Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Quốc Kỳ Trong Tim Người Lính Cũ

Collapse
X

Quốc Kỳ Trong Tim Người Lính Cũ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Quốc Kỳ Trong Tim Người Lính Cũ

    Quốc Kỳ Trong Tim Người Lính Cũ

    Phạm Bá Hoa

    Quốc kỳ Việt Nam chúng ta từ trong lịch sử xa xưa với nền vàng, dần dần qua các triều đại có thêm màu đỏ. Với góc nhìn từ thuyết âm dương: Màu vàng thuộc hành thổ và chỉ vị trí trung ương, vừa biểu tượng một lãnh thổ vừa biểu tượng quyền uy của lãnh đạo. Màu đỏ, thuộc hành hỏa và chỉ phương nam, biểu tượng một dân tộc ở phương nam. Kết hợp hai màu vàng và đỏ trên quốc kỳ, biểu tượng một dân tộc trong một lãnh thổ ở phương Nam, hoàn toàn cách biệt với dân tộc và lãnh thổ Trung Hoa ở phương Bắc.

    Rất có thể từ góc nhìn đó, ông Nguyễn Trãi xác định ở đoạn đầu trong Bình Ngô Đại Cáo: "Như nước Đại Việt ta, quả là một nước văn hiến. Bờ cõi núi sông đã phân biệt nhau, mà phong tục dân tộc phương Nam cũng khác với phong tục người dân phương Bắc. Nước ta từ đời nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lý, nhà Trần, lần lượt mở mang và phát triển, trong khi nước Trung Hoa thời nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên, mỗi bên làm Hoàng Đế một phương.....”.

    Nhìn lại lịch sử cận đại. Vào nửa cuối thế kỷ 19, nước Pháp đánh chiếm Việt Nam và chia thành 3 Kỳ trong chính sách “chia để trị”: Nam Kỳ bị Pháp trực tiếp cai trị, Trung Kỳ và Bắc Kỳ của vua nhà Nguyễn nhưng dưới sự cai trị gián tiếp của Pháp. Chữ “Kỳ” có nghĩa là một phần đất của Việt Nam chớ không phải một lãnh thổ biệt lập. Trong thế chiến thứ 2, nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng trong khi Pháp cai trị tại Việt Nam bị Nhật Bản đảo chánh. Sau thế chiến thứ 2, Pháp quay lại tái chiếm Việt Nam. Tháng 3/1946, Pháp biến Nam Kỳ thành một quốc gia có tên là “Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc”. Trong chiến tranh 1946-1954 giữa thực dân Pháp với Việt Minh cộng sản, Pháp rất cần trợ giúp của Hoa Kỳ. Trong tình hình đó, Cựu Hoàng Bảo Đại, với hỗ trợ mạnh mẽ của những nhà chính trị và thân hào nhân sĩ Việt Nam, đã cùng Pháp thương thuyết. Với ưu thế do Hoa Kỳ hỗ trợ từ sau lưng, trong khi Trung Cộng thắng thế tại Trung Hoa, nên Pháp phải chấp nhận giải pháp của cựu Hoàng Bảo Đại và các nhà chính trị Việt Nam, là “nước Việt Nam độc lập và thống nhất trong liên Hiệp Pháp”.

    Ngày 2/6/1948, chánh phủ lâm thời Nguyễn Văn Xuân, đã chánh thức công nhận lá cờ nền vàng 3 sọc đỏ là quốc kỳ Việt Nam. Kích thước: Chiều ngang bằng 2/3 chiều dài. Chiều ngang, chia làm 3 phần đều nhau. Phần giữa, chia làm 5 phần đều nhau với 3 sọc đỏ (và 2 sọc vàng) theo chiều dài.

    Năm 1951, phái đoàn chánh phủ Quốc Gia Việt Nam do Thủ Tướng Trần Văn Hữu hướng dẫn, tham dự hội nghị Quốc Liên tại San Francisco, quốc kỳ Việt Nam, cùng với quốc kỳ của các quốc gia thành viên phất phới trên bầu trời San Francisco.

    Theo Hiệp Định Đình Chiến ngày 20 tháng 7 năm 1954, dãi đất hình cong chữ S, trở thành hai quốc gia:

    “Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” theo chế độ cộng sản độc tài, đã thiết lập bang giao với 18 quốc gia, và đã trao đổi những cơ quan ngoại giao giữa thủ đô Hà Nội với thủ đô các quốc gia đó. Điều này là sự thật.

    “Nước Việt Nam Cộng Hòa” theo chế độ dân chủ tự do, đã thiết lập bang giao với 81 quốc gia, và đã trao đổi cơ quan ngoại giao giữa thủ đô Sài Gòn với thủ đô các quốc gia đó. Điều này là sự thật.

    Trong bang giao quốc tế, không có vấn đề tình cảm, mà chỉ có quyền lợi quốc gia. Vì vậy, quân của nước VNDCCH đánh chiếm nước VNCH, ngoài hai chữ xâm lăng ra, không có nhóm chữ nào khác trong trường hợp này. Điều đó là sự thật. Những nhóm chữ mà lãnh đạo CSVN đã sử dụng qua từng giai đoạn để chỉ cuộc chiến tranh này, đều là tuyên truyền và dối trá.

    Dẫn lời ông Mikhail Gorbachev, một thời là Tổng Bí Thư đảng cộng sản Liên Xô, vừa hối hận vừa than thở: “Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, ngày hôm nay tôi phài đau buồn mà nói rằng, đảng cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá”. Lời của ông Boris Yeltsin, cố Tổng Thống Nga: “Cộng sản là không thể sửa chữa, mà cần phải đào thải nó”. Khi ông Lê Duẫn giữ chức Tổng Bí Thư, đã tuyên bố: “Ta đánh đây là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc". Thật ra, ông Duẫn lấy ý trong câu văn của ông Khroutchev, khi đọc bản báo cáo tại đại hội đảng tháng 11 năm 1960, có đoạn: “... Người cộng sản và giai cấp công nhân, sẽ cố gắng đấu tranh để đạt tới mục tiêu vĩ đại là chủ nghĩa cộng sản thống trị thế giới”... Tháng sau đó, khi thăm thủ đô Austria, trong bài phát biểu của ông Khroutchev, có câu: “Đời vắn lắm. Tôi ước ao sống tới ngày được nhìn thấy lá cờ đỏ bay phất phới trên toàn thế giới.”

    Như vậy, rõ ràng và chắc chắn, chiến tranh 1946-1954, Việt Minh cộng sản đánh thực dân Pháp không phải giành độc lập, mà là nhuộm đỏ một nửa giang sơn phía Bắc. Chiến tranh 1954-1975, nước Viêt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đánh chiếm nước Việt Nam Cộng Hòa, không phải thống nhất đất nước, mà là nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam theo mục tiêu của cộng sản quốc tế, là thống trị toàn thế giới.

    Trong chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc 1954-1975, Người Lính Việt Nam Cộng Hòa với hơn 20 năm chiến đấu dũng cảm đã tạo nhiều chiến tích vẻ vang, chống lại cuộc xâm lăng của nước cộng sản Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Có thể nhận định mà không sợ sai lầm rằng, thế giới chỉ biết thành tích của chúng ta qua hai trận chiến điển hình, là cuộc phản công toàn diện trong cuộc “tổng công kích” của quân cộng sản hồi Tết Mậu Thân đầu năm 1968, và cuộc phản công đánh bại 3 trục tấn công do lãnh đạo nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ Hà Nội, xua quân chính qui vượt vĩ tuyến 17 trực diện tấn công Việt Nam Cộng Hòa vào mùa hè 1972, thường gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa”. Họ không thể hiểu được những chiến thắng với biết bao trận chiến đơn lẻ xảy ra hằng ngày hằng đêm, đánh nhau từng người, từng tổ, từng tiểu đội, trung đội, của Bộ Binh, của Địa Phương Quân Nghĩa Quân, trong nội địa lãnh thổ, những chiến thắng của "lực lượng Dân Sự Chiến Đấu", của "Lực Lượng Đặc Biệt", của những "Toán Lôi Hổ", của "Liên Đoàn Biệt Cách Dù", ..v..v.. trong những cánh rừng già hoang dã dọc biên giới Việt Nam-Cam Bốt. Nơi mà quân chính qui cộng sản từ miền bắc, theo hành lang biên giới mà chúng gọi là "đường Trường Sơn", xâm nhập lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.

    Họ cũng không thể hiểu chiều sâu những trận chiến thầm lặng với sắc thái du kích mà Người Lính Việt Nam Cộng Hòa phải đối phó. Phải rình mò tìm địch mà đánh. Bất ngờ gặp nhau là đánh. Đánh nhau bất luận bao nhiêu tay súng, bất kể ngày đêm, bất cứ nơi nào. Chiến trường không chỉ là trận tuyến trong chiến tranh qui ước, mà chiến trường diễn ra ngay trong nhà, ngoài ngõ, chiến trường là bụi chuối trong vườn, là đám bắp trong rẫy, là ruộng lúa đồng sâu. Chiến trường cũng là góc núi, bụi cây, là rừng rậm cao nguyên, là bãi lầy đất Mũi (Cà Mau), là "biển cạn" Tháp Mười. Từng góc phố, căn nhà, từng con đường trong thành phố, từng bến đậu phi cơ hay nơi tàu cặp bến, đâu đâu cũng là chiến trường của quân cộng sản trong mục đích xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa.
    .
    Trận Chiến Tết Mậu Thân. Từ tối 29/1/1968 -tức 30 Tết Nguyên Đán- chen lẫn trong tiếng pháo mừng Xuân là tiếng súng của quân cộng sản tấn công thủ đô Sài Gòn, cố đô Huế, và 28 trong số 44 tỉnh lỵ. Quân lực VNCH phản công mạnh mẽ và chiến thắng trên các chiến trường, riêng chiến trường Huế kéo dài đến ngày 25/2/1968. Thủ đô Sài Gòn và một số tỉnh bị tấn công lần 2 vào tháng 5/1968. Kết quả hai đợt tấn công trên khắp chiến trường từ Quảng Trị tới Cà Mau, quân cộng sản chết 58.373 tên, 10.000 tên bị bắt, 6.000 tên đầu hàng, và 17.000 vũ khí các loại bị ta tịch thu, và hơn 100 chiến xa bị tiêu hủy. Tổn thất của VNCH là 4.954 quân nhân hy sinh, và 14.300 đồng bào chết, với 1.946 đồng bào mất tích. Quân cộng sản đã đốt khoảng 60.000 nhà dân để gây hỗn loạn mà thoát thân.

    Trận An Lộc. Cuối tháng 3/1972, quân cộng sản tấn công Sư Đoàn 3 Bộ Binh tại Quảng trị, Sư Đoàn 22 Bộ Binh tại Kon Tum, Sư Đoàn 5 Bộ Binh tại An Lộc. Đây là lần đầu tiên, quân cộng sản sử dụng chiến xa cùng hỏa lực pháo binh với hỏa tiễn dữ dội. Riêng thị trấn An Lộc, tỉnh lỵ tỉnh Bình Long do SĐ 5 BB phòng thủ, bị 4 Sư Đoàn cộng sản tấn công từ ngày 6/4/1972. SĐ5BB lần lượt được tăng cường lực lượng tổng trừ bị, được yểm trợ bởi hằng ngàn phi vụ của không quân Việt Nam, và hằng trăm phi vụ của B52 Hoa Kỳ. Sau hơn 2 tháng kinh hoàng với bom đạn và khói lửa, An Lộc bị khoảng 200.000 viên đạn đại bác & hỏa tiển của cộng sản tàn phá thị trấn nhỏ bé này. Khoảng 4.000 quân nhân và đồng bào hy sinh! Quân cộng sản khoảng 30.000 tên chết mà phần lớn bị chôn vùi trong các hố bom, với hơn 70 chiến xa bị tiêu hủy. Ngày 7/7/1972, trực thăng chở Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đáp xuống An Lộc còn vương mùi khói lửa chiến tranh, để tuyên dương lực lượng phòng thủ, và vinh danh Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng “Anh Hùng An Lộc”. Ngày 12/71972, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh SĐ5BB tuyên bố ”An Lộc được giải tỏa hoàn toàn”. Người con gái tên Pha của An Lộc đã chứng kiến Những Người Lính Biệt Cách Dù dũng cảm, nên cảm đề hai câu thơ: “An Lộc địa, sử ghi chiến tích. Biệt Cách Dù, vị quốc vong thân”.


    Trận Quảng Trị. Cuối tháng 3/1972, khoảng 40.000 quân cộng sản tấn công Quảng Trị. Tháng 5/1972, cộng sản chiếm toàn bộ Quảng trị, kể cả Cổ Thành. Ngày 28/6/1972, lực lượng Nhẩy Dù, Biệt Động Quân, Biệt Cách Dù, và TQLC, bắt đầu phản công. Ngày 27/7/1972, chiếm được một số vị trí ngoại ô Quảng Trị. Sau cơn mưa, nước sông Thạch Hãn dâng cao làm tắt nghẽn đường tiếp vận của quân cộng sản. Thời cơ tốt, Sư Đoàn TQLC nhận trách nhiệm tấn công thị xã Quảng Trị và Cổ Thành. Sau khi chiếm được nhiều vị trí chung quanh, ngày 7/9/1972, với yểm trợ hỏa lực của 2.200 phi vụ oanh kích, 100 phi vụ oanh tạc của B52, và hơn 123.000 đạn đại bác của Hải Quân bắn vào, Sư Đoàn TQLC bắt đầu tấn công và0 Cổ Thành. Đây là trận chiến dữ dội nhất của Sư Đoàn, và chiếm lại Cổ Thành ngày 15/9/1972. Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa được kéo lên lúc 8 giờ sáng ngày 16/9/1972. Sau 4 tháng 16 ngày chiếm giữ Quảng Trị, hồi ký của Tướng cộng sản Lê Tự Đồng, Tư Lệnh mặt trận Quảng Trị, phổ biến năm 1997 tại Hà Nội, thừa nhận tổn thất hơn 50% quân của 4 Sư Đoàn tham chiến. Về phía VNCH chúng ta, Sư Đoàn Nhẩy Dù cũng như TQLC, tổn thất lên đến 25% quân số. .

    Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, dưới lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ, đã dũng cảm chiến đấu chống quân cộng sản cho đến ngày 30/4/1975, đã có 259.300 Đồng Đội hy sinh + 567.000 Đồng Đội bị thương + 34.000 Đồng Đội mất tích. Tuy không được lãnh đạo trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, nhưng Quân và Dân VNCH rất hãnh diện về những vị Tướng, đã tự sát như những anh hùng trong lịch sử “Thành Mất Chết Theo Thành”.

    Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn 2.
    Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Đoàn 4.
    Chuẩn Tướng Lê văn Hưng, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 4.
    Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh.
    Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh.
    Và những Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan, Binh Sĩ đã tự sát từng cá nhân, từng nhóm, từng gia đình, mà sau chiến tranh được nhiều người đã chứng kiến kể lại. Đó là “Những Người Lính Vô Danh của Việt Nam Cộng Hòa”.

    Chúng ta, những Người Lính Việt Nam Cộng Hòa đã thua trận, cho dù diễn giải cách nào cũng vậy. Nếu không thua trận, tại sao hằng mấy trăm ngàn Đồng Đội bị cộng sản đày đọa trong các trại tập trung từ Nam ra Bắc, và tại sao chúng ta phải xa quê hương đến nửa vòng trái đất? Còn nguyên nhân thua trận là vấn đề của những vị lãnh đạo. Vì vậy mà lúc 10 giờ 30 sáng của những ngày 30 tháng 4, bất luận chúng ta ở đâu, làm gì, đang đứng hay đang ngồi, tôi nghĩ là chúng ta nên dành một phút để cúi đầu, im lặng, tưởng nhớ những Đồng Đội của chúng ta đã hy sinh cho chúng ta còn có ngày hôm nay!!!

    Ngày 30/4/1975, VNCH chúng ta vào tay cộng sản. Từ đó, tưởng như quốc kỳ Việt Nam chúng ta không còn cơ hội phất phới trên bầu trời tự do. Nhưng sau thời gian hội nhập vào xã hội kỹ nghệ và ổn định cuộc sống trên những quê hương thứ hai, lần lượt tổ chức Cộng Đồng được thành lập tại các thành phố có người Việt Nam tị nạn. Cùng thời gian, tổ chức Hội Đoàn Quân Đội và Hội Đoàn Đồng Hương cũng hình thành. Bước đầu có những khó khăn trở ngại, dần dần mọi việc trở nên bình thường, và phát triển tổ chức lẫn phạm vi hoạt động, từ ái hữu đến sinh hoạt bày tỏ ý thức chính trị, và quốc kỳ Việt Nam xuất hiện trong những lễ hội Cộng Đồng, lễ hội quốc tế, và phất phới trên nhiều đỉnh cột cờ cùng với quốc kỳ bản xứ, sau khi được các cơ quan hành chánh công nhận.

    Đến ngày 14/7/2012, đã có 127 địa phương đã công nhận quốc kỳ Việt Nam chúng ta, gồm: 16 tiểu bang, 8 quận hạt, 103 thành phố, và các địa phương này thuộc 30 tiểu bang theo thứ tự mẫu tự sau đây: California +3 quận hạt (QH) +19 thành phố (TP). Colorado. Connecticut có 1 TP. Florida + 3 TP. Georgia +5 TP. Hawaii có 1 TP. Indiana có 2 TP. Iowa có 1 TP. Kansas có 3 TP. Kentucky c ó 1 TP. Louisiana. Massachussetts + 8TP. Michigan +2 TP. Minnesota + 3TP. Mississippi có 1 TP. Missouri có 1 TP. Nebraska +1 TP. New Mexico có 1 TP. New York có 1 TP. New Jersey + 1 QH +2TP. North Carolina có 2 TP. Oklahoma +1TP. Ohio +1TP. Oregon + 2 TP. Pennsylvania có 1 QH và 3 TP. South Carolina có 2 TP. Texas + 11TP. Utah + 2TP. Virginia + 1QH + 1TP. Sau cùng là Washington State với 2 quận hạt và 21 thành phố.


    Dưới đây là ba câu chuyện thật lý thú trong hằng trăm câu chuyện về quốc kỳ mà chúng ta từng phục vụ, được phất phới trên bầu trời tự do hải ngoại.

    Thứ nhất. Dọc theo công viên dẫn vào thị trấn Sundre, Calgary, Alberta, Canada, có một dãy 10 cột cờ với quốc kỳ của những quốc gia khác nhau trên đỉnh. Điều đặc biệt của thị trấn này là họ bán cho bất cứ Cộng Đồng di dân nào có mặt tại đây, và được vĩnh viễn treo quốc kỳ gốc của người mua.

    Năm 1984, vợ chồng anh Trần Nam, một gia đình trong Cộng Đồng Việt Nam nhỏ bé tại thị trấn Sundre, tỉnh bang Alberta, Canada. Sau thời gian định cư ở đây đã nhận thấy giá trị của dãy cột cờ, anh cố gắng vận động với Hội Đồng thị trấn Sundre, bày tỏ ước muốn được mua 1 cột cờ để treo lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ của mình. Cuối cùng họ chấp nhận dựng lên cột cờ thứ 11, và bán cho anh Trần Nam với giá 125 đồng Canada. Ngày 11/10/1984, Cộng Đồng Việt Nam từ Calgary và Edmonton cùng với bà con tại Sundre, trong buổi lễ thượng kỳ rất trang nghiêm và ý nghĩa. Cũng từ đó, quốc kỳ Việt Nam chúng ta phất phới cùng quốc kỳ của các quốc gia khác. Vào ngày 1 tháng 7 hằng năm -ngày Quốc Khánh Canada- bà con trong các Cộng Đồng lân cận kéo về Sundre làm lễ chào quốc kỳ, cũng là lúc anh Trần Nam thay lá cờ mới. Trên thế giới, có lẽ anh Trần Nam là người Việt Nam tị nạn duy nhất sở hữu chủ một cột cờ với lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ trên đỉnh trong một hàng 11 cột cờ quốc tế, và rất có thể Sundre là thành phố đầu tiên tại hải ngoại từ sau 30/4/1975, quốc kỳ Việt Nam chúng ta chánh thức phất phới ngang hàng với quốc kỳ các quốc gia khác.

    Ngày 14/5/2007, do kẻ “nằm vùng” rỉ tai Nghị Viên thành phố là cờ vàng ba sọc đỏ không tiêu biểu cho Việt Nam cộng sản. Sự việc đưa vào thảo luận, và vì không tìm thấy văn kiện nào nói về quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ nên Hội Đồng thành phố quyết định hạ xuống.
    Thật nhanh, Cộng Đồng Việt Nam từ Sundre, Calgary, Edmonton thuộc tỉnh bang Alberta, và Liên Hội Người Việt từ Ottawa, qui tụ lại cơ quan Hội Đồng thành phố Sundre khiếu nại, với số người đông đến nỗi đứng đầy ngoài hành lang. Trong buổi họp 16/7/2007 chưa xong. Buổi họp 23/7/2007, hình ảnh và ý nghĩa cao cả của bức ảnh “Vá Cờ” cùng với hỗ trợ của cư dân Canada đã đem lại hy vọng thành công, nhưng ông Thị Trưởng hẹn lại kỳ họp tới. Buổi họp ngày 27/8/2007, kết quả bỏ phiếu 5 thuận và 1 chống với những tràng pháo tay kéo dài. Và ngày 30/8/2007, quốc kỳ Việt Nam chúng ta đã phất phới trên đỉnh cột cờ như đã phất phới trên đó từ 23 năm qua. (trích bài của Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích. Và hoàn chỉnh lại sau khi tiếp xúc trực tiếp với anh chị Trần Nam ở Calgary, Canada).

    Thứ hai. Ngày 17 tháng 5 năm 2004, quốc kỳ Việt Nam chúng ta đã được cắm trên đỉnh Everest dãy Hy Mã Lạp Sơn. Đây là đỉnh núi cao nhất thế giới (8.848 thước), cũng là nơi mà nhiều người trên thế giới mong muốn thực hiện cuộc hành trình gian khổ để chinh phục đỉnh núi nổi tiếng này.

    Qua địa chỉ , tóm lược bài viết trong tờ Thời Báo số 117 ngày 25/6/2004 ở Portland, Oregon: Kiến trúc sư Huỳnh Lương Vinh quen biết với ông Craig Van Hoy, 46 tuổi. Ông có vợ người Lào tên Malysone. Có thể do mối liên hệ với quê hương bên vợ mà ông Craig dễ thông cảm với các dân tộc trên bán đảo Đông Dương, cùng trong hoàn cảnh bị chế độ cộng sản độc tài cai trị. Nhận ra tình cảm đó, ông Huỳnh Lương Vinh tâm sự với ông Craig về những thành công ngoạn mục của Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn tại Hoa Kỳ, về cuộc vận động các địa phương chánh thức công nhận quốc kỳ Việt Nam. Kỹ sư Vinh mong muốn ông Craig, với tư cách Trưởng Đoàn chinh phục đỉnh núi Everest, cắm lá quốc kỳ Việt Nam trên đỉnh núi.

    Ông Craig vui vẻ chấp nhận và ông nói thêm rằng: Ông cắm quốc kỳ này trên đỉnh Everest, không chỉ dành riêng cho ông Huỳnh Lương Vinh và Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn trên thế giới, mà ông còn dành danh dự này cho hơn 80 triệu dân trên đất nước Việt Nam nữa. Trong đoàn leo núi này, ngoài ông Craig Van Hoy, còn có 1 người Đài Loan và 4 người Hoa Kỳ. Ông Craig Van Hoy đã thực hiện lời ông đã hứa với Kiến trúc sư Huỳnh Lương Vinh, và ông mang về cho ông Vinh tấm hình ông chụp lá quốc kỳ Việt Nam trên đỉnh Everest để chứng minh lời hứa đó.


    Thứ ba. “Ngày Giới Trẻ Quốc Tế lần thứ 23” tổ chức tại Sydney, Australia, từ ngày 15 đến 20 tháng 7 năm 2008. Trong tổng số giới trẻ tín đồ Thiên Chúa tham dự đại hội có 100.000 người là bản xứ, 125.000 người từ khắp nơi trên thế giới đến, trong số đó có 15.000 người -kể cả người Mỹ gốc Việt- từ Hoa Kỳ đến, và khoảng 600 người trẻ đến từ Việt Nam.
    Ngày 17/7/2008, trong lúc trên du thuyền gần Cầu Hải Cảng và Nhà Hát Con Sò, thanh niên Phạm Vũ Anh Dũng đã kể chuyện với Đức Giáo Hoàng về cuộc sống của gia đình anh trong Cộng Đồng tị nạn cộng sản, nhân đó anh dâng dãi quốc kỳ lên Đức Giáo Hoàng. Ngài liền ban phép lành và tự choàng lên cổ. Tấm hình lịch sử này được chiếu trên đài truyền hình Australia.
    Ngày 20/7/2008, trong Thánh Lể bế mạc Đại Hội, Cộng Đồng tị nạn đã thành công cao hơn dự tưởng, vì không một lá cờ đỏ nào của cộng sản Việt Nam xuất hiện trong khi rừng cờ vàng rực rỡ giữa rừng người dự lễ mà cơ quan truyền thông Australia ước lượng khoảng 500.000 người.
    Tờ Sydney Morning Herald phát hành ngày 21/7/2008, trong bài viết ngắn “A Flag For Freedom” (Lá Cờ Cho Tự Do) được ông Trần Hưng Việt tại Brisbane, Queensland, Australia, dịch sang Việt ngữ, như sau: “Cuộc chiến có thể đã chấm dứt, nhưng đối với nhiều người trong Cộng Đồng người Việt ở Sydney thì không. Quốc kỳ của Nam Việt Nam là biểu tượng được trông thấy rõ ràng nhất giữa rừng quốc kỳ và các biểu ngữ về tôn giáo trong buổi Thánh Lễ của Đức Giáo Hoàng, mặc dù đó là một biểu tượng không có quốc gia và bị cấm ở nơi chốn nguyên thủy của nó. Đây là quốc kỳ của nước Việt Nam Tự Do.....”.


    Đúng như tờ Sydney Morning, vì đến nay là năm thứ 37 mà quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ không được phất phới trên bầu trời Tổ Quốc, nhưng lá quốc kỳ này được phất phới trong các cuộc diễn hành trên đường phố của Washington DC, New York, Ottawa, Toronto, Vancouver, Paris, Frankfurt, Berlin, Tokyo, Canberra, Sydney, Brisbane, Melbourne, và phất phới trên nhiều đỉnh cột cờ trong bầu trời dân chủ tự do Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Australia, .... , và trong trái tim mỗi Người Việt Nam Tị Nạn Cộng Sản trên khắp thế giới, nhất là với “Những Người Lính năm xưa”. Lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ là lá cờ truyền thống, là biểu tượng dân chủ tự do, là ánh đuốc soi đường cho cuộc chiến hôm nay, góp phần giành lại quyến sống cho 90 triệu đồng bào trên quê hương Việt Nam ngày mai./.
    Houston, 18/11/2012
    Last edited by khongquan2; 12-14-2012, 04:29 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X