Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Xóm Cũ Tình Xưa

Collapse
X

Xóm Cũ Tình Xưa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Xóm Cũ Tình Xưa

    Xóm Cũ Tình Xưa

    Minh Nhã Nguyễn Thanh Dũng ( * )


    1. Lom khom tìm CD giọng ca Như Quỳnh, Trường Vũ trong tiệm bán nhạc Trung Tín tại chợ Việt Nam, tôi chợt bắt gặp bàn tay trắng nõn của một cô gái bên cạnh, đang cầm một CD, lẩm bẩm đọc tên các bài hát. Bàn tay với những ngón thon dài nuột nà, như có ma lực thu hút tiềm thức, khiến tôi đứng ngây người. Giây phút nào đó, sự trỗi dậy một dư ảnh, một dư hương hoặc một dư âm cũng đủ đánh thức nỗi niềm chôn sâu âm ỉ tận đáy tâm hồn.

    Trả tiền xong, cô gái tiến ra cửa. Tôi chỉ kịp nhìn thấy mái tóc dài buông hờ hững trên đôi vai tròn trịa.

    Đã từ lâu, ấn tượng về một người con gái đến với tâm tư tôi, không phải thân hình bốc lửa, không phải dáng đi uyển chuyển, không phải giọng nói dịu dàng, không phải đôi mắt u huyền mà là đôi bàn tay. Bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, chiêm ngưỡng người khác phái, tôi nhìn đôi bàn tay trước tiên. Âu đó cũng là cách lý giải nguyên nhân mà mãi sau này lúc định cư tại hải ngoại tôi mới khám phá được ý nghĩ chính mình.

    2. Đầu thập niên 70, tôi được lệnh gọi thi hành quân dịch. Sau 3 tháng huấn luyện tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, tôi về Trung Đoàn 7 SĐ 5 BB.

    Khi Hiệp định Paris năm 1973 ký kết, Tiểu Đội tôi được lệnh đóng tại khu vực Đồng Xoài – Phú Giáo, cắm cờ VNCH, để phân biệt lãnh thổ trong chiến dịch mà địch gọi là “chiếm đất giành dân”. Lúc bấy giờ tôi mang lon Binh Nhất, phụ trách khẩu đại liên M 60, vì là nông dân nên thân hình tôi rất vạm vỡ và chắc nịch.

    Trong một đêm tao ngộ chiến, khẩu đại liên đang khạc đạn như mưa, bỗng tôi bị hất tung lên vì một quả súng cối của địch nổ gần. Tôi không biết mình mê man bao nhiêu ngày. Khi hồi tỉnh, tôi cảm thấy môi mình ngòn ngọt. Một người nào đó đang đổ sữa cho tôi uống. He hé mắt, ánh sáng chói loà khiến tôi phải nhắm nghiền lại ngay. Một bàn tay mềm mại đặt lên trán tôi. Tôi hi hí mắt nhìn một lần nữa. Khuôn mặt trái xoan ngược ánh sáng, chỉ có đôi mắt hai mí long lanh nhìn tôi. Mái tóc dài cúi xuống, phủ lên ngực tôi khiến tôi nhột nhạt, khó chịu. Ánh nắng chiều nhuộm đôi bàn tay với mười ngón thuôn đuột búp măng mà tôi mường tượng đôi bàn tay tiên xoa dịu cơn đau nhừ thể xác.

    Giọng nàng reo vui:

    – A ! Anh Trường đã tỉnh rồi.

    Cố moi óc, vẫn không sao nhớ được nàng là ai, tôi thì thào:

    – Ai vậy ?

    Nàng nũng nịu:

    – Em Kim đây. Bộ anh hổng nhớ hả?

    Bàn tay mát rười rượi của nàng nắm chặt tay tôi. Tôi thiếp đi lúc nào không hay...

    3. Nhà Kim và nhà tôi cùng xóm, cái xóm nghèo nàn của xã 2, Thủ Thừa Long An. Khi học hết bậc tiểu học, Kim lên Phú Định Chợ Lớn, ở nhà người chú, học tiếp Trung học. Phần tôi gia cảnh quá nghèo, đành bỏ dở dang, ở nhà phụ ba má tôi lo ruộng vườn.

    Mỗi kỳ nghỉ hè hoặc Tết, Kim về thăm quê, chúng tôi tiếp tục chung vui những ngày hồn nhiên dang dở. Thời gian trôi qua mau, Kim đã trở thành một thiếu nữ biết e thẹn, biết làm duyên.

    Con gái quê tôi, Thủ Thừa, không biết nhờ dòng dõi hay nhờ nguồn nước sông Vàm Cỏ, cô nào cũng cao ráo và trắng ngần. Kim cũng nằm trong số đó. Tuy vậy, con gái xứ này thường hay lấy chồng xa, có lẽ trai nơi đây không đầy đủ điều kiện cho các cô coi là thần tượng. Bởi lẽ ấy, tôi biết phận mình, biết hoàn cảnh mình nên giữ ý không dám mơ mộng hão huyền.

    Một lần Tết Trung Thu, Kim về nghỉ cuối tuần sau kỳ thi Lục Cá Nguyệt. Chúng tôi ra bờ sông Vàm Cỏ đầu thôn, ngồi chờ trăng lên.

    Chiều quê nắng tắt hẳn. Màu tím bàng bạc, sẫm dần. Màn đêm như chợt hửng vàng khi ánh trăng vành vạnh từ từ nhô tận chân trời phương Đông. Tiếng côn trùng rỉ rả, nỉ non, đôi khi hoà vui như chung hơi thở nhịp tim rộn rã. Mùi hương cau tỏa nhè nhẹ, gió hiu hiu từng chập. Thời gian tĩnh lặng như ngừng trôi...

    Tôi thẳng thắn tỏ ý niệm mình xuyên qua những cuộc tình duyên trai gái tại địa phương. Tôi không dám mơ ước gì ở Kim ngoài tình bạn như thời ấu thơ. So với trai thành thị, tôi chỉ là một người nhà quê nghèo hèn, tính tình chân chất, kiến thức nông cạn và tài năng kém cỏi.

    Nhìn tôi một lúc thật lâu, Kim cười. Dưới ánh trăng rằm sáng vằng vặc, tôi nhìn rõ má lúm đồng tiền và hai hàm răng đều như bắp non.

    Kim nói:

    – Em không giống các bạn gái ở đây. Họ không có bạn từ thuở nhỏ, thân thiết như anh với em. Vì hoàn cảnh, anh không tiếp tục học được chớ không phải anh không muốn học. Có lên Chợ Lớn, so sánh các bạn trên đó, em thương các bạn ở quê mình hết sức. Các bạn nghèo, thiếu thốn đủ thứ, từ vật chất đến giải trí. Cha chú ở quê có người chưa bao giờ biết Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang... Suốt đời họ chỉ quanh quẩn với đình làng, với hàng tre xanh, với mương tôm ao cá.

    Tôi thở dài:

    – Làm sao hơn được hả em. Chính anh, anh cũng phải chịu chung số phận như cha chú mình...

    Chúng tôi nói với nhau nhiều lắm, nhiều lắm... nhưng vẫn chưa đề cập gì đến tình yêu giữa hai đứa.

    4. Khi Tổng Y Viện Cộng Hoà báo tin cho gia đình tôi biết tôi bị trọng thương, ba má tôi cuống quít, sang nhờ ba má Kim lên Chợ Lớn cho Kim hay. Ba má tôi chưa hề lần nào biết Saigon, nghe đồn trên đó rất xô bồ và phức tạp thì e ngại vô cùng.

    Ba tôi bán rẻ năm giạ lúa để Kim lấy tiền chăm sóc tôi. Mặc dù có y tá, nhưng những giờ nghỉ học ở Đại học Dược, Kim vào bệnh viện lo cho tôi từng miếng ăn, từng ly nước uống. Quần áo bệnh nhân của tôi dơ dáy, Kim không quản ngại, nàng mua sà phòng, mang ra vòi nước giặt và phơi nắng giết vi trùng. Tôi không tắm được, Kim đã nấu nước nóng lau từng ngón tay, từng bàn chân cho tôi, còn hơn người vợ săn sóc chồng. Nàng vì lòng thương hại của em gái hậu phương đối với một thương binh ? Nàng vì lòng bao la của một người có tâm huyết công tác xã hội ? Tôi không sao lý giải và cũng không cần giải lý. Tôi chỉ biết mình hưởng những gì mà các thương binh chung quanh tôi không được phước hưởng.

    Sau gần một năm nằm bệnh viện, tôi được các bác sĩ hội chẩn và lại tiếp tục trở về đơn vị tác chiến cũ. Ngày chia tay, những giọt nước mắt nóng bỏng của Kim khiến tôi bùi ngùi. Thời chiến, như Phạm Duy đã phổ nhạc lời thơ: “Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại ?...”

    5. Ngày 1-5-1975 tôi trở về quê cũ thì gia đình Kim đã di tản, không biết về nơi nào. Mặt trận Long An những ngày cuối cùng, từ quốc lộ 4 đến các quận, thôn làng sôi động khác thường.

    Cũng như những người đi tìm tự do, năm 1982 tôi vượt biên với gia đình và thành công. Vị chỉ huy cũ Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 7 SĐ 5 BB có ghe, có vàng nên cho chúng tôi đi theo. Thoạt đầu ba má tôi không chịu rời xóm làng. Ông bà quyết định sanh nơi đây thì chết cũng nơi đây. Khi thằng em kế tôi đi thanh niên xung phong, bỏ thây trên Campuchia, ba má tôi mới lo sợ cho thằng út, và nói một liều ba bảy cũng liều...

    Tại Chicago, thằng út lập gia đình và đã có cháu nội cho ba má tôi ẵm, nên tôi không bị ép lấy vợ. Làm sao tôi quên được đôi bàn tay của Kim đã chăm sóc khi tôi nằm bệnh viện. Là sinh viên Dược, nàng có quyền chối bỏ cực nhọc, dơ bẩn đối với người thương binh thất học. Kiến thức chênh lệch, nàng có quyền xa lánh người binh sĩ, có cấp bậc thấp trong quân đội như tôi. Nỗi ray rứt, ký ức về bàn tay ngà ngọc khiến tôi quyết định về chốn cũ, tìm lại những gì đã mất theo tháng năm mà mối tình câm nín của Kim và tôi đã chôn chặt vào dĩ vãng...

    6. Thế rồi cuối cùng tôi trở về thăm xóm cũ. Bao nhiêu năm xa cách, cảnh vật như xưa, nhưng người đã khác hẳn. Cũng những mái tranh nghèo xơ xác, cũng vũng rãnh ao tù nước đọng, cũng ruộng nương ngập phèn chua váng đỏ, rong rêu lều bều. Dân thôn xóm năm xưa giờ đây tứ phương cầu thực. Vì miếng cơm manh áo, người tìm cuộc sống mới nơi phồn hoa đô thị, kẻ lìa bỏ lũy tre xanh rợp bóng thôn làng.

    Đứng trước quang cảnh cũ, lòng tôi bồi hồi xúc động. Chỉ có những người xa quê hương đằng đẵng, tâm trạng mới trào cuồn cuộn sóng yêu thương, nhung nhớ khoảng trời dẫy đầy dấu tích. Con đường ngoằn ngoèo xuyên qua xóm, giờ đây vẫn còn lũy tre bao phủ. Hàng cau cao vút thấp thoáng xa xa. Xóm nghèo của tôi ở đó.

    Bước qua hàng rào bằng các nhánh cây găm xuống đất cho có lệ, tôi tiến vào nhà cũ của mình. Căn nhà tăm tối, ẩm thấp. Mái lợp lá dừa nước cũ kỹ, tả tơi. Vài đứa trẻ nhà bên cạnh thập thò nhìn tôi dáng vẻ tò mò và xa lạ.

    Tôi bước qua nhà cũ của Kim. Một ông già tay run run chống gậy, đưa đôi mắt đờ đẫn nhìn tôi, không nói năng lời nào. Tôi nhắm nghiền mắt lại. Ba của Kim đây rồi. Hai giọt lệ ứa ra. Tôi khóc!

    Đứng lặng yên như thế một lúc thật lâu, tôi đỡ ông cụ ngồi xuống chiếc phản gỗ bên cửa sổ. Có lẽ ông cụ lãng trí, không còn biết những gì xảy ra chung quanh.

    Một bé gái trạc tám chín tuổi, vừa ngoài ruộng về, tay cặp chiếc rổ đựng vài con cá rô bằng hai ngón tay, thấy tôi lạ nên bước lại hỏi:

    – Chú tìm ai ?

    Tôi trả lời ngay:

    – Tôi tìm cô Kim, cháu biết cô Kim ở đâu không?

    Đứa bé ấp úng:

    – Má cháu...

    Tôi cũng ấp úng theo nó:

    – Má cháu... má cháu... ở đâu ?

    Đứa bé không trả lời, lẳng lặng đem rổ cá ra sau bếp. Khi trở lên nhà trên, nó nắm tay tôi đi về hướng sông Vàm Cỏ.

    Chui qua cụm dừa nước, đứa bé đưa tay chỉ người đàn bà đang lúi cúi cầm rổ thưa hớt cá ven bờ sông, nước lên đến gần đầu gối. Nó không nói câu nào, quay phắt trở về nhà.

    Tôi xắn quần, cởi giày vớ cầm tay và lội bì bõm xuống chỗ Kim. Cố gắng dằn lòng, nhưng sao tim tôi đập nhanh quá.

    Hình ảnh cô sinh viên Dược tươi mát săn sóc tôi năm nào tại Tổng Y Viện Cộng Hoà và hình ảnh một thiếu phụ thôn quê nghèo khổ đang vớt từng con cá, từng con ốc nuôi sống gia đình, chen lẫn nhau, nhạt nhoà trong mắt tôi.

    Còn cách độ vài thước, nghe tiếng lội nước, Kim đứng thẳng người lên nhìn ngoái lại.

    Mái tóc dài bây giờ không còn buông xõa mà bới cao sau ót, để lộ mảng da vẫn trắng nõn như xưa. Đôi mắt hai mí long lanh độ nào, đã vương nét u uẩn thăm thẳm, xa xôi vời vợi.

    Kim ngạc nhiên hỏi:

    – Ông tìm cái gì mà lội ra đây ?

    Nàng chẳng nhận ra tôi. Giá con gái nàng không dẫn đến, khi gặp nàng, chưa chắc tôi đoán biết được nàng.

    Quá xúc động, tôi nhìn nàng, không biết mở lời ra sao. Hai người nhìn nhau một lúc. Kim chợt nhớ lại người bạn thân cũ năm xưa, nàng lúng túng cúi gằm mặt xuống.

    Tôi tiến lại nắm tay Kim. Dẫu rằng trải qua nắng mưa, dẫu rằng tuổi đời chồng chất, hai bàn tay nàng vẫn thon đẹp, từng ngón búp măng vẫn nõn nà và đài các, duy lòng bàn tay bị chai cứng vài chỗ. Dáng nàng cao cao, toát ra vẻ đẹp kiêu sa giữa miền đồng chua nước mặn. Làn da mặt mịn màng, trắng tự nhiên, chợt ửng hồng khi nhận ra tôi, không khác gì thuở còn son trẻ.

    Mười mấy năm xa cách, tình cảm câm nín năm xưa đến bây giờ cũng vẫn nín câm. Có lẽ hai chúng tôi đều nghĩ rằng những lời tự đáy lòng không cần nói ra, vì lời nói đầu môi chót lưỡi đôi khi chỉ là những lời giả dối, ai thốt cũng được. Hai ánh mắt nhìn nhau cũng đủ tỏ rõ tình yêu tự đáy lòng mình.

    7. Kim kể rõ đầu đuôi cuộc tình kết tinh một bé gái mà mãi đến bây giờ nàng mới có dịp thổ lộ.

    Khi miền Nam sụp đổ, gia đình nàng theo vợ của chú nàng ngược ra miền Trung vì nơi đây là quê hương của thím. Lúc gia đình tôi vượt biên, Kim đang làm công nhân phòng thuốc tại một bệnh viện ở Huế. Được tin tôi ra đi, nàng tuyệt vọng và sống thầm lặng qua ngày. Rất lâu sau đó nàng lập gia đình với một bác sĩ. Biết Kim là sinh viên Dược, ông quí nàng vô cùng. Vợ bác sĩ này rời Việt Nam ngày 30-4-1975, định cư tại California, trong khi ông còn kẹt ở Đà Nẵng.

    Khi hai chính phủ Mỹ và Việt Nam thỏa thuận chương trình “Ra Đi Trong Vòng Trật Tự” (O.D.P.), vợ ông bác sĩ lập thủ tục bảo lãnh chồng. Kim ôm đứa con gái, tan nát cõi lòng. Má nàng vì con, buồn rầu sinh bệnh rồi chết. Ba nàng dần dần mất trí nhớ. Kim nuốt lệ đưa gia đình về quê cũ sống. Đối với cha, nàng luôn tròn chữ hiếu, đối với con gái, tình mẫu tử thiêng liêng bao trùm khiến Kim không màn tấm thân ngày càng tàn tạ.

    Kim thở dài:

    – Em làm quần quật từ sáng tinh sương đến tối mịt. Từ làm cỏ mướn, cày bừa, vét mương, tát đìa... em chỉ mong được bà con chung quanh trả công vài ký gạo, cha con ông cháu tạm no lòng, con em được manh quần tấm áo lành lặn. Giấc mơ tầm thường như vậy, nhưng đối với em là một cuộc vật lộn gay go với hoàn cảnh xã hội từng ngày.

    Tôi siết chặt tay Kim. Lòng bồi hồi thương cảm:

    – Anh rất khâm phục sự chịu đựng của em. Anh là đàn ông, chưa chắc anh đã can trường như em.

    – Làm sao hơn hả anh ? Phải vùng vẫy trong sự khốn đốn để tồn tại. Và...

    – ... Và đến nay mình mới có cơ hội gặp lại...

    Ánh trăng vẫn như năm nào khi chúng tôi ngồi cạnh nhau bên bờ sông, có khác chăng giây phút này, cõi lòng mỗi người thổn thức một cách khác biệt. Thâm tâm tôi lo lắng cho nàng, không gợn một chút gì thương hại, mà là tình cảm thuần khiết. Một người con gái vì xã hội, vì hoàn cảnh gia đình, tương lai bế tắc, phải chui rúc trong xóm nghèo, trong khi các bạn nàng sống sang trọng trên Saigon đầy ánh sáng hoa lệ.

    Với chiếc áo bà ba nâu bạc màu, con người Kim giản dị và mộc mạc như các cô thôn nữ khác. Thế nhưng tôi hình dung được trong tâm hồn nàng, một ý chí cương quyết mãnh liệt, không hề lùi bước trước gian khổ. Tuy đời sống không như ý muốn, nhưng Kim an phận với hiện tại mà không kêu ca, than phiền vì nếu có than phiền và kêu ca cũng không ai giúp được.

    Hôm nay, sau những năm xa cách nơi chôn nhau cắt rốn, nơi trải qua thời ấu thơ đầy kỷ niệm, tôi được trọn vẹn thưởng thức những gì hằn sâu tận tiềm thức. Vả lại, ước vọng gần gũi người mình nhớ nhung từ lâu, nay trở nên hiện thực. Tôi muốn thời gian dừng lại. Tôi muốn không gian bất biến để níu giữ, dồn nén thật chặt niềm rạo rực vào trái tim lỗi nhịp, đôi khi quặn thắt đau.

    Tiếng cười đùa hồn nhiên của trẻ thơ đánh thức tâm trạng người xa xứ. Vui buồn lẫn lộn tràn ngập lòng tôi. Quê tôi nghèo quá. Dân quê làm lụng vất vả mà vẫn không đủ sống. Đời người cơ cực triền miên. Trẻ em thất học là điều tất nhiên, mà càng suy nghĩ càng thương tủi cho những em bé xa ánh sáng văn minh thành phố tại Việt Nam, chứ chưa dám so sánh với trẻ em trên các nước khác trên thế giới.

    Khi đặt những bước chân đầu tiên về quê, từ đầu làng đến xóm cũ, tôi nhận thấy trẻ em quần áo xác xơ, tóc tai bù xù, chân tay đen đúa, nét mặt không có vẻ gì tinh anh, ngơ ngác nhìn tôi xa lạ. Trong những ánh mắt đó, tôi có cảm tưởng vùng đất tôi đang đi là một vùng đất đầu tiên đón tiếp con người. Các em đang phụ cha mẹ đào khoai lang trong đám đất khô cằn, hoặc vớt tép, vớt cá trong những đường mương đục ngầu.

    Tại Mỹ, tôi từng chứng kiến các trẻ em vừa ăn vừa vứt đổ những thức ăn vô tội vạ. Những phần McDonald, những miếng thịt bò mềm mại, những khúc sườn nướng vàng lườm, những tô súp thịt gà ngậy béo, những tô phở thơm ngon, ăn không hết, họ thản nhiên dồn vào thùng rác. Trong gia đình, thức ăn thừa mứa qua ngày, mặc dù bảo quản trong tủ lạnh, nhiều bà nội trợ vẫn không thích dùng đến, vì ngăn ngừa bệnh hoạn. Đồng tiền làm ra tương đối dễ dàng. Cuộc sống sung túc, đầy đủ tiện nghi, sự phí phạm không sao tránh khỏi.

    Tại quê tôi, dân làng chắt mót từng hột gạo, từng muỗng muối, từng con ốc, từng con cá, con tép bằng ngón tay để bồi dưỡng cơ thể. Suốt ngày dầm mưa dãi nắng, làm quần quật mới có miếng ăn. Hôm nào đau ốm nằm một chỗ, gia đình thêm vất vả, chạy đầu này mượn lon gạo nấu cháo, đến chỗ kia xin nhúm muối để nêm. Xóm nghèo, nhà nào cũng như nhà nấy, nhưng lá rách đùm lá nát, giúp đỡ nhau không nề hà. Chưa kể những năm lũ lụt đã tàn phá các thửa ruộng nho nhỏ, cướp trọn những gì dân quê dành dụm suốt một kiếp con người... Những người lớn trong gia đình ở lại xóm nghèo, có lẽ thâm tâm họ không muốn rời nơi từng cưu mang họ trong thời gian chiến tranh khói lửa, nơi ông bà cha mẹ an táng tại đây và nhất là nơi họ sẽ an nghỉ vào cuối đời. Chỉ tội đám trẻ con sống với ông bà cha mẹ, đành chấp nhận chung hoàn cảnh thiếu thốn cùng cực...

    8. Bàn tay xinh đẹp mà tôi ấp ủ bao năm trời, đang nằm gọn trong tay tôi. Bàn tay khác hẳn những bàn tay phái nữ hải ngoại nuôi dưỡng da bằng lotion, rửa tay bằng xà bông ngoại hạng, gọt giũa móng tay kỹ lưỡng và sơn phết đủ màu trong các tiệm Nail. Cùng là phái nữ, hoàn cảnh và thế đứng xã hội là đầu mối phân chia giai cấp để người này sống đầy đủ tiện nghi, người kia thiếu thốn mọi thứ.

    Đôi bàn tay xinh đẹp năm xưa, trắng muốt và dịu êm, đã tận tình chăm sóc tôi tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, đã cứu vớt gia đình nàng qua cơn hoạn nạn, thoát những ngày đói khổ. Phân tích lòng mình, tôi có nhiều ấn tượng và lý do để cất giấu hình ảnh nàng tận đáy tim tôi, trong khi tôi dư điều kiện tìm những người con gái khác đẹp hơn, trẻ hơn tại Mỹ cũng như tại Việt Nam.

    Xóm cũ nghèo nàn, nhưng chứa chan nồng thắm của tình người và tình quê hương. Xóm cũ ngày xưa đã ấp ủ nàng, một người âm thầm đi vào cuộc đời tôi. Tôi cám ơn rặng tre làng, tôi cám ơn giòng sông Vàm Cỏ phù sa đã hun đúc bẩm chất nàng trở nên hiền thục lẫn cương cường. Nàng như nguồn nước mát cơn mưa chiều xoa dịu những ngày oi bức trong cơn mộng cằn cỗi và tuyệt vọng của tôi, mà những ngày còn lại cuộc đời, tôi sẽ hết lòng trân trọng và nâng niu nàng như chính bản thân mình.


    (Chicago 7-2001)

    ( * ) Nguyễn Hữu Hiệp


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X