Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tết Nhớ Nhà

Collapse
X

Tết Nhớ Nhà

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tết Nhớ Nhà

    Tết nhớ nhà, nhớ lung tung…

    Ai đã từng ra đi mà không nhớ quê nhà, nhất là vào những dịp xuân về. Cái nhớ quê cũng chia ra nhiều cách nhớ và kiểu nhớ.

    Ở châu Mỹ, nếu muốn về quê, chỉ cần ngồi máy bay 14 tiếng thì sẽ nếm được cảnh ồn ào, nóng bức, thân quen của quê mình. Tiếng còi xe, cảnh chen lấn, hối hả như đang chạy trốn khỏi trần gian vậy.

    Nhưng không hẳn “chỉ cần 14 tiếng” đâu bạn ơi, khi 14 giờ bay không hẳn là sự chia cách, mà hẳn là sự chia cách nào đó, đã làm cho mình cảm thấy bị ở xa hơn không gian của một đại dương, và lâu hơn cả tuổi của đời người.
    Cái không gian cách xa hiện tại đã nối liền bởi internet, điện thoại dùng facetime, mà hẳn chỉ bấm 1 nút trên iPhone 4, bạn sẽ nói chuyện và thấy luôn cả gương mặt người thân bất cứ nơi nào trên quả địa cầu nầy (không tốn 1 xu, nếu gọi giữa iPhone, tôi không có quảng cáo cho Apple đâu).

    Dù tiến bộ của khoa học đã mang thế giới chúng ta gần lại hơn bằng không gian ảo. Nhưng hơi ấm khi ngồi bên người mẹ chờ con suốt bao năm, để ôm vào lòng với bao nhung nhớ, ngửi mùi luá mạ hãy còn xanh, bên ruộng nước đầu muà, làm sao tiến bộ của khoa học có thể thay thế được?

    Cách đây hơn 30 năm, tôi có dịp chứng kiến sự việc xảy ra khi người vợ từ VN gọi qua cho chồng ở Mỹ, (nhờ đường điện thoại của Canada. Dạo đó, 3 phút đầu là 12,5 USD, mỗi phút kế 3,5 USD. Cộng thêm tiền dịch vụ 25 USD, cộng thêm chuyến du lịch qua miền đông Canada .Windsor, Ontario, trong đó có tiền khách sạn, ăn ở 2 ngày, không dưới 1000 USD nếu ở cận đông. Nếu ở Cali thì phải mò qua tận Vancouver để nhờ điện thoại miền Tây Canada, khách sạn chặt giá cắt cổ. Vì ở VN thời bấy giờ chưa ai có điện thoại nhà, phải ra Bưu Ðiện để nhờ nhắn tin qua lại, trước khi nối đường dây cho 2 bên phải mất cả ngày.)

    Nhưng khi vợ chồng liên lạc trên điện thoại, lại phải tốn tiền 20 phút để khóc, trước khi được hân hạnh nghe tiếng vợ mình ở quê nhà, lần đầu tiên sau bao nhiêu năm không được liên lạc với bất cứ hình thức nào. (vì là operator cho tổng đài điện thoại chui, nên tôi ghi lại những câu chuyện vô cùng đau buồn lúc 2 bên nói chuyện)…

    Bên Mỹ: “Mình hả?”

    Bên VN: "Em nè mình”

    Thế rồi điện thoại ngưng, chỉ nghe tiếng nấc thút thít, nghẹn ngào chừng 5 tới 10 phút, rồi lại tiếp “Gia đình khoẻ không mình?”

    Bên kia: “Dạ” rồi khóc tiếp… 5 ,10 phút..


    Có lần tôi hỏi người đàn ông đã mất gần 100 đô sau cuộc điện thoại. Hắn bảo rằng, tốn cả nghìn đồng làm chuyến du lịch qua Vancouver nghe vợ con khóc, thế mà vui.

    Tôi hỏi sao anh không nói gì cả??

    Hắn bảo: Có gì để nói hơn tiếng khóc đâu bạn ơi, khi tiếng khóc chính là ngôn ngữ sự nhớ thương, lời nói nào còn quan trọng nữa, tiếng khóc thay lời chân tình của những người thân, tưởng chừng không bao giờ gặp lại. Lúc đó tiếng khóc nó hạnh phúc làm sao, khóc trong hạnh phúc, khóc thay cho sự vỗ về, an ủi những năm xa vắng, đó là món quà Tết cho mẹ con nó.

    Trời ơi, người đàn bà nào đó, có lẽ sung sướng lắm, đang giữa trưa nóng bức ở một bưu điện nào đó tại VN, rất hạnh phúc nghe được tiếng nói của chồng mình, sau một lần chưa bao giờ giã từ, rời quê hương theo định mệnh. Bây giờ sự trùng phùng ngắn ngủi là viên thuốc hồi sinh, để những ngày tháng tảo tần, thay chồng nuôi con, giờ đây tìm lại sinh khí của cuộc đời!!

    Ngày Tết là thế đó, đôi khi chúng ta vật lộn với cuộc sống hàng ngày, thế rồi vì cơm áo gạo tiền, làm quên đi một số quyền sở hửu, quyền… Nhớ Nhà.

    Nhớ nhà chỉ có hai chữ thôi, mà bao gồm hàng hà ý nghĩa, có lẽ bút mực rất khó diễn tả cho đúng cái nỗi nhớ của từng cá nhân. Riêng tôi, dù hơn 6 bó, gần đất xa trời… nhưng tôi vẫn còn nhớ những lần miệt mài dưới mái trường xưa, nhớ những tháng mưa, lộ 20 sình lầy làm ướt áo… người ta, nhớ lúc tan trường kẻ trước người sau, dù không nói một lời, nhưng hình ảnh đó, có lẽ ghi tận tim mình một vết sâu, mà ít khi nào “bị quên”. Nếu những lần chứng kiến cảnh mưa như trút ở quê mình, thì cuồn phim năm cũ sẽ chiếu lại vài đoạn, mặc dù thời gian có thể làm cho hình ảnh phai mờ, nhẩy múa, nhưng không thể xoá hẳn được, nhất là lúc xa nhà, lúc mà quê hương ngàn dặm xa, còn mình thì chẳng có… tăm hơi gì cả. Cảnh xa vắng ngày Tết, làm sao mà chuyện “cổ tích 40 năm đời mình” bị phai mờ cho được.

    Còn nhớ ngày cuối năm, má tôi xuống chợ Cần Thơ vào những ngày cận Tết, để mua sắm cho thật rẻ, vì anh em quá đông, nên chuyện ăn mặc ba ngày Tết là điều xa xỉ. Bà gói mấy bộ quần áo hãy còn nghe mùi hồ (loại vải rẻ tiền), để sau giao thừa, bà sẽ trao cho mỗi đứa một bộ đồ mới, một bao lì xì “ốm nhom, mỏng dính” gọi là lộc đầu năm, chỉ mở ra lúc giờ rước ông bà trên bàn thờ.

    Dạo đó niềm mơ ước của thằng bé như tôi, 11 tháng còn lại trong năm có vẻ dài lê thê, tôi chỉ muốn sống cho tháng giêng mà thôi, bởi thế tháng giêng bị qua mau, làm tôi già trước tuổi.

    Bây giờ già rồi, má tôi bà đã không còn nữa, cô bạn cũ năm xưa chắc cũng đã rụng răng, nhăn nheo, tóc bạc phơ, ngôi trường cũ giờ đây tường ngói phai mờ theo năm tháng. Thằng bạn già Nguyễn Xuân Như (Học trò Phan Thanh Giản) năm xưa, khi 2 thằng trốn học, đi lang thang đại trên lộ Hoà Bình, mổi thằng một điếu Cotab, lúc bọn nầy phung mây nhả khói tứ tung thì gặp ngay thầy Khoẻ (Giám Thị T.H. Phan Thanh Giản Cần Thơ)

    Thằng Tân, thằng Như, tao méc má mầy cho coi, 2 thằng trốn học hút thuốc lá hén. …

    Trời ơi coi ổng nghiến răng kià trời... Phen nầy bị cấm túc là chắc.

    Thầy ơi! giữa thập niên 60, lúc tụi con còn nhỏ, chỉ có 14 tuổi đầu, bọn học trò trời đánh thánh đăm, một lũ mất dạy vô số tội, đã làm cho thầy bận tâm. Hôm nay nhớ lại hơn nữa thế kỷ rồi, thằng Tân và thằng Như chưa đến đỗi đi ăn trộm gà trộm vịt, tụi con cũng cố gắng học hành đó chứ, nhưng sao mê chơi hơn mê học, mê thuốc lá thổi vi vu, mê đại lộ Hoà Bình bóng mát, mê mấy em Ðoàn Thị Ðiểm trong chiếc áo dài hay hay, lòng tụi con vẫn còn ghi nhớ sự săn sóc tận tình của thầy, mãi cho đến nay, tóc tụi con đã bạc, mỗi đứa trôi dạt khắp 5 châu, như lục bình đã trôi ra biển, khó mong trở lại, tụi con làm sao quên cho được? Những tháng năm trung học là một trời kỷ niệm.

    Như ơi! Tại mầy mà tao ghiền hút thuốc lá!! Tao và mầy là 2 thằng đội sổ cả lớp, không biết mắc cỡ, còn liên luỵ cho bạn bè (thằng Kiểu ở Xóm Củi Nhà Ðèn). Nhớ gương mặt héo như lá chuối khô của mầy, dáng đi cong queo, nụ cười sỏi đá.(cười như đang khóc). Bây giờ mầy đang làm gì? Bên vợ con và cháu nội ngoại!!?? Vâng, mầy có nghèo hay giàu cũng chẳng sao, miễn sao mỗi ngày còn ăn cơm chung với gia đình, còn nghe tiếng rao bán hàng mỗi trưa, còn nghe tiếng gà gáy mỗi sáng, còn chứng kiến cảnh nắng mưa 2 mùa, còn nhìn dòng sông Cái Răng uốn khúc, còn nhìn bến đò qua sông nhỏ (ngã ba Hợp Tác Xã), để còn biết rằng mình vẫn chưa đánh mất thời kỷ niệm xa xưa, thứ tài sản hồn nhiên, mà ít có thứ gì có thể thay được đó là nỗi nhớ, vì còn hân hạnh đang ở nơi chính trên quê hương của mình.

    Còn tao, có lúc giàu, có lúc nghèo, thăng trầm chóng mặt, bây giờ thì già rồi, sắp về hưu, (rượu, thuốc xin chừa, vui với muối dưa). Nhớ chuyện năm xưa quậy phá của 2 thằng mình. Hơn nửa đời người rồi mà cứ ngỡ như hôm qua. Bây giờ tìm đâu ra thời hoa niên, những hình ảnh đẹp những ngày nắng mưa tuổi học trò.

    Cuộc sống nơi đây của tao cũng chẳng thiếu thứ gì, nhưng lòng mình vẫn thấy trống vắng cái gì đó, mà tiền bạc có thừa cũng chưa chắc tìm lại được, đó chính là hình ảnh quê hương, kỷ niệm thời hoa niên, những con đường bên cạnh trường PTG, hẻm Hai Ðịa, Cà Phê P40, nơi đó hẳn là kỷ niệm vào đời của 2 thằng, làm sao tao quên cho được. Có lúc tao sống y như thầy tu, cũng trường chay, giới sát, để bù lại những lỗi lầm quá khứ, mong rằng đời sẽ bỏ qua cho tội “bất khả dụng” của mình.

    Có lúc hồi tưởng lại, nhưng hình dung mãi không ra đâu là quê nhà. Vì quanh đây tuyết phủ quanh năm, quê người chứ không phải quê mình. Mình là loại chó cơm, chỉ nên quanh quẩn bên quê nghèo, lượm cơm đổ, chắc cũng chẳng no lòng lắm đâu. Ðừng sống với định mệnh, nhất là thứ định mệnh mà không do chính mình lèo lái, ai bảo sao nghe vậy, thà sống ở quê, như cây vú sửa nặng quằn, mỗi năm cho trái chín, yên phận hèn mạt cho xong đời. Thế gian sao lắm nghiệt ngã, con người không khéo sẽ bị đắm chìm trong vật chất hư ảo. Thôi thì sáng cháo, chiều rau, tìm lại chính mình trong đời sống giản dị của thế nhân.

    Như ơi! mầy có bao giờ nhớ quê không? Mầy có bao giờ thấy thiếu, khi sống giữa vật chất dư thừa mà lòng mình khắc khoải nhớ quê. Có lúc tao cũng muốn uống cho say để quên đi chuyện quê mình, nhưng khi tỉnh lại thì buồn lại càng buồn. Ngày cuối năm là như thế nầy sao Như??? Tao đâu có ý định biệt xứ lâu như vậy??? Bây giờ cuối đời rồi, phải làm sao? Tao có tự hỏi mình hoài, mãi đến giờ chưa trả lời được. Năm nào cũng thế, hồi còn bé tao mê Tết bao nhiêu thì bây gìơ tao chán Tết bấy nhiêu. Vì Tết chính là lúc mình cô đơn nhất, đáng lẽ không phải cô đơn như vậy. Tại sao, tại sao?? Khi những tờ lịch treo tường cứ rơi rụng theo tháng năm, tóc cứ thế mà bạc dần, tuổi đời cứ thế mà chồng chất. Khi ra đi chỉ mới có 27, mà nay đã 62. Trời ơi còn gì đời trai nữa!

    Tao ghét mình lắm, có những chuyện tao nghĩ rằng mình đã quyết định đúng, nhưng sau một thời gian, khi cái bao tử không còn cồn cào nữa, thì ra, mình còn những nhu cầu khác nữa, có cái sắm sửa được, có cái mua hoài mà không ai bán, không ai cho… đó chính là… Nỗi Nhớ.

    Cái thằng cha Lam Phương bảo rằng “Cuộc đời là hư vô, bôn ba chi xứ người, khi mình còn đôi tay…”. Tao không thích bài hát đó, nhưng chính cuộc đời mình đã phải vô tình, hát đi hát lại những nhiều lần trong đời. Lâu dần, tao thấy thắm thiá, con người mình cứ thay đổi mãi, tao chẳng biết mình là ai? Tao còn đôi tay mà, nhưng đôi tay của những người tài hoa và đi kèm theo bộ não tinh khôi kìa. Còn đôi tay của thằng phi công phải gió, đã bi lệnh tan hàng khi tuổi mới đôi mươi, phải xa bầy, trôi dạt khắp 5 châu. Hôm nay ngồi đây nơi xứ lạ, giữa chốn tuyết phủ mịt mờ... trời ơi! những ngày Tết là như thế nầy sao?

    Có lúc tao thấy tên tuổi, địa vị, gia cảnh, tín ngưỡng, nghe sao mà mệt đừ, lộn xà ngầu. Những thứ giả nầy còn ám ảnh tao hoài. Cố đi tìm sự khác biệt, nhưng cái khác đó không hẳn đã tốt, nhưng phải trả cái giá đắc quá. Cũng may chưa quá đà. Ứớc mơ của mình thì nhỏ xíu, lo xa chi cho mệt.


    Chiều cuối năm, bến Ninh Kiều ngày nào, những lần trốn học, tôi đã thấy những gợn sóng nhìn qua xóm chài, những cụm lục bình nổi trôi, ví như cuộc đời mình cứ lang thang mãi đến bao giờ, nhìn mấy cô gái dáng nhỏ nhắn, chèo đò qua sông, sóng nước nhấp nhô, các cô cứ vừa chèo vừa hất chiếc dầm sao cho cân bằng với con nước ngược, một chân duổi thẳng, một chân co ra phiá sau để kẹp tay lái bằng nạng gỗ. Tôi chạnh nhớ tới đời mình, chỉ một lần qua sông sao?? rồi bao giờ trở lại??? Ðể về bến Ninh Kiều với cặp sách trên tay, uống ly nước mía, để đừng bao giờ quên rằng mình vẫn còn một chỗ để nhớ, một chỗ để về, nơi đó là Quê Nhà.

    Buồn lắm bạn ơi, có lúc tự ví mình như cô ca sĩ bị rời khỏi sân khấu, khi tuổi đời chỉ vừa mới đôi mươi, khi giọng hát hãy còn nhiều người mến mộ. Khi ánh đèn sân khấu vụt tắt, chợt nhớ tiếng vổ tay, nhớ tiếng huýt sáo ái mộ của khán giả, vì đó là cuộc đời của mình, nó nối liền tự bao giờ như hơi thở, rồi một ngày nhìn lại sân khấu xưa, thấy xa lạ làm sao!!! Bây giờ muốn tìm lại dòng nước sông Hậu Giang, để tắm gội những ngày tháng tha hoá nơi xứ người, để tìm lại những thân thương như cô ca sĩ tìm lại ánh đèn màu của sân khấu.

    Tôi đoán rồi đây mình sẽ buông tay, để kỷ niệm êm đềm kia chết dần theo năm tháng, để nỗi nhớ nhung trở thành chai đá. Có lúc tôi thấy mình ngớ ngẩn quá vì chuyện xa xưa ruồi bu, cứ nằm chương ướng trong lòng, như những vết xẹo chưa lành, lâu lâu lại ri rỉ những nhức nhối, đôi khi muốn khép lại cho xong, nhưng nỗi cô đơn nào cũng phải oằn oại bởi cái giá của nó, khi tâm tư chùng lắng, trống vắng, chính là lúc quyền sở hữu của cái nhớ lan tràn, ì xèo kéo về như mới hôm qua. Kỷ niệm là những hạt mầm được bảo dưỡng bởi tàng thức, khi 6 thức khép lại một cách nửa vời, thì chính là lúc cái nhớ sờ sờ trở lại trước mắt, làm cho mình có lúc bị tê dại bởi những gió bụi của năm xưa, vẫn chưa tàn lụn, chỉ vì con người sống những năm “gần cuối đời” hơi lẩm cẩm với những ưu tư thời hoa niên. Nửa sống nửa chết, khi điếu thuốc trên tay, và ly cà phê nóng là thuốc hồi sinh, làm hình ảnh kỷ niệm xưa sống lại đến nỗi không ngờ.

    Hồi đó, khi ngồi bên nhau với người mình yêu, thường mơ ước chuyện mai sau. Sau nầy sẽ lập gia đình với… nàng?? và cất nhà, nơi đó có tuyết phủ quanh năm thật là thơ mộng, để tha hồ nhìn tuyết rơi mà thấy lòng mình thờ thẩn hoà nhập với hoang vắng, để không ai động đến sự tĩnh lặng của mình… Nơi đó có trồng đủ loại hoa, bên cạnh bờ hồ, cặp ngỗng trắng phêu phiêu trên mặt nước.

    Trùi ui, mơ tầm bậy quá xá, bây giờ xui khiến ở chỗ lạnh thế nầy, hoa lá héo tàn khi đông đến, mặt hồ đông đá, những con chim hải âu cũng thấy sầu muộn, vì mặt hồ không còn những con cá lẳng lơ làm mồi.

    Sao hồi đó tôi không mơ, được sống tại nơi quê mình suốt kiếp, để nhìn dòng sông Bình Thuỷ lặng lờ bên nhánh lục bình trôi, được ăn cá rô kho tộ, chắm rau muống đồng giòn rụm, được chết và chôn bên cạnh mộ ông bà sau nhà. Bây giờ mơ được ở trên quê xưa, gần như là chuyện hoang đường. Tôi mơ được chết ở quê nhà, mơ giấc mơ bình thường, được ăn Tết tại quê xưa như bao nhiều người bình thường khác, được nói tiếng Việt Nam, mà không bận tâm đến ngoại ngữ, mơ nhìn phong tục tập quán quê nhà, mơ thấy những chiếc áo dài thướt tha trên đường mỗi buổi tan trường, mơ những buổi chiều về khi đồng vắng, nghe tiếng ểnh ương gọi buồn để thấm đậm tình quê, để tìm lại hương vị quê, dù có nghèo nàn, xơ xác, để cuộc đời không phải là những mong chờ, cuộc đời không phải là một chuyện dĩ lỡ, cuộc đời không phải là chuyện hứa hẹn, để không gian và thời gian không còn là vấn nạn của ngăn cách, để cuộc đời bình yên như chú bò con gặm từng cọng cỏ ven bờ đê, bên ruộng luá yên lành, để quên chuyện đời vốn nhiều bi luỵ.

    Ðã lâu rồi tiếng quê văng vẳng bên tai một cách mơ hồ, thoạt nhớ thoạt quên, chưa phai hẳn, vì có ai đánh mất hình ảnh quê hương, khi tim mình vẫn còn thổn thức bởi kỷ niệm đầu đời.

    Tại sao cuộc đời là những cuộc phiêu lưu không ngừng, tại sao? tại sao? tôi cứ tự hỏi mình mãi như vậy đã gần 4 thập niên rồi, chưa có câu trả lời.

    Ai có thể làm cho lòng người tha hương thấm đậm tình quê vào những ngày xuân, ai có thể mang tình quê soi rọi vào tâm hồn những người chỉ còn nhìn quê hương mình qua trang mạng, chỉ toàn là thế giới ảo, làm sao thấy lại những ngày Tết thật sự trong lòng mình, để ngửi mùi khói nhang toả từ trên bàn thờ tổ tiên, để những người con đi xa, không còn mang nỗi nhớ nhà da diết như những đưá con hoang đang tìm về nơi đã từng khôn lớn, để mãi thấy quê hương là nơi để ở, chứ không phải là nơi để nhớ, cũng không phải là nơi để chạy trốn.

    TG72A
    Last edited by Chopper; 01-17-2015, 11:24 AM. Lý do: chánh tả


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X