Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Trường ca Trọng Thủy Mỵ Châu

Collapse
X

Trường ca Trọng Thủy Mỵ Châu

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Trường ca Trọng Thủy Mỵ Châu



    của nhạc sĩ Vĩnh Điện





    ... Được biết, đây là tác phẩm thứ 3 thuộc loại trường ca của nhạc sĩ. Tác phẩm trường ca đầu tiên anh viết là Tiếng Hát Người Tình Si (1972). Tác phẩm trường ca thứ 2 là Quê Hương Bên Trời (2012). Riêng tác phẩm Tiếng Hát Người Tình Si, đã được thực hiện thành phim và trình chiếu trên Đài truyền hình Huế và Đà Nẵng năm 1973.

    Nhạc sĩ Vĩnh Điện, tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Điện. Sinh quán tại Cam Ranh, Khánh Hòa Việt Nam. Lúc nhỏ, anh học ở trường Trung học Bá Ninh, Võ Tánh Nha Trang, và Đại học khoa học Huế. Làm việc tại Tòa Đại Biểu Chính Phủ Trung nguyên Trung phần, Tòa Hành Chánh Thừa thiên, và Hội đồng Nguyễn Phước Tộc Huế. Anh qua Mỹ diện H.O. năm 1991. Hiện đang định cư tại thành phố Baltimore, tiểu bang Maryland, USA.

    Nhạc sĩ Vĩnh Điện bắt đầu sáng tác từ lúc còn trẻ, ở Việt Nam. Những tác phẩm đã xuất bản trước 1975 của anh như Từ Lòng Quê Hương, Hỡi Người Em Hòa Bình, Hãy Ngồi Lại Gần Nhau, Tôi Chỉ Muốn Làm Người, Đó Quê Hương Tôi, Xa Xôi, Vết Thương Sỏi Đá, Ca Nguyện… với các tiếng hát của các nghệ sĩ thành danh như Elvis Phương, Thái Thanh, Julie Quang, Lệ Thu, Thanh Thúy… Những Albums nhạc đã được phổ biến tại hải ngoại, trong khoảng thời gian 1991-2012, gồm có: Bóng Chiều, Quê Hương Tôi Xa Lạ, Dấu Xưa, Em Chỉ Là Cỏ Dại, Tình Xưa, Một Thuở Quê Nhà… và gần đây nhất là CDs Bên Bờ Lệ Nhớ, Hồn Tháng Sáu, Sầu Khúc, và Vọng Mãi Lời Ru. Tổng cộng tất cả là 16 Albums.

    Trường ca Trọng Thủy Mỵ Châu là Album số 17 mới nhất của anh, đã cho trình làng trong đầu tháng 12 năm 2012.

    Riêng về trường ca nầy, đã được nhạc sĩ Vĩnh Điện phổ soạn từ truyện thơ của nhà thơ Nguyễn Thu Hà, chia gồm 4 phân đoạn:

    a) Phân khúc 1: Mơ Về Thành Loa.
    b) Phân khúc 2: Duyên Nợ Ba Sinh.
    c) Phân khúc 3: Bể Dâu Cuộc Đời.
    d) Phân khúc 4: Còn Mãi Hương Yêu.

    Về việc phân khúc cho trường ca Trọng Thủy Mỵ Châu, nhạc sĩ Vĩnh Điện cho biết: “Khi viết thành trường ca, tôi mới chia thành 4 phân khúc, để người nghe dễ tập trung và theo dõi hơn. Sau khi hoàn thành, ước mơ của tôi là làm sao thực hiện thành một vở “Nhạc kịch”. Tuy lấy tên là trường ca, nhưng thực sự nó đã có đủ yếu tố cho một nhạc kịch. Có người hát dẫn, có cả phần trình diễn của từng nhân vật trong truyện. Những vai nầy hát và diễn lấy phần của mình trên nền hát dẫn toàn bài. Nhưng dù sao, đó chỉ là ước mơ, có thể nói là không tưởng (!)… Tôi tìm cách để trường ca nầy được trình bày bằng một ban hợp xướng tương đối, nhưng nói thực, chi phí thu âm quá cao so với khả năng rất hạn chế của mình. Thôi thì hát hợp ca vậy, có còn hơn không, miễn sao đến được tai người yêu nhạc là tốt rồi. Cũng may, nhạc sĩ Kiên Thanh, người đã tốt nghiệp hòa âm trường Quốc Gia Âm Nhạc trong nước, nhận lời giúp làm hòa âm và thu trường ca nầy với rất nhiều thiện chí, cùng với sự cộng tác của các ca sĩ tương đối chuyên nghiệp là giọng ca nữ chính Kim Khánh, nam chính Đăng Hiếu, với sự phụ họa của nhóm bè. Trường ca Trọng Thủy Mỵ Châu đã được hoàn thành và đã đến với giới thưởng ngoạn như quà Giáng Sinh năm 2012.”

    Bản truyện thơ, viết theo thể loại thơ tự do, của Nguyễn Thu Hà, đã được nhạc sĩ Vĩnh Điện soạn thành nhạc, bằng cây guitar thùng cố hữu, bắt đầu từ ngày 28 tháng 8 năm 2012, cho đến ngày 29 tháng 9 năm 2012 mới thật sự hoàn tất. Nhạc sĩ Vĩnh Điện cho biết, đã mất tất cả là 1 tháng làm việc miệt mài, như trong cơn mộng ảo, hư hư, thực thực… sau cùng cũng đã hoàn thành bản trường ca nầy. Tác phẩm được trình bày bởi các ca sĩ Kim Khánh, Đăng Hiếu, Thái Hòa… Phần hòa âm được nhạc sĩ Kiên Thanh đảm trách. Nhạc bản, có độ dài khoảng 32 phút.

    Để biết thêm về nhà thơ Nguyễn Thu Hà, tôi có liên lạc với nhạc sĩ Vĩnh Điện và được anh cho biết: “Tác giả Nguyễn Thu Hà là một nhà giáo, chưa chính thức là một nhà văn, nhà thơ, cũng chưa xuất bản một tác phẩm văn chương nào. Đơn giản vì cùng một cảm xúc khi hoài niệm về lịch sử ngàn năm trước của đất nước, hiểu truyện Trọng Thủy Mỵ Châu cùng một quan điểm với tôi, một câu chuyện tình đã chịu nhiều phê phán, kết tội, lên án… Lần nầy được nhìn qua một lăng kính khác, nhân bản hơn, thủy chung hơn, nhẹ nhàng và đầy thiện tính hơn. Tác giả Nguyễn Thu Hà đã miệt mài viết ngày đêm trong 3 tháng đã hoàn thành tập truyện thơ để chuyển về tôi. Tập thơ dày 30 trang đã được tôi cô đọng, chọn lọc để viết thành trường ca, chắc chỉ gom đâu được 1/4 nguyên bản về độ dài. Tôi mong tác giả cho phổ biến tập truyện thơ nầy trong điều kiện thích hợp.”

    a) Với phân khúc 1: Mơ Về Thành Loa, nhạc sĩ Vĩnh Điện dựng lên bối cảnh từ một vùng đất quê Đông Anh (tức là huyện Đông Khê, thuộc phủ Từ Sơn của tỉnh Bắc Ninh). Tại miền đất ấy, vào một đêm trăng sáng, có một người con gái ngồi buồn ngoài hiên vắng, nhớ người yêu. Trong nỗi nhớ mông lung, nhớ về chuyện tình của chính mình, dập dờn trôi về những kỷ niệm yêu thương, trên mắt môi nồng ái, trên những ngón tay thon mềm, trên tóc xỏa hai vai gầy… Và rồi nỗi nhớ chợt đưa nàng về một thuở xa xưa – về câu chuyện tình bi đát của Trọng Thủy và Mỵ Châu thời Thục Tần, lúc vua An Dương Vương đang trị vì nước Âu Lạc.

    “Đêm nay, ngoài hiên vắng, vầng trăng lành lạnh, nơi quê nhà Đông Anh,
    Và gió đang lùa qua khe cửa.
    Em nhớ anh, em đang thèm vòng tay anh ấm áp,
    Và nỗi nhớ đưa em về một thuở xa xưa…
    Cảm thương thay cho mối tình Mỵ Châu Trọng Thủy…”


    Như một lời gọi mời của nàng con gái miền Đông Khê, đưa chúng ta cùng quay trở về một thuở lịch sử xa xưa của ngàn kiếp trước:

    “Giờ trăng đang sáng, hãy cùng em ra thành Cổ Loa,
    Hãy nhớ về ngàn năm đã qua, để tiếc thương một thời đã xa…”


    Và tại góc thành Cổ Loa đó, nơi vua An Dương Vương đóng đô, của trên ngàn năm qua, có một câu chuyện tình đau thương giữa nàng Mỵ Châu và chàng Trọng Thủy. Cái định mệnh tình mưa lệ ấy, có phải là “duyên trời” đã định, hay là “một kiếp nợ đời” phải trả. Cổ Loa, vùng đất xa xưa ấy, của nước mắt rơi vì chuyện tình buồn, nơi có nàng Mỵ Châu xinh đẹp, nơi có chàng Trọng Thủy đa tình. Và, giờ đây, đêm nay, chỉ còn là “nhạt nhoà phế tích”, của “quách thành rêu phong tàn tạ”, “chỉ còn đâu đây tiếng vạc kêu sương”, “chỉ còn âm vang mối tình thê lương”…

    Trong nỗi nhớ như sóng cuộn về, giữa mông mênh bờ bến, giữa ngậm ngùi lệ nhỏ, là một kinh đô Phong Châu dần hiện ra trước mắt nàng Đông Khê. Một Thục Phán An Dương Vương của vùng đất Âu Lạc. Một vị vua thanh liêm, nghiêm chính trị vì, đã “đem áo cơm đến cho con dân, đưa nước non sống yên vui thanh bình” một thuở…

    Chuyện kể, sau 10 năm điêu linh chinh chiến với chúa Triệu Đà của nước Tần. Vua An Dương Vương đã dời về miền đất lành, chọn Cổ Loa làm kinh đô, và đặt tên nước là Phong Khê. Trong thời gian suốt trên 18 năm xây cất thành đài, cuối cùng tất cả cũng đều bị sụp đổ. Trong cái tuyệt vọng cuối cùng, vua ra bờ sông để cầu thần Kim Quy đến trợ giúp, xin thần “ban ơn thiêng phù giúp, cho dân bớt lầm than, cho nước hết điêu tàn, cho công cuộc dựng thành chóng xong…”

    Nhờ phước đức lớn, vua An Dương Vương được thần Kim Quy phù giúp. Sau đó 3 năm, thành đã được xây xong vững chắc. Thần Kim Quy cũng đã trao tặng móng rùa cho vua để làm cái lẫy nỏ thần – vũ khí bảo vệ đất nước khi có giặc ngoại xâm lăng.

    b) Với phân khúc 2: Duyên Nợ Ba Sinh, nhạc sĩ Vĩnh Điện đã đưa dẫn người thưởng thức vào cái rung động tình bi sử Mỵ Châu và Trọng Thủy. Bắt đầu của phân khúc 2, là chúa Triệu Đà của nước Tần, đã cầu hòa bằng cách lập kế bang giao giữa 2 nước. Triệu Đà đưa con trai của mình là Trọng Thủy, sang nước Âu Lạc để cầu thân. Nơi đây, Trọng Thủy đã gặp được Mỵ Châu, con gái của vua An Dương Vương.

    “Nhưng đâu ngờ, giặc Tần vẫn ôm mối hận.
    Đã bao lần quân mình chết rất thảm thương,
    Triệu Đà lập kế bang giao, kết tình thông hai họ.
    Đem con trai là Trọng Thủy, được sánh duyên cùng Mỵ Châu…”


    Trọng Thủy và Mỵ Châu, hai người yêu nhau rất thắm thiết, và vua An Dương Vương đã cảm thông, đồng ý gả công chúa Mỵ Châu cho Trọng Thủy. Trọng Thủy nghe theo lời cha của mình, là chúa Triệu Đà, đã tìm mọi cách để biết rõ về các bí quyết đánh giặc và vũ khí sử dụng trên chiến trận, của vua An Dương Vương. Mỵ Châu tin chồng và đã kể hết những bí mật về cây nỏ thần. Sau đó, Trọng Thủy đã đánh tráo cái lẫy, vốn là chiếc móng chân của thần Kim Quy rùa vàng. Ngay hôm sau, Trọng Thủy xin phép về quê thăm cha, và hỏi dặn Mỵ Châu nếu có chiến tranh, hai người ở hai nơi, thì biết làm sao mà tìm. Mỵ Châu cho biết, nếu có giặc, thì sẽ dùng lông ngỗng trắng, từ chiếc áo choàng, để làm dấu cho chồng trên đường đi, theo đó mà tìm.

    “Nếu có nạn can qua, cha ở đâu thiếp chẳng hề xa,
    Theo vết lông ngỗng màu trắng áo em,
    Thì tìm thấy em và ta thấy nhau…”


    c) Với phân khúc 3: Bể Dâu Cuộc Đời, nhạc sĩ Vĩnh Điện dựa trên lời thơ mượt mà của nhà thơ Nguyễn Thu Hà, đã đưa dẫn người thưởng thức vào một cuộc bể dâu, của một bi tình sử dân tộc, của ngàn giọt lệ biệt ly tan tác, của đất nước chiến tranh vó ngựa. Ôi, những đêm mưa xác đổ, những ngày máu tuôn rơi, những chát chan lệ nhòa chơi vơi…

    Quân Nam Hải của chúa Triệu Đà đã tiến quân bao vây trùng trùng và tấn công thành trì như vũ bão. Vì cậy có nỏ thần của rùa vàng Kim Quy, vua An Dương Vương đã không phòng bị gì cả. Khi biết được nỏ thần không còn linh nghiệm nữa thì đã trễ. Quân giặc tràn chiếm các nơi, máu và lửa, quan binh thất thủ.

    “Từ An Dương Vương thông gia hòa hiếu với Tần.
    Vẫn luôn nghĩ rằng, từ nay sẽ hết đao binh.
    Nỏ Thần còn đó, đánh tan muôn vạn địch quân.
    Có biết đâu là nỏ Thần đánh tráo mất rồi…”


    Mỵ Châu cùng với cha, lên ngựa trốn chạy. Ngồi sau lưng cha, Mỵ Châu dùng lông ngỗng rải trên đường đi, để làm dấu cho Trọng Thủy tìm theo.

    “Đi theo cha bao ngày ròng rã.
    Lòng Mỵ Châu băng giá xót xa.
    Trọng Thủy ơi, chàng hãy mau về.
    Ta có nhau những ngày tháng cũ.
    Theo vết lông ngỗng em rắc bên đường.
    Tìm về với em, tìm về với em, tìm về đây với em…”


    Và, khi cha con Mỵ Châu chạy gần đến bờ biển ở vùng núi Dạ Sơn, thì quân giặc của Triệu Đà đã đuổi gần kịp phía sau. Đến đường cùng, không còn lối nào chạy, vua An Dương Vương hướng ra biển khấn nguyện thần Kim Quy phù hộ. Linh thiêng thay cho lời khấn của vua Âu Lạc, thần Kim Quy hiện lên và báo cho vua An Dương Vương biết, giặc nhà chính là Mỵ Châu, ngồi ở sau lưng nhà vua đó. Vua An Dương Vương rõ tường mọi chuyện, lòng đớn đau vô ngần, rút gươm chém chết con gái của mình và đâm vào tim tự vẫn chính mình. Người đã tự kết liễu đời mình, để đền tội với dân tộc và đất nước Âu Lạc.

    “Ơi Thục Phán, Người nghe đây, cớ sao còn ngu nuội?
    Giặc đâu ngoài ngõ xa, mà sau lưng Người.
    Mỵ Châu con gái Ngươi, đã vì chồng quên nước,
    Đã phản bội Ngươi đó, Người hay chăng?…”


    Mỵ Châu đâu có ngờ rằng, chính những lông ngỗng làm dấu trên đường cho Trọng Thủy tìm theo để vợ chồng được hội tụ, nhưng đó lại là dấu vết cho giặc Nam Hải theo truy đuổi. Đớn đau cho Mỵ Châu, giờ biết thì đã trễ. Có hối hận thì cũng đã quá muộn màng.

    “Con của cha dại khờ u mê.
    Con của cha nặng nợ phu thê.
    Làm nên bao nỗi tang thương.
    Ôi, lông ngỗng rắc trên đường đi.
    Ngỡ cho anh tìm gặp lại em, đã đưa chân giặc đến nơi nầy…”


    Những giọt lệ đớn đau của Mỵ Châu. Những tức tưởi tâm can của vua An Dương Vương. Trong cơn cuồng điên buốt nát trái tim, vua An Dương Vương “rút gươm ra liền chém chết Mỵ Châu”…

    “Mỵ Châu! Mỵ Châu! Mỵ Châu ơi!
    Xin con đừng trách cứ cha.
    Lầm lỗi con đã gây nên, con chết để đền tội mình.
    Mỵ Châu ơi! chờ cha với.
    Gục xuống bên xác con yêu,
    Thục Phán kết liễu đời mình.
    Thanh kiếm đâm suốt qua tim.
    Thục Phán chết trong lặng thinh…”


    d) Với phân khúc 4: Còn Mãi Hương Yêu, nhạc sĩ Vĩnh Điện đã đưa chúng ta vào những cung điệu buồn xâu xé tim, với lời thơ ướt cảm như trầm mình xuống sông lệ, để cảm thương đau xót cho chuyện tình Trọng Thủy Mỵ Châu. Với những ngỡ ngàng hờn buốt chính mình từ tim hồn của nàng Mỵ Châu. Với những muộn màng oán than chính mình từ trái tim Trọng Thủy. Với những buốt xót linh tri từ nhát kiếm tự kết liễu đời mình của một Thục Phán An Dương Vương… Ôi, những viên lệ tình trong đêm lạnh, những bi thương lòng để cảm… cho mối tình Người nhòa nhạt như mưa…

    “Thoáng thấy bên đường, chiếc áo lông choàng,
    Ngày nào tinh khôi, giờ đây đẫm máu…”


    Trọng Thủy theo dấu lông ngỗng, đã tìm đến bờ biển núi Dạ Sơn. Và chỉ để thấy, một trời đau xót, như bàn tay lạnh chờ vuốt mặt, như cành mây lệ phủ trải giữa cơn mưa. Người vợ Mỵ Châu dịu hiền và cha vợ An Dương Vương đã nằm chết bên giòng máu đỏ còn đang chảy buốt trên sương cát…

    “Cha! con đã quay về quỳ đây.
    Cha! con cúi xin Người lượng thứ.
    Ôi, lòng con nát tan, đã không ngờ dự phần mưu toan.
    Chiếm Âu Lạc bằng cuộc đời con, thân con và linh hồn con oan khiên…”


    “Mỵ Châu, em dấu yêu!
    Tình nghĩa bao năm mặn nồng, ta đang tâm bội thề.
    Ngày về sao tái tê, tìm em khắp chốn…”


    Trọng Thủy đau đớn thu nhặt thi hài và đem chôn ở Loa Thành, rồi đâm đầu xuống giếng trong thành mà tự vẫn.

    “Em nhớ chăng ngày nao?
    Đôi ta soi bóng giếng ngọc, bây giờ bóng đã nơi đâu?
    Trọng Thủy mang xác Mỵ Châu chôn cạnh giếng ngọc.
    Và đem chiếc áo choàng lông phủ trên nấm đất.
    Chiếc áo trắng tinh ngày nào, giờ nhuốm máu đào.
    Trọng Thủy nhảy xuống giếng sâu, từ nay biến thành nấm mồ…”


    Ngày nay, tại làng Cổ Loa, còn cái giếng có tên là giếng Trọng Thủy. Tục truyền rằng, khi Mỵ Châu bị cha chém chết, máu của nàng đã chảy xuống biển khơi. Những giống trai ở dưới biển đã ăn được máu của nàng nên mới có Ngọc Châu. Nếu như lấy được những viên Ngọc Châu đó và dùng nước giếng Trọng Thủy trong thành Cổ Loa để rửa, thì Ngọc Châu sẽ chiếu soi rực rỡ và trong sáng vô ngần.

    “Máu Mỵ Châu nhỏ xuống, thành những viên ngọc trai.
    Khi rửa nước giếng ngọc, ngọc trai đẹp rạng ngời…
    Máu Mỵ Châu nhỏ xuống, thành những viên ngọc trai.
    Khi rửa nước giếng ngọc, ngọc trai sáng vô cùng…”


    Và ngay giờ đây, trong đêm vắng, người con gái vùng đất Đông Khê của phủ Từ Sơn, vẫn còn ngồi lại, như đang tơ tưởng một giấc mộng dài, đang đợi chờ vòng tay ấm của người yêu xa xôi… Với bao ngàn lệ nhỏ giòng nước biếc, dưới bóng trăng nhạt mờ, như để cảm thương cho chuyện mình, như để cảm thương cho một chuyện tình – Trọng Thủy và Mỵ Châu – một thuở xa xưa đó…

    “Anh yêu dấu của em,
    Vẳng nghe gà gáy sáng,
    Em vẫn còn ngồi đây,
    Mơ một giấc mơ dài,
    Từ một thuở xa xưa,
    Câu chuyện tình thắm thiết,
    Vẫn còn mãi vang vọng,
    Sau vài ngàn năm nữa…”


    Tác phẩm Trọng Thủy Mỵ Châu, viết qua lời thơ của nhà giáo Nguyễn Thu Hà, đã phản ảnh một câu chuyện lịch sử dân tộc, một áng tình hiện thực pha lẫn huyền thoại thời Âu Lạc xa xưa, đã được nhạc sĩ Vĩnh Điện viết thành ca khúc. Trường ca nầy, là một công phu miệt mài, đã thai nghén trong trái tim Vĩnh Điện từ trước 1975 cho mãi đến hôm nay, 40 năm – và trường ca nầy đã ra đời, với lời thơ chung giòng cảm xúc trên điệu nhạc, của nhà thơ Nguyễn Thu Hà. Có nhẽ, phải nên nói, đây là một trường ca âm nhạc giá trị, được viết lên qua những nốt nhạc tim hồn của chính tác giả. Rất hy vọng rằng, giới thưởng ngoạn thơ ca văn nghệ, trong và ngoài nước, sẽ đón nhận tác phẩm nầy như một món quà quê hương Việt Nam trong năm Quý Tỵ 2013.

    Rất mong, nhạc sĩ sẽ tiếp tục sáng tác và sáng tác nhiều hơn nữa những tác phẩm quê hương giá trị, như một điểm tô khiêm nhượng, từ trái tim và tâm hồn người nghệ sĩ, còn được gởi lại, ưu ái tặng trao, đến giới thưởng ngoạn văn nghệ tài tử và cho nền âm nhạc thi ca Việt, trên cả hai bình diện vĩ tuyến, trong nước và ngoài nước… của ngày hôm qua và ở những ngày mai rất gần… Xin cảm ơn nhạc sĩ Vĩnh Điện và nhà thơ Nguyễn Thu Hà.

    Trường Đinh

    nguồn vinhdien.net



    Last edited by chimtroi; 05-26-2021, 11:54 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X