểm Cứ của Sư Đoàn 3 Không Quân. Hiện nay, anh Chiêu đang ở vùng Los Angeles, California.

    - Anh Nguyễn Đình Giao, khi đang học với chúng tôi chưa có biệt danh; sau này vì muốn phân biệt với anh Trần Đình Giao có bí danh là De Couteau, dòng họ của Tổng Thống De Gaulle?! nên anh Nguyễn Đình Giao có tên cúng cơm là Giao Toét vì mắt anh mở lớn hơn người thường. Anh Giao, con người tròn trịa, từ đầu đến chân, khuôn mặt bầu bĩnh, đặc biệt có bộ râu quay nón, nên thỉnh thoảng có người gọi anh ta là Giao Fidel Castro, Chủ Tịch nước Cuba. Râu của anh Giao rậm, phải cạo hằng ngày mới không trông thấy. Nếu làm biếng không cạo, chỉ trong vòng đôi ba ngày, ai nhìn thấy cũng tưởng là dân Ả-rập.
    Những năm đầu khi mới tới định cư ở Hoa Kỳ này vì quá vất vả về mưu sinh, anh Giao làm biếng cạo râu, cứ để mọc tự nhiên. Nhưng chính vì sự kiện này là một trở ngại lớn trong vấn đề xin việc làm. Hồi đó tuy anh mới ngoài 40 mà đầu tóc và nhứt là bộ râu quai nón của anh bạc gần hết. Mỗi lần đi xin việc làm, anh Giao phải nhuộm tóc nhuộm râu, vì sợ bị chê già cả. Nhờ lối hóa trang râu tóc này mà anh được một trường đại học thâu nhận, nhưng anh đã phải trả một giá đắt vì bị phản ứng thuốc nhuộm tóc làm anh hư da đầu. Bởi vậy, kể từ đó, anh không nhuộm tóc nhuộm râu nữa, trở thành cụ già râu tóc bạc phơ làm ngạc nhiên những người cùng sở. Có nhiều người tỏ vẻ thương xót, ái ngại hỏi lý do tại sao mới ngày nào, cách đây chỉ vài tuần lễ trông trẻ trung mà sao nay chóng già như thế. Anh Giao trả lời vì quá lo lắng về công việc, sợ không chu toàn nổi (thực ra, công việc hiện nay đối với anh quá dễ dàng). Không ngờ câu trả lời ngay tình này lại có kết quả tốt. Kể từ sau đó, trách vụ của anh Giao nhẹ bớt đi.
    Khi học cũng như khi hành, anh Giao rất kỷ luật, bay bổng rất tận tâm. Nhớ hồi đầu năm 1954, hai chúng tôi biệt phái ra Đà Nẳng bay bổng chung với G.A.O. của Pháp do Capitaine Martin chỉ huy, chỉ hai chúng tôi là quan sát viên nên bay ngày bay đêm. Tối nào, anh Giao cũng tẩm bổ, tự nấu thuốc Bắc để uống.
    Khi có lệnh biệt phái một phi hành đoàn ra Bắc, lẽ ra tôi phải đi, nhưng anh Giao đã tình nguyện thay tôi, vì lúc ấy anh đang còn độc thân và có bà con ngoài ấy. Hết thời hạn biệt phái anh Giao trở về đơn vị, xin xuất ngoại học Khóa Điều Hành Viên (navigateur) và sau này anh còn học hoa tiêu quan sát nữa. Bởi vậy, anh Giao có tới ba bằng phi hành: quan sát viên, na-vít và hoa tiêu.
    Anh Giao đã từng là Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Không Quân Phan Rang, và chức vụ cuối cùng là Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 6 Không Quân. Chính bởi đặc điểm này làm tôi thắc mắc, vì với chức vụ Tham Mưu Trưởng là nhân vật trọng yếu thứ hai sau vị Tư Lệnh Sư Đoàn. Khi mất nước, hầu hết các cấp chỉ huy của Sư Đoàn 6 Không Quân từ vị Tư Lệnh cho tới cấp Tá đều bị bắt cầm tù, riêng anh Giao thoát nạn, tôi hỏi nguyên do. Anh Giao đã kể chuyện lại như sau. Chắc mọi người còn nhớ Sư Đoàn 6 Không Quân sau khi có lệnh rút lui khỏi Căn Cứ Không Quân Pleiku, về trấn thủ Căn Cứ Không Quân Phan Rang. Việt Cộng sau khi chiếm cứ toàn vùng Cao Nguyên, đã dốc hết toàn lực vây hãm Căn Cứ Không Quân Phan Rang cho đến khi tràn ngập Căn Cứ này vào đêm 15 rạng 16-4-75. Vì chỉ trước đó hai ba hôm, Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang, Tư Lệnh Sư Đoàn đã phái người cộng sự viên trực tiếp là cánh tay mặt của mình, vị Tham Mưu Trưởng Nguyễn Đình Giao về Bộ Tư Lệnh Không Quân để xin tăng viện. Chính trong thời gian nguy ngập này, Căn Cứ Không Quân Phan Rang thất thủ. Cũng như ngày 29-4-75, ngày Saigon loạn lạc sau một đêm bị Việt Cọng pháo kích vào thành phố và các điểm quân sự quan trọng của ta. Chính lúc ấy anh Giao đang bơ vơ ở khu Câu Lạc Bộ Huỳnh Hữu Bạc, chưa biết phải xử trí ra sao, bỗng nhiên có một trực thăng UH-1 đỗ ngay trước mặt, anh Giao như người máy, leo lên trực thăng rời Saigon lánh nạn. Khi gặp nhau hàn huyên, anh Giao nhắc tới hai biến cố thoát nạn hi hữu này, anh thường tự hỏi, tại sao lại có chuyện may mắn như vậy. Tôi trả lời thay anh Giao, vì anh đã có một đời sống đạo đức nên được Ơn Trên phù hộ. Thật vậy, cả lớp học ai cũng thương mến anh Giao vì bản tánh hiền hòa.
    Nay anh Giao và gia đình ở Costa Mesa, California, một thành phố nhỏ, yên lành. Anh vui thú điền viên - đúng với cả nghĩa đen lẫn nghĩa trắng - với cây kiểng, bông hoa, vườn tược. Trong vườn quanh nhà của anh trồng đủ những loại cây ăn trái, như hồng dòn, mận, pear, cam, quít, chanh, đặc biệt có cả cây thanh long nữa, làm tôi nhớ đến sản phẩm quí giá này tại Nha Trang. Ngoài ra, anh còn chăm sóc cho gần ba trăm gốc lan đủ loại, một vườn nhỏ cây long tu (aloe) và một dàn chậu hoa đủ màu treo lủng lẳng dọc vách nhà. Đặc biệt hơn cả là lối đi, anh đã trồng loại cỏ Đại Hàn mịn như nhung. Ai có thấy tận mắt mới phục tài anh Giao về cách sưu tầm, chăm bón tỉ mỉ và nhất là tính nhẩn nại ít người già sánh kịp.

    - Anh Lê Minh Luân chết rục tù sau những năm tháng bị đày đọa khốn cùng ở lao tù cộng sản, thật tội nghiệp, là người duy nhất của khóa chúng tôi ra đi vĩnh viễn. Hồi còn học chung lớp, anh Luân được anh em kính nể vì ăn nói đàng hoàng và giao tế lịch sự, đặc biệt là lối phục sức của anh rất chỉnh tề. Anh Luân người nhỏ thó, da mặt trắng bạch, có thể ví là một bạch diện thư sinh. Theo anh em ở tù ra kể lại, thì vào khoảng 1977-78, anh Luân bị giam cùng với các cựu Đại Tá khác của QLVNCH trong trại Cốc thuộc Liên Trại 1 ở Yên Bái, Hoàng Liên Sơn. Trại Cốc được cất bằng tre trong một khu rừng sâu nước độc ở kín giữa hai vách núi. Sau một công tác vét ao tù nước động lâu năm, anh Luân và hơn 10 người khác nữa, trong số đó có cựu Đại Tá Võ Quế, họ đều bị sốt xuất huyết, phải ra nằm bệnh viện để chữa trị. Bệnh viện nầy nằm ngay lối ra của cốc ngay trên lộ đất, dẫn từ Yên Bái lên xã Việt Cường sát sông Hồng. Tại bệnh viện này, có bác sĩ cũ của QLVNCH chữa trị. Sau một tuần lễ, anh Luân được xem như lành bệnh tuy chưa xuất viện vì còn yếu. Chính lúc ấy, anh lại ỉ y ra suối tắm gội hơi lâu. Chiều hôm đó, anh lên cơn sốt dữ dội và tắt thở trong đêm. Theo lời bác sĩ thì anh Luân bị nhiễm lạnh trầm trọng trong lúc trong người còn yếu thiếu sức đề kháng, nên anh bị sưng phổi nặng. Trước khi chết, anh em hỏi anh Luân cần gì không. Anh bảo:"Thèm một tách cà phê".

    - Anh Đỗ Khắc Mai là cái "rốn" của khóa, anh luôn luôn tỏ mình là người học rộng tài cao, nhưng kết quả ra trường cũng chẳng hơn ai. Anh hay làm mất thì giờ của các người khác trong lớp, vì anh thường hay tranh cải văn phạm (grammaire) hoặc đặt những câu hỏi ngoài đề tài bài học với huấn luyện viên người Pháp, bởi vậy giờ học thường bị kéo dài làm mọi người khó chịu.
    Anh Mai là con người đầy tham vọng, cho nên trèo cao té nặng. Những năm 1962-63 anh giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng, nhân vật thứ hai sau Tư Lệnh Không Quân, cựu Đại Tá Huỳnh Hữu Hiền vì lúc đó chưa có chức vụ Tư Lệnh Phó Không Quân. Nhằm lúc phong trào tố Cộng lên cao, anh Mai lợi dụng chức vụ đang nắm giữ, thường hay đến các Căn Cứ Không Quân tham gia những buổi học tập Tố Cộng để gây ảnh hưởng và thanh thế. Anh đã từng tham gia phong trào lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa vào tháng 11 năm 1963, nên đã được tưởng thưởng với chức vụ Tư Lệnh Không Quân và tự động thăng hai cấp, đang mang cấp Thiếu Tá, chỉ cách một đêm, sáng ngày mai mang lon Đại Tá. Tự động vì sau khi có nghị định điều chỉnh cấp bậc, anh Mai chỉ được thăng Trung Tá mà thôi. Sau đó đưởc bổ nhiệm làm Tùy Viên Quân Sự của Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Tây Đức hồi bấy giờ. Hết nhiệm kỳ, anh Mai được lệnh triệu hồi về nước, nhưng anh đã bất tuân, ở luôn tại Pháp cho tới ngày nay.

    - Anh Đinh Thạch On , học viên khóa sinh trẻ tuổi nhất lớp, hiền lành và rất ít nói không những trong khi giao tế mà ngay cả lúc thi hành công tác cũng vậy. Tuồng như bắt buộc lắm anh mới đối đáp, anh ăn nói rất nhỏ nhẹ. Không những ít nói mà anh On còn ít cười nữa. Anh cười bằng đôi mắt hơn là bằng miệng, nếu có cười, anh chỉ cười nửa miệng thôi, dẫu câu chuyện có vui cách mấy. Nhớ những khi chúng tôi thay phiên công tác đang bay trên trời cũng chỉ nói hết sức ngắn gọn, đúng như áp dụng văn thư quân đội vậy; rõ ràng, chính xác, ngắn gọn. Chẳng hạn như:
    - A lô Phi Yến 2, đây Phi Yến 3, tôi đến thay anh đây.
    - A lô Phi Yến 3, Phi Yến 2, tôi thấy anh rồi. Khoảng một giờ nữa sẽ có 3 chim ưng đến giúp anh.
    - Phi Yến 3 hiểu. Phi Yến 2 anh về bình an.
    - Cám ơn.
    Anh On người vạm vỡ khỏe mạnh suốt thời gian học, chiều nào anh cũng ở trần trùng trục tập thể dục và tấm biển, đây là một trong những thú vui thích lành mạnh của anh. Không giống như một số anh em học viên khác trong đó có tôi, có thói xấu, ngoài giờ học thường hay châu đầu vào bàn vuông, xoa mạc chược.
    Anh On học hành rất đàng hoàng, bởi vậy, anh là người thành công nhất của khóa chúng tôi sau này về chức vụ cũng như chuyên môn. Anh đã trở thành hoa tiêu vận tải và giữ chức vụ Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 5 Không Quân cho đến ngày mất nước. Nhớ tối ngày 28-4-75, khi hay tin có lệnh di tản gia đình quân nhân ra đảo Phú Quốc, tôi đã đến Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 Không Quân để xin cho gia đình được di tản, nhưng không được cố Chuẩn Tướng Phan Phụng Tiên, Tư Lệnh Sư Đoàn chấp thuận. Tôi thấy anh On, Tư Lệnh Phó, ngồi bên cạnh, nhưng chúng tôi chỉ trao đổi nhau bằng ánh mắt thay cho lời nói, vì tôi biết rất rõ tinh thần kỷ luật của anh On, chuyện gì cấp trên của anh không chấp thuận thì không bao giờ anh vượt quyền. Có lẽ vì vậy mà anh On được ở yên ở chức vụ Tư Lệnh Phó, một chức vụ mà nhiều hoa tiêu vận tải kỳ cựu hơn anh rất mong muốn. Thông cảm như vậy nên không bao giờ tôi trách anh On.
    Sau này lưu lạc, chúng tôi gặp nhau tại nhà anh chị On ở Grand Prairie, gần Dallas, Texas, lúc ấy anh đang bay chở hàng hóa cho một công ty vận tải Hoa Kỳ. Tuy chúng tôi ở cách xa nhau hằng 4-5 giờ lái xe hơi, nhưng chúng tôi thường tham dự đám cưới qua lại của các con cái. Có lần chúng tôi ăn cơm chung tại một nhà người bạn vận tải ở Houston, lần gặp gỡ nào tôi cũng không bao giờ nhắc lại chuyện cũ. Nhưng chính chị On đã phiền trách anh On đã không đưa gia đình bà con bên vợ ra khỏi nước. Vẫn bổn tánh cố hữu, anh On làm thinh, không nói một lời. Vì muốn chị On thông cảm, lúc đó tôi mới kể lại chuyện trước kia tôi xin di tản gia đình ra Phú Quốc mà không được, để chứng minh rằng anh On không có thực quyền trong những ngày cuối mất nước. Và anh là con người kỷ luật, ngay vào những giờ phút nguy nan, anh vẫn tôn trọng triệt để lệnh cấm trại, luôn luôn ở cạnh vị Tư Lệnh, cấp chỉ huy trực tiiếp. Đã không có thực quyền lại không có thì giờ, thì làm sao chu toàn cho tất cả bà con nội ngoại được, và nhứt là tình hình xãy đến quá đột ngột, ngay gia đình tôi cũng là một nạn nhân, con gái đầu lòng của chúng tôi cũng bị kẹt lại, huống hồ là bà con xa.
    Nay các con cái anh chị On khôn lớn đều lập gia đình và thành tài, có mấy người con trai đỗ đạt y khoa bác sĩ, nên anh chị đã về hưu vui thú tuổi già, bồng bế các cháu nội ngoại và hiện đang sinh sống tại vùng Panama City Beach, Florida, nắng ấm quanh năm, rất thích hợp với những người già.

    Một khóa học 6 người, đã điểm danh 5 người rồi, còn một người nữa là ai? Xin thưa, chính tôi đây. Nói về tôi là chuyện không ai thích ngay cả người tự thuật và người nghe. Vì thông thường ai cũng muốn đánh bóng mình, nên làm cho người đọc thấy khó chịu vì có những điều quá lố hay không đúng. Nhưng vì bản tánh tò mò, ai cũng muốn biết tại sao tôi lại có cái tên cúng cơm* lạ lùng, không giống lẽ thường, là tên cúng cơm nói lên rất đúng về một nét hay điểm độc đáo về hình dáng, như: sứt, sún, sẹo, lùn, cò, heo, phệ, đen, nâu, vân vân… hay cá tính đặc biệt của một người, như: khào, khùng, ngắn, ngứa, phét, vân vân...
    Chẳng hạn như trùng tên với tôi, có người mang tên Lục, vì có 6 ngón tay, có người tên Nùng, vì dáng người giống hệt người Thượng Du Bắc Việt, tuy anh bắn súng rất giỏi nhưng không ai gọi anh ta là Súng, có ngưới mang tên Volley vì anh ta đánh volley hay. Riêng tôi mang danh Mệ có ý nghĩa gì đây. Cách nay 15 năm khi viết bài đầu tiên Những Ngày Xa Xưa cho đạc san Ngàn Sao, tôi đã có giới thiệu biệt hiệu của tôi, cũng như gần đây chưa đầy hai tháng cũng tạ tờ đạc san Ngàn Sao này, xuất bản nhân đêm Không Gian ngày 18-11-2000, và ngày trước đó, trong đêm khu trục, tôi đã bạch hóa cũng như nói rõ về bút hiệu hay tên cúng cơm của tôi, nhưng nay tôi cũng xin nhắc lại vì hãy còn nhiều thiếu sót. Tuy danh hiệu Mệ có hai nghĩa: Tôn Thất và Già Cả. Nghĩa già cả mới thật oái oăm, đeo đẳng tôi suốt đời.
    Xin nhắc lại, lúc trước khi Không Quân mới thành lập, đa số anh em Không Quân nói tiếng Bắc hay tiếng Nam, rất ít người nói tiếng Trung, tượng trưng là tiếng Huế. Ngay cả những người sinh trưởng ở Huế, cũng nói lơ lớ để cho người khác dễ hiểu. Riêng tôi nói tiếng Huế rặt, không bao giờ thay đổi, ai hiểu được càng tốt, không hiểu cũng không sao, tôi không hề quan tâm. Bởi thái độ tỉnh bơ này nên mấy anh em, trong đó có anh Từ Bộ Cam, nói tiếng Bắc và tiếng Huế rất sỏi, nói đùa, tôi là Mệ, người Tôn Thất. Tôi phân bua rằng, chính anh Cam mang họ Từ, mới là Tôn Thất thuộc họ ngoại, cùng họ với bà Từ Cung, mẹ của vua Bảo Đại. Thật sự, tôi không biết rõ bà con xa gần, thứ bậc như thế nào, chỉ nói qua lại cho vui nhộn mà thôi. Nhưng ai cũng biết, làm sao tôi thắng nổi anh Cam về tranh luận, lại thêm anh Phạm Long Sửu người Huế phụ họa nữa. Ban đầu chỉ là đùa giỡn, nhưng gọi riết đâm quen, dẫu tôi cải chính mấy cũng không được.
    Danh từ Mệ, có thể là một tước hiệu trang trọng dành cho những người hoàng tộc, bất cứ đàn ông hay đàn bà, con vua cháu chúa, giòng họ Nguyễn Phước, nhưng tôi lại không phải, mang họ Trần. Tôi chỉ nhận tôi là Mệ, nghĩa là một bà già, người Huế gọi ông bà là Ôn Mệ. Đối với tôi rất đúng.

    Năm 1952, tôi mang lon Trung Úy hai vạch vàng, tôi về Saigon công tác ở tại Camps des Mares, đường Frère Louis, hồi đó, nước ta còn dưới quyền đô hộ của thực dân Pháp, nên tên doanh trại và các đường sá đều mang danh từ Pháp. Hôm đó, tôi đứng đợi xe ở cổng gác, bổng một anh lính gác tiến lại và chào tôi, rồi khen tôi còn trẻ mà đã làm Quan hai. Tôi vui miệng hỏi lại Anh đoán tôi mấy tuổi mà cho rằng trẻ. Anh ta trả lời không ngập ngừng Quan độ dưới 45 và trên 40. Tôi chột dạ, tự nghĩ, mới có trên 20 mà già đến đỗi họ đoán tuổi gâp đôi. Cũng vừa xe Jeep mới trờ tới nên tôi cắt ngang câu chuyện, lên xe về phi cảng Tân Sơn Nhứt để đáp máy bay về lại đơn vị ở Huế vì lúc đó tôi còn ở Lục Quân.
    Năm 1970, tôi hớt tóc ở một tiệm ở đường Nguyễn Huệ, người trẻ hớt tóc tôi xong, rồi mời tôi chuyển sang ghế kế bên cạnh để cho một ông già cạo râu cạo mặt. Vừa thấy tôi, ông già bảo Cụ tuy già nhưng người còn khỏe mạnh, bằng chứng là tóc cụ cứng và thẳng đứng. Nghe vậy, tôi hỏi lại* Ông đoán tôi bao nhiêu tuổi?*. Ông già trả lời ngay*Cụ độ dưới 75, trên 70*. Thất vọng ơi là thất vọng, tôi mới ngoài 40 mà già cở trên 70. Mười tám năm qua, tôi ở Không Quân, thường nghe người ta khen lính Không Quân nói chung, giới phi hành nói riêng, trong đó có tôi, là những chàng phi công hào hoa phong nhả, tôi cũng hãnh diện lây, nay nhớ lại lời nói thật của ông già cạo râu kia, tôi mới cảm thấy xấu hổ.
    Nhưng không ngờ sự già nua của tôi bên cạnh nhà tôi làm nhiều người chướng mắt, họ sỉ vả chúng tôi tận mặt. Đó là lúc chúng tôi ở tại trại tị nạn Orotes, Guam, hằng ngày gia đình chúng tôi cũng như mọi gia đình tị nạn khác, sắp hàng để xin cơm ăn. Các con cái chúng tôi đứng trước, rồi mới đến nhà tôi, còn tôi đứng sau chót. Mấy người sắp hàng kế bên họ chửi ngay vào mặt chúng tôi, rằng thằng già dịch bỏ vợ, vất con ở đâu mà đem con đĩ xí xọn theo. Nghe vậy, chẳng những tôi không giận mà còn cười thầm trong bụng, vì đâu có mắc mớ gì, chuyện nhà ai nấy biết.
    Buồn cười nhứt là khi mới vào trong nội địa đất Mỹ, chúng tôi phải khai báo các giấy tờ ở sở di trú để xin Thẻ Xanh. Chúng tôi khai một dọc 10 đứa con. Nhân viên hữu trách kiểm soát lại giấy tờ, họ cứ hỏi đi hỏi lại năm sanh của nhà tôi và hỏi trong số mười đứa con, những đứa con nào là con của vợ trước và đứa nào là con của nhà tôi, làm nhà tôi có vẻ thẹn thùng và bực mình lắm. Chúng tôi đoan chắc chỉ kết hôn một lần và tất cả mười đứa kia đều là con của chúng tôi.. Họ có vẻ nghi ngờ, may thay, tôi có mang theo đủ giấy tờ liền đưa ra để chứng minh. Mọi người đều mở tròn xoe mắt.
    Xong, chúng tôi chào để ra về, liền có một nhân viên bảo chúng tôi nán lại. Chúng tôi chờ khoảng mươi phút với lòng hết sức băn khoăn. Bỗng cánh cửa sực mở, một nhân viên từ văn phòng bên trong tiến ra, trao cho chúng tôi mười mấy Thẻ Xanh vừa bọc mica đang còn nóng hổi. Giờ đây chính chúng tôi há hóc mồm vì quá sung sướng về sự cấp phát nhanh chóng này, thường tình phải đợi cả đôi ba tháng. Tôi nghĩ, không những đây là kết quả của sự chứng minh giấy tờ đầy đủ, mà còn là một kỳ tích đối với họ, chứng kiến một ông già khọm có bà vợ trẻ măng sanh mười đứa con.
    Một hôm, tôi làm mất chìa khóa vào nhà, tôi bèn lại sở làm việc kiếm nhà tôi ở đó. Đến nơi, gặp một cô nhân viên Việt Nam, tôi liền nhờ nhắn cho tôi gặp nhà tôi. Tôi ngồi đợi cả 10 phút, chưa thấy nhà tôi ra, nhưng thỉnh thoảng tôi thấy mấy cô Việt Nam đi ngang qua nhìn tôi. Sau đó, nghe nhà tôi kể lại, họ nhắn có ông già dịch muốn chị. Khi trao xong chìa khóa nhà cho tôi, nhà tôi trở vào bảo rằng chính là chồng mình. Các cô Việt Nam kia đều đồng thanh chê bai nhà tôi quá khờ dại, và khuyên nên bỏ đi, lấy chồng khác trẻ đẹp hơn, họ sẽ giới thiệu cho.
    Những ngày kế tiếp có lần bắt buộc phải đối diện khi có những bữa cơm thân mật tổ chức tại một vài gia đình trong nhóm các chị làm việc cùng sở. Các cô Việt Nam kia khi gặp lại hai chúng tôi không biết phải xưng hô làm sao, vì từ trước tới nay, họ gọi nhà tôi bằng chị, nay không thể gọi tôi bằng anh, vì tôi quá già, hoặc ngược lại, nếu gọi tôi bằng bác thì không thể gọi nhà tôi bằng bác được, vì nhà tôi quá trẻ. Muốn đánh tan sự lúng túng kia, tôi liền bảo Quí chị cứ tự nhiên, gọi nhà tôi bằng chị, gọi tôi bằng bác, có sao đâu. Mấy cô kia liền xin lỗi nhà tôi, bấy lâu cứ gọi nhà tôi bằng chị mà lẽ ra phải gọi bằng bác mới đúng. Nhà tôi cười, trả lời Được gọi bằng chị, tức là trẻ và thân mật hơn, sung sướng còn gì bằng. Cách xưng hô này vẫn tồn tại cho tới ngày nay.
    Có những lần các bạn bè thân còn trêu tôi nữa, bảo rằng tốt mái hại trống, tôi xấu hổ, riêng nhà tôi có vẻ bực mình lắm. Có hôm tôi giới thiệu nhà tôi với một ông bạn trẻ mạc chược, ông ta há hốc mồm, ú ớ, không biết phải chào hỏi làm sao. Tôi sao lại bổn cũ, bảo cứ gọi tôi bằng bác, nhà tôi bằng chị.
    Năm 1991, tôi với một ông bạn lớn hơn tôi độ năm tuổi, tôi xem như anh, thường hay đi xoa với nhau. Hôm đó, tôi đến nơi xoa mà chưa thấy ông ta tới. Tôi điện thoại tìm kiếm, mới hay ông ta đang nằm tại nhà thương. Tôi tức tốc đến nơi, đang lúc ông ta đang ở trong phòng giải phẫu vì đứt động mạch chính dẫn máu lên đầu, tức là aneurysm. Sau khi giải phẫu, ông ta bị mê man mấy tuần lễ liền. Ngày nào tôi cũng đến nhà thương thăm, đứng cạnh giường chừng mươi mười lăm phút rồi lặng lẽ ra về. Một hôm sau đó, như thường lệ, tôi đến thăm, muốn vào phòng bệnh phải đi ngang qua phòng y tá trực. Lần này vừa thấy mặt tôi, liền có mấy cô y tá đi theo tôi với vẻ mặt hân hoan, họ báo cho tôi: Congratulation! Your son was recuperating (Con của ông đã tỉnh lại). Vừa nghe, tôi hết sức ngạc nhiên, nhưng sực nhớ lại tác già của mình, tôi bèn trả lời Thank God and Thank you too (Cám ơn Chúa và cám ơn các cô nữa). Thật hết nước nói, lúc đó tôi mới trên 60 thôi mà đã già đến thế ư? Già đến đỗi người ta tưởng tôi là "Father" của một người ngoài 60. Nay thêm mười tuổi nữa thì tôi già đến cỡ nào? Và cho dẫu nhà tôi hiện lâm trọng bệnh đúng 9 năm nay, thân xác tàn tạ cũng không già bằng tôi.

    Điểm danh Khóa 1 Quan Sát Viên chúng tôi có sáu người, qua những bước thăng trầm của đời binh nghiệp của mỗi người khác nhau, kẻ may mắn, người xui xẻo, kẻ bon chen, người tà tà, nhưng cuối cùng vẫn bắt kịp nhau ở cấp Tá tột cùng. Điều hết sức may mắn, nếu như so sánh về số thọ vì chiến tranh tàn khốc, thì khóa chúng tôi chỉ có một bạn ra đi vĩnh viễn, còn tại thế 5 người, bách phân mất mát chưa đầy 20%. Và một điều may mắn nữa là năm người hiện còn sống đang an hưởng tuổi già tại các nước tự do, trong khi còn biết bao chiến hữu và đồng bào ruột thịt đang sống thiếu tự do và vật lộn với chén cơm manh áo. Xin cám ơn Thượng Đế.

    Ngày 16 tháng 1 năm 2001
    Mệ



    Last edited by Phòng Trực; 02-11-2013, 08:41 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X