Thông báo

Collapse
No announcement yet.

“Cái tủ thuốc Bắc của Không Quân”

Collapse
X

“Cái tủ thuốc Bắc của Không Quân”

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • “Cái tủ thuốc Bắc của Không Quân”


    TRẦN PHƯỚC HỘI (1931-2008)

    “Cái tủ thuốc Bắc của Không Quân”

    Nguyễn Hữu Thiện


    Vài hàng tiểu sử:
    Cựu Trung-tá Trần Phước Hội sinh năm 1931, dòng dõi hoàng tộc Huế, cháu nội của vua Thành Thái. Lúc còn nhỏ, NT có tên là Nguyễn Phước Bảo Hội, sau này vì thời cuộc nên mới đổi thành Trần Phước Hội. Ông còn một người anh trai ở Huế tên là Nguyễn Phước Bảo Hiền.
    Theo học Khóa 1 Kỹ thuật Rochefort (1952). Từng phục vụ tại:
    Đệ Nhất Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc (1er GC&L), Nha Trang.
    Đệ Nhất Phi Đoàn Khu Trục (tiền thân của Phi Đoàn 514 Phượng Hoàng), Biên Hòa.
    Phi Đoàn 217 Thần Điểu (trực thăng).
    Cấp bậc và chức vụ sau cùng: Trung-tá Liên đoàn trưởng Liên Đoàn Kỹ Thuật, CCKQ Phan Rang.
    Sau biến cố tháng Tư 1975, định cư tại Hoa Kỳ. Từ năm 2002 tới 2004, tham gia Ban thực hiện Quân sử Không Quân VNCH với tư cách “cố vấn biên soạn”.
    Gần đây, trong một chuyến về thăm quê cha đất tổ, ông đã đột ngột qua đời lúc 2 giờ chiều ngày 9 tháng 6 năm 2008, tại Bệnh Viên Trung Ương Huế vì một cơn đau tim. Hưởng thọ 78 tuổi.
    Tang lễ được cử hành tại Huế, và ông đã được an nghỉ trong nghĩa trang của dòng họ (Vua Thành Thái) ở cố đô.

    * * *

    Trong số những nhân vật đóng góp tài liệu cho việc biên soạn cuốn Quân Sử Không Quân VNCH, Trần Phước Hội đứng đầu “đồng hạng” cùng với sưu tầm viên Định Trọng Vũ (con trai của cố Trung-tá Đinh Trọng Mùi, TMP Tiếp Vận SĐ5KQ).

    Đồng hạng nhưng không dẫm chân nhau bởi vì anh Hội thì cung cấp tài liệu cho thời kỳ thành lập KQVN, còn bạn Vũ cung cấp tài liệu cho các thời kỳ phát triển và hiện đại hóa (trong đó có nhiều tài liệu mật mới được bạch hóa sau thời hạn 30 năm). Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ viết về anh Hội.

    Cũng xin được phân trần: lẽ ra, theo cả tuổi đời lẫn tuổi lính, chúng tôi phải gọi anh Hội là “Niên Trưởng”, nhưng vì anh đã “ra lệnh cấm” chúng tôi gọi như thế ngay từ lần nói chuyện đầu tiên, nay chúng tôi xin tiếp tục gọi là “Anh” với lòng quý trọng.

    Vào khoảng giữa năm 2001, mấy tháng sau khi phổ biến Thư Ngỏ của Liên Hội Không Quân - Úc Châu về việc thực hiện Quân Sử Không Quân, cũng như Bản Phác Thảo về hình thức & Nội dung cuốn sách sẽ do Ban biên tập Đặc san Lý Tưởng – Úc Châu thực hiện, chúng tôi đã nhận được sự khuyến khích, lời hứa giúp đỡ, và ý kiến đóng góp của nhiều niên trưởng và chiến hữu KQ từ khắp các nơi, như Vũ Thượng Văn, Trần Phước (Mệ), Nguyễn Quang Tri, Đặng Văn Hậu, Tạ Thượng Tứ, Võ Ý, Phạm Hữu Dương... ở Hoa Kỳ, Nguyễn Phúc Tửng ở Pháp..., và đặc biệt nhất, đáng mừng nhất phải là “Thư góp ý của KQ Trần Phước Hội”.

    Ngay trong cung cách phổ biến lá thư góp ý này, chúng tôi đã có nhận xét anh Hội là người biết nguyên tắc và trọng nguyên tắc (nói lén là “hơi khó tánh”). Anh đọc được lá Thư ngỏ và Bản phác thảo của chúng tôi trên Lý Tưởng của Tổng Hội thì anh gửi thư góp ý về Lý Tưởng của Tổng Hội, và chỉ “sao kính gửi Liên Hội Ái Hữu KQ Úc Châu, để kính tường”.

    Thế nhưng kèm theo cái “bản sao” ấy, anh Hội đã viết cho chúng tôi những lời chí tình, chân thật. Anh cho biết tuy từng là sinh viên Ban Sử Địa, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, bản thân anh – ngoài loạt bút ký “Đốt lò hương cũ” - chưa bao giờ nghĩ tới việc thực hiện một cuốn Quân Sử cho Không Quân VNCH, đồng thời sau một vài vụ “khởi sự bất thành” (false start) anh cũng tin rằng sẽ chẳng có cá nhân hay hội đoàn KQ nào đứng ra làm công việc ấy. Thành thử khi thấy chúng tôi phổ biến Thư ngỏ và Bản phác thảo, mà “đọc lên tui tin mấy anh sẽ làm thiệt” (nguyên văn lời anh), anh Hội đã có cảm tình, và nhận thấy anh có bổn phận phải hỗ trợ hết mình những người đã tự nhận lãnh công việc mà anh và những người khác, dù có thiện chí cũng không có cơ hội để làm.

    Người viết “khuyết sử’

    Như chúng tôi đã trình bày vào cuối năm 2000 trong Thư ngỏ và Bản phác thảo Hình thức & Nội dung cuốn sách, lúc ban đầu, Liên Hội Không Quân Úc Châu chỉ dự trù thực hiện một cuốn sách nhỏ, tối đa khoảng 200 trang, mang tựa là “Sơ Yếu Lịch Sử”, hoặc “Yếu Sử” Không Quân VNCH mà thôi. Coi đó như một bước đầu, lấy trớn cho tập thể KQVN hải ngoại cùng nhau thực hiện một cuốn quân sử đầy đủ và to đẹp hơn.

    Thế nhưng đa số các NT (như Đại-tá Trần Phước) và đàn anh (như Trung-tá Võ Ý) đã không đồng ý, vì e rằng biết có ngày đẹp trời đó hay không, và nếu có thì bao giờ mới có, cho nên trước mắt, cứ xem đây là cuốn QSKQ chính thức!

    Cuối cùng, chúng tôi đã làm theo lời khuyên đó, và lấy tựa cuốn sách là “Quân Sử Không Quân VNCH”. Nhưng không phải vì bị “Mệ” và anh Võ Ý “khích tướng” mà chính vì được sự khuyến khích, nâng đỡ, và quan trọng hơn cả là sự đóng góp tài liệu từ khắp nơi.

    Trong số đó, Trần Phước Hội (cùng với Đinh Trọng Vũ) là người góp công đầu. Trước hết, anh Hội gửi cho chúng tôi cuốn Quân sử QLVNCH – (Giai đoạn hình thành) do Phòng 5 - Bộ TTM ấn hành, nặng gần 4 ký-lô, và đề nghị tôi dựa vào tình hình chính trị quân sự lúc đó để làm bối cảnh cho việc thành lập KQVN. Cuốn sách này, nhiều thư viện ở Úc cũng có, nhưng anh Hội nhất định gửi sang, bởi vì theo lời anh, cuốn sách có nhiều chỗ không chính xác và anh đã sửa lại bằng bút chì, cho nên anh muốn gửi cho tôi, để tôi khỏi bị phân vân nghi ngại, tốn công đọc tới đọc lui!

    Nhận được cuốn sách cả ngàn trang, đọc lướt qua, tôi đã thấy nể phục anh Hội. Anh không chỉ sửa những chỗ sai, mà còn ghi rõ anh căn cứ vào tài liệu nào; ở một vài chỗ anh còn ghi thêm những chi tiết mà anh biết được nhờ đọc được ở đâu đó; có khi lại ghi ra những lời bình ngăn ngắn kiểu Mao Tôn Cương!

    Từ đó, cứ lâu lâu anh Hội lại điện thoại thăm hỏi, khuyến khích chúng tôi (anh sống giang hồ, không hề có email), hoặc viết thư trả lời những chi tiết mà tôi nhờ anh tìm hiểu, kiểm chứng; hoặc gửi thêm tài liệu, chẳng hạn photocopy của cuốn “Indochine” (La Reconquête) bằng tiếng Pháp mà anh may mắn tìm được.

    Sau khoảng nửa năm liên lạc qua lại, tôi đã hiểu tại sao người ta lại đặt cho anh Hội biệt hiệu “cái tủ thuốc Bắc của Không Quân”. Nghĩa là bất cứ cái gì liên quan tới thời kỳ đầu của Không Quân, anh cũng biết, cũng nhớ! Chính ông sếp cũ của tôi – Chuẩn-tướng Từ Văn Bê – khi nghe tôi báo cáo về việc “lôi kéo” được anh Hội, cũng mừng vì ông rất nể phục kiến thức và trí nhớ của anh.

    Tới lúc này, chúng tôi quyết định mời anh Hội làm “cố vấn biên tập”, anh nhận lời nhưng chỉ trên công việc chứ không trên văn bản!

    Khoảng giữa năm 2002, anh Hội viết thư cho biết anh dự trù sẽ sang Úc một chuyến vì như anh viết, “tôi có mấy đứa cháu ở Perth (Western Australia), đồng thời thăm anh và anh chị Rư. Tôi cũng có quen với Nguyễn Bửu Lộc, khóa 8 Rochefort...” Anh Hội cho biết khi tới Melbourne sẽ ở nhà một người bạn, và mỗi ngày “sẽ sử dụng phương tiện chuyên chở công cộng” tới nhà tôi để xem xét và góp ý vào biên soạn.

    Rất tiếc, sau đó vì một nguyên nhân nào đó, anh Hội đã không thực hiện được chuyến đi này.

    * * *

    Trong việc biên soạn nội dung cuốn QSKQ, nếu nói về “cực” thì cả 5 Chương đều cực như nhau, nhưng nếu nói về “khó”, thì Chương I – Việc thành lập Không Quân VNCH – là khó nhất. Bởi vì tài liệu đã không có bao nhiêu, phần lớn lại tam sao thất bổn. Do đó, ngoài cuốn South Vietnamese Air Force của Jim Mesko – một cuốn sách mỏng nhưng có những dự kiện xác thực nhờ tham khảo sử liệu của người Pháp - chúng tôi chỉ biết cậy trông vào “bộ nhớ” của các bậc niên trưởng “khai quốc công thần” như Phạm Ngọc Sang (SĐ6KQ), Võ Dinh (Tham mưu trưởng), Vũ Văn Ước (BCH/HQKQ), Nguyễn Quang Tri, Trần Phước, Huỳnh Minh Quang...

    Nhưng các NT nói trên, mỗi vị cũng chỉ biết về một số đơn vị, chứng kiến một vài sự kiện, và trong đa số trường hợp đã không có sự thống nhất về thời gian, hoặc không ghi rõ thời gian. Cho nên, chúng tôi chỉ biết so sánh rồi đúc kết ký ức của các NT nói trên -mà quan trọng nhất là bài viết “Các cấp chỉ huy đơn vị đầu tiên của KQVNCH” do Chuẩn-tướng Phạm Ngọc Sang biên soạn ít lâu trước khi qua đời, phổ biến trên website “Bạn Già Không Quân”.

    Sau đó, chỗ nào còn nghi ngờ, hoặc có một khoảng trống thời gian “không thể chấp nhận”, chúng tôi lại phải liên lạc thêm với các NT Võ Dinh, Trần Phước, Vũ Văn Ước, Nguyễn Quang Tri để xin “cứu bồ”. Trường hợp các NT “cứu” không được thì phải nhờ tới “tủ thuốc Bắc của Không Quân” Trần Phước Hội. Và trong đa số trường hợp, chúng tôi đã không bị thất vọng.

    Bên cạnh đó, tuy không nắm giữ các chức vụ quan trọng, không chỉ huy các đơn vị đầu tiên của KQVN, nhưng anh Hội lại biết, và nhớ rất nhiều những gì đã xảy ra vào “thuở ban đầu lưu luyến ấy”, cho nên anh đã giúp chúng thêm yên tâm khi viết về một số khoảng trống thời gian mà anh gọi là “khuyết sử”.

    Giờ đây nhìn lại, chính chúng tôi cũng không ngờ Chương I của cuốn QSKQ lại có thể đầy đủ tới mức đó. Chúng tôi chẳng có tài cán, công lao gì trong đó, mà tất cả là nhờ vào bộ nhớ của các NT (nhất là Chuẩn-tướng Võ Dinh, Đại-tá Vũ Văn Ước, Đại-tá Trần Phước) và đặc biệt anh Trần Phước Hội.

    Con người tài hoa và tình nghĩa

    Ngoài chỉ số “bảo trì phi cơ”, anh Trần Phước Hội còn có nhiều chỉ số “phụ”. Trong đó có nghề cầm bút. Đọc loạt bài “Đốt lò hương cũ” và “Không Quân thời khuyết sử”, cũng như những bài khác của anh đăng trên website Bạn Già Không Quân, Lý Tưởng của Tổng Hội, Lý Tưởng - Úc Châu, người ta không chỉ nể phục kiến thức, trí nhớ của anh mà còn thích thú về óc khôi hài, châm biếm nhẹ nhàng, hoặc cảm động về tình nghĩa nơi con người anh.

    Khôi hài, châm biếm như cảnh anh tả mấy cô nữ trợ tá KQ xinh đẹp duyên dáng – mặc đồng phục váy ngắn - vào đầu thập niên 1950 được biệt phái tới CCKQ Biên Hòa để thực tập hướng dẫn phi cơ trên “lầu gương” (tên chữ mà nhà văn Dương Hùng Cường đặt cho đài kiểm soát không lưu). Anh Hội viết:

    ...Muốn lên lầu, phải leo một cái thang bằng sắt dựng thẳng đứng theo kiểu thang cứu hỏa. Các cô tập sự cứ mỗi hai giờ lại phải leo thang để đổi ca. Thân liễu yếu đào tơ mà phải hì hục leo vất vả, sợ té nên cứ bám chặt vào thang mà không dám bước lên. Khổ một nỗi là các cô mặc váy ngắn, muốn đến gần để tiếp tay đỡ các cô lên thì cũng ngại ngùng... Trong tình cảnh này, mượn hai câu thơ của Hồ Xuân Hương để diễn tả thì đúng nhất:

    Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt – Đi thì cũng dở, ở không xong!

    Tình nghĩa thì như bài “Tìm bạn 4 phương”, viết cho một bà đầm tóc vàng sợi nhỏ đã “bảy bó”, sau gần một nửa thế kỷ vẫn chưa quên được người tình xưa - một chàng Trung sĩ Không Quân VNCH đào hoa đã đền nợ nước từ đời nào! Hoặc bài “Ngày giỗ tướng Lành”.

    Trần Phước Hội không chỉ tình nghĩa với người mà còn tình nghĩa với vật – những con tàu thân yêu. Sau khi Đệ Nhất Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc (GC&L) bị giải thể, những chiếc oanh tạc cơ Marcel Dassault MD-315 bị người Pháp lấy lại để viện trợ cho Không Quân Hoàng Gia Căm-bốt, khi có dịp ghé phi trường Pochentong, và nhìn thấy bóng một “người tình xưa”, anh Hội đã tìm mọi cách để được tới gần, vuốt ve và chụp chung với “em” một bô hình kỷ niệm!

    * * *

    Giữa năm 2005, anh Trần Phước Hội tới Melbourne tham dự Lễ Kỷ Niệm 50 Ngày thành lập Không Quân VNCH, đồng thời cũng là Buổi phát hành cuốn QSKQ.

    Trước ngày lễ, một hoa tiêu trực thăng của Phi Đoàn 217, được biết anh Hội là niên trưởng kỹ thuật của Phi Đoàn cùng thời với Đại-tá Ông Lợi Hồng, đã có nhã ý tổ chức một bữa cơm gia đình để khoản đãi, có sự hiện diện của nhiều anh em KQ khác. Trong dịp này, anh em đã vô cùng thích thú khi được nghe tận tai những câu chuyện về “khuyết sử” và cả “bí sử” trong quân chủng từ “cái tủ thuốc Bắc của Không Quân”. Khi đã nửa khuya, anh em vẫn không chịu để anh Hội ra về!

    Riêng tôi thì không được may mắn cho lắm: vì có hẹn trước với một người bạn thân, anh Hội đã không thể tới nhà tôi dùng bữa ơm “hội ngộ” với anh chị Phạm Khôn Rư, chị Huỳnh Long Mỹ (quả phụ cố Đại-tá Nguyễn Bình Trứ) tới từ Brisbane, và anh Nguyễn Bá Thảo (cựu Trung-tá Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị, BCH Kỹ Thuật & Tiếp Vận KQ) tới từ Hoa Kỳ.

    Từ ngày ấy, tôi không có dịp gặp lại, và cũng không liên lạc điện thoại, thư từ với anh Hội nữa (vì anh như cánh chim trời). Cách đây khoảng một tháng, một tay bạn KQ ở Houston điện thoại sang, kể lại có gặp anh Hội và anh gửi lời thăm tôi. Tay bạn (được biết anh Hội lần đầu) nhận xét: “Ông già vui tính, dễ thương quá mày ạ!”

    Lần đầu tiên, tôi nghe một người gọi anh Hội là “ông già” nhưng không để ý. Và mấy tuần sau “Ông già vui tính, dễ thương” ấy đã vĩnh viễn ra đi!

    Viết tới đây, tôi bỗng nhớ lại câu nói của anh Hội khi chúng tôi quyết định thực hiện cuốn QSKQ:

    “Mấy anh có làm thì làm gấp đi, các NT của chúng mình giờ này đa số đã già yếu cả rồi, không biết ra đi lúc nào!”

    Có ngờ đâu, anh Hội lại ra đi trước hơn ai hết (trong số những NT mà tôi muốn xin tài liệu).

    Dù sao, cũng có điều an ủi là sau một đời lang thang, biệt xứ, anh Hội – tức “Mệ” Nguyễn Phước Bảo Hội, đã được số mệnh an bài để yên giấc nghìn thu ngay tại quê hương của mình: đất thần kinh thương nhớ!

    Nguyễn Hữu Thiện
    Melbourne - Tháng 6/2008


    Last edited by Phòng Trực; 02-11-2013, 08:06 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X