Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ðệ Nhất Phi Ðoàn Tác Chiến & Liên Lạc

Collapse
X

Ðệ Nhất Phi Ðoàn Tác Chiến & Liên Lạc

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ðệ Nhất Phi Ðoàn Tác Chiến & Liên Lạc


    Ðốt Lò Hương Cũ

    Ðệ Nhất Phi Ðoàn Tác Chiến & Liên Lạc
    (1er Groupe de Combat et de Liaison)
    Trần Phước Hội


    Vào tháng 4/2003, Ban Thục Hiện Quân Sử KQVNCH/Úc Châu có gửi một thư tham khảo, nêu một số thắc mắc về các đơn vị KQ trong giai đoạn thành lập.
    Là một chứng nhân đã có cơ hội phục vụ tại Ðệ Nhất Phi Ðoàn Tác Chiến & Liên Lạc, từ ngày thành lập cho đến lúc giải thể, tôi xin ghi lại những gì còn nhớ được về một đơn vị KQ ít được biết đến, hoặc chỉ nghe nói sơ qua...TPH

    I. Tiến Trình Thành Lập:
    Ðệ I Phi Ðoàn Tác Chiến & Liên Lạc (1er G.C.L.) được thành lập tháng 1/1954, do lực lượng Không Quân Pháp vừa chỉ huy, vừa làm cố vấn.
    Không có Nghị Ðịnh chính thức thành lập, nhưng dựa vào 2 văn kiện pháp lý sau đây:
    1) Hiệp Ðịnh viện trợ kỹ thuật và nhân viên để thành lập Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam, vào năm 1950, được ký kết giữa Quốc Trưởng Bảo Ðại và Tổng Thống Vincent Auriol, còn gọi là 'Accord de PAU'.
    2) Dụ số 9, do Quốc Trưởng Bảo Ðại ký tháng 6/1951, về việc thành lập KQVN và Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân tại Nha Trang.
    Trong giai đoạn đầu, phi cơ được ráp tại Công Xưởng KQ/Biên Hòa, còn có tên là Parc Colonial 191. Sau khi bay thử, phi cơ được di chuyển ra Nha Trang và đồn trú tại trại Colona, sau đổi tên thành trại Phi Vân.

    II. Phi Cơ & Vật liệu:
    Theo bảng cấp số, Ðệ I Phi Ðoàn TC & LL gồm 16 phi cơ Marcel Dassault MD.315, còn có tên là Flamant I, được chế tạo tại Toulouse, miền Tây Nam nước Pháp, do hãng Général Dassault thực hiện.
    6 phi cơ đã có sẵn tại chổ do Phi Ðoàn 312 Ðặc Nhiệm của Pháp chuyển giao, còn lại 10 phi cơ mới thì được tháo cánh, đóng thùng gởi qua từ quân cảng Toulon sang Sài Gòn bằng mẫu hạm Dixmude.
    Phi cơ Flamant I là loại có 2 động cơ, 2 đuôi (bi-dérive), thân toàn bằng kim lại được bọc loại tôle inox Au 46, màu trắng bóng. Ðộng cơ 12 xy lanh, sắp theo hình chữ V, do hãng Snecma tại Boulogne sur Seine chế tạo, và bộ chân đáp loại bánh mủi, do hảng Messier thực hiện.
    Phi cơ MD 315 có 2 nhiệm vụ chính:
    1) Tác chiến: Phi cơ được trang bị 2 racks bom dưới cánh, mỗi bên gắn 4 trái bom miểng loại 250 lbs. Hai bên mũi phi cơ gắn 2 đại liên .50 (12 ly 7), song song với trục bay. Phi cơ không bắn được rockets, vì không được phép chúi mũi quá 30 độ. Phi cơ MD 315 cũng có thể thả dù tiếp tế cho tiền đồn.
    2) Liên lạc: Trong nhiệm vụ nầy, chiếc Flamant I là loại phi cơ rất được ưa thích: được gắn 6 ghế nệm xoay ra phía trước, cửa sổ có màn lụa xanh (tương tự như phi cơ Citation của hãng Cessna, nhưng nhỏ hơn). Các phi trường loại 'C' dài 1000 mét ở các tỉnh nhỏ đều đáp được, nên các vị Tỉnh Trưởng thường xử dụng loại nầy để đi họp.

    III. Nhân Viên:
    Theo cách tổ chức KQ thời mới thành lập, các phần sở Hành Quân, Kỹ Thuật, Hành Chánh đều trực thuộc BCH/Phi Ðoàn. Phi Ðoàn là 1 đơn vị tự trị, có con dấu tròn riêng, và nhận lệnh trực tiếp từ BTL/KQ. Do đó, quân số PÐ rất hùng hậu, gần 200 người, hầu hết đều tốt nghiệp từ các trường KQ, từ Pháp hoặc Bắc Phi về. Các khóa sinh nầy, từ cấp bậc Tr/Sĩ đến Tr/Úy, gồm có cơ khí viên, vô tuyến du hành (radio-navigant), phi công, điều hành viên.
    Cấp chỉ huy VN gồm có:
    - Đ/Úy Ðinh Văn Chung, Phi Ðoàn Trưởng, phụ tá cho Th/Tá Ponthier;
    - Ð/Úy Phan Phụng Tiên, Trưởng Phòng Hành Quân;
    - Tr/Úy Lê Văn Khương, Sĩ Quan Kỹ Thuật, phụ tá cho Ð/Úy Nantillet (về sau được Tr/Úy Từ Văn Bê thay thế).

    Mỗi sáng thứ Hai, trong buổi lễ chào cờ trước BCH/PÐ, nếu điểm danh hàng sĩ quan cấp Úy, ít ai ngờ được sau nầy có 4 vị vinh thăng cấp Tướng, 1 vị làm Tư Lệnh KQ thời Ðệ I Cộng Hòa. Ðó là các Ch/Tướng Huỳnh Bá Tính, Ch/Tướng Phan Phụng Tiên, Ch/Tướng Lê Trung Trực và Ch/Tướng Từ Văn Bê. Riêng Th/Úy Nguyễn Xuân Vinh tức nhà văn Toàn Phong trở thành vị Tư Lệnh KQ thứ nhì, kế nhiệm Ð/Tá Trần Văn Hổ...
    Số còn lại, hầu hết đều thăng cấp Tr/Tá hoặc Ð/Tá, có những vị nổi danh như Dương Thiệu Hùng, Nguyễn Kim Khánh, Lâm Văn Phiếu...
    (Có 5 phi công tốt nghiệp trường Avord về, mang lon HSQ Pháp, được Tr/Tướng Nguyễn Văn Hinh cho đặc cách thăng cấp Ch/Úy; đó là các Tr/Sĩ Ðỗ Cao Ðẳng, Võ Bá Phược, Nguyễn Hữu Chẩn, Nguyễn Ngọc Thắng và Nguyễn Gia Thành.)
    Sĩ Quan Hành Chánh/PÐ là Th/Úy Nguyễn Văn Lợi. Một số đông HSQ Kỹ Thuật sau nầy đi học khóa Sĩ Quan Bảo Trì Phi Cơ, hoặc các nghành khác...
    Thành phần chỉ huy và cố vấn của Pháp gồm có:
    1. Th/Tá Ponthier, CHT;
    2. Th/Tá Fay, CHP;
    3. Ð/Úy Nantillet, SQ/Kỹ Thuật;
    4. Th/Sĩ I Gerber, Phi Ðạo (SEJ);
    5. Th/Sĩ I Manrésa, Kiểm Kỳ (SVR);
    6. Th/Sĩ I Bossuet, Phi Trang & Vô Tuyến;
    7. Tr/Sĩ I Manceau, Tiếp Liệu.

    Các nhân viên người Pháp nầy lần lượt về nước khi mãn nhiệm kỳ, riêng Th/Tá Ponthier, vào năm 1956, được thuyên chuyển lên Phchentong làm Trưởng Phái Bộ Cố Vấn cho KQ Hoàng Gia Cao Miên.

    IV. Thành Tích Hoạt Ðộng:
    Trong giai đoạn đình chiến (theo tinh thần Hiệp Ðịnh Genève, Ðệ I Phi Ðoàn TC & LL chú trọng nhiều vào công tác huấn luyện và bay các phi vụ liên lạc. Tuy nhiên cũng có vài thành tích đáng ghi nhớ trong thời kỳ sơ khai của KQVN:

    1. Tham dự cuộc hành quân ATLANTE (1955-1956):

    Chiến dịch Atlante do quân đội Pháp khởi xướng năm 1953, được kéo dài thêm để tiếp quản Liên Khu 5 (Nam-Ngãi-Bình-Phú) do Việt Minh bàn giao để tập kết ra Bắc. Tư lệnh chiến dịch là Ð/Tá Lê Văn Kim, đóng ở Sa Huỳnh. Riêng biệt đội KQ, do Tr/Úy Trần Văn Hổ phụ trách, thì đồn trú tại Tiểu Chủng Viện Quy Nhơn, sát bên phi trường. Chúng tôi gọi là 'biệt thự ngàn sao' vì nhà không có nóc (do VM phá sập theo lệnh 'tiêu thổ kháng chiến').
    Ngoài biệt đội quan sát, mỗi ngày có 2 chiếc MD 315 biệt phái để chở Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Ðình Chiến và các cấp chỉ huy chiến dịch đi liên lạc Quy Nhơn - Ðà Nẳng - Huế. Tôi cũng có may mắn đi theo biệt đội nầy để chăm sóc 2 chiếc MD 315.
    Vào 1 buổi chiều, sau khi xong công tác, chính tại thềm gạch của 'biệt thự ngàn sao', Tr/Úy Trần Văn Hổ đã đải chúng tôi một chầu la-de, hột vịt lộn, để sáng hôm sau về Sài Gòn gắn lon Ð/Úy thực thụ; và từ đó, như diều gặp gió, ông thăng chức Tr/Tá để thay thế Ð/Tá Nguyễn Khánh làm Phụ Tá KQ cho TTMT/QÐQG (là Tướng Nguyễn Văn Hinh).

    2. Tham dự 'chiến dịch Ðinh Tiên Hoàng':
    Vào giữa năm 1955, sau khi dẹp bộ đội Bình Xuyên của Bảy Viễn, Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm quyết định mở chiến dịch Ðinh Tiên Hoàng để dẹp luôn 'Thập Nhị Sứ Quân', ở miền Tây, do Tướng Trần Văn Soái ('Năm Lửa') và Tướng Lê Quang Vinh ('Ba Cụt') cầm đầu.
    KQVN tham gia chiến dịch với 1 biệt đội quan sát và 1 biệt đội Marcel Dassault, đồn trú tại phi trường Sóc Trăng (đây là 1 phi trường dã chiến, do quân đội Nhật xây dựng vào năm 1940 để đánh các hạm đội Anh ở Mã Lai và Singapore). Vì phi đạo không có đèn, muốn bay đêm phải đốt đèn 'cổ ngỗng' (goose neck lamp), đặt dài theo đường băng để đáp hoặc cất cánh.
    Tư lệnh chiến dịch, Ð/Tá Dương Văn Ðức, đã trưng dụng khách sạn Bungalow cho biệt đội KQ ở, đầy đủ tiện nghi. Gần đó, có nhà hàng Tàu, tên Châu Xi, nấu cơm rất ngon. Do đó, dù gọi là 'biệt phái hành quân', chúng tôi vẫn được 'ăn cơm Tàu, ở nhà Tây', nên rất nhiều anh em thích đi 'biệt phái Sóc Trăng'! Có 4 Tr/Úy thay nhau làm Biệt Ðội Trưởng, mỗi người một tuần, là: Phan Phụng Tiên, Dương Thiệu Hùng, Huỳnh Minh Bon, Lâm Văn Phiếu. Riêng Tr/Úy Huỳnh Bá Tính vì gốc Hòa Hảo nên không tham gia chiến dịch nầy.

    3. Phi diễn khai mạc nền Ðệ Nhất Cộng Hòa:
    Kết quả cuộc bỏ phiếu 'Trưng Cầu Dân Ý' ngày 23-10-1955 đưa đến việc hạ bệ Quốc Trưởng Bảo Ðại, và suy tôn Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm lên ngôi Tổng Thống, thành lập nước Việt Nam Cộng Hòa.
    Buổi lễ khai mạc ngày 26-10-1955 được đánh dấu bằng 1 cuộc diễn binh vĩ đại, do Lục Quân diễn hành dưới đất, Không Quân phi diễn trên trời, và Hải Quân bắn pháo bông trên sông Sài Gòn vào buổi tối.
    Vì Dinh Ðộc Lập chưa được người Pháp bàn giao, nên ban tổ chức đã chọn đại lộ Trần Hưng Ðạo làm địa điểm hành lễ. Khán đài được dựng lên trước trường Tôn Thọ Tường, cờ xí rợp trời. TT Ngô Ðình Diệm chủ tọa buổi lễ, Ngoại Giao Ðoàn các nước bạn đều có mặt...
    Cuộc phi diễn đã bay theo trục đại lộ, từ Chợ Lớn ra Sài Gòn.
    Thành phần tham dự cuộc phi diễn gồm có:
    -Phi Ðoàn Quan Sát, với 12 phi cơ L.19;
    -Liên Phi Ðoàn Vận Tải, với 12 phi cơ C.47;
    -Ðệ Nhất Phi Ðoàn Tác Chiến & Liên Lạc, với 9 phi cơ MD 315.
    (Ghi chú: Các phi đoàn khu trục và trực thăng lúc nầy chưa thành lập.
    Ðây là lần đầu tiên KQVN bay phi diễn 'hợp đoàn sát cánh' (formation serrée) với một số phi cơ đông đảo, lại là ngày lịch sử, đánh dấu khai mạc 1 triều đại mới tại miền Nam: Nền Ðệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam.
    Dân chúng Sài Gòn vừa ngạc nhiên vừa thích thú ngước lên bầu trời nhìn đoàn chim sắt phi diễn theo bản nhạc của Văn Cao:
    '... Không Quân ra đi cánh bay rợp trời ...')

    V. Giải Thể:
    Áp dụng các điều khoản của Hiệp Ðịnh Genève (20-7-54), các phi cơ cũng như dụng cụ chiến tranh do quân đội Pháp quản trị đều phải mang ra khỏi VN trước ngày 30-6-56.
    Do đó, họ đem 10 chiếc MD 315 viện trợ cho Không Quân Hoàng Gia Cao Miên; 6 chiếc còn lại bay về Pháp, đồn trú tại CCKQ Orléans, cách Paris 100 km về hướng Tây Nam. Tôi có dịp kiểm chứng điều nầy qua 1 người bạn Pháp học cùng khóa, hiện đang là Mévo cho hãng Air France.
    Tóm lại, trong quá trình hoạt động 2 năm, Ðệ Nhất Phi Ðoàn TC & LL không có phi cơ nào bị rớt hoặc phế thải, trừ những hư hỏng lặt vặt không thể tránh...
    Về phía nhân viên, tất cả nhân viên phi hành đều được thuyên chuyển về TSN, bổ sung cho Liên Phi Ðoàn Vận Tải và Phi Ðoàn 312 Liên Lạc (trừ 4 người trở sang Pháp học khóa HLV/Khu Trục là: Huỳnh Bá Tính, Dương Thiệu Hùng, Nguyễn Kim Khánh và Nguyễn Hữu Chẩn). Các chuyên viên dưới đất đa số được thuyên chuyển về Biên Hòa để thành lập Phi Ðoàn I Khu Trục. Một số ít về TSN, hoặc sang làm HLV tại Trường Kỹ Thuật/KQ.

    VI. Hoài Niệm:
    Hình ảnh cuối cùng của chiếc Flamant I mà tôi được nhìn thấy, là vào năm 1970, nhân chuyến công tác kỹ thuật tại phi trường Pochentong (Nam Vang), tôi nhận dạng 1 chiếc MD 315 đang đậu trên bãi cỏ ở cuối phi đạo. Tôi đi bộ đến gần, lẳng lặng ngắm nhìn như gặp lại người tình cũ, tuy bụi thời gian đã tàn phá dung nhan, nhưng vẫn còn những nét đáng yêu...
    Có lẽ chiếc phi cơ nầy đã bị phế thải từ lâu, nên dính đầy bùn đất, các cửa kính đều phủ lên 1 lớp bụi dầy. Lòng hoài niệm khơi dậy, tôi liên tưởng đến 2 câu thơ Kiều, khi cụ Nguyễn Du mô tả nàng Ðạm Tiên:
    'Xưa sao phong gấm rũ là,
    Giờ đây tan tác như hoa giữa đường.'
    Chiếc Marcel Dassault là 'mối tình đầu' của tôi trong KQ. Tôi đã khui thùng, ráp cánh, đi bay thử, và di chuyển ra Nha Trang để thành lập phi đoàn. Trong suốt 2 năm, mỗi ngày tôi kiểm soát tiền phi, hậu phi, đi theo biệt đội khi có nhu cầu...
    Giờ đây, ngồi vận dụng ký ức để viết lại 1 đoạn quá khứ của KQVN như 'đốt lò hương cũ', tôi liên tưởng đến ông già câu cá trong chuyện 'The Old Man and The Sea' của E. Hemingway, suốt đời vật lộn với phong ba bảo táp, để cuối cùng chỉ còn lại bộ xương cá đang trôi bập bềnh trên sóng biển...

    Trần Phước Hội
    SQ/KT&TV/KQVNCH.

    ________________________________________

    Flamant I Marcel Dassault MD 315

    ÐẶC TÍNH KỸ THUẬT:
    Ðây là loại máy bay vận tải nhẹ 2 động cơ. Kể từ tháng 7 năm 1950, KQ Pháp đã bay 72 chiếc MD315 tại Ðông Dương. Phi cơ Flamant có 3 loại:
    1) MD 315A dùng trong các phi vụ liên lạc
    2) MD 315B để chuyển vận binh sĩ, có thể đến 16 binh sĩ võ trang
    3) MD 315C được cải biến với những điểm gắn bom bên ngoài phi cơ.

    Các phi công VN sau khi được huấn luyện tại Pháp và Bắc Phi đã trở về để bay các phi cơ Flamant từ mùa Xuân năm 1954. Các Flamant sau đó được xử dụng thành từng nhóm để yễm trợ bộ binh. Tuy nhiên sau khi Ðiện Biên Phủ thất thủ, các phi cơ Flamant được giao trả lại cho người Pháp.
    ÐỘNG CƠ: 2 máy SNECMA-Renault 12S 02-201 với 580 mã lực.
    KÍCH THƯỚC: Sải cánh: 20.67m; dài: 12.5m; cao: 4.5m.
    VẬN TỐC: 236mph hay 378km/giờ
    CAO ÐỘ: 26,000ft hay 8000m
    TẦM HOẠT ÐỘNG: 1215km
    PHI HÀNH ÐOÀN (MD 315A): 2 (chuyên chở 6 hoặc 2 hành khách)
    CẤT CÁNH: Trọng lượng tối đa: 5800kg.



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X