Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phượng Hoàng Đen

Collapse
X

Phượng Hoàng Đen

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phượng Hoàng Đen


    PHƯỢNG HOÀNG ĐEN

    Xám Một


    LTS: Người Không Quân Biên Hòa ai cũng hơn một lần đi trên con đường Phạm Phú Quốc, ghé qua các khu gia binh Huỳnh Hữu Bạc, Mạc Kỉnh Dung, lui tới các khu cư xá Lưu Văn Đức, Trần Duy Kỷ..., nhưng không phải ai cũng biết rõ, cũng được nghe kể về những người hùng, những tài danh khu trục này.

    Đại Úy Lưu Văn Đức Chỉ Huy Trưởng Đệ Nhất Phi Đoàn Khu Trục - tiền thân của Phi Đoàn 514 Phượng Hoàng - hy sinh khi mới 26 tuổi đời, vào ngày 22 tháng 11 năm 1960. Bốn mươi mốt năm sau, Xám Một - cựu đồng đội và bạn thân của người đã khuất - viết bài này như một nén hương lòng tưởng nhớ.

    Qua đó, bên cạnh hình ảnh một Lưu Văn Đức, còn ẩn hiện bóng dáng những chàng trai trẻ sau này trở thành những đàn anh nổi tiếng trong quân chủng, mà nay đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ - như Phạm Phú Quốc - hoặc phải gửi nắm xương tàn nơi xứ người - như Nguyễn Ngọc Loan.

    Bài viết về một người mà như viết về nhiều người..., rất nhiều người. Những người đã sống hào hoa, đã chết anh dũng. Những người đã góp phần xây dựng quân chủng vào một thuở xa xưa. Xa thật xa, nhưng vẫn thấy thật gần. Xưa thật xưa, nhưng không bao giờ bị quên lãng.

    Chân thành cám ơn Niên trưởng "Xám Một" và trân trọng giới thiệu bài viết với quý chiến hữu và độc giả bốn phương. Lý Tưởng Úc châu.




    Ngồi buồn nhớ bạn. Cuộc đời bay bổng của chúng ta, tuy ngắn tuy dài, ai cũng giữ một vài kỷ niệm đau thương về những cánh chim đã sớm bay vút lên trời. Tuy không được biết mặt các anh như Huỳnh Hữu Bạc, anh Xuân. Tuy chỉ còn nhớ lờ mờ hình bóng các anh như anh Thông. Nhưng còn rất nhiều người trong nhóm anh Phạm Phú Quốc, anh Nguyễn Thế Long, chúng tôi cũng đã từng nếm mùi xăng của chiếc F-8F Bearcat, và chia nhau những ồn ào tươi trẻ của các ván bài belote, các trận bóng chuyền, và thi bắn colt ngày Thứ Bảy để uống bia của Đệ Nhất Phi Đoàn Khu Trục và Trinh Sát.

    Trong nếp sống đơn sơ nghèo nàn của một đơn vị khu trục đầu tiên, chim đầu đàn của chúng tôi, anh Huỳnh Hữu Hiền với danh hiệu "Phượng Hoàng Đỏ", một người anh vừa nghiêm khắc vừa bao dung, với tình đồng đội hiếm thấy thời bấy giờ, đã tạo cho chúng tôi một nếp sống vừa trẻ trung vừa đoàn kết. Kẻ thù lúc đó chưa phải là Việt Cộng mà là con ngựa bất kham Bearcat. Kinh nghiệm còn ít, về kỹ thuật cũng như về chiến thuật, nên số người ra đi vì tai nạn quá cao, có thể lên đến 10% mỗi năm. Tổng số chúng tôi chưa đến 30 người, mà năm lẻ thì mất một hoặc ba, năm chẳn thì hai hoặc bốn người. Chiếc máy bay sơn màu đen như con quạ, nó tiếp tục gieo rắc tang thương khi còn đó. Anh Nguyễn Tấn Sĩ, anh Mạc Kỉnh Dung, anh Trần Duy Kỷ, họ ra đi để lại nhiều đau khổ cho gia đình. Các anh không làm sao hơn được mà phải chấp nhận chia nhau cái đau khổ. Mỗi lần sắp xếp lệnh bay, anh này bảo "tao không khỏe", anh kia bảo có việc cần, thi nhau tìm lối thoát. Các anh Phi đội Trưởng như Dương Thiệu Hùng, Hà Xuân Vịnh, các anh Phi tuần Phó như Lưu Văn Đức, Phạm Phú Quốc, Nguyễn Thế Long, những người hiếm hoi đó họ đã nghĩ gì khi bay mà không có phi tuần viên theo mình. Họ đã rủ nhau bày mưu tính kế "đập cho hết" các con quạ đen này. Họ hạ cánh ép buộc lung tung, biểu diễn trên các sân cỏ, đồng ruộng, rồi như anh Nguyễn Thế Long đáp xuống sông Sài Gòn. Có lần thì còn đem được cái mạng về, nhưng cũng có lần thì bỏ mạng theo quạ. Có người đưa ra ý kiến, biến quạ đen thành quạ trắng, nên các anh kỹ thuật lại cạo hết sơn đen như cởi đi bộ áo đen của quạ. Nhưng đây đâu phải hên xui mà màu này màu nọ, vì thật sự máy bay đã rệu quá rồi. Người mà tôi tiếc đã chết sớm vì con quạ này, chính là "Phượng Hoàng Đen" Lưu Văn Đức.


    Lưu Văn Đức xuất thân từ một gia đình nghèo ở Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một. Anh sanh ngày 17 tháng 6 năm 1934. Học hành rất giỏi, đã từng nhảy lớp ở trường Chasseloup Laubat, một trường trung học theo chương trình Pháp, ai có khả năng cũng được vào và cho học bổng nếu xuất sắc khi thi tuyển. Nghĩa là vào năm 1953, anh vừa lên 19 tuổi mà đã đậu tú tài toàn phần Pháp, ban toán. Anh thi tuyển vào trường Võ Bị Không Quân Pháp, Ecole de l'Air, tại thành phố Salon de Provence, trường võ bị này là một trong bốn trường mà Tây gọi là "Grandes Ecoles Militaires". Đó là:

    - Ecole Polytechnique
    - Ecole Navale de Brest
    - Ecole de l'Air
    - Saint Cys.

    Trong các buổi diễn hành tại Paris vào dịp lễ Độc Lập của Pháp (14 Juillet), chỉ có bốn quân trường này được gửi khóa sinh tham dự. Trong các lễ quốc táng, như tổng thống qua đời chẳng hạn, thì các trường này gửi khóa sinh tới hầu quan tài cho quốc trưởng.


    Tuy tiêu chuẩn tuyển mộ ở Việt Nam không bằng ở Pháp, vì muốn thi tuyển vào, thí sinh (ở Pháp) phải học thêm hai năm dự bị sau khi thi đậu tú tài, còn Việt Nam ta thì cứ vào thẳng với bằng tú tài mà thôi. Một biệt lệ là anh Nguyễn Xuân Vinh chỉ còn một chứng chỉ nữa thôi đã có Cử Nhơn Khoa Học.

    Nhưng anh Đức thì đã tạo thành tích ngay năm đầu, như anh Trịnh Hoành Mô, đều là những người bỏ xa Tây dù với vốn liếng căn bản thua Tây hai năm học. Năm đầu học nhiều lý thuyết. Năm sau cũng tiếp tục áp dụng lý thuyết vào những ngành thực tiển hơn, và ôn lại lý thuyết căn bản khi vào chương trình bay căn bản như tại Marrakech.

    Trong thời gian này chúng tôi chia sẻ với nhau thú vui chơi môtô. Đức kẹt tiền vì phải gửi về cho gia đình, nhưng thích quá, không làm sao một mình mua chiếc môtô hiệu Triumph 500cc (Tiger), kiểu môtô mà cảnh sát VNCH đã sử dụng trước năm 1975 nhưng nhiều phân khối hơn (Super Tiger 650cc). Thành phố Salon là một thành phố nhỏ, chỉ có một dãy phố buôn bán hai bên đường quốc lộ Paris-Marseille. Chiếc Triumph của chúng tôi có thể tăng tốc nhanh, số 1 có thể chạy đến 80km/giờ. Một hôm, thằng bạn Pháp khoái quá, xin cho cởi một chút. Đức bảo nó "phải nắm chặt càng, nếu không là vuột mất tay lái". Nó cười, dể ngươi, vừa vào số vừa nhồi ga. Bổng nhiên bánh sau hổng khỏi mặt đất dù thắng Tây nặng gần 70kg, rồi khi bánh xe sau chạm đất lại thì thằng Tây rớt ngay xuống đất, còn chiếc môtô một mình phóng thẳng như một con ngựa bất kham...

    Chúng tôi thường đi weekend với con ngựa bất kham này. Hai đứa chúng tôi cộng lại chỉ được 110kg nên ngồi trên chiếc Triumph không vững lắm. Vào xa lộ Marseilles không giới hạn tốc độ, chúng tôi đã từng mất mắt kiếng khi quên ngó quay đầu sau lưng, vì gió thổi quá mạnh. có lần tôi chụp một tấm ảnh bằng máy Minox 8mm, chúng tôi chạy qua mặt một dãy bốn chiếc xe hơi ngang nhau ở tốc độ 150km/giờ, trong lúc theo tài liệu thì chiếc Tiger của chúng tôi chỉ chạy được 152km/giờ là tối đa. Cái sướng của tốc độ, chỉ có người thích thì mới thấy thú. Nhưng có lần chúng tôi đi đường miệt vuờn, giống như đường xá ở Việt Nam ta, Đức lái, tôi ngồi sau, gặp đến khúc quẹo 90º mà tốc độ còn 100km/giờ, Đức nhanh nhẹn trả số hai lần, quẹo qua được, thật là hú vía. Có lần Đức xuất viện mổ bứu ở sau đầu, còn mang băng trắng, chúng tôi lại đến lúc lên Ancelle để trượt tuyết vào Noel năm 1955, dọc đường, ai cũng nhìn hai thằng chệt điên, mặc đại lễ phục có gươm dáo chỉnh tề, ngồi trên môtô leo núi Alpes trong trời đông giá lạnh. Đức sang Mecknès trước tôi sáu tháng và đã đem chiếc Triumph qua đó trước vì hắn muốn chạy xuyên Tây Ban Nha, nên tôi cứ để hắn đi. Sau này chúng tôi gặp nhau bên đó.


    Trong năm thứ nhì tại Salon, Đức cũng làm cho tôi nhiều lần hú vía, vì anh thích học nhảy dù, trong lúc môn này như môn lái tàu lượn (planeur) chỉ là tùy thích (facultatif) chứ không bắt buộc. Mỗi lần hắn nhảy là có chuyện, hoặc vướng trên dây điện, hoặc rớt trên nóc hangar, lần nào cũng xuống bệnh xá thăm hắn. Vì chúng tôi chỉ còn hai đứa với nhau trong nghiệp bay. Anh Nguyễn Ngọc Loan đã qua Marrakech học lái T-6 giống như chương trình chúng tôi học trên Sipa, nhưng anh Loan đã có cấp bậc Trung Úy nên không cần học nốt về quân sự, mà ở nhà dường như muốn anh Loan tốt nghiệp sớm để về nước nhận nhiệm vụ chỉ huy. Còn các anh Nguyễn Xuân Vinh, Hà Xuân Vịnh, Lê Đình Cao thì rời Salon đi Avord học lái phi cơ nhiều động cơ. Các anh khác như Nguyễn Văn Ngọc và Cung Thúc Cần thì bị loại bay nên sang trường CICAO (Centre d'Instruction de Controle d'Operations Aériennes), sau này về làm cho Trung Tâm Kiểm Soát Không Chiến (tiền thân của Bộ Chỉ Huy Hành Quân Không Quân sau này). Các anh Trịnh Hoành Mô, Vĩnh Đạt cũng bị loại bay, nên anh Đạt đi Avord, còn anh Mô được gìữ lại Salon để học ngành điều hành viên. Do đó, tôi rất phiền khi chỉ còn anh bạn duy nhất là Đức mà anh ấy lại bị này nọ mãi. Anh học giỏi, bay hay nổi tiếng trong lớp của anh, nhưng anh lại không bay bướm vì không có tiền dư để đi chơi. Có lần tôi gặp anh ôm một con đầm Pháp chẳng giống ai, tôi cự thì anh nói nhỏ "nó phá trinh tao đó".

    Chúng tôi gặp lại nhau ở Mecknès trong năm 1956. Tôi qua sau anh sáu tháng nên lúc tôi sang, anh Loan và Đức đã bay giai đoạn hai, là giai đoạn Vampire-V.

    Giai đoạn đầu, 60 giờ trên T-33 chỉ bay đôi với huấn luyện viên, vì Pháp tiết kiệm không để mất đi số T-33 ít ỏi cần cho các phi vụ vỡ lòng và phi cụ. Thường thì sau 8 phi vụ đầu trên T-33, khóa sinh được coi như là thả bay. Huấn luyện viên ngồi sau chỉ phòng khi bất trắc. Giai đoạn T-33 này, chúng tôi học căn bản về hợp đoàn, về không hành, về phi cụ và về các cách đánh không/không, không/địa.

    Pháp dạy căn bản về không/không là vòng đánh “virage relatif”. Khi đối diện với địch, dùng cao độ, cao hơn, thấp hơn, cùng chiều hay ngược chiều, lúc nào cũng phải biết xử trí kịp lúc. Khi hai phi cơ bay ngược chiều, tốc độ đôi bên cộng lại, không gian rộng lớn, sương mù khô (brume sèche) hay ướt (brume) làm giảm tầm nhìn rất nhiều. Mình hành động sớm hay trễ một chút đều hỏng cả. Ở giai đoạn cuối cùng của vòng bay là nhắm bắn bằng gun camera. Máy nhắm trên T-33 là loại fixe, không có gyro (con quay), còn trên Vampire thì gyro cho phép ta bắn chận trước bao nhiêu tùy kích thước máy bay địch. Qua giai đoạn Vampire-V (60 giờ bay) thì cũng giống như giai đoạn trên T-33. Vampire chỉ có một chỗ ngồi, cũng có tốc độ tương đương là Mach 0.8, ngồi lái thấp như ngồi trên A-37 sau này.


    Nhưng đánh nhau trên Vampire thì nhiều thú vị, và súng trang bị là bốn đại bác 20mm. Có lần chia hai phe quần thảo với nhau, mỗi bên 24 chiếc. Dog-fight kiểu này thì anh sau cùng mà bị nhắm bắn thì coi như thua. Và bạn có thể tưởng tượng hai con rắn trắng to vẫy đuôi trên trời, làm cái đuôi mới thật là khổ. Có lần phi diễn trên Vampire-V, tôi giữ chiếc số 14 của hợp đoàn bay theo hình số 4 là số của phi đoàn tôi, thật là nhảy múa từ đầu đến cuối, nhảy cao vài thước nên rất sợ đụng nhau. May thay, không việc gì, mà hình chụp từ dưới đất cho thấy số 14 của tôi cũng ở đúng vị trí.

    Tại Mecknès, Đức đã ghi một thành tích bay phi cụ trên “link trainer”, là làm một “patron NATO” kín mít. Huấn luyện viên in lại hình này và hay đưa cho các khóa sinh xem, trên hình có ký tên Đức.

    Trường Pháp đều do NATO kiểm soát tiêu chuẩn huấn luyện, nên hàng năm các huấn luyện viên NATO có ghé qua và bay thử với khóa sinh họ chọn Đức cũng như George Nguyễn Thanh Tòng là hai người được huấn luyện viên NATO thán phục, vì họ không chính xác bằng hai tên da vàng của ta về phi cụ. Cá nhân tôi cũng có thành tích trên “jet”. Đó là “phá” máy bay vì kéo nhiều G. Kỷ lục của tôi là 10G, trong khi sức chịu đựng của máy bay là 7.5G. Do đó tôi đã bị kiểm điểm nhiều lần. Tiện đây tôi mách với các bạn cách chịu nhiều G mà mình không bị mờ mắt (“voile noire” hay “black out”). Thịt bụng phải chắc. Hít đầy bụng và khi kéo bạn phải hét lên thật to. Các huấn luyện viên của tôi đều bị tôi KO. Ở trường tôi được xếp hạng nhì, sau một huấn luyện viên người Anh đã chết trên Vampire vì đã kéo tới 12G. Sau này, khi đi bay tác xạ súng đại bác 20mm, tôi mới biết anh huấn luyện viên của tôi đã bị anh huấn luyện viên người Anh đã nói ở trên tông phải, và như Lý Xích Hoài xé xác người ta, chiếc Vampire của anh ta bị tét làm hai, và tự nhiên anh ta rớt ra ngoài tòng teng dưới cây dù mà anh chưa khi nào giật dây. Sở dĩ tôi biết được chi tiết đó, vì thấy anh quá sợ khi tôi bay số 2 mà có đạn trong nòng. Anh làm “rolling take-off” từ khi gỡ chèn bánh trong sân đậu, chạy với tốc độ 60mph trên taxi-way và xin cất cánh ngay từ khi xin di chuyển. Phía sau còn ba chiếc khóa sinh chúng tôi, thằng nào chạy chậm thì thằng đó sẽ khó mà tập họp, vì liền sau khi cất cánh, lead đã quẹo rồi vì sợ chúng tôi tay chân chưa quen bóp phải cò súng khi vào chân đáp. Loan và Đức tốt nghiệp Mecknès vào tháng 6 năm 1956, còn tôi phải chờ đến tháng 12 năm 1956. Xong Mecknès, Loan và Đức về nước, còn tôi phải qua Kouribga học thêm trên F-6F để về nước vào cuối tháng 2 năm 1957.

    Về nước, điều làm tôi ngạc nhiên là anh Loan không bay cùng với Đức ở Đệ Nhất Phi Đoàn Khu Trục và Trinh Sát. Chúng tôi rất vui là lúc đó chúng tôi thuộc đơn vị Việt Nam, nhưng thật lòng mà nói, chúng tôi hết sức thất vọng. Đầu tiên là không còn bay “jet” nữa. Kế đó, tuy rằng sống với người Việt vẫn vui hơn sống trong quân đội Pháp, nhưng cái phức tạp không ngờ là trình độ, văn hóa, các hiểu biết về kỹ thuật, về nghề nghiệp quân sự quá khác biệt. Phải luôn luôn giữ ý tứ, nếu không bị người ta chọc quê là học trường lớn mà không biết gì, rồi người ta chơi trác là khốn nạn. Thật ra, chơi trác thì nhiều, chứ không ai chọc quê. Chúng tôi thường đi ăn đầu cá với nhau khi được thả bay trên Bearcat lần đầu...[1]

    Bay với phi đoàn được một năm, tôi thấy có nhiều người rời đơn vị này. Đức đã là Trưởng phòng Hành Quân, mỗi ngày xếp lệnh bay là việc khổ tâm cho anh ta. Anh nắm một nắm tên phi công, hỏi mầy bay, mầy...hay mầy... Ai cũng lắc đầu, thế là Đức nói “Không thằng nào bay, tao bay lấy giờ”. Trong lúc đó, 15 giờ bay một tháng là cao lắm, vì là thời bình, và mỗi phi xuất không đầy một giờ trên Bearcat, nhiều lắm là 1 giờ 15 phút. Tôi cố lắm một năm cũng chỉ được 200 giờ.

    Nhớ các phi vụ tập bay của Đệ Nhất Phi Đoàn Khu Trục, vui nhất là “intercept”. Chia làm ba phe. Một phe làm “plastron”, nghĩa là giả làm oanh tạc cơ bay với lộ trình nhất định, hồi đó là tam giác Thủ Dầu Một, Chứa Chan, Nhà Bè. Phi tuần này hai chiếc Bearcat. Một phe là hộ tống mấy chiếc “plastron”. Hộ tống gồm bốn chiếc Bearcat. Vai này, anh Phạm Phú Quốc “Phượng Hoàng Trắng” là tài nhất, ít ai đánh trúng được. Phe thứ ba là phe tấn công, gồm bốn Bearcat túc trực tại Trảng Bom. Khi các “plastron” báo vị trí ở các góc của tam giác nêu trên, như “vertical Thủ Dầu Một, hướng, cao độ...” thế là phe tấn công tính toán làm sao tìm cách đánh trên đoạn đường Thủ Dầu Một - Chứa Chan. Phải nhìn cho rõ địch ở đâu, cao thấp thế nào, lấy vị trí để đánh có lợi cho mình. Anh Phạm Long Sửu là người có cặp mắt thần, nhìn xa hơn ai hết. Chỉ bằng con ruồi trên kiếng máy bay thôi mà anh đã báo số lượng máy bay ngay tức khắc, mà không phải nói bừa. Đức là người intercept giỏi nhất, cái nào cũng thành công, dù cho anh Quốc đóng vai hộ tống đi nữa.

    Nói ai bay khu trục hay dở thật là khó, vì toàn bay trên phi cơ một chỗ ngồi. Nhưng có người dẫn phi tuần đánh hoài không trúng mục tiêu, một phi tuần không phải tuy bốn mà một, mà là mạnh ai nấy đánh, rời rạc, không bảo vệ nhau mà cũng không tập trung hỏa lực. Có người hãnh diện bay được một chiếc máy bay khu trục chỉ có một chỗ ngồi, bay lần đầu cũng là lần “solo” rồi. Nhưng trong nghề còn lắm điều phải học.. Anh Đức có biệt tài lái vững chắc. Trong lúc Khóa 58 sắp sửa ra trường, tôi có mời Đệ Nhất Phi Đoàn Khu Trục cho người ra biểu diễn tại Nha Trang. Nguyễn Thế Long và Lưu Văn Đức cùng ra. Nói về các hình bay lả lướt thì anh Long bay rất đẹp làm cho mọi người nhìn mãi không ngớt. Hết “loop” rồi lại “tonneau”, rồi “cuban eight” rồi “rétablissement”... Sau đó, Đức vừa cất cánh, chân đáp đang vào mà đã làm một “slow roll” trên phi đạo, cánh thăng bằng trở lại thì chân đáp cũng vào xong. Thật bất ngờ, làm người xem đứng timvà sau đó thở phào. Các anh còn nhớ Bob Hoover, phi công bay thử cho Northrop, biểu diễn chiếc F-86 Sabre là chiếc dễ điều khiển nhất trong các chiếc “jet” thời đó. Nhưng anh Đức cho ta thấy những gì Bob Hoover làm được, anh cũng làm được trên một chiếc mà thường được gọi là “cerceuil volant” hay “widow flyer”.

    Ngoài việc ra Nha Trang để “dụ” các tân sĩ quan vào ngành khu trục, anh còn nói nhỏ với tôi “Mày về giúp tao”. Xong Khóa 58 mà tôi cố tình xin chuyển ra Nha Trang để làm một cái gì cho anh bạn thân Trần Duy Kỷ của tôi. Và tôi đã thành công khi hài lòng với kết quả khóa học này, và nhất là đặt tên cho khóa học 58 là Khóa Trần Duy Kỷ. Đức là vị Chỉ Huy Trưởng thứ ba của Đệ Nhất Phi Đoàn Khu Trục, sau hai anh Huỳnh Hữu Hiền và Hà Xuân Vịnh. Những người khác tuy có giữ chức vụ Xử lý Thường vụ, nhưng chỉ huy tạm thời mà thôi. Thẳng thắn, nhanh nhẹn, dứt khoát là những đức tính đặc biệt hiếm thấy ở người khác. Nói là làm, hứa là thật, kể cả đi chơi ngoài phố. Về lại Đệ Nhất Phi Đoàn Khu Trục, tìm lại bạn bè cũ nay lại ít đi, lại nếm mùi canh gác quan tài, buồn buồn tủi tủi... Đức gửi tôi theo cùng toán đầu tiên sang Mỹ học lái AD-6 Skyraider, nó nhanh một chút giống như mình đã bay F-86 vậy.
    Trong toán này có Phạm Phú Quốc, Nguyễn Quang Huy, Tô Minh Chánh, Nguyễn Ngọc Biện, Nguyễn Văn Long (Long Con). Về nước, chúng tôi rất nhiều việc làm. Nào là huấn luyện khu trục cho các anh từ khóa Trần Duy Kỷ được bổ xung cho phi doàn trên máy bay T-6. Nào là thử và tiếp nhận máy bay AD-6 vừa được chở tới. Đức giao cho tôi phụ trách về loại máy bay mới này, còn việc hành quân thường trên F-8F Bearcat thì để Đức lo, không cho tôi bay loại F-8F Bearcat nữa.

    Chỉ vài tháng sau khi tiếp nhận AD-6 mà anh cũng bay qua cho biết, Đức đã bị tai nạn trong khu vực Đức Hòa, trên một vùng nước ngập mênh mông, vào ngày 22 tháng 11 năm 1960. Chiếc F-8F của anh bị gẩy cánh bên phải khi anh kéo hơi nhiều G, theo lời tường thuật của anh Nguyễn Văn Long, phi tuần viên ngày hôm đó. Không Quân của chúng ta đã can thiệp cho hai tiểu đoàn Dù nhảy xuống địa điểm để lấy xác Đức trong mấy ngày trời. Nhìn cảnh anh lính Dù bị ngập nước tới cổ, ăn thì chỉ vớt bánh mì thả xuống đó mà bỏ vào miệng. Thật khổ cho họ.[2]

    Lúc đó, các anh như Huỳnh Minh Đường, Nguyễn Hữu Hoài, và anh Nguyễn Văn Lê vừa tốt nghiệp khóa T-33 ở Mỹ về. Anh Nguyễn Đức Khánh còn là Chuẩn Úy. Các anh lớn như Huỳnh Hữu Hiền, Hà Xuân Vịnh, Phạm Long Sửu, Vũ Thượng Văn đã về Bộ Tư Lệnh Không Quân. Các anh Nguyễn Kim Khánh, và Dương Thiệu Hùng đã ra Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân. Những cánh chim tuy đã rời đơn vị, ai cũng tiếc thương anh Đức, một người đầy nhiệt huyềt, hăng say trong công tác nhưng luôn luôn lo lắng cho mọi người. Tiếc là anh không nghĩ nhiều đến anh, đến cha mẹ vẫn còn sống rất chật vật ở Lái Thiêu. Anh ra đi, chỉ để lại trong căn phòng nhỏ bé của anh trong cư xá sĩ quan Biên Hòa những thứ vặt vạnh như nồi niêu soong chảo mới, mà anh dự trù một ngày rất gần anh sẽ cưới vợ. Ngày làm lễ mai táng cho anh, dường như có một chị đã đến nhà làm nhiệm vụ cô dâu chưa bao giờ cưới.

    Nhớ đến Đức, có nhiều kỷ niệm không kể hết. Tôi chỉ còn nhớ một người bạn trung thành, một sĩ quan hăng say, vô tư, biết nổi khổ của nhân viên kỹ thuật. Có lần từ Đà Nẵng, anh Hội, một chuyên viên kỹ thuật sành nghề đã sửa chữa một chiếc Bearcat mà thiếu phụ tùng, nên gắn đỡ chong chóng để Đức liều mạng bay về Biên Hòa, để anh em kỹ thuật sớm rời Đà Nẵng trở về đơn vị gốc. Trời xấu, Đức phải lái chiếc F-8F trong tình trạng không hoàn hảo đó ở cao độ 500 bộ, bay dọc bờ biển từ Đà Nẵng về tới Biên Hòa bình yên. Chắc các anh còn sống, như anh Dương Xuân Nhơn, anh Bồ Đại Kỳ, anh Phạm Đàm Liệu và các anh chuyên viên như anh Thiệu chẳng hạn, ai cũng còn nhớ rõ Đức trước kia như thế nào. Ai cũng nghĩ, nếu Đức còn sống thì Không Quân đã có thêm một nhân tài trong nghiệp bay của chúng ta. Nay vào tháng 11 năm 2001, 41 năm sau ngày Đức chết, tôi viết bài này để tưởng niệm một người bạn cũ, một cánh chim Phượng Hoàng đã sớm lìa cỏi đời, công chưa thành, danh chưa toại chỉ để lại tiếc thương.

    Xám Một


    (nguồn: Đặc san Lý Tưởng – Úc Châu)

    Chú thích của tòa soạn:

    [1] Giữa thập niên 50, Không Quân Pháp không còn sử dụng các loại phi cơ cánh quạt trong việc huấn luyện để đào tạo phi công khu trục nữa. Vì thế các sĩ quan Việt Nam sang pháp học bay khu trục, đều học trên phản lực Vampire-V (của Pháp) và T-33 (của Mỹ).

    Khi tốt nghiệp trở về nước, phải bay trên những phi cơ cánh quạt F-8F Bearcat cổ lỗ sĩ (có từ thời Đệ Nhị Thế Chiến, Mỹ “phế thải” cho Pháp, Pháp “bàn giao” lại cho Việt Nam) người nào cũng bị thất vọng.

    [2] Tai nạn gây ra cái chết của Đại Úy Lưu Văn Đức đã được tác giả Robert Mikesh ghi lại một cách khá chi tiết trong cuốn Flying Dragons – The South Vietnamese Air Force.

    Ở trang 28, sau khi mô tả khả năng và sự hữu hiệu của F-8F trong các phi vụ tấn công các căn cứ Việt Cộng tác giả đã viết:

    Tuy nhiên, vào cuối năm 1960, một tai nạn khủng khiếp xảy ra đã khiến mọi người không còn tin tưởng vào F-8F nữa. Họ cho rằng khung phòng của nó đã quá cũ, thiếu an toàn và vì thế khả năng hoạt đông cũng bị hạn chế. Tai nạn nói trên đã cướp đi sinh mạng của Đại Úy Lưu Văn Đức, một Phi Đoàn Trưởng được mọi người nể phục.

    Ngày hôm ấy, Đại Úy Đức chỉ huy một phi tuần gồm bốn chiếc F-8F tấn công vị trí địch theo phương pháp đã mô tả ở trên. Khi ông khai hỏa đại bác 20mm vào mục tiêu trước khi cắm xuống (để thả bom napalm), súng bị trục trặc, không tác xạ... Rồi ngay sau khi trái bom rời khỏi phi cơ, cánh bên phải của phi cơ bị gãy lìa. Phi cơ lập úp đâm xuống mục tiêu. Đại Úy Đức tử nạn.

    Các viên chức điều tra của KQVN đã đưa ra hai nguyên nhân có thể dẫn đưa đến tai nạn này:

    -Một là khung phòng bị gãy vì phi cơ đã quá cũ.
    - Hai là đại bác 20mm bị kẹt đạn và phát nổ, đưa tới việc cánh phi cơ bị gãy

    Một số người khác thì tin rằng phi cơ của Đại Úy Đức đã bị hỏa tiễn của địch từ dưới đất bắn trúng. Khi các quan sát viên tới nơi sau trận chiến, họ đã tìm thấy một thân người cháy đen trong tay ôm một khẩu súng phóng hỏa tiễn (bazooka rocket launcher).

    Tuy nhiên, về sau các viên chức điều tra đã không có đủ dữ kiện để đi tới một kết luận chính xác về nguyên nhân của tai nạn.

    Last edited by Nguyen Huu Thien; 10-18-2018, 01:26 PM.

  • #2

    Tai nạn nói trên đã cướp đi sinh mạng của Đại Úy Lưu Văn Đức, một Phi Đoàn Trưởng được mọi người nể phục.

    Ngày hôm ấy, Đại Úy Đức chỉ huy một phi tuần gồm bốn chiếc F-8F tấn công vị trí địch theo phương pháp đã mô tả ở trên. Khi ông khai hỏa đại bác 20mm vào mục tiêu trước khi cắm xuống (để thả bom napalm), súng bị trục trặc, không tác xạ... Rồi ngay sau khi trái bom rời khỏi phi cơ, cánh bên phải của phi cơ bị gãy lìa. Phi cơ lập úp đâm xuống mục tiêu. Đại Úy Đức tử nạn.


    ***

    THH chân thành cám ơn anh Tn07 đã post PHƯỢNG HOÀNG ĐEN - Đại Úy Lưu Văn Đức Chỉ Huy Trưởng Đệ Nhất Phi Đoàn Khu Trục - tiền thân của Phi Đoàn 514 Phượng Hoàng - hy sinh khi mới 26 tuổi đời, vào ngày 22 tháng 11 năm 1960. Một bài viết rất hay và vô cùng tiếc thương, cảm động bùi ngùi...
    Last edited by Tinh Hoai Huong; 02-15-2014, 07:28 PM.
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X