Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bet-724, fke9

Collapse
X

Bet-724, fke9

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bet-724, fke9


    BET-724, FKE9

    (thân mến tặng các bạn đã theo học khóa Vô tuyến du hành tại Fès, Maroc)
    Đằng Vân


    Chiếc phi cơ Armagnac của hãng hàng không TAI cất cánh rời phi trường TSN vào đêm khuya của mùa Giáng sinh 1954, mang theo một số sĩ quan của KQVN theo học khóa Radio Navigant tại Fès thủ đô văn hóa của Maroc, vì lý do quan hệ ngoại giao với các nước sẽ quá cảnh nên các quân nhân đi du học phải mặc thường phục.

    Chặng đầu tiên là Calcutta, nơi cụ Hà ngọc Thụy, vị sĩ quan tài chánh khả kính của chúng ta gia nhập quân đội rồi sau đó chuyển sang KQVN, với tiết trời nóng nực oi ả hơn Saigon nhiều, trên không từng đàn quạ đen bay lượn săn mồi, tại phòng khách phi cảng có bán những quà lưu niệm đặc biệt của Ấn độ như các loại dao quoắm, lâu đài Taj Mahan nổi tiếng ..., chặng đường tiếp theo là Beyrouth, thủ đô của Liban, tới đây trời đã tối, gió lạnh từ Ðịa trung hải đem lại cảm giác khoan khoái dễ chịu trong lành của miền ôn đới, chúng tôi dùng cơm tối trong tiếng nhạc dương cầm thánh thót do một thiếu nữ dạo những bản nhạc về mùa giáng sinh, Silent Night, Santa Clause is coming to town, nhất là bản Winter time mỗi lần có dịp nghe, tôi lại nhớ đến đêm đầu tiên nơi đất khách trong một khung cảnh huyền ảo của đêm Chúa ra đời tại miền Trung Ðông đầy những huyền thoại.
    Chúng tôi lại cất cánh trong đêm tối, đến khi trời mờ sáng, phi cơ hạ thấp dần bay dọc theo bờ biển, những mái nhà ngói đỏ xen lẫn cây cối xanh tốt và đây đó những nóc chuông nhà thờ nổi bật lên trên nền trời xám xịt của mùa đông.
    Phi cơ đáp tại sân bay Marignane, chúng tôi vội vã chạy vào phòng khách vì bây giờ đang là mùa của những luồng gió mistral lạnh buốt thổi như bão vào miền Provence của nước Pháp, một chiếc xe buýt quân đội đưa chúng tôi về Trung tâm tiếp nhận có tên là DITC chữ tắt của Dépôt Isolé des Troupes Coloniales, phần lớn những nhân viên phục vụ tại đây là những quân nhân gốc Sénégal đen thui như cột nhà cháy, khiến chúng tôi hơi thất vọng, sau khi thi hành những thủ tục cần thiết, trong khi chờ đợi phương tiện di chuyển đi Maroc, chúng tôi được phân phối đến những khách sạn tư nhân trong thành phố Marseille.
    Sáng hôm sau, chúng tôi rủ nhau khám phá thành phố cảng nổi tiếng này, đại lộ Cannebière, với những người mặc đồ Ông Già Noel chào mời khách chụp ảnh lưu niệm, các thiếu nữ xinh như mộng tóc vàng mắt xanh của màu trời đứng bán hạt dẻ tây nướng và hot dog bên những lò than đỏ rực , mặt đường được lát bằng những viên đá chứ không tráng nhựa như bên nhà. Lẽ dĩ nhiên là chúng tôi phải tìm thưởng thức món bouillabaisse, một đặc sản của Marseille, thăm bến cảng quai des Belges, nhìn ngắm lâu đài Château d'If khi nước triều dâng như đã được đọc trong chuyện bá tước Kích Tôn Sơn, và nhất là khi màn đêm buông xuống, các ngõ ngách bên hông những đại lộ đầy rẫy những "em" đủ các cỡ chào đón khách hảo ngọt bằng những tiếng gọi đặc biệt "xuỵt xuỵt". Trong lúc dạo phố tình cờ chúng tôi lại gặp Phạm long Sửu, Nguyễn văn Ngọc đang học tại trường Sĩ quan Không quân Pháp Salon de Provence, bên hè phố thỉnh thoảng lại thấy những Tây Ðầm đang gò người đánh giầy cho những khách hàng ngự trên những chiếc ghế bành, phần lớn họ là những quân nhân mới giải ngũ chưa kiếm được việc làm, một số mới từ Việt Nam về nên có vẻ ngượng ngùng khi được biết chúng tôi là những sĩ quan được tuyển đi du học, có lẽ để giữ thể diện họ yêu cầu chúng tôi đừng chụp hình, những tự ti mặc cảm trong tôi tan biến khi được giao tiếp với những người dân bình thường bên chính quốc, vào một tiệm giày, một cô bán hàng dẫn đi coi đủ loại, mời ngồi cởi dây giầy và quỳ xuống ướm thử từng chiếc giầy, mời mọc khéo léo khiến khách hàng khó mà từ chối không mua., mỗi câu nói đều băt đầu bằng chữ "thưa Ông" ngọt xớt. Chúng tôi rời Marseille trên chiếc tầu biển Ville de Tunis , sau một ngày một đêm trên biển Ðịa trung hải tàu cập bến Oran của xứ Algérie.
    Thành phố Oran không sầm uất lắm, điều làm tôi ngạc nhiên nhiều nhất là sự phân biệt nam nữ rất là rõ ràng, tại rạp chiếu bóng có những buổi dành riêng cho phụ nữ và các người này luôn bịt kín mặt chỉ hở đôi mắt mà thôi, người dân ai cũng nói được tiếng Pháp nhất là những người lớn tuổi tỏ ra rất quý trọng chúng tôi và luôn nhắc đến Việt Nam là tấm gương cho đất nước họ.
    Hôm sau chúng tôi ra ga đáp xe lửa đi Fès bên xứ Maroc để kịp nhập khóa học Vô tuyến du hành khai giảng vào đầu năm 1955. Phong cảnh miền Bắc Phi với những ngọn đồi trồng cây ô-liu và cánh đồng nho thẳng tắp khô ráo khác hẳn những ruộng lúa ẩm ướt thường thấy bên nhà, thỉnh thoảng có những chàng chăn cừu, chăn dắt từng đàn cừu trên những đồi cỏ xanh mướt đẹp như những bức tranh trong Thánh Kinh, qua thị trấn biên giới Oujda trời đã tối, đến khuya tầu mới đến ga Fes, dưới ánh đèn vàng lù mù của sân ga vắng vẻ, chúng tôi bỗng nghe tiếng hỏi với âm điệu miền Trung vọng lên:"có những sĩ quan Việt Nam trên tầu không?", chúng tôi vui mừng đúng như câu "tha hương ngộ cố tri", đó là Tr/úy Nguyễn nhân Hậu được nhà trường cử ra đón chúng tôi.

    Căn cứ BET 724, chữ viết tắt của Base École Transmission, nằm sát ngay thành phố Fès, tương tự như TSN với Saigon, trên một ngọn đồi thấp., xa xa là dãy núi Atlas trên đỉnh luôn phủ tuyết trắng xóa và sau đó là sa mạc Sahara với những biển cát mênh mông. Phái đoàn chúng tôi gồm:
    - Tr/úy Nguyễn văn Denis (trưởng đoàn)
    - Tr/úy Vũ bình Phương
    - Th/úy Lê văn Các tự Tích
    - Th/úy Ðinh thế Truyền
    - Th/úy Nguyễn hữu Khánh
    - Th/úy Ðặng văn Hậu
    - Th/úy Nguyễn ngọc Minh
    - Th/úy Nguyễn Mỹ
    - Th/úy Nguyễn Anh Ven
    Chỉ huy trưởng căn cứ là Th/tá Martin, phụ trách huấn luyện có các Ð/úy Garbay, Ð/úy Wetzel, và các hạ sĩ quan huấn luyện viên, lớp tôi do Thượng sĩ Bonnet hướng dẫn, chúng tôi được phân phối hai người một phòng tại cư xá HSQ độc thân ở xát ngay cửa ra vào căn cứ. Căn cứ này chuyên về huấn luyện cho các hạ sĩ quan nên không có nơi dành riêng cho các sĩ quan học viên, chúng tôi ở chung với các huấn luyện viên của nhà trường, các sĩ quan VN có riêng một phòng ăn ngay bên cạnh phòng ăn của các sĩ quan Pháp. Ở đây chúng tôi được biết đã có một số bạn đã tốt nghiệp như các Tr/úy Trần tam Tiệp, Nguyễn văn Ðẹp, Nguyễn chí Trãi, Trịnh hoàng Mô, Phan văn Minh..., riêng Tr/úy Võ xuân Anh được giữ lại làm huấn luyện viên, và một số bạn khác đang theo học và sắp mãn khóa như Lê Hồng, Nguyễn gia Tiến, Luận, Thắng, Sĩ, Huề, Ðồng..., Nguyễn đình Ðồng( tử nạn tại Quảng Ngãi trong lúc phi cơ trục trăc máy khi cất cánh), nhập học được vài bữa thì chúng tôi được chỉ thị ra sân ga tiễn đưa thi hài của Th/úy Châu( mất vì bị sưng phổi) về nước.
    Chương trình học 12 tháng gồm hai phần chính là địa huấn và phi huấn: phần địa huấn khoảng sáu tháng gồm các môn căn bản về điện và điện tử, quan trọng hơn cả là nghe và nhận tín hiệu Morse, thường thường các học viên hay bị loại về môn này, nhà trường có cho các học viên ở lại thêm hay tụt xuống một lớp để may ra những tiếng tạch tè khi qua lỗ tai có tự đông biến thành chữ hay số của các công điện hay không, nếu không qua được thì đành chuẩn bị lên đường về nước như các đội banh bị loại khi tranh giải quốc tế vậy.
    Ðể làm quen với các thủ tục vô tuyến, chúng tôi có những giờ thực tập trong các phòng cá nhân nhỏ hẹp có trang bị đủ máy thu và phát hiệu Marconi, chúng tôi gọi là giờ đi vào "box", thường thường giờ thực tập này hay trùng với giờ phát thanh bằng tiếng Việt của đài BBC nên lén nghe cho đỡ nhớ nhà.
    Sau khi qua phần địa huấn coi như chúng tôi đã đủ khả năng trở thành hiệu thính viên chuyên nghiệp về sử dụng tín hiệu Morse và thông thuộc các code Q và Z, các luật quốc tế về truyền tin, thì được lãnh bộ đồ bay, nón bay và thực tập trên loại phi cơ 3 động cơ Junker 52 còn có tên gọi là Toucan cổ lỗ thân và cánh làm bằng tôn uốn như loại ta thường dùng lợp nhà, tốc độ khoảng 150 km/giờ, cái Radio Compas trên chiếc JU.52 to bằng cái thau rửa mặt để ngay trên sàn phi cơ giữa pilot và co-pilot để hai người cùng thấy, đó là loại máy EZ6 còn Radio chúng tôi thực tập là loại có tên hiệu SARAM toàn là bóng đèn điện tử to bằng nắm tay, được gắn trên một cái kệ to như tủ sách, chúng tôi phải cố mà nghe cho được tiếng morse xen lẫn tiếng ồn kinh khủng của ba động cơ mà một cái thì ở ngay trước mặt, danh hiệu truyền tin của nhà trường là FKE9, khi đánh lên bằng ký hiệu Morse có những âm thanh đặc biệt mà không một ai đã thụ huấn tại đây có thể quên được, những bản báo cáo vị trí, tin tức khí tượng, tin tức hàng không thậm chí cả khi xuyên mây bằng các QDM để vào vòng phi đạo cũng phải dùng đến tín hiệu morse, thị trấn Sefrou được dùng làm điểm chuẩn khi chúng tôi bay làm vòng chờ, sau này có dịp sử dụng ADF, VOR và TACAN hoàn toàn tự động trên những loại phi cơ tối tân hơn, tôi cảm thấy thân thương những khó khăn của những bạn vô tuyến điều hành viên của thuở ban đầu, tuy vậy đây cũng là dịp chúng tôi được bay xa viếng thăm Rabat, Marrakech, nơi đây gặp một số các bạn đang học bay trên T6 như Trần đình Hòe, Ðinh thạch On..., tôi cũng có nhận được thơ thăm hỏi của Ð/úy Nguyễn ngọc Oánh đang xuyên huấn khóa huấn luyện viên hoa tiêu DMP (Division Moniteur Pilote) tại đây
    .
    Về lương bổng chúng tôi hưởng theo quy chế của quân đội Pháp khi xa mẫu quốc nên mỗi tháng lãnh hơn 100.000 quan (trị giá thời ấy 1 đồng bằng 17 quan) nên có một mức sống rất thoải mái, lúc ấy còn trẻ nên không biết để dành tiền,nên mua xe hơi, đi chơi cuối tuần, thăm thú các nơi, Tanger, Meknès, nơi những hoa tiêu khu trục đầu tiên của KQVN đang bay trên phản lực cơ T-33 T-Bird và Vampire, căn cứ Ben Guerir với những oanh tạc cơ chiến lược B-47 của KQ Hoa kỳ, những di tích của đế quốc la mã cổ tại Volubilis, tại thành phố cảng Casablanca, chúng tôi qua đêm tại khách sạn nổi tiếng Hotel de Lausanne, dùng cơm tại nhà hàng VN mang tên Nid d'hirondelle (tổ yến) do một quân nhân VN đi lính theo dạng ONS (Ouvrier Non Specialisé,lính thợ) từ thời đệ nhị thế chiến nay giải ngũ và đã lập gia đình tại đây nên nhận nơi đây là quê hương, chúng tôi có dịp hàn huyên kể chuyện quê nhà và thưởng thức chả giò, dưa chua v...v.., một cửa hàng tương tự tên là Le Mandarin chủ nhân có vợ là người Do thái tại Rabat, gần đây có bãi biển Fedala nổi tiếng, thỉnh thoảng dọc theo đường từng đoàn lạc đà lững thững di chuyển đến nhưng khu chợ trời nơi những làng mạc xa xôi, đôi khi gặp một vài người dân trước là quân nhân giải ngũ khi biết chúng tôi là người Việt đã vui vẻ gọi chúng tôi là "Anh Hai" và rất hiếu khách cố mời chúng tôi vào thăm làng của họ là những khu nhà ở đục trong núi đá như thời tiền sử, nhìn chung họ rất nghèo như mọi người dân thuộc địa vậy, nhưng họ có vẻ hãnh diện khi giới thiệu chúng tôi với bà con lối xóm, chúng tôi từ Saigon một đất nước quá xa lạ mà họ đã có dịp đặt chân tới trong đoàn quân viễn chinh Pháp.
    Các thành phố lớn thường chia làm hai khu: Ville Nouvelle , là khu hành chánh, thương mại với những siêu thị Monoprix, các rạp chiếu bóng và khu Medina bao quanh bởi những tường thành, nơi ở tập trung của dân bản xứ, theo y phục cổ truyền đàn ông cũng như đàn bà đều mặc áo choàng gọi là djellaba, đàn bà mang khăn choàng kín mặt chỉ hở đôi mắt đen láy, nhiều người Do thái sinh cư lập nghiệp tại đây họ chung sống hòa bình với người Maroc nhưng phần lớn họ chi phối nền kinh tế bản xứ như các chú Ba Tầu bên ta vậy. Thành phố nào cũng có pho tượng của Thống chế Lyautey, chễm trệ trên mình ngựa, người toàn quyền đầu tiên của Pháp tại Maroc, hay là con đường mang tên Poeymirau, nhà vua được gọi là Sultan có những cung điện lộng lẫy ở mỗi thành phố lớn, khi ấy Mohamet V đang trị vì, có vị hoàng tử là Hassan và công chúa tên Yasmina, tôi còn nhớ lõm bõm vài tiếng Maroc khi gặp nhau chào hỏi "slama li khum", "oa-lu" là không, "la" là có, "tu-bíp" là bác sĩ...
    Ðặc biệt vào ngày quốc khánh của Pháp, các sĩ quan VN được mời ngồi trên khán đài dành cho quan khách , trong khi các thầy và các khóa sinh xếp hàng diễn hành đi qua, chúng tôi khoan khoái nhìn tên Trung sĩ Dupeyron hỗn láo đã từng phục vụ trong quân đội viễn chinh Pháp, hắn rất coi thường các sĩ quan VN, phải giơ tay chào khi dẫn đoàn khóa sinh đi qua chỗ chúng tôi ngồi, buổi tối chúng tôi mặc đại bạch phục dự dạ vũ tại Câu lạc bộ sĩ quan .
    Ngoài ra, chúng tôi cũng được vị tùy viên quân lực là Th/tá Quách Xến từ Paris đến thăm viếng và khóa học có thêm hai sĩ quan của Không lực Hoàng Gia Cao Mên là các Th/úy Ruos Saphon và Nouth Cheng, trở lại vấn đề huấn luyện trong phần phi huấn tôi nhận thấy vai trò của một người Vô tuyến du hành trong một phi hành đoàn không thích hợp với riêng tôi, ngoại trừ phần điện tử là môn học tôi rất ưa thích, nhưng để thỏa tính tò mò tôi vẫn đeo đẵng tới phút chót và tôi đã nhất quyết không trở thành người vô tuyến du hành.
    Những nguời Pháp tại đây còn mang nặng tính thực dân, có một hôm chủ nhật, tôi cùng một anh bạn mặc complet cravate đàng hoàng đi dạo phố, gặp hai bố con một anh Tây tôi thoáng nghe thằng con hỏi ông bố:
    - Ceux sont des Nha que?. Tôi thấy thằng bố phải xuỵt xuỵt thằng con, phần chúng tôi thì đưa mắt nhìn nhau.

    Khoảng tháng ba năm 1956, tôi rời xứ Maroc với bao kỷ niệm về tình cảm, người bạn gái thơ ngây Irène Merguy, cô em Rachelle, cậu em Haim và gia đình đã đón nhận tôi như người thân, nàng "công chúa" Melika trong khu Medina bập bẹ biết nói bậy vài câu tiếng Việt, chị Yến vợ của Ð/úy Bertet , một sĩ quan bộ binh của quân đội Pháp, thường mời chúng tôi lại nhà làm cơm ăn...
    Ðáp xe lửa đi Rabat, lên phi cơ Nord 2100 , bay qua Ðịa trung hải, đáp tại phi trường Istres đổ xăng, tuyết rơi mù mịt, càng bay về phía Bắc trời càng lạnh, có lúc cánh phi cơ đóng băng phải sử dụng hệ thống phá băng, các mảnh đá băng văng ra đập vào thân phi cơ rầm rầm, rồi tới Paris Le Bourget., trình diện Quân vụ thị trấn tại Porte Clignancourt, chờ ngày hồi hương, thế là lại có dịp thăm kinh đô Ánh Sáng, tháp Eiffel, lâu đài Versailles, điện Louvres, qua khu La tinh thăm gặp vài anh bạn sinh viên, khu chợ Halles...

    Chiếc phi cơ Constellation của hãng hàng không Air France đưa chúng tôi về quê hương qua Cairo Ai cập, Karachi và tôi ngỡ ngàng trước những đổi thay trong KQ, cấp bậc không còn là những vạch vàng mang trên vai, và khó phân biệt lon của một sĩ quan cấp úy và cấp tá, Phòng Không Quân không còn nằm chung với Bộ Tổng Tham Mưu trên dường Trần hưng Ðạo mà có một Bộ Tư Lệnh riêng tọa lạc trong một biệt thự tại một góc đường Trần Quý Cáp..
    Sau 15 ngày nghỉ phép, tôi trở lại Phi đoàn 1 Quan Sát lúc này do Ðại-úy Trần Phước là Chỉ huy Trưởng và Ð/úy Nguyễn hữu Tần Chỉ huy Phó, Tr/úy Nguyễn quang Toại Trưởng phòng Hành quân, những phi cơ Morane cũ kỹ đã được thay thế bằng loại Cessna L19 xinh xắn dễ thương, tôi được gặp lại các bạn đồng đội cũ và quen biết thêm một số bạn mới tốt nghiệp từ Marrakech, Avord về như Trịnh tùy Gia, Nguyễn văn Trang , Bếp Phước, Long Rùa, Phúc Philippe...
    Rồi thời gian cứ từ từ trôi, tôi bận rộn với những nhiệm vụ mới, biệt phái hành quân trên khắp miền đất nước, đôi khi nhìn thấy hình ảnh một chú lạc đà trong một cuốn phim hay trên tờ báo ảnh, tôi lại nhớ đến xứ Maroc, những khu medina, món cơm couscous, những ly trà nóng pha đường có lẫn vài nhánh lá bạc hà, những thiếu nữ tha thướt trong những bộ djellaba màu xám kín mít chỉ lộ đôi mắt đen láy, thành phố Meknès với những hàng cây cam đầy quả trồng hai bên lề đường, và bàng bạc sau đó là bóng dáng xinh đẹp của Irene người em gái xứ Israel, nàng đặt tên tôi là Jacques; khi Jacques hỏi Irène tại sao Irène lại yêu một người hoàn toàn xa lạ mà đoạn kết của mối tình đẹp sẽ rất là bi đát vì chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa, Irène ngước đôi mắt màu nâu nhạt vô tư nhìn thẳng vào Jacques thì thầm :
    " Ceux qui se ressemblent, s'assemblent"


    Virginia vào thu 1999
    Ðằng Vân


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X