Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phi đoàn 427 - c-7a caribou

Collapse
X

Phi đoàn 427 - c-7a caribou

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phi đoàn 427 - c-7a caribou


    PHI ĐOÀN 427 - C-7A CARIBOU
    Không Vận Chiến Thuật
    KQ Phạm Văn Cần



    Để chuẩn bị ký kết hiệp định Paris vào năm 1973, chính phủ Hoa Kỳ đẩy mạnh chương trình được gọi là Việt Nam Hóa bắt đầu từ năm 1969. Không Quân QLVNCH bắt đầu thay thế nhiều vai trò của KQ Hoa Kỳ. Không Quân QLVNCH trong thời gian này cũng xúc tiến thành lập nhiều phi đoàn mới để tiếp nhận những phi cơ do KQ Hoa Kỳ chuyển giao. Vào thời điểm năm 1971 một số phi công vận tải thuộc sư đoàn 5 KQ từ các Phi Đoàn 417, 415 được gửi đến các căn cứ Phan Rang, Cam Ranh trong một thời gian ngắn để bay chuyển tiếp và tiếp nhận các phi cơ C-7A Caribou thuộc các phi đoàn 459, 535 và 537 của Không Lực Hoa Kỳ.

    Tháng 3 năm 1972, Phi Đoàn Caribou đầu tiên của KQ Việt Nam, Phi Đoàn 427 được thành lập tại căn cứ KQ Phù Cát. Nhân sự trong ban chỉ huy gồm:

    Tr/Tá Phạm Văn Cần Phi Đoàn Trưởng
    Th/Tá Nguyễn Bá Đạm Phi Đoàn Phó
    Th/Tá Trần Văn Minh Trưởng Phòng Hành Quân
    Th/Tá Hà Văn Hoà Trưởng Phòng Huấn Luyện
    Th/Tá Nguyễn Văn Kim Trưởng Phòng An Phi

    Danh hiệu của Phi Đoàn là Thần Long. Huy hiệu Phi Đoàn là một vòng tròn nằm trên một hình tam giác cân đỉnh tam giác có số 427, đáy tam giác hình vòng cung có chữ 'THẦN LONG'. Trong hình tròn vẽ một con rồng phun lửa, một chiếc C-7A đang bay trên vùng đồi núi chập chùng, chính giữa là ba cánh dù. Huy hiệu được chọn ra trong nhiều mẫu dự thi. Người vẽ huy hiệu này là anh Tùng, anh được trúng giải thưởng là một số tiền mặt và hai tuần nghỉ phép. Các C-7A thuộc Phi Đoàn 427 tail code gồm hai chữ, chữ đầu luôn luôn là Y - (Yankee) còn chữ thứ hai theo thứ tự alphabet, ví dụ YA, YB, YC... Vì một lý do nào đó máy bay của Phi Đoàn 427 chỉ có số đuôi, quốc kỳ Việt Nam, còn ngoài ra không có sơn phù hiệu của KQ VNCH (ngôi sao trắng nền xanh, hai vạch vàng trong khung đỏ) như các phi đoàn khác, có lẽ vì phải tiếp nhận số lượng C-7A lớn trong một thời gian ngắn nên anh em kỷ thuật chưa kịp sơn? Vô tình đó lại là một cái độc nhất vô nhị trong Không Quân QLVNCH.

    Phi cơ C-7A do De Havilland của Canada sản xuất là loại máy bay có khả năng đáp và cất cánh ngắn trên sân đất sân cỏ. Chỉ cần một sân đáp dài cở 300m bằng một sân banh là Caribou có thể xuống. C-7A là loại phi cơ vận tải mới nhất (tính theo năm chế tạo) được giao cho Không Quân QLVNCH. Caribou có trọng lượng hơn 14 tấn, và trọng tải hơn 3 tấn. Phi cơ có thể chở 27 lính đầy đủ trang bị, nhưng trong những ngày cuối cùng di tản khỏi Đà Nẵng phi cơ đã chở gần gấp ba lần số quân nhân cùng súng ống cho phép trên giấy tờ, mà vẫn cất cánh và bay về tới Tân Sơn Nhất. Từ C-47 chuyển tiếp qua C-7A tôi có nhận xét là bay C-7A rất là nhẹ nhàng êm ái cảm tưởng như lái xe Mercedes đời mới! Hai Phi Đoàn C-7A của Không Quân QLVNCH tại Tân Sơn Nhất Sư Đoàn 5 KQ là PĐ429 tail code bắt đầu bằng chử G (Golf) danh hiệu SƠN LONG và PĐ431 tail code là P (Papa) danh hiệu PHƯƠNG LONG. Phi Đoàn Trưởng của 429 là Trung Tá Cung Thăng An và của PĐ431 là Trung Tá Nguyễn Viết Xương.

    Khối đặc trách vận tải Bộ Tư Lệnh Không Quân dự trù Phi Đoàn 427 sau khi thành lập xong sẽ chuyển về Sư Đoàn 5 KQ tại Tân Sơn Nhất. Hai Phi Đoàn thành lập kế tiếp là 431 và 429 một trong hai phi đoàn này sẽ chuyển ra Đà Nẵng. Sỡ dĩ sau này Phi Đoàn 427 đồn trú tại Đà Nẵng là do người viết bài này, Phi Đoàn Trưởng 427 xin được đem Phi Đoàn ra phục vụ tại Đà Nẵng. Tôi còn nhớ anh Trưởng Phòng Đặc Trách Vận Tải BTL/KQ có hỏi lại tôi: 'Anh suy nghĩ kỹ chưa ?' Tôi trả lời dứt khoát ' Tôi đã suy nghĩ thật kỹ rồi!'. Anh ấy hỏi lý do tại sao tôi lại xin ra vùng I trong khi tôi có thể chọn ở lại Sài Gòn tôi trả lời anh nửa đùa nửa thật: 'Ra ngoài Đà Nẵng tôi thấy thoải mái hơn, ở Tân Sơn Nhất tuy có tiện nghi hơn Vùng I, nhưng ở gần mặt trời nóng lắm anh à !'

    Tôi còn nhớ khi còn ở Phù Cát, Chỉ Huy Trưởng căn cứ là Đại Tá Nguyễn Hồng Tuyền đã dành rất nhiều ưu ái cho Phi Đoàn 427 tân lập của chúng tôi. Ông dành cho Phi Đoàn hẳn một cơ sở tốt sát phi đạo. Ông cũng cho chúng tôi những thiết bị văn phòng, và phương tiện di chuyển gồm 2 chiếc xe Dodge loại pickup và một chiếc xe Van còn mới dù biết rằng chúng tôi chỉ đồn trú tại căn cứ của ông một thời gian ngắn và sẽ đem những thiết bị này theo về Đà Nẵng. Đại Tá Tuyền thường xuyên thăm viếng, chăm sóc Phi Đoàn chúng tôi, thậm chí có lần ông đích thân cùng đi với tôi bay ra gặp Tư Lệnh Sư Đoàn 1, Chuẩn Tướng Nguyễn Đức Khánh. Đại Tá đã giới thiệu tôi với Tướng Khánh tại Đà Nẵng nơi mà chúng tôi sẽ đến phục vụ. Trên ba mươi năm rồi tôi vẫn còn nhớ sự lưu tâm đặc biệt đối với thuộc cấp của Đại Tá Tuyền. Nếu Đại Tá Tuyền có đọc những dòng này, thì xin ghi nhận nơi đây lòng chân thành cảm ơn của tôi.

    Sau khi cơ sở và nhân viên phi đoàn đã chuẩn bị xong, nhưng số phi cơ C-7A Không Quân Hoa Kỳ vẫn chưa giao đủ, cho nên sau đó chúng tôi lại vào Cam Ranh để nhận tiếp số còn lại đem về Phù Cát sát nhập vào Phi Đoàn. Ba anh em chúng tôi, Trung Tá Cung Thăng An, Trung Tá Nguyễn Viết Xương và tôi cùng các anh em hoa tiêu phụ, anh em cơ phi áp tải tôi không nhớ hết tên. Chúng tôi vào Cam Ranh làm inspection các phi cơ C-7A được bàn giao xong, và ký giấy nhận phi cơ. Khi bắt tay chào từ giã mộtTrung Tá KQ đại diện cho phía Hoa Kỳ chúng tôi cho ông biết là chúng tôi sẽ cất cánh bay hợp đoàn một lúc ba chiếc và sẽ làm low pass trên phi đạo rồi sẽ bay lên, như là một nghi thức từ giã và cảm ơn họ. Vị Trung Tá Hoa Kỳ này ngạc nhiên nói rằng: ' Tôi biết các anh chưa bay formation trên C-7A bao giờ !' . Trước đó chúng tôi đã thuyết trình với nhau trước về phương thức, trật tự lúc cất cánh và ráp lại với nhau. Chúng tôi sau đó giữ đội hình bay hợp đoàn ba chiếc, và làm low pass trên mặt phi đạo Cam Ranh. Trên mỗi phi cơ có 4 thợ máy Hoa Kỳ tháp tùng cùng với đồ nghề đem theo ra Phù Cát. Họ cằn nhằn với anh em cơ phi và áp tải, vì họ nghi ngờ khả năng của chúng tôi, lý do là họ biết chúng tôi chưa bay hợp đoàn trên C-7A bao giờ. Sau khi chúng tôi lấy cao độ và lấy hướng đi Nha Trang và Phù Cát các phi cơ vẫn giữ formation, sau khi bay qua Nha Trang tôi thử quay ra sao coi gương mặt của họ coi tròn méo thể nào, thì thấy ai cũng tươi tỉnh thích thú nhìn qua cửa sổ xem ba chiếc C-7A bay formation dính sát vào nhau. Sau khi đáp xuống Phù Cát họ đến bắt tay và khen ngợi anh em chúng tôi.


    Sau đó ít lâu Phi Đoàn 427 được lệnh di chuyển ra Đà Nẵng và đồn trú tại đây. Có dư luận trong Không Quân cho rằng, đơn vị nào mà 'bị' đổi ra vùng I vào lúc chiến sự sôi sục như vào năm năm 1972 thì chắc là bị 'đì', hay là bị 'lưu đày' vì vi phạm kỹ luật. Riêng Phi Đoàn 427, chúng tôi có thể nói mà không hổ thẹn rằng, thật sự chúng tôi đã xin tình nguyện đi phục vụ ở vùng hỏa tuyến mặc dầu tôi có thể chọn về Tân Sơn Nhất. Đến Đà Nẵng chúng tôi trình diện Không Đoàn Trưởng 41 Đại Tá Thái Bá Đệ và Không Đoàn Phó Trung Tá Nguyễn Văn Vượng là cấp chỉ huy trực tiếp của Phi Đoàn, kế đến chúng tôi lên trình diện Tư Lệnh Sư Đoàn I KQ Chuẩn Tướng Nguyễn Đức Khánh. Cảm tưởng của chúng tôi sau khi trình diện các cấp chỉ huy nói trên có thể nói là rất tốt đẹp. Các vị chỉ huy mới của tôi ai cũng rất niềm nỡ, ân cần đón tiếp chúng tôi, thật trái với lời đồn đãi tiêu cực, chúng tôi cảm thấy quyết định chọn Vùng I làm nơi phục vụ là thích hợp. Sau những năm tháng phục vụ ở đây tôi thấy Đà Nẵng dể thở thoải mái hợp với cá tính của tôi. Trong thời điểm Phi Đoàn mới thành lập, các hoa tiêu trong phi đoàn chúng tôi phần nhiều mới ra trường tại Hoa Kỳ, nay phải hoạt động tại một vùng địa thế hiểm trở xa lạ trong một môi trường đầy những đe doạ của phòng không Việt Cộng, làm sao để tránh những tổn thất cho Phi Đoàn là một câu hỏi rất lớn trong tâm trí của mỗi anh em chúng tôi. Chỉ có một giải đáp nếu chúng tôi muốn tồn tại là tích cực huấn luyện, nâng cao khả năng của phi hành đoàn làm quen với môi trường hoạt động mới khá hiểm trở này. Chúng tôi ngày đêm huấn luyện cất cánh, hạ cánh trên các phi đạo nằm trong các địa danh xa lạ như Nhơn Cơ, Gia Nghĩa, Hà Thanh, Ba tơ ... Các phi đạo này có chiều dài rất ngắn chỉ khoảng 300m. Mặt phi đạo là đất đỏ nện, và nằm cheo leo giữa hai triền núi. Những phi đạo như trên thường chỉ có một đường vô và một đường ra. Để tăng giờ huấn luyện chúng tôi kết hợp những phi vụ hành quân như tải thương tiếp tế với huấn luyện ngay trên các phi đạo ngắn đó. Mỗi C-7A hành quân đem theo hai hoa tiêu và sẽ thay phiên nhau đáp tại các phi đạo đất cực ngắn đó đến khi nào thật sự quen thuộc. Chúng tôi huấn luyện trên nhiều loại địa thế hiểm trở mục đích làm cho các anh em hoa tiêu khi hành quân thật sự, dưới áp lực của địch quân sẽ nhuần nhuyễn, không bối rối. Chúng tôi rất coi trọng việc huấn luyện cho anh em hoa tiêu trong Phi Đoàn, vì quan niệm rằng đây chính là sự sống còn của chính anh em và các binh sĩ, thứ nữa là để bảo vệ tài sản quí giá của quốc gia là các phi cơ đã ủy thác cho chúng tôi. Tôi rất vui và có một chút hãnh diện về Phi Đoàn 427, xin ghi lại là suốt những năm tháng phục vụ tại Vùng I và Vùng II chiến thuật, chúng tôi khi bay hành quân, có bị bắn, có bị pháo kích ngay trên phi đạo, nhưng không có máy bay nào bị crash gây tử vong do lỗi của phi công. Một phi công C-130 hiện nay ở Úc có một lần hỏi tôi: 'Anh Cần, sao hồi xưa anh huấn luyện anh em kỹ như vậy ?' Tôi đã trả lời anh ' Vì tôi thương anh em, không muốn anh em chết'. Viết tới đây tôi nhớ lại ngày tôi mãn khoá pilot ở Hoa Kỳ về, tôi được về bay ở Phi Đoàn 413. Ông thầy của tôi với hơn 10 ngàn giờ bay có thể nói người bay giỏi nhất trong Không Quân VN . Ông bay phi cụ (instrument) chính xác và dễ như là người ta để đồ vật trên bàn. Thầy giảng bài say sưa không nghỉ hai ba tiếng đồng hồ dưới cánh máy bay giửa trưa nắng quên cả cơm nước là chuyện thường. Anh Phan Văn Lộc (Thiếu Tá Lộc ' Thận') và tôi là học trò của thầy. Ông người vóc nhỏ con, dáng yếu đuối nhưng đầy nghị lực, hai mắt ông sáng, chúng tôi thường nói, nếu ông trời sinh ra ai chỉ để bay, thì người đó là ông. Thầy của tôi, Trung Tá Hạ Hầu Sinh, ông đã chết trong một trại cải tạo mà thực chất là một trại tù tại Bắc Việt. Tôi xin được nhắc đến ông với tất cả lòng kính trọng và biết ơn. Dầu cho sau này cấp bực của tôi có ngang với ông, nhưng đối với tôi ông mãi mãi là một bậc tiền bối của KQ/QLVNCH về khả năng và nhân cách. Những gì tôi huấn luyện cho anh em hoa tiêu trong Phi Đoàn 427 chỉ là một sự kế thừa tiếp nối của lòng nhiệt thành mà Trung Tá Hạ Hầu Sinh đã trao cho tôi.

    Hầu như hàng ngày chúng tôi phải thực hiện các phi vụ tiếp tế, tải thương vào những nơi hiểm hóc, khi vào chúng tôi phải luồn lách giửa hai sườn núi, bay dọc theo khe suối để đáp xuống các xuống sân bay nhỏ như lòng bàn tay của những tiền đồn heo hút cô đơn giửa núi rừng.

    Khi chúng tôi đáp xuống, những chiến sĩ Biệt Động Quân biên phòng chạy hẳn ra khỏi đồn mừng rỡ vì nhận được tiếp tế lương thực, thuốc men đạn dược và được tải thương, nhưng anh em mừng nhất là được tiếp xúc với người từ hậu phương đến. Tôi có hỏi anh em sắp có phép về thăm gia đình chưa? thì có anh buồn so cho biết là đã ba năm rồi chưa thấy mặt gia đình, anh em trong phi hành đoàn nhìn nhau đau lòng cho họ. Chúng tôi đau lòng nghĩ đến sự hy sinh của họ và không biết mai này tương lai của họ và gia đình sẽ ra sao, khi mà cuộc chiến này càng ngày càng khốc liệt. Anh trưởng đồn vừa nói chuyện vừa hối thúc y tá mau đem ba thương binh ra phi cơ. Các băng ca của các thương binh vừa đem ra phi cơ, thì có tiếng depart pháo của VC, anh hối thúc chúng tôi mau mau cất cánh, còn các anh thì chạy trở lại trong đồn. Phi cơ tăng ga di chuyển tới cuối phi đạo rồi quay đầu lại để cất cánh. Tiếng pháo rớt dài sau đuôi, hơi nén ép dội lên đuôi chiếc C-7A làm cho phi cơ tròng trành, mất thăng bằng, chúng tôi kéo máy bay lên khỏi mặt phi đạo, tiếp tục lấy cao độ vừa bay vừa tránh các cột khói lưng chừng núi. Chúng tôi quan niệm là VC pháo kích các mục tiêu di động rất khó trúng, khó hơn là trúng số. Anh em thường đùa, nếu dễ mà bị VC bắn trúng chắc là tụi mình trúng số lô độc đắc lâu rồi ! có lẽ vì quan niệm như vậy mà chúng tôi thản nhiên thi hành các phi vụ tiếp tế tại các tiền đồn xa xôi hẻo lánh, dầu có khi bị trúng đạn lủng phi cơ anh em khi về đáp tại phi đoàn cũng bình tỉnh coi như không có chuyện gì xảy ra. Chúng tôi thật sự cảm mến lòng dũng cảm hy sinh của anh em chiến sĩ QLVNCH ngày đêm trấn giử các tiền đồn nên dầu cho có phi vụ rất nguy hiểm vì hỏa lực nặng nề của địch nhưng chúng tôi chưa bao giờ từ chối một phi vụ nào mà Bộ Chỉ Huy Hành Quân yêu cầu. Mỗi khi hoàn thành được một phi vụ tiếp tế lòng chúng tôi rất thỏa nguyện vì ngoài những tiếp tế vật chất cho anh em, còn có yếu tố tinh thần mà chúng tôi biết rất quan trọng đối với những người xa gia đình trấn đóng ớ các tiền đồn. Khoảng tháng Ba 1974, Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I Ngô Quang Trưởng, bất ngờ cùng tùy tùng đi một đoàn xe vào thẳng phi trường Đà Nẵng và đến Phi Đoàn 427 lúc 13giờ30. Khi được báo là có Tướng Trưởng tới, tôi rất đổi ngạc nhiên vội chạy tới chào ông và bộ tham mưu đi theo ông. Ông vào Phi Đoàn và bảo tôi thuyết trình. Tôi thuyết trình cặn kẻ từng chi tiết về Phi Đoàn.

    Tướng Trưởng lắng nghe xong, rồi chậm rãi hỏi:

    'Ngày mai anh cho tôi 15 phi cơ, 15 phi hành đoàn sẵn sàng hành quân được không?'

    Tôi trả lời 'Thưa Trung Tướng 15 phi hành đoàn thì có sẵn sàng bây giờ, còn 15 phi cơ thì thuộc phần hành của kỹ thuật, xin Trung Tướng hỏi Không Đoàn Trưởng Kỹ Thuật Đại Tá Nguyễn Bỉnh Trứ... '. Đang khi trả lời thì Tướng Nguyễn Đức Khánh Tư Lệnh Sư Đoàn I KQ và bộ tham mưu Sư Đoàn I bước vào phòng họp. Tướng Trưởng nhắc lại câu hỏi trên, Đại Tá Trứ trả lời - 'Thưa, có đủ 15 chiếc Caribou cho cuộc hành quân ngày mai' . Theo tôi biết là anh em bên kỹ thuật phải làm việc thâu đêm đến sáng mới đủ 15 C-7A khả dụng. Sáng sớm hôm sau, từ Đà Nẵng, 15 chiếc C-7A ồ ạt cất cánh đi Đức Phổ tái chiếm lại nơi này. Chiếc phi cơ đầu tiên đáp xuống đổ quân và cất cánh an toàn. Phi cơ thứ hai do Thiếu Tá Phi Đoàn Phó 427 Nguyễn Bá Đạm lái, chiếc này bị trúng đạn VC gãy đuôi, hư máy Thiếu Tá Đạm ráng lết để đáp nhưng phi cơ bị rớt cách phi đạo khoảng 5 cây số. Tai nạn này làm cho Thiếu Tá Đạm và anh Tỵ Trung Sĩ áp tải bị thương gảy chân được trực thăng chở về Quân Y Viện Duy Tân cứu cấp, và các anh em binh sĩ được không vận trên máy bay đều bị thương nhẹ. Tôi nghe tin Thiếu Tá Đạm đến được Hoa Kỳ, và đã qua đời vào năm 2000 vừa qua tại San Diego. Khi nghe hung tin này, tôi rất thương tiếc người bạn đồng đội năm nào, cầu xin ơn trên giữ gìn và an ủi chị Đạm và các cháu nơi đất khách quê người. Nhờ khả năng đáp và cất cánh ngắn của C-7A Caribou, cho nên chúng tôi đã có dịp xuống nhiều nơi 'hóc bà tó' như các anh em trong Phi Đoàn thường nói .Trong những năm tháng, có thể gọi là rong ruổi khắp núi rừng miền Trung, ngoài lính tráng chúng tôi có dịp gặp tiếp xúc nhiều đồng bào, có một lần tại Quảng Ngãi trong khi đang đợi xuống hàng từ phi cơ, có một cụ già lại chào tôi, tôi chào cụ. Sau vài lời xã giao, cụ xin tôi được rờ máy bay, tôi nghĩ là ông cụ chắc chưa bao giờ thấy một chiếc máy bay gần như vậy nên sốt sắng nói được chớ cụ cứ sờ đi. Ông cụ sờ nhẹ thân máy bay xong, rồi ông gõ gõ mạnh hơn, rồi sau cùng dùng cả bàn tay vỗ. Ông cụ chép miệng ' Máy bay bằng sắt bằng thép như ni, mà bọn hắn nói là bằng giấy, lấy đá chọi cũng lủng...thiệt là láo quá !'. Tôi hiểu 'bọn hắn' là ai, tôi mời cụ lên máy bay chỉ mọi chi tiết cho cụ xem, cụ lại lấy gót chân dậm trên sàn máy bay rồi lại nói 'Chắc như ri mà bọn hắn nói là làm bằng tre bằng gỗ'. Trước khi từ giã, cụ nắm tay nói với tôi, 'Cám ơn ông cho già coi máy bay, bây giờ biết rồi chết cũng mãn nguyện. Cũng tại Quảng Ngãi có một kỷ niệm chắc anh nào còn bay với tôi trong chuyến đó còn nhớ, khi máy bay lấy vận tốc cất cánh thì có một anh lính băng ngang phi đạo, nếu thắng lại thì không kịp, còn cất cánh thì sẽ đụng người lính đó, nhưng giữa cất cánh và thắng lại, thì phải chọn một. Tôi bỏ hết flap, ráng ghìm đầu máy bay xuống, đến phút chót mới kéo cần lái thật gấp, chiếc C-7A ào bốc lên, ông lính ập thật gần vào thân máy bay rồi mất hút. Anh phi công phụ bên ghế phải hoảng hốt la 'Chết Chết ..'. Tim tôi thót lại vì chắc anh ta đã bị đụng thân tàu hoặc chong chóng chém rồi. Tôi vòng lại xem, thì thấy anh vẫn thản nhiên, vô tư bước đi như không có chuyện gì xảy ra. Người ta nói điếc không sợ súng, không biết anh lính này 'bị' cái gì mà không sợ máy bay ?

    Tại căn cứ KQ Đà Nẵng, trong một khu cư xá cách cổng Phước Tường khoảng 500m được dành làm nơi cư trú cho nhân viên của Phi Đoàn 427. Cư xá gồm ba dãy nhà hai tầng dành cho anh em cơ phi, áp tải và ba dãy nhà trệt dành cho các gia đình của sĩ quan tham mưu trong Phi Đoàn. Toàn bộ khu nhà này đều làm bằng vật liệu nhẹ, vách gỗ thông, mái lợp tôn do quân đội Mỹ để lại. Càng gần cuối cuộc chiến nhịp độ pháo kích của Cộng quân vào căn cứ Đà Nẵng ngày càng tăng. Một đêm tháng Bảy 1974 hoả tiển của Cộng Sản pháo trúng một trong ba dãy nhà lầu, gây tử thương cho anh Trung Sĩ Nguyễn Văn Lương, lúc ấy tôi đang công tác tại Sài Gòn, vợ và bốn con tôi thì ở lại Đà Nẵng. Nghe hung tin này, tôi cùng với hậu trạm Sư Đoàn I KQ đến khấp báo gia đình của anh Lương. Gia cảnh nhà anh Lương thật đơn chiếc, chỉ có hai mẹ con. Mẹ anh Lương hồn hậu, tiếp đón chúng vồn vã ân cần, không chút mảy may nghi ngờ sự đến thăm bất thường của chúng tôi. Bà hỏi thăm về đời sống sinh hoạt của anh Lương tại đơn vị, qua nét mặt của bà tôi biết là bà rất thương và hãnh diện về anh. Chúng tôi nhìn nhau, không biết mấy lần định nói cho bà biết, rồi lại ngập ngừng. Cuối cùng thì tôi cũng phải thu hết can đảm báo cho bà hay tin anh đêm qua Lương bị tử thương vì pháo kích của VC. Chiếc tách trà trên tay bà bỗng rơi xuống đất vỡ vụn tung toé, chúng tôi nghĩ rằng bà sẽ gào khóc thảm thiết và đã chuẩn bị tinh thần an ủi bà. Nhưng không bà chỉ đứng yên, hai dòng nước mắt từ từ trào ra, lần đầu tiên tôi hiểu ý nghĩa của động từ 'chết đứng' trong ngữ vựng Việt Nam. Hai người lính KQ rắn rỏi chỉnh tề trong quân phục nhưng chúng tôi, trong căn nhà đơn chiếc đó đã cùng lặng lẽ khóc như trẻ thơ với mẹ anh Trung Sĩ Nguyễn Văn Lương, chúng tôi đã khóc cho một đồng đội, cho một người bạn.

    Tháng Ba 1975, Đà Nẵng mất. Nhân viên Phi Đoàn 427 đã đem những C-7A còn khiển dụng về Sài Gòn sát nhập vào hai Phi Đoàn 429 và 431. Sau gần hai năm thiếu viện trợ, xăng nhớt và phụ tùng số C-7A còn bay được của KQ Việt Nam không còn là bao nhiêu.

    Hai mươi tám năm đã qua, tôi viết những dòng này không phải để tiếc nuối một thời đã qua, những dòng này hy vọng anh em trong Phi Đoàn 427 có ai đọc được thì xin coi như một món quà yêu thương tôi xin tặng cho gia đình anh em, cho em cháu trong nhà được biết một phần nào cuộc đời của cha anh trong cuộc chiến chống Cộng gian nan nhưng rất kiêu hùng vừa qua.



    KQ.Phạm Văn Cần


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X