Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phi Đoàn 237 Chinook

Collapse
X

Phi Đoàn 237 Chinook

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phi Đoàn 237 Chinook

    PHI ĐOÀN 237
    CH-47A - CHINOOK
    Vũ văn Bảo



    • Ðể kính nhớ đến vong linh của các nhân viên phi hành (Hoa tiêu, Cơ phi, Áp tải và Xạ thủ) đã hy sinh trong thời gian phục vụ cho PÐ 237 với nhiệm vụ Bảo Quốc Trấn Không, với lý tưởng chiến đấu cho tự do, dân chủ của tổ quốc.
    • Ðể thương tặng đến tất cả nhân viên phi hành của Phi đoàn 237 hiện đang tản mác khắp nơi hoặc hiện vẫn còn ở quê nhà
    .

    Nằm trong chương trình bành trướng Không Lực VNCH bắt đầu vào đầu năm 1968, song song với việc thành lập các phi đoàn trực thăng UH-1 cho 6 Sư Ðoàn KQ, Phi Đoàn 237 Trực Thăng Vận Tải loại trung bình Chinook CH-47A đã được thành hình khi các nhân viên phi hành và kỹ thuật được bắt đầu gởi đi thụ huấn với các đơn vị của Lục Quân Hoa Kỳ. Bước đầu là các cơ phi, áp tải và xạ thủ tuyển chọn từ các đơn vị về xuyên huấn tại Phú Lợi, căn cứ của Tiểu đoàn 11 Không Kỵ thuộc Lục Quân Hoa Kỳ, Ðại Ðội Chinook 205th đảm trách việc huấn luyện. Ðợt cơ phi đầu tiên gồm các Thượng sĩ: Hiện, Thành, Kim, Công, Vĩnh.v.v... khóa học bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 năm 1970. Khóa thứ hai gồm: Trung sĩ Hoạt, Tranh, Vinh, Việt, Thuận.v.v...

    Riêng đối với hoa tiêu thì một số nòng cốt cấp Ðại Úy được tuyển chọn từ các phi đoàn trực thăng 211, 217, 213, 215, 219, các sĩ quan liên lạc cho các trường huấn luyện trực thăng tại Hoa Kỳ như Fort Wolters, Hunter AAF, sau khi mãn nhiệm được gởi đi xuyên huấn tại Fort Rucker, các vị này khi về nước đã nắm quyền chỉ huy các phi đoàn Chinook của Không Lực. Cuối cùng là một số lớn những hoa tiêu vừa hoàn tất nghiệp bay trên UH-1, được tuyển chọn tiếp tục xuyên huấn trên CH-47.


    Khóa 1 Chinook gồm Ðại Úy: Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Văn Quí, Lê Võ Hùng, Thiều Quang Diêu, Trần Chiêu Quan, Phan Chi Hảo, Vương Minh Dương, Nguyễn Văn Ba, Thiếu Tá Hồ Bảo Ðịnh, Ð/úy Nguyễn Văn Hoa, ...Trung (gà) các vị này là sĩ quan liên lạc vừa mãn nhiệm từ Fort Wolters và Hunter AAF. Các hoa tiêu vừa tốt nghiệp UH-1 gồm: Huỳnh Bá Hùng, Phạm Minh Thanh, Lê Văn Cầu, Mã Qưới Trung, Ðinh Phan Minh, Nguyễn Văn Ân, Lê Huy Cận, Nguyễn Văn Son, Tô Văn Hậu, Hồ Viết Yên, Nguyễn Ðức Lợi.

    Các khóa kế tiếp gồm các Ðại Úy: Nguyễn Phú Chính, Nguyễn Hữu Nhàn, Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Văn Trung, Võ Châu Phê, Nguyễn Văn Mai, Nguyễn Văn Tiếm, Nguyễn Văn Việt, Trần Văn Phèn, và các hoa tiêu vừa tốt nghiệp UH-1 được tuyển chọn mỗi lớp 5, 6 khoá sinh tiếp tục xuyên huấn trên CH-47 như:

    Trung Úy Nguyễn Hoàng Nam, Trần Hen, Thiếu Uý Hồ Công Tâm, Tạ Văn Sáu, Trần Duy Tôn, Nguyễn Vĩnh Châu, Nguyễn Văn Thành, Trịnh Tiến Khang, Vũ Ngọc Kim, Lê Quan Tiên, Trần Văn Quế, ...Quang, Ngô Kim Hoàng (cháy), Hoàng Hữu Thiệu, Nguyễn Hiền, Ðặng Thiên Hiền, Ngô Minh Châu, Dương Bửu Châu, Vũ Văn Bảo, Ðặng Ðức Cường, Hoàng Anh Tiến.

    Và thời gian sau phi đoàn được bổ sung thêm một số hoa tiêu UH-1 từ VN sang Mỹ xuyên huấn cũng như một số hoa tiêu mới tốt nghiệp như: Nguyễn Ðài, Lữ Ứng Chuơng, Nguyễn Văn Thẩm, Trần Văn Quý, ...Long (đất), Ðinh Văn Huê, Nguyễn Văn Tài, Lại Tấn Nguyện, Nguyễn Văn Mỹ, Nguyễn Bá Thân.v.v...

    Khóa 1 và khóa 2, khi về nước được xuyên huấn thêm kinh nghiệm với Ðại đội 213 cũng thuộc Tiểu đoàn 11 Không Kỵ Hoa Kỳ tại Phú Lợi và cũng là để tiếp nhận phi cơ trực thăng CH-47A.

    Phi đoàn chính thức thành lập tháng 9 năm 1970, tháng 10 năm 1970 làm lễ xuất quân tại CLB Jupiter (sau 1972 được đổi tên thành CLB Trần Thế Vinh), tất cả nhân viên phi hành được về tham dự lễ bằng 2 chiếc Chinook từ Phú Lợi, buổi lễ xuất quân đã được Thiếu Tá Hồ Bảo Ðịnh tổ chức rất long trọng, có cờ quạt và trống chiên, sau đó thì phi đoàn được di chuyển về Biên Hoà, cơ sở phi đoàn, phi đạo và các ụ đậu tọa lạc kế cận Liên đoàn 43 Tác Chiến, phiá sau kho bom nhỏ.


    Bộ chỉ huy đầu tiên của phi đoàn:
    -
    Phi đoàn trưởng: Thiếu tá Hồ Bảo Ðịnh
    - Phi đoàn phó: Thiếu tá Nguyễn Phú Chính
    - Sĩ quan hành quân: Ðại Úy Nguyễn Văn Hoa
    - Sĩ quan huấn luyện: Thiếu tá Nguyễn Hữu Nhàn
    - Sĩ quan An phi: Ðại Úy Nguyễn Văn Mai
    - Bốn phi đội trưởng: Ðại Úy Phan Chi Hảo, Ðại Úy Lê Võ Hùng, Ðại Úy Trần Văn Phèn và Ðại Úy Trần Chiêu Quan (?)

    Phi đoàn bắt đầu thực hiện các phi vụ chính yếu là tiếp tế đạn dược cho các căn cứ hoả lực của pháo binh, tham dự các cuộc hành quân trong chiến dịch Toàn Thắng của Quân Ðoàn III do Trung Tướng Ðỗ Cao Trí điều động, những nỗi vui mừng của các đơn vị pháo binh VNCH khi họ biết các Chinook tiếp tế cho họ thuộc Không Quân VNCH, không bị trở ngại khi liên lạc, các lưới đạn được thả đúng vị trí cho các khẩu đội trọng pháo 105 hoặc 155 ly tất cả các phi vụ được thỏa mãn theo yêu cầu.v.v... Ðến năm 1971, phi đoàn cũng đã thực hiện những phi vụ vượt biên sang Nam Vang, tiếp tế cho các đơn vị Nhảy Dù trấn thủ vùng biên giới Miên-Việt tại Tây Ninh.

    Phi cơ đầu tiên của phi đoàn bị đạn của Cộng quân phải đáp khẩn cấp trong phi vụ đổ bộ lực lượng TQLC trên lãnh thổ Cam Bốt do Ð/Úy Trần Chiêu Quan bay, nhưng phi cơ đã được bay về căn cứ sau khi kiểm soát mức độ hư hại.

    Người đầu tiên hy sinh trong phi đoàn là Thiếu Úy Trịnh Tiến Khang, Khang bay với Thiếu Úy Son trong phi vụ tiếp tế tại Snoul, trúng đạn phòng không, viên đạn xuyên qua cửa sổ phía phải, qua hông ghế và vào bụng của Khang, phá nát bọng đái. Son đã bay thẳng về Tổng Y Viện Cộng Hòa nhưng Khang đã chết trên bàn mổ. Ðúng ra phi vụ này là của Hoàng Hữu Thiệu, ngày hôm trước Khang là sĩ quan trực phi đoàn và Thiệu đã hoán đổi với Khang lãnh nhiệm vụ trực phi đoàn để có thời gian lo liệu một số giấy tờ cá nhân, vào buổi tối này có một điềm gở là Khang cứ nghe đi nghe lại bản nhạc: Anh vuốt tóc em một lần cuối.

    Khang sang Mỹ cùng một danh sách trong ITO với tôi, nhưng điểm Anh văn cao nên chuyển sang trường bay trước tôi, Khang thích để tóc dài nên được Th/Tá Ðịnh đặc biệt chiếu cố. Sau sự hy sinh của Khang, các cửa hông của phòng lái đều được bọc thép.



    Kế tiếp là Chinook của Ðại Úy Thọ và Th/Úy Hoàng bị bắn cháy trên không, trên chiến trường Snoul, nhờ tài điều khiển khéo léo của Ð/Úy Thọ, phi cơ đã đáp được xuống đất và cũng nhờ sự gan dạ, nặng tình đồng đội chiếc số 2 của Tr/Úy Cận đã bay kèm sát và đáp xuống ngay kế cận chiếc Chinook lâm nạn và sự dũng cảm của cơ phi Võ Thế Ðằng đã chạy đến phi cơ lâm nạn để cõng và dìu các anh em bị phỏng nặng về tàu của mình trước khi phi cơ phát nổ. Sau trận này Ð/Úy Thọ đã được giải ngũ và ông bay lại cho Air America, Tr/Úy Hoàng sau thời gian dưỡng thương đã đi bay trở lại, Hạ Sĩ Túc là người bị phỏng nặng nhất vì đã đứng phía sau chận phía cửa vào phòng lái. PHÐ của Tr/Úy Cận đã vinh dự nhận "Rescue pin" từ hãng Boeing Vertol và nhân dịp này lần đầu tiên Boeing Vertol mới làm ra "Rescue pin" cho trực thăng Chinook.

    Sau cái chết trong tai nạn trực thăng của Trung Tướng Ðỗ Cao Trí tại Tây Ninh mang nhiều bí ẩn (phi cơ bị phá hoại, do ai?) thì kế hoạch truy quét Cộng quân trên lãnh thổ Cam Bốt của Tướng Trí không có người tiếp tục chỉ huy, tất cả lực lượng của ta đều rút về lại Việt Nam và vì vậy Cộng quân đã gia tăng áp lực tấn công các căn cứ biên phòng và các căn cứ hỏa lực của Biệt Ðộng Quân và Nhảy Dù.

    Phi hành đoàn Tr/Úy Lợi + Tr/Úy Tâm và PÐT Hồ Bảo Ðịnh là đệ tam hoa tiêu trong một phi vụ triệt thoái đại bác 105 ly tại Bình Minh đã bị trúng đạn, PHÐ vô sự nhưng phi cơ phải nhờ gunship phá hủy vì hư hại khá nặng, PHÐ của Ð/Úy Thiều Quang Diêu bị bắn một viên 12,7ly vào hông tàu và trổ sang bên kia. Khi tình hình biên giới ổn định, phi đoàn có một thời gian tương đối yên tĩnh với những phi vụ tiếp tế đạn dược, lương thực cho các tiền đồn và các căn cứ hỏa lực, đặc biệt tiếp tế cho đỉnh núi Bà Ðen, với một diện tích nhỏ hẹp nhưng có rất nhiều đơn vị trú đóng tại đây: Tiểu khu Tây Ninh, SÐ 25 BB, Bộ TTM, BBQ, QÐ3.v.v...với nhiệm vụ như một đài tiếp vận truyền tin và theo dõi hoạt động của Cộng quân, sau này trước khi rút bỏ căn cứ Bà Ðen, Ð/ÚyThành của tiểu khu Tây Ninh, Chỉ huy Trưởng Núi Bà Ðen đã để lại cho Cộng quân một trận đánh nhớ đời (tôi được nghe chính anh kể lại trong trại cải tạo Bầu Cỏ).

    Tình hình chiến sự mỗi lúc một gia tăng và mãnh liệt nhất là trận An Lộc, mùa Hè 72. Mỗi sáng, chúng tôi tất cả các trực thăng thuộc KÐ43CT đều sang standby tại Lai Khê chờ lệnh, UH-1 vào trước với các binh sĩ tinh nhuệ Nhảy Dù, Chinook vào sau với các khẩu trọng pháo 105 ly ờ Ðồi Gió, Tàu Ô, Tân Khai, bay cao, bay thấp đều bị bắn bằng đủ loại đạn, nhưng chúng tôi vẫn thi hành các phi vụ được giao phó. Hai Chinook đã tổn thất tại Tân Khai và Tàu Ô là PHÐ của Th/Tá Nguyễn Hữu Nhàn + Th/Úy Ðặng Thiên Hiền, cơ phi Ch/Úy Kim, áp tải, xạ thủ đều hy sinh, Ð/Úy Trọng + Th/Úy Thanh bị bắt và được trao trả năm 73 nhưng cơ phi, xạ thủ và áp tải hy sinh.

    Một Chinook của Tr/Úy Lê Quang Tiên và Ðặng Ðức Cường bị bắn cháy trên không, phải đáp khẩn cấp xuống phi trường An Lộc và được gunship bốc cứu. Phi cơ của Tr/Úy Son và tôi bị trúng một viên 12,7ly thủng bình xăng trái nhưng vô sự vì không phải đạn lửa và nhiều phi cơ khác bị đạn nhưng không đáng kể.

    Cùng thời gian với trận chiến ở An Lộc thì Phi Đoàn 237 phải tăng phái cho SÐ1KQ tại Ðà Nẵng, SÐ6KQ tại Pleiku và SÐ4KQ tại Bình Thủy vì quân đội Mỹ đã bắt đầu rút khỏi Miền Nam và các phi đoàn Chinook tân lập chưa thành hình, chúng tôi cũng tham dự vào những cuộc chiến nóng bỏng tại Quảng Trị, Kom tum, Tân Cảnh, Võ Ðịnh, Mỏ Vẹt.v.v...nhưng chỉ có một PHÐ của Tr/Úy Hậu + Tr/Úy Ðài bị bắn rớt tại vùng IV và xạ thủ Lạc đã anh dũng hy sinh khi tình nguyện nằm lại bắn chận VC cho PHÐ chạy vào đồn an toàn, phi cơ hư hại nặng và được phá hủy. Tại Komtum Th/Tá Ba và Tr/Úy Tâm đã được vinh danh là người hùng của Căn Cứ 5, chiến công này đã góp phần cho Th/Tá Ba được nhận danh hiệu Chiến sĩ Anh Hùng, được Tổng Thống tiếp đón tại Sàigòn và hình như được đi du lịch Ðài Loan.

    Khi Cộng quân thất bại trong trận tấn công An Lộc và trên nhiều mặt trận khác, tình hình chiến sự lắng động, chúng củng cố lực lượng sau những thiệt hại nặng và là thời gian thương thảo hoà đàm Paris. Cuộc ngưng chiến đã không được Cộng quân tôn trọng vì giữa chúng và Mỹ đã có những thỏa thuận ngầm, dù đã ký kết nhưng Cộng quân bắt đầu gia tăng cường độ đánh phá khắp nơi, trong khi Quân Lực VNCH bị giới hạn tiếp nhận vũ khí, trang bị, đạn được và xăng nhớt. Hàng ngày mỗi phi cơ chỉ nhận được một số lượng xăng nhất định, hết xăng phải bay về.

    Tại Tây Ninh trong phi vụ tiếp tế cho một tiền đồn ÐPQ, Chinook của Tr/Úy Hùng bị trúng đạn và viên đạn oan nghiệt đã xuyên vào bụng xạ thủ Lâm Thành Công, Công đã hy sinh trên bàn mổ của bệnh viện Tây Ninh dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa.

    PHÐ Tr/Úy Quang + Th/Úy Tiến + cơ phi, xạ thủ, áp tải bị trúng SA-7 khi vừa tiếp tế cho đỉnh núi Bà Ðen, tất cả đều hy sinh, Th/Úy Tiến trước đó đã thoát chết trong vụ nổ kho bom phía sau Văn phòng Phi Đoàn khi Tiến là Sĩ Quan Trực, cơ sở phi đoàn bị hư hại nặng, rất may không có thương vong vì là ngày Chủ Nhật. PHÐ của Tr/Úy Thanh (Lờ) đã bị hỏa tiễn AT-3 bắn hụt cũng trong phi vụ tiếp tế cho Núi Bà Ðen.

    Áp tải viên Hoàng đã hy sinh trong một phi vụ trao trả tù binh tại Lộc Ninh, dù phi cơ bay trên lộ trình và cao độ do Ban Liên Hợp Quân Sự 2 Bên ấn định nhưng đã bị trúng một loạt đạn của Cộng quân.

    Những năm 73 và 74, phi đoàn thi hành phần lớn những phi vụ tiếp tế cho An Lộc, Phước Long, Tây Ninh và một số những tiểu khu giáp ranh với Vùng IV CT. Chiến sự tại An Lộc lại khốc liệt vì Cộng quân muốn dứt điểm nơi này, Tất cả PHÐ của Tr/Úy Nguyện + Tr/Úy Tài đã bị bắn nổ trên không vì SA-7 cộng với 10 binh sĩ BÐQ, nhưng đã không tìm được thi thể của Tài và Nguyện, 2 người anh của Nguyện đều là hoa tiêu F-5, và một vị cũng đã hy sinh.

    PHÐ của Tr/Úy Yên + Tr/Úy Quý đã bị trúng một viên đạn phòng không 37ly, ramp phía sau của phi cơ bể nát, PHÐ vô sự nhưng phi cơ phải đem về Air Việt Nam để thay tất cả phần đuôi.

    Một phi vụ thập phần nguy hiểm đó là tiếp tế cho tiền đồn Tống Lê Chân, Trung tá Nguyễn Phú Chính đã biết chi tiết phi vụ này 1 tháng trước, điều này đã làm ông mất ăn mất ngủ, vì trước đó đã có 2 PHÐ UH-1 phải bỏ lại trong đồn, phi vụ có đi nhưng không về. Vì vậy mà ông đã kêu gọi PHÐ tình nguyện, kết quả là số người tình nguyện quá đông, ông đã phải lựa chọn theo tiêu chuẩn còn độc thân, ít vướng bận gia đình, đây là một điểm son phải ghi nhớ cho tất cả thành viên đã từng phục vụ cho PÐ237, PHÐ được lựa chọn là Tr/Úy Cầu + Tr/Úy Hùng, phi cơ bị bắn cháy khi vào cận tiến ở 300 bộ, cơ phi Tranh có lẽ đã hy sinh khi phi cơ trúng đạn, Tr/Úy Cầu bị nứt xương gót khi nhảy từ trên cao xuống đất và sau hơn một tháng kẹt lại trong đồn, PHÐ đã được Phát (Sứt) của Phi Đội 259 vào bốc về.

    PHÐ của Th/Tá Phê (Phi Đoàn Phó) + Tr/Úy Ngô Minh Châu + Tr/Úy Vinh (mới từ 241 thuyên chuyển về 237) và một cơ phi đã tử nạn khi bay huấn luyện tại Long Bình, (hình như phi cơ bị gãy drive shaft).

    Không rõ vào năm nào, phi trường Biên Hòa bị pháo kích bới hỏa tiễn 122ly của Việt cộng, một trái đã rớt trúng nhà ở của Tr/Úy Nguyễn Hiền, Hiền đã xin được một căn nhà cũ này và trang trí lại mở một quán cà phê, trái hỏa tiễn đã cướp đi mạng sống của vợ chồng Hiền và 2 cô em vợ.

    Cuối năm 71, một số Ðại Úy thâm niên được thuyên chuyển đi nhận nhiệm vụ mới ở các phi đoàn Chinook tân lập. Tr/Úy Hoàng Hữu Thiệu ra 241, Th/Tá Nguyễn Văn Mai, Th/Tá Tiếm, Th/Tá Việt, Ð/Úy Hen ra PÐ 247, Th/Tá Phèn, Th/Tá Trung về 249, Th/Tá Trung cũng đã hy sinh trong một phi vụ chuyển quân tại Vùng IV, hình như phi cơ trúng SA-7. Trung Tá Hồ Bảo Ðịnh được giữ nhiệm vụ mới Không Ðoàn Phó KÐ43CT, Tr/Tá Chính Phi đoàn Trưởng, Th/Tá Ba Phi đoàn Phó, Th/Tá Diêu Sĩ quan Huấn Luyện, Ð/Úy Huê Sĩ quan Hành Quân, Ð/Úy Lợi Sĩ quan An Phi + CTCT. Bốn phi đội trưởng gồm: Ð/Úy Cận, Hùng, Yên, Son. Th/Tá Nguyễn Hoàng Nam Phi đội Trưởng Phi đội Bay Thử.

    Phi đoàn 237 khi thành lập với một số lượng hoa tiêu, cơ phi, áp tải và xạ thủ thâm niên từ các phi đoàn UH-1 và H-34 giàu kinh nghiệm và các hoa tiêu xuất sắc vừa tốt nghiệp tại Hoa Kỳ nên đã tạo được một thành tích tuyệt hảo: Hãng chế tạo trực thăng Chinook - Boeing Vectol đã liên tiếp trao tặng bằng khen ngợi Phi Ðoàn 237 với: 5000 giờ, 10.000 giờ, 15.000 giờ, 20.000 giờ và 25.000 giờ bay không tai nạn.

    Nhiệm vụ chính yếu của phi đoàn là tiếp tế, tản thương và thu hồi phi cơ lâm nạn, năm 71 đã tản thương một số rất nhiều các binh sĩ Nhảy Dù tại các cuộc hành quân tại Cam Bốt, năm 72 đã di tản hàng ngàn thường dân vô tội tại An Lộc về Lai Khê, sau khi hoàn tất các chuyến tiếp tế, toàn thể hợp đoàn đã tình nguyện bay trở lại để di tản đồng bào, tháng 4-75 bay ra Ðà Lạt và Phan Rang để bốc một Liên đoàn BÐQ và một Lữ Ðoàn Dù gồm có tiểu đoàn 5 Nhảy Dù của Tr/Tá Bùi Quyền, sau đó di tản đồng bào từ Long Khánh về Long Bình trong những ngày cuối cùng của đất nước.

    Cấp số của một phi đoàn Chinook gồm 16 phi cơ, nhưng riêng PÐ 237 đã có đến 25 phi cơ, hàng ngày phải cung cấp cho Vùng III CT 4 phi cơ để thực hiện các phi vụ, 1 chiếc túc trực cho các phi vụ khẩn cấp bất thường. 3 phi đội lên ca trực theo thứ tự ưu tiên, 1 phi đội nghỉ, vì thế quân số của phi đoàn lúc nào cũng là 75% tham chiến. Số trưởng phi cơ cũng như hoa tiêu chánh quá ít so với tổng số hoa tiêu nên chúng tôi bay "mệt nghỉ", vì thế mà chiếc ứng trực số 5 hàng ngày phần nhiều đều do ban chỉ huy phi đoàn đảm nhiệm.

    Kể từ ngày thành lập vào tháng 9-1970 cho đến tháng 4-1975, phi đoàn đã mất trọn 5 phi hành đoàn, 11 Hoa tiêu (2 vị Phi đoàn Phó), và 18 Cơ phi, Áp Tải, Xạ Thủ đã hy sinh trong nhiệm vụ Bảo Quốc Trấn Không, 10 trực thăng Chinook đã bị xóa số trong sổ danh bộ.

    Và một số thành viên vẫn còn mang dấu tích chiến trận trên thân thể như Th/Tá Thọ, Ð/Úy Cầu, Tr/Úy Hoàng, Hạ Sĩ Túc và vài anh em khác nhưng không nhớ được tên.

    Sau ngày đen tối 30-4, một số thành viên 237 di tản được sang Mỹ, một số kẹt lại trong lao tù Cộng sản, cá nhân tôi được gặp và biết: Tr/Tá Chính, Th/Tá Diêu, Th/Tá Phèn, Th/Tá Quan, Th/Tá Nam, Tr/Úy Tiên, Tr/Úy Thân (ở tù chung với tôi tại Hốc Môn) và một số hoa tiêu của các phi đoàn Chinook khác như: Ðào Duy Anh và Trường cùa 241, Phước của 247.

    Hiện tại có lẽ tất cả các hoa tiêu đã đều sang Mỹ, chỉ còn một số anh em cơ phi, áp tải và xạ thủ là ở lại quê nhà, các anh em 237 tại Mỹ và Úc đã đang làm công tác để ủy lạo các anh em 237 ở VN khi ốm đau, hữu sự và tạo điều kiện cho anh em cơ hội gặp gỡ lại nhau ít nhất mỗi năm một lần để ôn lại những kỷ niệm xưa và cũng để hãnh diện với đơn vị mà mình đã phục vụ. Xin cám ơn những thành viên Chinook của các phi đoàn 241, 247 và 249 cũng đã tham gia vảo công tác này, hy vọng trong tương lai sẽ thực hiện được điều tốt đẹp và đầy ý nghĩa này cho tất cả các thành viên Chinook của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa.

    Bài này được viết theo trí nhớ sau 27 năm và sự giúp đỡ của các Ðại Bàng: Hồ Viết Yên, Nguyễn Ðức Lợi, Huỳnh Bá Hùng, Lê Văn Cầu, nếu có những chi tiết không được chính xác và nhất là tên của các anh em cơ phi, áp tải, xạ thủ không còn nhớ được danh tánh, xin quý Ðại Bàng 237 miễn chấp cho và xin hiệu đính cho.

    Trước tháng 4/75, chúng ta đã chiến đấu trong giới hạn về tiếp liệu, chúng ta cũng đã bị bưng bít và xuyên tạc bởi những phần tử phản chiến và thiên Cộng của bọn báo chí, chính trị Mỹ, chúng tuyên truyền rằng Quân Lực VNCH hèn nhát không dám tham chiến.

    Vậy với những thành tích nêu trên, với những hy sinh và tổn thất lớn lao chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm tuổi, thử hỏi có đơn vị Chinook của Mỹ nào tham chiến ở Việt Nam có thể so sánh với Phi Đoàn 237?

    Phi Đoàn Chinook 237 đã xứng đáng góp phần làm rạng danh Không Lực Việt Nam Cộng Hòa.

    Vũ Văn Bảo
    Down Under tháng 11-2002

    Last edited by khongquan2; 01-12-2013, 10:10 PM.

  • #2
    đơn vị tôi


    ĐƠN VỊ TÔI
    Vũ Văn Bảo



    Viết để kỷ niệm lại cuộc đời binh nghiệp của tôi thì đúng lý phải bắt đầu từ ngày tôi mon men đến cổng Phi Long ở Tân Sơn Nhất để xem điều kiện, thủ tực và xin đơn tình nguyện gia nhập vào quân chủng Không Quân.
    Nhưng tôi chỉ có mỗi một đơn vị, nên tôi đã chọn để viết trước về đơn vị này. Tôi đã trưởng thành trong tập thể Quân Đội, và đơn vị mà tôi phục vụ đã trau dồi cho tôi các kinh nghiệm của nghề nghiệp, sự yêu thương, chia sẻ lúc vào sinh ra tử của các đàn anh và các đồng đội.

    Sau hơn một năm thụ huấn sinh ngữ và chuyên môn tại Mỹ, tôi trở lại quê hương vào tháng 12 năm 1970. Với hai tuần lễ nghỉ phép, trình diện Phòng Du học Bộ Tư Lệnh Không Quân để nhận Sự vụ Lệnh về trình diện đơn vị phục vụ: Phi đoàn 237, Sư đoàn 3 Không Quân. SĐ3KQ tại Biên Hòa cũng là Sư đoàn Không Quân đầu tiên tiếp nhận loại trực thăng vận chuyển khổng lồ Chinook CH47-A.
    Cái ngày mà tôi được “Phát sứt” hướng dẫn lên Biên Hòa đề biết lối vào phi trường qua cổng số 2 (Dốc Sỏi). Đến đơn vị của Phát là Phi đoàn 223, tôi gặp lại một số bạn bè cùng khóa đang chuẩn bị đi bay các phi vụ yểm trợ cho quân bạn, tôi thấy lòng dạ bồn chồn, rạo rực, chỉ mong được đi bay như các bạn này lập tức. Sau một thời gian ngắn tay bắt mặt mừng với các bạn hữu, trước khi có lệnh đi đi bay, Phát sứt bảo tôi:
    - Nhiệm vụ hướng dẫn mày lên đến Biên Hòa vào đến phi trường của tao là hết, bây giờ thì mày hãy tự đi tìm đơn vị của mày vì tao cũng không biết Phi đoàn 237 ở chỗ nào.

    Rời bản doanh của Phi đoàn 223, tôi đi lân la dò hỏi và cuối cùng được chỉ cho một ngôi nhà khang trang cũ Mỹ bàn giao lại, nằm song song bên cạnh với Liên đoàn 43 Tác Chiến. Vào đến trong thì đồ đạc ngổn ngang, tôi bâng khuâng tự hỏi không biết đây có đúng là đơn vị của mình không? Gặp một số anh em Hạ Sĩ Quan, hỏi họ thì mới vỡ lẽ ra Phi đoàn 237 đang “dọn nhà” từ căn cứ Phú Lợi về, và vừa được thành lập tháng 9/70, Phi Đoàn được xuyên huấn và tiếp nhận phi cơ CH47-A từ một đơn vị của Mỹ (U.S Army ASHC).

    Khóa Chinook của bọn tôi gồm có: Thiệu, Hiền (Đặng), Hiền(Nguyễn), Châu “dốc sỏi”, Châu “cơm chiên”,Cường và tôi. Sau vài tuần cùng tiếp tay với tất cả anh em trong phi đoàn, chúng tôi đã tạm chỉnh trang xong cơ sở, lúc này đếm kỹ lại thành phần của phi đoàn thấy khủng khiếp quá: 19 Đaị úy (gấp 3 hay 4 lần so với các phi đoàn trực thăng khác); các vị niên trưởng này bao gồm các sĩ quan liên lạc ở Mỹ, sau khi mãn nhiệm kỳ và các hoa tiêu ưu tú của các phi đoàn trực thăng được chọn gởi đi tu nghiệp. Các hạ sĩ quan phi hành: Cơ phi, Áp tải, Xạ thủ cũng đều được tuyển chọn theo tiêu chuẩn nhiều kinh nghiệm chuyên môn, dày dạn chiến trường và cũng được xuyên huấn với các phi đoàn của Mỹ tại Phú Lợi. Vì thế mà chúng tôi rất hãnh diện khi được phục vụ cho Phi đoàn 237, một trong những phi đoàn kỳ cựu và xuất sắc của Quân chủng Không Quân. Thời gian này Phi đoàn Trưởng là Thiếu tá Hồ Bảo Định, Phi đoàn Phó, Thiếu tá Nguyễn Phú Chính, Sĩ quan Huấn Luyện, Thiếu tá Nguyễn Hữu Nhàn, Sĩ quan Hành Quân, Đại úy Nguyễn Văn Hoa, Sĩ quan An Phi, Đại úy Nguyễn Văn Mai.
    Cũng vì số niên trưởng quá nhiều, mà bọn tôi, thành phần sau cùng về phi đoàn, nên các nhiệm vụ được phi đoàn giao phó là: “Sĩ quan trực phi đoàn” hoặc đi biệt phái cho Không đoàn, Phòng Hành quân Chiến cuộc Sư đoàn, trong thời gian các vị đại úy bay “team” với nhau hoặc bay với các anh em về nước trước bọn tôi.
    Cái bầu nhiệt huyết cao độ, chỉ muốn được xông pha ngay để cưỡi mây lướt gió đã bị “tiêu tan” với các nhiệm vụ nhàm chán của một sĩ quan trực; ngày ngày đi nhận lãnh và viết phi vụ lệnh, trực điện thoại hành quân, vì thế tôi và một số đã qua các phi đoàn UH1 tìm bạn bè xin đi bay. Tôi như nhớ lời Thiếu tá Chính, nữa đùa, nữa thật nói với bọn tôi:
    - Mấy chú từ từ rồi sẽ được bay, khi được bay rồi không chừng còn sợ đi bay nữa là khác; chứ mấy chú qua bay UH1 lỡ chết là không có tiền tử đâu đó!

    Với tôi, thời gian này lại là một cái may, tôi có dịp trau dồi thêm kinh nghiệm bay bổng và am hiểu tường tận hơn về kỹ thuật của chiếc trực thăng Chinook mà nó hoàn toàn mới lạ với KQVN. Lang thang không có việc làm, tôi xuống phi đạo làm quen với hai test pilot Mỹ (lúc này phi đoàn chưa có test pilot), một Chuẩn úy, tôi không nhớ tên, một Đaị úy tên Danrley mà sau này rất thân với tôi và thường xuyên đi bay với họ sau các hư hỏng bất thường cũng như phi cơ vừa được kiểm kỳ hay tổng kiểm. Thêm vào đó tôi còn lân la học hỏi với các chuyên viên kỹ thuật Việt Nam lẫn của dân sự Mỹ LSI, NHA về cách chỉnh để topping động cơ, tracking cánh quạt.v.v...Nhất là trong các phi vụ bay thử tôi còn được ôn tập rất nhiều về bay phi cụ mà trong thời gian thụ huấn tại Mỹ chúng tôi được thực tập bay rất ít giờ, làm CGA ở Phú Lợi, Củ Chi, làm ADF homing ở căn cứ Dĩ An (Sóng Thần), Long Bình...
    Các phi vụ bay thử này coi như tôi đi “bay chùa”, vì không phải là nhiệm vụ được giao phó. Một kỹ niệm khó quên trong phi vụ bay thử đầu tiên, Danrley đã để cho tôi đặt tàu xuống bục đổ xăng của căn cứ Củ Chi, tôi đã phải đặt tàu bay lên xuống nhiều lần mới đặt được bốn cái bánh đáp nằm trong cái bục xi-măng dành cho Chinook, cái bục này, diện tích chỉ vừa đủ cho bốn bánh đáp (không hiểu bọn Mỹ hà tiện xi-măng hay là để thử tài khéo léo và chính xác của các hoa tiêu!?). Có lần tôi và Danrley đã đi bay thử trực thăng võ trang Corba của một đơn vị Mỹ trong khu Đông phi trường Biên Hòa, Danrley cũng đã rủ tôi đi Thái Lan bằng phi cơ quân sự Mỹ, nhưng vì không thể ra Bangkok nên tôi đã không đi.
    Cũng vì các “thiện chí” này mà sau khi có có một khóa đào tạo hoa tiêu bay thử để thay thế các hoa tiêu Mỹ, tôi đã được phi đoàn cắt cử theo học.

    Cùng lúc với các phi vụ “bay chùa” test, tôi bắt đầu được bay huấn luyện 10 giờ, gọi là bay để “check out” Hoa tiêu Phó Hành quân! Phi đoàn chưa có đủ huấn luyện viên nên tôi bay với một HLV Mỹ. Mười giờ bay này thật là chán, chỉ vì ông HLV này còn có một vài tuần lễ nữa thì mãn tour của ông ta ở VN, nên ông ta lạnh cẳng thật sự, không phải bay các phi vụ xông pha lửa đạn, mà ông ta check tàu bay rất kỹ, ít khi nào bay được chiếc đầu tiên, phải đổi đến hai, ba chiếc mới bay được. Nhưng rồi thì cũng xong hơn nữa tôi đã biết khá nhiều khi bay thử, traffic patern đáp và cất cánh cùng một chiều cho phi đạo Chinook! Tần số UHF 321.00 của đài kiểm soát Spartan, quan trọng là xác định được cái chỉ số H10-11C Hoa tiêu Phó Hành quân.

    Cái ngày đầu tiên xuất quân của tôi, tôi được cắt bay với Đại úy Dương trong một phi vụ tiếp tế vùng biên giới Tây Ninh cho các đơn vị Pháo Binh. Anh Dương là một trong các niên trưởng mà tôi khâm phục tài bay bổng nhất. Anh đã để cho tôi đáp cái đáp đầu tiên với một lưới đạn pháo binh “toòng teng” dưới bụng – và anh phải chụp lấy cần lái khi tôi vào cận tiến của bãi đáp – lý do tôi đáp quá nhanh, tại quá lâu ngày không được bay với external load nên không lường được tốc độ lúc đáp. Sau cú đáp này anh mới hỏi tôi:
    - Bay được bao nhiêu giờ rồi?
    - Dạ, phi vụ đầu tiên hành quân. Tôi trả lời.
    Từ đó suốt trong ngày, anh đã tận tình chỉ bảo cho tôi các kinh nghiệm bay hành quân, các cách thức liên lạc vô tuyến, với Đài Kiểm báo Paris trên 233.80 báo cáo không trình, check IFF, clear pháo binh, liên lạc với các đơn vị pháo binh tiểu khu trên lộ trình bay để xin tác xạ pháo binh..v.v...Anh là một hoa tiêu mà cái đáp đầu tiên cũng như cái đáp cuối cùng trong ngày đều êm ái nhẹ nhàng như nhau, điều này giúp cho ba anh em cơ phi, áp tải và xạ thủ ở phía sau đỡ mệt mỏi nhất là trong các phi vụ bay nhiều giờ, cũng như “dưỡng” cho phi cơ ít bị hư hỏng. Có lẽ nhờ ảnh hưởng của anh mà sau này khi tôi điều khiển chiếc Chinook lúc nào tôi cũng nhẹ nhàng và cẩn thận. Một kỹ niệm, tôi bay với anh, Mã Quới Trung và Lê Quan Tiên bay chiếc số 2, cất cánh từ Biên Hòa đi Châu Đốc cho một phi vụ tiếp tế khẩn cấp, nhưng đến khi đáp xuống Châu Đốc thì đơn vị bạn lại chưa sẵn sàng, nên được lệnh của Paddy, chúng tôi quay trở lại Biên Hòa; về chưa đến Tân Sơn Nhất thì đèn Left+Right Low Fuel đều bật sáng, tôi hỏi anh mình có ghé Tân Sơn Nhất để đổ thêm xăng hay không? Anh không trả lời mà lại hỏi chiếc số 2 còn bao nhiêu xăng? Nhiều hơn chiếc số 1 khoảng hai, ba trăm lbs và anh quyết định bay thẳng về Biên Hòa luôn. Tụi tôi bị một dịp đúng tim, khi đáp không dám ngóc đầu lên cao vì sợ động cơ “flame out”.
    Vị đàn anh kế tiếp là Đại úy Trọng, Phi đội Trưởng của tôi. Anh xuất thân từ Phi đoàn 219 chuyên bay thả Lôi Hổ, Biệt Kích nên anh điều khiển tàu bay rất chính xác nhưng không bao giờ êm ái, có lần tôi nói với anh, anh thử để tàu xuống nhẹ nhàng, anh trả lời:
    - Mất thì giờ, miễn đáp xuống trúng chổ dù có mạnh một chút cũng đâu có sao? Pi lốt Navy mà!
    Cái nón bay của anh không được tốt, tôi không hiểu tại sao anh không chịu đổi cái khác, anh đội rất lỏng lẻo và rất khó khi liên lạc vô tuyến, vì thế khi bay với anh, anh để tôi làm hết theo sự hướng dẫn của anh. Anh rất thích và mến tôi nên khi lên ca là anh cắt tôi bay với anh. Khi chiến trường An Lộc quá sôi động, việc cắt bay do Sĩ quan Hành Quân đảm trách, nên ngày mà anh bị bắn rơi ở suối Tàu Ô anh bay với Thành, bị Việt cộng giam giữ hơn một năm. Được trao trả theo HĐ Paris. Câu đầu tiên khi đón anh về câu lạc bộ phi đoàn anh nói với tôi:
    - Đúng ra mày ở tù với tao chứ không phải thằng Thành!
    Tôi pha trò và trả lời anh:
    - Nếu tôi bay với anh thì chắc gì đã bị bắn rớt?
    Lần lượt tôi được bay chung và học hỏi nhiều kinh nghiệm với các niên trưởng khác như:

    Đại úy Thọ, rất bình dân và thương yêu đàn em. Anh có cái tật là mê truyện kiếm hiệp và chỉ đọc trong lúc đi bay, bay với anh là anh ra điều kiện:
    - Tôi bay đi thì “già” bay về, cứ như thế mà thay đổi nghe không?
    Anh bị bắn cháy trên không với Hoàng khi tiếp tế cho chiến trường Snoul, giải ngũ và sau đó bay cho Air America.

    Đại úy Diêu, là một hoa tiêu “nhuyễn” nhưng rất khiêm nhượng, các phi vụ anh đi bay tiếp tế cho An Lộc và Phước Long, sĩ quan Lục Quân thường xin đi theo tàu anh vì thấy anh mang cấp bậc Thiếu tá, anh bảo với họ:
    - Đừng tưởng tôi là Thiếu tá mà bay hay đâu. Mấy ông Trung úy , Thiếu úy cầm cần lái hàng ngày họ hay hơn tôi, tôi cả tháng mới đi bay một lần thì làm sao hay bằng họ được!
    Theo lời các đàn anh khác kể lại thì anh chính là hoa tiêu đã phải đáp khẩn cấp chiếc trực thăng H34 xuống đường Lê Văn Duyệt Gia Định vì bị chết máy sau khi cất cánh từ Bộ Tổng Tham Mưu, thời đó các báo chí đều ca tụng tài khéo léo của viên phi công Việt Nam.

    Đaị úy Phèn, có lẽ anh là một hoa tiêu kỹ lưỡng nhất phi đoàn, nếu không muốn nói là kỹ nhất Không Quân, anh luôn luôn đọc checklist trước khi mở máy và tắt máy. Đặng Thiên Hiền hay chọc phá anh nhưng anh không bao giờ giận. Sau khi điều chỉnh ghế bay và kính chiếu hậu là anh bắt đầu đọc checklist.
    - Fisrt aid kit. Hiền trả lời: Mất hết rồi Đại úy
    - Bình chữa lửa. Hiền: Dạ có
    Tới đây là anh liếc kiếng chiếu hậu xem ông cơ phi có cầm bình chữa lửa hay không. Không có là anh la ngay.
    Khi bay, trong bất cứ tình huống nào anh đều chậm rải và cẩn thận, cho dù lúc bãi đáp đang bị pháo kích nặng nề. Khi chưa bay chung với anh tôi thắc mắc là thấy lúc nào anh cũng mang theo chiếc “flying jacket”, sau này tôi mới khám phá ra là anh dùng để lót ghế, thế ngồi bay của anh, tôi thấy không được thoải mái chút nào, vì lưng anh không bao giờ chạm lưng ghế, điếu thuốc Salem luôn luôn thêm môi, thường hay nói chuyện với hoa tiêu phó nhưng lại để nút transmit không ở thế intercom mà ở vị trí số 2, nên các Chinook khác bay chung đều nghe được những mẩu đối thoại:
    - Hiền ơi! Tại sao mày để đèn master caution nổi lên vậy? (ý anh than đèn báo động bật sáng làm anh giật mình). Hoặc:
    - Trời ơi! Sao tao khổ thế này! (trong một phi vụ câu móc, vì lưới hàng quá nhẹ, bị gió bê qua, bê lại rất khó bay)

    Đại úy Việt, là cựu hoa tiêu gunship nên rất bình tĩnh và bén nhạy khi quan sát các bãi đáp nghi ngờ. Tôi bay với anh tiếp tế cho căn cứ Bình Minh ở gần Thiện Ngôn, quân bạn đã bỏ căn cứ từ sáng sớm, không hiểu lệnh lạc ra sao mà Phòng 4 Tiểu khu vẫn cho lệnh tiếp tế, vào bãi đáp không liên lạc được và anh còn thấy một vài điều khả nghi nên bảo tôi bay vòng chờ để anh quan sát thêm, quả nhiên sau đó chúng tôi bị bắn một loạt bằng súng AK, lúc này quân bạn họ mới mở máy liên lạc cho chúng tôi biết là họ đã bỏ căn cứ và đang trên đường về Thiện Ngôn!!! Anh là vị Đại úy mà gần gũi và thân cận với đám tụi tôi nhất, và ngược lại anh được Phi đoàn Trưởng Định “chiếu cố” nhiều nhất, tháng 12/72 anh ra Đà Nẵng thành lập Phi đoàn 247 và giữ chức vụ Phi đoàn Phó.

    Đại úy Ba, vị Phi đoàn Phó thứ ba và cũng là sau cùng của Phi đoàn 237, có lẽ anh không có duyên với nghề câu móc, nên anh đã nhiều lần phải “ép buộc”thả hàng. Một buổi sáng thứ bảy, tôi lên ca trực bay thử cho phi đạo, nhưng vì các tàu hư hỏng đang được sửa chữa nên tôi lên Phòng Hành quân của phi đoàn để chờ bay; chuông điện thoải reo vang, có lệnh cho Đại Bàng 5 (ground alert) đi thu hồi một UH1 bị hư hại nặng trong phi vụ huấn luyện tại Long Thành, lúc đó anh trực bay ĐB5. Thấy tôi anh liền bảo:
    - Chú mà rảnh rỗi đi bay dùm tao phi vụ này.
    Vì là ngày thứ bảy nên tôi liền trao đổi:
    - Tôi bay cho Thiếu tá nhưng Thiếu tá phải “cover” bay thử cho tôi nghe. Tôi móc xong chiếc UH1 là vù về Sài Gòn luôn.
    - Mà hôm nay tàu bay thử nhiều không?
    - Khoảng bốn chiếc. Tôi trả lời.
    - Thôi để tao đi câu vậy.
    Khoảng trưa, khi gặp anh cơ phi bay với anh ngoài phi đạo, anh này bảo tôi:
    - Ổng lại thả chiếc UH nữa rồi!!!
    Khi bay hành quân, anh rất lẹ làng, nhất là khi được quân bạn release thì anh là người bay về trước tiên để đậu tàu ở cái ụ đầu tiên, gần phi đoàn nhất. Vì thế mà tụi tôi nháy nhau bay về thật nhanh để cái ụ lẻ xa nhất ngoài bãi đậu cho anh, anh không biết âm mưu của tụi tôi phá anh, nên nói:
    - Mấy thằng trẻ bây giờ lẹ thiệt!!!

    Đại úy Mai, anh người miền Trung, tính tình hiền hòa va nhỏ nhẹ, trên cổ anh luôn luôn là chiếc khăn quàng màu tím hoa sim, nghiện thuốc Pall Mall nặng, nhìn anh kéo hơi thuốc mới thấy sự thưởng thức đúng mức.
    Tôi không bay nhiều với anh, chỉ khoảng độ vài lần; nhưng có lần bay chung, anh bảo tôi phải thuộc bản đồ vùng, để có thể tránh được vùng oanh kích của B52, vì khi nó thông báo trên tần số Guard thì chỉ độ vài phút sau là bom rơi (Attention to all aircraft this is an air strike warning on XT...) Tôi hỏi anh: Bản đồ vùng thì làm sao có thể thuộc được? Anh giải thích kỹ thêm, thuộc bản đồ tức là nhớ hai mẫu tự đầu của tọa độ vùng mình đang thi hành phi vụ, do đó có thể biết ngay la mình có ở trong khu vực oanh kích hay không.
    Điều này đã ứng nghiệm, khi tôi thi hành một phi vụ tiếp tế từ Pleiku lên Kontum và phải bay ngang đèo Chu Pao, lúc này Biệt Động Quân đang giao tranh ác liệt với Cộng quân. Khi nghe B52 thông báo, tôi biết ngay là mình nằm trên toạ độ đánh bom, vội bay dạt ra, vài phút sau bom nổ sát bên đèo Chu Pao, ngay dưới phía trái tôi. Hú hồn!!!

    Đại úy Trung, tác phong và mẫu mực, khi đi bay anh luôn luôn theo dõi, đôn đốc và bảo bọc cho các chiếc wing, các bãi đáp lạ anh là người đáp đầu tiên, bãi đáp an toàn anh mới ra lệnh cho các chiếc khác tuần tự đáp theo. Anh luôn thỏa mãn tất cả các yêu cầu tiếp tế của quân bạn khi điều kiện cho phép. Vì thế ngày nào đi bay mà anh là leader, chúng tôi thường đùa với nhau: Hôm nay cày chết bỏ!!!
    Anh hy sinh ở vùng 4 khi vừa từ Phù Cát về làm Phi đoàn Trưởng cho phi đoàn tân lập 249 Chinook của SĐ4KQ, bay chuyển quân, chuyến cuối cùng, còn bao nhiêu binh sĩ anh hốt hết (hơn 50) và đã trúng hỏa tiển SA-7 của Cộng quân.
    Còn một số các niên trưởng khác mà tôi chưa có dịp được bay chung như anh Quí, Quan, Nhàn, Tiếm, Hoa. Hơn một năm sau ngày thành lập, các anh lần lượt được thăng cấp Thiếu tá và rời khỏi phi đoàn để giữ các chức vự khác cũng như về các phi đoàn tân lập.

    Sau các niên trưởng lớn, là các niên trưởng nhỏ, tức là những vị cùng cấp Thiếu úy với tụi tôi. Về nước trước nên được đào tạo ra Trưởng phi cơ hoặc Hoa tiêu chánh, và dĩ nhiên là tôi cũng không thể có dịp để bay chung với hết các bạn này vì khác phi đội và vì nhiệm vụ bay thử của tôi. Gan dạ và liều lĩnh có Huỳnh Bá Hùng, Hùng cũng là một hoa tiêu mà số giờ bay nhiều nhất phi đoàn, có tháng bay đến 120 giờ, nhiều huy chương nhất; lẽ ra Hùng nắm chức vụ sĩ quan Hành Quân của phi đoàn, nhưng vì vài lý do “đặc biệt” nên dù được Sư đoàn đề cử nhưng vẫn bị Bộ Tư Lệnh bác bỏ để giao cho một sĩ quan khác. Lì lợm, thích bay vung vít có Trung Ngựa (Mã Quới Trung); bay “linh tinh” có Thanh Lìn, đi bay mà còn ngất ngưởng có Son “hiệp sĩ say”, lè phè là Ân mập, Tô Văn Hậu. Bay thuộc loại “nhuyễn”có Cận lùn mà khi tôi bay chung thì bạn bè đã gọi là “Trực thăng không người lái”! Lý do cả hai đứa tôi đều thấp và mập, ghế bay được chỉnh thấp hết cỡ, thoáng nhìn vào phòng lái thì chả thấy pi-lốt đâu cả; ăn đạn của VC nhiều nhất có Cầu xị; thích chơi dại có Vũ Ngọc Kim, tôi bay thử với Kim, tụi tôi đã làm nhiều phi tác không có trong sách vở, cắt ga động cơ khi bay để làm tự động quay như UH1 cho đến khi tàu chạm đất!!! (sorry Thiếu tá Diêu và Trung tá Chính); người luôn luôn đổi ca để được bay ngày thứ bảy và chủ nhật là ông Đạo Nam, mà sau này tụi tôi mới khám phá ra nghỉ bay ngày thường để đi dạy học.
    Kế tiếp là các anh em hạ sĩ quan phi hành, các cơ phi giàu kinh nghiệm như Chuẩn úy Kim (hy sinh tại An Lộc), Chuẩn úy Hiện, Thượng sĩ Hiển, Bùi Thành Xá, Trung sĩ Việt, Đằng, Tranh, Long..v.v...các xạ thủ và áp tải lì lợm, vui nhộn như Công heo, Đoàn hí, Phát ma, Lạc, Mai (Thượng sĩ trẻ tuổi nhất quân đội), Túc Trân..v.v...Tôi đã có rất nhiều kỹ niệm với anh em trong những phi vụ bay thử cũng như trong các phi vụ biệt phái cho Đà Nẵng, Pleiku, Cần Thơ mà có lẽ không đủ giấy mực để tả hết được.

    Đã nói đến Phi đoàn 237 thì phải nói đến Phi đạo 237, phi đạo cũng là đơn vị qui tụ tất cả các chuyên viên kỹ thuật ưu tú của các Sư đoàn Không Quân, cộng thêm cái thông minh sáng tạo của người lính KQVN, dù chỉ sau một thời gian ngắn huấn nghiệp, các anh em phi đạo đã làm cho các chuyên viên Mỹ thán phục, tôi chứng kiến nhiều màn biểu diễn ngoạn mục – thay một lò xo của hệ thống chuyền lực (drive shaft) bị gãy, với Mỹ theo sách vở phải mất hai giờ để thay, nhưng với anh em phi đạo 237 thì chỉ trong vòng 20 phút. Việc bảo trì chiếc trực thăng Chinook đòi hỏi sự kỹ lưỡng vì rất thường hư hỏng - một giờ bay = 32 giờ bảo trì. Chính vì thế mà các bạn đã thấy cách đây vài năm Không lực Hoàng gia Úc Đại Lợi đã phải thay thế các phi đoàn Chinook bằng trực thăng Blackhawk, họ tính một giờ bay của Chinook tốn gần $3000 Úc kim!!! Trong suốt thời gian Mỹ tham chiến tại Việt Nam, Company (phi đoàn) 205 Chinok của Mỹ là một đơn vị bảo trì phi cơ tốt nhất, số phi cơ khả dụng luôn luôn ở mức độ 55%, nhưng với phi đạo 237 con số này là 80%, vì thế mà bọn Mỹ không tin các báo cáo, đã cho một phái đoàn xuống thanh tra tại chổ và họ phải công nhận, thán phục các chuyên viên kỹ thuật của KhôngQuân Việt Nam.
    Thời gian bay thử tôi cũng có rất nhiều kỹ niệm với các anh em phi đạo, với Trung tá Phan Võ Tiên (KĐ Bảo trì &Tiếp liệu), với Trung úy Tươi Trưởng phi đạo 237, các sĩ quan kỹ thuật già dặn đã phục vụ một cách đắc lực và hết lương tâm của một người lính cho Không Lực (tôi được nghe là Trung úy Tươi đã bỏ mình trong trại cải tạo vì bệnh tật?). Thỉnh thoảng vì tình hình chiến sự, các anh em bị cấm trại lâu ngày, không thể ra cổng để về thăm gia đình ở Sài Gòn, trong phi vụ bay thử, tôi đã đưa các anh em bằng Chinook về đáp ở Bệnh viện Cộng Hòa, Dĩ An; hoặc một ngày thứ bảy đẹp trời tôi đưa anh em đi tắm biển ở Vũng Tàu vào buổi sáng và đón về vào buổi chiều, hoặc cho anh em đi “Đà Lạt” bằng cách leo lên 12.000 feet (nhiệt độ ở cao độ này khoảng 5 đến 8 độ). Với sự thân thiện như vậy nên anh em đã dành cho tôi nhiều quí mến, khi bay thử một chiếc đã nằm trong hangar quá lâu vì bị “làm thịt” tức là mượn tạm phụ tùng để thay thế cho các chiếc khác, vì trong kho đã hết đang chờ được cung cấp, các anh em đã lo lắng và nhắc nhở, tôi rất cảm động.:
    - Ông quay máy dưới đất lâu một chút, khoảng 1,2 giờ, xong để tụi tôi check lại, vì chiếc này bị tháo gỡ nhiều quá, xem có phần nào thiếu hoặc lỏng lẻo không. Chắc ăn rồi ông mới rời khỏi mặt đất.
    Cũng nhờ sự hợp tác chặt chẽ với anh em phi đạo, các trực thăng mà tôi ký “clear” khi làm xong kiểm kỳ hoặc tổng kiểm ít khi bị hư hỏng bất thường, và trong các phi vụ bay thử, anh em thường đi theo tàu chơi, có lẽ anh em tin tưởng vào tôi?
    Theo cấp số thì một phi đoàn Chinook có 16 phi cơ, nhưng vì là phi đoàn đầu tiên của Không lực và vì nhu cầu của Quân khu III nên Phi đoàn 237 có đến 25 phi cơ. Gần như tôi đều rành rẽ và thành thuộc hết các “bịnh” của số Chinook này. Bọn Mỹ nó viện trợ số Chinook đều là đồ “second hand”, chiếc “trẻ”nhất cũng đã có hơn 2000 giờ bay như: 065,110,112...và chiếc “già”nhất như: 073,033,056...gần 4000 giờ bay. Vài chiếc không thể nào trị hết bệnh “rung”, hết vertical lại đến lateral, nên phải loại ra để làm tàu huấn luyện và liên lạc không hành. Cũng giống như hoa tiêu, trẻ thì hay rơi rụng, những chiếc tốt nhất, phải bay nhiều nên đều lần lượt “hy sinh” trong các phi vụ tiếp tế cho các chiến trường trên 4 vùng chiến thuật.
    Hai con chim đầu đàn của Phi đoàn 237 là Thiếu tá Hồ Bảo Định và kế tiếp là Trung tá Nguyễn Phú Chính, đa số các phi công tốt nghiệp năm 69-70 đều biết đến, vì hai anh là sĩ quan liên lạc tại trường huấn luyện trực trăng Fort Wolters – Texas. Anh Định là một phi công “già” nên anh có nhiều cái còn thủ cựu, khi anh không hài lòng điều gì thường không la rầy ngay mà lại nói “kháy” - Trịnh Tiến Khang để tóc dài, anh bảo: “Tóc anh đẹp nhưng hơi dài!” hoặc, anh Trọng, đội cái mũ lưỡi trai màu xanh da trời, anh hỏi: “Cái nón anh mua ở đâu mà đẹp vậy!?”
    Hình như từ khi tôi về phi đoàn, tôi chưa thấy anh đi bay bao giờ; nhưng trong những phi vụ nguy hiểm anh là đệ tam hoa tiêu, nói nôm na là ngồi thùng, trong một phi vụ triệt thoái súng đại bác tại căn cứ Bình Minh – Tây Ninh, anh ngồi thùng cùng với Lợi móm và Tâm già, đã bị bắn và tàu bốc cháy khi đang móc khẩu đại bác, phi hành đoàn đều thoát hiểm và được gunship bốc về. Một lần vào dịp gần Tết Âm lịch, một phi vụ không hành Biên Hòa – Đà Lạt, chúng tôi rủ nhau đi theo chơi và nhân tiện mua sắm ít rau cải, trái cây về cho gia đình ăn Tết. Phi hành đoàn của phi vụ này là Đại úy Dương + Đại tá Tường (Sư đoàn Phó), nhưng khi ra đến tàu thì thấy Thiếu tá Định chuẩn bị bay với Đại tá Tường, bọn tôi khều nhau và đi vào lại phi đoàn, vì thấy hai “xếp” của mình, một thì rất ít đi bay còn một thì là dân khu trục F5 nên hơi “ớn”. Sau đó vì trục trặc vô tuyến, chờ sửa, Đaị tá Tường vào lại phi đoàn, thấy bọn tôi ông bảo:
    - Tụi mày thấy tao bay với ông Định nên sợ không dám theo phải không? Thôi để tao nói với ông Định cho thằng Dương bay với tao.
    Khi tàu sửa xong cả bọn lại lục tục đi ra tàu theo lên Đà Lạt với phi hành đoàn Đại úy Dương và Đại tá Tường
    Thời gian sau anh giữ chức Liên đoàn Trưởng LĐ43TC, được thăng cấp Trung tá và là Không đoàn Phó KĐ43CT cho đến ngày mất nước.
    Trung tá Chính là một trong số các cấp chỉ huy tư cách và tác phong của các phi đoàn trực thăng thuộc KĐ43CT. Cách đối xử của anh với tất cả các anh em sĩ quan cũng như hạ sĩ quan trong phi đoàn đều giống nhau, thưởng phạt công minh không thiên vị ai, thuộc cấp đều yêu mến anh. Khi được Cộng sản thả sau 13 năm tù, một số anh em đã liên lạc và giúp đỡ anh, hiện anh định cư tại Seattle – Hoa Kỳ theo chương trình H..O.
    Tính lại, tôi ở Phi Đoàn 237 từ tháng 12/70 đến ngày cuối cùng 28/4/75, thời gian quá ít so với hơn 5 năm tù cải tạo, hơn 10 năm làm việc tại Úc. Tôi đã mất đơn vị sau khi bị bom của tên phản bội Trung thả ngay chổ tập trung của phi đoàn di tản từ Biên Hòa về. Tôi đã mất các cấp chỉ huy khả kính, các niên trưởng, các đồng đội, mất mát này sẽ không bao giờ tìm lại được. Nhưng một điều mà tôi không bao giờ mất, nói đúng hơn là không bao giờ để mất: cái Lý Tưởng mà đất nước, quân đội và quân chủng đã cho tôi.



    Vũ Văn Bảo
    LTUC Xuân 93

    Last edited by khongquan2; 01-13-2013, 12:31 AM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X