Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Trường võ-bị không-quân Pháp

Collapse
X

Trường võ-bị không-quân Pháp

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Trường võ-bị không-quân Pháp

    TRƯỜNG VÕ-BỊ KHÔNG-QUÂN PHÁP
    Tarin65


    Trong thập niên 1950, nước Pháp đã giúp Việt Nam đào tạo một số nhân viên nòng cốt cho Không Quân, tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang, cũng như tại các trường Không Quân của Pháp tại Pháp hay tại Maroc. Trong số các trường của Pháp, có trường Võ Bị Không Quân Pháp (VBKQP): "Ecole de l’Air", đặt tại Salon-de-Provence, nơi chôn cất nhà tiên tri Nostradamus, một thành phố nhỏ phía bắc Marseille chừng 50km. Cái tên "trường Võ Bị Không Quân Pháp" là do tôi đặt ra, để so sánh với các Military Academy của Mỹ. Ecole de l’Air được thành lập vào năm 1935, trong khi USAF Academy được thành lập vào năm 1955. Nói về người Việt Nam tham gia quân đội Pháp là chuyện không mấy gì vinh hạnh, vì một nước thuộc địa, một nước bị trị, dân của nước đó chỉ biết làm theo lệnh của người sai khiến mà thôi. Có điều người Việt Nam ta có thể hãnh diện là khi có cơ hội tranh đua với người Pháp thì ta đã tỏ ra không thua ai. Người Việt Nam lái máy bay nổi tiếng hồi thế chiến thứ nhất là ông Đỗ Hữu Vị. Sở dĩ tôi biết được là nhờ lúc nhỏ tôi thích chơi tem thơ, và có hình ông Đỗ Hữu Vị lái máy bay loại cánh đôi đi bắn và thả bom trong thế chiến đầu tiên. Lẽ tức nhiên, ông nầy không phải tốt nghiệp trường VBKQP vì trường chưa được thành lập. Người thứ hai cũng nỗi tiếng trong Không Quân Pháp và ông này tốt nghiệp Trường VBKQP, đó là ông Nguyễn Văn Hinh, khóa 2, tên khóa là Asthier de Villate, nhập học vào năm 1936. Chức vụ cao nhất của ông trong KQP (Không Quân Pháp) là Tư Lệnh Lực Lượng Tấn Công (Forces de Frappe, giống như Strategic Air Command). Lẽ tất nhiên, ông đã tham chiến trong đệ II Thế Chiến, lúc đó mang cấp bậc Đại Tá, chỉ huy một Escadre de bombardier B-26 tại Blida, Algérie (escadre tương đương với một Sư Đòan của chúng ta). Sau thế chiến thứ II, ông là niên trưởng của trường VBKQP còn sống sót từ khóa đầu là khóa Guyemer(1935). Chính nhờ ông Nguyễn Văn Hinh mà dân Việt Nam được học tại trường VBKQP, vì lúc đó ông là Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Việt Nam, bản doanh đóng tại đường Galiéni, sau nầy là đường Trần Hưng Đạo. Ngay trụ sở đó, đã có các vị sĩ quan đầu tiên mang sắc phục Không Quân Việt Nam (tuy không tốt nghiệp trường Không Quân nào cả) là các ông chuyên môn tuyển mộ và lo thủ tục gửi người đi học Pháp, như ông Huỳnh Minh Quang, ông Nguyễn Trung Sơn,vv...…Chính người viết bài nầy cũng nhờ ông Nguyễn Trung Sơn quảng cáo tận trường Lycée Yersin Dalat, và vui vẻ nhận đơn cho tôi thi tuyển vào trường VBKQP thay vì đi học Marrakech.
    Tại Pháp, trường VBKQP ngang hàng với ba trường khác, nằm trong nhóm "Grandes Ecoles Militaires", những trường có được vinh dự hầu quan tài cho các quốc trưởng của Pháp, luôn luôn có mặt trong các buổi diễn hành quan trọng như ngày Quốc Khánh 14 Juillet hằng năm tại Paris, đó là Ecole Polytechnique (Versaille) (Bách Khoa), Ecole Navale (Brest) (Hải Quân),Saint Cyr (Lục Quân). Các khóa sinh Pháp vào được trường này phải có bằng tú tài toàn phần, ban toán hay khoa học, phải qua hai năm dự bị đại học, và phải đỗ trong kỳ thi tuyển vào 4 trường vừa kể. Nói cách khác, thật là gây go chứ không phải dễ dàng như Việt Nam ta. Thú thật với bạn đọc, tôi làm gì có tú tài toàn phần, nhưng có học hết chương trình lớp 12 toán và số điểm toán cao.

    Tôi đã đầu quân vào trường Marrackech cùng lúc với ông bạn tôi là Ong Lợi Hồng. Nhưng có hôm tôi từ tỉnh lẻ lên Saigon để thi vào trường cán sự Công Chánh (agent technique), hy vọng khỏi đi lính. Tôi ở trọ một người bà con trong trường Tôn Thọ Tường để chờ ngày thi vào Công Chánh thì một buổi sáng đẹp trời, thấy có người tụ tập trên trường, tôi đang mặc quần xà lõn, ở trần, lại gần hỏi vị sĩ quan phụ trách là Thiếu Uùy Nguyễn Trung Sơn. Được cho biết là thi vào trường sĩ quan Không Quân Pháp, tôi bèn hỏi điều kiện thì ông bảo, học xong Math Elem thì được thi. Tôi liền xin thi, xong làm đơn góp cho Thiếu Úy, ông chịu liền. Tôi chạy về thay quần áo, lấy bút máy Kaolo dắt vào túi áo, và quyển logarigm, vào thi. Trời ơi, chỉ có ba bài toán lượng giác như cơm sườn đối với tôi. Tuy vậy, tôi vẫn tiếp tục đi thi Công Chánh. Trong khi đang cắn bút chì vì hai bài toán số học muốn hộc gạch, thì thằng bạn đến phòng thi tại trường Phú Thọ, đứng ngoài cửa chỏ vào nói to: "Mầy đậu đi Salon rồi". Tôi bèn bỏ bút giấy nguyên đó, chào thầy gác thi và bước ra khỏi phòng thi một nước, không hối tiếc. Đại khái là như vậy. Tôi chỉ biết trường hợp của tôi mà thôi. Tôi được trúng tuyển dựa trên kỳ thi tổ chức một lượt ba nơi: Saigon, Huế, Hà Nội, chỉ lấy 20 người. Khám sức khỏe phi hành loại rất nhiều. Tôi cũng thuộc hàng may mắn, tất cả đều đủ điều kiện. Quý vị thấy rõ là khóa sinh Việt Nam ta thua sút khóa sinh Pháp rất nhiều về căn bản học vấn, và nhất là văn minh cơ khí. Tôi nói vậy là vì tôi chỉ biết có chiếc xe đạp mà thôi. Đâu như các anh sau nầy có xe Honda, hay là xe hơi là đàng khác. Khi vào học những môn như động cơ thì tôi lộn xăng với dầu nhớt, lộn dầu nhớt với thủy điều. Có điều tiếng Tây thì tôi nắm vững, có thể nói tục và chưởi thề như ông anh trưởng phái đoàn, xừ Loan mà Tây gọi là Lucky Luc, vì dáng cao gầy của anh.
    Vào trường thì khó, nhưng học có khó không? Tôi cố gắng nói sơ qua những gì tôi nhớ, để viết lại cho quý vị hiểu thêm cho vui, giống như tôi đã phải viết những gì tôi học được của Pháp cho các cán bộ Bộ Nội Vụ khi họ đến thăm trại tù vậy. Tôi nhập học vào ngày 1-10-1953. Khóa học này là khóa đầu tiên có một chương trình tự lập nhiều hơn các khóa trước đó. Vì khóa đàn anh của khóa tôi được gửi qua Canada để học lái, còn bắt đầu khóa nầy sẽ học lái ngay tại trường VBKQP. Ai cũng biết là chương trình nào cũng chỉ có ba phần chính: quân sự, địa huấn về các môn khoa học hàng không, tập lái vỡ lòng và căn bản.
    -Trong năm đầu, chúng tôi học tập đúng theo mỗi quân nhân khi thừa hành phải biết. Chương trình có hai phần rõ rệt: một phần do cán bộ trường phụ trách; phần khác do khóa đàn anh phụ trách xuyên qua chương trình "huấn nhục".

    Aspt. Cần
    Huấn nhục làm cho khóa sinh chết lên chết xuống khi còn ở trường, nhưng khi ra đời, nhất là khi đã vào tù như tôi, tôi rất lấy làm hãnh diện đã học qua trường VBKQP. Vì nó đã giúp cho tôi chịu đựng gian khổ, tinh thần như vật chất, nhất là theo lối tẫy não của Việt Cọng. Trong hai tháng đầu tiên, tôi sợ khóa đàn anh còn hơn cán bộ nhà trường. Chúng tôi gọi "Mon aspirant" (thưa Chuẩn Úy) đến đỗi quen miệng, gặp chef de brigade (đội trưởng) là Trung Úy, cũng gọi Chuẩn Úy luôn. Cứ ngoài giờ sinh hoạt chính thức của cán bộ trường là giờ của ma quỷ tới quấy phá. Trưa, vừa tan lớp lúc 11 giờ, là các chàng đã chờ dưới thang lầu, khi chúng tôi tập họp đi ăn trưa. Họ đã phân công nhau rất kỹ, đội nào của khóa họ chuyên đi quậy khóa mình, đúng là đội liên hệ khóa trước. Mình ở đội 4, thì chính các chàng ở đội 4 khóa trước đến quấy nhiễu. Khi xếp hàng, thì người nầy bảo theo lệnh tôi rồi "nghiêm", người khác đứng ở góc sau hô to "nghỉ", mình làm theo là lãnh hít đất. Một người hô "đàng trước, bước" thì chỉ ba bốn bước đã nghe lệnh dừng lại. Xong rồi thì chạy cho đã vài vòng sân lớn (cở sân đá banh của mình vậy), rồi cho vào phòng ăn. Mình thấy thức ăn ngon mà thèm nhỏ dãi, nhưng chẳng được rớ vào, bắt bịt mắt lại, muốn ăn gì, nói chúng sẽ đưa cho. Muốn tiêu thì hắn đưa muối, muốn dưa nước thì hắn cho rượu chát, ăn không khi nào được yên dù đói và mệt hết sức. Bọn họ thay phiên nhau quậy một lúc rồi cũng bỏ đi ăn, rồi có tốp đã ăn xong qua thay phiên quậy tiếp. Sau khi ăn xong thì đàn anh mang về phòng riêng bắt làm tạp dịch, như đánh giày, làm cầu tiêu, lau gương soi trong phòng tấm…Chỉ thả ra để về phòng khi còn 15 phút nữa tới giờ đi học.
    Chiều lại cũng vậy, quần một lúc cho đến ăn xong và chỉ thả về trước 9 giờ tối là giờ tắt đèn. Khoảng gần 10 giờ thì ma lại xuất hiện, lật giừơng, bắt mặc quần áo theo quy định ngày hôm đó, tập họp dưới sân trong một thời gian chẳng khi nào mình làm nỗi. Tôi chỉ kể một hôm cho mặc 10 bộ đồ chồng chất lên nhau, từ đồ lót mùa hè đến đồ lót mùa đông, từ quần áo thể thao đến đồ trận, chỉ trừ Lễ phục là không động đến ban đêm. Đêm đó, chúng tôi mang cả drap giường, chòi và cột chòi, ghết chân và bao tay mùa đông, thùng thình đi lên Khu Phòng Học gọi là Bâtiment des Etudes hay BDE, một nhà có 5 từng và một sous-sol (basement). Họ bắt chúng tôi khom lưng, tay nắm vào thắt lưng người trước, trên lưng mình, họ lấy drap giường phủ lên như một con rắn dài đi hoài không biết đi đâu, đi lên đến tầng thứ 5 rồi lại đi xuống tầng thứ nhất, ngang qua hall lớn thì cởi một món bỏ ở đó, rồi tiếp tục đi xuống basement, xong bò lên tầng số 5, rồi lại trở xuống, ngang qua hall lại cởi bỏ đó một món. Khi còn trần trùi trụi, một tay mang ghết chân, một chân mang một ghết, tay cầm cây cột lều, "bắt súng chào, bắt". Khi nhìn kỹ thì cổ có một cà vạt thắt theo kiểu both tie, dưới thằng nhỏ cũng có một cái cà vạt…Rồi thì flash nhảy lia lịa, chụp hình các anh đứng bắt súng chào. Tha cho chúng tôi vào lúc 12 giờ đêm, trước một núi quần áo trộn lẫn trong đó. Mà 6 giờ sáng là phải đứng nghiêm trước đầu giừơng của mình, giày bóng, tủ quần áo ngăn nấp để đội trưởng kiểm tra. Chúng tôi liền tổ chức phân công. Lấy phấn viết trên các cửa kiếng số danh của đội mình: ví dụ, đội 1, từ số 100 đến 135, đội 2, từ 136 đến 170….Rồi thì ai gặp số nào ghi trên quần áo thì cứ thảy vào khu vực thích hợp. Rồi thì cũng xong. Tôi nhớ, vào cuối tuần, tôi xuống phòng thăm Từ Văn Bê, bạn hồi trung học với tôi, tôi bắt ngay môt anh, trong tủ có không biết bao nhiêu là quần áo không thuộc danh số của anh ấy, vì có quá nhiều danh số đi. Vào cuối năm đó, anh xin giải ngủ tại chỗ, không học kỹ sư cơ khí nữa, cho nên anh khỏi về nước, khỏi đánh nhau, và còn hơn thế nữa, anh đã trở thành bác sĩ được trọng vọng trong xã hội Pháp, cưới vợ bác sĩ và có 10 con lai, trong đó có rất nhiều bác sĩ. Khóa sau là khóa 1954, có người ra nằm ngoài đường sắt Paris-Marseile mà tự tử, vì không chịu được khổ nhục. Huấn nhục, đối với bản thân tôi là một thành công lớn. Tôi được bè bạn Pháp của tôi coi tôi là thằng chịu chơi, và cho đến cuối năm đầu, tôi nhanh chóng biến thành một quân nhân có kỷ luật, ngăn nấp, siêng năng.
    Đội trưởng cũng thích tôi vì chẳng những tôi cố gắng khắc phục nhiều khó khăn về khoa học hàng không, mà về quân sự và thể thao, tôi đều vượt xa các bạn Pháp. Nói tới đây chắc nhiều bạn không tin. Từ tinh thần đồng đội đã giúp tôi trong nhiều thứ khác. Ví dụ, không ai giỏi về điều hành bằng Hà Xuân Vịnh và chúng tôi. Các cuôïc dạ hành, tôi được các anh to lớn nhất đội cổng tôi trên vai. Nón sắt, súng tiểu liên, bao lô đều có người cầm hộ. Để tôi có thể coi địa bàn mà chỉ hướng dẫn đường cho đội được về nhất. Nếu bỏ tôi đi cùng với họ, tôi sẽ lẹt đẹt sau lưng, vì tôi bước nhỏ quá so với họ. Mà họ xem địa bàn dẫn đường thường bị lạc đường nên về trễ vì phải đi tháo lui nhiều bận. Hà Xuân Vịnh thì nặng hơn tôi, nên tôi được chọn để cởi Tây. Về điền kinh thì Vịnh có thể chạy 100m có 12 giây rưỡi, còn tôi 13 giây, trong khi đó thì Tây phải kể 14 giây trở lên, vì tôi mua giày có đinh cho Vịnh và tôi chạy. Còn nhảy dài thì tôi được 6m, nhảy cao được 1,60m. Chỉ leo giây , ném tạ là thua Tây. Đánh bóng chuyền cũng được, đá bóng cũng vào dự khuyết của trường, còn chơi rugby thì chẳng anh nào chụp được tôi vì tôi chạy nhanh lại thấp người, chỉ có 1,68m thôi. Nhưng nhỏ người và nhanh nhẹn là ưu điểm của tôi, nên phe tôi chọn tôi làm taloneur, cái tên chỉ lấy chân khều cho bóng về phe mình trong khi hai bạn hai bên hong tôi là những cây húc để lấn tới.
    Qua năm đầu, trường xếp hạng khóa sinh và xếp lớp lại. Tôi lọt vào trong số ¼ cuối cùng, và trong đội 4 của tôi, tôi nằm đúng chính giữa, nghĩa là hơn được chừng 15 thằng Tây. Đó là không kể một số Tây đã bị loại. Theo chế độ của trường VBKQP, trong năm đầu phải đoạt điểm khoa học hàng không trên trung bình, quân sự trên trung bình thì khi đaó hạng 18 tháng, sẽ hưởng lương theo cấp bậc mà mình đỗ đạt, hạ sĩ nhất hay trung sĩ, cho đến khi hoàn tất chương trình quân sự hai năm thì sẽ lên Thiếu Úy. Người nào không đủ điểm đậu trong năm đầu sẽ bị loại, và họ sẽ trở thành binh hoặc hạ sĩ quan cho đến hạn kỳ quân dịch 18 tháng, họ sẽ về lại cuộc sống dân sự, và được coi như làm xong nghĩa vụ quân sự.
    Năm đầu cũng là năm khổ học về khoa học hàng không. Thật tình có nhiều môn rất khó, không những đối với ta mà đối với Tây, chúng cũng chết lên chết xuống. Những môn học căn bản như:Khí động học, Cơ Học Phi Hành, Khí Tượng, Điều Hành, Lưu Thông Hàng Không, Động Cơ, Khung Phòng, Phi Kế (hay phi cụ:instruments), vô tuyến, điện tử, những thứ như Radio Compass, Range, Gonio còn tiếp thu được một chút, chứ qua tới boite Gee, systeme Loran, thì chỉ có anh Trịnh Hoành Mô là ngon lành nhất. Tại sao tôi biết vậy. Vì khi chúng tôi tập bay, thì ngoài thì giờ trên khu phi đạo, chúng tôi quá rảnh rang, nên trường bắt chúng tôi làm pédagogie, nghĩa là tập ôn bài cho nhau. Khi anh Mô lên giảng xong thì bọn Tây bảo nhờ anh Mô mà chúng mới hiểu được, vì giảng sư chính là Capitaine Bar nói gì không ai hiểu cả. Ngoài ra phải kể, có người giỏi hẳn hơn Tây, như anh Nguyễn Xuân Vinh. Giảng viên giảng sai về toán là anh chữa cho ngay, ý là các giảng sư phần lớn đều tốt nghiệp trường Bách Khoa (Ecole Polytechnique).

    SVSQ Hà Xuân Vịnh
    Trong khóa của tôi, tôi không biết rõ là anh em xếp hạng hay dỡ thế nào, nhưng tôi cũng nghe phong phanh qua những phê phán củ các bạn học và các giáo sư của trường. Phải nói là giỏi trong số ¼ đầu là Nguyễn Xuân Vinh, Trinh Hoành Mô, trong ¼ kế tiếp là Hà Xuân Vịnh. Bên phía cơ khí thì tôi chỉ nghe tiếng của anh Trần Đỗ Cung rất cao điểm tại trường đại học Marseille. Tôi phải nói là may mắn lắm mới đỗ đạt được, nhưng rất vui vẻ về chương trình học lý thú của mình. Tôi học và hiểu chậm, nhưng cái gì vào đầu rồi thì chỉ một ngày một sáng tỏ thêm chứ không phải học để thi lấy điểm mà thôi. Dù sao, tuy bắt đầu với cái không bằng ai (Tú Tài một miếng), nhưng những gì mà Tây mất hai năm dự bị rồi thi tuyển vào mà học không vô, tôi đã học được. Khác với những sĩ quan đi học, chúng tôi phải có điểm trung bình trên trung bình (moyenne lớn hơn10/20) thì nhà nước Việt Nam ta mới cho lên Thiếu Úy. Vì có người có số điểm trung bình dưới 10/20, nên về nước mang chuẩn úy, rồi còn bị quên lãng đến 8 năm sau mới lên thiếu úy. Chắc có người cho rằng Pháp cho điểm thì cũng như Mỹ cho điểm vậy thôi. Không đâu, tôi thấy điểm của một anh Cam Bốt chỉ có 0,03 điểm mà thôi. Vì anh ta bị điểm zero cho một môn có hệ số lớn quá nên các môn còn lại cũng kém không kéo lên được. Nhưng chỉ cần 6 tháng sau trong năm đầu, anh lên chuẩn úy, và năm sau, anh mang thiếu úy, đi xe Simca sport. Trường Pháp cho điểm thật, còn mỗi chánh phủ từng nước muốn xử lý khóa sinh của mình thế nào thì mặc.

    Học quân sự và địa huấn là những lúc khổ nhọc nhất. Trái lại, qua phần phi huấn thì vừa hồi hộp, vừa hấp dẫn. Trước khóa tôi, khóa đàn anh đều được đi học lái ở Canada. Tôi có thư từ cho thằng anh cả trao kiếm cho tôi thì được biết bên đó anh bị nó quần cho bằng chết, trên T-6 và T-33. Trường phi hành của chúng tôi còn mới, nên ngoài một số huấn luyện viên chuyên nghiệp lấy từ trường Marrakech, có một số từ Việt Nam về (số nầy là số bết nhất), và từ các đơn vị tại Pháp. Sở dĩ tôi nhớ đền Sergent Grospieds, không biết viết như vậy có đúng không, nhưng anh Nguyễn Mạnh Bổng thường cười và bảo tôi, nó là thằng dạy hay nhất?!? Sau đó, tôi nghe anh Bổng bảo nó biểu diễn cho anh một tonneau lent (slow roll), mà lần nào ở thế ngữa nó cũng kêu "merde alors" là vì nó đều chấm dứt bằng một cái phẩy (virgule). Cái thằng huấn luyện viên hiền hòa dễ thương của tôi là một sergent de carière, chỉ mang lon sergent suốt đời, nó nói tôi là khoá sinh thứ năm của nó. Nghĩa là mới có 4 đệ tử thôi. Hắn làm thì không hay, nhưng giảng rất nhẹ nhàng dễ hiểu. Nhào lộn, hợp đoàn thì hắn nhờ tôi mà làm được, vì ngoài ra học với hắn, tôi còn học với các chuyên gia thích dạy cho tôi trở thành chasseur. Trong đó có thầy của anh Hà Xuân Vịnh là Đại Úy Kerguelene, số hai nhào lộn của Pháp về những hình ấn định trước (figures imposées). Sáng nào, tôi cũng nhìn ông nhào lộn sát đất trong vòng 15 phút, không gián đoạn, ngay ở đầu phi đạo. Nhờ vậy, tôi có trong đầu cần phải làm sao cho đẹp. Đến khi thi kết về nhào lộn, tôi được chọn làm nhào lộn trên phi đạo của trường, nhưng ở cao độ an toàn. Đức và tôi rất vui khi thắng rất nhiều thằng Tây. Buồn cười nhứt cho trường là phải đối phó với Trịnh Hoành Mô. Ai cũng biết Trịnh Hoành Mô bị loại pi-lốt, nhưng nhờ điểm địa huấn cao nên chọn ở lại trường học khóa đặc biệt về điều hành viên. Đến khi chỉ còn thi thực tập nữa là kết khóa, thì Mô đã bỏ xa thằng Tây cao điểm nhất, tôi còn nhớ tên nó là Mortola, vì trước hắn ở đội của tôi. Đối với Tây, khóa đầu tiên điều hành viên mở tại trường VBKQP mà lại do một tên Việt Nam đậu thủ khoa thì chắc chắn coi không được. Tôi không biết các giám khảo dỡ trò gì để dìm tài anh Mô. Chuyện học ở Salon có nhiều điểm vui buồn khác nhau, nhưng nếu nói về học hành thì tôi còn nhớ các anh khóa sau như anh Trần Văn Minh (sau nầy làm Không Lưu Khí Tượng, có bằng MS tại Hoa Kỳ về Khí Tượng), anh Đặng Hữu Hiệp, anh Trần Duy Kỷ, và nhiều anh khác trong khóa sau nữa mà tôi không biết vì đã rời trường sang Mecknès học tiếp về khu trục.

    Theo truyền thống của trường, vào cuối năm thứ nhất, các khóa sinh có quyền tổ chức lấy một lần vượt rào. Cả khóa đều phải lọt ra ngoài rào phòng thủ của trường mà không ai hay biết. Sau đó, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, đập phá, hay xâm chiếm các trường nữ trung học, cái gì cũng được, trường sẽ bồi thường thiệt hại vật chất, nhân đó quảng cáo rùm beng cho nhà trường trên mặt báo. Mục tiêu của khóa tôi là trường trung học nữ ở Aix en Provence. Sau nầy biết được, tôi tiếc hùi hụi, vì lẽ trong những ngày cuối tuần, tôi thường sang Aix để nhìn trộm các nữ sinh Việt Nam từ chiếc Vespa của tôi. Đêm đó, khoảng 10:30 giờ, chúng tôi mặc đồ trận, nhưng đi giày bố thể thao cho êm và khỏe chân. Chúng tôi có xe car (là loại school bus bên Mỹ nầy, Pháp gọi là xe car) chờ ngoài xa lộ Marseille, chỉa mũi về Aix. Khi phân nửa lọt ra khu rào trường rồi thì chúng tôi bị khựng lại. Chỉ vì hãng cho mướn xe car gọi điện thoại vào trường để xin xác định lại vị trí đón khóa sinh. Con thị mẹt giữ tổng đài điện thoại của trường bèn hỏi lại sĩ quan trực, và từ đó, sĩ quan trực nhanh trí khám phá ra có chuyện bất bình thường. Thế cho nên, cả khóa đều phải quay đầu lại, tiếp tục chạy 20 vòng sân. Một tháng sau đó cấm xuất trại, buồn ơi là buồn. Tôi biết được kế hoạch không thành mà tiếc quá đi thôi. Nghĩ đến việc vào lật giừơng nữ sinh trong đêm tối, rồi cướp lấy vài cái đồ lót, áo ngủ, về treo vào phòng làm việc của ông Tướng chỉ huy trưởng trường, thật không có gì vui bằng. Biết đâu Trời xui khiến tôi lại gặp một giường nữ sinh Việt Nam thì đúng là có duyên nợ, làm sao mà cô có thể lấy người khác cho đành. Tiếc quá đi thôi. Năm sau, khóa kế tiếp đã thành công trong chuyến vượt rào, họ ra hòn đão Château d’If, xây dựng lên dựa theo quyển "Le Comte de Montchristo" gì đó…Cả tuần sau, trường mới tìm ra tông tích, dù họ đã đi qua thành phố lớn như Marseille, vì họ biết nghi binh, làm giống như trường đưa đi tập luyện thật sự, nhưng mọi thứ suông sẻ đến độ trường không hay biết gì cả.

    Khi chúng tôi còn ở trường, chúng tôi bực dọc cũng có, lo âu cũng có, tìm mọi cách để thoát ra an toàn, và chúng tôi gọi trường VBKQP là "Le Piège". Khi ra trường rồi, đã là piégeard thì giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết, vui vẻ đến suốt binh nghiệp. Tôi có gặp lại một bạn cũ kể chuyện, một anh bạn ra làm việc tại một trại ở Paris, thấy chuyện lính tráng vô kỷ luật, lè phè, anh tập trung lại cho chạy mấy vòng sân. Anh Thiếu Tá trực cao cấp của căn cứ gọi anh lại nói nhỏ:"Tu crois qu’on est encore au piège?" Bao nhiêu đó đủ biết tình huynh đệ chi binh như thế nào trong nhóm piégeard. Trong trường, họ dạy nhau cách khác, ra ngoài trường họ vẫn dạy nhau, nhưng bằng cách khác hơn.
    Đó là trường VBKQP mà tôi đã theo học. Sau khi về nước vào năm 1957, tôi có dịp sang Mỹ nhiều lần để nghiên cứu về Giáo Dục và Huấn Luyện. Tôi có ghé qua trường US Air Force Academy vào năm 1959. Về nội dung các bài vở thì hai trường học như nhau, phải nói tuy trường Mỹ sanh sau đẻ muộn, nhưng tiện nghi hơn trường Pháp rất nhiều. Pháp thì nặng hơn về lý thuyết, và trong vòng hai năm, nhồi nhét quá nhiều về khoa học hàng không mà trường Mỹ có tới 4 năm để dạy lần hồi. Nói cách khác, sự sấp xếp theo Mỹ hợp lý hơn trường Pháp. Điểm thứ hai mà tôi hoàn toàn hưởng ứng theo chương trình Mỹ, là dạy về Management cho những sĩ quan tương lai, căn bản phải biết "giải quyết vấn đề" (là cái tối thiểu về management mà cấp thừa hành cần biết:Problem solving). Trường Pháp dạy quá nhiều điều tổng quát (généralités), nào là administration personnel, administration financière, quản lý cái nầy cái nọ, rồi tổ chức nầy nọ (Organisation de l’armée de l’air=thường gọi là OAA), toàn là chữ tắt, đọc đó quên đó, như escadre, rồi ½ brigade, brigade, groupe, escadron, escadrille…Hồi đó không hiểu gì cả. Rồi lại dạy về Droit, cái gì cũng luật nầy luật nọ. Mà đúng như người ta đoán, những anh basier, là ngành chuyên trách về yểm cứ (base de support aérien), sau nầy lên tướng rất đông, trong khi đó, bết nhất là các anh theo ngành khu trục, vì chưa chết trận đã chết vì tai nạn.
    Có điều hai trường đều giống nhau, là họ chỉ đào tạo 10% của tổng số nhu cầu sĩ quan của họ theo mô thức của trường võ bị. Như ở Mỹ, 45% được đào tạo tại các trường đại học dân sự theo hình thức ROTC (đây là thời kỳ 1955-1975), còn 45% khác theo kiểu động viện (draft) qua 6 tuần lễ quân sự cho những ai đã có bằng BS. Sau đó, họ theo học ngành chuyên môn phi hành hay không phi hành. So sánh giữa hai trường thì trình độ cũng tương đương.

    Nhưng bằng cấp kỹ sư mà trường VBKQP cấp cho khóa sinh Việt Nam đã không được Bộ Giáo Dục Việt Nam công nhận. Điều đó cũng phải, vì khóa sinh còn chưa có bằng Tú Tài như tôi đây, làm sao lại cho tôi bằng kỹ sư. Cũng như khi tôi về đơn vị bay ở Biên Hòa, khi đi khám bệnh, gặp bác sĩ tôi gọi "thưa đại úy, tôi…" Ông bác sĩ bèn hỏi tôi: "Ông đại úy của anh có biết khám bệnh không? " Khi ra về, bụng bảo dạ, mình cũng khổ luyện như ai vậy, mà nay bằng cấp hay cấp bậc gì chẳng ai coi ra gì. Nhưng nhìn kỹ lại, có rất nhiều người có khả năng học thêm ở Mỹ để lấy Master degree, nhờ đã học ở VBKQP, vì Không Quân Hoa Kỳ chấp nhận giá trị tương đương BS và cho học cao hơn. Người dẫn đầu là Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh (đã có đầy đủ bằng cử nhân khoa học Pháp), sau đó có Nguyễn Tú, Nguyễn Dương, Trần Văn Minh (không phải Tư Lệnh Không Quân), Cung Thúc Cần,vv…và còn nhiều người tôi không biết tên.
    Tóm lại, công nhận hay không, không thành vấn đề. Cần nhất là được cấp trên nâng đỡ. Càng học cho lắm chỉ hại nói cấp trên không hiểu, đâm ra mang tội là đàng khác.

    Tarin65


    Last edited by Phòng Trực; 01-21-2013, 08:21 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X