Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Trên vùng trời đất nước.

Collapse
X

Trên vùng trời đất nước.

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Trên vùng trời đất nước.


    Trên vùng trời đất nước.

    Phóng sự của Lưu Văn Giỏi


    LTS: Bài phóng sự này của KQ Lưu Văn Giỏi, đã là một cơ khí viên phi hành trước khi trở thành một phóng sự viên chiến trường. Bài viết được trúng giải Phóng sự Tiền Phong vào năm 1973 và đã được đăng trên báo Chiến Sĩ Cộng Hòa số 292, phát hành ngày 15/7/1973. Sưu tầm viên trẻ Đinh Trọng Vũ, con của cố Trung tá KQ Đinh Trọng Mùi, đã ưu ái gởi cho BTH Quân Sử Không Quân nhiều tài liệu giá trị, trong đó có số báo Chiến Sĩ Cộng Hòa trên. Lý Tưởng Úc Châu xin được trích đăng lại bài phóng sự này.

    *****

    Tại SĐ2KQ, tôi nhận một công điện từ BTL/KQ gọi về trình diện gấp vì nhu cầu công vụ, thời gian công tác và ngày về sẽ cho đơn vị biết sau.
    Một chiếc phản lực A-37 của đơn vị đi công tác “rờ leo” đưa tôi từ Nha Trang về Sài Gòn.
    Tại parking vãng lai, tôi thót lên “Honda ôm” trực chỉ BTL/KQ. Và nửa giờ sau tại đây, tôi nhận một sự vụ lệnh khác, thời gian và nơi công tác là 8 ngày tại An Lộc.
    Tờ mờ sáng hôm sau tôi có mặt tại bãi đậu trực thăng của SĐ3KQ để đi Lai Khê. Lần đi này, ngoài hợp đoàn 18 chiếc trực thăng UH-1 võ trang, còn có thêm 6 chiếc Chinook CH-47 (loại trực thăng khổng lồ để tải hàng)

    30 phút ở Lai Khê

    Phi trường Lai Khê là một phi trường nhỏ, được dùng làm BCH Tiền Phương, tất cả trực thăng yểm trợ cho An Lộc đều đậu ở đây để tiện đường cho quân bạn tải quân, tải hàng và nhất là để thu ngắn đường chim bay đến An Lộc.
    Tại đây, dưới những gốc cau su già có những hàng cơm, hàng nước kiểu dã chiến, vài hoa tiêu mắc võng nhai bánh mì chờ...thời tiết.
    Tôi gặp Đại úy Đào Vũ Anh Hùng, nhà văn kiêm hoa tiêu trực thăng, thấy tôi Hùng hỏi:
    - Đi làm hay đi chơi?
    Câu hỏi ngắn ngủi, tôi cũng trả lời gọn:
    - Đi làm.
    Hùng moi trong túi áo bay ra một gói xôi bắp đã xẹp:
    - Ăn không?
    Tôi lắc đầu vỗ nhẹ tay vào bụng, trong khi anh nhìn tôi từ đầu đến chân:
    - Vào Điện Biên Phủ thứ hai mà cứ y như là đi du lịch vậy? Không có áo giáp, nón sắt thì phòng không và đạn pháo kích nó không chê bạn đâu.
    Hùng chỉ chiếc máy ảnh tôi đang mang trước ngực:
    - Phải có một nón sắt nhỏ cho ống kính mới an toàn, nếu không thì bạn có nhiều triển vọng...thất nghiệp đấy! Kỳ trước, có một ông bạn báo chí lên An Lộc, khi ông ta vừa đưa máy lên ngắm thì một viên AK đã ưu ái chui vào nằm gọn trong ống kính, cũng may mà tầm đạn đã yếu nên không bị chột.

    Có nhìn thấy cái cảnh phi công treo võng nằm tòng teng dưới những gốc cây cau su, gặm bánh mì, cạp xôi bắp chờ phi vụ, ta mới thấy thương họ, nghĩ ngơi và ăn uống như thế mà bay như điên, bay bất kể giờ giấc và thời tiết, có khi vừa đáp, chưa kịp nghĩ ngơi, mà thấy có tên trên phi vụ lệnh là lại xách nón đi bay, cứ sáng vác tàu đi tối vác về... Có người đi rồi không bao giờ trở lại; cũng có người về mà trên thân tàu lỗ chỗ đầy dấu đạn phòng không; cũng có người, khi đáp an toàn trên bãi đậu rồi, mới biết người xạ thủ phi hành của mình đã gục đầu trên cây đại liên mà chết tự lúc nào; cũng có khi người hoa tiêu chánh trúng đạn phòng không, ngồi chết ngay ngắn trên ghế lái trong “tư thế còn sống”, cái chết thật đẹp, đẹp như cái chết của Từ Hải, mà người hoa tiêu phụ vẫn cố cắn răng, để nước mắt mình lăn dài xuống má, tiếp tục bay , thi hành cho xong sứ mạng đã, rồi mới về; cũng có người bỏ tàu giữa rừng để về bằng một tàu khác; hoặc băng rừng lội suối, rồi 5, 7 ngày sau mới về, với một thể xác đói khát và đầy thương tích.
    Ta có thể so sánh, những tiện nghi cùng số giờ bay và thành tích chiến đấu một trời một vực, giữa phi công Hoa Kỳ và phi công Giao Chỉ như sau:

    Pilot Hoa Kỳ không biết mắc võng ở gốc cây, nằm gặm bánh mì chờ phi vụ như pilot An-Nam ta.

    Hồi tháng 4/1972, ở mặt trận Tây Nguyên, tại Bộ chỉ Huy tiền đồn Tân Cảnh, tôi đã thấy một Đại Úy phi công Hoa Kỳ trong bữa cơm, ông ta đã ăn gần nửa ký thịt với bơ, sửa, hột gà, táo, nho, rồi mới bước lên chiếc trực thăng võ trang Cobra và cất cánh. Trong khi hoa tiêu Giao Chỉ cũng trước một phi vụ, nhưng chỉ...”thổi hết một cái kèn làm bằng bột”, rồi ngửa cổ ừng ực nước lã trong bi đong xong...cuốn võng, leo lên ghế bay, bay vù vù, bay như điên.

    Về số giờ bay và thành tích, ta có thể so sánh thật thà như sau:

    Chiến trận Hạ Lào chính thức khai diễn ngày 8/2/1971, trong 29 ngày đầu tại đây, người Mỹ có số giờ bay cao nhất là một Thiếu Tá, 80 giờ. Trong khi đó người Việt Nam có số giờ bay cao nhất là Trung úy Dương Đức Ngọc thuộc KĐ62CT/SĐ2KQ, 168 giờ. Người Mỹ đánh nhiều chiến xa nhất, một phi công phản lực, 3 chiếc; trong khi đó Trung úy Dương Đức Ngọc đánh 17 chiếc T-54.
    Số giờ bay và thành tích đó, đã làm vẻ vang tinh thần chiến đấu của QLVNCH bên cạnh Quân đội Đồng Minh tại Hạ Lào. Trong trận này, Ngọc cũng là người lãnh đạn phòng không nhiều nhất, một lần, phi cơ của anh đứng một chong chóng, phải đáp ở Đà Nẵng lúc 23 giờ 30; 3 lần khác, bị gãy cánh trái và cánh đuôi, nhưng lúc bấy giờ, thời tiết ở Việt Nam không cho phép, nên anh phải dẫn tàu qua Thái Lan đáp trên phi trường Nakhom-Phanom.
    So sánh thật thà trên, đã là một chứng minh cụ thể, cho ta thấy tinh thần chiến đấu cao độ của người lính Việt Nam trên đất nước nghèo nàn này.

    Đồng hồ tay chỉ 7 giờ 45, trời vẫn còn xấu, các hoa tiêu có vẻ sốt ruột, họ tụm 5, tụm 3 ngồi đấu láo với nhau, nói chuyện thời tiết, nói chuyện phi vụ hôm qua, chuyện hào hoa lã lướt đêm rồi và bàn với nhau cho phi vụ sắp tới.
    Một nhân viên của toán điều không đến nói với Hùng... Cứ cất cánh, vì An Lộc đang chờ.
    Tôi đứng dậy, nhưng không đi với Hùng, vì anh bay tàu Chỉ huy và Hướng dẫn (C&C) không đáp. Tôi theo chân một hoa tiêu ra chiếc UH-1 đậu ngoài bãi, tại đây lương thực, vũ khí đạn dược và các chiến sĩ đổ bộ đã chờ sẳn. Tôi đi theo chiếc tàu tải đạn, 10 phút sau, tất cả trực thăng tại đây đã bốc khỏi mặt đất và...trực chỉ An Lộc.

    Trên đường từ Lai Khê đến An Lộc trần mây thật thấp, sương mù còn thật mù, họ phải để đèn báo hiệu để khỏi phải đụng nhau trên trời.
    Sau một vài phút bay đến một nơi quang đãng hơn, dưới mắt tôi ruộng đồng xơ xác, những hàng tre cháy xém, những hố đạn, hố bom cày nát trên ruộng đất bỏ hoang...

    Nhảy xuống An Lộc

    Người xạ thủ phi hành nghé vào tai tôi:
    - Anh có xuống không?
    Tôi gật đầu, anh ta nhìn tôi với vẻ ái ngại, như thầm hỏi tại sao tôi không có áo giáp và nón sắt, nhưng...tôi lờ đi; bỗng anh ta chỉa mũi súng đại liên M-60 xuống đất bấm cò, những hồi đạn rú dài như...bò rống; tôi thấy nhức tim khi những vệt lửa từ dưới xẹt lên quanh phi cơ, xung quanh tôi; 5 chiến sĩ bộ binh của SĐ18 cũng lên đạn M-16, tôi cũng nhét vội băng đạn vào khẩu colt của mình cho vững bụng.
    Đang bay, tàu bõng xà xuống đột ngột rồi đáp vội trên Quốc lộ 13, “càng” chưa chạm đất, mấy quả đạn pháo kích đã ào ào bay tới rớt quanh đó, làm gẫy mấy cây cao su; tôi nhảy vội theo 5 chiến sĩ rời tàu, và lăn tròn qua mặt lộ nằm gọn dưới một hố bom.
    Chúng tôi chưa kịp xô hàng xuống thì tàu đã bốc vội lên cao, bay mất hút; một trái đạn khác rớt ngay chỗ phi cơ vừa đáp, làm banh xác cái ba-lô vô tội của một chiến sĩ vừa quăng xuống, mấy bịch gạo sấy tung tóe trắng mặt đường.
    Tôi nằm dưới hố bom mà thầm nghĩ: “Người Mỹ đã dạy cho người Việt Nam biết đánh giặc bằng trực thăng, nhưng còn lâu sự khôn lanh của họ mới bằng sự nhanh nhẹn của người Việt Nam. Vì nếu lơ mơ không bốc lên kịp, thì chiếc trực thăng kia với một núi đạn 81ly trong bụng, sẽ lãnh đủ trái đạn pháo kích vừa rồi.

    Tôi nhìn theo chiếc trực thăng đã mất hút ở cuối bìa rừng cao su, như hiểu ý, một người nằm gần nói với tôi:
    - Cứ nằm đây chờ, chốc nữa hết pháo họ sẽ đến.
    Tôi hỏi lại:
    - Nhỡ đến mà họ pháo nữa thì sao?
    Anh ta thản nhiên:
    - Trúng thì rớt, không trúng thì bay đi.

    Sau câu nói này, tôi nhớ lại cái chết của Thiếu tá Nguyễn Hữu Nhàn, Phi đoàn phó Phi đoàn 237 Chinook SĐ3KQ, trước đây một tuần, tại mặt trận An Lộc.

    Trong một phi vụ tiếp tế, tàu của Nhàn bị trúng phòng không, bạn bè bay theo anh bảo anh rời vòng chiến ngay và đáp ép buộc, cho trực thăng võ trang xuống cứu, nhưng anh đã trả lời:
    - Biết rồi, để thả hết hàng cho họ đã, họ bị thiếu tiếp tế từ mấy ngày nay, không lẽ mình vượt bao nhiêu lưới đạn phòng không mới vào được đây, mà bây giờ lại ra sao?
    Anh chỉ trả lời như thế, rồi tiếp tục vào vòng yểm trợ. Khi số hàng đã được thả xong, thì cũng là lúc chiếc CH-47 của anh đã nằm gọn trong màn lưới phòng không; Thiếu tá Mai là bạn của anh, bay gần đó đã nghe được những lời nói cuối cùng của anh, qua hệ thống vô tuyến:
    - Hàng thả hết rồi, nhưng tất cả hệ thống điều khiển trong phòng lái ngưng hoạt động, bây giờ tao đáp ép buộc đây, tụi mày hãy theo tao cover thật kỹ và pick-up thật nhanh...
    Nhưng không còn kịp nữa, anh vừa nói xong thì chiếc trực thăng đã như một bó đuốc khổng lồ, từ trời cao rơi xuống nổ tung trên mặt đất và anh đã chết theo tàu...

    Tôi và các chiến sĩ vẫn nằm trốn đạn và chờ trực thăng đến, quanh đó, vài chiếc chiến xa T-54 chỏng chơ, vài chiếc khác nằm chúi đầu xuống những hố bom, phía sau tôi là rừng cao su trùng điệp.
    Nằm chờ không bao lâu, tôi lại nghe được tiếng cánh quạt của trực thăng chém gió phành phạch, và càng ngày càng dội lại gần chúng tôi; vì các kiện hàng, đạn dược chưa được thả xuống, phi công đã vội bốc lên để tránh đạn pháo kích, và bây giờ anh ta bay vòng trở lại để thả các kiện hàng này; chiếc trực thăng lại xà xuống mặt lộ, đạn pháo kích của VC lại rót quanh bãi đáp, và hình như đạn nó đuổi theo trực thăng?! Máy bay vừa giảm tốc độ, hai càng đáp chưa chạm đất, thì hai chàng xạ thủ đã đạp tất cả các kiện hàng xuống đất, và rồi trong phút chốc tàu bốc vội lên, bay mất hút ở cuối một khúc quanh của con lộ 13. Vài tràng đạn AK đuổi theo, mấy quả đạn bích kích pháo rớt quanh đó như xé gió, phá rừng, những thân cây lại thi nhau gãy rôm rốp.
    Mấy thùng đạn vừa được đem xuống vẫn còn nằm yên trên quốc lộ, một anh kéo tôi đi nơi khác:
    - Hãy tránh xa đống đạn này, đạn pháo kích mà rớt vào đây thì...bỏ bu.

    Từ hướng Xa Cam, một đoàn người gồng gánh, bồng bế nhau chạy loạn về hướng chúng tôi, tứ thì mấy quả đạn pháo kích được câu từ Đồi Gió, rớt vào giữa đám người dân chạy loạn này, gây vô số người chết, vô số người bị thương, có người bị thương cách đây vài giờ lại bị thương nữa, có những người sắp chết, nuốn được chết cho rảnh tay người thân chạy loạn, thì bây giờ được chết. Trong số những người chết này, một cảnh tượng thương tâm đã xãy ra ngay trên bìa rừng cao su An Lộc: ‘Một bà mẹ, bồng đứa con khoảng 6 tháng, bị mảnh đạn pháo kích phá vỡ khuôn ngực, và bà ngã ra chết liền tại chỗ, đứa nhỏ không chết, cũng không bị thương, nó bò trên bụng mẹ nó, khóc thét lên trong sự hãi hùng, khóc mệt, nó lại gục đầu vào ngực mẹ nó mà bú, một người khác – cũng người chạy loạn - đến bế nó ra, thì mặt mũi nó bê bết máu của mẹ nó, và trong mồm nó cũng có máu, mà có lẽ nó tưởng là chất sữa nên đã hút vào, một lúc sau, nó cũng chết trên tay người bế nó. Có phải, có lẽ, vì uống máu người chết, nên vi trùng đã thay mảnh pháo kích mà vật nó chết luôn chăng?’
    Một cảnh tượng khác mà tôi cũng không làm sao quên được: ‘Một đứa bé khoảng 13 tuổi, mù hai mắt, gầy yếu xanh xao, cõng thằng anh nó trên lưng, khoảng 15, bị cụt một chân, ngồi trên lưng đứa mù mắt, để chỉ đường mà chạy trốn Việt cộng’.
    Trong xách tay tôi còn hai ổ bánh mì mua hồi sáng từ Lai Khê, tôi lấy đưa cả cho hai anh em nó.

    Trước đây, tôi đã được đọc những câu in trên bích chương, dán ở các thành phố: ”...Pháo kích bừa bãi, giết hại dân lành, nhà cháy, người chết, thù hận này biết đến bao giờ mới nguôi ngoai trong lòng ngươòi dân Việt?...”
    Dạo đó, tôi đã nghĩ rằng câu này chỉ là về phương diện chính trị thôi nghĩa là Việt cộng xuyên tạc mình, mình xuyên tạc lại, nhưng bây giờ thì tôi đã hiểu “đó là sự thật”, một sự thật mà không thể đội trời chung với bọn người dã man đó được, và tự nhiên, trong lòng tôi thấy dâng lên những thù hận ngút ngàn.
    Thật tình mà nói, trước khi bước vào An Lộc, tôi đã thầm nghĩ: “Mình chỉ chết vì bị trúng đạn, chứ nếu đối diện gần, thì trên ngực áo tôi có hai chũ BÁO CHÍ thì ‘nó’ không giết đâu mà sợ, cao lắm chỉ bắt sống là cùng.”
    Nhưng bây giờ thì tôi không còn nghĩ như thế nữa, trước mặt tôi, chung quanh tôi, những người dân vô tội đang thương vong la liệt, tôi sờ vào hông, khẩu colt vẫn còn cộm, tôi quyết định: Nếu đêm nay còn phải ở đây, mà rũi gặp bọn chúng, thì dù thế nào tôi cũng vãy về hướng chúng 6 viên và...còn lại là cho tôi, chứ nhất định không để chúng bắt sống; nghĩ đến đây, hình ảnh vợ con tôi tại trại gia binh lại hiện ra, tôi thấy nhói trong lòng.
    Từ xa có tiếng đập phần phật của trực thăng, rồi trong phút chốc, 8 chiếc lượn sát những ngọn cây cao su, và cũng bất thần đáp dài trên quốc lộ, trong khi đạn pháo kích của VC tiếp tục rải dài theo hai bên đường.
    Các chiến sĩ đổ bộ thuộc SĐ18BB, lẽ ra khi nhảy xuống thì họ di tản, nhưng họ đã đến phụ khiêng xác chết và nguời bị thương, lên phi cơ xong mới đi.
    Tôi ngồi tựa lưng vào xích của một chiếc T-54 bỏ hoang, nhìn theo mấy chiếc trực thăng đang bốc vút về hướng Lai Khê, mà trong đó có gần 100 người dân vô tôi vừa chết, vừa bị thương, vừa kinh hoàng...

    CSBV vùa sát hại xong dân lành vô tội bằng công cụ giết người của chúng, thì QLVNCH đến mang những người đó về nơi an toàn...

    Từ hướng Chi khu An Lộc, một chiếc xe Jeep mui trần (vì là Jeep của An Lộc) trên xe chở gần 20 đồng bào, tiến về hướng bãi đáp trực thăng, tôi quá giang chiếc Jeep vào Chi Khu và tại đây, tôi được gặp Đại úy Lê Văn Vẫn, Chi khu Phó Chi khu An Lộc.
    Đại úy Vẫn cho biết: Ông là người ở đây lâu nhất, (bốn đời quận trưởng đã thay phiên nhau) từ năm 1964, và bây giờ, ông nhất định ở đây, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, chứ không đi đâu hết. Ông kể tiếp:
    - Ngày mặt trận An Lộc mở màn, có 6 trực thăng của SĐ3KQ, đến đáp vào Chi Khu, để đưa gia đình quân nhân tại đây rời An Lộc, tôi chạy vào hầm trú ẩn nói với vợ tôi: Có trực thăng đến, em mau đưa các con về Sài Gòn, ở đây nguy hiểm lắm, khi nào êm, anh sẽ đưa mẹ con em lên. Nhưng vợ tôi nhất định không chịu đi và trả lời: Mẹ con em về nơi an toàn, ở đây rủi anh chết thì mẹ con em sống với ai? Em xin được ở lại đây cùng sống chết với anh.
    Trong lúc đó, tất cả vợ con của các anh em quân nhân tại đây, đều đã nhất loạt trả lời như thế, nên cuối cùng, 6 trực thăng phải rời Chi Khu, mà không có đàn bà trẻ con nào theo...

    Sau câu nói của Đại úy Vẫn, tôi chợt nhớ lại gương “Liệt nữ Nguyễn Thị Thàng” cách đây đã lâu; chị Thàng là vợ của một chiến sĩ Nghĩa Quân, chị và các con đều sống trong công sự chiến đấu của chồng trong làng, một đêm nọ VC công đồn, chồng chị bị trúng đạn, chị thay chồng, tung mấy chục trái lựu đạn vào đám VC khi chúng tấn công bằng biển người, nhưng đến quả cuối cùng, bọn chúng quá gần, nên chị đã chết chung với thêm mấy tên VC nữa bằng quả lựu đạn đó, bây giờ vợ lính ở An Lộc cũng đã noi gương chị Thàng, nhất định không chịu đi Sài Gòn, ở lại tử thủ, sống chết với chồng con tại An Lộc.
    Đại úy Vẫn tiếp:
    - 6 trực thăng vừa bốc lên thì một chiếc bị trúng đạn, và rớt ngay bên ngoài vòng đai Chi Khu rồi bốc cháy; chúng tôi nhìn theo mà khóc lúc nào không hay. Anh em Không Quân đã vì sinh mạng gia đình chúng tôi mà phải chết, tôi kính trọng và nhớ ơn nghĩa của quý anh em đó lắm. Cuối cùng, tôi quyết định cho một trung đội mở đường máu ra cứu phi hành đoàn, nhưng không kịp, và khi trung đội trở vào thì...chỉ còn phân nửa quân số, bởi lúc bấy giờ chiến xa của VC quá nhiều; rồi hai hôm sau, trại gia binh của chúng tôi tại đây cũng bị pháo kích nặng, hơn 80% gia đình của quân nhân chết và bị thương.

    Gà trống nuôi con

    Trong khi ngồi tiếp chuyện với tôi tại một căn hầm dã chiến, được đào sâu dưới mặt đất, trước mặt tôi là Đại úy Vẫn, quanh đó khoảng 5,7 chiến sĩ, mà mỗi người đang có vài em bé quấn quýt bên cạnh. Đại úy Vẫn xoa đầu một bé gái khoảng 4 tuổi:
    - Tôi có năm đứa, bây giờ chỉ còn mình nó, anh chị nó chết hết rồi, má nó cũng chết rồi, ông bà nội, ông bà ngoại nó cũng chết trong trận pháo kích đó...
    Ông chỉ những đứa bé đang đứng bên cạnh những chiến sĩ quanh ông:
    - Đấy, anh xem, bây giờ ở đây chúng tôi cái cảnh gà trống nuôi con rất nhiều. Cha mẹ và vợ con chúng tôi, đã vì chúng tôi mà chết tại đây, nên chúng tôi đã thề tử thủ tại đây dến hơi thở cuối cùng, dù có được đổi về Sài Gòn cũng không đi. Nếu một ngày nào đó, mà anh gặp lại một trong những khuôn mặt của chúng tôi tại đây, trên một địa danh an toàn nào đó, không phải là An Lộc, mà lúc đó chúng tôi còn tại ngũ thì...anh có quyền giết chúng tôi, nếu không phải là lệnh, hay chỉ thị cho chúng tôi rời An Lộc... Hôm nay, anh là người Báo chí Không Quân đầu tiên đến đây, tôi xin được đại diện các chiến sĩ tử thủ An Lộc, gởi đến anh em Không Quân, nhất là những phi hành đoàn đã lái tàu bay vào Chi Khu, với ý định đưa vợ con chúng tôi đến nơi an toàn, những lời thành thật muôn đời nhớ ơn của chúng tôi; mặc dù vợ con chúng tôi không đi và... đã chết.

    Những chiếc vòng tử thủ

    Nói đến đây, Đại úy Vẫn gỡ trong tay của ông ra 3 chiếc vòng trao cho tôi:
    - Tất cả những chiến sĩ tử thủ tại đây, mỗi người đều có mang 3 chiếc vòng này, và chúng tôi đặt tên là...‘Vòng An Lộc Tử Thủ’, nay tôi xin tặng anh để làm kỷ niệm...anh là người thứ hai, sau Tổng Thống VNCH mà chúng tôi đã tặng 3 vòng này.
    Một Thiếu úy ngồi gần đó, nhìn Đại úy Vẫn rồi nói với tôi:
    - Anh có viết bài thì nhớ nói là Thiếu Tá, vì ổng lên lon gần 3 tháng nay, nhưng từ đó đến nay ở đây không ai bán ‘lon’ mà mua nên... ông Vẫn vẫn mang ‘lon’ cũ.
    Tôi nhìn Đại úy Vẫn như thầm hỏi lại: Có đúng vậy không? và... Thiếu tá Vẫn gật đầu: Đúng vậy.

    68 ngày tử thủ An Lộc không lãnh lương

    Cũng tại đây, tôi gặp một chiến sĩ còn rất trẻ, anh ta tâm sự với tôi như sau:
    - Em là Binh nhất Lê Nhâm Thình, quân nhân Không Quân thuộc SĐ2KQ tại Phù Cát, Kỹ thuật Phi cơ C-7A, về phép thăm nhà hôm 23-3-72, rồi bị kẹt lại đây đến bây giờ, trọn gia đình em bị pháo kích chết hết rồi, chỉ còn một người anh đang tại ngũ ở An Lộc này thôi. Đã nhiều lần em muốn ra đón tàu về lại với KQ, nhưng còn ngại sẽ bị rắc rối về an ninh nên chưa dám. Tính đến nay đã 68 ngày, trong suốt thời gian tại đây, em đã chiến đấu như một chiến sĩ bộ binh thật sự, nhưng chỉ ăn nhờ cơm gạo sấy của anh em ở đây thôi, chứ không có lãnh lương. Em có lấy được một AK của tên Việt cộng mà em đã bắn chết nó; hôm nào về Sài Gòn, nhờ anh trình lên Bộ Tư Lệnh Không Quân, nếu không bị rắt rối thì anh viết thư về đây KBC-6995, lúc đó, em sẽ tìm đủ mọi cách về trình diện đơn vị...

    Buổi chiều, tôi có dịp vào Thị trấn An Lộc, phố xá thật tiêu điều, những căn nhà không trơ vách, những tuyến kẻm gai quanh Chi Khu cháy cong queo, đó đây một vài xác trực thăng cháy sụm, những chiến xa đứt xích nằm chỏng chơ, như những con quái vật không đầu, vài chiếc khác chúi mũi xuống những hố bom, một chiếc dù, màu trắng, đỏ phất phơ theo chiều gió trên ngọn cao su, những chiếc dù tải hàng còn vương vải theo hai bên quốc lộ, trên mặt con lộ 13, những hố đạn, hố bom sâu hoắm, những vỏ đạn đủ cỡ, đủ loại nằm ngổn ngang, những thân cây cao su cháy đen gãy gục. Trong vòng đai Chi Khu, một bức tường dầy và cao, lỗ chỗ đầy vết đạn lớn, nhỏ, mà phía trên còn đọc được 3 chữ: “Quận An Lộc”, gần đó, một vách tường khác có dấu Hồng Thập Tự với 3 chữ “Trạm Cứu Thương”, phía sau là một trường tiểu học bị tróc nóc, xa hơn là Trại Gia Binh An Lộc cũng đã điêu tàn.
    Bước ra ngoài, một xe Honda 4 bánh nằm lật ngang, bên hông có cẩn thận ghi hai chữ thật lớn “Xe Nhà”, bằng sơn màu trắng và một chữ...”Binh” viết gần bên bằng đất đỏ của An Lộc. Tôi thầm cười: Trạm cứu thương, trại gia binh, nhà thờ, chùa chiền và đàn bà trẻ thơ vô tội còn phải lãnh đạn pháo kích của “quân giải phóng” thì...”xe nhà binh” sức mấy mà thoát khỏi? Sao không đề là “xe của quân giải phóng?”

    Châu chấu đá Voi

    Cách cổng vào Chi Khu An Lộc khoảng 2 cây số, một chiếc xe cần câu của tư nhân màu vàng, nằm chắn ngang một nửa mặt con lộ 13, một chiếc khác nằm trơ bánh lên trời, dưới mé lộ. Được biết, trong những ngày đầu sôi động của An Lộc, khổ chủ của hai chiếc xe trên, đã tình nguyện đem ra cho ‘đâu đít’ lại với nhau, nằm chắn ngang lộ, với ý định không cho chiến xa của VC tiến vào Thị Trấn thân yêu của họ, vì họ đã nghĩ rằng, một khi mà chiến xa VC vào được trong Thị Trấn, thì dù cho xe cần câu của họ có để trong nhà cũng không còn. Nhưng kết quả là T-54 của VC là Voi mà xe cần câu của họ là Châu Chấu!

    Thoát chết nhờ lối tuyên truyền láo của VC

    Gần vòng đai Chi Khu vài chục thước, mấy chiếc T-54 nằm quay đầu ra bất động. Hỏi, thì một chiến sĩ cho biết như sau:
    - Dạo đó, khi An Lộc thất thủ, hàng chục chiến xa VC phây phây đi vào và các tay xạ thủ cũng phây phây ngồi hẳn phía trên xe, chúng tôi lúc đó chỉ còn hơn đại đội,núp dưới các hầm hố, không dám bắn trước, nhưng chúng tôi lấy làm lạ, không hiểu tại sao những chiến xa này không khai hỏa, mà chỉ vào đậu đó, xong chạy vòng vòng thật chậm như tìm kiếm rồi quay ra, và...khi chúng quay đầu xe ra, bọn tôi xách M-72 chạy theo hạ hết, thứ này mà bắn vào đứt xích là nằm liền, các trưởng xa và xạ thủ thoát khỏi xe cũng bị chúng tôi hạ luôn, có vài tên bị chúng tôi bắt làm tù binh, và chúng tôi biết, sở dĩ chúng đưa chiến xa vào tận đây mà không khai hỏa vì trước khi vào đây, cấp chỉ huy đã cho chúng biết ‘hiện An Lộc hoàn toàn do quân giải phóng kiểm soát và...làm chủ tình hình’, nên chúng cứ vào, tự nhiên ngồi trên nóc xe như ‘người quân nhân trở về đơn vị’, và chạy vòng vòng là có ý định đi tìm ‘đồng chí’, đến khi tìm mà không gặp được đồng chí nào thì mới lửng thửng quay ra, và khi quay ra thì mỗi chiếc lãnh vài viên M-72 từ mặt hậu, rồi đứt xích luôn, không thể quay đầu lại, bởi thế mà anh thấy những chiến xa quanh vòng đai này phần đông đều quay đầu ra, còn những chiếc khác xa xa thì quay đầu vào, những chiếc này, hầu hết bị lãnh bom và rocket từ phi cơ.
    Nghe xong câu chuyện, tôi thầm nghĩ:
    - Bọn VC ngoài lối thí quân, nướng quân bằng những đợt tấn công ồ ạt biển người của chúng; mặc cho hỏa lực khủng khiếp từ phi cơ ta ‘làm cỏ’, nay chúng có thêm một lối nướng quân bằng cách tuyên truyền láo với binh sĩ thuộc quyền, bởi chúng không nói láo với quân sĩ của chúng thì anh lính này đâu còn sống đến ngày nay, để kể lại giai thoại ‘Chiến xa VC phây phây vào sào huyệt ta đi tìm đồng chí! Để rồi khi quay đầu ra, vừa khỏi vòng đai thì...nằm đây luôn!’

    Trong lúc vui miệng, anh kể lại tôi nghe thêm một vài chuyện khó tin, nhưng tại đây lại...có thật.

    Trong thời gian tử thủ, bịnh táo bón rất quý

    Có những lúc bên ngoài nó pháo rát quá, hầm trú ẩn thì nhỏ, mà anh em lại quá đông, đôi khi muốn đi cầu lại ngại lãnh đạn, nên chúng tôi cứ...’cố nín, cố nín’, đến khi không thể nín được mà bên ngoài vẫn còn pháo, thì dùng lớp trong của cái nón sắt làm cái ‘bô’, xong, đứng ở miệng hầm liệng ra ngoài, có người chỉ mới hai ngày, đã liệng luôn hai lớp nón sắt, nên ở đây, trong thời gian đó, ai có được cái bệnh táo bón là quý hơn vàng, thảnh thơi lắm, mà tóm lại, trong thời gian đó, người nào có táo bón mấy đi nữa, thì cũng phải có một lần ‘liệng nón sắt’.

    Một giai thoại khác, “Tắm bằng mồ hôi”; vì tại đây, nước rất quí, quí hơn vàng, có khi phải dùng nước tiểu để làm ‘nở cơm sấy’ khi ăn, có nhiều người chịu không nổi phải bịt cả hai lỗ mũi, nhai sơ rồi nuốt vội, như cố ‘tống cơm vào bao tử’ cho xong, để có sức mà...tử thủ, nhưng không dám ăn nhiều, vì nếu ăn nhiều thì trời không cho được cái bịnh táo bón.
    Bởi nước quí hơn vàng, nên trong thời gian đó, lúc nào thấy êm, ai muốn tắm thì cử tạ bằng cách bưng một thùng đạn nặng trịch, đưa lên, đưa xuống cho đổ mồ hôi, xong cởi quần áo ra...ung dung ngồi kỳ đất trên da nở ra và rất dễ... ‘tắm bằng mồ hôi’.

    Những Hippy và Pidel Castro của An Lộc.

    Đã hơn 9 giờ tối, trong một công sự chiến đấu, mấy anh em chiến sĩ tử thủ tại đây và tôi, ngồi quanh một cái bàn uống nước trà và...nói chuyện chiến tranh, bàn và ghế ngồi đều là thùng đạn còn nguyên xi, ly đựng nước trà là chuôi của một loại đạn, bằng nhựa, trắng tinh; trông họ như những Trần Văn Trạch, hay như những Hippy Sài Gòn, c ó người râu ria như Pidel Castro, chỉ khác có một điều là, Trần Văn Trạch, Hippy Sài Gòn hay Pidel Castro râu tóc được chính phủ cho nuôi dưỡng, thỉnh thoảng ghé vào tiệm cho thợ cắt, tỉa, xấy, gội, còn những Hippy và Castro ở đây, thì râu tóc của họ được chính...chiến tranh nuôi dưỡng, không cần phải vào tiệm cho thợ cạo sửa, mà trông vẫn Hippy và Pidel Castro như ai!
    Ở đây, tôi thấy nếu so theo tỷ lệ thì râu của họ hình như...dài hơn tóc, bởi thường thì thức đêm râu rất mau ra; mà lính An Lộc thì làm gì có chuyện ngon giấc ban đêm? Tôi có một ý nghĩ hơi ngộ nghĩnh là...nếu lính ở An Lộc mà cứ để nguyên râu tóc thế này, rồi hè nhau...hạ san xuống phố thì nhất định...mấy ông Quân Cảnh không chịu đâu?

    ******

    21 giờ 30, hơn 10 trái đạn pháo kích rớt quanh Chi Khu, gây những tiếng nổ chát chúa, vang dội, hơi điện bị cúp ngang, tức thì một người lấy ‘giấy bao đạn, có chất mỡ’, để ở giữa một sợi dây, quấn cứng lại làm... ‘đèn cầy dã chiến’, thêm mấy trái khác tiếp theo, gần hơn. Tôi nhức tim, nhìn lên nóc hầm trú ẩn, một người thảy cho tôi cây M-16 và mấy băng đạn:
    - Anh cứ cầm cây này đi, cho anh luôn đó và hãy yên chí, nóc hầm này phải năm quả rớt liền một lúc mới có thể sập.
    Tôi cầm cây M-16 trong tay, và lấy lại được bình tĩnh sau câu nói ‘trấn an’ này, và cũng nhờ thấy họ vẫn thản nhiên, ngồi uống trà mà...đàm đạo chuyện chiến tranh.
    Một anh khác chen vào:
    - Thế này mà ăn nhằm gì, dạo trước ở đây, có một ngày không bao giờ nghe dứt tiếng pháo kích, và ngày đó...7 ngàn quả.

    Tôi nghe ớn tận xương sống với con số này, 7 ngàn quả trong một ngày mà họ còn sống đến giờ này, thì bây giờ chưa đầy hai chục trái, tôi còn có triển vọng về được tới Sài Gòn; vì Sài Gòn với An Lộc thì... tôi vẫn thích Sài Gòn hơn, ở đây nhức tim quá!
    Tôi chưa ra Quảng Trị, chưa thấy sự đổ nát của thành phố Quảng Trị thế nào, chứ ở đây, con số 7 ngàn đó, với thị trấn điêu tàn này, đã cho phép tôi nghĩ rằng... Mặt trận An Lộc đã lên tới mức... ‘đụng phông của chiến tranh.’

    Qua một đêm ngủ chập chờn bởi những tiếng AK nổ lẻ tẻ, những hồi pháo kích inh tai, sáng hôm sau, tôi ra Quốc lộ 13 đón tàu về Lai Khê. Trước khi chia tay, một chiến sĩ nói với tôi:
    - Ở đây, bãi đáp duy nhất cho trực thăng là một khoảng dài độ hai cây số, trên Quốc lộ 13, vì hai bên là rừng cao su; trên khoảng hai cây số đó, trực thăng tự do đáp bất cứ ở đoạn nào, nếu vừa đáp mà bị pháo kích thì bốc lên, bay đến chỗ đáp khác, rồi chỗ khác nữa...mình sức người, không thể nào chạy kịp với tàu bay! Muốn đón tàu đi cho được thì phải làm sao gần tàu, mà hể gần tàu thì sợ pháo kích, vì VC chúng chỉ pháo khi nghe tiếng trực thăng đến, nên...chua lắm!

    Tại Quốc lộ 13, từ 7 giờ 30 đến 16 giờ, bao nhiêu lần trực thăng đáp mà tôi vẫn không làm sao chạy theo kịp để đi được, vì lần nào cũng thế, trực thăng đáp, tôi chưa kịp chạy đến thì vì pháo kích, nó đã vội bốc lên bay đến nơi khác, tôi lại quay đầu chạy theo, thì lại cũng vì pháo kích, mà nó cũng bốc lên bay đi nơi khác nữa. Lúc bấy giờ, tôi tưởng mình đã trở thành lực sĩ chạy ‘Ma-ra-tông’.
    Đến 17 giờ, tôi đứng chung với một số thương binh của SĐ18BB, họ nằm đây chờ trực thăng đến tải thương, trong đó có vài người đã chết vì vết thương quá nặng, gần đó, một cái mền hoa, trải rộng ra trên mặt lộ, làm dấu cho trực thăng đáp, vì ở đây, nếu dùng khói màu, thì được coi như gián tiếp chỉ điểm bãi đáp cho VC.
    Hai trực thăng bay đến thật thấp rồi đáp nhanh xuống. Tôi cũng thật nhanh và may mắn bước được lên tàu, nhưng...cuối cùng phải bước xuống, nhường chỗ của mình để có thể chở thêm một thương binh.
    Loại trực thăng này có thể chở tối đa 12người, vậy mà chỉ có hai chiếc, họ đã hốt gọn gần 50 thương bệnh binh, vừa nằm, vừa ngồi. Tàu bốc nhanh lên, những trái pháo kích rơi chậm hai bên quốc lộ, mà tôi tuởng có thể thấy được cảnh ‘Người chết hai lần’. Những người còn lại phải chạy vào rừng cao su, để trốn pháo kích. Tại đây, tôi gặp một xác trực thăng mang cờ VNCH đã cháy hết 70%, quanh đó là bốn bộ xương người còn nguyên vẹn (mỗi trực thăng, phi hành đoàn gồm 4 người, 2 hoa tiêu, 1 cơ khí viên và 1 xạ thủ phi hành, một trong bốn bộ xương nằm sấp trong tư thế của người đang bơi lội...)

    Tôi rời nơi đây đi vào sâu hơn một chút, nhìn lên trời, từ đàng xa, những chiếc trực thăng đang bốc lên, hạ xuống và chao mình tránh né phòng không, có lẽ nơi đó đang giao tranh? Và tôi thầm cảm phục lòng gan dạ của phi công VNCH hơn bao giờ hết. Nếu trong quân đội Nhật Hoàng có Phi đội Thần Phong với những hoa tiêu trẻ, đầy gan lì, dám lao phi cơ vào tàu thủy địch, thì trong QLVNCH cũng có những phi công mà số giờ bay hành quân cao hơn cấp bậc, và họ cũng không ngần ngại bay vào giông tố, trên vòm trời đầy lửa đạn phòng không: Bãi đáp bất an ư? Vẫn đáp, vì một đại bàng gãy cánh, sẽ có 10 đại bàng khác cất cánh bay lên, bảo vệ vùng trời quê hương yêu quý, quyết mang bom đạn và xương máu ra để đổi lấy Tự Do, bởi bên cạnh họ, còn có một rừng người cùng chung một chính nghĩa, cùng chung một lý tưởng.
    Cảnh tượng những người dân vô tội thương vong nằm la liệt trên Quốc lộ 13 vẫn còn ám ảnh tôi. Một câu mà tôi còn nhớ ‘Đường lối chiến đấu của Chính Phủ ta là...thà để 10 tên giặc chạy thoát, còn hơn bắn lầm một người dân’.

    Câu nói chí lý này đã thể hiện trong hàng ngũ ta vào dịp Tết Mậu Thân tại Nha Trang. Địch quân đã đặt toàn bộ chỉ huy và hỏa lực nồng cốt, dưới chân tượng Đức Phật trên một ngọn núi, cạnh đó, là ngôi chùa lớn nhất Nha Trang và cũng bị chúng dùng làm công sự chiến đấu. Dây là một cao điểm, có nhiều lợi thế về quân sự cho bọn VC, trong mưu đồ tấn công chiếm thị xã này.
    Trong trận này, thay vì ta dùng phi cơ xạ kích tiêu diệt chúng, rồi sẽ xây lại tượng Đức Phật và chùa thì...dễ như trở bàn tay, nhưng vì tôn trọng tự do tín ngưỡng của dân, hơn nữa lúc bấy giờ còn vài vị sư sãi bị chúng quản thúc trong chùa, nên ta phải chiến đấu bằng một chiến thuật cam go hơn, mất nhiều xương máu của quân sĩ ta hơn để không mất chùa, không mất tượng Phật, không mất mấy vị sư sãi của ta và nhất là...không mất lòng dân.
    Rồi mới đây, tại mặt trận Tây Nguyên, Thiếu Tá phi công Phạm Văn Thặng, thuộc Phi đoàn 530, KĐ72CT, đã thà chịu chết với phi cơ, chứ không chịu nhảy dù khi tàu anh bị trúng đạn phòng không tại một nơi đang giao tranh ở Kontum.
    Đại úy Hiệp là bạn anh, bay theo bảo:
    - Mày nhảy dù đi Thặng, tàu mày bị đạn rồi, cánh trái cháy dữ lắm.
    Nhưng anh trả lời trong vô tuyến:
    - Không được, tao còn bom đạn nhiều quá, nếu nhảy dù thì tàu sẽ đâm vào thành phố này và dân sẽ chết rất nhiều.
    Ngồi trong phòng lái, Thặng cắn răng chịu đựng ngọn lửa đữ dội đang đốt cháy thịt da mình, để đưa tàu ra chỗ trống và cuối cùng, anh đã chết, khi con tàu cày trên mặt cỏ và... đâm vào một mô đất cao.
    Thử hỏi, còn có cái chết nào ý nghĩa hơn, cao đẹp hơn và hào hùng hơn cái chết đó của người chiến sĩ QLVNCH, để bao người dân khỏi chết?
    Và cũng tại mặt trận này, một trường hợp khác tương tự.
    Một Thiếu Úy phi công khu trục, cũng thuộc Phi đoàn Thái Dương 530. Khi đang bay hành quân tại căn cứ Delta, tàu bị trúng đạn phòng không và anh bị thương nặng, anh cố đem tàu về đáp ép buộc gần Tân Cảnh, trên một khoảng đất trống (loại phi cơ này khi bị đáp ép buộc, không khi nào bỏ bánh ra mà chỉ đáp bằng bụng).
    Khi Thiếu Tá Lê Bá Định, người chỉ huy của anh đến hỏi:
    - Mày bị thương, còn tàu thì trúng đạn phòng không, tại sao không chịu nhảy dù cho trực thăng nó cứu, mà lại lết về đáp ở một nơi...quá ghê gớm này, không sợ toi mạng sao?
    Anh đưa tay lau những vết máu trên mặt và thản nhiên trả lời:
    - Tôi còn bom và rocket nhiều quá, sợ nhảy dù ra tàu sẽ đâm vào quân bạn, hơn nữa, phi đoàn mình còn ít máy bay, mình đem về được cái nào đỡ cái nấy.
    Những câu được gọi là Danh ngôn là... Hoa thơm cỏ lạ của các bậc đàn anh trí thức, cũng phải bóp trán suy nghĩ rồi uốn lưỡi 5 lượt 7 lần, còn phải gọt dũa lại cho trơn tru rồi mới dám đem in lên sách báo và trịnh trọng đóng khung cho...người ta đọc, mà so chẳng thấm vào đâu với câu nói chí lý và đúng cảnh hợp tình của người chiến sĩ này.

    Ngày nay, chiến sĩ ta đã chiến đấu thật tuyệt vời, và tinh thần chiến đấu cao độ của họ, đã cho thấy một trường hợp như sau: Tại mặt trận Bình Định Trung Úy Bùi Văn Chấn thuộc biệt đội của Phi Đoàn 118 từ Pleiku bay ra yểm trợ cho Căn cứ Không Quân Phù Cát trong mặt trận này, đã kể lại câu chuyện hết sức cảm động như sau:

    Dấu vị trí xác thực của mình để yêu cầu phi cơ xạ kích ngay trên đầu.

    Một trung đội BĐQ, bất ngờ chạm địch, với quân số VC gấp 5 lần, cách Vạn An 8 cây số về hướng Bắc. BĐQ bị vây quá chặt, không thể mở đường máu mà thoát, và hai bên chỉ cách nhay không đầy 50 thước, trong khi tầm sát hại của bom và rocket từ phi cơ là 300 đến 500 thước.
    Trước sau cũng chết, nhưng phải làm sao mình chết 1, VC chết 5. Người Trung đội Trưởng quyết định gọi phi cơ đến đánh, ông phải nói dối với các phi công đang bay trên vùng là trung đội ông ở cách điểm đánh 600 thước (vì nếu gần quá thì phi công sẽ không đánh, sợ trúng quân bạn). Khi phi cơ đến đánh, họ đã mở đường máu ào ra cận chiến với VC, kết quả sau trận này, Trung đội chỉ còn vài người sống sót thoát về, và họ kể lại gương can đảm của ông Trung đội Trưởng anh hùng này.
    Nếu tại mặt trận An Lộc cũng như mặt trận Bình Định, đã xãy ra những chuyện khó tin mà có thật như đã kể trên, thì tại mặt trận Tây Nguyên cũng có nhiều giai thoại ly kỳ. Nếu bên bộ binh có những người lính gác giặc, thì bên Không Quân cũng có những người ‘lính gác mây’, mà mới nghe qua ta không khỏi nghĩ rằng đó là một huyền thoại hay ít ra cũng là chuyện hoang đường, bịa đặt.v.v... nhưng đó là chuyện có thật và thật đến 100 phần 100.

    Trong những ngày đầu của chiến trường sôi động tại hai Căn cứ Hỏa Lực 5 và 6, hồi năm 1971, hai căn cứ này tọa lạc trên hai ngọn đồi 1001 và 1338, thuộc lãnh thổ tỉnh Kontum, cách tiền đồn Tân Cảnh 9 cây số về hướng Tây Nam. Nơi đây ta đã vận dụng đến mức tối đa phi cơ các loại, nhất là trực thăng và khu trục, loại khu trục cơ A-1 cánh quạt, mà đã một thời KQVN đơn phương đi phạt Bắc.

    Trên đỉnh của ngọn đồi Căn cứ Hỏa Lực 5, lúc nào cũng có một đám mây khổng lồ thường trực bao phủ, đám mây này là kẻ thù nguy hiểm nhất cho KQ tại đây lúc bấy giờ. Khu trục, trực thăng, quan sát đã khó khăn yểm trợ cho quân bạn cũng vì đám mây này. Tất cả chỉ nhờ một ngọn gió nào đó, đẩy đám mây kia đi, hoặc mây trống ra một lỗ để KQ có thể chui đôi cánh xuống mà hoạt động, nên những ngày mây che trên đồi, các cấp chỉ huy của KĐ72CT đã lều chõng, lên ăn ở luôn tại tiền đồn Tân Cảnh và thay phiên nhau đứng trên nóc hầm chỉ huy, đặt ống nhòm để “Gác đám mây đó”, xem chừng hễ “nó” trôi đi hoặc có một lỗ trống, là liên lạc về Pleiku cho phi cơ lên đánh ngay.
    Thiếu tá Võ Ý, Trưởng phòng Kế Hoạch Hành Quân KĐ72CT đã nói với tôi:
    - Mày xem, lính KQ chính hiệu như tao mà từ hôm lên đây đến nay, thời gian đứng trên nóc hầm “gác mây” nhiều hơn thời gian ngồi trên mặt đất, mà khốn nạn, đám mây kia lúc nào cũng ngũ trên đdỉnh đồi, có một lần tao thấy thương ông Tướng Triển quá chừng (Tướng Triển lúc bấy giờ là người chỉ huy trận này). Ồng đang ngồi trên nóc hầm chỉ huy vừa uống trà, vừa gác mây, thấy đám mây trên đỉnh đồi vừa trôi đi nơi khác, ổng mừng quá, đánh rơi chén trà vội kêu tao liên lạc cho Pleiku “cất cánh”, nhưng...sau vài phút, một tảng mây khổng lồ khác, lớn hơn lại ùn ùn kéo đến thế chỗ đám mây trước rồi...nằm ngũ luôn tại đây không chịu đi.
    Tôi hỏi lại:
    - Thế ra ông Tướng Triển cũng phải gác mây nữa sao?
    Thiếu tá Ý trả lời:
    - Đứng trên nóc hầm chỉ huy dể gác mây và thức đêm đối với ông Tướng này còn nhiều hơn tụi tao.
    Thiếu tá Ý nói tiếp:
    - Bởi đã cam khổ, ngọt bùi có nhau nên sau đó khi quân ta đại thắng, trong một buổi họp báo tại BCH/QĐII ổng đã tuyên bố: Nếu không có KQ, thì ta đã mất hai Căn cứ Hỏa Lực 5 và 6.

    17 giờ, 18 giờ, rồi...19 giờ vẫn không nghe tiếng của trực thăng đến. Và... đêm đó tôi ngủ lại trong rừng cao su An Lộc. Sáng hôm sau thật sớm, một hợp đoàn trực thăng tải đạn đến An Lộc, và tôi về lại Lai Khê bằng một trong những trực thăng thênh thang đó.

    Khi về Biên Hòa, tôi vẻ lại một bản đồ chỉ chỗ phi cơ trực thăng lâm nạn, trình lên Đại tá Tường, Sư đoàn Phó SĐ3KQ, và kết quả là nội nhật ngày hôm đó toán tìm cứu của SĐ3KQ, đã lên An Lộc đem bốn bộ xương người về.
    Rồi khi về đến Sài Gòn, tôi cũng trình luôn chuyện “Người lính Không Quân tử thủ An Lộc 68 ngày không lãnh lương”, sau đó, Ban Quân pháp Không Quân (Thiếu tá Thư) làm mọi thủ tục và...Binh nhất Lê Nhâm Thình cũng đã trở về lại với gia đình Không Quân.

    Thượng sĩ Nhất Lưu Văn Giỏi
    Khối CTCT/BTLKQ – KBC-3011



  • #2
    Cứ mỗi lần lên ca trực hành quân, là mỗi lần chúng tôi phải rời khỏi phi trưởng Biên Hoà để bay đến phi trường bỏ túi Lai Khê vào những buổi sáng sớm trong cái lạnh nhè nhẹ của miền Nam VN, trong giấc ngủ say mê của thành phố.
    Khi hợp đoàn trực thăng vừa đáp xuống phi đạo LK, phi hành đoàn chúng tôi vội vàng ăn sáng với những ổ bánh mì kèm với những miếng thịt hộp mà Không đoàn phân phát cho mỗi hợp đoàn bay hành quân từ đêm hôm qua. Từ trưởng phi cơ, hoa tiêu phụ, cơ phi, xạ thủ, ai ai cũng đều nuốt vội vả khúc bánh mì khô khan trên tay và uống vội 1 ly nước lạnh trong bình nước dã chiến. Đôi khi, tôi phải mua thủ 1 gói xôi và 1 bịt cà phê từ ngoài phố nếu đêm trước đó trốn ra ngoài phố. Ngồi nhai ngấu nghiến khúc bánh mì
    và nhìn mọi người trong phi hành đoàn, lòng tôi vừa cảm động vừa yêu thương với tất cả lòng yêu thương của anh em trong một nhà. Bốn người trong phi hành đoàn trực thăng chúng tôi đều cực khổ như nhau, sống chết có nhau, chia sẻ , bảo vệ cho nhau không phân biệt sĩ quan và hạ sĩ quan. Khổ, cùng khổ, sướng, cùng sướng, chăm lo cho nhau trong tất cả những phi vụ hành quân nguy hiểm
    Vì thế, khi đọc bài nầy, tôi vô cùng cảm đông và rơi nước mắt khi nhớ lại những ngày bay hành quân khi xưa. Bao nhiêu kỷ niệm của những ngày cực khổ, nguy hiểm đang tràn ngập trong ký ức. Tình chiến hửu, tình anh em trong một đại gia đình phi đoàn ngày xưa sẽ mãi mãi không bao giờ quên, không bao giờ quên
    Vô cùng cám ơn tác giả bài viết và người đã post

    Last edited by gunship; 01-23-2013, 07:25 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X